- Chương 1: Thực Hành Lòng Tôn Kính Ngưỡng Mộ Mỗi Lúc Bắt Đầu Thức Dậy
- Chương 2: Tại sao phải bắt đầu mỗi ngày bằng lòng ngưỡng mộ tôn kính?
- Chương 3: Tạ ơn ngay cả những hoàn cảnh bi đát nhất
- Chương 4: Cái Tâm là cái gì?
- Chương 5: Cái tâm thường tình của chúng ta
- Chương 6: Tất cả đều có sẵn trong tâm thức chúng ta
- Chương 7: Tam Bảo chính là tâm thức của chúng ta
- Chương 8: Không có Bồ Đề Tâm thì chẳng có Phật, Pháp, và Tăng
- Chương 9: Từ Bi là Trí Huệ
- Chương 10: Phương thực tiễn giản dị để tu hành Phật Pháp
- Chương 11: Phương pháp trong sáng nhất và thực tế nhất để thực chứng Phật Pháp trong đời sống mỗi ngày và mỗi đêm
- Chương 12: Ý nghĩa sâu rộng của Đoạn Thi Kệ Thứ Nhất
- Chương 13: Đặt lại ý nghĩa thực tiễn của Tám Đoạn Thi Kệ của Langri Thangpa Dorje Senge trong cảnh giới siêu việt của Phổ Hiền hạnh Nguyện
- Chương 14: Tầm mức quan trọng vô cùng vĩ đại của Mười Đại Hạnh Nguyện Phổ Hiền trong tất cả Tông Phái Đại Thừa và Kim Cang Thừa Phật Giáo
- Chương 15: Những lời dạy đạo thực tiễn trong sáng của Tổ Sư Ấn Độ ATISA (ATISHA) về tinh túy của Phật Pháp lúc truyền Đạo Phật qua Tây Tạng và vùng Hy Mã Lạp Sơn
TINH TÚY TRONG SÁNG CỦA ĐẠO LÝ PHẬT GIÁO
Những Lời dạy thực tiễn của
Tổ Sư Thánh Tăng Ấn Độ ATISA Lúc truyền Đạo Phật vào Tây Tạng
Tác giả: Phạm Công Thiện - Viên Thông California Xuất Bản 1998
14. Tầm mức quan trọng vô cùng vĩ đại của Mười Đại Hạnh Nguyện Phổ Hiền trong tất cả Tông Phái Đại Thừa và Kim Cang Thừa Phật Giáo:
Có thể nói một cách dứt khoát rằng khi nào chúng ta bỏ quên mười Đại Hạnh Nguyện của Đại Bồ Tát Phổ Hiền thì ngày ấy Đạo Phật sẽ bị tiêu diệt ở thế giới này. Truyền thống Phật Giáo Việt Nam và truyền thống Phật Giáo Tây Tạng đã gặp nhau một cách sâu thẳm trong việc tu chứng mười Đại Hạnh Nguyện của Phổ Hiền (không có một chú tiểu nào ở Chùa Việt Nam mà không quen thuộc mười đại nguyện của Phổ Hiền nhờ những buổi công phu mỗi ngày).
Từ ngày Đại Sư Phụ Padmasambhava cho đến ngày Đại Sư Trưởng Atisa mật truyền Đạo Phật qua vùng Hy Mã Lạp Sơn, và mãi cho đến ngày hôm nay ở khắp thế giới, Mười Đại Hạnh Nguyện của Phổ Hiền đã được tu chứng toàn diện trong đời sống tu hành thường nhật của tất cả chư Tăng Ni và chư Phật tử thuần thành ở những vùng núi cao.
Nếu có Phật tử nào chưa thuộc được Mười Đại Hạnh Nguyện của Phổ Hiền thì tôi xin cung kính thỉnh nguyện nên học thuộc lòng ngay lập tức, vì lúc mình vừa chết, chính Mười Đại Hạnh Nguyện Phổ Hiền sẽ liền đưa dẫn mình gặp ngay Đức Phật A Di Đà, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Quán Tự Tại Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát và bao nhiêu Đại Bồ Tát khác.
Lúc vừa chết, mình bị sạch mất tất cả tiền tài, danh vọng, của cải, gia đình, bạn bè, quê hương; tất cả đều bỏ rơi mình và chỉ còn Mười Hạnh Nguyện Phổ Hiền ở lại để dẫn đường mình "trong một khoảng khắc, nhanh chóng nhất, liền ngay tức thì được vãng sinh ngay cõi Cực Lạc" (... như thị nhứt thiết vô phục tương tùy, duy thử nguyện vương, bất tương xả ly, ư nhất thiết thời dẫn đạo kỳ tiền, nhất sát na trung tức đắc vãng sinh Cực Lạc Thế Giới ...")
Trọn phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện phải được khắc bằng tất cả vàng ngọc châu bảo trong mỗi Phật Học Viện, trong mỗi Tháp Miếu Tự Viện, trong tận đáy lòng của mỗi tăng sinh, ni cô, và tất cả Phật tử Việt Nam ở quê hương và ở toàn thế giới hiện nay:
1) Nhất giả Lễ Kính Chư Phật (tri ơn, tôn trọng, ngưỡng mộ, lễ kính chư Phật).
2) Nhị giả Xưng Tán Như Lai (ca ngợi hết lòng, xưng tán, ngưỡng vô lượng công đức của tất cả đấng Như Lai).
3) Tam giả Quảng Tu Cúng Dường (dâng hiến, cung kính dâng tặng rộng lớn, tu hành thực chứng Phật Pháp để cúng dường chư Phật).
4) Tứ giả Sám Hối Nghiệp Chướng (sám hối cho sạch trọn vẹn thân, khẩu, ý từ vô lượng kiếp).
5) Ngũ giả Tùy Hỉ Công Đức (vui sướng, không hề ngừng vui mừng với tất cả công đức của kẻ khác).
6) Lục giả Thỉnh Chuyển Pháp Luân (lúc nào cũng cầu mong khát ngưỡng chư Phật ban bố Phật pháp).
7) Thất giả Thỉnh Phật Trụ Thế (lúc nào cũng cầu mong chư Phật hiện diện thường trực ở thế gian và đừng nhập Niết Bàn).
8) Bát giả Thường Tùy Phật Học (thường xuyên đi theo bước chân của chư Phật, thường xuyên tu học Phật Pháp để thành Phật như Phật).
9) Cửu giả Hằng Thuận Chúng Sinh (lúc nào cũng thỏa mãn, thuận ứng theo kỳ vọng, sở vọng của tất cả chúng sinh).
10) Thập giả Phổ Giai Hồi Hướng (trao chuyển trọn vẹn tất cả công đức tu hành của mình cho tất cả chúng sinh).
Mỗi ngày mỗi đêm, chỉ cần lãnh nhận, nhận đọc, đọc tụng, tụng giữ, biên chép, giảng nói cho người khác mười đại nguyện trên trong 108 lần; hoặc lãnh nhận, nhận đọc, đọc tụng, tụng trì, biên chép, giảng nói cho người khác trong 10 lần thì được phước vô lượng vô biên. Lão Pháp Sư Đế Nhàn, Tổ Sư Pháp Hoa Tông ở thời cận đại bên Tàu, trên 40 năm, Tổ Sư Đế Nhàn liên tục tụng trì Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện như thời khóa thường nhật, không bao giờ bỏ sót quên mất một ngày nào cả. Đây là gương mẫu cụ thể cho tất cả chúng ta hiện nay.
Chỉ cần tụng đoạn kệ sau đây trong Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện:
Nhược nhơn ư thử Phổ Hiền Nguyện,
Đọc tụng thọ trì cập diễn thuyết:
Quả báo duy Phật năng chứng trí,
Quyết định hoạch thắng Bồ Đề Đạo.
(Nếu có người nào ở nơi Mười Nguyện Phổ Hiền này mà đọc tụng, nhận giữ thọ trì và giảng nói thì được quả phước báo mà chỉ có Đức Phật mới biết thôi và được lòng quyết định nhận đắc chứng nhập Đạo Giác Ngộ, Bồ Đề Đạo).
Tất cả những tập đạo luận và tất cả những lời thuyết pháp của Đại Thánh Tăng Atisa đều được nuôi dưỡng thường trực và phát sinh từ Thập Hạnh Nguyện Phổ Hiền.
Ngay đến hai quyển luận nổi tiếng nhất của Atisa là "Bồ Đề Đạo Đăng" (Bodhi-patha-pradipa; chữ Tây Tạng: Byang-Chub lam-gyi sgron-ma) và "Bồ Đề Đạo Đăng Nan Điểm Sớ Giải" (Bodhi-marga-pradipam-panjika-nama; chữ Tây Tạng: Byang-chub-lam-gyi sgron-ma'i dKa"grel) đều trích dẫn nhiều lần Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền (mà bản chữ Phạn gọi là "Hiền Hạnh Nguyện Vương" Bhadracaryà-pranidhàna-ràja; chữ Tây Tạng Bzang po spyod pa'i smon lam gyi rgyal po trong Bộ Đại Tạng Kinh Tây Tạng do D.T Suzuki xuất bản năm 1957 được lưu giữ ở thư viện đại học Otani Nhật Bản: Otani 761.45. Theo thư mục toàn bị của
Tạng Kinh Phật Giáo Tây Tạng của Đại Học Nhật Hoàng Tohoku, xuất bản năm 1943 thì nhan đề trọn vẹn chữ Tây Tạng là: Kun du bzang po spyod pa'i smon lam gyi rgyal, và chữ Phạn là Samantabhadra caryà pranidhana-raja, tức là Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương, được đánh số trong thư mục Tohoku là 1095).
Trong quyển Liberation in the Palm of your Hand của Tổ Sư Pabongka (nơi những trang 203, trang 207-208, trang 223-224 và trang 227-228 trong bản chữ Anh), Tổ Sư Pabongka Đại Bảo (pabongka Rinpoche) đều có trích dẫn Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện theo bản dịch Tây Tạng.
Michael Richards dịch nhan đề phẩm kinh ra chữ Anh "The Royal Prayer of Noble Deeds" (Trong bản dịch chữ Việt của Sư Bà Thích Nữ Trí Hải "Giải Thoát Trong Lòng Bàn Tay" trang 251, 255, 276, 280, 281, Sư Bà đã theo sát bản dịch chữ Anh của Michael Richards và dịch "The Royal Prayer of Noble Deeds là "Bài Tụng Về Những Hành Vi Cao Quý" hay "Bài Nguyện Những Hành Vi Cao Cả". Bản dịch của Sư Bà Trí Hải rất chính xác và đáng ca tụng vì đem lại lợi ích cho chúng sinh vô lượng; chỉ xin độc giả chuyển lại "Bài Tụng Về Những Hành Vi Cao Quí" hay "Bài Nguyện Những Hành Vi Cao Cả" thành ra "Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương", tức là Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của Kinh Hoa Nghiêm để bớt bỡ ngỡ hơn và thích ứng với pháp nghĩa theo bản chữ Phạn, chữ Tây Tạng và chữ Hán, hơn là cách dịch chữ Anh của Michael Richards).
Trở về lại mức quan trọng vô song của Phổ Hiền Hạnh Nguyện, chúng ta đã nhận rõ tầm ảnh hưởng vô cùng trọng đại của Mười Nguyện Vương Phổ Hiền đối với Đại Tổ Sư Ấn Độ, và từ Atisa trực truyền thẳng đến Tông Phái Tây Tạng Kadampa, đến Sư Phụ Pabongka Rinpoche, rồi đến thẳng Đại Tăng Trijang Rinpoche, sư phụ của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn hiện nay.
Bây giờ chúng ta đã đủ sự chuẩn bị tâm linh cần thiết để cung kính lắng nghe những lời dạy đạo thực tiễn trong sáng của Đại Thánh Tăng Ấn Độ Atisa, lúc ngài truyền Phật Pháp vào đất Tây Tạng và những vùng Hy Mã Lạp Sơn. Hiện nay, chúng ta chỉ cần tu học với những lời dạy đạo giản dị của Tổ Sư Atisa, lúc nào đủ thời tiết nhân duyên hơn nữa, chúng ta sẽ được dịp tu học với luận và luận sớ Bồ Đề Đạo Đăng (Bodhi-patha-pradipa) của Ngài.
Tất cả đường lối giảng dạy Phật Pháp của Đại Tổ Sư Atisa đều tổng hợp nhất trí cả ba Thừa đồng lúc, từ Phật Giáo Nguyên Thủy cho đến Phật Giáo Đại Thừa và Phật Giáo Kim Cang Thừa ở Ấn Độ và Tây Tạng. Tất cả Giáo Lý Phật Pháp của Bồ Tát Atisa đều được dẫn đạo từ Lòng Bồ Đề, tức là Bồ Đề Tâm hay Bodhicitta.
Cách đây khoảng 1,000 năm, đạo Phật đã gần bị tiêu diệt ở Tây Tạng do sự đàn áp dã man vô cùng tàn bạo của Vua Tây Tạng Langdarma; Tổ Sư Atisa đã được mời qua Tây Tạng do vị vua Tây Tạng vào thế kỷ kế tiếp sau đó. Vào năm 1042, Tổ Sư Thánh Tăng Atisa (tức là Jowo Atisa hay Dipamkara Shrijnana) đã sang truyền lại Phật Pháp tinh tuyền cho dân Tây Tạng. Cùng với Đại Bồ Tát Padmasambhava trước đó vài trăm năm, Tổ Sư Atisa là bậc Thánh Tăng có công lớn nhất đối với sự sinh tồn của Phật Giáo Tây Tạng và cho cả sự sinh tồn liên tục của Phật Giáo nhân loại ở thế giới hiện nay.
Gửi ý kiến của bạn