Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chi 4: Mười Niệm (tiếp theo)

03/05/201115:33(Xem: 9542)
Chi 4: Mười Niệm (tiếp theo)
 
GIẢI THOÁT ĐẠO LUẬN
VIMUTTI MAGGA
Thiện Nhựt chuyển dịch sang tiếng Việt

Phần 2:PHẦN TÌM HIỂU

Phần Tìm hiểu Phẩm 8: Hành môn

Chi 4: Mười Niệm (tiếp theo)

 

Chuyển tiếp: Trong Chi 3 Phẩm 8 về Hành môn, Luận văn bắt đầu giảng về Mười Niệm, nhưng chỉ đến niệm thứ sáu là Niệm Thiên. Còn lại bốn niệm: Hơi Thở, niệm Tử, niệm Thân và Niệm An tịch, đến Chi 4 nầy mới chấm dứt. Trong bốn Niệm còn lại, Niệm Hơi Thở là phần quan trọng nhứt.

063. Tầm quan trọng của Niệm Hơi Thở.

Đời sống con người biểu hiện qua hơi thở, hơi thở có ra vào đều đặn, con người mới hoạt động được với đầy đủ các khả năng về thể chất và tinh thần. Nhưng mỉa mai thay! Có rất ít người lưu tâm đến chính nguồn sống đó: họ cứ hít vào, cứ thở ra, mà nào có biết là họ đang thở! Biết thật đúng hơi thở có ý thức sẽ đem đến sự thay đổi lớn trong thái độ và lối sống hằng ngày của mình và sẽ tiến gần đến con đường giác ngộ và giải thoát.

Đó là điều mà người học tập giáo lý nhà Phật cần nên tìm hiểu về Niệm Hơi Thở trong đoạn Luận văn nầy.

064. Dàn bài của Chi 4, Phẩm 8: Hành môn.

I. Nhập đề: Không có phần Nhập đề, vì Chi 4 kể như đang tiếp tục Chi 3.

II. Thân bài:Chi 4 chia ra làm bốn phần, bàn về bốn đề mục khác nhau, mỗi đề mục thành một bài riêng.

21)NIỆM HƠI THỞ:

A. Thế nào là Niệm Hơi Thở?

1. Anàpanàsati: Anà = An, thở ra (xuất tức); Panà = Ban, hít vào (nhập tức); Sati = niệm.
2. Thở ra dài, biết thở ra dài; Hít vào ngắn, biết hít vào ngắn.
3. Lưu tâm nơi hơi thở va chạm vào chót mũi.
4. Niệm bám sát vào hơi thở khi va chạm.

B. Tu Niệm Hơi Thở như thế nào?

1. Luận văn mô tả rất rõ cách niệm khi thở.
2. Các
điều cần tránh khi tập thở.
3.Tướng gió khởi khi niệm hơi thở
được điều hoà.
4. Các tướng kỳ lạ có thể xảy ra trong khi tu tập.
5.
Đắc tâm bất loạn và các thiền chi.

C. Bốn phéptu tập cổ điển về Niệm Hơi Thở:

1. Toán hay đếm, tương đương với Sổ tức.
2. Tuỳ trục hay theo đuổi sát, tương
đương với Tùy tức.
3. An trí hay trụ yên vào, tương
đương với Chỉ.
4. Tuỳ quán hay quán sát theo, tương
đương với Quán.

Bốn phép nầy trong Luận văn tương đương với bốn pháp Sổ tức, Tùy Tức, Chỉ và Quán trong Lục Diệu Pháp Môn.

D. Niệm Mười Sáu Hơi Thở:

1. Nhóm thứ nhứt: Niệm Thân

Hơi thở thứ 1:Thở vào dài, thở ra ngắn, thở vào ngắn, nên theo đó mà học tập. Học tập những gì? (1) chẳng lẫn lộn khoảng cách dài, ngắn khác nhau; (2) niệmnắm lấy đối tượng: hơi thở khi dài, khi ngắn.

Hơi thở thứ 2:Biết tất cả thân, tôi thở vào, cứ như thế mà học tập. Học tập những gì? (1) Do hơi thở ra vào xúc chạm nơi chót mũi gây cảm giác dễ chịu, mừng vuikhởi lên, sớm đắc định,và thể nghiệm được toàn thân, chẳng lẫn lộn; (2) Biết đối tượng sắc thân: hơi thở ra vào nơi trú xứ của sắc thân, và các yếu tố của sắc thân nầy chỉ gồm có: hơi thở, tâm và các tâm sở mà thôi. Chẳng có chúng sanh, chẳng có thọ mạng

Hơi thở thứ 3: Như thế mà học tập. Học tập những gì? (1) tăng thượng giới học, (2) tăng thượng tâm học, (3) tăng thượng huệ học.

Hơi thở thứ 4:Khiến cho thân hành được an tịnh, tôi thở vào; như thế mà học tập. Học những gì? (1) Xét tư thế của thân trong khi thở, từ thô qua tế, đến thật tế nhị, và trong an tịnh; (2) Khi hơi thở tuy chấm dứt ở cấp Tứ thiền, nhưng vẫn còn tướng gió ban đầu để theo dõi.

2. Nhóm thứ hai: Niệm Thọ.

Hơi thở thứ 5:Thể nghiệm nỗi mừng (Hỉ), tôi thở vào, cứ như thế mà học tập. Học tập những gì? (1) Biết chẳng lẫn lộn nỗi mừng khởi lên ở Sơ Thiền và Nhị thiền, do quán chiếu đối tượng hơi thở; (2) Thể nghiệm nỗi mừng nhưng chẳng tham đắm.

Hơi thở thứ 6:Thể nghiệm niềm vui (Lạc), tôi thở vào, cứ như thế mà học tập. Học tập những gì? (1) Biết chẳng lẫn lộn niềm vui khởi lên ở Tam thiền, do quán chiếu đối tượng hơi thở; (2) Thể nghiệm niềm vui nhưng chẳng tham đắm.

Hơi thở thứ 7: Thể nghiệm các tâm hành, tôi thở vào, như thế mà học tập. Học tập những gì? (1) Mừng (Hỉ) thuộc thọ uẩn, Vui (Lạc) thuộc tưởng uẩn, biết rõ chẳng lẫn lộn qua sự thể nghiệm; (2) Thể nghiệm các tâm hành, mà chẳng tham đắm.

Hơi thở thứ 8: Khiến tâm hành được an tịnh, tôi thở vào, như thế mà học tập. Học tập những gì? (1) Biết chẳng lẫn lộn: Mừng còn thô, Vui tuy tế, nhưng hai tâm hành nầy còn chưaan tịnh, (2) Khiến khởi lên niệm Xả nơi tâm hành: chỉ niệm Xả thanh tịnh mới yên ổn.

3. Nhóm thứ ba: Niệm Tâm.

Hơi thở thứ 9: Thể nghiệm Tâm, tôi thở vào; như thế mà học tập. Học tập những gì? (1) Tâmbiết tâm đang mừng, vui, biết chẳng lẫn lộn các tâm sở ấy; (2) Tâmbiết tâm đang theo dõi đối tượnghơi thở.

Hơi thở thứ 10: Khiến Tâm trở nên hoan hỉ, tôi thở vào, cứ như thế mà học tập. Học những gì? (1) Tâmbiết chẳng lẫn lộn lúc mừng tâm xao động; (2) Tâm biết chẳng lẫn lộn khi vui, tâm tế nhị hơn.

Hơi thở thứ 11: Khiến giáo hoá Tâm, tôi thở vào, như thế mà học tập. Học tập những gì? (1) Giáo hoá Tâm là điều phục Tâm trở nên an tịnh; (2) Biết Tâm được định tỉnh, chẳng lẫn lộn theo dõi mỗi hơi thở vào, ra.

Hơi thở thứ 12: Khiến giải thoát Tâm, tôi thở vào, cứ như thế mà học tập. Học tập những gì? (1) Khi Tâm giải đãi, khởitinh tấn đểgiải thoát Tâm; (2) Khi Tâm vọng động, khởian tịnh, giải thoát Tâm.

4. Nhóm thứ tư: Niệm Pháp.

Hơi thở thứ 13: Thường thấy Vô thường, tôi thở vào, cứ như thế mà học tập. Học tập những gì? (1) Thấy Vô thường khi hơi thở vàokhởi lên, kéo dài, rồi tan mất, để hơi thở ra khởi lên tiếp theo, rồi cũng tan mất...; (2) Biết chẳng lẫn lộn Tâm và các tâm sở đang theo dõi hơi thở cũng nổi lên rồi tan biến, cũng lại vô thường như hơi thở vậy.

Hơi thở thứ 14: Thường thấy Vô dục, tôi thở vào, cứ như thế mà học tập. Học tập những gì? (1) Biết rõ các pháp vô thường chẳng bền vững, nên chẳng đáng ham muốn, do đó lià được tham dục; (2) Biết rõ khi Vô dục là tâm tiến gần đến ngưỡng cửa Niết-bàn là pháp vô vi.

Hơi thở thứ 15:Thường thấy Đoạn diệt, tôi thở vào, cứ như thế mà học tập. Học tập những gì? (1) Thấy đúng như thật các pháp vô thường có nhiều lỗi lầm, liền diệt bỏ đi; (2) Biết rõ đoạn diệt các pháp vô thường, là thấy rõ sự tịch diệt, đó là Niết-bàn.

Hơi thở thứ 16: Thường thấy Xuất ly, tôi thở ra, cứ như thế mà học tập. Học tập những gì? (1) Biết rõ chẳng lẫn lộn sự Đoạn diệt các pháp vô thường xuất ly, ra khỏi tất cả cácphiền não; (2) Biết rõ xuất ly đưa tới tịch diệt, đắc được sự an tịch của Niết-bàn.

E. Tu Niệm 16 Hơi thở thành mãn lần lượt đắc được Tứ niệm xứ, Thất giác chi, cùng Trí huệ và giải thoát.

1. Đắc Tứ niệm xứ: Tứ niệm xứ hay là bốn lãnh vực quán niệm: niệm Thân, niệm Thọ, niệm Tâm niệm Pháp. Sự sắp xếp 16 Hơi thở thành 4 nhóm, như ở trên, cho thấy rõ bốn lãnh vực của Niệm xứ.

2. Đắc Thất giác chi: Bảy chi (= yếu tố) của sự giác ngộ là: niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỉ, khinh an, định và xả. Lần lượtthành tựu Thất giác chi với:

- giác chi (1): hơi thở thứ 1về niệm,
- giác chi
(2): hơi thở thứ 13 về trạch pháp,
-
giác chi (3): hơi thở thứ 11 về tinh tấn,

- giác chi (4): hơi thứ 5 về Hỉ (nỗi mừng),
-
giác chi(5): hơi thở thứ 10 về khinh an,
-
giác chi (6 và 7): hơi thở thứ 12 về định và xả.

3. Đắc Trí huệ và giải thoát: Do tu tập nhiều về thất giác chi, khiến trong sát-na đắc đạo, nên trí huệ thành mãn. Và cũng trong sát-na, đắc quả, khiến sự giải thoát được hoàn toàn cả đạo quả.

22) NIỆM TỬ:

A. Thế nào là Niệm Tử?

1. Thọ mạng dứt thì chết, khởi lên niệm về sự Chết, đó là Niệm Tử.

2. Có bốn loại Niệm Tử:

21. Niệm Tử liên quan đến sự lo âu: như khi mất đứa con thân yêu;
22. Niệm Tử liên quan
đến sự kinh hãi: như khi con cái chết bất thình lình;
23. Niệm Tử liên quan
đến sự lãnh đạm: như người đạo tùy thiêu xác chết;
24. Niệm Tử liên quan
đến trí huệ: như khikhởi lên sư chán ngán cảnh đời.

Trong bốn loại, chỉ nên chọn Niệm Tử thứ tư, liên quan đến Trí huệmà tu tập.

3. Các loại chết:

31. Chết thông thường: vì già, vì bịnh;
32. Chết bất thường: vì tai nạn, vì tự sát,...
33.
Đoạn tử: Bực A-la-hán đoạn diệt xong các phiền não, tức là đã giết chết hết các phiền não.
34. Niệm niệm tử: các uẩn tạm thời chấm dứt trong cơn Thiền
định (trường hợp vô niệm).

Hai loại chết sau được hiểu theo nghiã bóng.

B. Công đức tu Niệm Tử: Tu niệm Tử thành mãn, được:

1. chẳng phóng dật, chăm lo tu hành Chánh Đạo
2. chẳng lo tích trữ, chẳng bỏn xẻn,
3. thường nghĩ đến vô thường, khổ, vô ngã,
4. tâm thường hướng về Niết-bàn
5. khi sắp chết, chẳng mê mờ.

C. Tu cách nào? Luận văn kể rõ Tám cách tu Niệm Tử:

1. như bị kẻ ác rượt đuổi;
2. chẳng có cách nào ng
ăn sự chết đừng đến
3. so sánh thân phận mình với các bực toàn n
ăng rồi họ cũng phải chết;
4. xét thấy thân thể nầy bị lệ thuộc nhiều thứ;
5. vì thọ mạng bất lực trước cái chết;
6. do phân biệt xưa nay chẳng ai mà chẳng chết;
7. do chẳng có tướng nào
để biết rõ trước cái chết
8. do sát-na: cuộc sống chỉ trong sát-na ngắn ngủi

D. Khác biệt giữa Vô thường tưởng và Tử niệm.

1. Vô thường tưởng liên quan đến sự sanh và diệt của các ấm (= uẩn). Vô thường là chẳng bền vững, chẳng thường hằng. Tưởng vô thường giúp hành giả tránh được sự kiêu mạn vì hiện có sắc đẹp, sức khoẻ, tuổi trẻ; những điều nầy sẽ biến đổi và phai nhạt cùng thời gian.
2. Niệm Tử liên quan
đến sự diệt của các căn, khi thọ mạng dứt. Nhờ niệm Tử mà tâm hành giả an trú được nơi các tưởng vô thường, khổ vô ngã, giữ được thanh tịnh.

23) NIỆM THÂN:

A. Thế nào là Niệm Thân?

1. Niệm Thân là niệm về thân tánh, tức là bản tánh bất tịnh của tấm thân thể vật chất nầy.
2. Niệm Thân trước hết phải thuộc lòng 32 phần trong thân thể, thuộc cho
đến mức đọc xuôi, đọc ngược theo thứ tự, đều trôi chảy trơn tru.
3. Quán niệm 32 phần ấy theo:(1) màu sắc,(2) hình dạng; (3) hành xứ,
để khởi lên tướng.
4. Ba loại tướng
được khởi lên: (1) sắc, (2) sự chán ghét; (3) Hư-không.

B. Tu Niệm Thân đắc các công đức nào?

1. Thêm sự nhẫn nại
2. Kham chịu sợ hãi, lo âu, các biến
đổi thời tiết
3. Có được tưởng vô thường, khổ, vô ngã
4. Biết lo sợ trước các lỗi lầm.

C. Tu Niệm Thân theo mười ba cách:

1. theo hột giống: thân nầy do hột giống bất tịnh của cha mẹ mà sanh ra, nên cũng bất tịnh;
2. theo xứ:sanh từ bụng mẹ chứa chất bất tịnh;
3. theo nhân duyên (=
điều kiện sanh sốngtrong bụng mẹ), lăn lóc giữa các chất nhờn;
4. theo rĩ chảy, túi da có chín lỗ hổng rỉ ra máu mủ, phân, nước tiểu, ghèn, ...
5. theo thứ lớp hình thành: Luận v
ăn kể 29 tuần thai nhi nằm trong bụng mẹ cho đến khi sanh.
6. theo các loại trùng: Luận v
ăn liệt kê dài dòng hàng trăm loại vi trùng trong cơ thể;
7. theo an xứ, là nơi các khúc xương ráp với nhau
8.theo sự tụ họp của các mảnh xương và bắp thịt;
9. theo sự chán ghét;
10. theo sự chẳng sạch;
11. theo sự phát sanh ra bịnh tật;
12. theo sự chẳng biết ơn của thân;
13. theo chỗ thân có giới hạn.

24) NIỆM AN TỊCH:

A. Thế nào là Niệm An Tịch?

1. An tịch là yên vắng, nguyên văn trong bộ Luận là Tịch tịch, vắng vẻ. Chữ An tịch chỉ sự yên lặng, an nhiên của thân tâm:thân nhẹ nhàng, tâm lắng dịu.
2. Niệm An tịch khởi lên khi thânhết loạn
động, tâm chẳng xao xuyến, theo sau cơn Thiền Định
3. Niệm An tịch
đưa đến sự giải thoát vi diệu.

B. Công đức của Niệm An Tịch.

Thành mãn được niệm An tịch, thì đắc được:

- ngủ được yên giấc,
- suy nghĩ an ổn, tâm thanh tịnh, vắng vẻ
- các c
ăn thanh tịnh được điều phục,
- người trở nên khả ái,
được kính nễ
- hướng về Niết-bàn.

C. Niệm An Tịch và Thiền Định:

1. Nơi Sơ Thiền, niệm an tịch diệt các triền cái;
2. Nơi Nhị Thiền, niệm an tịch diệt giác, quán;
3. Nơi Tam Thiền, niệm an tịch diệt Hỉ;
4. Nơi Tứ Thiền, niệm an tịch diệt Lạc.
5. Nơi Không
Định, niệm an tịch diệt sắc tưởng.
6.NơiThức
Định, niệm an tịch diệt Hư-không tưởng
7. Nơi Vô sở hữu xứ
Định, niệm diệt thức tưởng;
8. Nơi Phi tưởng
Định, niệmdiệt tưởng vô sở hữu;
9. Nơi Diệt tận
Định, niệm đó diệt thọ và tưởng.

D. Niệm An tịch và Đạo Quả:

1. Đắc quả Tu-đà-hườn, niệm an tịch diệt các phiền não và tà kiến thô.
2.
Đắc quả Tư-đà-hàm, niệm an tịch diệt các tham dục và sân hận thô;
3.
Đắc quả A-na-hàm, niệm an tịch diệt các tham dục và sân hận tế;
4.
Đắc quả A-la-hán, niệm an tịch diệt tất cả các phiền não, khiến chúng tịch diệt nơi Niết-bàn.

III. Kết Luận: Luận văn chẳng có phần kết luận mà chỉ đưa ra các vấn đề linh tinh (Tán cú) về Mười Niệm, như:

- Niệm công đức của các Đức Phật thời quá khứ,
- Niệm công đức bực Thanh văn cũng được gọi là Niệm T
ăng;
- Niệm Thí về công đức bố thí của mình làm t
ăng sự hoan hỉ;
- Niệm Thiên là t
ăng lòng tin tưởng, v.v.

065. Ý chánhcủa Niệm Hơi Thở, Niệm Tử, Niệm Thân và Niệm An Tịch.

Tóm tắt mà nói, khi tu tập về Mười Niệm, phần quan trọng là chú tâm đến các trọng điểm, như Niệm Hơi Thở quan trọng ở sự tỉnh thức, Niệm Tử quan trọng ở sự chẳng thể tránh được, Niệm Thân quan trọng ở chỗ bất tịnh, Niệm An tịch quan trọng ở chỗ yên vắng, tĩnh lặng.

1. Nìệm Hơi Thở giúp hành giả giữ được chánh niệm luôn luôn sáng tỏ, theo dõi tất cả thân hành, tâm hành.

2. Niệm Tử giúp hành giả luôn luôn nghĩ đến cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, nên tự thúc dục mình phải tinh tấn tu tập.

3. Niệm Thân giúp hành giả nhận chân tánh cách bất tịnh bên trong thân thể mà bỏ lòng tríu mến, diệt được thân kiến, tiến tới vô ngã.

4. Niệm An tịch giúp hành giả có nơi an nghĩ, và chính nơi nầy, thân tâm được tạm thời giải thoát, trong sự yên vắng.

066. Tìm hiểu nghiã các chữ khó của Chi 4:

Niệm An ban: Niệm = Pàli là Sati, một ý nghĩ khởi lên trong tâm; An ban= phiên âm chữ Pàli Anàpanàsati = An= Anà= xuất tức= hơi thở ra;Ban= Panà= nhập tức= hơi thở vào.

Như thế, Niệm An ban, hay Niệm xuất tức, nhập tức, đều có nghiã giản dị là Niệm Hơi thở, tâm theo dõi từ hơi thở ra, hơi thở vào khi chúng chạm vào chót mũi.

Chánh niệm: Chánh = chơn chánh, đứng đắn; Niệm = ý nghĩ trong tâm. Có chánh niệm là trong tâm luôn luôn theo dõi mọi biến chuyển của thân và của tâm; thí dụ, đang ăn, biết mình đang ăn, đó là có chánh niệm. Nói điều gì, biết mình đang nói điều ấy, đó là chánh niệm theo dõi hành động của miệng. Chánh niệm phải thắp sang lên cả ngày, vì nếu không, thì sống cũng như cái máy. Chánh niệm khiến mình tỉnh thức.

Thắng diệu: Thắng = hơn, hay hơn, tốt hơn; Diệu = thật là khéo, thật là mầu nhiệm khác thường.

Khả ái: Xem lại trang 369, Phẩm 6.

Tứ niệm xứ = Bốn lãnh vực quán niệm: Khi tu tập quán tưởng, tập trung tư tưởng về bốn lãnh vực để suy nghiệm; bốn lãnh vực đó là: (1) Thân vật chất, (2) Thọ, các cảm giác, tình cảm; (3) Tâm và các tâm sở, tâm hành tức là các biến chuyển của tâm; (4) Pháp, tất cả các sự vật.

Quán thân thì thấy bất tịnh, quán thọ thì thấy khổ, quán tâm thì thấy vô thường, quán pháp, (= sự vật) thì thấy vô ngã.

Thất giác chi = Bảy giác chi = Bảy yếu tố của sự giác ngộ = Thất Bồ-đề phần: Sự giác ngộ được phân ra làm 7 yếu tố: (1) niệm giác chi, (2) trạch pháp giác chi. (3) Tinh tấn giác chi, (4) Hỉ giác chi, (5) Khinh an giác chi, (6) Định giác chi, (7) Xả giác chi.

Trạch pháp = chọn lựa pháp, biết phân biệt các pháp.

Khinh an = Xem lại trang 323, Phẩm 1

Trời Phạm: Xem lại chữ Phạm Thiên, trang 422, P. 8

Như Lai: Pàli Tathàgata = Như = như thế; Lai = đến. Chữ Như Lai dành cho các Đức Phật. Lúc Đức Phật còn tại thế, các đệ tử gọi Ngài là Thế tôn, còn Ngài thì tự xưng là Như Lai. Kinh Kim cang định nghiã chữ Như Lai: ''Chẳng từ đâu đến, chẳng đi về đâu".

Kiết-già: Xem lại trang 416, Phẩm 8

Tâm hành: Tâm = tâm; Hành = hành động; Tâm hành chỉ các hành động, các biến chuyển của Tâm; thí dụ như tâm giận là một tâm hành; tâm vui, tâmmừng, v.v.

Tác ý: Xem lại trang 344, Phẩm 2.

Dị tướng: Dị = kỳ dị, kỳ lạ, khác thường; Tướng = hình tướng. Thấy các dị tướng khởi lên, đó là óc tưởng tượng bên trong phóng ra trên màn ảnh tâm, hư ảo, giả dối, chẳng thật.

Điên đảo: Xem lại trang 446, Phẩm 8.

Tiên sư:Tiên = trước; Sư = Thầy. Bực tiên sư là những bực Sư, bực Thầy ngày trước có dạy, nay truyền lại.

Tuỳ trục: Tuỳ = nương theo; Trục = rượt đuổi. Chữ Tùy trục đây có ý muốn nói, tâm đeo theo sát niệm hơi thở chẳng để cho niệm ấy gián đoạn vì các ý tưởng khác.

Tuỳ quán: Tùy = nương theo; Quán = suy nghĩ cặn kẽ. Tùy quán là tiếp tục đeo sát đề mục mà quán tưởng.

Sự: Nguyên văn câu hỏi nầy (trang 159) Vân hà bất ngu si sự? được tạm dịch là Thế nào là chẳng lẫn lộn và đối tượng, có vẻ hơi gượng; nhưng chữ bất ngu si ý muốn nói có sự phân biện chẳng lẫn lộn; còn chữ sự đây muốn nói đến nội dung của việc quán tưởng, tức là đối tượng hơi thở đang học tập. Vì lẽ đó mà dịch bất ngu si = chẳng lẫn lộn; sự = đối tượng.

Trái nghiã với chữ sự là chữ lý. Sự nói về sự kiện, các sự việc cụ thể; còn thì bàn về lý thuyết.

Sắc thân: Sắc = hình sắc, lại có nghiã là vật chất; Thân = thân thể, tấm thân vật chất. Sác thân trái nghiã với Tâm, thuộc về tinh thần, chẳng có hình sắc.

Thể nghiệm: Thể = thân thể; Nghiệm = cảm nghiệm, có kinh nghiệm về việc gì. Thể nghiệm một việc gì là tự mình có kinh nghiệm bản thân về việc ấy, chớ chẳng phải chỉ nghe nói mà biết qua. Thí dụ: Tôi uống nước mát; tôi đang thể nghiệm sự mát mẻ: khi nước uống vào trong, thấy mát lần lần ở miệng, ở họng, ở bụng, v.v.

Thọ mạng: Thọ = tuổi thọ; Mạng = mạng sống. Thọ mạng tức là sức sống nơi mọi sanh vật qua thời gian.

Như thực: Như = như thế, giống y chẳng có chút khác biệt nào; Thực = sự thực, sự thật, Chơn lý. Giới như thực là giới đúng theo Chơn lý. Định, Huệ như thực lại cũng như thế, theo đúng Chơn lý, chẳng chút nào sơ hở, sai chạy.

Thân hành: Thân = sắc thân, thân thể vật chất; Hành = hành động. Thân hành là những cử động của thân. Trái nghiã với tâm hành,là các biến chuyển của Tâm.

Chuyên nhứt: Xem lại trang 417, Phẩm 8.

Trì huỡn: Trì hoãn: Trì = chậm; Hoãn = thong thả, chậm chạp. Trì huỡn là chậm lụt, huỡn đãi.

Vô thường: Xem lại trang 337. Phẩm 2

Vô dục: Vô = chẳng có; Dục = ham muốn. Vô dục là dứt hẳn mọi sự ham muốn.

Nê-hoàn: phiên âm chữ Phạn Nirvana, cùng với chữ Niết-bàn chung một nghiã là viên tịch, vắng lặng, ra khỏi rừng phiền não u tối.

Đoạn diệt: Đoạn = cắt đứt, dứt bỏ; diệt = làm cho tiêu tan mất đi. Chữ Đoạn diệt đây chỉ tình trạng tận diệt hoàn toàn tất cả các phiền não, tâm trở nên thanh tịnh vắng vẻ; như thế, đoạn diệt gần nghiã với sựchết, sự vắng lặng, và do đó chẳng xa nghiã với chữ Niết-bàn.

Xa-ma-tha,Tỳ-bà-xá-na: Xem lại trang 421, Ph. 8

Thành mãn: Thành = thành công, hoàn thành; Mãn = đầy; Thành mãn là thành công đầy đủ, hoàn toàn. Cùng nghiã với Thành tựu.

Sát-na: phiên âm chữ Phạn Ksana, Pàli Khanika, chỉ đơn vị thời gian rất ngắn, bằng 0.0013 của giây, còn ngắn hơn cái tích tắc.

Càn-thát-bà: phiên âm chữ Pàli Gandhabba, vị nhạc thần trên cõi Trời. Còn gọi là Hương thần, thích ngữi mùi thơm.

Phóng dật: Phóng = buông trôi, buông thả; Dật = yên nghỉ, chẳng hoạt động. Người phóng dật là người lười biếng cứ ngồi nghỉ, chẳng làm việc chi có ích.

Bỏn xẻn = rít róng, chẳng hào phóng, chẳng bố thí.

Đề hồ = chất kem đặc trên sữa; chỉ đến món ngon nhứt, do đó chỉ đến hương vị của cõi Niết-bàn. Đồng nghiã với Nê-hoàn,Niết-bàn.

Xà duy: âm tiếng Pàli, có nghiã là người đạo tùy, kẻ lo thiêu xác chết ở nghiã địa.

Lãnh đạm: lạnh lùng, chẳng quan tâm, dửng dưng.

Đẳng tử: Đẳng = ngang hàng, bằng nhau; Tử = chết. Đẳng tử có nghiã là cái chết thông thường, chết vì bịnh, già.

Đoạn tử: Đoạn = cắt đứt; Tử = chết. Chữ đoạn tử được dùng theo nghiã bóng: bực A-la-hán giết chết các phiền não, đó gọi là đoạn tử.

Niệm niệm tử: sự biến diệt của các niệm trong tâm; mỗi khi niệm khởi lên, trụ tại tâm một thời gian rất ngắn, rồi diệt di; sự tiêu diệt đó gọi là niệm niệm tử.

Tự sát: Tự = chính mình; Sát = giết chết. Tự sát là tự tử.

Duyên giác: Xem lại trang 341, Phẩm 2.

Tử pháp: Tử = chết; Pháp = sự việc. Nhập vào tử pháp có nghiã là chết.

Phi nhơn = Hạng chúng sanh chẳng phải là người mà cũng chẳng phải là Trời, gần với các thần linh.

Bất lực: Bất = chẳng có; Lực = sức mạnh. Bất lực = chẳng đủ sức.

Tận thế: Tận = cùng tận, chấm dứt; Thế = đời; thế giới. Cảnh tận thế xảy ra khi tất cả mọi sanh vật, động vật, khoáng vật đều bị đốt cháy hết.

Hoành cách mạc: Hoành = ngang; cách = ngăn chia; mạc = mô, bắp thịt dày thành lớp. Hoành cách mạc là lớp mô (lớp da dầy) chắn ngang giữa ngực và bụng (diaphragme).

Tử cung = cái bọc trong bụng mẹ nơi thai nhi lớn lên.

Sản môn: Sản = sanh sản, sanh đẻ; môn = cửa. Sản môn là nơi thai nhi chui ra khỏi bụng mẹ, khi sanh ra.

Động kinh: bịnh về thần kinh, tay chơn bỗng giựt lên, mắt trợn ngược, sùi bọt mép.

Hoa liễu: bịnh phong tình, do sự giao hợp nam nữ.

An tịch: Nguyên văn trong bộ Luận là Niệm Tịch tịch có nghiã là niệm về sự vắng lặng, an ổn. An = yên; Tịch = vắng.

Như như: Danh từ đặc biệt trong Phật học, chỉ sự bất động, yên ổn, chẳng đổi dời, chẳng chuyển động, trước cũng như sau giữ mãi thế an hoà. Tâm như như là tâm thanh tịnh, chẳng xao động, bất động.

Hội náo: Hội = rối rắm, rắc rối, hỗn tạp; Náo = náo loạn, ồn ào. Chữ hội náo đây chỉ sự ồn ào nơi thành thị, trái với cảnh tịch mịch của rừng rú.

067. Suy gẫm về các Niệm trong Chi 4:

1)TừphépĐếm hơi thở đếnNiệm 16 hơi thở:

11) Luận văn, trang 158, trình bày Bốn cách Niệm An ban:(1) toán hay đếm; (2) tùy trục hay theo dõi sát hơi thở; (3) an trí hay yên trụ vào hơi thở; (4) tùy quán hay quán tưởng về hơi thở; nhưng chẳng chỉ rõ sự liên hệ chặt chẽ giữa bốn cách đó.

111. Thật ra, theo thứ tự từ đếm cho đến tùy quán, có sự liên tục tiệm tiến, hành giả tiến bộ rõ rệt khi bước từ việc đếm hơi thở, sang theo dõi hơi thờ. Trong giai đoạn nầy, hành giả nhờ đếm mà dẹp xong được loạn tưởng, kế mới có thể chú tâm hoàn toàn đểtheo dõi hơi thở,khi dài, khi ngắn, khi thô, khi tế.

112. Từ theo dõi hơi thở sang an trụ vào hơi thở chẳng có khó khăn; vào lúc nầy tâm hành giả hoàn toàn nương theo hơi thở, cùng với hơi thở hoà nhịp, mà giữ yên.

113. Từ an trụ bước sang tùy quán: hành giả theo dõi khoảng cách các hơi thở (dài hay ngắn), hoặc tánh cách hơi thở (thô hay tế), và tiếp tục quán tưởng về hơi thở.

Thiển nghĩ, bốn cách đó, nếu tập được nhuần nhã, chắc sẽ đưa hành giả vào Định.

12) Niệm 16 Hơi thở, các trang 159 163, được Luận văn trình bày như một cách quán niệm, mà chẳng thấy chỉ rõ sự liên hệ với bốn pháp Đếm... và Tùy Quán ở trước. Thật ra, phép Niệm 16 Hơi thở nầy tiếp tục công việc của phép đếm ở trước, đồng thời đi sâu vào Thiền quán.

121. 16 hơi thở chia thành bốn nhóm, tức là bốn lãnh vực quán niệm: thân, thọ, tâm và pháp, mỗi nhóm có bốn hơi thở và cách học tập về quán niệm.

122. Quán Thân: theo dõi hơi thở dài, ngắn, và điều hoà hơi thở, từ thô đến tế, khiến cho quán thấy được toàn thân, biết rõ các thân hành. Việc quán tưởng trong lãnh vực nầy nhằm phá bỏ thân kiến: "chẳng có chúng sanh, chẳng có thọ mạng", chỉ có tấm thân vật chất đang thở mà thôi, và thân đó lại vô ngã.

123. Quán Thọ:Hỉ Lạc khởi lên khi thân và tâm đang được yên ổn. Việc quán tưởng trong lãnh vực nầy nhằm an định các tâm hành: thọ và tưởng. Biết có mừng, vui, nhưng chẳng tham đắm vào đó, để tâm được thanh tịnh.

124. Quán Tâm: thể nghiệm được tâmqua sự theo dõi hơi thở. Việc quán tưởng trong lãnh vực nầy nhằm giáo hoá tâm, tức là điều phục khi tâm hoan hỉ, xao động thì khiến tâm "định tỉnh", lại khiến tâm được "giải thoát".

125. Quán Pháp: đây là lúc áp dụng phép tùy quán ở trên, để thấy rằng hơi thở là vô thường, tâm theo dõi hơi thở cũng vô thường luôn, từ đó mà bước sang qua lãnh vực "vô thường, vô dục, đoạn diệt xuất ly".

Do đó, Niệm 16 Hơi thở là phép toạ thiền thù thắng nhứt, giúp hành giả thấy rõ hai đặc tướng: vô thường, vô ngã.

2)Tám cách tuNiệm Tử nhằm mục tiêu: gây ra sựtự thúc dục phải mau mau tu tập.

21) Từ trang 167 đến 169, Luận văn trình bày tám cách tu tập về Niệm Tử, nhưng chẳng thấy đưa ra mục tiêu của việc tu tập. Mục tiêu đó là, vì sự chết chẳng thể tránh được và có thể bất chợt đến với mình, hành giả phải tự thúc dục mình nên mau mau tu tập để được giải thoát, kẻo trễ.

211. Cái chết chẳng thể tránh được:xưa nay ai ai rồi cũng chết; các bực quyển thế cao tột, các bực thần thông thông tuyệt đích, các bực trí huệ siêu phàm, rồi cũng chết; huống chi thân phận yếu hèn của ta, sao lại tránh khỏi được cái chết.

212. Cái chết có thể đến bất ngờ: chẳng có dấu hiệu nào báo trước ngày, giờ của cái chết; cuộc sống nầy bấp bênh, như bị người đao phủ cầm dao đuổi theo sau chực giết mình bất cứ lúc nào.

213. Cuộc sống chỉ trong sát-na: thật ra, cuộc sống chỉ xảy ra trong một sát-na ngắn ngủi, hễ hơi thở thổi ra mà chẳng thấy có hơi thở hít vào, là cuộc đời đi đứt!

22) Bởi các lẽ trên, thường quán niệm luôn luôn trong tâm, khiến ta cảm thấy cần phải tự thúc dục lo tu tập để sớm được giải thoát khỏi cảnh sanh tử, sớm chứng được cảnh vô sanhcủa Niết-bàn.

3)Niệm Thân bất tịnh nhằm mục tiêu phá ngã kiến.

31) Dưới lớp áo quần tươm tất, tấm thân vật chất xem như sạch sẽ, thanh khiết; nhưng thật ra, bên trong chứa đầy các chất bất tịnh, như máu mủ, đờm dãi, mồ hôi, phẩn và nước tiểu. Chỉ cần quay Niệm Thân vào bên trong để quán sát thấy hàng vạn con vi trùng đang đục khoét. Như thế, còn bụng dạ nào mà tríu mến, luyến ái tấm thân ấy như một vật trân quí tinh khiết nữa.

311. Mười ba cách quán tưởng Thân bất tịnh, được Luận trình bày chi tiết, có thể tóm gọn lại thành: (1) vì sanh sống trong một môi trường bất tịnh, nên Thân cũng bất tịnh; (2) bên trong Thân có nhiều chất bất tịnh và các loại vi trùng; (3) Thân nầy phải chịu cảnh bịnh hoạn, già lão, dầu có vẽ vời cho đẹp thêm ra đi cũng chẳng làm thay đổi được.

312. Chẳng cần nhớ đủ 29 tuần lễ thai nhi hình thành trong bụng mẹ, chẳng cần nhớ hết tên các loại vi trùng trong cơ thể, ta cũng biết bên trong chứa đầy các chất bất tịnh mà dẹp bỏ lòng tríu mến quá đáng vào tấm thân vật chất, để có đủ thời giờ lo cho tấm thân "tinh thần"(= tâm).

32) Dẹp bỏ tà kiến vềNgã kiến:

321. Sự đồng hoá tấm thân nầy với Ngã: từ lúc ra chào đời cho đến hiện nay, ta thường vướng phải tà kiến xem tấm thân nầy là chính ta, coi đó như là cái Ngã cần nâng niu, quí trọng. Sai! Thân nầy đâu có thuộc về Ta, vì khi nó bịnh hoạn, Ta có thể ra lịnh cho nó hết bịnh chăng? Thân nầy già lão, da nhăn nhíu, Ta có thể làm cho nó trở lại hồng hào tươi thắm được chăng?

322. Bỏ được thân kiến là chứng được một phần của đạo Tu-đà-huờn, các phần còn lại là mạn, nghi giới cấm thủ. Chẳng phải cứ nói "tôi chẳng xem thân nầy là tôi" đủ, cần phải hành động cụ thể chứng tỏ mình đã dẹp bỏ thân kiến: nghe ai chê mình xấu trai, chẳng xụ mặt xuống, cứ thản nhiên, đó mới thật sự là xem nhẹ cái tự ngã!

323. Quán Thân bất tịnh thường đưa đến tâm trạng chán ghét thân nầy; rồi từ đó đí đến ý nghĩ chẳng thèm chăm sóc đến nó nữa. Đó là một cực đoan cần tránh, cũng như cực đoan xem thân là trọng. Hãy giữ một thái độ trung hoà, lo săn sóc thân mà chẳng luyến ái thân, nên nhớ rằng, sanh được thân người, với đầy đủ các khả năng là điều quí báu vô cùng, hãy nhìn đến loài thú vật, làm sao có đủ thân và tâm như loài người. Và do đó, cần nên luôn luôn tự thúc dục mình mau mau tu tập để sớm được giải thoát.

4)Hãy tập nếm hương vị của Niệm An tịch.

Nơi trang 179, Luận văn trình bày cặn kẽ các hiệu quả của Niệm An tịch trong việc vượt qua theo thứ tự chín cấp Thiền Định. Đây là kết quả của công phu toạ thiền của các bực thiền giả mà trình độ đã đến bực thượng thừa; Luận văn chẳng nghĩ đến những kẻ còn sơ cơ mới bước chơn vào việc tu tập! Thật ra, niệm An tịch chẳng phải dành riêng cho các bực cao cấp, mà ngay những người mới tập Thiền đúng cách, nếu biết ý thức, thì cũng hưởng được hương vị đậm đà của Niệm An tịch. Hưởng cách nào?

- Sau khi tập bốn hơi thở đầu của nhóm Niệm thân, và hơi thở bắt đầu điều hoà, ra vào thong thả, thì tâm hành giả đã lắng yên. Đấy là lúc niệm An tịch từ từ khởi lên, chỉ cần có chút ý thức là nhận ngay ra được. Nhận thấy những gì? Thấy trong tâm, chỉ còn theo dõi hơi thở, bao nhiêu phiền muộn của cuộc đời dường như tan biến, dẹp qua bên, chẳng cần chút cố gắng; lại thấy sự yên vắng từ nơi khung cảnh xung quanh thấm dần vào bên trong, cũng vắng lặng; thấy rõ ràng có sự yên vắng vừa bên trong lẫn bên ngoài! Còn đòi chi hơn! Đó là giây phút hiện tại yên vắng. Hãy ý thức đến phút giây đó, và cứ để cho mọi việc trôi qua, cùng hoà nhịp với hơi thở điều hoà ra vào thong thả.

- Việc thọ hưởng phút hiện tại yên vắng đó tùy thuộc vào mỗi hành giả. Lâu dài, thích thú, êm ả hay không, tự mình mình biết, chẳng thể dùng lời nói mô tả rõ ra được, tựa như chính mình đang thưởng thức ngụm nước mát lạnh từ từ thấm vào cổ, vào họng, vào bụng vậy! Nhưng chớ tham đắm quá, biết như thế và cứ để cho như thế mà thôi!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]