Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 7: Tương Quan Xa Xưa

21/05/201115:39(Xem: 10524)
Phẩm 7: Tương Quan Xa Xưa

KINH PHÁP HOA
(Hoa Sen Của Chánh Pháp)
Phần CHÍNH VĂN – Thích Trí Quang dịch

Cuốn ba

Phẩm 7:Tương Quan Xa Xưa

Đức Thế Tôn bảo chư vị Tỷ kheo, trong thì quá khứ, cách nay cực nhiều thời kỳ vô số, bấy giờ có đức Phật danh hiệu Đại Thông Trí Thắng, bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp, bậc Hoàn hảo sự sáng, bậc Khéo qua niết bàn, bậc Lý giải vũ trụ, bậc Không ai trên nữa, bậc Thuần hóa mọi người, bậc Thầy cả trời người, bậc Tuệ giác hoàn toàn: bậc Tôn cao nhất đời. Quốc độ của ngài tên là Hảo thành, thời kỳ của ngài tên là Đại tướng. Chư vị tỷ kheo, ngài nhập diệt cách nay cực kỳ lâu xa. Ví như đất của cả đại thiên thế giới này, giả thiết có người mài ra làm mực, rồi đi qua hết một ngàn quốc độ ở về hướng đông mới chấm một chấm chỉ lớn bằng hạt bụi nhỏ, lại đi qua hết một ngàn quốc độ nữa mới chấm một chấm nữa. Triển chuyển như vậy, chấm hết số mực đã mài hết số đất của cả đại thiên thế giới, thì ý chư vị nghĩ thế nào, bao nhiêu quốc độ mà người ấy đi qua, giáo sư toán học hay học trò của họ có thể tìm thấy giới hạn để biết được số lượng hay không? Không, bạch đức Thế Tôn. Chư vị tỷ kheo, lại giả thiết rằng bao nhiêu quốc độ mà người ấy đi qua, chấm hay không chấm, đều đem nghiền ra làm bụi, mỗi hạt bụi giả thiết là một thời kỳ, thì đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà nhập diệt đến nay còn lâu hơn số ấy đến cực nhiều thời kỳ vô số. Vậy mà Như Lai đem sức mạnh sự thấy biết của Phật nhìn lại sự nhập diệt lâu xa ấy thì thấy như thể mới xảy ra ngày hôm nay. Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(1) Như Lai nhớ lại

trong thì quá khứ

vô lượng vô biên

thời kỳ vô số,

có đức Phật đà

bậc đủ phước tuệ,

danh hiệu ngài là

Đại Thông Trí Thắng.

(2) Ví như có người

tận lực mài hết

đất cõi đại thiên

thành ra mực cả,

rồi đi qua hết

một ngàn quốc độ

mới chấm một chấm

lớn bằng hạt bụi.

(3- Chấm lần cho đến

5) hết sạch mực ấy.

Rồi bao quốc độ

người ấy đi qua

chấm hay không chấm

đều nghiền thành bụi,

mỗi một hạt bụi

là một thời kỳ.

Nhưng mà so sánh

với sốá bụi ấy,

số thời kỳ này

lại còn nhiều hơn.

(6- Trí Thắng Phật đà

7) nhập diệt đến nay

thời kỳ vô lượng

đến như thế ấy.

Vậy mà Như Lai

đem trí vô ngại

biết đức Phật ấy

trước khi thành đạo

đến lúc nhập diệt,

biết cả đệ tử

thanh văn bồ tát,

thấy ngài nhập diệt

rõ như sự ấy

mới xảy hôm nay.

Chư vị tỷ kheo,

nên biết tuệ giác

của Phật Như Lai

trong suốt, tinh túy,

không còn sai sót

không bị ngăn chặn,

thấu suốt thời kỳ

vô biên vô lượng.

Đức Thế Tôn lại bảo, chư vị tỷ kheo, đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà sống lâu cực nhiều trăm triệu thời kỳ. Khi ngài ngồi nơi bồ đề tràng, phá tan quân đội ma vương rồi, sắp được tuệ giác vô thượng của chư Phật, nhưng các pháp của tuệ giác chư Phật ấy vẫn chưa hiện ra như ở trước mắt. Như vậy hết một cho đến mười thời kỳ bậc nhỏ, ngài ngồi xếp bằng, thân thể và tâm trí đều không dao động, nhưng các pháp của tuệ giác chư Phật vẫn chưa hiện ra. Bấy giờ chư thiên Đao lợi sắp trước cho ngài, ở dưới cây bồ đề, một tòa sư tử cao đến một do tuần. Ngài sẽ thực hiện tuệ giác vô thượng của chư Phật ở trên tòa sư tử ấy. Khi ngài mới ngồi trên tòa sư tử thì Phạn vương rưới xuống hoa của chư thiên, khắp diện tích một trăm do tuần. Gió thơm thỉnh thoảng lướt đến thổi hoa héo đi, và Phạn vương rưới thay hoa mới. Liên tục như vậy, suốt mười thời kỳ bậc nhỏ, Phạn vương hiến cúng đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà, và từ đó cho đến lúc ngài nhập diệt, vẫn thường xuyên rưới hoa hiến cúng như thế. Còn bốn vị Thiên vương thì thường xuyên đánh trống chư thiên, và chư thiên khác thì tấu các nhạc khí khác của chư thiên, hiến cúng đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà trọn mười thời kỳ bậc nhỏ, và từ đó liên tục cho đến khi ngài nhập diệt, y như việc rưới hoa. Chư vị tỷ kheo, đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà qua mười thời kỳ bậc nhỏ rồi các pháp của tuệ giác chư Phật mới hiện ra như ởû trước mắt, và ngài hoàn thành tuệ giác vô thượng ấy.

*

Đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà, khi chưa xuất gia, đã có mười sáu vương tử mà người đứng đầu tên là Trí Tích. Những vương tử này ai cũng có đủ thứ đồ thưởng ngoạn quí và lạ, nhưng nghe thân phụ hoàn thành tuệ giác vô thượng thì cùng bỏ hết những thứù mình quí, đi đến chỗ ngài. Các bà mẹ khóc, đi theo mà tiễn. Vị luân vương tổ phụ của họ thì có một trăm đại thần và trăm ngàn vạn ức dân chúng bao quanh, cũng theo mà đến bồ đề tràng. Ai cũng muốn đến gần đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà mà hiến cúng, cung kính, tôn trọng và tán dương. Khi đến, ai cũng đem đầu mặt lạy ngang chân ngài, đi vòng quanh ngài, rồi chuyên chú chắp tay mà chiêm ngưỡng, và nói những lời chỉnh cú sau đây mà ca tụng.

(8- Thế Tôn uy đức

9) vô cùng cao cả,

vì muốn hóa độ

các loại chúng sinh,

nên ngài trải qua

vô số thời kỳ

mới được trở thành

một đức Phật đà,

bao nhiêu đại nguyện

đều trọn vẹn cả:

lành thay là đấng

Cát tường tối thượng!

(10) Thế Tôn là bậc

cực kỳ hiếm có,

một lần ngồi xuống

mà đã trải qua

hết cả mười lần

thời kỳ bậc nhỏ,

thân thể tay chân

lặng yên bất động,

tâm trí thanh tịnh

chưa từng xao lãng,

tuyệt đối vắng bặt

cực kỳ thuần khiết.

(11) Chúng con ngày nay

thấy đức Thế Tôn

yên ổn hoàn thành

tuệ giác chư Phật,

là chúng con được

lợi ích tốt lành,

cho nên khen mừng

lòng rất hoan hỷ.

(12) Các loại chúng sinh

thường xuyên khổ não,

quá ư mù mờ

không thầy dắt dẫn,

không hề biết được

con đường hết khổ,

cũng không tự biết

mong cầu giải thoát.

(13) Trong các loài dữ

thì tăng lên mãi

còn trên chư thiên

ngày càng giảm bớt,

từ chỗã tối tăm

vào chỗ tối tăm,

lâu xa mãi hoài

không nghe danh Phật.

(14) Ngày nay Thế Tôn

đạt được tuệ giác

tối thượng, yên ổn,

không còn sai sót,

chúng con cùng với

chư thiên nhân loại

vì được ích lợi

siêu việt lớn lao

cho nên cùng nhau

cúi đầu kính lạy,

tánh mạng quay về

nơi đấng Vô thượng.

Mười sáu vương tử lúc ấy nói những lời chỉnh cú ca tụng đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà rồi, khuyến thỉnh ngài chuyển đẩy bánh xe chánh pháp.

Ai cũng nói rằng đức Thế Tôn thuyết pháp thì đem lại rất nhiều yên ổn; xin ngài thương xót và ích lợi cho chư thiên, nhân loại. Các vương tử lại nói những lời chỉnh cú sau đây.

(15) Thưa đấng Thế hùng

đấng Không ai bằng,

tự trang hoàng mình

bằng trăm phước đức!

Ngài đã thực hiện

tuệ giác vô thượng,

xin nói cho đời

về tuệ giác ấy.

(16) Xin cứu chúng con

và bao chúng sinh!

Xin phô bày ra

tuệ giác của ngài,

làm cho chúng con

cùng thực hiện được.

Chúng con nếu được

trở thành Phật đà

thì các chúng sinh

cũng được như vậy.

(17) Thế Tôn biết rõ

tất cả quan niệm,

đường lối, trí tuệ,

thị hiếu, phước đức,

hành vi đời trước...

của bao chúng sinh.

Ngài đã thấy biết

tỏ rõ tất cả,

xin hãy chuyển đẩy

pháp luân tối thượng!

Khi ấy đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà yên lặng hứa nhận lời thỉnh cầu ấy.

Đức Thế Tôn lại bảo, chư vị tỷ kheo, khi đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà hoàn thành tuệ giác vô thựơng thì khắp mười khu vức, mỗi khu vức có năm trăm vạn ức cõi Phật đều chấn động đủ hết sáu cách. Những chỗ tối tăm giữa các cõi Phật ấy, ánh sáng sáng nhất của mặt trời mặt trăng không thể soi đến, khi ấy cũng rất sáng tỏ. Chúng sinh trong những chỗ ấy cùng được thấy nhau, và cùng thốt lên: sao lại có chúng sinh khác xuất hiện ở đây! Trong các cõi Phật nói trên, cung điện chư thiên, từ dưới lên đến Phạn thiên, cũng chấn động đủ cả sáu cách, và được chiếu soi bằng ánh sáng vĩ đại, sáng tỏa khắp cả và sáng hơn ánh sáng của chư thiên ấy. Bao nhiêu cung điện Phạn thiên khắp trong năm trăm vạn ức cõi Phật thuộc khu vức chính đông đều sáng lên rực rỡ, gấp đôi ngày thường. Các vị Phạn vương đều nghĩ rằng, cung điện chúng ta hôm nay sáng lên một cách trước đây chưa bao giờ có; vì lý do nào mà có cảnh tượng này? Các vị Phạn vương liền đến suy luận với nhau về sự thể ấy. Trong chúng Phạn vương này có Đại phạn vương tên là Cứu nhất Thế, nói với cả chúng lời chỉnh cú sau đây.

(18- Cung điện chúng ta

20) sáng hơn trước đây;

vì lý do gì?

hãy cùng tìm hiểu:

một vị thiên nhân

phước lớn mới sinh?

hay một đức Phật

xuất hiện thế gian,

mà ánh sáng này

chiếu rực khắp cả?

Bấy giờ các vị Phạn vương của năm trăm vạn ức cõi Phật khu vức chính đông, với cung điện theo mình, với túi vải đựng đầy hoa chư thiên, cùng nhau đi về khu vức chính tây, lần theo ánh sáng mà tìm, thấy đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà ngồi trên tòa sư tử dưới cây bồ đề trong bồ đề tràng, có tám bộ và các chúng khác thuộc loài người và không phải loài người, tôn kính bao quanh. Lại thấy mười sáu vị vương tử đang thỉnh cầu ngài chuyển đẩy bánh xe chánh pháp. Các vị Phạn vương tức thì đem đầu mặt lạy ngang chân đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà, đi quanh ngàøi hàng trăm hàng ngàn vòng, rồi đem hoa chư thiên mà tung rải trên ngài. Hoa ấy như núi Tu di. Các vị Phạn vương cũng dùng hoa ấy mà hiến cúng cây bồ đề của ngài. Cây này cao đến mười do tuần. Hiến hoa rồi, các vị Phạn vương ai cũng đem cung điện của mình dâng lên đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà, thưa rằng, bạch đức Thế Tôn, xin ngài thương xót mà ích lợi cho chúng con, bằng các rủ lòng chấp nhận và sử dụng cung điện chúng con hiến cúng. Đối trước ngài, các vị Phạn vương nhất tâm, đồng thanh, đem lời chỉnh cú sau đây mà ca tụng.

(21) Thế Tôn hiếm có

rất khó gặp được !

Ngài đủ vô lượng

phẩm chất siêu việt,

và có năng lực

cứu hộ tất cả.

Là thầy cao cả

của cả trời người,

ngài thường thương tưởng

toàn thể thế gian,

mười phương chúng sinh

đều nhờ ích lợi.

(22) Tất cả chúng con

đến đây từ những

quốc độ nhiều đến

năm trăm vạn ức,

và cùng rời bỏ

cái vui thiền định

để được đến đây

hiến cúng Thế Tôn.

(23) Nhờ phước chúng con

làm từ đời trước

nên được cung điện

tráng lệ như vầy,

hôm nay chúng con

tôn kính hiến lên,

xin đức Thế Tôn

từ bi nạp thọ.

Các vị Phạn vương đem lời chỉnh cú ca tụng đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà rồi, vị nào cũng thưa, bạch đức Thế Tôn, xin ngài chuyển đẩy bánh xe chánh pháp: xin ngài giải thoát chúng sinh, xin ngài mở đường niết bàn. Các vị lại nhất tâm đồng thanh mà nói lời chỉnh cú này.

(24- Bạch đức Thế hùng

25) đủ cả phước tuệ!

xin ngài diễn giảng

chánh pháp tối thượng,

xin đem sức mạnh

của đại từ bi

cứu độ chúng sinh

đang bị khổ não.

Khi ấy đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà yên lặng hứa nhận lời thỉnh cầu ấy.

Chư vị tỷ kheo, các vị Phạn vương ở năm trăm vạn ức cõi Phật thuộc khu vức đông nam, ai cũng tự thấy cung điện của mình sáng rực lên một cách trước đây chưa bao giờ có, nên hoan hỷ, phấn chấn, thấy rất hy hữu, liền đến suy luận với nhau về sự thể ấy. Trong chúng Phạn vương này có vị Đại phạn vương tên là Đại Bi, nói vớùi cả chúng lời chỉnh cú sau đây.

(26) Vì lý do nào

mà có cảnh tượng

cung điện chúng ta

sáng hơn trước đây?

(27-Một vị thiên nhân

28) phước lớn mới sinh?

hay một đức Phật

xuất hiện thế gian?

(29) Trước đây chưa thấy

cảnh tượng như vầy,

nên hãy cùng nhau

nhất tâm mà tìm.

(30) Hãy cùng đi qua

vạn ức quốc độ,

lần theo ánh sáng

mà tìm xuất xứ.

Nhiều phần chắc chắn

đây là Phật đà

xuất hiện cứu độ

chúng sinh đau khổ.

Bấy giờ các vị Phạn vương của năm trăm vạn ức cõi Phật khu vức đông nam, với cung điện theo mình, với túi vải đựng đầy hoa chư thiên, cùng nhau đi về khu vức tây bắc, lần theo ánh sáng mà tìm, thấy đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà ngồi trên tòa sư tử dưới cây bồ đề trong bồ đề tràng, có tám bộ và các chúng khác thuộc loài người và không phải loài người, tôn kính bao quanh. Lại thấy mười sáu vị vương tử đang thỉnh cầu ngài chuyển đẩy bánh xe chánh pháp. Các vị Phạn vương tức thì đem đầu mặt lạy ngang chân đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà, đi quanh ngài hàng trăm hàng ngàn vòng, rồi đem hoa chư thiên mà tung rải trên ngài. Hoa ấy như núi Tu di. Các vị Phạn vương cũng dùng hoa ấy mà hiến cúng cây bồ đề của ngài. Hiến hoa rồi, các vị Phạn vương ai cũng đem cung điện của mình dâng lên đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà, thưa rằng, bạch đức Thế Tôn, xin ngài thương xót mà ích lợi cho chúng con, bằng cách rủ lòng chấp nhận và sử dụng cung điện chúng con hiến cúng. Đối trước ngài, các vị Phạn vương nhất tâm, đồng thanh, đem lời chỉnh cú sau đây mà ca tụng.

(31) Vị chúa thánh triết,

vị vua chư thiên,

tiếng như tiếng chim

ca lăng tần dà!

Vị thầy thương tưởng

hết thảy chúng sinh!

Hôm nay chúng con

xin cùng kính lạy.

(32-Chư Phật Thế Tôn

33) rất là hiếm có,

thì gian lâu xa

mới hiện một lần.

Đã qua một trăm

tám chục thời kỳ,

cõi này trống rỗng

không có Phật nào;

ba nẻo đường dữ

thì tràn đầy cả,

còn chúng chư thiên

ngày càng giảm bớt.

(34) Ngày nay ngài đã

xuất hiện ra đây!

Ngài là mắt sáng

cho các chúng sinh,

là nơi thế gian

cùng đến nương tựa,

là người cứu vớt

che chở hết thảy,

là từ bi phụ

của cả chúng sinh,

là người xót thương

ích lợi tất cả!

Tất cả chúng con

nhờ phước đời trước,

ngày nay mới được

gặp ngài xuất hiện!

Các vị Phạn vương đem lời chỉnh cú ca tụng đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà rồi, vị nào cũng thưa, bạch đức Thế Tôn, xin ngài thương tưởng tất cả, chuyển đẩy bánh xe chánh pháp mà hóa độ chúng sinh. Các vị lại nhất tâm đồng thanh mà nói lời chỉnh cú này.

(35) Bạch đức Cao cả!

xin ngài chuyển đẩy

bánh xe chánh pháp,

xin ngài phát lộ

thật tướng siêu việt

của tất cả pháp,

cứu độ hết thảy

chúng sinh đau khổ,

cho họ cùng được

niềm vui lớn lao!

(36) Xin cho chúng sinh

được nghe pháp ấy,

để được tuệ giác

hoặc sinh chư thiên,

để bớt nẻo dữ

và thêm người lành.

Khi ấy đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà yên lặng hứa nhận lời thỉnh cầu ấy.

Chư vị tỷ kheo, các vị Phạn vương ở năm trăm vạn ức cõi Phật thuộc khu vức chính nam, ai cũng tự thấy cung điện của mình sáng rực lên một cách trước đây chưa bao giờ có, nên hoan hỷ, phấn chấn, thấy rất hy hữu, liền đến suy luận với nhau về sự thể ấy, rằng vì lý do nào mà cung điện chúng ta có ánh sáng rực rỡ như vầy? Trong chúng Phạn vương này có vị Đại phạn vương tên là Diệu Pháp, nói với cả chúng lời chỉnh cú sau đây.

(37) Cung điện chúng ta

sáng quá rực rỡ,

tất có lý do,

cần nên tìm hiểu.

(38) Qua rồi hàng trăm

hàng ngàn thời kỳ,

mà chưa hề thấy

cảnh tượng như vầy.

Một vị thiên nhân

phước lớn mới sinh?

hay một đức Phật

xuất hiện thế gian?

Bấy giờ các vị Phạn vương của năm trăm vạn ức cõi Phật khu vức chính nam, với cung điện theo mình, với túi vải đựng đầy hoa chư thiên, cùng nhau đi về khu vức chính bắc, lần theo ánh sáng mà tìm, thấy đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà ngồi trên tòa sư tử dưới cây bồ đề trong bồ đề tràng, có tám bộ và các chúng khác thuộc loài người và không phải loài người, tôn kính bao quanh. Lại thấy mười sáu vị vương tử đang thỉnh cầu ngài chuyển đẩy bánh xe chánh pháp. Các vị Phạn vương tức thì đem đầu mặt lạy ngang chân đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà, đi quanh ngài hàng trăm hàng ngàn vòng, rồi đem hoa chư thiên mà tung rải trên ngài. Hoa ấy như núi Tu di. Các vị Phạn vương cũng dùng hoa ấy mà hiến cúng cây bồ đề của ngài. Hiến hoa rồi, các vị Phạn vương ai cũng đem cung điện của mình dâng lên đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà, thưa rằng, bạch đức Thế Tôn, xin ngài thương xót mà ích lợi cho chúng con, bằng cách rủ lòng chấp nhận và sử dụng cung điện chúng con hiến cúng. Đối trước ngài, các vị Phạn vương nhất tâm, đồng thanh, đem lời chỉnh cú sau đây mà ca tụng.

(39) Thật là hiếm có

được thấy Thế Tôn,

đấng đã hủy diệt

mọi sự phiền nàõo!

Qua hết một trăm

ba mươi thời kỳ,

nay mới một lần

lại được thấy Phật.

(40) Biết bao chúng sinh

đã quá khao khát,

xin đổ mưa pháp

cho sung mãn cả!

Lâu rồi chúng con

chưa được nhìn thấy

đấng có tuệ giác

không có giới hạn;

như hoa ưu đàm,

ngày nay mới thấy!

(41) Bao nhiêu cung điện

của chúng con đây

nhờ ánh sáng ngài

mà càng tráng lệ,

xin ngài thương xót

nhận cho chúng con.

Các vị Phạn vương đem lời chỉnh cú ca tụng đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà rồi, vị nào cũng thưa, bạch đức Thế Tôn, xin ngài chuyển đẩy bánh xe chánh pháp để làm cho toàn thể thế gian bao gồm chư thiên, ma vương, phạn vương, sa môn, bà la môn, ai cũng được yên ổn, được giải thoát. Các vị lại nhất tâm đồng thanh mà nói lời chỉnh cú này.

(42) Đấng tôn cao nhất

chư thiên nhân loaị,

xin chuyển bánh xe

chánh pháp vô thượng!

xin gióng lớn lên

trống pháp vĩ đại!

xin thổi vang lên

loa pháp to lớn!

(43) Xin đổ khắp xuống

mưa pháp cao cả,

quảng độ vô lượng

các loại chúng sinh!

Cùng nhau kính lạy,

chúng con thỉnh cầu

Thế Tôn nói lên

tiếng nói sâu xa.

Khi ấy đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà yên lặng hứa nhận lời thỉnh cầu ấy.

Chư vị tỷ kheo, khu vức tây nam cho đến khu vức thiên để cũng đều như vậy. Và đến các vị Phạn vương ở năm trăm vạn ức cõi Phật thuộc khu vức thiên đỉnh, ai cũng tự thấy cung điện của mình đang ở sáng rực lên một cách trước đây chưa bao giờ có, nên hoan hỷ, phấn chấn, thấy rất hy hữu, liền đến suy luận với nhau về sự thể ấy, rằng vì lý do nào mà cung điện chúng ta có ánh sáng rực rỡ như vầy? Trong chúng Phạn vương ấy có vị Đại phạn vương tên là Thi Khí, nói với cả chúng lời chỉnh cú sau đây.

(44) Vì sao hôm nay

cung điện chúng ta

sáng lên lộng lẫy

huy hoàng khác thường?

(45) Cảnh tượng như vầy

chưa hề thấy nghe.

(46) Một vị thiên nhân

phước lớn mới sinh?

hay một đức Phật

xuất hiện thế gian?

Bấy giờ các vị Phạn vương của năm trăm vạn ức cõi Phật khu vức thiên đỉnh, với cung điện theo mình, với túi vải đựng đầy hoa chư thiên, cùng nhau đi về khu vức thiên để, lần theo ánh sáng mà tìm, thấy đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà ngồi trên tòa sư tử dưới cây bồ đề trong bồ đề tràng, có tám bộ và các chúng khác thuộc loài người và không phải loài người, tôn kính bao quanh. Lại thấy mười sáu vị vương tửû đang thỉnh cầu ngài chuyển đẩy bánh xe chánh pháp. Các vị Phạn vương tức thì đem đầu mặt lạy ngang chân đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà, đi quanh ngài hàng trăm hàng ngàn vòng, rồi đem hoa chư thiên mà tung rải trên ngài. Hoa ấy như núi Tu di. Các vị Phạn vương cũng dùng hoa ấy mà hiến cúng cây bồ đề của ngài. Hiến hoa rồi, các vị Phạn vương ai cũng đem cung điện của mình dâng lên đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà, thưa rằng, bạch đức Thế Tôn, xin ngài thương xót mà ích lợi cho chúng con, bằng cách rủ lòng chấp nhận và sử dụng cung điện chúng con hiến cúng. Đối trước ngài, các vị Phạn vương nhất tâm, đồng thanh, đem lời chỉnh cú sau đây mà ca tụng.

(47) Lành thay khi được

thấy đấng Toàn giác,

Thánh triết, Cứu đời,

đấng có năng lực

giải cứu chúng sinh

trong ngục ba cõi!

(48) Là Thầy trời người

thấy biết khắp cả,

ngài rất thương xót

bao loại chúng sinh!

Và ngài khai mởû

cửa ngỏ bất tử,

làm cho hết thảy

vượt đến bến bờ!

(49) Vô số thời kỳ

đã không có Phật!

Ngài chưa xuất hiện,

mười phương tối tăm:

(50) Ba nẻo đường dữ

mãi hoài thêm lên,

chủng loại tu la

cũng được phồn thịnh;

(51) còn chúng chư thiên

thì bị giảm bớt,

chết thì phần nhiều

rơi vào đường dữ,

vì đã không được

nghe Pháp với Phật,

thường thường hành động

những việc bất thiện.

(52) Sắc đẹp, sức khỏe,

cùng với trí tuệ,

tất cả thứ này

giảûm sút đồng đều.

Vì hành động ác

mà mất hạnh phúc,

lại mất đến cả

ý thức hạnh phúc.

(53) Vướng mắc khuôn phép

chủ thuyết tà ngụy,

nên không biết được

qui tắc tốt lành,

không được tiếp nhận

ân Phật giáo hóa,

thường bị rơi vào

các nẻo đường dữ.

(54) Nhưng nay thì ngài,

con mắt của đời,

đã xuất hiện ra

sau thì gian dài!

Nhưng nay thì ngài,

vì thương chúng sinh,

đã xuất hiện ra

giữa thế gian này!

(55) Ngài đã siêu việt,

đạt được tuệ giác

chính xác hoàn hảo:

chúng con rất mừng!

Và bao chúng sinh

ai cũng hoan hỷ

và tán dương ngài

là bậc hiếm có!

(56) Bao nhiêu cung điện

của chúng con đây

nhờ ánh sáng ngài

mà càng tráng lệ,

chúng con phụng hiến

lên đấng Thế Tôn,

xin ngài thương tưởng

mà nạp thọ cho.

(57) Chúng con nguyện đem

công đức như vầy

hiến khắp tất cả

các loại chúng sinh,

cầu cho chúng con

cùng với chúng sinh

đều được thành tựu

tuệ giác chư Phật.

Các vị Phạn vương đem lời chỉnh cú ca tụng đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà rồi, vị nào cũng thưa, bạch đức Thế Tôn, xin ngài chuyển đẩy bánh xe chánh pháp, đem lại rất nhiều sự yên ổn và rất nhiều sự giải thoát. Các vị lại nhất tâm đồng thanh mà nói lời chỉnh cú này.

(58) Kính xin Thế Tôn

chuyển bánh xe pháp!

Xin ngài gióng lên

trống pháp bất tử!

Xin ngài giải cứu

chúng sinh đau khổ,

và mở chỉ ra

đường hướng niết bàn!

(59) Xin ngài nhận lời

chúng con thỉnh cầu,

sử dụng âm thanh

cực kỳ mầu nhiệm,

thương xót chúng con

và bao chúng sinh,

nói ra cái pháp

mà ngài trải qua

vô số thời kỳ

mới tập hợp được!

*

Lúc bấy giờ đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà nhận lời thỉnh cầu của các vị Phạn vương ở khắp mười phương, và của mười sáu vị vương tử, tức thì chuyển đẩy bánh xe chánh pháp bốn chân lý, bằng cách ba lần chuyển đẩy với mười hai phương thức, mà sa môn, bà la môn, hoặc chư thiên, ma vương, phạn vương, hay bất cứ ai còn ở trong phạm vi thế gian, đều không thể chuyển đẩy. Rằng đây là khổ... đây là khổ tập hợp... đây là khổ tiêu diệt... đây là con đường đạt đến khổ tiêu diệt... Bốn chân lý như vậy lại được nói rộng ra thành mười hai duyên khởi: vô minh sinh thì hành sinh, hành sinh thì thức sinh, thức sinh thì danh sắc sinh, danh sắc sinh thì lục nhập sinh, lục nhập sinh thì xúc sinh, xúc sinh thì thọ sinh, thọ sinh thì ái sinh, ái sinh thì thủ sinh, thủ sinh thì hữu sinh, hữu sinh thì sinh sinh, sinh sinh thì già chết lo buồn khổ não sinh; vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì già chết lo buồn khổ não diệt.

Khi đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà ở giữa đại hội các chúng, trong đó có chư thiên và nhân loại, tuyên thuyết chánh pháp trên đây thì có vạn ức lần trăm triệu người, vì không tham đắm các pháp, nên đối với mọi sự sơ hở tâm được giải thoát; bốn thiền, bốn định, ba minh trí, sáu thần thông và tám giải thoát, những pháp sâu xa tinh túy như vậy họ có đủ cả. Rồi lần thứ hai, lần thứ ba và lần thứ tư, đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà tuyên thuyết chánh pháp trên đây thì có hằng sa trăm triệu chúng sinh cũng vì không tham đắm các pháp mà đối với mọi sự sơ hở tâm được giải thoát. Từ đó về sau, riêng chúng thanh văn cũng đã vô lượng vô biên, không thể mô tả hay tính toán.

*

Phần mười sáu vị vương tử thì cùng nhau đem cái tuổi đồng niên mà xuất gia làm sa di, các căn lanh lợi, trí tuệ thấu suốt, vì lẽ ai cũng đã từng phụng sự trăm ngàn vạn ức chư Phật Như Lai, thực hành phạn hạnh một cách trong sáng mà cầu tuệ giác vô thượng. Tất cả mười sáu vị ấy cùng thưa đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà, rằng bạch đức Thế Tôn, vô số trăm ngàn vạn ức chư vị thanh văn đại đức như thế này đã thành thục cả rồi, kính xin đức Thế Tôn nói cho chúng con về pháp của tuệ giác vô thượng. Chúng con nghe được pháp ấy thì ai cũng cùng nhau tu học. Bạch đức Thế Tôn, tâm chí của chúng con là nguyện được sự thấy biết của Phật. Tâm chí như vậy, đức Thế Tôn tự biết cho chúng con. Lúc ấy tám vạn ức người trong số đi theo vị luân vương tổ phụ, thấy mười sáu vị vương tử xuất gia thì cũng cầu xin xuất gia. Vị luân vương ấy cũng chấp thuận tức khắc.

Đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà nhận lời thỉnh cầu của mười sáu vị sa di, nên qua hai vạn thời kỳ rồi, ở giữa đại hội bốn chúng, nói về bản kinh đại thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa, bản kinh dạy cho bồ tát và được Phật giữ gìn. Ngài nói kinh ấy rồi, mười sáu vị sa di vì tuệ giác vô thượng mà cùng tiếp nhận, ghi nhớ và đọc tụng một cách thông suốt sắc sảo. Trong khi ngài nói kinh ấy thì mười sáu vị sa di bồ tát, và chúng bồ tát, tin tưởng tiếp nhận được cả. Trong chúng thanh văn cũng có vị tin hiểu. Nhưng người khác, số lượng đến ngàn vạn ức, đều sinh ra nghi hoặc.

Đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà nói kinh Pháp Hoa suốt tám ngàn thời kỳ mà không lúc nào ngưng bỏ. Nói rồi, ngài vào tịnh thất, đặt mình vào sự thiền định đến tám vạn bốn ngàn thời kỳ. Bấy giờ mười sáu vị Sa di Bồ tát biết ngài vào tịnh thất mà vắng lặng thiền định, nên vị nào cũng lên pháp tòa, và cũng trong thời gian tám vạn bốn ngàn thời kỳ ấy vị nào cũng giảng giải một cách phong phú cho cả bốn chúng về kinh Pháp Hoa. Vị nào cũng hóa độ chúng sinh nhiều bằng trăm triệu hằng sa, trình bày, thuyết phục, khuyến khích, tán thưởng, làm cho ai cũng phát tâm tuệ giác vô thượng. Tám vạn bốn ngàn thời kỳ qua rồi, đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà xuất định, bước đến pháp tòa, thung dung mà ngồi, tuyên cáo với cả đại hội các chúng: Mười sáu vị Sa di Bồ tát này thật là hiếm có, các căn lanh lợi, trí tuệ thấu suốt, và vị nào cũng đã phụng sự hàng ức chư Phật Như Lai. Nơi chư Phật Như Lai ấy, các vị thường xuyên thực hành phạn hạnh, nhận được tuệ giác Phật đà, lại dạy cho chúng sinh vào được tuệ giác ấy. Các người hãy luôn luôn thân gần mà phụng sự mười sáu vị ấy. Vì lẽ bất cứ Thanh văn, Duyên giác hay Bồ tát, người nào tin tưởng được kinh pháp do mười sáu vị Sa di Bồ tát này tuyên thuyết, tiếp nhận và ghi nhớ mà không bác bỏ, thì những người ấy ai cũng sẽ được tuệ giác Phật đà là tuệ giác vô thượng.

Khi ấy đức Thế Tôn bảo chư vị Tỷ kheo, mười sáu vị Sa di Bồ tát thường vui thích nói kinh Pháp Hoa. Những số chúng sinh nhiều bằng trăm triệu hằng sa mỗi vị giáo hóa thì đời đời sinh ra ở đâu cũng chung với mỗi vị, theo mỗi vị mà nghe pháp thêm nữa, và nghe thì tin hiểu được cả. Do vậy mà số chúng sinh ấy gặp được bốn vạn ức chư Phật Như Lai, và việc ấy đến nay vẫn chưa chấm dứt.

Chư vị Tỷ kheo, nay Như Lai nói để chư vị biết, mười sáu vị Sa di Bồ tát, đệ tử của đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà, hiện nay cùng thành tựu tuệ giác vô thượng và đang thuyết pháp giáo hóa ở khắp cả mười phương quốc độ. Vị nào cũng có vô số trăm ngàn vạn ức Bồ tát và Thanh văn làm người tùy thuộc. Hai vị thành Phật ở chính đông là A Súc Như Lai tại quốc độ Hoan Hỷ và Tu Di Đảnh Như Lai. Hai vị thành Phật ở đông nam là Sư Tử Âm Như Lai và Sư Tử Tướng Như Lai. Hai vị thành Phật ở chính nam là Hư Không Trú Như Lai và Thường Diệt Như Lai. Hai vị thành Phật ở tây nam là Đế Tướng Như Lai và Phạn Tướng Như Lai. Hai vị thành Phật ở chính tây là A Di Đà Như Lai và Độ Nhất Thế Thế Gian Khổ Não Như Lai. Hai vị thành Phật ở tây bắc là Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương Thần Thông Như Lai và Tu Di Tướng Như Lai. Hai vị thành Phật ở chính bắc là Vân Tự Tại Như Lai và Vân Tự Tại Vương Như Lai. Một vị thành Phật ở đông bắc là Hoại Nhất Thế Thế Gian Bố Úy Như Lai. Còn vị thứ mười sáu là ta, Thích Ca Mâu Ni Như Lai, thành tựu tuệ giác vô thượng ở quốc độ Kham nhẫn này.

Chư vị Tỷ kheo, như trên đã nói, khi chúng ta làm Sa di Bồ tát thì nào cũng giáo hóa chúng sinh nhiều bằng trăm triệu hằng sa. Những số chúng sinh này vì tuệ giác vô thượng mà vẫn theo nghe pháp với chúng ta. Trong các số chúng sinh ấy, cho đến ngày nay có những người vẫn còn ở vị trí Thanh văn, thì chúng ta vẫn thường giáo hóa cho những người này bằng pháp của tuệ giác vô thượng. Những người này vẫn phải được đưa lần vào tuệ giác Phật đà bằng pháp ấy, vì tuệ giác Phật đà thì thật khó tin khó hiểu.

Những người này, mà thuộc về số hằng sa chúng sinh phần Như Lai giáo hóa từ lúc Như Lai còn làm Sa di Bồ tát, thì chính là chư vị, và chư vị đệ tử Thanh văn trong thì vị lai sau khi Như Lai nhập diệt. Chư vị đệ tử Thanh văn sau khi Như Lai nhập diệt cũng có những người không nghe kinh này, không hay không biết gì về đường đi của Bồ tát, và đối với thành quả của mình thì phát sinh ý tưởng nhập được Niết bàn. Như Lai bấy giờ làm đức Phật giáo chủ ở quốc độ khác, thay đổi danh hiệu khác; những người tuy phát sinh ý tưởng nhập được Niết bàn như vậy, nhưng ở quốc độ khác mà Như Lai đang làm đức Phật giáo chủ thì họ lại cầu tuệ giác Phật đà, được nghe kinh này và biết rằng chỉ Niết bàn bằng cỗ xe Phật đà chứ không bằng cỗ xe nào khác, ngoại trừ Như Lai phương tiện thuyết pháp.

Chư vị Tỷ kheo, bất cứ ở quốc độ nào, khi Như Lai tự biết thì giờ nhập diệt sắp đến, chư Tăng lại thanh tịnh, sự tin hiểu cũng vững chắc, ai cũng thấu triệt về Không, vào sâu tư duy tu, thì Như Lai chiêu tập chúng Bồ tát và chúng Thanh văn mà nói cho kinh Pháp Hoa này, minh xác rằng thế gian không có cỗ xe thứ hai và cỗ xe thứ ba đưa đến Niết bàn, mà chỉ có cỗ xe Phật đà duy nhất đưa đến Niết bàn mà thôi.

Chư vị Tỷ kheo, nên biết Như Lai đủ mọi phương tiện, lại đi sâu vào bản tính chúng sinh, biết chí nguyện của chúng sinh ưa thích giáo pháp thấp nhỏ là vì vốn đã đắm sâu vào trong năm thứ dục lạc; vì những người như vậy mà Như Lai nói đến niết bàn, và họ nghe thì tin hiểu được. Sự thể ví như con đường hiểm ác dài đến năm trăm do tuần, nằm trong chốn hoang vắng và ghê rợn. Một đoàn nhiều người muốn vượt qua con đường ấy để đến chỗ vàng ngọc. Có một vị hướng dẫn rất thông minh, lại biết rõ con đường hiểm ác này chỗ nào thông chỗ nào nghẽn. Vị ấy dẫn đoàn người vượt qua con đường này. Nhưng đoàn người nửa đường đổ nhác, muốn lui, thưa với vị hướng dẫn, rằng chúng tôi quá mệt mà lại ghê sợ, không còn đi tới được nữa. Đường trước còn xa, chúng tôi muốn lui về. Vị hướng dẫn có lắm chước phương tiện, nghĩ rằng đoàn người này thật đáng thương, sao lại bỏ vàng ngọc to lớn mà muốn trở về. Nghĩ rồi, vị ấy sử dụng phương tiện lực, ngay nơi đoạn giữa của con đường hiểm ác, chỗ đã qua ba trăm do tuần, biến hóa một thành quách to lớn, và bảo họ, các người đừng sợ, đừng về. Thành quách to lớn kia các người có thể vào nghỉ, và muốn gì tùy ý: muốn ở luôn trong ấy thì yên ổn thích thú, muốn đi tới để đến chỗ vàng ngọc thì cũng đi được. Đoàn người mỏi mệt, lúc đó, lòng rất vui mừng, khen là sự thể chưa từng có, rằng chúng ta bây giờ thoát khỏi con đường hiểm ác và được an toàn rồi. Rồi cả đoàn bước tới mà vào trong thành biến hóa, sinh ra ý tưởng đã vượt qua, ý tưởng đã an toàn. Nhưng vị hướng dẫn, khi biết đoàn người nghỉ ngơi hết mệt, tức thì diệt mất cái thành biến hóa đi, bảo đoàn người hãy nên đi tới: chỗ vàng ngọc đã gần đây. Cái thành to lớn vừa rồi chỉ do ta hóa ra cho các người dừng nghỉ mà thôi.

Chư vị tỷ kheo, Như Lai cũng vậy. Như Lai làm đại đạo sư cho chư vị. Như Lai biết rõ đường dữ sống chết phiền não là con đường đầy hiểm nạn mà lại xa dài, ai cũng phải rời bỏ, phải vượt qua. Nhưng nếu chư vị chỉ nghe cỗ xe Phật đà duy nhất thì sẽ không thích gặp Như Lai, không muốn thân gần, vì nghĩ rằng tuệ giác Phật đà quá dài quá xa, siêng khó lâu lắm mới được thành đạt. Như Lai biết rõ tâm lý khiếp nhược hèn kém ấy nên dùng phương tiện lực, nói ra niết bàn của thanh văn và duyên giác để cho chư vị dừng nghỉ giữa đường. Khi chư vị đã đứng ở vị trí của thanh văn và duyên giác rồi, Như Lai liền nói cho chư vị biết việc làm của chư vị chưa được hoàn tất. Nhưng vị trí của chư vị đang đứng thì đã gần đến tuệ giác Phật đà. Chư vị hãy suy xét về niết bàn mà chư vị thực hiện: niết bàn ấy không thật đâu. Niết bàn ấy chỉ do phương tiện lực của Như Lai, nơi cỗ xe Phật đà duy nhất mà phân ra nói có ba cỗ xe, tựa như vị hướng dẫn hóa ra thành quách to lớn cho đoàn người dừng nghỉ. Dừng nghỉ rồi thì nói cho họ biết chỗ vàng ngọc gần đây, còn thành biến hóa này không thật, chỉ do ta biến hóa ra mà thôi.

Khi ấy đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(60) Đại Thông Trí Thắng,

đức Phật đà ấy

qua mười thời kỳ

ngồi bồ đề tràng

mà pháp chư Phật

vẫn chưa hiện ra,

chưa được thành tựu

tuệ giác chư Phật.

(61) Chư thiên, long vương,

cùng các bộ chúng

thường rưới thiên hoa

để hiến cúng ngài.

(62) Chư thiên lại đánh

trống của chư thiên

và hòa tấu lên

các nhạc khí khác.

Gió thơm lướt đến

thổi mất hoa héo,

chư thiên rưới thay

hoa mới và tốt.

(63) Hết mười thời kỳ,

Trí Thắng Phật đà

mới được thành tựu

tuệ giác chư Phật.

Chư thiên nhân loại

lòng rất vui mừng.

*

(64) Mười sáu vương tử

cùng vớùi tùy thuộc

cả ngàn vạn ức

cùng đến chỗ Phật.

(65) Họ đem đầu mặt

lạy ngang chân ngài,

thỉnh cầu chuyển đẩy

bánh xe chánh pháp,

rằng bậc Sư tử

của các thánh triết,

xin ngài đổ xuống

nước mưa chánh pháp

sung túc chúng con

cùng với tất cả!

(66) Thế Tôn là bậc

cực kỳ khó gặp,

sau thì gian dài

ngài mới xuất hiện;

và muốn thức tỉnh

các loại chúng sinh,

ngài làm chấn động

tất cả quốc độ.

(67) Trong các quốc độ

ở hướng chính đông

số lượng có đến

năm trăm vạn ức,

cung điện Phạn vương

sáng lên lộng lẫy,

điều mà từ xưa

họ chưa từng thấy.

(68) Các vị Phạn vương

thấy cảnh tượng ấy,

lần theo ánh sáng

tìm đến chỗ ngài,

cùng rải thiên hoa

tôn kính hiến cúng,

lại còn hiến dâng

cung điện của mình.

(69) Rồi thỉnh cầu ngài

chuyển đẩy pháp luân,

lấy lời chỉnh cú

mà ca tụng ngài.

Và ngài biết rõ

thì gian chưa đến,

nên nhận lời họ

mà ngồi yên lặng.

(70) Ở ba hướng khác

cùng với bốn góc

và trên với dưới

cũng đều như vậy:

(71) Cũng rải thiên hoa

cũng hiến cung điện

và thỉnh cầu ngài

chuyển đẩy pháp luân.

(72) Rằng thưa Thế Tôn,

đấng Rất khó gặp,

xin ngài đem lòng

từ bi cao cả

mà mở cho rộng

cửa ngõ bất tử,

bằng cách chuyển đẩy

pháp luân tối thượng!

(73) Trí Thắng Phật đà

tuệ giác vô lượng,

nhận lời thỉnh cầu

của các vị ấy,

tuyên thuyết cho họ

những pháp phong phú,

là bốn chân lý

mười hai duyên khởi.

(74) Ngài nói vô minh

cho đến già chết,

toàn là do sinh,

tai họa như vậy

các người phải biết.

(75) Khi thuyết pháp này

có vạn ức lần

trăm triệu người nghe,

hủy diệt cùng tận

biên cương khổ não

mà thành La hán.

(76) Thuyết lần thứ hai,

ngàn vạn hằng sa

các loại chúng sinh

đối với các pháp

không còn tham đắm,

cũng thành La hán.

(77) Từ đó về sau

những người đắc đạo

số đến vô số,

vạn ức thời kỳ

tính cũng không biết

giới hạn số ấy.

*

(78) Mười sáu vương tử

lúc ấy xuất gia

cùng làm sa di,

và rồi cùng nhau

thỉnh cầu đức Phật

Đại Thông Trí Thắng,

rằng xin Thế Tôn

thuyết pháp đại thừa,

(79) để cho chúng con

cùng với tùy thuộc

đều sẽ thành tựu

tuệ giác Phật đà,

ước nguyện cùng được

y như Thế Tôn

đấng có mắt tuệ

trong sáng bậc nhất!

(80-Biết rõ tâm lý

81) các vương tử trẻ,

lại biết đạo hạnh

đời trước của họ,

ngài dùng vô số

yếu tố, ví dụ,

mà nói sáu pháp

ba la mật đa,

cùng với những sự

thần thông diệu dụng,

phân tích giảng giải

về pháp chân thật _

nghĩa là giảng giải

đường đi bồ tát,

(82) bằng cách nói về

Diệu pháp Liên hoa,

với những bài kệ

nhiều bằng hằng sa.

*

(83) Trí Thắng Phật đà

nói kinh ấy rồi,

vào trong tịnh thất

mà nhập thiền định,

một lòng mà ngồi

ngồi nơi một chỗ

ngồi tám vạn tư

thời kỳ bậc nhỏ.

(84) Bấy giờ mười sáu

sa di bồ tát

biết đức Trí Thắng

chưa xuất thiền định,

nên cùng diễn giảng

tuệ giác vô thượng

cho vô số ức

các loại chúng sinh.

(85) Mỗi vị sa di

ngồi một pháp tòa,

và cùng diễn giảng

về kinh Pháp Hoa,

góp sức vào việc

đem pháp giáo hóa,

trong suốt thì gian

ngài nhập thiền định.

(86) Cả mười sáu vị

mỗi vị hóa độ

chúng sinh nhiều bằng

trăm triệu hằng sa.

(87) Trí Thắng Phật đà

nhập niết bàn rồi,

những người nghe pháp

mười sáu vị này,

tại các cõi Phật

thường sinh với thầy.

(88) Mười sáu vị ấy

đã đi trọn vẹn

đường đi của Phật,

hiện ở mười phương

cùng thành các đấng

Tuệ giác chính xác.

(89) Những người nghe pháp

vào lúc bấy giờ,

nay ở tại chỗ

các đức Phật ấy;

trong đó có người

còn là thanh văn,

vẫn được dạy lần

bằng tuệ giác Phật.

*

(90) Như Lai là một

trong số mười sáu,

xa xưa đã từng

dạy bảo chư vị.

Nên nay Như Lai

vận dụng phương tiện

dẫn dắt chư vị

đến mau Phật tuệ.

(91) Do sự tương quan

xa xưa như trên,

Như Lai ngày nay

tuyên thuyết Pháp Hoa,

làm cho chư vị

nhập vào Phật tuệ.

Chư vị thận trọng,

đừng có kinh hãi!

(92) Ví như con đường

rất là hiểm ác

trong chốn hoang vu,

có lắm thú độc,

không cả cỏ nước,

ai cũng khiếp sợ.

(93) Một đoàn nhiều người

vô số ngàn vạn

muốn vượt đường ấy,

con đường hiểm ác

mà lại xa đến

năm trăm do tuần.

(94) Một vị hướng dẫn

có trí, nhớ kỹ,

sáng suốt, quả quyết;

trong đường hiểm ác,

vị ấy hướng dẫn

đoàn người vượt qua.

(95) Giữa đường mới qua

ba trăm do tuần

thì họ mệt nhọc,

thưa vị hướng dẫn

chúng tôi kiệt lực

ngang đây muốn về.

(96) Vị hướng dẫn nghĩ

họ thật đáng thương:

tại sao lại muốn

trở lui mà về,

mất phần lấy được

vàng ngọc rất quí.

(97) Vị ấy liền nghĩ

một cách phương tiện:

ông dùng sức thần

hoá thành quách lớn,

trang trí đủ hết

nhà cửa tráng lệ,

(98) vườn rừng bao quanh,

sông đào, ao tắm,

cửa chồng, lầu cao,

nam nữ đông đầy.

(99) Hóa như vậy rồi

an ủi đoàn người

đừng sợ gì cả,

các người hãy vào

trong thành quách này

tùy ý vui thích.

(100) Đoàn người vào thành

lòng rất vui vẻ,

ai cũng sinh ra

ý tưởng yên ổn,

lại còn tự cho

đã được vượt qua.

(101) Vị hướng dẫn biết

họ nghỉ khoẻ rồi,

tập hợp mà bảo

tất cả các người

hãy nên đi tới,

còn đây chỉ là

cái thành do ta

hóa ra mà thôi.

(102) Thấy các người mệt

giữa đường muốn lui,

nên ta phương tiện

hóa ra thành này.

Các người bây giờ

hãy siêng đi tới,

để cùng được đến

chỗ vàng ngọc lớn.

*

(103) Như Lai cũng vậy

làm đại đạo sư,

thấy người cầu đạo

nửa đường nhác bỏ,

không thể vượt qua

một cách hoàn toàn

con đường hiểm ác

sống chết phiền não.

(104) Do đó Như Lai

thiện dụng phương tiện:

nói ra niết bàn

cho họ dừng nghỉ,

bằng cách tuyên bố

chư vị hết khổ,

những việc phải làm

đã làm hoàn tất.

(105) Như Lai khi biết

chư vị đã đến

niết bàn như vậy

và thành La hán,

thì họp chư vị

nói pháp chân thật.

(106) Nên chư Như Lai

đem sự phương tiện

nói ba cỗ xe,

mà thật chỉ có

cỗ xe Phật đà

cỗ xe duy nhất,

còn hai cỗ xe

thanh văn duyên giác

nói ra chỉ để

làm chỗ dừng nghỉ.

(107) Như Lai ngày nay

nói sự thật này

cho chư vị biết:

cái chư vị được

không phải đã là

niết bàn hoàn toàn.

Để đạt cho được

tuệ giác hoàn toàn

của bậc Toàn giác,

chư vị cần phải

nổi lên tột độ

sự đại tinh tiến!

(108) Khi nào chư vị

đạt được tuệ giác

của bậc Toàn giác,

nội dung gồm hết

phẩm chất Phật đà

đại loại như là

mười đại năng lực,

lại có đủ cả

ba mươi hai tướng

bậc đại trượng phu,

bấy giờ mới thật

niết bàn hoàn toàn.

(109) Nói tóm đây là

sự khéo giáo hóa

của chư Phật đà,

bậc Đại đạo sư:

nói ra niết bàn

để cho dừng nghỉ;

khi biết dừng nghỉ

đã hết mệt rồi

thì dắt bước tới

tuệ giác Phật đà.

_______

Kết thúc tụng kinh Pháp Hoa, chúng con xin hồi hướng:

Vạn ức thời kỳ

không thể nói được

mới được có lúc

Phật nói Pháp Hoa.

Vạn ức thời kỳ

không thể nói được

mới được có lúc

nghe nói Pháp Hoa.

Chúng con nương nhờ

Phật Pháp Tăng lực

mới được trì tụng

Diệu pháp Liên hoa.

Chúng con nguyện đem

công đức như vầy

hiến khắp tất cả

các loại chúng sinh,

cầu cho chúng con

cùng với chúng sinh

đều được thành tựu

tuệ giác chư Phật.

Kính lạy kinh Diệu pháp Liên hoa, bản kinh của tuệ giác bình đẳng vĩ đại, bản kinh dạy cho bồ tát và được Phật giữ gìn. Kính lạy tất cả Pháp bảo trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ.

Kính lạy đức Thích Ca Mâu Ni, đức Phật giáo chủ bổn sư, đã tuyên thuyết kinh Pháp Hoa. Kính lạy đức Đa Bảo, đức Phật đã làm chứng cho kinh Pháp Hoa toàn là chân thật. Kính lạy đức Di Lạc, đức Phật đương lai, đã phát khởi kinh Pháp Hoa và tiếp dẫn những người hành trì Pháp Hoa vãng sinh Đâu suất tịnh độ. Kính lạy tất cả Phật bảo trong kinh Pháp Hoa, trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ.

Kính lạy bồ tát Văn Thù, vị pháp sư Pháp Hoa. Kính lạy bồ tát Phổ Hiền, vị khuyến phát Pháp Hoa. Kính lạy bồ tát Quan Âm, vị đại sĩ toàn diện. Kính lạy tất cả Tăng bảo là các vị Bồ tát, các vị Duyên giác và các vị Thanh văn trong kinh Pháp Hoa, trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]