- Mục Lục
- Thay Lời Tựa
- Chương 1: Hòa Thượng Thích Tâm Tịnh (1868-1929), Bổn Sư Của Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu
- Chương 2: Phật Giáo Việt Nam Vào Cuối Thế Kỷ 19 Ðầu Thế Kỷ 20, Dưới Thời Hòa Thượng Tâm Tịnh
- Chương 3: Gia Thế Và Thời Thơ Ấu Của Hòa Thượng Ðôn Hậu
- Chương 4: Hạt Bồ Ðề Chớm Nở
- Chương 5: Một Thoáng Trần Duyên, Một Giây Sinh Tử
- Chương 6: Thế Phát Xuất Gia, Tầm Sư, Học Ðạo
- Chương 7: Dưới Chân Thầy Tổ Những Năm Tháng Tại Phật Học Viện Thập Tháp & Tây Thiên
- Chương 8: Bối Cảnh Xã Hội Từ 1932 Ðến 1945 Và Phong Trào Phục Hưng Phật Giáo
- Chương 9: Công Tác Hoằng Truyền (1932-1945)
- Chương 10: Ngưỡng Cửa Tử Thần (1947) Từ Chiến Tranh Việt- Pháp (1946) Ðến Hiệp Ðịnh Genève (1954)
- Chương 11: Trong Lòng Pháp Nạn (1963)
- Chương 12: Gọng Kềm Lịch Sử (1966-1968)
- Chương 13: Từ Trường Sơn Ðến Thảo Nguyên Mông Cổ (1968-1975)
- Chương 14: Trở Về Chùa Xưa
- Chương 15: Dung Thông Tam Muội
- Chương 16: Như Áng Mây Bay
- Tài Liệu Nghiên Cứu Và Trích Dẫn
NHƯ ÁNG MÂY BAY
Cuộc đời của Đại Lão Hòa Thượng
THÍCH ĐÔN HẬU
Đệ tử Tâm Đức phụng sọan
Thất chúng môn đồ ấn hành 2010 USA
QUYỂN BỐN:
THỜI ÐẠI BÃO TÁP (1945-1968)
Chương 10: Ngưỡng Cửa Tử Thần (1947)
Từ Chiến Tranh Việt- Pháp (1946)
Ðến Hiệp Ðịnh Genève (1954)
Trong ba tổ chức chấn hưng Phật Giáo Việt Nam là Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, Hội An Nam Phật Học và Hội Phật Giáo Bắc Kỳ, Hội An Nam Phật Học tỏ ra có hiệu quả nhiều hơn vì từ đầu cho đến những năm kế tiếp giữa Tăng Già và Cư Sĩ có sự hợp tác chặt chẽ, trong khi Hội Phật Giáo Bắc Kỳ lúc đầu có sự bất đồng ý kiến giữa chư tăng và cư sĩ, còn tại Miền Nam, nhiều tổ chức Phật Giáo ra đời, không liên hệ nhau, không cùng nhau phối hợp hoạt động nên không mang lại kết quả mong muốn.
Chương trình học Phật tại các Phật Học Viện Nam, Trung, Bắc thiên nhiều về giáo điển. Môn sử học, tôn giáo tỉ giảo, văn hóa thời đại không được ghi vào học trình. Phương thức hành trì, hướng dẫn phát triển tâm linh, duy trì và kiện toàn tín tâm, bồ đề tâm không được quan tâm đúng mức. Phương pháp hoằng truyền chưa được triển khai. Nền tảng kinh tế của các Phật Học Viện rất mong manh... Phật Giáo cần thì giờ để điều chỉnh mọi sinh hoạt của mình sau một thời gian dài bị tê liệt, nhưng rồi tình thế không cho phép: Cách Mạng Tháng Tám bùng nổ, chiến tranh Việt Pháp bắt đầu.
Lúc 20 giờ 25 ngày 9 tháng 3, 1945: Quân Nhật đảo chánh, truất quyền thuộc địa Pháp.
Năm 1945: Sau 4 năm hợp tác với Nhật, Ngô Ðình Diệm bị Nhật bỏ rơi cùng lúc với Cường Ðể để thừa nhận vua Bảo Ðại với chính phủ Trần Trọng Kim sau biến cố ngày 9 tháng 3, 1945. Ngô Ðình Diệm lui về sống với Ngô Ðình Luyện tại Ngã Sáu Chợ Lớn, thỉnh thoảng xuống thăm giám mục Ngô Ðình Thục tại Vĩnh Long. Trong thời gian hoạt động chính trị, ngoài việc tiếp xúc với quân Nhật không ai thấy ông Diệm xuất hiện hoạt động trong giới chính trị công khai hay bí mật.
Ngày 15-8-1945: Nhật Bản tuyên bố đầu hàng. Cách Mạng Tháng Tám bùng nổ. Ngày 23 vua Bảo Ðại thoái vị, Hồ Chí Minh thành lập chính phủ lâm thời tại Hà Nội, mời công dân Vĩnh Thụy làm cố vấn tối cao, Võ Nguyên Giáp làm Bộ Trưởng Nội vụ năm 32 tuổi, một Bộ Trưởng trẻ tuổi nhất sau Ngô Ðình Diệm năm 1933.
Trước cách Mạng Tháng Tám ít ngày, từ Sài Gòn, Ngô Ðình Diệm theo một toán quân Nhật ra Huế bị Việt Minh chận đánh tại Tuy Hòa. Ngô Ðình Diệm bị bắt và bị áp giải ra Bắc. Ðến đầu năm 1946 nhờ Giám Mục Lê Hữu Từ lúc bấy giờ là cố vấn tôn giáo cho Hồ Chí Minh can thiệp nên ông được trả tự do.
Ngày 21-3-1945: Hòa Thượng được Hội An Nam Phật Học mời làm Chánh Hội Trưởng thay thế bác sĩ Tâm Minh Lê Ðình Thám.
Ngày 31-3-1945: Hội Ðồng Sơn Môn Tăng Già suy cử Hòa Thượng làm Trú Trì chùa Linh Mụ.
Ngày 9-9-1945: Quân đội Tưởng Giới Thạch đến Bắc Việt giải giới quân Nhật.
Ngày 12-9, 1945: Quân Anh đến Sài Gòn giải giới quân Nhật, cung cấp khí giới cho quân đội Pháp chống lại Việt Minh.
Ngày 6-1-1946: Bầu cử Quốc Hội. Ứng cử viên Việt Minh chiếm đa số, nhưng với sự dàn xếp của quân đội Tưởng Giới Thạch, một chính phủ liên hiệp được thành hình.
Tháng 2-4, 1946: Quân đội viễn chinh Pháp đến Nam Việt Nam đánh nhau với quân đội Việt Minh.
Ngày 28-2-1946: Trung Quốc và Pháp ký thỏa ước, trong đó
Trung Quốc đồng ý rút quân khỏi Bắc Việt và Pháp từ bỏ mọi nhượng địa của Pháp tại Trung Quốc.
Ngày 6-3 đến ngày 12-9-1946: Ngày 6 tháng 3, 1946 Hồ chí Minh ký Hiệp Ðịnh Sơ Bộ với Pháp trong đó Pháp thừa nhận chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa là một quốc gia tự trị nằm trong Liên Bang Ðông Dương và Liên Hiệp Pháp.
Ngày 1-6-1946: Cao Ủy Pháp tại Ðông Dương lại tuyên bố Nam Việt Nam là một phần đất tự trị, như vậy là phân tán Việt Nam thành hai quốc gia, vi phạm Hiệp Ðịnh Sơ Bộ.
Ngày 12-11-1946: Pháp và Việt Nam chấm dứt hội đàm thương thuyết.
Ðầu tháng 9, 1946: Hòa Thượng được bầu làm Chủ Tịch Hội Phật Giáo Liên Hiệp Trung Bộ, thành viên Ban Chấp Hành Hội Phật Giáo Cứu Quốc Thừa Thiên Huế.
Ngày 20-11 đến ngày 7-12-1946: Tàu tuần tra Pháp bắt giữ một chiếc tàu Trung Hoa tại hải cảng Hải Phòng. Quân Pháp và Việt Minh chạm súng trên bờ.
Ngày 23-11-1946: Tuần dương hạm Pháp có pháo binh và phi cơ yểm trợ pháo kích Hải Phòng làm tử thương trên 1,000 người. Hai tuần lễ kế tiếp, quân Pháp liên tục tấn công các vị trí quân sự Việt Minh tại Hải Phòng.
Ngày 19-12-1946: Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa tuyên chiến với Pháp. Quân Việt Minh đặt chất nổ phá nhà máy điện Hà Nội. Chiến tranh bùng nổ ở nhiều tỉnh trên toàn quốc.
Ngày 16-1-1947: Quân Pháp đổ bộ tại Huế. Hòa Thượng cùng Hòa thượng Tây Thiên, Thuyền Tôn và một số tăng ni khác về làng An Xuân lánh nạn. Sau một tuần Hòa Thượng bị quân Pháp đến bố ráp bắt giam mấy ngày rồi thả. Trở về Linh Mụ Huế được một thời gian ngắn Hòa Thượng lại bị quân quân Pháp bắt giam tại nhà ông Ưng Trình, phường Kim Long, cùng với 10 người khác, bị trói, bị hành hạ, suốt 15 ngày, rồi ra lệnh đào mồ. Pháp cho thành lập giáo phái Thiền Lữ.
Ngày 19-2-1947: Quân Pháp tiến chiếm Hà Nội.
Tháng 10, 1947: Quân Pháp hành quân tảo thanh quân Việt Minh ở Bắc Việt.
Ngày 7-12, 1947 đến ngày 8-6-1948: Tháng 12, 1947 trên chiến hạm Pháp ngoài khơi Hải Phòng, cựu hoàng Bảo Ðại ký hiệp định với Pháp trong đó Pháp công nhận quyền tự trị của Việt Nam. Tháng 6-1948 Pháp làm áp lực với chính phủ Bảo Ðại nhận tướng Nguyễn Văn Xuân làm Thủ Tướng. Tướng Nguyễn Văn Xuân có quốc tịch Pháp, nói tiếng Việt Nam không thạo.
Ngày 8-3 đến ngày 30-12-1948: Vào tháng 3, cựu hoàng Bảo Ðại ký Hiệp Ước Elysée với Pháp trong đó Việt Nam là thành viên của Liên Hiệp Pháp. Pháp kiểm soát quốc phòng, ngoại giao và tài chánh. Tháng 4, Hội Ðồng Nam Kỳ bỏ phiếu sáp nhập Miền Nam với Việt Nam, chấm dứt tình trạng thuộc địa Pháp. Chính phủ quốc gia Việt Nam được thành lập tại Sài Gòn ngày 14-6. Ngày 28-6 tuy Nam Kỳ Quốc trở về với Việt Nam, Pháp vẫn chưa thừa nhận quyền độc lập của Việt Nam cho đến ngày 30 tháng 12.
Ngày 18-3-1948: Phật Học Ðường Báo Quốc và Ni Viện Diệu Ðức tái khai giảng, Hòa Thượng nhận làm giáo thọ cho cả hai trường.
Năm 1949: Hòa Thượng được mời làm Tuyên Luật Sư Ðại Giới Ðàn Báo Quốc.
1949-1950: Chính Phủ Cọng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được thành lập tại lục địa Trung Hoa.
Năm 1950: Hòa Thượng làm Giáo Thọ Ðại Giới Ðàn Từ Hiếu, làm Yết Ma tại Ðại Giới Ðàn Ấn Quang.
Ngày 14-1-1950: Hồ Chí Minh tuyên bố chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa do Việt Minh lãnh đạo là chính phủ hợp pháp duy nhất tại Việt Nam. Liên Bang Soviet và Trung Hoa Cọng Sản thừa nhận chính phủ ấy nhưng Hoa Kỳ, Anh và nhiều quốc gia Tây Phương thừa nhận chính quyền Bảo Ðại trong Liên Hiệp Pháp.
Tháng 5- tháng 11 1950: Việt Minh mở chiến dịch tấn công quân Pháp tại Bắc Việt. Việt Minh thành công kiểm soát 5 tỉnh Việt Bắc gây tử vong cho 6000 quân nhân Pháp.
Ngày 6-8-1950: Pháp buộc vua Bảo Ðại ban hành Ðạo Dụ số 10 đặt Phật Giáo ra ngoài tổ chức tôn giáo mà chỉ là một hiệp hội như hội thể thao, hội người mù.
Tháng 8, 1950: Sau một thời gian vận động ngầm, giám mục Ngô Ðình Thục và Ngô Ðình Diệm lên đường đi La Mã dự năm Thánh Lễ. Lộ trình không đi thẳng La Mã mà ghé Nhật Bản, gặp giáo sư Wesley Fisher, kết quả trường Ðại Học Michigan sẽ bảo trợ cho Ngô Ðình Diệm qua Mỹ. Sau khi dự Lễ Năm Thánh và yết kiến đức Giáo Hoàng, Ngô Ðình Diệm bay qua Mỹ, được Hồng Y Spellman tiếp kiến. Ông sống tại Hoa Kỳ hai năm trong tu viện Maryknoll tại Lakewood, New Jersey và tu viện Ossining tại New York.
Ngày 15-3-1951: Hòa Thượng làm Cố Vấn Giáo Hạnh cho Hội Phật Giáo Trung Việt, cụ Lê Văn Ðịnh thay thế Hòa Thượng lên làm Hội Trưởng.
Ngày 6-9/5/ 1951: Ðại Hội 6 tập đoàn Phật Giáo (3 Tăng Già, 3 Cư Sĩ) họp tại chùa Từ Ðàm, thành lập Tổng Hội Phật Giáo VN.
Ngày 25-8-51: Ðại Hội Tăng Già Trung Việt tại chùa Linh Quang cử Hòa Thượng làm Giám Luật Tăng Già Trung Việt.
Ngày 7-9-51: Ðại Hội Giáo Hội Tăng Già VN họp tại chùa Quán Sứ suy cử Hòa Thượng làm Giám Luật Giáo Hội Tăng Già VN. Hòa Thượng tổ chức lễ cầu nguyện cho Phật Giáo Việt Nam được tự do hành đạo thoát khỏi Ðạo Dụ 10.
Ngày 28 tháng 5 đến ngày 20-6 1951: Việt Minh mở chiến dịch lớn tấn công quân đội Pháp. Kỳ này Việt Minh bị tổn thất nặng nề.
Tháng 1 đến tháng 2, 1953: Quân Việt Minh tấn quân Pháp tại Lào, liên kết hai lực lượng cọng sản Việt và Pathet Lao, tiến đến ngoại ô Luang Prabang nhưng rồi rút lui.
Tháng 5, 1953: Ông Ngô Ðình Diệm từ giã Hoa Kỳ qua Bỉ, trú ngụ tại tu viện Bènédictine de St. André-les-Purges. Ðến năm 1954, ông Ngô Ðình Diệm sang Pháp trú ngụ tại nhà ông Tôn Thất Cẩn. Ngày 16-6-1954, sau buổi tiếp kiến ngoại trưởng Hoa Kỳ Foster Dulles, quốc trưởng Bảo Ðại ký sắc lệnh số 38/QT bổ nhiệm ông Ngô Ðình Diệm làm Thủ Tướng.
Ngày 20-11-1953: Tháng 11 quân Pháp nhảy dù xuống Ðiện Biên Phủ, vùng tây bắc Việt Nam, quyết định sinh tử với quân đội Việt Minh.
Ngày 12-3 đến 7-5, 1954: Quân Việt Minh vây hãm quân đội Pháp tại Ðiện Biên Phủ. Ngày 1-4 Tổng Thống Dwight Eisenhower tuyên bố không cung cấp vũ khí cho quân đội Pháp – vào lúc này Hoa Kỳ giúp 75% kinh phí chiến tranh tại Ðông Dương cho Pháp. Sau 56 ngày cầm cự, quân Pháp tại Ðiện Biên Phủ đầu hàng, tổn thất 5,400 binh sĩ, số 10,000 quân còn lại đầu hàng, một nửa bị thương.
Trung tuần tháng 6, 1954: Một cuộc biểu tình độ 500 người tham dự trước Thương Bạc Huế, yêu cầu chí sĩ Ngô Ðình Diệm về nước chấp chánh.
Ngày 7-7-1954: Ông Ngô Ðình Diệm về nước làm Thủ Tướng.
Ngày 26-4 đến 20-7, 1954: Hội Nghị Quốc Tế về Ðông Dương được khai mạc tại Genève. Ngày 20-7 Hiệp Ðịnh Genève được ký kết, chấm dứt chiến tranh tại Việt Miên Lào, cả ba nước này được độc lập. Chiến tranh thật sự chỉ chấm dứt vào tháng 8. Hoa Kỳ và chính phủ Bảo Ðại từ chối không ký vào Hiệp Ðịnh Genève. Việt Nam, qua Hiệp Ðịnh Genève bị chia đôi tại vĩ tuyến 17, chờ ngày tổng tuyển cử giữa hai miền dự trù vào tháng 7, 1956 để thống nhất đất nước.
*
* *
Sau khi Thiên Hoàng Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Ðồng Minh năm 1945, Cách Mạng Tháng Tám bùng nổ ngày 16 tháng 8 năm 1945. Ngày 23 tháng 8, trước hàng vạn dân chúng thành phố Huế, tập trung tại cửa Ngọ Môn, hoàng đế Bảo Ðại, vị vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn, tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm cho đại diện chính quyền cách mạng và tuyên bố “thà làm công dân của một nước tự do hơn là làm vua của một nước nô lệ.” Sau đó công dân Vĩnh Thụy được chính phủ cách mạng mời làm cố vân tối cao cho một chính phủ lâm thời mới thành lập. Tháng 9 năm 1945 quân đội Tưởng Giới Thạch đến Bắc Việt Nam, đồng thời tại Miền Nam quân Anh đến giải giới quân đội Nhật Bản. Tháng 2 năm 1946 quân đội viễn chinh Pháp đến Nam Việt Nam với chủ trương tái chiếm Ðông Dương. Năm 1946 trong chuyến công du cùng phái đoàn chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa sang Trung Quốc, công dân Vĩnh Thụy đã ở lại nước ngoài. Tháng 11 hải quân Pháp pháo kích hải cảng Hải Phòng. Tháng 12, Việt Nam tuyên chiến với Pháp. Chiến tranh Việt Pháp bùng nổ.
Công tác trùng tu Ngôi Nhà Phật Giáo Việt Nam vừa mới bắt đầu thì bị ngưng lại vì Cuộc Cách Mạng Tháng Tám và chiến tranh Việt Pháp bắt đầu năm 1946. Nhiều nhà sư Phật Giáo đã cởi cà sa khoác chiến bào, dấn thân vào công cuộc đấu tranh dành độc lập, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ ngoại bang. Ngôi Nhà Phật Giáo lại bị bỏ bê.
Hòa Thượng Ðôn Hậu cũng như phần đông quí Ôn, quí Thầy, đồng bào, Phật Tử không biết cụ Hồ là ai. Họ không có và không đọc tài liệu về cuộc cách mạng Bolsheviks tại Nga. Họ không biết chế độ cọng sản tại Liên Bang Soviet dưới quyền Lenine, Stalin như thế nào. Họ không biết gì về chủ nghĩa Mác Lê. Họ không biết gì về hoạt động của Mao Trạch Ðông, Chu Tể, Chu Ân Lai. Họ chỉ biết và sung sướng thấy Việt Nam độc lập thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Họ thấy hãnh diện như vua Bảo Ðại tuyên bố trong buổi lễ thoái vị: “Thà làm dân của một nước độc lập hơn làm vua của một nước nô lệ” và họ phẫn nộ khi quân đội Pháp muốn trở lại Việt Nam đặt lại ách đô hộ. Họ phẫn nộ thấy quân Pháp giết chóc đồng bào vô tội, hãm hiếp đàn bà, con gái và họ không mấy cảm tình với những chính phủ hợp tác với Pháp.
Ngày 16 tháng 1, 1947 quân Pháp ồ ạt đổ bộ lên Huế. Mặt trận kháng chiến chống Pháp tại Thừa Thiên, Huế xảy ra khắp nơi. Dân quân Việt với gậy, mã tấu, vài khẩu súng trường, lựu đạn, rơm, ớt khô tấn công quân Pháp đóng tại trường Pellerin của Thiên Chúa Giáo tại Huế, bên kia cầu Nam Giao, sông An Cựu. Nhiều nhà sư Huế muốn bỏ áo cà sa, khoác chiến bào, nhưng Hòa Thượng can ngăn, cho như vậy là phạm sát giới, dù là giết quân địch xâm lăng. Ngài để cho quí thầy, quí chú, trong đó có đệ tử của Hòa Thượng, tất cả 11 người gồm thầy Hoằng Thơ, Chánh Hậu, Chánh Kiến, Trí Diệm, Trí Ðăng, Trí Cảnh, Quảng Tu, Quảng Thành... tham gia đoàn cứu thương. Họ được huấn luyện cấp tốc và sau thời gian huấn luyện xông pha vào trận mạc băng bó, săn sóc thương bệnh binh. Một số hy sinh trong trận địa như thầy Quảng Tu, Quảng Thành, một số tham gia kháng chiến như thầy Trí Diệm, Trí Ðăng, một số trở về đời sống tu hành như thầy Hoằng Thơ, Chánh Hậu,
Quốc tự Linh Mụ, Huế
Chánh Kiến, có thầy tham gia quân đội Việt Nam Cọng Hòa, binh chủng quân cụ như thầy Trí Cảnh...
Khi quân Pháp đổ bộ lên Huế, dân chúng dắt nhau chạy trốn, tản cư về những nơi an toàn hơn. Trên Những Chặng Ðường ghi: “Dân chúng dắt dìu nhau, bồng bế nhau chạy tản cư và chốn thiền môn cũng không thoát ra ngoài cảnh loạn ly ấy.
“Do đó tôi được hầu nhị vị Hòa Thượng Tây Thiên và Thuyền Tôn cùng một số chư Tăng Ni khác tản cư về làng An Xuân, xã Quảng An, huyện Quảng Ðiền, Thừa Thiên. Tản cư về đây được hơn một tuần lễ thì tôi bị mật thám Pháp bắt giam mấy ngày. Sau khi tra hỏi nhiều lần rồi họ thả ra. Trở về chùa Linh Mụ được một thời gian ngắn thì tôi bị bắt lại và đem giam tại nhà ông Ưng Trình. Ngôi nhà này sau bán lại cho ông Võ Ðình Dung. Hiện nay ngôi nhà này vẫn còn ở trên đường Hương Bình, nay là đường Nguyễn Hoàng, thuộc địa phận phường Kim Long, Huế.”
Sở dĩ Hòa Thượng bị mật vụ Pháp bắt vì ngài bị ghi vào sổ đen của Phòng Nhì Pháp. Ngài đã giữ những chức vụ quan trọng trước và sau Cách Mạng Tháng Tám. Ngày 8 tháng 2 năm Ất Dậu, tức là ngày 21 tháng 3, 1945 ngài được Hội An Nam Phật Học sau Ðại Hội Thường Niên lần thứ 13 mời ngài làm Chánh Hội Trưởng. Ngày 31-3-1945 Sơn Môn Huế cử ngài làm trú trì quốc tự Linh Mụ. Quân Pháp lúc bấy giờ không mấy thiện cảm với Phật Giáo, nhất là Phật Giáo Huế vì họ cho Phật Giáo chống họ. Thái độ của họ đối với Phật Giáo được phản ảnh một cách cụ thể khi họ ép vua Bảo Ðại ban hành đạo dụ số 10 năm 1950, xem Phật Giáo như là một hiệp hội thể thao, văn nghệ. Chỉ có Thiên Chúa Giáo mới là tổ chức tôn giáo không lệ thuộc vào đạo dụ số 10. Và chỉ có Thiên Chúa Giáo họ mới tin tưởng.
Không những thế vào đầu tháng 9 năm 1946 Hòa Thượng lại được các giáo phái, các hội đoàn Phật Giáo bầu làm Chủ Tịch Hội Phật Giáo Liên Hiệp Trung Bộ, một tổ chức do chính quyền Cách Mạng lập nên, tập trung các lực lượng Phật Giáo thành một khối để đối phó với tình hình đương thời trong cao trào kháng chiến chống Pháp. Trụ sở của Hội Việt Nam Phật Học cũng là nơi đặt trụ sở của Hội Phật Giáo Liên Hiệp Trung Bộ và Hội Phật Giáo Cứu Quốc Thừa Thiên, Huế. Một người giữ nhiều chức vụ như vậy, đối với Phòng Nhì Pháp, không am tường tổ chức và nhân sự Phật Giáo, chắc chắn là Việt Minh, là Cọng Sản và Hòa Thượng đã bị bắt trong bối cảnh ấy.
Trên Những Chặn Ðường ghi: “Sau khi trở về Huế tôi lại bị Phòng Nhì Pháp bắt. Cùng bị giam với tôi còn có thêm mười người đàn ông nữa. Tất cả đều bị nhốt trong một căn phòng rộng chừng 10 mét vuông. Phòng giam không có cửa. Có lẽ trong biến cố người ta đã dỡ hết để làm củi chụm nấu cơm, hoặc lót làm hầm trú ẩn. Do đó về đêm họ sợ phạm nhân trốn thoát nên cứ gần đến tối là họ gọi tên từng người ra rồi lấy giây điện thoại trói quật hai tay ra sau lưng. Xong họ đạp từng người nằm sấp xuống đất rồi trói hai chân lại với hai tay. Trói theo cái lối trói heo để khiêng đi. Nhưng cái lối trói heo còn dễ chịu hơn vì bốn chân nó thuận chiều, đằng này chúng tôi bị trói quật ngược cả tay chân nên cái mặt lúc nào cũng nằm cạp đất, lồng ngực bị ép nên rất khó thở. Thật là khổ sở và đau đớn vô cùng.
“Trói xong họ lại xách từng người quăng vào căn phòng cũ. Tôi bị đem ra trói trước và cũng là người họ xách quăng vào nằm úp mặt trên nền nhà trước. Cứ thế, họ lần lượt xách từ người này đến người khác cho đến hết. Không may là tôi bị quăng vào trước nên phải chịu làm cục kê cho những người bị xách quăng vào sau. Ðã bị trói quặp tay chân, lại bị nằm úp xuống đất, đau đớn ê ẩm cả mình, không có đêm nào chớp mắt được một chút. Dù có muốn ngủ cũng không sao ngủ được. Thật là một nhục hình quá đau đớn.
“Sáng sớm họ lại vào xách chúng tôi ra khỏi phòng, mở trói rồi dẫn cho đi tắm. Nói là đi tắm, nhưng chính là đem đi giấn nước, họ dắt chúng tôi ra phía bờ sông Hương cách đó khoảng 300 mét. Ðến bên bờ sông, bất thần họ tống một đạp vào lưng chúng tôi như trời giáng. Anh em chúng tôi cứ như thế lăn ùm xuống sông, tha hồ uống nước. Tiết trời vào tháng Giêng, tháng Hai ở Huế lạnh tím bầm da thịt, thế mà anh em chúng tôi phải “tắm” trong cái lạnh khủng khiếp ấy. Trong khi đó thì bọn họ lại đứng trên bờ sông cười ha hả ra chiều thích thú.
“Chưa hết. Có nhiều đêm trời lạnh quá, họ không đem chúng tôi ra trói quặt như thường lệ, mà chỉ trói hai tay ra phía trước, không phải vì thương xót mà họ nới giây trói đâu, họ trói như thế rồi bắt chúng tôi nằm sấp xuống nền nhà để làm nệm lót, rồi họ trải chiếu nằm đè lên trên mà ngủ cho ấm. Ðau đớn biết chừng nào, nhưng anh em chúng tôi không ai dám ho, không dám cựa mình, sợ họ lôi ra đánh. Suốt đêm phải nằm làm tấm đệm cho họ ngủ, sáng dậy thì thân thể nó đau như vừa bị một trận đòn thẩm vấn. Tôi nghĩ nỗi khổ mà anh em chúng tôi phải chịu trong suốt thời gian bị giam giữ nơi này là “bất khả tự nghị, bất khả ngôn thuyết.”
“Từ khi bị bắt cho đến hơn mười lăm ngày sau, trong số anh em chúng tôi bị giam giữ lần lượt khi một người, khi hai người bị trói cặp ké rồi dẫn đi đâu không biết. Cuối cùng trong phòng chỉ còn lại một mình tôi. Tôi ngồi trong phòng trống lạnh phập phồng lo lắng. Thế rồi vào một buổi sáng, thay vì dắt cho đi tắm như thường lệ, thì một người lính Pháp vào dắt tay ra dấu bắt tôi lấy xẻn cuốc mà đào. Ðào sâu được khoảng hơn 2 tấc, tôi mệt quá, vì vừa đói, vừa lạnh, áo quân tù đã rách rưới lại dính bết bùn đất trông càng tả tơi hơn.
“Tiết trời lạnh tê buốt da thịt. Tôi vừa đào vừa run, nhưng cũng liếc mắt nhìn bốn năm anh lính vừa Việt, vừa Pháp đang xúm lại đánh bài dưới mái hiên nhà. Tôi đánh liều bỏ cuốc ngồi thở. Ngồi mà nhớ miên man, nhớ các vị Tôn Túc, các thiện tri thức, các Tăng Ni, các thiện tín đã giúp đỡ cho tôi trong suốt thời gian tu học. Nhớ những năm tháng đã qua. Nhớ những lúc đi giảng ở tỉnh này, tỉnh khác, nhớ các chú Tăng Sinh trong lớp mình dạy...
“Nhớ lần vào giảng tại Qui Nhơn. Ðường từ Huế vào thị xã Qui Nhơn đi bằng tàu hỏa. Lúc đi không may lại gặp phải một chuyến tàu đông khách. Lên tàu tôi chỉ chen được một chỗ đứng ở ngoài cửa lên xuống. Ðứng một chặp thì có mấy đạo hữu họ trông thấy tôi, họ chen ra và dẹp đường cho tôi được vào ngồi trong toa, nhưng không có chỗ nào trống nên tôi lại phải đứng chen với mọi người như lần trước. Bỗng con tàu chuyển bánh lắc mạnh. Bất ngờ một người đàn ông đứng sau lưng tôi chồm tới và xô tôi nằm đè lên trên mấy người đang ngồi dưới sàn tàu. Con tàu chạy nhanh, tôi chưa kịp gượng người đứng thẳng dậy, thì có một thanh niên trong đám người bị tôi đè lên, vùng đứng dậy, dang tay tát vào mặt tôi một cái tát nảy lửa. Tôi chưa kịp nói lời gì thì mọi người chung quanh đã vây lại can thiệp và tỏ vẻ bất bình đối với cử chỉ vừa rồi của người thanh niên, làm anh ta sượng mặt. Tôi thấy anh ta có vẻ hối hận nên xin bà con giảng hòa...
“Tuy mãi nghĩ ngợi liên miên như thế, nhưng lâu lâu tôi lại liếc mắt nhìn vào đám lính Pháp đang ngồi chơi dưới mái hiên nhà. Họ thấy tôi nghỉ tay, họ đưa tay ra dấu bảo tôi đào nhanh lên.
“Một lúc sau, có một người lính Việt Nam, tay cầm cây roi, từ trong đám lính Pháp đi ra chỗ tôi đang đào hầm. Nhìn cây roi trên tay anh lính Việt Nam, tôi nghĩ thế nào anh cũng quất tôi một trận, vì tôi không chịu đào mà lại ngồi nghỉ. Anh lính vừa đi vừa huýt sáo, tay anh huơ huơ cây roi ra chiều thích thú. Thấy thế tôi lại càng lo. Nhưng khi anh ta đi đến gần chỗ tôi, anh đưa mắt nhìn vào đám lính Pháp và nói nhỏ với tôi: Thầy cứ đào thong thả, lâu chừng nào hay chừng nấy, tụi nó bắt thầy đào huyệt để bắn và chôn thầy đó. Những người cùng bị giam với thầy đã bị chúng đem đi bắn và chôn hết rồi.
“Tôi nghe mà choáng váng cả mặt mày. Nhưng thoáng một phút sau, tôi đã lấy lại bình tĩnh. Tôi nói với anh lính trong nỗi xúc động: Tôi rất cám ơn anh đã nói cho tôi biết được sự thật. Song tôi nghĩ nếu chết được lúc này là sướng lắm. Tôi là người tu hành, trong cuộc sống thường nhật, tôi luôn luôn niệm Phật, nhất tâm cầu được vãng sanh Tịnh Ðộ. Nay được chết thì sướng hơn là sống trong cảnh đọa đày của đủ mọi thứ hình nhục như thế này. Tôi xin anh yên tâm và cũng mong cầu cho tôi đủ sức chịu đựng từ giờ phút này cho đến khi tôi bị bắn và bị chôn.
“Tôi nhớ nét mặt của anh lính lúc ấy rất buồn. Anh nói một câu ngắn ngủn: Thật tội nghiệp cho thầy quá. Rồi anh đứng lặng lẽ bên tôi một chặp lâu, Cảm động trước lòng tốt của anh, tôi rưng rưng nước mắt. Tôi cúi xuống để dấu hai hàng nước mắt đang chảy dài trên má. Lúc bấy giờ tôi không hiểu được dòng nước mắt ấy là nước mắt vui mừng vì trong lúc nguy khốn lại có người cảm thông nỗi khổ của mình hay là nước mắt lo sợ thường tình của con người khi đối diện với cái chết. Những dòng nước mắt cứ chảy và tôi chẳng còn muốn lau.
“Tôi ngẩng mặt lên thì thấy anh lính cúi mặt xuống. Nét mặt anh buồn bã. Anh khóc. Anh từ từ đi vào chỗ mấy người lính Pháp đang ngồi đánh bài dưới mái hiên nhà, hai tay anh vẫn cầm cây roi huơ huơ trước mặt.
“Khi anh lính đi rồi tôi một lòng niệm Phật để giữ cho tâm ý được thanh thản trước cái chết mà chắc chắn không còn lối nào thoát ra được. Bỗng nhiên tôi trực nghiệm được lời nói cao quí, thâm sâu của Phật khi ngài thị hiện vào thế giới đầy ô trược này: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn.”
Cái ngã ở đây không phải tự ngã, không phải là cái ngã phàm trần. Cái ngã mà đức Phật muốn nói khi thị hiện đản sinh là Ðại Ngã, là Phật Tính, là Chân Như, là Chân Lý của cuộc đời, chứ không phải Tiểu Ngã, không phải cái ta nhỏ bé, cá biệt. Chúng sinh vì ngã chấp, vì bám vào cái ta nhỏ bé đã phải đớn đau lặn ngụp trong biển sinh tử luân hồi. Vì tham đắm ngã chấp, nên sợ hãi trước cái chết. Vì mê luyến xác thân mà quên đi ánh sáng diệu dụng của bản tính thanh tịnh. Mọi người khi nghe sắp mất cái ta thì choáng váng mặt mày, không tự chủ được.”
Trên Những Chặng Ðường ghi tiếp: “Phải chăng đây là cái Ta Tiểu Ngã mà mọi loài chúng sinh đều sợ mất, luôn luôn muốn níu giữ? Tôi còn nhớ trong một buổi thuyết pháp tôi có kể cho thính chúng nghe chuyện một con mèo bị què chân lại mắc bệnh nữa. Người chủ nuôi thấy con mèo như thế thì thương quá, bèn nói với con mèo rằng: Con ơi, ta chẳng biết làm sao mang bệnh tật thay cho con được, hay là ta giết con đi cho mau thoát kiếp mèo mà hóa thành người cho sung sướng. Tôi nghĩ giá như con mèo ấy mà nghe và hiểu được lời người chủ nói, thì chắc chắn nó sẽ la lớn lên: Thôi thôi, cho em cứ tiếp tục làm mèo đi. Cả hội trường đều cười rộ lên vỗ tay. Mỗi người hiểu câu chuyện theo quan điểm riêng của mình.
“Tôi lại nghĩ: Bây giờ đến lượt mình. Ðã đến nước này mà khi nghe sắp mất cái ta, một cái ta bị gông cùm xiềng xích, vừa đói vừa rét, vừa bị hành hạ đủ mọi nhục hình, thế mà vẫn cứ nuối tiếc. Thật là một chuyện lạ! Tại sao ta không niệm Phật để cho tâm trí được thanh tịnh? Tại sao ta không cầu nguyện để có thể xả bỏ cái ta tội lỗi này để đi vào cái ta rộng lớn, đi vào Ðại Ngã của chư Phật ở mười phương thế giới? Chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi. Ta cần hoan hỷ nhất tâm niệm Phật cầu xin được thoát khỏi báo thân này... Nhờ nghĩ vậy nên tôi có thể lắng tâm quán chiếu vạn pháp như huyễn.
“Tôi liền đứng dậy mạnh mẽ đào sâu thêm độ một tấc nữa. Tôi đào thật nhanh trong ý niệm “Dự Tri Thời Chí”, biết trước cái gì sẽ đến. Sau khi đào sâu thêm một tấc, tôi cào vét đất dưới đáy huyệt sạch sẽ, rồi tôi lặng lẽ nằm xuống thử xem có vừa không, đồng thời để tu quán niệm oán thân bình đẳng, cầu cho những người bị bắt giam, bị nhục hình như tôi xả bỏ được ác niệm, xả bỏ oán thù, cho xã hội loài người giảm bớt nỗi oan khiên, khổ lụy...
Hòa Thượng cảm thấy lòng mình thư thái. Hòa Thượng nhìn những người lính Pháp, lính Việt, từng hành hạ ngài trong những ngày qua với cặp mắt bao dung, độ lượng.
Trên Những Chặng Ðường ghi tiếp:
“Vừa lúc ấy thì tôi nghe có tiếng “síp lê” thổi rất gấp, rồi một người lính Pháp chạy vội vàng đến chỗ tôi đang đứng, đưa tay ra dấu bảo tôi lên khỏi hầm. Trời lạnh quá, tôi run cầm cập. Người lính Pháp thấy thế liền móc túi lấy ra một bao thuốc đưa cho tôi một điếu rồi quẹt diêm đưa cho tôi thắp và ra dấu bảo tôi hút. Tiếp theo là một người lính Việt Nam đến nắm tay tôi dắt vào một căn phòng có giường gối đàng hoàng. Vào phòng anh lấy một bộ áo quần cụt bảo tôi thay đi kẻo lạnh. Tôi thay áo quần xong thì có một người lính Pháp mở cửa phòng bước vào, trên tay anh bưng ly sữa, vừa đi vừa cầm muỗng khuấy khuấy cho ly sữa mau nguội, rồi anh mỉm cười đưa ly sữa cho tôi và ra dấu bảo tôi uống. Uống xong ly sữa, tôi ngả người trên giường nằm ngủ mê man trong căn phòng xa lạ. Lúc tỉnh dậy mới rõ ràng là mình đang còn sống. Chuyện thật là như thế mà tôi cứ ngỡ như vừa trải qua một giấc mơ. Tôi thoáng nghĩ giả như mình được chết ngày hôm qua thì khỏe biết mấy. Giờ đây không biết đời mình rồi sẽ trôi nổi như thế nào. Tôi nằm mà mãi lo nghĩ vẩn vơ.
“Một người lính Việt Nam khác đến cạnh tôi, ân cần nói với tôi: Thầy ra xe con đưa thầy về chùa. Tôi nghe nói mà không dám tin vào lỗ tai của mình. Anh lính đưa tay dắt tôi vì lúc này tôi yếu lắm. Vừa mất ngủ, vừa thiếu ăn, vừa bị hành hạ đủ điều nên sức khỏe của tôi giảm sút rất nhiều. Anh lính lại ôn tồn hỏi: Thầy về chùa mô? Bây giờ tôi mới biết là mình thật sự được thả ra, nên tôi nói trong nỗi vui mừng: Anh cho tôi về chùa Tây Thiên.
“Chùa Linh Mụ tuy ở gần, chỉ cách chỗ tôi bị giam có hơn cây số, nhưng theo tôi biết thì lúc ấy chùa đã vắng như chùa Bà Ðanh. Tăng chúng đã phiêu dạt chẳng còn ai... Do đó nên tôi mới xin về chùa Tây Thiên vẫn còn có quí Ôn, quí thầy.
“Chiếc xe hơi chở tôi chạy đến bến đò Kim Long chứ không qua sông được vì cầu Trường Tiền cũng như cầu Bạch Hổ đều bị sập. Xuống xe, tôi nói lời cám ơn người tài xế rồi tôi qua đò Kim Long. Lên đò tôi lết bộ từ con đường Phường Ðúc cho đến hết con đường Nam Giao. Ði bộ mà lại phải đi chân không và chân đã bị lở loét nên rất đau rát. Hai tay thì thòng xuống như gần sát đất vì hai bên hông bị sưng húp hai cục bướu rất đau đớn, cọng thêm sức khỏe bị giảm sút nên không đi thẳng được. “Vừa bước vào sân sau chùa, tôi mệt ngất người, đi loạng choạng như muốn ngả...”
Trong khi ấy chú Trí Không, một đệ tử của Hòa Thượng đang đứng nói chuyện ở sân sau, dưới cây thị rậm rạp với điệu Hòa, thì thấy có một ông già mang chiếc tơi lá loạng quạng từ ngả sau chuồng bò đi vào. Chú tới gần xem thử người nào, thì thấy một người mặc quần đùi, mặt mày sưng bầm, nhìn kỹ thì đó là bổn sư của mình. Chú ôm lấy thầy, vừa ôm vừa khóc vừa bảo điệu Hòa báo tin cho Ôn Tây Thiên và quí thầy biết.
Ôn Tây Thiên, quí thầy, mọi người trong chùa hay tin chạy đến vây quanh Hòa Thượng, đỡ và dìu Hòa Thượng vào căn nhà của Hòa Thượng nằm gần cây thị. Mọi người đều chảy nước mắt.
Ngày hôm sau Hòa Thượng phát sốt nặng. Hai bên hông Hòa Thượng vẫn còn bầm. Má sưng lên vì một chiếc răng bị đánh gãy. Vành tai bên trái của Hòa Thượng bị sứt vì khi tra tấn họ đã dùng kềm kẹp vành tai. Da đầu còn rỉ máu vì bị chúng đánh vào đầu. Ôn Tây Thiên thấy tình cảnh như vậy mới nói với quí thầy đưa Hòa Thượng về Bệnh Viện Trung Ương Huế để chữa trị. Hòa Thượng nằm tại bệnh viện được nửa tháng, trở về chùa tỉnh dưỡng một thời gian mới được bình phục.
Vừa bình phục, Hòa Thường liền gọi chú Trí Không bảo lên Linh Mụ giúp thầy Phú (về sau là Hòa Thượng Ðảnh Lễ 1918-1968 khai sơn chùa Phước Duyên, sau lưng chùa Linh Mụ và chùa Phước Hải tại làng Văn Xá, Hương Trà, Thừa Thiên) săn sóc chùa. Cảnh chùa Linh Mụ lúc bấy giờ thật tiêu điều. Thầy Phú rất giỏi nghi lễ, biết phương pháp trị liệu tâm thần, giúp chữa những người quẫn trí, tâm thần không bình thường. Thấy có chú Trí Không lên, Thầy giao công việc cho Chú, ra phía sau chùa Linh Mụ lập một ngôi chùa nhỏ, dành thì giờ điều trị cho những người bị bệnh tâm thần.
Chú Trí Không một thân một mình vừa hai thời công phu, đánh chuông sáng chiều, vừa lau dọn chùa, vừa làm cỏ ngoài vườn. Công việc đánh chuông phải đúng giờ giấc, nhất là chuông buổi sáng sớm lúc 4 giờ rưỡi. Dân chúng chung quanh chùa, ngay cả Long Thọ bên kia sông, nhờ nghe tiếng chuông chùa sáng sớm tinh sương họ thức giậy lo cơm nước, chuẩn bị đi làm, đi buôn bán, ra ruộng vườn canh tác. Hai con đường bên chùa từ điện Quan Âm đến trước tháp mọc đầy cỏ cú. Làm cỏ vừa xong ở đoạn này thì cỏ đã mọc ở đoạn khác. Chú không biết làm gì hơn mà phải bưng từng viên gạch bát tràng từ điện Quan Âm trải dài dọc hai bên đường ra đến cổng Tam Quan, đến trước tháp.
Một hôm trời nóng nực, chú ở trần, mặc quần đùi ra vườn làm cỏ, bưng gạch. Chiều tối trở vào phòng thì thấy y hậu, áo quần bị mất hết. Vỏn vẹn trên người chú là chiếc quần đùi. Ðêm hôm ấy và sáng sớm mai chú không dám vào trước bàn Phật tụng kinh, vì không có áo quần, y hậu, nhưng chú phải ra lầu chuông trước chùa đánh chuông. Chú quấn quanh người chiếc mền rách cho đỡ lạnh, lên trên lầu chuông, đánh chuông như thường lệ. Ðánh chuông và ăn sáng xong, chú đi về chùa sư nữ, Ni Viện Diệu Ðức, nhờ mấy huynh đệ: cô Thanh Quang, Diệu Lý, Diệu Bảo đệ tử của Hòa Thường, anh chị em đồng sư với chú, nhờ may áo quần. Tuy đã 16 tuổi, nhưng chú thật vô tư, không biết ngượng. Là một ông sư, giờ đây ở trần, mặc quần đùi, đi chân không đến chùa ni, xin may áo quần. Vậy mà chú cứ đến. Khi sư bà Viện Trưởng mời dùng cơm trưa, chú cũng tự nhiên thọ dụng. Không ngượng ngùng, mắc cỡ.
Ðược các ni cô may áo quần cho, chú mặc vào cám ơn rồi trở về chùa. Kỷ niệm này suốt đời chú không làm sao quên được, dù ở đâu, nơi nào, làm gì.
Việc này đến tai Hòa Thượng. Hòa Thượng lên thăm, cười hoan hỷ. Không một lời bình phẩm, chỉ hỏi khi đi đường ở trần vào buổi sáng có lạnh lắm không? Chỉ có thế, nhưng đã nói lên một cách đầy đủ tình thầy trò, mà chú hằng ấp ủ cho đến ngày nay, cho đến khi chú về bên kia thế giới gặp lại bổn sư.
Trên Những Chặn Ðường ghi: “Từ khi tôi bị bắt cho đến khi tôi được thả về thời gian mất hơn một tháng. Hơn một tháng trời mà tôi thấy nó dài như cả mấy mươi năm. Cổ nhân dạy: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” nghiệm ra thì thật vô cùng chí lý.”
Hòa Thượng được cứu sống chỉ trong gang tấc. Khi nghe Hòa Thượng bị bắt, quí Ôn, quí Thầy trong Sơn Môn nhờ sư bà Trừng Hảo Diệu Không, ông Tâm Huệ Tráng Ðinh tìm cách cứu giúp. Hai vị này liên lạc với đức Từ Cung, thân mẫu của vua Bảo Ðại. Ðức Từ Cung gọi ông Tôn Thất Hối đến cung An Ðịnh bàn tính. Ðức Từ Cung và ông Tôn Thất Hối liên lạc với Nam Phương Hoàng Hậu, vợ vua Bảo Ðại. Hoàng hậu Nam Phương lập tức liên lạc với vị chỉ huy quân đội Pháp tại Huế. Nhờ vậy Hòa Thượng được trả tự do ngay, chỉ một gang tấc trước khi bị hành quyết tại huyệt do chính mình tự đào lấy.
Trên Những Chặng Ðường ghi: “Tôi nghĩ nếu ngày ấy không có quí Ôn, không có nhị vị ân nhân sốt sắng cầu cứu nhiều nơi để cứu tôi, thì ngày nay chắc chắn tôi chẳng còn được sống để tiếp tục việc tu hành như thế này nữa. Công ơn ấy là công “cải tử hoàn sinh” thực là to lớn, tôi không lúc nào không nhớ...
“Từ ngày tôi bị mật thám Pháp bắt cho đến nay (1968), thấm thoát đã gần hai mươi năm. Hai mươi năm đã trôi qua mà tôi vẫn còn nhớ rõ tiếng “xúp lê” thổi để dục người lính Pháp chạy nhanh ra hầm đưa tay kéo tôi lên, rồi cho xe chở tôi về bến đò Kim Long...
“Bây giờ mỗi khi tiết trời thay đổi là lúc hai bàn tay và hai bàn chân tôi tê buốt và đau nhức, di chứng của những ngày bị bắt bớ, giam cầm, tra khảo.
“Từ đây tôi nguyện tập luyện cho quen với cái chết để rồi chết cũng tốt mà sống cũng tốt. Không có điều gì phải e sợ khi phải đối diện với tử thần.”
Vào tháng 12 năm 1947 trên một chiến hạm Pháp ngoài hải phận Hải Phòng cựu hoàng Bảo Ðại ký thỏa hợp với Pháp chấp nhận quyền tự trị của Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp. Tháng 6, chính phủ do tướng Nguyễn Văn Xuân ra đời. Năm 1949 cựu hoàng Bảo Ðại tại điện Elysée ký hiệp định với chính phủ Pháp thừa nhận chủ quyền Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp.
Cuối năm 1949 quân đội Mao Trạch Ðông toàn thắng, Cọng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được thành lập. Từ tháng 5 đến tháng 11, 1950 quân đội Việt Minh trong chiến dịch Việt Bắc đã làm chủ tình hình một số tỉnh lỵ miền bắc. Trận Ðiện Biên Phủ bắt đầu ngày 26 tháng 4 và quân Pháp thất trận tại Ðiện Biên Phủ ngày 20 tháng 7, năm 1954. Hiệp Ðịnh Genève được ký kết tạm thời chia đôi đất nước chờ ngày tổng tuyển cử dự trù vào mùa hè năm 1956.
Hoa Kỳ sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1952, vào tháng 9 năm 1954, đứng ra thành lập tổ chức SEATO (South East Asia Treaty Organization), với mục đích chận đứng sự bành trướng của Cọng Sản đến các nước Ðông Nam Á sau khi Hiệp Ðịnh Genève được ký kết.
Khi đổ bộ lên Huế năm 1947, quân Pháp nhận thấy đa số dân chúng Huế không mấy thiện cảm đối với họ, đặc biệt là hàng tăng sĩ Phật Giáo, vì vậy họ cho thành lập một tổ chức Phật Giáo lấy tên là Phật Giáo Thuyền Lữ, với mục tiêu phân hóa hàng ngũ Phật Giáo và nếu có ai chống đối tổ chức ấy họ sẽ ra tay trừng trị. Hòa Thượng Ðôn Hậu cùng chư Hòa Thượng lãnh đạo thảo luận vấn đề, đi đến quyết định là không để mắc mưu kế hoạch của Pháp, không muốn nồi da xáo thịt, không muốn gây hận thù chia rẽ, nên không những không chống đối tổ chức Phật Giáo mới do Pháp thành lập, mà đối với những vị lãnh đạo tổ chức Phật Giáo Thuyền Lữ không mảy may ác cảm. Nhờ vậy Phật Giáo Huế vượt qua cơn sóng gió lúc bấy giờ.
Mặc dầu bị mật thám Pháp bắt giam, hành hạ và định xử tử, Hòa Thượng vẫn không vì vậy mà có ác cảm với tổ chức Thuyền Lữ do Phòng Nhì Pháp lập ra, ngược lại Hòa Thượng chủ trương Phật Giáo không nên bôi mặt đá nhau, làm công cụ cho kế hoạch chia rẽ Phật Giáo của Pháp. Hơn nữa Hòa Thượng cũng không mảy may oán thù người Pháp, tuy là quân xâm lăng cũng là con người. Hòa Thượng nhớ rõ cảnh tượng một tên lính Pháp thấy Hòa Thượng rét run cầm cập đã cho Hòa Thượng điếu thuốc hút cho đỡ lạnh, đã bưng ly sữa cho Hòa Thượng uống... Họ vẫn có từ tâm của con người, chỉ cần có cơ hội thuận lợi thì từ tâm tự nhiên khai triển.
Từ năm 1948 đến năm 1954, sau khi thoát nạn, sau khi quân Pháp tái chiếm Việt Nam, mặc dầu công việc của Hội Phật Giáo Việt Nam rất đa đoan, sức khỏe không mấy dồi dào, Hòa Thượng vẫn nhận làm Giáo Thọ cho Phật Học Ðường Báo Quốc và Ni Viện Diệu Ðức Huế khai giảng ngày 18-3-1948. Năm 1949 Hòa Thượng làm Tuyên Luật Sư đại giới đàn Báo Quốc nơi đệ tử Thích Trí Không được Giáo Hội đặc cách cho phép thọ Tỳ Kheo Giới lúc mới hơn 19 tuổi. Năm 1950 ngài làm Giáo Thọ Ðại Giới Ðàn Từ Hiếu và làm Yết Ma tại đại giới đàn Ấn Quang.
Vào dịp đệ thập bát chu niên của Hội Việt Nam Phật Học, Hòa Thượng đã đọc bài diễn văn nói lên lịch trình phát triển của Hội, tán dương công đức của Hòa Thượng Thập Tháp, quí vị sáng lập Hội, khai triển mục đích, tôn chỉ và hành hoạt của Hội. Hòa Thượng lưu ý đến tinh thần Từ Bi, Trí Tuệ của Phật Giáo phải luôn luôn là ngọn hải đăng cho mọi sinh hoạt Phật Giáo.
DIỄN VĂN
của thầy Chánh Hội Trưởng, Tổng Trị Sự Hội Việt Nam Phật Học, đọc trong ngày kỷ niệm Ðệ Thập Bát Chu Niên của Hội Việt Nam Phật Học.
(ngày 8-2, Phật lịch 2513, dương lịch 1950)
Kính bạch:
– Quí Ngài Chứng Minh Ðạo Sư, liệt vị Tôn Túc Sơn Môn Tăng Già
– Thưa quí vị Thiện Tri Thức
– Thưa liệt vị đạo hữu Hội Việt Nam Phật Học
Chúng tôi rất vinh dự được cung tiếp quí Ngài, quí vị hoan hỷ quan lâm chứng minh buổi lễ kỷ niệm Ðệ Thập Bát Chu Niên của Hội Việt Nam Phật Học hôm nay. Sự hiện diện cao quí của quí Ngài, quí vị làm cho buổi lễ thêm phần tôn nghiêm, trang trọng.
Chúng tôi xin thay mặt toàn thể Hội hữu kính lời cảm tạ. Cũng như ở đây, trong giờ phút thuần thành này, khắp 17 Tỉnh Hội, 30 Chi Hội và ngót trên nghìn Khuôn Tịnh Ðộ của Hội Phật Học trong cõi Việt Nam, trước đài quang minh Phật Tổ, đồng đều trong một niệm, lễ Kỷ Niệm Ðệ Thập Bát Chu Niên của Hội chúng tôi đang được cử hành.
Và cái lịch trình vẻ vang cũng như cái tôn chỉ đẹp đẽ của Hội, hôm nay lại có dịp làm tiếng hồng chung khua lên vang động trong muôn vạn lòng Phật Tử, để vui mừng đánh dấu 18 năm qua, cùng một dịp với ngày vía xuất gia của Phật.
Cách đây hơn hai nghìn năm, một vị hoàng tử đã xứng với lòng thương vô hạn, mạnh dạn từ giã những kho báu bèo mây, hướng về ánh sáng của các vì tinh tú, cương quyết ra đi để tìm chơn lý cho nhân loại đau thương. Người xuất gia để thành công với Ðạo Vô Thượng đang phổ cập khắp trần gian.
Cách đây 18 năm, năm vị Trưởng Lão Hòa Thượng và 17 vị cư sĩ giữa đất thần kinh, không muốn cho đồng bào mình mê mờ vùi dập trong văn minh vật chất, bèn liên hiệp nhau lại, đứng dậy lập một Hội tu và học theo đạo Phật, tức là Hội Việt Nam Phật Học chúng tôi bây giờ.
Chính nhờ ngài Hòa Thượng Thập Tháp đã khai sáng cho quí vị nói trên trong việc tham học Phật Giáo trước ngày thành lập Hội. Danh sách của các vị sáng lập ấy đã đăng rõ trong bản Ðiều Lệ, Qui Tắc của Hội năm 1932.
Mục đích của Hội là truyền bá Phật Pháp một cách chơn chánh, cải tạo nhơn tâm, phong tục cho hợp với trào lưu tiến hóa, và cố phát huy cái chơn tinh thần Phật Giáo trong việc kiến thiết của một xã hội ngày mai.
Lúc thanh bình cũng như trong thời khói lửa, lối tổ chức của Hội khi nào cũng duy nhất với hệ thống và kỷ luật rõ ràng, mà Phật sự tiến hành vẫn biểu dương, phát triển trong cái tinh thần bình đẳng, đại đồng của Ðạo.
Nhắm vào đích lợi tha và muốn có đủ phương tiện dẫn tấn những kẻ hậu lai vào đường chánh tín, một trường Tăng học của Hội đã được lập ra năm 1935, lo đào tạo Tăng tài, phó thác dưới sự dắt dìu mẫn cán của thầy Ðốc Giáo Trí Ðộ, để tiếp nối công hạnh của hai vị Ðại Ðức mà cái gương sáng và kỷ niệm đầy kính mến tiếc thương không bao giờ mờ phai trong khắp hàng hội hữu chúng ta: Ðó là ngài Giác Tiên và thầy Mật Khế.
Cho đến năm 1945, vì tình thế bất thường của thời cuộc, lớp Tăng tài xứng đáng phải tản mác cùng Trung Nam Bắc và dẫu cho bởi họa chiến tranh mà sự mất còn phải có, ở nơi chân trời nào, những vị học tăng của Hội nói trên trong công việc hoằng pháp vẫn nhận lấy trách nhiệm nặng nề là dịch kinh, giảng pháp, mở lớp dạy tăng đồ, tự mình mở lối, khai đường cho các hàng tín đồ phát lòng chánh tín và thẳng bước theo con đường của chư Phật.
Sau Ðoàn Phật Học Ðức Dục gồm có những thanh niên trí thức tổ chức năm 1941, Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Hóa Phổ hoạt động theo một chương trình giáo dục thích hợp với thiếu niên, thiếu nữ hiện thời.
Căn cứ trên giáo lý của đạo Phật, Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Hóa Phổ Trung Ương kỳ vọng xây dựng cho thiếu niên Phật Tử toàn quốc một nền giáo dục chung và phương pháp giáo dục ấy được đồng bào khắp nước để ý.
Là cơ quan hoằng pháp của Hội Việt Nam Phật Học ra đời từ năm từ năm 1934, Viên Âm Nguyệt San tục bản, vẫn là ánh sáng trí tuệ, lửa đuốc quang minh của chư Phật, cốt đem giáo pháp vô thượng của Như Lai truyền bá khắp nơi, để cho ai nấy đều hiểu Phật Pháp, để rõ lý đồng một bản thể chơn tâm thường trú, cải thiện đời sống của mọi người, một hạnh phúc chung dưới bóng Ðấng Ðại Từ, Ðại Giác. Ðó là một lợi khí về văn hóa đạo Phật, được khắp nước tán dương, cũng như những kinh sách khác của Hội xuất bản được người người ca ngợi.
Thưa quí Hội Hữu:
Nếu trong giờ phút này tại các chùa Hội Quán cũng như trong các giảng đường của các Tỉnh Hội và Chi Hội, lễ Ðệ Thập Bát Chu Niên của Hội đang được cử hành trang nghiêm trọng thể thì chúng ta hãy cùng nhau hướng niệm đến liệt vị Tăng Già và Cư Sĩ chỉ biết lấy Phật Pháp làm chuẩn đích, đã chung vai, đấu cật lại với nhau, đã phấn đấu mọi trở lực khó khăn, không chuyển lay trong muôn vàn thử thách, để sáng lập lấy một cơ đồ làm phương tiện cho chúng ta tu học.
Công đức cao vời của các vị ấy làm cho chúng ta luôn luôn phải nghiêng mình thành kính và tự nhắc nhủ chúng ta phải có bổn phận thành công những công cuộc lợi sinh đang chờ đợi...
Hiện nay chúng ta đang ở trong cảnh lầm than đau khổ vì chúng ta còn chất chứa trong tâm những mê lầm ích kỷ, độc ác tham tàn, nhận giả làm chơn, bảo tà hư cho là chánh đáng.
Nói một cách khác vì chúng ta chưa thành khẩn một lòng tu học theo lời Phật dạy. Giai đoạn này chính là lúc hàng Phật tử chúng ta phải siêng năng học Phật, nêu cao gương sáng Từ Bi, Trí Tuệ của Phật để cứu mình, cứu người. Nêu cao gương sáng Từ Bi là y theo phương pháp Phật chỉ bày mà gọt rửa, rèn luyện tánh tình, không còn lưu lại một mầm mống độc ác tham tàn nào, từ một lời nói đến một việc làm đều chơn thật, từ hòa. Nêu cao gương sáng Trí Tuệ tất phải quan sát nhận chân lẽ vô thường chuyển biến của sự vật mà không bám víu, chấp trước, đam mê.
Thư quí Hội Hữu:
Ðức Giáo Chủ của chúng ta là hiện thân của Từ Bi và Trí Tuệ. Là đệ tử của Ngài, chúng ta phải theo gương Ngài, lấy Trí Tuệ, Từ Bi làm nền tảng cho mọi hoạt động, cốt san bằng, lấp cạn núi sầu, biển lệ đang phô bày giữa cuộc đời ngang trái. Với người Phật Tử, thân thể, phú quí không mấy quan trọng khi thấu hiểu đạo lý vô thường, vô ngã, vô chúng sanh, vô thọ giả.
Bây giờ cũng như bao giờ, một lòng Từ Bi chẳng tính toán so đo, một Trí Tuệ sáng suốt không lúc nào vơi, một Nhẫn Nại vững chắc không bao giờ rời rạc, vừa tự tại, vừa yên vui toàn thể Hội Hữu chúng ta, lớp nọ dồn lớp kia, y theo lời Phật dạy, nhắm đúng mục đích của Hội, sẵn sàng đương đầu, đối phó mọi thử thách, chướng ngại, cùng nhau hoàn thành đại nguyện Lợi Lạc Hữu Tình.
Mỗi lần lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội là dịp vui mừng thành quả, là cơ hội tri ân Phật Tổ, báo đáp công đức cao dày của các bậc tiền bối đã đặt tin tưởng vào chúng ta trong sứ mạng chấn hưng Phật Giáo ở xứ này, song song với công cuộc chấn hưng Phật Giáo khắp năm châu.
Một năm sau, trong dịp Ðại Hội Thường Niên lần thứ 19 của Tổng Hội, Hòa Thượng đã đọc bài Diễn Văn Khai Mạc, nhắc lại quá trình phát triển, mục tiêu và triển vọng, thành quả và trở ngại đại ý như sau:
DIỄN VĂN
của thầy Chánh Hội Trưởng Tổng Trị Sự Hội Việt Nam Phật Học, đọc trong dịp Lễ Khai Mạc Tổng Hội Ðồng Thường Niên thứ 19, tại Hội Quán chùa Từ Ðàm.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch:
– Quí Ngài Chứng Minh Ðại Ðạo Sư.
– Quí Ngài Ðại Ðức trong Sơn Môn.
– Quí Thầy Giảng Sư.
Kính thưa:
– Quí Vị Thiện Tri Thức.
– Quí Vị Sáng Lập Hội Viên.
– Quí Vị Ðại Biểu và Toàn Thể Hội Hữu.
Bạch quí Ngài:
Chúng tôi rất vinh dự được quí Ngài không quản tuổi già sức yếu quang lâm dự Ðại Hội Thường Niên Lần Thứ 19 của Tổng Hội. Chúng tôi lại vinh dự hơn nữa được quí Ngài mẫn cố dìu dắt chúng tôi trên đường tu đạo và hành đạo. Chúng tôi xin tri niệm ân đức bằng cách tinh tấn hành trì, tinh tấn phục vụ và nguyện cầu chư Phật gia hộ cho pháp thể quí Ngài hằng thanh tịnh để làm tiêu biểu cho nền đạo, để chúng tôi nhờ đó dễ dàng thực hiện nhiệm vụ của mình, để toàn thể Hội Hữu chúng tôi đượm nhuần Pháp nhũ.
Kính thưa quí vị Thiện Tri Thức:
Chúng tôi rất hân hạnh được tiếp quí vị dưới mái giảng đường này trong một bầu không khí thanh đạm. Sự hiện diện của quí vị làm cho Lễ Khai Mạc của Tổng Hội Ðồng chúng tôi được thêm phần long trọng.
Thưa quí Hội Hữu:
Hội Việt Nam Phật Học thành lập đến nay đã 19 năm. Hội chúng ta trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai đều một dạ trung thành với mục đích của Hội từ thuở thành lập là Học va Tu theo giáo pháp của đức Phật. Trải qua 19 năm tuy cục diện khác nhau, nước nhà nhuốm pha nhiều trạng thái, trải qua nhiều nỗi thăng trầm, nhưng đạo pháp vẫn như ngàn xưa, không thay đổi và mục đích Hội Việt Nam Phật Học dựa vào Phật Pháp cũng không đổi thay. Học và làm theo cái Trí Tuệ của Phật. Học và làm theo lòng Từ Bi của Phật. Học và làm theo cái Dõng Lực của Phật để độ mình, giúp người nên Phật Tử, Hội Hữu chúng ta chỉ biết tinh tiến tu hành để một ngày được gần thêm vị Ðại Giác.
Tôn chỉ, mục đích của Hội chúng ta là như thế. Biết, Tin và Làm. Hội Hữu chúng ta người trước, kẻ sau, lớp này đến lớp khác, vượt qua mọi trở ngại tinh tiến hành trì. Thời gian qua đã chứng minh điều đó. Không nản chí, không chuyển lòng. Rất nhiều đạo hữu đã đặt lợi tha trên tự lợi làm gương sáng cho các bạn đồng hành.
Mười chín năm qua, noi dấu các bậc đàn anh, chúng ta tự mừng rằng dầu trong thời bình hay loạn, tinh thần tu học của Hội Viên Hội Việt Nam Phật Học nếu không tăng tiến thì ít ra cũng vẫn giữa được mức thăng bằng kiên cố.
Ngoài việc xuất bản báo chí, kinh sách làm phương tiện cho sự hoằng đạo, đem tín tâm của hàng Phật Tử trở về với chánh tín. Hội vẫn không hề ngưng hoặc chậm trễ công việc giáo dục con em hội viên và vẫn cố phát triển công tác cứu tế xã hội. Mọi thành quả đều nhờ Phật lực gia hộ, nhờ công đức hoằng hóa của quí Ngài Ðại Ðức, quí Thầy Giảng Sư và đạo tâm chính đáng, vững bền của hàng Hội Hữu.
Bạch quí Ngài, thưa quí vị Ðại Biểu:
Trong năm qua, Phật sự tại các Tỉnh Hội, Chi Hội tiến triển khả quan. Riêng Chi Hội Di Linh tuy trước là Tỉnh Hội Ðồng Nai Thượng, nhưng khi tiến hành Phật sự, gặp nhiều trở lực, nên theo Nghị Ðịnh của Tổng Trị Sự tạm cải thành Chi Hội, thuộc Tỉnh Hội Lâm Viên. Ngày nay Chi Hội ấy đã chỉnh đốn lại nên Tổng Trị Sự đã đồng ý để Chi Hội Lâm Viên trở lại Tỉnh Hội Ðồng Nai Thượng như trước.
Tỉnh Hội Khánh Hòa đương ở trong thời kỳ chỉnh đốn. Còn Tỉnh Hội Bình Thuận thì gần năm nay mất liên lạc. Gần đây Tổng Trị Sự đã cử một phái đoàn, đại diện Tổng Trị Sự đi các Tỉnh Hội, Chi Hội miền nam Trung Phần để chỉnh đốn công việc. Thầy Trí Quang sẽ thuyết trình với Ðại Hội về tình hình Phật sự tại các Tỉnh Hội, Chi Hội này.
Riêng Ban Trị Sự Tổng Hội, trong năm qua, chắc gặp nhiều khuyết điểm. Kính mong quí Ngài, quí Ðại Biểu nhận định, phê phán.
Là Phật Tử chúng ta không có quyền thờ ơ trước sự hưng suy của Phật Giáo. Gặp khi hưng chúng ta vui mừng phất cao ngọn cờ hoằng hóa. Phải lúc suy, chúng ta kề vai, sát cánh, bình tĩnh, hy sinh nhiều hơn vào công cuộc chấn hưng.
Bạch quí Ngài, thưa quí Ðạo Hữu:
Trước khi dứt lời chúng tôi xin sám hối những sai lầm trong khi thi hành Phật sự. Xin thành tâm cảm tạ sự hiện diện của quí vị, làm cho buổi lễ thêm phần long trọng. Xin hoan hỷ tán thán công đức Ban Trị Sự các Tỉnh Hội, Chi Hội, Khuôn Tịnh Ðộ đã sát cánh cùng Tổng Trị Sư chung lo Phật sự.
Nhận thấy nhiều Phật sự cần được quan tâm, nhất là việc giáo dục Tăng Ni tại các Phật Học Viện, Hòa Thượng Ðôn Hậu xin từ chức Hội Trưởng Tổng Trị Sự Hội Việt Nam Phật Học và mời cụ Lê Văn Ðịnh thay thế.
Ngày 6 đến ngày 9 tháng 5, 1951 Ðại Hội 6 tập đoàn Phật Giáo gồm ba tổ chức Tăng Già, ba tổ chức cư sĩ Trung, Nam, Bắc họp tại chùa Từ Ðàm thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Trong kỳ Ðại Hội Tăng Già Trung Việt tổ chức tại chùa Linh Quang ngày 25 tháng 8-1951, Ðại Hội suy cử Hòa Thượng Ðôn Hậu làm Giám Luật Tăng Già Trung Việt. Ngày 7-9-1951
Ðại Hội Tăng Già Việt Nam họp tại chùa Quán Sứ Hà Nội suy cử Hòa Thượng làm Giám Luật Tăng Già Việt Nam.
Hòa Thượng luôn luôn quan tâm đến đời sống tu hành của Tăng Ni. Ngài thường chăm nom theo dõi, xem xét việc hành trì giới luật của Tăng Ni. Hòa Thượng thường khuyên giải: “Tôi không sợ ma quân nhiễu hại Phật Pháp mà chỉ sị Tăng Ni thiếu việc hành trì giới luật.” (Tiểu Sử Ðức Ðệ Tam Tăng Thống, Giáo Hội PGVNTN, Văn Phòng Viện Tăng Thống, tr. 15)
PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG CỌNG ÐỒNG PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
Vào giữa thế kỷ 20, một biến chuyển lớn xẩy ra tại các quốc gia châu Á, đặc biệt các quốc gia Ðông Nam Á. Suốt hơn 100 năm đến 400 năm qua, các quốc gia này như Tích Lan, Miến Ðiện, Ấn Ðộ, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân, Việt Nam, Lào, Cao Mên... bị các nước Âu Châu cai trị, nhưng sau Ðệ Nhị Thế Chiến, những quốc gia này dần dần thâu hồi nền độc lập, vãn hồi nền văn hóa bấy lâu bị lấn áp, trong đó có văn hóa Phật Giáo.
Hòa Thượng làm Tuyên Luật Sư tại Ðại Giới Ðàn Long Sơn, Nha Trang (Tiểu Sử, tr. 53)
Trên một nửa dân số thế giới theo Phật Giáo vào đầu thế kỷ 20, nhưng sau khi Trung Quốc nằm dưới quyền cai trị của Chính Quyền Nhân Dân Trung Hoa từ năm 1949, chỉ trên một phần năm dân số thế giới theo Phật Giáo, trong khi ảnh hưởng Phật Giáo tại các nước Âu Mỹ ngày càng tăng. Mặc dầu vậy, Phật Giáo Nguyên Thủy, Ðại Thừa, Kim Cang Thừa sau một thời gian khá lâu vì thiếu giao lưu, trường thành thiên kiến ngày càng cao, làm cho nền tảng Phật giáo bị lung lay, khiến ai quan tâm đến tiền đồ Phật Giáo đều muốn làm điều gì để thay đổi tình hình. Một trong những Phật tử quan tâm đến vấn đề này là giáo sư tiến sĩ Gubapala Piyasena Malalasekera.
Giáo sư Malalasekera sinh năm 1900 trong một gia đình Phật Giáo truyền thống tại Malamulla ở Panadura gần Colombo. Thân phụ là một học giả thông thạo tiếng Sanscrit, Pali, Sinhalese và giáo lý Phật, thường dẫn con thăm viếng các nhà sư Tích Lan, trong lúc nhà sư Migettuwatte Gunananda và Anagarika Dharmapala đang vận động phục hồi truyền thống văn hóa Tích Lan trước áp lực văn hóa Cơ Ðốc và gánh nặng cai trị của đế quốc Anh. Nỗ lức vận động phục hưng văn hóa truyền thống quốc gia của những vị này đã có một ấn tượng mạnh làm thay đổi cuộc đời của chàng thanh niên Malalasekera. Thân phụ muốn ông trở thành một bác sĩ y khoa, nhưng sau khi phụ thân qua đời, ông đã bỏ ngành thuốc, học ngôn ngữ cổ điển Tây Phương và Ðông Phương, đặc biệt tiếng Hy Lạp, La Tinh, Sanscrit và Pali. Năm 23 tuổi, sau khi đậu cử nhân văn chương với cấp ưu hạng, ông đã sang Anh học trường Ðạo Học London, đậu Thạc Sĩ (MA) và Tiến Sĩ (Ph. D) cùng một lúc năm 1926. Năm 1927, lúc ông mới 27 tuổi, được mời dạy tại trường Ðại Học Colombo. Năm 1938 ông đậu bằng Tiến Sĩ Văn Chương (D. Lit), được mời làm giáo sư và về sau làm khoa trưởng Khoa Á Ðông Học tại trường Ðại Học Tích Lan. Năm 1956 ông được chính phủ Tích Lan mời làm đại sứ tại
Liên Bang Soviet, Ba Lan, Lỗ Mã Ni, Tiệp Khắc, Anh Quốc, Canada. Từ năm 1959 đến năm 1967 ông được mời làm đại diện thường trực của chính phủ Tích Lan tại Liên Hiệp Quốc. Năm 1967 ông được chính phủ Tích Lam mời làm Chủ Tịch Hội Ðồng Giáo Dục Quốc Gia. Ông là tác giả của những bộ sách nổi tiếng như:
– Pali Literature in Ceylon (Văn Học Pali tại Tích Lan).
– The Dictionary of Pali Proper Names (Tự Ðiển Danh Nhân Học Giả Pali, gồm 2 tập, dày 2500 trang về văn minh và lịch sử Phật Giáo thế giới).
– English - Sinhalese Dictionary (Tự Ðiển Anh - Sinhalese).
– The Buddhist Doctrine of Anatta (Thuyết Vô Ngã của Phật Giáo).
– The Truth of Anatta (Chân lý Vô Ngã).
– Aspects of Reality as Taught by Theravada Buddhism in Ceylon (Ðặc Tính Chân Lý trong Phật Giáo Theravada tại Tích Lan).
– Buddhism in Ceylon (Phật Giáo Tích Lan).
– The Buddha and His Teachings (Ðức Phật và Phật Pháp).
– Buddhism and the Race Questions (Phật Giáo và các vấn đề sắc tộc).
– Transference of Merit in Ceylon Buddhism (Vấn Ðề Truyền Thừa Công Ðức trong Truyền Thống Phật Giáo Tích Lan).
Ngoài ra ông còn được chính phủ Tích Lam mời làm Chủ Biên bộ Phật Học Bách Khoa Ðại Từ Ðiển (The Encyclopaedia of Buddhism) và ông đã hoạt động không ngừng trong nhiệm vụ này cho đến khi ông qua đời.
Qua nghiên cứu, học hỏi, giao tiếp, kinh nghiệm thâu hoạch được về hai truyền thống Phật Giáo Ðại Thừa và Nguyên Thủy, giáo sư Malalasekera nhận thấy cả hai truyền thống đều có những điểm tương đồng căn bản, những dị biệt chỉ do phong tục, tập quán, văn hóa, lịch sử và kinh nghiệm hoằng truyền tạo nên và những dị biệt này làm cho nền văn hóa Phật Giáo thêm phong phú nếu có dịp trao đổi. Ðại Hội Lần Thứ 28 của Phật Giáo Tích Lan họp năm 1947 đồng thanh chấp thuận Nghị Quyết là Hội Phật Giáo Tích Lan phải bằng mọi cách vào năm 1950 tổ chức một Ðại Hội Phật Giáo Quốc Tế, mời tất cả đại diện các nước Phật Giáo tham dự để cùng nhau họp bàn, trao đổi quan điểm, mang lại sự hòa đồng, an lạc giữa các nước Phật Giáo, hòng tiến tới một tổ chức Phật Giáo Thế Giới.
Chủ Tịch Hội Phật Giáo Tích Lan, giáo sư Malalasekera thi hành Nghị Quyết trên nên đã tổ chức một Ðại Hội Phật Giáo Thế Giới tại thánh địa Kandy từ ngày 25 tháng 5 đến ngày 7 tháng 6, trong Hội Trường của Ðền Thờ Ngọc Xá Lợi Phật với đại biểu của 30 nước tham dự. Ông C.B. Nugawela Dissawe, Thủ Quản Ngọc Xá Lợi Phật, đại diện phái đoàn Phật Giáo Tích Lan, đệ trình bản dự thảo Nghị Quyết Ðại Hội với lời lẽ như sau:
“Chúng tôi, đại diện cho các tổ chức Phật Giáo từ nhiều quốc gia, hiện diện trong tòa Ðại Sảnh của Thánh Ðiện Thờ Xá Lợi Răng Phật tại Kanky, cố đô của các quốc vương Phật Giáo xứ Lanka, ngày hôm nay cùng thệ nguyện dốc toàn lực giữ gìn và thực hành giáo lý Phật, nguyện biểu dương Ðức Tin sống động, nguyện xây dựng tình huynh đệ, đoàn kết, thống nhất toàn thể Phật Tử khắp nơi; nguyện tinh tấn dõng mãnh loan truyền Chánh Pháp, hy sinh phục vụ quần sinh, đem lại hạnh phúc, an lành cho tất cả; nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.
Ðể có thể thực hiện mục tiêu tối thượng ấy, chúng tôi cùng đồng lòng quyết tâm thành lập một tổ chức Phật Giáo lấy tên là Phật Giáo Thân Hữu Thế Giới (The World Fellowship of Buddhists), các vị trưởng phái đoàn hiện diện có đủ quyền lực thi hành Nghị Quyết này.”
Ðại Hội đồng ý thông qua quyết nghị. Hội Phật Giáo Thân Hữu Thế Giới ra đời. Giáo sư Malalasekera, Chủ Tích Hội Phật Giáo Tích Lan được mời làm Chủ Tịch Sáng Lập của Hội Phật Giáo Thân Hữu Thế Giới. Cây cờ sáu màu do đại tá H.S. Olcott, người Hoa Kỳ đến Tích Lan năm 1880, giúp khởi xướng phong trào phục hưng Phật Giáo, thành lập nền tảng giáo dục Phật Giáo cho Tích Lan, đã thiết kế lá cờ Phật Giáo sáu màu, dưới sự hướng dẫn của đại sư Hikkaduve Sri Sumangala Thera được Ðại Hội biểu quyết chấp thuận xem như lá cờ Phật Giáo Thế Giới và bánh xe chuyển pháp luân tám gọng cũng được Ðại Hội biểu quyết xem như là huy hiệu chính thức của Hội Phật Giáo Thân Hữu Thế Giới.
Hòa Thượng Tố Liên, đại diện cho Phật Giáo Việt Nam tham dự Ðại Hội thành lập Hội Phật Giáo Thân Hữu Thế Giới tại Kandy, Tích Lan năm 1950. Trong chuyến công du xúc tiến công tác Phật sự các thành viên Hội Phật Giáo Thân Hữu Thế Giới, tiến sĩ Malalasekera đã đến Việt Nam, làm cho không khí chấn hưng Phật Giáo thêm phần phấn khởi, mở đầu cho sự liên hệ giữa Phật Giáo Việt Nam và các nước Phật Giáo khác trên thế giới.
Phật Giáo Việt Nam gửi tăng sinh ra nước ngoài du học. Ba tăng sinh đầu tiên được gửi ra nước ngoài du học là Sư Ông Phúc Tuệ, thầy Minh Châu và thầy Trí Không. Năm 1951, trong nỗ lực thống nhất Phật Giáo, đại diện sáu tập đoàn Tăng Già và Cư Sĩ của ba miền Bắc, Trung, Nam họp tại chùa Từ Ðàm, Huế thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Năm 1952, phái đoàn Phật Giáo Tích Lan tham dự Ðại Hội Phật Giáo Thế Giới lần thứ 2 tại Nhật Bản có mang theo ngọc xá lợi để tặng cho Phật Giáo Nhật Bản. Ngọc xá lợi được chuyên chở trên tàu La Marseillaise của hãng Maessageries Maritimes trên đường từ Colombo đến Tokyo ghé hải cảng Sài Gòn. Chủ Tịch Hội Phật Giáo Thân Hữu Thế Giới, tiến sĩ Malalasekera thông báo cho Hòa Thượng Tố Liên biết, Hòa Thượng ủy nhiệm Hội Phật Học Nam Việt, thành viên của Tổng Hội Phật Giáo Việt
Nam tổ chức lễ cung nghinh xá lợi. Số lượng người đến lễ bái xá lợi đặt tại Nhà Kiếng, nay là trụ sở Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam, theo ước tính của báo chí lúc bấy giờ, trên nửa triệu người trong tổng số dân chúng chưa được một triệu người, đến chiêm bái. Năm sau đại đức Narada, tọa chủ chùa Vajirarama tại Tích Lan đến Việt Nam hoằng hóa, mang theo xá lợi Phật và cây bồ đề tặng cho Phật Giáo Việt Nam. Một trong những ngọc xá lợi hiện này được thờ trong bảo tháp tại chùa Xá Lợi, cũng như một trong ba cây bồ đề được trồng tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn.
Ngôi Nhà Phật Giáo Việt Nam được sơn phết lại, được nới rộng hơn. Công tác trùng tu đang tiếp diễn thì hiệp định Genève chia đôi đất nước. Ngôi Nhà Phật Giáo Việt Nam cũng bị cắt làm hai!
Hòa Thượng Ðôn Hậu (đứng) và Hòa Thượng Tố Liên (ngồi) (Ảnh chụp nhân dịp Hòa Thượng Ðôn Hậu ra Hà Nội dự Ðại Hội Tăng Già Việt Nam tại chùa Quán Sứ, Hà Nội năm 1951,Tiểu Sử, tr. 59)