Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Liệt Kê Các Sắc Pháp

08/05/201111:55(Xem: 10889)
2. Liệt Kê Các Sắc Pháp

VI DIỆU PHÁP TOÁT YẾU

Nārada Mahā Thera- Phạm Kim Khánh dịch

Chương VI: PHÂN TÁCH SẮC PHÁP

RŪPA-SAṄGAHAVIBHĀGO
Phân tách sắc pháp

1.

Ettāvatā vibhattā hi sappabhedappavattikā
Cittacetasikā dhammā rūpandāni pavuccati.
Samuddesā vibhāgā ca samuṭṭhānā kalāpato
Pavattikkamato c'āti pañcadhā tattha saṅgaho.

2.
Cattāri mahābhūtāni, catunnañ ca mahābhūtānaṁ upādāya rūpan'ti dvidhampetaṁ rūpaṁ ekā
dasa- vidhena saṅgahaṁ gacchati.

Katham?

1) Paṭhavīdhātu, āpodhātu, tejodhātu, vāyodhātu bhūtarūpaṁ nāma.

2) Cakkhu, sotaṁ, ghāṇaṁ, jivhā, kāyo, pasādarūpaṁ nāma.

3) Rūpaṁ, saddo, gandho, raso, āpodhātuvajjitaṁ bhūtattayasaṅkhātaṁ phoṭṭhabbañ ca gocararūpaṁ nāma.

4) Itthattaṁ, purisattaṁ bhāvarūpaṁ nāma.

5) Hadayavatthu hadayarūpaṁ nāma.

6) Jīvitindriyaṁ jīvitarūpaṁ nāma.

7) Kabalīkāro āhāro āhārarūpaṁ nāma.

Iti ca aṭṭhārasavidhamp'etaṁ sabhāvarūpaṁ, salakkhaṇarūpaṁ nipphannarūpaṁ rūparūpaṁ, sammasanarūpanti ca saṅgahaṁ gacchati.

8) Ākāsadhātu paricchedarūpaṁ nāma.

9) Kāyaviññatti vacīviññatti viññattirūpaṁ nāma.

10) Rūpassa lahutā mudutā kammaññatā viññatti- dvayaṁ vikārarūpaṁ nāma.

11) Rūpassa upacayo santati jaratā aniccatā lakkhaṇa- rūpaṁ nāma.

Jātirūpam' eva pan'ettha upacayasantatināmena pavuccatī'ti ekādasavidhamp'etaṁ rūpaṁ aṭṭhavīsati- vidhaṁ hoti sarūpavasena.

Kathaṁ?

Bhūtappasādavisayā bhāvo-hadayam' icca'pi
Jīvitāhārarūpehi aṭṭhārasavidhaṁ tathā.
Paricchedo ca viñ
ñatti vikāro lakkhaṇanti ca
Anipph
annā dasa c'āti aṭṭhavīsavidhaṁ bhave.
Ayam'ettha rūpasamuddeso.

§1. Nhập Đề

Đến đây đã phân tách các loại tâm vương và tâm sở theo phân loại (1) và tiến trình sanh khởi (2), giờ đây xin đề cập đến sắc pháp.

Phần tóm lược về các sắc pháp có năm (3) là:

liệt kê,
phân loại (4),
khởi sanh (5),
các nhóm (6), và
phương thức sanh khởi (7).

§2. Liệt Kê Các Sắc Pháp (rūpasamuddesa)

Sắc có hai phần là: Bốn Đại Chánh Yếu (8), và những chuyển hóa của sắc (9). Hai phần nầy gồm mười một loại.

Bằng cách nào?

1- Những tính chất chánh yếu của sắc pháp -- nguyên tố có đặc tính duỗi ra (10), nguyên tố có đặc tính làm dính liền (11), nguyên tố nóng (12), và nguyên tố di động (13).

2- Những tính chất nhạy của sắc pháp (14) tức mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân.

3- Những cảnh giới làm đối tượng của sắc pháp (15), tức sắc (16), thinh, hương, vị, và xúc (17) -- Xúc nằm trong ba Đại (nguyên tố vật chất) ngoại trừ nguyên tố (nước) có đặc tính làm dính liền.

4- Những tính chất của sắc pháp về tánh (18), tức nam tánh và nữ tánh.

5- Tính chất của sắc pháp về tâm, tức ý căn (19)..

6- Tính chất của sắc pháp về đời sống, tức khả năng sống (20). (mạng căn).

7- Tính chất dinh dưỡng của sắc pháp, tức vật thực (21).

Như vậy mười tám (22) loại tính chất của sắc pháp được gom lại:

i. theo những đặc tính cố hữu (23) của nó,
ii.theo những đặc tướng tiêu biểu của nó (24),
iii. như được cấu tạo do nhân duyên (25),
iv. như luôn luôn biến đổi (26),
v. như thích nghi để suy niệm (27).

8- Tính chất phân giới hạn của sắc pháp: tức nguyên tố không gian (28).

9- Tính chất truyền thông của sắc pháp (29) -- tức sự biểu lộ bằng thân (thân biểu) và sự biểu lộ bằng lời nói (ngữ biểu).

10- Những hiện tượng biến đổi của sắc pháp (30) -- như nhẹ nhàng (31), mềm dịu (32), nhu thuận (33), và hai hình thức biểu lộ.

11- Những đặc tướng (34) của sắc pháp -- tức sự sanh khởi, sự liên tục, sự hư hoại và vô thường.

Nơi đây đặc tính sanh khởi và liên tục có nghĩa là hiện tượng sanh của sắc pháp.

Như vậy, mười một hiện tượng của sắc pháp được xem là hai mươi tám, tùy theo đặc tính cá biệt cố hữu.

Thế nào (là hai mươi tám)?

Bốn Đại, các phần nhạy, những đối tượng, tánh nam hay nữ, tâm, mạng căn và vật thực -- như vậy (sắc) là mười tám.

Tính chất phân giới hạn, tính chất truyền thông, sự biến đổi và những đặc tướng -- như vậy là trong đó có mười, không (do nghiệp) tạo duyên. Tất cả là hai mươi tám.

Nơi đây là liệt kê các sắc pháp.

Chú Giải

1.Ba chương đầu đề cập đến các loại tâm vương và tâm sở khác nhau một cách chính xác và giản lược mô tả.

2.Chương thứ tư dành cho bảy tiến trình tâm trong đời sống, và chương thứ năm cho những cảnh giới khác nhau và tiến trình tâm lúc chết và lúc tái sanh.

3. Samuddesa, Liệt Kê,

tức là trình bày vắn tắt về sắc.

4. Vibhāga, Phân Loại, tức là phân tách sắc pháp.

5. Samuṭṭhāna, tức hiện tượng sanh khởi của những phần khác nhau cấu thành sắc pháp, như mười-thành-phần-mắt v.v... khởi sanh do Nghiệp, tâm, hiện tượng thời tiết, và vật thực.

6. Kalāpa,những tổng hợp cấu thành sắc pháp, như mười-thành-phần-thân, mười-thành-phần-tánh nam nữ v.v...

7. Pavattikkama -- tức là sắc pháp phát sanh như thế nào tùy theo cảnh giới sinh tồn, thời gian, và hạng chúng sanh.

8. Mahābhūtāni, Tứ Đại.

Theo nghĩa từng chữ, là những gì trở nên lớn.

Bốn Đại Chánh Yếu là những thành phần căn bản của sắc pháp, luôn luôn dính liền, không thể tách rời nhau. Mọi vật thể, từ vi tế nhất đến vật to lớn nhất, đều do bốn nguyên tố có đặc tính cá biệt ấy hợp thành.

9. Upādāya-rūpāni, Chuyển Hóa Của Sắc.

Đặc tính chuyển hóa, hay đặc tính phụ thuộc của sắc pháp tùy theo Bốn Đại. Như đất là những Chánh Yếu; chuyển hóa giống như cây cối từ đó mọc lên. Hai mươi bốn sắc pháp còn lại được xem là Chuyển Hóa.

10. Paṭhavi-dhātu, Nguyên Tố Đất.

Phạn ngữ dhātu có nghĩa là cái gì mang những dấu hiệu cá biệt của mình. Nguyên tố là danh từ tương đương gần nhất của chữ dhātu.

Paṭhavi-dhātu, theo nghĩa đen là nguyên tố đất. Được gọi như vậy vì cũng như đất, nguyên tố nầy có tác dụng nâng đỡ, làm nền tảng cho ba nguyên tố khác đồng sanh khởi. Paṭhavi (saṁskrt: prṭhvi), cũng được viết là pathavi, puthavi, puthuvi, puṭhuvi -- phát nguyên từ căn "puth", có nghĩa nới rộng ra, dãn ra, hay duỗi ra. Đến đây, mặc dầu không mấy là viên mãn lắm, danh từ gần nhất với paṭhavi-dhātu là "nguyên tố có đặc tính duỗi ra". Nếu không có nguyên tố nầy, một vật không thể choán không gian. Tánh chất cứng và mềm là đặc tính của nguyên tố nầy.

11. Āpo-dhātu, Nguyên Tố Nước.

Theo nghĩa từng chữ, là nguyên tố có đặc tính lỏng. Āpo phát nguyên từ căn "ap", đến, hay từ "ā" + căn "pāy" là lớn lên, trưởng thành. Đây là "nguyên tố có đặc tính làm dính liền". Theo Phật Giáo, chính nguyên tố nầy làm dính liền những phần tử khác nhau của sắc pháp và như thế, ngăn ngừa không để những phần tử kia rời rạc. Lỏng và rỉ chảy là đặc tính của nguyên tố nầy. Nên hiểu rằng lạnh không phải là đặc tính của nguyên tố nước.

12. Tejo-dhātu, Nguyên Tố Lửa.

Theo nghĩa đen, là nguyên tố lửa, được giải thích là "nguyên tố có đặc tính nóng". Danh từ tejo phát nguyên từ căn "tij", làm cho sắc bén, chín mùi. Sự vật tươi tắn hay chín mùi đều do nguyên tố nầy. Nóng và lạnh đều là đặc tính của tejo. Tejo cao độ là nóng, tejo dịu dàng, ở độ thấp, là lạnh.

Không nên hiểu rằng lạnh là đặc tính của āpo (nước), và nóng là đặc tính của tejo (lửa), bởi vì trong trường hợp đó, cả hai nóng và lạnh cùng ở chung, vì āpo và tejo cùng tồn tại chung.

13. Vāyo-dhātu, Nguyên Tố Gió.

Theo nghĩa đen là nguyên tố gió, được giải thích là "nguyên tố có đặc tính di động". Danh từ vāyo phát nguyên từ căn "vāy", di động, rung động. Có sự di động, rung động, lung lay và áp lực đều do nguyên tố nầy.

14. Pasāda-rūpa, Phần Nhạy Của Sắc Pháp.

Phần nhạy của năm giác quan -- mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân. Phần nhạy nầy có khuynh hướng làm sáng các phần sắc khác trong giác quan. Thí dụ như cái mà thông thường ta gọi con mắt, sasambhāra cakkhu, là sự hổn hợp những hiện tượng khác nhau của sắc pháp, bao gồm bốn bhūtarūpas (tứ đại), bốn ūpādārūpas (chuyển hóa -- tức màu, mùi, vị, và sinh lực) và jīvitindriya (mạng căn). Phần nhạy, nằm ở giữa con ngươi và làm cho ta thấy sự vật là cakkhu-pasāda. Đó là nền tảng của sự thấy (cakkhu-viññāṇa, nhãn thức) và trở thành phương tiện cho tiến trình ý thức của nhãn môn (cakkhu-dvāravīthi). Ý muốn thấy có khuynh hướng làm phát triển nhãn quan. Vậy, mắt gồm mười hiện tượng của sắc pháp trong đó pasāda, đặc tính nhạy, là một.

Phần nhạy (pasāda-rūpa) của các giác quan khác phải được hiểu cùng một thế ấy.

Pasāda-rūpa, phần nhạy, của tai, mũi, và lưỡi nằm giữa các bộ phận ấy; kāyapasādarūpa, phần nhạy của thân, tràn lan khắp châu thân ngoại trừ tóc, móng tay, móng chân, và trong lớp da chết khô.

15. Gocararūpa, Trần Cảnh.

Những hiện tượng của sắc pháp làm đối tượng cho giác quan, tức trần cảnh, tác động như hỗ trợ làm khởi sanh sự hay biết của giác quan tương ứng.

16. Rūpa, Sắc.

Danh từ bao hàm cả hai, màu sắc và hình tướng.

17. Phoṭṭhabba, Xúc

Vì trong sắc pháp, nguyên tố có đặc tính làm dính liền (āpo, nước) quá tế nhị nên ngũ quan không thể cảm nhận. Chỉ có ba nguyên tố kia của Tứ Đại -- tức đất, lửa, và gió -- được xem là xúc, phoṭṭhabba, tức giác quan có thể cảm nhận. Thí dụ như trong nước, đặc tính lạnh là tejo, lửa, mềm dịu là paṭhavi, đất, và có sức nặng đè xuống, hay áp lực, là vāyo, gió. Ta không thể sờ đụng āpo, nguyên tố làm dính liền.

Xem Compendium, trang 155, ghi chú số 6.

18. Itthattaṁ purisattaṁ, Tánh Nam hay Tánh Nữ.

Cũng được gọi itthindriyaṁ, purisindriyaṁ, là danh từ chung được thâu gọn dưới hình thức bhāvarūpa, trạng thái do đó nam tính và nữ tính được phân biệt.

19. Hadayavatthu, Ý Căn.

Bộ Dhammasaṅgani không đề cập đến sắc pháp nầy. Trong sách Atthasālīni, danh từ hadayavatthu đuợc giải thích là cittassa vatthu, căn cứ từ nơi đó tâm phát sanh.

Rõ ràng Đức Phật không nhất quyết chỉ nơi nào là căn môn của tâm như Ngài đã chỉ rõ khi đề cập đến các giác quan khác. Vào thời của Ngài, phần đông người ta tin rằng quả tim là ý căn và thuyết nầy hiển nhiên được kinh Upanishads hỗ trợ. Nếu muốn, Đức Phật đã chấp nhận lý thuyết rất phổ thông thời bấy giờ ấy, nhưng Ngài không nói đến. Trong bộ Paṭṭhāna, bộ sách đề cập đến Duyên Hệ Tương Quan, Ngài nhắc đến căn cứ của thức (ý căn) bằng những danh từ gián tiếp như "yaṁ rūpaṁ nissāya" "tùy thuộc nơi sắc pháp ấy", mà không quả quyết xác nhận rūpa (sắc) ấy là trái tim (hadaya) hay bộ não. Nhưng theo quan niệm của các nhà chú giải như Ngài Buddhaghosa và Anuruddha, thì ý căn nhất định là tim. Nên hiểu biết rằng Đức Phật không hề chấp nhận hoặc bác bỏ lý thuyết rất phổ thông vào thời xa xưa ấy, cho rằng ý căn là tim.

Xem Compendium trang 156 và trang 277.

20. Jīvitindriya, Mạng Căn.

Có sự sống trong cả hai, danh pháp và sắc pháp. Đời sống tâm linh, danh mạng căn, vốn là một trong 52 tâm sở (cetasikas), và đời sống vật lý, sắc mạng căn, vốn là một trong 28 sắc pháp, là những hiện tượng chánh yếu của cái gọi là chúng sanh. Danh mạng căn là một trong bảy tâm sở phổ thông, và sắc mạng căn kết hợp với hầu hết những nhóm sắc, ngoại trừ cơ thể người chết. Đồng thời, khi thức tái sanh khởi phát, sắc mạng căn cũng khởi phát cùng một lúc với nhóm sắc pháp sơ khởi. Jīvita (sự sống) được xem là indriya (khả năng) vì nó ảnh hưởng mạnh mẽ và tạo sức sống đến những phần tử khác đồng phát sanh.

21. Kabalīkāro Āhāro, Vật Thực.

Được gọi như vậy vì vật thực thô sơ được đem vào bằng cách làm thành miếng ăn nhỏ.

Nơi đây āhāra có nghĩa là sức dinh dưỡng (ojā) để nuôi cơ thể vật chất. Trong câu tuyên ngôn, "sabbe sattā āhāraṭṭhitikā", tất cả chúng sanh đều sống nhờ vật thực, danh từ āhāra có nghĩa là một trợ duyên (paccaya), hay điều kiện.

22. Mười Tám .23. 4 + 5 + 4 (ngoại trừ xúc)+ 2 + 1 + 1 +1= 18.

23. Sabhāvarūpa -- Đặc Tính Cố Hữu Của Sắc Pháp.

Theo những đặc tính cố hữu của nó -- tức đối với chính những đặc tính cá biệt của nó, như cứng, lỏng v.v...

24. Salakkhaṇarūpa -- Đặc Tướng Của Sắc Pháp.

Theo những đặc tướng tiêu biểu của nó. Gọi như vậy bởi vì những hiện tượng nầy phát sanh với những đặc tướng cố hữu vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattā).

25. Nipphannarūpa -- Được Tạo Nên Do Nhân Duyên.

Tức do Nghiệp, tâm v.v... tạo nên.

26. Rūparūpa -- Luôn Luôn Biến Đổi.

Ở đây chữ rūpa đầu được dùng theo ngữ nguyên, có nghĩa là đặc tính biến đổi, giống như trong câu Pāli dukkha-dukkha.

27. Sammasanarūpa -- Thích Nghi Để Được Suy Niệm.

Bởi vì có thể giúp ta dùng nó như đối tượng để suy niệm, hay đề mục quán chiếu, nhằm phát triển tuệ minh sát.

28. Ākāsadhātu -- Nguyên Tố Không Gian.

Theo các nhà chú giải Tích Lan (Sri Lanka) danh từ ākāsa xuất nguyên từ "ā" + căn "kas", cày. Bởi vì không thể cày như trên đất nên gọi không gian là ākāsa. Theo Saṁskrt, ākāsa phát nguyên từ "ā" + căn "kās", có nghĩa thấy, nhận ra. Theo Ngài Ledi Sayadaw, chữ nầy xuất nguyên từ "ā" + căn "kās", có nghĩa sáng chói, xuất hiện. Ākāsa, không gian, vốn tự nó là hư không. Và như vậy, là vĩnh cửu, trường tồn. Ākāsa là một nguyên tố, cũng gọi không giới, trong ý nghĩa là một nijjīva, không có thực thể, không phải như một nguyên tố "sống" như bốn Đại Chánh Yếu. Khi được kể là một trong 28 sắc pháp, ākāsa không có nghĩa là lớp không gian rộng lớn bên ngoài, mà là không gian bên trong, phân giới hạn chia những nhóm sắc pháp với nhau. Vì lẽ ấy Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) xem là paricchedarūpa, phân giới hạn. Mặc dầu ākāsa, không gian, không phải là một đối tượng có thực thể, nhưng vì nó kết hợp với tất cả những sắc pháp phát sanh do bốn phương cách, Vi Diệu Pháp dạy rằng cùng một thế, không gian cũng được tạo nên do bốn nhân duyên như Nghiệp, tâm, hiện tượng thời tiết và vật thực. Đồng thời với sự phát sanh và hoại diệt của những sắc pháp được tạo nên do nhân duyên, ākāsa rūpa (sắc pháp không gian) cũng phát sanh và hoại diệt cùng lúc.

Xem Compendium, trang 226.

29. Viññatti -- Những Hiện Tượng Truyền Cảm.

Là phương tiện do đó người ta có thể truyền cảm tư tưởng với nhau, người nầy có thể hiểu biết ý định của người kia.

Có hai cách truyền thông, là kāyaviññatti, biểu lộ bằng thân, tức truyền cảm bằng hành động, và vacīviññatti, biểu lộ bằng lời nói. Kāyaviññatti, thân biểu, phát nguyên do tâm (cittaja) tạo nên nguyên tố gió (vāyodhātu, có đặc tính di động) đưa đến hành động bằng thân. Vacīviññatti, ngữ biểu, phát nguyên do tâm tạo nguyên tố đất (paṭhavi- dhātu). Thời gian tồn tại của một viññatti chỉ là một chặp tư tưởng, hay sát-na tâm.

30. Vikārarūpa -- Tánh Cách Biến Đổi Của Sắc Pháp.

31. Lahutā -- Đặc Tính Nhẹ Của Sắc Pháp.

Chỉ sức khỏe của cơ thể vật chất, và được ví như một thanh sắt nóng suốt ngày.

32. Mudutā -- Mềm Dịu.

Như một tấm da được đập và nhồi đầy đủ.

33. Kammaññatā -- Nhu Thuận.

Nghịch nghĩa với sự cứng rắn của thân, được ví như một khối vàng đã được nhồi nắn nhuyển.

34. Lakkhaṇarūpa -- Đặc Tướng Của Sắc Pháp.

Được gọi như vậy vì sắc pháp có nhiều đặc tướng cá biệt trong những giai đoạn khác nhau như sanh (upāda), trụ (ṭhiti), và diệt (bhaṅga).

Upacaya có nghĩa là sự chồng chất sơ khởi, hay sự phát sanh sơ khởi, ở đây gọi là sự khởi sanh. Trong chữ upacaya, "upa" được dùng trong nghĩa "đầu tiên". Sự khởi sanh của ba thập pháp -- mười-thành-phần thân, mười-thành-phần-pháp, và mười-thành-phần-giới (kāyadasaka, bhāva-dasaka, vatthudasaka) ngay lúc được thọ thai vào lòng mẹ. Sự khởi sanh kế tiếp của ba thập pháp, từ giai đoạn tịnh của thức tái sanh xuyên qua kiếp sống, được xem như sự liên tục (santati). Cả hai, upacaya (khởi sanh) và santati (liên tục) được xem là jāti, sự sanh. Hai danh từ nầy khác nhau ở điểm upacaya là bước sơ khởi của tiến trình sắc pháp, còn santati là sự liên tục lặp đi lặp lại cũng tiến trình sắc pháp ấy. Như vậy con số các sắc pháp là 27, thay vì 28.

Thời gian tồn tại của một sắc pháp thông thường được xem là 17 chặp tư tưởng [1]. Chặp đầu tiên là upacaya, chặp cuối cùng là aniccatā, 15 chặp ở khoảng giữa là jaratā. Aniccatā là sự phân tán của sắc pháp.

Một cách chính xác, chỉ có ba lakkhaṇarūpas (đặc tướng của sắc pháp) là sanh, hoại và diệt. Aniccatā đồng nghĩa với maraṇa (chết). Suốt khoảng cách giữa sanh và tử là sự trưởng thành, trụ, hay hoại diệt.

Ngoại trừ năm sắc pháp -- tức hai viññatti, jāti, jarā, và aniccatā -- tất cả 23 sắc pháp còn lại tồn tại 17 chặp tư tưởng, hay sát-na tâm.

Ghi chú:

[1] Theo các nhà chú giải, trong thời gian một cái nhoáng trời chớp, hằng tỷ chặp tư tưởng, hay sát-na tâm, có thể khởi sanh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]