Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2: Phật Giáo Việt Nam Vào Cuối Thế Kỷ 19 Ðầu Thế Kỷ 20, Dưới Thời Hòa Thượng Tâm Tịnh

25/12/201006:36(Xem: 7796)
Chương 2: Phật Giáo Việt Nam Vào Cuối Thế Kỷ 19 Ðầu Thế Kỷ 20, Dưới Thời Hòa Thượng Tâm Tịnh

NHƯ ÁNG MÂY BAY

Cuộc đời của Đại Lão Hòa Thượng
THÍCH ĐÔN HẬU
Đệ tử Tâm Đức phụng sọan
Thất chúng môn đồ ấn hành 2010 USA

QUYỂN MỘT:
HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM TỊNH (1868-1928)
VÀ PHẬT GIÁO CUỐI THẾ KỶ 19, ÐẦU THẾ KỶ 20


Chương 2: Phật Giáo Việt Nam
Vào Cuối Thế Kỷ 19 Ðầu Thế Kỷ 20,
Dưới Thời Hòa Thượng Tâm Tịnh


Phật Giáo Việt Nam từ thế kỷ 17 đã trải qua nhiều giai đoạn nghiệt ngã trong tiến trình lịch sử. Từ ngày đất nước chia đôi, chúa Trịnh, chúa Nguyễn có ý nhờ thế lực ngoại quốc để loại trừ nhau, muốn sử dụng khoa học Âu Châu nên dùng nhiều giáo sĩ Cơ Ðốc giúp việc tại triều: Chúa Hiền Vương dùng giáo sĩ Bartholomen de Costa làm thầy thuốc; chúa Minh Vương dùng giáo sĩ Jean de Lima về thiên văn và toán học; chúa Võ Vương dùng giáo sĩ Neugebauer. Giáo sĩ Siebert Slamenski, Jean Koffler, Xavier de Monteiro, Jean de Louveiro được các chúa Nguyễn trọng dụng trong nhiều lãnh vực. Ở Ðàng Ngoài chúa Trịnh dùng các giáo sĩ trong việc chế tạo vũ khí, luyện tập binh sĩ. Năm 1772 ba anh em Tây Sơn đứng lên chống lại chúa Nguyễn. Sau ba năm chiến đấu quân Tây Sơn làm chủ hầu hết lãnh thổ miền Nam. Năm 1787 quân của Nguyễn Huệ chiếm Thăng Long, lật đổ Họ Trịnh ở phương Bắc, thống nhất đất nước, lên làm vua hiệu Quang Trung. Trung Quốc mượn danh nghĩa phò vua Lê, tiến chiếm Hà Nội bị vua Quang Trung đánh đuổi ra khỏi nước.

Dưới thời Tây Sơn trong thời gian ngắn bốn năm (1785-1789) Phật Giáo Huế, đã gặp phải nhiều tai ương: Chùa chiền bị phá hủy, tượng Phật, Bồ Tát, La Hán, đại hồng chung bị tịch thu để đúc súng, đúc chảo. Sư sãi bị sung vào quân đội, cầm súng ra chiến trường chiến đấu chống quân Thanh xâm lược. Chùa chiền bị sung công làm nơi trú quân, làm kho diêm tiêu (chùa Báo Quốc), làm nhà ở cho thái sư Bùi Ðắc Tuyên (Chùa Thiền Lâm), làm kho than... Vua Quang Trung ra lệnh phá bỏ chùa làng để xây chùa lớn tại mỗi huyện. Mệnh lệnh ấy đem lại nhiều hậu quả khá tai hại đối với Phật Giáo mà sau nhiều năm hòa bình vẫn chưa cứu vãn lại được. Tại sao lại có tình trạng như vậy? Vua Quang Trung, một anh hùng dân tộc rất có thiện cảm với Phật Giáo vì Phật Giáo đã cùng vua sát cánh chống quân Thanh xâm lược, tại sao vua lại ra lệnh như vậy. Hòa Thượng Tâm Tịnh thường tự hỏi, cố tìm câu giải đáp thỏa đáng.

Dưới thời nhà Nguyễn, được sự giúp đỡ của các vua chúa, đặc biệt là các bà hoàng, bà chúa, nhiều tự viện Phật Giáo được trùng tu. Ngôi chùa được trùng tu đầu tiên năm 1807 là tổ đình Thuyền Tôn. Chùa Thuyền Tôn tọa lạc tại thôn Ngũ Tây, xã Thủy An, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, Huế. Chùa do thiền sư Liễu Quán xây cất vào đầu thế kỷ 18. Năm 1746 ông Mai văn Hoan, một Phật tử đứng ra vận động xây dựng lại chùa cho qui mô hơn. Ðến năm 1807 hai bà công chúa đứng ra trùng tu. Năm 1808 bà Lê Thị Tạ đã giúp chùa trùng tu thêm. Năm 1937 chùa bị hư hỏng nặng, Hòa Thượng Giác Nhiên, Ðệ Nhị Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vào năm 1965 tổ chức trùng tu. Sau năm 1975 Hòa Thượng Thiện Siêu kêu gọi Phật tử đại trùng tu chùa. Trong khuôn viên chùa có tháp thờ tổ Liễu Quán, tháp Hòa Thượng Giác Nhiên, tháp Hòa Thượng Thiện Minh, tháp Hòa Thượng Thiện Siêu, trong chùa có tượng Thập Ðiện Minh Vương

tolieuquanThiền sư Liễu Quán sinh tại Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, đến Thuận Hóa vào cuối thế kỷ 17. Chúa Nguyễn Minh Vương mến mộ đạo hạnh của ngài, thường thỉnh cầu ngài vào cung thuyết pháp, giảng kinh. Theo văn bia ghi chép ngài họ Lê người làng Bạc Mã, huyện Ðồng Xuân, phủ Phú Yên. Ngài sinh vào giờ Thìn tức là khoảng 7-9 giờ sáng ngày 18 tháng 11 năm Ðinh Tỵ, dương lịch là năm 1667, nhằm niên hiệu Cảnh Trị thứ 5 đời vua Lê Huyền Tôn. Ở Thuận Hóa lúc này là vào đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Năm ngài lên 6 tuổi (1672) thì mẹ mất. Ngài xin thân phụ xuất gia năm 1763 được thân phụ đưa đến chùa Hội Tôn học đạo với Hòa Thượng Tế Viên, người Trung Hoa đang hoằng hóa tại chùa này. Năm 1680 Hòa Thượng bổn sư viên tịch, năm ấy ngài được 14 tuổi. Có lẽ không có thầy để tiếp tục học đạo, ngài xin phép phụ thân cho vượt biển ra Thuận Ðô tầm sư học đạo.

Lê Quí Ðôn, thế kỷ thứ 18 cho biết, theo sổ đinh của chúa Nguyễn để lại thì một dải đất từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân được kể là xứ Thuận Hóa, chỉ có 9 huyện, 862 xã thôn, tổng số người là 126, 857. Cuộc sống của người dân rất đạm bạc. Các xứ đàng trong chắc còn ít người hơn và đời sống mộc mạc hơn.

Ðường biển từ Phú Yên muốn ra Thuận Hóa phải đến cửa Tư Dung, từ đó đi bộ lên kinh thành. Tổ Liễu Quán lúc đó chỉ là một chú tiểu 14 tuổi chưa thọ Sa Di, nhưng đã quyết tâm cầu đạo, vượt xa ngàn dặm để đến Xuân Kinh. Áo đà, tay nải, một thân một mình theo thuyền buôn vào Tư Dung, rồi lại một thân một mình đi về tận Hàm Long vào lễ tổ Giác Phong ở thảo am Hàm Long Thiên Thọ, cầu Tổ nhận cho tu học. Ðược Tổ chấp nhận cho theo học trên dưới 10 năm. Trong thời gian này thân phụ ngài bị bệnh nặng năm 1691 ngài phải trở về Phú Yên phụng dưỡng thân sinh cho đến khi thân phụ qua đời năm 1695 ngài trở lại Phú Xuân tiếp tục tu học và được thọ giới Sa Di trong đại giới đàn Thiền Lâm năm 1695 do ngài Thạch Liêm làm đường đầu Hòa Thượng. Lúc đó ngài được 28 tuổi.

Sau khi thọ giới Sa Di xong ngài đến chân núi Hòn Mô (tức núi Ngự Bình ngày nay), thấy một cái am tranh Linh Tiêu Ðiện có sẵn, nằm ở phía tây bắc chùa Viên Thông. Ngài dọn dẹp am, biến thành thảo am. Hai năm sau, tức năm Ðinh Sửu (1697) ngài đến cầu pháp với Tổ Từ Lâm, thọ cụ túc giới trong đại giới đàn do tổ Từ Lâm làm Ðường Ðầu Hòa Thượng. Năm Nhâm Ngọ (1702) ngài được Hòa Thượng Từ Dung trao truyền công án hành thiền. Sau khi nhận công án ngài lập một thảo am gần chùa Ấn Tôn (Từ Ðàm), rồi sau đó trở về Phú Yên. Mùa Xuân năm Mậu Tý (1708) ngài trở lại Long Sơn cầu Hòa Thượng Từ Dung ấn chứng công án nhưng chưa được ấn khả. Ngài đi sâu vào núi Thiên Thai lập một thảo am mới, về sau trở thành Thiên Thai Thiền Tôn Tự mà người Huế gọi là chùa Thuyền Tôn, ngôi chùa của tông phái Thiền.

Ở thảo am này hàng ngày ngài xuống con suối gần đó vớt rong để ăn. Mùa hạ năm Nhâm Thìn (1712), trong kỳ Kết Hạ An Cư của chư tăng hai xứ Thuận Hóa - Quảng Nam tại chùa Thiền Lâm do Hòa Thượng Minh Hoằng Từ Dung làm thiền chủ, ngài trình Kệ Dục Phật lên Hòa Thượng Từ Dung, tổ thứ 34 của thiền phái Lâm Tế, được Hòa Thượng ấn khả, truyền tâm ấn, ban pháp hiệu là Thiệt Diệu, tổ thứ 35 của thiền phái Lâm Tế, gọi là tổ Thiệt Diệu Liễu Quán. Từ đây tại Thuận Hóa một phái thiền mới được khai sáng gọi là Thiền Từ Dung - Liễu Quán. Phái thiền này được tổ Thiệt Diệu Liễu Quán biệt xuất một bài kệ 48 chữ, hoằng truyền rộng rãi khắp miền Trung hiện nay. Cho đến giờ đã đến thế hệ chữ Nhuận: (dựa theo tài liệu trong cuốn Lịch Sử Phật Giáo Xứ Hueá tr. 190-197 của Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm)

Thiệt tế đại đạo, tánh hải thanh trừng

Tâm nguyên quảng nhuận, đức bổn từ phong

Giới định phước huệ, thể dụng viên thông

Vĩnh siêu trí quả, mật khế thành công.

Truyền trì diệu lý, diễn xướng chánh tôn

Hạnh giải tương ưng, đạt ngộ chơn không.

Trước khi viên tịch năm 1742, ngài để lại bài thơ từ biệt:

Thất thập dư niên thế giới trung

Không không sắc sắc duyệt dung thông

Kim triều nguyện mãn hoàn gia lý

Hà tất bôn man vấn tổ tông

Ngoài bảy mươi năm trong thế giới

Không không, sắc sắc thảy dung thông

Ngày nay nguyện mãn về nơi cũ

Nào phải ân cần hỏi tổ tông

(Thích Mật Thể: Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, tr 205-206)

Trước ngôi tháp thờ ngài tại chùa Thuyền Tôn có khắc dòng chữ “Ðàm Hoa Lạc Khứ Hữu Dư Hương” (Hoa Ưu Ðàm dầu đã tàn nhưng mùi hương vẫn mãi mãi còn bay tỏa), nói lên lòng qui ngưỡng của chư Tăng Ni Phật tử Huế đô.

Hòa Thượng Giác Nhiên, Ðệ Nhị Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sinh năm 1878 tại xã Ái Tử, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ngài xuất gia năm 18 tuổi. Năm 1919 được vua Khải Ðịnh bổ nhậm làm Trú Trì quốc tự Thánh Duyên. Năm 1929 ngài làm Viện chủ chùa Thuyền Tôn. Năm 1956 ngài làm Viện Trưởng Học Viện Phật Giáo Trung Phần. Sau khi Hòa Thượng Ðệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết viên tịch năm 1973, ngài được bầu làm Ðệ Nhị Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Năm 1979 ngài viên tịch, hưởng thọ 102 tuổi.

Sau khi chùa Thuyền Tôn được trùng tu, các vua chúa, các bà hoàng bà chúa nhà Nguyễn tiếp tục cho trùng tu các chùa Quốc Ân, Từ Lâm trên đồi Quảng Tế, Từ Ðàm, Viên Thông, Viên Giác, Báo Quốc, Thiền Lâm...

Phật Giáo xứ Huế tuy được trùng hưng, nhưng chỉ ở phần hình thức, còn nội dung thì vẫn hạn chế. Vua Gia Long trong lúc bôn ba xây dựng cơ đồ, nay đây mai đó khắp vùng Gia Ðịnh, Cà Mâu, Phú Quốc, Xiêm La. Có lúc ngài và các bà chúa trú ẩn trong những ngôi chùa vùng Gia Ðịnh như chùa Ðại Giác ở Biên Hòa, chùa Từ Ân, chùa Khải Tường ở Gia Ðịnh, chùa Khải Tường ở Bình Dương, chùa Linh Thứu ở Tiền Giang. Các bà hoàng thường cầu nguyện cho chúa tai qua nạn khỏi. Sau khi thành công, trở về thành Phú Xuân, vua Gia Long và các bà chúa nhớ ân đức và lời cầu nguyện xưa đã cho trùng tu chùa, đúc tượng, đúc chuông, mở giới đàn.

Chùa Ðại Giác tọa lạc tại 393/A2 ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, cù lao Phố, thị xã Biên Hòa. Chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ 17. Năm 1749 hòa thượng Mật Hoằng từ Bình Ðịnh vào tu ở đây, đến năm 1773 được cử làm trú trì chùa. Trong thời gian chống

NAMB-thaptolieuquan

Tháp tổ Liễu Quán tại chùa Thuyền Tôn, Huế (Võ Văn Tường: Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, 41.2, tr. 118)

Tây Sơn, Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh thường đến các chùa tá túc, trong đó có chùa Ðại Giác. Công chúa Ngọc Anh, con thứ ba của Nguyễn Vương xuất gia thọ giới với Hòa Thượng Mật Hoằng. Sau khi lên ngôi năm 1802, Vua Gia Long ra lệnh trùng tu chùa, xây lầu chuông, lầu trống, cho tạc pho tượng Phật A Di Ðà cao 2.25m. Chùa còn giữ tấm hoành phi sơn son thếp vàng do công chúa Ngọc Anh hiến cúng, ghi “Ðại Giác Tự, Minh Mạng Nguyên Niên” (1820). Chùa được trùng tu lớn năm 1959.

Chùa Từ Ân tọa lạc tại 23 Ðường Tân Hóa, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc sơ khởi chùa chỉ là một thảo am, do Hòa Thượng Phật Ý dựng ở làng Tân Lộc, xã Minh Hương, phủ Tân Bình để tu. Năm Nhâm Thân (1752) Hòa Thượng xây thành chùa đặt tên là Từ Ân Tự.

Trong thời gian chống Tây Sơn, Nguyễn Vương đã có lúc tá túc trong chùa. Hậu phi ở chùa Khải Tường, ấp Tân Lộc, huyện Bình Dương, tức khu vực chợ Ðũi, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Tại đây hậu phi hạ sinh hoàng tử Phúc Ðản năm 1791, về sau nối ngôi, hiệu Minh Mạng. Năm 1804 vua Gia Long dâng cúng chùa pho

NAMB-chuadaigiac

Chùa Ðại Giác (Võ Văn Tường: Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, tr. 271)

tượng Phật bằng gỗ cao 2.5m. Năm 1832 vua Minh Mạng cho trùng tu chùa, báo đền ân đức nơi ông ra đời. Chùa bị hư hại hoàn toàn năm 1867. Hiện nay tấm bảng Quốc Ân Khải Tường Tự được treo tại chùa Từ Ân và bức tượng Phật được bảo quản tại tàng cổ viện, thành phố Hồ Chí Minh.

Chùa Từ Ân được tái thiết năm 1802. Năm 1822 vua Minh Mạng tặng bản Sắc Tứ Từ Ân Tự. Vào cuối thế kỷ 19, chùa được dời về Phú Lâm, bên cạnh Rạch Ông Buông, tức vị trí hiện nay.

Các chúa Nguyễn ở Ðàng Trong có công xây dựng nhiều chùa tháp. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) con thứ sáu của Nguyễn Hoàng, được dân chúng mến chuộng gọi là Chúa Sãi, như trước đây họ gọi chúa Nguyễn Hoàng là Chúa Tiên. Chúa được các nhân sĩ tài ba như Ðào Duy Từ, Nguyễn

NAMB-bqaktt-chuatuan

Bảng Quốc Ân Khải Tường Tự treo trong chùa Từ Ân (Võ Văn Tường: Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, tr. 182)

NAMB-chuatuan

Chùa Từ Ân (Võ Văn Tường: Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, tr. 182)

Hữu Tiến phò trợ làm cho cơ đồ Nhà Nguyễn ở phương Nam trở nên văn hiến, qui củ. Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) chăm lo chính sự, chiêu hiền đãi sĩ, nhận lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí. Vừa lên ngôi, chúa cho xây dựng chùa miếu, mở trai đàn tại chùa Linh Mụ, ăn chay một tháng cầu nguyện quốc thái dân an, bố thí chẩn bần, giúp người nghéo khó.

Vừa lên ngôi, vua Gia Long năm 1802 cho lập đàn tại chùa Thiên Mụ (Linh Mụ)ï để tế chiến sĩ trận vong. Chín năm sau (1811) vua mời thầy Tăng từ Gia Ðịnh về Kinh. Năm 1815 vua cho đại trùng tu chùa Thiên Mụ, cho đúc đại hồng chung và mời thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng chùa Ðại Giác ra Huế, phong làm Tăng Cang chùa Thiên Mụ.

Chịu ảnh hưởng văn hóa thời đại, các vua nhà Nguyễn, giống như Trung Quốc, Ðại Hàn, Nhật Bản, lấy Phật Giáo để bành trướng Nho Giáo, “dĩ Phật tải Nho”. Xem Phật Giáo là phụ, Nho Giáo mới là chính. Trong lời chiếu của vua Gia Long liên quan đến việc thờ Phật, làm chùa, có đoạn: “Thử xem những Tổ đã thành Phật như Mục Liên mà cũng không độ được mẹ, chuộng Phật Giáo như Tiêu Diễn (Lương Võ Ðế) mà cũng không giữ được thân, huống chi bọn bất trung, bất hiếu, không biết quốc vương là Phật hiện thời, bỏ cả cha mẹ là Phật sinh thành, mà đi cầu Phật xa ngoài muôn dặm để mong phúc may chưa đến, có lẽ ấy được chăng? Gần đây có kẻ sùng phụng đạo Phật, xây dựng chùa chiền quá cao, lầu gác rất là tráng lệ, đúc chuông, tô tượng rất đỗi trang hoàng, cùng là làm chay, chạy đàn, mở hội, phí tổn về cúng Phật nuôi sư không thể chép hết, để cầu Phật báo viển vông, đến nỗi tiêu hao máu mỡ. Vậy từ nay về sau, chùa quán có đổ nát mới được tu bổ, còn làm chùa mới tô tượng, đúc chuông, đàn chay hội chùa hết thảy đều cấm. Sư sãi có kẻ chân tu thì lý trưởng sở tại phải khai rõ tính danh quán chỉ, đem nộp ở quan trấn để biết rõ số.” (Quốc Sử Quán, Ðại Nam Thực Lục Chính Biên)

Bia chùa Thánh Duyên ở núi Thúy Vân (Túy Vân) cho thấy vua Minh Mạng cho xây dựng chùa Thúy Vân để hồi hướng công đức chúc thọ Thuận Thiên Cao Hoàng Thái Hậu 70 tuổi. Rõ nhất là câu đối trước chùa do vua ngự chế: “Thánh Tức Thị Phật, Phật Tức Thị Thánh”. Thánh ở đây là bà Hoàng Thái Hậu. Vua làm chùa cũng để cầu Quốc Thái Dân An. Vua Thiệu Trị (1840-1847) trong bia Ngự Chế Thị ở chùa Diệu Ðế cho biết nhận thấy Phật Giáo khuyên người làm thiện, tất chẳng hại gì cho vương đạo, nên đã theo lời thỉnh cầu của mọi người mà làm chùa Diệu Ðế. Tại bia Thiên Mụ Tự, Phước Duyên Bảo Tháp Bí, vua trích sách Luận Ngữ, Kinh Dịch, Kinh Thư làm động cơ chính trong việc trung tu chùa, tháp.

Năm 1819 vua Gia Long băng hà, con là Minh Mạng lên nối ngôi. Khác với phụ vương, vua Minh Mạng chịu ảnh hưởng Nho Giáo rất sâu đậm, không mấy tin tưởng người Âu Châu đang nỗ lực bành trướng ảnh hưởng tại Ðông Nam Á. Năm 1822 vua Minh Mạng từ chối không chịu tiếp kiến sứ thần Anh Quốc. Năm 1825 ông ra sắc lệnh cấm các nhà truyền giáo Cơ Ðốc vào Việt Nam. Năm 1847 lấy cớ vua Thiệu Trị ra lệnh bắt giữ một giáo sĩ Cơ Ðốc người Pháp, chiến thuyền Pháp tấn công hải cảng Ðà Nẵng, bắn chìm ba tàu chiến Việt Nam, giết hại hơn một trăm quân lính Việt. Năm 1858 chiến thuyền Pháp tấn công Ðà Nẵng lần thứ hai. Năm 1862 vua Tự Ðức nhường ba tỉnh miền đông, rồi ba tỉnh miền tây nam bộ cho Pháp năm 1866.

Dưới thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị nhiều chùa chiền được trùng tu, nhiều pháp tượng, pháp khí được chế tạo. Vua Minh Mạng cho mình kiếp trước là một nhà sư, nên năm Minh Mạng thứ 20 (1839), đã biến chỗ ở của mình ngày trước, thành chùa thờ Phật, hiệu Giác Hoàng, có nghĩa là ông vua đã ngộ đạo. Thiền sư Tánh Thiên Nhất Ðịnh (1784-1847) thế hệ thứ 5 của phái Liễu Quán được mời làm Tăng Cang chùa Giác Hoàng sau buổi lễ khánh thành chùa. Vua Minh Mạng còn cho tổ chức trai đàn năm lần tại chùa Linh Mụ để cầu siêu độ cho những oan hồn uổng tử, cầu quốc thái dân an. Vua còn mở cuộc sát hạch Tăng sĩ. Năm 1830 vua xuống chỉ dụ vân tập chư tăng trong nước về chùa Báo Quốc tham dự sát hạch về giới luật. Chỉ những vị nào tinh thông giới luật, mới được cấp đồ điệp, tiếp tục tu hành, được qua đò miễn thuế.

Vua Thiệu Trị (1840-1847) có công xây dựng bảo tháp Phước Duyên tại chùa Linh Mụ, khởi sự năm Thiệu Trị thứ tư (Giáp Thìn, 1844), hoàn tất năm Thiệu Trị thứ năm (Ất Ty, 1845)ù. Theo gương vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị lấy tiền của mình làm chùa Diệu Ðế, chế tạo đại hồng chung, dựng bia ký. Cuối thời Thiệu Trị (1847) chùa Từ Hiếu được xây dựng.

Hòa Thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh tự hỏi tại sao trước hiểm họa xâm lăng của quân Pháp, trước sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân, sự bành trướng của Cơ Ðốc Giáo, vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, những vị vua có liên hệ mật thiết với Phật, với chùa, với chư tăng; có công trùng tu xây dựng chùa tháp mà lại có những chiếu chỉ, bia ký v.v... như vậy. Giáo lý Phật, tư tưởng của các thiền sư, nếp sống của chư tăng, đức tin của tín đồ không có ảnh hưởng mấy với những bậc quân vương này? Hay tại vì phương thức chuyển đạt của các nhà sư không mấy tinh vi, hay tại các nhà lãnh đạo Phật Giáo muốn lánh xa trần thế, không mấy quan tâm? Hay quá bận tâm với thế sự mà quên chấn chỉnh sơn môn?

Ðến thời vua Tự Ðức (1848-1883), quan giám sát ngự sử Lạng Bằng (phụ trách hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng) là Trần Văn Ý, giám sát ngự sử Nam Ngãi (Quảng Nam và Quảng Ngãi) là Nguyễn Văn Tố năm 1849, tức là năm Tự Ðức thứ hai, đã điều trần lên vua, công kích Phật Giáo, đề nghị bắt chư tăng hoàn tục để tăng nhân công sản xuất, tăng thuế đinh. Phạm Duy Phiên, người Hà Nội ngày 12 tháng 2 năm 1858 (Tự Ðức năm 12) vào kinh đánh trống dâng điều trần, xin phế bỏ Phật Giáo (Châu Bảo Triều Nguyễn, Chư Nha). Lê Ngọc Chấn, Nho sinh Thừa Thiên ngày 27 tháng 10 năm 1858, dâng mật sớ điều trần xin vua bỏ chi phí thờ Phật; đề nghị xin dỡ chùa, phá chuông để sung vào quân nhu, quân khố (Quốc Sử Quán - Châu Bảo Triều Nguyễn - Cơ Mật)

Dưới thời Tự Ðức nước nhà gặp nhiều nguy biến. Năm 1862 qua Hòa Ước Nhâm Tuất, ba tỉnh miền đông Nam Việt: Biên Hòa, Gia Ðịnh, Ðịnh Tường bị cắt cho Pháp. Dân chúng bất mãn. Năm Bính Dần, 1866 một cuộc khởi nghĩa do ba anh em họ Ðoàn là Ðoàn Trưng, Ðoàn Hữu Ái và Ðoàn Tư Trực cùng với vị trú trì chùa Thiên Phước là thiền sư Nguyễn Văn Quí đứng ra lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa thất bại. Thiền sư Nguyễn văn Quí và ba anh em họ Ðoàn bị vua Tự Ðức xử cắt từng miếng thịt, cho đến khi tắt thở. Ngoài ra còn nhiều tổ chức khác muốn bảo vệ tổ quốc, chống thực dân Pháp ra đời, như lực lượng bí mật có thiền sư Phạm Tấn Kỳ, hiệu là Ðạo Linh tham dự, năm Tự Ðức thứ 26 (1874). Sự hy sinh, lòng can đảm của thiền sư Nguyễn Văn Quí, Phạm Tấn Kỳ đáng được ghi danh, nhưng như vậy có giúp cải thiện tình trạng Phật Giáo? Và phải chăng đó là nhiệm vụ chính của các nhà sư? Cuộc khởi nghĩa năm 1916 của vua Duy Tân có sự tham dự của Trần Cao Vân, Thái Phiên. Trần Cao Vân đã từng xuất gia tại chùa Cổ Lâm, pháp danh Như Ý. Trước đó Trần Cao Vân đã tham gia cuộc khởi nghĩa của thiền sư Võ Trứ ở Phú Yên.

Trước cảnh nước mất nhà tan, ai mà không động lòng. Dầu là nhà sư, bỏ chuyện thế gian, xuất gia cầu đạo, tìm đường giải thoát cảnh sinh tử luân hồi, nhưng tiếng gọi non sông, cởi cà sa khoác chiến bào, có một mãnh lực khó có thể kềm chế được.

Ðể đối phó với chánh sách thuộc địa, bành trướng thị trường, bành trướng tín ngưỡng của Tây Âu, các nhà lãnh đạo Á Châu lúc bấy giờ, trong đó có vua Tự Ðức và một số quan lại chủ trương bế quan tỏa cảng, diệt trừ tà giáo và đã tỏ ra bất lực. Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật Bản kịp thời thay đổi đường lối, trong khi Trung Quốc, Ðại Hàn, Việt Nam lún sâu vào tường thành bảo thủ. Phật Giáo vào giai đoạn này không còn ở thế chỉ đạo. Hành xử của các nhà sư “bỏ cà sa khoác chiến bào” là một lựa chọn có vẻ chẳng đặng đừng.

Sau ngày vua Tự Ðức băng hà 19-7-1883, Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng. Vua không có con trai nối ngôi, trong khi triều đình đang kiếm người kế vị thì hải quân Pháp tấn công Cửa Thuận. Chiến thuyền Pháp đi dọc theo Sông Hương tiến chiếm kinh đô Huế. Ngày 25 tháng 8, 1883, Việt Nam ký thỏa ước với Pháp, chấp nhận chế độ Bảo Hộ Pháp cho Bắc Kỳ và Trung Kỳ, chế độ Thuộc Ðịa Pháp cho Nam Kỳ. Việt Nam không còn là một quốc gia thống nhất, độc lập, mà là một nước bị đô hộ và bi chia thành ba mảnh.

Trung Quốc không chấp nhận chế độ thuộc địa Pháp tại Việt Nam nên đã đem quân vào Việt Nam tháng Tám năm 1883. Tháng 12 quân Pháp tấn công quân Trung Hoa. Cuộc chiến tranh Hoa Pháp kéo dai suốt hai năm. Ngày 9 tháng 6, 1885 Hiệp Ước Tientsin (Thiên Tân) được ký kết, Trung Quốc thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ trong khi tại triều đình Huế khủng hoảng kế thừa vương vị tiếp diễn:

– Vua Dục Ðức lên ngôi được 3 ngày.

– Vua Hiệp Hòa làm vua được 5 tháng (tháng 6 đến tháng 11, 1883).

– Vua Kiến Phúc tại vị được 9 tháng (từ tháng 12-1883 đến tháng 8, 1884).

– Vua Hàm Nghi trên ngai vàng được một năm (từ tháng 8, 1884 đến tháng 8, 1885).

Vua Hàm Nghi tên là Ưng Lịch, em ruột của vua Kiến Phúc Ưng Ðăng bị Nguyễn Văn Tường âm mưu giết hại, lên ngai vàng khi 13 tuổi. Lễ đăng quang ngày 1 tháng 8, 1884 triều đình Huế không thông báo cho tòa Khâm Sứ Huế, nên Pháp không thừa nhận, yêu cầu Cơ Mật Viện sang tòa Khâm Sứ họp bàn. Tôn thất Thuyết từ chối, tướng Pháp De Courcy dọa đem quân tới bắt. Ðêm 7 tháng 7, 1885 Tôn Thất Thuyết ra lệnh tấn công bất ngờ vào đồn Mang Cá và đồn Pháp cạnh tòa

Khâm Sứ. Vì vũ khí thô sô và phối hợp thiếu chặt chẽ, chẳng bao lâu quân Pháp làm chủ tình hình. Tàn quân của Tôn Thất Thuyết, vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng chạy ra Quảng Trị đến vùng Tân Sở giáp ranh giới Lào trốn tránh, rồi chuyển dần ra căn cứ Hà Tĩnh, nơi vua Hàm Nghi ngày 14-11-1888 bị quân Pháp bắt đem đi an trí tại Angier, thủ đô Algerie, thuộc địa của Pháp tại Bắc Phi.

Vua Ðồng Khánh (1885-1888).

Trong thời gian vua Hàm Nghi sống tại căn cứ Tân Sở, giới thẩm quyền Pháp và Cơ Mật Viện đưa Kiến Giang Quận Công (Ưng Ðường) lên làm vua hiệu Ðồng Khánh, một vị vua rất thân Pháp, trị vì được ba năm (tháng 10, 1885- tháng 12, 1888) và đã qua đời vì bệnh, hưởng thọ 25 tuổi, để lại 9 người con, 6 trai, 3 gái.

Vua Thành Thái (1889-1907).

Sáu người con trai của vua Ðồng Khánh quá nhỏ nên triều đình đón người con thứ bảy của vua Dục Ðức 8 tuổi lên làm vua, hiệu Thành Thái. Vua Thành Thái rất thông minh, cần mẫn, gần dân, không được Pháp tín nhiệm, bị Pháp quản thúc tại Vũng Tàu rồi đưa sang đảo Reunion an trí cùng con là Duy Tân cho đến năm 1947 được trở về Việt Nam, nhưng chỉ được sống tại Sài Gòn, mãi đến năm 1953 mới được ra Huế thăm gia đình. Vua Thành Thái mất tại Sài Gòn ngày 24-3-1954, hưởng thọ 74 tuổi, được con cháu đưa về Huế an táng.

Vua Duy Tân (1907-1916).

Sau khi hạ bệ vua Thành Thái, nhà cầm quyền Pháp đưa con là hoàng tử Vĩnh Sang, 8 tuổi, lên ngôi, hiệu Duy Tân. Cuối năm 1916 lúc vua Duy Tân trên 17 tuổi, không chịu đựng được sự thống trị của Pháp, bí mật gặp hai chí sĩ Việt Nam Quang Phục Hội là Trần Cao Vân và Thái Phiên bàn chuyện khởi nghĩa, không may kế hoạch bị lộ, vua và nhiều chí sĩ bị quân Pháp bắt tại một ngôi chùa ở Quảng Ngãi. Không chịu thay đổi lập trường, vua bị đưa vào Vũng Tàu rồi chở qua đảo Reunion cùng phụ vương. Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Ðề, Nguyễn Quang Siêu bị xử tử.

Trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến, vua Duy Tân tình nguyện tham gia không lực Pháp. Sau khi Ðồng Minh thắng trận, vua được giải ngũ với chức thiếu tá không quân Pháp. Vua được tướng De Gaulle cho về Việt Nam với kế hoạch đem lại nền độc lập cho Việt Nam. Trên đường bay về Việt Nam, ông ghé Reunion thăm gia đình, máy bay của ông gặp nạn, ông bị chết năm 46 tuổi.

Vua Khải Ðịnh (1916-1925).

Hoàng thân Phụng Hóa (Bửu Ðảo) con trai của vua Ðồng Khánh, sinh năm 1884. Khi vua Duy Tân bị đầy đi Reunion, hoàng thân năm 32 tuổi được chính quyền bảo hộ Pháp và triều đình Huế đưa lên làm vua hiệu Khải Ðịnh. Giống như phụ vương Ðồng Khánh, vua Khải Ðịnh có khuynh hướng thân Pháp. Tháng 4 năm 1922 trước ngày sang Pháp dự Hội Chợ, vua cho làm lễ sắc phong hoàng tử Vĩnh Thụy 10 tuổi làm Ðông Cung Thái Tử, được khâm sứ Charles mang sang Pháp học tập...

Những biến thiên lịch sử này Hòa Thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh hoặc tự chứng kiến, hoặc được các bậc tiền nhân kể lại, đặc biệt những người trong đại nội thường hay lui tới chùa Từ Hiếu, nơi Hòa Thượng từng cư trú. Năm 1916, năm vua Duy Tân khởi nghĩa, là năm Hòa Thượng về thăm quê nhà, tạm trú tại chùa Sắc Tứ Tịnh Quang ở thôn Ái Tử, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nơi trước đây sư thúc Hải Hoa Phát Ðạt đã làm Trụ Trì.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]