Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Bốn Hạng Người

18/01/201110:42(Xem: 6778)
02. Bốn Hạng Người

TỪ NGUỒN DIỆU PHÁP

Thích Nữ Trí Hải
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội 2003

2. BỐN HẠNG NGƯỜI


Trong các Kinh tạng Pàli, Đức Thế Tôn thường nhắc đến bốn hạng người sống trên đời:

– Hạng tự hành khổ mình, chuyên tâm hành khổ mình.
– Hạng hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người.
– Hạng vừa tự hành khổ mình, chuyên tâm hành khổ mình; vừa hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người.
– Hạng không tự làm khổ mình, không chuyên tâm tự làm khổ mình; cũng không làm khổ người, không chuyên tâm làm khổ người.


Bốn hạng người trên, đời nào xứ nào cũng có. Mặc dù những lời dạy đã cách xa chúng ta trên hai ngàn năm trăm năm, trải qua không biết bao lần “tam sao thất bổn” chúng ta khi đọc lại tạng kinh gần nhất thời Phật này, đã phải ngạc nhiên thích thú trước tinh thần hài hước của Đức Thế Tôn, một nhà tâm lý siêu việt. Ngôn ngữ dầu có đổi thay qua 25 thế kỷ, tinh thần mà ngôn ngữ ấy nói lên vẫn rất mới mẻ đáng truy tầm. Ta hãy xét bốn hạng người mà Phật đã ám chỉ, theo khoa học phân tích tâm lý ngày nay:

1. Hạng thứ nhất: là hạng người mang một chứng tâm bệnh gọi là masochism (tự hành hạ, có khuynh hướng tự hành khổ) đó là hạng người ưa thương vay khóc mướn, như Kiều:
Lại mang lấy một chữ tình
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong
Vậy nên những chốn thong dong
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng

Đang là một cô gái con nhà khuê các, đi chơi gặp nấm mồ vô chủ của một kỹ nữ, Kiều đã nghĩ ngay đến thân phận mình:
“Thấy người nằm đó biết sau thế nào!”

Ta phải ngạc nhiên trước thái độ của Kiều, sự lân mẫn xót thương nơi nàng đối với nấm mồ vô chủ đã vượt quá giới hạn từ bi, trở thành bệnh hoạn, bệnh “tự hành khổ mình”. Cái gì mà vừa nghe cậu em Vương Quan mới dẫn gần xa cái tiểu sử dở hơi của cô gái dưới mồ (cậu này cũng lạ, còn nhỏ tuổi mà đã thuộc vanh vách tiểu sử của một gái làng chơi!), Kiều đã:
Thoắt nghe nàng đã đầm đầm châu sa
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời là bạc mệnh cũng là lời chung

Suốt cuộc đời 15 năm đoạn trường của nàng Kiều chỉ là hậu quả của sự “vận vào khó nghe” ấy. Vì chuyên “vận vào” cho nên:
Ma đưa lối quỷ đem đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.

Tuy nhiên sự tự làm khổ của Kiều không phải hoàn toàn vô ích, ít ra Kiều đã chuộc được cha. Có những sự tự hành khổ mà không chuộc ai được mới đáng ức: đó là sự tự hành khổ của những người tu khổ hạnh không đưa tới giải thoát, mà vẫn chấp chặt lấy khổ hạnh ấy. Phật gọi là “giới cấm thủ kiến”. Những nhà tự hành khổ này đặt ra nhiều giới luật quái gở được kể nhan nhản trong Kinh tạng Pàli, đượm vẻ dí dỏm khôi hài: liếm tay cho sạch (không chịu rửa tay), đi khất thực không chịu bước tới, không nhận đồ ăn ở chỗ có chó đứng, có ruồi bu, không nhận đồ ăn từ nơi miệng nồi, miệng chảo, không nhận tại ngưỡng cửa, tại cối giã gạo, không nhận từ hai người đang ăn... Chỉ nhận ăn tại một nhà, chỉ nhận ăn một miếng, hay chỉ ăn tại hai nhà, chỉ ăn hai miếng. . . Có lẽ những người chuyên tâm tự hành khổ ấy nghĩ rằng giữ giới càng khó theo càng được nhiều phước, nên ta không ngạc nhiên khi ở thời Phật có những vị hành trì cẩu hạnh, ngưu hạnh nghĩa là sống như chó hay như trâu bò trong một thời gian dài với tin tưởng rằng do hạnh ấy sau khi chết, sẽ được sinh lên cõi trời. Một vị hành giả thuộc loại này đi đến Thế Tôn hỏi về số phận tương lai của một người hành trì cẩu hạnh, ngưu hạnh một cách viên mãn sẽ ra sao. Ngài đáp: “Ai hành trì cẩu hạnh một cách viên mãn thì sẽ được sanh trong loài chó, nếu hành trì cẩu hạnh với niềm tin sẽ được sanh cõi trời thì tương lai sẽ có hai khả năng: một
là sẽ được sanh làm chó nếu hành trì cẩu hạnh một cách viên mãn, hai là sanh vào địa ngục nếu hành trì không viên mãn” (sinh địa ngục do tức giận, vì cứ tưởng nhờ cẩu hạnh mà sẽ được sinh lên trời, té ra không). Người ta có thể nghĩ rằng hạng người hành trì ngưu hạnh, cẩu hạnh (bắt chước trâu, chó) chỉ có mặt vào thời bán khai xa xưa ấy, chứ thời văn minh ngày nay làm gì có? Nhưng không, nó vẫn tồn tại dù dưới hình thức hơi khác: tuy không mang lông đội sừng cho giống như trâu như chó, con người ngày nay làm việc còn nhiều hơn loài trâu, tham gặm xương khô (mồi danh bã lợi) còn dai dẳng hơn loài chó.

2. Hạng thứ hai: là người làm khổ kẻ khác, chuyên tâm làm khổ kẻ khác. Tâm phân học gọi đó là chứng sadism, nghĩa là ưa gây đau khổ cho người và vật. Hạng này không thiếu trên đời, xưa cũng như nay. Ta nhớ trường hợp vua Lê Long Đĩnh (Ngọa triều) ưa róc mía trên đầu thầy chùa cho chảy mláu chơi. Phật kể đến một số người hành các nghề ác như đồ tể, bán buôn khí giới, đao phủ, buôn bán quan tài và vật tẩn liệm...

3. Hạng thứ ba: là hạng vừa tự làm khổ mình, chuyên tâm làm khổ mình; vừa làm khổ người, chuyên tâm làm khổ người. Đây là hạng người có cả hai chứng bệnh vừa kể trên. Kinh Kandaraha (Trung bộ kinh 2, tr.334) mô tả những ông vua làm tế đàn cúng thần: “Vị này. . . cạo bỏ râu tóc, đắp áo da thô, toàn thân bôi dầu, gãi lưng với một sừng nai, đi vào giảng đường với bà vợ chính và một Bà la môn tế tự. Rồi vị ấy nằm xuống giữa đất có lát cỏ. Vua sống với sữa từ vú một con bò cái, có con bò con cùng mầu sắc, bà vợ chính sống với sữa từ vú thứ hai, vị bà la môn tế tự sống với sữa từ vú thứ ba. Còn sữa từ vú thứ tư thì dùng để tế lửa. Con nghé con thì sống với đồ còn lại (còn được cái gì?) Ông vua ra lệnh giết vô số bò đực, bò cái, nghé con, dê, cừu để tế lễ, chặt vô số cây cối để làm cột tế đàn. Những người phục dịch vì sợ đòn gậy, sợ nguy hiểm với mặt tràn đầy nước mắt khóc lóc làm các cô ng việc...”

Hạng thứ ba này thường được thấy trong những trường hợp “oan gia tụ hội”: cha mẹ, vợ chồng, con cái... không hợp nhau mà vẫn phải sống đời với nhau, không thể xa nhau bởi vì họ cần... tự làm khổ và làm khổ nhau. Hóa ra “yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau”. Có một câu ngạn ngữ Pháp diễn tả rất đúng nỗi khổ của những cặp oan ương: “Có em tôi chết cái một, không em tôi chết dần chết mòn” (Avec toi je suis mort, sans toi je m'en meurt). Những người chết đuối chưa tắt hơi, điều tối quan trọng là đừng cho người thân tới gần, có bóng dáng một người thân nào (càng thân càng mau chết) lai vãng, mà nạn nhân hé mắt dòm thấy được tức thì hộc máu chết liền. Vì có người thân trong lúc nguy cấp thì chỉ thêm rắc rối vấn đề không thể cứu vãn do bởi sự xúc cảm quá độ của đôi bên ảnh hưởng lẫn nhau. Phật dạy: “Sầu bi khổ ưu não do ái sanh, hiện hữu từ nơi ái.”

4. Hạng thứ tư. là hạng không tự làm khổ mình, không chuyên tâm làm khổ mình, cũng không làm khổ người, không chuyên làm khổ người. Đây là hạng người lành mạnh, không có những tâm bệnh kể trên. Họ sống không tham dục, các căn tịch tịnh, cảm giác lạc thọ... Sớm hay muộn, những vị này sẽ thấy tại gia là ràng buộc, dục vọng con người như cục bướu, như bệnh chướng, như vết thương, như hố than hừng, và sẽ xuất gia sống đời giải thoát. Vị ấy thực hành sự hộ trì các căn, chế ngự những nguyên nhân làm cho tham ái, ưu, bi, các bất thiện pháp khởi lên. Do hộ trì các căn, vị ấy cảm thọ vô uế lạc, vị ấy “khi đi tới, đi lui đều tỉnh giác, khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác, khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác. . . khi đi, đứng, nằm, ngồi, thức, ngủ, nói, im đều tỉnh giác...” (Kinh Kandaraha). Thành tựu chánh niệm tỉnh giác, vị ấy chọn một nơi thanh vắng độc cư thiền định, gột rửa 5 triền cái là tham, sân, ngủ gật, dao động, hoài nghi, chứng sơ thiền với 5 thiền chi: tầm (theo dõi một đối tượng), tứ (chú tâm trên đối tượng, ví dụ hơi thở), hỉ (là tâm vui), lạc (là thân khoan khoái) và nhất tâm. Hỉ lạc ở sơ thiền là hỉ lạc do ly dục sanh vì còn tầm, tứ nên hãy còn trong tình trạng dao động. Vị ấy xả tầm xả tứ, chứng và trú hỉ lạc ở nhị thiền, một hỉ lạc do định sanh không tầm không tứ, cứ thế vị ấy xả bỏ dần cho đến Tứ thiền thì chỉ còn lại xả niệm thanh tịnh, từ đây các pháp quán mới thực sự hữu hiệu để phát sinh những thần thông lật trời dời đất.
Chúng ta thường nói quán Không, quán Vô thường, quán Như huyễn, quán Khổ v.v... song chỉ là những lối đại ngôn bởi vì chúng ra vẫn thấy có, thấy thường, thấy thật, thấy vui... nên mới khổ. Bởi chúng ta chưa xả bỏ hoàn toàn, hành lý còn cả đống, thì làm sao nhẹ nhàng được để bay bổng trong các cõi thiền.

Để ý trong bốn hạng người kể trên, Phật không nhắc đến hạng nào làm lợi mình lợi người. Chỉ một hạng người “không làm khổ mình, không làm khổ người” đã là quá quý, quá hiếm ở trên đời, khoan nói đến bác ái, vị tha gì hết. Thật là thực tế, không màu mè. Chúng ta ưa ngụy trang những tật xấu của mình dưới những danh từ đẹp đẽ, nhưng nhìn hậu quả thì biết ngay nguyên nhân thực sự của nó. “Không làm khổ mình, không chuyên tâm làm khổ mình, cũng không làm khổ người, không chuyên tâm làm khổ người”, sống như vậy nghe qua thật giản dị, nhưng sự thật thì vô cùng khó khăn. Sống giản dị quả là rất khó “Live and let live” (hãy sống, và để cho thiên hạ sống với) là một lý tưởng mà xưa nay chưa ai thực hiện trọn vẹn, ngoại trừ Phật và một số rất ít những bậc Thánh.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com