Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. Tiến trình giải thoát của Đức Phật khi ngài thành đạo

12/11/201016:36(Xem: 11914)
5. Tiến trình giải thoát của Đức Phật khi ngài thành đạo

 

5. TIẾN TRÌNH GIẢI THOÁT CỦA ĐỨC PHẬT KHI NGÀI THÀNH ĐẠO

Nhân dịpTập Văn xuất bản kỷ niệm lễ Đức Phật Thích Ca Thành Đạo, chúng tôi xin giới thiệu sau đây một bài kinh tên là Tapussa (Tăng Chi III, số 41 trang 273, bộ mới, năm 1988), nói đến tiến trình giải thoát của Đức Phật khi Ngài thành đạo.

Gia chủ Tapussa cùng với tôn giả Ananda đến hỏi Đức Phật, vì sao giới cư sĩ gia chủ, "thọ hưởng các dục, vui thích các dục, ưa thích các dục, hoan hỷ các dục", xem đời sống viễn ly (nekkhamma) của các vị xuất gia như là vực thẳm. Tuy vậy trong Pháp và Luật của Thế Tôn lại có những Tỷ-kheo trẻ tuổi phấn khởi trong sự xuất ly, tịnh tín, an trú hướng tới xuất ly, và các vị này thấy trong sự xuất ly "Đây là an tịnh". Chính ở đây là sự sai khác trong Pháp và Luật này giữa các Tỷ-kheo và phần đông quần chúng. Sự ngạc nhiên và khâm phục của Tapussa được Thế Tôn chấp nhận, và Đức Phật kể lại kinh nghiệm của Ngài trong tiến trình thành đạo của Ngài dưới gốc cây bồ đề, khi Ngài chưa thành bậc Chánh giác. Ngài diễn tả sự phấn khởi của Ngài trong tiến trình tu tập vượt qua các chướng ngại để đạt được các cảnh giới thiền, và vượt lên, đạt được các cảnh giới thiền cao hơn, tất cả đòi hỏi một sự phấn đấu kiên cường, sáng suốt, bền bỉ và tuần tự.

Và Ngài bắt đầu với cảnh giới Sơ Thiền và đối tượng cần phải gạt bỏ là các dục để chứng được Sơ Thiền. Ngài suy nghĩ: "Lành thay sự xuất ly! Lành thay đời sống viễn ly". Nhưng tâm của Ngài không có phấn khởi trong sự xuất ly ấy, không có tịnh tiến, không có an trú, không có hướng tới xuất ly, dù Ngài có thấy: "Đây là an tịnh". Rồi Thế Tôn suy nghĩ:

1) "Do nhân gì, do duyên gì, tâm Ta không có phấn khởi trong xuất ly, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng tới, dù Ta có thấy: 'Đây là an tịnh'? Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ: 'Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong các Dục, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Lợi ích của xuất ly chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không có phấn khởi trong xuất ly ấy, không tịnh tín, không an trú, không có hướng đến'. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: 'Nếu sau khi thấy sự nguy hiểm trong các Dục, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong sự xuất ly, Ta thưởng thức lợi ích ấy, thời sự kiện này có thể xảy ra: Tâm của Ta có thể phấn khởi trong xuất ly, tịnh tín, an trú và hướng đến, vì Ta có thấy: Đây là an tịnh'.

"Rồi này, Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy được sự nguy hiểm trong các Dục, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong sự xuất ly, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong xuất ly, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta thấy 'Đây là an tịnh'. Này Ananda, sau một thời gian Ta ly Dục... chứng đạt và an trú Sơ thiền.

2) "Do Ta trú với sự an trú này, các tương tác ý câu hữu với Tầm và Tứ vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Ta là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên, như là một chứng bệnh. Cũng vây, các tưởng tác ý câu hữu với Tầm và Tứ vẫn hiện hành ở nơi Ta, như vậy, đối với Ta là một chứng bệnh.

"Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: 'Vậy Ta hãy chỉ tức các Tầm và Tứ ... chứng đạt và an trú Thiền thứ hai. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với không có Tầm và Tứ ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến, dù Ta có thấy 'Đây là an tịnh'.

"Này Ananda, về vấn đề ấy Ta suy nghĩ như sau: 'Do nhân gì, do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với không có Tầm và Tứ ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến, dù Ta có thấy 'Đây là an tịnh'? Này Ananda, về vấn đề ấy Ta suy nghĩ như sau: 'Vì Ta không thấy nguy hiểm trong các Tầm và Tứ, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Lợi ích không có Tầm và Tứ chưa được chứng đắc, Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với không có Tầm và Tứ ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến'.

"Này Ananda, về vấn đề ấy Ta suy nghĩ như sau: 'Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong các Tầm và Tứ, vì Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích không có Tầm và Tứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi đối với không có Tầm và Tứ, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta thấy 'Đây là an tịnh'.

"Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy được sự nguy hiểm trong các Tầm và Tứ, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích không có Tầm và Tứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi đối với không có Tầm và Tứ, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta thấy 'Đây là an tịnh'. Này Ananda, sau một thời gian, Ta diệt Tầm và Tứ... chứng đạt và an trú Thiền thứ hai.

3) "Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Hỷ vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Ta là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên, như là một chứng bệnh. Cũng vậy, các tưởng tác ý câu hữu với Hỷ hiện hành ở nơi Ta, như vậy, đối với Ta là một chứng bệnh.

"Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: 'Vậy Ta hãy ly Hỷ... chứng đạt và an trú với Thiền thứ ba. Nhưng này Ananda, tâm của Ta không có hứng khởi đối với không có Hỷ ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến, dù Ta có thấy 'Đây là an tịnh'.

"Này Ananda, về vấn đề ấy Ta suy nghĩ như sau: 'Do nhân gì, do duyên gì, tâm của Ta không có hứng khởi đối với không có Hỷ ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến, dù Ta có thấy 'Đây là an tịnh''? Này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: 'Vì Ta không thấy sự nguy hiểm ấy trong Hỷ, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Lợi ích không có Hỷ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với không có Hỷ ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến'.

"Này Ananda, về vấn đề ấy Ta suy nghĩ như sau: 'Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong Hỷ, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích không có Hỷ, Ta thưởng thức lợi ích ấy, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi đối với không có Hỷ, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta thấy 'Đây là an tịnh'.

"Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy được sự nguy hiểm trong Hỷ, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích không có Hỷ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi đối với không có Hỷ, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta thấy 'Đây là an tịnh'. Này Ananda, sau một thời gian, Ta ly Hỷ... chứng đạt và an trú Thiền thứ ba.

4) "Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Lạc vẫn hiện hành. Đây đối với Ta là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên, như là một chứng bệnh. Cũng vây, các tưởng tác ý cùng khởi với Lạc vẫn hiện hành ở nơi Ta, như vậy, đối với Ta là một chứng bệnh'.

"Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: 'Vậy Ta hãy đoạn Lạc, đoạn Lạc... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với không Lạc, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến, dù Ta có thấy 'Đây là an tịnh'. Này Ananda, về vấn đề ấy Ta suy nghĩ như sau: 'Do nhân gì, do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với không Lạc ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến, dù Ta có thấy 'Đây là an tịnh'?

"Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: 'Vì Ta không thấy nguy hiểm trong Lạc, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Lợi ích của không Lạc chưa được chứng đắc, Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với không Lạc ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến. Này Ananda, về vấn đề ấy Ta suy nghĩ như sau: 'Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong Lạc, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong không khổ, không lạc, Ta thưởng thức lợi ích ấy, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi đối trong không khổ, không lạc, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta thấy 'Đây là an tịnh'.

"Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy được sự nguy hiểm trong Lạc, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong không Lạc, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong không Lạc, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta thấy 'Đây là an tịnh'. Này Ananda, sau một thời gian, Ta xả Lạc ... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư.

5) "Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý cùng khởi với xả lạc vẫn hiện hành, Như vậy, đối với Ta là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên, như là một chứng bệnh. Cũng vây, các tưởng tác ý cùng khởi với xả lạc hiện hành ở nơi Ta, như vậy, đối với Ta là một chứng bệnh"...

Tiếp tục như vậy, Ngài chứng thiền Không biên xứ, Vô sở hữu xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Diệt thọ tưởng định. Tại Không vô biên xứ thiền, Ngài vượt qua các sắc tưởng. Tại Thức vô biên xứ thiền, Ngài vượt qua Không vô biên xứ, chứng đắc Thức vô biên xứ. Tại Vô sở hữu xứ, Ngài vượt qua Thức vô biên xứ và chứng đắc Vô sở hữu xứ. Tại Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài vượt qua Vô sở hữu xứ và chứng đắc Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Tại Diệt thọ tưởng định, Ngài vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ và chứng đắc Diệt thọ tưởng định: "Ta phấn khởi trong Diệt thọ tưởng định, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì ta thấy "Đây là an tịnh". Này Ananda, sau một thời gian, ta vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định. Ta thấy với trí tuệ và các lậu hoặc đi đến đoạn diệt".

Như vậy là tiến trình giải thoát, thành đạo của Đức Phật đi từ Thiền thứ nhất, vượt qua Thiền thứ hai, Thiền thứ ba, Thiền thứ tư, vượt luôn bốn Thiền ở vô sắc giới, chứng đạt trú Diệt thọ tưởng định, với trí tuệ đoạn trừ các lậu hoặc để thành bậc Chánh giác. Cứ mỗi thiền chứng đạt, an trú và vượt qua, Thế Tôn cần phải nỗ lực kiên trì đối trị với các trở ngại bệnh chướng của mỗi thiền và cuối cùng chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ngài tuyên bố:

"Cho đến khi nào, này Ananda, chín thứ đệ trú thiền chứng chưa được ta thuận thứ nghịch thứ chứng đạt và xuất khởi, thời này Ananda, trong thế giới này, với thiên giới, ma giới, phạm thiên giới, với quần chúng sa môn, và Bà-la-môn, chư thiên và loài người, cho đến khi ấy ta không xác chứng Ta đã chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cho đến khi nào, này Ananda, chín thứ đệ trú thiền chứng này đã được Ta thuận thứ nghịch thứ chứng đạt và xuất khởi, thời này Ananda, trong thế giới này, với thiên giới, ma giới, phạm thiên giới, với quần chúng sa môn, và Bà-la-môn, chư thiên và loài người, cho đến khi ấy Ta mới xác chứng Ta đã chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tri kiến khởi lên nơi Ta, Ta biết rằng: 'Bất động là tâm giải thoát của Ta. Đây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa'". (Tăng Chi III, 283).

Như vậy, tiến trình giải thoát của Đức Phật cho thấy sự giải thoát giác ngộ của Ngài là cả một quá trình tuần tự, từ Sơ thiền cho đến Diệt thọ tưởng định, để cuối cùng đoạn diệt các lậu hoặc, thành bậc Chánh đẳng Chánh giác. Trải qua 9 thiền chứng như vậy, và lại mỗi thiền chứng, Ngài phải phấn đấu vượt qua các chướng ngại, tiến lên thiền chứng kế tiếp, để cuối cùng chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy tiến trình thành đạo của Ngài là một tiến trình tuần tự tiến lên, từng thiền chứng một tiến lên thiền chứng kế tiếp, không có vấn đề nhảy vọt, vượt qua nhiều cấp bậc một lần. Tiến trình này cũng chứng tỏ không có vấn đề hoát nhiên đại ngộ. Sự thành đạo của Ngài là cả một quá trình tu chứng lâu dài kiên trì bền bỉ, luôn luôn hướng thượng, như trong kinh này đã diễn tả.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]