Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 6 Nhẫn nhục

06/11/201015:43(Xem: 9227)
Chương 6 Nhẫn nhục

 

BỒ TÁT HẠNH (Bodhicaryàvatàra)
Santideva (Tịch Thiên)
Thích Trí Siêu dịch

Chương 6
Nhẫn nhục

1) Tất cả hạnh lành tích tụ trong nhiều kiếp như bố thí, lễ Phật, v.v.. chỉ cần một giây phút sân hận thôi cũng đủ đốt cháy tiêu tất cả.

2) Không có tội nào tai hại hơn sân hận, cũng không có khổ hạnh nào dũng cảm hơn hạnh nhẫn nhục. Do đó, bằng mọi cách, ta (Bồ Tát) sẽ nuôi dưỡng, tăng trưởng tánh nhẫn nhục.

3) Ta sẽ không bao giờ an ổn hay nếm được mùi vị sung sướng thảnh thơi, không bao giờ được yên ngủ tự tại nếu ngày đó nọc độc sân hận còn nằm ở trong tâm .

4) Dù được dạy dỗ, bảo vệ, nhưng một khi chán ghét, bực tức, người đệ tử có thể mong muốn hủy diệt vị thầy của mình.

5) Nếu ta giống như người đệ tử trên thì anh em, bạn bè sẽ ghê tởm, xa lánh ta. Dù ta có rộng rãi bố thí đi nữa, họ cũng không tin tưởng ta. Tóm lại, sự an vui không thể đến với người sân hận.

6) Kẻ nào, sau khi ý thức được sân hận là nguồn gốc của đau khổ, hăng hái diệt trừ nó, kẻ đó sẽ hưởng sung sướng trong đời này và đời sau.

7) Sự bất mãn hay sợ hãi vì bị lừa dối chính là nhiên liệu của sân hận. Nếu để nó bùng cháy chắc chắn ta sẽ bị hại.

8) Do đó, ta phải tiêu hủy chất nhiên liệu này trước khi nó sát hại ta.

9) Dù có bị vu khống thậm tệ đi nữa, sự an lạc trong tâm ta cũng không lay động. Vì ta biết rằng bất mãn không đem lại an vui mà ngược lại nó sẽ làm tiêu tan công đức.

10) Cần gì phải buồn rầu bất mãn, nếu ta có giải pháp? Và dù không có giải pháp thì bất mãn sẽ đem lại lợi ích gì?

11) Đau khổ, mạ nhục, chỉ trích, vu oan, tất cả điều đó ta không muốn nó xảy đến với ta và người thân, nhưng ta lại muốn nó xảy đến cho kẻ thù.

12) Sung sướng, dù được cực nhọc tìm kiếm, vẫn mãi không đến. Đau khổ, dù không ai mời mọc, lại đến thường xuyên. Giải thoát không thể có nếu không đi qua đau khổ. Ôi, tâm (của ta ) ơi, hãy can đảm nhẫn nhục!

13) Ngoại đạo và chúng sinh ở Carnatic sẵn sàng tự thiêu, rọc xé thân mình mà không hy vọng có ngày giải thoát. Trong khi ta đây, vì mục đích giải thoát, há lại hèn nhát sao?

14) Không có gì khó làm cả, nếu biết luyện tập. Như thế, hãy bắt đầu làm quen với sự cực khổ tầm thường, sau này ta sẽ nhẫn chịu được những cực khổ dữ dội hơn.

15) Ruồi, muỗi, đói, khát, nhức, ngứa v.v... Tại sao lại xem thường, bảo chúng là vô ích?

16) Nếu không nhẫn chịu được nóng, lạnh, mưa, gió, nhọc, mệt, hành hung, đấm đá thì làm sao có thể nhẫn chịu được những khổ cực khác?

17-18) Có những người lính khi bị đổ máu, họ lại càng can đảm; lại cũng có người chỉ nhìn thấy máu của kẻ khác cũng đủ té xỉu. Cái đó tùy thuộc ở tâm vững mạnh hay yếu đuối. Bồ Tát phải vượt lên làm chủ, chống lại đau khổ.

19) Đau khổ không thể lay động sự bình tĩnh của Bồ Tát. Bởi vì không có sự chiến thắng nào mà không có đau khổ, nhất là chiến thắng ái dục.

20) Thắng được kẻ thù bằng cách chiến đấu hiên ngang thì đáng được xem là chiến tướng anh hùng; còn kẻ chiến thắng bằng thủ đoạn chỉ là người "giết thây chết" mà thôi.

21) Đau khổ nhiều khi cũng đem lại lợi ích: nó dẹp trừ kiêu mạn, khai mở lòng thương người (đau khổ), ghê sợ tội lỗi và tăng trưởng đức tin nơi chư Phật.

22) Ta không thể nào nổi sân với lục phủ, ngũ tạng, dù biết chúng là nguyên nhân của bịnh tật. Như thế sao ta lại nổi sân đối với người khác? Vì họ cũng (vô chủ) bị nhân duyên chi phối.

23) Dù không ai ưa thích nó, nhưng bịnh tật một khi hội đủ nhân duyên thì tự phát sinh. Cũng vậy, vì bị vô minh, tà kiến che lấp nên khi gặp ngoại cảnh nghịch ý thì con người nổi sân lên.

24) Khi nổi sân, con người đâu có nghĩ trước rằng: "Bây giờ ta phải nổi sân!". Và cơn giận, tự nó cũng đâu có nghĩ rằng: "Bây giờ ta phải xuất hiện".

25) Như vậy, tất cả lỗi lầm cùng hành động xấu ác đều do nhân và duyên hòa hợp sanh khởi. Không có cái gì có thể phát sinh tự nó được.

26) Khi "nhân" và "duyên" phối hợp với nhau, chúng không cố ý tạo ra một cái gì cả. Và "quả" cũng vậy, nó không bao giờ nghĩ là nó được tạo ra bởi cái gì cả.

27) Cái thường được gán gọi là bản chất đầu tiên hoặc cái được tưởng tượng dưới nhãn hiệu "Ta", không bao giờ tự phát sinh sau khi suy nghĩ: "Ta sinh".

28) Vì trước khi được sinh ra. Nó không có (hiện hữu) và như thế làm sao có thể "muốn" sinh ra được? Nếu nó thường có (vĩnh cửu), nó sẽ không bao giờ tách rời khỏi đối tượng của nó và như vậy việc giải thoát không thể có được.

29) Nếu cái Ta (Atman) thường hằng, vô biên như hư không thì đương nhiên nó bất động chuyển. Tự tánh nó như vậy thì dù có xúc chạm với bất cứ vật gì đi nữa, nó cũng không bị chuyển động.

30) Ngay khi xúc chạm sự vật mà nó vẫn như như không khác lúc trước khi xúc chạm, vậy nhân duyên nào lại có thể lay chuyển nó? Nếu bảo tự nó chuyển động thì là cả một sự sai lầm! Một vật làm sao lại có thể có hai tự tánh cùng một lúc được? (vừa bất chuyển động vừa chuyển động) [1].

31) Như vậy tất cả sự vật bắt nguồn từ nhiều nhân, và những nhân này lại tùy thuộc vào nhiều nhân khác nữa. Không có gì độc lập tự hữu cả! Hiểu như thế, làm sao ta có thể nổi sân lên đối với những tên người máy (rô bô) vô chủ cử động như ảo ảnh, huyễn thuật?

32) Nhưng người ta sẽ hỏi rằng: "Nếu các pháp không có thật (như ảo như huyễn) vậy "Ai" sẽ dằn cơn giận? Và nếu như không có "Ai" thì cần gì phải dằn cơn giận?" -Cần chứ! Bởi vì tuy không có "Ai" cả nhưng tiến trình nhân quả vẫn tiếp diễn. Ngăn chặn cơn giận thì sẽ hóa giải được hậu quả đau khổ.

33) Khi một người bạn hay một kẻ thù có những hành động bất hảo với ta, ta hãy nên nhủ lòng: "Đây là nhân duyên đang hoạt động" và giữ tâm vắng lặng.

34) Nếu tất cả vật phát sinh theo ý muốn con người thì chắc không có ai khổ cả: vì đâu có ai lại muốn đau khổ bao giờ!

35) Bởi si mê, sân hận, ham muốn dục lạc, nữ sắc nên con người cấu xé nhau, đói khát khổ sở.

36) Lại cũng có người vì đó mà tự hại mình như: thắt cổ, gieo mình xuống vực thẳm, uống thuốc độc, ăn uống quá độ, v.v.. Thảy đều là tội lỗi.

37) Chỉ vì nô lệ cho ái dục, con người đâm ra hủy hoại thân thể (quý giá) của mình. Như vậy làm sao bảo vệ được thân thể cho người khác?

38) Với những kẻ điên dại vì ái dục, luôn não hại ta, nếu ta không khởi được lòng từ bi thương xót họ, thì ít nhất ta cũng đừng nên sân hận (với họ).

39) Nếu tự tánh của những kẻ si mê trên là ác độc, chuyên làm khổ người khác thì nổi sân với họ chẳng khác chi nổi sân với ngọn lửa. Đó là một điều vô lý.

40) Ngược lại, nếu tự tánh của họ hiền lành, ngay thẳng và sự ác độc của họ chỉ là tạm thời chốc lát thì nổi sân với họ cũng vô lý như nổi sân với làn khói trong hư không.

41) Khi bị đánh đập, không ai giận cây gậy cả, mà giận chính người xử dụng cây gậy. Cũng vậy, đối với người sân hận ta, ta không nên giận họ mà hãy nên giận cái tánh sân hận đã thúc đẩy họ.

42) Xưa kia ta não hại người nên nay người não hại ta. Đó là quả báo đương nhiên.

43) Sự đau khổ của ta có hai nguyên nhân: lưỡi kiếm chém ta và thân ta bị chém. Người kia đã lựa cây kiếm còn ta thì khoác cái thân này. Như vậy còn trách ai?

44) Bởi vô minh che lấp, ta đã bám víu vào thân này, không biết thực tướng của nó chính là một vết thương nặng, chỉ cần đụng nhẹ cũng gây đau đớn. Như vậy, thử hỏi khi nó đau thì giận ai (nếu không phải là giận chính ta)?

45) Ta không thích khổ đau nhưng lại thích (tạo) nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Ôi! Không ai điên rồ hơn ta! Chính vì (tội lội của) ta mà đau khổ phát sinh, tại sao lại đi giận kẻ khác?

46) Chính những hành động của ta đã tạo ra cảnh địa ngục với rừng đao lá kiếm và cũng chính hành động của ta tạo cho ta khổ đau hiện thời. Như vậy ta còn giận ai?

47) Chính những hành động của ta đã khiêu khích kẻ khác (để họ tức giận) và khiến họ đọa địa ngục. Thủ phạm há chẳng phải là ta ư?

48) Nhờ họ mà ta thành tựu được hạnh nhẫn nhục, tẩy trừ nhiều tội lỗi. Nhưng ngược lại, vì ta mà họ phải đọa địa ngục lâu dài.

49) Họ là những ân nhân của ta, trong khi ta lại hành quyết họ. Ôi! Cái tâm (mất dạy của ta) ơi, sao ngươi không biết hổ thẹn mà lại đòi giận tức?

50) Nếu biết hành hạnh nhẫn nhục thì ta sẽ tự cứu được mình không đọa địa ngục. Nhưng những kẻ khác thì sao?

51) Dù ta có trả thù họ đi nữa, không phải vì thế mà họ được cứu rỗi. Ngược lại, sự nghiệp Bồ Tát của ta sẽ đổ gẫy và những kẻ đáng thương kia sẽ bị đọa đày.

52) Tâm của ta vô tướng mạo, không phải bằng vật chất nên không ai có thể đánh đập được nó. Nếu nó bị đau đớn, chẳng qua chỉ vì nó bám víu vào cái thân mà thôi.

53) Những lời mắng chửi, nói xấu, vu oan, v.v.. không ăn nhằm hay tổn thương gì đến thân, thế nhưng tại sao ngươi lại nổi giận hả tâm?

54) Nếu có nhiều người thù ghét ta, sự việc đó đâu có cắn xé được ta trong đời này hay đời sau, tại sao ta lại sợ hãi?

55) Vì sợ mất lợi dưỡng chăng? Dù muốn dù không, lợi dưỡng cũng tan biến sau đời này, trong khi đó nghiệp xấu của ta vẫn tiếp tục mãi đời sau.

56) Thà chết ngay ngày hôm nay còn tốt hơn là sống lâu trong tà kiến. Bởi vì, dù có sống lâu đi nữa cũng không ai thoát khỏi đau đớn của cái chết.

57-58) Một người, trong chiêm bao thấy mình sống sung sướng 100 năm; người khác lại mơ thấy chỉ sung sướng trong một giờ. Cuối cùng cả hai đều thức dậy và khi đó hạnh phúc kia cũng không còn. Cũng vậy, dù cuộc đời có dài hay ngắn, khi cái chết đến thì cũng chấm dứt như nhau.

59) Dù có sống sung sướng, giàu sang, hưởng thọ khoái lạc, cuối cùng ta cũng phải ra đi với hai bàn tay trắng, giống như người bị kẻ cướp bóc lột.

60) Có người bảo: "Nhờ giàu sang ta mới có thể sống lâu để tích tụ công đức, tiêu trừ tội lỗi". Đúng vậy, nhưng nếu vì lợi dưỡng mà nổi sân thì đó lại là tích tụ tội lỗi, tiêu mòn công đức.

61) Nếu không có một mục đích lý tưởng cao thượng trong đời thì sống lâu có ích lợi gì? Phải chăng để tạo nghiệp ác?

62) Chắc chắn ta ghét kẻ nói xấu ta, vì như thế họ sẽ làm người khác không tin tưởng ta nữa. Thế sao khi họ nói xấu kẻ khác thì ta lại thản nhiên?

63) Ta thản nhiên được khi kẻ khác bị nói xấu, thế sao ta lại khó chịu trước những lời thật (trái tai) vạch rõ lỗi lầm của ta?

64) Đối với những người bất kính, đập phá tượng, tháp, kinh sách, ta cũng không nên nổi giận. Bởi vì ngay cả đức Phật và chư thánh tăng cũng đâu có bị (tổn thương) gì!

65) Nếu kẻ nào xử tệ với thầy ta, cha mẹ ta và những người thân ta, ta hãy kềm tâm hãm giận, quán chiếu đó chỉ là kết quả của nhiều nhân duyên.

66) Sự đau khổ của chúng sinh chính là hậu quả của những nguyên nhân cố ý hay vô tình và nó chỉ phát hiện với một chúng hữu tình. Vậy hãy ráng nhẫn chịu tâm ơi!

67) Một kẻ thì tạo ác bởi vô minh, một kẻ thì nổi sân vì si mê. Vậy ai đúng ai sai?

68) Xưa kia ta đã tạo hành động gì để ngày nay khiến người khác làm ta đau khổ? Tất cả đều là kết quả nghiệp quá khứ, làm sao trách cứ được ai?

69) Hiểu như vậy, ta sẽ cố gắng tạo nghiệp lành, cầu cho tất cả chúng sinh có được ý niệm thương yêu lẫn nhau.

70) Khi có một căn nhà bị cháy, người ta sẽ chạy sang nhà bên cạnh, lôi vứt tất cả rơm cỏ khô và những đồ dễ bắt lửa.

71) Cũng vậy, tất cả ý niệm nào có thể kích thích ngọn lửa sân hận đều phải được loại trừ tức khắc, nếu không chẳng mấy chốc cái kho công đức của ta sẽ bị cháy rụi.

72) Làm sao một tên tử tội lại có thể than vãn khi bị chặt tay rồi được thả, thay vì phải bị chém đầu? Làm sao ta lại không nhẫn chịu được đau khổ tạm thời nếu biết nhờ đó ta sẽ tránh khỏi cái khổ địa ngục?

73) Nếu ngày hôm nay không nhẫn chịu được một chút đau khổ của thế gian thì sao ta không biết ngăn chặn sân hận, vì nó là nguyên nhân dẫn đến đau khổ địa ngục?

74) Chỉ vì giận tức, sân hận mà ta đã bị thiêu đốt ngàn lần dưới địa ngục một cách ngu xuẩn không lợi ích gì cho ta và cho người.

75) Trong khi đó, nếu so sánh thì cái khổ hiện đời quả thật ít ỏi và hơn nữa nó có thể đem lại lợi ích. Như vậy ta phải hoan hỷ nhẫn chịu cái khổ nhỏ để giải trừ cái khổ lớn cho tất cả chúng sinh.

76) Có những người chuyên môn khen ngợi tán thán công đức của kẻ khác. Tâm (của ta) ơi, tại sao ngươi không biết hoan hỷ tham gia?

77) Đó là một niềm vui tuyệt hảo, không thể chê trách, thường được các bậc thánh nhân ca ngợi. Và đó cũng là một phương tiện tối thắng để thâu phục kẻ khác.

78) Người ta thường sung sướng khi được khen ngợi. Nhưng nếu ngươi không chấp nhận điều đó (vì ganh tỵ) thì ngươi sẽ gặt hái hậu quả đời này và đời sau.

79) Nếu có kẻ nào xưng tán ngươi thì ngươi muốn những người khác cùng tham dự. Nhưng nếu người ta xưng tán kẻ khác thì ngươi lại không thích tham dự.

80) Ta đã phát tâm Bồ Đề, nguyện làm cho tất cả chúng sinh được an vui. Tại sao lại khó chịu khi thấy người khác tìm được an vui?

81) Ta muốn chúng sinh đều chứng Phật quả, được ba cõi xưng tán thì sao ta lại buồn rầu khó chịu khi họ chỉ được vài người khen ngợi?

82) Đối với cha mẹ, người thân, ta chưa kịp chăm sóc, cung phụng mà họ vẫn an ổn. Đáng lý ta phải vui mừng chứ sao lại khó chịu?

83) Làm sao giải thoát được chúng sinh nếu không biết cầu cho họ được an vui toại ý? Làm sao tâm Bồ Đề có thể khởi lên được với người chuyên ganh tỵ khi thấy kẻ khác giàu sang?

84) Nếu một khất sĩ không nhận được của cúng dường thì của đó vẫn nằm trong nhà thí chủ, đâu ăn nhằm gì đến ta. Vì dù khất sĩ đó có được cúng dường hay không, của đó vẫn không về phần ta kia mà!

85) Tại sao ngươi lại muốn khất sĩ kia xa lìa phước báo, từ chối sự cúng dường của đàn na thí chủ? Ôi! Bao giờ ngươi mới ngưng những ý niệm xấu xa hả tâm?

86) Ngươi không biết hối hận việc ác đã làm mà lại ganh tỵ với những người đạo hạnh.

87-88) Nếu chẳng may kẻ thù ngươi gặp nạn, có gì đâu mà ngươi lại vui mừng? Đâu phải sự ước mong của ngươi đã làm thay đổi luật nhân quả. Dù hắn có bị đau khổ như ngươi muốn thì việc đó đem lại ích lợi gì cho ngươi? Nếu ngươi nói: "Ta hài lòng vì hắn đau khổ!" thì không có gì tai hại hơn cho ngươi sau này.

89) Sự ganh tỵ là miếng mồi câu nguy hiểm của ái dục. Chúng sẽ bán ngươi cho những tên quỷ sứ địa ngục nấu chín ngươi trong nồi đồng sôi.

90) Danh vọng, vinh quang, thảy không tạo thêm công đức, không kéo dài mạng sống, không tăng thêm sức mạnh cũng không chữa lành bịnh tật.

91) Nhưng chúng là những thứ mà "người thông minh ở đời" thường hay tìm kiếm. Cờ bạc, rượu chè, nữ sắc, đó là những thứ ưa thích của người đam mê nhục dục.

92) Danh vọng! Chỉ vì hai chử này mà con người sẵn sàng hy sinh mạng sống, của cải. Hai chử "danh vọng" này có ăn được không? Một khi chết rồi, ai sẽ nếm được sung sướng (của danh vọng)?

93) Khi tòa nhà bằng cát của nó bị sụp đổ, đứa trẻ nít sẽ hét lên đau đớn. Cũng thế, khi danh vọng, vinh quang của ta bị sụp đổ, tâm ta chẳng khác gì đứa trẻ nít kia.

94) Lời khen chỉ là tiếng vang, một âm thanh vô tình, làm sao lại nói là nó khen ta? Nhưng ta sẽ bảo là người đó hài lòng vì ta nên ta vui mừng.

95) Nếu thế, lời khen đó về ta hay về người khác thì ta được ích lợi gì? Duy chỉ có người khen mới cảm nhận sự vui sướng thôi.

96) Nếu bảo là vui mừng khi thấy người kia sung sướng thì trong bất cứ trường hợp nào ta cũng phải vui mừng chứ! Vậy sao lúc nguời kia vui mừng khen ngợi kẻ khác thì ta lại không vui mừng?

97) A! thì ra cuối cùng ta vui mừng chỉ vì họ khen "Ta". Tư cách đó chẳng khác gì một đứa trẻ nít.

98) Lời khen vừa làm động tâm, vừa làm e ngại kẻ yếu đuối; nó khiến ta ganh tỵ với người đức hạnh và như thế công đức của ta sẽ tiêu mòn.

99) Do đó những ai phá hoại danh dự của ta, kẻ đó đang giúp ta thoát khỏi cái đọa địa ngục.

100) Tiền của, danh dự là những dây xích trói buộc, ngăn cản ý chí giải thoát của ta. Như vậy, sao ta ghét bỏ những người đến tháo gỡ xiềng xích cho ta?

101) Nhờ ơn chư Phật xui khiến, những kẻ não hại ta thật ra họ là những cánh cửa chắn đóng trước mặt để ta không rơi vào đường ác. Như vậy sao ta lại ghét bỏ họ?

102) "Nhưng nếu có người ngăn ch?n không cho ta làm việc công đức thì sao?". Đối với người đó cũng vậy, ta không được nổi giận. Vì không có sức mạnh nào mãnh liệt hơn sự nhẫn nhục, và kẻ đó đang cho ta cơ hội tốt (để tu tập).

103) Nếu không nhẫn nhục được thì đó là lỗi tại ta. Chính ta đã ngăn chặn việc công đức của mình.

104) Nếu không có cái này thì cái kia cũng không có. Nếu cái này có thì cái kia là nguyên nhân. Như vậy kẻ nào não hại ta chính là nguyên nhân của nhẫn nhục, tại sao lại bảo họ là chướng ngại?

105) Kẻ ăn xin xuất hiện đúng lúc đâu phải là chướng ngại cho sự bố thí? Vị thầy truyền giới đâu phải là chướng ngại cho người muốn đi tu?

106) Kẻ ăn xin đầy dẫy khắp nơi nhưng ít có ai não hại người. Nếu không hại người thì lấy đâu bị người hại.

107) Một kẻ thù không gọi mà tự đến cũng giống như một kho tàng tự nhiên xuất hiện trong nhà của ta vậy. Họ là trợ duyên quý giá cho sự tu tập giác ngộ.

108) Nếu nhờ họ mà ta thực hành nhẫn nhục được thì phải biết mang ơn họ. Có họ nên mới có sự nhẫn nhục của ta.

109) "Nhưng kẻ thù kia đâu có ý tập cho ta tăng trưởng hạnh nhẫn nhục, cần gì phải mang ơn y?". Nếu nói vậy thì sao ta lại biết ơn giáo pháp, vì giáo pháp cũng đâu có cố ý khiến ta tu hành?

110) "Nhưng hắn cố ý hại ta nên ta không thể biết ơn hắn được!". Như vậy làm sao tu tập nhẫn nhục được? Chẳng lẽ tập nhẫn nhục với những người tốt với ta ư? Với người bác sĩ hết lòng chữa bịnh cho ta chăng?

111) Sự thù nghịch chính là nhân duyên của nhẫn nhục. Do đó. Ta phải biết ơn kẻ thù cũng như biết ơn Phật Pháp vậy.

112) Đức Phật đã nói: "Tất cả chúng sinh đều là ruộng phước chẳng khác ruộng phước của chư Phật". Bởi nhờ phục vụ chúng sinh mà rất nhiều người đã đến được bờ bên kia (giải thoát).

113) Chính nhờ chúng sinh và nhờ chư Phật mà ta thành tựu được Phật hạnh. Sao ta chỉ biết ơn chư Phật mà không biết ơn chúng sinh?

114) Vẫn biết chủ ý của chư Phật không giống của chúng sinh,nhưng kết quả cho ra giống nhau. Do đó ta phải xem chúng sinh quan trọng không kém chư Phật.

115) Chúng sinh vô lượng nên ta mới có thể tích tụ vô lượng công đức. Công đức của chư Phật vô lượng nên tin tưởng chư Phật cũng giúp ta tích tụ vô lượng công đức.

116) Tất cả chúng sinh chẳng khác chư Phật, đó là vì nhờ họ mà ta có thể chứng được Phật quả. Nhưng thực tế thì không một chúng sinh nào có thể so sánh được với Phật (biển công đức vô tận).

117) Tuy vậy trong mỗi chúng sinh đều có một phần nhỏ tinh ba của chư Phật (tức Phật tánh). Và như vậy, cả ba cõi hợp lại cũng không đủ để xưng tán.

118) Nhờ Phật tánh mà chúng sinh có thể thành tựu Phật quả. Ta xưng tán chúng sinh cũng có nghĩa là xưng tán Phật tánh vậy.

119) Thêm nữa, làm thế nào để đền ơn chư Phật, là những thiện tri thức, Đại ân nhân của chúng ta? Không có cách nào khác hơn là cứu giúp và làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.

120) Chỉ vì chúng sinh mà các ngài đã xả bỏ thân mạng, tự nguyện xuống địa ngục. Do đó những gì ta làm cho chúng sinh cũng tức là làm cho các ngài vậy.

121) Trong khi các ngài hết lòng vì chúng sinh, xem như con một, thì sao ta lại có thể đối xử kiêu ngạo với các con của ngài, thay vì phải khiêm tốn như một kẻ hầu?

122) Chư Phật hoan hỷ khi thấy chúng sinh sung sướng, buồn rầu khi chúng sinh đau khổ, hài lòng khi chúng sinh an vui. Như thế, não hại chúng sinh cũng tức là não hại chư Phật vậy.

123) Khi thân thể bị lửa nóng bao vây, làm sao nói đến sung sướng được? Cũng vậy, khi thấy chúng sinh đau khổ, những bậc Đại Từ Bi làm sao yên vui được?

124) Trong khi làm chúng sinh đau khổ, ta đã vô tình làm buồn đấng Đại Từ Bi. Ngày hôm nay ta thành tâm sám hối tội lỗi, cầu xin chư Phật tha thứ.

125) Kể từ giờ phút này, để làm vui lòng chư Phật, ta sẽ phục vụ tất cả chúng sinh, dù họ có đánh đập hay chà đạp ta.

126) Các Đấng Đại Từ Bi, đối với chúng sinh xem như mình không khác. Nhìn thấy được Phật tánh nơi chúng sinh cũng như nhìn thấy Phật không khác. Như vậy, sao ta lại có thể không kính trọng chúng sinh?

127) Phục vụ chúng sinh tức là làm vui lòng chư Phật, thành tựu được mục đích tối thượng của ta (giải thoát) và tiêu trừ đau khổ cho thế gian. Đó là lời nguyện mà ta phải luôn nhớ thực hành.

128-130) Một người thân vua, dù có đối xử thậm tệ với dân chúng, nhưng vì nhìn xa nên không ai dám chống cự. Bởi vì tuy hắn một mình nhưng sau lưng hắn có thế lực của vua. Cũng vậy, ta không nên chống cự hay trả thù một chúng sinh, bởi vì sau lưng y có thế lực của quỷ sứ giữ ngục và của chư Phật nữa. Do đó ta phải khép phục chúng sinh cũng như một cận thần phục vụ cho ông vua khó tính vậy.

131-132) Sự trừng phạt của một ông vua nổi giận có đủ để so sánh với sự trừng phạt của địa ngục, kết quả của sự não hại chúng sinh không? Sự ban ơn của một ông vua có thể so sánh được với Phật quả, thành tựu khi tùy thuận tất cả chúng sinh không?

133-134) Chẳng cần nói đến Phật quả chứng đạt trong tương lai, sau khi tùy thuận vô lượng chúng sinh, mà ngay trong cuộc luân hồi này, sự nhẫn nhục cũng đem lại nhiều lợi lạc: hạnh phúc, danh dự, trường thọ và vô số niềm vui của bậc Đế Vương.

Chú thích:

[1] Từ câu 27 đến 30, tôn giả bác 2 phái Số Luận (Samkhya) và Phệ Đà (Vedanta).

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]