Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

II. Thọ uẩn

18/11/201016:16(Xem: 9685)
II. Thọ uẩn

II. Thọ uẩn (Vedanakkhanda):

“Này Ayasmarādha, Satta là chúng sanh còn tham luyến, dính mắc mạnh mẽ vào cảm thọ”. Như vậy, “Satta” (chúng sanh) là những sinh vật tham ái, dính mắc vào thọ uẩn.

Đức Phật dạy có ba loại thọthuộc về cơ thể vật chất: lạc thọ, khổ thọ, xả thọ (không khổ không lạc). Vì thọ xả không được cụ thể nên ít người biết đến. Người ta chỉ biết nhiều về thọ lạc, và thọ khổ thôi.

Ví dụ: Vào mùa hè nóng nực, khi có cơn gió nhẹ thổi đến, ta cảm thấy mát mẻ nhẹ nhàng. Vào Mùa đông lạnh lẽo khi trùm mền, ta cảm thấy ấm áp, dễ chịu. Lúc mệt mỏi ta co, duỗi chân tay cảm thấy thoải mái. Khi cơ thể cảm thấy thoải mái, dễ chịu thì chúng ta có lạc thọ (Sukha vedanā). Người thế tục, khi cảm nhận được cảm giác dễ chịu thì họ cảm nhận với tâm: “Tôi cảm thấy tốt”, hay “tôi cảm thấy hài lòng”.

Đi trên đường vắng, trời nắng chang chang, không một bóng cây, không cơn gió thoảng, ta cảm thấy nóng rát, khó chịu. Bị té bầm chân tay, cơ thể đau nhức, ta cảm thấy không thoải mái. Khi có những cảm giác khó chịu trên cơ thể như nóng quá, lạnh quá hay ngứa ngáy không thoải mái như vậy là chúng ta có khổ thọ (Dukkha vedanā). Người thế tục, khi cảm nhận được cảm giác khó chịu thì họ cảm nhận với tâm: “tôi cảm thấy khó chịu” hay “tôi cảm thấy không thoải mái”

Loại cảm thọ thứ ba phát sanh ở cửa tâm (‎‎ý môn).

Thọ hỉ khởi sinh khi chúng ta gặp hay nghĩ đến một đối tượng vừa lòng toại ý. Thọ ưu khởi sinh khi ta gặp hay nghĩ đến những đối tượng không vừa lòng toại ý. Thọ xả khởi sinh khi chúng ta gặp đối tượng trung tính và ta cảm thấy không vui cũng không khổ. Khi ba loại thọ trên khởi sinh trong tâm, chúng ta tưởng lầm và giảng giải các loại thọ này theo ý riêng của mình. "Tôi cảm thấy tốt, tôi cảm thấy xấu, tôi cảm thấy trung trung".

Gặp đối tượng vừa lòng, thấy hình ảnh đẹp, nghe âm thanh dịu dàng hay ngữi được mùi thơm dễ chịu thì lạc thọ khởi sinh. Những lạc thọ này được nhìn dưới nhãn quang sai lầm là của tôi, của ta và tưởng hay có tri giác sai lầm rằng: “Tôi hạnh phúc”.

Thấy một hình ảnh không hài lòng, nghe giọng nói khó nghe, người mùi khó chịu thì khổ thọ khởi sinh. Những khổ thọ này được nhìn dưới nhãn quang sai lầm là của tôi, của ta và tưởng hay có tri giác sai lầm rằng: “Tôi đau khổ”.

Nghe một âm thanh hay thấy một đối tượng chẳng hấp dẫn và cũng chẳng khó ưa. Một giọng nói chẳng hay mà cũng chẳng dở. Ngữi mùi chẳng thơm mà cũng chẳng hôi ta có cảm giác vô ký, không vui cũng không khổ. Các vô ký thọ này được nhìn dưới nhãn quang sai lầm là của tôi, của ta và tưởng hay có tri giác sai lầm rằng: “Tôi không khổ cũng không lạc”.

Thực ra tất cả các cảm thọ: lạc thọ, khổ thọ, vô ký thọ đều là cảm thọ thôi. Khi chúng ta không quán sát sự vật một cách rõ ràng hoặc chánh niệm không đủ mạnh để thấy rõ bản chất thật sự của sự vật thì tâm luyến ái vào sự vật đó phát sinh. Bởi vậy, “satta” dùng để chỉ người luyến ái, dính mắc vào cảm thọ.

“Satta”, chúng sanhlà kẻ có sự luyến ái hay dính mắc vào các cảm thọ. Nếu thiền sinh không có chánh niệm đầy đủ để thấy bản chất của cảm thọ thì sự luyến ái, dính mắc vào cảm giác đó càng nhiều.

Cuối cùng, tuệ giác thấy rõ đạo, loại trừ tất cả mọi tham ái về cảm thọ khởi sanh trong thiền sinh.

Tôi sẽ nói với các bạn về một câu chuyện liên quán đến cảm thọ. Đó là chuyện của hai người học trò đầu của Đức Phật là Sāriputta và Moggallāna. Xá Lợi Phất là người có trí tuệ đệ nhất và Mục Kiền Liên là người có thần thông đệ nhất.

Thấy rõ sự trống rỗng và vô bổ của đời sống ái dục Upatissa và Kolita, (sau này là Sāriputta và Moggallāna) hai người bạn thân đồng ý đi tìm con đường để thoát cảnh già, đau, chết. Họ xa lìa đời sống thế tục trở thành học trò của một vị đạo sĩ nỗi tiếng tên là Sañjaya. Sau khi theo học một thời gian, hai vị thấy rằng những lời dạy của thầy chẳng có gì là chân lý, họ rời bỏ thầy đi khắp Ấn Độ tìm con đường giải thoát. Một hôm, Upatissa gặp ngài Assaji, một trong năm vị thánh A-la-hán đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Thấy Ngài Assaji đi khất thực với dáng vẻ nghiêm trang, tỉnh giác, Upatissa lấy làm ngưỡng mộ. Vì không muốn làm phiền Ngài Assaji trong lúc đang đi khất thực nên Upatissa chỉ đi theo sau. Đợi đến lúc Ngài Assaji khất thực xong, sắp sửa độ ngọ, Upatissa bèn sửa soạn chỗ ngồi và đem nước đến cho Ngài rửa chân. Thấy Ngài Assaji đã độ ngọ xong, Upatissa bèn bạch với Ngài:

“Thưa thầy, xin thầy cho biết Tôn Sư thầy là ai và Ngài đã dạy những gì?”

Ngài Assaji trả lời:

“Thầy của tôi là Đức Phật, tôi là người mới tu nên tôi chỉ có thể nói sơ lược những lời dạy của Ngài”.

Upatissa thưa:

“Vậy thì xin Ngài nói một chút ít VỀ những gì mà Đức Phật đã dạy”.

Ngài Assaji nói rằng:

“Đức Phật, vị thầy tối thượng của tôi, đã dạy: tất cả sự vật trên thế gian này đều có nhân duyên, Ngài cũng dạy cách để diệt trừ những nhân duyên, và hậu quả của nó, Ngài dạy chỉ có Niết bàn mới hoàn toàn dập tắt tất cả”.

Mặc dầu chỉ là những lời dạy ngắn gọn nhưng Upatissa hiểu rõ ý nghĩa sâu xa nên đạt quả Tu Đà Huờn. Upatissa muốn gặp Đức Phật nên hỏi Ngài Assaji chỗ ngụ hiện nay của Đức Phật, rồi trở về gặp lại bạn là Kolita. Khi Kolita nhìn thấy dáng vẻ trầm tỉnh và gương mặt hoan hỉ của Upatissa liền nói rằng: “Này Upatissa chắc là anh đã tìm thấy chân lý, điều mà chúng ta đang tìm kiếm”.

Upatissa bèn kể lại tất cả mọi chi tiết việc gặp gỡ Ngài Assaji, và đọc lại câu kệ mà Ngài Assaji đã giảng dạy. Nghe xong câu kệ nói về nhân duyên, Kolita cũng trở thành một vị Tu Đà Hườn.

Hai người bạn quyết định đến gặp Đức Phật, nhưng trước tiên cả hai đến gặp lại vị thầy của mình là Sañjaya, mời thầy cùng đi đến gặp Phật. Tuy nhiên, vì từ lâu đã làm thầy của một số đông người, Sañjaya không thể hạ mình để làm học trò người khác. Điều này chẳng khác nào một hồ lớn trở thành một ao nhỏ, nên Sañjaya từ chối lời thỉnh mời của học trò để đi đến gặp Đức Phật. Lúc thỉnh mời Upatissa có nói rằng:

“Xin thầy hãy cùng đi với chúng con đến gặp Phật. Đã có nhiều vị thông minh, trí tuệ đến gặp Ngài.”

Vị thầy trả lời:

“Trên thế gian này người trí tuệ nhiều hay người ngu nhiều”.

Ngài Xá Lợi Phất nói:

“Thưa thầy người ngu nhiều, người trí tuệ ít”.

Sañjaya nói:

“Vậy hãy để người trí tuệ đến gặp Phật, còn những người ngu đến gặp ta. Hai ngươi hãy đi đi, ta sẽ ở lại đây”.

Thế là Upatissa Kolita, và một số học trò của Sañjaya đi đến gặp Phật. Upatissa, Kolita và tất cả học trò đều xin xuất gia theo Phật. Đức Phật đã xuất gia cho họ bằng cách nói:

“Hãy lại đây, này các thầy tỳ kheo. Giáo pháp đã được giảng dạy. Bây giờ hãy sống đời sống thanh tịnh, trong sạch, cố gắng chấm dứt mọi đau khổ”.

Tiếp theo đó Đức Phật giảng giải cho họ nghe giáo pháp từ thấp đến cao, và hướng dẫn họ hành thiền. Khi nghe Đức Phật hướng dẫn, tất cả những vị học trò đi theo đều đắc quả A-la-hán trừ Upatissa và Kolita. Bắt đầu từ đó Upatissa được gọi là Sāriputta và Kolita được gọi là Moggallāna. Sở dĩ hai vị học trò đắc quả lâu hơn, chậm hơn bởi vì hai vị này sẽ trở thành hai vị học trò đầu đàn nên phải có thời gian trải nghiệm để đảm nhận những trách vụ lớn lao trong tăng chúng sau này. Sau khi xuất gia được bảy ngày, Monggallana đắc đạo quả A-la-hán, nhưng mãi hai tuần sau Sāriputta vẫn còn thực hành. Theo kinh Dīghanakha Sutta, vào ngày trăng tròn sau đó, cháu của Ngài Sāriputta tên là Dīghanakha đang ở tu với đạo sĩ Sañjaya nhớ rằng: chú mình mỗi lần đến với các vị thầy của các tôn giáo khác, thường đi về sớm, nhưng lần này đã mười lăm ngày trôi qua, từ khi chú mình đến gặp Đức Phật vẫn chưa thấy trở về, nên Dīghanakha quyết định đi tìm hiểu xem sao. Lúc bấy giờ Đức Phật đang ngụ tại động Sūkarakhatā ở núi Linh Thứu, thành Rājagaha. Khi Dīghanakha đến gặp Đức Phật thì Ngài Sāriputta đang đứng sau lưng Đức Phật để quạt và theo dõi những lời Phật dạy cho cháu mình.

Dīghanakha bạch Phật:

“Thưa Ngài Gotama, tôi chẳng thích bất kỳ cái gì cả”.

"Bất kỳ cái gì", ở đây có nghĩa là mọi cách hay mọi đường lối tái sanh. Nghĩa trực tiếp mà Dīghanakha muốn nói là: “Ông không muốn còn tái sanh sau khi chết”. Bởi vì ông nói: “Tôi không thích cái gì cả”. Không thích ở đây bao gồm quan điểm “hư vô” của ông ta. Đức Phật hiểu ý nghĩ và quan kiến của ông khi hỏi câu đó nên chỉ rõ:

“Nếu ông nói ông không thích gì cả, thì ông cũng không thích luôn quan điểm ông vừa nói đó”.

Nhưng Dīghanakha hiểu sai câu trả lời của Đức Phật. Để cho Dīghanakha hiểu rõ ràng hơn, Đức Phật nói:

“ Thường kiến rất dễ ưa thích và nắm giữ. Thường kiến có thể dễ chấp nhận và khó vất bỏ.”

Mặc khác,

"Đoạn kiến rất dễ vất bỏ, rất dễ trừ khử"

Nghe những câu nói này của Đức Phật, Dīghanakha cũng nghĩ rằng:

“Ngài Gotama đã tán dương cái quan kiến của ta”.

Đức Phật bèn giảng giải tiếp về sự nguy hiểm cùng lợi ích của thường kiếnvà đoạn kiến.

Người nào chủ trương thường kiến, có kiếp này đến kiếp sau thì họ làm việc thiện để cho kiếp sống mai sau. Họ thích thú vào sự tái sanh và dính mắc vào đời sống tương lai. Chú giải có nói rằng: Người chủ trương thường kiếnrất khó vất bỏ ý niệm về một cái ngã (hay linh hồn) hằng cửu.

Người phật tử thông thường không có hành Thiền Minh Sát rất khó mà chấp nhận rằng: Không có linh hồn vĩnh cửu; họ không hiểu được chân lý vô thường, họ không hiểu được các hiện tượng vật chất và tâm luôn luôn sinh diệt không ngừng. Họ không chấp nhận chuyện một vị A-la-hán không còn tái sinh sau khi chết. Những người có tư tưởng thường kiếnmuốn tin rằng vị A-la-hán sau khi chết đi tái sanh vào cảnh giới khác; nơi đó sẽ có vật chất và tâm dưới dạng thức khác. Các giảng sư nghiên cứu về chú giải thường dẫn giải rằng: Bởi vì những người theo thuyết “thường kiến” tin vào kiếp hiện tại và kiếp vị lai, đồng thời biết được luật nhân quả, nghiệp thiện, nghiệp ác nên họ cố gắng làm điều thiện và sợ làm điều ác, nhưng họ thích thú dính mắcvào sự tiếp tục tái sanh. Mặc dầu họ gặp được Đức Phật hay những học trò của Ngài, nhưng việc loại bỏ quan điểm “thường kiến” là một sự khó khăn đối với họ. Họ ít khi làm điều ác, nhưng quan kiến sai lầm về sự trường tồn, vĩnh viễn có linh hồn rất khó vứt bỏ.

Người theo thuyết “đoạn kiến” không biết rằng có một kiếp sống quá khứ chi phối kiếp sống hiện tại và kiếp sống này chi phối kiếp sống tương lai. Do đó, họ không tin tưởng vào hậu quả của nghiệp lành hay dữ, thế nên họ không cố gắng làm lành, và không sợ làm điều ác. Vì họ không tin có kiếp sống tương lai nên họ không chấp nhận sự tái sanh.

Tuy nhiên, người theo thuyết “hư vô” hay đọan kiến gặp được Đức Phật hay đệ tử của Ngài thì họ rất dễ dàng vứt bỏ quan kiến “hư vô” của họ. Nếu họ cố gắng thực hành tròn đủ các pháp Ba-la-mật thì họ sẽ đạt được các tầng mức giác ngộ rất cao như Đức Phật và các vị A-la-hán đã làm. Thế nên, dù họ có làm nhiều điều sai lầm lớn lao, quan kiến của họ cũng rất dễ dàng vứt bỏ.

Nhưng Dīghanakha cũng không hiểu lời giải thích của Đức Phật mà vẫn nghĩ rằng: Đức Phật vẫn còn tán dương quan điểm “đoạn kiến” của ông. Đức Phật bèn dạy cho ông hiểu về ba loại quan kiến:

1. Thường Kiến: thích tất cả mọi thứ.
2. Đoạn Kiến: không thích thứ gì hết.
3. Thường, Đoạn Kiến: một phần thích, một phần không thích sự vật.

Người nào khư khư nắm giữ một trong những quan kiến sai lầm trên thì sẽ từ chối lý luận của hai nhóm còn lại. Bởi thế, Đức Phật dạy Dīghanakha diệt bỏ quan kiến “hư vô” sai lầm.

Sau đó Ngài dạy ông loại trừ mọi tham ái dính mắc, loại trừ sự luyến ái vào cơ thể vật chất của chính mình. Cơ thể của ta là sự tập hợp của bốn yếu tố chính: đất, nước, gió, lửa. Cơ thể khởi đầu là sự phối hợp tinh trùng của cha và trứng của mẹ, đồng thời, do sự hỗ trợ bởi thức ăn của cơ thể mà ta tăng trưởng. Muốn duy trì cơ thể trong điều kiện tốt, ta phải thường xuyên cần có những điều kiện khác. Tuy thế, cơ thể này vẫn tiếp tục bị vô thường chi phối.

Đức Phật cũng chỉ dẫn cho Dīghanakha biết bản chất của cơ thể: cơ thể này vô thường, khổ, vô ngã, bị đau nhức, không tốt đẹp, bịnh hoạn, nằm ngoài, trống rỗng. Ngài thường khuyên chúng ta phải quán sát cơ thể để thấy rằng nó không có linh hồn và vượt khỏi sự kiểm soát của chúng ta. Ai quán sát cơ thể như thế này thì tham ái dính mắc càng ngày càng yếu đi.

Đức Phật lại dạy Dīghanakha tiếp tục quán sát ba loại cảm thọ: khổ thọ, lạc thọ và vô ký thọ. Ba loại cảm thọ này không thể xuất hiện cùng lúc, khi cảm thọ này xuất hiện thì hai cảm thọ kia biến mất. Bởi vì mỗi loại cảm thọ lúc xuất hiện nó có đặc tính loại trừ hai loại cảm thọ kia. do đó, thiền sinh phải chú ý ghi nhận sự thay đổi từ cảm thọ này đến cảm thọ khác. Cảm thọ khởi sinh tùy thuộc vào những điều kiện thích ứng. Khi thấy được sự thay đổi đó, thiền sinh thấy được bản chất vô thường của cảm thọ. Trong khi ghi nhận đối tượng vật chất và tâm, thiền sinh sẽ hiểu được những điều kiện tạo ra sự sinh diệt này. Tiếp theo đó, thiền sinh thấy được sự sinh diệt của cảm thọ. Ngài Mahasi đã hướng dẫn thành công trong việc giúp cho thiền sinh thấy rõ các cảm thọ, thấy rõ sự thay đổi của các hiện tượng này. Ngài đã dạy cho thiền sinh cách chú tâm ghi nhận sự chuyển động của bụng để thấy rõ sự sinh diệt của vật chất và tâm. Sự chuyển động của bụng cũng giống như sự vào ra của hơi thở luôn luôn có mặt. Bao lâu ta còn sống thì hơi thở và chuyển động của bụng còn hiện diện. Chuyển động ở bụng là một đề mục rất dễ quán sát. Thiền sinh dễ dàng chú tâm vào sự phồng xẹp của bụng. Nếu tâm đi lang bạt đây đó thì hãy nhẹ nhàng đưa tâm trở về quán sát chuyển động ở bụng. Thiền sinh chú tâm quán sát sự chuyển động của bụng, khi nào có phóng tâm, có đau nhức trong cơ thể, thiền sinh mới tạm thời chuyển sang ghi nhận sự phóng tâm, sự đau nhức này, rồi lại trở về với sự chuyển động của bụng. Thiền sinh phải ý thức và chú tâm quán sát khi có cảm giác đau xuất hiện và ghi nhận: “đau, đau đau”. Khi quán sát sự đau mà tâm cảm thấy khó chịu, hãy ghi nhận: “khó chịu, khó chịu”. Khi có cảm giác dễ chịu, hãy ghi nhận: “dễ chịu, dễ chịu”. Khi cảm thấy an vui hãy ghi nhận: “an vui, an vui” . Nhưng khi cảm giác vô ký khởi sinh thì rất khó ghi nhận. Thiền sinh chỉ ghi nhận vật chất và tâm nào hiện rõ nhất.

Như vậy, thiền sinh sẽ thấy rõ ràng cảm giác dễ chịu, khó chịu đến rồi đi mau chóng. Sau đó, thiền sinh sẽ hiểu được bản chất vô thường, bất toại nguyện và vô ngã của các hiện tượng vật chất và tâm. Khi tam tướng vô thường, khổ, vô ngã được thấy rõ ràng thì thiền sinh sẽ thấy các hiện tượng vật chất và tâm chẳng có gì đáng bám víu vào bởi vì chúng luôn luôn sinh diệt.

Tiếp theo, Đức Phật giảng giải cho Dīghanakha biết tuệ giác kế tiếp. Tuệ giác này sẽ khởi sinh khi thiền sinh thấy rõ ba đặc tính của thọ uẩn, và cảm thấy các sự sinh diệt này không đáng cho ta dính mắc, dầu đó là vui, khổ hay vô ký.

Mục đích của hành Thiền Minh Sát là để thấy đưọc sự giả tạm của mọi sự vật nhờ thế không tham ái dính mắc vào chúng. Và trong bước khởi đầu, thiền sinh sẽ đạt được tuệ sinh diệt. Tuệ giác này sẽ đến khi thiền sinh thấy được các hiện tượng vật chất và tâm đều sinh diệt nhanh chóng.

Bản kinh ngũ uẩn này không nói đến chi tiết của ngũ uẩn hay các hiện tượng vật chất và tâm mà chỉ dạy cho ta biết cách quán sát một cách tổng quát ngũ uẩn hay các hiện tượng vật chất và tâm thôi.

Một điểm đáng lưu ý ở đây là mặc dầu các hiện tượng vật chất không được phân tích chi tiết tỉ mỉ như trong Vi diệu Pháp, nhưng khi thực hành thiền sinh có thể kinh nghiệm, thấy được tuệ sinh diệt (Nibbidānupassanā-ñāṇa). Và một điều đáng ghi nhận nữa trong kinh này là: Trong kinh này chỉ nói đến ba loại cảm thọ mà không nói đến các tâm sở khác. Nhưng thật ra, chỉ cần quán sát ba loại cảm thọ này đang xuất hiện ngay trong hiện tại đủ để thiền sinh đạt được tuệ sinh diệt (tuệ thấy các sự vật đều biến mất nhanh chóng ngay khi phát sinh).

Tiếp theo đó, Đức Phật cũng giảng giải cho Dīghanakha biết đạo tuệ, quả tuệ, cho đến tuệ cuối cùng là "Hồi khán" hay tuệ nhìn lại những gì mình đã chứng đắc khi giác ngộ đạo quả. Khi thiền sinh ý thức rõ ràng rằng: các hiện tượng vật chất và tâm sinh diệt không ngừng, thật là đáng chán, đáng mệt mỏi, nên tâm thiền sinh không còn bám víu, dính mắc vào sự vật thế gian, lúc đó đạo tuệ khởi sanh. (nhàm chán ở đây là ý thức vật chất và tâm "đáng nhàm chán", không giá trị, không đáng để bám víu chứ không phải "nhàm chán" vật chất và tâm, vì nhàm chán... là phiền não). Mỗi quả thánh diệt trừ được một số phiền não, và khi đắc quả A-la-hán rồi thì tất cả phiền não đều bị loại trừ và vị A-la-hán hoàn toàn thoát khỏi mọi khổ đau. Khi đạt được trạng thái hoàn toàn giải thoát, vị A-la-hán sẽ nhìn lại tâm mình và thấy rằng:

“Ta không còn phải tái sinh nữa, ta đã hoàn thành xong Bát Chánh Đạo, những gì cần làm ta đã làm rồi, và không có gì ta cần làm để giải thoát nữa”.

Đức Phật đã giảng giải cách làm thế nào để thiền sinh có thể đạt được sự chứng ngộ cao hơn, và "tuệ xét lại" hay tuệ "hồi khán" phải xuất hiện như thế nào trong tâm vị A-la-hán.

Đức Phật cũng giảng giải cho thấy rằng vị nào đạt được tầng mức A-la-hán sẽ không còn tranh luận, cãi vã với ai nữa.

“Này Dīghanakha, vị A-la-hán không còn tranh luận, cãi vã với một ai nữa, mặc dầu vị A-la-hán còn dùng những chữ chế định để giao tiếp như: tôi, anh, đàn ông, đàn bà v.v… Nhưng các Ngài chẳng bao giờ có ý niệm rằng: Ngài là một thực thể vĩnh cửu hay có sự hiện hữu của một linh hồn. Các Ngài không còn tranh luận với ai nữa bởi vì các Ngài đã thật sự thấy rõ sự thật”.

Trong kinh Puppha, cuốn Khandhavagga Pāḷi Đức Phật đã dạy:

“Ta chẳng tranh luận với một ai, nhưng các vị đạo sĩ như Sisaka, Vekhanassa, Vikhanatha, Assalā-yana và người đàn ông giàu có tên là Upāli thường đến tranh luận với ta. Ta nói sự thật cho các vị này nghe, điều này không có nghĩa là ta cãi vã hay tranh luận với họ bởi vì những gì ta nói với họ đều là sự thật”.

Không phải chỉ có Đức Phật mà bất kỳ người nào giảng giải chân giáo pháp đều phải hiểu rằng: Khi nói sự thật thì không phải là tranh luận với kẻ khác. Ta chỉ giảng giải chân lý cho những ai muốn cãi vã, muốn tranh luận chống lại chân lý. Nói rõ chân lý hay nói rõ sự thật có nghĩa là cố gắng hướng dẫn dạy dỗ cho những kẻ chưa rõ chân lý.

Khi Đức Phật giảng giải cho Dīghanakha về ba loại cảm thọ, Ngài Sāriputta vẫn tiếp tục đứng quạt hầu Phật, và chăm chú nghe những lời giảng dạy của Đức Phật. Sau khi nghe xong thời pháp, Dīghanakha đạt đạo quả Tu Đà Hườn, Ngài Sāriputta đắc quả A-la-hán.

Trong kinh Anupadacũng nhắc đến chuyện Ngài Sāriputta. Kinh này nói rằng: “Vào ngày thứ mười lăm sau khi gặp Đức Phật, Ngài Sāriputta trở thành một vị A-la-hán bằng cách quán sát đặc tính vô thường, khổ, vô ngã của các yếu tố thiền”.

Một kinh khác ghi:

“Ngài đạt quả A-la-hán do quán sát những pháp bên trong”.

Ba bản kinh mới nghe có vẻ khác nhau, nhưng chúng ta có thể kết luận: Ngài Sāriputta đã đạt quả thánh cao nhất, Ngài ở trong thiền và quán sát những yếu tố thiền trong tầng thiền này.

Chăm chú nghe Đức Phật giảng giải, Dīghanakha đạt đạo quả Tu Đà Hườn, và Dīghanakha đạt quả Tu Đà Hườn nhờ nghe pháp, và quán sát vào cảm thọ.

Sau khi giảng giải bài kinh Dīghanakha, Đức Phật rời núi Linh Thứu, và dùng thần thông trở về chùa ở Veluvana. Ở đây, Ngài dùng năng lực của tâm mình triệu tập một đại hội gồm tất cả các vị A-la-hán, trong số đó có Ngài Sāriputta. Khi nhận được hiệu triệu của Đức Phật, có tất cả một ngàn hai trăm vị trở về hội họp tại Veluvana. Cuộc hội họp của các học trò Đức Phật có bốn điểm đặc biệt sau đây:

1. Có sự xuất hiện của sao Marga (theo chiêm tinh gia Ấn Độ, hiếm khi sao này xuất hiện)
2. Không có vị sư nào được mời bằng miệng, các Ngài tự động đến bằng tâm Đức Phật truyền đến.
3. Tất cả các vị đó đều có sáu loại thần thông (lục thông).
4. Tất cả đều là thiện lai tỳ kheo.

Thế nào là thiện lai tỳ kheo?.

Thiện lai tỳ kheo là vị có Ba-la-mật từ nhiều kiếp trước, có cúng dường y, áo. Khi Đức phật nói với vị này: “Hãy đến đây tỳ kheo” thì vị đó có sẵn y áo trên mình và trở thành một vị tỳ kheo.

Trở lại bài pháp Đức Phật nói về cảm thọ.

Nếu thiền sinh quán sát cảm thọ một cách đúng đắn thì sẽ đạt được đạo quả. Trong thực tế, không có cái gọi là tôi, ta, linh hồn, tự ngã trong cảm thọ. Cảm thọ không thường còn, không bền vững, không cốt lõi. Đức Phật ví cảm thọ như những gợn sóng trên mặt hồ khi ta ném xuống hồ một viên sỏi. Và cảm thọ cũng giống như những bọt nước được tạo thành khi trời mưa. Giống như bọt nước xuất hiện rồi biến mất nhanh chóng, cảm thọ cũng khởi sinh rồi hoại diệt từng trong cùng thời điểm ngắn ngủi, nhưng người thế tục nghĩ rằng: lạc thọ, khổ thọ, và vô ký thọ tồn tại vĩnh viễn.

Cứ tiếp tục theo dõi chánh niệm vật chất và tâm diễn ra ở sáu cửa giác quan: thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm và suy nghĩ, ta sẽ thấy các cảm thọ này biến mất ngay vào lúc chúng ta quán sát. Khi ta đạt được tuệ sinh diệt, ta sẽ thấy sự vật rõ ràng hơn. Tuệ sinh diệt sẽ đến khi thiền sinh thấy rõ sự khởi sinh và hoại diệt liền liền của các hiện tượng vật chất và tâm. Tiếp theo là "tuệ diệt" (Bhangānupassanā Ñāna: tuệ giác thấy các hiện tượng vật chất và tâm tan biến).
Ở tầng mức này, thiền sinh sẽ thấy các đối tượng vật chất và tâm tan biến nhanh chóng khi thiền sinh ghi nhận. Thiền sinh ghi nhận đối tượng nào cũng thấy chúng diệt ngay tức khắc. Mọi cảm giác đều vô thường, không thể kiểm soát hay hay điều khiển chúng được. Thiền sinh sẽ thấy rõ ràng vật chất và tâm chẳng khác nào những bong bóng nước, tan biến nhanh chóng, và thiền sinh thấy rõ điều này qua kinh nghiệm của chính mình.

Người không hành Thiền Minh Sát và thiền sinh chưa có đủ định tâm không thể thấy được sự diệt mất của cảm thọ một cách rõ ràng cho nên vẫn còn tin rằng: cảm thọ là thường còn, đáng yêu và có linh hồn.

Trong kinh Satta(chúng sanh) có hai từ được xử dụng để định nghĩa kẻ thế tục hay chúng sanh. Đó là chữ “chúng sanh” và “tham ái”. Ở đây Đức Phật muốn nói chúng sanh bị tham ái, dính mắc vào ngũ uẩn nói chung và vào cảm thọ nói riêng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]