Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm Thứ Ba - Phần II: Đại Thí

01/03/201115:51(Xem: 6787)
Phẩm Thứ Ba - Phần II: Đại Thí

KINH BI HOA
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải, Nguyễn Minh Hiến hiệu đính Hán văn

QUYỂN III: PHẨM THỨ BA - PHẦN II
ĐẠI THÍ

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni bảo Bồ Tát Tịch Ý: “Thiện nam tử! Khi ấy Phạm-chí Bảo Hải lại nghĩ rằng: ‘Nếu như trong đời vị lai ta chắc chắn sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, chỗ phát nguyện của ta thành tựu, được lợi ích bản thân, vậy tiếp đến ta nên giáo hóa Đại Phạm thiên vương, khiến cho phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Bấy giờ, Phạm thiên vương biết được ý nghĩ của Phạm-chí, liền hiện đến trước mặt ông mà hỏi rằng: ‘Ông có điều chi dạy bảo?’

“Phạm-chí hỏi: ‘Ông là ai?’

“Phạm vương đáp: ‘Ta chính là Đại Phạm thiên vương.’

“Phạm-chí nói: ‘Lành thay ông đã đến đây! Nay ông nên trở về cõi trời, triệu tập chư thiên và truyền đạt lại lời nói của tôi rằng: ‘Các ông nên biết, trong cõi Diêm-phù-đề có vị Phạm-chí tên là Bảo Hải, đã thỉnh đức Phật Thế Tôn cùng với vô lượng chư tăng thọ nhận cúng dường, trong vòng bảy năm đã cung phụng đủ hết thảy mọi thứ cần dùng. Nay ta đã vì Phật và chư tỳ-kheo tăng mà dùng các món vật báu để trang nghiêm cảnh rừng Diêm-phù nơi ấy. Các ông đối với phước đức ấy nên sinh lòng tùy hỷ. Sinh lòng tùy hỷ rồi, hãy phát tâm hồi hướng quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề’

“Khi ấy, Phạm vương nghe lời dạy rồi liền lập tức trở về thiên cung, triệu tập chư thiên cõi Phạm thiên đến nói rằng: ‘Các ông nên biết, trong cõi Diêm-phù-đề có vị Chuyển luân Thánh vương tên là Vô Tránh Niệm, có vị Phạm-chí tên là Bảo Hải, chính là quan đại thần của Thánh vương. Vị đại thần ấy đã thỉnh đức Phật Thế Tôn cùng với vô lượng ức chư tăng thọ nhận cúng dường, trong vòng bảy năm đã cung phụng đủ hết thảy mọi thứ cần dùng. Các ông đối với căn lành này nên sinh lòng tùy hỷ. Sinh lòng tùy hỷ rồi, hãy phát tâm hồi hướng quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cũng là khiến cho vị Phạm-chí Bảo Hải kia được như sở nguyện.’

“Thiện nam tử! Khi ấy có trăm ngàn vô lượng ức na-do-tha chư thiên cõi Phạm thiên đều cung kính chắp tay thưa rằng: ‘Nay tất cả chúng tôi đối với căn lành ấy đều sinh lòng tùy hỷ. Do nơi sự tùy hỷ đó, nguyện cho tất cả chúng tôi đều được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Sau đó, Phạm vương lại bảo rằng: ‘Hôm nay các ông nên đến cõi Diêm-phù-đề gặp đức Phật Bảo Tạng và chư tỳ-kheo tăng rồi lễ bái đi quanh cung kính cúng dường, tôn trọng tán thán.’

“Thiện nam tử! Khi ấy Phạm Thiên vương với trăm ngàn vô lượng ức na-do-tha chư thiên cõi Phạm vây quanh, cùng hiện đến chỗ Phật Bảo Tạng, cúi đầu làm lễ dưới chân Phật và chư tỳ-kheo tăng, rồi lắng nghe và thọ nhận chánh pháp nhiệm mầu.

“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải lại nghĩ rằng: ‘Nay ta nên giáo hóa cho các vị Đao-lợi Thiên vương, Dạ-ma Thiên vương, Đâu-suất Thiên vương, Hóa Lạc Thiên vương, Tha hóa tự tại Thiên vương ở cõi thiên hạ thứ hai.’

“Nương oai thần của Phật, các vị này liền tức thời hiện đến chỗ Phạm-chí Bảo Hải, cùng thưa rằng: ‘Ông có điều chi dạy bảo?’

“Phạm-chí hỏi: ‘Các ông là ai?’

“Mỗi vị đều xưng danh tánh, từ Đao-lợi Thiên vương cho đến Tha hóa tự tại Thiên vương.

“Phạm-chí liền nói: ‘Nay các ông mỗi người nên trở về thiên cung của mình và truyền đạt lại lời nói của tôi rằng: ‘Trong cõi Diêm-phù-đề có vị Chuyển luân Thánh vương tên là Vô Tránh Niệm, có vị Phạm-chí tên là Bảo Hải, chính là quan đại thần của Thánh vương. Vị đại thần ấy đã thỉnh đức Phật Thế Tôn cùng với vô lượng ức chư tăng thọ nhận cúng dường, trong vòng bảy năm đã cung phụng đủ hết thảy mọi thứ cần dùng. Các ông đối với căn lành này nên sinh lòng tùy hỷ. Sinh lòng tùy hỷ rồi, hãy phát tâm hồi hướng quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Khi ấy, từ Đao-lợi Thiên vương cho đến Tha hóa tự tại Thiên vương, sau khi nghe như vậy rồi, mỗi vị đều lập tức trở về thiên cung của mình, triệu chư thiên đến và nói rằng: ‘Các ông nên biết, trong cõi Diêm-phù-đề có vị Chuyển luân Thánh vương tên là Vô Tránh Niệm, có vị Phạm-chí tên là Bảo Hải, chính là quan đại thần của Thánh vương. Vị đại thần ấy đã thỉnh đức Phật Thế Tôn cùng với vô lượng ức chư tăng thọ nhận cúng dường, trong vòng bảy năm đã cung phụng đủ hết thảy mọi thứ cần dùng. Các ông đối với nhân duyên căn lành này nên sinh lòng tùy hỷ. Sinh lòng tùy hỷ rồi, hãy phát tâm hồi hướng quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Khi ấy tất cả chư thiên đều cung kính chắp tay thưa rằng: ‘Nay chúng tôi đối với căn lành ấy đều sinh lòng tùy hỷ. Do nơi sự tùy hỷ đó, nguyện cho tất cả chúng tôi đều được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Sau đó, các vị Thiên vương lại bảo chư thiên rằng: ‘Hôm nay các ông nên đến cõi Diêm-phù-đề gặp đức Phật Bảo Tạng và chư tỳ-kheo tăng rồi lễ bái đi quanh cung kính cúng dường, tôn trọng tán thán.’

“Thiện nam tử! Khi ấy từ Đao-lợi Thiên vương cho đến Tha hóa tự tại Thiên vương, mỗi vị đều cùng với trăm ngàn vô lượng ức na-do-tha chư thiên tử, thiên nữ, đồng nam, đồng nữ và tất cả quyến thuộc vây quanh, cùng hiện đến chỗ Phật Bảo Tạng, cúi đầu làm lễ dưới chân Phật và chư tỳ-kheo tăng, rồi lắng nghe và thọ nhận chánh pháp nhiệm mầu.

“Tiếp đến là năm vị A-tu-la vương, cho đến Thiên ma Ba-tuần, Đại Phạm thiên vương trong cõi thiên hạ thứ hai cũng đều lần lượt được Phạm-chí Bảo Hải giáo hóa như vậy.

“Rồi lần lượt đến các cõi thiên hạ thứ ba, thứ tư, thứ năm... cho đến cả Tam thiên Đại thiên thế giới của chư Phật, vô số các cõi trời Đao-lợi, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất, trời Hóa Lạc, trời Tha hóa tự tại, cho đến vô số A-tu-la vương, Thiên ma Ba-tuần, Đại Phạm thiên vương, cùng với vô lượng vô số na-do-tha quyến thuộc, thảy đều được Phạm-chí Bảo Hải giáo hóa và phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Nương oai thần của Phật, tất cả đều cùng hiện đến cõi Tứ thiên hạ này, cùng đến chỗ Phật, cúi đầu lễ Phật và chư tỳ-kheo tăng, rồi cùng nhau lắng nghe và thọ nhận chánh pháp nhiệm mầu.

“Bấy giờ, toàn thể đại chúng hiện đến cõi Diêm-phù-đề đã đông đảo chật khắp, cho đến trong Tam thiên Đại thiên thế giới không còn một chỗ trống nào!

“Thiện nam tử! Khi ấy Phạm-chí Bảo Hải lại nghĩ rằng: ‘Nay ta đã giáo hóa được vô số các vị Tỳ-sa-môn Thiên vương, cho đến vô số các vị Đại Phạm thiên vương, như vậy là thệ nguyện của ta đã đạt đến mức tự tại vô ngại.’

“Rồi lại nghĩ rằng: ‘Nếu như trong đời vị lai ta chắc chắn sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, chỗ phát nguyện của ta thành tựu, được lợi ích cho bản thân, thì xin nguyện đức Phật Thế Tôn vì đại chúng đây mà thị hiện đủ mọi phép thần thông biến hóa, dùng thần lực để khiến cho hết thảy các loài súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục cho đến loài người trong khắp cõi Tam thiên Đại thiên thế giới này, tất cả đều được xa lìa mọi sự khổ não, chỉ còn thọ hưởng toàn những sự vui sướng. Lại khiến cho trước mặt mỗi chúng sinh đều có một vị hóa Phật, khuyên bảo chúng sinh ấy, khiến cho phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Bấy giờ đức Như Lai Bảo Tạng rõ biết tâm nguyện của Bảo Hải, liền nhập Tam-muội Vô nhiệt.

“Khi đức Thế Tôn nhập Tam-muội ấy rồi, liền thị hiện đủ mọi phép thần thông biến hóa đúng như tâm nguyện của Bảo Hải, mỗi một lỗ chân lông đều phát ra vô lượng vô biên ánh hào quang rực sáng. Hào quang ấy nhiệm mầu tinh tế, chiếu khắp cõi Tam thiên Đại thiên thế giới, thấu suốt đến cõi địa ngục. Những chúng sinh đang rét lạnh thấu xương khi gặp hào quang ấy liền cảm thấy ấm áp; những chúng sinh đang nóng bức khổ sở khi gặp được hào quang ấy liền cảm thấy mát mẻ; những chúng sinh đang đói khát khi gặp được hào quang ấy liền no đủ, tất cả đều được hưởng một niềm vui sướng cực kỳ mầu nhiệm.

“Trước mặt mỗi một chúng sinh khi ấy đều có một vị hóa Phật với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp và ngọc anh lạc trang nghiêm quanh thân.

“Những chúng sinh ấy được thọ hưởng sự khoan khoái vui sướng như vậy rồi, đều tự suy nghĩ rằng: ‘Không biết nhờ đâu mà chúng ta lại được lìa xa mọi sự khổ não, thọ hưởng sự khoan khoái sung sướng nhiệm mầu như thế này?’

“Bấy giờ, mỗi chúng sinh đều nhìn thấy vị hóa Phật với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp và ngọc anh lạc trang nghiêm quanh thân. Được thấy như vậy rồi, mỗi chúng sinh đều nói rằng: ‘Nhờ ơn của Bậc thành tựu Đại bi này đã giúp cho chúng ta được lìa xa mọi khổ não, thọ hưởng sự khoan khoái sung sướng nhiệm mầu.’

“Khi ấy, tất cả chúng sinh đều lấy tâm hoan hỷ mà chiêm ngưỡng tôn nhan vị hóa Phật.

“Bấy giờ, mỗi vị hóa Phật đều bảo với chúng sinh rằng: ‘Hết thảy các ngươi đều nên xưng niệm Nam mô Phật, rồi phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Được như vậy thì từ nay về sau các ngươi sẽ không còn phải chịu khổ não, thường luôn được thọ hưởng sự khoan khoái vui sướng nhiệm mầu bậc nhất.’

“Các chúng sinh ấy liền đồng thanh niệm rằng: ‘Nam mô Thế Tôn!’ Rồi thảy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nhờ nơi căn lành ấy, liền dứt trừ được hết thảy mọi điều ác. Trong số chúng sinh ấy, có những người không bao lâu thì mạng chung, được chuyển sinh lên cõi người; những chúng sinh đang chịu khổ nóng bức, nhờ ánh hào quang chiếu đến liền được mát mẻ, lìa khỏi mọi sự khổ vì đói khát, được hưởng sự vui sướng nhiệm mầu, cho đến được sinh lên cõi người. Hết thảy chúng sinh trong các loài súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục cũng đều được như vậy.

“Hào quang của đức Thế Tôn chiếu khắp các cõi thế giới rồi quay về xoay quanh thân Phật ba vòng, theo nơi đỉnh đầu mà trở vào thân Phật.

“Khi ấy liền có vô lượng vô biên chư thiên, người ta, dạ-xoa, a-tu-la, càn-thát-bà, rồng, la-sát đều được địa vị không còn thối chuyển đối với quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Lại có vô số chúng sinh nhiều không kể xiết đều được các pháp môn Đà-la-ni, Tam-muội, Nhẫn nhục.

“Bấy giờ, người trong cõi Diêm-phù-đề đều nghe biết việc vô lượng chư thiên vì cúng dường đức Phật Thế Tôn và chư tỳ-kheo tăng mà dùng đủ loại báu vật cõi trời để trang nghiêm bên ngoài thành An-chu-la, nơi khu rừng Diêm-phù, giống hệt như cảnh trí trang nghiêm trên cõi trời không chút sai biệt. Mọi người liền nghĩ rằng: ‘Nay chúng ta nên đến đó xem, cùng là được thấy đức Như Lai và chư tỳ-kheo tăng, nhân đó mà nghe nhận chánh pháp nhiệm mầu.”

“Thiện nam tử! Khi ấy mỗi ngày thường có trăm ngàn vô lượng ức na-do-tha kẻ nam, người nữ, đồng nam, đồng nữ cùng tìm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ Phật và chư tỳ-kheo tăng, đi quanh ba vòng về bên phải, rồi cung kính cúng dường, tôn trọng tán thán.

“Khi những người ấy vừa đến xem khu rừng Diêm-phù thì rừng này đã có đủ hai vạn cảnh nhà bao quanh, toàn do bảy món báu hợp thành. Trước cửa mỗi nhà lại có bày năm trăm cái giường quý cũng bằng bảy báu, mỗi giường đều có một vị Phạm-chí ngồi trên đó. Khi có chúng sinh nào muốn vào trong rừng, các vị Phạm-chí liền đón tiếp và khuyên bảo giáo hóa, khiến cho chúng sinh ấy quy y Tam bảo, phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, rồi mới vào rừng gặp đức Thế Tôn và chư tỳ-kheo tăng mà lễ bái, đi quanh cung kính, cúng dường tôn trọng tán thán.

“Thiện nam tử! Khi ấy, Phạm-chí Bảo Hải trong vòng bảy năm đã giáo hóa cho chư thiên nhiều không kể xiết, khiến cho hết thảy đều trụ vững nơi đạo A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, lại cũng khiến cho vô số các loài rồng, a-tu-la, càn-thát-bà, la-sát, câu-biện-đồ, tỳ-xá-già, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục cho đến loài người, hết thảy đều trụ vững nơi đạo A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải trải qua bảy năm rồi, liền dùng tám mươi bốn ngàn bánh xe bằng vàng, chỉ trừ kim luân bảo, tám mươi bốn ngàn thớt voi trắng có bảy báu trang nghiêm, chỉ trừ tượng bảo, cho đến tám mươi bốn ngàn loại dược liệu. Tất cả những vật như thế đều dâng cúng lên đức Phật và chúng tăng.

“Khi ấy, Chuyển luân Thánh vương Vô Tránh Niệm trong suốt bảy năm không sinh lòng ham muốn, không nóng giận, không ngu si, không kiêu mạn, không ham muốn cõi nước, không ham muốn con cháu, không ham muốn nữ sắc, không ham muốn việc ăn uống, không ham muốn y phục, hoa hương, xe cộ, không ham muốn ngủ nghỉ, không nghĩ tưởng ưa muốn mọi sự dục lạc, không ham muốn cho mình, không ham muốn cho người khác.

“Như vậy trong suốt bảy năm, thậm chí không có bất cứ một ý tưởng ham muốn nào, thường ngồi mãi không nằm, không nghĩ tưởng phân biệt là ngày hay đêm, không có ý tưởng cho là mệt mỏi, cũng không có ý tưởng nào về âm thanh, mùi hương, vị nếm hay sự xúc chạm, mà trong thời gian ấy chỉ thường nhìn thấy khắp các cõi thế giới trong mười phương, rõ ràng mọi mặt, đều thấy giống như vô số cõi Phật nhiều như số hạt bụi nhỏ.

“Những thế giới ấy của chư Phật thảy đều thanh tịnh trang nghiêm, không nhìn thấy núi Tu-di cùng các núi nhỏ, kể cả hai núi Thiết vi lớn, nhỏ và khoảng tối tăm u ám ở giữa, cho đến không nhìn thấy cả mặt trời, mặt trăng, các tinh tú và cung điện của chư thiên. Chỗ nhìn thấy của Thánh vương duy nhất chỉ là các cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm. Nhìn thấy như vậy rồi liền tùy theo sự phát nguyện của mình mà nhận lấy.

“Chuyển luân Thánh vương trong suốt bảy năm được hưởng sự khoan khoái, vui sướng, được thấy những thế giới của chư Phật với đủ mọi sự trang nghiêm, liền phát nguyện nhận lấy cõi Phật thanh tịnh nhiệm mầu bậc nhất.

“Cũng giống như vậy, từ thái tử Bất Huyễn và cả tất cả những người con của vua, cho đến tám mươi bốn ngàn vị tiểu vương, chín mươi hai ngàn ức chúng sinh, mỗi người đều không có bất cứ tâm niệm ham muốn nào trong suốt bảy năm, cho đến không có bất cứ ý tưởng nào về âm thanh, mùi hương, vị nếm hay sự xúc chạm. Mỗi người đều ở nơi chỗ vắng vẻ mà nhập định tư duy, rồi cũng được nhìn thấy khắp các cõi thế giới trong mười phương, rõ ràng mọi mặt, đều thấy giống như vô số cõi Phật nhiều như số hạt bụi nhỏ.

“Những thế giới ấy của chư Phật thảy đều thanh tịnh trang nghiêm, không nhìn thấy núi Tu-di cùng các núi nhỏ, kể cả hai núi Thiết vi lớn, nhỏ và khoảng tối tăm u ám ở giữa, cho đến không nhìn thấy cả mặt trời, mặt trăng, các tinh tú và cung điện của chư thiên. Chỗ nhìn thấy của họ duy nhất chỉ là các cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm. Nhìn thấy như vậy rồi, mỗi người liền tùy theo sự phát nguyện của mình mà nhận lấy.

“Trong suốt thời gian bảy năm, hết thảy đại chúng như vậy mỗi người đều tu tập hành trì đủ mọi pháp môn, hoặc phát nguyện được cõi Phật thanh tịnh, hoặc phát nguyện nhận lấy cõi Phật không thanh tịnh.

“Thiện nam tử! Bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải sau khi trải qua bảy năm liền mang bảy món báu đến phụng hiến lên đức Phật Bảo Tạng cùng với chư tỳ-kheo tăng, rồi đến trước Phật, chắp tay hướng Phật bạch rằng: ‘Thế Tôn! Nay con đã khuyên bảo giáo hóa Chuyển luân Thánh vương phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, khiến cho trở về nơi vắng vẻ mà ngồi yên tĩnh tư duy, thậm chí không cho phép bất cứ ai đến quấy rầy.

“Con cũng đã khuyên bảo giáo hóa một ngàn người con của Thánh vương phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, khiến cho mỗi người đều trở về nơi vắng vẻ mà ngồi yên tĩnh tư duy, thậm chí không cho phép bất cứ ai đến quấy rầy.

“Cho đến tám mươi bốn ngàn vị tiểu vương và chín mươi hai ngàn ức chúng sinh, nay cũng đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Mỗi người đều ở nơi vắng vẻ mà ngồi yên tĩnh tư duy, thậm chí không cho phép bất cứ ai đến quấy rầy.

“Thế Tôn! Nay con muốn cho Chuyển luân Thánh vương và tất cả những người này đều ra khỏi tam-muội mà đi đến chỗ Phật, cùng với những người trước đây đã được con giáo hóa cho phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, tất cả đều sẽ hội tụ đến trước Phật Thế Tôn, sẽ ngồi nghiêm trang và nhất tâm thọ nhận cõi Phật thanh tịnh của mình, không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, được Phật thọ ký rồi sẽ nhận lấy cõi nước và danh xưng cho mỗi người.’

“Thiện nam tử! Khi ấy đức Như Lai Bảo Tạng liền nhập Tam-muội Vương. Nhập tam-muội này rồi liền từ trong miệng phóng ra những đạo hào quang đủ các màu xanh, vàng, đỏ, trắng, tía.

“Khi ấy, Chuyển luân Thánh vương và tất cả những người đang ở trong thiền định, mỗi người đều nhìn thấy trước mặt mình có một vị hóa Phạm vương hiện ra nói rằng: ‘Nay các ông nên ra khỏi định đi đến chỗ Phật, lễ bái đức Thế Tôn và chư tỳ-kheo tăng, đi quanh cung kính cúng dường tôn trọng tán thán. Các ông nên biết, Phạm-chí Bảo Hải trong bảy năm qua tổ chức pháp hội nay đã hoàn mãn, đức Phật Thế Tôn sắp sửa du hành sang nước khác.’

“Lúc ấy, vua Chuyển luân và tất cả những người khác nghe lời nói như vậy rồi, lập tức ra khỏi thiền định. Bấy giờ có chư thiên ở giữa hư không trỗi lên các loại âm nhạc. Thánh vương liền cho chuẩn bị xa giá nghiêm trang, với một ngàn người con, tám mươi bốn ngàn vị tiểu vương, chín mươi hai ngàn ức thần dân vây quanh, cùng ra khỏi thành An-chu-la, hướng đến khu rừng Diêm-phù. Khi đến ven rừng liền theo đúng phép tắc xuống xe, đi bộ đến chỗ Phật, cúi đầu lễ Phật và chư tỳ-kheo tăng, rồi ngồi sang một bên.

“Thiện nam tử! Khi ấy Phạm-chí Bảo Hải liền thưa với Thánh vương rằng: ‘Xin đại vương hãy đem phước đức cúng dường những báu vật hôm nay cùng với tất cả những gì đại vương trước đây đã cúng dường đức Như Lai và chư tỳ-kheo tăng trong suốt ba tháng, hồi hướng cầu quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đối với một ngàn người con của đại vương, tám mươi bốn ngàn vị tiểu vương, chín mươi hai ngàn ức nhân dân, cũng nên dạy bảo họ hồi hướng cầu quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Đại vương nên biết, không nên dùng sự bố thí này để cầu được làm Đao-lợi Thiên vương, Đại Phạm thiên vương... Vì sao vậy? Những phước báo, trân bảo mà vua có được hôm nay đều là vô thường, không có tướng cố định, khác nào như cơn gió thoảng nhanh. Vì thế nên dùng những phước báo có được từ việc bố thí này để khiến cho tâm được tự tại, mau chóng thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, độ thoát vô số chúng sinh, khiến cho được vào cảnh giới Niết-bàn.’


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]