Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trang 08

24/01/201106:15(Xem: 12396)
Trang 08

TIN TỨC TỪ BIỂN TÂM

Lâm Thanh Huyền - Người dịch: Minh Chi
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội 2003

THƯƠNG YÊU, HẬN THÙ LÀ CÓ THỂ THAY ĐỔI

Mỗi cá nhân chúng ta đều đã nếm mùi ái tình. Nếu ái tình mà thất bại thì sinh ra hận thù. Ái tình, thù hận đan xen nhau mà sản sanh ra. Yêu biến thành hận; tình biến thành thù. Người yêu chia tay với mình rất khó trở thành bạn tốt của mình được, bởi vì mình không có cách nào khác tha lỗi cho đối phương, vì lòng thương trước đây đã biến thành hận thù rồi.

Khi tình yêu đã biến thành hận thù, mà hóa giải hận thù thành ra không có gì hết, là chuyện hết sức khó khăn. Nhưng nếu gắng sức thì vẫn cóthể làm được.

Khi đã thương yêu đến mức có thể hi sinh tính mạng thì cũng có thể làm nhiều chuyện ngốc xuẩn, như là dầm mình trong mưa, lấy dao cắt ngón tay để viết bức thư tình bằng máu (nhưng đối phương nghĩ là anh dùng thuốc màu để viết). Thậm chí, nếu người yêu bảo anh nhảy từ trên lầu cao xuống để chứng tỏ tình yêu say đắm, anh cũng nhảy. Khi còn nhỏ, tôi cũng là con người như thế.

Có người tự sát vì thất tình. Vì sao? Vì muốn tỏ cho người yêu biết, mình yêu cô ta nồng nàn tới mức nào, và cũng muốn chứng minh cho bản thân mình thấy là mình thành tâm yêu cô ta tha thiết. Chỉ vì như vậy thôi mà hy sinh cuộc sống quý báu của mình?

Khi tôi còn nhỏ, tôi cũng bị thất tình, cũng muốn tự sát. Lại còn cho rằng, trên thế giới này người mà không có tư tưởng tự sát, nhất định là người ngu. Đã là người tài hoa thì phải có tư tưởng tự sát!

Có bao nhiêu chuyện thú vị về vấn đề này. Người bị thất tình vì muốn tự sát cho rằng sống trên thế gian này không còn có ý nghĩa gì nữa. Đó toàn là những người bị hãm vào cảnh yêu thương và hận thù mãnh liệt, không cách nào thoát ra được, nếu may mà thoát ra được cơn khốn quẩn đó thì sẽ thấy không tự sát thực là hạnh phúc!

Như vậy, chúng ta thấy rất rõ, luyến ái và hận thù đều có tính không gian và thời gian, không thể bao hàm tất cả mọi thời gian và không gian được.

Thí dụ , anh bị một người hàng xóm lừa lấy một món tiền, rồi người ấy bỏ trốn sang Mỹ. Anh không cách nào đòi lại số tiền ấy được. Qua ba năm, lại vì đường xá xa xôi, anh cũng quên mất số tiền nợ đó. Bởi vì mối hận thù của anh cũng đã vơi đi nhiều.

Yêu thương hay hận thù đều có thể biến đổi. Suốt cả đời chỉ yêu một người hay ghét một người đều là chuyện khó khăn, bởi vì thời gian làm thay đổi tâm tính của chúng ta.

Cô gái mà ngày xưa tôi yêu mến đến mức muốn tự sát, thì vài năm sau, ngồi trong phòng làm việc, cố gắng mãi cũng không hình dung được dáng mặt thân hình của cô ta như thế nào. Lúc này, tôi mới thấy rõ, tôi hoàn toàn thoát khỏi vòng khốn quẫn của mối tình xưa!

Cho nên, phương pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề yêu đương và hận thù là đột phá sự hạn chế của không gian và thời gian, đứng ở một vị trí cao hơn để xem xét.

MỘT VỊ TRÍ TƯƠNG ĐỐI CAO HƠN, VỚI TRÍ TUỆ MỚI HƠN

Có một loài cá, gọi là đấu ngư. Muốn nuôi giống cá này, phải nuôi riêng mỗi con một nơi, nếu không thì chúng sẽ tàn sát nhau. Ngay đối với con cá nuôi riêng lẻ, nếu đặt trước chậu nước một cái gương soi thì con cá cũng sẽ húc đầu tấn công vào cái gương cho đến khi nó chết mới thôi.

Lúc đầu, tôi rất lấy làm lạ về tính chiến đấu của giống cá này, không hiểu làm sao quần thể giống cá này có thể sinh sôi được. Sau khi nghiên cứu mới hiểu, giống cá này có thói quen, mỗi con sống ở một địa bàn riêng, không được xâm phạm địa bàn của nhau. Ở sông và suối, địa bàn không gian rộng, mỗi con sống ở địa bàn riêng của mình, tự nhiên có thể hòa bình cùng tồn tại, không xâm phạm lẫn nhau. Còn nếu nuôi giống cá này trong cùng một chậu nước thì chúng phải đánh nhau đến chết mới thôi.

Nếu mở rộng không gian thì sẽ phát hiện đấu tranh không còn có ý nghĩa gì nữa.

Con người hiệ n đại đấu tranh là vì không gian quá hẹp, và người nào cũng muốn nới rộng phạm vi thế lực của mình.

Đột phá sự hạn chế của không gian và thời gian thì có thể giải quyết vấn đề yêu thương và hận thù. Tuy nhiên, nói như vậy, cũng không phải là dễ hiểu.

Có lần, tôi từ Đài Bắc, đáp phi cơ đi Cao Hùng. Sau khi phi cơ bay, tôi nhìn thấy dưới đất có một quả núi đẹp đẽ lạ lùng, đầy hoa màu lam, màu xanh, màu hồng. Tôi lấy làm lạ, sao mình ở Đài Bắc cũng đã lâu rồi mà không biết có núi đẹ p đẽ dường này, bèn hỏi một thiếu nữ ngồi gần: “Thưa cô, nhờ cô xem hộ tôi, xem núi đẹp kia là ngọn núi nào?” Cô gái liếc mắt ngó xuống rồi trả lời: “Đó là núi Lạp Sắc”.

“Núi Lạp Sắc!”

Núi Lạp Sắc này, nhìn dưới đất thì không đẹp, và còn dơ bẩn nữa, chonên mới có tên như vậy (Lạp sắc : bụi bặm, dơ bẩn), nhưng nhìn từ trên cao xuống thì lại khác hẳn, vì sao? Vì có một không gian rất rộng, và nhìn từ cự ly xa!

Trong cuộc sống, chúng ta gặp rất nhiều chuyện tình ái và hận thù, giống như núi Lạp Sắc vậy. Sở dĩ chúng ta không kham nhân chịu đựng nổi là vì chúng ta ở ngay trong núi Lạp Sắc, nếu chúng ta ở mộ t vị trí cao hơn thì núi Lạp Sắc không còn đáng ghê sợ, và chúng ta cũng đỡ bị nguy hại.

Ban đêm, tôi ngồi viết thường nghe tiếng như trẻ con khóc, kỳ thực không phải là tiếng trẻ con khóc mà là tiếng mèo kêu. Tiếng mèo kêu thực đáng sợ, đủ làm cho người ta sởn tóc gáy. Vì sao con mèo lại kêu dễ sợ như vậy? Đó là tiếng gọi ái tình của con mèo. Tiếng kêu đó có thể làm cho mèo cái xiêu lòng!

Nghe tiếng gọi ái tình của mèo, tôi thấy mình thực là may mắn, vì conngười có thể có thái độ hòa dịu hơn để nói chuyện tình yêu.

Trước đây, tôi có nuôi một con mèo Xiêm. Lớn lên, nó cũng kêu gọi ái tình. Tôi sợ mất con mèo Xiêm quý, cho nên đóng chặt cửa không cho con mèo đi đâu cả. Nhưng có một ngày nó xổng qua cửa sổ mất hút. Năm ngày sau mới về cả mình mẩy đầy thương tích, một bên tai đứt hẳn, chân lại bị què.

Tôi nhìn con mèo mà sững sờ. Một mặt băng bó thương tích cho nó, một mặt nghĩ rằng, giống mèo làm chuyện ái tình thực là kinh thiên động địa, với tất cả tính thú vật của nó. Thực là may mà giống người chúng ta không làm chuyện ái tình đến mức độ ác liệt như vậy.

Nhưng chúng ta lại có thể thấy rất nhiều người làm chuyện ái tình cũng không khác giống mèo! Làm đến mức bản thân bị tổn thương hay là cả hai bên đều bị tổn thương.

Điều này giúp tôi nhận thức được rằng, nếu thay đổi quan điểm để nhìn cùng một sự kiện thì sẽ sanh ra trí tuệ mới.

Hãy mở rộng không gian để nhìn sự kiện mà chúng ta gặp phải: Những khó khăn và thất bại, luyến ái và thù hận. Chúng ta sẽ phát hiện thấy sự thực, ảnh hướng của chúng cũng không lớn lao mạnh mẽ gì, chúng ta sẽ thấy, ngày trước bị ái tình hay thù hận làm cho khốn quẫn, thực là ngu xuẩn.

THẤY RÕ THỰC TƯỚNG CỦA NHÂN DUYÊN

Đứng trên quan điểm Phật giáo mà nói, thì trong phương pháp tu hành của Phật giáo, điều cơ bản nhất là thay đổi quan niệm về không gian và thời gian để đối xử với hiện thực.

Đối với thời gian chẳng hạn, cần nhận thức rằng, trước khi chúng ta sanh, thời gian đã tồn tại, và sau khi chúng ta chết, thời gian vẫn tồn tại. Do đó mà có quan niệm về ba đời: quá khứ, hiện tại và vị lai.

Đối với không gian, chúng ta cũng cần có quan niệm mở rộng thì mới hiểu được đạo lý luân hồi và nhân quả. Cuộc tình duyên hiện tại của chúng ta chỉ là cuộc tình duyên cmột đời sống trước chưa kết thúc; mối hận thù hiện tại chỉ là một mối oan trái đời sống trước chưa trả xong. Nghiệp chướng cũng chỉ là món nợ của chúng ta đối với thế giới này, sẽ được bồi hoàn dần dần với cuộc sống này của chúng ta.

“Vô minh” là một sức mạnh đen tối đang làm chúng ta đau khổ hiện nay, nó từ ở đâu đến nhỉ? Nó đến từ một thời vô thỉ, từ vô số lượng kiếp trước không kể xiết được, và từ một không gian rất lớn, vô cùng.

Chúng ta thực không hiểu rõ, từ các kiếp trước, chúng ta đã gây ra baooan trái, mà hiện nay, chúng ta gặp lại bao nhiêu điều bất hạnh như bị chà đạp bị vu nhục, bị đào thải. Nếu nghĩ rằng, trước đây, chúng ta cũng đã từng biết bao nhiêu lần chà đạp, vu nhục, đào thải những người khác? Cứ nghĩ như vậy, chúng ta sẽ bớt oán giận.

Có hai quan điểm, có thể rút ra từ suy nghĩ trên:

Một là yêu thương hay oán giận không thể không có nguyên do của chúng.

Hai là bản chất của yêu thương và oán giận là một.

Đối với người tu hành, thì thanh toán hết các món nợ quá khứ còn lại là việc làm trọng yếu nhất. Sám hối, hồi hướng cứu giúp người khác... tất cả những việc là m đó là để trả nợ. Một trong những bộ kinh Phật quan trọng làKinh Lăng Nghiêm. Một nửa đầu của bộ kinh nói về quan niệm “bồi hoàn”, trả nợ. Chỉ sau khi chúng ta trả lại sáu căn tức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cho trời đất, trả lại sáu trần tức là sắc, thanh, hương, vị , xúc, pháp cho thế giới này thì chúng ta mới có thể thấy được minh bạch Phật tánh của chúng ta.

Thế nhưng, công việc “bồi hoàn” không phải là vứt bỏ sáu căn, sáu thức của chúng ta, mà đầu tiên là phải mở rộng không gian và thời gian, thì mới có thể thấy được thực tướng của nhân duyên.

THIỀN ĐỊNH VÀ BÁT NHÃ,
LÀM CHO TÂM TÍNH KHÔNG DAO ĐỘNG

Muốn cho yêu thương và oán giận không làm dao động tâm tánh của chúng ta, có hai phương pháp:

Một là thiền định, sẽ giúp chúng ta đoạn trừ được ảnh hưởng của tình ái và thèm muốn.

Hai là Bát nhã, tức là lấy trí tuệ để mở rộng quan điểm của chúng ta về không gian và thời gian, thấy rõ được lý chân không diệu hữu.

Nói như trên quá huyền diệu. Nhưng có một ví dụ có thể dùng để minh họa. Một ví dụ mà mọi người đều biết, nhưng tôi sẽ giải thích theo một
quan điểm khác.

Thần Tú là người học trò giỏi của Tổ thứ năm Hoằng Nhẫn, bất luận về mặt học vấn, tri thức hay là công phu thiền định. Nhưng ông vẫn không được truyền y bá t tuy trình độ tu hành của ông rất cao, nhưng đáng tiếc là trong lịch sử, tên tuổi của ông bị ánh sáng của Huệ Năng che mờ.

Câu kệ của Thần Tú được nhiều người thảo luận:

“Thân như Bồ đề thụ,
Tâm như minh kính đài
Thời thời cần phất thức,
Mặc sử nhạ trần ai”
(Thân như cây Bồ đề,
Tâm như đài gương sáng,
Luôn luôn siêng quét lau,
Chớ để dính bụi trần)

Ý tứ bài kệ là: Muốn có trí tuệ Bồ đề phả i giữ cho được cái gương tâm thức được trong sáng. Và để giữ gương được trong sáng thì phải luôn lau chùi, đừng để cho trong tư tưởng, tâm niệm của mình có cái gì nhơ bẩn dính vào.

Có thể xét bài kệ trên của Thần Tú trên ba giác độ:

Một là bài kệ của Thần Tú vẫn ở trong phạm vi “hữu” (có). Có cái thân này, cái tâm này, có bụi bặm. Do đó, chưa hiểu được triệt để “tính không” của sự vật.

Hai là Thần Tú cho rằng Thiền có mục tiêu để đạt tới. Mục tiêu và phương pháp là quét chùi thật sạch, quét chùi không ngừng mọi bụi bặm trong tâm thức. Thế nhưng, mục tiêu của Thiền không phải là quét chùi bụi bặm của tâm. Công năng của thiền định không phải là để “có” được một cái gì hết.

Ba là Thần Tú cho rằng, một người muốn nhập cảnh giới Thiền, thì phải phấn đấu không ngừng (luôn luôn lau chùi bụi bặm nơi tâm). Muốn nhập cảnh giới thiền, đúng là phải phấn đấu. Thế nhưng, kinh Phật lại dạy chúng ta Bát nhã là không có tranh đấu, là không có Người, Ta không có mục tiêu có thể đạt tới. Bài kệ của Thần Tú được xem là chưa ngộ đạo, không có cách nào để thấy được thực tướng chân chính.

Còn bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng là:

“Bồ đề bổn vô thụ
Minh kính diệc phi đài,
Bổn lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai!”
(Bồ đề vốn không có cây,
Gương sáng cũng không đài,
Xưa nay vốn không có vật nào hết,
Có nơi nào để dính bụi?)

Bài kệ của Huệ Năng cũng có thể xét trên ba giác độ:

Một là bài kệ này nói về thực tướng của Bát nhã. Không có một danh tướng nào có thể bao hàm Bát Nhã, không thể nói Bát nhã là “cây Bồ đề” hay “đài gương sáng”, không thể nói Bát nhã là “cái này” hay “cái kia”, hay “một cái gì đó cố định”, Bát nhã chính là Tánh không tuyệt đối.

Hai là công phu thiền định là để mở cửa Bát Nhã. Người nào thấy được tướng thật của Bát nhã, thì căn bổn sẽ không có cửa để mở, cũng không có bụi bặm, căn bản không có nhiễm ô, cũng không cần lau chùi.

Ba là ra sức cầu Bát Nhã tam muội không có gì là sai. Nhưng nếu dừng lại trên ý nghĩa của sự tìm cầu đó thì Bát Nhã “không phải là ở đây”.

Bài kệ của Thần Tú cho chúng ta thấy Thiền định là quan trọng. Bài kệ của Huệ Năng cho chúng ta thấy, ngoài thiền định ra, còn có một cái siêu việt thiền định, quan trọng hơn thiền định. Đó là Bát Nhã. Bát Nhã là trí tuệ sâu xa vi diệu nhất.


TỪ THIỀN ĐỊNH VÀ BÁT NHÃ XEM XÉT LUYẾN ÁI VÀ HẬN THÙ

Một người dùng công phu Thiền định để khắc phục tình dục là chuyện hết sức khó khăn và gian khổ, nhất là con người hiện đại, có nhiều vọng niệm lại càng khó dùng công phu Thiền định để khắc phục tình dục.

Nhà văn Nhật Bản Thực Đốc có viết một truyện cổ tích nội dung như sau: có một vị tiên, tên là Cửu Mễ vì thất tình cho nên xuất gia tu hành, cho rằng đó là phương pháp tốt nhất để giải quyết tình dục. Ông tu hành trong núi 30 năm, và tự cho rằng mình đã hoàn toàn khắc phục được tình dục. Lúc bấy giờ, ông đã có được nhiều phép thần thông bèn gọi một đám mây lại, nghĩ rằng sau khi mình đã hoàn toàn chế ngự được tình dục thì có thể xuống nhân gian đi chơi một chuyến. Bèn cưỡi mây đi chơi. Khi bay qua một con sông, ông thấy một phụ nữ đang giặt quần áo. Ông lại gần xem xét thì động niệm: “Đùi cô gái này sao mà trắng đẹp thế?” Niệm vừa động như vậy thì mây tản ra, nên ông rơi xuống đất!

Dùng phương pháp Thiền định để khắc phục tình dục thì cũng giống như tiên ông Cửu Mễ, nhất là trong xã hội hiện nay, con người hiện đại muốn dùng Thiền định để khắc phục tình dục thì cũng giống như vào thời Phật Thích Ca còn tại thế, hầu như không thể làm được. Trừ phi đó là người có năng khiếu đặc biệt, còn người bình thường thì không thể.

Con người hiện đại, muốn khắc phục tình dục, giải quyết tình dục thì phương pháp duy nhất là mở mang trí tuệ Bát Nhã. Vì sao mở mang trí tuệ Bát Nhã lại có thể giải quyết được vấn đề tình dục?

Bởi vì con người có một bản thể siêu việt cảm quan. Dù rằng trước kia, anh có phạ m tội lỗi gì, có tình yêu hay thù hận gì, bản thể đó cũng không bị ô nhiễm.

Khi học tập Thiền định, mà có một tư tưởng xấu nảy sinh thì phương pháp của Thần Tú sẽ là đoạn trừ tư tưởng đó. Sự vĩ đại của Lục Tổ Huệ Năng chính là ớ chỗ ông nhận thức được rằng, trong con người có một bản thể không bị ô nhiễm, do đó có thể hoàn toàn không cần xử lý bụi bặm trong đời sống, không cần phải chùi quét ý thức khỏi tư tưởng xấu. Ông đề cao tâm tánh con người lên vị trí thanh tịnh tối cao. Nhờ đứng ở vị trí thanh tịnh như vậy, cho nên đối với mọi chuyện ở đời, dù là rất nhỏ nhặt cũng có thể dùng cái nhìn trực quan để thấy rõ ràng minh bạch.

Nhận định chủ quan rằng, trong con người, có một bản thể thanh tịnh không nhiễm, có thể giúp người học Phật chúng ta có được niềm tin rất lớn, tức là dù có lúc mắc vào chuyện tình ái cũng không có quan hệ gì. Bồ Tát là như vậy, nhờ chúng ta có niềm tin đó, thấy rằng luyến ái cũng không làm ô nhiễm được tâm tánh chúng ta, cho nên mới có thể có được thái độ tương đối tốt đẹp để đối xử vấn đề tình dục.

Bây giờ hãy đứng ở giác độ khác để nói chuyện. Thần Tú nói về một kinh nghiệm đặc thù của Thiền định. Ông cho rằng muốn tu hành thì tâm phải được định tỉnh lại và luôn luôn chùi quét tư tưởng.

Còn Lục Tổ Huệ Năng thì nói với chúng ta rằng, Thiền định không phải là một kinh nghiệm gì đặc thù, nó không khác gì kinh nghiệm của cuộc sống hằng ngày. Kinh nghiệm Thiền định khai ngộ có thể rút ra được từ tất cả mọi kinh nghiệm.

Nói một cách giản đơn, Thần Tú cho rằng phải dùng phương pháp thường xuyên quét sạch bụi bặm nơi tâm, thì rồi mới có được cái tâm thật của con người.

Tâm thật của con người giống như tâm của trẻ con, thiên chân, thong dong, không có hư dối, tức cái tâm của con người dù có phải ngủ trong điện thờ Phật cũng ngủ được thoải mái.

Còn bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng thì sâu sắc và cảm động lòng người hơn rất nhiều. Bài kệ của ông nói rằng, cái chân tâm đó của con người ở đâu cũng có, nơi nào cũng có, bởi vì không bao giờ bị nhiễm ô!

Nghe Lục Tổ Huệ Năng nói, người nào mà không có được niềm tin lớn.

Chúng ta sống trong thế giới này, tuy chúng ta bị bao nhiêu ràng buộc,thống khổ, thử thách, thế nhưng về chủ quan chúng ta phải có nhận định: Chúng ta có một Phật tánh siêu việt tất cả mọi chuyện đó!

KHÔNG CẦN BÀI XÍCH CẢM QUAN,
PHẢI KHÉO LÉO DÙNG CẢM QUAN ĐỂ TU HÀNH

Ái tình hay thù hận của chúng ta đều đến từ cảm quan. Một người sống trên thế giới này không thể không có cảm quan. Cảm quan tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thông qua các cảm quan, xâ m nhập vào nội thân thì có sắc âm thanh, mùi, vị, xúc, pháp.

Con người không thể thoát lìa khỏi thế giới của cảm quan. Nếu hoàn toàn phủ định thế giới cảm quan, thì cũng không thể sống trong thế giới này được. Một thế giới hoàn toàn mất cảm quan là một thế giới đáng sợ. Một người mất cảm quan sẽ không thể phân biệt các mùi phân, mùi thịt, mùi hoa sen. Anh ta sẽ không còn cách gì phân biệt cái đẹp cái xấu, cái hay, cái dở của thế giới này.

Huệ Năng xác định là, ở đàng sau cảm quan của chúng ta có một cái siêu việt cảm quan. Trong kinh Phật, cái siêu việt cảm quan đó gọi là Phật tánh hay tự tánh. Điều rất có ý nghĩa là cái siêu việt cảm quan đó, không phải từ trên hư không đến, mà chính là từ ở cảm quan đến, cho nên chúng ta không được phủ nhận tầm quan trọng của cảm quan.

Trong nửa phần sau của kinh Lăng Nghiêm, Phật bảo với 25 vị Bồ Tát có mặt báo cáo về kinh nghiệm tu hành của họ: 25 vị Bồ tát ấy báo cáo về 25phương pháp tu hành. Xem đoạn ấy của kinh Lă ng Nghiêm mới phát hiện thấy, đại bộ phận các vị Bồ Tát đều khai phát tánh không, khai phát trí tuệ Bát Nhã từ 6 cảm quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

Trong số Bồ Tát này, tôi nhớ có một vị tên Hỏa Đầu Kim Cương, vốn rất mãnh liệt về tình dục. Nhưng ông lại bắt đầu sự tu hành của mình, xuất phát từ lòng ái dục của ông, chuyển hóa được lòng ái dục đó thành lòng từ bi đối với thế giới này, và cuối cùng, ông chứng ngộ được Thật tánh là cái không thể bị hủy hoại–tức là Kim Cương.

Trong Mật Tông, cũng có một vị thần Kim Cương, gọi là Ái nhiễm Kim Cương. Vị này cũng vậy, xuất phát từ tham ái, nhiễm trước mà khai ngộ, tu hành, chứng được quả vị.

Bây giờ, lấy Bồ Tát Quán Thế Âm là m ví dụ, một vị Bồ Tát mà mọi người đều biết rất rõ. Bồ Tát Quán Thế Âm tu hành như thế nào? Ngài dựa vào đâu để tu hành pháp môn mà trong kinh Lăng Nghiêm gọi là “Nhĩ căn viên thông pháp môn”. Nghĩa là Ngài dựa vào thính giác để tu hành. Ngài dùng thính giác để nghe những âm thanh nội tại để nghe những âm thanh xin cứu khổ của chúng sanh. Dựa vào thính giác mà Ngài chứng nhập tánh không, chứng ngộ được Bát Nhã của Phật, mở mang được lòng từ bi và trí tuệ rộng lớn nhất.

Vì vậy tu hành không nhất định là đóng bịt cửa các cảm quan lại, không nhất định là phải bịt tai lại hay là cắt xẻo tai đi! Bồ Tát Quán Thế Âm từng dạy chúng ta rằng, phải khôn khéo dùng tai của ngươi, lại có một số Bồ

Tát dạy chúng ta, hãy khôn khéo dùng mũi, dùng mắt của ngươi. Chúng đều là công cụ tu hành cả.


LUYẾN ÁI VÀ HẬN THÙ ĐỀU LÀ BÀI HỌC ĐỂ TU HÀNH

Bồ Tát đã biết lợi dụng cảm quan để tu hành thì các chuyện luyến ái hận thù trong nhân gian không phải là không có ý nghĩa. Nếu có người cho rằng đều là không có ý nghĩa thì người ấy sẽ không thấy được cái có ý nghĩa hơn, ở đằng sau luyến ái và hận thù. Tu hành như vậy không phải là tu hành theo Đại thừa, cũng không phải là tu hành của nhân gian.

Các kinh Tiểu thừa bảo chúng ta rằng, phải đoạn trừ mọi lòng ái dục mới có thể được giải thoát; mới có thể ngộ được tự tánh; tu hành theo Đại thừa thì không như vậy. Về sự khác biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa, tôi xin đưa ra hai ví dụ dễ hiểu:

Ví dụ thứ nhất là trồng cây. Một ngườỉ muốn trồng cây, sau khi trồng,anh ta ra sức làm cho cây trồng được lớn mạnh. Một người khác, khi bắt đầutrồng cây đã có ý định: Ta sẽ bắt cây này có hình thù một cái dùi đầu tròn. Sau khi cây lớn, anh ta bèn sửa sang cắt dọn để cây mang hình một cái dùi đầu tròn. Làm như vậy, anh ta không làm cho cây lớn tốt được. Còn người thứ nhất thì đầu tiên tập trung sức lại làm cho cây trồng được tốt, rồi sau mới lo cắt dọn. Đó là phương pháp của Đại thừa. Còn phương pháp của người thứ hai là phương pháp Tiểu thừa.

Tu hành ở nhân gian, điều quan trọng nhất là trồng cây của anh cho tốt. Trồng cây của anh cho tốt là thế nào? Nghĩa là làm cho anh có tâm từ bi rộng lớn, có trí tuệ rộng lớn. Sau đó mới sử dụng lòng từ bi và trí tuệ của anh, để xem xét luyến ái và hận thù. Xem xét như vậy sẽ thấy sự vật rất rõ ràng, minh bạch.

Ví dụ thứ hai là trồng hoa. Người Tiểu thừa trồng hoa, thì chỉ trồng một cây hoa. Nếu gần cây hoa đó có cỏ mọc thì lập tức nhổ cỏ đi. Chỉ canh cánh chăm sóc cho cây hoa mọc tốt là được. Còn người Đại thừa thì trồng rất nhiều hoa, vì có rất nhiều người cần tới hoa của anh ta, và anh ta cũng không ngừng gởi hoa đến những người khác. Vì phải chăm sóc nhiều cây hoa như vậy, và phải làm cho cây nào cũng lớn tốt, cho nên có lúc không chú ý được tới những cỏ dại, mọc lên giữa các cây hoa. Chờ khi các cây hoa lớn, nếu có một vài sợi cỏ cũng không thành vấn đề. Nhưng nếu chỉ trồng có một cây hoa mà thôi thì chỉ một ít cỏ cũng thành vấn đề rất nghiêm trọng.

Hiểu như vậy rồi, sẽ có quan điểm rất tốt để xem xét vấn đề dục vọng của nhân gian. Tôi luôn luôn tin rằng, mọi sự vật ở thế gian này đều thuộc phạm vi tu hành của con người, mọi đối tượng chúng ta gặp trong nhân gian đều là đối tượng của từ bi, chứ từ bi không phải chỉ là mua cá hay chim để rồi thả gọi là phóng sanh. Anh gặp một người đau khổ trên đường, người ấy cũng là đối tượng từ bi của anh. Mỗi nhân duyên gặp gỡ đều là nhân duyên khai mở trí tuệ, ở bất cứ nơi nào hay lúc nào đều có thể tu tập Thiền định. Đối với người học Phật, sống một ngày là một ngày tu hành.

Rất nhiều Phật tử, mỗi ngày đêm đều lên khóa lễ sớm chiều nghiêm túc. Sáng dậy, lập tức đánh chuông đánh mõ tụng kinh. Tối đến cũng như vậy. Trong chùa Phật là người thành kính thanh tịnh, ra khỏi chùa thì lập tức biến thành người khác rồi. Tu hành như vậy là không triệt để. Trong chùa, ngoài chùa, và ở khắp mọi nơi, sự ứng xử của chúng ta phải không thay đổi.

Đối với người yêu, chúng ta hy vọng người yêu cũng như mình đều có được đời sống hạnh phúc. Nhưng nếu chẳng may, tình yêu không thành thì cả hai người đều rút ra được bài học trong thất bại, mở mang trí tuệ, đi theo con đường trí tuệ. Đó chính là khóa tu hành của chúng ta: là sự giác ngộ trong ái tình, và có lòng khoan dung đối với người mình thù hận, thậm chí còn cười với họ nữa.

Giữa những người cấp tháo nóng nảy, hãy chịu đựng và bình tỉnh.
Giữa những người hung bạo hãy ôn hòa.
Giữa những người có lòng tham, hãy sống khẳng khái.
Giữa những người buồn khổ, hãy sống từ bi.
Giữa những người lòng tràn đầy cừu hận, hãy sống với lòng không hận thù.
Tất cả những cái đó đều là công khóa tu hành.
Cho nên, luyến ái và hận thù đối với chúng ta cũng là công khóa tu hành.

KHIẾN CHO DANH HIỆU PHẬT VÀ
TÂM NIỆM CHÚNG TA THỐNG NHẤT

Có người miệng thì niệm Phật nhưng hành vi vẫn ác xấu. Niệm Phật như vậy sẽ không có hiệu quả. Mà phải làm cho danh hiệu Phật và tâm niệm chúng ta thống nhất với nhau.

Cũng như thiền định không nhất định phải ngồi thiền mới có kết quả. Mỗi người, trong cuộc sống thường ngày của mình, đều có thể đạt được thiền định. Một người lắng nghe âm nhạc, một người chuyên tâm suy nghĩ, đến mức người ngoài gọi mà không hay, sự chuyên chú ấy cũng giúp họ đạt được định tâm. Người nhập thiền chân chính cũng là như vậy, tức là không bị ngoại cảnh làm xao động.

Nhờ chuyên chú nên đạt tới cảnh giới quên mình, đó là một loại định, nhưng loại định này không được sâu sắc sáng láng như tam muội định, hơn nữa nó là từ ở bên ngoài vào, thí dụ, nhờ vào tiếng nhạc mới có định. Chỉ có định khai thác từ bên trong mới có được kiến địa (chỗ thấy), có kiến địa mới có Bát Nhã.

Chuyên chú là một phương pháp để nhập định. Sự chuyên tâm sâu sắc vào cảnh giới định có thể giúp làm cho tâm thần được thống nhất. Chúng ta không phải từ bỏ cảm quan như là một cái gì xấu, mà chúng ta phải biết lợi dụng cảm quan của chúng ta. Các pháp môn thiền định đều dựa vào cảm quan mà tu hành. Trong sinh hoạt, giờ phút nào cũng là tu hành. Như vậy, trong một ngày, 24 tiếng đồng hồ, lúc nào cũng giữ được trạng thái giác ngộ rất tốt bất cứ ở đâu và khi nào cũng ở trạng thái tỉnh giác đó thì sẽ có một ngày bỗng nhiên bừng sáng, khai ngộ.

Các vị đại Thiền sư ngày xưa cũng giác ngộ theo kiểu như vậy. Sự giác ngộ của các vị ấy không phải do thiền định, mà là do trong mỗi giờ phút họ đều giữ được tâm trạng tỉnh giác.

Người tu tập phương pháp bổn tôn của Mật giáo đều biết tu theo phương pháp bổn tôn thì phải quán tưởng, trì chú, bắt ấn, có người mỗi ngày tu hành vài giờ như vậy, cảm thấy rất đủ rồi, kỳ thực vẫn chưa đủ.


KHIẾN CHO TÂM MÌNH VÀ TÂM BỒ TÁT ẤN CHỨNG NHAU

Bổn tôn tu tập là thế nào? Tức là gặp bất cứ vật gì, cũng đều xử trí như là ở trong tâm mình, có bổn tôn đang ngồi. Thí dụ, tu theo phép thờ Bồ Tát Quán Thế Âm là Bổn tôn, khi gặp sự kiện gì, sự vật gì chúng ta cũng đềuxử trí như là Bồ Tát Quán Thế Âm đang ngồi trong tâm chúng ta. Dùng quan điểm của Bổn tôn (Bồ Tát Quán Thế Âm) để đối xử với thế giới này, dùng con mắt của Bồ Tát Quán Thế Âm để nhìn thế giới này. Trong cuộc sống mà gặp khó khăn, gặp luyến ái hay hận thù thì phải suy nghĩ: Bồ Tát Quán Thế Âm gặp phải hoàn cảnh khó khăn này thì Ngài giải quyết thế nào? Nếu Ngài gặp phải cảnh ngộ luyến ái hay thù hận như thế này thì Ngài giải quyết ra sao? Gặp bất cứ sự vật gì đều suy nghĩ: Bồ Tát xử trí như thế nào? Phương pháp đó gọi là ngoại quán tưởng.

Nếu chúng ta thường xuyên quán chiếu Bồ Tát Quán Thế Âm, ở trong nội tâm của chúng ta, lại thường xuyên dùng con mắt Bồ Tát của Bồ Tát Quán Thế Âm để xem xét thế giới này, một mặt lấy tâm của Bồ Tát để đối đãi với chúng sanh, một mặt lấy tâm của chúng sanh để quán tưởng Bồ tát. Như vậy tâm chúng ta sẽ dần dần cùng với tâm Bồ tát ấn chứng nhau, dần dần lâu dài về sau, có thể hòa hợp với Bổn tôn, đạt tới chỗ “Tâm tâm tương ấn”.

Trong cuộc sống, mỗi giờ mỗi phút đều tu hành, chúng ta sẽ thấy chúng ta có biện pháp để duy trì được cái tâm giác ngộ đó.

Kỳ thực, hòa hợp với Bổn tôn không phải là phương pháp riêng có của Mật giáo. Trong Hiển giáo cũng dùng phương pháp đó, dù chúng ta tu hành theo pháp môn nào. Khi chúng ta niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, và lấy Bồ Tát Quán Thế Âm làm gương sáng soi theo, thường xuyên nâng cao quan điểm nhìn của mình lên đến trình độ của Bồ Tát Quán Thế Âm. Nếu tu hành như vậy sẽ dễ dàng có hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn so với phương pháp ngày ngày chỉ tụng kinh ở điện thờ Phật.

MỌI NGƯỜI ĐỀU CÓ PHẬT TÁNH NHƯ LAI

Giả sử nếu Bồ Tát Quán Thế Âm gặp cảnh ngộ luyến ái và thù hận, thì

Ngài suy nghĩ như thế nào? Xử trí như thế nào đây? Ngài sẽ chuyển hóa ái tình của người thành lòng đại từ đại bi. Trong kinh Lăng Nghiêm nói Ngài “nhập lưu vong sở, văn sở văn tận, giác sở giác không”.

Có nhiều người không hiểu nghĩa bốn chữ nhập lưu vong sở. Nay phân tích như sau: nhập lưu, vong sở ý tứ là: Bồ Tát Quán Thế Âm nhập vào con sông lớn của sanh mạng vũ trụ, từ bỏ chấp trước của tự ngã. Vì không còn ngã chấp, cho nên khi nghe tiếng kêu khổ, kêu cứu khổ của tất cả chúng sanh trong vũ trụ, Ngài đều giác ngộ với trí tuệ rộng lớn, tất cả đều là không rỗng, sáng suốt, không còn bị sự động giao của tất cả mọi sự biến hóa đó.

Hiểu được cảnh giới của Bồ Tát thì khi nói vấn đề luyến ái, sẽ biết lấylòng từ bi để đối đãi với đối tượng yêu thương. Trong nhà thì lấy lòng từ bi mà đối đãi với cha mẹ, con cái, nếu chẳng may, phả i chia tay với người yêu thì cũng lấy lòng từ bi đối đãi với họ, không sanh lòng oán hận đối với họ. Như vậy, sẽ không còn có hận thù.

Sự thực, yêu và hận, tình và thù không có khác biệt gì với lòng đại từ đại bi của Bồ Tát. Vấn đề là chúng ta có hay không có biện pháp chiếm đượcvị trí cao để xem xét, xử lý vấn đề đó. Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói: “Tất cả chúng sanh đều cóđức tướng, trí tuệ của Như Lai, chỉ vì do có vọng tưởng và chấp trước mà không chứng ngộ được mà thôi”. Đứng về Phật tánh mà nói, Phật tức là mỗi một chúng ta, bởi vì ở trong mỗi người, đều có Phật tánh của Phật, vì vậy mọi người đều có thể thành Phật. Dưới con mắt của Phật thì chúng sanh tất yếu sẽ có ngày thành Phật. Quan điểm này, trong kinh điển Phật giáo, cũng được xác định là: “Phật, ta, chúng sanh về bổn thể là không có phân biệt”.

Chúng ta yêu, chúng ta hận thù. Các vị Bồ Tát từ vô lượng kiếp tới nay cũng đều trải qua kinh nghiệm yêu thương và hận thù, và các Ngài đã siêu việt lên trên thương yêu và hận thù, mà phương pháp siêu việt thì hết sức đơn giản. Tóm tắt chỉ có mấy chữ: Tự giác, từ bi, mở mang trí tuệ Bát Nhã.

TÌNH CẢM PHONG PHÚ
TU HÀNH VÔ NGẠI

Tôi rất thích xem điện ảnh, sau khi học Phật, tôi cũng thường xem điện ảnh. Gần đây, tôi có xem bộ phim đầu đề là “Lưu dân đại hanh” do Chu Nhuận Phát và Chu Sở Hồng chủ diễn. Đấy là một câu chuyện ái tình làm động lòng người. Kết thúc của câu chuyện là đôi trai gái phải chia tay nhau, xem phim mà tim tôi như nát ra và tôi đã khóc. Những người học Phật cùng với tôi xem phim, thấy tôi khóc, không hiểu được bèn hỏi: “Ông học Phật lâu năm như vậy, sao mà cảm tình nhiều và nhạy bén thế?”

Vì sao học Phật lâu năm lại không thể có cảm tình? Học Phật càng lâunăm, cảm tình càng phong phú lên mới phải. Tôi chảy nước mắt vì tôi cảm thông với nỗi đau khổ do ái tình đem lại, cảm thông với nỗi khổ phân ly của đôi trai gái. Tuy câu chuyện điện ảnh là giả, hư huyễn, thế nhưng trong cuộcsống hiện thực của con người, những cảnh ngộ như vậy phải chăng cũng đã xảy ra?

Nếu có một người thất tình đến khóc vớ i anh thì anh xử trí thế nào? Biện pháp của tôi là cùng khóc với họ.

Gần đây, có nhiều người đến gặp tôi và vừa khóc, vừa kể lại những cảnh ngộ éo le của đời họ. Tôi không có cách gì giúp họ, nhưng tôi cũng cảm thấy đau khổ như họ, vì tôi đặt mình trong hoàn cảnh của họ, tâm tôi có khác gì tâm họ.

Nếu anh là người có cảm tình phong phú, anh đừng có mặc cảm tự ty, vì có rất nhiều vị Bồ Tát cũng có cảm tình phong phú như anh vậy.

Trong kinh Phật, có nói đến vị Bồ Tát thường bi, nghĩa là luôn thương
người xót vật, lại có vị gọi là vị Bồ Tát thường hay khóc (Thường Đề Bồ tát), 24 tiếng trong ngày đều rơi lệ. Bồ tát không sợ chảy nước mắt, chỉ sợ không có cách gì để trong nước mắt được giác ngộ, sanh khởi trí tuệ mới.

Nếu như trong nước mắt mà phát hiện được trí tuệ mới, giác ngộ mới, vậy thì có lúc chảy nước mắt cũng có quan hệ gì?

Tôi cho rằng, một người có lòng từ bi chân thực, thì có thể bình thản đối diện với dục vọng trong đời sống. Nếu một người có thể tự giác, mở mang trí tuệ thì có thể tìm được cái ta chân thực ở ngay trên cảm quan và ở trong dục vọng.

Khi chúng ta tìm được cái ta chân thực rồi, thì ta sẽ hòa hợp được với pháp tánh của Phật, Bồ tát.

Hãy giác ngộ ngay từ đó! Từ ở trong ái tình của chúng ta, từ ở trong thù hận của chúng ta. Từ ở trong yêu, hận, tình, thù v.v... từ ở trong những dục vọng của con người mà được giác ngộ, đạt được một trí tuệ siêu việt hơn, phát hiện được một cái Ta thanh tịnh hơn!./.

WP: Mỹ Hồ

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]