Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 2: Thuyết pháp

14/11/201017:28(Xem: 8979)
Phẩm 2: Thuyết pháp

 

 

ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
MỘT DIỄN DỊCH MỚI VỀ BA BỘ KINH PHÁP HOA

Tác Giả: Nikkyò Niwano - Anh dịch: Kòjirò Miyasaka - Bản Dịch Anh ngữ: Buddhism For Today: A modern Interpretation Of The Threefold Lotus Sutra, Kose Publishing Co. Tokyo - Việt dịch Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam TP. HCM ấn hành 1997

KINH VÔ LƯỢNG NGHĨA
Phẩm 2
THUYẾT PHÁP


Trong phẩm này, tức phần chủ yếu của kinh Vô Lượng Nghĩa, đức Thích-ca-mâu-ni dạy chúng ta rằng từ khi chứng ngộ, đức Phật đã thuyết pháp với một mục đích xác quyết và theo một thứ tự xác quyết. Dù cho Pháp đã được giảng theo nhiều cách, cái chân lý căn bản vẫn luôn luôn là Pháp độc nhất ấy, hay chân lý, là nguồn gốc của vô lượng pháp, hay vô lượng giáo lý.

Cùng với nhiều Bồ-tát Ma-ha-tát, Bồ-tát Đại Trang Nghiêm bạch Phật rằng: “Chúng con mong được hỏi Ngài về giáo pháp của đức Phật. Chúng con thiết tha hy vọng Ngài nghe chúng con”.

Đức Phật dạy: “Hay lắm ! Hay lắm ! Các Ông hỏi Ta câu hỏi này thật đúng lúc. Chẳng bao lâu nữa Ta sẽ nhập Niết-bàn. Ta e rằng sau khi Ta nhập diệt, mọi câu hỏi sẽ bị bỏ lửng. Hãy cứ hỏi Ta những gì các ông muốn. Ta sẽ trả lời mọi câu hỏi mà các Ông muốn hỏi”.

Ngay sau đó, Bồ-tát Đại Trang Nghiêm cùng với nhiều Bồ-tát khác cùng nói: “Nếu chư Bồ-tát Ma-ha-tát đã tu tập giáo lý Đại thừa mà muốn thành tựu Vô thượng Chánh Đẳng Giác một cách nhanh chóng thì chư vị phải tu tập theo pháp môn nào ?”

Đức Phật dạy: “Nay có một pháp môn thánh diệu gọi là Vô Lượng Nghĩa. Nếu một vị Bồ-tát học pháp môn này thì vị ấy sẽ thành tựu Vô thượng Chánh Đẳng Giác. Một vị Bồ-tát muốn học pháp môn Vô Lượng Nghĩa thì phải nên quán sát rằng tất cả các pháp, hay hiện tượng, có vẻ khác nhau và thay đổi không ngừng, nhưng thực ra cái căn bản của chúng là một năng lực lớn lao không thay đổi thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Các Ông nên hiểu rằng tại căn gốc của tất cả các pháp có một chân lý vượt khỏi sự phân biệt và vĩnh viễn bất biến. Chúng sinh vì không biết chân lý này nên phân biệt một cách ích kỷ “đấy có lợi” hay “đấy không có lợi”. Do đó, họ nuôi dưỡng những tư tưởng xấu, khiến khởi sinh nhiều nghiệp xấu và luân hồi trong sáu cõi”.

Sáu cõi (lục xứ hay lục đạo, tiếng Nhật là rokushu hay rokudò) là sáu cảnh giới mà trong đó chúng sanh luân hồi: địa ngục (jiyoku), quỷ đói (ngạ quỷ - gaki), súc sanh (chikushò), A-tu-la (shura), người (ningen), và trời (thiên; tenjò). Học thuyết này dạy chúng ta về những trạng thái tâm thức cũng như cấu trúc của thế giới với con người là trung tâm.

“Địa ngục” là trạng thái tâm thức trong đó tâm của chúng ta bị sân hận thiêu đốt. Mọi người, mọi vật hình như là một kẻ thù khi chúng ta bị sân hận đốt cháy. Chẳng hạn, một người gây gổ với vợ anh ta, anh ta ghét cả đến bát đĩa vốn chẳng dính dáng gì đến cuộc gây gổ và có thể anh ta đập vỡ chúng nữa. Nhưng bằng cách đập vỡ bát đĩa hoặc đấm vào đối thủ, anh ta cũng không thể thực sự hủy diệt đĩa bát hay đối thủ: Người phải chịu khổ nhiều nhất
là người sân hận.

“Quỷ đói” là trạng thái tâm thức trong đó một đám tham dục nảy sinh trong tâm ta. Tham dục không phải chỉ giới hạn trong tiền tài và vật chất mà còn gồm sự tham lam ham muốn và lòng thương yêu của kẻ khác. Do bởi tham lam, chúng ta không biết làm sao để thỏa mãn ngay cả khi chúng ta đạt được tham dục trong nhất thời. Chúng ta có càng nhiều tham dục thì chúng ta càng trở nên dính mắc vào chúng, trong một vòng lẩn quẩn.

“Súc sanh” diễn tả trạng thái tâm thức thiếu trí tuệ và thiếu suy luận, người không suy luận thì chỉ hành động theo bản năng và chỉ làm những gì mình muốn mà không nghĩ đến hậu quả.

“A-tu-la” nghĩa là trạng thái tâm thức quy ngã trong mọi sự, trong tận đáy lòng chỉ tự lợi, chính loại tâm tính này đưa đến mâu thuẫn, gây gổ, tranh chấp và chiến tranh giữa con người với nhau. Đây là trạng thái tâm thức trong đó sự vị kỷ đưa đến tranh chấp.

“Người” diễn tả trạng thái tâm thức cố gắng kiểm nghiệm bốn tâm tính xấu đã nói trên nhờ vào ý thức khiến chúng ta không đi đến cực đoan, dù rằng tất cả chúng ta đều có bốn trạng thái tâm thức này. Trạng thái tâm thức này là của người bình thường.

“Trời” trỏ đến thế giới hỷ lạc. Tuy nhiên, đây không phải là sự hỷ lạc bất biến đạt được bằng sự chứng ngộ của đức Phật. Đây là những lạc thú của các giác quan và cảm thọ, tức là, lạc thú do ảo tưởng tạo nên, cho nên, đây là một hỷ lạc tạm bợ có thể sa vào các cõi địa ngục, quỷ đói, A-tu-la ngay khi có điều bất xứng ý xảy ra. Sự mê đắm là mẫu thức cho một trạng thái tâm thức như thế. Trong trường hợp này, “trời” trỏ vào một nơi mà cư dân ở đấy không đau khổ, không phiền muộn; nhưng hễ chừng nào chúng ta chưa thể đạt chứng ngộ thực sự thì dù cho chúng ta có đạt đến trạng thái “trời”, chúng ta cũng sẽ không vừa ý với trạng thái này. Thông thường một người cho rằng anh ta sẽ thoát khỏi mọi lo lắng nếu anh ta trở thành một triệu phú, sống trong một tòa lâu đài và có nhiều người phục dịch. Tuy nhiên, thực tế mà nói, các sự việc không xảy ra như anh ta tưởng. Nếu có một cái gọi là thiên đường mà tại đấy người ta có thể sống một cuộc sống nhàn hạ, suốt ngày không làm gì cả, thì người ta sẽ trở nên chán nản và sinh ra sự ham muốn được làm cái gì đó. “Trời” là một trạng thái trì trệ như thế.

Sáu cảnh giới này cứ liên tục xảy ra trong tâm thức con người và chuyển từ cảnh giới này sang cảnh giới khác. Trạng thái này của tâm gọi là “luân hồi trong sáu cõi” (lục đạo luân hồi- rokudò rinne). Nếu chúng ta không có giáo lý thiện hảo và không có cách nào để tu tập, chúng ta vẫn mãi luân hồi trong sáu cõi và những buồn nản, khổ đau của chúng ta sẽ không bao giờ tiêu mất. Ai cũng hiểu được điều này ngay khi phản tỉnh về mình.

Đức Phật dạy các Bồ-tát như sau: “Này các Bồ-tát Ma-ha-tát, khi các vị quán sát tất cả các chúng sanh đang luân hồi trong sáu cõi, các vị sẽ khởi lên lòng thương xót và thể hiện lòng đại từ bi để cứu vớt họ khỏi các cõi ấy. Trước tiên các vị phải thâm nhập tất cả các pháp. Nếu các vị thâm hiểu các pháp này rồi thì các vị tự nhiên có thể hiểu được trong tương lai những gì sẽ khởi sinh từ các pháp. Các vị cũng có thể hiểu rằng các pháp ổn định (trụ) không biến đổi trong một thời gian. Các vị cũng có thể hiểu rằng các pháp biến đổi (dị). Lại nữa, các vị có thể hiểu rằng các pháp cuối cùng sẽ tiêu diệt (diệt). Do đó các vị có thể quán sát và biết được lý do sinh khởi của các pháp thiện và các pháp bất thiện. Sau khi đã quán sát và biết tất cả bốn tướng của các pháp từ lúc khởi đầu cho đến lúc chấm dứt, kế đến, các vị cần phải quán sát rằng không có pháp nào được ổn định dù là trong chốc lát mà sinh và diệt trở lại trong mọi lúc. Sau khi đã quán sát như thế, các vị có thể biết khả năng, bản chất và những tham dục mà mọi chúng sanh sở hữu giống như các vị đã đi vào trong từng tâm thức của họ.

“Vì các chúng sanh có vô lượng bản chất và tham dục, việc thuyết giảng của các vị cho họ cũng vô lượng và vì việc thuyết giảng như thế là vô lượng nên ý nghĩa của nó cũng vô lượng. Sở dĩ như thế là vì giáo pháp vô lượng nghĩa sinh khởi từ một Pháp. Một Pháp này là gì ? Đó là một chân lý. Chân lý đó là gì ? Nó vô tướng, vượt khỏi sự phân biệt về tất cả các sự vật. Các sự vật thì giống nhau trong việc sở hữu Phật tính. Sự việc này là chân lý và là thực tướng của tất cả các sự vật (các pháp). Này các bồ-tát Ma-ha-tát, lòng từ bi mà các vị biểu hiện một cách tự nhiên sau khi đã hiểu cái thực tướng này thì có công đức chứ không phải vô ích. Với lòng từ bi này, các vị diệu độ các chúng sanh khỏi khổ đau và hơn nữa, còn khiến hết thảy chúng sanh đạt đến hỷ lạc. Do đó nếu tu tập toàn hảo pháp môn Vô Lượng Nghĩa, chắc chắn một vị Bồ-tát chẳng bao lâu sẽ thành tựu Vô thượng Chánh giác”.

Thế rồi Bồ-tát Đại Trang Nghiêm hỏi đức Phật một câu hỏi khác: “Dù chúng con không nghi ngờ về các pháp do đức Phật giảng dạy, chúng con vẫn cứ xin hỏi Ngài lại vì sợ rằng tất cả các chúng sanh sẽ bối rối và không thể hiểu pháp. Ngài đã liên tục giảng cho các chúng sanh tất cả các pháp, nhất là bốn pháp, suốt trong hơn bốn mươi năm kể từ khi đức Như Lai chứng ngộ. Bốn pháp này là khổ, không, vô thường và vô ngã. Khổ nghĩa là đời người thì đầy cả mọi thứ khổ đau. Không là bảo rằng tất cả các sự vật có vẻ khác nhau nhưng chúng ta phải phân định cái khía cạnh bình đẳng vượt ngoài những dị biệt. Vô thường diễn tả sự việc trong thế giới này không có cái gì hiện hữu trong một hình tướng luôn luôn cố định, mà tất cả các sự vật đang luôn luôn biến đổi. Vô ngã là biểu lộ rằng không có cái gì trong vũ trụ này hiện hữu riêng biệt mà không liên hệ với các sự vật khác và chúng ta không được để bị chấp trước vào cái tự ngã của chúng ta. Lại nữa, bằng nhiều cách, Ngài đã dạy chúng con các thực tướng của tất cả các sự vật. Những ai đã nghe các pháp này đều đã đạt được nhiều công đức khác nhau, đã mong mỏi chứng ngộ và cuối cùng đã đạt đến cấp độ cao nhất của Bồ-tát đạo.

“Như thế, hình như đức Như Lai đã giảng cùng các pháp như thế trong suốt bốt mươi năm ấy, nhưng chúng con biết rằng trong thời kỳ này, Ngài đã giảng các pháp ấy càng lúc càng sâu xa. Tuy nhiên, chúng con sợ rằng tất cả các chúng sanh có thể không phân biệt được những khác biệt giữa các giáo pháp của Ngài trước kia và hiện giờ. Bạch Thế Tôn, xin Ngài giảng rõ cho tất cả các chúng sinh”.

Bấy giờ đức Phật nói với Bồ-tát Đại Trang Nghiêm: “Hay lắm ! Hay lắm ! Này các Đại thiện nam tử; các vị đã khéo hỏi Như Lai về điều này. Quả thực là do lòng đại từ bi mà các vị đã hỏi Ta về diệu nghĩa của Đại thừa sâu xa và tối thượng do đức Phật thuyết giảng, không phải vì sự chứng ngộ riêng của các vị mà vì tất cả chúng sanh. Này các Thiện nam tử ! Ta đã có thể thành tựu Vô thượng Chánh giác sau khi đoan tọa dưới cội Bồ-đề. Bằng Phật nhãn, Ta thấy hết thảy các pháp có nhiều tướng trạng không thể diễn tả hết được. Ta biết rằng các bản tính và tham dục của hết thảy chúng sanh không đồng đều nhau. Vì thế, Ta đã giảng Pháp bằng năng lực phương tiện trong hơn bốn mươi năm. Nhưng suốt trong thời gian ấy, Ta chưa khai mở sự thật. Do năng lực hiểu pháp của chúng sanh quá kém, thật quá khó khiến cho họ thành tựu được Phật quả tối thượng một cách nhanh chóng.

“Này các Thiện nam tử ! Pháp giống như nước rửa sạch bụi. Nhưng bản chất của một dòng nước, một con sông, một cái giếng, một cái ao, một con lạch, một con mương và một biển lớn thì khác nhau. Bản chất của Pháp cũng giống như thế. Dù mỗi thứ đều rửa sạch được như nhau vì đều là nước, nhưng một cái giếng không phải là một cái ao, một cái ao không phải là một dòng nước hay một con sông, cũng không phải là một con lạch, một đường mương hay biển. Pháp do Như Lai thuyết giảng cũng như thế. Dù sự thuyết giảng lúc ban đầu, lúc giữa và lúc cuối đều rửa sạch mê lầm của chúng sanh như nhau, nhưng lúc đầu không phải là lúc giữa và lúc giữa không phải là lúc cuối. Sự thuyết giảng lúc đầu, lúc giữa và lúc cuối là giống nhau trong lời diễn nhưng khác nhau trong ý nghĩa.

“Này các Thiện nam tử ! Lúc mới đầu Ta chuyển Pháp luân về Tứ Thánh đế cho năm Tỳ-kheo tại Vườn Nai ở Ba-la-nại, Ta giảng rằng các pháp thì bản nhiên rỗng lặng, không ngừng biến đổi và liên tiếp sinh diệt. Ta cũng giảng như thế khi Ta thuyết giải về Mười hai nhân duyên và Sáu Ba-la-mật cho tất cả các Tỳ-kheo và Bồ-tát ở nhiều nơi trong giai đoạn giữa. Giờ đây khi giảng kinh Vô Lượng Nghĩa, Đại thừa này, vào lúc này, Ta cũng thuyết giải như thế.

“Này các Thiện nam tử, do đó, việc thuyết giảng lúc đầu, lúc giữa và lúc cuối thì giống nhau về ngôn từ diễn tả nhưng khác nhau về ý nghĩa. Vì ý nghĩa khác nhau nên sự hiểu biết của các chúng sinh cũng khác nhau. Vì sự hiểu biết khác nhau nên việc chứng Pháp, công đức và con đường cũng khác nhau. Điều này được chứng tỏ rõ ràng bằng kết quả của sự việc ta giác ngộ những người nghe Ta thuyết giảng trong mỗi thời kỳ - khi lúc đầu Ta thuyết giảng Tứ Thánh đế ở Vườn Nai; khi lúc giữa Ta giảng giáo lý sâu xa về Mười hai nhân duyên ở nhiều nơi; và kế đến, khi Ta thuyết giảng về mười hai loại kinh của bộ Phương Đẳng và các kinh khác.

“Này các Thiện nam tử ! Nói một cách khác, Ta đã thuyết giảng chỉ một chân lý ngay từ lúc khởi đầu. Điều này không phải chỉ riêng phần Ta, hết thảy chư Phật đều làm như thế. Vì chân lý căn bản chỉ là một, chư Phật đáp ứng rộng khắp mọi âm thanh bằng chỉ một lời; dù chỉ có một thân, chư Phật thị hiện vô lượng vô vàn thân, trong mỗi thân phô bày vô hạn vô số hình tướng, và trong mỗi hình tướng lại thể hiện vô số vẻ dáng.

“Này các Thiện nam tử ! Đây là cõi Phật không thể nghĩ bàn và thâm áo. Hàng Nhị thừa (1) không thể hiểu được, và ngay cả chư Bồ-tát đã đạt cấp độ cao nhất (thập trụ) cũng không thể lĩnh hội được.

“Chỉ có Phật với Phật mới có thể thâm hiểu được. Do đó, các vị phải nỗ lực đạt đến cấp độ như của đức Phật nhờ kinh Vô Lượng Nghĩa mà ta đang thuyết giảng đây. Kinh mầu nhiệm, sâu xa, cao siêu này là hợp lẽ về mặt luận lý, là vô thượng về mặt giá trị và được hết thảy chư Phật trong ba đời hộ trì. Không có loại ma quỷ hay ngoại đạo nào thâm nhập vào được, cũng không bị tà kiến hay sinh tử làm hư hoại.

“Do đó, chư Bồ-tát Ma-ha-tát muốn thành tựu Phật quả tối thượng một cách nhanh chóng thì cần phải học và quán triệt kinh Đại thừa Vô Lượng Nghĩa thâm sâu tối thượng này”.

Khi đức Phật thuyết giảng xong, trời và đất lay động theo mọi cách và hiển bày nhiều cảnh tượng đẹp đẽ phi thường; hoa, hương, áo, vòng hoa và báu vật vô giá của trời từ trên trời mưa rải xuống và thiên nhạc được tấu lên để ca ngợi đức Phật, tất cả chư Bồ-tát, Thanh văn và đại chúng.

Ngay sau đó, nhiều Bồ-tát Ma-ha-tát trong hội chúng đắc định Vô Lượng Nghĩa và nhiều Bồ-tát Ma-ha-tát khác đắc vô số vô hạn cảnh giới Đà-la-ni(1). Tất cả Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và các vị khác trong hội chúng nghe đức Như Lai thuyết giảng kinh này đều đạt ngộ tương ưng với cấp độ tâm thức của từng vị. Hơn nữa, hết thảy đều mong ước đạt Phật quả như đức Phật bằng cách theo đúng giáo lý của Ngài và nỗ lực phổ biến giáo lý ấy.

(1) Các biểu từ âm tiết thần bí hộ trì cho cuộc sống tu hành của người tụng đọc - Các biểu từ này thường không có ý nghĩa về mặt văn tự.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]