Đường xưa mây trắng
theo gót chân Bụt
Thích Nhất Hạnh
Lá Bối Xuất Bản lần 2, 1992, San Jose, Cali, USA
--- o0o ---
‘Đường Xưa Mây Trắng’:
Cuốn Sách Top Hit Của Thế Kỷ 20
Tiểu Ký
(LTS: Tác giả Tiểu Ký là một Phật tử của dòng Thiền Làng Mai.)
Có lẽ chưa có một tác giả nào từ chối nửa triệu Mỹ kim bản quyền khi sách của họ được mua để làm phim. Thiền sư Nhất Hạnh là người thứ nhất, đã không nhận tiền bản quyền khi cho phép nhà tư bản Bhupendra Kumar Modi làm một cuốn phim vĩ đại về đời đức Phật Thích Ca, căn cứ vào cuốn sách Đường Xưa Mây Trắng của thầy.
Nhà sản xuất thỉnh mời tác giả tới đại hội điện ảnh Cannes (Pháp Quốc) ký hợp đồng vào ngày 23 tháng 5 vừa qua, và họp báo công bố dự án làm phim. Hình ảnh Thiền sư nâu sồng cùng các đệ tử đứng tươi cười trước ống kính thật lạ, vì chung quanh toàn là các ngôi sao màn bạc lộng lẫy y trang.
Tỉ phú Modi (thứ ba từ bên trái), Thầy Nhất Hạnh và các nhà làm phim
Đây là một hợp đồng rất đặc biệt vì không những tác giả Nhất Hạnh không nhận tiền bản quyền như thông lệ, vị thầy tu già 81 tuổi chỉ đòi hỏi một điều kiện - có lẽ duy nhất trong lịch sử phim ảnh thế giới: Từ người bỏ vốn (ông B. IK. Modi), đến giám đốc sản xuất, người viết phim, phân cảnh, cho tới các tài tử, tất cả phải dự một khóa tu tập cùng thiền sư và tăng đoàn Làng Mai (tại làng hay tại một tu viện của Làng Mai, ở Pháp, hoặc ở Hoa Kỳ (California, Vermont) hay ở Việt Nam, nếu tình cờ Thiền sư có mặt ở xứ nào đúng thời gian mà nhóm làm phim đã chọn xong người, muốn tới thực tập.
Mong ước của tác giả Nhất Hạnh là các tài tử có cơ hội học được hạnh đi, đứng, nằm, ngồi, nói, cười trong ý thức chánh niệm và đạt được một chút thực chất của Hiểu biết, Thương yêu thấm nhuần trong lòng họ. Như vậy, khi đóng vai Bụt hay các nhân vật chung quanh ngài, các tài tử có thể thực sự biểu lộ được uy nghi, chánh niệm và lòng từ ái, chứ không chỉ đóng "giả bộ" là diễn tả được cách hành xử của người tu (pretend to be mindful, compassionate, pretend to respect fine manners). "Mấy người viết truyện phim, đạo diễn, người điều hành v.v... cũng cần có những phẩm chất tu tập trong họ mới có thể đóng góp về phương diện này cho công trình thực hiện cuốn phim." Vì vậy, cả đoàn người làm phim sẽ phải vừa tu tập vừa thực hiện công tác nghệ thuật.
Modi rất đồng ý với Thiền sư Nhất Hạnh về điểm này. Ông cũng có ý làm một phim về cuộc đời đức Phật để nhân loại nhìn vào tấm gương Từ bi Trí tuệ của ngài mà giảm được các khổ đau, bớt chiến tranh, khủng bố.
Nhà tỷ phú Ấn Độ B. K. Modi đã có ý định làm mọt phim về Đức Phật từ 17 năm nay, theo lời ông nói. Ông đã bái yết Đức Đạt Lai Lạt Ma để thỉnh ý, cũng như đã tham khảo nhiều Phật tử khác, người Ấn Độ cũng như người ngoại quốc. Ông đã quyết định bỏ ra 120 triệu Mỹ Kim để quay cuốn phim căn cứ trên cuốn Đường Xưa Mây Trắng, sau khi ông được đọc cuốn sách này bằng tiếng Hindi (ngôn ngữ chính của Ấn Độ), cách đây hai năm. Ông cho biết cuốn sách đã chuyển hóa cuộc đời ông, một người theo Ấn giáo - Hinduism; cho nên dù gia đình ông phản đối, ông cũng nhất quyết biến cuốn sách thành một cuốn phim có "giá trị để đời", mong giúp nhiều thế hệ tương lai, nhất là thanh niên ở lứa tuổi 15 tới 25 biết cách sống từ bi và trí tuệ.
Sách hàng đầu của thế kỷ 20
Đường Xưa Mây Trắng là cuốn sách kể chuyện đời đức Phật Thích Ca qua con mắt của chú bé chăn trâu Svasti, sau xuất gia, trở thành một vị đệ tử của Phật. Đó là chú bé cúng dường cỏ bồ đề cho sa môn Tất Đạt Đa tĩnh tọa suốt 49 ngày trước khi thành đạo. Nhiều độc giả Việt Nam cho rằng Đường Xưa Mây Trắng kể chuyện đời đức Phật mà hấp dẫn không thua gì truyện chưởng! Các độc giả quốc tế coi đó là cuốn sách đẩy phẩm chất tâm linh khiến người ta phải đọc liền, trang này sang trang khác và thấy lòng chuyển hóa.
Xuất bản lần đầu tiên bằng Việt Ngữ năm 1988, sách Đường Xưa Mây Trắng tiếp tục thuộc vào loại sách bán chạy nhất tại Bắc Mỹ và các xứ Âu, Á khác, đã dịch ra 20 ngôn ngữ khác nhau. Tại Trung Quốc, nhà nước Cộng Sản đã cho phép in và tái bản nhiều lần cuốn sách này bằng Hoa ngữ, từ khi họ chính thức thỉnh mời thiền sư Nhất Hạnh qua giảng dạy cho các tăng ni từ năm 1997 và nhiều lần các năm sau đó.
Tờ báo chuyên điểm sách Library Journal viết: "Đó là cuốn sách tác giả viết bằng trái tim của mình, dùng các nguồn tài liệu quan trọng (bằng tiếng Phạn và tiếng Hán) về cuộc đời đức Phật. Văn phong mới mẻ, đầy chất thơ của ông có thể làm say mê các độc giả sơ cơ cũng như các Phật tử thuần thành..."
Nhà phê bình Paul Williams (Hoa Kỳ), trong bài giới thiệu những cuốn sách hàng đầu "Top Hit" của thế kỷ 20, đã kể tên cuốn Đường Xưa Mây Trắng vào hàng 12 trong 40 cuốn. Ông viết:
"...Suốt tác phẩm là một thiên anh hùng ca tỏ bày lòng ngưỡng mộ chân thành trước một lối sống gương mẫu đầy những hành vi và mục đích cao cả... Đọc xong cuốn sách, tôi cảm thấy bị thu hút mãnh liệt bởi nhân cách vĩ đại của Buddha qua cái nhìn và ngòi bút của Thầy Thích Nhất Hạnh. Đường Xưa Mây Trắng là mối tình nồng nàn giữa Thầy và Bụt...Thầy thương Bụt với tấm lòng của một người đứng giữa bối cảnh lịch sử phải chứng kiến biết bao nhiêu con người đẹp đẽ, bao nhiêu giá trị đẹp đẽ của thế hệ Thầy bị tiêu hủy một cách vô lý bởi chiến tranh. Và Thầy đã tìm được sự nương tựa nơi tấm gương trong sáng của Buddha...
"Là một văn sĩ người Mỹ, tôi đã từng được học về các nhà thơ như Emerson, Clemens, Ginsberg, Dylan, Vonnegut, Faulkner, Jefferson và nhiều vị khác nữa...khi tôi đọc những tác phẩm của Thầy Nhất Hạnh, tôi cũng thấy đó là những áng văn chương tuyệt hay, thanh thoát nhẹ nhàng, không phải là những bản giáo điều khô khan...
"Tôi biết có một số tác phẩm do các tác giả người Âu kể lại về cuộc đời Buddha như cuốn Siddhartha của Herman Hesse (1922) và cuốn The Light of Asia của Sir Edwin Arnold (1879), nhưng tôi vẫn nghĩ rằng chưa có cuốn nào hay như cuốn Đường Xưa Mây Trắng...Thầy cho thấy Buddha không phải là một đấng thần linh, Bụt là người chư chúng ta, cũng đã từng đau khổ như chúng ta...
"Thầy Nhất Hạnh đã chứng kiến ngay trên quê hương của mình bao nhiêu đồng bào già trẻ lớn bé đã bị tiêu hủy một cách thảm khốc bởi chiêu bài ý thức hệ, cho nên khi Thầy ghi lại cuộc đời của Bụt, Thầy không đưa ra một loạt những ý niệm để mình thờ phụng hoặc phải sống chết vì nó. Thầy đã rất ý thức về sức tàn phá của những chiêu bài ý thức hệ. Do đó Thầy đã tạo cơ hội để cho độc giả được nhìn thấy Bụt là một con người như mọi người, chỉ vì Ngài biết cách quán sát mọi sự mọi việc với một nhãn quan mới, Ngài đã giác ngộ và giải thoát mình ra khỏi mọi sai lầm của gia đình hay thầy bạn, đưa mình tới con đường tự do an lạc theo đó mình biết phải sống như thế nào cho chính bản thân mình và những người chung quanh. Và điều này, theo lời Bụt dạy, không ai mà không làm được và dù ở trong tình huống nào, ta cũng biết cách để tạo ra hạnh phúc.
"Lối kể chuyện của Thầy thật hấp dẫn làm độc giả say mê dù không nhất thiết phải chọn con đường tu đạo....
...Nói tóm lại, cuốn sách được viết thật nhẹ nhàng dễ đọc và rất lôi cuốn, vì người viết đã không viết nó với tư cách của một giảng sư... Trong Đường Xưa Mây Trắng Thầy chỉ muốn mời chúng ta đi gặp bậc giác ngộ qua sự hướng dẫn của một chú bé thật dễ thương, thật hồn nhiên và giản dị, người đã tình cờ may mắn được gần gũi đức Bụt trong những ngày trước và sau khi Ngài thành đạo và cho đến khi Ngài nhập diệt bốn mươi lăm năm sau.
"...Cô Mobi Ho đã dịch tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng Anh một cách xuất sắc và chắc là sách đã hoặc sẽ được dịch ra nhiều thứ tiếng khác. Có thể đó sẽ là một trong những tác phẩm có giá trị nhất, có giá trị không phải do số lượng sách bán được mà do ở mức độ ảnh hưởng của tác phẩm đó trong tương lai. Các độc giả tương lai không cần phải chuẩn bị gì cả. Bạn có đủ sáng suốt để biết những điều nào có thể tiếp nhận được hay không tiếp nhận được trong khi đọc tuyệt tác này cũng như những tuyệt tác khác được liệt kê trên danh sách 40 tác phẩm có giá trị trong thế kỷ 20. Cái đẹp nó nằm trong mắt và trong tâm của mỗi độc giả.
Nhà làm phim Đường Xưa Mây Trắng
Tiến sĩ B.K. Modi từ 31 năm qua, đã được coi là một công dân thế giới sau khi cơ sở của ông thiết lập nhiều hệ thống thông tin cao cấp cho Ấn Độ và quốc tế. Không chỉ góp phần vào việc phát triển kinh doanh, Modi có nguyện vọng phục vụ nhân loại qua những cơ sở kinh tế chú ý tới đạo đức nghề nghiệp và phục vụ cộng đồng. Là chủ tịch hội Maha Bodhi Society và nhiều tổ chức từ thiện khác, Modi mong gây dựng niềm tự tin cho dân Ấn, đồng thời cổ võ tình huynh đệ quốc tế, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc.
Ông Modi rất năng động trong việc cổ võ sự hợp tác giữa những người khác văn hóa, khác tôn giáo và truyền thống, mong góp phần sớm chấm dứt các bạo động của xã hội ngày nay. Ông đã tổ chức nhiều hội luận khắp thế giới về Hòa Bình, Chân Lý, Từ Bi và Bất Hại. Modi được đức Đạt Lai Lạt Ma coi là một người bạn tốt của ngài. Dự án cuốn phim về đời đức Phật đã được ngài ban phép lành, và ngài sẽ có mặt tại Hollywood vào ngày 11 tháng 9 năm nay, khi cuốn phim về Đường Xưa Mây Trắng chính thức được khởi công. Modi mời tác giả tham dự buổi ra mắt sắp tới đó nhưng khong chắc thiền sư Nhất Hạnh qua dự được vì đã hứa hướng dẫn cho một khóa tu khác tại Âu Châu trong thời gian đó.
Là môt nhà kinh doanh tỷ phú Ấn Độ, có tài sản khoảng 2.4 tỷ Mỹ Kim, Modi muốn làm cuốn phim về cuộc đời đức Phật từ nhiều năm qua. Ông tuyên bố với báo Hollywood Reporter: "Sau nhiều năm nuôi ý làm cuốn phim về Buddha, nay tôi mới có thể thực hiện mộng ước của mình. Tôi tìm được cuốn Đường Xưa Mây Trắng từ hai năm qua, cuốn sách này đã thay đổi đời tôi và nay tôi nghĩ, phải chia sẻ niềm hạnh phúc của tôi với cả thế giới." Được biết cuốn phim này sẽ nhắm vào lớp khán giả 15 đến 25 tuổi.
Tuy theo Ấn Độ giáo nhưng ông Modi rất kính phục Bụt Thích Ca, là nhân vật có thật trong lịch sử, một đại sư của xứ Ấn Độ được loài người vô cùng tôn kính. Ông Modi đã từng được nhiều nhà Phật học danh tiếng đề nghị các "kịch bản" về đời đức Phật, theo truyền thống Nam tông có, Bắc tông có, nhưng cho tới nay, ông mới tìm được cuốn sách ưng ý làm nền cho tác phẩm điện ảnh đầu tiên do ông sản xuất. Đây là lần đầu tiên ông bỏ vốn làm phim và ông đã sang ở Hollywood, lập một công ty, Buddha Films.
Thiền sư Nhất Hạnh nói với báo chí: "Bụt có thể không vui vì bị thần thoại hóa quá nhiều trong những thế kỷ qua. Cuốn phim này có thể giúp ngài trở lại hình ảnh một Con Người như chúng ta."
Phim Đường Xưa Mây Trắng
(nhật ký của Làng Mai)
Tin vui
Tối ngày 12 tháng 3 năm 2006, các sư cô ở Xóm Mới Làng Mai vui quá vì vừa mới đọc được email của nhà xuất bản Parallax nói có một tỉ phú muốn làm một cuốn phim về đời của Bụt từ cuốn sách Đường Xưa Mây Trắngcủa Sư Ông. Anh Travis nói: “ Họ tới bằng máy bay nhà, và họ rất mừng là tác giả cuốn sách là Sư Ông Thích Nhất Hạnh còn sống. Tiến sĩ B. Modi, nhà tỷ phú, là một trong ba người giàu nhất Ấn Độ nói rằng ông đã có ý định làm cuốn phim này từ 18 năm nay nhưng bao lần không thành. Rồi mới cách đây hai năm ông đọc được cuốn sách này bằng tiếng Hindi và rất cảm động. Ông kết luận đây là cuốn sách mà ông chờ đợi từ lâu. Cho người truy tầm, tỷ phú Modi mới biết ấn bản Hoa Kỳ do nhà Parallax in nên đã tìm đến chúng tôi (Parallax). Chúng tôi báo tin là tác giả đang sống bên Làng Mai nên Ông Modi mừng quá, xin được gặp tác giả ngay cuối tháng 3 năm 2006 này.”
Làng Mai cưu mang
Lúc quý sư cô Xóm mới đọc thư Parallax báo tin đó là giữa đêm. Sư cô thủ quỹ gửi ngay điện thư cho một đạo hữu người Ấn ở New Delhi để hỏi thăm về Dr. Bhupendra Kumar Modi. Anh bạn trả lời rằng ông này thuộc một gia đình Ấn Độ Giáo thứ thiệt, rất giàu có, rất thuần thành. Ông ta làm Chủ Tịch Hội Maha Bodhi Society thật đó, nhưng chắc tại vì giàu nên thiên hạ mời làm chủ tịch chứ gia đình đó vốn không ưa Phật giáo đâu! Nếu ông ta hỏi tiền bản quyền sách Đường Xưa Mây Trắng thì Làng Mai nên đòi 50 triệu mỹ kim. Giá cả sẽ cò kè qua lại, từ 50 triệu có thể xuống 10 triệu mỹ kim. Như vậy thì Sư Ông cũng đủ nuôi cả ngàn đệ tử của sư ông rồi, quý thầy quý sư cô khỏi đi kêu gọi các bạn bè khắp nơi đóng góp. Sư cô thủ quỹ nghe cũng vui, nhất là khi nghĩ đến dự án thiền đường Xóm Thượng chưa có tiền khởi công, vì sau khi làm xong thiền đường Hội Ngàn Sao Xóm Hạ là trương mục của các Xóm Làng Mai gần lủng! Cần ít nhất là bảy trăm nghìn (700.000) Euros mới xây được thiền đường Xóm Thượng! Sư Cô cũng nghĩ tiếp là các sư em ở Việt Nam từ Tu Viện Từ Hiếu đến Tu Viện Bát Nhã đều chưa có cư xá, tăng xá ở Tổ Đình Từ Hiếu cũng chưa đủ tiền xây. Chỉ cần 65 ngàn Euros thôi, nhưng đào đâu ra? Ở Bát Nhã, con số các em muốn xin xuất gia càng ngày càng đông mà quý thầy quý sư cô không dám nhắm mắt nhận liều. Mỗi phòng rộng 5 mét X 5 mét mà trong đó quý cô phải xếp tới 16 em, mỗi em chỉ có một giường trong chiếc giường tầng: áo quần, dụng cụ cá nhân, sách vở, nằm, ngồi, viết lách... chỉ có thể sử dụng trên cái giường của mình. Phòng ăn, ngồi sít nhau thì chỉ có 180 chỗ, còn năm chục em kia phải ngồi ngoài trời hay lên thiền đường ngồi ăn nếu trời mưa… Muốn xây thêm tăng xá, thiền đường và nhà ăn cho một cư xá mới bên kia bờ suối cho các sư cô, Làng sẽ cần thêm 200.000 Euros nữa. Số tiền vài triệu dollars tiền Bản quyển cuốn Đường Xưa Mấy Trắng này sẽ giải quyết được nhiều chuyện lắm. Sư cô thủ quỹ thầm nghĩ : Đúng rồi, chư tổ gửi cái ông tỷ phú này đến góp phần công đức với tăng thân đây! Thật là đúng lúc.
Kiểm duyệt nghệ thuật
Ngày hôm sau, tăng thân Làng Mai nhận được điện thoại của luật sư John Newman, người chuyên lo về luật pháp cho tất cả tác quyền sách xuất bản của Thầy. Anh John căn dặn: Quý thầy quý sư cô phải đề nghị lấy bản quyền trên cái gross amount, tức là tiền đầu tư của ông ta: 5%, 3%, 2% hay 1% , dù là nửa phần trăm cũng được, nhưng phải trên tiền đầu tư nhé. Các nhà làm phim họ khôn lắm, họ có thể đồng ý cho 5-7 % của tiền lời, nhưng phim chẳng bao giờ có lời cả. Họ cứ tính tiêu tính tỏi sao đó mà cuối cùng 10 năm, 20 năm hay 50 năm sau, chưa chắc tác giả đã nhận được tiền bản quyền đó, thưa quý thầy quý sư cô! Sư Cô Chân Không nói: Chúng tôi đã có kinh nghiệm với vài người làm phim. Khi trái tim họ còn trong sáng thì làm phim rất hay, nhưng khi có chút thành công thì kiêu mạn và lại làm dở lại, vì thế, trong những điều kiện ký với hãng phim này Sư Ông sẽ đòi quyền theo dõi tinh thần cuốn phim và có quyền can thiệp nếu phim đi sai tinh thần Bụt dạy. Luật sư Newman nói: Không được đâu thưa sư cô! Ở xã hội xứ này, họ có tự do tư tưởng, tự do nghệ thuật, nếu mình đòi điều đó là rất khó, họ nói mình vi phạm tự do tư tưởng và luật pháp sẽ bênh vực họ! Cái gọi là “droit moral” bây giờ ít có nước nào chấp nhận.
Tác quyền và quyền dịch thuật
Còn hai tuần nữa Tiến Sĩ Modi và những người phụ tá sẽ sang gặp sư ông và quý thầy, quý sư cô Làng Mai. Nhóm luật sự của hãng phim ở Hoa Kỳ, đại diện là Larry Mark đã soạn thảo một bản hợp đồng để gửi cho luật sư của Làng Mai là John Newman, cũng ở Hoa Kỳ. Bản sao gửi cho Làng Mai. Thư đi thư lại mấy tuần lễ, làm sao để Sư Ông đồng ý và có thể ký ngày họ qua thăm. Luật sư John Newman giải thích, thứ nhất là phải giải quyết việc quyền dịch thuậtquyển sách Đường Xưa Mây Trắng. Rồi thứ hai mới tới việc giải quyết vấn đề tác quyềncủa Sư Ông. Dù sư ông có ký rồi nhưng nếu trong khi đang làm phim, cô dịch giả lên tiếng kiện hãng phim đã sử dụng bản dịch của cô ấy mà không xin phép thì vì việc quay phim cũng phải ngưng lại, và sẽ tốn kém vô cùng. Sư Ông có tác quyền nhưng là tác quyền tiếng Việt, nếu họ không trả tiền cho cô dịch giả này thì họ phải mướn người khác dịch lại cuốn sách. Ban Luật Sư hãng phim Modi Buddha Film là Larry Mark tranh thủ ráo riết “tiết kiệm” cho chủ của họ. Đọc xong hợp đồng và thấy trước là nếu bắt đầu bằng tiền bạc như vầy chắc cuốn phim sẽ không ra gì,các vị phụ tá đã trình lên Sư Ông. Sư Ông khen: Các con nói đúng. Thầy trò mình sẽ quyết định không lấy một đồng một xu nào của họ hết thì mới có năng lực hướng dẫn họ làm phim theo ý định của mình được. Để họ tới mình sẽ tính sau. Nghe Sư Ông nói thế tất cả đều vui và cảm động, thấy mình thật may mắn có được một vị Thầy biết cách đối trị với cái thế giới tiền bạc này. Đúng thế, vì luật sư của hãng phim đưa ra một văn bản quá nhiêu khê về tiền bạc nên cô dịch giả ngại không chịu ký trao dịch quyềncuốn sách. Vì thế nên tới 10 ngày trước Liên Hoan Phim Cannes bắt đầu, cô mới chịu ký tên và hãng phim mới bắt đầu có thể mướn phòng tiếp tân .
Nhiều bàn tay và nhiều tấm lòng
Sư cô thủ quỹ báo tin cho tăng thân Làng Mai biết trước sẽ chẳng có đồng nào để lo trang trải các Phật sự khác của Làng đâu, dù người ta nói tỷ phú Modi sẽ bỏ ra 120 triệu mỹ kim để làm cuốn phim. Tuy thế, ai cũng rất vui mừng vì cuốn sách Đường Xưa Mây Trắng là cuốn sách hay cho đến nỗi nhiều người trẻ đã bỏ hết đời sống phù phiếm trên đời và quyết chí đi tu. Vậy mà cho tới bữa nay mới có người biết đến. Ông Modi như vậy là người tri kỷ của mình rồi, mình đâu có cần tiền bạc chi nữa? Sư Ông mà nhận 10 triệu đô tiền tác quyền thì chắc Làng Mai sẽ vì thế mà hư hỏng hết. Mọi người nhắc nhau: Xưa nay mình có nhận đồng nào của cuốn phim nào đâu, vậy mà mình vẫn làm được từng ấy việc? Nếu mình có tu tập thực sự, nếu sự tu tập của tăng thân làtri túcthì bao nhiêu tấm lòng yêu chuộng con đường phụng sự của Sư Ông sẽ cùng đến góp một tay. Lo chi! Để vài ông nhà giàu lo tài chính thì họ sẽ lấy hết phước sao? Bất cứ công tác Phật sự nào mà càng có nhiều bàn tay đóng góp - dù mỗi người chỉ cho một số tiền nhỏ nhưng đóng góp với tất cả tấm lòng - thì công đức mới ngút ngàn và Phật sự mới thành công tác của một dòng sông.
Lý do vì sao thông điệp được chọn
Rạng ngày 26 tháng 3,một vị phụ tá của Tiến Sĩ Modi đã tới trước ở Xóm Mới để gặp quý sư cô. Phái đoàn chính thức ngày mai mới tới. Ông Dhar vốn là phụ tá cho ông B.K.Modi trong các Xưởng Hãng của ông này về máy vi tính, máy in phó bản và các loại điện thoại cầm tay. Đế quốc xuất nhập và cung cấp thị trường những máy móc tối tân này có tên là Modi Corporation Global Empire (viết tắt là MCGE) và trong MCGE này sẽ có ngành Modi Buddha Film. Ông Dhar ngồi thuật tiểu sử của từng người trong ban giám đốc làm phim cho các sư cô ghi chép để trình lên Sư Ông. Ông xin được biết chương trình ba ngày mình soạn thảo cho họ ra sao. Ông ta nói TS Modi là bạn thân của đức Đạt Lại Lạt Ma và đã đóng góp tài chính nhiều cho những công trình của Ngài và những đạo sư Phật giáo trứ danh ở Sri Lanka, Ấn Độ và Dharamsala v.v… Nhưng khi đàm đạo với Ông Dhar về giáo lý hay pháp hành trì của Bụt thì hình như ông ấy cũng xa cách lắm. Sư cô tặng ông quyển Transformation at the Basevề sự vận hành của tâm. Sách đúc kết lại các bài giảng Duy Biểu Học cho chúng Làng Mai. Ngày hôm sau TS Dhar cho biết ông đã đọc say mê cuốn sách này. Rồi khi về lại Ấn Độ, ông đã điện thư cho sư cô báo tin là gia đình ông đã bắt đầu tu tập theo những pháp môn đã học được ở Làng. Ông viết thư báo cáo là ông và bà Dhar bây giờ chỉ ăn cơm chánh niệm thôi, không coi TV nữa và cũng không còn nói chuyện không ích lợi trong buổi ăn. Mỗi ngày cả gia đình đều có đi thiền hành.
Ngày 27 tháng 3phái đoàn làm Phim Modi Buddha Film( MBF) chính thức tới thăm Làng. Bên Sư Ông có quý thầy Thầy Pháp Ấn, Pháp Dụng, Pháp Lạc, Pháp Hiển và quý sư cô Chân Không, Định Nghiêm, Tuệ Nghiêm. Bên đoàn phim thì có: Tiến Sĩ Bhupendra Kumar Modi, người ra vốn, ông Michel Shane, Giám Đốc Điều Hành Sản Xuất Phim (ông này đã làm nhiều phim nổi tiếng ở Hollywood như Catch me if you can... và I, robot...), cô Nipa Thakkhar, giám đốc quản trị, Tiến Sĩ Dhar, chuyên viên nghiên cứu về những dữ kiện lịch sử cuốn phim và một bà Dân Biểu Ấn Độ bạn của Modi. Mọi người ngồi trên ngôi nhà gỗ nhỏ có tên Cốc Ngồi Yêncủa Sư Ông ở Xóm Thượng.
TS Modithuật rõ là đã mười tám năm nay ông muốn làm cuốn phim về đời của một vị đạo sư đẹp đẽ như Siddharta nhưng không thành. Ông mới được một người bạn cho đọc quyển ĐXMT bằng tiếng Hindi cách đây chưa đầy hai năm và cuốn sách đó đã làm thay đổi cả cuộc đời ông. Sư Ôngnói: Trong suốt hai nghìn sáu trăm năm nay người ta cứ thần hóa Ngài, làm như Ngài chỉ nhờ phép thần thông mới chuyển hóa được khổ đau. Vì vậy nên thiên hạ cứ xem Ngài như một nhân vật thần thoại mà thôi. Thật là oan cho Ngài. Chúng ta sẽ trình bày lại con người thật của Ngài để có thể cống hiến tuệ giác, những phương pháp chuyển hóa khó khăn của Ngài cho những người trẻ, cho các thương gia, trí thức, khoa học gia, chính trị gia, cho văn nghệ sĩ... Ngày xưa Ngài đã từng làm việc đó. Ông Dhar nói TS Modi đã từ chối một phim bản về đời của Bụtdo Tiến Sĩ Deepak Chopra viết, dù ông này là bạn thân của Đức Đạt Lại Lạt Ma. Có lẽ cũng vì có nhiều đoạn thần hóa Siddharta quá, e tuổi trẻ không nuốt nổi. TS Modi bảo rằng ông mong đây là cuốn phim mà hàng chục triệu người sẽ thích xem. Làm sao mà người đi xem về lại rủ người khác đi xem chứ không phải xem xong rồi về quên luôn như trong trường hợp những phim khác.
Sản xuất gia Michel Shane nói: Cuốn sách này viết rất hay, chúng ta cứ theo y như sách trình bày. Cứ để cho chú bé chăn trâu Svastika và vị tỳ kheo trẻ kể lại cuộc đời của Bụt thì sẽ không bị ai trách cả. Nếu mình trình bày Bụt theo truyền thống Tây Tạng thì các vị theo Truyền Thống Miến Điện, Thái và Sri Lanka sẽ không vui, sẽ chê khen này nọ…! Mãi sau nà quý thầy và sư cô Làng Mai mới biết là có rất nhiều áp lực chống đối cuốn phim này. Người ta nói với TS Modi, ông thuộc Ấn Độ giáo, tin Trời, thì sao ông không làm cuốn phim về Trời Phạm Thiên, Visnu hay Siva, mà làm về Bụt? Gia đình Modi là truyền thống Ấn Độ giáo sâu đậm, tại sao làm cuốn phim về Buddha vốn chỉ là một hóa thân của thần Visnu (theo truyền thống Ấn Độ giáo)? Nhiều phe bên Cơ Đốc Giáo, thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo… không ai ưa phim này và bàn ra mãi.
Lý do sâu xa:
Mãi đến ngày 23/5/2006 tại Liên Hoan Phim Cannes, TS Modi mới tiết lộ là ngay từ khi còn nhỏ con gái út của ông cũng đã có nói với bố: Is this the world I have to live in? (Con phải sống trong cái thề giới nhiêu khê này hả ba?)Có thể vì thế mà Ông Modi rất muốn thực hiện cuốn phim như thế nào để tuổi trẻ (như con gái ông) tiếp nhận được tuệ giác của Bụt. Thầy Pháp Lạc xin phép Sư Ông chiếu lên đĩa DVD phim Steps of Mindfulness(Bước chân chánh niệm) của Hãng Phim Thụy Sỹ quay về những điều dạy dỗ của Sư Ông trong chuyến đi Ấn Độ năm 1995. Ý của quý thầy quý sư cô là cho đoàn phim MBF này có dịp “được” nghe một pháp thoại của Sư Ông qua cuốn phim, và cũng để chia sẻ sự kiện là sở dĩ phim này rất thành công bên Thụy Sĩ và Đức là vì thiên hạ vào rạp hát chỉ với chủ ý xem phim Đi thăm Ấn Độ mà được nghe nguyên cả một bài pháp thoại với những câu nói sâu sắc, đánh động tâm thức quên lãng của mình. Khán giả đến rạp ciné vừa xem phong cảnh Ấn Độ thoải mái, vừa “được” nghe một bài thuyết pháp mà không có cảm tưởng bị nghe thuyết pháp! Sau cuốn phim, Sư Ông nói: Với phim Buddha tới đây chúng ta cũng sẽ khéo léo tìm cách để người xem phim được tiếp nhận tuệ giác của Bụt mà không có cảm tưởng bị nghe thuyết pháp. Như thế phim mới mang được thông điệp của Ngài, vượt được bức tường tôn giáo và ôm lấy được tất cả mọi người. Và sẽ không truyền thống tâm linh nào còn nghĩ đến mặc cảm hơn, thua... với Bụt nữa. Michel Shane thêm: Hơn nữa sẽ không ai ăn thua với chú bé chăn trâu Svastika đâu!
Một hợp đồng lạ lùng
Mục đích của đoàn là sang Làng Mai để thương thuyết và ký họp đồng trao bản quyền quyển sách ĐXMT để họ làm phim. Thật là bất ngờ khi họ nghe Sư Ông nói: Chúng tôi sẽ không lấy một đồng nào về tác quyền cuốn sách. Chúng tôi sẽ hiến tặng bản quyền sách như là một sự Cúng Dường cho Bụt và cho thế hệ tương lai . Chúng tôi cũng mong rằng chúng ta sẽ xem nhau như anh em một nhà để cùng chung sức cống hiến cho thế hệ tương lai cái thông điệp vô giá của Bụt. Chúng ta sẽ mời các văn nghệ nhân đóng phim, giám đốc phim, Giám Đốc sản xuất phim, đạo diễn và tài tử điện ảnh tập sống thật sâu sắc và đẹp đẽ, làm sao để họ có cơ hội học được cách đi, đứng, nói, cười, ăn uống trong chánh niệm và có được một ít thực chất của hiểu biết và từ bi trong lòng trong khi họ đóng phim. Để cho trong phim có sự biểu lộ chân thực của uy nghi, chánh niệm và lòng từ ái một cách đích thật chứ không phải giả bộ là có uy nghi, chánh niệm và lòng từ ái trong khi không có những phẩm chất ấy trong lòng. Người viết phim, Giám Đốc Điều Hành, Đạo Diễn... cũng cần có những phẩm chất ấy ở trong lòng mới có thể đóng góp về phương diện này cho công trình thực hiện cuốn phim. Vì vậy, cả đoàn phải vừa tu vừa thực hiện công tác nghệ thuật này. Trái tim ta có trong sáng thì cuốn phim mới thành công. Nhưng nếu sau này, khi mà có tiền lời rồi thì tôi xin MBF phim để ra 1% tiền lời cho các chú bé chăn trâu như Svastika đang còn ở Ấn Độ và đang cần được có cơm ăn và học hành.Nghe Sư Ông nói về việc không lấy tiền tác quyền, hình như cả đoàn chưa tin lắm. Dr Dhar nói “giúp trẻ em Ấn Độ à? Dr Modi cũng có tài trợ cho hơn 10 ngàn trường học ở Ấn Độ.” Sư Cô Chân Không nghe thế rất thán phục và thốt lên: “Ồ! ông dễ thương quá, ông giúp hơn 10 ngàn trường học trong khi thầy trò chúng tôi cùng một số tăng thân mà chỉ giúp có 1078 lớp mẫu giáo các vùng sâu vùng xa ở Việt Nam thôi.” Nghe vậy thì tới phiên các ông Ấn Độ tròn mắt:
“Làng Mai mà giúp tới một ngàn lớp học à?”Có thể là họ thấy nhà cửa, thiền đường và phòng ốc Làng Mai quá thanh bần mà sao Làng lại có thể giúp tới cả ngàn lớp học, trả lương cho cả ngàn cô giáo đều đặn mỗi tháng? Sư Cô nói: “Nhưng chúng tôi có rất nhiều bạn cùng tu và may mắn đã quy tụ được nhiều tấm lòng vàng!”
Đã trưa, Sư Ông mời cả nhóm đi thiền hành ra phòng ăn.
Chương trình ngày 28 tháng 3:
9: 00 giờ sáng, hai bên gặp mặt,
11: 00 giờ đi thiền hành,
12: 30 đãi cơm trưa ở Xóm Hạ
15: 30 thiền trà ở Xóm Mới.
Ngày 29 tháng 3 năm 2006:
7: 00 giờ đến Xóm Hạ nghe pháp thoại ở Thiền Đường Hội Ngàn Sao
10: 00 giờ uống trà với Sư Ông và quý thầy quý, sư cô
11: 00 giã từ
Sáng nay vẫn ở Cốc Ngồi Yên, Xóm Thượng hai bên uống trà chung để lắng nghe thêm và để hai bên hiểu nhau thêm. Michel Shane cho biết trước nhất là phải tìm ra người viết phim và viết cho xong truyện phim. Tiến Sĩ Modi nói: Chúng tôi muốn chọn tài tử thật giỏi nhưng không phải là những người nổi tiếng đã đóng nhiều phim quá, sợ thiên hạ chỉ mặt nói: Ô cái ông này đã từng đóng vai gì trong phim gì đó, thế là mất linh! Đã nhiều người ghi danh lắm, nhưng chúng tôi chưa nhận người nào. Sư Ông bảo thầy Pháp Ấn hướng dẫn mọi người trong đoàn làm phim cách đi thiền hành. Sau khi thiền hành xong mọi người đi Xóm Hạ thọ trai do Sư Cô Trụ Trì Chùa Cam Lộ đãi. Sau khi ăn xong, ông Modi hỏi lại Thầy Pháp Ấn là Sư Ông đã đồng ý ký hợp đồng cuốn phim chưa? Hợp đồng mà luật sư Larry Mark đã thảo bên Hoa Kỳ và có gửi email qua cho Sư Ông đó? Sư Cô Chân Không nhắc: Sư Ông đã nói hôm qua rồi mà. Sư Ông sẽ không lấy một xu nào nhưng cả đoàn làm phim, người viết phim, người đạo diễn, tài tử... ai cũng phải tu tập chánh niệm để dâng trái tim tinh khiết cho thế hệ tương lai. Và nếu phim có lời thì xin 1% cho trẻ em Ấn Độ. Ông Modi bèn nói: Tôi cũng sẽ tặng cho trẻ em không phải Ấn Độ như Việt Nam chẳng hạn thêm 1% nữa. Sư Cô Chân Không thêm: Chúng tôi xin góp phần tâm linh trong cách lo lắng cho các thiếu nhi. Cho chúng ăn no chưa đủ, phải biết dạy các cháu biết làm chủ cơn giận, bớt bạo động, tập sống cho thảnh thơi và bình an, biết phân biệt thế nào là cái đẹp chân thật. Đó là “nghề” của chúng tôi.Và sư cô vào đánh máy tóm lược ngay những lời Sư Ông căn dặn để phát cho mọi người như là nét chính Hợp Đồng. Trong bản tóm lược, hãng phim MBF sẽ trả 10.000 mỹ kim cho dịch giả là cô Mobi và những chi phí cho hai ông luật sư của bên Làng khoảng 8. 000 đồng.
Chiều hôm ấy Sư Cô Trụ Trì Chùa Từ Nghiêm Xóm Mới tổ chức thiền trà cho đoàn Phim MBF và một số quý thầy quý sư cô của bốn Tu Viện của Làng. Nhờ sống chung như vậy là hai ngày, mọi người trong đoàn làm phim mềm ra, dịu xuống. Ngày đầu tiên mới tới, ông Dhar đã nói về tầm vóc của Empire Modi Corporatation Global, nếp sống của từng người và mục đích rõ ràng của họ khi đến Làng. Mục đích chỉ để làm chuyện thương mãi, ký hợp đồng mua tác quyền làm phim thôi. Nhưng qua hai ngày sinh hoạt, người nào trong đoàn phim MBF cũng tỉnh lại và thấy được cái đẹp của tăng thân. Trong thiền trà họ cảm thấy được tình huynh đệ, sự trẻ trung, niềm vui và hạnh phúc thanh bạch tỏa rạng trong ánh mắt quý thầy, quý sư cô của Làng. Sư Cô Thuần Tiến nói: Dạ thưa, Bụt có tới 1250 đệ tử xuất gia cùng đi với Bụt, còn Thầy chúng tôi mới có hơn năm trăm người đệ tử xuất gia. Vậy chúng tôi có được tham gia đóng phim đi khất thực như vào thời Bụt không? Làm sao mà đủ con số 1250? Ai nghe cũng cười rộ. Thật ngây thơ! Thật ra bây giờ, với kỹ thuật hiện đại, chỉ cần dùng máy tính cũng làm hiện ra được 50.000 thầy tu đi khất thực từ một số vài trăm thầy. Bảy giờ sáng ngày 29 tháng 3, Sư Ông cho pháp thoại rất thâm thúy bằng tiếng Anh, mọi người trong đoàn phim và không phải trong đoàn làm phim đều hạnh phúc. Cả phái đoàn vào Phòng Khách Hoa Cau của Sư Ông để uống trà để từ giã. Hẹn tiếp tục liên lạc bằng điện thư. Không khí thân thiện như đã được quen thân từ lâu.
Liên Hoan Phim Cannes
Trước khi từ giã Sư Ông, Michel Shane xin Sư Ông để dành cho Phim Buddha vài ngày trong thời gian từ 17 tháng 5 đến 28 tháng 5 năm 2006, là thời gian tại Pháp có Liên Hoan Phim Cannes để mình sẽ họp báo, tiếp tân và công bố về cuốn Phim. Sau khi đoàn từ giã, Sư Ông đi Hòa Lan và Bỉ để hướng dẫn các khóa tu từ 26/ 4 đến 09/ 05/2006. Ngày mồng 10 tháng 5/2006, Sư Ông còn làm Lễ Xuất Gia cho 29 giới tử thuộc gia đình xuất gia cây Hải Đường qua mạng lưới tại Bát Nhã. Suốt thời gian này, đoàn Phim MBF muốn chuẩn bị cho cuộc Tiếp Tân ở Cannes nhưng họ không chuẩn bị gì được vì mãi tới ngày mồng 9 tháng 5, cô dịch giả mới chịu ký hợp đồng. Lý do cũng tại ông luật sư của hãng phim đưa ra một văn bản quá rắc rối. Nhưng cuối cùng thì cô Mobi cũng ký. Thế là chỉ còn có hơn một tuần mà hãng phim cũng tổ chức được một buổi vừa Tiếp Tân vừa Họp Báo ở tại chợ phim Cannes vào ngày 22 tháng 5/2006, và báo chí rất nhiều nước đã nói về phim này. Ngày 21 tháng 5 phái đoàn gồm 15 thầy và 15 sư cô của Làng lái xe đi Cannes, xin được ăn uống và nghỉ ngơi tại nhà các bạn trong tăng thân ở các thành phố Cannes và Nice. Còn ba vị thị giả nam và ba thị giả nữ thì đi xe lửa với sư ông và được ở chung trong Hội Chợ Phim tại Carlton International Hotel. Tăng thân ở Nice, Cannes, Marseille, Toulon rất là hạnh phúc, rất mong được Sư Ông về ở nhà họ nhưng Sư Ông biết mình phải gần gũi với giới phim trường để dạy họ nên không thể ở nhà với cư sĩ đệ tử. Liên Hoan Phim gồm 2 tòa lâu đài vĩ đại. Một là khách sạn Carlton International Hotel - một tòa nhà kiến trúc xưa. Nhìn bên ngoài như là một lâu đài thời trung cổ nước Pháp nhưng bên trong thì thang máy bóng loáng, sang trọng gồm vô số phòng nằm trên 7 tầng lầu. Mỗi tầng khoảng 100 phòng. Nơi đây, chủ hãng phim nào, tài tử nào cũng giữ một phòng. Nếu Trung Tâm hết chỗ thì họ sẽ mướn tạm Khách Sạn Martinez gần bên, khá to nhưng không tiện bằng Carlton International. Cũng tại Carlton International Hotel này người trách nhiệm phim của từng quốc gia mướn những phòng lớn có màn hình bên trong và báo tin là sẽ chiếu các phim của nước mình nơi phòng đó, vào ngày nào, giờ nào, phim gì. Có một số phim đưa đến để dự thi, có một số phim khác đến để bán. Tùy theo tài khéo léo tiếp tân quảng bá của hãng phim mà người đến xem sẽ đông hay ít và sẽ có nhiều người mua hay ít. Các người mua phim sẽ đến từng hall của mỗi nước, xem phim và đặt hàng. Còn Tòa lâu đài thứ hai tên là Palais du Festival de Cannes(Cung Liên Hoan Phim Cannes), có nhiều lối vào. Có lối dành cho tài tử trẻ mới vào ngành, để họ có dịp thi thố tài năng. Cửa chính của Cung Liên Hoan Phim Cannescó trải Thảm Đỏ (TAPIS ROUGE) là để cho những giám đốc và nghệ nhân thành công trong những phim quan trọng bước lên. Nếu phim được chấm là độc đáo thì giám đốc sản xuất và tài tử sẽ được leo lên thảm đỏ và sẽ đi như là một nghi lễ rất danh dự của Liên Hoan Phim Cannes. Đoàn người đi trên thảm đỏ sẽcó hàng trăm đài truyền thanh truyền hình trên thế giới thu hình và nói đến. Sẽ có nhạc đệm theo bước chân và có máy quay phim chụp hình gửi đi ra nhiều nước. Vì thế nên số người được phép đi trên thảm đỏ rất giới hạn. Chỉ có đạo diễn, tài tử và vài nhân vật quan trọng mới được leo lên thảm đó, đi chậm rãi như những vị quốc vương và nữ hoàng .
Hãng Phim MBF mướn ba phòng ở Carlton International, một phòng cho Sư Ông, một phòng cho ba thầy và một phòng cho ba sư cô. Sư cô Mai Nghiêm thốt ra một câu bất hủ: “May quá, con rất mừng là đã được xuất gia làm sư cô. Con thấy được tất cả những giả tạo và phù phiếm của nếp sống của các tài tử phim ảnh. Họ đang lao đầu vào ngọn lửa danh lợi phù phiếm, như những con thiêu thân lao đầu vào lửa mà họ không biết. Con thấy thương họ trong cách họ mặc, ăn uống, hút xách, chơi bời và chạy theo danh vọng và giàu sang. Họ không được sống dù là một giờ an lạc như con. Con cám ơnTthầy và tăng thân đã cho con chỗ nương tựa thật là vững chãi, thanh bạch và an lạc. Cái thế giới xa hoa phù phiếm này không động được tới con. Sáng đó Sư Ông và tăng thân Làng Mai bàn chuyện rất chi tiết với Michel Shane, Giám Đốc Sản Xuất Phim Buddha. Anh nói sớm nhất là sáu tháng sau, anh và người viết phim mới làm xong chuyện phim căn cứ trên sách ĐXMT. Dĩ nhiên là người viết phim sẽ đi làng, gặp Sư Ông và tu tập. Xong phần đó rồi mới bắt đầu chọn tài tử. Và khi có đủ tài tử rồi thì cả nhóm sẽ lại lên đường đi Làng Mai để tu tập, vì điều đó nằm trong hợp đồng. Sư Cô Chân Không hơi lo là nếu lúc chọn tài tử xong mà lỡ Sư Ông đang ở Từ Hiếu hay Bát Nhã (Việt Nam) thì sao? Michel Shane nói tỉnh bơ: – Dạ, thì thay vì bay đi hướng Đông chúng tôi sẽ bay đi hướng Tây thôi, để về Việt Nam với Sư Ông!
Báo chí vẫn chưa tin
Buổi chiều Họp Báo và Tiếp Tân rất vui. Chưa có buổi Tiếp Tân và Họp Báo nào ở Liên Hoan Phim Cannes mà có ba mươi tu sĩ đi thiền hành rất đẹp vào hội trường rồi chắp tay lại Tụng Bát Nhã Tâm Kinh và Niệm Bồ Tát Quan Thế Âm. Có nhiều Đài Truyền Hình lớn, trong đó có Đài của Đức quốc và Ấn Độ là ở lại lâu nhất. Sư Ông nói chúng tôi chỉ là Spiritual Partner (người đối tác tâm linh) cho cuốn phim thôi. Tiến Sĩ Modi tuyên bố với báo chí: Ông tác giả này lạ lắm, Ông nói Ông không cần đồng nào cả, ông muốn cúng dường cho Bụt thôi. Một lời tuyên bố quan trọng như vậy từ miệng Ông Modi mà báo chí không ghi chép. Họ chỉ chóa mắt vì câu nói trước đó của Tiến Sĩ Modi “Tôi dự trù bỏ ra 120 triệu mỹ kim để làm cuốn phim này.” Theo họ như thế là đủ lắm rồi, không cần nghe thêm về ông thầy tu nữa. Họ quên là ông thầy tu này có thể có quyền đòi 10 triệu mỹ kim nhưng đã quyết định không lấy đồng nào để cho cuốn phim có thể trở thành một sản phẩm tâm linh đích thực. Như thế thì cuốn phim mới chuyên chở được tuệ giác của Bụt... Trong thế giới tiền bạc này, ai mà tin được một đìều như thế? Chỉ có tuệ giác của sư ông mới cho ta thấy rõ tại sao mình phải làm như vậy. Máy chụp hình chụp Sư Ông và tăng thân Làng Mai liên tục và hình ảnh được đưa lên các tờ Variétés, Riviera Reporter, Media Cannes Film, Nice Matin. Còn tờ Hollywood Reporter thì lại đăng cái hình sáu thầy trò không phải trong buổi họp báo đó mà chụp khi Sư Ông đi trên thảm đỏ, lúc sư ông được mời tới để yểm trợ phim Bamakodo tài tử Danny Glover sản xuất. Số là tài tử Danny Glover muốn mời Sư Ông cùng bước trên thảm đỏ để anh ấy có danh dự được nêu tên Sư Ông trong những người danh tiếng về đạo đức đã ủng hộ phim này. Cuốn phim nói lên thảm trạng của nước Mali Châu Phi của anh như là nạn nhân của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Funds) và Ngân Hàng Thế Giới (World Bank). Vì toàn cầu hóa nên người giàu các nước giàu đến Mali kinh doanh, như xây những bệnh viện thứ sang nhất trong nước Mali nghèo khó, chỉ để cho người Mali giàu và du khách sang trọng có thể chữa bệnh, nhưng những người hàng xóm nghèo và con gái người công nhân viên da đen bệnh nặng và sắp chết kia thì không bao giờ có hy vọng được vào bệnh viện điều trị. Lợi nhuận của toàn dân thay vì dùng vào việc giáo dục và y tế cho người nghèo thì lại bị sử dụng để trả tiền lãi đến 42% cho các quỹ tiền tệ quốc tế đã cho các chính phủ đi trước vay vốn ngày xưa. Chỉ còn có 2% để lo cho y tế và giáo dục. Sau khi biết được nội dung phim, Sư Ông đã đồng ý đi để yểm trợ cho cuốn phim. Ban tổ chức đã phải tranh đấu lắm mới xin phép được cho cả 30 thầy và sư cô vào Cung. Nhưng chỉ có sáu vị được lên thảm đỏ. Khi Thầy bước lên, có tiếng giới thiệu: Có mặt để yểm trợ cho phim Bamako là Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, bạn thân của Martin Luther King, người đang đi tới. Máy thu hình hướng về phía phái đoàn của Sư Ông có cả ngàn chiếc.
Thiền hành và ngồi thiền trên bãi biển Cannes
Sáng nào Sư Ông và quý thầy, quý sư cô cũng thức sớm ra biển đi thiền hành và ngồi thiền. Có khi thì gặp năm ba người nhóm này, bốn năm người nhóm kia đi tiệc tùng về, nực nồng mùi rượu. Mình nhìn họ mà thấy rất thương và tội nghiệp, rồi bỗng thấy mình quá may mắn. Tâm bình an, được đi thảnh thơi bên bờ biển, hưởng không khí trong lành và tĩnh lặng buổi sáng. Rất khác với cảnh tượng ban tối khi các sư cô đi xem thử Phim Trường Cannes về đêm. Thật là một thế giới xô bồ. Thiên hạ chạy lính quýnh theo các tài tử chụp hình khi các minh tinh đi vào các phòng khiêu vũ để vui đùa suốt đêm. Nhạc vũ trường sát bờ biển nghe xập xình rất ớn và thật tội.
Biển hừng sáng ở Cannes cũng đẹp và êm mát không thua gì các nơi khác.
Tối hôm 22/5/2006 tại CINEM, trung tâm Công Giáo ở Cannes, tăng thân địa phương mướn được một hội trường cho những người tha thiết muốn nghe Sư Ông thuyết pháp đến tham dự. Vì chỗ ngồi giới hạn nên rất đông độc giả của Sư Ông muốn đến gặp và nghe Sư Ông đã bị từ chối. Chị Christine nói thật là đau lòng mà phải từ chối quá nhiều người muốn đến nghe sư ông. Tối đó không khí thật ấm cúng, thiền sinh mong rằng hai năm sau khi Sư Ông trở lại Cannes với cuốn phim Buddha thì tăng thân sẽ có thì giờ mượn một Hội Trường lớn hơn để họ có thể đưa thêm nhiều người thân và bạn bè đến nghe Sư Ông.
Ngày 23 tháng 5 là ngày thứ ba, ai nấy đều phải đi làm nhưng vì cuộc đi thiền hành được tổ chức từ lúc 6 giờ sáng và buổi ngồi thiền lúc 7 giờ, nên tăng thân các vùng lân cận đều về tham dự được. Cả trăm người quy tụ ở bãi biển nghe sư cô hướng dẫn thiền hành. Báo chí cũng có mặt và cũng lại chụp hình. Sau đó mọi người đi rất thảnh thơi và hạnh phúc. Gió mai nhẹ và thơm mùi biển. Không còn mùi rượu lúc về đêm. Mỗi người ngồi trên một tảng đá phẳng bên bờ biển để thiền quán. Nhiều thanh niên thấy lạ nên đã đi theo đoàn và cùng ngồi thiền. Sau giờ thiền quán họ đã hỏi chuyện về con đường tâm linh của Làng và mong sẽ được về Làng tu học. Báo chí địa phương như tờ Nice Matincũng tới và phỏng vấn quý thầy quý sư cô.
Chín giờ sáng hôm sau 23/5/06 Tiến Sĩ Modi lại xin gặp Thầy để nói tiếp thêm về chuyện phim và cách thức làm phim. Ông giới thiệu Ông Giám Đốc Điều Hành, tiến sĩ Mehta sẽ thay ông liên hệ và điều động việc làm phim, và thường xuyên thỉnh ý Sư Ông và tăng thân. Sư Cô Chân Không có báo tin là anh Larry Kasanoff, chủ nhân của 40 cuốn phim nổi tiếng ở Hollywood có hứa sẽ giúp đỡ tìm người viết phim và giới thiệu những tài tử có khả năng thực hiện cuốn phim. Larry hứa sẽ không cần lấy huê hồng đồng nào cả vì ông ta rất quý sư ông. Ông Modi xin số điện thoại của Larry Kasanoff và hứa sẽ nhờ anh này giúp một tay. Trong câu chuyện với Sư Ông, ông Modi mới tiết lộ là chương trình làm phim này gặp nhiều khó khăn vào giờ chót lắm. Cô dịch giả quyển ĐXMT chậm ký hợp đồng và chính anh Michel Shane, Giám Đốc điều Hành cũng mới chịu ký hợp đồng một giờ trước khi họp báo! Sau đó anh Bhuvan Lall, phụ tá ông Modi mới tiết lộ là tại người luật sư ở Hoa Kỳ làm việc về tiền bạc kỹ lưỡng quá, khiến cho nhiều người đã có một hình ảnh không đẹp về ông Modi, tưởng ông Modi là một người keo kiệt về tiền bạc. Sư Ông nói: May mà chúng tôi gặp tận mặt ông và biết ông, chứ nếu chỉ qua người luật sư ấy thì chúng tôi có thể có cái nhìn khá sai về ông. Ông nói: Tôi chưa biết mặt vị luật sư này, hãng tôi mướn mấy chục luật sư mà ông này chỉ là một. Khi ra khỏi phòng Sư Ông, thầy Pháp Ấn nghe ông Modi nói với người phụ tá là nên đổi người luật sư. Một cuốn phim về đời của Phật phải làm khác hơn.Thầy Pháp Ấn cảm động thấy Ông Modi đã chuyển hóa khá nhiều và rất biết lắng nghe lời Sư Ông. Trong câu chuyện chúng tôi cũng biết được Ông Giám Đốc điều hành mới này, Dr Mehta, vốn là Giám Đốc chương trình Từ Thiện của Modi Corporation Global Empire. Ông chế tạo hơn 76 nghìn tay chân nhân tạo để giúp cho những nạn nhân chiến cuộc của nhiều nước bị cụt chân hay tay và cũng để tặng những người bị tật khi còn bé bị sốt tê liệt. Ông hỏi Việt Nam có muốn xin tay chân nhân tạo cho người cụt tay chân không? Chúng tôi mỉm cười nghĩ đến sẽ có dịp xin chân tay nhân tạo cho đồng bào không may mắn.
Sư Ông đang ký tặng độc
giả cuốn Đường Xưa Mây
Trắng tại Cannes.
Ông phụ tá Bhuvan Lall đưa cho thầy Pháp Ấn xem bức thư của Đức Đạt Lại Lạt Ma sẵn sàng đi Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 năm nay để dự buổi họp báo tại Hollywood và thông báo về cuốn phim này và sẽ tuyên bố ủng hộ toàn diện bộ phim. Ông Modi mời Sư Ông nếu có thể thì sang Hollywood vào tháng 9 này để nói vài lời với báo chí thế giới về cấu trúc và cách thức thực hiện cuốn phim, sau khi phim đã được viết ra truyện. Tuyên bố về cuốn phim Buddha trong ngày 11 tháng 9 tại Hoa Kỳ đã có thể là một đóng góp của cuốn phim về hướng từ bi, bất bạo động và tôn trọng sự sống trong cái ngày mà cả thế giới xem là kỷ niệm kinh hoàng của bạo động.Thật khó xử cho Làng Mai vì chúng tôi đã đồng ý để 600 bạn Ý Đại Lợi sang Làng để dự một khóa tu với Sư Ông, có thông dịch tiếng Ý, pháp đàm bằng tiếng Ý, tụng kinh, truyền giới gì cũng bằng Ý ngữ cả, từ ngày 8 đến 12 tháng 9 năm 2006! Nếu dời đi sớm được vài ngày như từ mồng 2 đến mồng 7 tháng 9 thì hy vọng Sư Ông sẽ đi được sang Hoa Kỳ ngày đó. Sư Cô Chân Không ngỏ lời mời ông Modi sang dự Khóa Tu khoa học Thần Kinh Não Bộ và Tâm Học Phật Giáo vào 19 tháng 8 tới 26 tháng 8. Ông này rất rất bận nhưng cũng cười nói: Dạ, để coi! Sư Ông cười: Nếu ông ráng sang Làng tu học được thì chúng tôi cũng sẽ ráng sang Hoa Kỳ nói chuyện về cuốn phim!
Buổi trưa, Sư Ông và đoàn thị giả tới nhà đạo hữu Tania để ăn trưa và sau đó quý thầy, quý sư cô giáo thọ giảng pháp thoại dưới hình thức trả lời góp ý hóa giải những khó khăn khổ đau của thiền sinh.
Sư Ông về Carlton nghỉ sớm để tối đó còn đi xem phim Bamako. Vừa về tới, hai sư cô Chân Không và Mai Nghiêm lại bị một nữ minh tinh màn bạc giữ lại: Quý vị là sư cô à? Tu viện các sư cô ở đâu? Em muốn tới tu học tĩnh dưỡng với các sư cô. Rồi cô ấy mếu máo: Em khổ quá sư cô ơi, em đi đóng phim về thì chồng em đã bỏ nhà đi theo cô thư ký mất rồi. Trời ơi sao em khổ thế này. Sư Cô ơi, hãy chỉ đường, em sẽ đi Làng Mai tu học!
May quá chúng con đã xuất gia!
Về đến Làng Mai, có rất nhiều sư cô và nhiều thầy trẻ viết thư cho sư ông nói cảm tưởng của mình về chuyến đi. Ai cũng mừng là mình đã đi tu, đã thoát khỏi cái vòng danh vọng, tiền tài và sắc dục đó. Một sư cô người Pháp mới 19 tuổi đã viết một thư dài cho sư ông khiến sư ông thật ngỡ ngàng: Ai ngờ trước khi đi xuất gia, cô đã từng sống trong thế giới của văn nghệ sĩ như thế. Sư Cô nói: Con thật mừng là đã chọn đúng đường. Trước khi về làng tu học con đã từng sống trong thế giới trình diễn như những ngày vừa qua. Những nghệ nhân mà con quen không sang trọng như ở Cannes nhưng họ cũng khổ lắm và cuộc đời cũng đầy rượu, thuốc và bạo động. Có một bà nghệ sĩ tài ba mà con được xem trong vở kịch lớn, nổi tiếng vậy mà đã có lần định nhảy từ lầu cao xuống để tự tử. Cảnh vợ chồng ly dị bạo động rất là dữ dội trong thế giới này... Con cám ơn Thầy đã chỉ cho chúng con một con đường thật lành, thật đẹp để mà đi trong an toàn và hạnh phúc.