Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Năm giới, nếp sống lành mạnh, an lạc, hạnh phúc

08/11/201017:13(Xem: 9682)
Năm giới, nếp sống lành mạnh, an lạc, hạnh phúc


NĂM GIỚI,

MỘT NẾP SỐNG LÀNH MẠNH, AN LẠC, HẠNH PHÚC

Mấy năm nay, chúng tôi tranh thủ thuyết giảng nhiều về chủ đề Đạo đức Phật giáo. Tháng ba vừa rồi vào hai ngày mười và mười một, cũng tại nơi đây, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tổ chức cuộc Hội thảo quốc tế với chủ đề: Đạo đức Phật giáo Trong Thời Hiện Đại.

Cuộc hội thảo, ngoài phái đoàn các giáo sư từ nước Cộng hòa Liên bang Đức đến, còn quy tụ đông đảo quý vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Phật tử, quý vị giáo sư, các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà hoạt động chính trị và xã hội có tên tuổi. Bế mạc cuộc hội thảo, chúng tôi đã khẳng định một chân lý, tuy được đức Phật chúng ta tuyên bố cách đây hơn hai nghìn rưỡi năm, nhưng đến nay vẫn mang đầy đủ tất cả giá trị hiện thực của nó.

* Sống đạo đức là sống an lạc và hạnh phúc.

Đức Phật còn nói cụ thể hơn nữa: “Các người phải siêng năng tu tập các điều thiện, nhờ tu tập điều thiện mà được mạng sống lâu dài, nhan sắc thắm tươi, sống yên ổn, vui vẻ, của cải dồi dào, uy tín đầy đủ”.
(Trường A-hàm, kinh Chuyển Luân Vương Tu Hành)

Đối với chúng ta, những người Phật tử, xuất gia hay tại gia, tu tập điều thiện, chính là giữ giới. Đối với người tại gia, là giữ năm giới và đối với người xuất gia, là giữ mười giới, 250 giới, hay hơn nữa. Nhưng đối với toàn thể những người Phật tử tại gia hay xuất gia, năm giới là căn bản, là mức đạo đức tối thiểu cho một con người, dù là Phật tử hay không, sống xứng đáng là con người, có nhân cách, có nhân phẩm.

Năm giới Phật giáo là chuẩn mực đạo đức cho loài Người nói chung, giá trị phổ biến của chúng, giá trị toàn cầu của chúng được các nhà đạo đức học, triết học, xã hội học trên thế giới công nhận.

Đáng chú ý nhất là sự đánh giá của Albert Schweitzer, nhà Ấn Độ học người Đức. Ông viết: “Đức Phật đã sáng tạo ra một nền đạo đức nội tâm hoàn thiện nhất, và trong lĩnh vực này, đức Phật đã nói lên những chân lý đạo đức có giá trị bất hủ, nền đạo đức không phải của riêng đất nước Ấn Độ mà của cả loài Người nói chung. Đức Phật là một trong những nhà đạo đức học vĩ đại nhất, kỳ tài (Indian Thought anh Its Development, tr.117–Tư tưởng Ấn Độ và sự phát triển của nó)

Trước khi giảng thuyết cụ thể về năm giới chúng tôi muốn điểm sơ qua về một vài lợi ích thiết thực của cuộc sống theo đúng năm giới trong thời hiện nay.

* Lợi ích của năm giới trong cuộc sống hiện tại:

Người sống thiện, giữ năm giới không bao giờ cảm thấy gánh nặng của sợ hãi và hổ thẹn. Trái lại gánh nặng này đè lên tâm của người ác, người phá năm giới suốt ngày đêm, khiến anh ta ăn không ngon, ngủ không yên... Người sống thiện, giữ năm giới thường có vị trí xứng đáng trong xã hội, có uy tín và tiếng tăm, đến tham dự cuộc hội họp nào cũng với thái độ tự tin và đường hoàng. Trái lại, người sống ác, phá năm giới vì mất lòng tin cậy của mọi người cho nên không thể được xã hội giao những vị trí xứng đáng, tiếng xấu đồn xa, đến dự cuộc hội họp nào cũng với thái độ sợ hãi và thiếu tự tin.

Người sống thiện giữ năm giới, sống và làm việc một cách sáng tạo và vui vẻ, hòa hợp với mọi người gần hay xa. Trái lại, người sống ác, phá năm giới vì bị lương tâm thường xuyên cắn rứt, bao giờ cũng thấy lo lắng sợ hãi, do đó không thể sống vui vẻ sáng tạo.

Người sống thiện, giữ đúng năm giới có cái chết bình thản và tỉnh táo, vì khi gần chết thường hồi tưởng lại những việc thiện mình thường xuyên làm trong đời sống, hồi tưởng lại những người mình đã từng giúp đỡ, nghĩ tới Phật, Pháp, Tăng là Tam Bảo, ba của báu luôn luôn hướng dẫn mình trong cuộc sống thiện và hướng thượng. Những người sống thiện và giữ năm giới như vậy, chắc chắn là sau khi chết sẽ được tái sinh vào các cõi lành.

Trái lại người sống ác, phá năm giới không những sống lo âu mà cũng chết trong tâm trạng sợ hãi và mê muội. Anh ta, một cách không có ý thức, hồi tưởng lại những việc ác làm trong đời, hình ảnh những người mà anh đã giết hoặc đối xử tàn nhẫn, và cũng với tâm trạng sợ hãi và lo âu đó, anh ta qua đời tái sanh vào các cõi ác như súc sanh, quỷ đói và địa ngục. (Xem Tăng Chi II, tr 211).

Sống theo đúng năm giới thì sống thọ: Đó là lời đức Phật dạy, mà cũng là một chân lý được các bậc minh triết phương Đông khẳng định. Chúng ta những hậu thế, không nên vội chê bai là mê tín. Hiện nay, khoa học y tế hiện đại phát hiện rằng, tế bào con người rất nhạy cảm với nếp sống đạo đức hay là phi đạo đức. Chính cuộc sống phi đạo đức làm yếu các tế bào bạch huyết cầu, khiến cho những tế bào đó bị yếu đi, không đủ sức bảo vệ cơ thể, vì vậy cơ thể dễ lâm bệnh. Hệ thần kinh bị những hành động và tư tưởng ác, bất thiện làm cho mất thăng bằng, không đủ sức điều khiển sự phát triển lành mạnh của các tế bào. Từ đó sinh ra các tế bào ung thư, mà sự phát triển vô tổ chức, tạo ra những khối u ác tính. Đồng thời, những tình cảm ác, bất thiện kèm theo sự ồn ào sợ hãi, lương tâm cắn rứt v.v . . . kích thích các tuyến nội tiết bài tiết vào trong máu đủ các thứ chất độc. Trong khi những tình cảm thiện, tư tưởng thiện lại kích thích các tuyến nội tiết bài tiết vào trong máu nhiều chất bổ làm cho toàn cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái.

Đó là những phát hiện và khẳng định của khoa Y học hiện đại, cho chúng ta thấy mối liên quan trực tiếp giữa cuộc sống đạo đức và sức khỏe của cơ thể con người. Một sự liên quan mà các nhà minh triết phương Đông đã nói tới, cách đây hàng mấy nghìn năm.

Có thể khẳng định, theo cuốn Dhammapala Jataka, là cuộc sống thiện, giữ đúng năm giới của đạo Phật, có thể giúp cho con người sống thọ, khỏe mạnh cả về vật chất cũng như tinh thần.

Đức Phật khẳng định nếu không giữ năm giới, thì người nam cư sĩ sẽ sống cuộc đời luôn lo âu và sợ hãi. Trái lại, nếu giữ đúng năm giới thì người nam cư sĩ không còn lo âu sợ hãi.

“Thành tựu năm pháp này, này các Tỳ kheo, nam cư sĩ không còn sợ hãi. Thế nào là năm? Từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu”.

Đức Phật còn nói lại ý kiến vừa rồi, dưới hình thức một bài kệ để chúng ta dễ đọc dễ nhớ:

Ai sát hại sinh linh,
Và nói láo ở đời,
Lấy của cải không cho,
Đi đến vợ người khác,
Và người mãi đắm say
Uống rượu men, rượu nấu,
...Được gọi năm ác giới
Mạng chung, sanh ác tuệ.
Bị rơi vào địa ngục.

Như chúng ta thấy, sống phá năm giới, đức Phật gọi là sống theo năm ác giới, và người đó khi sống trong sợ hãi, khi chết thì phải đọa xuống địa ngục.

Ngược lại, nếu người đó sống theo đúng năm giới, thì khi sống đã không lo âu sợ hãi, mà sau khi chết, sẽ được sanh lên các cõi lành:

“Ai không hại sanh linh,
Không nói láo ở đời,
Không lấy của không cho,
Không đi đến vợ người”.
“Người nào không đắm say
Rượu men và rượu nấu,
...Được gọi là có giới,
Mạng chung sanh trí tuệ,
Được sanh lên cõi lành”.
(Tăng Chi II, 210, 211 )

Trong 45 năm thuyết pháp, đức Phật đã dành nhiều thời giờ để trực tiếp nói chuyện với những gia chủ sống tại gia, có vợ, có con, với nhiều tài sản. Đối với những người như vậy, đức Phật luôn luôn khuyến cáo họ sống đạo đức, sống thiện, giữ năm giới.

Thí dụ, gia chủ Dighajanu, thuộc bộ tộc Kolya thưa với đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, chúng con là những người gia chủ, hưởng thọ các dục vọng, sống ràng buộc với vợ con, dùng các hương chiên đàn ở Kasi, đeo và dùng các vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, vàng bạc.

Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho những người như chúng con, thuyết như thế nào để những pháp ấy đem đến cho chúng con hạnh phúc an lạc ngay trong hiện tại, và hạnh phúc an lạc cả trong tương lai”. (Tăng Chi III, tr. 1 19)

Đức Phật bèn giảng cho gia chủ Dighajanu về bốn pháp là :
1. Sống đầy đủ tháo vác, tức là làm thật giỏi, thật thiện xảo nghề nghiệp của mình.
2. Biết giữ gìn tài sản do nghề nghiệp lương thiện làm ra, không để mất mát, lãng phí.
3. Được nuôi dưỡng và sống có đạo đức. Đức Phật gọi đó là làm bạn với thiện. Đức Phật nói: “Với những người đầy đủ giới đức, thì học tập đầy đủ giới đức. Với những người đầy đủ bố thí, thì học tập đầy đủ bố thí. Với những người đầy đủ trí tuệ thì học tập đầy đủ trí tuệ”.
(Tăng Chi III, tr. 121 ).

4. Cuối cùng, đức Phật khuyên gia chủ hãy biết sống một nếp sống thăng bằng, điều hòa, không đam mê đàn bà, không đam mê rượu chè, “không đam mê cờ bạc, không giao du với bọn ác”. Đức Phật ví bốn điều cấm kỵ trên đây như bốn cái cửa, nếu mở ra thì tài sản bị thất tán hết, nhưng biết đóng lại, tức là:

“Không đắm say đàn bà, không đắm say rượu chè, không đắm say cờ bạc, lại biết giao du với người thiện lành, thì tài sản trong nhà sẽ ngày càng dồi dào, phong phú”. (Tăng Chi III, tr. 118)

Được đức Phật giải thích về lợi ích sống theo năm giới như vậy, chúng ta hãy tìm hiểu nội dung của năm giới như thế nào, và những con người sống trong thời đại hiện nay nên nhận thức năm giới như thế nào?

* Nhận thức nội dung năm giới trong hoàn cảnh hiện nay:

I. Giới sát sinh:

Đứng đầu năm giới là giới sát sinh, yêu cầu mọi người chớ có tự tay mình giết hay bảo người khác giết.

Ngược lại, yêu cầu phải trân trọng giá trị thiêng liêng của sự sống, đối với loài Người cũng như mọi loài. Bảo vệ tôn trọng, nâng cao giá trị của sự sống, đó là một khái niệm trung tâm của đạo đức Phật giáo. Cống hiến lớn lao của đạo Phật là coi trọng mọi dạng sống, chứ không phải chỉ riêng dạng sống loài Người. Đức Phật lên án mọi hình thức hủy hoại sự sống, khi còn tại thế đức Phật lên án tập tục tế đàn của đạo Bà-la-môn, vì giết để cúng thần hàng chục, hàng trăm dê, cừu, bò một lần.

Đức Phật cũng phê bình thú vui săn bắn của vua chúa. Và lẽ tất nhiên, đức Phật phản đối chiến tranh dưới mọi hình thức, trừ trường hợp khi cả một dân tộc, một quốc gia bị xâm lăng và phải tự vệ. Ở Việt Nam, những ông vua Phật tử như Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông đã lãnh đạo cuộc kháng chiến của toàn dân chống lại các cuộc xâm lăng của quân đội nhà Tống và nhà Nguyên. Tuy nhiên, do luật nhà Phật quy định, đã là tu sĩ, đã xuất gia thì không được cầm vũ khí. Muốn cầm vũ khí ra trận, người tu sĩ phải hoàn tục, làm cái việc mà trong sách thường nói:
“Cởi áo cà sa, khoác áo chiến bào”.

Giới luật nhà Phật đối với tu sĩ xuất gia bao giờ cũng nghiêm ngặt hơn là đối với người tại gia. Trong thời đức Phật còn tại thế ở ấn Độ, Tăng sĩ khất thực hằng ngày để sống, do đó, trong luật có quy định, Tu sĩ không được đốn cây, phá cây, đào đất, vì làm như vậy có thể giết hại các loài sinh vật nhỏ. Kinh tạng Pali nói tới những dạng sống thô sơ (Ekindriya Jiva, hay Sappanaka uda) sống trong các loài cây, cỏ và cả ở trong nước và đất. (Trong các bộ luật - Vinaya Pitaka cuốn III tr.126 và Vinaya cuốn 14 tr.125, đều có những quy định cụ thể và chi tiết như vậy).

Đó là sự thể hiện của lòng từ bi của đức Phật, một lòng từ lòng bi bao quát tất cả mọi dạng sống trên trái đất này, dù là lớn hay nhỏ, mắt thấy được hay không thấy được, như đã nói trong kinh Từ Bi thuộc kinh tạng Pali.

“Loài được thấy, không thấy,
Loài sống xa, không xa
Các loài hiện đang sống,
Các loài sẽ được sanh
Mong mọi loài chúng sinh
Sống hạnh phúc an lạc.
Hãy tu tập từ tâm,
Trong tất cả thếgiới,
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng rộng lớn.
Phía trên và phía dưới,
Cũng vậy cả bề ngang,
Không hạn chế, trói buộc,
Không hận, không thù địch,
Như tấm lòng người mẹ,
Đối với con của mình,
Trọn đời lo che chở,
Con độc nhất của mình,
Cũng vậy đối tất cả,
Các hữu tình Chúng sinh,
Hãy tu tập tâm ý
Không hạn lượng rộng lớn”.
(Tập Kinh, kinh Từ Bi tr. 25)

Đức Phật cho rằng từ bi là trạng thái tâm thức tốt đẹp nhất ở thế gian này, và khuyến cáo học trò mình, tất cả mọi Phật tử dù là đi, đứng, hay nằm, ngồi, đều an trú niệm của mình ở lòng từ, lòng bi không hạn lượng đó.

Trong kinh tạng Pali, đức Phật thường hay khuyến cáo các Tỳ kheo đệ tử hãy chăm tập bốn Vô lượng tâm, tức là các tâm từ, bi, hỷ, xả, mở rộng không hạn chế cho tất cả các loài hữu tình ở khắp bốn phương, dù nhỏ hay lớn, thấy được hay không thấy được, đều bao quát trong bốn tâm từ, bi, hỷ, xả rộng lớn vô biên đó.

Mãi gần đây, phương Tây mới lập ra môn học mới gọi là “Đạo đức học Môi trường” (Environmental Ethics), đặt vấn đề bảo vệ cây cỏ, nước, không khí và các loài vật Đó là một bước đáng khen của khoa học Tây phương tiếp cận thuyết từ bi rộng lớn của đạo Phật. Nhà Phật học Nhật Bản Hajime Nakamura viết:

“Theo đạo Phật, người chỉ là một loài hữu tình, không có quyền khai thác bừa bãi không có hạn chế các loài động vật thực vật, cũng là một bộ phận của thiên nhiên” (Hajime Nakamura - Encyclopedia of Bioethics-Tập I. Free Press. New York. Tr.371).

Nhà Phật học Nakamura viết tiếp: “Một trong những đặc sắc nổi bật của tư tưởng Phật giáo là một nếp sống hài hòa với thiên nhiên, một nếp sống an lạc trong một cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp, thanh tịnh, đầy thẩm mỹ và đạo vị”. (Sách đã dẫn, tr. 371).

Chắc quý vị có thể thắc mắc là làm sao kết hợp được thuyết từ bi của đạo Phật với yêu cầu của khoa học nông nghiệp hiện đại, dùng hàng loạt thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân hóa học để bảo vệ mùa màng, tăng sản lượng nông nghiệp v.v... Đúng là khoa học nông nghiệp hiện đại có những thành tựu nhất định trong việc bảo vệ mùa màng, diệt trừ sâu cắn lúa và cỏ dại, và tăng năng suất và sản lượng ngũ cốc một cách đáng kể.

Nhưng, chúng ta cũng không được quên hậu quả tai hại lâu dài của việc lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Đất, nước, bị ô nhiễm trên một diện tích rộng lớn, đất đai màu mỡ trước kia ngày càng bị cằn cỗi, thành phần hóa học và sinh vật trong đất bị mất cân đối. Nước sông nước biển cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng, thậm chí tại một số vùng, nhiều sông, hồ ao không còn có thể nuôi sống cá, tôm, cua và bất cứ một loài thủy sản nào khác? Mãi gần đây, các nhà khoa học nông nghiệp mới bắt đầu tỉnh ngộ và gióng tiếng chuông báo động, yêu cầu trở lại dùng phân sinh vật, cấm không dùng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ trên quy mô lớn. Nói chung khoa học nông nghiệp phương Tây đang có xu hướng rõ rệt, bảo vệ duy trì cân bằng sinh thái trong đất và nước, cây cỏ, nhằm tạo ra một năng suất ổn định, cung cấp một số lượng nông phẩm có thể ít hơn, nhưng chất lượng dinh dưỡng cao hơn.

Một thắc mắc thứ hai quý vị có thể nêu lên về giới sát sinh là ăn thịt cá, có mâu thuẫn với thuyết từ bi của đạo Phật hay không?

Quý vị đều biết rõ là trong thời đức Phật tại thế, đức Phật không có yêu cầu tu sĩ không được ăn thịt, cá. Thí chủ cúng dường gì thì ăn nấy, dù là thịt, cá, trứng đều có thể dùng không phân biệt. Hiện nay, ở các nước theo Phật giáo Nam tông, như Campuchia, Lào, Thái Lan, Sri Lanka Tăng sĩ vẫn theo truyền thống đó của đạo Phật, nhưng họ chỉ ăn mỗi ngày một bữa, nếu quá ngọ thì họ không ăn nữa. Trái lại, ở các nước theo Phật giáo Bắc tông như Việt Nam, Trung Quốc có một số lớn Tăng sĩ ăn trường trai, nhưng ăn nhiều bữa. Ở các xứ như Tây Tạng, Mông Cổ, tuy là theo Phật giáo Bắc tông, nhưng Tăng sĩ ở đấy vẫn ăn mặn. Một bộ phận lớn của Tăng sĩ Nhật Bản và Triều Tiên cũng ăn mặn.

Tại sao như vậy? Đức Phật là một giáo chủ rất thực tế Ngài biết rằng, trên thế giới có những vùng, trong năm có nhiều tháng tuyết bao phủ khắp nơi, cây cỏ không mọc được, thì Tăng sĩ ăn chay thế nào được?

Vì vậy đạo Phật đề ra thuyết thịt trong sạch. Thịt có thể ăn được, nếu mình không chứng kiến, không nghe biết con vật bị giết thịt, cũng biết rõ, con vật đã không bị giết thịt để cho mình ăn. Thịt như vậy gọi là thịt trong sạch và có thể ăn được.

Tất nhiên, ở những nơi nào, với người nào có điều kiện ăn chay và cảm thấy ăn chay ngon, có lợi thật sự cho sức khỏe, thì nên ăn chay. Vấn đề này không nên áp đặt mà nên tùy theo hoàn cảnh và sở thích từng người mà giải quyết hợp lý. Theo đạo Phật, không phải ăn chay là sẽ được giải thoát, cũng không phải ăn mặn thì sẽ phải luân hồi sanh tử. Vấn đề là ở lòng tham hay không tham. Có người ăn thịt mà không tham, lại có người ăn chay mà tham. Tham ăn, cũng như tham sắc, danh, tiền, ngủ nghỉ đều dẫn tới luân hồi sanh tử. Không tham thì được giải thoát, trước mắt là giải thoát khỏi ràng buộc với những điều mình ham thích. Thân tâm nhờ đó mà được nhẹ nhàng, thoải mái.

Mặc dù quý vị không ăn chay trường, chỉ ăn chay trong những ngày nhất định, nhưng quý vị hãy bồi dưỡng cho mình và con cháu mình lòng thương yêu đối với loài vật, nhất là những động vật đáng thương, đáng quý, lại có ích như con chó, con mèo, con bò, con ngựa v.v. . .

Quý vị và con cháu, bạn bè quý vị hãy học cho được, tu tập cho được tâm trạng từ bi, mà trong kinh Từ Bi, đức Phật đề cao như là tâm trạng tốt nhất trong cõi thế này.

Nếu tâm trạng ấy, được duy trì và bồi dưỡng trong mỗi giây phút của đời sống quý vị thì có thể đảm bảo chắc chắn hạnh phúc đời này và đời sau sẽ đến với quý vị không tách rời quý vị, không khác gì bóng đi theo hình, âm vang không rời tiếng, bánh xe lăn theo bước chân con bò kéo xe:

“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo,
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau
Như xe, chân vật kéo”. (Pháp Cú 1)
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình”. (Pháp Cú 2)

Tâm ý thanh tịnh, trong kinh Pháp Cú, chính là tâm từ, tâm bi mà đức Phật ca ngợi như là cái tâm trạng tốt đẹp nhất trên thế gian này.

Có lần, đức Phật thuyết pháp cho ông Cấp Cô Độc (Anathapinika) về công đức của bố thí. Đức Phật nói:

Bố thí, cúng dường đức Phật và Tăng chúng thì có công đức rất lớn. Nhưng có công đức lớn hơn là xây một tu viện cho Tăng chúng. Có công đức lớn hơn xây dựng tu viện là thọ Tam quy, quy y Phật, Pháp, Tăng. Có công đức hơn thọ Tam quy là giữ năm giới. Có công đức hơn giữ năm giới là giữ tâm niệm từ bi, dù chỉ là giây phút.

Nhưng có công đức hơn tất cả là quan sát sâu sắc đạo lý vô thường của sự vật”. (Tăng Chi IV, tr. 264-265)

Trong đoạn văn trên, chúng ta thấy rất rõ là đức Phật hết sức coi trọng việc tu tập lòng từ, lòng bi và giữ năm giới. Nếu làm như trong kinh Từ Bi, nếu cả đời chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi, chúng ta cũng đều giữ một niệm từ bi, thật sự thương xót mọi người, mọi loài, thì công đức của chúng ta sẽ là vô lượng vô biên. Mà lòng từ, ở mức thấp nhất chính là không sát sanh, không giết hại, và không khuyến khích giết hại.

Còn mặt tích cực của giới không sát sinh là gì? Xưa nay, chúng ta thường hiểu một cách hạn hẹp mặt tích cực của giới không sát sinh là phóng sanh, là vào những ngày lễ hội lớn, tổ chức mua cá đem thả lại xuống sông, mua chim nuôi ở lồng rồi đthả cho bay đi tự do...

Chúng tôi không phản đối gì những cử chỉ tốt đẹp, có giá trị biểu trưng như vậy. Nhưng chúng tôi muốn đề nghị một nhận thức rộng rãi hơn về thế nào là mặt tích cực của giới sát sinh. Đó là quý trọng, bảo vệ, làm phong phú thêm, nâng cao chất lượng của sự sống ở mọi cấp, trong tất cả mọi hình thức. Nếu hiểu như thế thì tham gia các phong trào chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, chống bạo loạn và bạo hành, khuyến khích hòa hợp với đối thoại trong phạm vi quốc tế, khu vực, quốc gia, địa phương đều là thể hiện mặt tích cực của giới không sát sinh; cũng như tham gia cuộc vận động bảo vệ môi sinh trong phạm vi quốc tế, khu vực, quốc giạ, địa phương, cho tới quận, phường, khu phố... Bởi lẽ bảo vệ môi trường sống, cũng tức là bảo vệ sự sống nâng cao chất lượng sống. Chúng tôi hiểu môi trường sống không chỉ hạn chế ở không khí, đất và nước, mà còn bao gồm cả lối sống, tập quán sống, vệ sinh hay phản vệ sinh, đầu độc xã hội hay là làm lành mạnh hóa xã hội của cá nhân chúng ta từng gia đình chúng ta. Chúng tôi rất mong cho mỗi chùa, Thiền viện Phật giáo, thậm chí cho tới mỗi gia đình Phật tử đều sẽ là những trung tâm lớn hay nhỏ của đạo đức Phật giáo, được thể hiện trong nếp sống hằng ngày, là những trung tâm của lòng từ, bi, hỷ, xả, những trung tâm đoàn kết và hòa hợp, những trung tâm của một lối sống giản dị, lành mạnh và đức hạnh. Đó chính là bảo vệ sự sống và nâng cao chất lượng sống. Đó chính là bảo vệ sự sống và nâng cao chất lượng sống. Đó chính là mặt tích cực của giới sát sinh.

Văn minh Phật giáo phải tạo ra những mẫu người biết sống hài hòa với mọi người, quan tâm tói mọi người, thông cảm sâu sắc và chân tình với niềm vui cũng như nỗi khổ của mọi người.

II. Giới không lấy của không cho.

Thuộc phạm vi giới này, không phải chỉ là những hành vi trộm cắp lộ liễu, mà còn gồm cả những hành vi như buôn lậu, tham nhũng, lừa đảo, lật lọng trong buôn bán để kiếm những món lời bất chính, lạm dụng hay chiếm dụng của công v.v. . .

Ở các nước công nghiệp phát triển và một số các nước khác, việc khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là loại tài nguyên không thể phục hồi được, như quặng kim loại, dầu mỏ hay là khó phục hồi như rừng gỗ, loài động vật hiếm phải được kết tội như là những hành vi chiếm đoạt tài sản của hậu thế.

Thánh Gandhi nói: “Ăn một miếng không cần ăn tức là chiếm đoạt phần ăn đó của người khác”. Trên tinh thần đó, người Phật tử nên tránh và phê phán những cuộc ăn nhậu, tiệc tùng lãng phí, những bữa ăn đáng lẽ để cho 20 người ăn, nhưng chỉ có ba, bốn người ăn mà thôi. Đó là khoe khoang, đó là lãng phí, đó là thiếu lòng trắc ẩn đối với những người nghèo, người đói, ở trong nước cũng như trên thế giới. Chúng ta nên nhớ rằng, ăn một miếng không cần ăn, thì miếng ăn đó sẽ trở thành thuốc độc, đầu độc cơ thể, sinh ra lắm chứng bệnh. Đó là loại bệnh của người ăn no: bệnh đường ruột, bệnh dạ dày, các loại bệnh tiêu hóa, bệnh huyết áp, bệnh béo bệu và bao nhiêu thứ bệnh khác nữa.

Mặt tích cực của giới không lấy của không cho là:

a. Sống trung thực, lương thiện, tuyệt đối không xâm phạm tới tài sản, của cải của người khác, dù là cây kim, sợi chỉ.

b. Sống biết đủ, bằng lòng với số tài sản của mình, có được nhờ lao động của bản thân, không nghĩ cách làm giàu thêm bằng những lối làm ăn lừa lọc, không chính đáng, phi đạo đức. Cần chú ý là, đạo Phật không phản đối làm giàu, nếu đấy là làm giàu chính đáng. Đức Phật từng nói với ông Cấp Cô Độc rằng, người giàu có những niềm vui như là có được của cải, do lao động của mình tạo ra, có được của cải để làm việc thiện, có của cải cho nên không phải nợ nần. Nhưng đức Phật kết luận là những niềm vui đó, tuy chính đáng, nhưng vẫn thua xa niềm vui của một người sống thiện, không hề bị lương tâm khiển trách. (Tăng Chi IV, tr. 264 - 265)

c Sống mà biết bố thí luôn luôn và sẵn sàng giúp đỡ người khác trên mọi mặt. Bố thí có nhiều loại: Tài thí là giúp đỡ người thiếu thốn bằng của cải vật chất. Đó là hình thức bố thí phổ thông nhất. Pháp thí là giảng pháp cho những người chưa được biết Phật pháp. Đó là loại bố thí được đức Phật ca ngợi là bậc nhất. Pháp thí là đem điều thiện, điều phải, điều hay, đẹp mình học được từ Phật pháp chia xẻ với người khác cùng biết và được lợi như mình. Có người hiểu một cách hạn hẹp rằng chỉ có Tăng sĩ mới làm việc pháp thí. Không phải vây, Tăng sĩ thuyết pháp là một hình thức của pháp thí. Nếu có một vị nào đó trong giảng tòa này, đem nội dung bài giảng của chúng tôi ngày hôm nay phổ biến lại cho gia đình, con cái bạn bè, thân hữu, như vậy thưa quý vị, cũng là pháp thí. Dùng mọi hình thức để phổ biến Phật pháp, đó là pháp thí. Thuyết pháp hằng giờ như chúng tôi ngày hôm nay là pháp thí đã đành, giảng giải lại cho một người khác nghe chỉ một lời Phật dạy mà thôi cũng là pháp thí.

Ở đoạn trên, tôi có nhắc lại một lời đức Phật nói một niệm quán vô thường, công đức còn lớn hơn là cúng dường Phật và Tăng chúng, lớn hơn cả xây chùa và tu viện, hơn cả thọ Tam quy, ngũ giới v.v. . .

Vì vậy chúng tôi khuyến cáo các vị ít nhất cũng tìm hiểu đạo lý vô thường, là một trong Ba pháp ấn của đạo Phật, và giảng giải cho mọi người biết về đạo lý vô thường đó. Công đức của các vị thực là lớn lao vô cùng.

Vì sao? Vì chỉ khi nào hiểu được đạo lý vô thường, thì mới dứt bỏ được lòng tham, lòng sân, lòng si, mở được cửa vào cảnh giới Niết Bàn an lạc. Cảnh giới Niết Bàn là cảnh giới không tham, không sân, không si. Mà muốn không tham, sân và si thì phải hiểu sâu sắc đạo lý vô thường.

Hình thức bố thí thứ ba là vô úy thí. Bảo vệ, che chở, an ủi những người bất hạnh, gặp nạn, thân cô, thế cô đó là vô úy thí, tức là bố thí sự không sợ hãi.

Tùy hỉ thí là chia xẻ niềm vui của người khác. Mặt trái của tùy hỷ thí là lòng ganh ghét, đố kỵ, không có lòng hoan hỷ đối với sự thành đạt của người khác. Trong Bốn vô lượng tâm được nói tới trong kinh tạng Pali, có tâm hỷ. Đó chính là hạnh tùy hỷ, sẵn sàng chia xả niềm vui của tất cả mọi người, mọi Chúng sinh. Lòng hỷ (tùy hỷ) bao giờ cũng đi kèm với lòng từ. Bởi vì lòng từ chính là lòng sẵn sàng đem lại niềm vui cho người khác. Mà chia xẻ niềm vui cũng tức là cung cấp niềm vui, đem lại niềm vui.

Trong sách Phật còn nói tới một hình thức bố thí nữa, gọi là cung kính thí, tức là thái độ khiêm tốn, bảy tỏ lòng kính trọng đối với mọi người, dù là người kém tuổi mình, không có địa vị xã hội bằng mình. Thái độ kiêu căng ngạo mạn là một thái độ không thể chấp nhận được trong đạo Phật. Vì dưới con mắt đức Phật, mọi Chúng sinh đều có Phật tính, đều có khả năng thành Phật, cho nên đều bình đẳng. Hơn nữa, mình có kính trọng người ta, thì người ta mới kính trọng mình. Đó là thái độ có đi có lại trong cuộc sống, là quy luật tự nhiên.

III. Giới không tà dâm

Con người hay từ cực đoan này nhảy sang một cực đoan khác. Có người cười nhạo đồ đệ của Khổng Tử là “nam nữ thọ thọ bất thân” nhưng con người hiện đại lại lún sâu vào một cực đoan khác tức là cuộc sống tình dục không hạn chế, mà những ảnh hưởng tiêu cực đã bộc lộ phổ biến: gia đình tan nát, tỉ lệ ly dị cao, dẫn tới tình cảnh trẻ con sống bơ vơ, thiếu tình cảm, không được giáo dục, cho nên tỷ lệ thanh thiếu niên phạm tội ngày càng nhiều; số thanh niên nghiệp ngập, hút sách, mua bán dâm bừa bãi ngày càng đông. Một trong hậu quả tai hại nhất của lối sống tình dục bừa bãi là bệnh Sida, mà sự xuất hiện và lan tràn mau chóng là mối lo chung cho cả nhân loại, bởi vì đó là một chứng bệnh hiện nay xem như là không chữa trị được.

Trong một bối cảnh xã hội và thế giới như vậy, tầm quan trọng của giới thứ ba, giới không tà dâm của đạo Phật càng nổi bật lên, như một nhu cầu bức xúc hàng đầu.

Chúng ta cần nhớ rằng, nhân loại từ tình trạng dã man chuyển sang tình trạng văn minh là nhờ có thiết chế gia đình. Tình thương của người mẹ đối với con cái đóng vai trò lớn trong sự ổn định thiết chế gia đình. Con người cảm thấy được an ủi, bớt cô độc, được bước đầu giáo dục về tình thương đồng loại, trong cánh tay ôm ấp của người mẹ, trong tiếng ru con của người mẹ. Thế nhưng nếp sống tình dục bừa bãi của con người hiện đại đã phá hoại thiết chế gia đình đó của con người, khiến cho con người tuy không phải quay lại cuộc sống man dã, thì cũng sống phi đạo đức, mất hết tính người. Đó là điều đáng sợ, nhưng phải nói ra, không nói không được. Chỉ có loài vật mới quan hệ tình dục bừa bãi. Nhưng con người cũng bắt đầu quan hệ tình dục bừa bãi như vậy, lại còn phô trương trên màn ảnh một cách công khai, không chút xấu hổ e thẹn.

Đó chính là cái vòng lẩn quẩn của con người gọi là văn minh, gọi là hiện đại. Cảm thấy sống làm người là khổ, thì lại đâm đầu xuống sông, không ra con người nữa để rồi cảm thấy đau khổ hơn. Nhưng đạo Phật đã vạch cho con người chúng ta một lối thoát ra khỏi cuộc sống đau khổ hiện tại, là lối sống đạo đức, hướng thượng theo năm giới, mười thiện, lối sống tránh cả hai cực đoan: đam mê dục vọng tầm thường, cũng như sống ép xác khổ hạnh.

Đối với người xuất gia, đạo Phật yêu cầu một cuộc sống Phạm hạnh, từ bỏ mọi hình thức dâm dục. Đây không phải là khổ hạnh. Đây là yêu cầu tối thiểu của một cuộc sống thật sự giải thoát, hướng tới sự giác ngộ hoàn thiện. Nhưng đối với người Phật tử tại gia, đạo Phật không đặt yêu cầu cao như vậy. Đạo Phật chỉ yêu cầu họ có quan hệ tình dục chính đáng, với người chồng, người vợ chính thức của mình. Quan hệ vợ chồng là quan hệ vừa có tình, vừa có nghĩa, là trụ cột của mọi quan hệ khác trong gia đình, như quan hệ cha mẹ và con cái, quan hệ anh, chị em, và rộng hơn nữa là quan hệ họ hàng thân thuộc. Trụ cột mà vững vàng, lành mạnh thì mọi quan hệ khác trong gia đình cũng sẽ vững vàng và lành mạnh theo. Mà quan hệ gia đình ổn định, lành mạnh, lại là cơ sở của một xã hội ổn định và lành mạnh.

Giữ đúng giới “không tà dâm”, người chồng, người vợ, người cha, người mẹ đóng vai trò rất lớn, có thể nói là quyết định trong sự nghiệp làm lành mạnh, và ổn định xã hội, cũng như giáo dục và bồi dưỡng thế hệ tương lai.

IV. Giới không nói dối

Tức là giới cấm vọng ngữ. Đối với đạo Phật, nói dối tai hại trên nhiều mặt. Thứ nhất, nói dối ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định xã hội. Nói dối phá hoại sự ổn định đó. Con người chỉ có thể sống chung với nhau trong một bầu không khí tin cậy lẫn nhau, tin cậy rằng trong giao tiếp, mọi người đều nói thật. Nếu mọi người đều nói dối, thì đó là dấu hiệu của xã hội giải thể và tan rã.

Thứ hai, trên bình diện cá nhân, nói dối có tác dụng tai hại là phản ứng dây chuyền. Nghĩa là, lời nói dối này kéo theo lời nói dối khác rồi một lời nói dối khác nữa, còn nghiêm trọng hơn, cho tới khi bản thân mình cũng bị bao bọc bởi tấm màn dối trá do mình tạo ra. Một con người như thế ngày càng tách rời ra đích giải thoát và giác ngộ, ngày càng sa đọa vào vòng tội lỗi, khó gỡ ra được. Một người đã sống không thật với người khác, và với bản thân mình, thì sẽ không bao giờ tìm tới sự thật, chứ đừng nói chứng ngộ sự thật.

Trong kinh “Giáo giới La-hầu-la tại rừng Am-bà-la” (Trung Bộ kinh II, tr. 122), đức Phật để lại trong chậu một ít nước và bảo La-hầu-la rằng:
“Này La-hầu-la, ông có thấy một ít nước còn lại trong chậu không?”
“Thưa có, bạch Thế Tôn” .
“Cũng ít vậy, này La-hầu-la, là đức hạnh Sa-môn của những người nào biết mà vẫn nói dối, nói dối mà không có xấu hổ”.
Rồi đức Phật hắt chút ít nước trong chậu đi, lại úp chậu lại rồi lật ngữa chậu ra và nói:
“Này La-hầu-la, ông có thấy chậu nước này trống không hay không?”
“Thưa có, bạch Thế Tôn”.
“Cũng trống không như vậy, này La-hầu-la là hạnh Sa-môn của người biết mà nói dối, không xấu hổ”.
Rồi ở một đoạn sau của kinh, đức Phật lại khẳng định:
“Này La-hầu-la, đối với ai biết mà nói dối, không có xấu hổ, thời Ta nói rằng, người ấy không có việc gì ác mà không làm. Do vậy, này La-hầu-la, Ta quyết không nói dối, dù là nói để mà chơi. Như vậy, này La-hầu-la, ông phải học tập”.

Rất mong quý vị, về gia đình, cũng dạy dỗ con cháu mình như vậy, nghĩa là tuyệt đối không nói dối, dù là nói để mà chơi. Hiện nay, người ta nói dối với nhau một cách quá dễ dàng. Trong nhà, người mẹ muốn dỗ con nín, không khóc, cũng nói dối. Cha mẹ, muốn đi chơi với nhau một mình, không cho con đi theo cũng nói dối.

Chủ nhà mời khách ăn cơm, cũng là mời để mời, chứ không muốn mời. Khách tuy chưa ăn cơm ở nhà, nhưng để từ chối một lời mời không thật của chủ nhà cũng nói dối: “Xin lỗi, tôi đã vô phép rồi”.

Người ta gọi đó là nói dối theo phép lịch sự. Thế nhưng, thưa quý vị, phép lịch sự, theo đúng nghĩa của nó chính là không nói dối. Nhất là cha mẹ đối với con cái còn nhỏ, lại càng không nên nói dối. Bởi vì, không nên coi thường trẻ con. Chúng nó biết hết. Một ngày, chính chúng nó sẽ nói dối lại với cha mẹ, với bạn bè, như chúng ta đã nói dối với chúng.

Cho nên, thà để cho chúng khóc cũng không sao, khóc một chút cũng như tập thể thao càng khỏe phổi. Tất nhiên, có những trường hợp, chúng ta không thể nói sự thật được. Nhưng không nói sự thật được thì hãy im lặng, chứ đừng có nói dối. Nói dối cũng như ăn vặt, sẽ quen mồm và gây tác hại không nhỏ.

Người Phật tử không những không được nói dối, mà còn không được nói lời chia rẽ, gây hiện tượng mất đoàn kết. Trái lại, người Phật tử bao giờ cũng nói lời hòa hợp, để đoàn kết lại những người vốn bị chia rẽ, và tăng cường đoàn kết hơn nữa, đối với những người vốn đã hòa hợp.

Động cơ xấu nói chia rẽ có thể là lòng hận thù, ganh tị đối với sự thành công của người khác, là tâm ác muốn gây đau khổ cho người mà mình không ưa, muốn cho những người khác xung đột nhau, mâu thuẫn nhau, hiểu lầm nhau.

Khi lời nói xấu, nói chia rẽ đồng thời cũng là lời nói dối, thì hai tội nói dối và nói chia rẽ cộng lại tạo ra nghiệp ác nghiêm trọng, có thể quyết định người phạm giới tái sinh vào cõi ác, cõi khổ.

Mặt tích cực của giới không nói chia rẽ là nói lời hòa hợp, xuất phát từ động cơ lòng từ, lòng bi. Theo sách Phật, người nói lời hòa hợp thường có nhiều bạn trung thành với mình, ở đời này cũng như ở đời sau.

Người Phật tử, không những không nói dối, nói chia rẽ, mà cũng không được nói lời ác độc, khó nghe, làm đau lòng người khác. Kích bác người khác với lời chua cay, chửi rủa, mắng nhiếc người hay là chế nhạo người với lời thâm độc đều là những điều ác về lời nói mà người Phật tử nhất định không phạm, dù là mình có bị trái ý, không bằng lòng. Trong mọi trường hợp, người Phật tử phải biết kiên nhẫn, lại biết thông cảm với những yếu kém của người khác. Người Phật tử biết nói đúng thời, đúng lúc, nói lời có ích, tránh nói nhảm nhí, nói lời vô nghĩa. Đối với người xuất gia, đức Phật thường dặn là chỉ nên nói những lời đúng sự thật, có lợi lạc đối với người nghe, những lời có liên hệ đến Pháp và Luật của đạo Phật, những lời hướng tới giác ngộ và giải thoát. Lời nói của vị tu sĩ phải có giá trị như là vàng bạc, châu báu đem tặng người nghe, mà lại tặng đúng lúc, đúng thời. Người Phật tử tại gia có học Phật cũng nên tranh thủ nói với mọi người những lời nói có ích, có đạo lý, những lời nói khiêm tốn, lịch sự, dễ nghe, dễ thấm vào lòng người. Người Phật tử có học Phật cũng phải tranh thủ nói pháp, pháp thí dụ là với một người, hai người cho đến số đông người.

V. Giới không uống rượu và các chất say khác

Tác hại của rượu thì ai cũng biết, nhưng ai cũng uống. Ngay ở nước ta cũng vậy. Uống rượu uống bia trở thành một cái mốt, một thứ thời thượng, không thể thiếu trong tất cả bữa tiệc nhỏ hay lớn, dù là tiệc gia đình.

Trên báo chí, tỷ lệ tai nạn giao thông, các vụ tội phạm do say rượu cũng tăng lên tới mức báo động. Thanh thiếu niên ở nước ta uống rượu và hút thuốc lá rất nhiều, xem đó như là một dấu hiệu của tuổi lớn và lõi đời.

Các cuộc thí nghiệm khoa học cho thấy rượu làm nóng cơ thể, chứ không cung cấp được chất dinh dưỡng nào cho cơ thể. Phần lớn rượu hay bia uống vào đều bốc thành hơi. Chúng ta đứng gần người uống rượu như bị hơi rượu phả vào mặt. Điều này chứng tỏ rượu hay bia uống vào bị đốt cháy trong cơ thể rồi bốc thành hơi tỏa ra ngoài, không có lợi ích gì cho việc nuôi dưỡng và tái sinh các tế bào.

Mặc dù rượu uống với liều lượng ít có khả năng kích thích thần kinh, và có thể dùng làm thuốc, thế nhưng nếu uống nhiều, uống hằng ngày thì lợi bất cập hại, tuy rằng không uống đến mức độ say. Một tờ tạp chí Y học của Anh cho biết, người uống bia hằng ngày có nguy cơ bị ung thư đường ruột gấp 12 lần người không uống bia. Phụ nữ có thai mà uống rượu, thì dễ bị đẻ non và đau màng óc. Uống rượu cũng gây tác hại dến tế bào óc, dù là đối với người lớn.

Vì tất cả những lý do trên, cho nên đạo Phật xem giới cấm rượu là một trong năm giới cơ bản.

Trong kinh Thiện Sanh (Sigalovadasutta), Phật tuyên bố nghiện rượu là một trong sáu nguyên nhân làm cho tan cửa nát nhà.

Đức Phật nói: “Này Gia chủ, đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm. Tài sản bị tổn thất, hay gây tranh cãi, mắc nhiều bệnh tật, danh dự thương tổn, quần áo hở hang để lộ âm tàng, trí lực bị tổn hại. Này Gia chủ, nghiện các loại rượu có sáu nguy hiểm như vậy”.
(Trường Bộ, Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt)

Trong kinh Phật, có chuyện thanh niên nhà giàu Mahadhanasettin phung phí một số tài sản rất lớn trong việc rượu chè, đến nỗi khi về già phải ăn mày để kiếm sống qua bữa. Tệ nghiện rượu, say rượu là đầu mối của bao nhiêu thảm họa gia đình: Vợ chồng cãi nhau, đánh nhau, con cái hư hỏng. Người say rượu không còn biết phải trái, có thể phạm đủ mọi tội ác, kể cả giết người.

Người Phật tử, ngay từ tuổi nhỏ, phải được giáo dục về sự cần thiết tự chăm sóc lo sức khỏe của bản thân mình, và giữ gìn tâm hồn trong sạch và lành mạnh, để kịp thời ứng phó với mọi biến thiên và cảnh ngộ bất trắc của cuộc sống. Người Phật tử cần nhận thức rõ phung phí sức khỏe, làm mê muội tinh thần bằng lối sống buông thả và trác táng là một tội lỗi nhiều khi phải trả giá đắt bằng cả cuộc đời của mình.

Như vậy, trong bài thuyết pháp nhân ngày lễ Phật đản hôm nay, chúng tôi đã trình bày khá chi tiết nội dung của năm giới nhà Phật, nên được nhận thức dưới con mắt của con người hiện đại như thế nào.

Nước Việt Nam chúng ta chuyển mình trong thời đại đổi mới và mở cửa này, cuộc sống đạo đức có xuống cấp thật, trong mấy chục năm lại đây, nhưng không đến nỗi tồi tệ. Văn minh vật chất phương Tây tuy có xâm nhập vào nước ta và có ảnh hưởng tiêu cực đến một bộ phận của nhân dân ta, nhất là đối với từng lớp thanh thiếu niên, nhưng vẫn gặp phải sự đối kháng mạnh mẽ của giáo dục gia đình, tôn giáo, trường học, được chính quyền hỗ trợ. Cho nên tình hình của đạo đức xã hội ta không đến nỗi quá bi quan, như một vài người lo lắng.

Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức rõ trách nhiệm của chúng ta, những người cha, người mẹ, các bậc đàn anh, trước tình hình đang biến chuyển mau lẹ. Hướng biến chuyển có thể tốt hay xấu là tùy ở nỗ lực của chúng ta. Phương hướng hoạt động của chúng ta có thể là:
– Mỗi người tự thực hiện nếp sống hiền thiện, tuân giữ năm giới của người Phật.
– Ra sức xây dựng kinh tế gia đình bằng các sinh hoạt chính đáng, tham gia xây dựng kinh tế của đất nước, phúc lợi của nhân dân.
– Tham gia các phong trào văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, từ thiện, chống bất công, tiêu cực có thể dẫn đến bất ổn xã hội, suy thoái đạo đức.
– Tuyên truyền đề cao mọi giá trị đạo đức truyền thống, trong đó có đạo đức Phật giáo, như việc chúng tôi làm hôm nay trên giảng tòa này, như việc quý vị sẽ làm ở gia đình, với bài giảng này của chúng tôi.

Qua thời gian khoảng một giờ, chúng tôi đã cố gắng trình bày cho toàn thể quý vị định nghĩa năm giới theo lời đức Phật dạy, nêu rõ những lợi ích cho giữ năm giới này đem lại cho những ai thành tâm thực hành.

Chúng tôi cũng cố gắng phân tích cả hai mặt tích cực và tiêu cực của mỗi giới và sự áp dụng của từng giới trong đời sống cá nhân của từng người, của từng gia đình, quốc gia và xã hội.

Điều quan hệ là chúng ta cố gắng đem áp dụng năm giới này của đức Phật vào đời sống cá nhân của mình, của gia đình. Có áp dụng như vậy, chúng ta mới xây dựng một xã hội văn mình và lành mạnh, thực sự hạnh phúc và an lạc.
(Bài giảng nhân dịp Đại lễ Phật đản 2537-1993 tại Thiền viện Vạn Hạnh)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]