Đường xưa mây trắng
theo gót chân Bụt
Thích Nhất Hạnh
Lá Bối Xuất Bản lần 2, 1992, San Jose, Cali, USA
--- o0o ---
12.
Chương 60
NGÀY NÀO ĐẦU TÓC CŨNG ƯỚT
Bụt từ giã vườn Ambalatthika. Người đi đến Nalanda. Sau khi thăm viếng và giáo hóa tại đây, người đi về Ampa. Ampa là thành phố lớn nhất của xứ Anga; xứ này nằm dưới quyền bảo hộ của vua Bimbisara nước Magadha. Dân cư ở đây đông đúc, ruộng đất ở đây phì nhiêu, cây cỏ ở đây xanh tươi. Bụt cư trú trong một khu rừng mát mẻ bên bờ hồ Gaggara. Trong hồ, hoa sen nở thơm ngát.
Nghe Bụt tới, dân chúng lũ lượt đến thăm người. Có một người trai trẻ dòng Bà la môn giàu có tên là Sonadanda, nổi tiếng thông minh xuất chúng tại địa phương này, cũng có ý muốn đi viếng Bụt. Những người Bà la môn khác cố ý ngăn giữ không cho ông ta đi, bảo rằng nếu Sonadanda tới thăm sa môn Gotama thì gây uy tín cho vị sa môn này nhiều quá. Sonadanda mỉm cười trả lời rằng Bụt là nhân vật lỗi lạc, trên đời chỉ có một, và nếu không đi thăm người thì thật là bỏ phí cơ hội ngàn năm một thuở. “Ta phải đi để học hỏi chứ. Để biết ta hơn sa môn Gotama ở những điểm nào và sa môn Gotama hơn ta ở những điểm nào”. Vừa nói, Sonadanda vừa mỉm cười bí mật.
Nghe Sonadanda nói vậy hàng trăm người trí thức Bà la môn khác cũng muốn xin đi theo. Người trí thức này, theo họ nghĩ, sẽ không làm mất mặt giới Bà la môn trước đám quần chúng đông đảo đến viếng Bụt.
Sonadanda còn chưa biét mở đầu câu chuyện ra sao cho thông minh, thì Bụt đã ân cần hỏi:
- Các vị học giả trong giới Bà la môn hãy cho chúng tôi biết đâu là những điều kiện cần thiết để có thể thật sự là một người Bà la môn chân chính. Quý vị nói đi và nếu cần thì nên viện dẫn kinh điển của quý vị.
Sonadanda rất hoan hỷ, một vị Bà la môn đích thực phải có đủ năm điều kiện sau đây: thứ nhất là phải có dung sắc đẹp đẽ, thứ hai là phải biết kỹ thuật xướng tụng và chú thuật, thứ ba là phải có huyết thống thuần túy trong bảy đời, thứ tư là phải có đức hạnh, thư năm là phải có tuệ giác.
Bụt hỏi:
- Trong năm điều kiện ấy, điều kiện nào là căn bản? Còn điều nào dù là không có thì người Bà la môn vẫn còn có thể đích thực là một người Bà la môn?
Trả lời dần theo những câu hỏi của Bụt, Sonadanda đi đến kết luận rằng hai điều kiện sau chót hai điều kiện căn bản của một vị Bà la môn đích thực, Sonadanda công nhận rằng các điều kiện dung sắc, kỹ thuật xướng tụng chú thuật và huyết thống bảy đời không phải là những điều kiện căn bản. Không có ba điều kiện ấy nhưng nếu có các điều kiện đức hạnh và tuệ giác thì người ta vẫn có thể là một vị Bà la môn đích thực như thường.
Gần năm trăm vị Bà la môn có mặt đưa tay phản đối Sonadanda. Họ kết tội Sonadanda đã bị Bụt dùng hý luận đưa tới chỗ chấp nhận lập trường của Bụt và chối bỏ một điều kiện mà họ cho là căn bản là điều kiện huyết thống. Họ đã đặt hết niềm tin nơi sự thông minh và tài mẫn tuệ của Sonadanda mà họ coi như vị lãnh đạo tinh thần của họ. Nay Sonadanda công nhận lập trường của Bụt thì họ mất mặt biết bao.
Bụt can thiệp:
- Này quý vị quan khách! Nếu quý vị có lòng tin nơi người lãnh đạo của quý vị là Sonadanda, thì quý vị im lặng đi để tôi tiếp tục đối thoại vói ông ta, còn nếu quý vị không có lòng tin ở ông ta, thì quý vị xin ông ta im lặng đi để tối nói chuyện với quý vị.
Mọi người lặng thinh. Sonadanda nói:
- Xin sa môn Gotama yên lòng. Để tôi xin có đôi lời nói với các bạn tôi.
Rồi Sonadanda quay lại với năm trăm vị Bà la môn. Ông ta chỉ vào một thanh niên ngồi hàng đầu và nói:
- Các bạn có thấy cháu tôi, vị thanh niên Bà la môn tên là Angaka đang ngồi kia không? Angaka là một người thanh niên tuấn tú, khôi ngô, có phong thái tranh nhã và thanh cao. Đứng về phương diện dung sắc, trong chúng ta không ai so được với Angaka, trừ sa môn Gotama ra mà thôi, Angaka lại thông hiểu ba bộ kinh Veda, thông hiểu văn phạm, ngữ pháp và kỹ thuật xướng tụng và chú thuật; điều này ai cũng biết. Angaka cũng có huyết thống thanh tịnh, cho đến bảy đời, kể cả về bên cha lẫn mẹ. Angaka có đủ ba điều kiện là dung sắc, kỹ thuật xướng tụng, chú thuật và huyết thống thanh tịnh. Nhưng giả sử Angaka sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu, thì dung sắc ấy còn có giá trị gì? Kiến thức Veda và chú thuật còn có giá trị gì? Thưa các bạn, hai điều kiện sau mới là hai điều kiện căn bản của một người Bà la môn đích thực. Đó là giới hạnh và tuệ giác. Đây là sự thực chung cho tất cả chúng ta chứ không phải là sự thực riêng của sa môn Gotama.
Sonadanda nói đến đây thì tiếng hoan hô của quần chúng nổi lên vang dậy. Đợi cho tiếng hoan hô chấm dứt. Bụt hỏi Sonadanda:
- Nhưng trong hai điều kiện căn bản kia còn lại là giới hạnh và trí tuệ, ta có thể bỏ bớt một điều để giữ lại một điều hay không?
- Thưa sa môn Gotama, không thể được, nhờ giới hạnh tinh nghiêm mà tuệ giác phát triển, nhờ tuệ giác phát triển mà giới hạnh càng tinh nghiêm. Sa môn Gotama, cũng như lấy tay để rửa tay, lấy chân để kỳ cọ chân, hai thứ giới hạnh và tuệ giác nâng đỡ và phát triển lẫn nhau; giới hạnh làm cho tuệ giác thêm sáng và tuệ giác làm cho giới hạnh thêm thanh tịnh. Giới hạnh và tuệ giác là hai cái quý nhất trên đời.
Bụt nói:
- Hay lắm, Sanadanda! Những điều ông nói đúng là sự thực. Giới hạnh và tuệ giác là hai cái quý nhất trên đời. Ông hãy nói thêm đi. Làm thế nào để phát triển giới hạnh và tuệ giác đến mức độ cao nhất?
Sonadanda chắp tay xá Bụt, mỉm cười:
- Bạch sa môn, xin người chỉ dạy cho. Chúng con chỉ biết nguyên tắc thế thôi. Sa môn là người có thực tập và có chứng đắc. Xin người giải bày cho chúng con rõ đâu là những phương pháp có thể giúp ta phát triển giới hạnh và tuệ giác đến mức viên mãn.
Bụt bắt đầu dạy đạo giải thoát. Người nói đến nguyên tắc tam học là giới định tuệ. Có giới thì có định, có định thì có tuệ, có tuệ thì giới thể vững vàng. Giới thể càng vững thì định lực càng lớn, định lực càng lớn thì tuệ giác càng sâu. Người nói đến phép quán duyên sinh để phát trừ những kiến chấp về thường, về ngã, để cắt đứt những sợi dây tham ái, hờn giận, si mê, để đạt tới giải thoát và an lạc.
Sonadanda say sưa nghe Bụt nói. Khi Bụt dứt lời, Sonadanda đứng dậy chắp tay:
- Sa môn Gotama! Con xin cám ơn sa môn đã mở mắt cho con hôm nay. Những lời của sa môn nói đã có hiệu lực đưa con ra khỏi vũng lầy tăm tối. Con xin được quy y Bụt, quy y Pháp và quy y Tăng để làm một kẻ môn đệ của người. Con xin kính thỉnh Bụt và giáo đoàn ngày mai tới nhà con thọ trai.
Cuộc đàm thoại hôm ấy giữa Bụt và giới trí thức trẻ tuổi Bà la môn thật là hào hứng và đã gây chấn động sâu xa trong mọi giới. Những người trẻ tuổi trong giới Bà la môn đi theo Bụt rất đông.
Sau đó ít lâu, một người thanh niên Bà la môn nổi tiếng khác tên là Ambattha và thầy của anh là Pokkharasadi do một cuộc thăm viếng và đàm đạo với Bụt cũng đã phát nguyện quy y Tam Bảo. Việc này xảy ra tại một làng Bà la môn tên là làng Lechanankala trong vương quốc Kosala. Phong trào thanh niên Bà la môn theo Bụt càng ngày càng lớn. Niềm bực tức của những nhà lãnh đạo Bà la môn và của các giáo phái cũng vì vậy mà khó tiêu tan đi được.
Tại công viên Ambalatthika, đại đức Svastika đã có dịp gần gũi đại đức Moggallana để hỏi thăm về các giáo phái hiện đang thịnh hành nhất và đã được đại đức nói cho nghe một cách sơ lược về chủ trương của các giáo phái ấy.
Trước hết là giáo phái của đạo sĩ Purana Kassapa. Phái này chủ trương một thái độ hoài nghi về luân lý, cho rằng ý niệm về thiện và ác chỉ là nhận thức do thói quen và tập quán mà có.
Kế đến là giáo phái của đạo sĩ Makkhali Gosala. Giáo phái này chủ trương thuyết tất nhiên, cho rằng hành vi và vận mạng con người đều do những quy luật vận hành tự nhiên sắp đặt và con người không thể làm gì hơn được. Nếu năm trăm hoặc một ngàn kiếp sau mà con người được giải thoát thì đó cũng là do sự vận hành của tự nhiên giới, chứ không phải vì nổ lực của con người mà có giải thoát.
Thứ ba là giáo phái của đạo sĩ Ajita Kesakambati, chủ trương một thuyết duy vật thuần túy, cho rằng con người là do bốn yếu tố, đất, nước, lửa và không khí tạo thành, và sau khi chết thì không còn gì nữa. Theo phái này, mục đích của đời người là hưởng lạc trong khi con người đang còn sống.
Giáo phái thứ tư do đạo sĩ Pakudha Kaccayana cầm đầu, chủ trương ngược lại thuyết của giáo phái của đạo sĩ Ajita. Giáo phái này chủ trương thuyết bất diệt, cho rằng tâm ta cũng như thân ta không bao giờ có thể bị hủy diệt. Theo giáo phái này, có bảy yếu tố làm nên con người, đó là đất, nước, lửa, không khí, khổ, vui, và sinh mạng. Sống và chết chỉ là hiện tượng bên ngoài do sự kết hợp hay tụ tán của bảy yếu tố ấy tạo nên, trong khi tự thân của bảy yếu tố ấy là trường cửu và bất diệt.
Giáo phái thứ năm do đạo sĩ Sanjaya Belatthiputta thành lập. Ngày xưa các đại đức Sariputta và Maha Moggallana đã từng theo học với đạo sĩ này. Đạo sĩ Sanjaya dạy thuyết thích ứng, cho rằng chân lý tùy thuộc vào trường hợp, vào không gian và vào thời gian. Có thể trong trường hợp này, thời gian này này và địa phương này, một điều nọ có thể là chân lý, nhưng trong trường hợp khác, thời gian khác và địa phương khác thì điều đó có thể không còn là chân lý. Nhận thức con người là thước đo của muôn vật.
Giáo phái thứ sáu là giáo phái của đạo sĩ Nigantha Nataputta. Các đạo sĩ trong giáo phái này thực hành pháp khổ hạnh cực đoan, không mặc quần áo và giữ giới bất sát một cách tuyệt đối. Đạo sĩ Nigantha chủ trương một thứ vận mạng luậncó tính cách nhị nguyên, cho mạng(jiva) và phi mạng(ajiva) là nền tảng cho vũ trụ và sự sống. Thế lực của các du sĩ lõa hình này trong xã hội khá lớn, và với đoàn khất sĩ của Bụt, các du sĩ lõa hình đã có nhiều liên lạc và tiếp xúc qua lại. Điểm tương đồng căn bản giữa giáo đoàn du sĩ va giáo đoàn khất sĩ là ý niệm tôn trọng sự sống, nhưng giữa hai giáo đoàn có nhiều điểm dị biệt. Có những vị trong giáo đoàn Nigantha đã tỏ vẻ chống đối giáo đoàn khất sĩ. Đại đức Moggallana thường không chịu đựng được thái độ quá khích của một số các vị du sĩ lõa hình, và đã không ngần ngại nói lên cảm tưỏng ấy, vì thế, đại đức thường bị các vị du sĩ lõa hình chống đối kịch liệt.
Về tới Savatthi, Bụt cư trú ở tu viện Đông Viên, nơi có giảng đường lộc Mẫu. Các giới đệ tử nghe Bụt về, đến thăm người không ngớt. Một buổi sáng, nữ thí chủ Visakha tới tìm Bụt, đầu tóc và xiêm y ướt đẫm, Bụt hỏi:
- Visakh, bà đi đâu về mà đầu tóc và xiêm y ướt đẫm thế này?
- Lạy đức Thế Tôn, đứa cháu nội của con mới chết. Con buồn quá đi tìm Bụt mà quên mang theo cả dù, cả nón.
- Visakh, đứa cháu nội của bà lên mấy tuổi, cháu ốm bệnh gì mà mất?
- Bạch Thế Tôn, nó mới có ba tuổi, nó bị bệnh thương hàn.
- Tội nghiệp cháu. Này Visakha, bà có tất cả bao nhiêu con và cháu?
- Bạch Thế Tôn, con có tới mười sáu đứa con, chín đứa đầu đã lập gia đình, và con đã có tám đứa cháu, vừa nội vừa ngoại. Bây giờ con chỉ còn có bảy đứa cháu, toàn là cháu ngoại.
- Visakha, bà muốn có nhiều cháu lắm phải không?
- Vâng, bạch đức Thế Tôn, con muốn có thật nhiều con và thật nhiều cháu. Nhà càng đông con cháu thì lại càng vui.
- Này Visakha, nếu con cháu bà nhiều như dân số ở thủ đô Savatthi này thì chắc là bà vui lắm.
- Vâng, thưa đức Thế Tôn, con mà có được nhiều con nhiều cháu như dân số ở Savatthi thì còn gì bằng.
- Visakha, bà biết mỗi ngày ở thủ đô Savatthi có bao nhiêu người chết không?
- Thưa Thế Tôn, có ngày thì mười người chết, có ngày thì chín người, tám người, bảy người hay sáu người, ít nhất là một người. Thế Tôn, ở Savatthi không có ngày nào là không có người chết.
- Này Visakha, nếu con cháu bà đông đúc như dân cư ở Savatthi thì ngày nào mà tóc tai và áo quần của bà lại không ướt đẫm như thế kia?
Visakha chắp hai tay lại:
- Thôi, thôi, con không muốn con cháu đông đảo như dân số ở Savatthi nữa đâu. Con hiểu rồi. Càng thương nhiều thì càng bị ràng buộc nhiều, càng bị ràng buộc nhiều thì càng khổ đau nhiều. Bụt đã dạy con điều này nhiều lần, mà con cứ quên mãi.
Bụt im lặng, mỉm cười.
Visakha nói:
- Thế Tôn, người thường du hành hóa độ khắp nơi và chỉ về Savathhi vào trước mùa mưa. Đệ tử chúng con nhiều khi nhớ Bụt, lên tu viện thăm thì ít khi được gặp người. Mỗi khi chúng con đến, chúng cho nên chỉ biết đi vòng ba lần quanh tịnh thất của người rồi đi về mà thôi.
Bụt dạy:
- Visakha, bà nên nhớ rằng việc tu học tinh tiến theo giáo pháp cần thiết hơn việc thăm viếng. Mỗi khi tới chùa, các vị đều có dịp nghe các vị đại đức thuyết pháp để học hỏi thêm giáo lý và để đem về thực hành. Giáo pháp ấy chính là thầy đó. Đừng vì sự vắng mặt của thầy ở tu viện mà xao lãng việc tu học.
Đại đứa Ananda bạch:
- Con ý định là sẽ trồng một cây bồ đề ngay trong tu viện. Mỗi khi các vị đến thăm Bụt mà không có Bụt thì có thể đến thăm và làm lễ cây bồ đề. Như vậy thì cũng như làm lễ Bụt. Chúng con sẽ đặt một pháp tọa bằng đá dưới gốc bồ đề. Nếu các vị đệ tử đem hoa tới cúng dường Bụt, các vị có thể dâng hoa trước pháp tọa làm lễ, và đi nhiễu ba vòng xung quanh cây bồ đề để quán niệm về Bụt.
Bà Visakha nói:
- Ý kiến của đại đức rất hay. Nhưng biết lấy cây bồ đề con ở đâu ra mà trồng?
Đại đức Ananda nói:
- Ta có thể đến xin hạt của cây bồ đề ở thôn Uruvela, nơi Bụt thành đạo. Visakha, bà đừng lo, tôi sẽ phụ trách về việc lấy hạt, ươn hạt và trồng cây bồ đề. Tôi sẽ trồng một cây ở tu viện và một cây ngay ở đây.
Nữ thí chủ Visakh đã cảm thấy nhẹ bớt trong lòng. Bà lạy Bụt và đại đức Ananda rồi ra về.