Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần Hai - Những điểm đồng và dị giữa bản Hán tạng và bản Pàli

26/03/201105:16(Xem: 7384)
Phần Hai - Những điểm đồng và dị giữa bản Hán tạng và bản Pàli

SO SÁNH KINH TRUNG A-HÀM CHỮ HÁN
VÀ KINH TRUNG-BỘ CHỮ PÀLI
Hòa thượng Thích Minh Châu (1961) - Thích Nữ Trí Hải dịch Việt (1998)
Nguyên tác: Bhiksu Thich Minh Chau (1961), "A Comparative Study of the Chinese Madhyama Agama and the Pali Majjhima Nikaya", Ph.D. Thesis, Bihar University, India

Phần Hai

NHỮNG ĐIỂM GIỐNG VÀ KHÁC NHAU GIỮA
BẢN HÁN TẠNG VÀ BẢN PÀLI (65)

CHƯƠNG I:
SỰ PHÂN LOẠI THÀNH PHẨM VÀ KINH

A. BẢN CHỮ HÁN (C)

I. Theo phẩm hay chương :

Trung a-hàm Hoa ngữ (CMA) có 222 kinh phân loại thành 18 phẩm (vargas) như sau:
1. Thất pháp phẩm : 10 kinh
(C: Ch'i-fa-p'in; P: Sattadhammavagga)

2. Nghiệp tương ưng phẩm : 10 kinh
(C: Yeh-hsiang-ying-p'in; P: Kammasamyuttavagga)

3. Xá-lợi-tử tương ưng phẩm : 11 kinh
(C: Shê-li-tzu-hsiang-ying-p'in; P: Sàriputtasamyuttav.)

4. Vị tằng hữu pháp phẩm : 10 kinh
(C: Wei-ts'êng-yu-fa-p'in; P: Abhbhutadammavagga)

5. Tập tương ưng phẩm : 16 kinh
(C: Hsi-hsiang-ying-p'in; P: Samudayasamyuttavagga)

6. Vương tương ưng phẩm : 14 kinh
(C: Wang-hsiang-ying-p'in; P: Ràjasamyuttavagga)

7. Trường thọ vương phẩm : 15 kinh
(C: Ch'ang-shou-wang-p'in; P: Dìghàyuràjavagga)

8. Uế phẩm : 10 kinh
(C: Wei-p'in; P: Anganavagga)

9. Nhân phẩm : 10 kinh
(C: Yin-p'in; P: Nidànavagga)

10. Lâm phẩm : 10 kinh
(C: Lin-p'in; P: Vanavagga)

11. Đại phẩm : 25 kinh
(C: Ta-p'in; P: Mahàvagga)

12. Phạm chí phẩm : 20 kinh
(C: Fan-chih-p'in; P: Bràhamanavagga)

13. Căn bản phân biệt phẩm : 10 kinh
(C: Kên-pên-fên-pieh-p'in; P: Mùlavibhangavagga)

14. Tâm phẩm : 10 kinh
(C: Hsin-p'in; P: Cittavagga)

15. Song phẩm : 10 kinh
(C: Shuang-p'in; P: Yamakavagga)

16. Đại phẩm : 10 kinh
(C: Ta-p'in; P: Mahàvagga)

17.Bổ lợi đa phẩm : 10 kinh
(C: Pu-li-to-p'in; P: Potaliyavagga)

18. Lệ phẩm : 11 kinh
(C: Li-p'in; P: Samvidahanavagga)

------------------------------------------

Tổng cộng : 222 kinh

Chương một, Thất pháp phẩm (Ch'i-fa-p'in), có 10 kinh, được gọi như vậy vì 10 kinh này đề cập bảy pháp (dharmas) như kinh C số 1, Thiện pháp kinh (Shan-fa-ching), bài kinh nói về các việc phước đức, trong đó đức Phật dạy rằng Tỳ-kheo nào có được bảy thiện pháp thì sẽ dứt các lậu hoặc, và Ngài giải thích bảy thiện pháp ấy. Trong kinh C số 9, Thất xa kinh (Ch'i-ch'ê-ching), bài kinh nói về bảy cỗ xe trong đó đức Phật lấy ví dụ bảy cỗ xe tiếp vận để so sánh với bảy giai đoạn tu tập của một vị Tỳ-kheo.

Chương hai, Nghiệp tương ưng phẩm (Yeh-hsiang-yin-p'in), là nhóm kinh liên hệ đến nghiệp (karma), được gọi như thế vì 10 kinh này đề cập đến vấn đề nghiệp và quả. Như trong C11,Ví dụ hạt muối (Yen-yu-ching), đức Phật giải thích rằng con người sẽ gặt hái hậu quả tùy theo hành độâng của mình. Trong kinh C 12, Hoà phaù (Ho-p'o-ching),nói về cuộc thảo luận giữa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên (Ta-mu-chien-lien) và một Ni kiền tử tên là Hòa Phá (Ho-p'o) về những nghiệp đưa đến những đời sống tương lai trong một cõi bất hạnh.

Chương ba, Xá-lợi-tử tương ưng phẩm (Shê-li-tzu-hsiang-ying-p'in), là nhóm kinh liên hệ Xá-lợi-tử (Shê-li-tzu) vì trong những kinh thuộc nhóm này Tôn giả Xá Lợi Phất đóng vai trò chính. Như trong kinh C 27, Phạm chí Đà nhiên kinh (Fan-chih-t'o-jan-ching), Tôn giả Xá Lợi Phất giảng cho bà la môn Đà Nhiên (T'o-jan) những nguy hiểm của sự làm các việc bất thiện. Trong kinh C 26,Cù ni sư kinh(Chu-ni-shih-ching), Tôn giả Xá Lợi Phất kể ra 13 học giới của một Tỳ-kheo.

Chương bốn, Vị tằng hữu pháp phẩm (Wei-ts'êng-yu-fa-p'in), nói về những việc kỳ diệu, vì những kinh thuộc nhóm này đề cập những pháp kỳ diệu. Như trong kinh C 32,Vị tằng hữu pháp kinh, Tôn giả A Nan kể ra 24 đức tính kỳ diệu của đức Phật. Kinh C 33, Thị giả kinh(Shih-che-ching), đề cập việc chọn Tôn giả A Nan làm thị giả của đức Phật và việc Phật khen ngợi những đức tính đặc biệt của Tôn giả A Nan.

Chương năm, Tập tương ưng phẩm (Hsi-hsiang-p'in), nói về sự sinh khởi. Như trong kinh C42, Hà nghĩa(Ho-i-ching),đức Phật giải thích cho Tôn giả A Nan sự sinh khởi lệ thuộc lẫn nhau của các pháp, từ việc giữ giới cho đến giải thoát tri kiến. Trong kinh C 44,Niệm kinh (Nien-ching), đức Phật giảng sự sinh khởi của các pháp kế tiếp nhau, bắt đầu từ sự thất niệm của một Tỳ-kheo dẫn đến sự không đạt được chánh trí và cuối cùng đưa đến sự không chứng Niết-bàn (Nirvàna).

Chương sáu, Vương tương ưng phẩm (Wang-hsiang-ying-p'in), gồm các kinh nói đến vua. Như trong kinh C 64, Thiên sưù (T'ien-shih-ching), kinh nói về sứ giả nhà trời, Diêm Vương (C: Ya-no; P:Yama) nói đến năm sứ giả của trời báo hiệu cho người ta sự già chết đang đến để thúc giục họ bắt đầu học pháp. Kinh C 62,Tần bệ sa la vương nghênh Phật kinh (P'in-pi-so-lo-wang-ying-fo-ching),kể chuyện vua tiếp đón đức Phật khi Phật đến thăm ông ta.

Chương bảy, Trường thọ vương phẩm (Ch'ang-shou-wang-p'in), nói về vua Trường Thọ, có tên như vậy bởi vì bản kinh đầu tiên của nó, C72,Trường thọ vương bản ký kinh(Ch'ang-shou-wang-pên-chi-ching),nói về đời trước của vua Trường Thọ. Kinh C 75,Tịnh bất động đạo (Ching-pu-tung-tao-ching), nói về đường lối của sự bất động hoàn toàn, đức Phật giảng cho Tôn giả A Nan trạng thái hoàn toàn bất động mà một Tỳ-kheo tinh cần tu tập sẽ đạt được.

Chương tám, Uế phẩm (Wei-p'in), được gọi như vậy vì các kinh trong phẩm này đề cập những lỗi lầm làm ô nhiễm tâm. Như trong kinh C 87, Uế phẩm, Tôn giả Xá-lợi-tử mô tả bốn hạng người có cấu uế và không cấu uế. Trong kinh C 88,Cầu Pháp kinh(Ch'iu-fa-ching), đức Phật khuyến cáo các Tỳ-kheo hãy làm những người thừa tự pháp, đừng làm kẻ thừa tự ăn uống.

Chương chín, Nhân phẩm (Yin-p'in), đề cập chính yếu đến nguyên nhân. Như trong kinh C 97,Đại nhân(Ta-yin-ching), đức Phật giải thích cho Tôn giả A Nan lý duyên sinh. Trong kinh C 106, Tưởng kinh (Hsiang-ching),đức Phật giải thích cho các Tỳ-kheo những thái độ khác nhau của các hạng người đối với các pháp, nguyên nhân định đoạt các thái độ ấy, và mức độ giải thoát của họ do những thái độ này.

Chương mười, Lâm phẩm (Lin-p'in), quy tụ những kinh nói về đời sống ở rừng. Như kinh đầu tiên C 107, Lâm kinh (Lin-ching-ti-i), đức Phật khuyên các Tỳ-kheo nên ở rừng để có được chánh niệm, định, giải thoát, diệt trừ lậu hoặc và đạt đến Niết-bàn. Trong Lâm kinh kế tiếp (Lin-ching-ti-êrh), C 108, đức Phật khuyên các Tỳ-kheo ở rừng để có thể đạt đến mục đích của Sa-môn hạnh và dễ có được những vật cần dùng cho đời sống.

Chương mười một, Đại phẩm (Ta-p'in), gồm đến 25 kinh, có lẽ gọi "đại" vì số lượng kinh khá lớn. Trong kinh C 117, Nhu nhuyến kinh (Jou-juan-ching),đức Phật kể lại đời sống xa hoa của mình trước kia ở trong cung điện, Ngài ngồi dưới cây Jambu, đắc sơ thiền và sự thiền tư của Ngài về các pháp của những người ngu và pháp của riêng Ngài trong ánh sáng của thiền định ấy. Trong kinh C 131,Hàng ma (Hsiang-mo-ching) , Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đối trị ma (Màra) quấy nhiễu và cuối cùng đã xua đuổi được ma vương.

Chương mười hai, Phạm chí phẩm (Fan-chih-p'in), có tên như vậy vì những kinh trong phần này đề cập về những bà la môn (bràhmanas). KinhToán số Mục-kiền-liên(Suan-shu-mu-chien-lien-ching),C 144, nói về bà la môn Toán số Mục Kiên Liên hỏi Phật về lối dạy tuần tự trong pháp luật (Dharma-vinaya) của Ngài. Trong kinh C 145, Cù mặc Mục-kiền-liên kinh (Ch'u-mê-mu-chien-lien-ching), Tôn giả A Nan nói chuyện với bà la môn này về những pháp điều phục tăng chúng sau khi đức Phật nhập diệt, khiến tăng già có thể duy trì sự thống nhất.

Chương mười ba, Căn bản phân biệt phẩm (Kên-pên-fên-pieh-p'in), phần lớn đề cập sự phân tích các pháp khác nhau. Như kinh C162, Phân biệt lục giới (Fên-pieh-liu-chieh-ching), đức Phật nói về sự phân tích sáu giới. Trong kinh C 163, Phân biệt lục xứ kinh (Fên-pieh-liu-ch'u-ching), đức Phật phân tích sáu xứ hay phạm vi của sáu giác quan.

Chương mười bốn, Tâm phẩm (Hsin-p'in), mượn tên kinh đầu tiên trong nhóm là C 172,Tâm kinh(Hsin-ching),trong đó đức Phật giải thích sự dao động của tâm trên bậc hữu học và vô học. Cũng trong phần này, kinh C 173, Phù di kinh(Fou-mi-ching), đề cập lý thuyết cho rằng nếu một người sống đời phạm hạnh với quyết tâm hoặc không, với cả hai hoặc không cả hai, người ấy chắc chắn được quả báo.

Chương mười lăm, Song phẩm (Shuang-p'in), có tên ấy do các kinh được nhóm thành đôi có cùng một nhan đề, như kinhMã ấp (Ma-i-ching), C182-183, hoặc kinh Ngưu giác sa la lâm(Niu-chiao-so-lo-lin-ching), C184-185.

Chương mười sáu, có tên giống chương mười một, Đại phẩm, nhưng chương này chỉ có 10 kinh. Trong kinh C 193, Mâu lê phá quần na (Mou-li-p'o-ch'un-na-ching),(P'o-t'o-ho-li-ching),đức Phật chỉ cho Tôn giả Bạt Đà Hoà Lợi những nguy hiểm của sự phá giới luật nhất tọa thực, cách xử phạt những Tỳ-kheo vi phạm và những lợi ích của sự tôn trọng giới này. đức Phật quở trách vị Tỳ-kheo có tên này vì chơi thân với ni và bảo ông hãy an trú tâm từ và tâm bi. Trong kinh C 194, Bạt-đà-hòa-lợi

Chương mười bảy, Bổ lợi đa phẩm (Pu-li-to-p'in), lấy tên kinh đầu tiên Bổ lợi đa,C 203, trong đó đức Phật bảo gia chủ Bổ Lợi Đa rằng theo pháp luật của bậc thánh, người ta không thể được gọi là tu sĩ khi chỉ từ bỏ những tục sự mà thôi. Trong kinh C 204, La ma kinh(Lo-mo-ching),đức Phật giảng về hai loại tầm cầu, là thánh cầu (ariyan) và phi thánh cầu (unariyan).

Chương cuối cùng thứ mười tám, Lệ phẩm (Li-p'in), lấy tên của kinh cuối cùng trong nhóm tức C 222, Lệ kinh(Li-ching),nói về sự xếp đặt, trong đó đức Phật giảng muốn tận diệt và hiểu rõ vô minh, già, chết để chấm dứt khổ, ta cần phải thực hành bốn niệm xứ, bốn chánh đoạn(66) , bốn thần túc, bốn thiền (dhyànas), năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chánh đạo, mười biến xứ, mười pháp của bậc vô học.

Trước mỗi chương, có một bài kệ bốn dòng hoặc nhiều hơn, tóm tắt tên kinh chứa trong phẩm ấy. Ví dụ, trong phẩm đầu, bài kệ như sau :

"Thiện pháp, Trú độ thoï (Shan-fa chou-tu-shu)
Thành, Thủy, Mộc tích duï (Ch'êng, shui, mu-chi-yu)
Thiện nhân vãng, Thế phước, (Shan-jên-wang, shih-fu)
Nhật, Xa, Lậu tận kinh.(Jih, ch'ê, lou-chin ch'i). "

Nghĩa là gồm các kinh sau:

Thiện pháp kinh (Shan-fa-ching), Trú độ thọ kinh (Chou-tu-shu-ching), Thành dụ kinh (Ch'êng-yu-ching), Thủy dụ kinh (Shui-yu-ching), Mộc tích dụ kinh (Mu-chi-yu-ching), Thiện nhân vãng kinh (Shan-jên-wang-ching), Thế gian phước kinh (Shih-chien-fu-ching), Thất nhật kinh (Ch'i-jih-ching), Thất xa kinh (Ch'i-ch'ê-ching), Lậu tận kinh (Lou-chin-ching).

II. Theo quyển :

Lại nữa, 222 kinh này được phân loại theo quyển, gồm 60 tất cả:
Quyển 1, 2 : phẩm 1 gồm 10 kinh.
Quyển 3, 4 : phẩm 2 gồm 10 kinh.
Quyển 5-7 : phẩm 3 gồm 11 kinh.
Quyển 8, 9 : phẩm 4 gồm 10 kinh.
Quyển 10 : phẩm 5 gồm 16 kinh.
Quyển 11-16 : phẩm 6 gồm 14 kinh.
Quyển 17-21 : phẩm 7 gồm 15 kinh.
Quyển 22, 23: phẩm 8 gồm 10 kinh.
Quyển 24-26 : phẩm 9 gồm 10 kinh.
Quyển 27, 28 : phẩm 10 gồm 10 kinh.
Quyển 29-34 : phẩm 11 gồm 25 kinh.
Quyển 35-41 : phẩm 12 gồm 20 kinh.
Quyển 42-44 : phẩm 13 gồm 10 kinh.
Quyển 45-47 : phẩm 14 gồm 10 kinh.
Quyển 48, 49: phẩm 15 gồm 10 kinh.
Quyển 50-54 : phẩm 16 gồm 10 kinh.
Quyển 55-58 : phẩm 17 gồm 10 kinh.
Quyển 59, 60: phẩm 18 gồm 11 kinh.

III.Phân loại theo ngày tụng đọc :

Lại nữa, 222 kinh này được phân loại theo năm ngày tụng đọc:
-Ngày đầu, từ phẩm 1 đến phần đầu của phẩm 6, gồm 64 kinh.
-Ngày thứ hai, từ nửa phần sau của phẩm 6 cho đến phẩm 10, gồm 52 kinh.
-Ngày thứ ba, từ phẩm 11 đến phần đầu của phẩm 12, gồm 35 kinh.
-Ngày thứ tư, từ phần hai của phẩm 12 đến phần đầu phẩm 15, gồm 35 kinh.
-Ngày thứ năm, từ phần hai của phẩm 15 đến phẩm 18, gồm 36 kinh.

Cách phân loại này chứng tỏ rằng ngày xưa kinh A-hàm này cũng chiếm một vị trí trong sự tụng đọc hàng ngày của chư Tăng, và họ đã hoàn tất toàn bộ Trung a-hàm trong năm ngày tụng đọc.

Để khỏi có sự thêm bớt, người kết tập đã thêm ở cuối mỗi kinh, số lượng những chữ chứa trong kinh ấy. Ví dụ trong kinh thứ 1, Chánh Pháp kinh (Shan-fa-ching), ở phần cuối đã ghi rằng có 1423 chữ. Kinh cuối cùng, Li-ching, chứa 4873 chữ. Cũng vậy cuối mỗi quyển, số chữ được ghi. Ví dụ quyển 1 chứa tất cả 8109 chữ, quyển cuối cùng phẩm 60 chứa tất cả 11.377 chữ. Vào cuối mỗi phẩm cũng thế, số chữ được nói đến; bởi vậy chúng ta biết rằng phẩm 1 chứa 16.043 chữ, chương 18 chứa 22.149 chữ.(67)

Trung a-hàm (CMA) được nói là do Tam tạng Cồ Đàm Tăng Già Đề Bà (C: Chi-pin-san-ts'ang-ch'u-t'an-sêng-chia-t'i-p'o) (Kashmiri Traipitaka Gautama Sanghadeva) dịch, do Đạo Tổ (Tao-tsu).... ghi chép, vào triều đại Đông Tấn (Tsin), dưới triều vua Hiếu Vũ (Hsiao-wu) và vua An Đế (An-ti) thuộc Lung An...tại chùa Động Đình (Tung-t'ing) (?). Vua Hiếu Vũ lên ngôi tương đương Tây lịch năm 373 và vua An Đế lên ngôi vào năm
397 TL.

B. BẢN PÀLI (P)

152 kinh P được phân thành ba nhóm lớn, nhóm căn bản, Mulà-pannàsa,gồm 50 kinh đầu; nhóm giữa, Majjhimapannàsa,gồm 50 kinh giữa; và nhóm cuối, Uparipannàsa,gồm 52 kinh cuối. Trung bộ kinh phân thành 15 phẩm (vaggas) như sau :
1) Phẩm Căn bản (Mùlapariyàyavagga) : 10 kinh
2) Phẩm Tiếng rống sư tử (Sìhanàdavagga) : : 10 kinh
3) Phẩm 3 (Tatiyavagga) : 10 kinh
4) Đại phẩm song đôi (Mahàyamakavagga) : 10 kinh
5) Tiểu phẩm song đôi (Cùlayamakavagga) : 10 kinh
6) Phẩm Gia chủ (Gahapaivagga) : 10 kinh
7) Phẩm Tỳ-kheo (Bhikkhuvagga) : 10 kinh
8) Phẩm Du sĩ (Paribbàjakavagga) : 10 kinh
9) Phẩm Vua (Ràjavagga) : 10 kinh
10) Phẩm Bà la môn (Bràhmanavagga) : 10 kinh
11) Phẩm Chư thiên (Devadahavagga) : 10 kinh
12) Phẩm Bất đoạn (Anupadavagga) : 10 kinh
13) Phẩm Không (Sunnatavagga) : 10 kinh
14) Phẩm Phân tích (Vibhangavagga) : 10 kinh
15) Phẩm Sáu xứ (Salàyatanavagga) : 12 kinh

Như vậy 152 kinh P được phân loại thành 15 phẩm, mỗi phẩm 10 kinh trừ phẩm cuối 12 kinh, trong khi Trung a-hàm C được phân loại thành 18 phẩm. Nhưng số kinh trong mỗi phẩm không đồng. Có bốn phẩm trong bản C gần trùng tên với năm phẩm trong bản P : C6 = P9; C12 = P10; C13 = P14; C15 = P4 và P5. Những phẩm còn lại của hai bản hoàn toàn không giống nhau, và ta có thể nói rằng những nhà kết tập hai bản kinh này đã tùy tiện phân loại các kinh, không tuân theo một cách phân loại nào từ những người đi trước. Chúng ta cũng để ý rằng bản P không phân thành quyển và không phân theo ngày tụng. Có lẽ sự phân loại thành quyển là một nét đặc thù của sách Tàu và những nhà biên tập hay ấn hành đã để vào cho tiện. Còn về sự phân loại theo ngày tụng, thì dường như là một cách làm ngày xưa để giúp chư Tăng trong việc tụng đọc hàng ngày, vì không thể nào đọc hết toàn bộ trong một ngày. Cách phân loại theo ngày này trong Trung bộ kinh (PMN) không có, nhưng nó được tìm thấy trong Mahàvagga, với sự phân chia Bhànavàra.

(65) Xem phụ lục.
(66) Ở đây bản Hoa ngữ dịch nhầm từ pahana nghĩa là tên chỗ không phải đoạn tận. Xem Abhidharmakosa, karika.
(67) Xem phụ lục4.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]