Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6 Phẩm Bất tư nghị

16/12/201017:02(Xem: 9171)
6 Phẩm Bất tư nghị

 

ĐƯỜNG TU KHÔNG HAI
KINH DUY MA CẬT GIẢNG LUẬN
Minh Tâm
Nhà Xuất Bản Thanh Văn - USA 1991

6. Phẩm BẤT TƯ NGHỊ

Lúc bấy giờ Ngài Xá Lợi Phất thấy nhà ông Duy Ma Cật không có bàn ghế, bèn suy nghĩ không biết mọi người sẽ ngồi nơi đâu? Ông Duy Ma Cật biết ý liền hỏi Ngài vì Pháp mà đến hay vì chỗ ngồi mà đến? Ngài Xá Lợi Phất đáp vì Pháp mà đến.

Nhà ông Duy Ma Cật giầu có tất nhiên có nhiều đồ đạc quý giá, nhưng ông dùng thần thông làm cho nhà trống rỗng là có ý muốn diễn tả tâm thanh tịnh, Tâm Không, hết phiền não nhiễm ô. Phẩm thứ V nói về Ngã Không, Phẩm thứ VI này nói về Pháp Không, dạy người tu hành đừng đắm nhiễm bất cứ một pháp nào, cứ tùy thuận mà tu. Người cầu pháp thân mạng còn không tham tiếc huống chi bàn ghế; muốn tới Chân Lý, người tu hành phải phá trừ ngã chấp và pháp chấp, lìa năm uẩn, mười hai nhập, mười tám giới. Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Mười hai nhập gồm có sáu căn và sáu trần. Mười tám giới gồm sáu căn, sáu trần và sáu thức. Nói mười tám giới là gồm cả vật chất và tinh thần hợp lại cấu tạo nên chúng sinh và cảnh vật trong ba cõi. Người cầu pháp không được đắm nhiễm trong mợi sự vật ở thế gian, ngay cả đến Ba Ngôi Quý (Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng) cũng không được đắm trước, vì đứng về Lý Tánh tuyệt đối thì Phật Bảo cũng không cầu. Pháp Bảo (Tứ Diệu Đế) cũng không đắc, Tăng Bảo cũng không trụ, Vô Cầu, Vô Đắc, Vô Trụ, không thể dùng hữu vi để cầu vô vi, không dùng hữu tướng để đắc Vô Tướng hay Thật Tướng. Vậy muốn cầu pháp, cầu Chân Lý thì phải Vô Cầu bỏ tâm mong cầu, vượt qua ngã chấp và pháp chấp thì thấy được Chân Lý.

Người tu hành mà còn thấy có mình tu, có pháp môn tu, có chúng sinh để độ, có Niết Bàn để chứng thì còn chấp ngã, chấp pháp, còn luẩn quẩn trong vòng sắc tướng hữu vi thì không thể chứng ngộ pháp vô vi được. Nói chứng đắc nhưng thật ra không gì được cả vì chúng sinh sẵn có Phật Tánh đầy đủ Đức Tướng của Như Lai rồi, ví như viên ngọc nằm sẵn trong áo, mê thì không biết là có, nay tỉnh thì thấy viên ngọc cho là đắc, thật ra có đắc gì đâu. Pháp là tịch diệt, không sinh diệt, không tạo tác, không thủ xả, không xứ sở: đã là tịch diệt thì không chấp trước gì nữa, cứ để Tâm thanh tịnh an nhiên tự tại, việc gì tùy thuận lợi ích chúng sinh thì làm, làm xong thì bỏ, chỗ nào cũng tu được, ở chùa, ở chợ, ở nhà đều tu, mà tu nhà tu chợ cần hơn tu chùa, vì gần nhiều chúng sinh xấu ác, có nhiều cơ duyên thực hành Bồ Tát Đạo. Không chấp tướng giầu nghèo, không chấp hình thức lễ bái, không trụ một pháp môn nào, mà phải tùy thuận chúng sinh, tùy hỷ hướng dẫn tu hành, ai thích tụng kinh thì dạy tụng kinh, ai thích niệm Phật thì cùng niệm Phật, ai thích tu thiền thì cùng tọa thiền, không chấp pháp nào hơn pháp nào, miễn là hợp căn cơ ý thích của chúng sinh, lợi ích chúng sinh hướng về giác ngộ.

Đối với tất cả pháp, đừng cầu một cái gì thì gọi là cầu pháp. Không móng tâm tham đắm, không mong được vật gì, là vì mình đã sẵn có đủ cả rồi; hiểu vậy thì không tham cầu nữa, luật nhân duyên quả báo rất minh bạch, dù cầu hoặc không cầu, khi đủ nhân duyên thì sẽ kết quả.

Năm trăm vị Trời được pháp nhãn thanh tịnh; sau khi được nghe lời nói mầu nhiệm của ông Duy Ma Cật, năm trăm vị Trời thức tỉnh, ví như người mù được sáng mắt, người ngủ mê tỉnh giấc chiêm bao, thấy rõ Chân Lý.

Ông Duy Ma Cật hỏi Ngài Văn Thù nơi nào có những tòa sư tử tốt đẹp do công đức tạo thành ? Tòa sư tử là những ghế ngồi oai nghiêm, người nào được ngồi ghế đó phải có nhiều công đức người khác thấy phải kính trọng sợ sệt, ví như con sư tử chúa, các súc vật khác thấy phải sợ hãi. Ngài Văn Thù đáp: về phương Đông cách đây rất xa có thế giới Tu Di Tướng, có Phật hiệu là Tu Di Đăng Vương, có tòa sư tử cao đẹp trang nghiêm bậc nhất.

Kinh Đại Thừa mỗi khi đưa ra tên một vị Phật, một vị Bồ Tát, một thế giới, một quốc độ... thường ám chỉ một đức tánh cao quý, một cái gì tuyệt vời khó diễn tả, vượt ra ngoài ngôn ngữ tâm duyên. Ở đây, danh từ Tu Di Đăng Vương, nghĩa đen là ngọn đèn Vua ở trên núi Tu Di, một ngọn núi cao nhất thế giới Ta Bà, sáng nhất, chiếu soi xa nhất, cao nhất. Đây là muốn ám chỉ Phật Tánh. Chân Tâm tuyệt vời huyền diệu, sáng soi vô cùng vô tận vô biên.

Đức Phật Tu Di Đăng Vương có ba vạn hai ngàn tòa sư tử cao rộng trang nghiêm thanh tịnh, nghĩa là Chân Tâm có nhiều đức tánh, oai lực không thể nghĩ bàn, cũng có nghĩa là những người tu hành chân chánh có nhiều thần thông mạnh mẽ, dù không cầu mà vẫn có. Do ông Duy Ma Cật hiện sức thần thông mà ba vạn hai ngàn tòa sư tử đó đến vào trong nhà ông mà không bị ngăn ngại, không bị ép chật. Đứng về sác tướng thì có cao thấp, rộng hẹp, lớn nhỏ, đây đứng về Thể Tánh thì không có hình tướng nên mọi sự mọi vật dung thông tự tại. Kinh Hoa Nghiêm trình bày Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới, cũng nói đem núi Tu Di nhét vào trong hạt cải mà không thấy chật hẹp. Vì sao? Đây là nói về Bản Thể không tướng trạng, mới như vậy. Lớn nhỏ (không gian), dài ngắn (thời gian) đều bị đảo lộn, lìa hình tướng vật chất để thể nhập tâm linh. Ông Duy Ma Cật tượng trưng cho bản tâm thanh tịnh mà ai cũng có. Đem nhiều tòa sư tử vào nhà ông mà không bị ép chật, vì tòa sư tử đây là những đức tánh, những thần thông oai lực không có tướng trạng nên không thấy chật hẹp. Ví như chúng ta nghĩ tới núi Tu Di, đem hình bóng núi vào trong tâm mà không thấy bị dồn ép, vì chỉ là tâm tưởng mà thôi, không thật có.

Tâm có nhiều sức mạnh, đem hình tướng những vật lớn vào trong tâm là đảo lộn không gian, đem quá khứ vị lai vào hiện tại là đảo lộn thời gian, tâm mình có khả năng như vậy, nhưng vẫn là vọng tưởng, là huyễn, là giả, đừng chấp là thật, thì tham sân si không nổi, được an định. Bồ Tát biết vọng tưởng là huyễn nên có chánh định, chúng sinh tưởng là thật nên bị tán loạn, không có định, bị khổ đau. Người tu hành không để trần cảnh chi phối mình; những gì đã qua thì đừng cho trở lại, gây thêm phiền não, những gì chưa đến thì chẳng bận lòng, do đó không sợ phiền não, không cần tránh né vì biết chúng không thật có, như huyễn, chúng đến thì rồi sẽ qua, gặp mọi hoàn cảnh đều coi nhẹ, chỗ nào cũng tu được, không chấp chùa mới thanh tịnh, còn chợ ồn ào, nhà ràng buộc. Chỉ cần Tâm tịnh thì nơi nào cũng tịnh, cảnh nào cũng thanh.

Các Bồ Tát lớn có thần thông nên biến hiện thân hình cao lớn, lên ngồi tòa sư tử được. Còn các Bồ Tát mới phát tâm và các hàng Thanh Vãn đệ tử đều không lên được. Các Đại Bồ Tát đã nhiều công tu hành, không còn chấp tướng, thâm nhập Bản Thể có thần thông diệu dụng, tâm thể dung thông mọi sự mọi vật không gì chướng ngại, nên dễ dàng lên ngồi tòa sư tử, vì đối với các Ngài, làm gì còn cao thấp, rộng chật? Nhưng đối với các vị Bồ Tát mới phát tâm và hàng Thanh Văn thì còn chấp hình tướng, chấp có giới luật phải giữ, có pháp môn phải tu, có quả vị để chứng, các Ngài chưa thâm nhập Bản Thể, tâm chưa dung thông với vũ trụ, chưa hòa nhập với thiên nhiên, chưa thấy tất cả là một, nên còn thấy có cao thấp rộng chật, vì vậy không lên ngồi tòa sư tử được. Ông Duy Ma Cật liền bảo Ngài Xá Lợi Phất và hàng đệ tử phải đảnh lễ Đức Tu Di Đăng Vương Như Lai mới có thể lên ngồi được. Ngài Xá Lợi Phất được lên ngồi liền tán thán, ông Duy Ma Cật nói: Đó là pháp Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát của các Bồ Tát.

Các hàng Thanh Văn đệ tử phải đảnh lễ Đức Tu Di Đăng Vương Như Lai, nghĩa là bỏ chỗ tối về chỗ sáng, bỏ vô minh về với ngọn đèn sáng soi cao diệu tuyệt vời, bỏ tướng nhập tánh, bỏ vọng thức quay về với Chân Tâm, hoán cải tâm hồn, bỏ Tiểu Thừa mà qua Đại Thừa, thì mới lên ngồi tòa sư tử, phải bỏ những gì thấp hèn, nặng nề, ô trược, mới bay bổng lên chỗ tuyệt đỉnh cao siêu. Đó là pháp Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát, một pháp môn không thể nghĩ bàn, một con đường đưa đến giải thoát, vì nó vượt ra ngoài danh từ ngôn ngữ tâm duyên, chỉ khi nào chứng thì biết. Nói chứng là tạm nói cho dễ hiểu mà thôi, chứ thật ra thì vô chứng, vô đắc. Chư Tổ có dạy: Tu, vô tu, tu. Chứng, vô chứng, chứng. Có nghĩa là: tu đến chỗ không thấy mình tu mới thật là tu Chứng đến chỗ không thấy mình chứng mới thật là chứng. Những thí dụ: đem núi Tu Di nhét vào hạt cải, đem nước bốn biển lớn cho vào lỗ chân lông, ném cõi tam thiên đại thiên thế giới ra xa rồi đem trở lại, kéo dài bảy ngày làm một kiếp, thu ngắn một kiếp làm bảy ngày, hút gió vào miệng, đem lửa vào ý muốn diễn tả tất cả các pháp trong không gian và thời gian (đất, nước, gió, lữa là bốn đại tượng trưng cho không gian, ngày và kiếp tượng trưng cho thời gian) đều là những tướng trạng tương đối, vô thường vô ngã, là những ước lệ đặt ra để phân biệt chúng đều là giả huyễn, không thật có. Các Đại Bồ Tát thấy rõ bản thể của vạn pháp nên các Ngài ung dung tự tại, còn chúng sinh thì u mê chấp trước nên cứ quanh quẩn trong vòng sinh tử luân hồi, bị các luật thiên nhiên vận chuyển chi phối mà không hay biết gì cả.

Các Bồ Tát trụ cảnh Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát hay dùng thần thông hiện các thứ thân Phật, Bồ Tát, Trời, Vua... biến các thứ tiếng to nhỏ thành tiếng Phật diễn nói các pháp: Đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn của các Đại Bồ Tát tùy duyên hóa độ chúng sinh, thuận theo ý chúng sinh mà biến hiện các hình tướng thích hợp, dù biết âm thanh như huyễn mà vẫn biến ra các thứ tiếng để hoằng dương Phật Pháp. Nếu chúng sinh biết lắng lòng quán sát các luật thiên nhiên đang vận hành vũ trụ, gió thổi lá rụng hoa tàn là luật vô thường, mọi vật đổi thay là lý vô ngã, thì đâu đâu cũng thấy hình bóng Phật, thể hiện Chân Lý tuyệt vời, mọi thứ tiếng trên thế gian đều là tiếng Phật, tiếng Pháp, tất cả đều diễn đạt Chân Lý.

Nếu biết áp dụng thâm nghĩa của đoạn kinh này vào cuộc đời thì không còn chấp hình tướng, âm thanh mà vượt lên trên để tiêu dao tự tại, hết trói buộc khổ đau. Nếu không chấp hình tướng thì không cần đồ trang sức, quần áo sang trọng, trang điểm mặt mày... mà chỉ cần làm sao cho sạch sẽ vui vẻ, thanh tịnh hoan hỷ là được. Nếu không chấp âm thanh, biết các thứ tiếng, các lời nói như huyễn thì không để lời khen tiếng chê chi phối, những tiếng xấu ác thị phi đều coi như gió thoảng ngoài tai, khi đó tâm được an định, bình tĩnh sáng suốt để tu hành. Không nghe tiếng đời thì mới nghe được tiếng Phật, tiếng Tổ. Trái lại, nếu cố chấp tiếng thị phi thì dù Phật hay Tổ có dạy gì cũng khó nghe thấy để làm theo. Có câu thơ:

Đôi lời phù phiếm tiêu không nổi
Nói chi lời Tổ ở Tây Phương.

Ngài Đại Ca Diếp nghe được pháp môn Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát của Bồ Tát, ngợi khen chưa từng có, chúng sinb có mắt như mù, có tai như điếc không thấy không nghe, người trí được nghe ai mà chẳng phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác. Các hàng Thanh Văn ngộ đạo được đôi chút cho là đủ, dù chứng quả A Lan Hán ra khỏi sinh tử luân hồi nhưng chưa được rốt ráo nay đứng trước sự thật tuyệt vời, thấy rõ oai lực của Bồ Tát, mới biết mình hãy còn chấp trước nơi pháp Tiểu Thừa, mình mới đã được một đoạn đường dẫn tới giải thoát, nên tủi thân trách phận, than khóc hối tiếc sự u tối của mình, còn các Bồ Tát thì hết sức vui mừng, tin hiểu tu theo pháp Đại Thừa, nhờ vậy chúng ma không thể làm gì được.

Chúng ta thường quan niệm ma là những hình bóng hiện lên đe dọa làm hại khiến chúng ta sợ hãi, làm chướng ngại sự tu hành. Nhưng ông Duy Ma Cật lại nói rằng Ma Vương phần nhiều là các bậc Bồ Tát trụ nơi pháp Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát dùng sức phương tiện giáo hóa chúng sinh, thị hiện làm Ma Vương, để giáo hóa thử thách chúng sinh có tu hành kiên cố hay không ? Thí dụ: Có người phát tâm tu hành bố thí, các Bồ Tát thị hiện Ma Vương đến xin vàng bạc, nhà cửa, vợ con, chân tay đầu mắt... xem người tu đó có thực hành bố thí như đã phát nguyện không ? Hoặc có người phát tâm tu hạnh nhẫn nhục thì các Bồ Tát thị hiện Ma Vương đến quấy nhiễu xem người tu có nhẫn nhục được không? Hoặc có người phát thệ nguyện tu hành thanh tịnh lìa sắc dục thì các Bồ Tát thị hiện Ma Nữ đến thử thách quyến rũ xem người tu có bị sa ngã không?

Nhưng nói về lý thì các Ma Vương chính là thất tình lục dục tiềm ẩn trong tâm khảm chúng sinh, những thói hư tật xấu luôn luôn xui giục chúng sinh làm điều sằng bậy, người tu hành cần tinh tấn sáng suốt đối trị vọng thức của mình, thấy điều xấu thì tránh, điều tốt thì làm (thực hành Tứ Chánh Cần), lần lần vọng tưởng bị điều phục, Chân Tâm sáng tỏ, đó là được giải thoát không thể nghĩ bàn vậy. Những việc khó làm như vậy chỉ có các vị Bồ Tát Đại Thừa mới kham được, còn các Thanh Văn tu theo Tiểu Thừa hoặc phàm phu thì không làm được, vì không chịu nổi sự thử thách nặng nề, ví như bị con voi lớn dày đạp, sức lừa không chịu nổi. Giáo lý Đại Thừa khó nghe khó hiểu, cần phát Bồ Đề Tâm dõng mănh mới tu theo được.

Các Bồ Tát hiện thân Ma Vương để giáo hóa chúng sinh tu trong cảnh nghịch, mà chính những cảnh nghịch lại giúp người tu trưởng thành nhẫn nhục, phát huy trí huệ, nẩy nở khả năng bất ngờ, vì phải gắng sức tích cực chế ngự nghịch cảnh, vượt qua khó khăn. Mình có trải qua những khó khăn loạn động của cuộc đời rồi mới dạy người khác tu trong cảnh nghịch; nhờ biết các pháp như huyễn nên không sợ, không phiền não, không say đắm, nhờ có trí huệ và từ bi nên có thể ở đời để cứu giúp chúng sinh mà không chán nản mỏi mệt, không sợ dòng đời lôi cuốn, đó là đường lối tu hành của Kinh Duy Ma Cật. Lấy gia đình xã hội làm đạo tràng, lấy chúng sinh tội lỗi làm mục tiêu thân cận giáo hóa, tìm Niết Bàn thanh tịnh trong đời sống xã hội, trong cảnh phiền não vọng tưởng của chúng sinh, chuyển hóa vọng thức của chúng sinh thành Chân Tâm, Tâm Tịnh là Đạo Tràng, Tâm Tịnh Quốc Độ Tịnh. Đó chính là tôn chỉ và mục đích của Kinh Duy Ma Cật.

Ba vạn hai ngàn vị Trời nhờ tu mười điều thiện mà được hưởng nhiều phước báo, nay được nghe Ngài Đại Ca Diếp tán thán pháp môn Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát, liền phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, nghĩa là không ham phước đức nữa mà cầu công đức, bỏ pháp hữu vi hữu lậu để mong được vô vi vô lậu lìa Tiểu Thừa để bước trên đường rộng rãi, ngồi xe lớn tiến về chỗ giải thoát hoàn toàn, nhập Bản Thể Chân Như.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]