Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần Mở Ðầu: Ly Dục Tịch Tĩnh

25/03/201101:36(Xem: 9104)
Phần Mở Ðầu: Ly Dục Tịch Tĩnh

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
HT Thích Phước Tịnh Giảng Giải

PHẦN MỞ ĐẦU
LY DỤC TỊCH TĨNH

Thưa đại chúng,

Hôm nay chúng ta thực sự bước những bước đầu tiên vào Kinh Bốn Mươi Hai Chương, phần mở đầu với chủ đề là: “Ly Dục Tịch Tĩnh.”

Ly dục tịch tĩnh thị tối vi thắng.” được xem như tuyên ngôn đầu rất quan trọng của Đức Thế Tôn.

A. CHÁNH VĂN.

Thế Tôn thành đạo dĩ, tác thị tư duy: “Ly dục tịch tĩnh thị tối vi thắng.” Trụ đại thiền định, hàng chư ma đạo. Ư Lộc Dã Uyển trung, chuyển Tứ Đế pháp luân, độ Kiều Trần Như đẳng ngũ nhân, nhi chứng đạo quả. Phục hữu tì kheo sở thuyết chư nghi, cầu Phật tấn chỉ. Thế Tôn giáo sắc, nhất nhất khai ngộ, hợp chưởng kính nặc, nhi thuận tôn sắc.

Sau khi thành đạo Đức Thế Tôn khởi tư duy “Ly Dục Tịch Tĩnh là pháp môn tối thắng.” Ngài trụ trong Đại thiền định và hàng phục ma quân. Sau đó đến Lộc Dã Uyển chuyển pháp luân Tứ Đế, độ năm anh em Kiều Trần Như chứng đạo quả. Liền khi ấy có một vị Tỳ Kheo nói những điều nghi ngờ của mình, cầu Phật chỉ bảo và Thế Tôn giảng giải làm cho mọi người được khai ngộ. Các vị đều chấp tay vâng lời Phật dạy.

B. ĐẠI Ý.

Đại ý đoạn nầy giới thiệu cho chúng ta biết Đức Thế tôn sau khi thành đạo, thuyết pháp và dựng tăng.

C. NỘI DUNG.

Chúng ta sẽ lần lượt đi vào nội dung của đoạn Kinh trên tuy ngắn nhưng có thể giải thích bằng năm phần:

1. Khái quát tính lịch sử.
2. Tuyên ngôn đầu.
3. Phẩm chất thực của người tu.
4. Thuyết pháp và dựng tăng.
5. Quả vị tu chứng.

1. Khái quát tính lịch sử.

Đây là một bản văn được tuyển dịch từ văn học A Hàm. Người xưa rất thông minh khi dịch bản văn nầy đã không nói: “Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Xá Vệ Quốc”... tuy nhiên vào đầu bản văn các vị đã dùng ngay chủ thể thuyết pháp và sơ lược vài dòng lịch sử cho chúng ta biết như câu: “Sau khi Thế Tôn thành đạo thì Ngài khởi tuệ quán như thế nầy: “Tác thị tư duy.”

Thông thường “Tác thị tư duy” được dịch là khởi suy nghĩ, nhưng đối với các bậc giác ngộ thì không phải khởi suy nghĩ như chúng ta. Từ tư duy hiện tại chúng ta rất hay hiểu lầm. Tư duy có nghĩa là độc thoại, nói lầm thầm bằng tư tưởng của mình. Nhưng các bậc chứng ngộ không hề khởi tư duy mà dùng tuệ giác quán chiếu trực tiếp thâm sâu hơn, sáng hơn và mênh mông hơn. Không phải như chúng ta khởi tư duy là suy nghĩ từng câu, từng lời và vận dụng ý thức để làm việc.

2. Tuyên ngôn đầu.

Ly dục tịch tĩnh thị tối vi thắng.” Hai chữ Tịch và Tĩnh nầy hàm nghĩa Niết Bàn, tức “Ly dục và thành đạt Niết Bàn là pháp tối thượng.” Ta có thể xem đây là tuyên ngôn đầu rất quan trọng đối với người tu chúng ta.

– Ly dục:

Thưa đại chúng, từ “dục” nầy dễ gây dị ứng với người tu. Thông thường khi nói đến điều nầy, chúng ta hay có quan niệm về quan hệ tình dục giữa nam và nữ. Tất nhiên quan hệ tình dục là một loại dục rất thô, rất cạn, nó không có nghĩa gì so với tầng thâm sâu mà Phật muốn nói trong từ “ly dục” cả. Như mình khước từ đời sống gia đình thế nhân bước vào con đường tu, sống đời sống độc thân đã là ly dục rồi, nhưng chưa đủ, nó vẫn còn ở tầng mức cạn mà thôi. Tại sao? Bản chất của dục tiềm phục rất sâu trong tự thân chúng ta. Ai cũng biết một điều là thân người sinh ra từ dục, và dục là nền tảng căn bản để làm thành thọ mạng, làm thành sự sống của mỗi con người. Không có dục tức là không có ý muốn sống. Em bé kia sẽ không thể đòi ăn khi em đói, em không có khả năng đề kháng với những lạnh, nóng bất thường của thời tiết, của hoàn cảnh để em tồn tại. Bản chất của dục làm nên đời sống là như vậy. Mức độ cạn, hình hài nầy, thọ mạng nầy được làm bằng dục. Ngay từ hạt mầm đầu tiên ta có được hình hài nầy đã là dục rồi.

Theo cách lý giải của những nhà Phật học, khi rời hình hài tứ đại, thần thức của ta khi còn lửng lơ ở thân trung ấm, ở cõi mênh mông hư không và bấy giờ lúc mà nghiệp duyên sẽ thọ sanh vào một gia đình nào, tức khắc thần thức của thân trung ấm nhìn thấy bố mẹ ở trên mặt hành tinh nầy đang giao hợp. Nếu thần thức kia sẽ thọ sanh làm nam, nó chỉ nhìn thấy hình hài của người nữ; nếu thần thức kia thọ sanh làm nữ, nó sẽ chỉ nhìn thấy duy nhất người nam. Khi nhìn thấy hình ảnh đó, ý niệm dục đầu tiên khởi lên trong thần thức nọ, và khi niệm dục đã khởi lên tức khắc thần thức rơi ngay vào thai mẹ, kết tinh thành hình hài đầu tiên. Cho nên dục là bản chất của đời sống, không phải ở hình hài nầy không mà ở tận sâu trong tâm thức chúng ta. Do vậy, không một em bé trai nào mà không thương mẹ, không một em bé gái nào mà không thương cha. Tính chất tự nhiên là như vậy, sức hút tự nhiên là như vậy. Cũng như không có một nữ đệ tử nào mà không thương thầy nam, không có một sư cô nào làm thầy mà không thương đệ tử nam. Đó là điều tự nhiên trong thế giới, trong trần gian nầy. Và có như thế mới thành hình được dòng chảy tử sinh nối dài qua nhiều kiếp.

Tóm lại, bản thân con người mang hạt mầm dục mà có mặt trong cuộc đời nên chất dục nầy rất ư là thâm sâu. Nó không phải chỉ cạn trên bình diện quan hệ tình dục giữa nam và nữ. Mức độ thâm sâu của nó chìm lặng ở bên trong ta khó nhận biết. Ví dụ như đối với người già, sinh lực của cơ thể không còn cho nên ham muốn về tình dục không có mặt, nhưng không phải không có ham muốn tình dục mà tâm dục họ lặng yên, bị loại trừ. Chưa thành đạt quả vị, chưa chứng thánh quả A La Hán, chưa đoạn sạch lậu hoặc thì mầm dục vẫn còn.

Với những người già có quá trình tu tập chuyển biến, cái dục thô phù có thể hết nhưng dục tinh tế nó lặn sâu vô cùng, nó trở thành ái kiến đại bi: tức lòng thương tuy có rộng, nhưng trong bản chất của lòng thương đó có cái mầm của ái kiến; chưa mênh mông, bình đẳng và không điều kiện nên gọi là ái kiến đại bi.

Với người già không có tu, dục của thân họ tuy không còn nhưng khẩu họ dục. Họ ưa nói về chuyện dục, hay ưa nhìn về dục, hay suy tư về vấn đề dục và chúng ta hay bắt gặp nơi họ thân dục không có nhưng ý dục vẫn còn tồn tại. Nhìn vào bản thân họ ta thấy đôi mắt ganh tị của họ thật là sâu nặng. Khi họ nhìn thấy ai mà rạng rỡ, ai mà tươi vui, ai mà dễ thương, hay có quan hệ giao tế bình thường trong cuộc sống rất hạnh phúc, thì tự thân họ nhìn bằng đôi mắt cay cú, ganh ghét. Đó là dạng biểu lộ tâm dục vẫn còn tiềm phục.

Trong thế giới người tu chúng ta và trong toàn bộ những sinh hoạt của các truyền thống tôn giáo đều mang màu sắc nầy. Những vị nữ tu lớn tuổi, ở trong những trung tâm tu học đóng kín không tiếp cận với ai, các vị ấy càng về già tâm thức họ càng khó chịu, cay nghiệt vô cùng khi thấy những người trẻ mà tươi vui, hồn hậu và sống động. Bản thân của đặc tính dục bị che lấp, bị trấn ngự cho nên biến dạng thành một loại tâm thức khác, nó cũng là một dạng ái dục ở tầng rất thâm sâu, cho nên chúng ta cần lưu ý.

Đoạn dục tịch tĩnh.

“Đoạn dục tịch tĩnh” là đoạn sạch lậu hoặc, phiền não của tâm thức rất là vi tế. Bao giờ mà thân dục không có, miệng cũng thanh tịnh, ý nghĩ luôn trong sạch, dục không còn biểu hiện ở mặt vi tế là “ái kiến đại bi” tức thương mà thương ái kiến, không biểu lộ qua niệm giận, niệm yêu, niệm ghét... thì người đó đoạn sạch được lậu hoặc ái dục, chứng quả A La Hán. Con đường thăm thẳm xa là như vậy.

Thưa đại chúng, khi nghe từ ly dục, đoạn dục, khử ái... chúng ta rất dễ phát sinh ra hiểu lầm và muốn đào thải, loại trừ, hủy diệt. Nếu xử dụng tâm thức như thế để điều chỉnh, trấn ngự năng lượng dục của tự thân, chúng ta đã đi vào con đường rất sai lầm. Tại sao? Khi chúng ta xem dục là một năng lực cần đối đầu, nó sẽ trở thành một bức xúc quay phá lại mình rất khó chữa trị. Chỉ có một con đường duy nhất để chúng ta có thể chuyển biến năng lượng dục; đó là con đường nhận biết mà không phải hủy diệt loại trừ.

Đơn giản ở mức độ cạn của hình hài vật lý, nếu chúng ta ra lệnh cho mình ngày mai nhịn đói trọn ngày, thay vì vào giờ ăn mới đói, nhưng do đã có thông tin ngày mai không được ăn, tức thì chưa đến ngày mai ta đã thấy đói rồi. Cũng thế, ta có cảm tình hay yêu mến một loài hoa như hoa trà mi, nhưng vì lý do tu viện không cho phép chi tiêu món tiền lớn cho chậu trà mi quá đắt, thế là ta tự khống chế tâm thức mình không được nhìn và đi tới chậu hoa trà mi nữa. Nhưng rủi ro làm sao, đi quanh quanh mình vẫn nhìn thấy nó, qua lại, lên xuống mình cũng không thoát khỏi chậu trà mi.

Tâm thức chúng ta có một con đường như nhau, khi cố tình muốn loại trừ, trấn ngự một điều gì lập tức năng lượng lại đổ dồn về phía đó, tạo thành sức hút cho ta khó chống cự.

Tôi xin chia xẻ cùng đại chúng một câu chuyện vui: Có một thầy kia đi qua đò, khách qua đò ai cũng trả mỗi người hai đồng, cô lái đò lại đòi thầy trả tới bốn đồng. Ông thầy mới hỏi tại sao kỳ vậy? Người ta cũng đi như tôi cớ gì cô đòi tôi đến bốn đồng? Cô lái đò trả lời, người ta đi đò thông thường thôi, còn thầy vừa đi đò vừa ngắm tôi suốt từ bờ bên kia qua tới bên nầy cho nên tôi lấy gấp hai lần. Lần trở về ông thầy biết thân, chỉ cúi mặt xuống không nhìn cô lái đò nữa, sợ người ta lấy tiền gấp đôi. Qua tới bên kia bờ, lần nầy cô lái đò lấy tiền gấp ba lần, ông thầy rất là kinh ngạc và nói tại sao tôi không nhìn cô một lần nào mà cô lại lấy tiền gấp ba lần. Cô lái đò trả lời: “Lần thầy đi nhìn tôi bằng mắt, lần nầy về thầy không nhìn tôi bằng mắt nhưng thầy nhìn tôi bằng tâm của thầy, hình ảnh của tôi đã in vào trong tâm của thầy rồi nên tôi lấy gấp ba là ít đó.”

Thưa đại chúng, điều gì trong ta mà ta đặc biệt lưu tâm muốn trấn ngự, muốn loại trừ tức khắc sẽ tạo thành một xung lực rất mạnh để đánh phá ta. Đó là điều chúng ta cần lưu ý về vấn đề ly dục. Vậy con đường ly dục là con đường thế nào? Đó là con đường nhận biết. Từ sự nhận biết ấy năng lượng dục sẽ được chuyển biến theo chiều hướng tích cực, và có ba con đường chuyển biến về năng lượng dục.

GCon đường cạn nhất là con đường phát triển dục một cách bình thường của đời sống vật lý. Trong thực vật dục là khả năng để duy trì hạt mầm. Trong loài động vật có chu kỳ động dục, và chu kỳ phát dục nầy để nó duy trì chủng loại.

Trong con người chúng ta cũng có đặc tính của dục về mặt vật lý để hình thành thọ mạng đời sống nối tiếp và kéo dài. Con đường thô và thấp nhất là con đường tình dục của quan hệ nam nữ. Con đường nầy nếu để phát triển một cách tự nhiên thì nó sẽ sản sinh ra một con người mới, một thân xác mới. Nhưng nếu cùng một dòng chảy của năng lượng dục nầy mà ta thông minh, ta nhận biết nó bằng phương pháp chuyển hóa thì thay vì dòng chảy xuôi, nó sẽ trở thành dòng chảy ngược và sẽ làm thành một sinh mạng mới trong tự thân ta. Điều nầy có nghĩa, nếu năng lượng dục nầy xuôi dòng theo tình dục tự nhiên của nhân gian; đó là con đường của tử sinh. Là con đường hình thành một bản sao của chính ta, rồi con ta, cháu ta và nhiều thế hệ tiếp nối... mãi đi theo con đường của tử sinh kéo một tràng dài xuôi dòng như vậy.

Trong truyền thống Ki Tô giáo có câu: “Sinh vào Thiên Quốc của Chúa.” Sinh vào Thiên Quốc của Chúa không có nghĩa là đợi chết, rũ bỏ hình hài nầy ta mới sinh vào Thiên Quốc, mà ngay trong đời sống nầy nếu ta biết chuyển hóa năng lượng dục thì tự thân mình đã phát sinh một đời sống mới. Điều ấy có nghĩa là ngay nơi hình hài cha mẹ sinh ra đây chính chúng ta phải tự mình chuyển năng lượng dục nầy và phải tự mình tạo ra một sinh mạng mới. Và lần sinh trưởng thứ hai nầy, thực sự là sinh mạng mới của tự thân.

G Mức độ thứ hai là năng lượng dục nầy cuồn cuộn chảy trong tự thân của mỗi con người, nó làm nền cho đời sống tinh thần, và năng lượng nầy nếu khéo xử dụng sẽ trở thành nỗi đam mê sáng tạo.

Đối với người nghệ sĩ sáng tác, không có niềm đam mê thì họ sẽ không học tập thành tài, không thể đầu tư toàn bộ năng lượng của mình vào những tác phẩm nghệ thuật. Trong mọi loại hình nghệ thuật đều đòi hỏi năng lượng nầy có mặt. Nó là phần tinh túy thúc đẩy sự đam mê để cho con người có thể tạo ra những tác phẩm vượt thời gian, không gian như thi ca, hội họa, điêu khắc...

G Ở mức độ thấp, năng lượng nầy chỉ chảy vào phần vận động cơ bắp và các sinh hoạt tình dục của con người. Dĩ nhiên có một điều nên lưu ý ở đây, tình yêu là một bông hoa, là một quà tặng mà tạo hóa dành cho con người vốn dĩ được phối hợp không phải bằng tình dục mà bằng sự tiếp xúc qua các tầng thâm sâu của tình cảm và tinh thần của con người.

Con người có thể làm cho đời sống lứa đôi của họ mỗi ngày mỗi hạnh phúc hơn hoặc chìm đắm, chán nản bất hạnh hơn bằng cách nâng cao đời sống từ thô của tiếp xúc vật lý đến tinh tế của tình cảm, tinh thần đem lại một tình yêu có phẩm chất thực sự. Hoặc ngược lại do chính họ có thông minh hay không mà thôi.

3. Phẩm chất thực của người tu.

Trong pháp chế nhà Phật, Đức Thế Tôn qui định khi thâu nhận người xuất gia là người phải hoàn thiện lục căn và giới tính. Nếu là nam thì phải hoàn thiện phẩm chất của người con trai. Nếu là người nữ thì phải đầy đủ phẩm chất của người nữ mà không hề có sự pha trộn giữa 50% nam hoặc 50% nữ.

Dùng lăng kính rất bình thường, ta sẽ nghĩ người như thế tức người không phải nam, không phải nữ thì họ không có dục; không ái nam, không ái nữ chắc là sẽ rất dễ được nhận vào làm người tu, và rất dễ tu.

Nhưng mà không. Pháp qui Phật dạy: Một là trọn vẹn phẩm chất của một người nam, hai là trọn vẹn phẩm chất của một người nữ; tức là cơ chế vật lý, sinh lý của đời sống cần phải bình thường. Đó là căn bản để tiến đạo.

Cơ chế vật lý bình thường là có một hình hài trọn vẹn, nếu ở trong nhân gian thì chúng ta có thể yêu thương, có thể làm cha hay làm mẹ thì chúng ta mới có khả năng làm người tu được. Tức là chúng ta phải có năng lượng dục bình thường, để con người có thể vươn vai tự thân đứng dậy và trưởng thành trong đời sống tâm linh. Nếu năng lượng dục không có, ta chỉ là người lững đững, lờ đờ, cận kề với cái chết. Và nếu không có niềm đam mê tu tập thì không thể nào tu tập được. Cho nên chúng ta không nên nhìn dục dưới lăng kính của một nhà đạo đức thiên kiến

Những nghệ sĩ là những con người mà sinh lực và năng lượng dục rất mạnh, đời sống tình cảm rất ư bén nhạy và cảm tính của họ mạnh vô cùng, nên không có một người nghệ sĩ nào mà tình cảm không thay đổi nhanh chóng vì năng lượng dục của họ phát tiết trong lãnh vực nghệ thuật vẫn còn thừa thãi. Cho nên họ luôn có những niềm đam mê lớn. Với nguồn năng lượng dục cuồn cuộn trong tự thân nhưng vì không biết chuyển hóa, nhận diện nên họ đã để cho nguồn sống chảy vào con đường của thế trần tạo thành dòng chảy tử sinh chìm nổi. Hoặc là họ trút tất cả vào nỗi đam mê tinh thần ở tầm mức có thể cao hơn, hay hơn nhưng vẫn không thể so được với con đường tâm linh vượt thẳng trời cao.

Con đường tâm linh là con đường tự làm cho dòng chảy của dục biến chuyển, quay ngược trở lại làm ra một sinh mạng mới; đó là sinh mạng của tuệ giác.

Ở từng mức thâm sâu nầy, nếu biết chuyển hóa năng lượng dục trong đời sống tu tập, thì quanh ta là một môi trường lành mạnh, là bầu khí quyển tốt lành cho ta hít thở, trưởng thành. Đó là mặt cạn nhất mà môi trường tu trao cho ta.

Trong sinh hoạt tu viện như những pháp thực tập của chúng ta thì phim ảnh, tiểu thuyết và tất cả những thức ăn có tính cách nuôi dưỡng bạo hành, khơi động tình dục đều bị cấm chỉ. Nó có tính cách ngăn cản lượng thông tin bên ngoài đi vào tác hại, làm ô uế tâm thức ta. Tuy nhiên, dù đã ngăn tất cả dòng chảy bên ngoài không được xâm phạm bản thân chúng ta, nhưng nếu tự bên trong năng lượng dục vẫn rạt rào, sôi sục và có khuynh hướng như dòng nước muốn vỡ bờ thì chúng ta vẫn chưa có thể làm cho nguồn năng lượng ấy chuyển dòng để làm thành một sinh mạng mới của tự thân.

Điều chúng ta phải làm là đầu tư năng lượng đam mê của chính tự thân tâm ta; mặt cạn nhất là những thực tập bên ngoài như học hỏi, tư duy, chiêm nghiệm, thiền quán... mới mong tác thành pháp thân huệ mạng. Thử nhìn vào đời sống nhân gian để thấy. Nếu con người nào mà chỉ có niềm đam mê lớn về lợi danh, chỉ đầu tư năng lượng cho học thuật, thì con người kia sẽ rất là nhẹ gánh với vấn đề tình cảm. Thế nên chỉ cần phát triển duy nhất niềm đam mê tu tập bùng cháy trong tâm thức, thì năng lượng dục không còn hướng phát triển thuận chiều, chảy xuôi vào ngõ lục đạo luân hồi nữa.

Điều nầy rất rõ khi chúng ta nhìn sâu hơn vào trong một xã hội mà xã hội ấy có nền văn minh cao, trí thức được nâng lên thì tình trạng phát triển dân số rất ít. Ngược lại trong xã hội nghèo đói chậm tiến, trình độ trí thức thấp kém thì xã hội ấy dân số phát triển cực kỳ nhanh chóng.

Thưa đại chúng, khi chúng ta xuất gia sống trong đạo, tu hành ngày nọ qua ngày kia; ngày nào cũng tụng kinh, ngồi thiền, đi kinh hành, nghe pháp... lập đi, lập lại như một vòng tròn, nhưng chúng ta đâu biết rằng đời sống đơn điệu, bình dị đôi khi trở thành tẻ nhạt đó là điều ước mơ không những cho người ở phố thị lao xao, mà đôi lúc cũng có thể là niềm mơ ước của Chư Thiên nữa. Họ mơ ước biết bao được đời sống như chúng ta. Một đời sống giản dị, thảnh thơi, an bình và có trọn vẹn thì giờ để tu tập. Chúng ta thử nghĩ, bôn ba dưới phố một tuần hai ngày nghĩ các thiền sinh lên đây để thực tập, để được nhìn, gặp chúng ta bởi vì niềm đam mê của họ lớn vô cùng, bởi vì thấy đời sống quí Thầy Cô sao thích quá. Trong khi chúng ta đang ở trong thế giới thật sự của người tu lại không thấy điều nầy là hạnh phúc tuyệt vời. Chúng ta thấy sao mà chán nản, ngày tháng trôi qua một ngày như mọi ngày rất ư là vô vị và nhạt nhẽo. Có phải vì chúng ta chưa xử dụng hết năng lượng của tự thân mình, để tự nuôi dưỡng và làm thành một sinh mạng mới?

Chưa ai có nhiều thì giờ như người tu để học, người tu chúng ta có cả một đời dài để học, để thực tập, để tu. Thời gian từ lúc vào chùa cho đến lúc bỏ hình hài, thì giờ đó là của chính chúng ta. Suốt con đường dài chúng ta chỉ làm hai việc mà thôi. Một là học, hai là thực tập. Chúng ta hãy dành trọn vẹn cuộc đời để làm hai việc đó. Dù cho người ấy xuất gia lúc 60 tuổi đi nữa, họ cũng ở trong đạo mười năm, có nghĩa là người ấy còn có được mười năm để học, để trau dồi, để tu không bị phí phạm một chút thời gian nào dù ngắn.

Nếu chúng ta thông minh biết dùng hết năng lượng của thân tâm, thổi niềm đam mê học hỏi và thực tập cháy bùng lên mãnh liệt, có thể chưa chứng được A La Hán quả trong hiện đời nhưng chắc chắn quý Thầy, quý Sư cô cũng trở thành những bậc thầy tài ba lỗi lạc, trác việt không ai sánh bằng.

Chúng ta chưa cần làm gì nhiều, chỉ cần quay lại nhìn đời sống tự thân của chính mình, cũng đủ thấy hạnh phúc vô ngần. Không cần bỏ tiền muôn bạc triệu xây dựng mà tự nhiên tôi được thưởng lãm núi rừng thênh thang bát ngát và được ngồi trong một thiền đường trầm lắng tôn nghiêm. Có những buổi khuya thức dậy sớm, xuống đây thắp một nén hương cắm lên bàn Phật, thiền hành một vòng tôi cảm được niềm hạnh phúc. Rồi những buổi chiều thả bộ trên đường vắng, lòng thảnh thơi và mênh mông; không gian nầy, con đường nầy và đất trời đang cùng tôi mở hội. Cả cuộc đời người tu đến và đi trên hành tinh nầy nhẹ như mây, chúng ta có trọn cả một đời để tu không vướng vào một điều gì khác. Thật là tuyệt vời.

Và khi chúng ta đầu tư năng lượng sống của mình cho sự tu tập, đã nếm hương vị của hạnh phúc lớn như thế thì không hề có lợi danh, buồn phiền, lo toan, ái nhiễm gì của nhân gian có thể lôi mình được và làm sao mà lôi mình được. Có hạnh phúc nào đổi được hạnh phúc của người tu. Chỉ ở bình diện cạn thôi, chúng ta đã thấy hạnh phúc tràn đầy trong tâm thức của mình rồi.

Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn lại vấn đề dục để nhận biết thêm một điều nữa là không có hiện tượng nào mà không có hai phần: phần vật lý và phần tâm lý bên trong.

G Phần vật lý thô cạn của dục là quan hệ tình dục của phái tính. Quan hệ tình dục giữa nam và nữ nếu chỉ đơn thuần trên mặt cạn của vật lý nó không có nghĩa gì cả, chỉ là sự đòi hỏi thỏa mãn qua sự giao thoa giữa hai thân xác, và đôi lúc chỉ là tình cảm lợi dụng. Nhưng đằng sau của vật lý dục, người ta còn có cái hồn của nó gọi là tình yêu nằm sâu bên trong. Cái hồn nầy là sự tiếp xúc của hai tâm thức, chứ không phải chỉ là hình hài của hai thân xác. Bản chất của dục về mặt vật lý nếu chảy ngược lại được thì sẽ trở thành niềm đam mê, niềm thôi thúc cho nhà nghệ sĩ sáng tác nên những tác phẩm để đời. Riêng với người tu, năng lượng dục nếu chảy ngược dòng, tự thân nó làm cho người tu chúng ta trong phần thể chất tỏa sáng năng lượng chánh niệm. Người tu mà nếu không có phẩm hạnh thì tự thân đời sống bên ngoài không thể hiện được năng lượng cuốn hút của sự tĩnh tại, an bình.

G Phần thâm sâu hơn, dòng chảy ngược của năng lượng tự thân sẽ trở thành nỗi đam mê lớn đối với pháp thực tập chánh niệm. Khi tâm thức ta sống trọn vẹn với sự nhận biết liên tục, tức là sống thực sự trong chánh niệm hai mươi bốn giờ một ngày, bản thân của năng lượng nầy sẽ hình thành một sinh mạng mới bất sinh bất diệt.

Chúng ta đều biết pháp thực tập căn bản của mình là phải mời gọi năng lượng chánh niệm liên tục. Làm thế nào cho tâm ở lại với thân trong từng hơi thở vào ra, trên từng bước chân đi, từng bước chân trong cả chiều dài đời sống đều có dấu ấn của tâm. Rồi mỗi động tác quay người, ngẩng đầu, nheo mắt... mỗi một cử động đều mời gọi tâm ta ở lại với thân 24/24. Mời gọi năng lượng chánh niệm luôn có mặt với ta đòi hỏi gì nơi ta để làm được điều nầy?

Thưa, cơ thể vật lý chúng ta không phải là một cơ thể ù lì, mỏi mệt, bệnh tật mà phải là một cơ thể thật sinh động. Không phải một con người đi rề rà, không muốn bước mà thực tập chánh niệm được. Đành rằng chúng ta bước những bước rất chậm của lần thực tập ban đầu, và trong mỗi động tác mình phải cố tình làm chậm lại để kiểm soát thân hành, để làm cho năng lượng chánh niệm có mặt, nhưng không có nghĩa là chúng ta cứ rề rà, chậm chạp mới có thể thực tập chánh niệm được. Bản chất rề rề, ù lì đó biểu lộ một tâm thức rất là ủy mị, uể oải, dật dờ thiếu năng lượng sống.

Đừng tưởng rằng tuyển chọn người vào tu là những người nói không ra hơi. Người xuất gia phải là những người rất kiêu hùng mới có thể sống được một đời tu tập, ngẩng cao đầu không biết sợ trời đất là gì, và những người tu đó năng lượng của họ phải tuôn trào cuồn cuộn trong thân. Mặc dầu bên ngoài ta đi đứng, nói cười đằm thắm, nhẹ nhàng nhưng bên trong bản chất phải rất hùng. Tự thân đời sống người tu là như thế. Đừng quan niệm rằng, người tu phải thực tập nói rỉ rả, nói không ra hơi, không dám nói rồi đi đứng như người bệnh.

Nếu chúng ta không ôm ấp niềm đam mê lớn để tu tập, chắc chắn là chúng ta không thể mời gọi năng lượng chánh niệm về trong từng sát na của hơi thở. Tâm thức ta rất dễ đi hoang,và thích thả trôi trong đường dài của sinh tử. Chúng ta phải là người có năng lượng đam mê vô bờ mới có thể kéo tâm về trụ lại nơi thân.

Giả sử thân đang bệnh hoặc mỏi mệt, buồn rầu, bất an thì chúng ta sẽ thực tập rất khó. Cũng như thế, để có thể nhận được đạo lý và đạt đến chỗ vô sinh, bất diệt đòi hỏi khả năng tu tập để chuyển đổi hoàn toàn dòng năng lượng được gọi là dục thành một niềm khao khát tu tập, để chánh niệm dâng tràn mới có thể hoàn thành sinh mạng mới, chứng được quả an lạc.

Khi chúng ta nghe từ “dục” nầy đừng nghĩ đến mức độ thô phù của quan hệ tình dục. “Dục”thâm sâu và tinh tế hơn nhiều và được biểu hiệu ra nhiều mặt.

Khi chúng ta thấy bất cứ hiện tượng hạnh phúc của một người nào, hay thấy khuôn mặt rạng rỡ, tươi mát của một ai mà khởi tâm ganh tị thì đó là dạng chuyển biến của năng lượng dục đã bị trấn ngự nên đổi chiều qua hướng khác.

Chúng ta cũng đừng nhìn dục bằng cái nhìn đối kháng, thù hằn, chế ngự. Tự thân mỗi người đều có năng lượng nay tuôn chảy để hình thành sự sống. Do vậy chúng ta chỉ có thể làm được một điều là chuyển dòng chảy, chứ không thể tắt dòng chảy, giết dòng chảy được. Không có cách gì để diệt trừ, đào thải năng lượng dục. Cơ thể vật chất có thể hủy hoại được, tiêu diệt được nhưng năng lượng vô hình thì không thể.

Vì vậy, chúng ta chỉ có thể chuyển được năng lượng dục nầy bằng con đường của nhận biết. Ví dụ khi tự thân chúng ta có năng lượng giận, chúng ta không thể dùng cách gì để loại trừ hay hủy diệt cơn giận nơi ta được. Thông minh nhất, hãy mời gọi năng lượng nhận biết lên để nhận biết cảm thọ giận. Khi năng lượng nhận biết có mặt tức khắc cái giận bị cắt hết khả năng tiếp tế, hỗ trợ tự nhiên nó biến mất. Cũng vậy, chỉ bằng con đường thông minh nhận biết nầy, năng lượng dục tức thì được chuyển hóa thực sự.

Tịch tĩnh.

“Tịch tĩnh” là từ khác của Niết Bàn. Khi chúng ta đoạn sạch hết lậu hoặc từ mức độ cạn đến mức độ tinh tế là chúng ta thành đạt được pháp Niết Bàn. Đây cũng là câu tuyên ngôn đầu của Đức Thế Tôn. Người dịch ngày xưa trích dẫn từ trong văn học A Hàm, đã lấy bốn câu nầy để làm phần mở đầu cho Kinh Tứ Thập Nhị Chương. Ngay bài đầu tiên ta đã thấy bóng dáng lịch sử trong đó, chẳng hạn như câu tuyên ngôn: “Đức Thế Tôn sau khi thành đạo.” đến câu tiếp: “Trụ Đại thiền định, hàng phục ma đạo.” tức nói đến cách hành xử của Đức Thế Tôn đối với cuộc đời.

Cả cuộc đời của đấng Giác Ngộ, chưa bao giờ bằng con đường bạo hành để chuyển hóa xã hội, tiếp tăng, độ chúng, hoằng pháp hay để đối phó với ngoại đạo mà duy nhất chỉ bằng con đường của Thiền định. Và từ định lực hùng hậu, bằng tâm từ và tuệ giác có mặt, Ngài đã làm bao nhiêu việc lưu lại cho hậu thế đến ngày hôm nay đã hai mươi sáu thế kỷ.

Trong quá trình tu tập, vào đêm cuối cùng trước khi thành đạo, bao nhiêu quá khứ cuồn cuộn chảy về, Ngài chỉ dùng một phương pháp là trụ trong Đại thiền định mà hàng phục những nỗi niềm của quá khứ. Bao nhiêu nghiệp thức nhiều đời, nhiều kiếp tuôn trào như những cơn mưa, mà trong văn học Đại Thừa gọi là những thế lực của ma nhiễu loạn, đốt cháy, làm ngập lụt... Ngài vẫn an nhiên trụ trong Đại thiền định. Rồi tất cả những thế lực đối đầu hủy phá kia trở thành ngàn hoa rơi xuống trước mặt Ngài.

Tất cả chỉ là ngôn ngữ biểu tượng để chúng ta nhận ra một điều, chỉ cần an trú trong chánh niệm, trong định, trong tuệ là tự nhiên chúng ta có một vùng khí quyển tuyệt vời bao quanh, bảo hộ và che chở.

Đức Thế Tôn được biểu đạt như vậy bằng những câu kinh sáng rực trong dòng lịch sử. Chúng ta hãy có niềm tin vững chắc và qui chiếu vào tự thân để thực tập. Khi mà vùng năng lượng chánh niệm trở thành vùng khí quyển bao quanh, chúng ta đều có khả năng loại trừ phiền não, nghiệp chướng, bất an, sầu tư... và nghịch cảnh bên ngoài có bốc cháy cũng không thể nào xâm phạm được cuộc đời của người tu chúng ta.

4. Thuyết pháp và dựng tăng.

Sau khi thành đạo, hàng phục ma quân Đức Thế Tôn đến Lộc Dã Uyển độ cho năm anh em Kiều Trần Như, và lần lượt năm anh em đều chứng được A La Hán.

Chỉ trong đoạn kinh rất ngắn nầy mà người xưa đã tổng kết, đồng thời làm nổi bật được lịch sử thành đạo, tuyên ngôn đầu, dựng tăng, hàng phục ma và thuyết pháp của Đức Thế Tôn.

Tuyệt vời nhất của bậc Đạo Sư là chỉ ngay trong mùa an cư đầu tiên, ba tháng với năm ông thầy tu ốm đói, (vì họ nhịn đói nhiều quá) vậy mà Ngài đã trui rèn cho họ đều chứng được quả A La Hán, tức là dứt sạch lậu hoặc. Khi mà một tăng đoàn có được năm vị Trưởng lão giỏi như vậy, tu hành thâm sâu như vậy làm giềng mối, làm nền tảng, chắc chắn về sau công trình dựng tăng của Ngài Cồ Đàm rất dễ dàng.

Trong điển lục Trung Hoa, đại Già lam không có nghĩa là quy tụ đông tăng, năm trăm, một ngàn, hai ngàn... Nơi được gọi, được đánh giá là đại Già lam chỉ cần năm, hay sáu vị ngộ đạo thì được gọi là đại Già lam. Ngài Triệu Châu chỉ có năm, sáu ông thầy nhưng rất ư tài giỏi nên vẫn được gọi đó là hang rồng, ổ cọp.

Tại Việt Namcũng vậy, những tu viện có khi quy tụ rất đông nhưng mà giá trị không lớn nên thiên hạ không nể phục. Ngược lại có những ngôi chùa chỉ có vài ba ông thầy thôi, nhưng họ đầy đủ phẩm chất nên nơi đó trở thành trung tâm tu học. Trong lãnh vực văn hóa, học thuật đôi lúc chúng ta cũng chỉ cần có năm, bảy thầy thật ưu việt thì đã đóng góp và làm biến đổi được dòng chảy văn hóa đạo đức cho nhiều thế hệ tương lai.

Trên tầng cao hơn văn hóa là đời sống tâm linh. Một trung tâm tu học nếu đào tạo được những vị thầy thật giỏi, chứng nghiệm đời sống tâm linh thì không những chỉ làm nên cây cao bóng mát cho tự viện mà đôi khi cho cả một quốc gia được nhờ.

5. Quả vị.

Thưa đại chúng, năng lượng là quà tặng tự hữu có mặt tràn đầy trong tự thân mỗi người. Chúng ta sinh ra trong cuộc đời phải phấn đấu vô cùng cực nhọc để được tồn tại cho đến ngày hôm nay, chứng tỏ trong tự thân mỗi hình hài nầy năng lượng sống luôn tuôn chảy rạt rào, có điều chúng ta chưa biết xử dụng nó, và chúng ta chưa làm đủ để dòng năng lượng chảy ngược theo ý muốn.

Ở mức độ vừa phải, chúng ta cũng chưa đẩy được năng lượng mình lên đủ để tạo niềm đam mê cho sự tu học; chúng ta đã tiêu phí năng lượng của mình một cách vô tội vạ và thừa thãi vô cùng. Nếu thông minh, chúng ta biết đẩy dòng năng lượng chảy đến hướng của sự tu học, chúng ta đủ trở thành những người làm cây cao, bóng mát, trụ đá cho chốn Già lam.

Nếu chúng ta biết đẩy mạnh dòng năng lượng lên đến tầng cao hơn nữa trong đời sống tâm linh - tức chúng ta đã làm thành một sinh mạng mới: Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ. Đạt đến chỗ không sinh, không diệt. Đạt đến tận nguồn của sự sống và chấm dứt kiếp lang thang qua nhiều cõi tử sinh của chính cuộc đời mình. Đó là thành tựu quả vị từ thấp đến cao, và chúng ta sẽ đi vào phần nầy một cách chi tiết trong những chương sau.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]