Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Giải Thích Về Thánh Điển

12/04/201107:13(Xem: 10890)
4. Giải Thích Về Thánh Điển

THIỀN TÀO ĐỘNG NHẬT BẢN
Nguyên tác: Azuma Ryushin (Đông Long Chơn) - Việt dịch: Thích Như Điển
Chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc và quý Phật Tử tại Mỹ Châu – Úc Châu ấn tống 2008

Chương ba:
Tông Chỉ, Giáo Nghĩa và Thánh Điển

IV.4 Giải Thích Về Thánh Điển

Những Thánh Điển được dùng đến được giải thích như sau.

IV.4.1 Những Thánh Điển Được Dùng Đến

Căn cứ “Tào Động Tông Tông Chế” và “Tào Động Tông Nghi Lễ Quy Trình” những Kinh Điển, Tông Điển và Ngữ Lục thường dùng hằng ngày được gọi là Thánh Điển của Tông Tào Động.

IV.4.1.1 Kinh Điển
Kinh Điển thường tụng là Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Bát Nhã, Kinh Duy Ma, Kinh Niết Bàn, Kinh Phạm Võng, Kinh Địa Tạng, Kinh Cam Lồ Môn và các loại Thần Chú - Đà La Ni.

IV.4.1.2 Tông Điển
Tông Điển gồm các loại như: Chánh Pháp Nhãn Tạng, Vĩnh Bình Quảng Lục, Phổ Khuyến Tọa Thiền Nghi, Học Đạo Dụng Tâm Tập, Vĩnh Bình Thanh Quy, Truyền Quang Lục, Tọa Thiền Dụng Tâm Ký, Oánh Sơn Thanh Quy, Tu Chứng Nghĩa.

IV.4.1.3 Ngữ Lục
Ngữ Lục gồm các quyển như: Tham Đồng Khế, Bảo Cảnh Tam Muội, Tín Tâm Minh và Chứng Đạo Ca.

IV.4.1.4 Những Kinh Điển Thường Dùng
Kinh Điển mà Tông Tào Động dùng đến hầu như thuộc Đại Thừa Phật Giáo phân loại như sau:

• Kinh Phạm Võng thuộc A Hàm Bộ
• Kinh Đại Bát Nhã, Bát Nhã Tâm Kinh, Kim Cang Bát Nhã Kinh, Kinh Nhơn Vương Bát Nhã thuộc Bát Nhã Bộ
• Kinh Hoa Nghiêm thuộc Hoa Nghiêm Bộ
• Kinh Pháp Hoa thuộc Pháp Hoa Bộ
• Kinh Niết Bàn thuộc Niết Bàn Bộ
• Kinh Địa Tạng thuộc Đại Tập Bộ
• Kinh Di Giáo, Kinh Duy Ma thuộc Kinh Tập Bộ

Khoảng thời gian từ thế kỷ thứ nhất, trước kỷ nguyên đến 100 năm sau, Kinh Điển Đại Thừa được hình thành như bộ Bát Nhã và bộ Pháp Hoa và được sử dụng rất nhiều. Ngược lại, các Kinh Điển thuộc Mật Giáo Bộ như Kinh Đại Nhật hay thuộc Bảo Tích Bộ như Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Kinh A Di Đà, hoặc Bổn Duyên Bộ như Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhơn Quả, Phật Sở Hành Tán v.v...hầu như không được dùng hay đề cập đến.

Về Tông Điển, chủ yếu trước tác của Lưỡng Tổ Đại Sư (Thiền Sư Đạo Nguyên và Thiền Sư Oánh Sơn).

Về Ngữ Lục, đa phần là những trước tác của những vị Tổ Sư uy tín thuộc Thiền Tông Trung Quốc.

Đương nhiên có nhiều vị muốn nghiên cứu, đọc tụng những loại khác ngoài Thánh Điển, nhưng đó là trường hợp quan tâm cá nhân, cũng có thể nói rằng đó là Phật sự đặc thù của chùa đó.

IV.4.2 Đối Với Thánh Điển Được Tâm Đắc

Thiền Tông cả Lâm Tế lẫn Tào Động không quy định chọn bản Kinh nào nhất định như Tông Tịnh Độ và Tịnh Độ Chơn Tông nương theo ba bộ Kinh Tịnh Độ đó là Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà, như Tông Chơn Ngôn căn cứ vào ba bộ Kinh Đại Nhật, Kinh Kim Cang Đảnh và Kinh Tô Tất Địa, như Tông Nhật Liên căn cứ vào Kinh Pháp Hoa, mà các Tông Phái xem những Kinh Điển ấy là những Kinh Điển tối cao của những Tông Phái mình.

Thiền Tông không cho bản Kinh nào đặc biệt, mà căn cứ vào Tông Chỉ cũng như Giáo Nghĩa để thành lập, song không phải dùng Kinh Điển một cách không ý thức. Tông Tào Động có Thánh Điển của Tông mình như Kinh Điển, Tông Điển và Ngữ Lục, đã trình bày, như Tông Lâm Tế dùng Bát Nhã Tâm Kinh, Kim Cang Bát Nhã Kinh thuộc Bát Nhã Bộ, Kinh Pháp Hoa thuộc Pháp Hoa Bộ, và các loại ấn chú thuộc Đà La Ni Bộ, hoặc Ngữ Lục của các vị Tổ Sư thuộc Tông Lâm Tế Nhật Bản và Trung Quốc. Thật ra, có nhiều khác biệt về vấn đề thọ nhận Thánh Điển, giữa Thiền Tông và những Tông Phái khác.
Chữ Kinh vốn có nghĩa là sợi chỉ xâu dọc ngang nối kết lại. Từ ý nghĩa đó, Kinh được dùng chỉ cho đạo lý chân thật, không thay đổi. Đọc Kinh để trừ những tà niệm, được nhất tâm bất loạn cho nên phải dùng toàn thân và toàn tâm đọc Kinh. Mặt khác, Thật không sai khi nói rằng Kinh là giáo huấn của Đức Thích Tôn song không phải do Đức Phật chấp bút viết, mà được những đệ tử Phật đời sau kết tập và biên tập thành Kinh. Suốt cuộc đời giáo hóa của Đức Thích Tôn không phải lúc nào cũng thuyết giảng giống nhau cho mọi người, mọi hoàn cảnh bởi vì mỗi thính giả có mỗi hoàn cảnh, mỗi nguyện vọng và mỗi khả năng khác nhau. Hơn nữa để thích ứng với số đông, người đời sau chỉ lấy ý chính và những lời dạy thâm sâu của Đức Thích Tôn triển khai rộng thêm ra. Thế cho nên có nhiều loại Kinh, ước chừng 5.000 quyển Kinh, tạm gọi một cách căn bản là 8 vạn 4 ngàn pháp môn.

Thế nhưng, nói về nguyên thỉ tâm linh và lịch sử, chính Kinh nẩy sinh chư vị Khai Tổ, ngay cả Đức Thích Tôn, bởi vì Kinh là Pháp mà Đức Thích Tôn thuyết qua ngôn từ như thế giới Thiền. Hơn nữa, Kinh giải thích hay trình bày những cảnh giới giác ngộ của Đức Thích Tôn, không ai được quên điểm nầy và phải xem như lương dược chữa lành muôn bệnh, thuốc ấy là pháp môn hành Thiền, bởi vì nếu hành thiền đúng, sẽ đạt được cảnh giới tối cao như Đức Thích Tôn đã đạt, hoặc nói cách khác nhờ Tọa Thiền mà lãnh hội được những chơn ý của Kinh, cho nên nếu cho rằng có một bản kinh nào đó đặc biệt nghĩa là không liễu tri toàn thể lời dạy của Đức Thích Tôn. Trong đời sống tu hành, Tọa Thiền là chính, còn vấn đề tụng đọc Kinh Điển tùy duyên, không nhứt thiết chọn bất cứ Kinh nào là đặc biệt của Phật Giáo. Cốt tủy đạo Phật từ Kinh Điển, nhưng cảnh giới giác ngộ của Đức Thế Tôn là thế giới lãnh hội từ Tọa Thiền. Kinh được diễn đạt qua ngôn ngữ văn tự không phải là Chơn Kinh. Ngôn ngữ, văn tự trong Kinh cũng không phải là Kinh, bởi vì trong vũ trụ bao la nầy, tất cả những vấn đề như thuyết pháp, ăn uống, những công việc thường ngày vẫn luôn luôn diễn ra như là chơn lý, có những vấn đề ngôn ngữ và văn tự có thể diễn đạt được, nhưng cũng có những việc mà ngôn ngữ văn tự không thể diễn đạt. Nhờ khả năng hiểu biết, nghe thuyết pháp lãnh hội được Kinh, song muốn hiểu rõ Chơn Kinh, phải nhờ năng lực Tọa Thiền. Dù cố gắng miệt mài đọc tụng, bình giải, phân tích Kinh Điển nhiều đến mấy đi nữa cũng không thể liễu tri được Chơn Kinh. Thế cho nên mục đích tụng Kinh là thấu đạt chân lý, nhưng nếu chỉ tụng mà không hành trì, thì việc tụng Kinh cũng chẳng có ý nghĩa gì cả.

Công đức tụng Kinh thật là vô lượng, không có gì sánh bằng, xưa nay vốn không sai bao giờ. Tụng Kinh hay Tông Điển, Ngữ Lục đều phải xuất phát từ thân tâm thanh tịnh, dù hiểu hay không hiểu nghĩa, có thể cho rằng chỉ đưa mắt theo chữ cũng tốt, nhưng không nên đọc suông, mà phải lãnh thọ lời dạy bảo. Nếu không có tâm thành kính, có thể dẫn đến nguy hại như tự mình sáng tác ra Kinh khác.

IV.4.3 Giải Thích Về Kinh Điển
Những Kinh Điển mà thường ngày Tông Tào Động tụng đọc sẽ được giải thích như sau:

IV.4.3.1 Kinh Pháp Hoa – Hokekyo

Kinh Pháp Hoa, nói rõ là “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa”, bộ kinh tiêu biểu của Phật Giáo Đại Thừa, được viết bằng tiếng Sanskrit, đã dịch sang Tạng ngữ và nhiều ngôn ngữ khác. Có tất cả 6 bản dịch bằng chữ Hán, bản chúng ta đang sử dụng của Ngài Cưu Ma La Thập dịch sang chữ Hán vào đầu thế kỷ thứ 5, gồm 7 quyển và 28 phẩm. Tại Nhật Bản và Trung Hoa, Kinh nầy được truyền bá sâu rộng, mà Đề Kinh có ý nghĩa biểu tượng Chánh Pháp là chân lý vô nhiễm, luôn luôn thanh tịnh như hoa sen không bị ô nhiễm dù mọc trong bùn dơ. Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Bát Nhã và một số Kinh Điển khác là những Kinh quan trọng của Đại Thừa, chiếm một địa vị quan trọng trong Phật Giáo. Không ai không biết Kinh Pháp Hoa không những có ảnh hưởng rất lớn đến lãnh vực tư tưởng, văn hóa và nghệ thuật, tư tưởng ở Nhật mà Kinh nầy còn bao hàm tính chất thực tiển về tín ngưỡng, trình bày tính cách thiêng liêng siêu việt và quan tâm đến những hiện tượng thế giới. Theo tôi (tác giả), không Tông Phái nào của Nhật không học Kinh Pháp Hoa, đặc biệt Tông Thiên Thai và Tông Nhật Liên tôn sùng Kinh Pháp Hoa làm căn bản cho hệ thống Tông Phái mình.

Căn bản tư tưởng Kinh Pháp Hoa là Nhất Thừa Diệu Pháp, Cửu Viễn Bổn Phật (nghĩa là chỉ một diệu pháp nhất thừa và đã thành Phật từ xa xưa rồi). Nhất Thừa Diệu Pháp nghĩa là những bài Kinh mà Đức Thích Tôn thuyết pháp trước đây chỉ đáp ứng nguyện vọng, năng lực và khả năng tâm linh của mọi người mà thôi, pháp chưa là chân lý chân thật, chỉ có Kinh Pháp Hoa, Đức Thích Tôn mới chỉ một sự thật duy nhất đó là Nhất Thừa. Cửu Viễn Bổn Phật nghĩa là dù Đức Thích Tôn nhập diệt vào năm Ngài 80 tuổi, nhưng sự thật không phải vậy, Đức Thích Tôn từ quá khứ đến hiện tại và vị lai chẳng nhập diệt bao giờ mà luôn luôn hiện hữu, bởi vì Phật với chư Phật đều giống nhau ở điểm đã thành Phật rồi. Khi tín thành và quy y Bổn Phật, hành trì lời Phật dạy rất thật tiễn, chúng ta có thể cảm nhận được niềm an lạc vô biên của Phật. Đây quả là vấn đề trọng tâm thảo luận để được sáng tỏ hơn.
Thiền Sư Đạo Nguyên giảng về Kinh Pháp Hoa rằng: “Trong tất cả các Kinh, Đức Thích Tôn thuyết giảng, Kinh Pháp Hoa là Vua của các Kinh, vị Thầy lớn (theo Chánh Pháp Nhãn Tạng phần Quy Y Tam Bảo)”. Thật là một sự tán dương cao vời. Trong những trước tác của mình, Thiền Sư Đạo Nguyên cũng đã trích dẫn Kinh Pháp Hoa rất nhiều như:

- Phẩm Phương Tiện thứ hai, Vĩnh Bình Quảng Lục quyển 1.5.8 Chánh Pháp Nhãn Tạng, “Chư Pháp Thật Tướng”, “A La Hán”, “Pháp Tánh”, “Chư Ác Mạt Tác”, “Vô Tình Thuyết Pháp”, “Thập Phương”, “Nhẫn Ma”, “Ưu Đàm Hoa”, “Phát Vô Thượng Tâm”, “Cúng Dường Chư Phật”.
Phẩm Thí Dụ thứ ba, Vĩnh Bình Quảng Lục quyển 5, Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Hải Ấn Tam Muội”, “Tam Giới Duy Tâm”.
Phẩm Tín Giải thứ tư, Chánh Pháp Nhãn Tạng: “A La Hán”.
Phẩm thứ 8 Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký, Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Thọ Ký”.
Phẩm thứ 9, Thọ Học Vô Học Nhơn Ký, Chánh Pháp Nhãn Tạng: “37 Phẩm Bồ Đề Phần Pháp”.
Phẩm Pháp Sư thứ 10, Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Khê Thinh Sơn Sắc”, “Thọ Ký”, “Chư Pháp Thật Tướng”, “Kiến Phật”, “Như Lai Tạng Thân”.
Phẩm thứ 11, Kiến Bảo Tháp, Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Hành Phật Uy Nghi”, “Kiến Phật”.
Phẩm thứ 12, Đề Bà Đat Đa, Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Như Lai Tàng Thân”.
Phẩm thứ 14, An Lạc Hạnh, Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Khê Thinh Sơn Sắc”, “Mộng Trung Thuyết Mộng”, “Kiến Phật”, “Tẩy Diện”.
Phẩm thứ 16, Như Lai Thọ Lượng, Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Hành Phật Uy Nghi”, “Như Lai Tạng Thân”, “Tam Giới Duy Tâm”, “Kiến Phật”, “Phát Bồ Đề Tâm”, “Xuất Gia”, “Quy Y Tam Bảo”.
Phẩm thứ 17, Phân Biệt Công Đức, Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Kiến Phật”.
Phẩm thứ 21, Như Lai Thần Lực, Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Thần Thông”, “Kiến Phật”.
Phẩm thứ 23, Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự, Chánh Pháp Nhãn Tạng: “37 Phẩm Bồ Đề Phần Pháp”.
Phẩm thứ 27, Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự, Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Kiến Phật”.
Phẩm thứ 28, Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát, Chánh Pháp Nhãn Tạng: “Kiến Phật”.

Chánh Pháp Nhãn Tạng có tất cả 16 phẩm, tổng cộng 95 quyển trích dẫn Kinh Pháp Hoa không ít như: Thọ Ký, Chư Pháp Thật Tướng, Pháp Hoa Chuyển Pháp Hoa, Duy Phật Tả Phật v.v... song Thiền Sư Đạo Nguyên sử dụng để dẫn chứng chứ không căn cứ vào Kinh Pháp Hoa làm căn bản.
Với Tông Tào Động, trong số 28 phẩm của Kinh Pháp Hoa, phẩm 14 An Lạc Hạnh, phẩm thứ 16 Như Lai Vô Lượng Thọ, phẩm thứ 21 Như Lai Thần Lực, phẩm thứ 25 Quan Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn, hoặc những bài kệ của bốn phẩm nầy thường được đọc tụng nhiều nhất.

Phẩm thứ 14 An Lạc Hạnh, Đức Phật giảng về hình ảnh phi thường của Bồ Tát bốn sự an lạc của chư vị Bồ Tát đó là: hành xử, ngôn luận, tư tưởng và thệ nguyện.

Phẩm thứ 16 Như Lai Thọ Lượng, Đức Thích Tôn cho biết Ngài đã thành Phật từ lâu rồi.

Phẩm thứ 21 Như Lai Thần Lực, Đức Thích Tôn dùng đại thần lực thị hiện và phó chúc Đại Pháp Pháp Hoa cho chư vị Bồ Tát Tùng Địa Dõng Xuất như Bồ Tát Thường Hành và Bồ Tát Thủ Đạo.

Phẩm thứ 25 Quan Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn, Phật giới thiệu vị Bồ Tát biến hiện ra 33 thân và hạnh nguyện cứu độ không phân biệt của Bồ Tát.
Trong bốn phẩm nầy, đặc biệt phẩm Như Lai Thọ Lượng (không có tự ngã kệ), phẩm Phổ Môn (không có Thế Tôn kệ) rất là gần gũi thân thiết được trì tụng trong những thời khóa tụng buổi sáng và tất cả các nghi lễ Phật sự quan trọng như kỳ nguyện bình an v.v....

IV.4.3.2 Kinh Hoa Nghiêm – Kegonkyo

Kinh Hoa Nghiêm, nói đủ là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh“, là bản kinh tiêu biểu của Phật Giáo Đại Thừa, với đề kinh có ý nghĩa đem hoa đẹp nghiêm sức chư Phật (Đức Phật Tỳ Lô Giá Na) qua thời gian và không gian. Nội dung bản Kinh là đức Phật trình bày bản chất và cảnh giới giác ngộ Ngài đạt được dưới cội Bồ Đề. Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Pháp Hoa là hai Kinh ảnh hưởng sâu đậm vào tư tưởng tín ngưỡng Phật Giáo, đặc biệt là văn hóa Nhật Bản. Tông Hoa Nghiêm căn cứ vào bản Kinh nầy (vị Đại Phật ở Chùa Đại Phật ở Nara cũng dựa từ Kinh Hoa Nghiêm mà kiến tạo). Ngay cả tư tưởng sử thế giới ngày nay cũng hòa mình trong biển cả hoa Nghiêm, cho nên không phải chỉ có Tông Hoa Nghiêm chiếm địa vị độc tôn.

Trọng tâm của Kinh Hoa Nghiêm, có thể nghĩ rằng, là triết lý Tánh Khởi, nghĩa là tất cả các Pháp đều được ánh sáng Phật tánh chiếu soi, mà Phật tánh tồn tại là một triết lý. Hơn nữa, còn có các tư tưởng căn bản khác như: Sự Sự Vô Ngại, nghĩa là tất cả các Pháp tạo thành chèn chịt và đan xen với nhau không có hạn định. Nhứt tức nhứt thiết, nghĩa là tất cả các Pháp như một hư lân, luôn luôn có một điểm, trong một điểm bao hàm toàn thể thế giới. Tâm Phật Chúng Sanh Thị Tam Vô Sai Biệt, nghĩa là tâm của ta, của Phật và chúng sanh không sai khác như ba loại riêng biệt. Tam Giới Hư Vọng Đản Thị Nhứt Tâm Tác, nghĩa là thế giới nầy do Tâm giả hợp tạo nên.
Hơn nữa, trong Kinh diễn tả chàng thanh niên Thiện Tài Đồng Tử đi tham vấn việc tu hành của 53 vị thiện tri thức rất là nổi tiếng. Thác Nước Hoa Nghiêm hay câu chuyện Tokaido 53 lần tham vấn rút ra từ Kinh Hoa Nghiêm rất gần gũi với người Nhật.

Kinh Hoa Nghiêm có tất cả 3 bản dịch đó là: “Kinh Hoa Nghiêm Bốn Mươi Quyển” do Ngài Bát Nhã Tam Tạng dịch; “Kinh Hoa Nghiêm Sáu Mươi Quyển” do Ngài Phật Đà Bạt Đà La dịch vào thời Đông Tấn của Trung Hoa, được xem là bản dịch xưa nhất vào khoảng thế kỷ thứ 5. “Kinh Hoa Nghiêm Tám Mươi Quyển” do Ngài Thật Xoa Nan Đà dịch vào đời nhà Đường. Đặc biệt trong Chánh Pháp Nhãn Tạng, Thiền Sư Đạo Nguyên, có một số tư tưởng tu chứng cao vời và vấn đề liên quan rút ra từ Kinh Hoa Nghiêm như: “Hiện Thành Công Án”, “Phật Tánh”, “Tam Giới Duy Tâm”, “Hữu Thời” v.v...
Ngay cả điển tích và tư tưởng trong quyển “Hải Ấn Tam Muội” của Chánh Pháp Nhãn Tạng căn cứ trực tiếp từ Kinh Duy Ma, không thể giải thích trên phương diện của Kinh Hoa Nghiêm, nhưng hầu hết những phần còn lại Thiền Sư Đạo Nguyên đều y cứ vào Kinh Hoa Nghiêm như: phẩm “Tịnh Hạnh“, của “Kinh Hoa Nghiêm Sáu Mươi Quyển” để giải thích những vấn đề “Tẩy Diện“, “Tẩy Tịnh”, “Vĩnh Bình Thanh Quy”, “Biện Đạo Pháp” v.v... trong “Chánh Pháp Nhãn Tạng; phẩm “Hiền Thủ Bồ Tát“ trong “Kinh Hoa Nghiêm Tám Mươi Quyển“ để lý giải phần “Phát Vô Thượng Tâm” trong “Chánh Pháp Nhãn Tạng“ và phẩm “Ly Thế Gian”, phẩm “Dạ Ma Thiên Cung Bồ Tát Thuyết Kệ”, ở “ Kinh Hoa Nghiêm Tám Mươi Quyển” để biên soạn phần “Tam Giới Duy Tâm” v.v...trong “Chánh Pháp Nhãn Tạng.”

IV.4.3.3 Kinh Bát Nhã – Hannyagyo

Thật ra, Kinh Bát Nhã gồm có hai bản văn:
- Đại Phẩm Bát Nhã Kinh, gồm có 28 quyển, 30 quyển, 40 quyển do Ngài Cưu Ma La Thập dịch.
- Tiểu phẩm Bát Nhã Kinh gồm có 10 quyển do Ngài Cưu Ma La Thập dịch.
- Đại Bát Nhã Kinh gồm 600 quyển do Ngài Huyền Trang dịch.
- Ngoài ra còn nhiều bản nữa. Tông Tào Động thường dùng Kinh Bát Nhã, sẽ giới thiệu giản lược sau.

Như trên đã nói, Kinh Bát Nhã cũng là bản Kinh tiêu biểu của Đại Thừa Phật Giáo, trong đó tư tưởng “Không” được trình bày rõ ràng và chính yếu, mà Thiền Tông rất tôn quý điểm nầy. “Không“ nghĩa là tất cả những tồn tại được nhận thức bằng mắt, tai như là hiện thật, hoàn toàn không tồn tại chơn thật, không phải là thật, mà tồn tại thật sự không tăng, không giảm, giống như hư không, thậm chí không có mê, cũng chẳng có giác. Đừng vướng mắc vào bất cứ vật nào mới có thể gọi là tự tại, sống thật với hiện hữu.
Đối với người Nhật, Kinh Đại Bát Nhã là bản Kinh dùng để Trấn Quốc, Chiêu Phước và Trừ Tai. Đầu thế kỷ thứ 8, thời Nara, Vua sắc chỉ đem Kinh vào 4 chùa lớn ở cung điện tại Nara để luân phiên đọc tụng (có một vị Tăng đức độ mở bản Kinh ra đọc rồi gấp quyển kinh lại phiên dịch, sau đó mọi người luân phiên đọc theo). Tất cả vừa làm lễ vừa cầu nguyện. Vào ngày mồng ba tháng giêng, Tông Tào Động cũng có lễ chuyển đọc Đại Bát Nhã 600 quyển trong ngày Hội Đại Bát Nhã cầu an vào mùa Xuân v.v...để cầu nguyện cho Đàn Tín Đồ bình an mạnh khỏe, gia đình yên ổn, tật bệnh tiêu trừ, buôn may bán đắc, phát tài phát đạt, mùa màng tươi tốt, Quốc Gia hưng thịnh và tránh các độc hại v.v... mọi người cùng đội Kinh trên đầu rồi lễ bái.

Trong chánh điện an trí 16 tượng Thiện Thần. Mọi người cùng đọc tụng Bát Nhã Tâm Kinh, Chú Tiêu Tai, Lý Thú Phần của Đại Bát Nhã 600 quyển kỳ nguyện và niệm ân. Tại Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự, mỗi ngày trong khóa Kinh buổi sáng có tụng phần Hoàng thần và tiếp theo là Bát Nhã Tâm Kinh của Đại Bát Nhã 600 quyển. Sự chuyển đọc nầy có mục đích cầu nguyện cho Đàn Tín Đồ và mọi người được an lạc hạnh phúc.

IV.4.3.4 Bát Nhã Tâm Kinh – Hannya Shingyo

Bản kinh nầy chỉ có một quyển, còn gọi rõ là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, giản lược từ Đại Kinh Bát Nhã 600 quyển trình bày tư tưởng Không. Bản kinh thật ngắn, chỉ có 260 chữ thôi. Nội dung của Kinh rất gần gũi với người Nhật, cho biết khi nhập sâu vào Thiền Định, hành giả đạt được trí tuệ để nhận thức thực tại. Tông Tào Động tụng đọc thường xuyên (vào những khi: cúng ngọ, tụng Kinh buổi sáng, chúc phước, tụng Vi Đà Thiên, đi khất thực, những pháp sự tại gia đình Phật Tử v..v.....có lúc theo nghi thức của vị Thủ Tọa, khi đọc chuyền nhau Kinh Đại Bát Nhã). Có đến bảy bản dịch chữ Hán của Bát Nhã Tâm Kinh, trong đó bản được Tông Tào Động thường dùng đọc tụng là bản văn do Ngài Huyền Trang dịch vào thế kỷ thứ 7, vì bản văn nầy được xem là sáng sủa nhất. Nhứt Thiết Giai Không (tất cả mọi vật trên thực tế là không), Sắc Tức Thị Không, Không Tức Thị Sắc (tất cả mọi vật đều không, trong không có sắc) v.v... đó là những lời rất là quen thuộc nổi tiếng.

Thiền Sư Đạo Nguyên, Thiền thường trích dẫn Kinh văn của Ma ha Bát Nhã Ba La Mật Đa và Đại Bát Nhã tập 172 và tập 291 trong Chánh Pháp Nhãn Tạng để giải thích Kinh Văn Bát Nhã một cách độc đáo đặc biệt, thỉnh thoảng dùng các phần Tứ Nhiếp Pháp, Xuất Gia, Xuất Gia Công Đức v.v... trong Kinh Đại Bát Nhã.

IV.4.3.5 Kinh Kim Cang Bát Nhã – Kongo Hannyagyo

Kinh nầy chỉ có một quyển còn gọi là Kinh Kim Cang, nói giản lược từ “Năng Đoạn Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh” và “Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh”, rút ra từ quyển thứ 577, “Đệ Cửu Hội Năng Đoạn Kim Cang Phần” của “Đại Bát Nhã 600 Quyển”. Nội dung của Kinh cũng nói về “Không” song không hẳn là sử dụng tư tưởng Không của Bát Nhã (Trí Tuệ). Ngoài bản dịch nguyên mẫu từ chữ Sanskrit và tiếng Tây Tạng, có đến 6 bản dịch từ chữ Hán, song bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập vào đầu thế kỷ thứ 5 thường được dùng tại Trung Hoa và Nhật Bản. Đầu thế kỷ thứ 6, Ngài Bồ Đề Lưu Chi cũng dịch và thêm vào phần văn dịch chữ Hán.
Bởi Kinh nầy tường thuật vấn đề trí tuệ thực thể thường hằng, cố định, cho nên rất khó dùng ngôn ngữ để giải thích suông những gì được gọi là chân lý, bản chất mà cần phải có trí tuệ để chứng đắc hoàn toàn.

“Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm”, nghĩa là đừng có tâm chấp trước vào bất cứ việc gì, hãy sống tùy duyên. “Tức Phi” là tánh chơn thật của vật, mà trên thực tế không có thể nắm bắt bằng nhận thức và tư duy, song nếu lìa chỗ thấy cũng không thể rõ tánh chơn thật.

Theo Thiền Tông của Trung Quốc và Nhật Bản, Kinh nầy rất được tôn sùng, đọc tụng và giải thích, có thể nói rằng có cả hằng trăm bản chú giải khác nhau. Có một câu chuyện rất lý thú mà ai cũng biết đó là một trong những vị Tổ Sư Thiền Trung Hoa, Lục Tổ Huệ Năng xuất gia nhờ nghe một câu của Kinh nầy “Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm”, đừng để tâm vướng bận vào bất cứ đối tượng nào. Trong Chánh Pháp Nhãn Tạng, Thiền Sư Đạo Nguyên biên soạn những quyển như: “Tâm Bất Khả Đắc”, “Hậu Tâm Bất Khả Đắc” hay “Kiến Phật” đều lấy từ ý chính có tính cách độc đáo sáng tạo từ kinh nầy. Trong “Vĩnh Bình Quảng Lục”, một bản văn dùng để thuyết pháp, Ngài cũng trích dẫn từ Kinh nầy.

IV.4.3.6 Lý Thú Phần – Rishyukun

Tác phẩm chỉ có một quyển, do Ngài Huyền Trang dịch, với nội dung tóm lược từ phần “Bát Nhã Lý Thú”, phần 10 quyển 578, Kinh Đại Bát Nhã trình bày việc Đức Phật giảng Kinh nầy với Kinh Bát Nhã Thanh Tịnh cho chư vị Bồ Tát tại Thiên Cung cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên và tám trăm vạn Bồ Tát khác nghe. Ai thường thọ trì Kinh nầy, được Bồ Tát bảo hộ, luôn luôn được chư Thiên hộ trì, dù cho có bị ác ma quấy phá cũng không bị hại, có thể được vãng sanh quốc độ của chư Phật. Cuối bản văn có 3 Đà La Ni, những pháp môn vi diệu vô thượng, sẽ được ghi lại ở phía sau.

IV.4.3.7 Kinh Duy Ma – Yuimagyo

Kinh nầy gồm có ba quyển, còn gọi là “Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết”. Ngoài bản dịch tiếng Tây Tạng, còn có ba bản dịch bằng chữ Hán, song bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập vào cuối thế kỷ thứ 6 nổi tiếng hơn cả. Cư Sĩ Duy Ma, còn gọi là Duy Ma Cật, hay Tịnh Danh dù chỉ là một vị Trưởng Giả cư sĩ nhưng có thể chất vấn các vị đại đệ tử Phật như Bồ Tát Văn Thù, trưởng lão Xá Lợi Phất. Điều nầy xem ra như là ngược lại với tinh thần Kinh Điển thông thường nhưng lại nổi bật lên tinh thần thực tiển của Đại Thừa Bồ Tát.

Trong Kinh nầy, tư tưởng Không được thành lập như một phương pháp hành đạo rất thực tiển của Bồ Tát, không những nói lên chủ trương hành tung của chư Bồ Tát thật tự do tự tại, nhằm mục đích cứu đời không giới hạn, điển hình như Bồ Tát bệnh vì chúng sanh bệnh, mà còn hướng dẫn người cư sĩ tại gia một cách sống cụ thể. Sự im lặng của Duy Ma là một tiếng nổ long trời, lở đất, hoặc Bất Nhị Pháp Môn, ý muốn nói lên chân lý tất cả đều được bình đẳng nên có sai biệt và trong sự sai biệt, các pháp đều bình đẳng, ví dụ như trong sự sống đã có sự chết và trong khi chết đã hàm chứa sự sống. Cả hai đều có cội nguồn được tìm thấy trong Kinh nầy.

Những đề tài như thế từng là những vấn đề rất nổi tiếng. Với Thiền Tông, yên lặng là một tiếng nổ, được tôn trọng như một ngôn ngữ, từ xưa đã đọc được cho nên trong phần 37 phẩm Bồ Đề của Chánh Pháp Nhãn Tạng, Thiền Sư Đạo Nguyên bài bác về sự đau bệnh ấy và tôn trọng tư tưởng cư sĩ tại gia của Kinh nầy. Hơn nữa, trong phần Thọ Ký, Tứ Mã của Chánh Pháp Nhãn Tạng hay “Vĩnh Bình Thanh Quy” trong Vĩnh Bình Quảng Lục quyển 5 và “Phó Chúc Phạn Pháp” Thiền Sư dùng ngôn ngữ của Kinh nầy để thuyết pháp. Ngay cả, khi trả lời vấn đáp Tông Tào Động thường sử dụng những từ ngữ trong Kinh nầy.

IV.4.3.8 Kinh Niết Bàn – Nehangyo

Kinh Niết Bàn gồm có hai bản: Kinh Tiểu Thừa Niết Bàn và Đại Thừa Niết Bàn, đều gọi chung là Kinh Đại Bát Niết Bàn.

Chữ Niết Bàn xuất phát từ ý nghĩa chính, sự nhập diệt của Đức Thích Tôn chuyển đổi thành sự dập tắt lửa phiền não, chứng được cảnh giới giác ngộ. Thời Bắc Lương, Trung Hoa, Ngài Đàm Vô Sấm dịch Kinh Niết Bàn ra chữ Hán tổng cộng 40 quyển, gọi là Bắc Bổn thường được dùng để so sánh các bản khác, bởi vì bản kinh nầy tiêu biểu của Phật Giáo Đại Thừa trình bày Đức Thích Tôn nhập diệt là trở về với Pháp Thân Thường Trụ, được gọi là Phật, luôn luôn tồn tại một cách vĩnh viễn. Kinh nầy cũng nói: “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh“ như lời minh định rằng mọi chúng sanh đều có Phật tánh. Chúng ta cũng tin rằng mình có Phật tánh, giữ gìn Phật tánh ấy, đồng một thể với Phật. Kinh cho biết có một tự tánh chân thật tồn tại trong đời sống nầy đó là thế giới Phật, Thường, Lạc, Ngã, Tịnh mà ta thường vui với sự thanh tịnh ấy.

Cả Phật Giáo Trung Hoa và Phật Giáo Nhật Bản đều tôn trọng việc hành trì kinh nầy. Thiền Sư Đạo Nguyên cũng trích dẫn nhiều thuật từ của Kinh vào Chánh Pháp Nhãn Tạng như: Phật-Tánh, hoặc Nhứt Thiết Chúng Sanh Giai Hữu Phật Tánh v.v... và phân tích chú giải Kinh nầy theo kiến giải sáng tạo, độc đáo, tung hoành vô tận. Ngoài ra, còn sử dụng những ngôn từ như: Chư Ác Mạt Tác; Vương Tác Tiên Đà Bà, Tứ Mã, Phát Bồ Đề Tâm, Cúng Dường Chư Phật, Quy Y Tam Bảo v.v...

IV.4.3.9 Kinh Di Giáo – Yuihyogyo

Kinh nầy chỉ có một quyển còn gọi là Phật Thùy Bát Niết Bàn Lược Thuyết Giáo Huấn Kinh, do Ngài Cưu Ma La Thập dịch ra chữ Hán. Theo phân loại, Kinh thuộc về Kinh Điển Tiểu Thừa, thuộc Kinh Tập Bộ, cũng có khi xếp vào Niết Bàn Bộ. Kinh nầy ghi lại những lời dạy cuối cùng trước khi Đức Thích Tôn nhập diệt, Ngài khuyên rằng sống trong cõi vô thường, giả tạm nầy không được lười biếng, phải tinh tấn, giữ giới và chế ngự dục vọng, như lời dạy có tính cách vĩnh viễn. Kinh còn chỉ cho thấy vấn đề tại sao cố gắng sớm được giải thoát. Trong Chánh Pháp Nhãn Tạng Thiền Sư Đạo Nguyên trích dẫn kinh nầy ở phần Bát Đại Nhơn Giác và Vĩnh Bình Quảng Lục quyển thứ 5, đặc biệt Thiền Sư Đạo Nguyên soạn Bát Đại Nhơn Giác ở cuối đời. Ngài trích dẫn từ Kinh Di Giáo dạy rằng:

1. Hãy thiểu dục,
2. Biết đủ,
3. Mong được yên lặng,
4. Hãy tinh tấn,
5. Hãy thủ hộ pháp đừng có vọng niệm,
6. Tâm an thiền định,
7. Tu trí tuệ,
8. Đừng rơi vào hí luận.

Tất cả được gọi là 8 đức giáo huấn cho chúng đệ tử. Thế cho nên, Tông Tào Động đọc tụng Kinh Di Giáo trong Lễ Hội Niết Bàn ngày 15 tháng 2 mỗi năm, còn những khi Tín Đồ quá vãng, đọc tụng Bát Đại Nhơn Giác một cách trầm lắng xúc cảm. Những ngày 29 tháng 9, giỗ kỵ Thiền Sư Đạo Nguyên hằng năm, bản văn nầy được ấn tống, biên chép, đọc tụng v.v...

IV.4.3.10 Kinh Phạm Võng – Bonmogyo

Kinh nầy gồm có hai quyển gọi là Kinh Phạm Võng, hay Lô Xá Na Phật Thuyết Bồ Tát Tâm Địa Giới Phẩm, quyển 10 hoặc Phạm Võng Bồ Tát Giới Kinh, do Ngài Cưu Ma La Thập dịch vào thế kỷ thứ 5. Ở Trung Hoa, có thuyết cho là ngụy Kinh. Nguyên nghĩa Tâm Kinh Phạm Võng nghĩa ẩn dụ quan điểm ý kiến của chúng sanh như mắc võng, song từ những ý kiến đó, Đức Phật chỉ chỗ cao tột của Tâm. Quyển thứ nhất trình bày 40 loại tâm trong quá trình tu hành chuyển hóa theo tâm cảnh Bồ Tát. Quyển thứ hai trình bày 10 giới quan trọng và 48 giới thông thường, cho rằng Giới Bồ Tát là mẹ của Chư Phật và tường thuật về Chủng Tử Phật-tánh. Nội dung quyển thứ hai được xem là tư tưởng Bồ Tát Giới. Đối với Phật Giáo Nhật Bản, Kinh nầy có ảnh hưởng rất lớn, chính Thiền Sư Đạo Nguyên trình bày 10 giới quan trọng nầy trong phần Thọ Giới của tác phẩm Chánh Pháp Nhãn Tạng. Tuy nhiên cũng có đôi chút khác biệt song vẫn dựa vào căn bản Kinh nầy. Hơn nữa, những phần như “Khê Thinh Sơn Sắc”, “Lễ Bái Đắc Tủy” và “Tẩy Diện” cũng được trích dẫn từ Kinh nầy.

IV.4.3.11 Kinh Địa Tạng – Jizogyo

Kinh Địa Tạng gồm có hai quyển, gọi đầy đủ là “Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh“, do Ngài Thật Xoa Nan Đà dịch, song Kinh nầy cũng được cho rằng xuất phát “Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luận” có 10 quyển ở Trung Hoa, do Ngài Huyền Trang dịch, mà có thể từ bản văn nầy hình thành Kinh Địa Tạng. Có thuyết khác cho rằng từ bản văn Kinh Diên Mạng Địa Tạng Bồ Tát, một quyển do Ngài Bất Không dịch, nhưng cũng có thuyết cho rằng Kinh nầy được soạn tại Nhật. Trong kinh Địa Tạng, Bồ Tát Địa Tạng phát nguyện cho đến khi nào trong địa ngục không còn chúng sanh cho đến khi đó Ngài mới thành Phật. Ai bất hiếu với cha mẹ, giết cha, giết mẹ, tạo các ác nghiệp, sẽ đọa vào địa ngục sau khi chết, nếu xưng danh Bồ Tát Địa Tạng và thành tâm, thành kính tụng Kinh Địa Tạng, thậm chí chí thành nghe Kinh, tội cũng tiêu mất. Kinh còn cho biết ai ai cũng được lợi ích, cho nên người Nhật tin cả Bồ Tát Quan Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng và xem như hai vị là biểu tượng tín ngưỡng dân gian, gần gũi và mật thiết. Ngày Vía Bồ Tát Địa Tạng, các tự viện thuộc Tông Tào Động đều tổ chức lễ kỷ niệm trang nghiêm và thanh tịnh.

IV.4.3.12 Cam Lồ Môn – Kanromon

Bản văn Cam Lồ Môn chỉ có một quyển. Chữ Cam Lồ ẩn dụ lời dạy của Đức Phật ngọt ngào như giọt sương mai và đồng thời chữ Môn có nghĩa là nhập môn, vào cửa Đạo học Phật. Bản văn còn gọi là Cải Chánh Thí Ngạ Quỷ Tác Pháp. Thiền Sư Diện Sơn Đoan Phương – Menzan Yuiho, một trong những học Tăng thời Giang Hộ biên soạn và ghi thêm những Đà La Ni vào nghi thức Thí Thực trong Thanh Quy của Thiền Sư Oánh Sơn, tên là Cam Lồ Môn. Ở các tự viện thuộc Tông Tào Động mỗi ngày đều có khóa lễ buổi tối vào dịp trước và sau Đại Lễ Vu Lan, tụng Kinh nầy và hành pháp Đại Thí Thực, với mục đích chính là bố thí cho chư hương linh và ngạ quỷ đồ ăn uống.
Các Loại Đà La Ni

Đà La Ni là dịch âm từ chữ dharani, tiếng Sanskrit, nghĩa là không làm việc ác, hãy làm việc lành, ngoài ra còn nhiều ý nghĩa thâm sâu khác nữa. Những câu chú ấy khi được trì tụng có công năng tiêu trừ ma chướng, đạt được lợi ích. Nếu lễ bái cũng được công đức tương tự. Có nhiều loại Đà La Ni khác nhau, ở đây sẽ chọn một vài bài Chú mà Tông Tào Động thường đọc tụng.
IV.4.3.13 Đại Bi Tâm Đà La Ni – Daihi Shindarani

Bản văn nầy chỉ có một quyển, còn gọi là “Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh”, nói tóm tắt là “Chú Đại Bi”, do Ngài Già Phạm Đạt Ma dịch ra chữ Hán, vào khoảng thế kỷ thứ 7. Nội dung chú nầy là quy y Tam Bảo, lễ bái Đức Quán Tự Tại Bồ Tát, xướng danh Đức Quán Tự Tại Bồ Tát, cầu nguyện được phước đức gia tăng và vạn sự kiết tường. Tông Tào Động thường đọc tụng Chú nầy vào các khóa lễ như: Chúc Thánh, Quan Âm Sám Pháp, Khóa Lễ Buổi Sáng và những nghi thức thông thường khác, bắt đầu bằng câu: Namo Kalatanso Toraya Ya. Chú Đại Bi giống như Bát Nhã Tâm Kinh rất gần gũi và thông dụng. Trong các thời khóa tụng kinh sáng tại Bổn Sơn Tổng Trì Tự và Tổ Viện thường tụng chú nầy một cách trang nghiêm, chậm rãi và từ giọng cao xuống giọng trầm sau khi tụng cho Ngự Lưỡng Tôn.

IV.4.3.14 Tiêu Tai Kiết Tường Đà La Ni – Shosai Myogichijo Dalani
Bản văn nầy chỉ có một quyển. Đà La Ni nầy rút ra từ “Phật Thuyết Xí Thạnh Quang Đại Uy Đức Tiêu Tai Kiết Tường Đà La Ni Kinh”, nói gọn là “Chú Tiêu Tai”, do Ngài Bất Không, đời Đường dịch ra chữ Hán vào thế kỷ thứ 8. Truyền rằng Đà La Ni được tụng cho Bắc Đẩu Thất Tinh (7 vì sao Bắc Đẩu) và những tinh tú khác chỉ cho Uy Đức của Đức Phật. Ai tụng đọc Đà La Ni nầy sẽ thoát được tai nạn và mọi điều luôn được tốt đẹp. Tông Tào Động thường tụng chú nầy trong thời khóa tụng Kinh buổi sáng tại Phật Điện hay những lễ cầu đảo phước lộc và các nghi thức khác.

IV.4.3.15 Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni – Butsucho Sonsho Dalani
Bản văn cũng chỉ có một quyển, còn gọi đơn giản là “Tôn Thắng Đà La Ni”, do Ngài Phật Đà Bà Lợi dịch ra chữ Hán, khoảng đầu thế kỷ thứ 7. “Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni Kinh“ chuyên chở Đà La Ni nầy diển tả Thiện Trụ Thiên Tử khi gặp Đế Thích Thiên, cầu xin thức ăn để nuôi sống nhưng không có kết quả, cho nên đến gặp Đức Phật, thấy Đức Thích Tôn phóng quang từ đỉnh đầu và chiếu khắp mười phương, rồi được thọ lãnh Đà La Ni nầy, tất cả những chướng ngại đều tiêu trừ qua thần lực ấy. Tông Tào Động tụng Chú nầy khi cúng ngọ, khi cầu phước và những nghi thức khác.

IV.4.3.16 Lăng Nghiêm Chú – Ryogonshu

Bản văn nầy cũng chỉ có một quyển, do Ngài Bàn Lạt Mật Đế dịch ra chữ Hán vào khoảng thế kỷ thứ 8, thuộc quyển thứ 7 trong 10 quyển Đà La Ni dài có tên là “Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhơn Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh” còn gọi là “Đại Phật Đảnh Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Đà La Ni”, thỉnh thoảng còn gọi là “Bạch Tán Cái” (dù che màu trắng), mà tiếng phạn là “Saddha Dhapatara” – nghĩa là “Phật Đảnh”. Chú Lăng Nghiêm nghĩa là xưng tán chư Phật và nhờ năng lực từ bi có được từ thần chú Đà La Ni khởi lên từ Thiền Định Tam Muội, hàng phục (đối trị) những tà ma khi tu hành. Từ ngày 13 tháng 5 cho đến 90 ngày (3 tháng sau), trước khi tụng khóa lễ buổi sáng, Tông Tào Động thường có Lăng Nghiêm Hội, vừa đi Kinh hành nhiễu Phật vừa tụng Đà La Ni nầy, để cầu nguyện cho chư Tăng đang tu hành được bình an vô sự. Vào ngày 15 tháng 2, Niết Bàn Hội và ngày lễ Vu Lan Đại Thí Ngạ Quỷ Hội v.v... đều đọc tụng Kinh nầy.

IV.4.3.17 Lý Thú Phần Của Đà La Ni

Trong Lý Thú Phần của Đà La Ni gồm có bốn loại.

IV.4.3.17.1 Thập Lục Thiện Thần Vương Chú – Juroku Zenjin Osjiu
Đà La Ni do Ngài A Địa Cù dịch ra chữ Hán, trong phần “Đà La Ni Tập Kinh”. Đà La Ni nầy là quy y Tam Bảo, chư Thiên, Thần, Vương, Nữ v.v...., ai kính lễ, cầu nguyện sẽ được thành tựu, bởi vì khi trì tụng Đà La Ni nầy, có 16 Thiện Thần hiện ra để cứu giúp.

IV.4.3.17.2 Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Đà La Ni – Daihannya Haramitsuta Dalani
Đà La Ni nầy có công năng xưng bái Đức Thích Tôn, tán dương Bát Nhã Ba La Mật Đa Phật Mẫu và ca ngợi Đại Bát Nhã, ai trì tụng chú nầy sẽ hàng phục ma chướng, không còn dục vọng và sớm chứng ngộ.

IV.4.3.17.3 Bát Nhã Thông Minh Đà La Ni – Hannya Somyo Dalani
Đà La Ni có công năng xưng tán Phật Mẫu, ai trì tụng Đà La Ni nầy, sẽ tiêu trừ nghiệp chướng, thường được gặp Phật và sớm được chứng ngộ.

IV.4.3.17.4 Bát Nhã Văn Trì Bất Vọng Đà La Ni – Hannya Monji Fumo Dalani
Đà La Ni nầy có công dụng để xưng tán Phật Mẫu, ai trì tụng sẽ tiêu trừ chướng ngại, không quên những lời Phật dạy và sớm chứng ngộ.

IV.4.3.18 Xá Lợi Lễ Văn – Shari Raimon
Bản văn chỉ có một quyển, song không có trong “Tào Động Tông Tông Chế”. Hơn nữa không phải là Đà La Ni, nhưng Tông Tào Động thường đọc tụng ba biến hay nhiều biến lúc hỏa tán, chôn cốt, lấy cốt hoặc đốt hương bột, hoặc lễ Phật Niết Bàn vào ngày 15 tháng 2, đồng thời nhứt tâm đảnh lễ Đức Thích Ca Như Lai, mà ý nghĩa của lễ bái là ta với Phật đồng một thể. Nhờ năng lực gia trì của Phật, sở nguyện ta chơn thật sớm thành tựu, đắc đại trí tuệ.
Xá Lợi còn có nghĩa là cốt của Đức Phật, ở đây thay thế bằng xương cốt của Đệ Tử Phật hoặc Đàn Tín Đồ. Lúc Thiền Sư Đạo Nguyên nhập diệt, trà tỳ các Đệ Tử và các Tín Đồ truyền đọc và xướng lễ bài Xá Lợi lễ văn nầy, do Ngài Bất Không đời nhà Đường, Trung Hoa biên soạn, song cũng có nhiều thuyết cho là không phải.

IV.4.4 Giải Thích Về Ngữ Lục
Căn cứ vào Tông Điển của Tông Tào Động như chương trước đã thấy. Ở đây lược bớt và giải thích như sau.

IV.4.4.1 Tham Đồng Khế - Sandokai

Bản văn chỉ có một quyển, do Thiền Sư Thạch Đầu Hi Thiên – Sekito Kisen trước tác. Ngài là một Thiền Tăng Trung Hoa, thời nhà Đường, sống vào thế kỷ thứ 8, trước tiên là học trò Lục Tổ Huệ Năng, nhưng về sau học Thiền và đắc pháp với Thiền Sư Thanh Nguyên Hành Tư, Cao Đệ của Thiền Sư Huệ Năng trở thành Tổ thứ 8 của Thiền Tông Trung Hoa. Bây giờ, tượng của Thiền Sư Thạch Đầu được phụng thờ tại Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự.
Tham Đồng Khế có 220 chữ, là một bản văn ngắn hầu hết là kệ tụng bằng thơ. Với nghệ thuật dùng thơ Ngũ Ngôn (năm chữ một câu, hai câu một vần) diễn đạt Giáo Lý của Phật Giáo, bản văn toàn bộ có 44 câu như một cổ thi. Đầu đề là “Tham” chỉ thế giới hiện thực sai biệt. “Đồng biểu hiện tính bình đẳng chơn thật của thế giới. “Khế” nghĩa là khế hợp Tham và Đồng với thế giới lại, nghĩa là tự tánh chân thật thể hiện qua đời sống của Thiền, bắt đầu bằng câu:
“Tâm Đại Tiên Thiên Trúc,
Bí truyền Tây sang Đông”
Nghĩa là Đức Thích Tôn giác ngộ và hoằng dương Chánh Pháp tại Thiên Trúc, Ấn Độ. Giáo Pháp ấy được chư vị Tổ Sư truyền thừa nhau và truyền sang đất nước Trung Hoa ở phía Đông.
“Âm thanh luôn ngời sáng,
Trước sau bước chân đồng”
Nghĩa là những hiện thực sai biệt làm sáng lên tự tánh chân thật bình đẳng qua từng tiếng nói từng bước chân. Mọi vật tồn tại trên phương diện tương đối như khi bước đi, chân trước và chân sau khác nhau ở chỗ trước sau, nhưng dù sao đi nữa cũng là một bước, mà chân không bao giờ phân biệt chân trước và chân sau.
“Gắng tu trì Chánh Pháp,
Ngày tháng chẳng luống qua.”
Nghĩa là hãy cố gắng tu trì và quý mến những ai cầu học tinh tủy Phật pháp, không để thời gian trôi qua lãng phí.

TôngTào Động bắt buộc tụng phần nầy tại Tổ Đường trong thời khóa buổi sáng, thời Lịch Đại Trụ Chúc và giỗ chư vị Tổ Sư, cũng giống như tụng “Bảo Kính Tam Muội”. Thật sự, không biết bắt đầu từ lúc nào việc trì tụng nầy trở thành thường xuyên vào mỗi sáng. Trong “Vĩnh Bình Quảng Lục” quyển 1, 3, 4, 5, 8 phần “Vĩnh Bình Thanh Quy”, “Chúng Liêu Châm Quy”, “Chánh Pháp Nhãn Tạng”, “Phật Tánh”, “Phật Đạo”, “Gia Thường”, “Phật Hướng Sự Thật”, Thiền Sư Đạo Nguyên có đề cập đến. Ngoài ra, trong “Tham Đồng Khế”, Thiền Sư Thạch Đầu bắt đầu phần “Thảo Am Ca” sau đó viết nhiều câu chuyện đời thường của Thiền Sư.

IV.4.4.2 Bảo Kính Tam Muội – Bokyo Zanmai

Bản văn nầy cũng chỉ có một quyển, do Thiền Sư Động Sơn Lương Giới – Tozan Ryokai biên soạn. Thiền Sư Động Sơn sống vào thế kỷ thứ 9, đời Đường, Trung Hoa, đắc pháp với Thiền Sư Dược Sơn Duy Nghiêm trở thành vị Tổ thứ 11 của Thiền Tông Trung Hoa, được tôn kính là vị Tổ của Tông Tào Động. Bảo Kính Tam Muội còn gọi là Bảo Kính Tam Muội Ca gồm có 94 câu mỗi câu 4 chữ, tổng cộng 376 chữ, thành một tập thơ nhỏ, với tựa đề Bảo Kính Tam Muội, ý nói Bảo Kính và Tam Muội để trang nghiêm việc tu hành. Kính ấy trong suốt, sạch sẽ và chiếu soi tất cả tâm của chúng ta khi có Tam Muội. Nội dung tập thơ diễn tả việc Tọa Thiền, như:

“Pháp chân thật ấy.
Phật Tổ mật giao,
Giữ gìn cẩn thận,
Bây giờ truyền trao”

Nghĩa là từ Ấn Độ, Đức Thích Tôn truyền trao Phật pháp chân thật cho các vị Tổ Sư, Chư Lịch Đại Tổ Sư mật truyền cho nhau cho đến bây giờ chúng ta được thọ nhận mang vào thân, phải giữ gìn cẩn thận. Đây là những câu thơ đầu, sau đó tiếp theo:

“Hiện trên Bảo Kính,
Hình ảnh của mình,
Đầy đủ năm tướng
Xinh hoặc chẳng xinh“

Nghĩa là khi đứng trước tấm kính quý ấy, hình của ta hiển hiện hoàn toàn dù chỉ là một bức ảnh, bởi vì mình chẳng phải là ảnh mà ảnh chỉ là ảnh mà thôi, nhưng bức ảnh ấy hiển hiện đầy đủ năm tướng một cách tự nhiên xinh hoặc chẳng xinh.

“Ai xa lìa dục,
Trang nghiêm đoan chánh,
Như cây cỏ dại,
Dù ba hay năm
Cùng gốc Kim Cang.”

Một khi lìa khỏi tham dục, tâm trở nên trang nghiêm đoan chánh. Như bụi cỏ dại dù có ba hoặc năm vẫn cùng chung một gốc cỏ. Con người cũng vậy dù biến đổi thành nhiều bộ mặt khác nhau nhưng tất cả chỉ là biến đổi trên hình thức mà thôi, song tâm vẫn cùng chung một gốc như nhau.

“Vượt qua tình thức,
Không thể nghĩ bàn.”

Nghĩa là tâm như tấm kiếng. Nhờ năng lực Thiền Định, tâm vượt qua khỏi tình, thức, không thể nghĩ bàn.
“Tương tục tương tục,
Thật ông chủ mình.”

Nghĩa là người tu được ánh sáng Phật Pháp chiếu soi, thấy được chủ nhân mình.

Thiền Sư Đạo Nguyên không trực tiếp trích dẫn “Bảo Kính Tam Muội” nhưng ngôn từ của Thiền Sư Động Sơn được trích dẫn vào các phần Khán Kinh, Thần Thông, Phật Hướng Thượng Sự, Hành Trì, Vô Tình Thuyết Pháp, Xuân Thu, Vĩnh Bình Quảng Lục v.v....của Chánh Pháp Nhãn Tạng, quyển 1, 3, 5, 6, 7, 9, tường thuật trong Tông Chỉ. Thật là một Ngữ Lục rất sâu sắc! Như Tham Đồng Khế, bản văn nầy được tụng trong khóa tụng Kinh sáng ở Tổ Đường hoặc những ngày giỗ kỵ Tổ Sư.

IV.4.4.3 Tín Tâm Minh – Shinjinmei

Bản văn chỉ có một quyển, do Thiền Sư Giám Trí Tăng Xán trước tác. Thiền Sư Giám Trí Tăng Xán là một Thiền Tăng rất nổi tiếng sống vào thế kỷ thứ 6, đời nhà Đường, Trung Hoa trở thành vị Tổ thứ ba của Thiền Tông. Tác phẩm “Tín Tâm Minh” gồm có 146 câu, mỗi câu 4 chữ, tổng cộng là 548 chữ, là một Ngữ Lục quý giá trong thời kỳ đầu Thiền Tông Trung Hoa. Tựa đề “Tín Tâm Minh” có tín tâm nghĩa là chơn tâm và minh nghĩa là khắc chữ vào, như là:
“Chí đạo không khó,
Chỉ ngại chọn thôi.”
Nghĩa là Phật pháp như con đường lớn, đến với con đường đó không phải là việc khó, chỉ cần buớc tới và buông bỏ tất cả những ham muốn thích hay không thích bằng như tự ngã.
Bắt đầu:
“Đây chẳng suy nghĩ,
Phân biệt không lường.”
Nghĩa là Thiền không phải là thế giới của thích hay không thích. Ai còn dùng phân biệt để suy lường không thể nào suy lường được.
Hay:
“Dứt bặt ngôn ngữ,
Đến đi chẳng còn”
Nghĩa là Thiền là thế giới của chơn tâm, không thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt được, cũng không thể dùng đơn vị đến đi để diễn đạt thời gian tồn tại của chơn tâm như: quá khứ, hiện tại và vị lai nữa.
Thiền Sư Oánh Sơn là người Nhật đầu tiên chú giải bản văn “Tín Tâm Minh” nầy với tựa đề “Tín Tâm Minh Niêm Đề”.

IV.4.4.4 Chứng Đạo Ca – Shodoka

Bản văn cũng chỉ có một quyển; do Thiền Sư Vĩnh Gia Huyền Giác – Yoka Genkaku biên soạn. Thiền Sư Vĩnh Gia là một Thiền Tăng, sống vào thế kỷ thứ 7 và thứ 8, đời nhà Đường, Trung Hoa. Ngài tìm gặp được Lục Tổ Huệ Năng, xin thỉnh Pháp. Qua vài lần vấn đáp với Tổ, Ngài ngộ Thiền Cơ, được truyền Pháp. Ngài chỉ trú tại ngôi chùa Ngài Huệ Năng đang ở một đêm thôi và hoàn thành tác phẩm Chứng Đạo Ca. Chứng Đạo có nghĩa là ngộ lý đạo. Ca gồm 247 câu ca có tổng cộng 1714 chữ.
“Ngươi thấy chăng những người vui đạo,
Vui niềm vui tuyệt học vô vi.”
Nghĩa là nhà ngươi không biết chăng bất cứ học nào cũng chẳng còn cần thiết, hãy sống tự do tự tại mới thật là người nhàn rỗi.
Bắt đầu vào:
“Chơn chẳng tìm cầu, vọng chẳng trừ,
Hai pháp là không, tướng chẳng như. ”
Nghĩa là chẳng cần tìm cầu để ngộ lý chơn thật,cũng đừng khổ tâm để đoạn trừ mê vọng. Vì sao? Vì rõ biết tự thể của hai pháp là không, vốn là vô tướng.
Sau đó:
“Ống ngắm, người nhìn chưa thấy rõ,
Giúp người Ta chỉ rõ thật hư.”
Nghĩa là người dùng ống nhòm để nhìn Phật Pháp, làm sao thấy được Phật Pháp rộng lớn vô biên, mà thật tế không thể lấy gì sánh được. Bây giờ để giúp người, Ta sẽ giải thích thêm một lần nữa để thấy rõ ràng.
Chứng Đạo Ca hay nói rằng:
Đi cũng Thiền, ngồi cũng là Thiền.
Hay nói:
Ánh trăng vằng vặc trên sông ấy
Mấy cội tùng khua gió lao xao
Thăm thẳm đêm thu trôi lặng lẽ
Mênh mông không chỗ để nương vào.
Hay nói:
Cội nguồn tự tánh là Chơn Phật.
Nghĩa là cội nguồn tự tánh vốn là Phật rồi. Tuyên bố nầy trở thành một trong những câu nói nổi tiếng, mà từ xưa đến nay các Thiền Tăng thích đọc tụng và không chỉ sử dụng như Pháp Ngữ dẫn đường mà còn tham khảo khi làm thơ. Nhiều người rút ra từ đây nhiều bài học giá trị khác nhau như trong phần Hành Trì của Chánh Pháp Nhãn Tạng, Thiền Sư Đạo Nguyên giới thiệu Chứng Đạo Ca và ca ngợi Thiền Sư Vĩnh Gia Huyền Giác rất nhiều. Tăng lữ và Tín Đồ Tông Tào Động thường đọc tụng bản văn nầy trong những Phật sự cúng dường. Ngoài ra, trong những đạo tràng tu Thiền, các vị Pháp Sư vẫn thường giảng nghĩa tác phẩm để làm sáng tỏ Tông Chỉ của Thiền. Tác phẩm cũng là những bài học chính trong các Hội Tham Thiền.
Hơn nữa, nên tham cứu “Thiền Tông, Độc Kinh Nhập Môn“ của Đại Pháp Luân Các tuyển chọn và phát hành, tìm tác phẩm nguyên văn Thánh Điển đối chiếu với bản dịch ngôn ngữ hiện đại để rõ thêm.

III.2 Thất Đường Già Lam

III.2.1 Sự Thay Đổi Kiến Trúc Của Tự Viện

Già Lam, nguyên ngữ bằng tiếng Sanscrit cổ, Ấn Độ là Shangarama, còn gọi là Tinh Xá, Chùa, Tự Viện. Kiến trúc Tự Viện Nhật Bản ảnh hưởng trực tiếp từ bán đảo Triều Tiên, gián tiếp từ Trung Hoa. Từ thời Bình An (Heian), mỹ thuật kiến trúc Nhật Bản mô phỏng theo hai dạng mỹ thuật kiến trúc Triều Tiên có từ thời Phi Điểu, và mỹ thuật Trung Hoa từ thời nhà Đường. Đến thời Kamakura, lối kiến trúc đó bị loại bỏ đi thay bằng lối kiến trúc thời Tống (Trung Hoa) hòa với lối kiến trúc thời Thất Đinh. Đến thời Đào Sơn mỹ thuật kiến trúc trở nên đẹp vô cùng, tạo nên phong cách mỹ thuật đặc biệt của thời đại nầy. Còn thời đại Giang Hộ (Edo), lại theo phong cách đơn giản, hiện đại và độc lập, theo lối phong cách Âu Châu.

Kiến trúc Chùa, đặc biệt vào thời Kamakura thể hiện trọn vẹn phong cách Thiền ảnh hưởng mô thức Trung Hoa thời Đường, còn gọi là phong cách Thiền Tông, có nhiều điểm giống Lâm Tế Tông, Hoàng Bích Tông, Tào Động Tông, hẳn nhiên cũng không thiếu nhiều điểm khác biệt đặc thù.

III.2.2 Già Lam Của Tào Động Tông Là Nơi Chính Để Tu Hành

Thiền Sư Đạo Nguyên phối hợp những phiên bản Tự Viện Trung Quốc và Ấn Độ, suy nghĩ kiến tạo đạo tràng trang nghiêm của Tông Tào Động. Chùa Vĩnh Bình kiến tạo mô phỏng theo Chùa Thiên Đồng Sơn Cảnh Đức ở tỉnh Chiết Giang, Trung Hoa (bây giờ gọi là Thiên Đồng Tự). Tông Tào Động vẫn sử dụng từ “Thất Đường Già Lam“ có lẽ từ thời Giang Hộ (Edo), không có căn cứ nào chỉ cho nguyên thỉ của chữ nầy. Song cũng có thuyết cho rằng Tông Tào Động gọi là Thất Đường Già Lam cho những ngôi Chùa đầy đủ 7 gian như: Sơn Môn, Phật Điện, Pháp Đường, Khố Viện, Tăng Đường, Dục Thất và Đông Ty. Ngoài ra, Chùa còn có tháp 3 tầng, tháp 5 tầng hay Đa Bảo Tháp, Xá Lợi Tháp v.v... những tháp nầy không gồm chung trong Thất Đường Già Lam. Chùa Thiền hay đặc biệt là Chùa của Tào Động Tông không có Tháp, nếu có, tháp được xây sau hoặc là xây với lý do nào đó, còn Chùa thuộc Tông Pháp Tướng và Tông Chơn Ngôn có xây tháp.

Hình thức Thất Đường Già Lam của Tông Tào Động theo thứ tự từ bên ngoài đi vào là: Sơn Môn, Phật Điện, Pháp Đường, bên mặt là Khố Viện, trước có Dục Thất (phòng tắm rửa), bên trái là Tăng Đường, trước có Đông Ty (nhà vệ sinh). Tất cả đều có hành lang bao bọc xung quanh trở thành một hình vuông vức. Ngoài Thất Đường còn có những tòa nhà liên quan được xây dựng thêm. Càng về sau, ở những ngôi chùa nhỏ Thất Đường đơn giản chỉ còn Bổn Đường (Chánh Điện), Khố Lý (nhà kho), Khai Sơn Đường (Chỗ Thờ Tổ), Vị Bia Đường (nơi thờ vong). Cũng có nhiều hình thức biến dạng khác như thêm lầu chuông hay cổng tam quan, song chỉ là những trường hợp riêng biệt mà thôi. Nói chung các chùa đều giống nhau như thế, bởi trước nhất phải hợp với khả năng cho nên phải đơn giản, sẽ giải thích rõ về Thất Đường Già Lam dưới đây.

III.2.3 Sơ Lược Về Thất Đường Già Lam

Sơn Môn vừa chỉ cho cổng chính vào Chùa, vừa chỉ cho thế giới thanh tịnh, không có phiền não khổ đau. Cổng chùa thường có ba cửa, cửa lớn ở chính giữa, hai cửa nhỏ ở hai bên, còn gọi là Cổng Tam Quan, cũng gọi là Tam Môn. Ngoài ra, còn có những tên khác là: Quán Mộc Môn, Dược Y Môn, Anh Môn, Nhị Trọng Môn v.v... Tông Tào Động thường dùng Anh Môn và Nhị Trọng Môn. Ở phần hai bên trước cổng, thường an trí các vị Nhơn Vương. Trên Anh Môn (lầu) thường đặt tượng Phật, Bồ Tát hay các vị La Hán. Trên cao, treo một Phạn Chung (Đại Hồng Chung). Nếu chùa lớn, ngoài Sơn Môn còn có Tổng Môn (chỉ có một cửa ra vào), Tam Tùy Quan, Đống Môn, Dược Y Môn và Sắc Sứ Môn còn gọi là Hương Đường Môn.

Điện Phật còn gọi là Đại Hùng Phong Điện, Đại Hùng Điện, Đại Điện v.v... tọa lạc ngay chính giữa, trong đó có Tu Di Đàn thờ Đức Bổn Tôn Thích Ca Mâu Ni ngay trung tâm, hai bên trái phải của Phật, mỗi bên an trí một tượng Bồ Tát. Đa phần, thờ Đức Phật Thích Ca ở giữa (vị khai Tổ của Phật Giáo). Tôn Giả Ca Diếp trưởng tử Phật, Sơ Tổ Thiền Tông. Tôn Giả A Nan đệ tử thị giả của Đức Phật Thích Ca, vị Tổ Sư thứ hai, thị giả hầu Phật được nghe nhiều lời giảng nhất. Ngoài ra, còn thờ Tam Tôn Phật: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (biểu hiện Đức Phật trong hiện tại), Đức A Di Đà Như Lai (biểu hiện Đức Phật trong quá khứ). Đức Di Lặc Như Lai (biểu hiện Đức Phật trong tương lai). Tam Tôn Phật cũng còn được hiểu là: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát Văn Thù (biểu trưng cho trí tuệ Phật) và Bồ Tát Phổ Hiền (biểu trưng hạnh nguyện Phật). Phía đông của Phật Điện (từ ngoài nhìn vào phía bên mặt) thờ Đàn Thổ Địa hay thờ Bồ Tát Chiêu Bảo Thất Lang Đại Quyền Tu Lý. Phía Tây (phía trái từ ngoài nhìn vào) là Tổ Sư Đàn, thờ Sơ Tổ Đạt Ma. Thông thường bàn thờ làm bằng gạch hay đá, có chỗ để bày dâng lễ cúng. Đặc biệt, phần nghi lễ được tổ chức tại Phật Điện.

Pháp Đường là nơi vị Trụ Trì thuyết Pháp cho Tăng sĩ đang tu tập. Khi thuyết Pháp vị Trụ Trì được cung kính như đại diện chư Phật, chư vị Tổ Sư có trách nhiệm truyền trao giáo Pháp cho thính chúng, cho nên trong Pháp Đường không thiết tượng Phật nào cả. Tại Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự, có đặt tượng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát biểu trưng tâm từ bi bao la của Phật, một lý do khác, như đã trình bày ở trước, ở Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự, Tổ Đường chính là Pháp Đường, nơi đó là Đại Tổ Đường được xem là một Đạo Tràng thuyết pháp của Tổ khai sơn Thiền Sư Oánh Sơn. Giữa Tổ Đường là Pháp Đường cũng còn có ý nghĩa là tôn trọng giữ gìn lời giáo huấn của Tổ. Tại Đại Tổ Đường nầy, đàn trên cao ở chính giữa, thờ tượng Tổ khai sơn Thiền Sư Oánh Sơn, hai bên trái phải thờ Thiền Sư Đạo Nguyên, Cao Tổ và thờ Thiền Sư Nga Sơn Chiêu Thạc, vị Tổ thứ hai của Tổng Trì Tự. Ngoài ra, các tượng của chư vị Tổ Sư cũng được thờ tại đây. Tại Pháp Đường thường có những thời Kinh sáng, trưa, tối và hầu như tất cả nghi lễ quan trọng đều cử hành tại đây.

Khố Viện hay Khố Lý thờ tượng Vi Đà Thiên và tượng Đại Hắc Thiên còn gọi là Đài Hương Tích, vừa là nơi chứa thực phẩm cho chư Tăng thường trụ và khách Tăng, vừa là nơi thâu nhận thực phẩm cúng dường, cũng là chỗ xay thóc.

Dục Thất, nhà tắm, có thờ tượng Tôn Giả Bạt Đà Bà La. Trong Chùa, Tăng Đường, Đông Ty và Dục Thất là ba nơi cần phải giữ thật trang nghiêm yên tĩnh, tuyệt đối cấm không được cười đùa, nói chuyện riêng tư, không được tạo ra âm thanh ồn ào. Ngay cả, tắm rửa kỳ cọ thân thể cho thanh tịnh cũng quan trọng như những việc tu hành khác.

Tăng Đường có nơi gọi là Vân Đường, cũng còn gọi là Tuyển Phật Trường, mà những chữ nầy được treo ngay ở chính giữa. Thông thường người ta còn gọi nơi nầy là Tọa Thiền Đường nhưng Tông Tào Động không gọi là Tọa Thiền Đường vì gọi như thế nghĩa là phân biệt chỗ hành thiền khác với nơi ăn uống. Tăng Đường là nơi mà chư Thánh Tăng và chư Bồ Tát thường lui tới, vốn gọi là Thánh Tăng Đường. Trong Thất Đường Già Lam của Tông Tào Động cũng có những nơi quan trọng biểu trưng hiện hữu của Thần Thánh, cũng có thể gọi là nhiệm mầu thiêng liêng, mà tuyệt đối không ai, cả người trong Chùa lẫn người ở ngoài tự ý vào được.

Đồng thời, Tăng Đường chia làm hai phần, bên ngoài là nơi dùng cơm, uống nước của chư Tăng, bên trong còn gọi là Nội Đường hay Đường Nội thờ chư vị Thánh Tăng như Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Quan Thế Âm, cũng có Chùa thờ Tôn Giả Kiều Trần Như, trên cái Trang ngay chính giữa. Bên dưới thiết kế những chỗ ngồi thiền, gọi là Trường Liên Sàng, là những cái đơn cao chừng một mét, rộng chừng một chiếc chiếu (Tatami), để ngồi Thiền mặt hướng vào tường hoặc cửa sổ.

Còn có những cái Đơn khác gọi là Hàm Quỹ, mặt bằng độ chừng 30 cm làm bằng gỗ, bên trong Hàm Quỹ (cái rương) đựng y áo và bình bát, phía dưới trải ra làm chỗ nghỉ, còn gọi là Tịnh Duyên, bởi vì chỗ nầy, vật nầy cũng dùng để làm nơi ăn uống. Tịnh Duyên có ý là ăn uống trong sạch thanh tịnh. Ngay cả ở bên ngoài cũng có kê những chiếc Đơn như thế.

Bên ngoài còn có những giá treo chuông gọi là Tăng Đường Chuông, Ngoại Đường Chuông và có cả Pháp Cổ (trống) cũng như những pháp cụ khác để báo hiệu khi cần thiết. Những việc như đọc sách, viết lách, cạo tóc, khâu vá v.v.., đều thực hiện trong liêu chúng. Mô hình liêu chúng là giữa liêu đặt tượng Bồ Tát Quan Thế Âm, hoặc tượng Hư Không Tạng Bồ Tát, chỉ có Hàm Quỹ (cái rương) và Tịnh Duyên (chỗ ăn) và liêu chúng gần Tăng Đường.
Đông Ty là Tiện Sở (cầu xí) cũng còn gọi là Tây Tịnh, nhưng chữ nầy bây giờ không còn dùng đến nữa, ở nơi nầy thường để tượng Điểu Sô Sa Ma Minh Vương.

III.2.4 Trường Hợp Những Tự Viện Thông Thường

Tóm lại, các vấn đề xây dựng như thế nào, ai xây, xây ở đâu, khi nào của các chùa thuộc Tông Tào Động lệ thuộc vào vấn đề xã hội địa phương và nguyện vọng của mọi người nữa. Thật ra, mỗi chùa có mỗi điều kiện, mỗi tính cách và mỗi mục đích khác nhau, không thể phán đoán chung chung được, tuy nhiên, có thể phân loại ra như sau:

Thứ nhất, Tu Hành Tự là tự viện như một đạo tràng dùng để tu tập và tọa thiền. Những tự viện nầy vốn có liên hệ với Tông Tào Động từ xưa, như Lưỡng Đại Bổn Sơn, mà dù cho chùa ấy có gì đặc biệt đi chăng nữa, thì vấn đề căn bản vẫn là chỗ để tu hành theo Tông Tào Động

Thứ hai, Bồ Đề Tự là tự viện để lễ bái và phụng thờ Ngài Hoằng Pháp Đại Sư, Ngài Quan Thế Âm, Thất Phước Thần, Linh Trường, thường thấy nơi các chùa thuộc Tông Pháp Tướng, Tông Hoa Nghiêm, Tông Thiên Thai, Tông Chơn Ngôn v.v... về sau dù đã đổi sang Tông Tào Động nhưng vẫn còn giữ tôn phong cũ.

Thứ ba, Kỳ Thọ Tự là chùa thờ Đức Quan Âm, Ngài Dược Sư, Ngài Địa Tạng, Ngài Bất Động, các vị Tổ Sư, Thần Lúa, Thiên Cẩu v.v... vì nhu cầu của mọi người đến tự viện lễ bái cầu nguyện.

Thứ tư, Quán Quan Tự là chùa lịch sử danh lam thắng cảnh, gần gũi mọi người và cảnh trí đẹp, được nhiều người tới lui vãn cảnh.

Tuy nhiên, trừ Lưỡng Đại Bổn Sơn và những tự viện lớn, còn các chùa thuộc Tông Tào Động về hình thức căn bản là những Già Lam theo mô hình: Sơn Môn, Bổn Đường, Khai Sơn Đường, Vị Bi Đường, Khố Lý, Chung Lầu, Tọa Thiền Đường v.v... mà chúng ta lần luợt tiếp xúc với những phần nầy.

Sơn Môn thờ tượng Nhân Vương, trên lầu cao thờ tượng Phật, Bồ Tát, nhưng cũng có nơi không có, bởi vì những chùa nhỏ nhiều khi không có Sơn Môn (cửa ra vào) nữa, đôi khi chỉ khắc tên chùa trên phiến đá thay cho cổng tam quan.

Bổn Đường cũng còn gọi là Phật Điện hay Pháp Đường, bên trong thờ Bổn Tôn, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hoặc thờ Tam Tôn, song chính giữa vẫn là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thế nhưng, tùy theo sự thành lập của tự viện, có những đặc thù riêng, không phải hoàn toàn giống nhau, có chùa thờ Đức A Di Đà Như Lai, Đại Nhật Như Lai, Dược Sư Như Lai v.v... có chùa thờ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Bất Động Minh Vương, Biện Tài Thiên và cũng còn nhiều tượng khác nữa. Tựu trung vẫn là hình tượng chư Phật và chư Bồ Tát mà ở đây có thể rõ thêm rằng đó là đặc trưng Phật tánh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rộng lớn bao la như thế.

Trên bốn bức tường chung quanh Bổn Tôn trong Chánh Điện thường có 18 vị A La Hán. Hai bên tả hữu của Bổn Tôn thường thờ tượng Chiêu Bảo Thất Lang Đại Quyền Tu Lý Bồ Tát và tượng Đạt Ma Đại Sư. Sau Chánh Điện ngăn ra hai bên phải trái thờ linh vị của Tín Đồ Phật Tử.

Tại Bổn Đường (Chánh Điện) sáng, trưa, tối đều có tụng Kinh, nơi đây thường cử hành những nghi lễ cầu an, cầu siêu, thuyết pháp, lễ hằng thuận v.v...

Khai Sơn Đường tiếp giáp sau Bổn Đường, ở giữa thờ Ngài Cao Tổ Đạo Nguyên Thiền Sư hay Thái Tổ Oánh Sơn Thiền Sư. Ngoài hai vị Tổ Sư, còn thờ tượng bằng gỗ của vị Hòa Thượng khai sơn chùa ấy nữa. Hai bên phải trái thờ tượng của các vị Trụ Trì, linh vị của những người sáng lập chùa, nơi đây cũng thờ linh vị Tín Đồ nữa, miễn sao ở giữa có nơi làm lễ là được. Phía trước còn bàn kinh, có gối để lạy, có chuông mõ hai bên.

Vị Bi Đường là nơi linh vị Tín Đồ. Thông thường có thể thờ ở phía sau Chánh Điện hay Khai Sơn Đường, nhưng tùy địa phương Vị Bi Đường được xây riêng một nơi biệt lập bên ngoài Bổn Đường hay Khai Sơn Đường. Ở giữa, thờ tượng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Mỗi gia đình có mỗi bàn thờ nhỏ và tự quản lý, cúng dường và tự mỗi gia đình đến chùa chăm sóc lấy.

Khố Lý được xây dựng ở bên phải Chánh Điện và mặt hướng về Chánh Điện. Nơi đây gồm có hành lang, phòng tiếp lễ vật, phòng khách, phòng ở của vị Trụ Trì, phòng ở của gia đình Trụ Trì, phòng sinh hoạt, phòng chuẩn bị, phòng ăn, phòng tắm, nhà vệ sinh v.v... Tùy theo chùa, Khố Lý lớn hay nhỏ, có chùa Khố Lý còn lớn hơn Chánh Điện nữa.

Tọa Thiền Đường được xây dựng phía bên trái hướng về Chánh Điện, đối diện tương xứng với khố lý. Cũng tùy điều kiện đất đai, đôi khi được thiết lập ngay tầng dưới của Khai Sơn Đường, những chùa không có Tọa Thiền Đường, có thể dùng Chánh Điện hay Khai Sơn Đường thay thế.

Lầu Chuông được thiết kế ở một góc vườn. Mỗi sáng tối thỉnh chuông nhứt định vào một thời điểm nào đó. Chùa nào không có lầu chuông, thường treo chuông bên ngoài cửa hay bên trong Chánh Điện.

Ngoài ra, trong vườn còn xây những nơi như: Đại Sư Đường, Trấn Thủ Đường, Đạo Hà Đường (nơi thờ Thần Lúa), Thần Xã, Sáng Khố v.v...

III.2.5 Công Việc Của Các Vị Tăng

Già Lam không phải chỉ thờ Phật, mà với người sống, nơi đây là những Đạo Tràng tu hành để thành Thánh, thành Phật. Già Lam của các chùa tu Thiền, như đề cập ở trên, được tổ chức theo thể thức sinh hoạt cộng đồng với mục đích tu hành. Riêng Thiền Tông, đặc biệt Tào Động Tông, có sự phối trí khác biệt. Chư Tăng ở chùa tu hành, tất cả nhất định phải phân công công việc để làm, không ai không làm việc, những công việc từ thời Lưỡng Tổ Đại Sư cho đến bây giờ vẫn thế. Được gọi là người tu, việc đầu tiên ở chùa, phải có khả năng làm việc hiệu quả. Không những chỉ riêng người tu ở chùa Tu Hành Tự, mà cho tất cả những tự viện lấy chùa Tu Hành Tự làm căn bản. Chư Tăng trong chùa phải làm việc được giải thích như sau:

Trụ Chức nghĩa là viết tắc của Chức Trụ Trì, người có trách nhiệm lớn lao đối với chùa. Với tư cách là “Tôn Giáo Pháp Nhơn” đại biểu cho chùa đó. Nếu chùa lớn, cũng còn xưng là Sơn Chủ thay cho Trụ Trì, đôi khi thay đổi gọi là Đường Đầu Hòa Thượng, mà thông thường gọi là Phương Trượng, Đường Đầu hoặc Hòa Thượng. Có nơi gọi vị Trụ Trì là Ojutsusan và Hòa Thượng là Ossan.

Quản Thủ là Chức Vụ của hai đại Bổn Sơn, cũng còn gọi là Quản Thủ Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự và Quản Thủ Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự. Ở hai Đại Bổn Sơn còn có vị Phó Quản Thủ, vị thứ hai sau Quản Thủ nữa.

Tây Đường là nơi ở của những vị Cao Đức do vị Trụ Trì cung thỉnh đến để chỉ đạo các Phật sự, bình thường vị Tăng nầy đứng sau vị Trụ Chức.

Giám Viện nghĩa là người thay thế vị Trụ Trì, làm Tổng Quản quán sát tất cả những công việc và mọi vấn đề hành chánh của chùa. Trước đây, vị nầy đứng đầu trong bảng Lục Hòa, mà có nơi gọi là Giám Tự. Ngoài ra còn có Phó Giám Viện thay thế việc điều hành mỗi khi vị Giám Viện vắng mặt .

Hậu Đường là chỗ hành trì của vị Tăng trực tiếp chỉ đạo.

Đơn Đầu là ngôi vị thứ hai của vị Tăng ở Hậu Đường đang hành trì và trực tiếp chỉ đạo.

Phó Tự là vị Tăng lo việc chi tiêu của chùa, lo trọn một trong 6 phép hòa kính.

Tri Khố là vị Tăng lo quản lý thức ăn, tiền bạc và giúp đỡ cho vị phó Trụ Trì.

Duy Na là người giúp đỡ cho vị Hậu Đường và Đơn Đầu, chỉ đạo và hướng dẫn chư Tăng tu hành, quản lý Tăng Đường, tụng khai Kinh và hồi hướng mỗi thời tụng Kinh, giữ vững kỷ cương một trong 6 phép hòa kính, tuy nhiên, có chùa xem đây là việc của vị Giám Tự.

Duyệt Chúng là vị giúp đỡ cho Duy Na, phần vụ thủ mõ.

Đường Hành cũng là nhiệm vụ của Duy Na và Duyệt Chúng, phải gõ khánh, tụng khai Kinh và hồi hướng trong mỗi thời công phu tụng Kinh.

Điển Tọa là vị Tăng lo việc ăn uống vâng giữ một trong 6 phép lục hòa.

Phó Điển còn gọi là Phạn Đầu, vị Tăng hổ trợ giúp việc cho Điển Tọa.

Trực Tế là vị Tăng chuyên lo việc chấp tác, trùng tu sửa chữa Già Lam, chữa đường sá, cũng là người vâng giữ một trong 6 phép lục hòa.

Tri Khách là vị Tăng lo việc tiếp đón khách.

Thị Chơn là vị Tăng chăm sóc chỗ thờ Tổ Khai Sơn.

Cúng Chơn là vị Tăng giúp đỡ Thị Chơn, cũng gọi là Truyền Cúng.
Tri Điện là vị Tăng quản lý Phật Điện và Pháp Đường. Người phụ tá gọi là Diện Hạnh.

Thượng Sự là vị Tăng lo việc thư ký, bảo quản văn thơ giấy tờ.

Tri Dục cũng còn gọi là Dục Chủ, vị Tăng quản lý nhà tắm.

Thị Cục Trưởng là vị Tăng thân cận, chăm lo và giúp đỡ vị Trụ Trì. Ở hai Đại Bổn Sơn những vị nầy hổ trợ vị Quản Thủ.

Thị Giả là vị Tăng thân cận hầu hạ vị Trụ Trì và Chư Tôn Đức đến thăm chùa. Có 5 loại Thị Giả chánh thức như:

Thiêu Hương Thị Giả, là người có trách nhiệm lo việc hương đăng và dâng hương cho vị Trụ Trì, mỗi khi có lễ.

Thư Trạng Thị Giả là vị lo vấn đề thư từ cho vị Trụ Trì.
Thỉnh Khách Thị Giả là vị Tăng lo ứng đối tiếp đãi khách của vị Trụ Trì.

Y Bát Thị Giả là vị Tăng lo Pháp Y cho vị Trụ Trì.

Thang Dược Thị Giả là vị Tăng lo thức ăn và thuốc men cho vị Trụ Trì.

Thông thường chỉ hai hay ba vị kiêm nhiệm luôn.

Thị Thánh nghĩa là Thị Giả của chư Thánh Tăng thờ tại Tăng Đường (như Ngài Văn Thù Bồ Tát), lo việc cúng dường nước hoặc trà nóng lên Bồ Tát.
Giảng Sư nghĩa là vị Thầy thường giảng nghĩa và thuyết pháp cho Chư Tăng và Tín Đồ.

Tạng Chủ tức là vị quản lý tạng Kinh và điện thờ có nhiều bảo vật.

Tịnh Đầu là vị Tăng quản lý Đông Ty (nhà xí).

Tấu Giả là vị Tăng có trách nhiệm thông tin cho khách hoặc những liêu xá, khi có những việc cần thiết.

Thủ Tọa là địa vị cao nhất của chư Tăng, còn gọi là Thượng Tọa.

Thư Ký nguyên là chức vụ Thị Giả Thư Trạng, phụ trách những công việc phụ giúp vị Thủ Tọa liêu, thường ngồi ở vị trí thứ hai sau Thượng Tọa.

Biện Sự là vị Tăng còn trẻ luôn ở bên vị Thư Ký, Thủ Tọa, nơi liêu Thủ Tọa.

Hành Giả là vị Tăng còn đang tu học, gần gũi thân cận, làm các công việc.
Ngoài ra, ở Điện Đường, Điện Ty, Đường Ty, Phật Điện, Pháp Đường khi có lễ, vị thỉnh chuông gọi là Chung Ty, vị lo công việc trong Tăng Đường gọi là Trực Đường, vị lo việc dọn dẹp gọi là Thanh Tảo Đương Phiên v.v... nhiều lắm không thể ghi chi tiết ra đây hết. Vả lại, còn có khá nhiều công việc như xuất bản, bố giáo, và nhiều việc không cần có chức vụ ở Lưỡng Bổn Sơn nữa, song tùy theo tính chất quy mô hay đơn giản của chùa, tùy theo địa phương, tùy theo xã hội mà công việc có thể tùy nghi sửa đổi thêm hay bớt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]