Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chánh tư duy

04/02/201107:49(Xem: 10806)
Chánh tư duy

CON ĐƯỜNG CŨ XA XƯA
(Bát Chánh Đạo)
Phạm Kim Khánh
Trung tâm Narada, Seattle, Hoa Kỳ 1993

Phần 3

Chánh tư duy

Chi thứ nhì của Bát Chánh Đạo là Chánh Tư Duy (Sammã Sankappa. Sammã là đúng, chân chánh. Sankappa. là suy tư, có nguyện vọng, có ý định). Chánh Tư Duy là suy tư chân chánh, trong ý nghiã có những tư tưởng hướng đến hành động chân chánh, là quyết định hay lập tâm quyết đến hành động chân chánh.

Tư tưởng chân chánh bắt nguồn từ sự hiểu biết chân chánh và dẫn đến hành động chân chánh. Người hiểu biết chân chánh (Chánh Kiến) ắt suy tư chân chánh (Chánh Tư Duy). Đàng khác, người suy tư chân chánh ắt cũng hiểu biết chân chánh. Một tri kiến thâm diệu về bản chất thật sự của kiếp sinh tồn được hoàn mãn thành tựu nhờ suy tư sâu sắc và quán trạch tận tường sẽ đưa đến giá trị tinh thần đạo đức hướng dẫn tâm đến hành động chân chánh, tương xứng với tri kiến.

Như vậy, hai chi đầu của Bát Chánh Đạo - Chánh Kiến và Chánh Tư Duy - liên quan với nhau mặt thiết và ảnh hưởng với nhau rất chặt chẽ. Hai chi này hợp thành giai đoạn "Tuệ" của Con Đường Giải Thoát. Chánh Tư Duy nằm khoảng giữa và làm gạch nối liền, một bên là Chánh Kiến và bên kia là bộ ba Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng.

Di hiểu biết chân chánh phát sanh những tư tưởng chân chánh, dẫn dến hành động chân chánh biểu hiện bằng lời nói chân chánh, tạo nghiệp chân chánh và nuôi mạng chân chánh. Điều này cho ta thấy rằng Chánh Tư Duy không phải chỉ là suy tư suông mà là suy tư bắt nguồn từ hiểu biết chân chánh và đưa đến hành động chân chánh.

Sammã Sankappa, Chánh Tư Duy, là có những tư tưởng chân chánh, mà cũng có nghiã là quyết định chân chánh, tức có:

1. Những tư tưởng khước từ, buông bỏ, không luyến ái, thiên về xuất gia.
2. Những tư tưởng không thù hận và
3. Những tư tưởng không hung bạo.
1.- Tư Tưởng khước từ. Luyến ái là một hình thức ái dục, mà ái dục là nguyên nhân sanh khổ. Do đó, loại suy tư chân chánh đầu tiên là không luyến ái mà buông bỏ, khước từ. Danh từ Pali mà Đức Phật dùng ở đây là nekkhama, Xuất gia, có nghiã là khước từ những lạc thú trần gian để chọn lấy đời tu sĩ.

Dĩ nhiên, nhận thức rằng xa hoa vật chất là ảo huyền và thú vui vật chất không tạo hạnh phúc thật sự vũng bền rồi tự nguyện lià bỏ tất cả sự nghiệp trên đời để khoác tấm y vàng, làm người không nhà cửa, không của tiền, không gia đình, tự ý cam khổ, nghèo nàn, đơn giản, để cố gắng sống hoàn toàn trong sạch là hình thức khước từ cao thượng nhất. Tuy nhiên, Đức Phật không bao giờ khuyên dạy tất cả mọi người đều nên ly gia cắt ái. Ngài chỉ dạy rằng dầu xuất gia hay cư sĩ, chúng ta nên thận trọng nhận thức mối nguy hại của nhục dục ngũ trần mà Ngài ví như cục xương khô, như ngọn duốc mà ta cầm đi ngược chiều giáo, như một hầm than đỏ, như một giấc mơ, như vật vay mượn v.v... Ngài dạy:

"Này chư Tỳ Khưu, thú vui của nhục dục ngũ trần quả thật là tạm bợ, vô thường, là trống rỗng, là giả tạo, là không thực..."
Có những tư tưởng buông bỏ, từ khước những dục vọng trần tục, không luyến ái vị kỷ vào tài sản sự nghiệp, xa lánh cuộc đời phồn hoa đô hội và khoái lạc vật chất, không triù mến, luyến ái cái "Ta" , không bám chặt, đeo niú đời sống, là loại Chánh Tư Duy đầu tiên.

Đức Phật mô tả giáo lý của Ngài là con đường ngược chiều với thời gian.

"Chắc như vậy, con đường dẫn đến lợi lộc của trần gian là một, và con đường dẫn đến Niết Bàn là con đường khác. Thông hiểu như vậy, thầy Tỳ Khưu đệ tử Phật không nên thỏa thích trong mùi danh bả lợi của thế gian mà phải trau giồi hạnh buông bỏ." (Kinh Pháp Cú , câu 75)
Con đường của thế gian là con đường tham ái, dục vọng. Con người thế gian đi dài, thuận chiều theo con đường ấy, mưu tìm hạnh phúc trong sự thỏa mãn tham dục của mình. Giáo Huấn Buông Bỏ mà Đức Thế Tôn ban truyền kháng cưỡng chống lại sức lôi cuốn như thác lũ của tham vọng, đi dần đến mức chấm dứt ái dục và tìm hạnh phúc, không phải trong sự thỏa mãn, mà trong sự dứt bỏ, từ khước ái dục.

Dầu là bậc xuất gia hay hành tại gia cư sĩ, nguyên tắc chỉ đạo chính yếu vẫn được ghi nhận là phải hoàn toàn tận diệt mọi hình thức ái dục mới có thể thành tựu giải thoát trọn vẹn. Từng bước một càng xa lià ái dục là càng đến gần giải thoát. Biết rằng ái dục là nguồn cội phát sanh đau khổ và biết rằng chấm dứt hay giảm suy đau khổ đến mức độ nào là tùy thuộc ở sự chấm dứt hay mức độ giảm suy ái dục, người Phật Tử thuần thành cố gắng phát triển tâm buông bỏ.

Nhưng chính tại điểm này ta gặp phải sức kháng cự mạnh mẽ từ bên trong. Từ lâu, tâm chúng sanh đã quen thâu đạt, cố bám, nắm giữ và tích trữ. Thói quen ấy đã trở thành bản tánh tự nhiên, không dễ gì dùng ý chí mà thay đổi. Dầu lý trí có ưng thuận buông bỏ nhưng tâm, vị ảnh hưởng của ái dục , vẫn còn khư khư chấp thủ, không khứng chịu khước từ. Do đó, vấn đề bây giờ là làm thế nào để gỡ cái tâm ra khỏi sự chi phối của ái dục. Đức Bổn Sư không dạy phải đè nén hay cưỡng bách, xua đuổi ái dục ra khỏi tâm, vì đó chỉ là giải pháp tạm thời. Công cụ mà Đức Thế Tôn trao truyền để diệt trừ ái dục là tri kiến, hiểu biết chân chính bản chất của sự vật.

Dứt bỏ, từ khước, thật sự không phải là vấn đề tự ép buộc mình cố gắng buông bỏ nhưng gì mà sâu kín trong lòng mình vẫn còn tưng tiu, ôm ấp, mà là vấn đề tự mình thay đổi quan kiến của mình, nhìn sự vậy dưới ánh sáng trí tuệ. Khi chúng ta quán trạch tận tường và thấu triệt đầy đủ bản chất thật sự của ái dục và những đối tượng của nó thì chính nó sẽ tan biến mà không cần phải chiến đấu.

Một em bé đang say mê giữa đám đồ chơi của em. Nếu có ai đến xin hoặc dựt của em một món ắt là em khóc la và tranh đấu giành lại cho kỳ được. Nhưng em bé lớn dần. Đến một ngày nào em sẽ không còn bám niú vào những đồ chơi ấy nữa mà để mặc tình ai lấy đi hay làm gì cũng được. Tại sao? -Vì em đã trưởng thành.

Cũng dường thế ấy, ngày nào ta nhận thức rằng ái dục là nguồn gốc của khổ đau, và đau khổ luôn luôn dính liền với ái dục, bởi vì ái dục là khát khao và bám chặt vào một cái gì không ngừng biến chuyển, một cái gì không thật sự có thì làm sao tránh khỏi sầu muộn, đau buồn, thất vọng. Đến chừng ấy ta sẽ không còn luyến ái và cố bám, cố giữ những gì mà lúc nào tưởng chừng như đó là nguồn hạnh phúc duy nhất trên đời

Ta có thể tưởng tượng rằng từ bỏ ham muốn để vượt đến buông bỏ là một hình thức khổ hạnh, là từ sung sướng trở thành gian khổ, từ phong phú dồi dào trở nên nghèo nàn thiếu thốn, từ hạnh phúc thành sầu muộn. Nhưng thật sự, đó là đi từ thỏa thích thô kịch đến hạnh phúc tinh vi tế nhị, êm dịu và thâm trầm, từ những thú vui đầy phiền lụy và cạm bẫy đến an lạc, thanh bình và thật sự châu toàn... từ nô lệ đến tự do.

Chuyển biến này sẽ không xảy điễn nhanh chóng hay một cách dột ngột. Nhưng nếu ta chuyên cần tu nệim ắt một ngày nào nó sẽ đến... như một ngày nào em bé trưởng thành.

2. Tư tưởng không thù hận:hàm ý là tâm từ.

Tâm từ trong Phật giáo là tình thương rộng lớn bao la, không có bất luận giới hạn hay sự phân biệt nào mà cũng thâm diệu đậm đà như tình thương của một bà từ mẫu đối với người con duy nhất của bà.

Có những lời dạy nên thương người láng giềng, người đồng đạo, người đồng chủng, người đồng hương, người đồng chí, người đồng loại v.v... Tất cả những tình thương ấy đều trong sạch, tốt đẹp và cần thiết trong xã hội. Nhưng đó không phải là tâm từ trong Phật Giáo vì có sự phân biệt và có giới hạn trong tình thương. Đó là tình thương giới hạn trong cái "đồng" Đây là "Ta". Giữa đây và chúng sanh nào có một điểm gì chung, một cái gì "đồng" với cái "Ta" ấy thì có tình thương. Đồng thời có sự phân biệt với những người khác, những người không có gì "đồng". Thương người láng giềng "Của Ta", người chung một tôn giáo với "Ta" , cùng một chủng tộc với "Ta", một xứ sở với "Ta" v.v... Lấy cái "Ta" làm trung tâm điểm rồi từ đó tình thương phát tủa ra như ánh sáng một ngọn đèn trong căn phòng, giới hạn bên trong bốn vách. Đó là bản chất tự nhiên của con người. Tình thương vẫn là tình thương, với tất cả những gì tốt đẹp, dịu hiền, dễ mến của nó. Xã hội không thể tồn tại nếu không có những tình thương ấy.

Ở đây chỉ muốn nói rằng tâm từ của Phật Giáo không phải như vậy. Tâm từ phải bao trùm toàn thể chúng sanh, toàn thể càn khôn vũ trụ, vô lượng, vô biên, không có sự phân biệt nào. Người có tâm từ phải vượt lên khỏi mọi hình thức chia rẽ, riêng tư, không bị giam hãm trong những tư tưởng hẹp hòi, không chịu ảnh hưởng của tinh thần đấu tranh giai cấp, quốc gia, chủng tộc, tôn giáo mà nhìn tất cả thế gian là quê hương của mình, và mỗi người, mỗi chúng sanh, là bạn đồng hành trong đại trùng dương mà ta gọi là đời sống của muôn loài vạn vật. Người có tâm từ hòa đồng với tất cả, tự mình chan hòa trong toàn thể, xem vạn vật và mình là một.

Một loại tâm như vậy quả thật là cao thượng! Nhưng cũng rất khó thực hành. Đúng như vậy. Vì lẽ ấy chúng ta còn là phàm nhân. Chúng ta còn phân biệt đây là "Ta", kia là cha, là mẹ, là vợ, là chồng, là con, là cháu "Của Ta", cái này là tiền của, sự nghiệp, cái kia là danh vọng, quyền thế "Của Ta" v.v... Chư vị A La Hán đã tận diệt ngã chấp. Tâm từ của các Ngài như vừng thái dương, bao trùm vạn vật mà không có sự phân biệt nào. Đức Phật là kết tinh, là hiện thân của tâm từ vô lượng vô biên ở mức độ cùng tột. Đó là những gương lành trong sạch để ta noi theo, là lý tưởng thanh cao tuyệt đỉnh để ta hướng tâm về. Những tư tưởng nào hướng về tâm từ vô lượng ấy là Chánh Tư Duy.

3. Tư tưởng không hung bạo:

Hung bạo là gây đau khổ cho người khác mà không xót thương, không động lòng trước tình trạng đau khổ của người khác. Nghịch nghĩa của hung bạo là bi mẫn, động lực làm cho ta rung động trước cảnh khổ của người khác, là cái gì thoa dịu lòng khổ đau của người, là thiện ý muốn giúp người thoát một cảnh khổ. Tâm không hung bạo là tâm bi.

Cũng như tâm tư, tâm bi phải vô lượng, vô biên, không bị hạn dịnh trong một gia dình, một xóm, một làng, một quốc gia, một tôn giáo, một giai cấp hay một loại chúng sanh nào.

Đối tượng của tâm từ là toàn thể chúng sanh - chúng sanh khổ và chúng sanh không khổ - mà không có sự phân biệt. Đối tượng của tâm bi là những chúng sanh xấu số, đang ở trong cảnh khổ, và tác dụng của tâm bi là gia công giúp người đang khổ thoát ra khỏi hoàn cảnh bất hạnh ấy. Người có tâm bi chuyên lo nâng đỡ kẻ thấp hèn, nghèo đói, cô thân, tuyệt vọng, chăm nom săn sóc người bệnh hoạn tật nguyền, khuyên nhủ dỗ dành người thất bại, dẫn dắt và cứu độ người tội lỗi và soi sáng người tối tăm lầm đường lạc nẻo.

Thấy người hoạn nạn rồi âu sầu ủ dột, phiền muộn khóc than. Đó không phải là tâm bi mà giống như người "thù mang lốt bạn" của tâm bi. Tâm bi trong Phật giáo không phải là những giọt nước mắt chảy suông trước sự đau khổ của kẻ khác. Đặc tính của tâm bi là ý muốn giúp người khác thoát khỏi một cảnh khổ chớ không phải là phiền não âu sầu với họ. Thọ ưu (domanassa, cảm giác buồn khổ) thuộc về tâm sân (dosa, hay patigha), một trong ba căn bất thiện.

Tâm bi giống như tình thâm của bà từ mẫu, thương xót đứa con đang lâm bệnh. Bao nhiêu tâm trí, lời nói và hành động đều tập trung lại để chuyên chú tìm phương thế làm cho con đỡ đau khổ.

Lòng người có tâm bi thật là mềm dịu, hơn cả những tai hoa mềm mại, không bao giờ hành hung hay làm điều chi phương hại đến kẻ khác. Chính nhờ tâm bi mà con người có thể phục vụ một cách hoàn toàn vị tha. Người có tâm bi không sống cho mình mà sống cho kẻ khác và luôn luôn tìm cơ hội giúp người, nhưng không bao giờ mong đợi được đền ơn đáp nghiã. Có những tư tưởng hướng về tâm bi là Chánh Tư Duy.

Bản chất của chúng sanh là tham lam, sân hận và hung bạo - hai hình thức khác của ái dục - vì khư khư cố chấp đây là "Ta", cái này là "Của Ta".

Chúng ta vui thích những gì vừa ý và ghét bỏ những gì phật lòng cái "Ta". Vui thích thì đâm ra luyến ái, đeo niú, cố bám chắc, tức tham. Phật lòng thì bất mãn, xua đuổi, giận dữ, oán ghét, tức sân, lắm khi đưa đến hung bạo tàn ác.

Khi Chánh Kiến và Chánh Tư Duy dần dần phát triển, hiểu biết và suy tư chân chánh hỗ trợ lẫn nhau đưa đến nhận thức ngày càng rõ rệt bàn chất rỗng không của cái gọi là "Ta" . Chừng ấy tâm luyến ái, sân hận và hung bạo dần dần suy giảm, nhường chỗ cho tâm buông bỏ, tâm từtâm bi.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]