Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần Một

26/03/201105:16(Xem: 7904)
Phần Một

SO SÁNH KINH TRUNG A-HÀM CHỮ HÁN
VÀ KINH TRUNG-BỘ CHỮ PÀLI
Hòa thượng Thích Minh Châu (1961) - Thích Nữ Trí Hải dịch Việt (1998)
Nguyên tác: Bhiksu Thich Minh Chau (1961), "A Comparative Study of the Chinese Madhyama Agama and the Pali Majjhima Nikaya", Ph.D. Thesis, Bihar University, India

Phần Một
I. DẪN NHẬP
Khoảng một thế kỷ sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, cộïng đồng Tăng lữ phân thành 18 bộ phái hay hơn nữa. Hai bộ phái trong đó là Thượng tọa bộ (Theravàda) và Nhất thiết hữu bộ (Sarvàstivàda), do khối lượng kinh tạng và ảnh hưởng rộng rãi, đã đẩy lùi vào bóng tối tất cả bộ phái khác. Nhưng trong khi hầu như toàn vẹn tạng kinh của Thượng tọa bộ (Ther.) được truyền đến chúng ta, ta lại không thể nói như vậy về tạng kinh của Nhất thiết hữu bộ (Sarv.). Nguyên bản Sanskrit của tạng kinh này phần lớn đều mất hết, chỉ trừ vài đoạn được tìm thấy ở Trung Á, một ít được mang từ Nepal, và gần đây có những văn liệu Gilgit được khám phá cùng với những bản dịch chữ Hán và chữ Tây-Tạng. Một sự nghiên cứu so sánh về hai tạng kinh này sẽ rọi nhiều ánh sáng vào nguồn gốc của tạng kinh cổ, những tương đồng và biệt dị giữa các lý thuyết của hai bộ phái. Nhiều học giả danh tiếng đã cố làm việc theo chiều hướng này, nhưng phần đông chỉ giới hạn vào tạng luật (Vinayapitaka), như Tiến sĩ W. Pachow trong tác phẩm "Nghiên cứu so sánh về giới bản Ba-la-đề-mộc-xoa (Pràtimoksa)"; và Tiến sĩ A. C. Banerjee trong cuốn "Văn học Nhất thiết hữu bộ (Sarvàstivàda)", đều nói đến những giới luật mà Tăng Ni phải tuân theo. Tiến sĩ Bapat đã mở ra một chân trời mới trong tác phẩm Arthapadasùtra bằng cách so sánh hai bản kinh chữ Hán và Pàli, nhưng tác phẩm của vị này chỉ giới hạn vào một phần của kinh Suttanipàta. Bởi vậy chúng ta vẫn còn khao khát có được một nghiên cứu so sánh có hệ thống về toàn thể kinh tạng (Sùtrapitaka) của Thượng tọa bộ (Ther.) và Đại chúng bộ (Sarv.). Tác phẩm này "So sánh kinh Trung A-hàm và kinh Trung bộ" là một cố gắng để bù lấp vào khoảng trống ấy.

Tầm quan trọng của tác phẩm

Trong tác phẩm này, chúng tôi đã cố gắng giới thiệu một phần quan trọng của tạng kinh thuộc Nhất thiết hữu bộ (Sarv.) là kinh Trung A-hàm (Madhyama Àgama) trong hình thức toàn vẹn của nó. Bộ kinh này từ trước đến nay người ta chỉ biết đến qua bản dịch chữ Hán, được nghiên cứu rộng rãi, gồm những phẩm, quyển, ngày tụng và kinh(1) , được chia thành Giới (Sìla), Định (Samàdhi), Tuệ (Panna) cùng với những vi phân khác(2) . Chúng tôi cũng đề cập đến đời đức Phật(3) , Tăng chúng với đời sống hằng ngày của họ(4) , những ẩn dụ, kệ tụng và kết luận của các kinh(5) . Chúng tôi không bỏ sót một chi tiết nào ngõ hầu đem lại một cái nhìn sáng sủa về những điểm cốt yếu trong kinh Trung A-hàm (Madhyama Àgama) thuộc Nhất thiết hữu bộ (Sarv.). Trong khi xét đến lý thuyết của Nhất thiết hữu bộ (Sarv.), chúng tôi cũng sưu tập một số bằng chứng nội tại và ngoại tại với mục đích chứng minh rằng kinh Trung A-hàm bằng chữ Hán (CMA) quả thuộc về Nhất thiết hữu bộ (Sarv.). Điều này chỉ được các học giả trước đây phỏng đoán(6) . Tỷ lệ cao những điểm tương đồng giữa hai bản kinh chữ Hán và Pàli, sự hiện diện nhiều đoạn văn giống nhau chứng tỏ rằng đã có một nguồn gốc chung cho cả hai bản dịch Pàli và chữ Hán; và căn bản chung ấy không chỉ về lý thuyết mà còn về hình thức văn bản. Ví dụ, trong số 98 kinh tương đương giữa chữ Hán và Pàli, có 45 kinh có nhan đề giống nhau, 15 kinh gần giống, 62 kinh có cùng một địa danh và 15 kinh gần như đồng một địa danh(7) . Sự đề cập những lý thuyết nòng cốt như Niệm xứ (Satipatthàna), Bát chánh đạo, các thiền (Jhàna) thuộc sắc (rùpa) và vô sắc (arùpa) giới, bốn chân lý(8) ... đều gần giống nhau và cách hành văn của một vài đoạn có thể nói là hoàn toàn giống nhau trong cả hai bản dịch. Tất cả điều này chứng tỏ đã hiện hữu một tạng kinh cổ, có lẽ là tạng kinh Magadhi đã mất mà học giả Winternitz đã nói đến trong tác phẩm Lịch sử văn học Ấn độ(9). Giáo sư André Bareau công nhận có một tạng kinh cổ, đã viết: "Giả thiết này - cho rằng sự giống nhau không phải vì có một tạng kinh cổ, mà vì có sự vay mượn lẫn nhau giữa các bản kinh hậu kỳ - đối với tôi dường như không vững, ít nhất là nói về toàn tạng kinh, vì sự giống nhau ấy có thể được thực hiện trong một vài hoàn cảnh đặc biệt." (L'hypothèse selon laquelle cette identité serait due, non à l'existence de ce Proto Canon, mais à des emprunts mutuels entre Canons tardifs me parait pratiquement insoutenable, due moins pour l'ensemble des textes, car elle a pu se réaliser dans certains cas particuliers).

Toàn thể phần hai, từ chương 1 đến chương 9 sách này, là một nghiên cứu so sánh về các lý thuyết và truyền thống của hai bộ phái Nhất thiết hữu bộ (Sarv.) và Thượng tọa bộ (Ther.) để chứng minh các điểm tương đồng và dị biệt của hai truyền thống.

Chương nói về những đặc tính của Nhất thiết hữu bộ (Sarv.) và Thượng tọa bộ (Ther.)(10) có thể xem như là toát yếu của toàn tác phẩm, trong đó những điểm đặc sắc của mỗi bộ phái được tập hợp lại và giải thích. Nó cũng có mục đích giải thích một vài lối hành trì khác nhau mà các xứ Phật giáo hiện đang áp dụng. Tỷ số cao những điểm tương đồng đã chứng minh được thẩm quyền và sự chính xác đáng tin cậy của truyền thống kinh tạng Pàli, như học giả Winternitz đã nói : "Càng mở văn tạng Sanskrit, so sánh với tạng Pàli, ta càng thấy Oldenberg đã đúng khi nói rằng bản Pàli mặc dù không phải hoàn toàn chính xác, vẫn đáng xem là khá toàn hảo."(11) Khi sưu tầm những dị biệt, và nếu xét thật kỹ, ta sẽ thấy những người sưu tập đã tự do thêm những đoạn văn và chi tiết thích hợp cho bộ phái của mình và bớt những chi tiết nào không phù hợp. Ví dụ bản Hoa ngữ ngang nhiên bỏ kinh Kỳ-bà (Jìvakasutta) trong đó đức Phật cho phép Tỳ-kheo ăn ba thứ thịt(12) , còn tạng Pàli thì bỏ đoạn nói về hiện hữu của đau khổ trong quá khứ hiện tại và vị lai(13) . Điều này cho thấy Tiến sĩ N. Dutt đã nhận xét đúng : "Tạng kinh Pàli (Pàli Pitakas) chắc chắn đã trải qua nhiều lần biên tập với nhiều thêm bớt trước khi nó trở thành dạng bản mà chúng ta có hiện nay. Hình thức đơn điệu và giả tạo của mỗi kinh đã làm mất vẻ tươi sáng ban đầu của những lời dạy và rõ ràng để lộ bàn tay cắt xén uốn nắn của những người biên tập ở vào một thời rất xa thời đại đức Đạo sư."(14) Dĩ nhiên ta cũng có thể nói như vậy về tạng kinh của Nhất thiết hữu bộ (Sarv.). Tác phẩm này cũng cốt làm sáng tỏ công trình tiên phong vĩ đại của Sanghadeva (Tăng-già-đề-bà) một vị sư Ấn từ Kashmir đã truyền bá đạo Phật tại Trung Quốc. Theo lời đề nghị của Giáo sư André Bareau, tôi đã sưu tập nhiều từ tương đương Pàli Hoa ngữ để làm thành một mục nhỏ về các từ tương đương Pàli-Hoa-Anh; nhưng vì giới hạn của quyển sách này, tôi phải giảm mục này đến mức tối thiểu.

Điểm qua những tác phẩm trước

Trong khi làm công cuộc khảo sát so sánh kinh A-hàm (CMA) với kinh Trung bộ (PMN), tôi không khỏi có cảm giác đang dẫm chân lên một vùng đất hầu như mới mẻ, vì cho đến nay có rất ít tác phẩm có hệ thống đề cập đến lãnh vực này của văn học Phật giáo. Tác giả Chizen Akanuma trong tác phẩm "So sánh mục lục các kinh A- hàm (Àgamas) chữ Hán và kinh bộ Pàli (Pàli Nikàyas)" là người đầu tiên cố khảo sát so sánh hai tạng kinh này. Mặc dù tác phẩm này khá quan trọng, nó cũng chỉ giới hạn trong việc làm mục lục nhan đề của những kinh tương đương chứ không đi sâu vào chi tiết. A. F. Rudolf Hoernle trong quyển "Những di tích bản thảo văn học Phật giáo được tìm thấy ở miền Đông thổ (Eastern Turkestan)" đã làm một cuộc khảo sát có hệ thống về những đoạn kinh bằng Phạn ngữ được tìm thấy ở Trung Á so với những kinh Pàli tương đương. Nhưng riêng về kinh Trung A-hàm (Madhyama Àgama), chỉ có những đoạn thuộc về hai kinh Ưu-ba-ly (Upàlisùtra) và Suka (Sukasùtra) được tìm thấy, mà chúng lại quá ít ỏi không đủ để so sánh và lượng giá. Khi tôi tìm hiểu có học giả Tây phương nào đã làm về đề tài này chưa, Giáo sư André Bareau, một học giả nổi danh của Pháp, đã cho biết có một nhóm học giả Đức dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Waldschmidt ở Bá Linh đang làm việc về những gì còn lại của kinh Trường A-hàm (Dìrgha Àgama) và Tạp A-hàm (Samyukta Àgama), chứ không làm về Trung A-hàm (Madhyama Àgama). Về những học giả người Nhật, tôi được Giáo sư Sakurabe cho biết thỉnh thoảng vài học giả Nhật như Sakurabe, Chizen Akanuma, Mochizuki... viết những mục báo nói về kinh Trung A-hàm, nhưng vì phần lớn bằng tiếng Nhật nên không thể phổ cập đến độc giả; vả lại họ cũng chỉ giới hạn vào một vài khía cạnh của kinh Trung A-hàm (CMA). Bởi thế một tác phẩm khảo sát tỷ giảo về kinh Trung A-hàm (CMA) và kinh Trung bộ (PMN) vẫn là một điều đáng làm.

Phương pháp được áp dụng

Trong tác phẩm này, tôi đã chọn bản văn Trung A-hàm (CMA) do Tăng Già Đề Bà dịch để so sánh với kinh Trung bộ (PMN). Tôi buộc lòng phải bỏ qua một số kinh Trung A-hàm (Madhyama Àgama) của những dịch giả khác, vì phạm vi tác phẩm này không cho phép tôi để những kinh ấy vào. Tôi chỉ giới hạn vào 98 kinh A-hàm so với những kinh Trung bộ tương đương. Cuộc nghiên cứu so sánh đề cập đến các vấn đề như đề kinh, địa điểm nói kinh, phân loại phẩm (vargas), giới (sìla), định (samàdhi), tuệ (panna)...Nhưng chúng tôi cũng không quên nghiên cứu tỷ giảo từng kinh một, 15 kinh tất cả. Khi so sánh một đoạn kinh văn, chúng tôi cố dịch đoạn văn Hoa ngữ càng trung thực càng hay, trong khi đoạn văn Pàli tương đương thì chỉ nêu lên cái cốt tủy; đồng thời ghi chú những điểm tương đồng và dị biệt với đoạn văn Hoa ngữ. Vì bản kinh Pàli đã được biết đến một cách rộng rãi nên không cần khai triển nhiều. Với mỗi đoạn văn so sánh, chúng tôi ghi rõ số quyển, trang, dòng của cả hai tạng kinh để độc giả dễ tra cứu. Khi cần chúng tôi thêm một vài nhận xét vào những đoạn kinh văn được so sánh. Về việc La tinh hóa những tiếng Hoa ngữ, tôi đã theo phương pháp Wade-Giles trong cuốn Tự điển Hán-Anh của Mathews được nhiều người biết đến. Về bản kinh văn Trung A-hàm (Madhyama) Àgama) bằng Hoa ngữ, tôi đã theo bản in của ngài Huyền Trang (Hsu-ts'ang) có sẵn, và vì bản in của Tai-sho không có tại Nalanda. Về bản kinh Pàli, tôi đã chọn ấn bản Trung bộ kinh (Majjhima Nikàya) của Hội Pàli Text.

Bố cục của luận án

Tác phẩm này chia làm bốn phần chính :
Phần một: Dẫn nhập, gồm có bài dẫn nhập này cùng với một số bằng chứng để chứng minh Trung A-hàm (CMA) thuộc về Nhất thiết hữu bộ (Sarv.); một số đặc tính của hai bộ phái Nhất thiết hữu bộ (Sarv.) và Thượng tọa bộ (Ther.), tương quan giữa Trung A-hàm (CMA) và Trung Bộ Kinh (PMN); cùng với bản kê 98 kinh chung ở cả hai tạng được chọn để so sánh.

Phần hai: Đề cập những điểm tương đồng và dị biệt giữa hai bên trong việc sắp xếp những phẩm và những kinh, những tên kinh, địa điểm thuyết kinh, và vai trò của các nhân vật được nói trong kinh, những giáo lý được phân loại theo Giới (Sìla) - Định (Samàdhi) - Tuệ (Panna), Phật và tăng chúng, những ẩn dụ, kệ tụng và những phần kết của các kinh.

Phần ba : Gồm 15 kinh được chọn từ 98 kinh để khảo sát so sánh. Việc nghiên cứu so sánh toàn bộ 98 chung đã được hoàn tất trong bản thảo của tôi, nhưng chỉ có 15 kinh được in vì thiếu chổ trong luận án này.

Phần bốn: là những phụ lục, gồm có tiểu sử của Tăng Già Đề Bà (Sanghadeva), vài nhận xét về bản dịch của ngài, vài nhận xét về bản dịch Trung Bộ Kinh của cô Horner, bản liệt kê 222 kinh Trung A-hàm (CMA) chia theo phẩm, quyển, ngày tụng đọc, nhan đề tương đương và vị trí xảy ra của những kinh Hán-Pàli tương đương, bản kê những thuật ngữ tương đương Pàli-Hoa-Anh ngữ, những đoạn còn lại của hai kinh Phạn ngữ (Sanskrit) thuộc Trung A-hàm (Madhyama Àgama) ...

Ước mong rằng việc nghiên cứu so sánh giữa Trung A-hàm (CMA) và Trung bộ kinh (PMN) này sẽ được xem như một đóng góp mới mẻ và khiêm tốn vào lĩnh vực kiến thức và văn học Phật giáo.

(1) Xem phần sau. (2) ntr. (3) ntr. (4) ntr. (5) Xem phần sau. (6) ntr. (7) ntr. (8) ntr. (9) H.I.L., ii, pp. 232-233. (10) Xem sau. (11) H.I.L. ii. 19-20. (12) Xem sau. (13) Xem sau. (14) E.M.B. I, Preface.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]