Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

23. Phật Giáo Có Tin Luân Hồi Là Chuyện Chính Xác Có Thực Hay Không

06/12/201016:41(Xem: 9806)
23. Phật Giáo Có Tin Luân Hồi Là Chuyện Chính Xác Có Thực Hay Không

23. PHẬT GIÁO CÓ TIN LUÂN HỒI LÀ CHUYỆN CHÍNH XÁC CÓ THỰC HAY KHÔNG

Phật giáo trả lời khẳng định. Phật giáo cho rằng tất cả chúng sinh, trừ các bậc đã giải thoát khỏi sinh tử (các vị A La Hán của Tiểu thừa giáo) hay là các bậc đã tự chủ đối với sinh tử (các bậc thánh Bồ Tát của Đại thừa), còn thì tất cả đều ở trong vòng sinh tử luân hồi.

Luân hồi là trôi dạt, nổi lên chìm xuống trong vòng sinh tử, chứ không giống như cái bánh xe quay vòng. Phạm vi luân hồi bao gồm sáu cõi sống, Phật giáo gọi là 6 đạo, kể từ trên xuống là cõi Trời, cõi Người, cõi Tu La (thần đạo), cõi súc sinh, cõi quỷ, cõi địa ngục. Sáu cõi này là phạm vi luân hồi sinh tử của những chúng sinh sống giữ 5 giới 10 thiện hay là phạm 10 ác, 5 tội nghịch (là giết cha, giết mẹ, phá hòa hợp Tăng, giết A La Hán, làm chảy máu Phật). Năm giới, 10 thiện chia thành 4 phẩm (thượng, trung, hạ) : sinh làm loài trời, loài người, A-tu-la. Mười ác, 5 tội nghịch cũng chia làm 3 phẩm (thượng, trung, hạ) : sinh làm súc sinh, làm quỷ, hay là ở nơi địa ngục. Làm nghiệp thiện thì sinh ở 3 cõi trên, làm nghiệp ác thì sinh ở 3 cõi dưới. Trong mỗi cõi sống như vậy, hưởng hết phúc, hay là chịu hết tội báo là chấm dứt một kỳ sinh tử, mở ra một kỳ sinh tử khác. Luân chuyển trong sáu cõi sống như vậy, sống rồi chết, chết rồi lại sống một đời khác, như vậy gọi là luân hồi.

Đặc biệt, Phật giáo tin rằng, phạm vi luân hồi sinh tử tuy là có 6 cõi, nhưng cõi người là chủ đạo, vì chỉ ở cõi người, chúng sinh vừa có thể gieo các nhân thiện hay ác nghiệp, vừa chịu quả báo. Còn ở các cõi sống khác, chúng sinh chỉ có một chiều hướng phúc báo, không có cơ hội tạo nghiệp mới. Còn ở 3 cõi khổ, súc sinh, quỷ đói, địa ngục thì chúng sinh một chiều chịu quả báo khổ, không có năng lực phân biệt được thiện, ác. Chỉ có ở cõi Người, chúng sinh vừa thụ quả báo vui, vừa chịu quả báo khổ, lại có thể phân biệt được thiện, ác. Phật giáo cho rằng, nghiệp lực tạo tác, chủ yếu diễn ra trên bình diện tâm thức. Nếu trên bình diện tâm thức, không có cơ hội, hay không có năng lực phân biệt thiện, ác thì không có tạo nghiệp. Vì vậy mà Phật giáo rất coi trọng trách nhiệm của hành vi thiện, ác nơi cõi người.

Chính vì, nhân chủ yếu tạo nghiệp là ở cõi người, cho nên chúng sinh tái sinh lên cõi Trời, hay là đọa xuống các cõi ác đều có cơ hội đọa xuống hay thăng lên, chứ không có chuyện đọa xuống vĩnh viễn hay là thăng lên vĩnh viễn.

Chúng sinh ở cõi Người, tạo nghiệp nhân có thiện có ác, có nghiệp nặng, có nghiệp nhẹ. Con người trong cuộc đời tạo ra nhiều nghiệp khác nhau, hoặc thiện, hoặc ác, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc nặng, hoặc nhẹ. Do đó mà cơ hội chịu báo cũng trước, sau khác nhau. Do đó một người, khi thọ mạng một đời hết, có thể bị chi phối bởi ba lực hấp dẫn, dẫn người ấy đi tái sinh. Một là tùy theo trọng lượng của nghiệp trong một đời, nếu nghiệp thiện có tỷ trọng lớn hơn nghiệp ác, thì người ấy sẽ tái sinh vào cõi thiện; nếu tỷ trọng của nghiệp sinh thiện nặng hơn nghiệp sinh làm người, thì người ấy sẽ sinh thiên, tức là sinh lên các cõi Trời. Nếu nghiệp ác chiếm tỷ trọng lớn hơn nghiệp thiện, thì người ấy phải bị tái sinh ở các cõi ác; nếu nghiệp địa ngục nặng hơn nghiệp làm súc sinh, thì người ấy phải bị sinh ở địa ngục, trước là chịu quả báo của nghiệp nặng rồi sau mới lần lượt chịu quả báo của những nghiệp nhẹ hơn.

Thứ hai là tùy theo tập quán. Một người trong đời, không làm nghiệp thiện lớn, cũng không làm nghiệp ác lớn, nhưng trong đời lại có một thói quen đặc biệt mạnh mẽ, và khi chết, họ sẽ tái sinh theo hướng của thói quen đó. Vì vậy tu thiện, học Phật, chủ yếu là dựa vào sự nỗ lực hàng ngày.

Thứ ba là tùy niệm, hướng tái sinh được quyết định bởi tâm niệm của người lâm chung. Khi lâm chung mà có tâm niệm ác liệt như sợ hãi, lo lắng, tham lam, giận dữ v.v…, thì sẽ rất khó tránh được tái sinh vào cõi ác. Vì vậy mà Phật giáo khuyên đối với người hấp hối sắp chết, hay vừa mới chết, gia thuộc bà con không được khóc, mà nên thay mặt người thân (sắp chết hay mới chết) làm các việc tu phúc, bố thí, và nói cho người thân đó biết là làm công đức vì họ, thay cho họ. Đồng thời kể lại cho họ biết mọi việc thiện người ấy đã làm trong đời, làm cho tâm của người ấy được an ủi, vui vẻ. Mọi người nên lớn tiếng niệm danh hiệu Phật, làm cho người ấy nhất tâm nghĩ tới công đức Phật, cõi nước Phật. Nếu không phải là ác nghiệp nặng, thì tâm niệm của người sắp chết có thể giúp cho người ấy khỏi phải đọa xuống cõi ác, hơn nữa, có thể tâm lực của người sắp chết, cảm ứng được với nguyện lực của chư Phật, Bồ Tát mà được vãng sinh sang cõi Phật. Đó là nguyên nhân chủ yếu của chủ trương Phật giáo tổ chức trợ niệm danh hiệu Phật cho người lâm chung, sắp chết.

Tín ngưỡng dân gian cho rằng người chết biến thành quỷ không đúng với thuyết luân hồi của nhà Phật, vì rằng cõi quỷ chỉ là một trong 6 cõi sống, và khi chết người ta chỉ có 1/6 khả năng sinh vào cõi quỷ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]