Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

8. Ái

26/01/201108:28(Xem: 11362)
8. Ái

VÒNG LUÂN HỒI
(THE WHEEL OF LIFE)
Thích Nữ Giới Hương

CHƯƠNG V
VÒNG 12 NHÂN DUYÊN

8. ÁI

Như người say rượu, đã uống mấy chai rồi, say lỉ bỉ, mấy chai không nằm nghiêng ngả lăn dưới đất. Trên bàn một chai để sẵn sắp sửa uống và còn mấy chai nữa sắp hàng chờ đợi. Ý nghĩa bức tranh này cho ta biết khát khao thọ cảm vẫn vô tận trong lòng muôn thú, trong lòng chúng ta, quá khứ cũng thọ ái dục, hiện tại vẫn thọ và mãi đến vị lai. Ái dục ngọt ngào khiến càng say sưa đắm đuối mất chánh kiến.

Tri giác khởi liền sau thọ. Yêu thích tham luyến tiếp liền sau thọ vui. Ghét bỏ xa lánh tiếp liền khổ thọ. Do đó, hết yêu đến ghét, hết ghét lại yêu, cứ vậy triền miên niệm niệm vọng tưởng. Thật ra tưởng tức không, vì rời đối tượng hiện tại và các pháp trần nhớ về quá khứ, vị lai, tưởng quả tình không có, chỉ đối duyên tạm có, duyên diệt ảo tưởng liền tan.

Ngài Quán Tự Tại bồ tát thấy nghe hay biết đủ thứ, không bị che mờ, không bị chi phối. Tất cả hay dở, lành dữ đều bay qua như gió thoảng, như hư không. Được như vậy nên hết khổ. Lời nói là thứ hư vọng, chỉ là trò chơi động tĩnh, trò chơi của khí hơi, do không khí chuyển động (làn sóng âm ba) mà thính giác thần kinh tự biến ra âm thanh để phân biệt. Trí tuệ Bát Nhã biết lời nói là gió thoảng nên không bận lòng. Không ôm không khí chuyển động đó để suy nghĩ rồi sinh oán ghét hay thương yêu.

Thực hành sâu xa Bát Nhã không có nghĩa là chìm nghỉm trong đó mà là tự tại không gián đoạn. Tâm an định một phiến. Tưởng uẩn không lúc nào bị chi phối. Thế là hết khổ. Chúng ta khi đang quán thì tưởng uẩn trừng lặng. Nhưng khi xúc sự vẫn nhận vọng tưởng là mình. Thế là thực hành Bát Nhã chưa sâu nên hễ đụng chuyện liền khổ.

“Ái bất nhiễm bất sanh ta bà” vì nhân ái nhiễm nên chúng ta hiện diện ở đây. Vì thế, Đức Phật dạy ở khoen xúc rằng sự xúc chạm của nam nữ là nguồn chảy thành biển trầm luân sanh tử thế gian.

Loại tình cảm được đề cập đến nhiều nhất trong các tác phẩm nhân loại đó là tình yêu nam nữ. Đây là loại tình cảm mãnh liệt hơn các loại tình cảm khác bởi vì nó liên quan đến bản năng sâu kín của con người. Con người luôn muốn chiếm đoạt về mình mẫu người có thể đem lại hạnh phúc cho mình. Đây là tâm lý vị kỷ và tình nam nữ có sự thôi thúc âm thầm của hoạt động tình dục, một loại hoạt động gây khoái cảm xác thịt rõ rệt nhất là duyên hệ lụy ràng buộc của nhiều đời, là nguồn máy để tạo ra bánh xe luân hồi quay chuyển. Nếu không có thiện căn thâm sâu, không nguyện lực kiên cố, không có thiện tri thức hỗ trợ thì tăng cũng như tục khó thoát khỏi lưới ái nhiễm này.

Nhìn sâu vào thì tình yêu cũng chỉ là bản chất ích kỷ tăng thêm ngã ái, ngã luyến; người thương mình nên mình thương lại và đây cũng là sự hưởng thụ của bản năng con người. Chính bản năng thích hưởng thụ đã thúc đẩy nam nữ tìm đến nhau, và ngược lại nó cũng thúc đẩy họ làm khổ lẫn nhau (biết bao nhiêu vợ chồng gây gỗ, đánh đập, li dị, ngoại tình; nhưng ngược lại cũng có những cặp có tình thương chân chính của sự hy sinh, độ lượng, vị tha… thì tình yêu đó có thể bớt đi màu sắc bi quan của bản năng ích kỷ).

Mặt trái của ái, yêu là ố, là ghét. Yêu ham điều này, chán ghét điều khác, nên thọ duyên ái ố. Ca dao Việt Nam có câu:

“Thương nhau cau sáu bổ ba
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười.”

Hay:

“Thuơng nhau trái ấu cũng tròn
Ghét nhau bồ hòn cũng méo.”

Yêu cũng nhớ mà ghét càng nhớ hơn. Tâm vướng mắc dù thân không có cạnh nhau nhưng vẫn mang nỗi không ưa trong lòng. Ràng buộc khổ não đâu có chịu xả ra mà càng nhớ thì càng si mê. Càng mê càng khổ, càng khổ càng mê. Cứ thế đi đến vô cùng. Chúng ta có hai câu thơ:

“Vũ vô kềm tỏa năng lưu khách,
Sắc bất ba đào dị nịch nhân.”

Mưa không có kềm dây nhưng có khả năng lưu giữ bước chân khách.

Mỹ sắc không phải sóng ba đào nhưng có thể dìm chìm kẻ anh hùng hào kiệt.

Đây là sức mạnh của ái tình và lòng ái nhiễm.

Kinh Pháp cú có rất nhiều lời dạy của Đức Phật về lòng ái nhiễm như:

“Dòng ái dục chảy khắp,
Như dây leo mọc tràn,
Thấy dây leo vừa sanh,
Dùng kiếm tuệ đoạn gốc.” [32]

“Ai sống trong đời này,
Ái dục được hàng phục,
Sầu khổ tự tiêu dần,
Như nước giọt lá sen.” [33]

“Biết thân như bọt nổi,
Giác thân to huyễn hóa,
Bẻ mũi tên ma ái,
Vượt tầm mắt tử thần.”[34]

“Người nhặt hoa dục lạc,
Tâm ái nhiễm mê cuồng,
Đắm say trong dục vọng,
Bị nô lệ tử thần.” [35]

“Do vậy chớ yêu ai,
Ái biệt ly là khổ,
Những ai không yêu ghét,
Không có thể buộc ràng.” [36]

“Luyến ái sinh ưu tư,
Luyến ái sinh sợ hãi,
Ai giải thoát luyến ái,
Không ưu không sợ hãi.” [37]

“Tham ái sinh ưu tư,
Tham ái sinh sợ hãi,
Ai giải thoát tham ái,
Không ưu không sợ hãi”. [38]

Trong Tương Ưng: “Từ vô thủy luân hồi, này các Tỳ Kheo, không dễ gì tìm được chúng sanh trong thế gian này lại không lần nào làm cha hay làm mẹ.”

Tuần báo News Week ra ngày 03 tháng 11 năm 2003, Robert J. Samaelson, một kinh tế gia nổi tiếng nói:

“Thường những người trẻ thì muốn già hơn, còn người già thì muốn trẻ hơn. Đây chẳng qua chỉ là một đoạn đường trong nỗ lực kiếm tìm hạnh phúc thiên thu bất tận của con người”.

Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật dạy rất rõ về giới dục nhiễm[39] này:

“Nếu chúng sanh lục đạo các thế giới, cái tâm không ái nhiễm, dục vọng không theo dòng sanh tử tiếp tục. Nếu tu theo pháp tam muội cốt để ra khỏi trần lao, nếu không trừ lòng ái nhiễm thì ra khỏi trần lao được. Dù có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu không đoạn trừ lòng ái nhiễm thì không ra khỏi trần lao được. Dù có nhiều trí thiền thiền định hiện tiền, nếu không đoạn trừ lòng ái nhiễm thì cũng lạc vào ma đạo. Hạng trên thành ma vương, giữa thành ma dân, dưới thành ma nữ. Các bọn ma này cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng là thành đạo vô thượng.

Sau khi Như Lai diệt độ, trong thế gian có nhiều loại ma này, giả làm thiện tri thức, khiến các chúng sanh sa vào hầm ái kiến, bỏ mất con đường bồ đề. A-nan, nếu ông dạy chúng sanh tu pháp tam-ma-đề trước hết phải đoạn dục vọng trong tự tâm. Ấy gọi là lời dạy rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ nhất của các đức Như Lai, Phật, Thế Tôn. Thế nên A-nan, nếu không đoạn lòng ái nhiễm, tà hạnh mà tu thiền định thì cũng như nấu cát, nấu đá mà muốn thành cơm. Dẫu trải qua trăm ngàn kiếp cũng chỉ gọi là cát nóng, đá nóng. Vì cớ sao? Vì đó là giống cát, giống đá, không phải là bản nhân của cơm vậy.

Ông đem thân tâm cầu diệu quả của Phật, dầu được diệu ngộ cũng chỉ là gốc dục vọng, cỗi gốc đã thành dâm thì phải trôi lăn trong tam đồ, chắc không ra khỏi, còn đường nào tu chứng niết bàn. Chắc phải khiến cho thân tâm đều đoạn hết giống ái nhiễm cho đến tính đoạn cũng không còn nữa thì mới trông mong chứng quả bồ đề của Phật. Như lời tôi nói đây, gọi là lời nói của Đức Phật. Không như lời nói đó, tức là lời nói của ma Ba tuần.”

Ma ba tuần là ma ở trên cõi trời dục giới hay phá hoại bậc tu hành bằng hình thức hiện mỹ nữ hay dùng danh lợi để lung lay chí nguyện người tu hành.











Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]