Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7. Cặn Kẽ Của Niềm Đau

19/04/201114:05(Xem: 6917)
7. Cặn Kẽ Của Niềm Đau

Upasika Kee Nanayon (K.Khao-suan-luang)
ĐƠN GIẢN VÀ THUẦN KHIẾT
Tổng Hợp Các Bài Giảng của Nữ Thiền Sư Thái Lan

Chương 1

QUÁN SÁT NỘI TÂM

Cặn Kẽ Của Niềm Đau

Luôn kiểm soát tâm là cách giúp ta hiểu cuộc sống là gì. Là phương cách tu tập giúp ta biết hành xử như thế nào hầu diệt bỏ được khổ đau, phiền não -vì những khổ đau do nhiễm ô, tham ái và bám víu chắc chắn là nằm dưới nhiều dạng. Nếu chúng ta không hiểu rõ về khổ đau, phiền não qua chánh niệm tỉnh giác, chúng ta sẽ sống mất cảnh giác, trôi theo bất cứ nơi nào mà hoàn cảnh đưa đẩy.

Chánh niệm tỉnh giác là dụng cụ giúp chúng ta hiểu rõ bản thân, trui rèn chúng ta để ta không thất niệm hoặc tự mãn, không quên rằng cơ bản cuộc đời là khổ.

Chúng ta phải thật sự hiểu được điều này để không sống một cách buông lung. Sự đau đớn, bứt rứt luôn tràn đầy thân tâm, tất cả cho chúng ta thấy chân lý của vô thường, khổ và vô ngã trong ta. Nếu chúng ta quán chiếu về những gì đang xảy ra nơi nội tâm, đi sâu vào các chi tiết, ta sẽ thấy sự thật hiển hiện ở bên trong và bên ngoài, tựu trung tất cả đều vô thường, khổ và vô ngã. Nhưng bản chất của tâm si mê sẽ nhìn sự việc một cách sai lầm –như là thường hằng, lạc và ngã– vì thế nó khiến chúng ta sống hời hợt, buông lung, dù không có chi bảo đảm là cuộc sống của chúng ta sẽ kéo dài trong bao lâu.

Mơ mộng, ảo tưởng khiến chúng ta quên rằng mình đang sống giữa những nỗi đau thương, phiền não –phiền não của nhiễm ô, nỗi đau của hiện hữu. Sinh, lão, bệnh, tử: Tất cả đều là khổ đau, phiền não trong vô thường, biến đổi. Đấy là những thứ mà chúng ta không thể khống chế, vì chúng vận hành theo định luật của nghiệp (kamma) và những nhiễm ô mà chúng ta đã tích lũy từ bao đời. Cuộc sống trôi nổi theo vòng luân hồi như thế thì có gì ngoài phiền não và khổ đau.

Nếu chúng ta có thể tìm được phương cách để phát triển chánh niệm tỉnh giác, thì chúng ta sẽ cắt đứt được vòng luân hồi để không phải tiếp tục trôi lăn trong luân hồi sinh tử. Chánh niệm tỉnh giác sẽ giúp chúng ta hiểu rằng sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, và rằng đây là tất cả những thứ mà nhiễm ô, chấp, và tham ái không ngừng đuổi theo trong vòng luân hồi.

Vì thế khi có cơ hội, chúng ta cần phải nắm bắt chân lý đang hiển hiện nơi thân và tâm. Rồi chúng ta sẽ dần hiểu rằng sự chấm dứt của khổ đau, phiền não, sự chấm dứt của uế nhiễm là chức năng của việc hành Pháp (dhamma). Nếu không tu tập, không hành Pháp, chúng ta sẽ tiếp tục trôi lăn trong vòng luân hồi, tái sinh khủng khiếp – lại sinh, lão, bệnh, tử, do nhiễm ô, chấp thủ và tham ái dẫn lôi, khiến ta lại khổ đau, lại phiền não. Chúng sinh, đa phần không biết do đâu mà họ phải khổ đau, phiền não, vì họ chẳng bao giờ quán sát chúng, chẳng bao giờ quán chiếu về chúng, vì thế họ luôn si mê, hoang tưởng, lang thang trôi nổi không bao giờ dừng.

Nếu chúng ta có thể dừng lại và lắng đọng, tâm sẽ có cơ hội được giải thoát, được quán tưởng về khổ, và rồi buông bỏ nó. Điều này mang lại cho tâm một sự an lạc trong chừng mực nào đó, vì nó không còn ham muốn bất cứ thứ gì nằm trong vòng luân hồi sinh tử -vì nó thấy rằng không có gì trường tồn trong đó, ngoài khổ đau, phiền não không dừng. Bám víu vào bất cứ thứ gì cũng là phiền não. Đó là lý do tại sao ta cần phải có chánh niệm tỉnh giác, để ta có thể giám sát tâm, giữ cho nó yên tịnh, không để cho nó sa vào cám dỗ.

Phương cách tu tập này vô cùng quan trọng. Những kẻ không học hay hành Pháp đã hoang phí kiếp người của họ: Họ sinh ra trong u mê và sống trong u mê. Nhưng nếu tu hành theo Pháp,chúng ta sẽ trở nên khôn ngoan đối với khổ, biết con đường đạo để tự giải thoát bản thân.

Một khi chúng ta tu tập theo chánh pháp, các nhiễm ô sẽ không thể lôi kéo chúng ta đi loanh quanh và thiêu đốt chúng ta, vì chúng ta bắt đầu thiêu hủy chúng. Chúng ta nhận ra rằng càng có thể thiêu hủy nhiễm ô thì tâm ta càng trở nên mạnh mẽ. Trái lại, nếu ta để cho nhiễm ô thiêu hủy, thì sức mạnh của tâm sẽ dần bị suy sụt. Đó là lý do tại sao chúng ta phải hết sức cẩn thận về điều này. Hãy tiếp tục thiêu hủy các nhiễm ô trong mọi hành động của mình, rồi chánh niệm tỉnh giác sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, nó sẽ dũng cảm đương đầu với bất cứ khổ đau, phiền não nào.

Chúng ta phải nhận ra rằng không có gì trong cuộc sống này ngoại trừ phiền não. Không có gì thoải mái cả. Cái biết do chánh niệm tỉnh giác mang đến, khiến chúng ta cảm thấy nhàm chán với cuộc sống, vì nó nhận biết mọi vật như chúng là, ở bên trong cũng như bên ngoài thân ta.

Cả thế gian này chẳng là gì hết, ngoài ảo tưởng, ngoài khổ ách. Những người không biết Pháp, không hành Pháp – dầu có địa vị hay danh phận gì trong xã hội - thì họ cũng sống một cuộc đời đầy ảo vọng, mông lung. Khi ngã bệnh hoặc sắp từ giã cõi đời, họ sẽ đau khổ rất nhiều vì họ đã không dành thời gian để tìm hiểu về các nhiễm ô đang thiêu đốt tâm thức họ mỗi ngày. Nếu chúng ta kiên trì thực tập, học hỏi và chiêm nghiệm – coi đó như những sinh hoạt hằng ngày – nó sẽ giúp cho ta thoát khỏi mọi khổ đau, phiền não. Biết được như thế thì làm sao chúng ta có thể không muốn tu tập?

Tuy nhiên, chỉ những người có trí mới có thể kiên trì tu tập. Những kẻ u mê thì chẳng muốn để tâm tới. Họ thà chạy theo nhiễm ô hơn là thiêu hủy chúng. Để có thể hành Pháp, chúng ta cần có chút trí tuệ – vừa đủ để nhận biết rằng chính uế nhiễm đem đến cho ta phiền não, khổ đau. Có vậy thì công phu tu tập của ta mới được tiến bộ. Và dầu việc hành Pháp có gian nan, khó khăn đến mấy, chúng ta vẫn tiếp tục tu hành cho đến giờ phút cuối.

Chúng ta cần biết rằng việc tu tập không phải là việc mà chúng ta có thể lâu lâu làm một lần. Chúng ta phải công phu tu tập suốt cuộc đời. Dầu thân tâm ta có bị đớn đau, bị dày vò đến tuôn tràn nước mắt, chúng ta cũng vẫn phải giữ cuộc sống thánh thiện vì ta đã thực sự chọn lựa điều đó. Nếu ta không duy trì cuộc sống thánh thiện, ta sẽ bị chìm trong đau khổ và bị nhiễm ô thiêu đốt. Vì thế, ta phải học từ các nỗi đau của mình. Hãy cố gắng chiêm nghiệm nó cho đến khi chúng ta có thể hiểu được nó, buông bỏ nó, rồi ta sẽ đạt được phần thưởng cao quý nhất trong đời.

Đừng nghĩ rằng chúng ta có mặt ở đời là để hưởng thụ những mức độ tiện nghi vật chất thế này thế kia. Mà chúng ta có mặt là để trải nghiệm khổ đau, truy nguyên khổ đau và để tìm ra cho được các phương pháp thực hành để giải thoát khổ đau. Đó là điều quan trọng nhất. Ngoài ra mọi thứ khác đều tầm thường, không quan trọng. Tất cả những gì quan trọng đều nằm ngay nơi sự hành Pháp.

Đừng nghĩ rằng nhiễm ô sẽ dễ dàng biến mất. Khi nhiễm ô không hiển hiện dưới các dạng thô, chúng sẽ xuất hiện dưới những dạng vi tế - và sự tai hại của các nhiễm ô vi tế này rất khó nhận biết. Nếu muốn loại trừ các nhiễm ô vi tế, thì việc hành thiền của chúng ta cũng phải trở nên vi tế. Chúng ta sẽ nhận ra rằng qua Pháp hành này ta quán chiếu để nhận diện được từng chi tiết bên trong ta, giống như ta mài bén các khí cụ, để khi phiền não, khổ ách xuất hiện, chúng ta có thể làm chúng suy yếu và triệt hạ chúng. Nếu chánh niệm tỉnh giác của chúng ta kiên cường, thì nhiễm ô sẽ phải chịu đầu hàng. Nhưng nếu chúng ta không trui rèn chánh niệm tỉnh giác cho kiên cường, thì nhiễm ô sẽ nghiền nát ta ra từng mảnh vụn.

Chúng ta được sinh ra để chiến đấu với nhiễm ô và để củng cố chánh niệm tỉnh giác. Công phu tu tập của chúng ta sẽ thêm giá trị nếu trong đời sống hằng ngày chúng ta liên tục chiến đấu với phiền não, khổ đau do uế nhiễm, ái dục và cám dỗ tạo ra – và lúc đó các nhiễm ô sẽ yếu đi trong khi chánh niệm tỉnh giác trở nên mạnh mẽ. Chúng ta sẽ cảm nhận được tâm không còn loạn động và lăng xăng như trước nữa. Nó đã trở nên an bình và tĩnh lặng. Phiền não do nhiễm ô, tham đắm và chấp thủ đã yếu dần. Dầu ta chưa hoàn toàn quét sạch được chúng, nhưng chúng dần yếu đi vì ta không nuôi dưỡng chúng nữa. Không cho chúng có nơi nương tựa. Và chúng ta tiếp tục làm những gì có thể để khiến chúng luôn suy yếu đi, mỏng manh đi.

Chúng ta phải can đảm trải nghiệm phiền não và khổ đau, vì khi không cảm thấy khổ, chúng ta thường sinh tự mãn. Nhưng khi sự đau đớn, khổ não dày xéo thân tâm, chúng ta phải sử dụng chánh niệm tỉnh giác để tự chủ. Đừng để tâm yếu mềm. Có vậy, chúng ta mới có thể tiêu diệt được khổ đau và phiền não.

Chúng ta phải học từ trong khổ đau để cuối cùng tâm có thể được giải thoát khỏi khổ, thay vì luôn yếu đuối, chịu thua nó. Chúng ta phải can đảm chiến đấu với nó đến mức cuối cùng –khi chúng ta đạt đến mức có thể buông bỏ nó. Khổ luôn có mặt trong thân tâm này. Nó hiện diện nơi đây để ta nhận nhìn nó trong từng phút như một trạng thái tự nhiên, chứ không phải là cái đau của ta, đấy là khổ của các uẩn [sắc, thọ, tưởng, hành và thức]. Biết được điều này có nghĩa là chúng ta có thể tách biệt các đặc tính của sắc và danh - thấy chúng tương giao như thế nào, biến đổi như thế nào. Thật diệu kỳ! Quán sát cái đau lại giúp ta tích lũy được nhiều chánh niệm và tỉnh giác.

Nhưng nếu chúng ta chỉ lo hưởng thụ dục lạc, tiện nghi, ta cũng sẽ luôn u mê như bao chúng sinh phàm phu khác. Họ trôi lăn theo dục lạc do thấy, do nghe theo những gì họ thích – nhưng khi khổ đau xuất hiện và nước mắt tuôn tràn trên đôi má, thì họ sẽ đau khổ dường nào! Và càng khổ đau hơn khi họ phải xa lìa những người họ yêu mến. Tuy nhiên, với những người biết hành Pháp như chúng ta thì ta sẽ không bị u mê như vậy, vì ta thấy rõ trong từng giây phút là chẳng có gì ngoại trừ phiền não phát sinh, kéo dài, và rồi biến mất. Ngoài phiền não, không có gì phát sinh; không có gì hoại diệt. Phiền não có mặt để ta có thể nhận thấy nó trong từng giây phút. Nếu chúng ta quán chiếu về nó, nhất định chúng ta sẽ nhận diện được nó.

Vì vậy, chúng ta không thể để cho bản thân sống trong sự xao lãng. Chân lý là đó, nên chúng ta phải tu tập để nhận biết nó – nhất là trong khi chúng ta đang hành Pháp. Chúng ta phải luôn chiêm nghiệm về phiền não để nhận ra muôn hình vạn trạng của nó. Các vị A-la-hán sống không xao lãng, vì họ luôn biết được chân lý này, và tâm họ trong sạch, thánh thiện. Còn chúng ta với những uế nhiễm của mình, chúng ta phải luôn cố gắng tu tập, vì khi chúng ta không ngừng giám sát tâm mình với chánh niệm tỉnh giác, chúng ta có thể giữ cho tâm không bị nhiễm ô làm cho mê mờ. Ngay cả khi bằng cách nào đó, nhiễm ô có thể làm cho tâm ta bị mê mờ, thì ta vẫn có thể dẹp tan sự mê mờ đó và làm cho tâm trở nên trống rỗng, giải thoát.

Đây là Pháp hành để làm suy yếu tất cả các nhiễm ô, tham đắm và chấp thủ trong ta. Bằng cách thực hành Pháp, đời sống của chúng ta sẽ trở nên tự do. Vì vậy chúng ta hãy tiếp tục tu tập, đừng tự mãn. Dầu phần đời còn lại của chúng ta dài tới đâu, chúng ta cũng phải kiên trì tu tập với tất cả khả năng của mình, nhờ thế chúng ta sẽ đạt được chánh niệm tỉnh giác để nhìn thấy sự thật ngay nơi bản thân, để có thể buông bỏ - giải thoát khỏi mọi khái niệm về ngã - không ngừng nghỉ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]