Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 8: Trước hàm sư tử

21/03/201105:25(Xem: 7252)
Chương 8: Trước hàm sư tử

DU LỊCH XỨ PHẬT
Tác giả: Montgomery Mc. Govern, Đoàn Trung Còn dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

Chương 8: Trước hàm sư tử

Trời còn sớm, tôi muốn dừng nghỉ và viếng thành Pédé-Dzong, vì còn vài cây số thì tới. Khi gần đến mới hay một tin rất quan trọng làm cho tôi phải sắp đặt lại việc đi đường.

Thấy tôi vắng mặt ở Darjeeling lâu, người ta đã bắt đầu dị nghị. Và khi biết rằng tôi đã qua khỏi xứ Sikkim thì họ mới nghi hoặc thêm. Sau nghe đồn rằng có người gặp tôi gần Lachen, họ mới chắc rằng tôi đi vào Tây Tạng và muốn đến kinh thành Lhassa.

Chính phủ liền thông báo cho các quan địa phương. Ngay hôm tôi đi khỏi Shigatsé ngày 7 tháng 2, thì chính phủ trung ương và hội đồng các bộ trưởng ở Lhassa biết rằng tôi đã vào Tây Tạng và đang đi thẳng vào kinh. Ngày kế đó chính phủ liền gởi giấy báo đến các quan địa phương, ra lệnh tìm kiếm tôi mà bắt lại và đuổi trở ra khỏi biên giới. Vài ngày sau, không nghe ai bắt được tôi, chính phủ bèn cho các quan chức được phép đón xét và lục soát kỹ lưỡng những bộ hành và thương khách đi theo đường vào kinh đô.

Các đường lớn đều có người canh giữ rất nghiêm. Chúng tôi đi theo đường vắng, ở mấy chỗ đó họ chưa hay, cho nên chúng tôi không nghe tin tức gì lạ. Đến khi tới đường lớn từ Gyantsé, thẳng suốt vào Lhassa, chúng tôi mới hay thiên hạ đồn rùm với nhau rằng có yêu quái ở ngoại quốc đang đi vào trong nước.

Dân gian lấy làm sôi động, ai cũng đều hỏi chúng tôi xem có thấy người lạ ấy hay chăng. Lẽ tất nhiên là chúng tôi đáp rằng không thấy. May cho chúng tôi đi với đám người danh giá, cho nên không ai để ý nghi ngờ. Nhưng họ đã tới nhà, bây giờ mình không tháp tùng với ai, tôi cứ sợ gặp việc trắc trở nên lòng lo lắng ái ngại hoài. Đường đến kinh đô còn không bao xa, lối chừng tám chục cây số, mà họ giữ gìn rất nghiêm nhặt, nhưng cũng đánh liều nhắm mắt đưa chân. Từ hôm đi không có việc gì trở ngại, là vì không ai nghi ngờ. Tuy vẫn chắc ý về sự thay hình đổi dạng, nhưng họ xét kỹ lắm, đâu dám chắc gì là mọi chuyện đã hoàn hảo.

Ngủ không được, tôi bèn ra ngoài đi dạo với La-ten. Tôi có đem theo đồ để vẽ mặt mày, vì mấy hôm nay quá dày mưa dạn gió nên nước thuốc đã phai nhạt đi dần. Chúng tôi đến chỗ vắng, La-ten bèn sửa dặm lại cho tôi. Xong rồi, tôi bỏ hết đồ ấy, vì nếu đem theo chúng xét gặp được thì bại lộ. Hai đứa tôi đi dạo gần đến chùa Samding là một cảnh chùa có danh tiếng ở trong nước. Chùa này lạ hơn hết, phân nửa người tu hành là tăng, còn phân nửa là ni, trên hết có sư trưởng là một sư nữ, gốc là Thánh mẫu Dorjé-Pamo tái sanh. Chùa của Phật bà tuy không phải của chính phủ, vì tăng chúng đội mũ đỏ chứ không phải đội mũ vàng. Song Nhà nước cũng đối với bà ngang hàng như đức Phật sống là nhà vua. Những khi đi xa bà cũng ngồi kiệu như đức Đạt-lai Lạt-ma và đức Ban-thiền ở chùa Trashi.

Bà không giữ lệ cạo đầu như các vị tăng ni, nhưng bà không bao giờ nằm mà ngủ. Ban ngày bà có thể ngồi ngủ trên ghế dựa, nhưng ban đêm bà thức trọn mà tham thiền, bà ngồi tập trung tư tưởng rất nhọc nhằn theo như cách của các nhà tu hành đại định.

Tôi không dám đi gần chùa và không dám để cho mấy vị sư với sư cô gặp, vì trong xứ người ta còn nhớ một chuyện truyền kỳ: Ngày trước có một người ngoại quốc vào xứ, thì nước dưới hồ trong chùa liền đổi màu và thành nước độc. Từ đó về sau, người trong chùa biết mà ngăn ngừa người lạ. Chùa không nằm trên đường đi, thì dại gì phải đi ngang ấy cho mang họa. Dạo cảnh qua loa, rồi La-ten với tôi cùng trở lại chỗ ngụ ở làng Yasé.

Chuyện Phật bà và những lời đồn dân dã làm cho thằng La-ten sợ lắm. Anh ta nói với tôi rằng nên trở về, hoặc có muốn đi thì nên đi một cách công khai, bất quá họ có bắt cũng chỉ giam lại rồi trục xuất về xứ. Còn để người ta truy tìm, bắt được theo cách giả dạng thế này thì chắc người ta sẽ hành khổ và giết chết mất. Tôi đáp rằng mình đi đã xa rồi, trở về là dại lắm, và tôi đã quyết chí vào kinh, dẫu cho nguy cách nào tôi cũng không lo ngại. Anh ta không lấy gì làm hài lòng, nhưng cũng nghe theo, và hứa giữ lòng trung thành với tôi.

Tôi cũng định tháp tùng với một đoàn lữ hành đặng khỏi bị nghi ngờ, như vừa rồi nhờ đi chung với người bản xứ mà tôi vào tới làng Yasé được dễ dàng. Tôi cho La-ten đi rảo trong làng tìm xem có đoàn lữ hành nào muốn tới Lhassa chăng. Anh ta chẳng tìm được. Nhưng ở trong một quán trọ, gặp ba lữ khách sắp vào Chushul, xứ này cách đô thành Lhassa sáu chục cây số. Chúng tôi tạm cho là được nên thương thuyết với họ đặng đi chung một đoàn.

Trời gần sáng, cả bọn ra đi. Một lát sau, thấy thành Pédé-Dzong phía trước. Chúng tôi muốn đi qua khỏi thành hồi khuya, nhưng vì trễ nên có một người lính tuần trên tháp trông thấy. Chúng tôi không ngừng ở trong làng về phía dưới thành, lại đi rất mau. Liền đó, có hai viên quan trong thành chạy tới và ra lệnh bảo chúng tôi ngừng. Họ hỏi chúng tôi ở đâu lại và có gặp người ngoại quốc nào chăng.

Lúc ấy, tôi tưởng là không xong rồi. Họ xét thằng Sa-tăn rất kỹ vì nó là chủ. Họ cũng xét tôi, nhưng sơ sài lắm, còn sơ sài hơn xét thằng La-ten, vì tôi là đầy tớ bậc chót! Họ cũng mở nút áo tôi ra, thấy ngực tôi cũng đen đúa dơ dáy như mọi người, bèn thả tôi. Tôi lo sợ về cặp mắt lắm, nhưng họ không thấy. Họ đâu có ngờ được rằng, một người Tây đi bộ ròng rã bốn chục cây số với các đồ nặng trên vai, còn người làm thuê lại ngồi trên yên ngựa rất thong dong nhàn hạ!

Trải qua bao cơn nguy hiểm, bao lần thấy sự chết giữa đường, nghĩ lại mà tự khiếp. Bây giờ đi tới kinh đô, thấy người ta tuần phòng nghiêm ngặt lắm, lại càng khiếp thêm.

Chúng tôi nghỉ trong nhà trọ, làm quen với cô chủ. Cô ta vui lòng ngồi lại mà cói chuyện với chúng tôi. Tôi buồn ngủ, ngồi dựa góc tối. Thình lình nghe cô ta đem chuyện người ngoại quốc muốn vào kinh đô mà thuật lại và hỏi rằng chúng tôi có thấy người ấy hay không. La-ten đáp rằng chẳng gặp ai là người ngoại quốc và bởi vì bận công việc đi đường, nên không để ý đến việc gì hết. Cô ta nói rằng muốn gặp yêu quái lạ lùng và sẽ có cách xử trí với yêu quái. Cô ta chắc rằng quan chức tìm kiếm kỹ lắm, thế nào cũng phải bắt được. Hơn nữa, đức độ nhà vua lớn lắm, có thể làm cho yêu quái bị người ta nhìn bắt và đuổi về xứ.

Tôi nghe cô trông cậy vào đức của Phật sống thì lưu ý lắm. Người Tây Tạng kính phục nhà vua, xem như đức Phật đầu thai, có đủ toàn năng và toàn trí, họ nghĩ rằng ngôi vua chỉ để riêng cho đức Phật sống, chớ thường nhân không ai dám tranh giành.

Vua đã trải qua mấy lúc gian truân, mấy phen lận đận lưu vong, nhưng lòng dân vẫn còn tôn trọng ngài luôn. Có lẽ họ đã quên mất mấy năm lưu lạc của vua rồi. Cô chủ nói hết chuyện, chúng tôi ngủ đến khuya rồi dậy ra đi.

Trời vừa rạng sáng, đi đến mé sông, phải qua đò. Tôi sợ bên kia sông có quan đứng đón mà xét bộ hành từng người. Chúng tôi tới bến đò thì bọn chèo còn ngủ. Họ chờ đến sáng mới chịu đưa khách qua sông. Đứng một lát lạnh quá, nhưng tôi không muốn đứng gần nhà đò, bèn đi dạo theo ven sông, luôn dịp xem cảnh chùa trước mặt.

Chùa chỉ có chừng mấy trăm tăng chúng, nhưng là một chỗ có danh tiếng từ xưa. Có danh là nhờ cái cầu sắt bắt ngang sông, gần bến đò. Bây giờ cầu vẫn còn. Buổi rạng đông đứng trông thật là đẹp. Nhưng cầu không còn dùng được, vì mấy năm sau này mé sông lở rộng ra, cho nên cầu dường như bắt trên một cái cù lao. Người Tây Tạng không làm cầu lại, cho nên bây giờ phải dùng đò mà qua sông.

Văn minh Tây Tạng ngày nay suy yếu rồi. Cái cầu ấy làm chắc lắm, đã chịu nổi trên năm trăm năm, từ đời vua Tang-Tong tức là khoảng thế kỷ thứ 14, 15.

Người ta thờ vua Tang-Tong vào bậc thánh. Bây giờ vẫn còn thờ phụng trong chùa gần cầu. Vị vua ấy chẳng những làm một cái cầu đó mà thôi, ngài lại còn cất 108 cái chùa và 7 cái cầu khác bắt ngang sông Brahmapoutre. Có nhiều cầu bây giờ vẫn còn dùng được như xưa.

Trời sáng, tôi trở lại bến đò. Tôi đang đi, có một toán ni cô đi qua mặt. Họ cũng đi lại bến đò, vừa đi vừa nói chuyện một cách vui vẻ.

Mấy người dưới đò thức dậy rồi. Cùng nhau xuống đò, có mấy ni cô, ba bốn thầy sãi với bọn chúng tôi.

Đò đi chậm chạp. Nhưng khi qua sông, thật may mắn là không gặp quan chức đón hỏi. Vì đò là của riêng, chùa cho người ngoài mướn, thâu lấy một phần lợi vào việc nhang đèn

Chúng tôi đi chung với mấy người nữa. Họ đi về quê của họ là Chushul. Qua khỏi một cái truông, bây giờ đã thấp thoáng thấy thành phố Chushul từ xa. Chỗ này có binh lính rất nhiều, ấy là một địa điểm trọng yếu về quân sự.

Hồi năm 1910, lúc Tây Tạng bị Trung Quốc chiếm, vua Đạt-lai Lạt-ma trốn qua Ấn Độ, lính Trung Quốc quyết vây bắt cho được vua, không cho thoát ra ngoài. Một đội binh dưới quyền chỉ huy của tướng soái Tây Tạng tên Nam-gang, là quan Tsarong-Shapé bây giờ, đã đón binh Trung Quốc tại chỗ này đánh cầm chừng nhiều ngày để cho vua thoát ra khỏi biên thùy.

Chushul vì gần thành Lhassa, nên người ta canh giữ nghiêm hơn các nơi. Mấy chủ nhà trọ đều ghi tên họ của hành khách lạ và có quan chức đến khám xét thật kỹ, không ai lén lút vào kinh đô được. Mấy người bạn đi đường với chúng tôi là người danh giá trong thành phố, đủ đảm bảo cho quan chức tin chúng tôi là người chắc chắn, nên không ai ngăn cản, được đi lại tự do. Từ đây cả bọn không được tháp tùng với ai, tôi lấy làm tiếc lắm.

Trời nắng, tôi lại đang có bệnh, nhưng phải đi trước. Mấy người kia cưỡi ngựa theo sau. Đến một chỗ vắng, không thấy ai, tôi bèn ngồi nghỉ, nhưng không ngồi xếp theo kiểu người Tây Tạng. Thình lình có một viên quan với hai người lính đi ngựa tới, rẽ qua một góc đường bất ngờ gặp tôi. Thấy tôi ngồi theo dáng lạ, họ liền dừng ngựa lại họ hỏi tôi là ai, muốn đi đâu. Tôi lấy làm ngạc nhiên vì một chuyện rất nhỏ mà họ cũng để ý nghi ngờ. Tôi bỡ ngỡ, chỉ nói lập cập rằng tôi bị bệnh, rằng tôi là một người nhà quê hèn mạt theo chủ đến kinh mà hành hương...

Sa-tăn với La-ten vừa đến kịp. La-ten hiểu ngay tình cảnh lôi thôi, anh chàng liền tiếp cứu tôi bằng một cách rất hay. Anh chạy ngựa lại, quất tôi một roi rất đau và la rầy tôi sao dám ngừng nghỉ dọc đường, rồi hét lên bảo tôi phải đi liền. Tôi ríu ríu đi. Hai người đứng lại nói chuyện với viên quan, chỉ một lát hai người lại theo kịp tôi và cho hay rằng chuyện đã êm.

Mấy tháng sau, khi tôi về xứ, mới biết rằng trước đó đã có ông Sir Francis Burton muốn lén qua thành La Mecque, do sơ ý cũng ngồi theo cách như tôi mà bị chúng bắt được rất lôi thôi.

Tôi đi trước, để mấy người của tôi đi ngựa theo sau. Dọc đường, có nhiều người qua mặt chúng tôi. Họ đi ngựa vào kinh. Và chúng tôi cũng qua mặt nhiều người khác. Những người nầy là người hành hương, họ chịu khổ để cầu được công đức. Có một người làm cho tôi rất chú ý. Ông ta vừa đi vừa lạy, cứ mỗi một bước thì lạy một lạy. Tôi có cúng dường cho người ấy. Ông nói rằng định đi hành cước đến các danh lam bên Lhassa. Ông đi như vậy từ thành Shigatsé, vừa đi vừa lạy đã được một năm rồi. Ông nói rằng muốn thí thân cách ấy đặng sám hối các tội lỗi trước đây của mình. Ở Tây Tạng, những sự khổ hạnh như thế đó là rất thường. Song tôi mới thấy lần này là lần đầu.

Đi gần tới, nhưng chưa thoáng thấy được kinh thành. Khi trèo lên một đỉnh núi, tôi nhìn thấy từ xa một đám lầu đài, chất chồng với nhau, trông thấy vẻ đồ sộ đến nổi không bao giờ tôi quên được. Tôi nghĩ bụng rằng chỗ đó chắc là chùa Drépung là ngôi chùa có tiếng lớn nhất ở đây. Tăng chúng trong chùa theo quy định là bảy ngàn bảy trăm người, nhưng thường thì nhiều hơn, có thể đến hơn mười ngàn.

Kinh đô có nhiều chùa, nhưng không nơi nào đông bằng chùa này. Tại kinh thành có ba cảnh chùa lớn, mỗi chùa có cả lực lượng riêng, có tổ chức, phẩm trật lớn nhỏ, và có nhiều ruộng đất ở khắp trong nước. Ba ngôi chùa này có ảnh hưởng lớn đối với chính phủ. Cho đến đức vua Đạt-lai Lạt-ma với chư đại thần cũng không dám coi thường họ. Nhưng to lớn, có thế lực mạnh mẽ hơn hết, oai quyền hơn hết, mà lại bảo thủ hơn hết là chùa Drépung, sừng sững trước mắt tôi. Kế là chùa Séra có năm ngàn năm trăm vị tăng, và chùa Ganden với chừng ba ngàn ba trăm. Nhưng chùa Ganden có danh về lịch sử và cảnh chùa nghiêm trang hơn hết trong nước, do đức Tsong Khapa lập ra. Ngài là người sáng lập phái thầy tu mũ vàng, có những cải cách cho đạo Phật rất thích hợp.

Khi xuống núi, tôi thấy một cái hình chạm rất lớn, hình đức Phật ngồi trong một hòn núi. Hình chạm khéo léo, tinh xảo và thần tình lắm. Chúng tôi theo đường đi thẳng tới chùa Drépung, nhưng chưa thấy kinh thành. Lạnh lắm, mệt lắm, mà càng đến gần, càng lặng thinh một cách ghê sợ.

Nhiều người, có cả nhiều nhà sư, cũng đi vào kinh đô. Bọn chúng tôi đi tới rất khổ. Mấy nhà sư được dân chúng kính nể lắm, họ không thèm ngó đến chúng tôi. Có nhiều lần người ta hỏi chúng tôi từ đâu tới, Sa-tăn đáp rằng ở bên Sikkim qua. Họ lại hỏi có gặp người ngoại quốc muốn vào kinh thành chăng? Chúng tôi chỉ trả lời không thì rồi họ chẳng hỏi han gì thêm nữa. Khắp nơi, người ta đều nhốn nháo. Ai nấy cũng xôn xao vì chuyện tôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]