Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 17: Thực tập của người Phật tử

10/02/201115:17(Xem: 8902)
Chương 17: Thực tập của người Phật tử

Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
GIỚI THIỆU ĐẠO PHẬT
Peter Harvey - Mỹ Thanh dịch - Nhà Xuất Bản Hải Phòng 2008

Chương 17
THỰC TẬP

CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Lòng mộ đạo

Phần lớn những truyền thống Phật giáo xem saddhā, “tín tâm” hoặc niềm tin như là một phẩm chất được cân bằng bởi trí tuệ, và đây là sự sửa soạn hoặc phần bổ sung cho việc thiền định. Đây là điều kiện cần có, lòng mộ đạo giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của đa số Phật tử. Trong khi lòng mộ đạo thường có tính chất thiền, nó được sắp hạng một cách chính thức trong “đạo đức” bộ ba “đạo đức, thiền định và trí tuệ”.

Trọng tâm và nơi chốn để bày tỏ lòng mộ đạo

Lòng mộ đạo đối với các vị Phật và các vị Bồ Tát được chú trọng hoặc chuyển tải bằng cách sử dụng những vật do người tạo ra như các hình tượng. Ở nhà, lòng mộ đạo có thể được bày tỏ trước điện thờ tại nhà, rất giản dị như một cái kệ cao và một bức ảnh nơi một góc yên tịnh. Ở các chùa, tu viện lúc nào cũng có một gian phòng để bàn thờ hoặc một hành lang với các hình ảnh, nơi mà những bức ảnh to được treo: trong những chùa, tu viện của Phật giáo Nam tông, có những ảnh của Đức Phật Gotama, đôi lúc có thêm hai vị A-la-hán đệ tử lớn ở hai bên; trong chùa, tu viện của Đại thừa thường có một nhóm ba vị Phật, hoặc một vị Phật và hai vị Bồ Tát, có thể có thêm hình ảnh của mười sáu hoặc mười tám vị đại đệ tử A-la-hán sắp dọc theo tường hành lang. Lúc nào cũng có chỗ ở cho các tăng sĩ nam cũng như nữ, hoặc như ở Nhật Bản, các vị tăng lữ lập gia đình. Như vậy, các chùa thật ra là tu viện chùa chiền, Phật giáo Nam tông thường dùng từ Pali, vihāra để nói đến chùa hay tu viện. Thường thì có một tháp (stūpa) bất cứ ở dạng nào, kể cả dạng nhiều mái che phát triển ở Trung Quốc, được phương Tây gọi là Pagoda. Phần lớn các tháp (stūpas) được xây không có lối vào, trừ các tháp với dạng nhiều mái che như ở Đông Á châu. Tháp có thể cao chừng một thước, với những tháp lớn hơn được xem là điểm đặc trưng chủ yếu của chùa.

Ở Rangoon thủ đô của Miến Điện, tháp nổi tiếng là Shwe-dāgon, tháp cao 112 thước (xem Hình 6). Được cho rằng có chứa đựng vài sợi tóc của Đức Phật Gotama, và các đồ dùng cá nhân của ba vị Phật trước đó. Vì tính chất thiêng liêng của những vật nầy, tháp được đóng khung bằng vàng lá, và ở chóp đỉnh một hình cầu nạm kim cương.

Các chùa cũng có thể có: chỗ họp mặt/ giảng đường; một hành lang riêng cho việc thiền định, như trong các tu viện Zen; một cây Bồ đề như vô số các chùa Phật giáo Nam tông; một thư viện và những cơ sở hành chánh, và cuối cùng là các điện thờ một vị trời hay các vị trời hoặc các thần linh thiên nhiên. Phần lớn các chùa được tự do thành lập, nhưng qua những mảnh đất Phật giáo trên thế giới, còn có những động thiên nhiên hoặc đặc biệt được khai quật, mà bên trong rất mát mẽ, yên tịnh, đẹp có thể dùng làm chùa, những hình ảnh có tính cách sùng đạo được một cá nhân hay một cộng đồng trả phần chi phí. Trường hợp nào cũng vậy, cộng đồng có thể góp phần để làm những tượng đẹp hơn; ở miền Đông Nam Á châu, các hình ảnh dần dần được mạ bởi những mẫu vuông vàng lá do một cá nhân dâng tặng. Vì khi cho là phát sanh ra “công đức”, có thể được san sẻ, các tượng ảnh có thể được dâng tặng một cách đặc biệt, có thể là trong trường hợp có được một đứa con vừa chào đời, một người thân vừa mất, làm ăn phát đạt, hoặc chiến tranh vừa chấm dứt. Vào năm 1961, chính quyền Miến Điện sắp xếp xây dựng tất cả 60.000 tháp (stūpas) bằng cát để ngăn chận thiên tai được tiên đoán bởi các nhà chiêm tinh ở Á châu. Động cơ phát sanh ra “công đức” cũng có nghĩa là chùa có nhiều hình tượng hơn họ “cần”, và những tháp mới có thể được xây bên cạnh những tháp đang đổ nát. Bởi vì niềm vui khi xây dựng một cái gì mới thường lớn hơn là việc sửa lại một cái gì đó đã cũ. Niềm vui lớn hơn để lại một “ấn tượng” hoàn toàn mới mẻ nơi tâm thức, và như vậy sản xuất ra những quả nghiệp với phẩm chất tốt hơn. Ở Miến Điện, “người xây tháp” có được một địa vị đáng tôn trọng, và “công đức” xây tháp rất phổ biến nên bất cứ ở đâu, người ta cũng có thể thấy sự hiện diện của các tháp.
Lễ lạy, tặng phẩm và tụng kinh

Phần đông những hành động mộ đạo của Phật tử không nằm trong bản chất có tính chất giáo đoàn, dù người Phật tử thường có cơ hội đến chung với nhau để cùng san sẻ hoạt động và kinh nghiệm. Tại nhà, người Phật tử lễ lạy vào buổi sáng và/ hoặc buổi chiều. Thăm viếng chùa, và tu viện có thể vào bất cứ lúc nào, dù phần đông họ thường đến chùa vào dịp lễ lớn, hoặc vào những ngày lễ kỷ niệm đặc biệt. Lúc viếng chùa, một người thực hiện những động tác để bày tỏ sự thành kính đối với “tam bảo”. Đức Phật được giới thiệu bằng hình ảnh, tháp và cây Bồ đề; Pháp (Dharma) được giới thiệu bằng một bài pháp, hoặc những lời giảng không nghi thức do các tăng sĩ nói ra, và Tăng đoàn (Sangha) được tượng trưng với các tăng sĩ. Lòng mộ đạo ở nhà hay ở chùa được bày tỏ bằng nghi lễ (pūjā): “sùng kính” hoặc “tôn trọng” gồm có việc lễ lạy, dâng tặng phẩm, và tụng kinh.

Trong những nền văn hóa Phật giáo, dân chúng cúi lạy trong nhiều dịp. Con cái cúi chào cha mẹ và thầy giáo; người lớn cúi chào các tu sĩ nam và nữ, các lạt ma (bLamas) và những người lớn tuổi; và các tu sĩ cúi chào những người đã thọ giới lâu hơn. Đầu cúi thấp là công nhận người khác có nhiều kinh nghiệm về đời sống cũng như có nhiều thực tập tâm linh hơn chính mình, nhờ vậy phát triển được lòng kính trọng, và khiêm nhường. Vì vậy, đây là điều tự nhiên, cúi chào trước những vật có tính chất thiêng liêng hướng về một thực tại cao nhất, và vì thế người ta hay để tượng ảnh Phật trên “chỗ cao” trong phòng. Trong phòng để bàn thờ hoặc ở chung quanh tháp, hoặc nơi cây Bồ đề, sự khiêm nhường cũng được bày tỏ bằng cách không mang giầy dép; vào thời xưa, mang giầy là một dấu hiệu của sự giàu sang và có địa vị.

Cúi đầu ba lần trước những vật có tính chất thiêng liêng là bày tỏ sự kính trọng đối với “ba nơi nương tựa”. Một người đứng hay quỳ gối với hai bàn tay chắp vào nhau trong tư thế cung kính (namaskāra). Đôi tay để ở ngực và trán hoặc ở Phật giáo Bắc tông, nơi đầu, môi và ngực: biểu tượng sự kính trọng dâng lên với tinh thần, lời nói và thân thể. Lúc quỳ gối, một người đặt cùi chỏ, tay và đầu trên nền nhà. Ở Phật giáo Bắc tông, một dạng đầy đủ hơn là “sự phủ phục lớn”, nghĩa là lạy nằm trên đất. Sự thành kính cũng được bày tỏ bằng cách đi nhiễu vòng quanh tháp, cây Bồ đề và chùa, nơi mà việc lạy nằm được lặp lại nhiều lần ở Phật giáo Bắc tông. Ở Phật giáo Đông phương cũng thế, một thực tập quan trọng là cúi lạy nhiều lần trước hình tượng với tinh thần đang hối lỗi.

Những lễ vật thường được kèm theo với những câu tụng kinh thích nghi. Cùng với nhau, tặng phẩm và việc tụng kinh kích thích những phẩm chất vui vẻ, thành tâm, lặng ngắm một sinh vật thánh thiện, và khát vọng cho sự tiến triển tâm linh. Những hành động nầy sanh ra “công đức”. Thường tặng phẩm là những bông hoa. Một câu tụng dâng hoa của Phật giáo Nam tông bằng tiếng Pali, với ý nghĩa như sau:

Những bông hoa nầy, tươi thắm, thơm tho được chọn lựa
Tôi dâng lên dưới chân hoa sen của Bậc Chánh Giác
Với những bông hoa khác loại, Phật/ Pháp/ Tăng tôi hằng kính ngưỡng;
Và nhờ vào “công đức” nầy được sự giải thoát

Như cánh hoa nầy đang héo tàn, rồi đây cơ thể tôi cũng đi đến sự hoại diệt.
Nơi đây bao gồm sự thành kính vui vẻ, sự hứng khởi, và suy nghĩ về sự vô thường của đời sống con người. Một câu thơ Zen dâng hoa mong mỏi rằng “những bông hoa của tinh thần” cần “nở rộ trong mùa xuân tỉnh thức”.

Mùi dễ chịu của nhang thường tiếp đón một người khi họ vừa bước vào chùa Phật giáo. Một câu thơ Pali về dâng nhang nhắc đến việc “thân thể Đức Phật có mùi thơm với khuôn mặt có vô số đức tính tốt”. Đây với ý tưởng rằng Đức Phật có “mùi thơm thiêng liêng”: Đức Phật với dáng điệu nào đó gợi nhớ đến những cá tính huy hoàng và đức hạnh. Nhang nhắc nhở một người về điều nầy và cũng tạo ra một niềm vui mà ta có thể tập trung vào Đức Phật.

Một lễ vật thông thường khác là ánh sáng ở những ngọn đèn nhỏ hoặc đèn cầy, một nhắc nhở rằng các vị Phật là những sinh vật đã “giác ngộ” hoặc “tỉnh thức” đã đem ánh sáng đến thế gian qua các bài giảng. Một câu thơ về dâng lễ vật của Phật giáo Nam tông diễn tả Đức Phật như “ngọn đèn của ba thế giới, người xua tan bóng tối”.

Nơi Phật giáo Bắc tông, đèn bơ đựng trong đĩa bạc được đốt lên trước tượng ảnh. Có bảy loại lễ vật thông thường được đặt trước ảnh tượng. Nước “cho khuôn mặt” và “cho đôi chân” tượng trưng cho sự hiếu khách, trong khi bông hoa, nhang, đèn, dầu thơm và thức ăn tượng trưng cho năm giác quan, bày tỏ một cách lý tưởng về sự hiến dâng hoàn toàn nơi thân và tâm của một người mộ đạo đối với việc phát triển tâm linh. Những lễ vật được đặt trong bảy cái bát, hoặc nước và thóc lúa được mường tượng như những lễ vật. Người mộ đạo cũng sử dụng những mật ấn (mudrās), những điệu bộ tượng trưng những lễ vật như bông hoa, đèn hoặc thế giới. Người nầy có thể dâng tặng thêm một kha-btags (ph.a.kuttha) bằng vải bông trắng hoặc bằng tơ lụa được biết đến như là “khăn quàng cổ của sự may mắn”, đối với một hình tượng. Những vật nầy thường được sử dụng như một lễ vật của tình bạn bắt đầu cho một liên hệ tốt. Ở đây những lễ vật nầy dùng để thiết lập một liên giao bằng hữu với một sinh vật thánh thiện. Trong tất cả những trường Phật giáo, việc tụng kinh rất thông thường như là một cổ xe cho sự thành tâm hoặc những hành động lễ nghi khác. Việc tụng kinh được sử dụng từ lúc ban đầu của Phật giáo, khi xã hội Ấn Độ ít dùng đến chữ viết, và một người có học thức là “người nghe nhiều” hơn là “đọc giỏi”. Việc tụng kinh giúp cho trí nhớ được chính xác về những bài giảng của Đức Phật, vì bài kinh tụng có vần, khuyến khích tinh thần trôi theo dòng chảy từ chữ nầy sang chữ khác, và thiếu âm tiết, có thể làm cho vài chữ bị phát âm sai. Đây cũng là môi trường chung mà các lỗi về ghi nhớ được sửa chửa. Sau khi các bài giảng được ghi xuống, được coi là tốt hơn là được ghi nhớ, và việc tụng kinh vì vậy cũng trở nên một phần trong cuộc sống của người mộ đạo.

Việc tụng kinh của người Phật tử không phải chỉ là hát suông một bài hát buồn đơn điệu. Nhưng trong khi giọng trầm hay hơi uy nghiêm, bài kinh tụng vẫn giữ được tầm quan trọng với những khác biệt nhỏ của cường độ và nhịp điệu. Và thật là một ấn tượng sâu sắc khi một nhóm tu sĩ nam và nữ cùng tụng kinh, dù họ có sử dụng những âm điệu khác nhau, tất cả đều hòa lẫn vào nhau trong một bản thể hài hòa. Những bài kinh tụng thường là những ngôn ngữ cổ xưa, như tiếng Pali hoặc cổ ngữ Tây Tạng, vì như thế các bài kinh có một không khí thiêng liêng. Điều nầy cộng thêm phẩm chất âm thanh và những ý nghĩ đi cùng, phát sanh ra một hỗn hợp vui vẻ, thanh cao, thường được cảm nhận với một chút ấm áp ở ngực, và một sự yên tịnh trầm lắng. Những trạng thái như vậy thường xuất hiện cho cả người nghe, nếu họ thư giãn và nghe với tâm chú ý. Như vậy, tăng sĩ nam và nữ có thể chuyển tải một cái gì đó về sự an tịnh trong đời sống tu hành của họ khi họ tụng kinh cho giới cư sĩ. Vô số tăng sĩ hiểu biết hoàn toàn nghĩa lý của các bài kinh tụng, như họ hiểu bao quát về một ngôn ngữ thích đáng và có thể giải thích những bài kinh nầy cho giới cư sĩ. Những bài kinh tụng bằng tiếng địa phương cũng hiện hữu.

Trong tất cả truyền thống, những bài kinh tụng thông thường nhất là những bài ngắn có thể được nối chung lại hoặc lặp lại để tạo thành những bài tụng liên tục dài hơn. Một bài tụng của Phật giáo Nam tông rất thông thường để ca ngợi Đức Phật Gotama là: “Kính lễ Đức Thế Tôn, Bậc A-la-hán, Bậc Giác Ngộ viên mãn.” (Namo tassa bhagavato, arahato, sammā-sambuddhassa). Câu nầy được lặp lại ba lần và thường được tiếp theo bằng một lời cam kết đối với “ba nơi nương tựa” và năm giới cấm.

Trong mọi truyền thống, chuỗi hạt được dùng để đếm những bài kinh tụng. Trong Phật giáo Nam tông, một câu thần chú được sử dụng chẳng hạn như “du sa ni ma; sa ni ma du; ni ma du sa; ma du sa ni”. Đây dựa vào những chữ chánh của Tứ Diệu Đế: dukkha, samudaya, nirodha, magga. Câu thần chú nầy giúp cho tinh thần được chú tâm, giữ nó cảnh giác, và mở cửa cho sự hiểu biết. Một bài tụng lần chuỗi có tính cách mộ đạo được dùng trong Phật giáo Nam tông là “Buddha, Dhamma, Sangha”.

Những nơi nương tựa

Sự bày tỏ quan trọng đối với Phật giáo là “quy y hay nương tựa”. Công thức xưa của điều nầy bằng tiếng Pali bắt đầu với: “Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi, Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi, Sanghaṃ saraṇaṃ gacchāmi”. Câu nầy xác nhận rằng “Tôi đến nương tựa vào Đức Phật, tôi đến nương tựa vào Pháp, tôi đến nương tựa vào Tăng.” Mỗi lần xác nhận là lặp lại “đây là lần thứ hai… ” (dutiyam pi…) và “đây là lần thứ ba… ” (tatiyam pi…). Ba lần lặp lại đánh dấu sự thuộc lòng từ việc sử dụng thông thường của lời nói, và mỗi lần xác nhận là tinh thần trụ ở ý nghĩa ít nhất là một lần.

Khái niệm về “nương tựa”, nơi đây không phải là nơi trốn tránh, nhưng là một nơi mà ý nghĩ được thanh lọc, được nâng cao và tâm trở nên vững chắc. Hướng về những nơi nương tựa nầy đưa ta đến một cách sống tốt đẹp hơn, được kinh nghiệm như là một nơi ẩn náu của sự yên tịnh, một “hòn đảo chắc chắn giữa cơn lũ”, ngược lại với những bất an trong cuộc sống. Những nơi nương tựa nầy nhắc nhở người Phật tử sự yên tịnh, thông suốt, tâm linh và những tính chất nầy giúp cho trạng thái tinh thần cũng được như vậy. Giá trị của những nương tựa được ghi nhận với bằng chứng rằng chúng cũng được gọi là Tiratana hoặc “Tam bảo”: những kho tàng tâm linh với giá trị tối cao.”

Ý nghĩa của mỗi nương tựa thay đổi tùy vào những truyền thống khác nhau. Sự hiểu biết của Phật giáo Nam tông được bày tỏ bằng một bài kinh tụng rút ra từ Bộ Kinh Pali. Về Đức Phật, đây xác nhận là: Vì vậy người nầy là Đức Thế Tôn: vì người nầy là một vị A-la-hán, hoàn toàn giác ngộ, có đầy đủ phẩm hạnh và sự hiểu biết, đạt Niết Bàn, biết rõ về thế gian không một người nào có thể so sánh khi luyện tập cho con người, vị Thầy của trời và người, Đức Phật, Thế Tôn.” “Đức Phật” nói ở đây là Đức Phật Gotama, người được kính lễ và ngưỡng mộ vì đã khám phá lại Pháp (Dharma) và cho thí dụ, bày tỏ cho người khác thấy làm cách nào để kinh nghiệm và sống với Pháp (Dharma). Những lợi ích khi sống với Pháp (Dharma) được kinh nghiệm, và sự kính lễ phát triển sâu xa hơn một cách tự nhiên. Một nghi thức tế lễ được phổ biến của dân Sinha cho rằng, “vì là vô hạn, việc sở hữu các phẩm chất không thể đo lường, vô địch, ngang bằng với vô địch, trời của trời, Thế Tôn đối với tôi, là Phật, là mẹ của tôi, cha của tôi, là thiên thể của bình minh đối với bóng đêm si mê….”3

Nương tựa vào Đức Phật không phải chỉ đối với Đức Phật Gotama, nhưng là đối với tất cả các vị Phật trong quá khứ cũng như tương lai, và đối với nguyên tắc của sự tỉnh thức như là sự đạt đạo đáng giá cao tột. Trong trường hợp nầy, nơi nương tựa thứ nhất có thể được xem là kim chỉ nam cho khả năng của trí tuệ, phát triển từ nội tại của người thực tập.

Bài kinh tụng về Pháp (Dharma) bằng tiếng Pali là: “Đức Thế Tôn đã giảng giải tường tận về Pháp, nhận thấy được ngay nơi đây và bây giờ, vô thời gian, mời gọi sự điều tra nghiên cứu, hướng về trước mặt (đến những giai đoạn thiêng liêng và cuối cùng là Niết Bàn), được kinh nghiệm tự nơi bản thân bởi những người sáng suốt.” Đây nhấn mạnh về Pháp rất dễ gần gũi cho mọi người, và từ từ sẽ có lợi ích lớn hơn. Pháp (Dharma) là nơi nương tựa được giải thích như là Con Đường Thánh Thiện (Khp. A.19). Hơn nữa, Pháp nhắc đến: (a) pariyatti, hoặc nội dung của giáo pháp, (b) Paṭipatti hoặc con đường “thực tập”, và (c) paṭivedha, hoặc “sự hiểu rõ” các giai đoạn thiêng liêng – trong ý nghĩa cao nhất, đó là Niết Bàn, sau đó, Pháp (Dharma) là để nghe/ đọc và hiểu, thực tập và thành đạt. Đây là “luật thứ tự” của bản chất tự nhiên cố hữu, “khuôn mẫu cơ bản” khi hiện tượng xuất hiện tùy thuộc vào những điều kiện thích nghi theo Lý Duyên Khởi.

Bài kinh tụng của Tăng đoàn bằng tiếng Pali là: “Hạnh kiểm tốt nơi Tăng đoàn, học trò của Đức Thế Tôn; gìn giữ phẩm hạnh…; hạnh kiểm sáng suốt…; hạnh kiểm thích nghi…; nghĩa là, có bốn cặp, tám loại cá nhân; Tăng đoàn… xứng đáng với những tặng phẩm, sự hiếu khách, lễ vật, và sự chào hỏi kính trọng, một ruộng “công đức” không thể so sánh cho thế gian.”

Ở đây, “bốn cặp”, “tám loại cá nhân” là người nhập lưu, người một lần trở lại, người không trở lại, vị A-la-hán và những người đang trên đường để đạt các “quả” vị tâm linh nầy, nghĩa là, những ai đã đạt Niết Bàn, thoáng thấy hoặc đang ở bờ mé Niết Bàn. Đây là một Tăng đoàn Thánh Thiện quý giá, một tăng chúng gồm các bậc “Thánh Thiện” nơi tu viện Tăng đoàn, một đại biểu tượng trưng cho giới cư sĩ tiến triển về mặt tâm linh hoặc kể cả các vị trời. Tăng đoàn với hạnh kiểm mẫu mực đáng được cúng dường và kính lễ; Tăng đoàn tu viện tìm cách để tranh đua trong việc thọ nhận sự cúng dường.

Khái Niệm về ruộng “công đức”, là gieo một hạt giống trong mảnh đất tốt để có được quả tốt, vì vậy một món quà dâng tặng cho một người có đức hạnh phát sanh ra nhiều “công đức”. Ý tưởng nầy dựa vào bằng chứng là nếu một người cho quà một người khác mà người nầy tính nết không rõ ràng, người cho có thể sau đó hối hận; trong khi đó dâng tặng cho một người có đức hạnh hoặc thánh thiện, người bố thí cho với tất cả tấm lòng và cảm thấy vui với hành động đó. Việc dâng tặng cũng thiết lập một liên hệ về sự kết giao. Tăng đoàn Thánh Thiện vì vậy mang lợi ích đến cho thế gian với cơ hội phát sanh ra nhiều “công đức”, thuận lợi và thanh tịnh.

Trong Đại thừa (Mahāyāna), học thuyết “tam thể” cho rằng nương tựa nơi Đức Phật không phải chỉ nói về Đức Phật Gotama và các Hóa thân của các vị Phật, nhưng cũng rất quan trọng đối với các Báo thân của các vị Phật. Nơi trường Tịnh độ, việc nhấn mạnh đầu tiên hoặc đặc biệt là nơi Đức Phật Amitābha. Nơi trường Ch’an/ Zen việc nhấn mạnh về Đức Phật lịch sử là một thí dụ sôi nổi và anh hùng, nhưng đặc biệt nhất là ý tưởng về Phật tánh ở bên trong: “nương tựa nơi tam bảo, nơi bản chất nhiên nhiên của chính mình. Đức Phật là thức tỉnh, Pháp là chân lý, Tăng đoàn là thanh tịnh… nương tựa vào Đức Phật bên trong của chính mình… Nếu anh không nương tựa nơi bản chất thiên nhiên của chính anh, thì không có gì khác để cho anh nương tựa nữa” (Plat. sec. 23).

Hóa thân của các vị Phật cũng có nghĩa là những ý nghĩ tốt đẹp và sáng suốt trong tinh thần của một người, và nương tựa vào “Báo thân hoàn hảo ở tương lai ngay chính nơi thân thể thực chất của tôi.” (Plat. sec. 20). Trong Đại thừa (Mahāyāna), nương tựa vào Pháp (Dharma) với ý nghĩa cao nhất của nó là nói về Pháp thân (Dharma-body), thực tại tối hậu. Các vị Bồ Tát Thánh Thiện cũng được gồm chung trong việc nương tựa vào Tăng đoàn, và nương tựa vào Tăng đoàn và các vị Bồ Tát là lập nguyện, thường được lặp đi lặp lại trong sinh hoạt hằng ngày, để trở nên thánh thiện giống các ngài.

Trong Đại thừa (Mahāyāna) của Phật giáo Bắc tông, những nơi nương tựa khác cũng được sử dụng. Đối với ba nơi nương tựa trước, một người nương tựa nơi vị thầy Lạt ma của mình, nguồn nhiên liệu của sự hiểu biết sâu thẳm về những nơi nương tựa khác và xem các nơi nương tựa là hiện thân của các phẩm hạnh. Sau những nơi nương tựa thông thường, một người có thể nương tựa nơi vị Hộ thần (yidam) của mình, một sinh vật thánh thiện là vị thần bảo trợ. Một tín đồ sửa soạn cho việc thực tập thiền, hình tượng hóa, cần phải có những thực tập dẫn nhập đầy đủ và bản chất thành tâm, mộ đạo và thanh tịnh. Năm hoặc sáu cách thực tập thường được thực hành, mỗi thực tập phải được thi hành 100.000 lần. Một là “lạy nằm”, tay cầm những khúc cây vuông (hoặc một miếng cây đặc biệt) để bảo vệ đôi tay không bị phồng da trong tư thế trườn xuống đất nhiều lần. Khi lạy nằm, người thành tâm có thể nói: “Tôi, tên gì đó, thay mặt các chúng sinh và dâng tặng không kềm giữ, thân, miệng, ý, cúi lạy đất với lòng thành kính đối với vị Thầy và Tam bảo.” 4 Cùng với sự xác nhận nầy là việc hình tượng hóa “cây nương tựa”: sự tụ hội của những sinh vật thánh thiện mà ánh sáng rạng rỡ tràn ngập người mộ đạo. Sau một thời gian đấu tranh và chịu đau đớn, việc thực tập sẽ đem lại niềm vui rất lớn. Sự thực tập cũng mang lại một sự cân bằng về việc “tự lực” và “tha lực”: dựa vào bản thân và vào năng lực của các vị thánh thiện.

Thái độ đối với tượng ảnh

Nếu không có cách nào khác, thì những hình tượng luôn có nhiệm vụ là nhắc nhở những phẩm chất tâm linh của các vị thánh thiện. Khi một người theo Phật giáo Nam tông, chẳng hạn, bày tỏ sự thành kính trước tượng ảnh của Đức Phật Gotama, người nầy nhớ lại việc Đức Phật tranh đấu cho sự tỉnh thức, những đức hạnh, giáo pháp, và lý tưởng mà Đức Phật thể hiện. Người nầy vui vẻ nhớ lại Đức Phật phát triển một tấm lòng ấm áp và một tinh thần trong sạch. Những phẩm chất tâm linh được bày tỏ ở dạng một hình tượng đẹp để kích thích người mộ đạo chiêm nghiệm để những phẩm chất nầy có thể xuất hiện nơi chính bản thân họ.

Trong Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Đông phương, trừ trường Ch’an/ Zen, những hình tượng có nhiều ý nghĩa hơn là gợi nhớ. Đặc biệt nhất là trong những trường Mật tông, những tượng ảnh ngấm vào với tâm linh và năng lực và sinh vật mà nó biểu hiệu. Hơn nữa, ảnh và sinh vật “gặp nhau” ở nơi tối cao “chỉ là ý nghĩ” hoặc rỗng không, hình ảnh được xem là hình dáng thật sự của một sinh vật. Như vậy, hình ảnh phải có một dạng có tính cách truyền thống và biểu tượng được thờ cúng. Ảnh tượng cần được tụng kinh, cầu nguyện và đọc thần chú; tượng ảnh được đặt đúng vị trí của nó theo kinh sách hoặc di vật, và những bộ phận nội tạng bằng đất sét được thành hình và điểm nhãn.

Đây liên hệ đến những âm thanh và các đồ vật thánh thiện cho tượng ảnh một năng lực để làm tốt và làm nó sống động, cặp mắt ướt dụ cho sự đáp ứng của một cái nhìn chằm chằm sống động.

Kể cả trong Phật giáo Nam tông, một tượng ảnh ở chùa thường là một điều gợi nhớ; vì thường được cho rằng tượng ảnh cần phải được thờ cúng trước khi nó có thể là trọng tâm cho lòng kính ngưỡng. Việc thờ cúng gồm có đặt những di vật vào trong tượng, một vị tu sĩ đọc vài câu kinh bằng tiếng Pali trước tượng. Ở Tích Lan, những câu nầy được cho là do Đức Phật nói ra sau khi đạt giác ngộ. Đây hài hòavới việc điểm nhãn thường được hoàn thành vào lúc năm giờ sáng, thời gian mà Đức Phật Gotama trở nên Bậc Giác Ngộ. Hai khái niệm nầy dường như muốn nói là những hình tượng được thờ cúng được xem là một vị đại biểu của Đức Phật hơn là một trình bày về Đức Phật. Những khái niệm khác của việc thờ cúng làm tăng cường ý nghĩ nầy. Ở Tích Lan, các thợ thủ công cư sĩ cho việc hoàn thành cặp mắt có liên quan đến năng lực của tượng, và giống như là điện thế, rất nguy hiểm nếu làm một cách cẩu thả. Những thợ thủ công sửa soạn cả mấy giờ một cách lễ nghi, và sau đó chỉ nhìn cặp mắt trong kiếng trong khi vẽ, cho đến khi hoàn thành, cái nhìn đăm đăm được xem là có hại. Những tăng sĩ Tây phương phủ nhận là không cần thờ cúng những ảnh tượng.

Thật ra, ở Phật giáo Nam tông, có một niềm tin phổ biến rộng rãi về một loại “sức mạnh của Đức Phật” vẫn còn tồn tại nơi thế gian khi Phật giáo vẫn còn được thực tập (xem tr.67). Thật vậy, một quyển sách nhỏ được ấn bản bởi một ngôi chùa Thái ở Luân đôn nói về Đức Phật như sau: “Cho dù hiện tại hình thể của Đức Phật không còn hiện hữu nữa, nhưng hình thể tâm linh của Đức Phật, nghĩa là việc làm lợi ích cho kẻ khác và lòng từ bi vô hạn của Đức Phật còn mãi với thế gian.” Thái độ nầy được phản ảnh nơi các Phật tử Nam tông, với việc gìn giữ những di vật và các cây Bồ đề như là một năng lực tốt có tính cách hộ trì.

“Sức mạnh của Đức Phật” thường được số đông tin là có liên quan đến các ảnh tượng, nhất là những ảnh tượng đã được tôn thờ qua bao thế kỷ, ý muốn nói rằng những ảnh tượng nầy đã thu hút năng lực của Đức Phật. Những Phật tử Nam tông thiếu học đôi lúc đi quá đà xem tượng ảnh Đức Phật được thờ cúng như là một người còn sống.

Tụng kinh có tính cách hộ trì

Trong tất cả các trường Phật giáo, việc nghe và tụng kinh được sử dụng như một hình thức để được hộ trì. Ở Phật giáo Nam tông, những đoạn kinh được tụng gọi là paritta, hoặc “dấu thần bí an toàn”. Phần lớn là những đoạn được trích ra từ những bài Kinh Pali, bài kinh thông thường nhất nói về phẩm chất của ba nơi nương tựa, như đã được chuyển dịch ở trên, những bài kinh phổ biến khác gồm có: Kinh Từ Bi (Karaṇīya-metta-Sutta), toả ra những cảm giác tử tế đến tất cả mọi chúng sinh; Kinh Mangala diễn tả những “phước lành” như một sự giáo dục tốt, tính quảng đại, việc lắng nghe pháp, và đạt đến Niết Bàn (Nibbāna); và Kinh Ratana, kêu gọi sự bảo hộ của các vị trời và ca ngợi “tam bảo” (xem Khp. 2-6 và 8-7).

Trong lúc phần lớn các paritta được sử dụng như là một bảo hộ chung chung, những paritta khác được sử dụng trong lúc đặc biệt gặp hiểm nguy, chẳng hạn như chống lại tử thần lúc bị rắn cắn, được cho là trong những bài kinh do Đức Phật nói ra với tính cách đặc biệt là một “paritta” (Khandha paritta, A. II.72). Thí dụ, các paritta được sử dụng để làm thú dữ tránh xa, những kẻ tấn công hoặc ma, trừ tà đuổi quỷ, chữa các bệnh, và báo hiệu hiểm nguy trong trường hợp có tai nạn hoặc thiên tai. Những paritta cũng được dùng để được mùa màng tốt, giúp thi đậu, ban phước cho một tòa nhà mới xây, hoặc chỉ để tạo “công đức”. Có những giới hạn cho năng lực của các paritta. Chúng chỉ có hiệu lực cho những người có đạo đức với lòng tin nơi “ba nơi nương tựa”, và không thể, thí dụ chữa lành người mang bệnh nếu đây là trường hợp trả nghiệp (Miln. 150-4). Nơi những giới hạn nầy, việc sử dụng các paritta được xem là có liên quan đến một số yếu tố.

Trước tiên, tụng kinh và nghe một paritta thì cảm thấy dễ chịu và đưa đến một sự tự tin, một tinh thần trong sạch và thanh tịnh, nhờ vào phẩm chất âm thanh và ý nghĩa của nó. Khi tinh thần ở trạng thái khỏe khoắn hơn, ở đây có thể chữa được bệnh căng thẳng thần kinh, hoặc làm cho một người trở nên tỉnh táo hơn và dễ dàng tránh được những nguy hiểm trong cuộc sống. Thứ hai, tụng một paritta, nhất là một paritta nói về lòng tử tế đối với mọi chúng sinh, làm lắng dịu kẻ thù địch, làm cho một con vật hay ma trở nên thân thiện đối với người tụng cũng như người nghe. Thứ ba, để tạo “công đức” mới, tụng một paritta là kích thích “công đức” ở quá khứ để quả lành xuất hiện tức thời. Thứ tư, tụng và nghe một paritta là làm vui lòng các vị trời đã trở thành người kính ngưỡng Đức Phật, vì thế họ sẽ bảo vệ và giúp đỡ trong năng lực của họ. Cuối cùng, năng lực tâm linh của Đức Phật, “Người bảo hộ với lòng từ bi rộng lớn” (Mahā-jayamangala Gāthā paritta), và chân lý mà Đức Phật đã bày tỏ, được xem như vẫn còn tiếp tục trong những lời của Đức Phật , với ảnh hưởng lợi ích cho việc giải thoát khi những chữ nầy được tụng với lòng thành kính. Ở đây dựa một phần vào khái niệm được tìm thấy thấy trong những bài văn trước, “sự đoan chắc về chân lý” (được bàn luận trong Miln. 119-22). Bằng cách xác nhận vài đức hạnh chân thật của chính mình hoặc của một người khác, hoặc công khai công nhận một lỗi lầm, một năng lực làm tốt được thực hiện, cho lợi ích của chính mình và những kẻ khác. Một điệp khúc ở Kinh Ratana, “do chân lý nầy, nguyện cầu cho tất cả các chúng sinh được tốt lành!”, câu nầy được lặp đi lặp lại sau khi kể ra những phần xuất sắc khác nhau của “tam bảo” .

Trong khi một người cư sĩ hay một người tụng kinh chuyên môn có thể hoạt hóa năng lực của Đức Phật trong những chữ được tụng, thì việc nầy hiệu nghiệm hơn khi được một tăng sĩ đọc tụng. Bởi vì những vị tăng sĩ đang thực tập hết mình con đường do Đức Phật chỉ dạy. Khi các thành viên của Tăng đoàn (Sangha) tu viện tụng niệm Pháp (Dharma) do Đức Phật giảng dạy, ở đây có một phối hợp rất là mạnh mẽ, mang lợi ích cho các cư sĩ đang lắng nghe. Để tượng trưng cho năng lực bảo hộ đến từ nơi các tăng sĩ, trong khi tụng paritta các vị nầy cầm một sợi dây. Dây nầycũng được cột vào hình ảnh của Đức Phật, ý ám chỉ rằng hình ảnh đã được thấm nhuần nơi năng lực của paritta, hoặc tiết ra một ít năng lực hấp thụ từ trước và cộng vào với năng lực của paritta. Sau đó, các phần của “dây-paritta” được cột nơi cườm tay của các cư sĩ như là một nhắc nhở, và là một kho chứa đựng năng lực của paritta. Khi cột sợi dây, một câu kinh bằng tiếng Pali được đọc, có ý nghĩa như sau: “Bằng vào sự oai nghiêm của năng lực đạt được bởi các vị Phật, Độc giác Phật, và các vị A-la-hán, tôi cột vào đây sự bảo hộ hoàn toàn.”

Trong truyền thống Đông phương và Bắc tông, gồm có Ch’an/ Zen, những công thức gọi là đà-la-ni (dhārani) được đọc tụng giống như cách đọc của các paritta, những lời nói để “duy trì lâu dài” Phật giáo và bảo toàn các tín đồ. Có những chuỗi câu và âm vận bằng tiếng Sanskrit, bắt nguồn từ những công thức được ghi nhớ tóm tắt trong một bài kinh, một đoạn trích ra từ Kinh Pháp Hoa (Lotus Sūtra). Bày tỏ sự thành kính sâu xa, Nam tông tụng, “du, sa, ni, ma…” trong lúc lần chuỗi cũng giống những điều nói trên.

Kính ngưỡng Bồ tát AvalokiteŚvara

Niềm kính ngưỡng Bồ Tát Avalokiteśvara đầy dẫy nơi Phật giáo Bắc tông và Đông phương. Bài văn thường được sử dụng trong nghi lễ là một câu trong bài kinh Bồ Tát Avalokiteśvara (Avalokiteśvara Sūtra), một đoạn trích ra từ kinh Pháp Hoa (Lotus Sūtra). Bày tỏ sự thành kính sâu xa, bài kinh nầy nói đến: “Lòng mong ước sự thành kính chân thật, thanh thản, lòng thương xót có ảnh hưởng sâu rộng ! Ánh sáng chói lọi thanh bình, trong sạch, ánh sáng mặt trời trí tuệ tiêu diệt bóng tối… luật thương hại, sấm sét rung động, lòng từ bi vĩ đại như một áng mây to đổ trận mưa rào tâm linh như mật hoa, dập tắt những ánh lửa của đau khổ!” Những tượng và tranh vẽ Bồ Tát Avalokiteśvara được tìm thấy rất nhiều, miêu tả Bồ Tát trong 130 tư thế khác nhau, mỗi tư thế nhắm vào việc bày tỏ vài khía cạnh bản tính của Bồ Tát. Ở Trung Quốc, gọi là Quán âm (Kuan-yin), “ông” dần dần được trình bày như một nữ nhân. Đây có lẽ vì người Trung Hoa xem lòng từ bi của ông như một phẩm chất của người nữ; đây cũng có thể một phần vì sự ám chỉ về người nữ được nói đến trong thần chú của Bồ Tát (xem tr.136). Hơn nữa, từ thế kỷ thứ năm, vài hiện thân của Bồ Tát là người nữ được phổ biến, và “ông” cũng có thể nhập vào với vị nữ thần trước Phật giáo chuyên bảo vệ các thủy thủ. Như vậy, Bồ Tát Kuan-Yin trở thành “Người Mẹ nữ thần” đầy từ bi, một vị thần phổ biến nhất ở khắp Trung Quốc, được mô tả như một nhân vật thanh nhã, tay cầm hoa sen với áo choàng trắng (xem Hình 8).


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]