Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

21. Buổi tối thứ mười tám - Sự trong sạch và hạnh phúc

25/03/201107:42(Xem: 10303)
21. Buổi tối thứ mười tám - Sự trong sạch và hạnh phúc

BA MƯƠI NGÀY THIỀN QUÁN
Tác giả: Joseph Goldstein-Nguyễn Duy Nhiên dịch

Buổi tối thứ mười tám

Sự trong sạch và hạnh phúc

Nhà văn Mark Twain có kể câu chuyện về một người được sinh lên thiên đàng. Khi anh ta đến nơi, người ta ban cho anh một đôi cánh và một cây đàn. Những ngày đầu, anh dùng đôi cánh của mình để bay đi đây đó, và mỗi khi muốn nghe nhạc trên cõi trời, anh cầm cây đàn lên gảy. Nhưng sau một thời gian, cả hai thứ ấy trở thành một gánh nặng cho anh. Cuối cùng, anh khám phá ra rằng ở thiên đàng không cần đến đôi cánh để đi đây đó, và chỉ cần khởi ý muốn là tự nhiên những nhạc công trên trời sẽ hiện ra và hòa tấu nhạc cho anh nghe. Vậy là anh ta bỏ đôi cánh và cây đàn xuống, và anh bắt đầu thật sự vui chơi.

Cũng vậy, chúng ta đôi khi tự giới hạn chính mình bằng những ý niệm về vấn đề trong sạch và hạnh phúc. Chúng ta tự mang lên trên người những đôi cánh, cây đàn, hào quang không cần thiết, khi nghĩ rằng hạnh phúc có nghĩa là phải có một cái gì hay là phải hành động theo một cách thức đặc biệt nào đó. Khi chúng ta dẹp qua một bên những quan niệm hẹp hòi, ta sẽ có thể bắt đầu kinh nghiệm được những niềm vui sâu xa hơn.

Có nhiều loại hạnh phúc khác nhau, tùy thuộc vào mức độ trong sạch của mình. Sắc dục hay là thú vui qua các giác quan là loại hạnh phúc đầu tiên mà ta có thể cảm nhận được: nhìn những cảnh đẹp, nghe những âm thanh êm tai, ngửi nếm những mùi vị thơm ngon, có những cảm giác thoải mái... Là con người, chúng ta ai cũng đã nhiều lần được hưởng những thú vui này. Mặc dù chúng chỉ tạm bợ, nhưng chúng cũng đã đem lại cho ta một phần nào thú vị, hạnh phúc.

Lại còn có một loại hạnh phúc sắc dục cao quý hơn được mô tả trong kinh sách, về những cõi trời, nơi mà mọi vật đều tuyệt mỹ và tươi mát. Chúng sinh ở đây có thân bằng ánh sáng, không biết đến sự đau đớn hay khó chịu. Mọi thú vui ham muốn đều được thỏa mãn. Nơi đây có những lâu đài làm bằng ngọc quý, có những nhạc công thiên thần, cùng tiên thánh và các hàng Bồ Tát. Kinh nói rằng đức Bồ Tát Di-lặc, vị Phật tương lai, hiện đang ngự trị ở một cõi trời như thế và đang thuyết pháp cho chúng sinh ở đó nghe. Hạnh phúc ở cõi trời thuộc vào loại cao quý hơn.

Con đường đưa đến hạnh phúc trong sạch trong cõi Dục giới là những hành động trong sạch, giai đoạn đầu tiên của sự tinh luyện. Những hành động trong sạch có nghĩa là thực hành bố thí, trì giới, không chạy theo tham, sân, si. Những hành động trong sạch này là nhân sinh ra những quả tốt lành, hạnh phúc, để ta hưởng thụ cả trong hai cõi người và trời.

Có một loại hạnh phúc cao hơn cả hạnh phúc của cõi trời. Đó chính là sự hạnh phúc và an lạc của thiền định. Khi tâm đã phát triển một định lực cao độ, ta sẽ có một niềm an lạc siêu thoát, vi diệu, vượt trên mọi khoái lạc sắc dục. Tâm ta lúc ấy không còn chạy theo những đối tượng của các giác quan và hoàn toàn tập trung vào một đề mục duy nhất. Hạnh phúc này vững bền hơn những khoái lạc của các giác quan, vì những hạnh phúc của sắc dục đến và đi rất mau chóng.

Có những trạng thái của tâm có thể đạt được bằng sức mạnh của thiền định, gọi là cõi Phạm thiên hay cõi của Bốn tâm vô lượng. Chúng có tên gọi như vậy vì phẩm chất của tâm lúc đó tương đương với cõi trời Phạm thiên, một cảnh giới cao tột nhất mà ta có thể kinh nghiệm được.

Tâm vô lượng đầu tiên là tâm đại từ. Từ ở đây không có nghĩa là lòng thương vì sự quyến luyến hay ý muốn chiếm hữu, mà là một lòng thương yêu mong muốn cho hết thảy chúng sinh khắp nơi đều được an lạc và hạnh phúc. Ở trạng thái này, tâm ta có một định lực rất mạnh, có khả năng phóng tỏa tình thương vô tận đi khắp mọi phương hướng.

Tâm vô lượng thứ hai là tâm đại bi, có nghĩa là lòng thương xót mọi loài đang chịu đau khổ - muốn làm vơi đi mọi nỗi khổ của chúng sinh.

Tâm vô lượng thứ ba là tâm đại hỷ, có nghĩa là chia sẻ niềm vui có được hạnh phúc, an lạc của kẻ khác, thấy người khác được hạnh phúc mà mình cũng vui theo. So với thói thường là ngược lại, người ta thường hay ghen tức, ganh tỵ với hạnh phúc của kẻ khác. Một tâm biết hân hoan với niềm vui của người khác sẽ luôn tỏa sáng và thanh thản, nhẹ nhàng.

Tâm vô lượng cuối cùng là tâm đại xả, có nghĩa là một tâm bình đẳng, hoàn toàn không bị chi phối bởi những thăng trầm, buồn vui của cuộc đời. Một tâm lúc nào cũng giữ được sự bình đẳng và an ổn.

Hạnh phúc của Bốn tâm vô lượng sẽ xuất hiện khi định lực được phát triển đầy đủ. Cũng như sự trong sạch của phẩm hạnh tùy thuộc vào hành động, sự trong sạch của tâm tùy thuộc vào định lực.

Nhưng còn có một niềm hạnh phúc to tát bội phần hơn cả cõi Phạm thiên, đó là hạnh phúc của thiền định, hạnh phúc của Vipassana, hạnh phúc của trí tuệ. Tâm thức này có khả năng quán chiếu, thẩm thấu vào tự thể của mọi vật, kinh nghiệm được sự sinh diệt của mọi hiện tượng một cách rõ rệt. Hạnh phúc của Vipassana bao giờ cũng siêu việt hơn tất cả, vì trong nhận thức sáng suốt hành giả được nếm mùi vị của tự do, giải thoát. Không phải đắm chìm trong những khoái lạc của sắc dục, cũng không phải bị thu hút vào trong một trạng thái an vui của thiền định. Niềm hạnh phúc ở đây là của trí tuệ, khi tâm ta trở nên rực rỡ và tri giác tỏa chiếu sự trong sáng của nó. Điều này cũng giống như khi ta lau chùi một ly thủy tinh cho đến khi nó chiếu sáng lấp lánh. Bằng sự tu tập chánh niệm, tâm ta cũng đạt đến một sự rực rỡ như vậy, và hưởng được niềm an lạc vô biên bắt nguồn từ trí tuệ thâm sâu.

Có một giai đoạn tinh luyện gọi là quan niệm chân chánh, có thể làm khởi lên hạnh phúc Vipassana. Quan niệm chân chánh ở đây có nghĩa là thoát ra khỏi ý niệm về một cái ngã, sự mê chấp rằng ta có một tự thể riêng biệt. Thật ra chúng ta chỉ là một quá trình diễn tiến của thân và tâm, luôn hoạt động và chuyển biến. Có lần đức Phật giảng một bài kinh gọi là “Tất cả”. Bài kinh có tên là Tất cả vì ngài diễn tả mọi hiện tượng trong vỏn vẹn sáu câu: “Mắt và đối tượng của mắt. Tai và âm thanh. Mũi và mùi hương. Lưỡi và vị nếm. Thân và cảm giác. Tâm thức và ý niệm hay những đối tượng của nó.”

Tất cả chỉ có vậy, ngoài những điều ấy không còn gì khác hơn nữa. Đức Phật dạy rằng, cả thế giới chỉ hiện hữu trong phạm vi tấm thân dài mấy thước này mà thôi. Hiểu được các giác quan căn bản và những đối tượng của chúng, là ta hiểu được sự sinh diệt liên tục của sáu thức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý khi tiếp xúc với đối tượng của chúng là sáu trần. Cả vũ trụ này chỉ là sự tập hợp của những chuỗi liên tục, xảy ra rất nhanh của các sự nghe, thấy, ngửi, nếm, cảm giác và kinh nghiệm những ý niệm khác nhau. Chỉ có sáu đối tượng và sáu thức để nhận biết chúng: chúng ta chỉ là tiến trình liên tục này. Những sự kiện ấy chẳng xảy đến cho một cá nhân nào hết. Không có một tự thể riêng biệt nào để ta có thể gọi rằng: “cái này chính là tôi”, bởi vì mỗi thức và đối tượng của nó sinh lên và diệt đi trong từng khoảnh khắc.

Đức Phật có diễn lại giáo lý này một cách thật cô đọng như sau: “Trong cái thấy, chỉ có cái bị thấy; trong cái nghe, chỉ có cái bị nghe; trong cái cảm giác (ngửi, nếm, đụng chạm) chỉ có cái bị cảm giác; trong cái suy nghĩ chỉ có cái bị suy nghĩ.” Không có gì khác ngoài những điều đó, hoàn toàn không có một cá nhân nào để cho nó xảy đến.

Nghe, thấy, ngửi, nếm, cảm giác ở thân, ý thức. Hiện hữu của ta chỉ là một chuỗi liên tục của sáu tiến trình này. Chúng ta đặt tên cho sự vật rất nhiều. Có vô số ý niệm để diễn tả những kinh nghiệm của ta. Nhưng mắt ta chỉ thấy màu sắc và hình dáng, nó không thấy những tên gọi. Chúng ta chỉ nghe âm thanh. Chúng ta đặt tên cho những âm thanh khác khau, nhưng thật ra chúng chỉ là sự rung động trong không khí chạm vào lỗ tai, khiến cho nhĩ thức khởi sinh lên. Một mối liên hệ đơn giản giữa nhân và quả. Chẳng có ai ở đó. Sự việc xảy ra quá nhanh chóng, chúng gây cho ta một ảo giác là những việc ấy xảy đến cho một người nào. Khi tâm ta yên lặng, ta sẽ bắt đầu kinh nghiệm được sự tinh luyện trong nhận thức của mình, ta sẽ thấy rằng cái ta chỉ là một tiến trình của thức và trần, thoát ra ngoài ý niệm về một tự thể riêng biệt. Và khi sự tinh luyện được thâm sâu, chúng ta sẽ trở thành là một với dòng biến chuyển, thay vì là mê muội níu kéo, chấp giữ nó. Quan niệm chân chánh nghĩa là có một ý thức rõ ràng, nhìn sự vật bằng chân tướng của nó, một khởi đầu cho cái nhìn biến thể. Đây chính là hạnh phúc đầu tiên của mùi vị giải thoát.

Hiểu được tự thân của sự vật là cánh cửa đi vào một hạnh phúc cao tột nhất: niềm vui của Niết-bàn, giác ngộ. Nơi đây có một sự an tĩnh, nghỉ ngơi, tươi mát vượt ra ngoài tiến trình thân tâm. Và một điều huyền diệu của giáo pháp nữa là, mọi hạnh phúc đều sẽ đến với ta khi ta hướng về sự tự do cao tột nhất.

Hỏi: Ông có thể diễn tả hạnh phúc của Niết-bàn được không?

Đáp: Niết-bàn có ba thứ hạnh phúc: Các hạnh phúc này được coi như là những niềm vui khác nhau, phát xuất từ sự hoàn toàn chấm dứt khổ đau.

Khi tôi còn ở Ấn Độ, chúng tôi sống trên đỉnh một ngọn núi, và cách đó một khoảng chừng nửa tiếng đi bộ, phía dưới một dốc núi khá cao, là một khu chợ trời. Ở đây đa số hàng hóa đều được chuyên chở bằng cách mang vác trên lưng. Có một số các bà lão người Tây Tạng, mang trên lưng những thân cây thật to, leo lên núi mỗi ngày. Họ lê từng bước, uốn cong người xuống, vác nặng trên lưng và đi lên dốc. Bạn hãy tưởng tượng đến sự nhẹ nhàng, thoải mái của họ khi lên đến nơi và bỏ gánh nặng xuống! Một cảm giác thư thái vô cùng khi ta có thể trút bỏ đi gánh nặng ấy.

Hạnh phúc của Niết-bàn là trút bỏ được gánh nặng của khổ đau. Đây là hạnh phúc cao tột nhất. Để hiểu được con đường phải đi và kinh nghiệm giác ngộ ra sao, có lẽ ta cũng nên biết qua về những hạnh phúc khác nhau của Niết-bàn và các hoạt động của chúng.

Hạnh phúc đầu tiên hết là hạnh phúc do sự tích lũy của trí tuệ và chánh kiến, được gọi là con đường tâm thức. Đây mới chỉ là một cái nhìn thoáng qua, một kinh nghiệm đầu tiên của Niết-bàn. Con đường tâm thức này có công năng nhổ tung hết mọi gốc rễ của khổ đau một cách mạnh mẽ như sấm sét. Ở đây ta không đè nén khổ đau như trong khi thiền định, nhưng là nhổ bứng tận gốc rễ, tháo tung mọi xiềng xích trong tâm. Trong giai đoạn này ta diệt trừ được ba sợi dây xích hằng trói buộc ta vào vòng sinh tử luân hồi từ bấy lâu nay. Chúng là sự hoài nghi, mê tín (tin vào những hình thức, lễ nghi như là một phương tiện dẫn đến giác ngộ) và chấp ngã. Ba chướng ngại này sẽ bị loại trừ ra khỏi tâm ta một cách chớp nhoáng bằng con đường tâm thức với đối tượng là Niết-bàn.

Ngay tiếp sau đó là loại hạnh phúc Niết-bàn thứ hai, được gọi là quả tâm thức. Ta kinh nghiệm kết quả của con đường tu tập, mà đối tượng cũng là Niết-bàn. Trong giai đoạn kết quả, không có gì để ta nhổ bứng, những việc ấy đã được hoàn tất trong giai đoạn thứ nhất. Giai đoạn kết quả này là lúc mà ta kinh nghiệm được sự an lạc của Niết-bàn. Những ai có một định lực kiên cố, có thể đi vào trạng thái kết quả Niết-bàn này bất cứ khi nào họ muốn. Họ ngồi xuống và có thể tự ý đi vào trong trạng thái này, hay trụ ở đây trong vòng nửa tiếng, một tiếng hay một vài ngày. Trong kinh nói rằng người ta có thể trụ trong sự an lạc của Niết-bàn trong thời gian tối đa là bảy ngày mỗi lần. Yên lặng, tươi mát, xả bỏ, tự do. Một khi ta ra khỏi trạng thái kết quả ấy, vì tâm vẫn còn vướng víu những sự bất thiện khác, ta vẫn phải tiếp tục đi theo con đường thiền quán. Cũng giống như những gì chúng ta đang làm bây giờ đây, sự thực hành được tiếp tục. Bạn thấy được sự sinh diệt của mọi hiện tượng, bạn đi qua những trạng thái khác nhau. Bạn kinh nghiệm được giai đoạn tâm thức thứ hai, điều đó trừ bỏ thêm một số điều bất thiện trong tâm.

Có tất cả bốn giai đoạn tâm thức, mỗi giai đoạn sẽ lần lượt thay nhau cắt đứt những sợi dây xích hằng trói buộc ta vào bánh xe sinh tử luân hồi.

Niết-bàn cao tột nhất được gọi là đại Niết-bàn (Parinirvana), trạng thái của một người đã hoàn toàn giác ngộ đi đến sau khi chết. Sẽ không còn luân hồi, không còn năng lượng, không còn ái dục để tái sinh. Điều này cũng giống như một ngọn lửa đang bừng bừng cháy, giờ đã hoàn toàn bị dập tắt. Ngọn lửa thiêu đốt đã tắt, giờ chỉ còn một trạng thái an lạc, yên lặng, và tươi mát. Một hạnh phúc cao tột nhất. Đôi khi có người lại sợ đi đến Niết-bàn sớm quá, họ muốn được xem thêm vài cuốn phim nữa, được hưởng thêm một chút sắc dục nữa, hay là được ở trên cõi trời lâu thêm một chút. Nhưng nếu bạn nhắm mục tiêu vào hạnh phúc cao thượng nhất, thì mọi thứ hạnh phúc khác tự nhiên cũng sẽ đến.

Hỏi: Có thể nào chúng ta đang làm người rồi kiếp sau bị sinh làm thú vật hay không? Có cách nào sinh trở lại làm người được không?

Đáp: Sở dĩ kiếp người vô cùng quý giá là vì khi ta sinh vào một cõi thấp hơn, sẽ rất khó để sinh trở lại vào một kiếp cao hơn. Vấn đề không phải là không thể được, nhưng thời gian sẽ rất lâu. Đức Phật có kể một thí dụ như sau để cho thấy khoảng thời gian ấy. Giả sử có một con rùa mù mắt sống dưới đáy một đại dương. Trên mặt đại dương có một thân cây gỗ bộng nổi trôi bấp bênh đây đó. Cứ mỗi một trăm năm, con rùa ấy nổi lên mặt nước một lần, nhưng cơ hội để con rùa ấy có thể chui vào bộng cây gỗ còn nhiều hơn là cơ hội để ta có thể được tái sinh làm người. Đây là lý do vì sao được sinh làm người là một điều vô cùng quý giá, vì vậy ta không nên hoang phí nó đi.

Hỏi: Tôi thấy rất khó có thể hiểu được làm cách nào ta có thể biết được những gì xảy ra trước khi sinh và sau khi chết?

Đáp: Có hai cách để hiểu điều này. Một cách mà ta có thể dễ dàng nghĩ tới được là hiểu rõ tiến trình hoạt động của các hiện tượng trong mỗi giây phút. Sự sinh ra và hoại đi đang xảy ra liên tục, tâm thức của ta đang khởi lên và diệt đi không ngừng. Sự hoại diệt của tâm thức chính là cái chết. Không có một cái gì của tâm thức đó được đem sang giai đoạn kế tiếp. Qua kinh nghiệm của trí tuệ, bằng thiền quán, ta có thể đạt được một kinh nghiệm nhất thời của sinh tử. Điều này sẽ giúp cho ta có được một trực nhận về sự sinh diệt của tâm thức xảy ra giống hệt như thế. Trong khi tu tập thiền định, với một định lực mãnh liệt ta có thể làm phát triển một số thần thông. Có nhiều đạo sĩ trong các tôn giáo khác đã tu luyện được những thần thông này. Một trong những thần thông ấy là không những ta có khả năng nhìn thấy được những cõi khác, mà còn thấy được những sinh linh đang sinh tử luân hồi. Có người có được loại thiên nhãn này. Vị thầy của tôi, khi bàn về vấn đề này, thường đi vào chi tiết, diễn tả những cõi trời khác nhau, và những thần thông mà người ta có thể làm được. Nhưng bao giờ ông cũng kết luận bằng câu: “Các ông không cần phải tin tôi. Sự thật là như vậy đó, nhưng không ai bắt buộc các ông phải tin.” Không một tín ngưỡng nào cần phải được chấp nhận trên con đường thiền quán để tự hiểu mình. Trí tuệ đến bằng một phương pháp giản dị là ý thức được sự vật một cách chính xác và sâu sắc, thoát ra khỏi mọi thành kiến và ý niệm sẵn có.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]