Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Không Có Gì Đáng Để Bám Víu

19/04/201114:05(Xem: 6730)
6. Không Có Gì Đáng Để Bám Víu

Upasika Kee Nanayon (K.Khao-suan-luang)
ĐƠN GIẢN VÀ THUẦN KHIẾT
Tổng Hợp Các Bài Giảng của Nữ Thiền Sư Thái Lan

Chương 3

Đi Ngược Dòng

Không Có Gì Đáng Để Bám Víu

Thật hết sức hữu ích khi chúng ta thực hành Pháp bảo bằng cách tự quán chiếu từng bước một và,trong một chừng mực nào đó, đến chỗ biết được chân lý. Đấy là vì mỗi cá nhân phải tìm chân lý ở bên trong: khổ đế, tập đế và đạo đế. Nếu không hiểu những điều này, chúng ta cũng rơi vào khổ đau như tất cả mọi người khác trên thế gian. Có thể chúng ta đến sống ở một trung tâm tu học, nhưng nếu chúng ta không biết các chân lý này, thì ta cũng chẳng được ích lợi gì khi sống ở đó. Điều khác biệt duy nhất với việc ta sống tại gia là việc tuân theo giới luật. Nếu không muốn tu tập sai lầm thì chúng ta phải biết các chân lý này. Nếu không, chúng ta sẽ sai lầm khi tìm vui trong những phiền não và khổ đau mà thế gian dành tặng.

Cách chúng ta thực hành là quán chiếu cho đến khi chúng ta hiểu khổ và nguyên nhân của khổ, đó là, các uế nhiễm mạnh mẽ ngự trị trong tâm trí ta. Chỉ nhờ cách tu tập này, mà chúng ta có thể hủy diệt các uế nhiễm và phiền não do uế nhiễm gây ra hằng ngày và trong mọi lúc. Đây quả là một điều kỳ diệu. Những người không tu tập không biết phải làm gì, dầu họ sống ngụp lặn trong phiền não và đau khổ. Họ chỉ biết để bị sỏ mũi kéo đi sâu hơn vào khổ đau, vậy mà không ai ý thức được chuyện gì đang xảy ra. Nếu chúng ta không được gặp Phật pháp, nếu chúng ta không tu tập, chúng ta trôi lăn trong sinh tử chỉ để tạo nghiệpcho nhau và để tiếp tục quay cuồng trong khổ đau, phiền não.

Chúng ta phải quán chiếu cho đến khi chúng ta thật sự thấy rõ khổ: Đấy chính là lúc chúng ta sẽ buông bỏ lòng tự mãn và cố gắng diệt khổ hay đạt đến sự thoát khổ. Do đó sự tu tập này là một cách tranh đấu để giành thắng lợi trước khổ đau, phiền não, với kết quả ngày càng tốt hơn. Bất cứ sai lầm gì chúng ta đã phạm, dầu bằng cách nào, chúng ta cũng phải cố gắng đừng tái phạm. Và chúng ta phải quán chiếu các tác hại và đau khổ gây ra bởi các uế nhiễm, ái dục và chấp thủ vi tế hơn bên trong chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng ta phải tiến đến những phần sâu thẳm hơn trong tâm vì nếu chúng ta chỉ dừng lại ở những phạm vi phiếm diện của rỗng không trong tâm, chúng ta sẽ không đạt đến sự hiểu biết sâu xa nào cả.

Vì thế chúng ta phải rèn luyện tâm chánh niệm, tập trung vững vàng và chú tâm nhìn vào bên trong, biết bên trong. Đừng để tâm xao lãng ra bên ngoài. Khi tâm an trụ, nó sẽ đi đến chỗ thấy biết chân lý: Khổ đế và Tập đế - uế nhiễm, ái dục, và chấp thủ - khi chúng phát sinh. Tâm sẽ thấy chúng như thế nào và làm sao tiến sâu vào bên trong để diệt chúng.

Nói cho cùng sự tu tập gom vào chỉ một vấn đề, một việc: khổ và nguyên nhân của khổ. Đây là vấn đề trọng tâm trong kiếp người - ngay cả loài vật cũng chung hoàn cảnh khổ - nhưng do si mê chúng ta lầm lẫn chấp vào mọi thứ. Đây là do sự không hiểu biết của chúng ta hay tà kiến. Nếu có chánh kiến, chúng ta đã thấy đúng bản chất của sự vật. Bất cứ lúc nào thấy khổ, chúng ta thấy Khổ đế. Khi thấy nguyên nhân của khổ, chúng ta thấy Tập đế. Chúng ta thấy và biết vì chúng ta chú tâm vào đó. Nếu không chú tâm vào khổ, ta sẽ không biết khổ; nhưng ngay khi ta chú tâm vào khổ, ta sẽ biết. Chính vì không tập trung vào đấy, nên tâm lang thang ra ngoài trở nên xao lãng, chạy theo các vọng tưởng.

Khi chúng ta cố gắng chú tâm, tâm vẫy vùng, kháng cự lại vì nó quen lang thang. Nhưng nếu chúng ta thường xuyên khiến nó tập trung, thì chúng ta sẽ biết làm thế nào để đưa nó vào vòng kiểm soát. Rồi công việc này sẽ trở thành dễ dàng hơn. Tâm không còn kháng cự để chạy theo vọng tưởng như nó đã làm trước đây. Khi chúng ta bắt đầu rèn luyện tâm, dầu nó phản kháng đến chừng nào, chắc chắn rằng cuối cùng chúng ta cũng đặt nó dưới sự kiểm soát của chúng ta, khiến nó ổn định lại và yên tĩnh. Nếu tâm vẫn không ổn định, ta phải tiếp tục quán tâm. Chúng ta phải chứng tỏ sự quyết tâm của mình. Đấy là vì ô nhiễm và ái dục rất mạnh mẽ. Ta không thể yếu đuối khi đối đầu với chúng. Ta phải can đảm, phải có thái độ chiến-đấu-đến-chết, và phải duy trì nỗ lực của mình. Nếu ta chỉ quan tâm đến chuyện tìm kiếm sự thoải mái, dễ chịu, thì chẳng bao giờ ta đạt được giải thoát.

Uy lực của ô nhiễm tràn đầy trong cá tính của chúng ta, khiến ta rất khó nhận sự thật về bản thân mình. Cái chúng ta biết chỉ là chút kiến thức hời hợt, rồi chúng ta trốn học, bỏ rèn luyện, để cuối cùng kết luận rằng việc hành Pháp không thật sự quan trọng. Thay vì thủ thúc thân tâm, chúng ta lại chỏ mũi vào đủ thứ chuyện, vì đó chính là con đường mà uế nhiễm đã luôn chỉ bày cho ta. Chúng ta miễn cưỡng dò dẫm theo con đường đạo, luôn hàng phục trước các uế nhiễm và rơi vào bẫy của chúng. Khi chúng phàn nàn về một chút khó chịu, chúng ta vội vàng thỏa mãn chúng ngay và lại mắc bẫy. Đó là vì chúng ta quá nghiện mồi đến nỗi không còn thấy sức mạnh của ái dục - khi nó lang thang chạy tìm hình sắc, âm thanh, mùi, vị, vân vân - hay tai hại nó gây ra khiến chúng ta tán loạn tâm thần, không thể ngồi yên để quán chiếu. Lúc nào ái dục cũng tìm được việc cho chúng ta làm, cho chúng ta suy nghĩ, khiến chúng ta phải khổ đau, vậy mà ta vẫn mù quáng không thấy được sự thật.

Giờ chúng ta đã hành Pháp, chúng ta bắt đầu có chút hiểu biết về những gì đang xảy. Bất cứ ai tu tập mà không tự mãn sẽ thấy rằng uế nhiễm, và phiền não ngày càng nhẹ bớt đi, từng bước một. Ở những lĩnh vực trước đây ta thường bị đánh bại, giờ chúng ta sẽ chiến thắng. Nơi chúng ta thường bị lửa phiền não thiêu dốt, giờ chúng ta có chánh niệm tỉnh giác để đốt lại chúng. Chỉ khi chúng ta không còn dò dẫm loanh quanh và thật sự thức tỉnh thì chúng ta mới có thể nhận rõ được sự lợi ích của Pháp, sự quan trọng của Pháp hành. Lúc đó không thể nào chúng ta bỏ quên việc tu tập, vì trong ta luôn có điều gì đó thôi thúc ta tiếp tục tu tập. Nếu ta không tu tập để diệt trừ uế nhiễm, thì phiền não sẽ chồng chất thêm lên. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tiếp tục tu hành cho đến hơi thở cuối cùng.

Chúng ta phải kiên quyết không để bị đưa lạc đường. Những người chánh niệm tỉnh giác sẽ tự nhiên hành động theo đường này. Những người không có chánh niệm tỉnh giác sẽ tiếp tục đi theo uế nhiễm của họ, cuối cùng quay lại chỗ cũ nơi họ chưa bắt đầu tu tập để giải thoát khỏi khổ. Họ có thể vẫn tiếp tục tu, nhưng khó thể nói họ tu tập để làm gì - thường là để thêm nhiều phiền não. Điều này chứng tỏ là họ còn dò dẫm loanh quanh - và khi dò dẫm như thế, họ bắt đầu chỉ trích việc hành Pháp là vô dụng và không tốt.

Khi một người sẵn sàng tuân theo uế nhiễm và ái dục, không có cách gì người đó có thể tu hành. Cũng như khi chèo thuyền ngược dòng sông - ta phải dùng sức mạnh nếu ta muốn tiến lên phía trước. Không dễ gì đi ngược với dòng chảy của uế nhiễm, vì chúng luôn sẵn sàng kéo ta xuôi theo dòng. Nếu ta không có chánh niệm tỉnh giác, không dùng Phật Pháp để quán xét mình, thì có sức mạnh cũng không giúp ta được. Nếu ta chỉ có chút ít chánh niệm tỉnh giác để đối đầu với bao uế nhiễm, chúng sẽ khiến ta do dự. Và nếu ta sống với kẻ nịnh hót có lời lẽ ngọt ngào, ta sẽ còn đi xa đường đạo hơn nữa. Ta sẽ dính vào đủ thứ chuyện ngoài lề và quên lãng chuyện tu hành.

Như thế việc hành Pháp là đi ngượcdòng chảy, ngược lên thượng nguồn chống lại với khổ đau, phiền não. Nếu ta không quán niệm về khổ, thì việc tu hành của ta chẳng đi đến đâu. Khổ chính là nơi ta phải bắt đầu, rồi cố gắng truy tìm nguyên nhân gốc rễ của nó. Ta phải sử dụng trí tuệ để truy nguyên một cách chính xác khổ bắt nguồn từ đâu, vì khổ chỉ là quả. Một khi thấy quả, ta phải truy tìm nhân. Những người có chánh niệm tỉnh giác không bao giờ tự mãn. Bất cứ khi nào phiền não khởi lên, chắc chắn là họ phải tìm ra nguyên nhân để có thể diệt trừ chúng. Việc truy nguyên này có thể tiến hành ở nhiều mức độ, từ thô đến tế và đòi hỏi ta phải có sự hướng dẫn hầu khỏi vấp ngã. Có lẽ ta cũng nghĩ tự mình có thể hiểu ra mọi chuyện trong đầu – nhưng không phải thế chút nào!

Các nguyên tắc hành Pháp căn bản mà Đức Phật tuyên giáo cho chúng ta sử dụng trong việc quán niệm rất nhiều, nhưng ta không cần phải học hết tất cả. Chỉ cần chú tâm đến một số nguyên tắc quan trọng, như ngũ uẩn hay danh và sắc, sẽ rất hữu ích. Nhưng ta cần thực hành sự quán niệm một cách thấu đáo, vẹn toàn, chứ không phải chỉ là việc làm cầm chừng, để cho cảm giác nhàm chán, xả bỏ khởi lên, hầu giúp ta nới lỏng được gọng kiềm của dục vọng. Nếu chúng ta sử dụng chánh niệm để luôn kiểm soát chặt chẽ các căn, tâm chánh niệm sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khuynh hướng dễ xao lãng của ta. Dầu ta đang nói năng, hành động hay suy nghĩ điều gì, lúc nào cũng cảnh giác đừng để mất chánh niệm, vì nếu ta kiên trì trong việc duy trì chánh niệm, thì đó là cách để hủy diệt tất cả mọi khổ đau, phiền não.

Vì vậy hãy tiếp tục thực hành. Dầu có thất bại trăm lần, cũng phải đứng lên trăm lần và trở về vị thế của mình. Lý do khiến chánh niệm tỉnh giác chậm phát triển là vì ta không thật sự nhạy cảm với bản thân. Ta càng nhạy cảm, tâm chánh niệm tỉnh giác của ta càng trở nên mạnh mẽ. Như Đức Phật đã dạy, "Bhavita bahulikata" - nghĩa là, "Phát triển và phát triển đến tột độ"- nói cách khác, hãy tận dụng tối đa chánh niệm.

Sự thực hành của ta phát triển qua phương cách quán niệm và kiểm soát tâm trong cuộc sống hằng ngày đã mang lại một số thành quả, vì vậy hãy tiếp tục nỗ lực hơn nữa. Đừng để mình trở nên yếu hèn hay xao lãng. Cuối cùng ta đã có được cơ hội này: ta có thể tự mãn không? Đời sống của ta ngày càng ngắn dần, vì thế ta phải bù lại bằng cách phát triển thêm chánh niệm tỉnh giác cho đến khi ta trở nên trưởng thành trong Phật Pháp. Nếu không, uế nhiễm của ta vẫn tràn đầy và sự tỉnh giác của ta còn chưa tinh tế. Càng lớn tuổi, ta càng phải cảnh giác hơn - vì chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra cho người già ở khắp mọi nơi.

Vì vậy hãy nắm lấy cơ hội để phát triển các căn, tín, tấn, niệm, định và tuệ một cách thăng bằng. Hãy tiếp tục quán niệm, suy gẫm, nó sẽ giúp ta giữ mình không lang thang ra thế giới bên ngoài. Dầu ai có quyến rũ ta đi theo họ, ta vẫn không theo, vì ta không còn tin bất cứ ai hay bị quyến rũ bởi những miếng mồi thế gian - vì những miếng mồi thế gian là thuốc độc và Pháp phải là nơi nương tựa và là nguồn sáng của đời ta. Một khi ta có mức độ tự tin này, ta chỉ việc sải bước mà không sợ bị trượt lui; nhưng nếu ta do dự, lơ đễnh, không chắc chắn có nên tiếp tục hành Pháp hay không, thì hãy coi chừng: Chắc chắn là ta sẽ bị lôi tuột khỏi vách đá và rơi vào hầm lửa.

Nếu ta không tự giải thoát bên trong, ta sẽ bị lôi kéo khắp bốn phía vì thế gian tràn đầy những thứ có thể lôi kéo ta. Nhưng những người có trí, không dễ tin, tự họ có thể thấy rõ sự tai hại, phiền não của những thứ này. Họ không hướng đến những việc thấp hèn và họ không phải tiếp tục khổ đau trong đời. Họ cảm thấy nhàm chán. Họ không còn ham thích tất cả những miếng mồi và cám dỗ mà thế gian dâng hiến.

Việc hành Pháp giúp chúng ta rũ bỏ những gì mà các miếng mồi trước kia thường dụ dỗ cho ta bám vào. Hãy ý thức rằng không bao lâu nữa chúng ta sẽ chết - chúng ta không còn ở đây lâu lắm đâu! - vì vậy dầu cho có ai hiến tặng cho ta tài sản vô lượng, tại sao ta lại phải nhận chứ? Ai có thể thật sự sở hữu nó? Ai có thể thật sự kiểm soát nó?

Nếu ta có thể biết mình trong vấn đề này, ta sẽ có cảm giác ly tham. Nhàm chán. Ta đánh mất sự ham thích đối với tất cả những quyến rũ của thế gian. Ta không còn coi trọng chúng nữa. Nếu ta có sử dụng chúng, thì cũng chỉ vì những lợi ích chung mang lại cho Pháp, nhưng ta vẫn giữ thái độ yễm ly. Ngay cả cái tên và hình dáng mà ta vẫn xem là "tôi" và "của tôi" cũng đang yếu dần và tan rã liên tục. Còn các uế nhiễm, chúng vẫn còn nằm chờ đợi để thiêu đốt ta. Như thế làm sao ta có thể lãng quên được? Trước hết là khổ ưu, phiền não của ngũ uẫn và thêm vào đó là cái khổ và phiền não do uế nhiễm, ái dục và chấp thủ đang tấn công, hành hạ ta.

Càng tu hành và quán niệm, ta càng trở nên tinh tế sâu xa hơn đối với điều này. Sự quan tâm của ta đối với những việc phù phiếm bên ngoài –như người tốt, xấu, điều hay, dở - được quét sạch. Ta không còn phải quan tâm đến chúng nữa, vì ta chỉ quan tâm duy nhất đến việc tiến sâu vào nội tâm, diệt trừ ngã mạn, lòng tự cao tự đại của ta. Những việc bên ngoài không quan trọng. Điều quan trọng là làm sao ta có thể thấy rõ chân lý bên trong cho đến khi nó rực sáng.

Ánh sáng rực rỡ phát xuất từ cái thấy chân lý không giống chút nào với ánh sáng chúng ta nhìn thấy bên ngoài. Một khi thật sự biết được điều này, ta sẽ thấy nó khó có thể được diễn tả, vì nó là một điều gì đó hoàn toàn có tính cách cá nhân. Nó rửa sạch mọi thứ ra khỏi tâm trí ta, tương xứng với sức mạnh của chánh niệm tỉnh giác của ta. Nó là cái để quét đi, tẩy sạch, dọn dẹp, vứt bỏ và diệt trừ những thứ bên trong. Nhưng nếu chúng ta không có chánh niệm tỉnh giác làm phương tiện để biết, quán niệm và buông xả, thì mọi thứ bên trong đều hoàn toàn đen tối. Và không những đen tối mà còn đầy những lửa với nhiên liệu độc hại cứ triền miên cháy. Có gì khủng khiếp hơn là thứ nhiên liệu cháy trong ta? Dầu nó vô hình, nó bùng lên mỗi khi có tiếp xúc với các căn.

Những quả bom thả xuống để tiêu diệt con người thật sự cũng không nguy hiểm đến thế, vì ta chỉ chết có một lần trong đời. Nhưng ba quả bom của tham, sân và si cứ tiếp tục xé toạc tâm trí chúng ta trong vô lượng thời gian. Bình thường chúng ta không ý thức rõ sự nguy hại này trầm trọng đến thế nào, nhưng khi biết hành Pháp, chúng ta có thể lượng định được sự việc này, thấy được điều gì sẽ xảy ra khi có tiếp xúc với các căn, biết vào lúc nào sức nóng thiêu đốt của uế nhiễm, ái dục khởi lên và tại sao tất cả xảy ra nhanh vậy.

Khi quán niệm để làm thế nào tiêu trừ uế nhiễm, phiền não, chúng ta cần dụng cụ phù hợp và phải nỗ lực chứ không được tự mãn. Việc chúng ta đến tu tập tại đây, bỏ lại phía sau những ràng buộc, những bổn phận ở thế gian, giúp tăng tốc việc tu hành của chúng ta. Điều đó hết sức thuận lợi trong việc giúp chúng ta quán sát tỉ mỉ các căn bệnh bên trong chúng ta và tiêu trừ khổ đau, phiền não không dừng dứt. Các gánh nặng của chúng ta vơi dần đi và chúng ta ý thức được mức tiến bộ trong việc thực hành Pháp của chúng ta về phương diện diệt khổ.

Những người không có thì giờ để đến đây thôi, khoan nói đến việc họ thực sự dừng lại, bị biết bao nhiêu chuyện làm xao lãng. Họ có thể bảo rằng, "tôi có thể tu tập ở bất cứ đâu", nhưng đấy chỉ là lời nói. Sự thật là họ tu tập để đi theo uế nhiễm cho đến khi đầu óc quay cuồng, vậy mà họ còn khoe khoang là có thể tu ở bất cứ nơi nào! Miệng của họ không giống như tâm của họ và tâm họ, -bị uế nhiễm, ái dục và chấp thủ hành hạ, thiêu đốt- không ý thức được hoàn cảnh của họ. Họ giống như các con giòi bọ sống trong nhơ nhuốc mà hạnh phúc được sống và chết ngay trong chỗ dơ bẩn đó.

Người có chút chánh niệm tỉnh giác nào sẽ cảm thấy ghê tởm đối với sự nhơ nhuốc của các uế nhiễm trong tâm. Càng tu tập họ càng trở nên tinh tế hơn và cảm giác ghê tởm của họ càng tăng thêm. Trước kia, khi chánh niệm tỉnh giác của chúng ta còn thô thiển, chúng ta không cảm nhận được điều này. Chúng ta sung sướng nô đùa trong chỗ nhơ nhuốc bên trong ta. Nhưng bây giờ chúng ta đã tu tập, đã biết quán niệm từ mức độ thô đến tế hơn, chúng ta càng cảm thấy ghê tởm sự nhơ nhuốc này thêm lên. Không có gì đáng để ta sa ngã, vì tất cả chỉ là vô thường, khổ và vô ngã.

Vậy thì ta còn ham muốn gì nữa ở đời? Những kẻ si mê cho rằng chúng ta sinh ra là để hưởng sự giàu sang, làm triệu phú, nhưng cuộc sống đó giống như rơi vào hỏa ngục! Nếu ta biết hành Pháp theo lời Đức Phật (theo dấu chân Phật), ta sẽ ý thức rằng không có gì đáng để có, không có gì đáng dính vào, phải nên buông xả tất cả.

Những kẻ còn bám vào sắc, thọ, tưởng, hành và thức như là ngã cần phải quán niệm cho đến khi thấy rằng sắc là khổ, thọ là khổ, tưởng là khổ, hành là khổ, thức là khổ - tóm lại, danh là khổ và sắc cũng vậy, hay nói theo danh từ dễ hiểu hơn, thân là khổ và tâm cũng thế. Ta phải niệm về khổ. Một khi ta có thể thấy khổ một cách thông suốt, từ mức độ thô đến tế, ta sẽ có thể vượt lên trên khoái lạc và đau đớn bởi vì ta đã buông bỏ chúng. Nhưng nếu ta còn chưa hoàn toàn hiểu được khổ, ta vẫn còn ao ước khoái lạc và càng ao ước, ta càng khổ.

Điều này cũng đúng đối với sự an lạc do tâm yên tĩnh mang lại. Nếu ta để cho tâm bám vào đó, ta cũng giống như người nghiện ma túy: mỗi khi thèm muốn nổi lên, ta dùng thuốc và nghĩ là ta sung sướng. Nhưng còn về chuyện sự thèm muốn liên tục tạo ra bao nhiêu đau khổ, ta không có đủ thông minh để thấy. Ta chỉ thấy được một điều là nếu ta có thể sử dụng thuốc bất cứ lúc nào ta muốn, là ta hài lòng.

Đây là lý do tại sao người ta không thể từ bỏ sự nghiện ngập của mình. Họ sa lầy vào cảm giác khoái lạc khi sử dụng thuốc. Họ đang hấp thụ dục lạc và cứ muốn thêm mãi, vì chỉ khi nào họ hấp thụ thêm vào, thì thèm khát của họ mới giảm bớt. Nhưng chẳng bao lâu cơn đói khát quay trở lại, nên họ vẫn còn muốn thêm. Họ tiếp tục hấp thụ dục lạc, kích động tâm, nhưng họ không thấy bất cứ sự tai hại hay đau khổ nào trong đó. Trái lại, họ còn bảo họ sung sướng. Họ cảm thấy hết sức khoái lạc khi thỏa mãn được sự khát khao mãnh liệt. Đấy chính là điều họ nói. Những kẻ còn đầy uế nhiễm, mà trí tuệ thì nông cạn, không thấy được dục vọng, khát khao là đau khổ, vì vậy họ không biết làm thế nào để tránh xa chúng. Ngay khi họ có được điều mong muốn, thì khát khao qua đi. Nhưng rồi nó trở lại, nên họ lại muốn thêm. Nó trở lại nữa, họ lại muốn thêm nữa và cứ lặp đi lặp lại như thế mãi một cách mù quáng đến nỗi họ không còn ý thức được gì nữa.

Tuy nhiên, người có trí lại nghĩ: "Tại sao dục vọng khởi lên. Tại sao ta phải thỏa mãn nó? Khi nó trở lại, tại sao ta cứ phải thỏa mãn nó mãi?" Rồi khi họ ý thức được rằng chính ái dục là cái mà họ phải đối phó và rằng nếu diệt trừ được điều duy nhất này, họ sẽ không còn cảm thấy bị khuấy nhiễu bởi điều gì và sẽ không còn phải đau khổ vì ái dục nữa; đấy là lúc họ có thể thật sự đạt được giải thoát khỏi đau khổ và phiền não. Nhưng thường chúng ta không nhìn sự việc dưới khía cạnh này vì chúng ta vẫn còn cảm thấy thích thú hưởng thụ vật chất. Đó là lý do tại sao ta khó từ bỏ ái dục. Chúng ta chỉ biết làm sao để ăn miếng mồi, vì thế chúng ta không dám thử nhả nó ra -giống như người thích ăn thịt không dám trở thành người ăn chay. Tại sao? Bởi vì họ còn chấp vào hương vị, còn nô lệ cho ái dục.

Nếu chúng ta không thể bỏ những điều thô thiển này, làm sao ta có thể buông được những khao khát sôi sục, thầm kín bên trong ta? Ta vẫn còn mắc vào những miếng mồi tầm thường nhất; thì khi dục vọng thì thầm, nài nỉ, ta sẽ chạy ngay đến - thỏa mãn nó ngay lập tức. Ta không hề biết lòng ham muốn đã làm ta mệt mỏi đến chừng nào, và nó là nguồn gốc của bao nỗi thống khổ nhất như thế nào. Dầu Đức Phật đã dạy chúng ta sử dụng trí tuệ của mình để quán chiếu về nhân quả trong lĩnh vực này, chúng ta vẫn không cố gắng, trái lại còn tiếp tục nuốt mồi. Chúng ta được khoái lạc và chúng ta chỉ muốn chừng đó, để trôi theo dòng của uế nhiễm và ái dục.

Việc tu tập của chúng ta ở đây là đi ngượclại với dòng chảy của ái dục và vọng tưởng. Điều đó có nghĩa là sự tự chế ngự mình và rèn luyện trong nhiều, rất nhiều lãnh vực. Thí dụ, khi sắc, thinh, hương, vị, xúc khởi lên, chúng ta tự lừa mị mình bằng cách ưa thích nó, rồi chốc lát sau, chán ngấy nó và lại ao ước thứ gì khác. Chúng ta hoàn toàn bị lừa mị đến nỗi cuối cùng chúng ta chạy điên cuồng khắp chốn.

Trong tâm ta có biết bao bệnh hiểm độc. Nếu không biết cách đương đầu với chúng thì ta sẽ mãi nằm dưới quyền lực của Ma vương. Những người thật sự thấy khổ và phiền não sẵn sàng liều mạng sống cố gắng tìm giải thoát, cùng một cách như Đức Phật đã sẵn sàng hy sinh tính mạng để được giải thoát khỏi khổ và gông cùm thế gian. Ngài không đi tìm an nhàn cho bản thân. Mỗi vị Phật-vị-lai phải chịu đựng đau khổ vì lợi ích cho mình và cho người. Mỗi vị phải từ bỏ tất cả của cải kếch sù của mình, thay vì dùng chúng để hưởng an nhàn. Như thế, sự tu tập là để rèn luyện sự đấu tranh và chịu đựng. Những ai biết đấu tranh và chịu đựng sẽ đạt chiến thắng - và không có sự chiến thắng nào có thể so sánh bằng được. Chế ngự được uế nhiễm là chiến thắng tối thượng. Bất cứ ta quán niệmđiều gì, ta đều có thể buông xả: Đấy là chiến thắng tối thượng.

Vì vậy xin tiếp tục cố gắng. Đừng dễ duôi sau mỗi chiến thắng nho nhỏ. Ta càng thắng lợi thì chánh niệm tỉnh giác của ta càng trở nên mạnh mẽ, dũng cảm và kiên cường hơn trong việc quán sát tất cả các pháp dầu chúng xuất phát từ mắt, tai, mũi, lữơi, thân, hay tâm

Ta càng quán sát bản thân, chánh niệm tỉnh giác của ta càng trở nên sắc bén. Ngay khi có chấp thủ, ta liền thấy khổ và phiền não - cũng như khi chạm vào lửa, ta cảm thấy nóng và lập tức buông tay. Đó là lý do tại sao sự thực hành Pháp có giá trị tối thượng. Nó không phải là trò đùa – vì các uế nhiễm có nhiều uy lực rất khó khắc phục. Nhưng nếu ta cố gắng khắc phục chúng, chúng sẽ yếu dần khi chánh niệm tỉnh giác của ta trở nên mạnh mẽ hơn. Đây là lúc ta có thể nói rằng ta đang tiến bộ trong việc hành Pháp: khi ta có thể diệt trừ khổ đau và phiền não của mình.

Vì vậy hãy cố gắng đi trọn đường trong khi ta còn chút hơi thở. Đức Phật dạy, "Hãy cố gắng đạt cho được cái-chưa-đạt-được, đến cho được nơi-chưa-đến-được, thực hiện cho được cái-chưa-thực-hiện-được". Ngài không muốn chúng ta yếu đuối và do dự, luôn tìm cách bào chữa cho mình, vì giờ chúng ta đã quy y hay đã xuất gia, chúng ta đã thể hiện một sự hy sinh trọng đại. Vào thời Đức Phật, bất kể quý tăng ni thuộc tầng lớp xã hội nào quý tộc, trưởng giả hay giai cấp thường dân một khi đã rời khỏi nhà là họ đã cắt đứt mối liên hệ gia đình và nhập vào dòng dõi Thích Ca mà không bao giờ quay trở về gia đình. Đức Phật bảo, từ bỏ xuất gia để trở lại với đời sống thế tục là trở thành một người không còn giá trị. Mối quan tâm duy nhất của Đức Phật là cứu người, kéo họ ra khỏi khổ đau, phiền não. Nếu muốn thoát khổ, chúng ta cũng phải noi theo gương Đức Phật, cắt dứt mọi lo lắng, quan tâm cho gia đình, người thân và nhập vào dòng dõi Thích Ca. Sống và tu tập theo giới luật của Đức Phật quả thật là nơi nương trú tối thượng, là con đường tối thượng.

Những người sống theo giới luật Phật pháp (Dhamma-Vinaya) - dầu họ chỉ thi thoảng mới đạt được chút hương vị an lạc của Pháp mà chưa đạt được đạo quả - nguyện dâng đời mình cho Phật, Pháp và Tăng. Họ ý thức rằng dầu họ đạt được bất cứ thành quả nào cũng không giúp họ được giải thoát khỏi khổ, nhưng nếu họ được nương trú vào Tam Bảo, họ sẽ được giải thoát trọn vẹn. Người có chánh niệm tỉnh giác sâu sắc, biết nhìn xa và tỉ mỉ sẽ vượt qua bờ bên kia. Họ đã sống khá lâu trên bờ này và đã chịu nhiều đau khổ quá sức chịu đựng. Họ đã quanh quẩn trong vòng sinh tử vô cùng vô tận. Ý thức được rằng họ phải đi qua bờ bên kia, vì thế họ nỗ lực không ngừng để xả bỏ cảm giác về ngã.

Bờ bên kia không quá xa xôi, nhưng để đến đấy trước tiên ta phải từ bỏ cảm giác về tự ngã bằng cách quán sát ngũ uẩn để thấy tất cả chỉ là khổ, chứ không phải là "tôi" hay "của tôi". Chú tâm vào một đề mục duy nhất của sự không bám víu. Đức Phật có lần nói quá khứ như là ở phía dưới, tương lai ở trên và hiện tại là ở chính giữa. Ngài cũng dạy tính bất thiện là ở phía dưới, đức tính thiện ở trên và tính không thiện, không ác nằm ở giữa. Đối với tất cả các đức tính này, Đức Phật dạy ta, "Đừng chấp chúng". Ngay cả Niết Bàn, bờ bên kia, cũng không nên bám vào. Hãy xem chúng ta sẽ được giải thoát đến mức độ nào nhờ xả bỏ! Bất cứ ai trong chúng ta còn chưa hiểu rằng ngay cả Niết bàn cũng không được bám víu, nên xem xét lại lời dạy căn bản bảo chúng ta không nên bám víu, phải xả bỏ: "Tất cả đều không đáng chấp". Đây là tóm tắt cơ bản của tất cả những điều Đức Phật dạy.

Tất cả hiện tượng, dầu hữu vi hay vô vi, đều nằm trong câu "Sabbe dhamma anatta- các pháp vô ngã". Chúng không đáng để ta bám víu. Điều này bao gồm tất cả, kể cả sự quán sát của chúng ta để tìm chân lý của thế gian và của Pháp, để có thể thấy sự vật rõ ràng với chánh niệm tỉnh giác của chúng ta, thấu suốt các hiện tượng từ hữu vi đến vô vi, hay từ thế gian đến xuất thế gian, tất cả đều phải thực hiện bằng cách xoay nhìn vào bên trong, không phải bên ngoài.

Nếu muốn thấy cái tinh túy thật sự của Pháp, chúng ta phải quán chiếu một cách sâu sắc, thâm thúy. Sau đó chỉ là vấn đề xả bỏ mà thôi. Chúng ta thấy toàn bộ và xả bỏ mọi thứ. Đề mục không chấp thủ bao trùm tất cả từ đầu đến cuối. Nếu sự tu tập của chúng ta đúng, đó là nhờ chúng ta quán sát mọi thứ với chánh niệm tỉnh giác, không mảy may chấp vào sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

Đức Phật dạy về lý do tại sao si không biết sắc, ảo tưởng về sắc đưa đến ái, tức ý nghiệp khởi lên trong tâm và làm tâm dao động, dẫn đến nghiệp và vì nghiệp mà chúng ta cố gắng lấy cho được cái ta thèm muốn. Khi hiểu được điều này, ta mới có thể tu đúng, vì ta biết mình phải đoạn trừ ái dục. Lý do chúng ta phải luôn quán niệm thân và tâm là để chúng ta không cảm thấy ham muốn, không đắm say bất cứ điều gì ở bên ngoài. Ta càng quán niệm, thì các thứ ở bên ngoài càng thiếu hấp dẫn, không đáng để ta say đắm chút nào. Lý do khiến ta say đắm, hứng thú là vì ta si. Vì thế ta mê người, mê vật, bấn lọan cả lên, huênh hoang về những vấn đề thế gian: "Cái này tốt, cái kia xấu, cô nọ hay anh kia dở". Tâm tán loạn theo những chuyện thế gian - như thế làm sao ta có thể quán sát những căn bệnh trong tâm ta được?

Đức Phật đã trả lời câu hỏi của Mogharaja –“Người ta phải nhìn thế gian cách nào để thoát tay tử thần”. Bằng cách thấy thế giới này là vô ngã. Chúng ta phải tước bỏ những quy ước như "người" và "chúng sinh", và tất cả những danh xưng như các phân tử, các uẫn, và các căn. Một khi chúng ta đã biết cách tước bỏ các quy ước và danh xưng, thì chúng ta không còn cần phải bám vào điều gì nữa. Cái còn lại là bất tử, siêu việt, là Niết bàn. Có nhiều tên để gọi, nhưng tất cả chỉ là một và cùng thứ. Khi ta tước bỏ mọi thứ trần tục, cái còn lại là cái siêu việt. Khi ta tước bỏ hết tất cả những cái hữu vi, thì cái còn lại là vô vi, là chân Pháp.

Vì thế, hãy tự mình suy xét cái này có đáng đạt đến không? Nếu chúng ta còn lưu lại thế gian, chúng ta còn phải đi qua sinh tử mãi mãi trong tam giới: dục giới, sắc giới, và vô sắc giới. Ngược lại, ở bờ bên kia không còn sanh, không còn tử. Nó nằm ngoài tầm với của Tử thần. Nhưng vì không biết bờ bên kia, chúng ta phải tiếp tục tái sinh bên bờ này với vô vàn khổ đau bất tận.

Tuy nhiên, một khi ta hiểu về khổ đau, phiền não, thì không có chỗ nào khác để ta muốn hướng đến: ta hướng thẳng đến bờ bên kia, bờ không có sinh hay tử, bờ mà ở đấy nhiễm ô và ái dục đã bị tiêu diệt vĩnh viễn. Như vậy, sự tu tập của ta tiến thẳng đến chỗ chấm dứt đau khổ và nhiễm ô, đến sự thông suốt rõ ràng các đặc tính chung của vô thường, khổ và vô ngã trong các uẩn. Những người có chánh niệm tỉnh giác chú tâm quán niệm để hướng đến chỗ tận diệt rốt ráo, vì nếu sự trừ diệt của họ không tuyệt đối, họ còn sẽ phải tái sinh vào trong khổ đau, phiền não. Vì vậy, hãy tiếp tục tiêu diệt chấp thủ, tiếp tục xả bỏ, tiếp tục quán về vô thường, khổ và vô ngã và buông bỏ tất cả. Đó chắc chắn là chính đạo.

Đây không phải là điều đáng biết và đáng tu tập sao? Ta cũng biết, điều đó không có gì là bí mật hay xa vời. Mà là điều mọi người nam hay nữ đều có thể thực hiện được, điều mà tất cả chúng ta đều có thể luyện thành. Chúng ta có thể phát triển giới hạnh, có thể làm tâm yên tĩnh và có thể dùng chánh niệm tỉnh giác để quán niệm. Như vậy, điều này không đáng tu tập sao?

Người ngu bảo không. Họ nói họ không thể làm được: không thể giữ giới, không thể làm tâm yên tĩnh. Điều tuyệt trần nhất trên đời - sự tu tập để thoát khỏi khổ đau, phiền não - vậy mà họ lại từ chối. Trái lại, họ chạy quanh quẩn trong tán loạn, cạnh tranh lẫn nhau, tự đề cao bản thân và rốt cuộc mục rữa trong quan tài. Vậy thì có gì thật sự hấp dẫn đâu?

Chúng ta đi lạc đường đã lâu lắm rồi, cuộc đời chúng ta sắp kết thúc sau bao nhiêu thập niên. Giờ chúng ta đến đây để thay đổi hoàn toàn. Dầu bao nhiêu tuổi, chúng ta sống không phải để hưởng tiện nghi, thoải mái mà là để ta tư duy về phiền não. Nhờ đó ta sẽ có thể tiêu diệt được nó. Đừng tưởng rằng ta không thể sống thiếu gia đình và người thân. Ta chỉ một mình. Ta đến cõi đời này một mình và ta sẽ ra đi một mình. Chỉ khi nào không còn ngã nữa: Đấy chính là lúc ta thấm nhuần Pháp. Nếu còn ngã để tái sinh, ta lại kẹt vào vòng khổ đau, phiền não. Vậy không đáng để ta cố gắng đạt giải thoát sao? Đó là điều mà mỗi chúng ta phải tự khám phá ra cho mình.

Tất cả những ai tin tưởng vào Đức Phật đều phải đi theo con đường này. Tin vào nhiễm ô là tự nhảy vào đầm lầy - và ở đấy sẽ có ai để cho ta có thể khoe khoang, ngoài nỗi khổ đau của bản thân? Cái trí đưa đến sự yểm ly và ly tham được coi là trí tuệ chân chính. Nhưng cái biết đưa ta đến chấp thủ, thì ta là đệ tử của Ma vương. Ta vẫn còn thấy sự vật quanh mình hấp dẫn. Ta có thể bảo rằng mình đã yểm ly, nhưng tâm ta chưa yểm ly chút nào. Nó vẫn còn muốn lấy cái này, chộp cái kia, bám trụ nơi đây.

Những ai có thể tiếp tục biết được chân tâm của mình, ngày càng sâu sắc hơn, sẽ có thể đi suốt con đường, tẩy sạch ngu dốt và si mê từng bước một trên đường đi. Trước kia ta mê lầm; giờ ta đã thức tỉnh. Trước kia ta huênh hoang; giờ ta ý thức được mình đã u mê biết chừng nào – và ta biết rằng mình sẽ phải tiếp tục tu chỉnh sự u mê của mình.

Chúng ta sẽ thấy nhiều góc cạnh mới mẻ, đạt được sự hiểu biết về bản thân chính xác hơn trong từng bước trên đường đạo, khi có thể đọc được tâm, biết tự quán chiếu về bản thân. Đây không phải là việc biết thật nhiều thứ ở bên ngoài, mà là ta thấy những gì ở bên trong thật sự vô thường, khổ và vô ngã như thế nào. Ta thường mê lầm trước sự vật, bám vào chúng là vì sự mù quáng, sự thiếu hiểu biết của ta. Vậy ta có thể trách ai đây? Chỉ có thể trách sự ngu dốt – vì ngu dốt nên mới muốn khoe khoang mình hiểu biết tới đâu.

Giờ thì ta biết ta còn nhiều mê muội và ta phải loại bỏ chúng trước khi chết. Ngày nào còn hơi thở, ta phải sử dụng nó để tẩy sạch sự mê muội của mình hơn là chiếm cái này, tỏ ra là ai đó hay nhảy nhót tứ tung. Những kẻ nhảy nhót tứ tung là bị ma quỷ ám. Ma quỷ của nhiễm ô khiến họ điên cuồng, mê muội, muốn cái này, là cái kia và nhảy nhót khắp chốn. Nhưng nếu ta chú tâm vào bản thân, thì lòng tự ái, sự kiêu căng, tâm ham muốn được nổi bật sẽ teo mất dạng, không bao giờ còn dám lộ mặt trong cuộc đời ta nữa vì ta ý thức được rằng càng khoe khoang, ta càng đau khổ hơn.

Vì thế, tinh túy của việc tu tập là quay trở lại và chú tâm vào bên trong. Ta càng tẩy sạch những nhiễm ô thì tâm ta sẽ càng trống hơn và tự do hơn: Đây là phần thưởng của nó. Nếu ta đồng thuận theo tính tự mãn, kiêu căng, ta sẽ phá hủy tất cả đức hạnh của mình, nhưng nếu ta có thể đuổi các con quỷ này đi, thì các đức hạnh sẽ đến và lưu lại với ta. Nhưng nếu các con ác quỷ vẫn còn đấy thì đức hạnh sẽ không thể có mặt. Chúng không thể ở chung với nhau được. Nếu ta để bản thân vướng vào trong tán loạn, thì đó là tác phẩm của ác quỷ. Nếu ta trống không và tự do, đó là kết quả của việc tẩy trần và an lạc - do các đức hạnh mang lại.

Vì vậy hãy xét xem ta đã có thể quét sạch bao nhiêu trong số các con ác quỷ này. Chúng có thưa dần đi không? Khi chúng xuất hiện, hãy điểm mặt chúng và gọi đúng tên chúng: quỷ sứ và ma vương đến để ăn tim và uống máu của ta. Ta đã để chúng ăn thịt ta trước đây, nhưng giờ ta đã tỉnh thức, nên có thể đuổi cổ chúng đi. Vậy là chấm dứt mọi phiền não của ta, hay ít nhất cũng phần nào giúp ta vơi đi đau khổ. Cảm giác về ngã của ta sẽ bắt đầu giảm dần. Trước đây, nó to bự, béo phì và mạnh mẽ, nhưng bây giờ sức mạnh của nó không còn nữa. Lòng hãnh diện và kiêu căng của ta đã trở nên mỏng và yếu hơn. Cũng giống như khi một người bị chó dại cắn: Người ta truyền cho người đó huyết thanh lấy từ những con chó bị bệnh dại để đuổi bệnh ra. Cũng cùng một nguyên tắc đó áp dụng ở đây: Nếu chúng ta nhận diện được những điều này, chúng sẽ tàn rụi. Lúc đó tâm trở nên trống không và an lạc, vì điều duy nhất này – đề mục của sự không chấp thủ - có thể tiêu diệt khổ đau, phiền não trong từng phút giây.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]