- Lời dẫn nhập của tác giả
- Chương 1: Từ việc nghiên cứu khoa học đến việc nghiên cứu tâm linh
- Chương 2: Tôn giáo hay triết lý
- Chương 3: Bóng ma trong chiếc hộp đen
- Chương 4: Phật giáo – Khoa học của tâm linh
- Chương 5: Về Phật giáo siêu hình
- Chương 6: Phật giáo và phương Tây
- Chương 7: Nguồn gốc của bạo động
- Chương 8: Tinh thần đạo giáo và tinh thần thế tục
- Chương 9: Phật giáo ảnh hưởng thế giới và bản thân
- Chương 10: Phật giáo suy tàn và phục hưng
- Chương 11: Đạo Phật: đức tin, nghi thức, mê tín, dị đoan
- Chương 12: Phật giáo và cái chết
- Chương 13: Phật giáo và phân tâm học
- Chương 14: Sự tiến bộ và đổi mới
- Chương 15: Nhà sư chất vấn vị triết gia
- Kết luận
TỦ SÁCH ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
ĐỐI THỌAI GIỮA
TRIẾT HỌC VÀ PHẬT GIÁO
Jean Francois Revel & Matthieu Ricard - BS: Hồ Hữu Hưng dịch
Nhà xuất Bản Văn Hóa Thông Tin 2010
Chương 2: Tôn giáo hay triết lý
Jean Francois: Ba đã hỏi con về hành trạng của con đối chiếu với thiên tư của con, nguyên là một nhà nghiên cứu khoa học Tây phương. Ba mong được biết con đã chọn lựa như thế nào đối với các tôn giáo, và học thuyết tâm linh khác, và con đã quay sang Phật giáo, không phải vì con thất vọng bởi một tôn giáo Tây phương nào đó, mà vì con đã được giáo dục theo chiều hướng phi tôn giáo. Dù rằng Ba và Mẹ con đều xuất thân từ những gia đình công giáo, họ không phải là những tín đồ ngoan đạo và con đã được giáo dục theo hướng vô thần, thực dụng, trong một môi trường khoa học, nói chung không hề ngã sang hướng sùng đạo. Rất nhiều người Tây phương đã quay sang tôn giáo khác, Hồi giáo hay Phật giáo chẳng hạn bởi vì họ thất vọng về đức tin của họ. Con thì đã ngã sang Phật giáo trong một trạng thái lạnh nhạt vô cảm với tôn giáo. Mà này cẩn thận một chút, Ba vừa mới dùng danh từ tôn giáo, và chúng ta đã đụng vào những đề tài lớn để giải thích Phật giáo.
Phật giáo là một tôn giáo hay một triết lý. Cho đến nay, người ta vẫn còn đang bàn cãi. Việc gặp gỡ đầu tiên của con với một vị hiền triết đã gây cho con một ấn tượng mạnh mà không cần trao đổi với nhau, vì là con không biết tiếng Tây Tạng. Cái kinh nghiệm đầu tiên đó làm Ba nhớ lại kinh nghiệm của một chàng trai Hy Lạp, khi tiếp cận với một vị hiền triết. Nó giống như một sự quy ngưỡng về quan niệm sống, vì anhh ta bị xúc động mạnh bởi nhân cách của vị thánh nhân, mà anh ta xem như một mẫu mực. Từ kinh nghiệm đó, có thể xem sự cải hoán theo nghĩa tôn giáo, hay đó là một sự bừng sáng theo nghĩa triết lý.
Matthieu: Trước hết, phải nói đến khía cạnh đầu tiên của câu Ba hỏi, con cho rằng con thực sự may mắn khi đến với Phật giáo bằng một tinh thần vô nhiễm; do đó sự chú tâm về Phật giáo của con không hề có mâu thuẫn nội tại, không có sự chống đối của một tôn giáo hay niềm tin nào khác. Dù rằng đã được nuôi dưỡng trong một môi trường tự do tư tưởng, con không hề có ý nghĩ tiêu cực về tôn giáo, và qua sách vở con dần dần phát triển một sự chú tâm sâu xa đối với các truyền thống tâm linh lớn: Ấn Độ, Hồi giáo, Công giáo, dù rằng thật sự con không hề là một tín đồ thuần thành của bất kỳ tôn giáo nào. Do đó sự gặp gỡ một vị thánh nhân- Kangyour Ringpotché, một tấm gương hoàn thiện, mà đến nay con cũng chưa hoàn toàn hiểu được hết, đã thực sự đưa con vào con đường tâm linh. Một sự gặp gỡ khó diễn tả được nên lời, và người Tây Tạng cũng nói rằng khó cho một người câm nói ra được vị mật nó như thế nào. Cái giá trị của nó là ở chỗ nó không phải là một sự tính toán trừu tượng mà là một kinh nghiệm thực tiễn, một sự nhận xét khách quan có giá trị gấp ngàn lần lời nói.
Sau đó con đã dần dần khám phá ra Phật giáo như thế nào? Đó có phải là một tôn giáo, hay là một sự minh triết hay một giáo lý siêu hình? Đó là câu người ta thường hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma và ngài đã trả lời một cách hóm hỉnh: ''Tôi nghiệp cho Phật giáo, nó đã không được những người ngoan đạo chấp nhận vì cho nó là vô thần, một sản phẩm trí thức, và đối với các triết gia thì lại liên kết nó với tôn giáo”
Vậy là Phật giáo không có chỗ đứng, nhưng theo Đức Đạt Lai Lạt Ma thì nhờ vậy mà Phật giáo giữ vai trò một nhịp cầu giữa tôn giáo và triết học. Vậy là theo Ba, Ba nghe rằng Phật giáo là một truyền thống tâm linh, từ đó toát ra một sự minh triết mà người ta có thể áp dụng mọi lúc, mọi nơi trong đời sống.
Phật giáo không phải là một tôn giáo nếu người ta cho tôn giáo là một sự tuân phục một cách mù quáng vào một giáo điều mà không cần xét lại sự chân xác của giáo điều đó. Nhưng nếu người ta xét đến ngữ nguyên của chữ tôn giáo là "cầu nối", thì Phật giáo có liên quan đến những nguyên lý siêu hình cao nhất. Phật giáo cũng không loại bỏ niềm tin, nếu người ta hiểu niềm tin như là một sự tín mộ sâu xa và không gì lay chuyển được nảy sinh từ sự khám phá ra chân lý nội tại. Niềm tin cũng là biểu hiện của sự chuyển hóa nội tâm đó. Sau cùng Phật giáo không phải là một giáo điều, vì Đức Phật luôn luôn nói rằng cần phải xem xét lại những lời dạy của Ngài, tư duy về nó, và không bao giờ chấp nhận nó do lòng kính trọng Ngài. Phải khám phá ra chân lý sau khi đã trải qua những giai đoạn kế tiếp đưa đến sự thành tựu tâm linh. Người ta phải quan sát chúng, như quan sát một miếng vàng. Muốn biết chắc là vàng thật, người ta cần mài nó trên một mặt đá phẳng, đập dẹp nó ra và đốt chảy nó. Lời dạy của Đức Phật ví như những tấm bản đồ đưa đến sự tỉnh thức, của trí tuệ cao tôt về Bản thể của Tâm và về thế giới hiện tượng.
Vì sao Đức Phật được sùng mộ? Không phải như một thượng đế, một vị thánh mà như một nhà hiền triết là hóa thân của sự tỉnh thức. Tiếng Phạn “Bouddha" có nghĩa là người đã thành tựu, đã thâm nhập chân lý và được diễn tả ra tiếng Tây Tạng bằng từ “Sangué" gồm có hai vần, ''Sang” có nghĩa là xua tan mọi thứ làm cản trở sự hiểu biết, cũng có nghĩa là tỉnh thức từ màn đêm vô minh, và vần ''gué" có nghĩa là phát triển tất cả lãnh vực tâm linh cũng như con người.
Jean Francois: Con nói về lời dạy của Đức Phật. Nhưng thật ra là lời dạy nào? Đâu có bản văn nguyên thủy nào của Đức Phật đâu?
Matthieu:Thật ra còn tồn tại rất nhiều lời dạy hợp với giáo luật trong Phât giáo. Đức Phật không viết sách, nhưng những lời thuyết giảng của Ngài đã chiếm 103 quyển kinh sách Tây Tạng.
Jean Francois: Nhưng có đúng là của Ngài không?
Matthieu:Trong buổi kết tập đầu tiên, sau khi Đức Phật qua đời, 500 đệ tử thân cận nhất, những người đã sống hầu hết cuộc đời bên cạnh Ngài, đã họp nhau lại để phối kiểm các lời thuyết giảng của Đức Phật. Các lời thuyết giảng được gọi là “Kinh" được đọc lên bởi những vị xuất sắc nhất, trong khi các vị khác lắng nghe và sửa chữa khi cần thiết. Phải hiểu rằng những lời truyền khẩu giữ vai trò hàng đầu trong việc truyền đạt kiến thức ở Á Đông, và cho đến ngày hôm nay, những người Á Đông có một trí nhớ tuyệt vời. Đó không phải là một giả tưởng. Con đã nhiều lần lắng nghe các Thầy và sinh viên Tây Tạng đọc thuộc lòng nhiều bản văn có hàng trăm trang, thỉnh thoảng lại thấy họ ngưng lại để phẩm bình ý nghĩa của đoạn văn, họ đọc một cách chính xác làm con ngạc nhiên trong khi con theo dõi bằng bản văn cầm tay. Các kinh đều được mở đầu bằng câu "Như thị ngã văn”. Nếu người ta biết rằng Đức Phật đã thuyết giảng từ khi Ngài 30 tuổi cho đến khi qua đời, và Ngài đã lập đi lập lại cùng các đề tài đó, cũng như các đạo sư Phật giáo hiện nay, như vậy rất có lý khi nhận ra rằng qua các vị đệ tử thân cận nhất đã nghe thật chính xác những lời dạy của Đức Phật khi đã sống cạnh Ngài hằng 20 năm. Những ai trong chúng ta đã từng gần gũi khoảng 20 năm bên cạnh các đạo sư Tây Tạng, có khả năng mà không cần có tư chất thông minh đặc biệt, diễn đạt lại những lời thuyết giảng một cách trung thực. Thêm vào những lời dạy đạo truyền khẩu nói trên, là cả 213 quyển gồm có lời bình, lời giải thích được viết bởi những vị hiền minh, những học giả siêu việt Ấn Độ theo dòng thời gian nhiều thế kỷ tiếp sau cái chết của Đức Phật. Và hằng ngàn quyển sách khác được viết sau đó tại Tây Tạng đã làm phong phú nền văn hóa xứ này chỉ xếp sau nền văn hóa Phạn và nền văn hóa Trung Hoa.
Jean Francois: Con nói là nền văn hóa thiên về Phật giáo?
Matthieu:Không hẳn thế. Văn hóa Tây Tạng thật ra hoàn toàn chú trọng vào Phật giáo và vào các môn học truyền thống khác như y khoa, văn phạm, ngôn ngữ, thiên văn. Các khoa học trên cũng không ngăn cản văn hóa Tây Tạng trở thành một nền văn hóa phong phú đứng hàng thứ ba ở Á Đông. Cho đến những năm gần đây, không bao giờ có "tiểu thuyết Tây Tạng". Cuộc sống ở đây đã quá phức tạp trên thực tế.
Jean Francois: Đúng thế. Nhưng nếu người ta áp dụng trong việc nghiên cứu Phật giáo những tiêu chuẩn của phương pháp lịch sử như Alfred Foucher đã làm ở Pháp như trong quyển ''Đời Đức Phật dựa trên những bản văn và tượng đài ở Ấn Độ", dường như những người kế thừa Đức Phật đã tỏ ra có óc sáng tạo phi thường. Một thánh tích học đã được xây dựng nên, nói về sự đản sinh mầu nhiệm của Ngài, xuất hiện từ hông bên phải của Mẹ, sau khi nằm 10 tháng trong bụng Mẹ. Dường như óc tưởng tượng Đông phương đã thêu dệt nhiều và thật khó mà tìm lại được những gì xác thực còn lại về lời dạy của Đức Phật. Con sẽ cho rằng với Socrate thì cũng thế, vì chúng ta chỉ hiểu Socrate một cách gián tiếp. Người ta không biết chắc theo lời kể của các đệ tử cái gì là của Socrate, và cái gì là của Platon và Xenophon thêm vào. Nhưng những người này sống đồng thời với Socrate. Và chúng ta lại còn có một chứng nhân khác 1à Aristophan, thú vị là ở chỗ ông này không ưa Socrate. Về trường hợp Đức Phật, dường như đầu óc thích huyền thoại của người Ấn Độ đã làm cho việc tìm hiểu một giáo lý chân xác của Đức Phật rất khó khăn.
Matthieu:Như con đã nói, trước hết nội dung lời dạy của Đức Phật đã được xây dựng bởi những người sống đồng thời với Ngài. Những huyền thoại về sự đản sinh của Ngài được viết theo dòng thời gian và không liên quan gì đến cốt tủy giáo lý của Ngài. Những lời dạy về các đề tài triết học hoặc siêu hình, về bản thể con người, về vô minh, về nguồn gốc đau khổ, về vô ngã, về vô tự tánh của các hiện tượng, những đề tài như vậy không thể được trau chuốt thêm bởi khía cạnh huyền thoại.
Jean Francois: Vậy thì trở lại câu hỏi: triết lý hay tôn giáo? Hay là vừa triết lý vừa tôn giáo? Điều làm Ba ngạc nhiên là nói chung, Phật giáo đã tạo nên một hình ảnh rất thuận lợi ở Tây phương. Người ta vẫn thường xem nó như một học thuyết trong sáng, khả dĩ có thể chấp nhận được bởi những người có đầu óc phê phán hay thực tiễn ở Tây phương. Thêm vào đó lại còn khía cạnh đạo đức và tâm linh. Một sự minh triết có thể dung hợp được với các tiêu chuẩn Tây phương, từ thời kỳ được gọi là thời kỳ Triết lý Ánh Sáng, và chủ nghĩa thực dụng thế kỷ 18 cùng với khoa học hiện đại. Nhưng khi người ta đến Á Đông, người ta lại bị thử thách nặng nề. Những người như Ba bị ngỡ ngàng nếu không nói là khó chịu, trước những khía cạnh sinh hoạt Phật giáo mà Ba chỉ có thể nghĩ rằng hoàn toàn có tính cách mê tín. Nào là những cờ phướng, những cối xay dành cho việc cầu nguyện, và sự tin tưởng vào thuyết luân hồi.
Matthieu:Trước khi làm rõ quan niệm " Luân hồi mà không có linh hồn nào luân hồi", conxin trả lời theo thứ tự các câu hỏi của Ba. Ba nhận định là Phật giáo được xem ở phương Tây như một môn siêu hình học, hoàn toàn có thể chấp nhận được - Lý do là Phật giáo tập trung vào những vấn đề căn bản liên quan đến mọi sinh vật, và không hề bị ảnh hưởng ngoại lai theo nghĩa những hình thức đã làm Ba bỡ ngỡ, Phật giáo phân tích và tháo tung ra những cơ chế của hạnh phúc và đau khổ - đau khổ có từ đâu? Nguyên nhân nào? Làm sao để thoát ra đau khổ? Dần dần nhờ vào sự phân tích và thiền định, Phật giáo đi đến cội nguồn sâu thẳm của đau khổ. Đó là một sự tìm kiếm của mọi người, dù là Phật tử hay không, cũng phải chú tâm đến.
Jean Francois: Con hãy định nghĩa đau khổ là gì?
Matthieu:Đau khổ là một trạng thái bất mãn sâu xa có thể liên quan đến đau đớn thể xác, nhưng thật sự là một kinh nghiệm tinh thần. Rõ ràng là nhiều người cảm nhận khác nhau trước cùng một vấn đế, hoặc họ thích thú, hoặc họ khó chịu. Đau khổ xuất hiện khi cái "tôi" mà ta hằng ấp ủ bị xâm phạm và không nhận được cái gì mà nó thích. Tùy theo trạng thái tinh thần mỗi người, mà khổ đau thể xác được cảm nhận khác nhau. Hơn nữa những mục tiêu của đời sống như là quyền lực, của cải, dục lạc, danh vọng không bao giờ là cội nguồn của một sự thỏa mãn trường cửu, và một ngày nào đó chúng sẽ trở thành bất mãn và đau khổ. Chúng không bao giờ đem lại một niềm vui miên viễn, một sự an lạc nội tâm mà ngoại giới không ảnh hưởng đến được.Và nếu chúng ta cứ tiếp tục chạy theo những mục tiêu đó, chúng ta có rất ít cơ hội có được một hạnh phúc thật sự, giống như một người thợ câu giăng lưới ở một giòng sông cạn nước.
Jean Francois:Chúng ta biết điều đó, đúng hơn là trong các triết thuyết hưởng lạc và khắc kỷ.
Matthieu:Cái trạng thái bất mãn đó là đặc trưng của một thế giới bị qui định, chỉ đem lại những niềm vui tạm bợ, chóng tàn. Nói theo danh từ Phật giáo, người ta bảo rằng thế gian nầy là một vòng luân hồi đầy đau khổ. Nhưng đó không phải là một cái nhìn bi quan mà đơn thuần chỉ là một nhận định. Giai đoạn kế tiếp là đi tìm giải pháp để chấm dứt đau khổ. Muốn vậy, phải biết nguồn gốc đau khổ. Đầu tiên, Phật giáo thấy rằng khổ là do tham dục, do sự luyến ái, do hận thù, ngã mạn, ganh tị, thiếu sáng suốt, nói tóm lại khổ phát sinh từ những yếu tố tinh thần tiêu cực, hay nói rõ hơn từ Vô minh, bởi vì nó làm đảo lộn tâm thức và đưa đến sự bấn loạn và bất an. Những cảm xúc tiêu cực đó xuất phát từ một cái ngã mà chúng ta hằng ấp ủ và bảo vệ bằng mọi giá. Sự thiết tha đến cái Ngã ấy là một thực tiễn, nhưng cái Ngã không có thật, nó không ở đâu hết và như vậy nó không phải là một thực thể độc lập và trường cửu. Nó không có trong những thành phần cấu tạo nên con người- xác thân vàtinh thần- cũng như nó không có ở bên ngoài conngười. Nếu cho rằng cái Ngã ấy là sự tổng hợp các thành cấu tạo nên con người, thì đó chẳng qua là một nhãn hiệu mà tạm thời người ta gán cho sự tổng hợp đó. Thật ra cái Ngã nào có trong các thành phần đó. Và ý niệm về nó tan biến ngay khi các thành phần nói trên tan rã. Không nhận ra sự lừa gạt của cái Ngã, đó là vô minh hay là sự thiếu khả năng nhận ra bản thể của sự vật. Vậy thì vô minh là nguồn gốc của đau khổ. Nếu ta có thể xua tan đi sự hiểu lầm về tự ngã, và chúng ta không xem thế giới hiện tượng là có thực, thì có gì chúng ta phải lo sợ khi không được cái gì mà chúng ta muốn, cũng như chúng ta không hề bối rối nếu gặp phải những điều mà chúng ta không muốn.
Jean Francois: Sự phân tích đó là quan điểm chung của Phật giáo và của nhiều triết lý Tâyphương khác. Sự minh triết này được tìm thấy ở Pháp nơi Montaigne, nơi Pascal (Le moi est haissable) với một mục đích tán dương Cơ đốc giáo.
Matthieu:Có lẽ nhờ vào sư đơn giản đầu tiên của lý thuyết Phật giáo công truyền mà Tây phươngchú ý đến nó, và có thể thâm nhập vào nó dễ dàng.
Jean Francois: TheoBa nghĩ, điều làm cho các triết gia Tây phương thích Phật giáo là cái ý niệm đạt đến một sự thanh thản tâm hồn. Ba không muốn nói đến từ "vô cảm" mà một số trường phái thường dùng. Sự "vô cảm" nầy là một trạng thái bất động mà một vị thánh nhân có thể đạt đến. Nghĩa là một trạng thái nơi ấy vị thánh nhân không còn bị ảnh hưởng bởi cái Thiện và cái Ác trong đời sống.
Matthieu: Không nên lẫn lộn sự thanh thản với sự vô cảm. Một trong những đặc trưng của thiền định là không bị tác động bởi ngoại giới. Có thể so sánh tâm thức của hành giả như một ngọn núi mà bảo tố không làm lay chuyển được: Hành giả không hề vui mừng khi thành công, cũng như không lo buồn khi thất bại. Nhưng sự bình an nội tại đó không phải là sự vô cảm hay lạnh nhạt. Nó thường mang đến hỷ lạc nội tâm và sự mở rộng lòng nhân ái. Hành giả trở thành vị tha trong bất cứ tình huống nào.
Jean Francois: Đó là yếu tố chung của mọi sự minh triết. Người ta có thể nghĩ đến chân dung một vị hiền triết phái khắc kỷ. Không có gì đáng ngạc nhiên trong thời đại khoa học, khi mà các triết gia đã từ bỏ lý tưởng của sự minh triết có thể đem đến những thành quả tích cực cho con người, Chính vì sự từ bỏ đó mà Phật giáo đã có một ảnh hưởng đáng kể đến phương Tây. Phật giáo còn đi xa hơn khi quan niệm về cái "Ngã'' như một cái gì bất định.
Matthieu:Thật sự Ngã không phải là một cái gì bất định, mà phải sáng suốt nhận ra rằng cái ''Ngã'' đó không có ở đâu hết và nó chính là nguồn gốc của mọi sự đau khổ. Phật giáo cho chúng ta một loạt những phương tiện để đi đến sự bình an nội tại nhờ vào sự từ bỏ cái Ngã. Người ta không chỉ diễn đạt những trạng thái nội tâm mà người ta còn tìm cách cải hóa chúng, giải thoát khỏi chúng. Trước khi đề cập đến những phương tiện đó, con sẽ nói ít nhiều về cái Ngã, về sự luyến ái cái tôi, đầu mối của vô minh và của các tình cảm sai lạc. Phật giáo đã phân tích rất kỹ về cái Ngã, về cái cách mà con người tự xem mình như một cá nhân riêng biệt và xem ngoại giới gồm những thực thể có thật. Nguồn gốc của những tình cảm sai lạc đó là do ở chỗ chúng ta có cảm giác ''cái tôi" là một thực thể độc lập hoặc ở trong thân hoặc ở trong Tâm. Vậy nếu thực sự có cái ngã thì nó ở đâu? Trong thân? Trong tim? Trong não? Hay là nó tản mác trong thân? Rất dễ dàng nhận thật cái Ngã không ở đâu hết.
Jean Francois: Ba có cảm tưởng trở lại thời kỳ của các triết gia tự hỏi linh hồn nằm ở đâu trong thân. Decartes cho rằng nó nằm ở tuyến tùng hay tuyến yên. Như vậy có trẻ con không? Cái cảm giác về cái tôi vẫn có, dù rằng không biết nó nằm ở đâu trong thân.
Matthieu:Vậy thì, vì sao giai đoạn kế tiếp là tự hỏi cái Ngã có hiện hữu trong giòng tâm thức của chúng ta hay không? Giòng tâm thức có thể chia thành những tư tưởng về quá khứ, hiện tại và vị lai. Cái Ngã không thể là tổng số các thời liệu đó vì lẽ nó không hề có vào bất cứ thời điểm đặc biệt nào. Quá khứ đã qua không còn nữa, làm sao “cái Tôi” có thể thuộc về ký ức. Tương lai chưa đến thì làm sao có cái Tôi được. Chỉ còn lại hiện tại. Để tồn tại, cái tôi cần phải có những đặc tánh rõ ràng. Nhưng nó không có hình thể, màu sắc, nơi chốn. Càng tìm, càng không tìm ra nó. Cái Tôi chỉ là một cái nhãn hiệu dán lên một sự hiện hữu liên tục. Nhận định như vậy giúp con người giảm nhẹ đi cái ý niệm xem ''cái Tôi" như là một thực thể tối thượng bắt buộc chúng ta muốn những gì chúng ta thích và ghét bỏ những gì chúng ta không ưa. Cảm giác về cái Tôi đó khiến cho con người tách rời ra khỏi thiên hạ. Và cũng chính từ những tình cảm yêu ghét sai lạc đó, dấy lên những tư tưởng và tình cảm khởi điểm cho những lời nói và hành động đưa đến Đau khổ. Khám phá bằng kinh nghiệm trực tiếp, bằng phân tích, bằng thiền định rằng cái ''Ngã không thật có, sẽ là một diễn trình đi đến giải thoát. Con nghĩ là phương cách đó thật sự hữu ích cho người Tây phương, nhất là có rất nhiều kỹ thuật để tác động lên tư tưởng, khiến ta không còn nô lệ chúng nữa. Chúng ta sẽ trở lại đề tài này.
Jean Francois: Ba muốn biết qua một vài kỹ thuật đó?
Matthieu:Trên lý thuyết có tám vạn bốn ngàn pháp môn để tiếp cận Phật giáo. Con số đó nói lên rằng, mỗi người đều có thể khởi đầu tùy theo căn cơ của mình. Muốn trèo lên đỉnh Everest, người ta có thể khởi đầu ở ngoại ô ồn ào náo nhiệt ở Paris, hoặc ở nơi những cánh đồng xanh mướt xứ Nepal. Mục tiêu hoàn toàn giống nhau nhưng những phương cách du hành rất khác nhau. Và mỗi người có thể tự mình tìm ra phương cách thích hợp nhất, để chế ngự tư tưởng, thoát ra vòng kìm tỏa của chúng và tìm thấy bản thể của chính mình.
Jean Francois: Dù rằng những phương cách không phải luôn luôn giống nhau, nhưng truyền thống triết lý Tây phương cũng đi theo chiều hướng đó. Làm sao để áp đặt một kỷ luật trên tư tưởng, là một đề tài lớn của nền triết lý cổ đại. Triết lý hiện đại có nhiều tham vọng lớn, muốn khám phá ra sự vận hành của tâm thức, hơn là muốn sửa đổi nó.
Matthieu:Phật giáo phối hợp kiến thức về sự vận hành của Tâm- rất nhiều văn bản đề cập đến việc này- và về bản thể của Tâm. Hiểu được điều này sẽ giải phóng con người khỏi sự ràng buộc của cái Tôi. Phương cách áp dụng rất hữu hiệu và đa dạng. Người ta tìm cách khắc chế những tình cảm sai lạc: quán từ bi trước sự nóng giận, quán thiểu dục trước sự ham muốn và nghĩ đến nhân quả nếu mất sáng suốt trong hành động. Hận thù chỉ đưa đến hận thù, lịch sử loài người và các quốc gia đã chứng minh là hận thù không bao giờ giải quyết được bất kỳ một sự xung đột nào.
Jean Francois: Trong quá trình bạo lực và sát hại, tiếc thay lại cũng có những kẻ chiến thắng. Còn việc xoá bỏ hận thù, người ta cũng có thể tìm thấy trong kinh thánh.
Matthieu:Đúng thế! Trên phương diện tâm linh, điều rất thích thú là có những điều phù hợp với các truyền thống Tây phương. Nhưng bây giờ hãy trở lại vấn đề hận thù. Ví dụ, trong một phút nóng giận ai đó đã đánh ta bằng một cây gậy. Không ai lại đi tức giận cây gậy, dĩ nhiên là như vậy. Vậy thì ta tức giận với người đã đánh ta. Nhưng nếu ta suy nghĩ kỹ, người đó bừng lửa giận vì vô minh che khuất không kiểm soát được bản thân. Thật ra anh ta là một con bệnh, một kẻ nô lệ của tâm thức, và như vậy anh ta đáng thương hơn là đáng giận. Và rốt ráo lại, kẻ thù chính đó là cơn giận.
Jean Francois: Đúng, nhưng con quên mất mặt thực tế của vấn đề. Bởi vì trước khi con có thời gian để lý luận như vậy, đối tượng của con đã đánh con ngã gục, và giết chết con.
Matthieu:Đúngvậy và cách hay hơn hết là vô hiệu hóa đối phương hay là bỏ chạy, nhưng điều đó cũng không loại bỏ những phương cách thích nghi cần thiết, nhưng không bao giờ dùng hận thù để đối lại hận thù. Ở trong sâu thẳm của con người, luôn luôn giữ một tấm lòng nhân ái, và một sự kiên nhẫn không bờ bến. Không phải để cho kẻ địch muốn làm gì thì làm, cũng không phải tiêu diệt họ bằng bạo lực vì lẽ hết kẻ này thì lại có kẻ khác, Vậy kẻ thù chính phải tiêu diệt là cái tư tưởng muốn sát hại. Đó là điều chính mình cần phải hiểu và phải làm cho thiên hạ hiểu.
Jean Francois: Này, hãy đợi đó! Có phải con muốn thuyết giảng cho Ba về giáo lý Phật giáo không, như vậy, sẽ dài dòng lắm. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này. Nhưng con chưa trả lời Ba về những sự mê tín bên Phật giáo.
Matthieu:Con đang nói đến đó. Nhưng trước hết hãy để con bổ sung thêm cho những gì vừa trình bày. Dùng những phương cách khắc chế tuy hữu hiệu nhưng hạn chế vì những tình cảm sai lạc nơi con người là vô vàn, và như vậy cũng cần có vô vàn cách để khắc chế.
Cách thế thứ hai là tìm cách tiếp cận đến bản chất của tư tưởng, và từ đâu phát sinh ra tư tưởng. Lấy thí dụ, một ý nghĩ hận thù vừa dấy khởi trong tâm ta làm ta nghẹt thở, và làm đảo lộn tính tình của ta. Nhưng nếu ta kịp nhìn lại tư tưởng đó, thì nó không thể đập nát hay đốt cháy ta được. Thật ra tất cả chỉ khởi đầu bằng một tư tưởng nhỏ lần lần phát triển lên như một cơn giông. Nhìn từ xa, những đám mây mùa hè có vẻ rất kích động, làm cho ta có cảm giác ngồi lên đó được. Nhưng nếu đi vào trong những đám mây đó, ta thấy cũng không có gì, chúng hoàn toàn không thể sờ mó được. Cũng thế, khi người ta nhìn lại một tư tưởng, và người ta đi lên nguồn cội của nó, người ta cũng không tìm được điều gì cả. Và ngay khi đó thì tư tưởng biến mất. Đó là cái người ta gọi là giải thoát khỏi tư tưởng bằng cách nhìn lại bản chất trống rỗng của chúng. Một tư tưởng được giải phóng như vậy không gây ra hậu quả dây chuyền. Nó biến mất mà không để lại dấu vết, như một cánh chim bay ngang qua bầu trời vậy.
Jean Francois: Cái nhìn lạc quan đó thuộc về một truyền thống dạy sự minh triết trấn an.
Matthieu:Không nên hiểu nhầm. Dù xem ra rất đơn giản, sự giải phóng tư tưởng không phải là một cái nhìn lạc quan, hoặc là một tập hợp lý luận không cơ sở hoặc không mục đích. Những kỹ thuật được áp dụng phát xuất từ khoa quan sát nội tâm (thiền định), có từ hằng ngàn năm và được xây dựng từ những cố gắng phi thường của các bậc ẩn sĩ đã trải qua nhiều giờ mỗi ngày, trong suốt 20 hay 30 năm cuộc đời của họ. Nếu không dám dấn thân vào thực nghiệm, người ta có thể sẽ nghi ngờ những phương pháp không bình thường đó. Mỗi khoa học đều có dụng cụ riêng của nó. Không có kính thiên văn người ta sẽ không thấy núi lửa trên mặt trăng, không có thiền định, người ta không thể hiểu được bản thể của Tâm.
Jean Francois: Trở lại vấn đề luân hồi. Hôm trước đây chúng ta đã chứng kiến trong tu viện Katmandou sự trình diện đứa bé ba tuổi đã được xem như là hóa thân của vị Thầy của con.
Matthieu:Là Khyentsé Ringpotché.
Jean Francois: Đã qua đời năm nào?
Matthieu:năm 91
Jean Francois: Và đứa bé sinh năm nào?
Matthieu:1993
Jean Francois: Đấy, do phương cách nào mà Đạo sư của con lại hóa thân vào đứa bé đó?
Matthieu: Theonhiều tôn giáo, sự liên tục của giòng tâm thức là một tín điều. Về phía Phật giáo, người ta đứng trên bình diện thiền định thực hiện bởi những nhân vật phi thường khá đông đảo, đã chứng thực được điều đó, bắt đầu bằng Đức Phật. Trước tiên, trong Phật giáo phải hiểu luân hồi không phải là sự chuyển di một thực thể nào. Nếu người ta tiếp tục nói đến thực thể, mà không để tâm đến sự vận hành, sự liên tục, quan niệm của Phật giáo về sự tái sinh thì không thể hiểu được. Trong vòng những cuộc tái sinh 1iên tục, không phải là cùng một con người, mà là sự thể hiện của một giòng tâm thức.
Jean Francois: Ba cứ nghĩ rằng sự di chuyển các linh hồn là một học thuyết căn bản của Phật giáo.
Matthieu:Phật giáo chủ trương có nhiều giai đoạn kế tiếp trong cuộc sống, chớ không phải giới hạn về đời sống hiện tại. Chúng ta đã từng có những cuộc sống trước đây, và chúng ta sẽ còn có những cuộc sống khác nhau khi chết. Điều này đưa đến câu hỏi căn bản sau đây: Có chăng một cái Tâm phi vật chất hoàn toàn độc lập với xác thân? Người ta không thể nói đến luân hồi trước khi phân tích đến những liên quan giữa xác thân và tâm thức. Mặt khác, vì Phật giáo phủ nhận "cái Ngã'' được xem như là một thực thể riêng biệt, được chuyển di từ xác thân này đến xác thân khác, người ta có thể tự hỏi cái gì nối liền giữa những đời sống tiếp nhau thế.
Jean Francois: Thật khó mà lãnh hội được.
Matthieu:Thật ra chỉ có một sự liên tục, một giòng tâm thức trường tồn, chứ không có một thực thể nhất định hay độc lập nào chuyển di.
Jean Francois: Một chuỗi luân hồi, mà không có thực thể luân hồi, càng ngày càng khó hiểu.
Matthieu:Người ta có thể so sánh với một con sông không có thuyền, đang trôi xuôi theo giòng, hay là với một ngọn lửa của một ngọn đèn dùng để thắp sáng ngọn đèn thứ hai và thứ ba. Ngọn lửa không cùng chung một ngọn đèn, nhưng không phải là một ngọn lửa khác.
Jean Francois: Chỉ là những ẩn dụ.
Matthieu:Chúng ta phải bắt đầu bằng việc phân tách những quan niệm khác nhau thời nay và thời xưa, về những liên quan giữa xác thân và tinh thần.
Jean Francois: Đúng, đó là một vấn đế lớn. Nhưng Ba cũng tự hỏi về nhiều khía cạnh khác, như là những cây phướng dùng trong việc thờ phượng. Trong những tôn giáo trong sáng nhất, nói rõ ra là những tôn giáo không có nhiều hình thức mê tín dị đoan, cầu nguyện là một cái gì có tính cách riêng tư. Theo Ba thì dùng một cái cối xay hay một cây phướng thay cho lời cầu nguyện là mức độ thấp nhất, nếu không nói là số không của việc cầu nguyện. Người ta không hiểu được vì sao một học thuyết tế nhị như Phật giáo lại khuyến khích những hình thức mê tín tương tự.
Matthieu:Thật ra những phong tục đó rất khác xa sự mê tín. Nó chỉ phản ảnh những phương tiện phong phú để làm tươi nhuận liên tục tâm thức của ta. Người ta dùng mọi yếu tố thiên nhiên như ngọn gió làm lay động các cây phướng. Ngọn lửa của cây đèn làm xoay chuyển một cối xay dùng trong cầu nguyện, hòn đá trên đó người ta khắc những lời cầu nguyện, hay nước của một dòng suối làm chuyển động các cánh quạt của một cối xay khác để nhắc nhở con người là mỗi hành động, mỗi yếu tố thiên nhiên đều nhắc nhở chúng ta cần chú ý vào nội tâm, và vào lòng vị tha. Khi một người Tây Tạng ghi những lời cầu nguyện trên những cây phướng, ông ta nghĩ rằng “nơi nào ngọn gió thổi qua những lời cầu nguyện này, xin cho chúng sinh thoát khỏi mọi sự đau khổ và nguyên nhân gây ra những sự đau khổ đó. Cầu xin cho chúng sanh được hạnh phúc và biết được lý do hạnh phúc”. Ông lập lại lời chú nguyện của các vị Bồ tát…
Jean Francois: Bồ tát là gì?
Matthieu:Đó là một con người theo chân Đức Phật để được đến chỗ hoàn thiện vì lợi ích của chúng sinh. Lời chú nguyện của họ hoàn toàn không vì lợi ích cá nhân. Họ không hề nghĩ: "Cầu xin cho ta được thoát khổ, không gặp những bất hạnh trong cuộc đời, cho ta ra khỏi vòng luân hồi. ''Đó là một lời cầu nguyện vị tha, xuất phát từ sự quán sát các nỗi khổ của chúng sinh. Họ cầu xin rằng: "Hiện nay ta bất lực trong việc làm nhẹ nhưng nỗi khổ vô vàn của chúng sinh, cầu mong sao ta sớm được các ngộ, để giúp chúng sinh hiểu được và thoát ra khỏi nguyên nhân của sự đau khổ." Người ta dùng đến sự trợ giúp của tha lực để tất cả những gì có thể nhìn thấy, nghe thấy luôn luôn nhắc ta nhớ đến lời chú nguyện cần phải vị tha. Nhờ vậy mà thiên nhiên trở thành một đề tài thiền quán và là một cuốn sách giáo khoa. Tất cả mọi thứ đều có thể sử dụng trong thiền quán và đó cũng là cách luôn luôn nhớ đến lời dạy của Đức Phật.
Jean Francois: Con có chắc rằng đối với một người Phật tử trung bình, các quan niệm trên có ý nghĩa gì đối với họ. Chắc họ không nghĩ rằng cái cối xay có thể cầu nguyện thay cho họ.
Matthieu:Con nghĩ rằng dù cho tất cả dân Tây Tạng không hiểu hết giáo lý cùng các biểu tượng Phật giáo, họ không hề nghĩ khi làm cho cái cối xay quay để các lời cầu xin về sức khỏe, về sự thịnh vượng và thành đạt sẽ được thực hiện. Họ chỉ nghĩ cần phải tích tụ công đức. Công đức có ý nghĩa là một yếu tố tinh thần tích cực có thể xua tan các yếu tố tiêu cực. Như vậy, điều chính yếu ở họ là sự cải thiện, sự thanh lọc tư tưởng bằng cách tích tụ công đức để tăng cường những tư tưởng tích cực ngõ hầu đưa đến tuệ giác. Vì lý do đó nên họ khấn lạy, hay thành kính nhiễu quanh các đền thiêng, hay dâng cúng hương đăng trong các chùa chiền.
Jean Francois: Trong công giáo, đốt lên một ngọn nến trong nhà thờ ngụ ý là ngọn nến đó sẽ đem đến sự phù trợ của một vị thánh, của Đức Mẹ hay là cả Thượng Đế, để được thành tựu một ước nguyện. Điều đó khiến cho nhiều người, dù không phải là một tín đồ cũng đốt nến, khi họ thăm viếng một nhà thờ.
Matthieu:Những tập quán đó là một sự hỗ trợ cần thiết giúp cho các tín đồ tiếp cận được với chân lý nội tại. Con thấy, theo kinh nghiệm, những tín đồ Tây Tạng khi họ dâng cúng hằng ngàn ngọn đèn thắp bằng bơ - tương đương với những ngọn nến, họ ý thức rằng ánh sáng của các ngọn đèn, sẽ xua tan bóng tối của vô minh. Và khi dâng cúng hương đăng, họ thường khấn nguyện: "Cầu xin cho ánh sáng trí tuệ đến được với con và các chúng sinh trong đời này và trong những đời sau.'' Ngay cả những người dân thường cũng am hiểu về những biểu tượng đó. Cũng cùng một ý nghĩa khi họ đọc lên những Mantra (chú).
Jean Francois: Hãy định nghĩa thế nào là Mantra?
Matthieu:Về ngữ nguyên, Mantra có nghĩa là bảo vệ tinh thần, không phải là để chống trả một tai ương nào, mà là chống lại sự xao lãng, sự bấn loạn của tâm trí. Mantra là một công thức ngắn mà người ta đọc đi đọc lại nhiều lần giống như những người Cơ đốc giáo chính thống luôn luôn đọc tên Chúa Jesu. Cái việc đọc thuộc lòng có trong hầu hết các truyền thống tâm linh.
Jean Francois: Có phải chăng đó là truyền thống tâm linh cao nhất?
Matthieu:Tại sao không? Việc đọc tụng dùng để trấn an các xáo trộn tinh thần, và cũng còn để quán sát bản thể của tinh thần đó.
Jean Francois: Đồng ý. Nhưng hãy trở lại vấn đề chuyển di các linh hồn, hay nói khác hơn là về luân hồi. Con đã đưa ra ví dụ một dòng sông không có thuyền. Cái làm Ba bỡ ngỡ, là cái ý niệm dòng sông vô hình đó chảy xuyên qua từ cá nhân này đến cá nhân khác, dù cho các cá nhân đó là con người hay con vật...
Matthieu:Hay những hình thức khác?
Jean Francois: Và mục tiêu của Phật giáo là diệt tan cái Ngã trong Niết Bàn, nghĩa là nếu Ba hiểu không lầm, là sự phi nhân cách hóa yếu tố tâm linh. Như vậy, trong những điều kiện đó, làm sao người ta có thể quyết đoán rằng một cá nhân nhất định nào đó- nghĩa là một con người theo đúng nghĩa của nó- lại có thể sẽ tái sinh trong một cá nhân nhất định khác nào đó. Hiện nay đã có hơn 6 tỷ người trên mặt đất cộng thêm hàng chục tỷ thú vật khác, vậy thì sẽ có bấy nhiêu dòng sông trôi chảy xuyên qua các cá nhân hay thú vật đó. Như vậy, việc nhận ra hình thể một cá nhân, trong đó một trong các dòng sông đã chảy qua sau một kiếp trước nào đó, là một việc theo Ba là vô kế khả thi. Tuy nhiên, thật ra cũng có thể dùng những phương cách nhận dạng ma thuật, hay huyền bí không đáng tin cậy chút nào.
Matthieu:Người ta có thể nói đến tâm thức cá nhân, dù rằng cá nhân đó không phải là một thực thể riêng biệt. Vì lẽ dù không có sự chuyển di một thực thể; nhưng sự vận hành một chức năng thì vẫn tiếp diễn. Dù "cái Ngã" không có thực, nhưng một giòng tâm thức với những đặc tính riêng biệt, sẽ không giống những giòng tâm thức khác. Dù không có một con thuyền trên một dòng sông, không có gì ngăn cấm con sống ấy có nhiều cặn lắng, hay bị ô nhiễm bởi một nhà máy giấy, hoặc giả nó cũng co thểtrong suốt được. Tình trạng của dòng sông là kết quả câu chuyện về nó. Cũng như thế, những giòng tâm thức cá nhân cũng đầy dẫy kết quả của các tư tưởng tích cực hay tiêu cực, cũng như lưu lại các vết tích xuất phát từ những lời nói hay việc làm phát sinh từ những tư tưởng đó. Thiền định có mục đích làm trong sạch dần dần dòng sông ấy. Và giai đoạn cuối cùng của một tâm thức trong suốt ấy là sự “Giác ngộ”. Những tình cảm tiêu cực, những bức màn vô minh đều bị tan biến. Không phải là việc tiêu diệt cái Ngã không bao giờ có thật mà là chỉ ra sự lừa dối của nó. Thật ra, nếu cái Ngã có thật thì người ta cũng không sao tiêu diệt nó được.
Jean Francois: Vậy thì con muốn tiêu diệt cái mà từ đầu đã không có?
Matthieu: Người ta không thể tiêu diệt một cái Ngã không có thật, nhưng người ta có thể nhận ra sự không có thật của nó. Người ta muốn tiêu diệt một ảo tưởng, và người ta đã cho một ví dụ sau đây: trong bóng tối lờ mờ, người ta thấy một sợi dây mà người ta cho là một con rắn, và người ta sợ hãi. Người ta cố gắng chạy trốn hoặc đuổi con rắn ấy bằng một cây gậy. Nhưng khi người ta đốt đèn lên, người ta thấy ngay là không có con rắn nào cả. Thật ra không có gì xảy ra cả, người ta đã không tiêu diệt con rắn vì nó không hề có. Người ta chỉ xua tan một ảo tưởng: Bao giờ người ta thật sự cho là có một cái Tôi người ta luôn luôn muốn ôm vào lòng bất cứ cái gì thú vị có lợi và xua đuổi những gì khó chịu hoặc có hại. Đến khi người ta nhận chân được rằng cái ''Tôi" không thật có, thì tất cả những sự thích thú, hay chán ghét đó sẽ tan thành mây khói, cũng như cái sợ khi thấy sợidây là một con rắn. Cái Ngã không có khởi đầu cũng không có kết thúc, và như vậy chỉ có trong hiện tại do cái Tâm gán cho nó. Nói ngắn gọn Niết bàn không phải là sự dập tắt, mà là sự thấu suốt bản thể của vạn vật.
Jean Francois: Nếu là như thế, thì vì sao và như thế nào ảo tưởng về cái Ngã lại hình thành được?
Matthieu:Có một cảm giác tự nhiên về một cái Tôi khi người ta nghĩ: ''tôi lạnh, tôi đói, tôi đi v.v...'' Cái cảm giác đó hoàn toàn có tính cách vô ký. Nó không đem lại hạnh phúc hay đau khổ. Sau đó khởi lên ý tưởng cái tôi là một cái gì trường tồn suốt cả cuộc đời, dù có trải qua bao nhiêu thay đổi về thể xác cũng như về tinh thần. Chúng ta níu kéo cái ý niệm đó và chúng ta nghĩ thân thể tôi, tên tôi, tinh thần tôi v.v...
Phật giáo chủ trương một sự liên tục về tinh thần, nhưng phủ nhận sự có mặt một cái "Tôi'' độc lập và trường cửu. Mục đích của thiền định là để xóa tan ảo tưởng của một cái tôi. Làm sai lạc đi cái nhìn của chúng ta về ngoại giới.
Jean Francois: Ba trở lại câu hỏi trước. Làm sao để nhận ra các giòng tâm thức riêng biệt?
Matthieu: Để giữ nguyên ví dụ về dòng sông, người ta có thể nhận ra một dòng sông từ một khởi điểm cách đầu nguồn hằng trăm cấy số, bằng cách xem xét phù sa, khoáng chất, thực vật của dòng sông ấy. Cũng thế ấy với những con người. Có thể nhận ra các giòng tâm thức của các chúng sinh, thì ta có thể hiểu được là họ có khả năng nhận ra những đặc điểm của một giòng tâm thức đặc biệt nào đó. Vậy thì câu hỏi sẽ là: ''Người ta có thể phát triển cái khả năng nhận ra các giòng tâm thức, dù là chúng vô hình?''
Jean Francois: Ngay bây giờ đây, sự giải thích của con làm tăng thêm sự mù mịt của Ba, hơn là giải tỏa nó.
Matthieu:Chúng ta đứng trước một vấn đề phương pháp học. Về mặt khoa học chúng ta cho rằng một kinh nghiệm chỉ có giá trị khi nó được tái tạo lại bởi những nhà nghiên cứu khác. Điều này giả thiết rằng, các nhà nghiên cứu cùng có chung những phương tiện tìm tòi. Trên bình diện thể thao, người ta đồng ý rằng với sự luyện tập ráo riết, thì những lực sĩ sẽ đạt được những thành tích phi thường. Nếu người ta nói với một kẻ bàng quan nào đó, là ở thế vận hội Olympic có người có thể nhảy cao 2m, anh ta sẽ cho rằng đó chỉ là nói đùa. Ngày nay, đối với những người dốt nát nhất, kể cả đối với những kẻ như con chỉ nhảy cao được 1m10 thì ta có thể nhìn thấy trên truyền hình, hoặc trực tiếp chứng kiến một nhà vô địch có thể nhảy cao đến 2m40. Đó là thành quả của một sự cố gắng liên tục. Nhưng khi nói đến một sự thao luyện tinh thần, sẽ vô cùng khó khăn để nhận ra kết quả, và chấp nhận rằng người ta có thể đạt tới một mức độ làm chủ được tinh thần, giống như làm chủ được xác thân đối với người lực sĩ.
Jean Francois: Phải. Nhưng mọi người đều có thể kiểm chứng được một lực sĩ có thế nhảy 2m40 hoặc chạy 100m dưới 10 giây.
Matthieu:Tại sao? Vì họ chứng kiến tận mắt.
Jean Francois: Phải.
Matthieu:Trong trường hợp họ không chứng kiến được, họ chỉ có thể kiểm chứng được, nếu họ chịu khó tự tập luyện lấy ban đầu nhảy lm10, dần dần lm80 và nếu họ có khả năng đặc biệt, họ có thể nhảy đến 2m40.
Jean Francois: Nếu không được chứng kiến tận mắt thì chỉ còn cách tin vào lời nói của nhà vô địch.
Matthieu:Trong lãnh vực khoa học, người ta luôn luôn phải tin vào lời nói về các cuộc khám phá, các tính toán mà chính người ta không có một chút kinh nghiệm nào. Người ta chấp nhận sự đúng đắn của chúng, vì người ta biết rằng một số nhà khoa học có tiếng tăm đã kiểm nghiệm lại các giả thuyết đó một cách độc lập, và đã đi đến cùng một kết quả, và những nhà khoa học khác cũng có thể kiểm chứng lại nếu họ chịu bỏ công. Vậy thì muốn đi đến một kết luận nào, chính mình phải lao vào một cuộc tập luyện bền bĩ. Người ta có thể chấp nhận sự trung thực của một sự khẳng định nào đó, khi người ta có lý do vững chắc để tin vào sự xác thực vững chắc của một chứng nhân. Người ta có thể, trong vài trường hợp, tin vào lời nói của một nhân vật nào đó, mà không bị cho là mù quáng. Người ta có thể quan sát sự trung thực của nhân vật đó bằng cách chính mình đi vào con đường thiền định. Ngoài chính kinh nghiệm bản thân, chúng ta đâu còn cách nào khác để đánh giá các khía cạnh tế nhị của tâm thức. Bản thể của tâm không có hình dáng, màu sắc, chất liệu và không thể định lượng được. Nếu không dựa vào kinh nghiệm bản thân, người ta sẽ phủ nhận cái khả năng huấn luyện tinh thần, có thể đưa đến những quyền năng vượt qua trung bình, và người ta đành phải giới hạn sự tìm hiểu ngoại giới có thể nhìn thấy và đo đạc được.
Điều này cũng có nghĩa là muốn tồn tại, một hiện tượng phải ở trong tầm hiểu biết của mọi người, mọi lúc, mọi nơi và đặc biệt điều này chỉ có ởtrong thế giới vật chất.
Jean Francois: Có hai khía cạnh trong lập luận của con. Trở lại sự so sánh về sự nhảy cao, nếu người ta không tận mắt nhận thấy thì người ta không thể tin là thật được. Và một khi người lực sĩ này qua đời thì cái khả năng nhảy 2m40 có thể lại tìm thấy ở một đứa bẻ sơ sinh bằng một phương pháp đặc biệt nào đó hay không?
Matthieu(cười):Không phải thật đúng những điều con vừa trình bày. Ví dụ người lực sĩ nhảy cao chỉ là để cho thấy khả năng phi thường của anh lực sĩ được mọi người chấp nhận, vì lẽ mọi người đã được chứng kiến tận mắt.
Jean Francois: Nhưng trong lãnh vực tâm linh, người ta cũng chấp nhận như vậy. Người ta luôn luôn chấp nhận rằng nhờ vào sự làm việc, sự cần cù, sự tập luyện người ta có thể phát triển những khả năng tinh thần, và làm chủ được tâm thức trên mức trung bình. Người ta cũng thừa nhận nhưng có phần dè dặt hơn, là sự giáo dục có thể bình đẳng, dù rằng nói như vậy có phần đạo đức giả. Người ta biết rằng trên bình diện tinh thần, có nhiều nhân vật phi thường. Người ta cũng biết rất rõ rằng, muốn đạt đến sự phi thường đó, các nhân vật trên phải cần cù tập luyện thường xuyên. Và người ta cũng biết rằng điều này không thể chuyển di được từ cá nhân này sang cá nhân khác, dù cho có sự giáo dục.
Matthieu:Con cũng dùng phương pháp lập luận đó nhưng đứng trên phương diện thiền định. Con muốn nói là thật rất khó mà tìm hiểu từ bên ngoài, những con người mà suốt cuộc đời dành cho việc phát triển tâm linh. Muốn đánh giá được khả năng tâm linh của họ, chúng ta cũng cần tự rèn luyện lấy những khả năng ấy, như vậy sẽ mất cả cuộc đời cho việc thiền định. Hơn nữa, những khả năng về vật chất hoàn toàn khác với khả năng về tinh thần. Tây phương không chú tâm gì về thiền định. Có một điều đã làm con ngạc nhiên trong các bài viết của Wllliam James, một trong những vị khai sáng ra nền Tâm lý học hiện đại. Con nhớ ông đã nói: "tôi thử ngừng tư duy trong một khoảng thời gian, nhưng rõ ràng là không được. Tư tưởng vẫn trở lại liền lập tức. Sự khẳng định đó có thể làm hàng trăm ẩn sĩ Tây Tạng mỉm cười vì lẽ sau nhiều năm thiền định, họ có thể giữ tâm hoàn toàn rỗng rang thanh tịnh một thời gian rất lâu.
Jean Francois: William James là tác giả người Mỹ đã tưởng tượng ra thành ngữ ''giòng tâm thức". Và khi con nói những vị ẩn sĩ Phật giáo chế ngự được tư tưởng của họ, thì lấy gì làm bằng chứng? Hay là lại chỉ tin vào lời nói của họ mà thôi?
Matthieu:Tại sao không? Cái khả năng ấy không có gì là lạ lùng. Cho dù là những người kém khả năng, cũng có thể kinh nghiệm được điều ấy, sau nhiều năm luyện tập. Chỉ cần sự quyết tâm mà thôi. Không cần phải ngưng tư duy, mà chỉ cần luôn luôn tỉnh thức, đầu óc luôn luôn sáng suốt và các tư tưởng vẩn vơ lắng dịu.
Jean Francois: Lắng dịu có nghĩa là sao?
Matthieu:Có nghĩa là dòng tư tưởng ngưng hoạt động, và các tư tưởng ngừng liên kết với nhau bất tận.
Jean Francois: Vậy thì dù sao cũng còn có tư tưởng, có biểu tượng?
Matthieu:Chỉ còn có một sự tỉnh thức, một tâm thức trong suốt ít khi có mặt các biểu tượng. Khi đối mặt với sự vật, liền có một sự nhận thức trực tiếp. Sau đây, người ta diễn dụ cách luyện tập như thế. Khi người ta bắt đầu chế ngự tư tưởng, người ta sẽ gặp khó khăn lớn. Những tư tưởng giống như dòng thác lớn đổ xuống từ một triền núi. Khi người ta bắt đầu tư duy thì tư tưởng càng lúc càng nhiều lên. Sau đó, thác nước trở thành một dòng sông chảy xuôi khi nhanh, khi chậm giống như một tâm thức khi thì an ổn, khi thì bất an. Sau cùng tâm thức giống như một đại dương khi gió lặng: bề mặt đại dương chỉ là những con sóng nhỏ, còn ở đáy thì hoàn toàn yên lặng. Như thế thì người ta có thể đạt đến một trạng thái tâm thức bình an, trong đó tâm hoàn toàn sáng suốt và không bị xáo trộn bởi những tư tưởng vẩn vơ.
Jean Francois: Wil1iam James chắc hẳn là không tranh cãi về điểm này. Ba tin rằng tất cả các nhà tâm lý học, các triết gia đều đồng ý là có sự khác biệt giữa trạng thái tư tưởng bị chế ngự và phải tập trung vào một vật thể nhất định, và trạng thái của tư tưởng mông lung, không chủ thể nhất định mà các nhà tâm lý học tìm hiểu ở các bịnh nhân của họ. Nhưng sự ngừng tư duy, không hẳn la gián đoạn của giòng tâm thức.
Matthieu:Đúng là không phải một sự gián đoạn của giòng tâm thức, mà chỉ là sự ngừng dứt các tư tưởng vẩn vơ, những diễn trình tư tưởng không có cơ sở.
Jean Francois: Vậy thì những tư tưởngvẩn vơ này được thay thế bằng cái gì?
Matthieu:Bởi một cái tâm thanh tịnh.
Jean Francois: Phải, nhưng cái tâm thanh tịnh này phải có một chủ đích gì chứ?
Matthieu:Không, đó là một trạng thái tỉnh thức hoàn toàn không có chủ đích. Thường thường vì cái tâm tỉnh thức này liên kết với nhận thức một vật thể cho nên chúng ta không nhận ra nó. Nó luôn luôn hiện diện, nhưng chúng ta không thấy được nó. Chúng ta chỉ biết có tâm vì có vật. Tuy nhiên, có thể kinh nghiệm được các tâm thanh tịnh sáng suốt ấy bằng cách gạt sang một bên các quan niệm, các kỷ niệm, ký ức, các toan tính, khi chúng hình thành trong tâm. Ban đầu để thanh tịnh tâm, người ta tập chú ý vào một điểm có thể là một vật thể ngoại giới, hình thể Đức Phật chẳng hạn hoặc quán một đề tài trong tâm như quán từ bi chẳng hạn. Dần dần, người ta đi đến một trạng thái bình đẳng rất sáng suốt, trong đó nhị nguyên giữa người và vật không còn nữa, thỉnh thoảng một tư tưởng xuất hiện thì tự nó tức khắc tan biến, không để lại dấu vết như con chim bay ngang bầu trời. Nhưng nếu làm như Wil1iam James tìm cách ngăn chặn tạm thời dòng tư tưởng thì không đủ. Điều này đòi hỏi sự hành trì liên tục, có thể kéo dài hằng năm trời.
Trong số các vị thánh nhân đã dành cả cuộc đời cho thiền định như thầy con- Khuyentsé Ringpotché đã ẩn cư mười bảy năm trong các hang động và sơn am, một vài người đã đạt đến một sự làm chủ tâm thức đến một mức độ phi thường. Làm sao để tin họ được? Một cách gián tiếp- bằng cách gián tiếp quan sát các khía cạnh trong phong thái của họ. Không bao giờ có khói nếu không có lửa. Con đã ở gần một vài vị trong số họ hằng 20 năm và họ khẳng định là có một cái tâm vô hình, và có thể cảm nhận cái tâm đó ở một người khác. Đó là những người không hề nói dối, không hề lừa gạt ai, và ở họ con không bao giờ tìm thấy một ý niệm, một lời nói hay một việc làm có thể gây hại cho kẻ khác. Do đó con cho rằng rất có lý do để tin họ, hơn là cho họ dối trá. Cũng giống như thế, khi Đức Phật nói rằng cái chết chỉ là một giai đoạn của cuộc sống, và rằng giòng tâm thức tiếp tục lưu chuyển sau khi chết, chúng ta không có khả năng nhận ra giòng tâm thức ấy, nhưng những lời dạy của Đức Phật nghe ra có vẻ xác thực và hữu lý, vì vậy ta có thể tin rằng người nói lên sự thật chứ không hư ngụy. Mục đích của Đức Phật là soi sáng chúng sinh chứ không phải là để họ lầm đường lạc lối, Ngài không hề muốn đem lại khổ đau cho chúng sinh mà chỉ muốn giúp họ thoát khổ.
Jean Francois: Dù con có nói gì, đó chẳng qua là một vấn đề tin cậy chứ không phải là một bằng chứng.
Matthieu: Theo Phật giáo, có ba tiêu chuẩn để xem một lời khẳng định là có giá trị: sự kiểm chứng bằng cách chính mình thực nghiệm, bằng một sự suy diễn không thể bác bỏ được, bằng những bằng chứng đáng tin cậy. Ở đây thuộc về tiêu chuẩn thứ ba. Trở lại với các vị Đạo sư Tây Tạng có thể cảm nhận được giòng tâm thức cuả Lão sư Khuyentsé Ringpotché đã chết. Nhờ thiền định, họ có thể nhận ra giòng tâm thức của Lão sư xuất hiện ở đứa trẻ nào, giống như trường hợp của Thánh St Francois d’Assises trong Cơ đốc giáo.
Jean Francois: Phải, nhưng Ba cũng biết nhiều Linh mục, nhiều người vô thần có đầy đủ những đức tánh tinh thần mà con vừa mô tả và họ cũng tin vào những phép lạ ở Lourdes, hay việc Đức Mẹ xuất hiện ở Fatima, còn Ba thì Ba cho rằng đó hoàn toàn là những ảo tưởng. Một người có thể rất thành thật và không bao giờ lừa dối ai, cũng có thể có những ảo tưởng.
Matthieu:Trường hợp mà con trình bày không phải là một sự kiện huyền thoại, mà chỉ là những kinh nghiệm nội tâm mà những vị Đạo sư đã trải qua trong vòng nhiều thế kỷ. Hoàn toàn khác hẳn.
Jean Froncois:Không đâu. Một người đã cho rằng mình chứng kiến một phép lạ ở Lourdes không hề giải thích điều gì cả. Đơn giản là anh ta chứng kiến một sự việc. Và nó cũng có thể có một sự thành thật ở mức độ cao nhất và những đức tính khác để đảm bảo là nó không bao giờ muốn lừa dối con.
Matthieu: Vậy thì hãy trở lại trường hợp Khuyentsé Ringpotché. Một trong những cao đệ của Lão sư đang sống trong núi, cách xa Katmandou hằng 200 cây số, đã gửi cho con một bức thư nói rằng trong giấc mộng hay những linh ảnh xuất hiện trong tâm ông ta, ông ta đã được chỉ dẫn rõ ràng về tên tuổi của ông cha và bà mẹ của đứa bé mà lão sư sẽ tái sinh, cùng nơi chốn để đi tìm.
Jean Francois: Và người ta có bằng cớ hay không về tên tuổi của cha mẹ đứa bé sơ sinh, mà ông ta đã cho con một cách chính xác?
Matthieu:Ông ta không có lý do gì để biết được tên tuổi của họ. Thật ra cha của đứa bé cũng là một vị Lạt ma mà người ta chỉ biết qua Pháp hiệu. Trong xã hội Tây Tạng không ai biết tên tuổi thật của vợ chồng họ. Con đã có mặt khi bức thư được trao cho vị Linh mục ở Tu viện, và con đã đọc nó ngay từ đầu. Dù sao phải hiểu rằng vị sơn tăng đang muốn đi tìm hóa thân của Sư phụ mình mà ông ta quí trọng nhất trên đời. Mục đích của ông ta không phải là tìm ra người kế thừa Tu viện của Khuyentsé Ringpotché, mà chỉ là để nhận ra được giòng tâm thức của một vị thánh nhân, với hy vọng là sẽ có được những đức tính của Sư phụ mình, ngõ hầu giúp đỡ chúng sinh.
Jean Francois: Vậy thì để chấm dứt việc thảo luận về đề tài Phật giáo là một tôn giáo hay triết lý, Ba sẽ nói rằng có phần của bên này, và một phần của bên kia. Chắc chắn là phải có một niềm tin. Cho dù người ta có tin vào những lời giải thích của con vừa đưa ra- phải nói rằng Ba không tin lắm - cũng phải nói rằng vẫn có một niềm tin vào một số nhân vật, và vào những bằng chứng mà họ đưa ra, nhưng con cũng phải công nhận rằng những bằng chứng đó không phải là thuần lý.
Matthieu:Đúng ra không phải là một niềm tin mù quáng, và con cũng thấy khó mà tin được vào những khẳng định giáo điều, hơn là tin vào những bằng chứng dựa vào kinh nghiệm thành tựu tâm linh.
Jean Francois: Về vấn đề đó thì đúng thôi!
Matthieu:Thật ra, trong đời sống hằng ngày, chúng ta không ngớt thấm nhuần những tư tưởng, những niềm tin vào những điều mà chúng ta cho là có thật, bởi vì chúng ta nhìn nhận thẩm quyền của những người đã thông tin cho chúng ta. Họ rất hiểu công việc họ làm, do đó có thể tin cậy được. Nhưng rất đông người của chúng ta cũng không thể chứng minh được bằng chính khả năng của họ, những thành tựu khoa học. Nhiều khi những niềm tin đó, ví dụ niềm tin về nguyên tử là một vật thể rắn, nhỏ xoay chung quanh một hạt nhân luôn luôn ám ảnh nhiều người dẫu rằng các nhà khoa học đã từ bỏ thuyết ấy từ lâu. Người ta sẵn sàng tin những gì người khác nói, miễn là điều đó phù hợp với một quan niệm về thế giới có thể chấp nhận được, và người ta sẽ nghi ngờ những gì không phù hợp. Trong trường hợp về thiền định, sự nghi ngờ mà những người đương thời bày tỏ đối với những thành tựu tâm linh, vì lẽlà họ không chịu thực nghiệm đối với chính bản thân họ. Rất nhiều điều mà họ cho là siêu nhiên, họ sẽ hiểu ra khi những điều ấy xuất hiện hoặc là chính họ tự mình thể nghiệm lấy. Như Ciceron đã nói: “Cái gì không thể xảy ra thì không thể xảy ra được và cái gì đã có thể xảy ra thì không phải là một phép lạ”.
Jean Francois: nhưng mà Ba muốn nói là trong những sự kiện mà con đề cập đến, có một yếu tố về niềm tin không hợp lý.
Matthieu:Đúng hơn là phải nói đến một yếu tố tin cậy dựa trên một chuỗi yếu tố, mà người ta có thể quan sát được. Sau khi sống nhiều năm bên cạnh các Đạo sư Tây Tạng, bài học quí giá nhất mà con rút ra được là những vị Đạo sư ấy phản ảnh rất trung thực những gì họ đã dạy. Ba có kể ra kinh nghiệm huyền bí của vài vị Linh mục. Thật ra là có nhiều vị Thánh nhân trong Cơ đốc giáo như Thánh Francois d’Assise, nhưng con không nghĩ ra là mỗi vị linh mục, mỗi vị nhà sư cho dù là rất thuần thành ngoan đạo, có thể đạt đến một sự hoàn thiện tâm linh. Ở Tây Tạng, 20% dân chúng đều qui y và trong số tín đồ ấy, trong thế kỷ này, chỉ khoảng 30 người được xem là thánh nhân và đã thành tựu trong lãnh vực tâm linh.Vậy thì khi quan sát những thánh nhân đó trong đại thể, người ta có thể kết luận là họ hiểu rất rõ những gì họ nói ra, khi họ đưa ra những chỉ dẫn có thể giúp họ nhận diện một kẻ được truyền thừa về mặt tâm linh, tại sao họ tìm cách lường gạt ta làm gì? Đa số sống như những nhà ẩn tu, họ không hề tìm cách thuyết phục ai hết, hay cần được nổi danh. Hơn nữa Phật giáo lên án sự lừa dối, và con thêm rằng một trong bốn giới cấm trọng ở tu viện là cho rằng mình đạt đến một mức độ thiền quán nào đó. Và ngẫu nhiên mà vị thánh nhân đã tìm ra hóa thân của Khuyentsé Ringpotché là một người giữ giới gương mẫu. Ông đã chủ trì lễ thọ giới cho hằng ngàn tu sĩ và ông sẽ không cho phép ông được phạm giới. Do đó rất hợp lý khi nghĩ rằng ông rất thành thật và hiểu rõ mình muốn gì, khi nói ra những linh ảnh để giúp tìm lại Bổn sư của mình.
Jean Francois: Ba không nghi ngờ gì về sự thành thật của Ông. Ba chỉ muốn làm sáng tỏ về lòng tự tin. Đây là một hiện tượng phổ thông và có ở nhiều lĩnh vực. Có những người khác đã dùng cả cuộc đời từ bỏ sự nghiệp, tình cảm để phục vụ nó. Vậy thì vấn đề một sự thành thực tuyệt đối khi đã tin một điều gì, thì không bao giờ có thể dùng làm bằng chứng được. Sự nhận định trên không làm cho Ba- một người theo truyền thống duy lý Tây phương- quên đi rằng Phật giáo là một tôn giáo không thể kiểm chứng được, khác hơn là triết lý hay là một sự duy lý minh triết nào đó.
Matthieu:Con nghĩ rằng trong cuộc trao đổi sắp tới khi ta nói về những liên quan giữa thể xác và tinh thần, một vài điểm, con hy vọng Là sẽ mang nước vào cối xay bột của con.
Jean Francois: Ba cũng hy vọng như thế!