Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2: Tâm Sở

08/05/201111:55(Xem: 9159)
Chương 2: Tâm Sở

VI DIỆU PHÁP TOÁT YẾU

Nārada Mahā Thera
Phạm Kim Khánh dịch

Chương II: TÂM SỞ

LỜI MỞ ĐẦU

Trong 89 loại tâm vương được đề cập đến ở Chương I, có 52 tâm sở -- hay trạng thái tâm -- khởi sanh nhiều hay ít, ở mức độ khác nhau.

Có bảy (7) tâm sở chung cho tất cả các loại tâm vương, gọi là tâm sở Phổ Thông, hay Biến Hành. Sáu (6) loại khác, có thể phát sanh hay không, trong mỗi và tất cả những loại tâm vương. Sáu loại tâm sở nầy được gọi là Pakiṇṇakas, Riêng Biệt hay Biệt Cảnh.

Tất cả 13 loại tâm sở kể trên có tên là Aññasamānas, một danh từ đặc biệt kỹ thuật. "Añña" là "cái kia", "samāna" là "chung". "Sobhanas" (Tốt, Đẹp), khi so sánh với "Asobhanas" (Xấu) thì được gọi là Añña (cái kia), bởi vì thuộc về phân hạng trái nghịch lại. Cùng thế ấy Asobhanas là phản nghĩa với Sobhanas.

13 tâm sở nầy trở thành thiện hay bất thiện tùy theo loại tâm vương mà chúng đồng hiện khởi chung, tức loại tâm vương mà chúng nằm trong đó.

14 tâm sở luôn luôn nằm trong tất cả các loại tâm Bất Thiện.

19 tâm sở luôn luôn nằm trong tất cả các loại tâm Thiện.

6 tâm sở khác phát sanh tùy trường hợp.

Vậy, năm mươi hai tâm sở nầy (7+6+14+19+6 = 52) nằm trong những loại tâm vương tương ứng, ở mức độ khác nhau.

Trong chương nầy tất cả 52 tâm sở đều được đề cập đến và phân loại. Mỗi loại tâm vương đều được phân tách tỉ mỉ. Những loại tâm sở nào đồng phát sanh cùng tâm ấy cũng được đề cập đến với đầy đủ chi tiết. Loại tâm vương trong đó có những tâm sở nào đồng phát sanh cũng được mô tả rành rẽ.

Người đọc thiếu kiên nhẫn sẽ thấy chương nầy khô khan và không hứng thú. Nhưng đối với một học giả sáng suốt và suy tư thì trái lại, chương nầy sẽ được xem là một khái luận thú vị có tánh cách trí thức.

Thí dụ như lúc mới nhìn vào, một sinh viên hóa học có thể cảm thấy nhiều công thức hóa học rất phức tạp, khó hiểu. Nhưng khi thật sự cố gắng phân tách và nghiên cứu từng hóa chất trong những cuộc thí nghiệm khác nhau, người sinh viên ấy mới thấy môn học quả thật hứng thú và bổ ích.

Cùng thế ấy, người mới đọc chương nầy của Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) nên cố gắng phân tách, thận trọng nghiên cứu từng loại tâm, và tự mình tìm hiểu các loại tâm sở theo luận lý riêng của mình. Sau đó sẽ so sánh những gì ta đã nghĩ ra với kinh điển căn bản. Chừng ấy người đọc sẽ thấy rằng chương II nầy giải minh một cách sáng tỏ, và thay vì hoang phí thì giờ để cố nhớ những con số, vị nầy nắm vững một cách sáng suốt ý nghĩa của bản văn.

Thí dụ, ta hãy phân tách loại tâm Bất Thiện đầu tiên, bắt nguồn từ căn Tham.

Somanassa-sahagata -- đồng phát sanh cùng thọ hỷ,
Diṭṭhigata-sampayutta -- liên hợp với tà kiến,
Asaṅkhārika -- không có sự xúi giục.

Sau khi phân tách, ta nhận thấy rằng:

Thọ (Vedanā) của tâm nầy là "Hỷ".

7 loại tâm Phổ Thông và tất cả 6 tâm sở Riêng Biệt đều có mặt.

4 tâm sở Bất Thiện chung nằm trong tất cả những tâm vương Bất Thiện là Moha (Si), Ahirika (Không Hổ Thẹn Tội Lỗi), Anottappa (Không Ghê Sợ Hậu Quả Của Tội Lỗi), và Uddhacca (Phóng Dật) cũng đều phát hiện trong ấy cùng một lúc.

Còn 10 tâm sở còn lại thì sao?

Lobha (Tham) -- phải có phát sanh cùng lúc.
Diṭṭhi (Tà Kiến) -- phải có phát sanh.
Māna (Ngã Mạn) -- không thể phát sanh.

Ngã Mạn không thể phát sanh trong loại tâm Tham, cùng với Tà Kiến. Tà Kiến liên quan đến quan kiến sai lầm, còn Ngã Mạn thì liên quan đến lòng vị kỷ. Các nhà chú giải nói rằng Tà Kiến và Ngã Mạn giống như hai con sư tử, không thể sống chung với nhau trong cùng một chuồng.

Dosa (Sân), Issa (Ganh Tỵ), Macchariya (Xan Tham), và Kukkucca (Lo Âu) không thể phát sanh, vì bốn tâm nầy thiên về sân hận, ác ý, hay bất mãn, chỉ nằm trong các loại tâm sân.

Thīna (Hôn Trầm) và Middha (Thụy Miên) không phát sanh, vì đây là một loại tâm không có sự xúi giục (Asaṅkhārika). Cũng không có tâm sở Sobhanas (Đẹp), vì đây là tâm Bất Thiện.

Tổng cộng: 7 + 6 + 4 + 2 = 19.

Như vậy, sau khi phân tách tỉ mỉ ta thấy rằng nằm trong loại tâm Bất Thiện đầu tiên có 19 tâm sở.

Các loại tâm khác cũng phải được phân tách như vậy.

-ooOoo-

CETASIKA
(Tâm Sở)

1.

Ekuppāda-nirodhā ca -- ekālambanavatthukā

Cetoyuttā dvipaññāsa -- dhammā cetasikā matā

§1

Năm mươi hai trạng thái tâm đồng liên hợp với tâm vương, đồng phát sanh và đồng hoại diệt cùng tâm vương, đồng có một đối tượng và một căn cùng tâm vương, được gọi là Cetasika (tâm Sở).

Chú Giải:

1. Cetasika, = "Ceta" + "s" + "ika"

Cái gì liên hợp với tâm, hay thức, là Cetasika, tâm sở (Saṁkrt: Caitasika hay Caitti).

Định Nghĩa: Cetasika (tâm sở) là:

(i) Cái gì đồng phát sanh cùng tâm vương,
(ii) Cái gì đồng hoại diệt cùng tâm vương,
(iii) Cái gì cùng có chung một đối tượng với tâm vương,
(iv) Cái gì đồng có chung một căn với tâm vương.

Người đọc sẽ ghi nhận rằng nơi đây tác giả không đưa ra một định nghĩa hợp lý tương ứng theo loại hay phân hạng. Thay vì thế, tác giả đề cập đến bốn đặc tánh của tâm sở (Cetasika) .

Nhà chú giải nêu lên lý do tại sao.

Tâm vương không thể hiện hữu ngoài các tâm sở. Cả hai, tâm vương và các tâm sở tương ứng, đồng khởi sanh và đồng hoại diệt cùng một lúc. Tuy nhiên có vài đặc tánh vật chất -- như Viññatti Rūpa [1] (Những Phương Cách Phát Hiện của Sắc) -- đồng khởi sanh và đồng hoại diệt với thức. Ngoài những hình thức phát hiện ấy đặc tánh thứ ba là có một đối tượng đồng nhất với đối tượng của tâm vương. Khi có đủ ba đặc tánh trên tức nhiên phải có đặc tánh thứ tư là đồng có chung một căn.

Theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), tâm hay thức đồng phát sanh cùng năm mươi hai tâm sở (cetasikas).

Một trong các tâm sở ấy là Vedanā (Thọ); một tâm sở khác là Saññā (Tưởng). Năm mươi tâm sở còn lại được gọi chung là Saṅkhāra (Hành). Tâm sở Cetanā (Tác Ý) là quan trọng nhất trong các tâm sở.

Toàn thể nhóm "thọ" được gọi là Vedanākhandha (Thọ Uẩn). Cùng thế ấy toàn thể nhóm "tri giác" và nhóm "sinh hoạt tâm linh" được gọi là được gọi là Saññākhandha (Tưởng Uẩn) và Saṅkhārakkhandha (Hành Uẩn).

Ghi chú:

[1] Kāyaviññatti, phương thức phát biểu bằng hành động và Vaci Viññatti, phương thức phát biểu bằng lời nói.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]