Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

47. Quán Thế Âm Bồ Tát

24/02/201116:04(Xem: 8992)
47. Quán Thế Âm Bồ Tát

PHÁ MÊ KHAI NGỘ
Lê Sỹ Minh Tùng

47. Quán Thế Âm Bồ Tát
(Bodhisattva Avalokitesvara)

Vào thời Phật Bảo Tạng nhập thế, có vị Thái tử con của vua Vô Trách Nhiệm tên là Bất Huyến theo vua cha đến nghe Phật thuyết pháp và thỉnh Phật cùng chư Tăng về cung cúng dường. Sau đó Thái tử phát nguyện cùng Phật rằng: ”Tôi nguyện trong khi tu những điều công hạnh Bồ tát, làm những việc lợi ích cho chúng sanh, nếu tôi xem có người bị khốn khổ hiểm nghèo ở trong hoàn cảnh ám muội, không biết cậy nhờ ai, không biết nương tựa vào đâu, mà có xưng danh hiệu tôi, tức thì tôi dùng phép Thiên nhỉ mà lắng nghe và dùng phép Thiên nhãn mà quan sát coi kẻ mắc nạn ấy ở chỗ nào, cầu khẩn việc gì, đặng tôi hiện đến mà cứu độ cho khỏi khổ và được vui. Nếu chẳng đặng như lời thề đó thì tôi không thành Phật”.

Phật Bảo Tạng sau khi nghe những lời nguyện ấy liền thọ ký cho Thái tử Bất Huyến rằng: ”Ngươi xem xét chúng sanh trong cõi Thiên Thượng Nhơn gian và trong ba đường dữ đều mắc những sự tội báo, mà sanh lòng đại bi, muốn đoạn trừ mọi sự khổ cực, dứt bỏ những điều phiền não và làm cho tất cả chúng sanh được hưởng sự an vui nên ta đặt cho ngươi hiệu là Quán Thế Âm”.

Bất Huyến Thái tử khi được Phật thọ ký thì lòng rất vui mừng. Đến lúc mạng chung, thì Ngài thọ sanh ra các đời khác. Dầu trải kiếp nọ qua kiếp kia mà Ngài vẫn luôn giữ bổn nguyện, cố gắng tu hành, cầu đạo Bồ đề, làm hạnh Bồ tát, luôn luôn thi hành những sự lợi ích cho chúng sanh và không khi nào Ngài quên cái niệm đại bi đại nguyện. Hiện nay Quán Thế Âm Bồ tát là vị thị giả phía bên trái của Đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ngài phụ tá Phật A Di Đà để cứu độ chúng sanh và về sau nữa sẽ thành Phật hiệu là Phổ Quang Công Đức Sơn Vương.

Quán Thế Âm có nghĩa là quan sát tiếng kêu than của chúng sinh trong thế gian để độ cho họ thoát khổ. Vì thế bất cứ chúng sinh ở đâu đau khổ thì Ngài thị hiện đến để cứu độ. Quán Thế Âm Bồ tát là hiện thân của từ bi do đó Ngài có thể hóa thân để cứu giúp chúng sinh ở bất cứ hoàn cảnh nào. Có nhiều lần Ngài hóa thân làm người nữ để độ đời nên người ta thường gọi Ngài là Phật Bà.

Về hình tượng của Ngài thì chúng ta có thể thấy dựa theo lịch sử như: Quán Âm Hài Nhi là dựa theo cốt truyện Quán Âm Thị Kính, Quán Âm Nam Hải, Quán Âm Tử Trúc… Riêng về phái Mật tông thì có Quán Âm Mã Đầu, Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Quán Âm Cửu Diện…

Nhưng có một pho tượng mà ai ai trong chúng ta cũng đều biết đến đó là Quán Âm thanh tịnh. Tượng Quán Thế Âm nầy là hình người nữ đứng trên hoa sen, tay mặt cầm cành dương liễu và tay trái cầm bình thanh tịnh, trong bình đựng nước cam lồ. Nhưng tại sao Bồ tát lại là người nữ? Dựa theo kinh Di Đà thì người sanh về cõi Cực Lạc tuy chưa chứng quả Thánh vẫn không có tướng nam, tướng nữ. Thêm nữa, kinh A Hàm còn nói người nữ có năm chướng không thể thành Phật…Thế mà, Quán Thế Âm Bồ Tát lại hiện thân người nữ. Ngài có dụng ý gì?

Quán Thế Âm Bồ Tát là hiện thân của đức Từ Bi mà trong thế gian nầy không có tình thương nào chân thành thâm thúy bao la hơn là tình mẹ thương con. Cho nên, đức Quán Thế Âm hiện thân là một người mẹ hiền của nhân loại, hay của tất cả chúng sinh. Người mẹ dầu bận công ăn việc làm gì mà một khi nghe tiếng con kêu khóc thì mẹ buông bỏ tất cả để chạy lại vỗ về cho con. Đức Quán Thế Âm cũng thế, dù bận việc giáo hóa ở đâu, một khi nghe tiếng kêu thương của chúng sinh, Ngài liền hiện thân đến an ủi. Vì thế, chúng ta gọi Ngài là người mẹ hiền của tất cả chúng sanh. Người mẹ lúc nào cũng lắng nghe tiếng nức nở từ cõi lòng của đàn con dại đang đắm chìm trong bể khổ mênh mông, để đến xoa dịu, cứu thoát khiến mọi khổ não đều được tiêu tan.

Tay mặt Ngài cầm cành dương liễu là tượng trưng cho đức nhẫn nhục. Còn tay trái cầm bình thanh tịnh đựng nước cam lồ là tượng trưng cho tâm từ bi. Ngài dùng cành dương liễu để rưới nước mát cam lồ cho chúng sinh. Vì sao lại dùng cành dương liễu để nói lên tính nhẫn nhục? Dương liễu là loại cây vừa dẻo vừa mềm, gặp gió mạnh thì uốn mình theo chiều gió, gió dừng là trở về vị trí cũ. Nếu cứng như cành cây lim, cây gõ thì gió không thể lung lay, một khi bị gió lớn là phải gãy. Còn yếu như cành liễu thì chỉ buông rũ theo chiều gió và cũng nhờ sức mềm dẻo nên khéo tùy duyên mà không mất vị trí. Nói một cách khác là tuy chìu theo cảnh mà không bị cảnh chi phối.

Vì thế, cành dương liễu được tượng trưng cho đức nhẫn nhục. Nhẫn nhục ở đây không có nghĩa là ai làm sao cũng được hoặc ai bảo gì cũng nghe mà nhẫn nhục là khéo tùy thuận người để hướng dẫn họ theo đường lối hay lập trường của mình. Người nhẫn nhục mới trông qua như rất yếu hèn, nhưng kỳ thật họ có sức mạnh phi thường. Họ đã vượt ra ngoài giới hạn của con người phàm tục và họ đã chiến thắng được tình cảm cũng như chính bản năng của họ. Thông thường thì người chửi ta giận, người đánh ta đở. Đó là bản năng tự vệ của tất cả mọi người. Bị chửi mà không giận, bị đánh mà không đở ấy mới là việc khó làm. Hằng ngày sống theo tình cảm, theo bản năng thì thấy những phản ứng tự nhiên như vậy thì chúng ta cho là phải lẽ và hợp lý. Nếu thấy người bị chửi mà không giận thì chúng ta đâm ra bực tức, khi dể họ và cho họ là những kẻ yếu hèn nhút nhát. Đâu ngờ rằng với tâm nhẫn nhục họ đã vượt xa chúng ta, họ đã đứng trên đỉnh chúng ta mà ở dưới nầy chúng ta vẫn còn tự cao tự đại.

Nước cam lồ là thứ nước rất trong, mát và thơm ngọt, do hứng ngoài sương mà được. Chữ cam là ngọt còn chữ lồ là đọc ngược từ chữ lộ, tức là sương. Khi bị nóng bức khô khan, nếu được giọt nước cam lồ thấm vào cổ thì chúng ta sẽ nghe ngọt ngào mát rượi. Nước cam lồ tượng trưng cho lòng từ bi của Bồ tát. Khi chúng sanh bị lửa phiền não thiêu đốt và thiết tha cầu cứu nơi Bồ tát thì Ngài sẽ mang nước từ bi đến dập tắt và đem lại cho người sự mát mẻ an lành. Hiện tại chúng ta đang sống trong nhà lửa tam giới và ngọn lửa phiền não của chúng ta đang bừng cháy liên tục. Nếu không có giọt nước từ bi của Bồ tát thì chắc chắn chúng ta đều phải chết thiêu trong lò phiền não. Nên nhớ rằng từ bi là tình thương không vụ lợi, không phân biệt thân sơ và chính là tình thương chân thật bình đẳng. Từ bi chẳng những cứu người trong cơn nguy khốn, mà còn đem lại cho chúng ta nguồn an lạc vô biên.

Bởi tính chất quý báu vô thượng của nước cam lồ, nên Bồ tát phải đựng nó trong cái bình thanh tịnh. Bình thanh tịnh là tượng trưng cho ba nghiệp trong sạch, đó là thân, khẩu, ý. Nếu chúng ta ôm ấp lòng từ bi muốn cứu độ chúng sanh, mà thân, miệng và ý chưa được trong sạch thì khó mà thực hiện được lòng từ bi đó. Chẳng hạn như những vụ thiên tai bảo lụt trên thế giới. Nếu chúng sinh vì lòng từ bi thương người hoạn nạn đem tiền tài vật chất đến tặng họ. Nhưng nếu chúng sinh đó ý chưa trong sạch thì dễ dàng bị danh lợi làm hoen ố lòng từ bi. Cho nên, muốn thực hiện lòng từ bi, điều kiện quan trọng là thân, miệng và ý phải thanh tịnh.

Thêm nữa, muốn mang nước cam lồ ra tưới mát chúng sanh, Bồ tát phải dùng cành dương liễu làm phương tiện. Tại sao? Bởi vì chúng sanh trong đời nầy nghiệp chướng quá sâu dày, ít khi thấy lẽ phải. Họ chỉ sống theo bản ngã và sống vì dục vọng của họ nên khó ai làm cho họ hài lòng. Cho nên có người sẵn sàng giúp họ khi khốn đốn mà họ vẫn không biết ơn. Người sẵn lòng từ bi ra tế độ chúng sanh, nếu thiếu đức tánh nhẫn nhục thì sự tế độ đó khó được viên mãn. Bởi thế, người học đạo từ bi trước hết phải tập đức nhẫn nhục và khi nhẫn nhục được thuần rồi thì mới bắt đầu thực hành từ bi. Chưa tập được đức nhẫn nhục mà đã vội thực hành từ bi, chẳng những không làm được hạnh từ bi, mà chúng ta dễ dàng phát sanh sân hận. Cho nên, phải có cành dương liễu rồi sau mới nhúng nước cam lồ rưới mát chúng sinh.

Lòng từ bi không nhất thiết chỉ có trong tâm của Bồ tát hay trong tâm những kẻ tu hành, mà nó còn ở trong lòng của tất cả chúng sanh. Cho nên, ai ai cũng có thể là bậc cứu khổ chúng sanh, nếu họ phát tâm từ bi. Nói một cách khác, từ bi không phải là gia bảo dành riêng cho các bậc tu hành, mà nó là của chung cho tất cả nhân loại. Dù ở hoàn cảnh nào, trường hợp nào, cũng có thể thực hiện từ bi được, nếu trong lòng chúng ta chứa sẵn từ bi.

Sau cùng, chúng ta thấy lòng từ bi thì cao cả khôn lường. Do đó mỗi khi lễ tượng đức Quán Thế Âm, chúng ta luôn luôn ghi nhớ hai đức tính căn bản của Ngài là từ bi và nhẫn nhục, để đem nó áp dụng vào chính bản thân của chúng ta. Được như thế thì sự lễ bái mới thật là hữu ích và cần thiết vô cùng.

Tại sao Bồ tát có tới ngàn tay ngàn mắt?

Con mắt là biểu hiệu cho kiến tánh, còn cánh tay thì biểu hiệu cho diệu dụng. Nếu người được minh tâm kiến tánh thì kiến tánh nầy cũng như là một ngàn vị Phật vì thế mới được gọi là Thiên nhãn phóng ra hào quang sáng ngời. Còn tự tánh của mình phát sanh ra diệu dụng cũng đồng diệu dụng như ngàn vị Phật khác do đó mới gọi là Thiên thủ tác dụng. Thể và dụng là hai pháp được biểu lộ ra như vị Viên Thông Quán Thế Âm Bồ Tát.

Quán Thế Âm Bồ Tát Với Ngàn Tay Ngàn Mắt

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]