Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 12 - Đề bà đạt đa

20/06/201111:44(Xem: 6551)
Phẩm 12 - Đề bà đạt đa

PHÁP HOA KINH THÂM NGHĨA ĐỀ CƯƠNG
Hoà thượng Thích Từ Thông
Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh 2001

Phẩm 12: ĐỀ-BÀ-ĐẠT-ĐA

Lúc bấy giờ Phật bảo các Bồ-Tát và bốn chúng: trong quá khứ vô lượng kiếp, ta đã tìm cầu kinh Pháp Hoa không hề biếng trễ. Nhiều kiếp tu thường làm vua phát nguyện cầu đạo Bồ-đề lòng không thối chuyển vì muốn đầy đủ 6 pháp Ba-la-mật, ta siêng làm việc bố thí lòng không luyến tiếc một vật gì, dù đó là tiền bạc,châu báu, đất đai, vợ con, tôi tớ hay thân thể của ta. Vì lòng mến chánh pháp, ta nhường ngôi cho Thái tử và truyền rao trong dân chúng, rằng ai nói được pháp Đại Thừa cho ta nghe, ta sẽ trọn đời hiến thân làm tôi tớ hầu hạ.

Bấy giờ có vị Tiên, nhận tuyên nói kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, nếu nhà vua không trái ý ông. Vua chịu theo và hầu hạ vị Tiên làm đủ mọi việc, trải một ngàn năm hết lòng siêng năng vì trọng pháp.

Phật nói tiếp: Nhà vua thuở ấy nay là ta, còn vị Tiên nay là Đề-Bà Đạt-Đa đấy. Ta nay thành Phật là nhờ vị thiện tri thức đó. Trong vô lượng kiếp về sau, Đề-bà Đạt-đa sẽ thành Phật hiệu là Thiên Vương, nước của Phật là Thiên Đạo. Phật Thiên Vương trụ ở đời 20 trung kiếp, hằng hà chúng sanh nhờ pháp nhiệm mầu của Phật mà được quả A-la-hán, quả Bích-chi-Phật và phát tâm Vô Thượng Bồ Đề được Vô-sanh pháp nhẫn đến bậc bất-thối-chuỷên.

Sau khi Phật Thiên Vương nhật Niết Bàn, chánh pháp trụ ở đơi 20 trung kiếp. Nhờ cúng dường tháp bảy báu đựng toàn thân Xá lợi của Phật Thiên Vương mà chúng sanh được quả A-la-hán, Bích-chi Phật và phát tâm Vô thượng Bồ đề.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Trong vị lai thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe phẩm Đề-bà Đạt-đa mà sanh lòng trong sáng, kính tin không nghi ngờ thì những thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy không đoạ vào ba đường ác, được sanh nơi các nước Phật và chỗ người đó sanh thường được nghe Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Nếu sanh vào cõi nhân thiên thì hưởng sự vui sướng tột cùng. Nếu sanh ở trước mặt Phật thì từ hoa sen hoá sanh.

Lúc bấy giờ Bồ-tát Trí-Tích thị giả của Phật Đa Bảo bạch xin phép Phật Đa Bảo trở về nước. Đức Phật Thích Ca mới bảo Bồ-tát Trí-tích: Thiện nam tử! hãy chờ giây lát ở đây có Bồ-tát Văn Thù và ông cùng Văn Thù có thể cùng nhau ra mắt mà luận nói pháp mầu, xong rồi sẽ về.

Lúc bấy giờ Bồ-tát Văn Thù và các bồ tát tùy tùng ngồi trên hoa sen lớn từ nơi cung rồng Ta-kiệt-la trong biển lớn vọt lên trụ trong hư không, đến núi Linh-thứu từ hoa sen bước xuống làm lễ đức Phật Đa Bảo và Phật Thích Ca. Kế đến hỏi thăm Bồ tát Trí-tích rồi quay qua một bên.

Bồ-tát Trí-tích hỏi bồtát Văn Thù: “ Ngài qua cung rồng hoá độ được bao nhiêu chúng sanh?” Bồ-tát Văn Thù đáp: “Vô Lượng. Trong giây lát Ngài sẽ tự chứng biết.”

Văn Thù nói chưa dứt lời, vô số Bồ-tát ngồi hoa sen từ bỉên vọt lên, đến núi Linh-thứu, trụ trong hư không. Tất cả đều do Bồ tát Văn Thù hoá độ.

Bồ-tát Trí-tích thấy vậy bèn nói một bài kệ tán thán:

Đức của Đại-trí thật mạnh mẽ

Hoá độ được vô lượng chúng sanh

Nay trong đại hội nầy

Tất cả nhận thấy rõ

Đại trí nói nghĩa “ Thật-tướng”

Mở bày pháp “ Nhất-thừa”

Rộng độ các chúng sanh

Khiến mau thành Chánh-giác

Bồ-tát Đại Trí Văn Thù nói: Ở biển tô thường tuyên dạy Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Bồ-tát Trí-tích hỏi: Kinh nầy rất thâm diệu. Vậy có chúng sanh nào siêng tu theo kinh nầy mà mau thành Phật không? Bồ tát Văn Thù đáp: Có con gái của Long Vương mới lên tám tuổi mà đầy đủ trí-đức, trong khoảnh khắc pháp Bồ đề tâm là được bất thối chuyển, biện-tài vô-ngại, từ bi rộng lớn, công đức đầy đủ, có khả năng đến quả Bồ Đề.

Bồ tát Trí-tích nói: Chính đức Phật Thích Ca còn phải trải qua vô lượng kiếp cần khổ chứa nhiều công đức làm những việc khó làm mới thành được đạo Bồ-đề, làm sao tin được chuyện Long Nữ trong chốc lát mà chứng thành Chánh giác. Luận đàm chưa dứt bỗng nhiên Long nữ hiện ra lễ Phật rồi đứng qua một bên nói bài kệ tán thán Pháp-thân, Báo-thân và Ứng-thân Phật và cho biết là nàng do đã nghe được nghĩa “thật tướng” của nền giáo lý “ nhất thừa” mà được chóng thành Bồ-đề đạo. Nhưng viện nầy chỉ có Phật mới chứng biết mà thôi.

Bấy giờ ông Xá-lợi-phất nói với Long Nữ: Thân gái nhơ-uế có năm điều chướng ngại: không được làm Phạm Thiên, Đế-Thích, Ma-Vương, Chuyển-luân-thánh-vương và Phật thì làm sao cô thành Phật được? Vả lại con đường Phật xa vời phải trải qua vô lượng kiếp cần khổ mới đi cùng mà cô nói tu không bao lâu là chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác làm sao tin được?

Long-nữ liền lấy một hạt châu hiến dâng cho đức Phật. Phật nhận.

Long-nữ hỏi Trí-tích: Tôi hiến châu, Thế-tôn nhận lấy, việc ấy có mau chăng?

- Mau. Trí-tích đáp!

- Ông hãy lấy sức thần của ông xem đây, tôi thành Phật còn mau hơn việc đó.

Toàn thể chúng hội liền thấy Long-nữ thoạt nhiên biến thành nam-tử, đủ hạnh Bồ-tát qua cõi Vô-cấu ở phương Nam, ngồi toà sen báu thành bậc Chánh đẳng Chánh giác.

Bồ-tát Trí-Tích và Văn Thù làm thinh.

THÂM NGHĨA

Phật nói Phẩm Đề-bà-đạt-đa như mở thêm một đại lộ trong hệ tư tưởng tối-thượng-thừa.

Kinh nói: “Nghe phẩm Đề-bà-đạt-đa mà kính tin không nghi hoặc thì người đó không đọa vào ba đường ác”.

Nhà vua ham cầu pháp Đại Thừa thuở xưa, nay là Phật Thích Ca.Tiên A-tư-đà trong quá khứ nay là Đề-bà-đạt-đa. Qua kinh sử Phật người ta biết nhiều về hành động thù nghịch của ông đối với Phật. Không những một hai đời mà còn lắm nhiều kiếp khác nữa. Ông tạo cơ mưu ám hại giết chết Phật, bày chước độc, phỉ báng thanh danh. Tiền thân Đề-bà-đạt-đa là người xấu, xan lẫn kinh pháp, trao đổi kinh pháp với giá quá đắt. Hiện tại ông là người ác manh tâm hãm hại Phật nhiều cách nhiều lần. Căn cứ vào hành động tội ác đối với giáo lý Phật thì Đề-bà-đạt-đa thuộc hạng người “ Nhất-xiển-đề” trong Phật pháp. Thế mà Phật thọ ký cho Đề-bà-đạt-đa sẽ thành Phật hiệu Thiên Vương Như Lai…

Thọ ký Đề-bà-đạt-đa thành Phật đồng nghĩa với thọ ký “nhất-xiển-đề” thành Phật rồi vậy. Đây là một “giáo điều” cấm kỵ ở các kinh điển bất-liễu-nghĩa trong hệ tư tưởng Tiểu Thừa. Đối với hệ tư tưởng liễu nghĩa của Đại Thừa thì đây là con đường khoát đạt mà vòi vọi đến tuyệt đỉnh của nền giáo lý “Diệu Pháp Liên Hoa”: “Tất cả mọi người là Phật”. Đây là tư tưởng đặc thù của kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa.

“Tất cả chúng sanh đều có thân tướng, có phước tướng, có trí tuệ Phật” (nhất thiết chúng sanh cụ hữu trí tuệ Như Lai đức tướng) được Phật long trọng tuyên cáo ở thời Kinh Hoa Nghiêm mà đến thời Kinh Pháp Hoa này đức Phật mới tóm kết “ bài pháp” dài gần 49 năm thuyết giáo của mình. Toàn bộ tư tưởng giáo lý Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa là “kết luận” cuối cùng của thời pháp mấy mươi năm.

Nghe phẫm “Đề-bà-đạt-đa” mà kính tin không nghi có nghĩa là mình tin Phật tánh mình, tin khả năng hoán cải của tâm mình và tin khả năng thành Phật của mình. Đã có được đức tin như thế, sớm muộn gì rồi cũng tu hành phát triễn cái vốn liếng ấy, rồi cũng có ngày thành Phật. Đã biết mình có bảo châu trong túi áo thì ai dại gì để mình lang thang đói khổ suốt đời.

“ Nhất xiển đề” mà còn được thành Phật hà huống Phật tử chúng ta không phải là hạng người “ nhất xiển đề”.

Nghe phẩm “Đề-bà-đạt-đa” kính tin thì được phước lớn không đoạ vào ba đường ác là do ở chỗ mình tin mình và mình không khinh mình vậy.

Đã là cuộc đời luôn luôn có mâu thuẫn, luôn luôn có mầm đối lập dù trong một cuộc đời, một thể thống nhất. Ngoại cảnh hay tự thân đều cùng chung một qui luật ấy. Có thiện thì có ác, có tốt thì có xấu. Đó là chân lý tất yếu của cuộc đời. Phật thuật chuyện Bồ-đề-đạt-đa xấu với Phật trong quá khứ, ác với Phật trong hiện tại nhằm nhắc cho hàng Phật tử chúng ta về qui luật tất yếu tất nhiên đó. Đừng nghĩ rằng mình thiện thì luôn luôn có cái thiện điều tốt nó đáp lại ngay cho mình và đừng có cái xấu việc không may, người không lành đến với mình. Vấn đề “Nhân Quả” trong đạo Phật không phải quá giản đơn như người ta tưởng, mà nó vận hành theo nhịp độ thời gian làm cho nhân quả khác thời, khác giống và không khư khư cố định. Ta đang chăm sóc cánh đồn lúa rất tốt nhưng có khi phải ăn khoai ăn bắp mà làm công việc đó. Có người hiện tiền thụ hưởng mỹ vị cao lương, lụa là nhung gấm, ai có ngờ mấy năm sau họ trở thành người bần hàn cơ cực.

Có lửa cao mới biết tủôia vàng, có chở nặng mới biết sức mạnh của con long tượng. Có kẻ ác như Đề-bà-đạt-đa thì sức tinh tấn Phật trong quá khứ, sức nhẫn nhục của Phật ở hiện tại mới thành tựu đến đỉnh cao: “ Ba-la-mật”. Nếu người biết học đạo, kẻ ác cũng có thể là thầy ta được. Ta sẽ học với họ cái mà ta vĩnh viễn phải chừa.

Danh hiệu của một bồ tát là một biểu trưng, một sự thể hiện đạo đức và hành vi của Bồ tát ấy. Danh nói lên cái hạnh. Đại Trí Văn Thù biểu trưng “ căn bản trí”, thứ trí tiếp tục chân lý thể nhập thật tướng một cách vô ngại tự tại. Trí-Tích biểu trưng thứ trí “hậu đắc” đối với thật tướng chưa thể thoải mái tiếp thu. Vì vậy, với giáo lý Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, ngồi nghe không phấn khởi, không có gì tâm đắc cho nên thỉnh cầu đức Phật Đa Bảo hãy trở về nước cũ. Trái lại, Đại Trí Văn Thù thì tâm đắc Diệu Pháp Liên Hoa cho nên thường tuyên giảng cho chúng sanh ở Long cung.

Qua sự kiện đó, ta thấy kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa là kinh tối thượng tối tôn, nhưng không phải quí với mọi hạng Bồ-tát trên cõi đời. Có người ham thích mà cũng có người không thể nghe, không thể hiểu và không thể chấp nhận.

Biển cả mênh mông bão to sóng lớn mà có thuyền tàu chắc chắn, có thuỷ thủ tài ba thì vẫn có thể cứu vớt được những ai lâm nguy đắm chìm trong đó. Chúng sanh dù chìm lặng trong sông ái bể mê, mà được Đại Trí Văn Thù giáo hoá cho, cầm lèo bẻ lái cho thì sóng gió vô minh không nhận chìm được mà còn có được toà sen báu để ngồi. Lại còn có khả năng vọt lên không trung để vượt khỏi những trần tục nhiễm ô dính mắc. Thành quả to lớn do sự hướng dẫn của Đại Trí Văn Thù vẫn còn chưa hết. Tất cả Bồ Tát ngồi trên toà sen lại còn thẳng lên núi Linh-thứu đến chỗ Phật, có nghĩa là nhờ có Đại Trí Văn Thù mà đưa con người từ biển mê vượt lên núi giác và ở đây không những diện kiến được Phật hiện tại là Phật Thích Ca Mâu Ni mà còn được ra mắt Phật Đa Bảo Như Lai vô lượng kiếp xa xưa trong quá khứ.

Đa Bảo Như Lai biểu trung Pháp-thân Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật biểu trưng cho ứng thân Phật.

“Đại Trí” là yếu tố căn bản để vượt ra biển khổ Ta-Bà, “Đại Trí” cần cho những ai muốn gặp Phật. “Đại Trí” là hướng dẫn lên tận đỉnh cao của giải thoát giác ngộ. Nhờ “Đại Trí” mà gặp được Phật quá khứ. Nhờ “Đại Trí” mà có cơ hội ra mắt Phật Hiện Tại. Nhờ “Đại Trí” mà hội ngộ vô số Phật Vị Lai.

Phật tánh vốn bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, không có giai cấp trong chủng tộc, không có hạn cuộc trong lứa tuổi, không có phân biệt trong giới tính nam nữ, thậm chí trong hạng người mà người ta cho là còn phần nào về “súc sanh tính”; Người mà ngừơi ta có thể quan niệm không mấy đẹp đẽ, thông minh như nàng Long nữ (rồng cái). Thế nhưng nếu có ý chí chịu học hỏi, ham tu tập theo sự hướng dẫn của “Đại Trí” thì vẫn có khả năng chuyển biến tiến và cuối cùng vẫn thành Phật.

Câu chuyện Long nữ tám tuổi thành Phật, đức Phật dạy cho Phật-tử chúng ta về chân lý Phật tánh bình đẳng đó.

Cuộc đối thoại giữa ông Xá-lợi-phất và Long nữ về “ người nữ có 5 điều trở ngại... không được thành Phật…”. Ông Xá-lợi-phất nói đúng, biết đúng chớ chẳng phải sai. Nhưng cái thấy biết đó là cái thấy biết của ngừơi căn cơ chủng tánh Nhị Thừa, được học thuộc qua những kinh điển phương tiện bất liễu nghĩa.

Sự thành Phật mau chóng của Long nữ ở thế giới Vô-cấu là một chứng minh cho nền giáo lý Đại Thừa nữ nam bình đẳng và phủ định quyết liệt về cái thuyết “người nữ có 5 điều chướng ngại...” của nguồn tư tưởng “sách lược” ở kinh điển Tiểu thừa.

Tuy nhiên, thực tế khách quan mà nói, đa số phái nam chất cương nghị quả cảm, lý trí nhiều và mạnh bạo hơn phái nữ. Cho nên gọi “chuyển nữ thành nam” có nghĩa là trước khi thành bậc đại giác ngộ cần có chất liệu của một “ nam nhân”. Được vậy, để có thái độ dứt khoát giữa hai con đường tình cảm và lý trí, vô minh và giác ngộ, triền phược và giải thoát. Còn cái nam căn hay cái nữ căn không phải yếu tố quan trọng cản trở sự giải thoát giác ngộ đối với một vị Phật.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567