Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trang 05

24/01/201106:15(Xem: 12372)
Trang 05

TIN TỨC TỪ BIỂN TÂM

Lâm Thanh Huyền - Người dịch: Minh Chi
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội 2003

VĨNH VIỄN ĐỂ LẠI CHÚT TÌNH CẢM Ở NHÂN GIAN

Đừng có sợ học Phật, đừng có cho rằng Phật giáo là khó hiểu, giới luật là đáng sợ.

Luật Tông giả ng giới luật nói câu “A La Hán không ngủ ba đêm liền ở một gốc cây dâu, để khỏi vướng mắc tình cảm đối với gốc cây dâu”. Nếu sống theo giới luật đó thì phải chăng mỗi ngày chúng ta phải thay đổi giường nằm để khỏi vướ ng mắc tình cảm đối với giường ngủ?

Lại nói Bồ tát không được nghe tiếng vòng đeo của phụ nữ ở cách tường. Vì rằng nghe tiếng vòng đeo lẻng xẻng thì sẽ nghĩ tới đàn bà, tức là phạm giới.

Những giới luật như thế làm cho người học Phật có nỗi sợ rất lớn: Liệu chúng ta đi vào thế giới Phật giáo có phải tuân thủ những giới luật như vậy hay không? Ta và gia đình ta có bị áp lực như vậy hay không?

Không can hệ gì! Chỉ cần chúng ta khai phát tự tánh, nhận thức được trí tuệ Bát nhã ba la mật, thì chúng ta sẽ được tự tại không còn lo sợ gì!

Tiếng vòng đeo của phụ nữ nghe cũng êm tai, chứ có sao? Giữ lại chút
tình cảm đối với gốc dâu cũng không có gì là không tốt.

Trong Kinh Hoa Nghiêm có câu: “Bồ tát vĩnh viễn để lại nhân gian một chút tình cảm”.

Vì sao? Vì nếu không lưu lại nhân gian một chút tình cảm thì sẽ không trở lại nhân gian nữa!

Vì vậy, đừng có e ngại để lại tình cảm! Đừng có sợ tiếp xúc với mọi sự ở nhân gian. Phải đối đãi mọi sự vật với thái độ sáng suốt.

Thái độ sáng suốt tức là giác ngộ, khai phát tự tánh của chúng ta. Quán chiếu, duy trì trí tuệ Bát Nhã ba la mật, tiến trên con đường dẫn tới “bờ bên kia”.


CUỘC SỐNG HIỆN NAY, THẾ GIỚI HIỆN NAY

CHỚ QUÊN CUỘC SỐNG HIỆN NAY
Khi tôi nghĩ tới chủ đề “Cuộc sống hiện nay, thế giới hiện nay”, nghĩ tới con người luôn luôn bị thời gian, cuộc sống thúc đẩy, tôi liền nghĩ rằng cuộc sống này, đời sống này phải chăng cũng như thế ư? Có khi chưa kịp nghĩ ngợi, suy xét một số vấn đề thì thời gian đã trôi qua rồi. Nói chung, cũng vì lẽ đó mà có rất nhiều người sắp xếp “kế hoạch đời sống”, “quy hoạch thời gian”. Điều vô lý là, dù anh có sắp xếp tốt đẹp thế nào, quy hoạch hoàn thiện thế nào, thời gian vẫn vô tình trôi qua, từng giây, từng phút.
Vì vậy đừng quên phải làm một cái gì đó, cho cuộc sống hiện tại của mình.
Từ khi tôi học Phật đến nay, thường xuyên có người đến bày tỏ nỗi khổ với tôi: Vì sao, trước khi học Phật, tôi rất vui vẻ, sau khi học Phật, tôi lại
cảm thấy đau khổ, nguyên nhân là đâu?
Có một ngày, khi tôi đang đi bộ theo con đường Đôn Hóa Nam, thì gặp một nữ sĩ, trạc tuổi tôi. Cô ta chạy theo tôi và hỏi: Ông có phải là Lâm Thanh Huyền không?
Tôi trả lời: “Phải”
Cô ta nói: “Hay thật! Tôi đang định gọi điện thoại nhờ ông giúp đỡ, nào ngờ được gặp ông ở đây”.
Tôi hỏi: “Cô có chuyện gì thế?”
Cô ta nói: “Tôi cảm thấy, trước khi học Phật, tôi còn sống rất sung sướng, nhưng nay sau khi học Phật lại sống rất đau khổ”.
Tôi lại hỏi: “Vì sao cô lại khổ?”
Cô ta nói: “Tôi mỗi ngày đều lên khóa lễ sớm và chiều, mỗi buổi một giờ. Chồng tôi không tán thành tôi lên hai khóa lễ sớm và chiều, cho rằng tôi bỏ mất quá nhiều thời gian vào một việc vô ích. Con trai tôi thích nghe loại nhạc sôi động ồn ào, nhưng cả nhà tôi chỉ có một đài nghe mà thôi. Khi tôi lên khóa lễ sớm và chiều thì con tôi không nghe nhạc được, thường do đó mà sanh ra mâu thuẫn. Ngày nào, trong khi nấu cơm tôi đều niệm Nam Mô A Di Đà Phật, có lúc không chú ý, bàn tay bị bỏng...”
Cô ấy cũng thật lạ. Vì sao, sau khi học Phật, lại cảm thấy cuộc sống đau khổ không tự tại, lại không có cách gì sống êm đẹp với người trong nhà.
Trước hết, tôi hỏi cô ta một số vấn đề. Câu hỏi thứ nhất: “Vì sao cô lại niệm danh hiệu Phật A Di Đà”. Cô nói: “Tôi muốn cầu vãng sanh về cõi Cực Lạc phương Tây”.
Tôi lại hỏi: “Vì sao cô lên hai khóa lễ sớm và chiều?”
Cô nói: “Vì nghiệp chướng của tôi rất nặng, cho nên tôi phải làm công
phu lên khóa lễ sớm chiều để sám hối nghiệp chướng ngày xưa của tôi”.
Tôi nói: “Cô có nghĩ rằng nên làm một việc gì đó cho cuộc sống hiện tại của cô hay không?”
Cô ta đứng ngây người ra. Vì cô ta chỉ lo sám hối nghiệp chướng quá khứ, và tương lai cầu vãng sanh về thế giới Cực Lạc phương Tây mà thôi.
Nếu người học Phật chỉ lo quá khứ và vị lai, vậy thì, trong khoảng thời gian này, cuộc sống hiện nay, đời anh trong hiện tại, anh làm gì?
Chớ quên cuộc sống đời này! Chớ có lo vì sám hối quá khứ, mong đợi
tương lai mà quên mất cái trọng yếu nhất là cuộc sống hiện tại, đời sống hiện tại.

SỰ KHÁC NHAU GIỮA TẠI GIA VÀ XUẤT GIA

Học Phật có người là tại gia, có người là xuất gia. Người cư sĩ tại gia khác với người xuất gia về thái độ tu hành cơ bản và về phương pháp tu hành.
Điểm khác biệt thứ nhất: Người xuất gia là người tu hành chuyên nghiệp, còn người tại gia tu hành nghiệp dư.
Hiện nay, tôi là một nhà văn chuyên nghiệp, ngày nào tôi cũng phải viết văn. Nếu không là m như thế, tôi sẽ tự thẹn với mình. Nhưng nếu nhà văn nghiệp dư thì khác, nhà văn nghiệp dư có thể ba năm mới viết một cuốn sách cũng có thể 30 nă m mới viết một cuốn. Mỗi ngày chỉ cầu viết 100 chữ. Họ thực là thoải mái? Vì họ là nghiệp dư.
Người xuất gia là chuyên nghiệp cho nên nhiệm vụ chủ yếu là tu hành, phải để rất nhiều thời gian niệm Phật tu hành. Người tại gia thì không như vậy vì chúng tôi là nghiệp dư, nếu chúng tôi mỗi ngày bỏ ra 8 tiếng đồng hồ để tu hà nh thì kết quả cuối cùng sẽ làm cảm tình vợ chồng bị đổ vỡ, con cái sẽ không còn nhận chúng tôi là cha, là mẹ nữa, họ hàng bạn bè đều cho chúng tôi làm như vậy là không phải. Bởi vì chúng tôi đã biến thân phận nghiệp dư thành chuyên nghiệp, nhưng đừng có cho rằng nghiệp dư thì phải thua chuyên nghiệp. Có một số nhà văn nghiệp dư trong cả một đời chỉ viết được một cuốn sách, nhưng quyển đó viết rất hay. Trái lại, nhà văn chuyên nghiệp có thể trong một năm viết đến hàng chục cuốn sách, nhưng cả đời không viết được một quyển nào hay cả.
Điểm khác biệt thứ hai: Người tại gia có nếp sống của người tại gia, không giống với nếp sống của người xuất gia. Người xuất gia ở trong cảnh chùa rất yên tĩnh. Mỗi ngày, sáng sớm 3 giờ rưỡi đã thức dậy, lên khóa lễ sớm để lạy Phật. Chúng tôi người tại gia không có cách nào sống như vậy được, chúng tôi buổi tối có thể còn phải làm việc mãi tới 11 giờ, 12 giờ khuya mới về. Nếu chúng tôi lại nghĩ rằng sống như người xuất gia mới là phải, nhưng lại không thể thay đổi nếp sống hiện tại của mình được, thế là sinh ra mâu thuẫn, xung đột lớn (với tự thân).

TU HÀNH CHÂN CHÁNH LÀ RẤT GIẢN ĐƠN

Tôi cho rằng, người tại gia nên lấy “cuộc sống” làm cơ sở cho sự tu hành, đem tu hành vào cuộc sống, chứ không phải lấy ngôi chùa làm giới tuyến, phân biệt rành mạch hai bên: Một bên ở trong chùa thì niệm Phật, lễ Phật sám hối, đọc kinh, như vậy mới là tu hành, còn bên kia, ở ngoài chùa thì không phải là tu hành.
Đức Phật Thích Ca dạy rằng: Ba điều trọng yếu nhất của tu hành là thân, miệng, ý nghĩ mà không nói là niệm Phật, lễ Phật, đọc kinh. Nếu tu hành là ở nơi thân làm, miệng nói và đầu óc suy nghĩ, thì có thể kết hợp được sự tu hành của chúng ta với cuộc sống. Người tu hành cần chú ý làm cho hành vi của mình mỗi người đều trở nên trong sạch và siêu thoát, làm cho lời nói của mình mỗi ngày đều tốt đẹp, hiền hòa có ích đối với người khác, làm cho mỗi ý nghĩ của mình đều thanh tịnh, thiện lành.
Tu hành chân chính thật ra rất là giản đơn. Chỉ cần khiến cho mỗi hành vi lời nói và ý nghĩ của chúng ta đều dần dần trở thành chân chánh, biến hành động thô bạo dễ phẫn nộ, thành hành động hết sức ôn hòa tốt đẹp, biến lời nói khó nghe thành lời nói dịu hiền dễ nghe, biến ý nghĩ không tốt đẹp thành ý nghĩ từ bi và siêu thoát.
Qua sự chuyển hóa đó, chúng ta sẽ không ngừng hướng thượng và thăng hoa.
Ngoài việc hướng thượng và thăng hoa, còn phải làm cho thân, miệng, ý nghĩ không có vướng mắc (chấp trước) vào một sự việc đặc biệt như là sinh hoạt, sinh mạng, thậm chí cả đến Phật pháp cũng không được chấp trước.
Trong kinh A Hàm, kể một lần có một đệ tử hỏi Phật Thích Ca: “Bạch Thế Tôn, giáo pháp của Thế Tôn có thể tóm tắt nói lên bằng một câu rất đơn giản hay không?”
Phật trả lời: “Có thể”.
Đệ tử lại hỏi: “Đó là câu gì?”
Phật nói: “Đối với tất cả, đều không chấp trước. Đó là lời nói quan trọng nhất trong tất cả giáo pháp của ta”. Tiếp theo Phật lại nói: “Nếu có người nào đó hiểu được câu ấy thì sẽ tin theo toàn bộ giáo pháp của Ta, nếu có một người nào đó thực hành được câu ấy thì tức là thực hành được toàn bộ giáo pháp của Ta”.
Ôi! Đối với tất cả đều không được chấp trước, đức Phật Thích Ca giảng pháp thực là tuyệt vời!
Không được chấp trước đối với pháp cũng như đối với sinh hoạt. Pháp vị tất đã tôn quý hơn sinh hoạt. Ngồi quán tưởng Bồ tát Quán Thế Âm cũng không phải là tôn quý hơn bón cho trẻ con ăn. Cũng như vậy, bón cho trẻ con ăn, cũng không phải là tôn quý hơn pháp. Cả hai đều là bình đẳng. Suy nghĩ như vậy mới có thể không còn chấp trước pháp, mới đoạn trừ được bệnh chấp trước.

TRONG SINH HOẠT TOÀN LÀ PHẬT PHÁP

Trên thế giới này, không có một cái gì cố định gọi là Phật Pháp. Niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế âm, hay là niệm câu chú Đại Minh sáu chữ cũng không phải là đại biểu cho Phật Pháp. Vì rằng, Phật dạy: Nếu anh cho rằng, ở ngoài cuộc sống, có Phật pháp, thì tức là trên đầu anh, anh lại đặt thêm một cái đầu nữa, mình vốn có đầu rồi, lại đi tìm một cái đầu khác! Nếu anh không chú ý tới cuộc sống của anh thì không thể có sự canh tân, sáng tạo và siêu việt trong thân làm, miệng nói và đầu óc suy nghĩ, và mọi tìm tòi, yêu cầu của anh đối với Phật pháp đều là hư vọng.
Ngài Lục Tổ Huệ Năng cũng nói: “Phật Pháp là ở trong thế gian, không tách rời thế gian mà giác ngộ được, tách rời thế gian mà đi tìm sự giác ngộ, cũng như tìm sừng trên đầu con thỏ vậy”. Nếu chúng ta muốn tách khỏi thế gian này để cầu tìm sự giác ngộ (Bồ đề) thì sẽ không khác gì đi tìm một con thỏ có sừng. Đây là chuyện không thể có được. Trên thực tế, Bồ đề chính ở ngay trong cuộc sống, trong những việc như khi anh cho con nhỏ của anh ăn cơm, như khi anh nấu canh, canh ngọt mà tay không bị bỏng, ở trong tâm tình của anh, trong tư thế của anh khi anh đi đường, ở quan điểm của anh khi anh nhìn một vật gì đó. Thực ra không có một vật gì cố định gọi là Phật pháp, mà trong cuộc sống toàn là Phật pháp.
Có người nghe nói như vậy, sinh ra lo sợ: Như vậy thì ông phủ định sự tồn tại của 8 vạn bốn ngàn pháp môn mà Phật đã từng giảng thuyết hay sao? Không phải, đâu có phủ định sự tồn tại của 84.000 pháp môn, mà biết rõ 84.000 pháp môn đều là phương pháp giúp chúng ta cách tân, sáng tạo, đề cao hành vi, lời nói và ý nghĩ của chúng ta, nhưng chúng không phải là mục tiêu. Cũng như hằng ngày, chúng ta niệm “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát”, Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát không phải là mục tiêu, mà là phương pháp giúp cho tâm của chúng ta được đề cao, siêu việt và sáng tạo. Chúng ta mỗi ngày đều lễ Phật. Lễ Phật cũng không phải là mục tiêu mà là phương pháp giúp cho tâm chúng ta được hòa dịu, nhờ đó mà mở mang được trí tuệ và lòng từ bi.

KIỂM NGHIỆM ĐỘNG CƠ HỌC PHẬT

Người ta nói chung, thường đặt Phật Pháp hoặc là trong quá khứ, hoặc là trong tương lai, rất ít người đặt Phật pháp trong hiện tại, ngay trong giờ phút của cuộc sống hiện tại.
Trong tình hình đó, chúng ta cần kiểm nghiệm lại động cơ học Phật của mình là gì? Mục tiêu học Phật là gì? Rất nhiều tín đồ Phật giáo sẽ nói rằng: “Mục đích của tôi học Phật là để thành Phật”.
Thành Phật ư? Phật Thích Ca tu hành trải qua ba A Tăng kỳ kiếp mới thành Phật. Tôi đã từng tính toán xem ba A tă ng kỳ kiếp là mấy chục triệu năm. Mỗi lần tính toán, cứ đến ngày thứ hai là quên mất, vì thời gian ấy dài quá. Phật Thích Ca, trí tuệ như vậy, tu hành tinh tấn như vậy, mà còn phải trải qua ba A tăng kỳ kiếp, một thời gian dài lâu như vậy mới thành Phật. Nếu anh cũng đặt mục tiêu thà nh Phật, e rằng mục tiêu ấy xa vời quá không
với tới được.
Cũng có người nói: “Mục đích của tôi học Phật là để tiêu trử mọi nghiệp chướng trước kia”.
Nghiệp chướng trước đây cũng rất dài lâu xa xôi. Về căn bản, chúng ta không hiểu rõ được, biết được nghiệp chướng ngày trước của chúng ta. Vậy thì làm sao mà tiêu trừ? Và cả phương pháp nào để biết sau khi tu hành, nghiệp chướng nào được tiêu trừ?
Thật ra, phải đứng vững trong giờ phút hiện tại này! Quá khứ thì không thấy nữa. Vị lai thì không thể biết. Vậy thì dựa vào đâu để chúng ta có thể tu hành Phật Pháp một cách thực tiễn?
Chỉ có hiện tại, chỉ có giờ phút này!

HÃY SỐNG TRỌN ĐỜI SỐNG NÀY,

NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC CHẤP TRƯỚC ĐỜI SỐNG NÀY

Người tu theo tông phái Tịnh Độ nói với tôi rằng, điều quan trọng nhất trong sự tu hành của họ là có được tâm nhàm chán, tức là nhàm chán thế giới này.
Nếu học Phật pháp là để có tâm nhàm chán đối với đời sống này, thế gian này, thì đức Phật hà tất đã bỏ ra hơn 40 năm để truyền bá giáo pháp của Ngài? Đây quả là một công án rất lớn. Ngoài ra, các vị Tổ sư Tông Tịnh Độ như Đại sư Tuệ Viễn, Đại sư Ngẫu ích, Đại sư Ấn Quang, ít nhất cũng để lại những tác phẩm trên hàng trăm vạn chữ. Nếu thiệt sự, họ nhàm chán thế giới này, xa rời thế giới này, thì sao mỗi ngày họ lại mất nhiều thời gian để viết hà ng trăm vạn lời. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, nếu sửa đổi lối thuyết pháp đề cao tâm nhàm chán thì sẽ dễ hiểu và dễ tiếp thu hơn, chúng ta sẽ có tâm quý trọng cuộc sống nhưng lạ i không chấp trước cuộc sống đó.
Lại nói: Ngoài cuộc sống này, thế gian này, còn một thế giới khác tốt đẹp. Nhưng vấn đề là: Chúng ta không biết bao giờ chúng ta sẽ chết, cũng không biết sau khi chết, có được đến thế giới Cực Lạc phương Tây hay không?
Trước tiên, hãy xét vấn đề: Thế giới Cực Lạc phương Tây có quan hệ đến cuộc sống này của chúng ta hay không? Hay là thế giớ i đó tồn tại một cách độc lập trong thời gian và không gian vị lai? Kinh sách Tịnh Độ viết: Một người không thể có ít nhân duyên phúc đức và thiện căn mà được sanh ở thế giới Cực Lạc. Nhân duyên, phúc đức và thiện căn đều có quan hệ với cuộc sống này và thế giới này. Tách rời cuộc sống này, sẽ không thể nói gì đến thiện căn, phúc đức và nhân duyên được. Trong Kinh lại nói, phải niệm Phật, niệm đến chỗ “Nhất tâm bất loạn” thì mới được vãng sanh qua cõi Cực Lạc phương Tây. Muốn niệm Phật đến chỗ nhất tâm bất loạn, thì phải bắt đầu từ trong hiện tại mới có thể đạt tới cảnh giới niệm Phật nhất tâm bất loạn. Muốn được vãng sanh, nếu hy vọng được người khác hộ niệm, thì cũng phải được hộ niệm ngay trong đời này, chứ không phải chờ chết rồi, mãi lâu về sau, mới được người khác hộ niệm.

TƯỚNG THẬT CỦA THẾ GIỚI CỰC LẠC

Tiếp đó cần nhận thức tướng thật của thế giới Cực Lạc là thế nào? Thế giới Cực Lạc có thể được xem xét từ ba góc độ:
Thứ nhất, thế giới Cực Lạc là một báo độ, một cõi nước thực sự, hết sức cụ thể do hạnh nguyện rất lớn của đức Phật A Di Đà sáng tạo ra. Đến đấy, chỉ có sờ tay là có bàn ghế, đi trên đất toàn là vàng bạc, trên hư không có tiếng nhạc kỳ diệu du dương.
Thứ hai, thế giới Cực Lạc không những là báo độ mà còn là pháp độ, không phải chỉ là báo độ. Nếu thế giới Cực Lạc chỉ là một báo độ, thì hạnh nguyện của đức Phật A Di Đà không tránh khỏi bị chúng ta hạn chế. Cõi Cực Lạc còn là cõi nước của pháp thân thọ mạng vô lượng và ánh sáng vô lượng, từ lâu vẫn tồn tại và cho đến tương lai xa xôi vẫn tồn tại. Nó xuyên suốt mọi thời gian, và tràn đầy mọi không gian. Vì nó tồn tại khắp mọi thời gian, khắp mọi không gian cho nên chúng ta chỉ cần thể nghiệm được Phật Pháp, nhận thức được Phật pháp thì đều có thể khiến tâm chúng ta giống như thế giới Cực Lạc phương Tây vậy.
Thứ ba, thế giới Cực Lạc là một hóa độ, đức Phật có ba thân: pháp thân, báo thân và hóa thân. Mỗi đệ tử Phật từng niệm danh hiệu Phật A Di Đà đều có thể lập tức đến cõi hóa độ của Phật A Di Đà. Chỉ miễn lòng chúng ta trong sáng, thì sẽ đến được cõi nước trong sáng, như vậy trong giờ phút lòng trong sáng đó, chúng ta đã ở cõi nước của Phật A Di Đà.
Đứng trên quan điểm ấy mà xem xét thì đời này, thế gian này không phân biệt với Tịnh Độ. Từ ở đây mà vãng sanh sang Tịnh Độ, không phải đi một lộ trình đến mỏi chân, không cần xem thế giới Cực Lạc phương Tây như một vùng nào rất xa xôi, hư huyễn không thể đến được. Rất có thể, ở đây đã là thế giới Cực Lạc, hiện tại đã là thế giới Cực Lạc. Nếu so sánh với một quốc gia bạo động và hỗn loạn, lửa cháy đầy trời thì nơi này có khác gì là thế giới Cực Lạc phương Tây và chúng ta đang ở đấy.
Có lần, tôi đưa con trai tôi đến chùa nghe một pháp sư giảng Kinh A Di Đà nội dung bài giả ng của pháp sư rất nghiêm túc nhưng con tôi nghe lại buồn ngủ. Ra khỏi chùa, câu đầu tiên nó hỏi tôi là: “Ở thế giới Cực Lạc phương Tây có thể vui chơi được không ba?”. Tôi trả lời: “Ba không biết vì ba chưa đến thế giới Cực Lạc phương Tây”. Nó nói: “Nếu ở thế giới Cực Lạc phương Tây không có chỗ cho mọi người vui chơi thì con cũng không muốn đến đấy”.
Lời nói của con tôi làm tôi suy nghĩ: “Đúng thực vậy!”
Chúng ta đã có thể tưởng tượng thế giới Cực lạc phương Tây quá nghiêm túc, quá xa xôi, quá cố định, nhưng thế giới Cực Lạc phương Tây có thể là rất tự do, rất rộng lớn, rất tự tại.

HỌC PHẬT

NẾU MẮC HÌNH THỨC, SẼ THÀNH HƯ VỌNG

Bây giờ, nói tới một quan điểm rất hệ trọng: Tất cả mọi pháp môn đều chỉ là phương pháp giúp chúng ta cách tân và sáng tạo nội tâm, động cơ học Phật của chúng ta là để không ngừng biến đổi theo chiều hoàn thiện thế giới nội tại của chúng ta.
Nếu một người học Phật mà không biết dùng đời mình để cải cách nội tâm của mình, hàng ngày chỉ cùng với trẻ con mở nhạc, nghe đài thì học Phật của anh chỉ là hình thức mà thôi.
Về sau, tôi có nói với bà bạn khổ não của tôi rằng: “Sao bà lại không cùng nghe âm nhạc với con bà?”. Bà nói: “Nghe âm nhạc ồn ào như vậy có tác dụng gì?”
Trong lịch sử, có rất nhiều Tổ sư dùng nhiều phương pháp khác nhau để khai ngộ. Có người đập vỡ chén mà khai ngộ, có người ném đá vào cây tre mà khai ngộ, có người dẫm vào gai mà khai ngộ, có người đang tắm mà khai ngộ, mỗi người khai ngộ trong một tình trạng đặc biệt.
Chỉ cốt nội tâm có một khát vọng như thế tức là khát vọng tự mình hướng thượng, biến thành một người có sức sáng tạo, khiến cho thế giới nội tại tâm hoàn toàn mở rộng và hoàn thiện, thì anh có thể được khai ngộ trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Đã từng có người đập đất mà khai ngộ, vậy thì bà chủ gia đình khi làm cơm cũng có thể khai ngộ được chứ sao? Và bà sẽ là người đầu tiên nấu cơm mà khai ngộ.
Những ví dụ trên đều thuyết minh rằng, Phật pháp không tách rời chúng ta, không kể là tu hành theo pháp môn gì nếu tách rời cuộc sống mà tu hành thì cá i gọi là Phật pháp đã trở thành hư vọng, cuộc sống trở thà nh đau khổ bất an.
Tôi thường khuyên bảo mọi người, nếu học Phật mà phải đau khổ thì đừng có học Phật mà làm gì, để tránh không hạ thấp Phật giáo. Nếu ăn chay mà thấy khổ quá, thì đừng có ăn chay, để khỏi ảnh hưởng đến người khác ăn chay.
Tôi có một người bà con ăn chay, nhưng lại oán việc ăn chay. Mỗi lần anh ta bị cảm sốt hay đau bụng, đều nói tại ăn chay, thức ăn chay có tính quá hàn (?) cho nên làm anh ta bị cảm, bị đau bụng. Sau khi nghe anh ta oán ăn chay dữ quá, cho nên tôi khuyên anh ta rằng “Thôi xin anh đừng có ăn chay nữa, vì ăn chay làm anh quá khổ”.
Nếu có một điều gì đó làm anh ta đau khổ thì sao anh lại không bỏ điều ấy đi? Có thể là sau khi bỏ, anh đạt tới một cảnh giới mới.
Ăn chay mà thấy khổ, thì thôi đừng ăn chay nữa, chờ khi nào anh có được nhận thức mới, thể nghiệm mới thì ăn chay trở lại cũng không muộn.
Chớ có ép mình vào một hình thức cứng nhắc, thí dụ quy định mỗi ngày phải làm khóa lễ một tiếng đồng hồ, đến nỗi sinh ra mất đoàn kết trong gia đình mà không biết. Đó là chuyện đáng sợ? Vì sao lại không điều chỉnh thời gian khóa lễ xuống 10 phút chẳng hạn? Nếu anh biết quý trọng 10 phút đó thì khóa lễ vẫn có thể làm rất tốt. Như vậy sẽ đảm bảo hòa thuận trong gia đình, lại giúp cho mọi người thấy lợi ích thực tế của việc học Phật.
Thiền Tông thường dạy rằng, điều quan trọng nhất của việc học Phật là được tự do tự tại.
Một người học Phật mà học thành mình không được tự do, không được tự tại thì học Phật đối với anh ta chỉ là hình thức, anh ta thực sự không có được ích lợi lớn lao gì trong việc học Phật.

NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO THÌ ĐƯỢC TỰ DO, TỰ TẠI
NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO LÀ TỰ DO?

Rộng lớn vô cùng, khiêm nhường vô cùng, nhu hòa vô cùng, và không có hạn hẹp, đó là con người tự do.
Không có yêu cầu nhất định gì đối với sự vật, đó là tự do.
Giả sử có người nói với tôi: Anh sao lại đặt cái chén này ở bên phải? Đặt ở bên trái mới đúng chớ?
Tôi bèn lập tức đặt cái chén bên trái, để cho người ấy vui lòng. Thực ra, cái chén ấy có thể đặt bên trái hay bên phải đều được cả, có thể tùy thời mà thay đổi.
Nếu đối với việc gì, anh cũng đặt ra giới hạn, thí dụ nói trong vòng ba năm sẽ được đốn ngộ, nhất định trong vòng ba năm sẽ thành Phật. Nếu thời gian ba năm đã đến rồi mà anh chưa đốn ngộ, chưa thành Phật thì có phải là đau khổ không! Bởi vì, giới hạn thời gian đó lúc nào cũng ràng buộc anh, khiến cho anh không được tự do. Thí dụ , tôi không tự quy định thời gian cho mình mỗi ngày phải lên khóa lễ bao nhiêu thời gian. Những ngày tôi rất bận, thì tôi thưa với Phật và Bồ tát rằng: “Kính thưa Phật và Bồ tát thân mến! Con hôm nay chỉ có 3 phút để vái ba vái, cầu xin Phật và Bồ tát tiếp thu ba vái hết sức chân thành này của con”, tôi tin rằng, một giờ khóa lễ với tâm phân tán không hơn gì khóa lễ rút ngắn nửa giờ, nhưng làm rất tốt đẹp. Khi tôi bận mà vái Phật ba vái, ý nghĩa của 3 vái đó đối với tôi rất là hệ trọng, thời gian dài hay ngắn không thành vấn đề, nhưng cũng không thể hoàn toàn không làm.
Mọi hình thức được dùng, là để khai phát sự tự do nội tại của mình, chứ không phả i là hy sinh sự tự do nội tại cho một số hình thức bề ngoài.
Nếu suy nghĩ như vậy, thì có thể sống rất tự do.

NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO CÓ THỂ GỌI LÀ TỰ TẠI?

Có một nhận thức rất kiên cường đối với sự tu hành, đối với thái độ sinh hoạt của mình, không vì người ngoài nói, cũng không vì hoàn cả nh mà thay đổi đó là con người tự tại.
Có một phương pháp để sống được tự do, đó là có một sự khẳng định cao nhất đối với giá trị bản thân. Và sự khẳng định cao nhất đó là điều mà Phật Thích Ca nói, tức là “Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ trí tuệ và đức tướng của Như Lai, chỉ vì do vọng tướng chấp trước mà không chứng ngộ được mà thôi”.
“Chúng ta cũng là một chúng sanh, cũng có đầy đủ trí tuệ và đức tướng của Như Lai”. Chúng ta đã sẵn có tiêu chuẩn cao như vậy trong nội tâm đối với bản thân, cho nên dù là trong chỗ đông người, cũng như khi ngồi một mình, chúng ta đều tự tại.
Tôi hết sức thích thú hai câu này của Thiền sư Tôn Diễn: “Ở chỗ đông người phải có cái tâm của riêng mình, khi ở riêng một mình, phải có hoài bão của số đông” (Tại nhân quần lý, yếu hữu độc xứ đích tâm, tại độc cư thời, yếu hữu nhân quần đích hoài bão). Không những phải có hoài bão lớn mà còn có thể giữađông người kiểm nghiệm hành vi, lời nói và ý nghĩ của mình, khiến cho nội tâm được hướng thượng, giá trị của mình được khẳng định. Và cũng nhờ đó mà con người được tự tại.
Học Phật là để được tự do tự tại, mà không phải là để bị ràng buộc và
đau khổ.
Mỗi người học Phật đều phải xác định mục tiêu của mình. Mục tiêu đó có thể là vãng sanh qua thế giới Cực Lạc phương Tây, cũng có thể là thành Phật. Mặc dù mục tiêu như thế nào, chúng ta phải nhớ kỹ điều này: Học Phật là để khai phát trí tuệ của chúng ta, và để chúng ta có được tâm từ bi rộng lớn. Dù cho chú ng ta cầu thành Phật, làm Bồ tát hay là cầu vãng sanh về cõi Cực Lạc, trí tuệ và từ bi là hai điều kiện không thể thiếu được.
Trí tuệ và từ bi giống như hai bánh xe của Phật giáo, hai cánh của con chim, thiếu một cũng không được. Dù mục tiêu của chúng ta gần hay xa, cũng không thể bỏ qua trí tuệ và từ bi được. Phải thực hiện ngay trí tuệ và từ bi trong đời sống hiện tiền, thế giới hiện nay.

MỞ MANG KHÔNG NGỪNG TRÍ TUỆ

Làm sao đạt tới trí tuệ, ở mức giản đơn nhất, cơ bản nhất. Đầu tiên, cần nhận thức rõ hai chữ trí tuệ.
Chữ trí, ở trên có chữ tri 知 trong từ ghép tri thức, và ở dưới có chữ nhật 日là mặt trời. Trí tuệ là tri thức chói sáng như mặt trời. Có bốn đặc sắc của mặt trời là: Thứ nhất, mặt trời tự mình phát sáng, có năng lực soi chiếu. Nơi nào được mặt trời soi chiếu đều trở nên rõ ràng, minh bạch. Năng lực soi chiếu đó trong sách Phật gọi là “Diệu quan sát trí” (trí tuệ quan sát kỳ diệu). Thứ hai, mặt trời hết sức bình đẳng. Không kể anh là người nghèo hay người giàu, là con muỗi hay con châu chấu, mặt trời đều bình đẳng soi chiếu tới. Sự bình đẳng ấy, trong sách Phật gọi là “bình đẳng tánh trí”. Thứ ba, nơi nào mặt trời soi chiếu tới, đều trở nên sống động, mọi vật được sanh trưởng, đặc điểm này, trong Phật giáo gọi là “thành sơ tác trí”. Thứ tư, mặt trời rộng lớn vô cùng, tràn đầy khắp thế giới. Đặc điểm này gọi là “đại viên cảnh trí” (trí tuệ như tấm gương rộng lớn, tràn đầy) vì mặt trời giống như tấm gương lớn chiếu sáng khắp thế giới.
Chữ trí bao gồm đầy đủ 4 ý nghĩa sau đây:
Một là năng lực quan sát. Phải bồi dưỡng cho mình có được năng lực quan sát sự vật theo quan điểm mới, với thái độ mới. Hai là phải có thái độ bình đẳng. Không có thái độ bình đẳng thì sẽ không thể có trí tuệ chân thực. Ba là duy trì sức mạnh sống động, sinh trưởng và phát triển không ngừng. Trí tuệ là sanh trưởng, phát triển không ngừng. Có thái độ bao dung rộng lớn
đối vớ i tất cả mọi cảnh ngộ.
Có được như vậy sẽ dần dần sanh ra trí tuệ .
Chữ Tuệ 慧, dưới có chữ tâm 心. Tâm nói lên năng lực cảm thọ. Đối với thế giới này, phải có năng lực cảm thọ, không được để mất nhiệt tình.
Để mất tình thương đối với thế giới này, mất lòng quý trọng đối với thế giới này thì không gọi là trí tuệ được, bởi vì đã để mất Tâm! Vì có tâm cho nên mới có cảm thọ. Có cảm thọ nhưng không chấp trước, đó chính là tuệ. Có lần, tôi dự tiệc tại phòng ăn ở nhà một người bạn. Trong phòng ăn, có một bàn có tám thanh niên ngồi. Họ nói chuyện rất to. Chủ đề câu chuyện
của họ là chiến tranh vùng vịnh Ba Tư, thời sự nóng hổi. Họ nói chuyện rất hào hứng. Cười nói ồn ào khiến cho mọi người trong phòng ăn để ý. Nhưng, không có ai can thiệp. Bỗng nhiên, có một vị khách già đứng dậy, đến bàn ăn những người thanh niên và nói với giọng rất nghiêm túc: Chiến tranh có gì là đáng cho các anh cười!
Mọi người trong phòng ăn đều ngừng tay, các thanh niên ngồi ở bàn cũng sửng sốt, không dè có một câu hỏi như vậy đố'i với họ. Lúc ấy người già mới rút găng tay bên trái, để lộ một cánh tay cụt không có bàn tay. Cuối cánh tay chỉ là một bọc lớn. Vị khách già nói: “Tôi đã mất bàn tay trong chiến tranh. Chiến tranh không có gì đáng cười. Đã có chiến tranh là có người chết, dù người chết đó 1à Mỹ hay là Iraq. Người chết đó là con, là chồng, là cha của một số người khác. Cũng có thể là con gái, vợ, mẹ, của một số người khác. Chiến tranh là chuyện rất bi thảm”. Nói xong vị khách đó trở về chỗ ngồi với thái độ bình thản.
Hôm ấy, mọi người ăn như nuốt không vào! Nghĩ tới lời nói của vị khách già: “Chiến tranh có gì đáng cười!” Tôi cũng cảm thấy tự hổ thẹn. Nhớ tới cách đây 2 ngày mình cũng thảo luận sôi nổi với các bạn về chiến tranh vùng vịnh Ba Tư. Nhưng lại không nhìn chiến tranh với quan điểm đó của vị khách già. Trong chiến tranh có người đã hy sinh. Những người đó là con là chồng, là cha v.v. . . Nếu nghĩ như vậy thì sẽ sinh lòng thương xót vô cùng đối với chiến tranh.
Đó tức là thay đổi quan điểm vốn có của chúng ta, quán sát thế giới với cái nhìn đổi mới, nhìn thế giới với con mắt bình đẳng. Tâm chúng ta cảm xúc, có một nét sống mới. Tâm chúng ta trở thành rộng lớn, đến mức không còn phân biệt người Mỹ, người Iraq hay là người Chilê. Không kể là người nước nào, đã có người chết đều là chuyện bi thảm giống nhau. Trí tuệ của chúng ta, cũng nhờ sự kiện này mà được mở mang.
Tám người thanh niên kia có thể nhờ sự kiện này mà được giác ngộ, cũng có thể là không được giác ngộ. Nếu họ không được giác ngộ, tức là họ thiếu một cái gì đó. Tức là họ thiếu năng lực cảm thọ, thiếu tuệ... Vì thiếu trí tuệ cho nên họ không có được cảm xúc mới.
Cảm xúc mới rất là quan trọng. Khi chúng ta có đầy đủ trí tuệ để đối diện với thế giới này thì quan điểm của chúng ta có thể tùy thời mà điều chỉnh cho thích hợp.
Nhìn sự vật với một quan điểm đổi mới, thường thường là một bước ngoặt lớn, đời sống không phải là một cái gì cố định.
Nếu chúng ta có trí tuệ và biết không ngừng thay đổi năng lực quan sát và cảm thọ của chúng ta, thì tôi tin rằng, chúng ta có thể “nhờ đó mà sống được những ngày hạnh phúc và an lạc”. Vì chúng ta có thái độ quan sát bình đẳng, sống động và rộng lớn, cho nên sẽ không có gì làm chúng ta thất bại được Đó chính là trí tuệ.

TỪ BI LÀ CHO VUI, TRỪ KHỔ

Từ bi là gì?
Rất nhiều các bậc thầy bảo chúng ta rằng: “Từ bi là cho vui, trừ khổ”, đem lại cho người khác niềm vui, đoạn trừ mọi đau khổ cho họ.
Nhưng ta lại bàn về từ bi theo một góc độ khác.
Chữ từ 慈, ở trên là chữ tư 茲, nói theo văn Bạch Thoại là chữ như thị 如 是 nghĩa là như vậy. Dưới là chữ tâm. Từ là tâm như vậy.
Tâm như vậy, là khi thấy người khác đau khổ hay vui sướng, đều có cái tâm như vậy. Tức là cái tâm cảm thọ nỗi đau khổ của người khác, mong mỏi cho họ đoạn trừ được đau khổ. Khi thấy người khác vui, cũng cầu mong mọi người đều được vui như vậy.
Bi 悲 trê n là chữ phi 非 là không phải. Dưới là chữ tâm. Bi là chữ phi tâm 非 心. Bi là biến đổi, không ngừng biến đổi cái tâm của chúng ta, khiến tâm chúng ta tiếp cận “cái tâm như vậy”, cái tâm có khả năng cảm thọ nỗi đau khổ và niềm vui sướng của người khác. Khi ấy chúng ta mới có được lòng từ bi đích thực.
Nếu như không biến đổi được, hay là tìm ra được “cái tâm như vậy”, thì lòng từ bi của chúng ta sẽ không được chân thật.
“Cái tâm như vậy”cũng tức là tự tánh hay Phật tánh của chúng ta, trước khi cha mẹ sanh ra chúng ta. Bộ mặt vốn có ấy hiện nay đang bị che lấp. Vì vậy cần phải không ngừng phi tâm, không ngừng biến đổi.
Chữ Phật 佛, bê n trá i là chữ nhân 亻(là người), bên phải là chữ phất 弗 là không phải... không phải là người tức là Phật. Không phải người tức là đoạn trừ tất cả mặt tình cảm tiêu cực của con người, đoạn trừ hết thảy tham, sân, si, mạn, nghi. Con người như vậy, gọi là Phật. Tức là nói, Phật cũng không phải là một cá nhân đặc biệt, cũng không phải có cái tâm đặc biệt. Phật là con người bình thường như chúng ta, có cái tâm bình thường, nhưng nhờ giác ngộ canh tân không ngừng mà đoạ n trừ được tất cả mặt trái, mặt tiêu cực của tình cảm con nguời. Con người như vậy, gọi là Phật.
Có một lần tôi diễn giảng về chủ đề Hoằng Nhất đại sư. Một người nghe, hỏi cư sĩ Trần Tuệ Kiếm (người cùng diễn giảng với tôi): “Vì sao Đại sư Hoằng Nhất lại vô tình đến thế. Bỏ vợ, bỏ con để tu hành”. Trần cư sĩ trả lời: “Chớ có trách Hoằng Nhất đại sư, nếu Ngài không tu hành như vậy, thì sẽ không có Hoằng Nhất đại sư”. Quan điểm của tôi cũng giống như của Trần cư sĩ. Tôi rất cảm ơn Hoằng Nhất đại sư có lập gia đình, có con rồi mới xuất gia tu hành, rất cảm ơn Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng lập gia đình, có con rồi mới xuất gia tu hành. Trong Phật giáo đã từng có rất nhiều ví dụ như vậy, như Nan Đà, Liên Trì đại sư, cũng đều lập gia đình, có con rồi mới xuất gia. Có người còn lấy nhiều vợ, như Hoằ ng Nhất đại sư, trước khi xuất gia đã có hai vợ, Liên Trì đại sư cũng có hai vợ.
Vì sao lại cần cảm ơn như vậy? Vì đó là sự thị hiện vĩ đại của các vị ấy, cho chúng ta thấy rằng, các vị tuy có gia đình, có con nhưng vẫn không nhụt chí, vẫ n có hy vọng thành tựu mục đích tu hành một cách viên mãn, hoàn thiện. Bất cứ người nào cũng đều có thể giác ngộ bắt đầu từ một thời điểm nhất định và tu hành đạt tới kết quả viên mãn.
Có một bài kinh (Kinh bà già), trong đó Phật thuyết pháp cho một bà già. Bà già ấy, sau khi được nghe Phật thuyết pháp bèn được giác ngộ rồi chứng ngộ. Những ví dụ như thế rất nhiều. Vì vậy, đừng có lo lắng hiện nay mình bao nhiêu tuổi, đừng có lo lắng mình bây giờ đã có mấy con, chỉ cần từ giờ phút này anh giác ngộ, nỗ lực tu hành thì sẽ thành công.
Tâm từ bi là nhờ biến cải tâm mình ở đời này mà chứng được Phật tánh. Nếu đời này chưa hoàn thành được thì chờ đời sau. Nhưng vì chúng ta chưa biết đời sau chúng ta thế nào cho nên ngay ở đời này hãy sống hết sức mình. Chúng ta lại cũng không biết ngày nào chúng ta sẽ từ giã cõi đời này, cho nên phải vĩnh viễn giữ vững tư thế tiến tới, hướng thượng. Không ngừng phát huy trí tuệ và từ bi cho tới giờ phút cuối cùng.
TRỞ VỀ ĐỜI SỐNG NÀY, THẾ GIAN NÀY

Trong một lần diễn giảng, do Hội Công Đức Từ Tế tổ chức, tôi được gặp nữ sĩ Tạ Băng Oanh, năm ấy 86 tuổi. Bà một mình theo thang gác lên tận lầu năm. Tôi đến bà và nói: “Chào giáo sư, tôi xin giúp bà”. Bà ta nói: “Anh khỏi phải nâng đỡ tôi, anh nâng đỡ tôi, tôi sẽ không đi được”. Tôi vô cùng cảm động, không rõ đến năm 86 tuổi, tôi có được như bà không, không
cần đến người nâng đỡ mà vẫn đi được.
Nhà vũ đạo Masa Hạt Lan Mẫu, năm bà 96 tuổi, đã đưa đoàn múa đến biểu diễn ở Đài Loan và tự mình ra sân khấu cảm tạ khán giả, làm cho mọi người phải kính trọng. Nếu tôi sống được đến 96 tuổi, tôi không biết mình có đủ dũng khí như bà, đáp máy bay từ Mỹ sang Đài Loan biểu diễn, tự mình ra sân khấu chào, cảm ơn khán giả, mở cuộc họp báo, bàn luận về nghệ thuật múa của bà.
Sau ngày biểu diễn đầu tiên của đoàn múa Masa Hạt Lan Mẫu, Hội Văn Kiến bố trí cho một nhà nhiếp ảnh đến gặp bà ở sau sân khấu, nhà nhiếp ảnh đó là cụ Lang Tịnh Sơn năm ấy thọ 100 tuổi. Khi hai bậc lão thành ấy gặp và bắt tay nhau ở đàng sau sân khấu, mọi người đều đứng dậy bày tỏ lòng kính trọng. Hai bậc niên lão ấy, nếu cộng tuổi lại là 196 tuổi. Bà Masa nói là bà hi vọng tương lai sẽ có dịp trở lại Đài Loan biểu diễn. Còn tiên sanh Lang Tịnh Sơn thì nói là ông hy vọng, sau cuộc triển lãm nhiếp ảnh kỷ niệm năm ông 100 tuổi, sang năm sẽ tổ chức một cuộc triển lãm nhiếp ảnh mới nữa. Lúc bấy giờ tôi thấy thái độ của hai vị niên lão đối với cuộc sống này, thế gian này đúng là rất thực tế, mọi người thấy đều phải nể.
Cả ba vị niên lão ấy đều có một đặc sắc mà mọi người không biết: Cả ba người đều có lòng tin tôn giáo thuần thành, nữ văn sĩ Tạ Băng Oanh và nhà nhiếp ảnh Lang Tịnh Sơn là Phật tử thuần thành, còn nhà vũ đạo Masa Hạt Lan Mẫu là tín đồ Cơ Đốc giáo thuần thành. Qua họ thấy rõ tôn giáo đúng là có lợi ích đối với nhân sanh.
Nếu như anh không có được ích lợi nhờ tôn giáo thì đó không phải là vấn đề của tôn giáo, mà là vấn đề của bản thân anh. Có thể là thái độ của anh đối với nhân sanh, đối với tôn giáo đều có vấn đề. Phật giáo đồ thường nói: “Không được rơi vào hai bên”. Hai bên tức là không và có. Tu hành là không. Có là chỉ thấy có cuộc sống, chỉ biết có đi đứng, cơm ăn, áo mặc mà không biết phải không ngừng cải cách và khai phát nội tâm. Mắc vào không hay có, bất cứ một bên nào, đều là có vấn đề. Không được vướng mắc vào một bên nào cả, mà chỉ có cải cách và sáng tạo.

Xem Tiếp: Trang 06

WP: Mỹ Hồ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]