Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Đức Phật và nụ cười

18/01/201110:42(Xem: 6616)
03. Đức Phật và nụ cười

TỪ NGUỒN DIỆU PHÁP

Thích Nữ Trí Hải
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội 2003

3. ĐỨC PHẬT VÀ NỤ CƯỜI

Qua những kinh điển Đại Tiểu thừa ghi lại cuộc đời đức Phật trong 49 năm du hóa, chúng ta có được một hình ảnh linh động về đấng Đạo sư. Nét độc đáo nhất trong nhân cách Ngài là Ngài không bao giờ mất bình tĩnh. Ngài luôn luôn giữ được phong độ, dù gặp những gian nguy sỉ nhục.

Nhưng, một nét độc đáo khác của Phật là Ngài rất ít khi cười lớn, mà chỉ mỉm nụ nhiệm mầu. Cho nên mỗi khi Ngài cười lớn, là cả một “đại sự nhân duyên”. Cái cười ấy phóng ra muôn vàn ánh quang minh vốn là một thứ ngôn ngữ, một cách truyền thông chân lý Ngài đã chứng cho các vị Bồ tát cao cấp. Đối với kẻ phàm tục chúng ta, nụ cười của Phật bởi thế trở thành một cái gì hết sức huyền bí, vô cùng quyến rũ. Nhìn những tượng tranh trình bày tôn dung Ngài (cố nhiên không phải những bức tượng đủ 32 tướng xấu 80 vẻ tệ do thợ tồi đúc nên) chúng ta luôn luôn muốn chiêm ngưỡng mãi nụ cười bí ẩn kia: nụ cười không hẳn là cười. Một nụ cười như ẩn như hiện, như xa như gần, như sắc như không. Một nụ cười vừa rất hồn nhiên, vừa sáng ngời trí giác. Một nụ cười ra chiều giễu cợt, ra chiều xót thương. Chiêm ngưỡng nụ cười Ngài, chúng ta có cảm tưởng Ngài giấu ta một điều gì, mà nếu ta đứng lặng nhìn lâu hơn một chút, ta sẽ biết được. Nhưng phải hết sức là lặng, vì
Không gian như có giây tơ
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu (XD)

Cái gì chúng ta biết được trong nụ cười thoáng qua ấy cũng thật vô cùng mong manh, nó vụt tan biến ngay khi một niệm vừa móng khởi. Chiêm ngưỡng nụ cười Ngài, chúng ta bất giác muốn cười theo, nhưng khi nhìn lại bản thân, chúng ta muốn khóc hơn cười, và khi ngẩng nhìn trở lại, thì ô kìa, Đức Từ Tôn hình như bỗng trở nên nghiêm trang, không còn mỉm cười với ta nữa. Nhưng dù có mỉm cười hay không, Phật vẫn có một sắc diện tươi tỉnh hài hòa, đem lại cho chúng ta một niềm bình an vô hạn. Nét mặt Ngài tràn trề hạnh phúc, một thứ hạnh phúc không liên hệ gì đến thế tục, và chính vì vậy mới thật là hạnh phúc. Quả vậy, làm sao tìm được hạnh phúc nơi một nét mặt in hằn những lo âu vì tính mạng, tài sản, lợi danh? Làm sao tìm thấy bóng hạnh phúc nơi một nét mặt in hằn những vết nhăn của những tháng ngày đau thương chồng chất? Nét mặt trên một tượng Phật khéo tạc là một nét mặt không có thời gian, không bao giờ ta đoán được Ngài bao nhiêu tuổi.

Vua Ba Tư Nặc theo Phật là do quan sát những vị Tỷ kheo đệ tử Ngài ăn ngày một bửa, ngủ gốc cây, ở giữa trời, không có một vật tùy thân đáng giá, vậy mà gương mặt vị nào cũng tràn đầy hạnh phúc hiếm thấy nơi người thường. Các Tỷ kheo này cũng vậy, không bao giờ hở răng cười vì cười để lộ hai hàm răng là điều giới luật cấm kỵ. Vậy mà tất cả con người của họ chính là hiện thân của niềm hỷ lạc vô biên.

Tại sao trong chương nói về uy nghi của tu sĩ, có việc cấm ngoác miệng ra mà cười? Có lẽ tại vì cười là hành tướng của vô minh bất giác. Tâm động mới phát ra cười và khóc Nếu tâm an trú trong chân tánh bồ đề, thì không gì có thể khiến cho ta khóc hay cười được. Cho nên, mỗi khi rất hiếm hoi, mà Phật phát ra tràng cười lớn (như khi Ngài lên đỉnh Lăng Già thuyết pháp cho vua Rồng biển) thì đại chúng phải ngạc nhiên tự hỏi: “Như Lai là đấng tự tại đối với các pháp, nay bỗng vì nguyên nhân gì lại nổi lên cười lớn”. Cái cười còn là đầu mối của lòng dâm. Phụ nữ bất chánh ưa cười cợt để gợi sự chú ý của người khác. Cái cười cái khóc của họ đều là những khí giới rất lợi hại để lừa dối người ta về tình hoặc tiền.

Chính vì cười không đúng lúc mà hai ái phi của vua Ngô Phù Sai phải bị Tôn võ tử chém đầu một cách oan uổng (các nàng cười trong một buổi tập dượt nghĩa vụ quân sự cho phụ nữ trong cung). Những triết gia bi quan cho rằng cái cười là một phát minh đặc biệt của loài người, vì con người quá đau khổ. Trong các loài thú, không có con nào cười như con người cả. Cái cười của con người có thể là để che dấu sự đau khổ, uất hận, mỉa mai, chua chát. Có tới ba mươi sáu kiểu cười theo sự phân tích, cũng như một cái quạt giấy ngày xưa có vô vàn cách sử dụng chứ không phải chỉ để quạt cho mát mà thôi. Có người dùng cái quạt để che mặt, hoặc để giấu một nụ cười, hoặc để liếc mắt đưa tình. Có người quạt cho kẻ khác để tán tỉnh, như các nịnh thần quạt cho vua. Có người tự quạt cho mình để nuốt hận. Lại cũng có kẻ xứ dụng cái quạt để trở cán đánh vào người khác. Nụ cười cũng vậy, không phải đơn thuần diễn tả nỗi vui sướng mà trái lại, có khi chỉ là trá hình của đau khổ:
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười
(Nguyễn Công Trứ)

Một thi sĩ nói “Cười là tiếng khóc khô không lệ”. Thành thử cái cười đôi lúc còn bi thảm hơn cả cái khóc. Molière, Voltaire, kịch gia, văn hào nổi tiếng của Pháp về hài hước đều là những người có nhân sinh quan vô cùng đen tối. Vào những thời kỳ đau khổ trong lịch sử quốc gia, văn chường trào lộng rất thịnh hành. Thi hào Keats nói “nụ cười chân thật nhất thường đậm nét thương đau” (Our sincerest laughter, with some pain is fraught).

Có khi con người cười để che sự giận uất:
Giận dẫu căm gan miệng mỉm cười
(Nguyễn Công Trứ)

Có những nụ cười rất nham hiểm, như nụ cười của Hoạn thư trước nỗi khổ của Thúc sinh thương Kiều đang bị hành hạ mà không dám khóc:
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm

Nụ cười của Hoạn Thư đã làm cho Kiều phải than:
Giận dầu ra dạ thế thường
Cười này mới thật khôn lường hiểm sâu!

Có nụ cười để bày tỏ sự trách móc, như nụ cười của Từ Hải:
Cười rằng: tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình

Cái cười để che dấu sự ác độc là một đặc tính làm cho con người gần với loài thú nhất. Triết gia Thomas Hobbes phân tích rằng con người giống con thú nhất là ở cái sự nhe nanh ra mà cười, vì cái cười nơi con người cũng như sự nhe nanh của thú vật mỗi khi gặp nhau. Con thú ăn tươi nuốt sống ngay đối phương, còn con người thì cười trước, rồi mới liệu bề nuốt nhau từ từ:
Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao
Đó là nụ cười đại diện cho sự nham hiểm của con người.

Như vậy, cái cười không phải là biểu hiện duy nhất, chân thật và đơn thuần của hạnh phúc. Có lẽ vì thế mà Phật ít khi cười lớn, và giới luật cũng cấm những vị xuất gia nhe răng cười, mặc dù Phật giáo đề cao hạnh phúc, chống đau khổ. Toàn bộ chân lý Phật giáo là chỉ nhằm mục đích diệt khổ, đem lại Niết bàn, hạnh phúc tối cao. Nhưng hạnh phúc ấy không phải biểu lộ bằng cách nhe răng cười. Hạnh phúc ấy không cần biểu lộ, không tương quan gì đến cảnh ngoài, mà tuôn phát từ nguồn tâm, nên mới trường cửu, bất tận, to lớn đến không còn mang nhãn hiệu hạnh phúc, vì vượt ngoài danh ngôn đối đãi, hoàn toàn vô điều kiện.

Con người ưa sống ghét chết, ưa hợp ghét ly, ưa vui ghét khổ, mà không biết sống chết, hợp tan, vui khổ chỉ là hai mặt của một đồng tiền. Vì ưa sống ghét chết nên sống thì cười, chết thì khóc, bởi thế mà cứ phải quanh quẩn mãi trong vòng sống chết khóc cười, không biết bao giờ ra khỏi.

Nét mặt bình an của Phật biểu thị sự siêu thoát khỏi vòng sống chết khóc cười của thế nhân. Trong cảnh sống say chết ngủ, con người mới thấy có sống có chết, có vui có buồn, có phúc có họa. Nhưng đối với đấng Giác ngộ, sống chết buồn vui họa phúc chỉ như bào ảnh, như điện chớp, như sương khói, như chiêm bao. Tất cả đều duy tâm biến hiện, như những hình ảnh do họa sĩ vẽ nên, như những nhân vật trong tiểu thuyết do nhà văn tạo. Có nhà văn tạo ra một nhân vật, cho nó nếm trải đủ mùi vị ngọt bùi cay đắng, lặn hụp qua ba mươi sáu nẻo luân hồi, nhân vật ấy trở thành một hình ảnh linh động tới nỗi nhà văn coi nó như thật, khóc cười theo với nó, rồi hóa điên. Nghe một chuyện như thế, chúng ta sẽ cho là hy hữu lạ kỳ, nhưng nhà văn ấy chính là chúng ta đây. Trong cảnh giả thì vui khổ đều giả, không có gì đáng khóc mà cũng không có gì đáng cười. Vậy mà chúng ta vẫn khóc, vẫn cười, cho nên dưới mắt Phật, chúng ta đều là đồ điên: bởi thế mà có danh từ điên đảo. Thật cho là giả, giả cho là thật, đó là căn bệnh trầm kha của chúng sinh vậy.

Tái Bút: Đọc bài tùy bút trên, nhiều độc giả hiểu lầm tác giả lên án nụ cười và chủ trương không nên cười, do đó cần đính chính rằng, vẫn có những nụ cười rất đẹp đã tô điểm cho cuộc đời ảm đạm, đó là những nụ cười chay.

Gọi là nụ cười chay, bởi vì nó thật hoàn toàn... chay, không một ẩn ý chua xót, mỉa mai, hiểm độc, mà chỉ đơn thuần là nụ cười. Lại nữa, nó không phải trả giá bằng nỗi đau khổ của mình (cười chua chát) hay của kẻ khác (cười đắc thắng). Chỉ có nụ cười như vậy mới xứng đáng được xem là “ánh mặt trời xua đuổi mùa đông ra khỏi nét mặt con người” như V.Hugo diễn tả (le rire, c'est le soleil qui chasse l'hiver du visage humain).

Đầu tiên là nụ cười của trẻ thơ chưa biết nói, chưa có cái răng nào, (nên khỏi phải sợ để lộ răng), điển hình là nụ cười của em bé trên tấm hình quảng cáo sữa Guigoz: thật là một nụ cười hoàn toàn hạnh phúc.

Thứ đến là cái cười trừ, cười xí xóa một lầm lỗi của người khác, như cái cười của chú thị giả trong Tân ngữ lục khi một đứa nhỏ làm việc không được vừa ý chú. Thay vì quở mắng, chú chỉ cười lớn bảo đùa nó:
Bộ mày muốn đi tu hay sao mà làm ăn kỳ “dzậy”?

Lại có cái cười để chữa thẹn cho kẻ khác. Cố TT Thiện Minh, một hôm bảo điệu đem bánh trái cho một em bé đến chùa. Em lúng túng làm rơi rớt khá nhiều xuống đất. Ngài cười lớn bảo:
Quà của Phật nhiều lắm, chỉ tiếc rằng hai bàn tay con quá nhỏ!

Có cái cười đầy Từ bi thông cảm, như cái cười của vị Sư trưởng trong một buổi “quá đường” (bữa ăn theo nghi thức nhà chùa vào trước ngọ) khi một thị giả bưng canh nóng, lỡ sẩy tay đổ cả bát canh ra giữa bàn. Mặt tái như gà cắt tiết, chú tiểu run rẩy chờ đợi một hình phạt nặng. Nhưng bỗng Sư trưởng cười hỏi:
Con có bỏng tay không?

Lại có cái cười đầy hương vị giải thoát như cái cười của thíền sư Huệ Viễn trong giai thoại thiền “Hổ khê tam tiếu”.

Nhưng trong sáng hơn cả có lẽ là cái cười “vỡ tinh cầu” của thiền giả khi hoát nhiên đại ngộ.

Và cuối cùng là cái cười bất diệt của Bồ tát Di Lặe mà ta thường thấy trong các tượng tranh về Ngài: mặt đầy, bụng phệ, miệng cười toe trong khi lục tặc vây quanh quấy phá, tượng trưng bằng sáu trẻ nhỏ, đứa xoi lỗ tai, đứa xoi lỗ mũi, đứa sờ lỗ rốn... phải chăng đây là hình ảnh “Lục trần bất ố hoàn đồng chánh giác” của Đại thừa?

Nụ cười của Di Lặc Bồ tát là nụ cười của sự bao dung cởi mở, xóa hết ranh giới thân sơ yêu ghét.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]