Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 11: Một Cuộc Gặp Gỡ Lạ Lùng

01/03/201103:31(Xem: 5959)
Chương 11: Một Cuộc Gặp Gỡ Lạ Lùng

ĐÔNG PHƯƠNG HUYỀN BÍ
Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

CHƯƠNG 11: MỘT CUỘC GẶP GỠ LẠ LÙNG

Tôi đã trở lại miền Tây một lần nữa, nhưng không có một chương trình nhất định. Tôi đã quá mệt mỏi vì những chuyến xe lửa nhiều bụi bặm và những cỗ xe bò thiếu tiện nghi nên thuê một chiếc xe hơi cũ và một người Ấn vừa làm tài xế vừa là bạn đường. Anh ta cũng là người sẵn lòng giúp tôi thực hiện những chuyện vặt vãnh khi cần.

Phong cảnh trên đường đi thay đổi liên tục. Khi xe đi qua một khu rừng, người tài xế phải ngừng xe khi trời tối, và nếu không tìm thấy làng mạc nào ở gần đó thì anh ta đốt lên một ngọn lửa lớn để làm cho thú dữ tránh xa. Dường như trong rừng có rất nhiều beo và mèo rừng, nhưng ánh lửa làm cho chúng không dám lại gần. Ngoài ra còn có loài sơn cẩu, phát ra những tiếng sủa rùng rợn trong cụm rừng gần bên. Ban ngày, loài kên kên ăn thịt bay lượn trên không, dưới một vòm trời nắng gắt.

Một buổi chiều đẹp trời, trong khi ngồi trên xe lướt êm trên đường, tôi nhìn thấy bên vệ đường có hai người lạ lùng. Một người mặc áo tu sĩ ngồi tĩnh toạ dưới bóng cây, còn người kia là một thanh niên, dường như là đệ tử của người tu sĩ. Người tu sĩ già dặn hơn, vẫn ngồi điềm nhiên bất động, và có lẽ đang ngồi thiền định, vì anh ta không buồn chú ý đến chiếc xe vừa đi qua, mặc dầu người thanh niên đã nhìn thấy tôi. Có một điều gì đó hấp dẫn tôi đến gần người tu sĩ và tôi quyết định ngừng xe. Tôi bảo người tài xế hãy trở lại để hỏi thăm vài điều về hai người lạ mặt, và trong một lát tôi đã thấy người tài xế nói chuyện một cách sôi nổi với người thanh niên.

Khi người tài xế trở lại xe, anh ta cho biết hai người lạ mặt đó quả là hai thầy trò. Người thầy tên là Chandi Das, là một tu sĩ Yogicó nhiều quyền năng lạ lùng. Họ đi lang thang từ làng này sang làng khác, và đã vượt qua rất nhiều dặm đường, có khi đi bộ, có khi đi xe lửa. Họ khởi hành từ tỉnh Bengalelà nơi quê hương của họ, từ hai năm về trước.

Tôi liền mời họ lên xe, và người tu sĩ nhận lời với một thái độ thản nhiên còn người thanh niên thì lộ rõ một tia mừng rỡ trong mắt. Chiếc xe ngừng lại một làng kế cận và chúng tôi định ngủ đêm tại đây.

Đường sá vắng tanh không một bóng người, trừ một chú mục đồng coi giữ đàn bò gầy ốm bên cổng làng. Ngày đã gần tàn nhưng trời còn nóng bức, chúng tôi đến gần một cái giếng để uống nước, nước không được trong lắm nhưng uống rất mát.

Làng này không có vẻ gì hấp dẫn, chỉ có độ mươi gian nhà tranh dọc theo hai bên một con lộ duy nhất. Nóc nhà lợp bằng rơm, tường đắp bằng đất với hàng rào tre trông có vẻ nghèo nàn. Vài người dân làng ngồi trong bóng tối trước nhà của họ, một bà già bước đến gần giếng, nhìn chúng tôi với cặp mắt khô khan, múc đầy nước vào cái bình đồng và lẳng lặng bước đi.

Người tài xế sau khi đã pha trà xong liền đi tìm nhà người trưởng làng. Hai thầy trò người Yogivẫn im lặng ngồi nghỉ trên bãi cỏ. Người Yogichỉ biết một vài tiếng Anh, không đủ để trò chuyện, tôi định nhờ người tài xế làm thông ngôn để phỏng vấn ông ta khi đã lo xong chỗ ở.

Dần dần, một nhóm nhỏ gồm có đàn ông, đàn bà và trẻ con đến vây quanh chúng tôi. Dân chúng ở vùng nội địa ít khi thấy được người Âu, và nói chuyện với họ không phải là một điều vô ích vì họ rất hồn nhiên và có những ý kiến bất ngờ hết sức chân thật đối với cuộc đời.

Đối với trẻ con, tôi là một vật lạ, nhưng tôi chinh phục chúng dễ dàng bằng vài đồng xu. Chúng cũng tỏ ra hâm mộ cái đồng hồ reo của tôi, và lấy làm ngạc nhiên khi tôi vặn cho nó reo vang để làm vui tai chúng. Một người đàn bà đến gần và cúi rạp đầu lạy người yogiở ngay giữa đường. Bà ta lấy tay chạm nhẹ vào chân người yogirồi đặt lên trán mình để tỏ dấu cung kính.

Người tài xế trở lại cùng với người trưởng làng và cho hay trà đã sẵn sàng. Anh ta đã tốt nghiệp Trung học nhưng phải làm đủ mọi nghề: phu khuân vác, tài xế, thông ngôn. Anh ta tọc mạch muốn biết về mọi sự việc của Tây phương, và hy vọng rằng có ngày tôi sẽ đưa anh ta sang Âu châu. Tôi đối xử với anh ta như một người bạn, vì anh ta thông minh và có nhiều thiện chí.

Trong khi chờ đợi, chắc có ai mời mọc hai thầy trò người yogi, vì họ đã biến mất. Những người dân làng quê thường hiếu khách hơn người thành thị.

Chúng tôi lên đường đến nhà người trưởng thôn khi mặt trời đã ngả hẳn về tây và sa xuống đỉnh các ngọn đồi ở tận chân trời màu đỏ thắm. Chúng tôi dừng chân trước một căn nhà tranh cao ráo sạch sẽ hơn những nhà khác. Tôi ngỏ lời cám ơn chủ nhà. Người này đáp một cách rất lịch thiệp:

– Sự hạ cố của quí vị là một điều hân hạnh cho tôi.

Sau khi dùng trà, mọi người còn ngồi lại chuyện trò một lát. Bóng hoàng hôn đã buông xuống khắp cánh đồng, những người mục đồng đã đủng đỉnh dắt trâu về chuồng. Tôi nhờ tài xế đi tìm người yogivà xin ông ta dành cho tôi một cuộc hội kiến.

Một lát sau, người tài xế trở về và đưa tôi đến một căn nhà nhỏ và thấp, có vẻ nghèo nàn. Tại đây chỉ có người đệ tử trẻ tuổi đón tiếp tôi, còn người yogivắng mặt vì được mời đi chữa trị cho một người bệnh nặng. Tôi phải ở đó đợi người yogitrở về. Một lát sau, ông ta trở về và vừa gặp tôi ông ta liền đưa tay phác một cử chỉ thân thiện và nói một câu mà người tài xế dịch lại là:

– Chào tiên sinh, cầu xin ơn trên phù hộ cho ông.

Nói xong, ông ta liền ngồi bệt xuống đất, hai chân xếp bằng sau khi từ chối một tấm mền vải của tôi đưa ra để làm nệm lót. Vì ông ta ngồi đối diện ngay trước mặt nên tôi có thể quan sát ông ta tỉ mỉ, bộ râu không chải chuốt làm cho ông ta hơi già đi, tuy thế có vẻ như cũng không quá năm mươi tuổi. Ông ta để tóc dài đến cổ, vành môi nghiêm khắc hình như không bao giờ cười. Điều đáng chú ý nhất là cặp mắt sáng quắc. Cái nhìn đó không phải là của một người bình thường. Tôi có cảm giác rằng nó sẽ ám ảnh tôi suốt nhiều ngày.

Người yogimở lời trước:

– Ông từ phương xa đến đây?

Tôi gật đầu. Ông ta hỏi tiếp:

– Ông nghĩ sao về đại đức Mahasaya?

Tôi giật mình vì ngạc nhiên! Làm sao ông ta biết được rằng tôi vừa đến viếng tỉnh Bengalevà gặp Đại đức MahasayaCalcutta? Tôi lặng thinh một lúc rồi đáp:

– Đại đức đã chinh phục được tấm lòng tôi. Nhưng tại sao ông lại hỏi như vậy?

Người tu sĩ làm như không nghe câu hỏi của tôi, và tôi phải nói tiếp để phá tan sự im lặng:

– Tôi định sẽ gặp lại Đại đức khi tôi trở về Calcutta. Đại đức có biết ông không, và ông có muốn gửi lời chào Đại đức chăng?

– Không, ông sẽ không còn dịp để gặp lại Đại đức Mahasaya. Vào lúc này, Đại đức đang sắp sửa về với cõi vĩnh hằng!

Tôi lại sửng người trong một lúc, phân vân không biết có nên tin vào những lời vừa nghe thấy hay không. Sau một lúc im lặng, tôi chuyển đề tài:

– Tôi rất quan tâm đến pháp môn Yogavà đời sống của các tu sĩ. Ông có thể cho tôi biết nhân duyên gì đã khiến ông trở thành một người yogi, và trên đường tu tập ông đã thâu hoạch được những kết quả gì hay chăng?

Nhưng Chandi Dasdường như không muốn nói nhiều. Ông ta trả lời một cách lãnh đạm:

– Dĩ vãng là một đống tro tàn. Tôi không muốn đào bới dĩ vãng để tìm lại những sự việc nay đã không còn nữa. Tôi không sống trong dĩ vãng, cũng không sống trong tương lai. Những điều đó chỉ là là hư ảo, như những cái bóng chập chờn vô định. Đó là sự minh triết mà pháp môn Yogađã mang lại cho tôi.

Điều này làm tôi ngạc nhiên. Tôi bèn phản đối:

– Nhưng chúng ta là những kẻ sống trong thời gian, làm sao có thể không biết đến thời gian được?

Ông ta thản nhiên hỏi ngược lại tôi:

– Sống trong thời gian ư? Ông có chắc rằng có một cái gì đó để gọi là thời gian hay không?

Thật là một câu hỏi hoàn toàn bất ngờ đối với tôi. Dường như tôi không thể hình dung được đề tài của cuộc tranh luận mà người yogi này đang dẫn tôi vào, nhưng đó sẽ là một cuộc tranh luận không có lối thoát. Người tu sĩ này quả thật có những năng khiếu lạ lùng đúng như đệ tử của ông ta đã tuyên bố chăng? Nhưng không kìm được sự tò mò, tôi đánh bạo hỏi:

– Nếu thời gian không có thật, thì dĩ vãng và tương lai hẳn phải hiện ra cùng lúc ngay trong hiện tại. Nhưng kinh nghiệm cho ta thấy là ngược lại.

– Cái kinh nghiệm mà ông nói đó, kinh nghiệm của thế gian, vốn dĩ đã là không thật. Làm sao nó có thể chứng minh cho một điều có thật?

– Nhưng đó là lẽ tự nhiên đối với tất cả mọi người. Phải chăng ông muốn nói rằng còn có một loại kinh nghiệm khác hẳn và đưa đến nhận thức trái ngược về vấn đề này?

– Đúng vậy.

– Nếu vậy, phải chăng tôi nên kết luận rằng tương lai cũng là hiện tại đối với ông?

Chandi Das
thong thả đáp:

– Tôi không quan tâm đến điều đó. Tôi không cần biết trước những sự việc sẽ đến với tôi trong tương lai.

– Nhưng bằng vào nhận thức phi thời gian của ông, phải chăng ông có thể biết trước những điều sẽ xảy đến trong tương lai của người khác?

– Phải, nếu tôi muốn.

Tôi quyết định phải hỏi cho thật rõ:

– Xin ông nói rõ thêm. Phải chăng ông có thể tiên đoán việc tương lai?

– Không phải là tiên đoán, mà là nhận biết. Cũng đơn giản như ông nhận biết một vật gì đó mà ông nắm trong bàn tay, vậy thôi. Nhưng cũng có những giới hạn nhất định, vì không phải mọi sự kiện đều được sắp đặt trước một cách cố định. Cái mà ông gọi là tương lai đó cũng có thể thay đổi.

– Nhưng ông có thể biết được một phần nào về tương lai của tôi và nói cho tôi biết được chăng?

– Ông muốn biết để làm gì?

– Tôi đã từng bị ám ảnh giày vò bởi nhiều vấn đề nghiêm trọng về tâm linh. Vì muốn soi sáng phần nào những vấn đề đó mà tôi đến xứ này. Có lẽ những điều tiết lộ của ông sẽ có thể soi sáng con đường của tôi, hoặc cũng có thể cho tôi biết rằng bao nhiêu công lao khó nhọc của tôi đều là vô ích.

Người yogingước lên nhìn tôi với cặp mắt đen láy. Tôi bị hấp dẫn bởi cái phong độ ung dung tự tại và sự minh triết của người đạo sĩ này, dường như đang tỏa chiếu hào quang làm sáng rỡ cái chòi tranh nghèo nàn ẩn náu trong rừng thẳm. Sau cùng, Chandi Dascất tiếng nói:

– Tôi không được biết nhiều về khoa học Âu Tây, nhưng nếu ông sẵn lòng nghe tôi thì cuộc hành trình của ông sẽ không phải là vô ích. Ông hãy trở lại thành phố đầu tiên khi ông bước chân vào xứ Ấn Độ, và trong tháng sau ông sẽ được như ý nguyện.

– Trở lại Bombayư?

– Phải.

Tôi không hiểu gì cả! Bombay, một thành phố đã bị Âu hóa hết ba phần tư! Tôi còn có thể thâu thập được gì ở thành phố đó? Tôi nói:

– Tôi xin thú thật là ở Bombaytôi đã tìm nhưng không gặp được ai để dắt dẫn tôi cả.

– Tuy vậy, đó vẫn là con đường phải đi của ông. Ông hãy đi cho nhanh, đừng để phí thời giờ. Tốt nhất là ông hãy đi vào ngày mai.

– Đó là tất cả những gì ông muốn nói với tôi sao?

– Có thể nhiều hơn, nhưng chỉ bấy nhiêu đó là những điều có ích cho ông mà thôi.

Người yogilại đắm chìm trong sự im lặng. Cặp mắt ông ta giống như mặt nước hồ trong vắt yên tĩnh... Sau thời gian nhập định đó, ông ta lên tiếng:

– Ông sẽ từ giã Ấn Độ để trở về phương Tây trước mùa thu tới đây. Ông sẽ đau nặng vào lúc ông sắp sửa rời khỏi xứ này. Tinh thần ông phải chiến đấu trong một thể xác tàn tạ, nhưng ngày giờ giải thoát của nó chưa đến. Ông sẽ được tìm thấy điều ông muốn chỉ sau khi đã trở lại đất Ấn Độ tất cả là ba lần. Một vị tôn sư mà ông có nhân duyên trong quá khứ hiện nay đang chờ đợi ông.

Người yogilại im lặng một lúc, đôi mí mắt ông ta đường như hơi cử động. Kế đó, ông ta nhìn thẳng vào cặp mắt tôi và nói:

– Đó là tất cả những gì tôi muốn nói với ông.

Chandi Das
từ chối không chịu nói gì về đời tư của ông ta, làm cho tôi không biết nghĩ thế nào về những lời tiên tri lạ lùng đó, và tôi cảm thấy còn có nhiều điều khác nữa mà ông ta không chịu nói.

Trong khi câu chuyện đang tiếp diễn, tôi phải bật cười khi nghe người đệ tử hỏi tôi với một vẻ mặt trịnh trọng, hình như anh ta cũng tự hào về cái bản lĩnh cao cường của thầy anh ta:

– Những người yogicủa Anh quốc có thể nói tiên tri được như vậy chăng?

Tôi phải khó nhọc một lúc mới làm cho anh ta hiểu được rằng ở Anh quốc không hề có các đạo sĩ yogi.

Trọn buổi tối diễn ra với những cơn im lặng kéo dài, và khi người yogicho tôi biết rằng ông ta không còn điều gì muốn nói nữa thì người nông phu mời tôi ở lại dùng bữa cơm đạm bạc với anh ta. Tôi đáp rằng tôi đã có đủ mọi thứ mang theo trong xe, và sẽ làm cơm tại nhà người trưởng làng rồi ngủ đêm tại đó. Người nông dân bảo rằng ông ta phải tuân theo tập tục cổ truyền là người chủ nhà phải tiếp khách từ phương xa đến, và khẩn khoản mời mọc hết lời, làm cho tôi không còn cách nào từ chối được.

Khi tôi vừa ngỏ lời đồng ý, người nông dân liền mang ra ngay trước mặt tôi một dĩa cơm rang nóng sốt.

Một vừng trăng khuyết hiện ra trong khung cửa sổ nhỏ hẹp. Tôi nghĩ rằng không một sự học vấn hay lịch lãm nào của những người thành thị có thể so sánh được với tấm lòng tốt đơn giản của những người thất học ở chốn thôn quê.

Khi tôi từ giã hai thầy trò đạo sĩ Chandi Das, người nông dân gỡ lấy cái đèn lồng treo trên trần nhà và tiễn đưa tôi ra tận đường cái. Anh ta đưa bàn tay lên trán để chào và đứng lại một lúc lâu nhìn khách lên xe. Kế đó, tôi trở về nhà người trưởng làng dưới ánh đuốc lập loè do người tài xế cầm nơi tay.

Tôi trằn trọc ngủ không yên giấc, và nghĩ đến những lời tiên tri của người đạo sĩ. Giấc ngủ của tôi bị khuấy động bởi tiếng kêu rùng rợn của những con sơn cẩu trong khu rừng kế bên, và những tiếng chó sủa trăng vọng lại không dứt từ đàng xa.

Tuy không thực sự có ý định tin theo lời khuyên của người đạo sĩ, tôi vẫn đi Bombay vì nhiều lý do khác. Nhưng vừa yên nơi yên chỗ xong thì quả nhiên tôi đau nặng.

Nằm trong bốn vách tường của một căn phòng khách sạn, mệt mỏi cả tâm hồn lẫn thể xác, tôi đã phải vất vả chiến đấu với sự nản lòng. Tôi đã bắt đầu cảm thấy chán ngán xứ Ấn Độ. Tôi đã vượt qua hàng ngàn dặm đường, dưới những điều kiện thật khó khăn, để rồi rốt cuộc phải nằm co một nơi trong khu sang trọng của một thành phố lớn. Tôi biết rất rõ rằng, không phải giữa những quán rượu, những vũ trường, những sòng bài và những cốc rượu mạnh pha sodasủi bọt mà tôi có thể khám phá ra cái huyền bí của Ấn Độ, điều mà tôi đang khắc khoải đi tìm. Sự la cà ở những khu bình dân bản xứ chắc chắn đã giúp tôi rất nhiều trong sự sưu tầm, nhưng điều đó lại ảnh hưởng bất lợi cho sức khoẻ của tôi. Còn nói về những cuộc phiêu lưu ở chốn non cao động cả, hay những vùng làng mạc xa xôi trong rừng thẳm, thì tôi đã phải trả một cái giá rất đắt là ăn uống thất thường, thiếu dinh dưỡng, thiếu vệ sinh, với những cuộc hành trình vất vả mệt nhọc lúc ban ngày và những đêm mất ngủ vì tiết trời nóng nực. Kết quả là nay tôi đang mang cái thể xác bệnh hoạn như một gánh nặng.

Tôi sẽ chịu đựng được một đời sống như thế này trong bao lâu nữa? Đôi mắt tôi đã nặng trĩu vì buồn ngủ. Sự mất ngủ luôn bám lấy tôi một cách chặt chẽ như một con mực khổng lồ bám lấy mồi, kể từ khi bắt đầu cuộc hành trình. Sự bắt buộc phải sống chung đụng với những người thuộc một nòi giống khác, phải luôn luôn giữ thế quân bình giữa một bộ óc xét đoán khoa học và một sự thụ cảm tâm linh, làm cho thần kinh hệ của tôi bị căng thẳng đến cực độ. Tôi đã phải thường xuyên cảnh giác phân biệt giữa những nhà đạo sĩ hiền triết chân tu với những kẻ điên rồ, lầm lạc giữa những điều ảo vọng với những cảm hứng thiêng liêng. Tôi cũng phải biết phân biệt những tu sĩ thần bí với những kẻ buôn thần bán thánh, và tôi phải học biết tất cả những điều đó trong một thời gian tối thiểu, vì dầu sao tôi cũng không thể bỏ phí nhiều năm của một đời người để chạy theo một sự tìm tòi như thế!

Nếu thể xác tôi đã kiệt quệ thì tâm hồn tôi dường như cũng không hơn gì: tôi có cảm giác như bị hoàn toàn thất bại cả về vật chất lẫn tinh thần. Dĩ nhiên là tôi cũng đã gặp được những người chân tu có một giá trị tâm linh cao khiết, tôi cũng đã gặp những người thực hiện được những điều lạ lùng, nhưng tôi chưa gặp được bậc chân sư mà tôi tìm kiếm, một bậc danh sư có thể làm thỏa mãn cả lý trí lẫn tình cảm của tôi.

Những vị đệ tử quá sốt sắng đã cố gắng lôi cuốn tôi theo về môn phái của họ. Tôi đã thừa hiểu rằng cũng ví như trong thời niên thiếu người ta lầm tưởng một chuyện tình ái vụn vặt là một mối tình lớn của cả một đời người, thì những người trẻ tuổi này đã lầm tưởng cái kinh nghiệm đầu tiên của họ là một sự khám phá tuyệt diệu, và điều đó thường ngăn trở không cho họ tiến tới nữa.

Có ích lợi gì mà nhồi vào bộ óc của tôi thêm một giả thuyết hư vô, thần bí, nếu đồng thời tự trong tâm tôi không xuất hiện một cái gì sống động, độc đáo, đặc biệt là của riêng tôi, một sự giác ngộ thiêng liêng là của tôi chứ không phải là một thứ ánh sáng mượn tạm từ bên ngoài?

Nhưng nghĩ lại, tôi là ai mà dám ước mơ những triển vọng cao cả như thế? Tôi có quyền lực gì mà dám ước mong đến những thành tựu tâm linh cao siêu đến thế?

Nhìn về khía cạnh nào của vấn đề, tôi cũng chỉ thấy toàn những lý do của sự chán nản, tuyệt vọng. Khi tôi đã thấy hơi khỏe để có thể bước xuống phòng ăn, tôi thấy ở bàn kế bên có một người sĩ quan. Người này nói chuyện với tôi về bà vợ của anh ta đang đau ốm trầm trọng chạy chữa thuốc thang không hết, về đơn xin nghỉ phép của anh ta bị từ chối... Điều này càng làm cho tôi chán nản hơn nữa.

Bữa cơm xong, vị sĩ quan vừa châm một điếu xì gà lớn vừa nói:

– Đời người phải chăng chỉ là một tấn bi hài kịch? Phải không?

Tôi cũng đáp buông xuôi lấy lệ:

– Ừ, một tấn bi hài kịch!

Nửa giờ sau, tôi gọi taxiđi đến đường Hornbyvà bước vào văn phòng một một công ty hàng hải. Tôi mua vé tàu với ý nghĩ rằng trong hoàn cảnh hiện thời không còn giải pháp nào khác hơn là lên đường trở về càng sớm càng hay. Sau đó, tôi trở về khách sạn mà không màng để ý đến những tòa lâu đài dinh thự đồ sộ nguy nga của thành phố Bombay.

Chiều đến, người phục vụ đặt trên bàn tôi một món caringon lành và thơm phức, nhưng tôi không thấy đói. Tôi chỉ uống một ly nước đá lạnh và gọi taxira đi.

Xe ngừng trước một rạp chiếu bóng, đèn neonchiếu sáng lòa cả một vùng chung quanh: đó là một món quà của phương Tây nhập cảng sang Ấn Độ.

Thỉnh thoảng tôi vẫn đi xem chiếu bóng, và đó là một nguồn lãng quên, ví như nước sông Nại hàở cảnh âm ti có thể làm cho người ta quên đi tất cả chuyện quá khứ trước lúc đầu thai. Người ta không còn thấy cô đơn khi mà trong bất cứ một thành phố nào của thế giới, người ta cũng có thể thuê một chiếc ghế bành êm dịu trong gian phòng ấm cúng để xem những chuyện phim kéo dài trong vài giờ.

Tôi bước vào và liền thấy trên màn bạc cảnh người vợ ngoại tình và người chồng chơi bời phóng túng trong một khung cảnh sang trọng quí phái. Nhưng cốt chuyện trên màn bạc làm tôi chán nản, tôi đã mất hẳn cái hứng thú đi xem chiếu bóng! Tấn bi hài kịch trên màn bạc không còn làm cho tôi cười hay khóc được nữa, vì tôi hoàn toàn dửng dưng với nó. Trong khi đó, cảnh vật chung quanh tôi, cả gian phòng lẫn màn bạc, đều như xóa mờ trong một thế giới huyền ảo và tâm trí của tôi lại quay về với cái vấn đề vẫn ám ảnh tôi từ trước. Bỗng nhiên, thần kinh và cân não tôi bị căng thẳng mãnh lệt, tôi cảm thấy dường như có một luồng điện chạy qua trong bầu không khí chung quanh và một sự thay đổi lớn đang diễn ra trong người tôi. Một tiếng nói từ trong nội tâm phát ra và bắt buộc tôi phải chú ý:

– Cuộc đời cũng chẳng khác nào như một chuyện phim, một ảo ảnh luôn luôn biến động, diễn ra từ vành nôi cho đến nấm mồ. Những sự vật trong quá khứ nay còn đâu nữa: ngươi có thể kêu gọi nó ra được chăng? Thay vì tiếp tục thẳng tiến đến cái chân thật, bền bỉ, trường tồn, ngươi lại dừng chân ở nơi đây và lãng phí thời giờ với những hình ảnh còn hư dối hơn cả cuộc đời, với một câu chuyện tưởng tượng, một ảo ảnh nằm trong ảo ảnh!

Thật vậy, tôi đã chán nản những tấn bi kịch về tình ái của người đời. Tôi bèn đứng dậy đi ra để thở không khí mát mẻ ở bên ngoài, đi thẩn thơ vô định dọc theo các đường phố dưới ánh trăng êm dịu.

Đến một góc đường, một người hành khất đến gần tôi và thốt ra một tiếng kêu lạ lùng làm cho tôi ngẩng mặt lên: tôi lùi lại trong sự khủng khiếp vì gương mặt của người ấy bị một chứng bệnh quỉ quái gì làm lở loét đến tận xương. Nhưng lòng trắc ẩn còn mạnh hơn sự ghê tởm, tôi bèn cho hết những đồng tiền lẻ còn lại vào bàn tay lật ngửa của anh ta.

Tôi đi đến bờ biển để tìm một nơi hẻo lánh và tránh chỗ đông người, dưới vòm trời đầy sao. Tôi nghĩ đến cơn khủng hoảng vừa rồi trong rạp hát, và tự thả trôi theo những ý nghĩ triền miên không dứt.

*

Chỉ còn vài ngày nữa là tôi sẽ xuống tàu vượt biển trở về châu Âu. Thôi, hãy tạm ngưng việc học đạo. Tôi nghĩ đến tất cả những gì mà tôi đã hiến dâng như thời giờ, tiền bạc, trí não, công lao... Tôi không hy sinh thêm nữa để chạy theo những giả thuyết vu vơ. Khi ngồi trên tàu, có lẽ tôi sẽ tiếp tục nghĩ như vậy. Nhưng trong khi chờ đợi, tiếng nói của nội tâm lại giằn vật tôi một cách ráo riết, không dung tha:

– “Đồ điên? Thì ra kết quả của bao nhiêu nguyện vọng thiết tha, của bao nhiêu năm tầm đạo, nay chỉ có bấy nhiêu đó thôi sao? Ngươi sẽ trở lại với cuộc đời tầm thường, bước theo con đường bằng phẳng của thế nhân, quên hết tất cả những gì ngươi đã học và nhận chìm viên ngọc tâm linh quí báu của ngươi xuống chỗ bùn nhơ của thất tình lục dục. Nhưng này, ngươi hãy coi chừng! Cuộc đời học đạo của người có thể thoát khỏi một cách dễ dàng những đòi hỏi của một nguyện vọng như thế hay sao? Ngươi đừng hy vọng thoát khỏi, vì đó là sợi dây trói buộc ngươi đã từ lâu.”

Một mình đứng dưới vòm trời đầy sao, tôi không thể cưỡng lại được tiếng nói của nội tâm giằn vật tôi một cách thẳng tay, không chút tội nghiệp, làm tôi trở nên bất lực trước sự khủng hoảng. Tiếng nói vô âm thanh kia tiếp tục:

– “Ngươi có chắc rằng trong những người mà ngươi đã gặp không có ai đáng mặt là vị danh sư mà ngươi tìm kiếm hay chăng?”

Tôi hồi tưởng lại tất cả những người tu sĩ và đạo sĩ yogimà tôi đã gặp. Tất cả những gương mặt rám nắng hoặc đen sạm đều lần lượt diễn lại trong trí tôi, từ những nét mặt nhanh nhẹn vui tươi của người miền Bắc, thản nhiên của người miền Nam, linh hoạt và dễ cảm xúc của người miền Đông và im lặng trầm tĩnh của người miền Tây. Những gương mặt đó tuy khác nhau vì sự thiện cảm hay thù nghịch, khôn ngoan hay đần độn, có hảo ý hay có ác ý, nhưng tất cả đều có một điểm chung là bí hiểm, khôn dò. Tuy nhiên có một gương mặt tách riêng ra khỏi những gương mặt khác, mà đôi mắt không rời khỏi đôi mắt của tôi.

Tôi đã nhìn ra rồi: đó là Đức Maharichi, vị Tôn Sư ẩn dật trên ngọn Đồi Thiêng ở tận dưới miền Nam xa xôi của Ấn Độ. Không bao giờ tôi có thể quên Ngài, nhưng những sự thay đổi của cuộc đời cùng những điều lo nghĩ dồn dập đã xoá mờ dần cái kỷ niệm êm đềm của những ngày ngắn ngủi mà tôi đã sống ở đạo viện với ngài. Tôi nhìn nhận rằng không có một người nào ở trần gian đã từng hấp dẫn tôi một cách lạ kỳ như thế. Nhưng Ngài dường như quá cách biệt đối với một người Âu như tôi, và quá thản nhiên đối với những mục đích khiêm tốn của tôi.

Tuy nhiên, tiếng nói từ nội tâm lại vang lên:

– Thản nhiên ư? Ngươi có chắc không? Phải chăng ngươi đã bỏ ra đi quá sớm?

Lý trí của tôi cũng đáp lại để tự bào chữa:

– Phải, có lẽ tôi đã quá vội vàng ra đi, vì tôi nghĩ đến chương trình của tôi. Tôi có thể nào làm khác được chăng?

– Ít nhất có một điều mà ngươi có thể làm: hãy trở lại đạo viện!

– Như vậy, phải chăng tôi chỉ làm một điều miễn cưỡng?

– Điều đó không quan hệ, điều quan hệ là sự thành công. Ngươi hãy trở lại với đức Maharichi.

– Nhưng Ngài ở tận miền Nam, nơi tận cùng của xứ Ấn, mà tôi thì đau ốm, quá mệt mỏi để có thể lên đường.

– Điều đó cũng không quan hệ. Nếu ngươi muốn gặp Tôn Sư thì ngươi đừng quản công lao khó nhọc.

– Tôi đã quá mệt mỏi và chán nản nên không còn thiết đến điều gì nữa, và cũng không chắc rằng tôi còn có ý muốn đi tìm Thầy. Tôi đã giữ chỗ trên tàu và sẽ khởi hành trong ba ngày nữa. Muốn đổi ý kiến thì cũng đã muộn rồi.

– Không bao giờ là quá muộn. Ngươi hay xét đoán sự vật đúng theo giá trị của nó. Ngươi nói rằng đức Maharichi là người siêu việt nhất mà ngươi đã gặp, vậy mà ngươi bỏ ra đi khi ngươi vừa mới được biết Ngài. Hãy trở lại cho mau!

Lý trí đã chịu khuất phục và vâng theo tiếng nói của nội tâm, nhưng cái thể xác đau yếu còn chống cự lại. Tiếng nói bí mật kia lại tiếp tục:

– Ngươi hãy hủy bỏ chương trình đã định, và hãy trở lại với đức Tôn Sư.

Tiếng nói đó phát ra như một mệnh lệnh và vang rền trong tâm thức của tôi. Sự biện luận của lý trí và sự chống đối của thể xác mỏi mệt đều trở nên vô hiệu quả. Tôi như một đứa trẻ yếu đuối bất lực, không còn sức tự chủ. Vào lúc mà tiếng nói kia kêu gọi một cách mãnh liệt nhất, réo rắt thâm trầm nhất, thì hình ảnh của đức Maharichihiện ra trước mắt tôi, một hình ảnh sống động và hấp dẫn, không thể nào kháng cự lại được nữa.

Tôi đành chịu thua và bỏ cuộc, như một kẻ chiến bại đành buông khí giới và rời khỏi chiến trường. Tôi sẽ trở lại đạo viện, và nếu Tôn Sư bằng lòng, tôi sẽ giao phó vận mạng tôi cho Ngài định đoạt. Thế là xong, tôi đã bị chinh phục, mặc dầu tôi vẫn còn hoang mang chưa hiểu ra sao cả, nhưng tôi mơ hồ cảm thấy như tôi không còn thuộc về tôi nữa!

Tôi trở về khách sạn, uống một chén trà nóng, tôi đã hoàn toàn thay đổi, và cảm thấy nhẹ nhàng như trút được một gánh nặng.

Sáng hôm sau, lần đầu tiên từ khi trở lại Bombaytôi cảm thấy vui vẻ và khỏe khoắn lạ thường. Người phục vụ của tôi trong bộ đồng phục trắng tinh, nịt thắt lưng vàng, khi vừa thấy tôi bước vào phòng ăn liền vui vẻ cười và nói:

– Có thư của ông đây.

Tôi mở thư ra xem thì lấy làm ngạc nhiên mà thấy thư gửi từ đạo viện Arunachala, trên ngọn Đồi Thiêng. Thư ấy là của một vị Thẩm phán trong Hội Đồng Lập Pháp tỉnh Madras. Người này vì một tấn thảm kịch gia đình đã quyết định đi tu và trở nên một đệ tử của đức Maharichi. Tôi đã từng làm quen với anh ta và thỉnh thoảng có trao đổi thư từ qua lại.

Trong thư, anh ta nói rằng tôi sẽ được hoan nghinh nếu tôi trở lại đạo viện. Câu cuối cùng trong thư lại nói:

– “Ông rất may mắn được gặp vị Tôn Sư mà ông vẫn tìm kiếm.”

Bức thư đến với tôi như một điềm lành, tôi liền đến văn phòng Công Ty hàng hải để xin hủy bỏ vé tàu về Anh quốc. Một lần nữa tôi lại từ giã thành phố Bombayvà vượt qua vùng cao nguyên Décanđể trực chỉ miền Nam. Lần này tôi có cảm tưởng như đi đến ánh sáng và an lạc.

Qua hôm sau, tôi lấy làm sung sướng mà nhìn thấy lại những phong cảnh êm đềm và những ngọn đồi đất đỏ của miền Nam. Tôi càng phấn khởi hơn khi chuyến xe lửa đã qua khỏi vùng đồng nội khô khan và tôi bắt đầu thở cái không khí mùi gió biển của thành phố Madras, chấm dứt chặng đầu của cuộc hành trình.

Tại Madras, tôi phải đổi qua chuyến xe lửa khác và trong khi chờ đợi tôi đến viếng thăm nhà văn hào Mani, người bạn đồng nghiệp đã giới thiệu tôi với đức Tăng thống Sri Shankarađộ nọ.

Nhà văn hào tiếp đón tôi một cách nồng nhiệt và khi được biết rằng tôi đang trên đường trở lại đạo viện của đức Maharichithì anh ta nói rằng:

– Tôi không ngạc nhiên, vì tôi đã biết trước.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

– Vì sao anh lại nói như vậy?

– Bạn ơi, bạn có nhớ chăng, khi chúng ta từ giã đức Tăng Thống ở Chingleput, khi ra tới hành lang, Ngài có quay lại nói nhỏ với tôi vài điều.

– À, bây giờ anh nhắc lại tôi mới nhớ. Vậy đức Tăng Thống nói những gì?

– Ngài nói với tôi như thế này: “Người bạn anh sẽ đi châu du khắp xứ Ấn Độ để tìm thầy. Anh ta sẽ gặp nhiều vị đạo sĩ, nhưng sau cùng anh ta sẽ trở lại với đức Maharichi, vì đó là vị Tôn Sư duy nhất sẽ thích hợp với anh ta.”

Thật là lạ lùng! Phải chăng đức Tăng Thống Sri Shankaraquả thật là một nhà tiên tri. Dầu sao, những lời này cũng xác nhận và củng cố thêm quyết định của tôi, rằng tôi đã tìm thấy đúng con đường để đi.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567