Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Quy y bên trong và thiền định về tánh Không

08/01/201111:13(Xem: 11007)
3. Quy y bên trong và thiền định về tánh Không

CON ĐƯỜNG KIM CƯƠNG THỪA VỀ SỰ TỊNH HÓA

LAMA THUBTEN YESHE.
Bản dịch Việt : Kiến Không
Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 1999
none
none

PHẦN 1

BÌNH GIẢNG CHÍNH
3
QUY Y BÊN TRONG VÀ

THIỀN ĐỊNH VỀ TÁNH KHÔNG

Sự thấu hiểu về tánh Không

Tại sao Kim Cương thừa nhấn mạnh rằng việc thực hành về quy y bên trong thì rất khó khăn ? Bởi vì việc này chủ yếu được thực hiện bằng tâm. Khởi đầu, việc quy y phải được làm từ tâm mình. Đó không phải là một cái gì đó có vẻ hình thức, hời hợt và bạn chỉ việc lập đi lập lại một vài lời kinh trong khi tâm của bạn chẳng hề lay động. Một số người quy y như thể là một tập tục xã hội. Họ ngâm nga : “Namô guru, namô Phật, namô Pháp, namô Tăng” mà không có sự hiểu biết nào về sự thực hành hay ý nghĩa của lời kinh và cũng không có sự thay đổi nào ở trong tâm. Những người khác thì ngâm nga từng đó lời trong câu “Namô guru...” chỉ vì họ đang đứng bên cạnh những người đang đọc câu quy y. Đó không phải là việc quy y. Như vậy hóa ra việc tu tập để được giải thoát chẳng có gì khác hơn là đi ăn điểm tâm mỗi buổi sáng hay đi lễ vào mỗi chủ nhật như là một thói quen hay sự bắt buộc của phong tục đã in sâu rồi.

Như tôi đã nhắc nhở trước đây, khi chúng ta quy y bên trong, tâm của chúng ta phải trở thành Trí huệ Đại Lạc Vô Thượng và chuyển hóa thành sắc thân thiêng liêng của Heruka. Rồi thì chúng ta mới quy y. Đừng có tìm kiếm đối tượng quy y bên ngoài. Tôi biết các bạn sẽ nghĩ rằng phải là một cái gì đó ở đằng trước mặt. Đó chính là suy nghĩ nhị nguyên. “Tôi” đang đọc lời quy y. “Anh” đang ngồi ở “đây,” hay đang một việc gì đó ở “kia.” Tâm nhị nguyên của bạn lập tức phân biệt, chia cách “năng,” “sở” (chủ thể, khách thể). Ngay lúc bạn nghĩ rằng bạn đang làm một cái gì đó, tức là bạn, một cách tự động, nghĩ đến các hành vi bên ngoài. Điều này xảy ra bởi vì bạn có rất nhiều tập nghiệp nhị nguyên in trong tâm bạn.

Trở lại vấn đề, khi bạn quy y bên trong, tự tâm bạn trở thành Đại Trí huệ phúc lạc siêu việt. Và trong khi bạn phát sanh lòng tin vô biên và lời nguyện dâng hiến đến Trí huệ đó, thì đồng thời nó chuyển hóa và hiện ra trước bạn như là Heruka. Hoàn toàn cảm thấy là một với Heruka, bạn phát tâm quy y. Phương pháp tâm lý này lợi lạc vô cùng, có thể khó hiểu, nhưng bạn phải nên tập thử.

Để có khả năng hiểu được phương pháp quy y này, chúng ta phải hiểu tánh Không. Nếu chúng ta không hiểu được tánh Không thì sự chuyển hóa tâm ta thành Đại Trí huệ phúc lạc, siêu việt, vĩnh cửu, sẽ trở nên một ý niệm lý trí khô khan thay vì một kinh nghiệm bên trong đầy năng lực. Nếu chúng ta có được sự thấu hiểu đúng đắn về bản tánh tuyệt đối – nếu kinh nghiệm tánh Không đã “chạm” đến tâm ta – thì khá dễ dàng để tâm ta trở thành Đại Trí huệ siêu việt, và biến hóa thành ra Heruka và để chúng ta cảm thấy là một với Trí huệ này. Theo cách này, tâm ta hòa lẫn với năng lực Heruka phúc lạc siêu việt thay vì sự sân hận, ham muốn dính mắc.

Nếu tâm bạn thực sự hòa lẫn được với năng lực đại lạc siêu việt của Trí huệ thiêng liêng, bạn sẽ không cần phải đọc lời kinh như người đọc kinh quy y : “Namô guru…” Lời nói không phải là sự quy y. Tất cả đều giống nhau, người sơ cơ rất cần lời kinh như phương pháp bắt liên lạc, lời kinh tất có ý nghĩa của nó. Nhưng nếu bạn có được sự chứng ngộ về một cảm biết phúc lạc thường hằng của cái Một (nhất thể) thì bạn không cần phải đọc lời kinh quy y. Và bạn thường trực quy y cho dù bạn đang đi đâu, đang làm cái gì. Nhờ vào lòng tin chân thật thường hằng của bạn, hiện thể sâu xa nhất của bạn chính là bản tánh của sự quy y. Bạn biết rằng Trí huệ siêu việt phúc lạc vĩnh cửu là trong sạch nhất, thâm mật nhất. Bất cứ khi nào bạn ăn, bạn uống, tâm bạn là một với năng lực phúc lạc của Heruka, như vậy bạn luôn đang quy y. Quy y không có nghĩa là ngồi thiền định kiết già. Do đó, bạn liên tục tiến bộ trên đường tu hành bất kể bạn đang làm gì, và theo cách này, bạn có thể nhanh chóng đạt đến giác ngộ.

Sự chứng ngộ tánh Không có đặc tính là sự hoan hỷ thường hằng. Trong khi những niềm vui sướng của vòng luân hồi sanh tử thì ngược lại, có đặc tính tạm bợ và đau khổ, bây giờ đang có, chốc nữa sẽ mất. Vì chúng bất ngờ biến mất nên chúng gây đau khổ cho chúng ta. Nếu chúng ta không bị dính mắc những vui sướng của vòng luân hồi chúng ta sẽ không bị đau khổ khi chúng không còn. Nếu chúng ta không có sự hiểu thấu trọn vẹn về tánh Không thông qua sự chứng ngộ, thì ít nhất chúng ta cũng nên có sự hiểu biết khái niệm về nó để giúp vượt qua được quan điểm sai lầm về cách sống của chúng ta, chính cách sống đã lưu dấu ấn sâu đậm trên ý thức của ta. Ý tưởng bình thường, tương đối mà chúng ta có về chính mình thì rất vật chất vật chất. Tôi nghĩ “Tôi là Thubten Yeshe” là trong tâm tôi có hình ảnh rõ nét về một cái đầu, những cánh tay, chân và cùng với các giác quan luôn muốn được thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ mó. Và trong khi bạn tự thấy mình như vậy, bạn không thể nào hòa lẫn được ý thức của bạn với Trí huệ siêu việt phúc lạc vĩnh viễn. Sự thấu hiểu tánh Không tự động làm cho hình ảnh tương đối, bình thường đó biến mất.

Nếu bạn thông minh nhạy bén thì việc hiểu biết tánh Không không khó lắm. Bạn không cần phải học vô số những triết học phức tạp hay nghiên cứu rất nhiều kinh điển dưới sự dẫn dắt của nhiều lama. Dĩ nhiên bạn có thể học từ các thầy và kinh sách nhưng nếu bạn thiện xảo, bạn có thể học thông qua một phương pháp rất đơn giản : đừng tin vào những gì mà giác quan đưa đến cho bạn. Cũng không cần thiết phải nghiên cứu xa rộng về cái gì đã ngăn chận bạn không thấy được tánh Không. Chỉ việc đơn giản nhận ra rằng cái cách mà bạn quan sát và nhận biết được thế giới thông qua các giác quan trong từng ngày của cuộc sống là hoàn toàn sai lầm, và rằng đó là cái phóng chiếu sai lệch của cái “ngã” của bạn. Ngay khi bạn nhận ra được điều này lập tức cái “nhìn-bị-lừa-dối-của-bạn” biến mất. Một lý do mà phương pháp yoga rất hiệu quả là vì nó cho phép bạn thấy được rất nhanh chóng bằng cách nào các phóng chiếu của cái ngã là sai và như vậy bạn hoàn toàn vượt xuyên qua chúng.

Chúng ta thường cảm thấy không an. Trên đường đi đến một người nào chúng ta nghĩ “có lẽ bà ấy, ông ấy sẽ không thích mình” hay “có lẽ bà ấy không thích cách mình nói chuyện” và đại loại những chuyện như vậy. Tất cả những suy nghĩ không an như vậy bắt nguồn từ những quan niệm và diễn dịch sai lệch. Ngay khi chúng ta nhận ra rằng mọi thứ đã được “sơn phết” bởi tâm vô minh của chúng ta, rằng những quan điểm, suy nghĩ, cảm xúc huyễn hóa của chúng ta là không thật ngay cả một cách tương đối, hãy tuyệt đối tách lìa một mình chúng ta sẽ chấm dứt được ngay cảm giác không an đó. Thậm chí có ai đó thóa mạ lăng nhục ta, gọi ta là kẻ ăn cắp hay gì gì đi nữa chúng ta cũng sẽ kiềm chế được và không bị tổn thương. Đây chính là những lợi ích thực dụng của loại hiểu biết (về tánh Không) này.

Chúng ta sống trong thế giới cảm giác, tin rằng những vọng tưởng, những phóng chiếu của tâm vô minh của chúng ta là có thật, là đúng. Và chúng ta cho rằng hễ thấy là tin được. “Tôi đã thấy như vậy, nên nó phải có thật.” Một số người tin tưởng một cách tha thiết rằng triết thuyết của họ là một hệ thống lý tưởng cho cộng đồng xã hội của họ. Xã hội hay tư bản cả hai đều sai lầm, cả hai đều là ảo tưởng. Nếu chúng ta tiếp tục như vậy chúng ta sẽ không bao giờ khám phá ra tánh Không vì nó luôn luôn ở nơi khác. Nhưng khi chúng ta nhận ra rằng quan niệm cái nhìn của chúng ta về thế giới này là một ảo tưởng, rằng cái nhìn thực tại đang bị che mờ bởi một màn vô minh nặng nề thì cái nhìn sai biến mất ngay và chúng ta được ở lại với phía đối diện của nó tức là cái nhìn đúng về tánh Không. Ngay giây phút chúng ta quét sạch tâm nhị nguyên, chúng ta đang thể nghiệm được tánh Không.

Do dó bạn có thể nghiên cứu tánh Không mỗi ngày bởi vì mỗi ngày sự chấp trước, tham luyến rất nặng nề của năm giác quan của bạn đối với thế giới cảm giác này đã khiến bạn tin rằng cái gì bạn thấy biết thì thực có y như nó hiện diện. Nếu bạn tiếp tục thẩm tra các nhận thức, lòng tin của bạn, như vậy không có thời gian nào mà bạn không nghiên cứu tánh Không. Đôi khi sách vở và các triết thuyết có thể là một trở ngại hơn là một trợ lực trong việc bạn hiểu biết tánh Không, bởi vì nếu bạn không biết cách nào để kết hợp lời, chữ với kinh nghiệm thì chính những chữ, những lý thuyết đó sẽ gây nên một “chiến trường” trong tâm bạn. Nhưng nếu bạn biết cách kết hợp, thì sau đó chỉ một chữ, một lời thôi cũng trở thành một sự giảng dạy lớn lao cho bạn.

Những ai cho rằng để hiểu biết tánh Không, ta cần phải nghiên cứu rất nhiều kinh điển và ghi nhớ hàng vạn chữ nghĩa của kinh sách, thì những người đó rất có khả năng bị thối chí. Họ cảm thấy rằng không có hy vọng trong việc cố gắng thấu hiểu tánh Không trong một đời người của họ. Nhưng bạn có thể dễ dàng thấu hiểu tánh Không bằng cách nhận ra rằng cái nhìn, cái quan niệm của tâm vô minh của bạn về bất kỳ đối tượng gì đều hoàn toàn huyễn hóa, không có thật ngay cả một cách tương đối, dù cho trong vô số kiếp sống, cái tâm chấp ngã và tâm “ôm chặt cái ngã” của bạn đã từng khiến xui bạn tin rằng “cái này là đích thực cái này,” “cái kia là đích thực cái kia,” và do vậy đã làm cho bạn đau khổ vô cùng. Chừng nào tâm bạn vẫn còn vô minh, mê lầm thì bạn vẫn còn thấy biết đối tượng một cách nhị nguyên. Và bất kỳ đối tượng nào được thấy biết theo cách này thật ra không hiện diện.

Tuy nhiên, bạn không thể nói rằng không có gì hiện diện cả. “Lỗ mũi của tôi, cái lưỡi của tôi, cái miệng của tôi – không có cái gì của tôi hiện diện cả.” Làm sao bạn có thể nói rằng không có ánh sáng, không có cái bàn ? Lối phủ định bằng lý trí này hoàn toàn sai lầm. Tốt hơn, nên thẩm tra xem cái thấy của bạn về cái bàn có thực hay không ? Bạn sẽ thấy được rằng chắc chắn cái nhìn đó không đúng. Hãy kiểm tra những cái thấy của bạn về bất cứ cái gì – bạn sẽ thấy được rằng không có bất cứ cái gì hiện hữu y như nó xuất hiện. Bạn luôn nói về những việc như là : “Nepal giống như thế này,” “Nước Mỹ giống như thế kia,” “Châu Âu giống như này.” Các bạn đang nói về những điều không nghĩa lý gì cả. Nước Nepal, Mỹ, Châu Âu mà các bạn đang bàn tới, nói tới thì không hiện hữu. Bạn nghĩ rằng : “Ồ ! Khóa thiền học này quá nặng nề,” hay “Việc ẩn cư này khổ sở thế !” Các bạn đang sống trong thế giới giấc mộng gồm bởi những phóng chiếu giấc mộng. Tâm mộng mị của bạn đang làm cho bạn đau khổ.

Cũng như vậy, điều nhận xét này không có nghĩa rằng bạn có thể phủ nhận sự hiện hữu của thế giới giác quan. Điều phủ nhận này hoàn toàn không hợp lô-gích. Bạn đừng nên tự mình quan tâm về việc nước Nepal có hiện hữu hay là không ; công việc của bạn là khám phá xem coi “nước Nepal” mà tâm của bạn diễn dịch có hiện hữu không. Vấn đề ở chỗ những nhận thức sai lệch của bạn tạo nên một cái nhìn về một nước Nepal mà nó không có bất cứ cái gì y như bản chất chân thật của nước Nepal, thậm chí ở mức độ tương đối, và rồi bạn bám chặt vào cái “nhìn” đó. Tâm vô minh của tôi tạo nên một cái nhìn : “Thubten Yeshe giống như thế này, thế này.” – Cái “thế này này” không có liên quan gì tới bản chất chân thật của tôi – và tôi ôm chặt dính mắc với “cái tôi phóng chiếu” không thực, tự thương lấy mình này. Chúng sanh hữu tình đã phát triển tâm tham ái qua biết bao nhiêu kiếp vì tin rằng nếu không có gì để ôm giữ thì họ sẽ tiêu tan mất, thì họ thực sự tiêu mất. Chẳng hạn, trong khi cái chết đang đến, người ta quá hoảng sợ kinh hãi vì họ cảm thấy họ đang mất tất cả.

Để chứng ngộ được cái nhìn đúng, tức tánh Không, trước hết bạn phải tìm kiếm, khám phá ra nó ngay trong tâm bạn. Nếu bạn khởi sự tìm kiếm bản tánh rốt ráo ở các hình tướng bên ngoài, như cây cối, bàn ghế, và những người khác, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy được nó. Theo kinh nghiệm của các vị Đại Tôn giả Ấn Độ và đại lama Tây Tạng, tánh Không không bao giờ được tìm thấy theo kiểu như vậy.

Theo bản năng, chúng sanh trong luân hồi rất hướng ngoại. Chúng ta luôn nghĩ rằng chúng ta có thể thấu hiểu sự thật bằng cách trông theo những người khác đang làm. Chúng ta cố gắng đánh giá sự tinh tấn của riêng mình bằng cách kiểm tra những người lân cận. Họ có những gì ? Làm sao họ có được những thứ đó ? Phương pháp này tự nó vô phương tìm thấy được sự thật. Nếu bạn có thái độ như vậy, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy được tánh Không cho dù bạn nỗ lực suốt cả đời bạn.

Để khám phá bản chất nội tại của chúng ta, để có được sự chứng ngộ tánh Không, chúng ta phải bắt đầu bằng sự tìm kiếm bản chất tuyệt đối của tâm riêng của mình. Khi chúng ta đã khám phá được sự thật ở trong đó thì sự khám phá sự thật của các hiện tượng bên ngoài sẽ dễ dàng hơn. Phương tiện chủ chốt để chứng ngộ tánh Không không phải thông qua các sự rèn luyện trí óc như nghiên cứu lời giảng của các vị thầy khác hay tham dự vào các buổi tranh luận giáo lý. Nếu chỉ riêng các phương pháp như vậy mà thôi, chúng ta không thể khám phá tánh Không. Chúng ta phải thẩm tra cái tâm riêng của mình để xác định những quan điểm nhận thức sai lệch của mình và thực hành các phương pháp tịnh hóa.

Tại sao chúng ta chưa khám phá được bản tánh rốt ráo – tánh Không, nó nằm trong tâm ta, cho dù chúng ta có thể đã nghiên cứu rất nhiều năm ? Bởi vì sự rung động của những nhiễm ô bất tịnh của tâm đã ngăn cản không cho chúng ta khám phá tánh Không. Do đó để cho Trí huệ tánh Không xuất hiện phát triển trong ta, thì điều quan trọng là trong khi chúng ta nghiên cứu những giáo lý về tánh Không và thẩm tra tâm mình, chúng ta phải làm sạch những nhiễm ô bất thiện cản trở, thông qua các phương pháp tịnh hóa, như lạy Phật sám hối và phương pháp yoga Vajrasattva. Nói cách khác, để có được tiến bộ trong việc thấu hiểu tánh Không để mà chứng ngộ tánh Không trọn vẹn, chúng ta phải làm hai việc : phát triển sự hiểu biết bằng lý trí về tánh Không và tịnh hóa những chướng ngại tâm thức bao gồm những nhận thức, quan điểm sai lệch mà chúng ta đã khám phá thông qua việc thẩm tra phân tích tâm của mình. Sức mạnh của biện pháp kết hợp này sẽ giúp cho chúng ta chứng ngộ tánh Không được dễ dàng hơn nhiều.

Có một lần vị Thầy Tây Tạng vĩ đại, Lama Tsong Khapa đang nghiên cứu và phân tích tánh Không dựa theo giáo lý của phái Madhyamaka (Trung Đạo) thì ngài Văn Thù Bồ tát xuất hiện trước mặt và nói với vị Lama rằng : “Đến điểm này, không ai trên thế gian này có thể dạy ông về tánh Không.” Do đó, Lama Tsong Khapa đã đi đến một nơi xa vắng, thực hành sự tịnh hóa mãnh liệt, và thiền định, và với phương pháp này cuối cùng ngài nhận được sự thấu biết tánh Không một cách không ý niệm, trực tiếp, ứng hợp với tri kiến của thuyết Trung Đạo của ngài Long Thọ. Do đó phương pháp yoga Heruka Vajrasattva không chỉ đơn thuần cho việc tịnh hóa các tâm bất thiện mà cũng còn là phương pháp khả thi để nhanh chóng khám phá bản tánh rốt ráo, tức tánh Không trong tâm bạn thông qua sự hủy diệt mãnh liệt các tà kiến.

Từ sự giải thích về cách quy y bên trong chúng ta đã có cuộc thảo luận nhiều về tánh Không. Để cho quy y bên trong đạt mong muốn, chúng ta phải thấu hiểu tánh Không và tịnh hóa những cái nhìn sai lệch của chính mình do cái ngã của chúng ta phóng chiếu. Ngay lúc chúng ta khởi ý niệm : “Tôi như thế này, thế này, sinh ra ở đó, đã trưởng thành như thế này…” thì lúc đó phiền não đã khởi sự. Các phóng chiếu của cái ngã của ta là nguồn bản chất của phiền não. Chẳng hạn, khi một ai đó được sinh ra trong một gia đình Do Thái, ông ta đồng hóa với dòng giống Do Thái và các vấn đề lịch sử hàng ngàn năm liền đến cho ông ta. Cho nên sẽ tự động có các vấn đề như vậy chừng nào vẫn còn có cái ngã.

Tâm lý học của Đức Phật có phẩm chất tuyệt vời ở chỗ nó hủy diệt, trừ tận gốc tất cả phiền não, các vấn đề và các nguyên nhân của chúng một cách hoàn toàn và vĩnh viễn. Về điều này, nó hoàn toàn đối lập với tâm lý học của Tây phương chỉ giảm bớt các triệu chứng, trong khi cái gốc của phiền não vẫn còn để nguyên vẹn, do đó nếu trừ bỏ một loạt các triệu chứng chỉ đưa tới sự nảy sanh các triệu chứng khác. Chúng ta nên thấu hiểu và đánh giá đúng mức cơ chế tâm lý học mà căn cứ vào đó, phương pháp yoga của đức Phật có tác dụng trong việc chữa trị các phiền não của con người.

Khi bạn thực hiện được phương pháp yoga tiến hóa này và tự mình phát sanh trong hình sắc thiêng liêng của hóa thần bổn tôn, bạn nên hiểu rằng nó tác động thông qua năng lực của trí huệ tánh Không của bạn. Tuyệt đối không có thứ gì khác như cây nến chẳng hạn, có thể giống như việc bạn trở thành hình sắc thiêng liêng như vậy. Bạn phải biết rõ ràng điều này. Nếu không rõ được thì rất nguy hiểm. Tôi nghĩ rằng ở phương Tây, sự hiểu biết về tiến trình này cần phải có một thời gian lâu. Bạn phải hiểu thấu đáo sự khác biệt.

Khi bạn thấu hiểu tánh Không, bạn có năng lực mang tâm bạn làm thành “một” với Trí huệ siêu việt thiêng liêng, nó hoàn toàn vượt khỏi các phóng chiếu của cái ngã. Trí huệ này chuyển hóa thành bổn tôn. Bạn có thể thấy được có một sự khác biệt lớn lao như thế nào giữa việc bạn trở thành Heruka Vajrasattva và việc bạn trở thành cây nến. Nếu bạn không có được một sự thấu hiểu sâu xa về phương pháp yoga tiến hóa tác động như thế nào thì khi có ai đó muốn tranh luận về cách tu tập của bạn, đã hỏi : “Có gì khác biệt giữa việc trở thành Heruka Vajrasattva với việc trở thành cây nến ? Tốt hơn bạn nên khôn ngoan trở thành hoa hồng. Ít nhất nó cũng có mùi thơm !” lúc đó bạn sẽ không biết phải trả lời ra sao. Bạn sẽ bắt đầu nghi ngờ việc tu tập mà bạn đang theo đuổi, với suy nghĩ : “Thật là một lời phản biện đầy sức thuyết phục. Tôi đã không trả lời được. Có lẽ việc thực hành của tôi rốt cuộc chẳng có lợi ích hơn việc cố trở thành cây nến.” Nếu sự hiểu biết của bạn từ việc tu tập chỉ ở mức độ như vậy thì thà đừng làm gì còn hơn. Bạn phải hiểu cho được sự khác biệt.

Đa số các bạn thực hành thiền định, quán tưởng đức Thích Ca Mâu Ni hay một bổn tôn như Quán Thế Âm Bồ Tát. Ở mức tối thiểu, nếu bạn có sự thấu hiểu tánh Không bằng tri thức, bạn sẽ thấy sự quán tưởng này dễ dàng. Nếu bạn không có được như thế là do các niệm bất thiện phóng chiếu theo một tính cách vật chất đến nỗi bạn rất khó quán tưởng Trí huệ thiêng liêng biến hóa tánh Không thành ra sắc thân thiêng liêng của bổn tôn. Ngược lại, nếu bạn nhận thức được rằng Trí huệ thiêng liêng của chư Phật ở khắp mọi nơi, bao trùm tất cả thì sự tin tưởng thấu biết đó sẽ giúp bạn dễ dàng quán tưởng được sắc thân đức Phật đột nhiên xuất hiện trong không gian trước mặt bạn. Như tôi đã giải thích ở trước, sắc thân được quán tưởng trọn vẹn hiện ra ngay lập tức ; bạn không cần phải bắt đầu với sắc thân đức Phật khi còn nhỏ rồi dần dần trưởng thành đến hoàn chỉnh.

Như vậy, phương pháp quy y trong cách thực hành yoga Kim Cương thừa rõ ràng là không dễ. Nó khó hơn nhiều so với phương pháp quy y bên ngoài như các giáo lý kinh điển trong “con đường có thứ bậc đưa đến giác ngộ – lam-rim” đã giải thích. Tuy nhiên một khi tâm bạn đã đạt đến một mức độ phát triển nhất định, chắc chắn bạn có thể tu tập phép quy y bên trong. Bạn cũng nên hiểu rằng những khác biệt này trong các cách quy y là không đối kháng nhau. Phương pháp yoga Kim Cương thừa không ám chỉ rằng phương pháp hiển giáo (kinh điển) là không tốt, là sai lầm. Có những phương pháp tu tập khác nhau bởi vì tâm chúng sanh ở nhiều mức độ phát triển khác nhau. Và ngang thời điểm này tôi nghĩ rằng không cần thiết có sự giải thích nào thêm về phương pháp quy y bí mật.

Phát Bồ đề tâm

Sau khi thiền định về quy y, chúng ta phát Bồ đề tâm ứng vói các phương pháp yoga Kim Cương thừa. Điều này có nghĩa là cảm thấy sự tha thiết nhiệt tình tột độ để đạt được sắc thân Heruka nhanh chóng – càng nhanh càng tốt – sao cho chúng ta có thể đẫn dắt chúng sanh hữu tình là mẹ chúng ta đến bản tánh Heruka trong thời gian ngắn nhất. Nếu chúng ta cảm thấy như vậy rồi thì chúng ta không bao giờ có thể lười biếng.

Chẳng hạn, nếu người mẹ thân yêu của bạn bị kẹt trong đám lửa hực sáng thì bạn làm sao ? Bạn không thể nghĩ ngợi và nói : “Cứ để bà ấy bị cháy. Giờ đây tôi không có thì giờ đưa bà ấy ra khỏi lửa. Tôi sẽ làm việc ấy sau.” Dĩ nhiên bạn sẽ ngưng ngay mọi việc đang làm vào lúc đó, cho dù công việc quan trọng thế nào, và lập tức đến cứu mẹ ra. Tương tự như vậy, khi bạn nhận ra rằng các chúng sanh hữu tình là mẹ của mình đang bị kẹt và bị đốt trong đống lửa của những ý niệm và hành vi bất thiện, mê lầm thì bạn không có cách nào lười biếng được. Bạn phải chuyển hóa mọi hành động trong cuộc sống đời bạn như ăn, ngủ, làm lụng, thành ra Trí huệ Pháp. Trong từng giây phút bạn không thể tự mình cho phép đi lệch vào cung cách, thái độ của chúng sanh luân hồi sanh tử.

Thế đấy, nhưng chúng ta cứ lười biếng. Tâm bất tịnh của chúng ta đã để cho chúng ta sống một cuộc sống như thể một tiệc trà. “Hãy để bà mẹ bị cháy bỏng – khi nào thưởng thức xong bữa tiệc tôi sẽ đưa bà ta ra khỏi đám lửa.” Dĩ nhiên chúng ta không nói ra thành lời những điều này nhưng cảm giác nội tâm phản ảnh thái độ này. Cho nên, chúng ta hãy thận trọng : chúng ta thường hay cư xử như thế đấy. Hãy tưởng tượng một việc : tôi đang ngồi trong một tiệm ăn sang trọng, ăn uống thoải mái chợt một người học trò của tôi chạy vội vào bảo với tôi rằng mẹ tôi đang ở trong ngọn lửa. Tôi vẫn ngồi đó trả lời : “Chậm lại đã, tôi phải ăn xong món tráng miệng !” Ý tôi muốn nói là các bạn muốn dộng tôi một cú vì tính ích kỷ của tôi, phải không các bạn ? Dĩ nhiên tôi phóng đại câu chuyện một ít nhưng câu chuyện chỉ cho ta thấy loại thái độ mà chúng ta đang có.

Nhưng, chúng ta đừng nên quá nhạy cảm. Nếu tôi “bơm” cho các bạn quá nhiều, các bạn sẽ quá nhiệt tình và sẽ không muốn làm cái gì khác, chỉ biết có việc là chạy vội vào núi ẩn cư thiền định. Điều đó lại trở thành một trở ngại khác nữa. Nên tôi không có ý làm cho các bạn quá hưng phấn thích thú. Tốt hơn nên có một Trí huệ thấu biết và tỉnh lặng. Như tôi đã nói, ở Tây Tạng, thường sau khóa học lam-rim, các học trò với tâm tràn ngập lòng nhiệt tình hưng phấn đến nỗi họ chỉ muốn mỗi một việc là rời ngay tu viện và chạy vội vào núi ẩn cư thiền định như Milarepa. Trên thực tế, rất nhiều tăng sinh đã đi vào núi, và dĩ nhiên, sau đó ít ngày đa số đã quay trở lại tu viện.

Tuy nhiên, điều này nói lên oai lực của Pháp mãnh liệt như thế nào. Đôi khi người ta cảm thấy các vị Lama có oai lực, họ đã làm thay đổi đời bạn. Thật ra chính là Pháp Trí huệ đã thay đổi tâm con người. Trí huệ Pháp đi vào tâm thức của bạn và như vậy thái độ tâm linh của bạn thay đổi. Đó là năng lực của Pháp, chứ không phải sự thần kỳ của các Lama. Ngay cả chúng tôi đây không biết điều thần kỳ nào cả !

Khi bạn thực hành việc tu hành (sadhana) Heruka Vajrasattva, các câu kinh quy y và phát Bồ đề tâm được đọc ba lần. Tại sao lập lại nhiều lần ? Để bảo đảm rằng bạn có đủ thời gian tập trung tâm bạn và thâm nhập được ý nghĩa của lời kinh. Nếu không, sẽ có thể xảy ra việc : bạn đang lướt nhanh lời kinh còn tâm bạn đứng yên một chỗ, không chuyển động bởi lời kinh.

Tuy nhiên như tôi đã lưu ý rồi, và như tôi lúc nào cũng giải thích cho các bạn Tây phương rằng quy y không phải đơn thuần là tụng kinh. Các bạn có thể đọc ra tiếng kinh quy y bằng tiếng Anh, tiếng Tây Tạng, Sanskrit hay các bạn có thể quy y trong im lặng, việc chính là cái gì đang xảy ra trong tâm bạn. Nếu bạn có sự thiết tha trọn vẹn và không ngừng thấu hiểu rằng mục đích tối hậu của bạn là Trí huệ siêu việt thiêng liêng vĩnh cửu, bạn hoan hỷ không ngừng nỗ lực khám phá Trí huệ đó trong tâm bạn, thì không có lúc nào mà bạn không đang quy y. Còn nếu bạn không nhận thức được như vậy, thậm chí bạn đọc một triệu lần : “Namô guru, namô Phật…” bạn cũng chẳng có tiến bộ nào, và chỉ uổng phí thời gian và sức lực mà thôi.

Theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, chúng tôi chuẩn bị cho việc tịnh hóa, thực hiện quy y một trăm ngàn lần, dâng một trăm ngàn mạn đà la, lạy một trăm nghìn lần, và vân vân… Sở dĩ làm như vậy là để bảo đảm chúng ta làm những điều đó không chỉ với thân chúng ta, với lời mà cũng còn với trái tim nữa. Bạn có thể liến thoắng tụng : “Namô Phật, namô Pháp, namô Tăng…” và cho rằng bạn đã hoàn tất việc quy y, nhưng rất có thể trong khi miệng của bạn đang quy y, thì tâm của bạn đang uống coca cola. Như vậy bạn rút ra được điều lợi ích nào từ những lời kinh mà bạn đã ngâm nga ? Có lẽ những lời kinh có năng lực riêng của nó, và cứ cho là như vậy, thì cũng đáng nghi ngờ không biết lời kinh đó đã có ảnh hưởng đến bạn nhiều không nếu tâm bạn ngập tràn những tham luyến phiền não và bạn đã không tỉnh thức trong khi đọc chúng.

Do vậy bạn có thể thấy rằng, tất yếu, việc quy y không thể dễ dàng được. Và khi một nhóm người quy y với nhau, mỗi người đều làm khác nhau. Cách mà một người quy y tùy thuộc vào sự chứng ngộ và thấu hiểu của họ, và những việc này cũng khác nhau tùy theo người. Mặc dầu chúng ta tụng cùng lời kinh, đọc cùng mật chú nhưng mỗi người trong chúng ta cảm thấy một sự rung động khác, nó tương ứng với mức độ và kinh nghiệm tâm linh riêng từng người. Khi chúng ta bắt đầu thực hiện việc phát Bồ đề tâm, bạn sẽ thấy được nhiều cách để giúp đỡ chúng sanh. Hạnh Bồ tát là hoàn tất “lục độ” (sáu Ba la mật) nhưng việc chứng ngộ lục độ phải mất nhiều thời gian. Không phải công việc một hai ngày. Khi bạn tu hành lục độ, bạn cảm thấy bạn đang làm ích lợi cho cuộc đời bạn. Nếu bạn cảm thấy bạn không đang làm gì ích lợi, và rằng bạn không thể giúp được ai, có thể bạn gần như mê muội. Có thể việc bạn chỉ quan tâm đến những vấn đề của bạn sẽ chỉ làm cho bạn “chật hẹp” dần. Bạn sẽ bị ám ảnh với ý nghĩ : “Tôi có quá nhiều trở ngại, trở ngại này, trở ngại kia, ôi ! Các trở ngại của tôi…” và khư khư không biết tới những vấn đề mà chúng sanh phải đương đầu khắp cả không gian. Và kết quả là, bạn sẽ không cảm thấy từ bi với họ.

Việc tự mình ám ảnh như vậy có thể đưa người ta đến chỗ tự tử. Đừng có ngưỡng mộ họ vì lý do bạn cho là cuối cùng họ đã hiểu được những vấn đề của riêng họ. Người mà tự tử thì không thấu hiểu được những vấn đề của họ tí nào cả. Sự việc là tại sao họ lại tự sát. Cái nhìn của họ chật hẹp. Tự tử không bao giờ bắt nguồn từ những chứng ngộ. Ở xứ Ấn Độ xưa, có một vị vua ông ta giết người cha. Khi ông nhận thức được điều ông làm, ông ta qua đỗi hối hận, hoàn toàn tuyệt vọng không có khả năng suy nghĩ nữa. Cuối cùng ông đến hỏi ý kiến đức Phật, Phật bảo : “Việc sát hại cha ông thì đáng nên làm.” Bằng cách nào đó, lời nói này đã xốc mạnh làm ông ta tỉnh lại và đầu óc ông ta bắt đầu hoạt động bình thường trở lại. Ông ta suy nghĩ sâu sắc về điều mà đức Phật đang thực sự nói là rằng ông ta nên giết chết sự tham ái dính mắc và tâm dối trá, chính nó đã đưa ông tái sanh vào vòng sanh tử luân hồi. Thông qua sự chứng ngộ này ông ta trở thành vị A la hán. Điểm nổi bật ở đây là ông vua trở nên quá ưu phiền, ám ảnh bởi các vấn đề, các phiền não của mình đến nỗi những cảm xúc mê muội này chiếm đầy trong tâm và không có chỗ cho Trí huệ hiểu biết. Nếu tâm chúng ta quá chật chội đến nỗi chúng ta không thể làm lợi lạc nổi cho chính mình thì làm sao chúng ta có thể mong có khả năng giúp ích cho ai ?

Thiền định “cái bình” : Bài tập thở chín vòng

Sau khi bạn đã quy y và những đối tượng quy y đã tan vào ánh sáng và hòa tan vào trong người bạn, bạn hãy thực hiện thiền định nhất tâm như vậy bao lâu bạn có thể là “một” với Heruka hay Vajradhara – tùy theo vị bổn tôn nào bạn quán tưởng như là đối tượng quy y – Khi các tư tưởng phân biệt nhị nguyên bắt đầu nổi lên, hãy phát Bồ đề tâm như tôi đã giảng ở trước. Theo quan điểm của sadhana, bạn không còn tự quán tưởng mình trong sắc thân thông thường, thay vào đó bạn xuất hiện trong sắc thân thiêng liêng của Heruka hay Vajradhara. Do đó, bạn không còn cảm thấy : “Tôi là như thế này, thế này…” cũng không còn tưởng tượng thân của bạn làm bằng thịt, máu, xương – nhưng bạn cũng không ôm ấp một niềm tự hào tuyệt diệu được là bổn tôn. Điều này có nghĩa rằng bạn quán tưởng mình như là bổn tôn chứ không phát sanh lòng tin rằng mình “là” bổn tôn. Sau này bạn sẽ làm y như vậy nữa khi bạn tụng chú tịnh hóa khi thực hành pháp năng lực chữa lành.(4)

Giờ đây trong khi đang giữ hình tướng thiêng liêng của bản thân mình như là hóa thần, bạn thực hành thiền định cái bình. Trong việc thực hành này, hãy chỉ hít thở qua lỗ mũi và miệng ngậm lại. Hít vào và thở ra chầm chậm, tự nhiên, và trọn vẹn, nhưng có hơi mạnh một ít ở quãng giữa hơi, hơn là ở đầu hơi và cuối hơi. Chúng tôi nói rằng, cung cách mỗi hơi giống như hình ảnh hạt lúa mạch, nhọn ở hai đầu và rộng ra ở khoảng giữa. Chúng tôi không dùng phương pháp ép thở sâu trong những cách của yoga Hindu.

Có nhiều kinh mạch năng lực tâm linh trong cơ thể bạn. Ở đây chúng ta quán tưởng ba kinh chủ đạo. Kinh mạch trung ương là một ống trong suốt với bản chất là ánh sáng, rộng bằng đường kính ngón tay út của bạn, chạy từ luân xa trên đỉnh đầu, đi suốt qua trung tâm thân bạn, ngay ở phía trước cột sống tới luân xa ở đáy cột sống. Các kinh mạch bên phải và bên trái cũng là cột ống trong suốt có bản chất là ánh sáng nhưng hẹp hơn kinh mạch trung ương. Chúng đi từ hai lỗ mũi, ngược lên luân xa đỉnh đầu, ở đó chúng uốn cong lên giống như tay cầm cây dù để rồi chạy xuống dọc theo kinh mạch trung ương, song song với nó tới một điểm ở dưới lỗ rốn khoảng bằng chiều rộng bốn ngón tay, ở đây chúng nó uốn cong vào trong và nối với kinh mạch trung ương.

Khi quán tưởng những kinh mạch này rồi, trước hết bạn hít vào thông qua lỗ mũi trái, đầu tiên chậm, rồi hơi mạnh hơn, rồi sau chậm lại. Quán tưởng rằng không khí đi vào kinh mạch bên trái, chứa đầy hoàn toàn kinh mạch đó, rồi chuyển xuống và băng qua kinh mạch phải, rồi đi ngược lên và đi ra ở lỗ mũi phải. Không khí này đẩy ra ngoài tất cả năng lực và ấn tượng về những tham ái dính mắc của bạn và những thứ đó được tống khứ ra khỏi từ trường quả đất, đi khỏi hệ mặt trời và biến mất vĩnh viễn. Làm như vậy ba lần.

Hãy tập trung hoàn toàn vào sự di chuyển của không khí xuyên qua các kinh mạch, hãy để tâm của bạn làm thành “một” với sự di chuyển của năng lực không khí. Đừng nghĩ về những gì mà người bên cạnh đang làm hay việc gì khác. Đừng có coi các kinh mạch của bạn như những gì vật chất, làm bởi thịt và máu. Hãy nhớ : bạn đang quán tưởng mình như là sắc thân trong sạch của hóa thần và các kinh mạch là có bản chất tâm thức. Nhưng vì bạn đang không chấp giữ niềm tự hào là một hóa thần thiêng liêng nên bạn vẫn có thể tịnh hóa những mê lầm như tôi đã mô tả.

Lập lại ba lần với việc hít vào qua lỗ mũi phải rồi tống khứ không khí thông qua kinh mạch phải đi xuống và đi lên thông qua kinh mạch trái, nó đẩy ra tất cả năng lực và ấn tượng về sự ganh ghét, ác cảm của bạn – tất cả những gì làm cho bạn cảm thấy đen tối, khó chịu. Những thứ này cũng đi khỏi hệ mặt trời và và biến mất vào trong khoảng không vô tận. Bây giờ hãy hít vào thông qua cả hai lỗ mũi với nhau mang không khí đi qua hai kinh mạch xuống tới điểm nối vào với kinh mạch trung ương. Để giúp cho bạn tập trung vào đó, bạn có thể nuốt một ít nước bọt khi không khí đi xuống. Khi không khí chạm tới kinh mạch trung ương, hãy nhíu lại các cơ vùng chậu bên trong và đẩy năng lực từ luân xa dưới thông qua kinh trung ương lên tới luân xa ngang rốn, ở đó năng lực gặp được năng lực không khí từ trên xuống và trộn lẫn nhau. Giữ hơi thở lại và tập trung chú ý vào năng lực lạc mà bạn có thể cảm thấy được ở điểm đó. Điều này rất quan trọng. Ngay khi bạn không còn cảm thấy thoải mái, hãy thở ra tự nhiên thông qua hai lỗ mũi, nhưng hãy quán tưởng rằng thay vì đi ra ngoài, không khí mà bạn đã giữ lại đó bây giờ nó đi lên và tan biến vào kênh mạch trung ương. Làm như vậy ba lần.

Bài tập này rất có ích để phát sanh năng lực lạc ở trong hệ thần kinh của bạn. Sự thể nghiệm về năng lực lạc là một phần không thể thiếu được của phương pháp yoga Kim Cương thừa, do đó, bài tập này cũng có ích cho việc tu tập Kim Cương thừa của bạn. Chính cái năng lực lạc đó trên thực tế nó ở trong tâm bạn – và nó chính là tâm của bạn, chứ không của ai khác – nó biến hóa thành tòa sen và chữ HUM khi bạn tiến hành tu tập phần còn lại của sadhana.

Do đó, hãy bảo đảm chắc chắn rằng khi dứt thời thiền định cái bình, bạn cảm thấy tĩnh lặng, và phúc lạc và tâm bạn không còn cách gì để bị mắc dính vào những ý niệm thuộc về hành vi của vòng sanh tử hay những nơi chốn quen thuộc cũ. Bạn nên cảm thấy rằng bạn có được sự kiểm soát tâm bạn đến nỗi bạn có thể đưa nó vào bất kỳ đối tượng thiền định nào mà bạn chọn. Nếu tâm bạn bị quấy rối dao động bạn không thể thiền định được. Một lợi ích khác của bài tập này là nó phá tan những mê tín được phóng đại gây phiền não nó hay ngăn cản bạn không hoàn thành được việc tu tập pháp yoga.

Do đó, việc kinh nghiệm cái lạc ở luân xa rốn là rất quan trọng trong khi bạn giữ hơi thở và tập trung chú ý ở đó. Và đồng thời bạn nhận thức được rất rõ ràng, tỉnh táo về sự cảm xúc lạc đó. Cái lạc này thật đối nghịch với khoái lạc thông thường của vòng luân hồi sanh tử mà bạn thường kinh qua một cách không tỉnh táo, không có sự tỉnh thức. Tại sao hai kinh nghiệm này hoàn toàn khác nhau ? Bởi vì một kinh nghiệm bắt nguồn từ trí huệ, còn kinh nghiệm kia từ vô minh, một cái sẽ đưa đến con đường giải thoát, còn cái kia mang tới thêm nhiều tham ái dính mắc, xung đột trong tâm thức bạn. Thông qua thực hành tự bạn sẽ có thể khám phá ra tất cả những điều đó. Không cần tôi nói ra điều gì cho bạn.

Việc quán tưởng năng lực tan biến ở trong kinh trung ương khi bạn thở ra : đó là một khía cạnh rất chính yếu trong việc thực hành yoga “kundalini.” Do đó, rất cần thiết để bạn thực hành như vậy và không cảm thấy rằng bạn đang bị mất năng lực vào lúc đó. Khi bạn chấm dứt chín vòng của phép thiền định cái bình rồi thì bạn có thể tiến hành phương pháp yoga thực sự.

 



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]