- Chương 1: Thực Hành Lòng Tôn Kính Ngưỡng Mộ Mỗi Lúc Bắt Đầu Thức Dậy
- Chương 2: Tại sao phải bắt đầu mỗi ngày bằng lòng ngưỡng mộ tôn kính?
- Chương 3: Tạ ơn ngay cả những hoàn cảnh bi đát nhất
- Chương 4: Cái Tâm là cái gì?
- Chương 5: Cái tâm thường tình của chúng ta
- Chương 6: Tất cả đều có sẵn trong tâm thức chúng ta
- Chương 7: Tam Bảo chính là tâm thức của chúng ta
- Chương 8: Không có Bồ Đề Tâm thì chẳng có Phật, Pháp, và Tăng
- Chương 9: Từ Bi là Trí Huệ
- Chương 10: Phương thực tiễn giản dị để tu hành Phật Pháp
- Chương 11: Phương pháp trong sáng nhất và thực tế nhất để thực chứng Phật Pháp trong đời sống mỗi ngày và mỗi đêm
- Chương 12: Ý nghĩa sâu rộng của Đoạn Thi Kệ Thứ Nhất
- Chương 13: Đặt lại ý nghĩa thực tiễn của Tám Đoạn Thi Kệ của Langri Thangpa Dorje Senge trong cảnh giới siêu việt của Phổ Hiền hạnh Nguyện
- Chương 14: Tầm mức quan trọng vô cùng vĩ đại của Mười Đại Hạnh Nguyện Phổ Hiền trong tất cả Tông Phái Đại Thừa và Kim Cang Thừa Phật Giáo
- Chương 15: Những lời dạy đạo thực tiễn trong sáng của Tổ Sư Ấn Độ ATISA (ATISHA) về tinh túy của Phật Pháp lúc truyền Đạo Phật qua Tây Tạng và vùng Hy Mã Lạp Sơn
TINH TÚY TRONG SÁNG CỦA ĐẠO LÝ PHẬT GIÁO
Những Lời dạy thực tiễn của
Tổ Sư Thánh Tăng Ấn Độ ATISA Lúc truyền Đạo Phật vào Tây Tạng
Tác giả: Phạm Công Thiện - Viên Thông California Xuất Bản 1998
CHƯƠNG 11
PHƯƠNG PHÁP TRONG SÁNG NHẤT VÀ THỰC TẾ NHẤT ĐỂ THỰC CHỨNG PHẬT PHÁP TRONG ĐỜI SỐNG MỖI NGÀY VÀ MỖI ĐÊM
11. Phương pháp trong sáng nhất và thực tế nhất để thực chứng Phật Pháp trong đời sống mỗi ngày và mỗi đêm:
Đó là phương pháp bước đi chậm rãi từng bước một cho đến lúc Giác Ngộ Viên Mãn, và Đại Thánh Tăng Atisa đã khai mở lộ trình tuần tự thứ lớp (Lam Rim) cho tất cả Phật Giáo Tây Tạng. Sự đốn ngộ trong pháp môn Đại Thủ Ấn (Mahamudra) và pháp môn Dzogchen (Đại Thành Tựu, Đại Toàn Bích; mahasandhi, mahasampanna) của Phật Giáo Mật Tông Tây Tạng cũng phải trải qua lộ trình thu nhiếp tâm thức trong bốn bước khởi đầu bình thường và năm bước khởi đầu phi thường.
Bốn bước khởi đầu bình thường là:
1) Sư hy hữu quí trọng được làm người để tu chứng Phật Pháp. Ở trong năm cõi luân hồi khác (địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, a tu la và chư thiên) rất khó tu chứng Phật pháp vì thiếu mất những nhược điểm và ưu điểm của thân phận con người.
2) Phải ý thức mãnh liệt rằng mình có thể chết bất cứ lúc nào, nên phải tu hành ngay lập tức, không thể khất khứa lại ngày mai, vì ngày mai cũng vẫn là hôm nay hao hụt.
3) Cái nghiệp, cái nghiệp nhân, do mình tạo tác ra từ quá khứ, vô biên cho đến nay, vẫn là cái định hướng chủ động của đời, nhưng mình vẫn có tự do hoàn toàn để chuyển nghiệp, tạo ra phước đức và công đức, để thay đổi đời sống mình vào một cõi sống khác tuyệt mỹ hơn.
4) Nhưng dù có nghiệp tốt để lên cõi trời của chư thiên thì mình vẫn không thoát khỏi luân hồi, lúc bạch nghiệp đã dứt thì mình vẫn rơi lại từ trời xuống những cõi xấu ác. Nỗi đau khổ của luân hồi chỉ được tiêu diệt lúc mình giải thoát khỏi sự ràng buộc của tham, sân, và si, của ngũ dục, ngũ uẩn, ngũ cái hay ngũ độ, thoát ra khỏi tám cơn gió chướng của cõi luân hồi.
Đó là lộ trình của bốn bước khởi đầu bình thường, còn năm bước khởi đầu phi thường là:
1) Qui y Tam Bảo (Phật, Pháp và Tăng) ít nhất một trăm ngàn lần.
2) Tri ơn, ngưỡng mộ, tôn kính: quì lạy Tam Bảo ít nhất một trăm ngàn lần.
3) Sám hối nghiệp chướng: quán tưởng trì tụng đại thần chú Kim Cương Tát Trụy (Vajrasattva) gồm một trăm vần (Om Vajrasattva samaya / manu palaya/Vajrasattva tvenopa tishtha / Dridho me bhava / suto syo me bhava / supo syo me bhava / anurakto me bhava / sarva siddhi mem prayaccha / sarva karma suca me / cittam sriyam / kuru hùm / ha ha ha ha hoh bhagawan / sarva tathàgata / vajra mame munca / vajri bhàva mahà samaya sattva / àh hùm phat) và trì tụng đại thần chú này đến ít nhất một trăm ngàn lần để tiêu tan tất cả nghiệp chướng.
4) Cúng dường mandala theo nghi thức đặc biệt của mật tông ít nhất một trăm ngàn lần. (Mạn đà la theo nghĩa bình thường là tượng trưng cho vũ trụ, theo nghĩa phi thường là tượng trưng cho cõi tịnh độ của chư Phật và chư Bồ Tát).
5) Pháp môn du già bản sư (guru yoga) với nghi thức đặc biệt của mật tông để kính lễ, xưng tán, tri ơn, ngưỡng mộ, tôn kính bậc sư phụ của mình, đồng thời hòa nhập một cách bất nhị giữa tâm thức bình thường của mình với tâm thức siêu việt phi thường của sư phụ. Vì sư phụ chính là thể hiện hữu hình cụ thể của Phật, Pháp và Tăng, không có sư phụ thì mình chẳng bao giờ hiểu biết Phật Pháp và tu chứng Phật pháp, vì lợi ích chúng sinh.
Sau khi đã thực hiện những bước cần thiết trên rồi phải tu chứng Bồ Đề Tâm:
1) Tu chứng Bồ Đề Tâm bình thường: tu chứng thực hiện lòng Đại Từ Bi cho tất cả chúng sinh.
2) Tu chứng Bồ Đề Tâm phi thường: tu chứng thể nhập Không Tính (Trí Huệ) để Giác Ngộ Viên Mãn vì lợi ích toàn diện cho tất cả chúng sinh.
Trong tất cả những lộ trình chặt chẽ trên con đường tu chứng Phật pháp, mình chỉ cần nhất tâm thực hành tu chứng trọn vẹn những bước khởi đầu bình thường thôi thì tự nhiên những bước sau sẽ tự phát hiện lên một cách bất ngờ, lôi kéo mình một cách tất định để thực hiện tu chứng tất cả lộ trình tối hậu. Lúc ấy, dù không muốn tu đi nữa thì cũng thấy mình tự nhiên tu hành rất tinh tấn và rất trong sáng lạ thường.
Thực ra mình có trải qua cả trăm ngàn kiếp cũng không học hết giáo lý căn bản của Phật Giáo, nhưng khi mình đã học được đôi ba điều giản dị dễ hiểu trong giáo lý Phật Giáo do chính Đức Phật hay do những sư tổ, thánh tăng, sư phụ truyền lại, mình nên bỏ cả cuộc đời trọn vẹn còn lại trong cuộc sống phù du để hết sức kiên nhẫn và hết sức tinh tấn, cùng hết sức khiêm tốn, tri ơn, ngưỡng mộ, kính trọng, cố gắng hết lòng thực hành tu chứng đôi ba điều giản dị dễ hiểu trong Phật Pháp, vì lợi ích phi thường cho tất cả chúng sinh hiện tại, cả quá khứ và tương lai, ở tất cả vũ trụ bao la vô hạn.
Sư Tổ Thánh Tăng Ấn Độ Atisa lúc truyền đạo Phật qua đất Tây Tạng vào thế kỷ thứ mười một, đã áp dụng những phương pháp trong sáng nhất và thực tế nhất để giúp đỡ những đệ tử Tây Tạng có được đầy đủ phương diện cụ thể khả dĩ thực chứng Phật Pháp trong đời sống bình thường mỗi ngày mỗi đêm.
Ngoài pháp môn nổi tiếng Lam Rim (con đường tuần tự tiến tới Giác ngộ Viên Mãn, byang chub lam gyi rimpa, chữ Phạn là bodhipathakrama: chặng đường Giác Ngộ), Tổ Sư Atisa (hay Atisha) còn truyền lại cho những đệ tử thuộc tông phái Tây Tạng Kadampa nhiều phương pháp trong sáng nhất và thực tiễn nhất để chuyển hóa tâm thức gọi là Lojong (blo sbyong), như Bảy Điểm Chuyển Hóa Tâm Thức (blo sbyong don bdun ma) của Thánh tăng Tây Tạng Chekhawa và Tám Đoạn Thi Kệ Chuyển Hóa Tâm Thức (blo sbyong tshig brgyadpa) của Thánh Tăng Tây Tạng Langri Thangpa. Thánh Tăng Chelkhawa và Thánh Tăng Langri Thangpa đều là những bậc đại sư của tông phái Tây Tạng Kadmpa do Tổ Sư Ấn Độ Atisa đã mật truyền liên tục trực tiếp từ bản sư cho đến đệ tử, từ thế hệ này cho đến thế hệ khác cho đến ngày hôm nay.
Trong tất cả tu viện Phật Giáo Tây Tạng ở Hy Mã Lạp Sơn và ở Ấn Độ, trong tất cả trung tâm Tây Tạng ở khắp thế giới, từ Mỹ châu, Âu châu cho đến Á châu và Úc châu, tất cả hòa thượng Tây Tạng của bốn tông phái chính yếu của Phật Giáo Tây Tạng (Nyingma, Sakya, Kagyu và Gelug) đều hiện đang giảng dạy thường xuyên pháp môn Lojong như Bảy Điểm Chuyển Hóa Tâm Thức của Thánh tăng Chekhawa và Tám Đoạn Thi Kệ Chuyển Hóa Tâm Thức của Langri Thangpa. Cả Đức Dalai Lama mỗi ngày đều tụng lại pháp môn Lojong và tám Đoạn Thi Kệ Chuyển Hóa tâm Thức.
Sự hạnh phúc cao lớn nhất cho tất cả sinh vật,
Điều này còn hơn cả viên ngọc như ý,
Tôi sẽ thường trực liên tục thương quí mọi chúng sinh.
Tôi sẽ coi mình như là kẻ thấp hèn nhất trong mọi người
Và trong tận đáy lòng sâu thẳm của tôi
Lưu luyến thưong quí những kẻ khác, coi họ như tối thượng.
Mỗi lúc một cơn đau đớn buồn phiền tâm thức phát dậy,
Gây tai hại cho chính tôi và những kẻ khác,
Đối mặt nhìn thẳng nỗi buồn phiền ấy, tôi liền tránh bỏ đẩy lui nó đi.
Với người bị sai khiến điều động bởi những điều ác hại bạo tàn và bởi những nỗi phiền não khổ đau,
Tôi sẽ quí thương người ấy, người thực khó thấy,
Giống như mình tìm được một kho tàng quý báu.
Đối đãi tôi tệ bạc, sỉ nhục, lăng mạ, chửi rủa tôi đủ điều,
Tôi sẽ chấp nhận những tiếng lời nặng nề của họ
Và trao tặng sự đắc thắng cho họ.
Và tôi đặt hy vọng lớn lao vào người ấy
Chính người ấy giáng xuống tôi bao nhiêu tai hại khủng khiếp,
Tôi sẽ xem người ấy như một người bạn tâm linh cao tột của tôi, như một bực thầy, một bực thiện tri thức đúng nghĩa.
Trong cuộc đời này và trong cả sự luân lưu liên tục tương lai
Và một cách kín đáo tôi xin nhận lãnh cho bản thân
Tất cả những tai hại và khốn khổ của tất cả những người mẹ tôi.
Và vì nhìn thấy tất cả những hiện tượng đều là huyễn hoặc,
Tôi mới thoát khỏi sự chấp trước đeo níu và được giải thoát hẳn khỏi sự nô lệ ràng buộc của trần gian.