Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 21: Những thực tập của người Phật tử: Đạo đức (tiếp theo và hết)

10/02/201115:17(Xem: 9335)
Chương 21: Những thực tập của người Phật tử: Đạo đức (tiếp theo và hết)

Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
GIỚI THIỆU ĐẠO PHẬT
Peter Harvey - Mỹ Thanh dịch - Nhà Xuất Bản Hải Phòng 2008

Chương 21
NHỮNG THỰC TẬP

CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ: ĐẠO ĐỨC

(tiếp theo)

Nền tảng kinh tế của nếp sống tu viện

Lý tưởng ban đầu của một vị tỳ kheo (bhikkhu) và một vị tỳ kheo ni (bhikkhunī) là một người có ít vật sở hữu và sống một nếp sống giản dị, được ủng hộ nhờ vào sự cúng dường của giới cư sĩ hơn là làm việc để sinh sống. Một bảng danh sách chính thức về những gì “cần thiết” cho một người tăng sĩ, được xem là tài sản của vị ấy, gồm có một áo tràng trên, một áo tràng dưới và một áo ngoài, một dây buộc, một cái chén, một dao cạo, một cây kim, một đồ lọc nước, một cây gậy, và một cây tăm. Trong thực tập, một vị tăng cũng có những vật như, một đôi dép, một cái khăn, những quần áo để làm việc, một tay nải, một cây dù, sách vở, giấy, viết, một cái đồng hồ, và một tấm hình của vị thầy bổn sư. Ở Phật giáo Nam tông và Bắc tông, có một sự căng thẳng về mặt cấu trúc giữa những khuynh hướng khổ hạnh của tăng đoàn và sự ước mong của giới cư sĩ về việc cúng dường nhiều cho các vị tăng kiêng cử và tu khổ hạnh, vì được nhiều công đức hơn. Vì thế một vị tăng ở thành phố với một danh tiếng tốt có thể nhận được một tủ lạnh hoặc kể cả việc sử dụng một chiếc xe hơi. Nếu vị nầy sống đúng với danh tiếng của mình, thì vị nầy sẽ sử dụng những vật nầy với một thái độ không bám víu (không tự mình lái xe), và để những vị tăng khác sử dụng những vật nầy.

Việc khất thực (piṇḍapāta) là một dấu hiệu nguyên mẫu về sự nương tựa vào giới cư sĩ của tăng ni, dù mức độ của việc đi khất thực vào buổi sáng ở Tích Lan rất ít xảy ra, trong lúc đó ở Đông Nam Á việc nầy là tiêu chuẩn nơi Phật giáo Nam tông. Sự bố thí với tính cách điềm tĩnh và trang nghiêm, lúc mà các tăng sĩ và các vị mới tu sắp hàng trong yên lặng để đi vào thành phố hay vào làng, được đón tiếp bởi các phụ nữ và một số ít đàn ông chờ bên ngoài nhà của họ, các vị tăng sĩ mở bát để nhận sự cúng dường. Không có lời cảm ơn nào sau khi nhận thức ăn, vì các người bố thí đang tạo “công đức”, nhưng một câu trả lời như “mong là các vị được an lành” có thể được nói ra.

Ở Phật giáo Nam tông, những cách thức khác để bố thí là: mời các vị tăng sĩ đến thọ trai; đem thức ăn đến tu viện, và nấu ở đó, thành lập một ngân quỹ để mua thức ăn, mà thức ăn nầy được nấu bởi những vị mới tu hoặc các cậu con trai đang sống ở tu viện. Ở Phật giáo Bắc tông, các tăng sĩ và các vị ni hiếm khi được ủng hộ bằng việc khất thực, trừ khi nếu họ đang đi hành hương; dù ở vài buổi lễ hội, giới cư sĩ có thể trả chi phí cho việc ăn uống ở trong tu viện trong vòng nhiều ngày. Thường thì mỗi gia đình cho ít nhất một đứa con trai hoặc con gái gia nhập nếp sống tu viện, và sau đó gia đình giúp đỡ đứa con bằng cách cho những sản phẩm thu hoạch được từ mảnh đất đã được dành riêng cho việc nầy. Nơi Phật giáo Đông phương, các vị tăng sĩ đi khất thực rất là hiếm thấy, trừ trong trường hợp là những vị tập sự của trường Zen.

Các vị cư sĩ cũng bố thí những đồ dùng khác, và làm công quả: thí dụ, giúp xây dựng hoặc sửa chữa một ngôi chùa. Những vị cư sĩ tiếp tân thường lo về tiền được cúng dường. Nơi Phật giáo Nam tông, các cậu con trai ở chùa thường lo về việc tiền bạc, nếu như vị tăng sĩ đang du hành hoặc đi chợ mua thức ăn. Tuy nhiên, ở Tích Lan, một số ít tăng sĩ nhận lương tháng, như thầy cô giáo ở trường, nhưng đây là đi ngược lại với bộ Luật (Vinaya) và thường bị chê bai. Các tăng sĩ Tây Tạng cũng được giới cư sĩ trả công cho việc cử hành những buổi lễ. Trong nhiều đất nước, chính quyền hay bảo trợ các ngôi chùa lớn, nhưng bây giờ điều nầy rất là hiếm có.

Đất đai được cúng dường cho tăng đoàn từ thời Đức Phật, và được sử dụng để thành lập một nơi ăn, chốn ở cho tăng chúng. Những luật lệ (Vinaya) cấm các tăng sĩ đào đất, một phần là có ý tránh cho các vị việc tự lực cánh sinh, và như vậy tách rời khỏi giới cư sĩ. Đúng lúc, những việc cúng dường đất đai cũng gia tăng, nghĩa là các chùa viện trở thành những vị địa chủ trong một số đất nước, nhất là nơi mà chính phủ cấp cho đất. Chế độ địa chủ của tu viện phát triển đến mức độ đáng kể; ở Tích Lan vào giữa thế kỷ thứ chín và thế kỷ thứ mười hai, những ngôi chùa, tu viện lớn có vô số đất đai rộng lớn, gồm có những đồn điền, những kế hoạch dẫn thủy nhập điền rất phức tạp, các làng thường phải phụ thuộc vào chúng, và chùa viện có quyền trên sự lao động của dân làng. Hiện thời, thí dụ, vài chùa viện ở Tích Lan cũng còn thu nhận phân nửa lúa thóc của tu viện, do những nông dân và tá điền thu hoạch. Thông thường, ở thế kỷ thứ hai mươi, đã có nhiều giảm bớt về việc chùa viện làm địa chủ, vì chính quyền Cộng Sản tịch thu đất hoặc vì những cuộc cải cách ruộng đất.

Ở Trung Quốc, vị thầy Pai-Chung (720-814) ra thêm một luật lệ cho các tu viện Ch’an, Pai chang Ch’ing-kuei, và việc thực tập trở nên quan trọng hơn những luật của prātimokṣa và Brahmajāla. Ở đây vì bị ảnh hưởng của lý tưởng Khổng giáo về thái độ và nghi thức, nhưng cũng bắt các tăng sĩ phải lao động hàng ngày, không phải chỉ chung quanh chùa viện, mà còn phải làm rẫy và làm vườn: “một ngày không làm, một ngày không ăn”. Đây cũng là một cách để chống lại sự buộc tội của Khổng giáo cho rằng các tăng sĩ chỉ là những người “ăn bám” xã hội. Đào đất, là phạm giới theo bộ Luật (Vinaya), nhưng được chấp nhận vì lợi ích của “tam bảo”, và không phải là việc tư lợi.

Hơn nữa, đây là phương cách để tự túc: sự lao động chân tay là một điều tốt bổ túc cho việc ngồi thiền lâu giờ; nếu làm việc trong chính niệm, thì việc lao động cũng là một cách thực tập thiền, và giúp phát triển một tinh thần làm việc chung trong căn bản hòa đồng. Tuy vậy, sau nầy việc lao động chân tay hàng ngày phần nào bị sao lãng.

Những tu viện lớn cũng dấn mình vào những hoạt động thương mại. Ở Tích Lan, chùa viện mua đất đai, bán sản phẩm thu hoạch, và đầu tư vào trong hội đoàn thương mại. Ở Trung Quốc, đời nhà T’ang (618-907), chùa viện là những người chủ tiệm cầm đồ, và là những người cho vay gạo thóc và vải vóc, họ sở hữu những nhà máy xay thóc lúa và nhà máy ép dầu, họ điều hành những chợ lớn, lúc đầu chỉ là những gian hàng bán nhang và tượng ảnh. Ở Nhật Bản, trường Rinzai Zen điều hành những chuyến tàu buôn đến Trung Quốc. Nơi Phật giáo Bắc tông, bộ Luật (Vinaya) đặc biệt cho phép dùng số thặng dư của việc cúng dường để cho vay ăn lời, nếu đây là lợi ích cho pháp (Dharma) và tăng đoàn (Sangha). Vào thời kỳ trước Cộng Sản ở Tây Tạng, những tu viện là những trụ sở kinh tế chánh ở giữa mạng lưới của liên hệ giao thương và sự cúng dường, với hai nhóm quan trọng trong xã hội Tây Tạng: những người du mục chăn nuôi gia súc và các nhà nông nghiệp. Các vị tăng sĩ tự mình đầu tư vào những việc nầy như là chăn nuôi và trồng lúa thóc, những phần lớn lợi tức được thu nhận và trông nom ở cấp bậc của “hội đoàn”, một nhóm phụ của tu viện mà những người nầy có quyền thừa hưởng những sở hữu của tu viện. Viện trưởng tăng hay tục đều phải bảo đảm lợi tức thu về từ mảnh đất được cày xới bởi những người thuê hợp đồng hoặc những nông dân có liên hệ với tu viện, từ việc thả súc vật đi ăn cỏ, quyền lợi rừng và nước, chăn nuôi, giao thương với Trung Quốc và Ấn Độ , trao đổi với những người chăn nuôi gia súc và lo việc cho vay và đầu tư.
Học tập và thiền định

Đời sống tu viện đại khái có thể chia ra làm ba phần, cá nhân, cộng đồng và những hoạt động có tính cách giáo sĩ. Đầu tiên gồm có tuân giữ giới luật, thiền định và học tập, tất cả là phương tiện cho việc phát triển tâm linh và để gìn giữ Pháp (Dharma) vì lợi ích cho mọi người. Trong thực tập, các tăng sĩ và các vị ni cũng nhấn mạnh việc học tập và thiền định. Sự chuyên môn hóa như thế nầy cũng đã từng hiện hữu rộng rãi trước Phật giáo (A. III. 355-6).

Nơi Phật giáo Nam tông, một sự khác biệt phát triển vào lúc đầu kỷ nguyên Thiên Chúa, giữa các vị tăng có “trách nhiệm - sách vở” (gantha-dhura), với trách nhiệm học tập và giảng dạy, và “trách nhiệm - thấu hiểu sâu sắc” (Vipassanā-dhura), với sự thực tập thiền định. Nhóm đầu có chiều hướng ở trong các làng, tỉnh thành và thành phố, học tập và hướng dẫn giới cư sĩ, trong khi nhóm sau có chiều hướng sống một nếp sống riêng biệt, khổ hạnh trong rừng sâu. Tuy nhiên, vài vị tăng sĩ “ở rừng”, thuộc về một phần của một tăng đoàn đã từng sống trong rừng. Khi mà những bài giảng lần đầu tiên được ghi xuống vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên ở Tích Lan, lúc ấy có một quyết định là việc học tập quan trọng hơn là thiền định, nếu như những lời giảng dạy bị mất đi. Vì thế, ở Tích Lan vô số tăng sĩ đặc biệt chuyên môn về việc học tập hơn là việc thiền định, một tình trạng được củng cố vào những thế kỷ vừa qua bởi niềm tin chung là không thể nào đạt được quả vị A-la-hán ngay hiện đời. Tuy vậy, vào năm 1940 và 1950 có những hoạt động cải cách về truyền thống thiền định trong rừng sâu, và như thế đến hiện tại có ba phần trăm tăng sĩ của đảo là những vị tăng sống trong rừng, và vào năm 1968, một bộ kinh (Nikāya) mới của họ được nhìn nhận.

Ở Đông Nam Á phần lớn dù chỉ là thiểu số, một số tăng sĩ trở thành những người đặc biệt chuyên môn về thiền định. Các vị ni Phật giáo Nam tông nói chung thực tập thiền định (thường nhưng không luôn luôn với một bản chất mộ đạo) còn hơn các tăng sĩ, dù họ học tập ít hơn. Sự chuyên môn hóa không phải là một thứ thường hằng, vì một tăng sĩ có thể học tập và rồi quay sang thiền định để khám phá một cách thực nghiệm những gì vị ấy đã học qua, hoặc quay lại tu viện trong rừng, hơn là ở tu viện tỉnh thành bận rộn. Trong trường hợp nào cũng thế, một tăng sĩ “học tập” thiền một tiếng đồng hồ trong ngày có thể ước mong ít hơn và không gắng sức nhiều cho có kết quả, và như vậy họ đạt được những cấp bậc thiền định dễ hơn là những tăng sĩ ở trong rừng. Phẩm chất quan trọng hơn là trọng lượng. Tuy nhiên, một số tăng sĩ thiền định và học rất ít, và họ dấn thân nhiều hơn trong việc điều hành tu viện hoặc những hoạt động giáo sĩ. Tuy vậy, mọi tăng sĩ đều tụng kinh, và ở đây có phẩm chất về mặt thiền định.

Nơi Phật giáo Bắc tông, trường dGe-lugs chú trọng về việc học tập, trong khi những trường khác như trường bKa’brgyud lại nghiêng về thiền định nhiều hơn. Nơi đây sự học tập được tiếp tục xa hơn, bằng cách học tập và thực hành thiền ở nơi ẩn dật, hoặc chỉ giúp việc xung quanh tu viện.

Nơi Phật giáo Đông phương, các trường như Hua-yen Kegon chú trọng về việc học theo sách vở, lòng kính ngưỡng về cõi Tịnh Độ, và trường Ch’an/ Zen chú trọng về thiền định.

Sự chuyên môn hóa tương đối như thế nầy có nghĩa là các tăng sĩ Trung Hoa đôi lúc phát triển những khái niệm khác biệt trong vấn đề thực tập bằng cách thuyên chuyển từ trường nầy sang trường khác. Có một số ít học giả thành thạo, vì có vài khó khăn trong việc thông thạo chữ viết tiếng Hoa. Các vị tăng có học thường sống trong những tu viện lớn hơn, nơi đó họ có thể học đọc bằng những cuộc thuyết trình du lịch, trong khi đa số là những người biết chữ nửa chừng và sống trong những ngôi chùa nhỏ được điều hành bởi giới cư sĩ.
Ở Đại Hàn, một vị tăng hay một vị ni mới tu chọn học chữ (khoảng sáu năm) hoặc chọn thực tập thiền. Mới đây, có khuynh hướng học tập và rồi sau đó thiền định.

Học tập

Những bản kinh dài được ưa chuộng học tập qua nhiều thế hệ tăng ni, và họ đã sáng tác ra vô số lời bình và luận thuyết về những bài kinh. Nhu cầu muốn gìn giữ và phổ biến những bài giảng đã truyền bá nền văn học đến nhiều đất nước, bảo đảm trình độ cao về sự biết chữ của những người Phật tử, và nhận trách nhiệm cho sự phát minh của ngành ấn loát và vô số bài viết. Các tăng ni Phật giáo thường là những người trí thức, có văn hóa và là tinh hoa nghệ thuật trong xã hội của họ.

Nơi Phật giáo Nam tông, các tăng sĩ và các vị mới tu bắt đầu bằng học tập bộ Luật (Vinaya), những học thuyết căn bản, Kinh Tiền Thân (Jātaka) là những mẩu chuyện được sử dụng trong lúc thuyết pháp (Dharma), và là những bài kinh tụng thông thường. Vài vị đi xa hơn đến những trường của tu viện, đại học. Căn bản của việc học tập đi xa hơn trình độ sơ cấp là phải biết tiếng Pali. Biết một chút về tiếng Sanskrit, và điều quan trọng là hiểu biết về một số kinh ngoài những bản kinh của Phật giáo Nam tông. Những ngôn ngữ dân tộc đã được sử dụng trong những bản luận và những bài dịch của một số bài chánh yếu. Theo truyền thống, những bài được sưu tầm ghi chép trên những mảnh lá dừa khô hình thuôn, vì nó bền và giữ được lâu hơn giấy trong khí hậu nhiệt đới. Bộ kinh Pali đầy đủ được ấn bản vào năm 1893, dưới triều vua Chulalongkorn của Thái Lan, dù bản dịch được in với dạng chữ La Mã do Hội đoàn Kinh Pali của Luân Đôn (Pāli Text Society of London) bắt đầu từ năm 1881, và trở thành bản dịch được sử dụng nhiều nhất.

“Cuộc hội thảo lần thứ sáu” được tổ chức ở Miến Điện từ năm 1954 đến năm 1956 và bản dịch được cắt xén và sửa lại so với bản kinh truyền thống và sản xuất ra một bộ Kinh được ấn bản với tên là bản dịch Chaṭṭa Sanghāyana (Hội thảo lần thứ sáu). Các tăng sĩ cũng gìn giữ truyền thống truyền khẩu, với những phần lớn của bài kinh được ghi nhớ- một vài vị còn nhớ cả nguyên bộ kinh !
Ở Thái Lan, những hệ thống trụ sở chấm điểm thi về tiếng Pali, Phật học và vài môn thế học, đã làm gia tăng trình độ học vấn thông thường ở tu viện, và đồng thời sản xuất ra chiều hướng phiên dịch rặp khuôn của một số bài kinh. Việc học tập về những môn như tâm lý học, triết học, và căn bản khoa học được những người theo truyền thống xem là những vị tăng lãnh đạo đời nhiều hơn đạo và như vậy có khuynh hướng để hoàn tục, trong khi những người theo mới thì coi là các tăng sĩ cần sự hiểu biết để có thể chuyển tải những gì họ hiểu cho giới cư sĩ ngày một thêm có kiến thức.

Ở Trung Quốc, Phật giáo gặp gỡ một nền văn chương rất phát triển, và như vậy toàn bộ những bài văn bằng tiếng Sanskrit và tiếng Ấn Độ và những ngôn ngữ ở Trung Tâm châu Á đều dần dần được phiên dịch: một nhiệm vụ rất là to lớn và có lẽ là một dự án phiên dịch lớn nhất trên thế giới.

Bộ kinh bằng tiếng Trung Hoa cũng được sử dụng ở Đại Hàn, Việt Nam và Nhật Bản, và chỉ được phiên dịch sang tiếng Nhật vào đầu thế kỷ nầy.

Ngoài việc phiên dịch những bài kinh (Sūtras) chính gốc từ những bản chính bằng tiếng Sanskrit, người Trung Hoa cũng sáng tác thêm một số bài khác, được liệt kê là “Kinh giả mạo” trong những danh sách kinh của họ. Đây gồm có những bài được sáng tác do sự hứng khởi, sáng tạo, nhưng là những bài tóm lược của các bài kinh được giản dị hóa rất nhiều, và có ý đánh lừa những tin tưởng dân gian là của Phật giáo, hoặc lạm dụng nó với mục đích khác. Tuy nhiên, giá trị đối với Pháp Bảo Đàn Kinh (Platform Sūtra) là bài kinh nầy bằng tiếng Hoa được xem là bài kinh (ching) “chân thật”. Người Trung Hoa sáng chế ra kỹ thuật ấn loát vào thế kỷ thứ tám, sử dụng những khúc cây được khắc chữ vào, để in lại những hình ảnh và kinh tụng của Phật giáo. Sau đó không lâu, những bài kinh được in ra. Quyển sách lâu đời nhất thế giới hiện còn được in là một bản sao của Kinh Kim Cương Bát Nhã (Diamond-cutter Perfect of Wisdom Sūtra) ấn bản vào năm 868 trước Công nguyên. Nguyên bộ kinh được in từ năm 972 đến năm 983, trong khi đó ở thế kỷ thứ mười một là lúc ra đời của những loại bản in bằng gỗ di chuyển được. Ấn bản lớn nhất và rõ ràng nhất là bộ kinh bằng tiếng Hoa mà bây giờ là Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taishō Daizōkyō), xuất bản từ năm 1924 đến năm 1934 ở Nhật Bản.

Nơi Phật giáo Bắc tông, các bài kinh là những góp nhặt của những mảnh giấy hình thuôn được in bằng những mảnh gỗ. Việc học tập có tính cách truyền thống được dựa vào những bài giảng thường ngày về những bài văn chọn lọc, tiếp đó là ghi nhớ và học tập những bài văn nầy. Sau đó tối thiểu là năm năm, vài tăng sĩ sẽ bỏ ra khoảng ít nhất là bảy năm ở trường Mật tông và nơi đây những bài kinh Mật tông huyền bí được học và sử dụng như một căn bản cho việc thiền định.

Trường dGe-lugs nhấn mạnh về lý luận (ý thức hệ) như là căn bản cho việc tạo thành kỷ luật, sự hiểu biết của một người học trò về học thuyết được khảo sát trước những cuộc tranh luận biện chứng trước công chúng. Chương trình học tập đầy đủ của học sinh có thể kéo dài đến hai mươi lăm năm, đưa đến những chức dge-bshes (ph.a. geshe) đệ nhất và đệ nhị, hoặc tiến sĩ Phật học. Việc học tập theo truyền thống cũng gồm có y học, chiêm tinh học, thiên văn học, văn phạm, thuật viết chữ đẹp, và vẽ tranh tôn giáo. Từ lúc những tu viện ở Tây Tạng bị tàn phá bởi Cộng Sản Trung Quốc, việc học tập theo truyền thống tu viện vẫn được tiếp tục bởi những tu sĩ tỵ nạn ở Ấn Độ hay những nơi khác.

Cuộc sống thiền định

Nơi Phật giáo Nam tông, một tu viện ở rừng thường có một giảng đường giản dị bằng gỗ / chánh điện và những túp lều hoặc kể cả hang động là nơi cư trú. Các tăng sĩ thường chuyên môn về thiền định, giữ gìn giới luật (Vinaya) một cách nghiêm ngặt, và họ cũng nhận vài giới trong mười ba giới dhutanga’ hoặc “những thực tập khổ hạnh”, dù chỉ là tạm thời, ý muốn vun trồng sự không bám víu và sức mạnh thể chất. Những giới thường được thực tập gồm có: chỉ sống nhờ vào việc khất thực; ăn một bữa trong ngày, vào khoảng mười giờ sáng; chỉ dùng những thức ăn từ bát khất thực, và sống xa làng mạc ít nhất là nửa dặm. Khó khăn hơn là chấp nhận sống dưới gốc cây, hoặc ngủ ngồi. Ở Thái Lan, những thực tập khổ hạnh (dhutanga) thường được thực hành bởi những tăng sĩ đi hành hương, ngủ dưới những lọng che có lưới chống muỗi. Trong khi những vị tăng sĩ du hành nầy theo thói thường được người ngưỡng mộ, vì đã theo rất gần với cuộc sống tăng đoàn (Sangha) trước đó, người Thái lại có thái độ mâu thuẫn đối với những tăng sĩ nầy, vì họ không được hội nhập một cách thích đáng nơi cộng đồng tu viện được thể chế hóa.

Nơi Phật giáo Bắc tông, nhiều tu viện có hang động hoặc túp lều dành cho việc học tập cũng như thực tập thiền định cao độ. Sự tách rời để sống đời sống ẩn cư có thể là ngắn hạn, hoặc trong những trường bKa’brgyud và rNying-ma, thời hạn có thể lên đến ba năm, ba tháng và ba ngày. Trong khoảng thời gian nầy, thiền giả sống một mình, với thức ăn và nước được đem đến và chuyền vào một lỗ hỏng nhỏ. Dĩ nhiên một cuộc sống ẩn cư như vậy là tự nguyện, và chỉ được thực tập sau khi được sửa soạn thấu đáo. Đây là thời gian để hết lòng phát triển thiền định bằng cách rút tỉa kinh nghiệm của những thực tập trước đó và những nhiên liệu tinh thần cố hữu.

Nơi Phật giáo Đông phương, những việc ẩn cư cô lập cũng được thực hành, nhưng trường Ch’an/ Zen phát triển một cơ sở “thiền đường” (Nh.b. Zendō) làm trọng điểm đời sống nơi những tu viện lớn được điều hành trôi chảy. Trên một bục nâng cao ở ngay góc của phòng lớn, các tăng, ni hoặc những học viên thiền, ngủ và (ở Nhật Bản) ăn, với các vật sở hữu được sắp xếp ngăn nắp trong một hộp nhỏ ở trên hoặc ở dưới bục. Theo truyền thống Trung Quốc, các tăng sĩ ghi danh nơi thiền đường trong thời hạn là sáu tháng, trong khi những người khác thực hành sự lễ lạy, học tập, điều hành tu viện và đến thiền đường để thiền vào buổi chiều tối. Ở Nhật Bản, một ngày của thiền sinh gồm có thực tập thiền và làm lao động.

Đời sống cộng đồng

Trong khi các tăng ni có thể bỏ thời gian để sống một mình và thiền định, cuộc sống cộng đồng được nuôi dưỡng và ủng hộ nơi tu viện. Vì có cùng giá trị và lý tưởng, tăng đoàn ủng hộ sự phát triển tâm linh của các hội viện nơi nếp sống thiền định đơn độc, thí dụ, dạy học, bao dung những sai lầm của nhau, nếp sống ngăn nắp. Kỷ luật cộng đồng và cuộc sống riêng tối thiểu.

Lý tưởng là tất cả những vật sở hữu đều được chia đồng đều, cho đến luôn cả việc chia thức ăn trong bát khất thực (M. II. 251). Ngài Dōgen, người sáng lập ra trường Sōtō Zen, tin rằng phần lớn các hành động của tăng sĩ cần được thực hiện với một tư cách giống nhau, sự ngăn nắp đúng mực trong nếp sống hàng ngày là điều chính yếu trong Phật giáo.

Một đoạn của bộ Luật (Vinaya) gọi là Khandhaka có thể được xem như là “hiến pháp” của tăng đoàn. Nó điều hành cuộc sống cộng đồng tùy vào những phương sách hợp pháp được trình bày trong kamma-vācana, hoặc “Lời tuyên bố của những hành động” (announcement of actions), được ban ra do một số đại biểu quy định của tăng sĩ, và được chấp nhận một cách dân chủ về một đề nghị nào đó. Việc nầy trở nên một “hành động hợp lý của tăng đoàn”. Đoạn kinh Khandhaka nói về những tiến triển và những luật lệ. Những thủ tục điều hành những việc như mùa an cư (Vassa), việc thọ giới, lễ pāṭimokkha, những vấn đề về giới luật, tranh cãi và chia rẽ.

Luật lệ đặc biệt của mùa an cư ( Vassa, xem tr. 193), thường được tuân theo một cách nghiêm ngặt nơi Phật giáo Nam tông, và hơi lỏng lẻo nơi Phật giáo Bắc tông, và nơi Phật giáo Đông phương thì buông lung, nơi đây mùa an cư (Vassa) được gọi là “Mùa hè ẩn dật”. Những luật Khandhaka điều hành, thí dụ, việc sử dụng các vật dụng bằng da thuộc, khổ áo tràng và loại vải nào, thức ăn, thức uống và thuốc men, thứ nào được chấp nhận cho tăng ni, nhất là bữa ăn sau cùng vào đúng mười hai giờ trưa.

Theo tăng đoàn Nguyên Thủy, có một hàng ngũ địa vị cao hơn tùy vào thời hạn mà một tăng sĩ được chia ra từng phần về công tác đối với những uỷ viên tài phán của giáo hội, tùy vào khả năng của họ (và nhiệm vụ được giao phó không cho họ có quyền hơn những người khác), sự công bằng trong mọi quyết định, và không có cấp bậc. Phạm vi của những đặc điểm nầy còn tồn tại cũng thay đổi, nhưng căn bản của sự công bằng giữa các tăng sĩ vẫn được gìn giữ ở mọi nơi, có thể là trừ ở Nhật Bản.

Ở Phật giáo Nam tông, những người lớn tuổi được công nhận bằng những chức vị như Trưởng Lão (Thera) và Đại Trưởng Lão (Mahā-thera) được ban chức sau mười hoặc hai mươi năm làm tăng sĩ một cách tương ứng. Những cấp bậc tôn ti ôn hòa hiện hữu trong mỗi hội đoàn huynh đệ ở Tích Lan, trong khi ở Thái Lan, chính phủ phát triển một cấp bậc hành chánh toàn quốc rất mạnh mẽ trong thế kỷ nầy. Dẫn đầu là một “Sangha-rājā” (do nhà vua chỉ định) và một hội đồng tu viện, chuyên lo những việc về kỷ luật, trông chừng tài sản của tăng đoàn, ghi danh các vị tăng ni, và những hội đoàn giám khảo lo về việc thi cử trong giáo hội. Cấp bậc tôn ti toàn quốc cũng đã từng hiện hữu ở Tích Lan, Miến Điện, Cam Bốt và Lào, nhưng đã bị khỏa lấp vì bị đô hộ hoặc vì chính phủ Cộng Sản đã tiêu diệt những vị vua ủng hộ tăng đoàn. Ở Miến Điện, mỗi tu viện hoặc một nhóm nhỏ của tu viện trở nên một khối độc lập, dù chính phủ đã xây dựng lại trụ sở cấp bậc toàn quốc vào năm 1980.

Những vị trụ trì của Phật giáo Nam tông thường được chỉ định với sự đồng ý của những tăng sĩ khác và người dẫn đầu giới cư sĩ, tuy vậy ở Tích Lan họ là những người học trò lớn hoặc là cháu của vị thầy trụ trì trước đó. Trách nhiệm của họ phần lớn là công việc hành chánh và uy tính của họ chính là sức mạnh cá nhân, các tăng sĩ “được mời” đảm nhiệm công việc (tuy nhiên từ chối là điều không tốt). Nơi Phật giáo Trung Quốc, không có những cấp bậc tôn ti toàn quốc trong những thế kỷ vừa qua, tuy vậy Hội Phật giáo Trung Hoa cũng được thành lập vào năm 1929 làm hồi sinh phần nào Phật giáo. Trước thời đại Cộng Sản, phần lớn các tu viện là những trụ sở độc lập, trừ trường hợp đó là một nhánh của một tu viện lớn hơn. Có khoảng 100.000 “ngôi chùa di truyền” nhỏ, mỗi ngôi chùa là sở hữu của những vị tăng sống ở đó, và được truyền lại cho những vị mới tu, như là “những đứa con trai” của vị trù trì tu viện. Việc thọ giới cao hơn chỉ được ban cho khoảng 300 “tu viện công” lớn, nơi đây tránh việc thọ giới cho những vị mới tu, để họ không trở thành “người thừa kế”. Dân số về việc thừa kế những ngôi chùa rất là nhỏ, từ một cho đến ba mươi vị tăng và người mới tu, dù 95 phần trăm là tăng sĩ sống ở những nơi nầy. Tu viện công có từ hai mươi vị cho đến một ngàn vị tăng.

Những tu viện công thường ở những nơi hẻo lánh xa xôi, nhất là gần núi hoặc ngay trên núi, và các vị tăng dồn thời gian vào việc thiền định, lễ lạy, học tập và kỷ luật rất nghiêm khắc. Con số nầy cần phải có sự sắp xếp có hiệu quả, dẫn đầu là một vị trù trì. Dưới vị nầy có một số viên chức khác nhau được chỉ định làm một số việc trong mỗi sáu tháng, được chọn lựa bởi những vị tăng cao cấp trong hàng ngũ lãnh đạo, mà ở đó các vị nầy đều có những cấp bậc. Nam Hàn hiện tại có một cấp bậc tôn ti toàn quốc, dẫn đầu bởi các tăng sĩ và các vị ni những cũng bao gồm những vị giáo sĩ đã lập gia đình. Ở Nhật Bản, dù vậy, mỗi một phó giáo phái (sub-sect) có cấp bậc riêng. Vào năm 1970, có khoảng 162 phó giáo phái: 20 của trường Tendai, 48 Trường Shingon, 25 trường Tịnh Độ, 23 trường Zen, 37 trường Nichiren, 7 Nara (ví dụ Kegon) và 2 phó giáo phái cho những trường còn lại.

Ở Phật giáo Tây Tạng, mỗi một trường có những cấp bậc riêng với những địa vị chánh như sprul-sku bLamas. Theo truyền thống, mỗi tu viện lớn có một vị sprul-sku (đôi lúc là một vị trù trì, nhưng không luôn là vậy), là trung tâm điểm của cuộc sống theo nghi lễ. Ở Tây Tạng cũng như ở Tích Lan, vài tu viện nằm dưới quyền cai trị của một gia đình và chủ nghĩa trụ trì được trao truyền từ chú đến cháu. Trong tu viện, có đủ loại viên chức lo những việc về tài sản, sự thu nhập, kỷ luật, những việc điểm đạo Mật tông, lễ nhạc và tụng kinh. Nhiệm kỳ thường là có thời hạn, và các thí sinh được cộng đồng chọn lựa trước khi được các vị cao cấp trong trường tuyển chọn.

Như tất cả mọi truyền thống, một ngày ở tu viện của Phật giáo Nam tông bắt đầu rất sớm, vào khoảng năm giờ sáng. Trong một làng hay một thành phố của dân Thái, những công việc hàng ngày điển hình ở tu viện bắt đầu với việc học tập hoặc thiền định, và bữa ăn sáng được dùng vào lúc bảy giờ sáng, sau khi khất thực. Sau đó, mọi người đều tụng kinh cho đến khoảng một tiếng đồng hồ, cũng có những vị tăng lớn tuổi có thể tụng kinh và được mời dùng bữa tại nhà một cư sĩ. Bắt đầu chín giờ cho đến mười giờ rưỡi, các vị lớn giảng dạy cho các vị nhỏ, và các vị mới tu; bữa ăn cuối cùng trong ngày cần phải được thi hành trước mười hai giờ trưa. Sau khi nghỉ buổi trưa, lớp học bắt đầu lúc một giờ rưỡi cho đến năm giờ chiều. Đôi lúc theo lựa chọn, cũng có thể có lễ thọ giới, lễ pāṭimokkha, hoặc được mời tụng kinh tại nhà cư sĩ. Vào khoảng năm giờ chiều, những loại nước trái cây mát, hoặc trà không sữa, hoặc cà phê được mời uống. Sau những công tác hoặc giờ rảnh, việc tụng kinh lại bắt đầu vào lúc bảy giờ cho đến tám giờ tối. Buổi tối là thời gian dành cho việc giấy tờ , gặp gỡ các vị khách cư sĩ, học tập, và thiền định hoặc tụng kinh. Ở những tu viện Thái ở trong rừng, việc tụng kinh buổi sáng và đôi lúc việc tụng kinh buổi tối được bãi bỏ, và các tăng sĩ chỉ thường ăn sau khi khất thực vào buổi sáng. Nghỉ trưa vào khoảng mười giờ sáng đến ba giờ trưa, để lấy lại sức sau khi đã thiền định quá nhiều vào buổi tối. Việc học tập nếu có cũng rất ít, thường là được thay thế bằng những công việc. Vào buổi tối, vị trù trì có thể cho một bài giảng dài dựa vào kinh nghiệm bản thân và rồi chỉ dẫn thiền định cho từng người.

Ở Phật giáo Bắc tông, đời sống tu viện được điều hành bằng sự có mặt thường trực và những buổi lễ định kỳ. Gồm có tụng kinh, lễ lạy và hình ảnh hóa những vị thánh thiện, xua đuổi những năng lực ma quái, và tạo “công đức” cho chính mình, cho người quá cố, những người làm ác, và những cộng đồng tu viện hay cư sĩ. Trong những buổi lễ rắc rối nầy, các vị tăng sĩ có thể đội mũ đặc biệt tượng trưng cho các vị thánh thiện mà họ đang cầu khẩn, kèm theo nghi thức tế lễ với những ấn dấu bằng tay, và việc sử dụng những nhạc khí với những âm thanh của trống, tù và.

Những nghi lễ cộng đồng vào buổi sáng sớm và buổi chiều có thể kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ. Những giờ đầu và giờ cuối trong ngày có thể được sử dụng trong việc thiền định của từng cá nhân. Ở những tu viện lớn, các tăng sĩ học trò nhận bài giảng và học tập cách tranh luận cho một bài văn vào buổi sáng và bỏ thời gian từ lúc hai giờ cho đến bốn giờ chiều, và từ sáu giờ chiều cho đến mười giờ tối được dành cho việc học tập riêng. Nhiệm vụ của một vài tăng sĩ là lễ lạy “vị” bảo hộ đặc biệt của tu viện trong vòng hai mươi bốn tiếng trong ngày nơi chánh điện thiêng liêng của tu viện. Như ở Phật giáo Đông phương, luật cấm ăn sau mười hai giờ trưa thường không được tuân theo, dù những thức ăn được xem như là “thuốc”.

Nơi Phật giáo Trung Quốc, ở những ngôi chùa thừa kế, việc lễ lạy rất là thong thả, học tập chút ít, và cử hành những buổi lễ cho giới cư sĩ, chế độ của tu viện công thường là khắt khe và được điều hành một cách chặt chẽ. Những tòa nhà của tu viện như thiền đường, chánh điện lễ Phật, giảng đường, hành lang dành cho các tăng sĩ du hành, điện thờ các vị tổ tiên, văn phòng làm việc và phòng ăn được sắp xếp ngăn nắp trong những bức tường hình chữ nhật. Phòng chánh là thiền đường, hoặc đôi khi là giảng đường, nơi mà việc niệm danh hiệu Đức Phật Amitābha, và việc tụng kinh được cử hành. Giờ giấc thiền định, ăn uống, lễ lạy, v.v… , và những hoạt động khác giữa những giai đoạn nầy, phần lớn được điều hành bằng hệ thống rung chuông, đánh trống, và kẻng. Cho những ai ghi danh nơi thiền đường, cần phải có mặt chín tiếng mỗi ngày ở đây, xen kẽ giữa việc thiền định và đi nhiễu vòng lễ tượng ảnh. Trong sự thực tập cao độ vài tuần lễ, giờ thực tập có thể được tăng lên đến mười bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày. Một kỷ luật như thế nầy còn được tìm thấy ở Nam Hàn, Đài Loan và những thiền viện Zen của Nhật Bản. Các vị tăng sĩ Zen đôi lúc thức dậy sớm vào khoảng ba giờ sáng để thiền. Các câu kinh được đọc tụng trước hoặc sau khi cạo râu, chải răng, làm vệ sinh, và tắm rửa. Một câu kinh đọc trước khi ăn là:

Ăn miếng đầu tiên là để tẩy bỏ sự xấu ác; miếng thứ hai là để chúng ta có thể thực tập hoàn hảo; miếng thứ ba là để giúp đỡ tất cả các chúng sinh; mong sao cho mọi chúng sinh đều đạt giải thoát. Chúng ta phải suy nghĩ cho thật sâu về những cách thức mà thức ăn nầy có mặt. Chúng ta cần phải xem mình có xứng đáng để thọ nhận thức ăn nầy hay không. Chúng ta cần phải bảo vệ chính mình khỏi những lầm lỗi bằng cách gạt bỏ sự tham lam ra khỏi tâm chúng ta. Chúng ta ăn vì nếu không chúng ta sẽ ốm và chết. Chúng ta thọ nhận thức ăn nầy để có thể đạt đến giải thoát. 6

Trước khi ăn, vài hạt cơm được để riêng sang một bên cho “những ma đói”.
Ở Phật giáo Nam tông, trong khi các tăng sĩ ở tu viện thường được giúp đỡ bởi các vị mới tu, những người cư sĩ và công nhân, các cậu trai sống ở tu viện thường làm việc để trả ơn tu viện đang nuôi nấng mình, họ cũng có thêm những công tác để làm, nhất là những vị ít tuổi. Nơi mọi truyền thống, các công tác gồm có những việc như giặt và vá quần áo, sửa chữa hay xây nhà, tìm củi đốt, sửa soạn các thứ để sử dụng trong những buổi lễ, và gìn giữ tu viện sạch sẽ, ngăn nắp. Phần lớn truyền thống thường có việc quét đường và sân sạch sẽ. Đây không phải chỉ để làm cho sạch sẽ mà là một công tác thể dục, nhưng nó được khen ngợi trong bộ Luật (Vinaya) như một cơ hội cho sự yên tịnh, một hành động có chính niệm và phục vụ cho người khác (Vin. VI. 129-30).

Nơi Phật giáo Nam tông, các tăng sĩ sống ở rừng thường coi trọng công việc vì nó phát triển khí lực, một bổ túc cho việc tỉnh lặng khi thiền. Nơi Phật giáo Đông phương, những truyền thống Ch’an/ Zen khen ngợi việc nầy và mở rộng ra gồm có việc làm vườn, trồng rau cải, cây trái và nấu ăn. Chức vị của một người đầu bếp và người làm vườn rất là quan trọng trong các tu viện Zen. Thái độ của trường Ch’an/ Zen là việc giải thoát có thể được khám phá trong những sinh hoạt hàng ngày, được làm với chính niệm, được trình bày rất hay trong câu nói của thiền sư trường Ch’an, ngài Pang Wen: “Thật là phi thường tuyệt diệu, thật là huyền diệu! Tôi xách nước, tôi gánh củi!” Trong tất cả mọi truyền thống Phật giáo, các tăng sĩ cũng có thể dự phần trong việc tạo ra nghệ thuật tôn giáo.

Liên hệ với giới cư sĩ

Qua bao thế kỷ và ở nhiều đất nước, các tăng ni Phật giáo đã từng là “bạn tốt” của giới cư sĩ trong vô số cách thức khác nhau, bắt đầu bằng cách làm gương tốt, và như vậy đây là “những ruộng đất công đức” rất phì nhiêu. Nét đặc thù của tăng đoàn đã từng chiếu sáng vào xã hội, và thế giới cư sĩ đã từng nhận những nhuận lợi khác nhau từ nơi tăng đoàn “từ bỏ thế gian” mà vẫn giúp đỡ thế gian.
Vào thế kỷ thứ hai mươi, những hành động không thân thiện của chính phủ Cộng Sản hoặc việc thế tục hóa gia tăng ở những miền đất nước đã làm giảm vai trò của tăng đoàn trong đời sống của dân chúng. Dầu trong trường hợp nào cũng vậy, điều nầy cũng ít xảy ra ở Đông Á, vì ảnh hưởng của Khổng giáo, hoặc như ở Nhật Bản, sự hiện hữu của truyền thống chú trọng về giới cư sĩ nhiều hơn.

Như vậy, chỉ trong những đất nước không Cộng Sản, nơi Phật giáo Nam tông có một hình ảnh rộng lớn trong liên hệ tăng-tục là được tiếp nối và phát triển trong thế giới hiện đại. Ở đây, mỗi làng có ít nhất một tu viện, mà tu viện ở xa làng, vì muốn có sự yên tịnh, và đây là điểm chánh của đời sống tu viện. Vị trù trì thường là người có ảnh hưởng lớn và được kính nể nhiều nhất trong làng và vị nầy làm cố vấn cho nhiều vấn đề, như trọng tài dàn xếp những cuộc tranh cãi, và có nhiệm vụ như là một vị thầy của làng. Ở Đông Nam Á, tu viện dâng tặng một số “ngành phục vụ” cho người dân, chẳng hạn như là nơi cư trú miễn phí.

Những người già có thể xem tu viện là một nhà dưỡng lão bằng cách trở thành tăng hay ni; những người bệnh hoạn hay không nơi nương tựa có thể đến tạm trú trong tu viện; các cậu con trai ở chùa là những đứa con của các gia đình nghèo khó, và bù lại những đứa trẻ nầy phục dịch những công tác do tu viện giao phó; các cậu con trai đi học ở thành phố, sống xa nhà, có thể tạm ở tu viện như là một khách sạn; các người lữ hành có thể tạm trú ở tu viện như nhà nghỉ chân. Tu viện là thư viện của làng, đây là trụ sở chánh mà những tin tức từ những làng xa xôi được nói đến, và là nơi hội hợp cho nhiều phương diện. Tu viện cũng phục vụ một cách giới hạn như là một người phân chia tài sản, như đất được cúng dường bởi một chủ nhân giàu có, có thể cho các nông dân mướn với một giá thuê tượng trưng. Những dư dả từ việc cúng dường có thể được vị trù trì sử dụng để gây quỹ xây trường học mới.

Ở Phật giáo Nam tông, các tăng sĩ giảng pháp cho giới cư sĩ ngay tại tu viện, lúc tang lễ, những lễ kỷ niệm tại gia, và những buổi lễ ban phước cho những việc kinh doanh mới. Các đề tài phần lớn thường là về vấn đề đạo đức, và thường được rút tỉa từ những chuyện Tiền thân (Jātāka). Giảng dạy với tính cách bình dân làm cho những người đến nghe hỏi ý kiến về những vấn đề cá nhân và rồi những câu hỏi về giáo pháp (dharma): Khách lúc nào cũng được chào đón. Vào thế kỷ thứ hai mươi, việc dạy thiền cho giới cư sĩ gia tăng ở Đông Nam Á, và đã được hồi sinh ở Tích Lan. Nơi Phật giáo Bắc tông, một phương thức mà các vị tăng đã chuyển đạt đến giới cư sĩ là phong thái huyền bí trong khi cử hành các buổi lễ. Nơi Phật giáo Trung Quốc, trong khi giới cư sĩ có học thức hơn có thể tham dự những buổi triển lãm chữ nghĩa của kinh điển tại tu viện, theo truyền thống thì các vị truyền giáo lưu động truyền bá giáo pháp (Dharma) đến những phần tử ít học, họ đã thu hút khán thính giả bằng những mẩu chuyện vui, lý thú, và những mẩu chuyện soạn thảo công phu có tính cách kịch được trích từ các bộ kinh (Sūtras).

Trong khi các tăng sĩ Phật giáo Nguyên Thủy là những người từ bỏ thế gian để đi lang thang, họ đã đến đúng lúc để phục vụ, đối với giới cư sĩ, họ là những người có học, chuyên môn về nghi lễ, nhất là về tang lễ. Một hoạt động chánh có tính cách lễ nghi, đóng vai những người mang đến phước lành và bảo hộ. Ở Phật giáo Nam tông, các tăng sĩ được mời đến tụng một paritta khi khai trương một ngôi nhà mới hoặc một cơ sở công cộng, lúc bắt đầu đầu tư trong việc làm ăn, trước và sau hôn lễ, giúp đỡ người bệnh hoặc người điên, hoặc ở nơi tang lễ. Nơi Phật giáo Bắc tông, người dân hay tìm kiếm sự giúp đỡ của các tăng sĩ, các vị lạt ma (bLamas), và những vị chuyên môn về lễ nghi thế tục lúc sinh nhật, lúc bệnh, lúc nguy hiểm và lúc chết. Sự an toàn và sức khỏe của cả cộng đồng được bảo đảm bởi nếp sống đạo đức và những nghi lễ của tăng đoàn. Nơi Phật giáo Đông phương, các vị tăng sĩ tụng kinh hoặc niệm danh hiệu Đức Phật Amitābha, vì lợi ích của người bệnh hay người quá cố. Trong những thời gian mà Phật giáo giữ vai trò chánh trong nếp sống của cả nước, như vào đời T’ang ở Trung Quốc (618-907), “những tu viện toàn quốc” được chính phủ ủng hộ, như nâng cao phúc lợi xã hội của Trung Quốc và của vị vua đang cai trị. Nơi Phật giáo Nam tông, Bắc tông, và Đông phương, các tăng sĩ được giới cư sĩ mời đến để ban phước lành cho những lá bùa hộ mạng, chẳng hạn như ban phước lành cho những ảnh tượng của Đức Phật.

Tăng đoàn cũng rất năng nỗ trong việc học. Nơi những đất Phật giáo Nam và Bắc tông, các tu viện là cội rễ quan trọng hoặc duy nhất của vấn đề học vấn, và được kéo dài cho đến thời tân tiến ngày nay. Ở đây phản ảnh một cách cụ thể rằng một danh từ của Miến Điện thông dụng nhất cho tu viện là leyaung, nghĩa là “trường học”. Nền học vấn mà tu viện đài thọ có tính chất sơ cấp, bao gồm học đọc, viết, và một sự hiểu biết căn bản về tôn giáo, toán học, và truyền thống văn hóa. Như vậy, tu viện bảo đảm con số học thức rất cao nơi những đất nước nầy, theo tiêu chuẩn của châu Á.

Ở Tây Tạng, Cộng Sản Trung Hoa đã chấm dứt vai trò giáo dục của tu viện. Nơi Phật giáo Nam tông, chỉ có những cậu con trai là được đi học ở những trường tu viện, nhưng họ cũng trao truyền một chút gì đó học vấn của họ cho các chị em và vợ họ, và cũng có những trường hoàn toàn thế tục được sắp xếp để dạy những nữ học sinh. Ngày nay, nền giáo dục ở Tích Lan, Miến Điện và Thái Lan phần lớn là nơi trường học của chính phủ, như vậy các vị tăng sĩ đã phần nào mất đi vai trò làm thầy giáo. Vài trường tu viện được chính phủ nhìn nhận và ủng hộ như là những trường quan trọng, tuy nhiên vài tăng sĩ với khả năng giáo dục tân tiến cùng làm thầy giáo hay giảng sư cho hệ thống nhà nước. Điều nầy đã gây ra những sự chỉ trích, dù vậy đối với nhiều người, họ thấy rằng như vậy là vị tăng sĩ bị tước đi một vai trò tôn giáo đặc biệt.

Bộ Luật (Vinaya) không cho phép một tăng sĩ sinh sống bằng bất cứ nghề nào, kể cả làm y sĩ, và Đức Phật khuyên các tăng sĩ hãy dùng bất cứ sự hiểu biết nào về y học để mà giúp đỡ những tăng sĩ khác, các vị ni hay những người thân thuộc, vì như vậy tránh được những sự buộc tội nếu như thuốc không hay. Tuy vậy, việc không thể tránh được là trong những xã hội mà tăng sĩ là những tinh hoa học thức, và vì thế khi các cư sĩ cần đến, họ nên sẵn lòng giúp đỡ về mặt y tế. Nơi Phật giáo Nam tông, vài vị tăng sĩ nổi tiếng với tài chữa bệnh bằng thảo dược, thoa bóp hoặc sự điều trị bằng cách sử dụng các ánh sáng màu sắc. Nơi Phật giáo Bắc tông, vài vị học ở tu viện để trở thành y sĩ; nơi Phật giáo Đông phương, các tăng sĩ cũng thực tập y học. Tăng đoàn cũng phục vụ giới cư sĩ trong phạm vi phúc lợi xã hội và sự phát triển của cộng đồng, như chúng ta đã thấy qua trong chương vừa qua. Những phát triển tân tiến trong phạm vi nầy sẽ được thảo luận ở chương 12.

Cả hai truyền thống Nam và Bắc tông, vài vị tăng sĩ sử dụng chiêm tinh học để phân tách cá tánh của con người và dẫn dắt họ qua những thăng trầm mà nghiệp quá khứ đã dành sẵn cho họ. Nơi Phật giáo Đông phương, sự đòi hỏi thông thường đưa đến việc chùa viện phân phối sự bối toán: những mảnh tre nhỏ hoặc giấy mà trên đó viết những lời tiên đoán.

Một cách để tương tác với giới cư sĩ là chùa viện dấn thân vào chính trị, và đây có lẽ là điều mâu thuẫn nhất vì nguyên mẫu của tăng sĩ là người từ bỏ thế gian. Tuy nhiên, vì Phật giáo truyền bá một nền văn học trong vô số xã hội mà tiến trình về trật tự và thống nhất chính trị đang thiếu thốn, và vì thế không có gì để ngạc nhiên khi tăng đoàn bắt đầu vận dụng ảnh hưởng, uy quyền của chính trị nơi một số đất nước. Ảnh hưởng chính trị của tăng đoàn lên đến cao điểm trong thời kỳ trước Cộng Sản ở Tây Tạng, lúc ấy người lãnh đạo đất nước là vị Đa lai Lạt Ma. Vào lúc uy thế của Trung Quốc ở cao điểm, Phật giáo đã ảnh hưởng rất nhiều đến các lãnh tụ thế tục, và Nhật Bản có một lịch sử dài với những liên hệ gần gũi giữa tăng đoàn và chính phủ. Nơi những đất Phật giáo Nam tông, các vị tăng sĩ cũng có ảnh hưởng chính trị rất nhiều, và họ là những người rất tích cực trong thế kỷ thứ hai mươi ở Tích Lan và Miến Điện.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]