Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 05: Làm Mới Thân Tâm

25/03/201101:36(Xem: 9016)
Chương 05: Làm Mới Thân Tâm

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
HT Thích Phước Tịnh Giảng Giải

CHƯƠNG 5
LÀM MỚI THÂN TÂM

Thưa đại chúng,
Sau đây là phần âm Hán văn của chương thứ năm.

A. CHÁNH VĂN.

Phật ngôn: “Nhân hữu chúng quá, nhi bất tự hối, đốn tức kỳ tâm, tội lai phó thân, như thủy quy hải, tiệm thành thâm quảng. Nhược nhân hữu quá, tự giải tri phi, cải ác hành thiện, tội tự tiêu diệt, như bệnh đắc hạn, tiệm hữu thuyên tổn nhĩ!”

Đức Phật dạy: “Người có lỗi lầm mà không tự sám hối để sớm chấm dứt tâm tạo ấy, thì tội lỗi càng chồng chất vào thân như nước chảy về biển dần dần trở nên sâu rộng. Nếu người có lỗi lầm mà biết nhận lỗi, bỏ ác làm lành thì tội tự diệt, như bệnh được đổ mồ hôi, dần dần sẽ khỏi bệnh.”

B. ĐẠI Ý.

Như chúng ta đã biết, văn học Kinh Bốn Mươi Hai Chương rất dễ cho mình đi vào. Và đại ý của chương nầy muốn nói cho chúng ta hiểu người có các điều lỗi hãy biết sám hối chuyển nghiệp, đoạn trừ ác niệm từ tâm thức hầu thành tựu Thánh hạnh.

C. NỘI DUNG.

Trước khi đi sâu vào nội dung, chúng ta hãy lướt qua một chút văn tự chữ Hán trong đoạn Kinh có từ “Nhỉ”. Từ “Nhỉ” nầy được người xưa dùng như một chấm câu tương tự như chữ “Dã”. “Dã” là vậy. Khi đọc vào những văn bản cổ chúng ta thấy người xưa viết liền một mạch không cần dấu chấm, phẩy gì cả mà chỉ dùng những chữ nầy thay cho dấu chấm.

Chúng ta cũng cần đặc biệt lưu ý ở đây những từ như: “Đốn tức kỳ tâm”.

“Đốn tức kỳ tâm” được dịch trong văn bản nầy là sớm chấm dứt tâm tạo tội, nhưng thông thường trong văn học Hán chữ “Đốn” là ngay tức khắc. Nó không có nghĩa là dần dần, nay một chút, mai một chút mà dứt bặt liền. “Kỳ tâm” là dứt bặt liền ý thức. Những tội lỗi, sầu bi, ưu não của tâm thức, những dạng tâm lý bất an có mặt trong ta đều do ý thức sinh khởi. Nếu chúng ta làm được một việc quan trọng là dứt được ý thức tức khắc mọi nỗi niềm liền bặt mà không cần trải qua thời gian công phu, dụng công gì cả. Bốn chữ nầy rất quan trọng, chúng ta sẽ từ từ đi vào những phần chính sau đây:

1. Sự khác biệt giữa sám hối và thú tội, chuộc tội của các tôn giáo khác.
2. Thực hành và sám pháp.
3. Tu thiện nghiệp.
4. Dứt tâm (Đốn tức kỳ tâm).

1. Sự khác biệt giữa sám hối và thú tội, chuộc tội.

Hai chữ sám hối nầy mang nội hàm ăn năn những lỗi lầm mình đã gây ra và hứa rằng không tạo lại như đã từng làm trong quá khứ. Nghĩa sâu hơn là tự mình đối diện với mình, phải tự mình gột rửa thân tâm chứ không phải đi van xin hay cầu khẩn một năng lực vô hình nào, một đấng thần linh nào để có thể giải trừ nghiệp tội cho mình.

Sám hối trong đạo Phật là tự mình làm mới chính mình, gột rửa thân tâm cho sạch và chuyển hóa thân tâm. Ví dụ như nếu chúng ta lạy Phật hay thực hành các sám pháp không có nghĩa là cầu khẩn năng lực nào ở bên ngoài giúp mình, hỗ trợ mình, cứu rỗi mình. Đây là điều đặc biệt của từ sám hối trong Đạo Phật. Chúng ta cần ghi nhận sự khác biệt nầy giữa Phật giáo và các tôn giáo khác.

Với khả năng Anh ngữ lưu loát, chắc sẽ không khó cho quí vị khi dịch cho thật sâu sắc từ sám hối nầy để người Tây phương ý thức được những sự khác biệt rất rõ nét trong truyền thống tâm linh Đông phương mà Phật giáo là một điển hình.

– Điều khác biệt đầu tiên là Đức Phật xuất hiện trong cuộc đời không phải để lý luận về những vấn đề siêu hình; con người từ đâu sinh ra, khi chết rồi đi về đâu, ai tạo ra thế giới nầy, phải chăng có một đấng tạo hóa sáng lập ra nó hay không... Ngài không phải được sinh ra để nói điều đó, và hầu như suốt cuộc đời của Ngài nếu có ai hỏi về những vấn đề nầy Ngài đều im lặng không trả lời. Không trả lời không có nghĩa là Ngài không biết gì về hình nhi thượng (lãnh vực siêu hình), mà Ngài quan niệm cuộc đời và tuổi thọ con người không đủ dài để đi vào lãnh vực có tính cách hí luận như vậy.

Ngài làm một điều thiết yếu duy nhất là chỉ rõ cho con người nhận biết được nỗi khổ đau đang có mặt ở thân tâm nầy. Và mở ra con đường thoát khổ cho nhân loại nương vào đó tự đi. Đây là điều đặc trưng quan trọng trong đạo Phật và rất khác biệt với các tôn giáo khác.

– Điều khác biệt thứ hai rất tuyệt vời là Đức Phật bảo rằng tất cả chúng ta đều có khả năng thành Phật, thành tựu quả vị như Ngài. Ngài không phải là vị Phật duy nhất.

Đức Phật không bao giờ tuyên bố Ngài là con người cao cả hơn tất cả sinh dân trên hành tinh nầy, cũng không phải từ một đấng thần linh nào sinh ra để cai quản con người. Ngài chỉ nhận mình là vị Thầy, là bậc đạo sư, là người dẫn đường mà thôi. Ngài có duyên may thấy được chân lý, con đường sáng để đi và trong tự thân của mỗi chúng ta đều có khả năng làm được như Ngài. Chúng ta vì chưa khai triển được tiềm năng Phật nơi mình, của chính mình nên còn mãi là phàm phu.

Đức Phật chỉ dạy cho con người những gì mà Ngài đã trải qua, đã thực sự chứng nghiệm mà không mang đặc tính lý luận, tư duy. Đó là những phương pháp do Ngài đã từng hành trì, tu tập, đưa đến sự thành đạt an lạc và Niết Bàn; chúng ta có thể nói bằng ngôn ngữ bình thường là Ngài thực chứng được hạnh phúc tự tâm. Chúng ta nếu thực hành rốt ráo những lời Ngài dạy thì cũng thành đạt được con đường hạnh phúc giống như Ngài.

– Điều cuối cùng khác biệt giữa đạo Phật với các truyền thống tâm linh khác là lời Ngài dạy mãi cho đến bây giờ vẫn còn thích hợp với sự phát triển của xã hội. Tất cả mọi sự vật trong cuộc đời là do nhân duyên mà hình thành, không có cái gì gọi là nguyên nhân ban đầu cả. Nó trùng trùng duyên khởi. Con người, hành tinh cho đến một hạt bụi cũng do nhiều nhân duyên, nhiều yếu tố mà thành. Và nếu hành tinh nầy có mất đi, tan hoại thì cũng do nhiều nhân duyên làm cho nó tan hoại, mà không có gì gọi là nguyên nhân ban đầu cả. Không có một đấng thần linh nào sinh ra mọi vật. Tất cả là một dòng chảy nghiệp lực hội tụ để hình thành.

Con người nầy, hình hài nầy chỉ là một hợp thể ngũ uẩn, không có gì là thần ngã bên trong, là trường tồn bất biến. Nên đạo Phật gọi mọi hiện tượng là vô Ngã, con người là Vô ngã. Tuy vô ngã nhưng có một dòng tâm thức của nghiệp chảy miên man, thúc đẩy hình thành năng lượng rất lớn. Từ năng lượng của nghiệp thúc đẩy mà thành thân người như một sợi chỉ xuyên suốt thọ mạng con người từ hiện tại đến tương lai chứ bên trong không có gì làm chủ, không có gì là linh hồn trường cửu.

Tuy vô ngã nhưng nếu chúng ta gây khổ đau cho người khác, thì chúng ta thọ nhận sự khổ đau hoàn trả nơi chính tự thân ta. Vô ngã nhưng nhân quả nghiệp báo sẽ đến với mình. Điều nầy tuy khó hiểu và đôi lúc có người cho là mâu thuẫn, mơ hồ, nhưng nếu chúng ta đi sâu vào giáo lý đạo Phật học hỏi, thực hành, tu tập, chúng ta sẽ chứng nghiệm được sự tuyệt vời thâm sâu của giáo lý vô ngã. Đây là điều đặc trưng của đạo Phật.

Thưa đại chúng, từ nền tảng khác biệt qua những điều căn bản nầy chúng ta qui chiếu vào nhiều lãnh vực khác nhau cho thấy phương pháp sám hối trong đạo Phật không mang tính cách ỷ lại, không giao phó cuộc đời mình cho bất cứ ai, không cầu khấn thần linh nào bên ngoài xá tội cho mình.

Đôi khi chúng ta thấy quần chúng Phật tử Việt Namđứng trước bàn thờ thắp nhang lễ lạy, khấn nguyện... chúng ta đừng nghĩ khi làm các việc ấy là họ cầu khẩn, van xin điều gì với đấng thiêng liêng có quyền ban ơn, giải trừ nghiệp tội. Tuy niềm thiết tha cầu nguyện được biểu lộ bằng hình thức bên ngoài như vậy, nhưng thực tế con đường sám hối của đạo Phật có nội dung rất thâm sâu. Nó là con đường qui chiếu về thực tâm, làm mới thân tâm, loại trừ những ác niệm để rồi mời năng lượng tích cực về chuyển hóa những tâm hành, những suy tư tiêu cực lắng dịu lại và ta nếm được an lạc.

Nhìn lại vấn đề sám hối trong đạo Phật, từ những sám pháp, những nghi lễ hay con đường thực tập đều có chung công năng là làm thế nào phục hồi được năng lượng chánh niệm. Để làm được điều nầy, trước nhất chúng ta cần có niềm tin nơi chính mình. Sau khi đã có niềm tin vững chãi, tin rằng chính mình nắm lấy sinh mạng của mình trong lòng bàn tay chúng ta mới có khả năng làm chủ cuộc đời mình, đoạn lìa được ý thức lăng xăng, bất an, sầu muộn để ngay tức khắc an lạc có mặt nơi tự thân.

Con người không nô lệ thần thánh, không nô lệ cho bất kỳ một năng lực siêu hình nào ở bên ngoài, và con người chính là hoàng đế của mình. Nếu chúng ta có thực hành những nghi thức sám hối, thú tội thì cũng chỉ đặt trên tinh thần như vậy.

Sám hối trong đạo Phật với nghĩa gần nhất là chúng ta quay về làm mới thân tâm. Cho nên, điều quan trọng nên nhớ chúng ta là chủ dòng nghiệp thức của chính mình. Nếu chúng ta có quan niệm vững chắc về điều căn bản nầy, chắc chắn đạo Phật có cơ may cống hiến cho tâm thức người Tây phương một truyền thống tâm linh tương hợp với những đặc nét của nền văn hóa độc lập, mang tính chất mạo hiểm, khai phóng và tự làm chủ cuộc đời của họ. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi đạo Phật được chấp nhận, đồng thời hội nhập rất dễ dàng vào dòng tâm thức của người Tây phương.

Có những nền đạo đức, hoặc những truyền thống tôn giáo ảnh hưởng rất nặng trên tâm thức con người, và điều quan trọng là ảnh hưởng của nó làm cho tâm hồn con người trở nên mặc cảm yếu hèn, tội lỗi. Chúng ta sinh ra đời đã làm gì đâu tự nhiên bị cho là có tội. Và tội lỗi nếu nhìn thật nghiêm túc thì tự thân nó không có mặt. Sự đọa đày làm cho ta khốn đốn là do tâm thức của chúng ta tạo thành, chứ không phải sự phạm tội làm hại đời mình. Sở dĩ nó có mặt và gây đau khổ là vì chúng ta không thể loại trừ để chấm dứt được những nỗi niềm ân hận, ám ảnh của quá khứ mà thôi.

Bản chất thực của tội lỗi tự thân nó là một năng lượng có thể loại trừ. Tội lỗi dù có nghiêm trọng đến đâu cũng có thể loại trừ. Khổ ải, đọa đày không phải nó luôn đeo cứng lấy mình không thể rời bỏ được. Nếu không làm cho sạch được chắc chắn chúng ta đã ngập đầy tội lỗi, và sẽ triền miên trong nỗi khổ không cách gì gột rửa được.

Như chúng ta biết có những người làm nghề hành quyết, giết rất nhiều tử tội. Trong suốt cuộc đời họ đã giết không biết bao nhiêu người, nhưng khi được một người hỏi tại sao giết người nhiều như vậy mà đến tuổi già ông vẫn khỏa mạnh, an vui? Ông ta thản nhiên trả lời: “Tôi làm việc nầy cũng như bao nhiêu người khác làm công để lãnh lương mà thôi. Tôi không thấy ân hận, dằn vặt trong tự tâm vì những người bị tôi hành quyết đều là những kẻ có tội, đã từng gây tai họa cho bao nhiêu cuộc đời con người. Tôi vẫn thấy bình thản như mọi người khác.”

Dĩ nhiên đây là vấn đề đặt ra cho các nhà đạo đức, tâm linh nhiều câu hỏi về các cấp độ nhân quả nghiệp báo sâu cạn sai biệt từ tâm thức, và những vấn nạn đối với lương tâm nhân loại. Ở đây, chúng ta không cần đi lang thang vào các lĩnh vực khác mà hãy nhận diện nỗi khổ có mặt nơi tâm hành con người và loại trừ, trong sạch hóa nỗi khổ cũng phải từ tâm hành con người. Chắc hẳn chúng ta bị dằn vặt, khổ đau, quằn quại vì tự tâm mình làm kẻ phán xét mình trước. Những nỗi niềm ân hận, bất an của tâm thức mình về việc đó tự đày đọa, làm khổ lụy và nhận chìm mình.

Ngày xưa, vào thời Đức Phật còn tại thế, có anh chàng Vô Não trước khi trở thành đệ tử của Đức Phật anh là kẻ giết người khét tiếng. Anh phạm tội sát sanh rất lớn, đã từng rượt giết hàng loạt người chỉ để lấy ngón tay làm tràng hạt đeo cổ. Vậy mà khi được về với Đức Phật không bao lâu anh chứng quả A La Hán. Nhưng vì việc ác anh gây ra không phải là nhỏ cho nên nghiệp dữ vẫn đeo đuổi anh đến khi chứng quả rồi anh vẫn còn bị hành hung.

Như vậy để thấy rằng, vấn đề ở đây không có nghĩa tội lỗi là một cái gì nhất định. Tội lỗi dù có nghiêm trọng đến đâu cũng có khả năng loại trừ, và chúng ta cũng có khả năng làm mới thân tâm nầy bằng con đường tịnh hóa tâm thức. Ở cấp độ cạn nếu chúng ta dứt được nỗi ân hận, dày vò thì chấm dứt được sầu khổ, phiền muộn, bất an. Ở cấp độ sâu, tắt được sóng thức lao xao rũ sạch chấp thủ ngũ uẩn thì tất cả nghiệp chướng lâu đời của quá khứ cũng tiêu tán, huống hồ những lỗi lầm nho nhỏ. Đây chính là điều quay về làm mới thân tâm. Làm mới thân tâm có công năng tuyệt vời là làm cho chúng ta trẻ lại, mới lại. Làm cho chúng ta vươn vai chỗi dậy từ khối dĩ vãng u ám, đau thương và chúng ta sẽ đứng lên như một thiên thần.

2. Thực hành sám pháp.

Khi đi vào thực hành sám pháp đượm màu sắc, hình thức rườm rà của Phật giáo truyền thống, chúng ta thấy rõ một điều là Phật giáo truyền thống bị ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Trung Hoa trong khi Phật giáo Nam Tông đơn giản hơn nhiều dưới ảnh hưởng văn học Pali. Sám pháp của truyền thống Pali khi thực hành các sư chỉ tụng một bài Kinh Từ Bi tức Kinh Thương Yêu... sau một thời thiền tọa, công phu. Nếu có cư gia Phật tử nào bị bệnh cần đến thì các sư chỉ tụng một bài kinh Đức Phật dạy ngày xưa như Kinh Thương Yêu hay kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm... Hoặc thiền quán và rải tâm từ.

Văn học Phật giáo truyền thống Trung Hoa với những sám Pháp như lễ Phật, sám hối... và chỉ riêng trong lễ Phật thôi cũng thật là mênh mông bát ngát, như lễ Ngũ Bách Danh, tụng kinh Thủy Sám, Lương Hoàng Sám... rất nhiêu khê, phức tạp. Họ đã trước tác ra những quyển kinh toàn là danh hiệu Phật, nào là Vạn Phật, Tam thiên Phật rồi Quan Thế Âm thì có đến năm trăm danh hiệu.

Chúng ta hãy nhìn lại những sám pháp của Phật giáo truyền thống Bắc Tông hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào văn hóa Phật giáo Trung Hoa, nặng nề Hán tạng. Cùng những nghi thức, lễ tụng thật rườm rà rồi cứ mỗi thời họ lại gia cố thêm những cầu kỳ lễ lạy mới. Nay thêm râu, mai thêm mũ... cho đến ngày nay diện mục Phật giáo chúng ta nhìn không ra, đôi lúc nhìn chưa quen chúng ta trở nên dị ứng. Hình thức Phật giáo hoa hòe như thế không có mặt trong Phật giáo Namtruyền, trong nguyên thủy đạo Phật.

Các bậc đạo sư lớn trong truyền thống Ấn Độ chỉ giảng dạy như Đức Thế Tôn đã từng giảng dạy trong một đời. Khối lượng kinh sách không có nhiều như kinh điển Hán tạng hiện tại. Kinh sách được kiết tập trong bốn bộ A Hàm và đó là nền giáo lý căn bản nhất của Phật giáo.

Nhưng khi dòng chảy Phật giáo phát triển mạnh qua nhiều trăm năm sau, có những vị thông bác kim cổ, các Ngài khai triển từ nền Phật giáo Nguyên Thủy ra thành Phật giáo phát triển, vì vậy khối lượng kinh sách trở nên đồ sộ. Hơn nữa, khởi đầu cho tất cả những bộ kinh mà các Ngài không để tên người sáng tác luôn dùng câu: “Như thị ngã văn” nên người đời sau khó phân biệt và thường nhập nhằng giữa rừng bát ngát kinh điển nầy. Cái nào cũng là của Phật nói. Từ lăng kính của những nhà nghiên cứu thì những văn hệ thuộc lễ Phật, sám pháp, danh hiệu Phật... và tất cả những thư tịch, kinh điển mang tính chất sám pháp nầy đang là một dấu hỏi lớn, có khả năng là do các vị sư của Phật giáo phát triển chế tác và hẳn nhiên không phải do Phật nói.

Đặc biệt khi hòa nhập vào bản sắc của đất nước mình, người Trung Hoa đã rất thông minh khi uyển chuyển lấy những danh hiệu Phật hay Bồ Tát trong thư tịch Hán tạng, đem gắn liền vào những trụ xứ trên đất nước họ tạo nên những huyền thoại mang tính chất thần thánh của những vị chỉ có trên văn bản mà không có trong cuộc đời. Họ đem danh hiệu các vị Bồ Tát, các vị A La Hán thực tế hóa thành một con người có lịch sử, rồi dựng ra những di tích ở vùng núi nọ, vùng núi kia để dân chúng đến lễ lạy, bái sám.(Ngũ Đài Sơn, Cửu Hoa Sơn...)

Thưa đại chúng, tôn giáo là một mảng lớn đóng góp để hình thành một phần văn hóa cho một quốc gia, một dân tộc. Tăng sĩ là người có trách nhiệm lớn đối với công cuộc xây dựng nền văn hóa của đất nước mình. Ông cha chúng ta ngày xưa đã biết tạo ra chữ Nôm để cách biệt với chữ Hán, để đừng lệ thuộc vào văn hóa Trung Hoa. Nhưng đến thời chúng ta, chúng ta lại thích lệ thuộc; tinh thần độc lập, tự chủ không có mặt dù chúng ta có bốn ngàn năm văn hiến, có ngôn ngữ riêng, chữ viết riêng.

Thời cận đại vào thập niên ba mươi, bốn mươi là thời Phật giáo chấn hưng, và cũng từ làn sóng chấn hưng từ Trung Hoa chảy xuống, Việt Nam cũng bắt đầu chấn hưng thì từ y, áo, lễ tụng đến niệm hương, bạch Phật. Các bậc thầy đã biết loại bớt những ảnh hưởng hình thức từ Phật giáo Trung Quốc. Thế nhưng càng về sau chúng ta càng có khuynh hướng cực kỳ hướng ngoại; từ học tập, pháp phục, nghi lễ và trai đàn chẩn tế đã trở thành rất thịnh trong truyền thống Phật giáo Việt Nam.

Từ điều nầy cho chúng ta thấy cơ chế xã hội, văn hóa, kiến trúc, chùa, viện cũng đều đi theo con đường hướng ngoại, và hầu như đa phần tu sĩ Việt Nam không bao giờ loại trừ được tâm thức vọng ngoại, thích bắt chước và tự hào khi sao chép y bản văn hóa đất nước người.

Đất nước Việt Namchúng ta bé nhỏ thật tội nghiệp mà khuynh hướng sinh hoạt Phật giáo lại bị ép giữa hai nền văn hóa rất lớn. Một Trung Hoa vĩ đại và một Ấn Độ huyền bí, sâu thẳm mênh mông... nếu chúng ta thông minh giữ được nền văn hóa Việt thì chúng ta mới có thể tồn tại được.

Để giữ được nền văn hóa Việt, những tăng sĩ phải tự mình thắp sáng ngọn đuốc tự hào là dân Việt. Chúng ta phải làm thế nào vận dụng được sự thông minh, tự chủ vốn có, đặt trên nền tảng của Phật giáo Nguyên Thủy. Hồi phục sự trong sáng của Đạo Phật đầy tuệ giác và hùng lực mới mong đối kháng được sự xâm thực và thôn tính của văn hóa Trung Hoa đang phủ trùm lên quê hương, đất nước chúng ta.

3. Tu tập các thiện nghiệp.

Thiện nghiệp là năng lượng tích cực do chúng ta chế tác có khả năng loại trừ những năng lượng tiêu cực trong ta, và hai năng lượng nầy đồng thời cùng có mặt nơi thân tâm nầy.

Nếu chúng ta làm cho năng lượng tích cực phát triển mạnh thì năng lượng tiêu cực sẽ tàn héo, tiêu mòn. Cũng như trong một vùng đất hoang, không một mảnh đất nào mà không mọc lên cây cỏ dại. Nếu từ mảnh đất ấy, nhưng chúng ta biết gieo cây lành trái ngọt, hoa lá thắm tươi thì cây cỏ hoang dại còn đâu chỗ để chen chân.

Trên con đường thực tập cũng thế, chúng ta phải làm thế nào để phát triển năng lượng tích cực của thân tâm. Dĩ nhiên, thiện nghiệp tương tức giữa thân và tâm. Ví như khi ta có năng lượng lành phát triển bên trong, tự nhiên năng lượng yêu thương, hòa ái biểu hiện ra ngoài thân rất rõ. Nếu ngược lại thì dù cho ở trong vũ hội, hay phố chợ xôn xao chúng ta cũng không có được niềm vui.

Từ bên ngoài, nếu môi trường chung quanh chúng ta toàn là năng lượng tiêu cực thì dù cho chúng ta có cố gắng chống chỏi cũng không thể nào trấn áp được năng lượng tiêu cực đang áp đảo, phủ vây thấm vào người. Đó là mức độ tương tức tương nhập giữa thân và tâm, giữa mình và người, giữa chúng ta và hoàn cảnh.

Cho nên chúng ta muốn loại trừ, giải nghiệp tội, để có niềm vui thì yếu tố ban đầu là môi trường rất quan trọng. Như khi các thầy, các cô đến đây với một tăng thân lớn, đại chúng đông đảo, đầy ắp năng lượng thiện lành tuy chưa thực tập gì nhiều nhưng tự nhiên những nỗi sầu khổ cũng lắng dịu xuống. Nếu có vị rời tăng thân về vùng phố chợ xôn xao một thời gian từ từ sẽ cảm thấy năng lượng yên bình, hạnh phúc của mình bị bào mòn.

Môi trường sống là điều kiện ban đầu rất cần thiết và quan trọng cho ta tu tập. Không gian yên tĩnh, thanh vắng của núi rừng, có nhiều người cùng thực tập, có chung một thiện nghiệp, chung một cọng nghiệp tạo thành năng lượng rất lớn và hùng hậu nên khi chúng ta liệng mình vào đó thì khả năng chuyển hóa đến rất dễ. Giống như trong một đống lửa lớn, ta là thân củi tươi nếu được bỏ vào đó cũng bị cháy dễ dàng.

Năng lượng lớn của sự tu tập bên ngoài yểm trợ ta rất là quan trọng. Khi chúng ta chuyển được năng lượng tiêu cực tức chúng ta cũng đã đóng góp năng lượng tích cực của mình vào trong tập thể tăng thân. Hai điều nầy luôn tác động hỗ tương với nhau.

Tôi xin chia xẻ với quí vị một điều, khi sống trong một đại chúng lớn tu tập như thế nầy, nếu một hôm vì lý do gì đó mình sinh ra lười biếng không sinh hoạt cùng chúng, không đi tọa thiền, chỉ muốn nằm ngủ nướng. Đến giờ ăn mình vào ăn, tự nhiên mình sẽ thấy rất khó chịu, áy náy và bất an suốt ngày. Đó đã là trường hợp của tôi đã gặp.

Thưa đại chúng, thiện nghiệp còn có công năng chuyển hóa thân tâm và môi trường. Ngày xưa, Ngài Qui Sơn được một cư sĩ mời Ngài đến hoằng pháp độ sinh tại một vùng núi vừa mới được khám phá rất u nhã. Ngài nhận lời đến chốn hoang vu đầy thú dữ và cọp beo bao quanh, dựng một túp lều ở như vậy cho đến bảy năm. Ngày tháng qua giữa chốn thâm sơn, cùng cốc quạnh hiu không một bóng người lai vãng, một hôm Ngài liền nói: “Nếu thực sự con có duyên độ sanh, giáo hóa thiên hạ, thì xin mọi loài thú dữ đi nơi khác. Còn không thì xin thú dữ đến ăn thịt con đi cho rồi, sống như thế nầy nữa thật là vô ích.” Phát nguyện xong, Ngài bắt đầu mở con đường đi xuống phố. Khi bước chân Ngài đến đâu mọi loài thú đều tránh xa. Và bắt đầu từ đó, thính chúng tứ phương đến tu học với Ngài rất đông đảo. Khoảng mười năm sau thành một đạo tràng có đến cả nghìn Thầy.

Nghe câu chuyện trên, chúng ta có thể nghi ngờ là không có thực. Nhưng điều nầy chúng ta có thể kinh nghiệm được từ bản thân: khi chúng ta có tâm hồn hiền thiện, trong lành, đi ra ngoài chúng ta làm quen ai, hoặc ai đến với chúng ta họ đều có chung một cung bậc tâm hồn như ta, một trình độ trí thức hiểu biết như ta, lành thiện và dễ thương như ta.

Trong đời sống nhân gian, có trường hợp những người đã lập gia đình, một thời gian sau họ chán ngán không còn muốn sống chung với người mà mình đã từng lựa chọn. Họ xa nhau, đến khi cảm thấy cô đơn lại đi tìm kiếm người khác, họ nghĩ rằng người mới sẽ dễ thương hơn, vừa ý hơn. Nhưng quanh quẩn kiếm tìm, loay hoay thế nào họ cũng lại chọn một người giống như người của buổi ban đầu, đôi lúc lại còn tệ hơn nữa. Tại sao? Thưa tại vì cung bậc tâm hồn chỉ có được như vậy, nên khi lựa chọn họ cũng chỉ lựa người cùng một cách điệu, một tầng tâm thức như trước mà thôi.

Cho nên khi thiện nghiệp trong tâm thức của chúng ta lớn, đầy yêu thương hài hòa thì dù sống ở bất cứ nơi đâu đều tạo được không gian, môi trường đó theo thiện nghiệp của mình. Dù chúng ta ở giữa chốn lao xao, náo nhiệt thì năng lượng thiện nghiệp của mình vẫn có tác dụng chuyển hóa những người chung quanh.

Khi ở trong một cộng đồng xấu ác, tự thân tâm những năng lượng tích cực đủ lớn mạnh, tự nhiên môi trường chung quanh sẽ chuyển, hoặc đôi khi có năng lượng vô hình thúc đẩy đưa ta đến một nơi mà môi trường chung quanh sẽ rất tốt lành. Chúng ta đừng lo sợ, băn khoăn mà hãy chăm sóc cuộc đời mình. Hãy lo chuyển hóa làm cho năng lượng thiện lành có mặt mãi mãi trong tự thân. Hãy có niềm tin rất vững vào sự chuyển hóa của chúng ta. Nếu chúng ta là những vị thầy giỏi thì thiên hạ đến với mình, tu với mình đều trở thành những đệ tử giỏi.

Năng lượng tích cực là một năng lượng tương ứng với Phật tâm. Không bao giờ có một vị đạo sư chân chính mà trong thân tâm không có bản chất của sự chân thật, cái lành và cái đẹp. Chân Thiện Mỹ là ba điều luôn có mặt trong tự thân các thầy. Điều nầy được thể hiện ra bên ngoài, nơi tự viện, nơi tăng đoàn.

Cho nên tu đúng nghĩa là chúng ta biết thực tập để đẩy cuộc đời của mình từ lãnh vực bình thường lên đến tầng cao của Chân Thiện Mỹ.

Con đường thực tập mời gọi năng lượng thiện lành là con đường chúng ta phải thực tập từng ngày một, nuôi lớn nó không bao giờ biết mỏi mệt. Các bậc thầy ngày xưa chưa từng có một vị nào biết mỏi mệt với chuyện độ sinh cả. Tự thân tâm các vị luôn luôn là sự dâng hiến cuộc đời mình cho người, chưa bao giờ làm thương tổn một ai, và chưa bao giờ từ chối nhúng tay vào một việc lành gì dù nhỏ.

Tâm hiền thiện bên trong tự nó là một năng lượng tương ứng với năng lượng tốt lành trong không gian vô hình, nó có công năng bảo vệ, che chở và đẩy dần chúng ta đến những nơi có điều kiện thuận lợi cho ta phát triển đời sống tâm linh.

Trong đời sống, con người hơn nhau không bằng sự tính toán. Những thành công trong lãnh vực tiền tài, vật chất, lợi danh đôi lúc không thể đo lường bằng sự tính toán, mà bằng năng lượng lành hay không lành. Đó gọi là phước. Có những người không thông minh, tài giỏi gì nhưng họ lại thành đạt trong cuộc đời rất dễ vì bên trong con người họ có hàm tàng năng lượng thiện lành.

Chúng ta hơn nhau nhờ biết gột rửa thân tâm hiền thiện, nâng cấp đời sống tâm linh. Khi đời sống tâm linh được nâng cao, có mặt sự hiền thiện thì cuộc đời của người ấy sẽ bước những bước đi lên tươi sáng và rực rỡ. Điều nầy có thể kinh nghiệm được trong cuộc sống đời thường cũng như trong cuộc đời tu tập tự thân của mỗi chúng ta.

4. Đốn tức kỳ tâm.

“Đốn tức kỳ tâm” có nghĩa là dứt ý thức lăng xăng ngay tức khắc. Ngay bây giờ và ở đây dừng tâm thức dao động, bất an của mình. Làm được công việc này tức loại trừ ngay một lúc, ngay lập tức nghiệp thức của nhiều kiếp.

Ở tầng sâu xa nhất, tức ở tầng Bản môn (Chân như môn) hay an trú nơi tâm Phật bất động thì nghiệp, tội hay phiền não khổ đau chỉ có mặt trên bình diện ý thức. Nếu lặn sâu hơn khỏi bình diện ý thức, thì những gì gọi là nghiệp chướng, khổ đau, tội lỗi không còn có mặt. Điều nầy có vẻ khó hiểu, nhưng với ví dụ sau đây có lẽ chúng ta sẽ dễ hiểu hơn. Chẳng hạn như trong giấc chiêm bao, chúng ta rất hoảng loạn và sợ hãi vì thấy mình bị rượt đuổi, chúng ta chạy trốn, cầu cứu với tâm thức rất bất an. Lúc bấy giờ nếu có một vị thầy, một vị Bồ Tát, hay Đức Phật hiện ra dạy chúng ta những phương pháp như niệm Phật, niệm chú để đối trừ những sợ hãi, bất an. Và làm những việc để loại trừ lo sợ, hoảng hốt trong giấc chiêm bao đòi hỏi một thời gian kéo dài từ lúc chúng ta sợ đến lúc trấn an được nỗi sợ. Nhưng trong lúc hồi hộp, hoảng sợ, đang chạy trốn nếu có một ai vỗ vai lay chúng ta, chúng ta liền tỉnh dậy thoát khỏi giấc chiêm bao, tức khắc vượt thoát tất cả những nỗi sợ của mình mà không cần thời gian để làm gì cả. Chỉ cần mở mắt ra, thức giấc là bao nhiêu sợ hãi và bất an không còn nữa.

Cũng như thế, nếu tỉnh thức thì chúng ta dứt trừ ngay nghiệp chướng của quá khứ. Nghiệp có mặt do sóng ý thức, có nghĩa là khi ý thức phát sóng là có mặt của sự sống và chết, đến và đi, có và không, còn và mất, là ta đang ở bình diện “Sinh diệt môn.” Nên nghiệp chỉ có mặt ở bình diện sinh diệt môn, mà không hề có mặt ở bình diện “Chân như môn.”

Đối với phàm phu chúng ta thì mọi thứ vẫn còn y nguyên, còn phiền não khổ đau, còn tham sân si, còn nghiệp chướng. Ta chưa chạm tay vào được, chưa có khả năng đột nhập thẳng vào bình diện Chân như nầy. Đôi khi tuổi đời chồng chất, chúng ta lại càng rời xa bản thể Chân như mà đi vào Sinh diệt càng nhiều hơn.

Nếu đem so sánh tâm thức chúng ta với tâm thức của một em bé. Tâm thức của bé thơ gần với chân như hơn chúng ta, bởi vì em chưa được cuộc đời dạy cho những suy nghĩ, lo âu... Đôi mắt thơ dại nhìn cuộc đời đâu cũng là màu hồng, niềm vui đến rạng rỡ, dễ dàng và hồn nhiên tiếp nhận đất trời, cỏ cây, hoa lá. Còn chúng ta nhìn là bao nhiêu phân biệt, bao nhiêu suy nghĩ khởi lên và khi có tiếng thì thầm là khả năng nghiệp thức đã đi vào rồi.

Ở mức độ thô nhất, nghiệp thức thành hình khi có hành động. Khi ta vung tay đánh ai là đã thành nghiệp.

Vào sâu hơn, chưa cần đánh, chỉ cần xúc phạm bằng lời là thành nghiệp, là đã gây buồn, giận lên trên người kia.

Tinh tế hơn bằng lời nói, bằng miệng là nhìn. Cái nhìn cũng phát sóng, và năng lượng đi ra từ cái nhìn cũng tạo thành nghiệp. Khi nhìn ai mà ta không thích, nó sẽ được biểu hiện ra bên ngoài bằng tia nhìn khó chịu, người có trực giác bén nhạy họ biết ngay. Và cũng bằng cái nhìn của ta nếu chứa đầy tham đắm, đầy ái nhiễm, cái nhìn đục ngầu sự thèm khát người đối diện cũng biết ngay bởi nó được biểu lộ qua ánh mắt bằng làn sóng tinh vi của ý thức. Và nghiệp khởi từ đó.

Đi vào sâu hơn, vi tế hơn, chỉ cần khởi ý nghĩ là đã tạo nghiệp rồi. Nói lầm thầm bằng ý nghĩ đã là nghiệp, tuy những thì thầm nầy người đối diện không nghe thấy nhưng với những người có con mắt tinh tế họ thấy, họ nghe được tiếng thì thầm của ta. Ví dụ như khi ta để ý đến một người mà ta thích thì khả năng thì thầm bắt đầu có mặt, tiếp đến những tràng dài ngôn ngữ xây một lớp sóng ý thức chung quanh. Khi ý thức phát sóng nó tạo thành những làn âm ba vang động trong không gian, năng lượng từ trường đó phát ra từ trong não bộ của chúng ta chạm đến người kia.

Tóm lại, ở mức độ thô, những thì thầm đưa đến ngôn ngữ là đã thành nghiệp, kế tiếp là thể hiện ra bằng thái độ, hành động. Ở mức độ vi tế hơn, không cần biểu lộ dù bằng cử chỉ hay tia nhìn, nhưng trong tâm ý thức phát sóng thì những người có trực giác sắc bén họ biết ngay.

5. Các tầng chấp thủ.

Thông thường khi chưa lặn được vào chiều sâu của tâm thức, chúng ta vẫn còn ở trên bình diện rất cạn của ý thức, suy tư. Và rõ ràng ta chỉ thấy mình là suy nghĩ nầy, khi có suy nghĩ thì ta thấy ta hiện diện, ta có mặt: “Tôi suy tư tức tôi hiện hữu”, hay “Con người là một cây sậy có tư tưởng.” Các triết gia Tây phương cũng chỉ ở trong bình diện của tư duy nầy, mà chưa lặn sâu vào được những điều Đức Thế Tôn đã dạy. Ngài đã triển khai ra năm tầng Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức rất tinh tế, trong khi chúng ta chỉ ở trên ba tầng cạn, khó đi sâu được vào tầng thứ tư, thứ năm hay vượt thoát được năm tầng nầy.

Tầng thứ nhất chấp thân nầy là mình. Cả một đời lao xao sáu mươi, bảy mươi tuổi, chúng ta cũng không vượt thoát chấp thủ về thân. Khi thấy mình đã là thân, rồi bám vào cái thân thì tai họa đầu tiên có mặt trong dòng chảy tử sinh. Khi thân nầy mất con người vội vàng tìm thân khác để chui vào, tạo biết bao nhiêu nghiệp thức trong cuộc đời. Sống càng lâu, nghiệp thức càng dày do vì chấp thân nầy là ta, nên đã tạo ra lỗi lầm khốn đốn cho chính cuộc sống của mình.

Lặn sâu thêm vào tầng thứ hai, chúng ta lại cho vui buồn, khổ đau hay hạnh phúc là mình, luôn luôn cho rằng những cảm giác đau khổ, hạnh phúc, bất an đang là mình và tan biến trong nỗi buồn, vui đó. Nếu chúng ta biết được nỗi buồn là một cảm thọ của tâm, ta là con người đứng ở bên ngoài nhận biết buồn vui đang có mặt, thì ta không hóa thân vào, biến mất mình trong nỗi đau khổ hay niềm hạnh phúc.

Là người tu chánh niệm, ta hãy chịu khó nhìn lại, chỉ để làm một việc là nhận diện ra được tiếng thì thầm của tâm thức đang có mặt, nhận diện được những cảm thọ khắc khoải, bất an, sầu tư... mà đừng để chúng dẫn dắt, nhận chìm ta vào dòng chảy ấy.

Đạo Phật tồn tại qua hai mươi lăm thế kỷ, đã phát sinh ra ngàn vạn loại Thiền. Nào là thiền Đông Độ, thiền Tứ Niệm Xứ, thiền Chánh niệm, thiền Mật Tông... nhưng tất cả cũng không thoát ra ngoài thiền Tứ Niệm Xứ. Niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp là một pháp môn gốc rễ bao trùm trọn vẹn tất cả những pháp hành của người tu Phật.

Nguyên tắc của sự tu tập không phải là tự đày đọa thân tâm mình. Những pháp môn hành trì chỉ là những phương tiện để đưa chúng ta đi dần vào cửa Đạo. Vấn đề chính yếu là nắm được cách hành trì, tức nắm được yếu tố rất quan trọng, là nhận diện được từng cảm thọ của tâm. Đó là phương pháp thực tập.

Thưa đại chúng, có hai con đường cho chúng ta đi vào tự thể Niết Bàn.

Con đường phương tiện mở ra ngàn vạn nẻo: niệm Phật, trì chú, tọa thiền... tất cả chỉ là phương tiện. Đó là những cánh cửa mở ra mời chúng ta đi vào để làm quen được từng khởi động của thân, làm chủ được ý thức đồng thời nhận diện được từng sinh diệt của cảm thọ và từng máy động của tâm.

Thực sự chúng ta chưa bao giờ làm chủ được thân nầy, thân nầy có những cử chỉ, những hành động, những việc làm rất vô ý thức mà chúng ta không kiểm soát được. Khi chúng ta làm mà không có chánh niệm đi vào, gọi là vô ý thức tức chúng ta không có khả năng nắm bắt được từng hiện khởi của cảm thọ vui buồn.

Nếu chúng ta không “niệm thân” được thì không “niệm thọ” được. Niệm thân bao gồm kiểm soát thân hành, hơi thở. Niệm thọ nghĩa là nhìn được từng vui buồn, lo lắng, bất an có mặt. Nhìn được từng cảm thọ có mặt, tức chúng ta không phải là cảm thọ vui buồn mà chúng ta là người nhìn thấy nó, là người chứng nghiệm nó. Hai điều nầy rất gần, nhưng cũng rất là xa. Khi chúng ta có khả năng nhìn được cảm thọ thì chúng ta đã cách ly với cảm thọ rồi. Và khả năng nhìn để nhận diện được cảm thọ nầy: đó là trạng thái bất động, tĩnh lặng, trong sáng của tâm. Trong truyền thống thiền Đông Độ gọi là “Bản Lai Diện Mục”, “Tự thể Tâm”. Tổ Lâm Tế gọi đó là “Vô Vị Chân Nhân”. Khả năng nhìn nầy không có gì là lạ, và ngày xưa trong một thời pháp Đức Thế Tôn dạy, những cư sĩ, tỳ kheo, ngoại đạo đến nghe được điều quan trọng nầy họ hiểu, nhận ra đều được Đức Thế Tôn gọi là người chứng quả Dự lưu, mở được con mắt pháp, nắm được Đạo bắt đầu theo dòng chảy trôi vào quả vị Thánh.

Chúng ta nếu chưa mở được cửa ải quan trọng nầy của sự tu hành, suốt đời chỉ trượt trên tâm thức chạy theo sinh diệt vui buồn, đang ở trong tầng cạn chấp mình là thân, là cảm thọ nên mãi rong ruổi một đời trong chốn nhân gian đầy bất an và hệ lụy.

Từ lãnh vực cạn chấp thân đã là khổ, chấp mình là cảm thọ thì ở đâu ta cũng khổ hết. Ở hoàn cảnh tốt lành hay khó khăn, nỗi khổ vẫn như nhau do vì chúng ta vẫn giữ nguyên cái chấp mình là cảm thọ. Là người tu, nếu hoàn cảnh khó khăn đến, chúng ta tu không được. Ta chán đời, rồi vào đạo ta chán đạo đều do không mở được mắt pháp. Khi chúng ta có khả năng lặn vào chiều sâu, loại trừ được tầng chấp cảm thọ vui buồn, thì dù có bị liệng vào môi trường nào chúng ta cũng sống thảnh thơi và hạnh phúc. Khi chúng ta đã vào được Thánh vị rồi thì lúc rời hình hài tứ đại nầy ra đi thong dong, có thể chọn cho mình được chỗ để thọ sinh.

Tuy nhiên dòng chảy của tử sinh vẫn chưa dứt. Tầng sâu hơn của cảm thọ là sóng ý nghĩ. Sóng ý nghĩ mịn hơn vui buồn của cảm thọ, khi ý nghĩ phát thành sóng là có nghiệp. Tâm thức thô chúng ta không nhận ra được sóng ý nghĩ, nhưng sóng ý nghĩ nầy hiện hình tức khắc các vị ở Thiên giới, các vị Thần không có hình hài như chúng ta họ sẽ nhìn thấy.

Cho nên tuy đã lặn được vào chiều sâu rời bỏ cảm thọ, nhưng dòng chảy ý thức vẫn còn hiện diện rất là vi tế, tức sóng ý thức còn có mặt; ta vẫn còn hiện thân trong ba cõi, sáu đường, còn bị sinh tử luân hồi lôi kéo. Nếu sóng ý thức nầy mà dừng lại được thì chúng ta cắt đứt được dòng chảy tử sinh, lập tức rời Sinh diệt môn thể nhập vào Chân như môn, nhập vào trạng thái Niết Bàn thường tịch.

Muốn rời Sinh diệt môn, chúng ta phải lặn qua ba tầng chấp: chấp thân, chấp thọ, và chấp ý thức. Khi ý thức mà còn những gợn sóng, còn hình ảnh, con người có thể không thấy, nhưng có quỷ thần thấy, Diêm Vương có thể nắm ta, dẫn ta đi vào Địa ngục được. Để vượt qua ba tầng chấp thủ, hay nói cho đủ là vượt qua năm tầng chấp thủ ngũ uẩn chỉ bằng sự thực tập duy nhất là cắt được sóng ý thức. Làm cho sóng thức chìm lặng, biến mất trả lại khả năng nhận biết như trời trong, không một gợn của tiếng nói thì thầm, lúc ấy chúng ta mới có khả năng vượt khỏi sinh tử của ba cõi, sáu đường. Ba cõi sáu đường vượt thoát thì những gì gọi là tội lỗi, nghiệp chướng... không có cách gì nắm ta được.

6. Vượt thoát nổi chìm

Tôi xin kể một câu chuyện trong nhà Thiền rất hay nói lên cho chúng ta biết một điều là khi sóng ý thức còn, là còn đi trong sinh tử luân hồi.

Có một vị Thiền sư, mỗi lần ông nhập định thì mãi đến hai, ba tuần mới xuất định. Đặc biệt ông có một niềm đam mê lạ lùng là thích cái bình bát bằng ngọc rất đẹp, rất quí. Mỗi lần trước khi nhập định ông đem cất báu vật đó rất kỷ vì sợ bị đánh cắp. Đến ngày tuổi thọ đã hết, Tử thần đến kiếm đúng ngay lúc ông đang nhập định, tìm mãi không ra. Tuy hình hài ngồi đó nhưng ông biến mất phương nào. Cuối cùng Tử thần phải cầu cứu đến thổ địa giúp kiếm để dẫn ông về cho Diêm Vương. Thổ địa cho biết nếu quỉ tốt có thể kiếm ra chiếc bình bát ngọc của vị Thiền sư khua lên thì ông sẽ xuất hiện. Thổ địa đã mách một điều rất hay và hiệu quả. Thế là, khi kiếm được bình bát khua lên ba tiếng vị sư hồi phục lại, hiển hiện sự sống nơi thân sinh tử, liền tức khắc quỉ tốt mời ông đi theo. Bất giác vị thiền sư giác ngộ được rằng; vì khả năng quyến luyến, nuối tiếc cái bình bát mà hiện thân lại trong cõi trần, và hiện bằng cách khởi ý thức thầm thì thương luyến nên có chỗ cho quỉ tốt thấy được mình, bắt được mình. Ông mỉm cười, xếp chân lại tọa thiền, cắt rời tức khắc sóng ý thức. Và tuy ông đang ngồi đó, nhưng cuối cùng quỉ tốt không tìm ra ông.

Thưa đại chúng, qua câu chuyện chúng ta thấy khi vị Thiền sư lặn vào Tâm Phật bất sinh là không còn sóng ý nghĩ, tâm thức trống không bát ngát mênh mông như không gian thì Thiên ma kiếm không ra, Thánh thần tìm không gặp.

Các bậc Thánh có ba thân nhưng vốn từ phước đức và tâm thức tạo thành, như sinh diệt thân, hóa thân hay Pháp thân của Phật. Sinh diệt thân của Thế tôn tuy được cấu thành bằng phước đức nhưng chịu quy luật tử sinh không khác phàm thân. Hóa thân Phật chỉ là năng lượng vô hình bàng bạc trong không gian, cảm được độ rung của tâm thức ta cho nên một lời cầu nguyện, một niệm lành đôi khi được đáp ứng. Pháp thân Phật chính là tự thể tâm vô sinh bất diệt, là trạng thái Niết Bàn thường tịch. Tuy nhiên, cũng thân nầy, hình hài nầy nhưng khi sóng ý thức phát thì còn dấu vết, còn tìm lại được. Nhưng khi sóng ý thức tắt đi chỉ còn nhận biết sáng ngời, thường tại, tức khắc nghiệp chướng của ba A tăng kỳ kiếp gột sạch trong một sát na. Từ bình diện Sinh diệt môn đi vào Chân như môn (hay từ tích môn đi vào bản môn) nhẹ như trở bàn tay.

Thưa đại chúng, là những người tu nếu thông minh thì chúng ta là chủ cuộc đời mình. Niềm vui nỗi buồn do chúng ta mang lại, và lòng mình là giếng ngọt tuôn tràn. Chúng ta không cần bất cứ một điều kiện gì để làm cho mình hạnh phúc cả. Ta hãy sừng sững như núi cao và bất động. Được thầy thương thì tốt, thầy không thương thì càng có nhiều thì giờ để tu, đâu phải ngày ngày đi tò tò bên thầy mà hạnh phúc. Mình ngồi một nơi, thầy ngồi một nơi không hạnh phúc sao? Có huynh đệ thì hạnh phúc, không có huynh đệ thì không hạnh phúc à? Hạnh phúc chứ! Hạnh phúc ở trong ta, chúng ta có khả năng chế tác năng lượng hạnh phúc. Và đời sống tâm linh là đời sống độc hành độc bộ.

Thực ra chúng ta có thể hỗ trợ, giúp nhau ở mức độ niệm thân. Ta tác động nhau, giúp nhau trong việc để ý đến oai nghi, tế hạnh bên ngoài. Nếu anh đi những bước chân thiếu chánh niệm, tôi giúp anh được. Nếu hơi thở không yên bình, chứng tỏ trạng thái tâm thức của anh đang phù động, tôi nghe tôi giúp được. Nhưng nếu lặn qua khỏi tầng của niệm thân, đến niệm thọ ai giúp anh được. Chúng ta phải tự mình điều phục, chuyển hóa và trách nhiệm với quá khứ của mình. Những ký ức tích chứa lâu đời trong tâm thức chính mình phải đối diện, có ai đối diện cho mình đây.

Lặn vào trong tầng sâu cảm thọ, thì người nào cũng thế. Không ai giúp được nhau trong tầng sâu của sự tu tập, và không có vị Phật nào bước vào dấu chân của vị Phật nào.

Đức Thế Tôn tuy khai sáng ra pháp môn để chúng ta tu, mỗi người cũng phải có con đường riêng, và tự mình nỗ lực đi vào Niết Bàn. Không thể có con đường tám bộ rộng thênh thang cho chúng ta đi thong thả. Mỗi người phải là thầy của chính mình, rồi ai cũng đến giai đoạn phải như thế.

Lên đến tầng cao của sự tu tập, đời sống tâm linh có những nhu cầu khác biệt vì nghiệp thức khác nhau, tâm lý khác nhau cho nên mỗi chúng ta là một sự khám phá riêng. Nói như thế để quí vị thấy rằng con đường tu không phải là con đường của một nhà máy; nhà máy đóng hộp. Cứ dẫn bò vào thì sẽ ra hộp thịt bò phía sau giống nhau. Chúng ta mỗi người phải tự nỗ lực lấy.

Thưa đại chúng, tôi xin nhắc lại ở bình diện cạn, khi chúng ta còn ở trên bề mặt của ý thức cảm thọ, còn lặn hụp trong thân, thọ, tưởng, hành thức là còn lặn hụp trong cõi giới nầy, thì không bao giờ sai sót mảy may nghiệp quả, báo ứng. Vượt thoát được những tầng nầy luôn sống với cái “tĩnh tại, liễu tri thường hằng” mới có thể rũ sạch được nghiệp thức ba đời.

Có hai con đường cho chúng ta tu: một con đường là sự nhập, và một con đường là lý nhập. Sự nhập là con đường của phương tiện để ta đi, lý nhập là con đường của nhận thức, phát sinh tuệ giác và khi phát sinh tuệ giác rồi chúng ta mới có thể cắt đứt hết phiền não, khổ đau bời bời.

Con đường của người xưa chứng Thánh quả là con đường đoạn kiến hoặc. Trong tất cả các pháp môn đoạn trừ hoặc lậu, phương pháp đầu tiên là khả năng nhận thức, hiểu biết của chúng ta. (tức đoạn trừ tất cả dây mơ, rể má làm nền tảng lôi kéo chúng ta vào cõi luân hồi sinh tử). Khi khả năng hiểu biết, niềm tin của mình có mặt, tức khắc chúng ta đoạn dứt được dòng chảy tử sinh. Dòng chảy tử sinh nầy không thể dùng công phu nhọc nhằn ba bước lạy một lạy, hai bước lạy một lạy mà đoạn trừ hoặc lậu của tâm thức.

7. Một lần buông tay.

Xin quí vi nhớ rằng công phu tu tập ở mức độ cạn như hành trì, bái sám, lễ Phật, tụng kinh... tất cả mọi thiện nghiệp đều có công năng chuyển hóa. Nhưng ở mức thâm sâu, những gì gọi là thiện nghiệp không dính đến khả năng chuyển hóa nghiệp thức. Những thiện nghiệp nầy chỉ là những hạt mầm lành lấn chỗ những hạt mầm ác, và cũng là loại có sinh có diệt.

Cho nên ở mức độ thâm sâu của đạo lý, cùng một lúc thiện ác đồng thời biến mất. Lặn đến đáy của vô ngôn, vô niệm, vô ngã thì triệt tiêu một lần cái nhân của nghiệp, của ba cõi sáu đường, tức đạt được Chân Như môn. “Đàn chỉ viên thành bát vạn môn”, chỉ một búng tay là ngàn vạn cửa nhiệm mầu của Phật thành đạt.

Tự thể của Chân Như môn nằm ngay trong sinh diệt. Chân Như và sinh diệt nầy không rời nhau, cũng như hình hài sinh diệt nầy không rời Phật tâm. Trên đường tâm linh, chúng ta tu là để tìm lại tâm Phật của mình, và sống với tâm Phật của chính ta.

Để rõ nghĩa hơn về Sinh diệt môn và Chân như môn, tôi xin đọc và tạm dịch để quí vị cùng nghe bốn câu rất tuyệt vời trong Chứng Đạo Ca của Ngài Huyền Giác:

Vô tội phước, vô tổn ích.
Tịch diệt tánh trung mạc vấn mích.

Tỉ lai trần kính vị tằng ma.

Kim nhựt phân minh tu phẩu tích.

Nghĩa là: Không có tội, không có phước, không thêm, không bớt gì cả. Thể tánh tịch diệt nầy vốn là cái tự có của ta. Không cần tìm tòi, không cần hỏi ai để có.

Nó là tự hữu của ta. Gương tâm của ta bị bụi phủ đầy, chưa từng lau, chưa từng mài, chưa từng làm cho sạch. Ngay hôm nay phải rõ ràng nhận biết.

(Không tội phước, không thêm không bớt. Bản tánh tịch diệt đừng nắm bắt. Xưa nay gương bụi chưa từng lau. Giờ phải phân minh cho rõ nét).

Bao lâu nay chúng ta trôi nổi trong lục đạo luân hồi vì không nhận ra được chúng ta là khả năng nhận biết. Khả năng nhận biết nầy rất gần. Ngay trong dòng suy tư khởi lên liên tục, nếu chúng ta tỉnh thì có mặt nhận biết, nếu mê thì nhận biết biến mất. Cho nên bản chất tịch diệt hiện trong sinh diệt mà không cần nắm bắt.

Chúng ta đã lang thang qua bao kiếp tử sinh, ngụp lặn nhiều rồi trong khổ ải, nếu nhận ra được thân là đối tượng của nhận biết, và khả năng thì thầm buồn vui nầy là sở hữu của ta mà không phải là “sự nhận biết bất động vô sinh” thì bao nhiêu bụi phủ mờ trên mặt gương kia được phủi sạch. Ngay nơi đây và giờ phút nầy phân biệt rõ ràng gì là khách đến rồi đi, cái gì là ông chủ còn lại tĩnh tại, thì đáng gọi đó là người thông minh, là người biết tu, là dũng sĩ dám một dao cắt đứt dòng chảy sinh tử trong nhiều đời, nhiều kiếp. Tu không có chi khó, chỉ cần làm ông chủ nhận diện những người khách đến rồi đi. Và hãy luôn là ông chủ, đừng đồng hóa mình vào khách, đừng để khách dắt dẫn vào cõi lãng quên thì cửa Niết Bàn thênh thang rộng mở.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]