Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bố Thí (sách)

18/10/201003:59(Xem: 13706)
Bố Thí (sách)
Duc_Phat_Thich_Ca (6)


BỐ THÍ

MINH CHIẾU

MÙA AN CƯ

PL. 2547 – 2003

Lời Nói Đầu

Đây không phải là một sáng tác. Tài liệu nhỏ này chỉ trích soạn những lời hay ý đẹp trong các bài giảng của chư Tôn Đức, sách báo của Phật giáo đã xuất bản từ trước đến nay, hệ thống lại thành một bài giảng chuyên đề.

Công việc của chúng tôi là lượm lặt những bông hoa thơm đẹp để kết thành một tràng hoa đẹp.

Phổ biến tập tài liệu này, ước mong nó sẽ cung cấp một vài kiến thức cần thiết cho quý vị “Tân Giảng sư”, cũng như sẽ là tài liệu nghiên cứu cho những người học Phật sơ cơ.

Kính mong quý vị cao minh chỉ giáo những điểm còn khiếm khuyết.

Cẩn Chí

Minh Chiếu


Một xã hội tốt đẹp hay xấu xa, hòa bình hay hỗn loạn không phải là không nguyên nhân. Nguyên nhân của hỗn loạn xấu xa chính là lòng ích kỷ. Nhân loại đang quằn quại trong khổ đau. Những cảnh nồi da xáo thịt, tái diễn hằng ngày là do đâu, nếu không phải chính là do lòng tham lam ích kỷ?

Đạo Phật là đạo từ bi, cứu khổ: Những nỗi khổ lớn của con người là gì? Đó là thiếu thốn về vật chất, mê mờ về tinh thần; thêm vào đó là nỗi lo sợ: lo sợ mất tiền của, mất địa vị, mất thân mạng, gặp tai họa nguy biến v.v…

Người có lòng từ bi, cứu khổ trước tiên phải xả bỏ tánh ích kỷ. Người ấy phải biết vì người khác, hy sinh tiền tài vật chất và cả tính mạng. Nghĩa là phải làm hạnh bố thí. Do sự bố thí ấy mình cảm phục được người chung quanh, dần dần hướng dẫn họ gần gũi và hướng đến đạo giải thoát. Hạnh bố thí có ý nghĩa rất quan trọng cho mỗi người. Hạnh bố thí chính là viên gạch xây dựng nền hạnh phúc, an lạc cho mỗi người, cho cộng đồng xã hội.


Định nghĩa:

Bố thí tiếng Phạn là Dàna, phiên âm tiếng Phạn là Đàn Na, Hán dịch là bố thí. Đem của cải của mình chia sẻ cho người khác gọi là Bố, bớt của mình đem cho người gọi là Thí.

Nói cách khác, Bố Thí là đem vật chất, tinh thần phân phát, làm phúc lợi cho xã hội con người, rộng đến những sinh vật khác. Ngày nay người ta hay dùng danh từ nôm na: “Lá lành đùm lá rách”.

Bố thí có 3 loại:

Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí.

A. TÀI THÍ:

Tài là tiền của. Tài thí là đem tiền của vật thực đến cả thân mạng, để giúp người khác thoát khỏi khó khăn đau khổ. Cảnh khổ của con người về vật chất không thể kể xiết. Người thiếu cơm, kẻ thiếu áo, người thiếu thuốc thang, kẻ không nơi nương náu, trẻ em mồ côi, người già cô độc… Trước bao cảnh khổ ấy, người Phật tử không thể an nhiên riêng hưởng sung túc bản thân mình.

Tài thí có hai: ngoại tài và nội tài.

Ngoại tài là tài sản ở ngoài thân mình như vàng bạc, ruộng vườn, nhà cửa, cơm cháo, áo quần, thuốc thang v.v…

Nội tài là các bộ phận trong thân thể mình như tim, thận, mắt, tai v.v…

Ngày nay, có người tự nguyện cho người bệnh một quả thận, hoặc hiến xác cho cơ quan y tế, đó là bố thí nội tài.

Có người nghĩ: mình nghèo quá, làm sao bố thí?

Trong Kinh Ưu Bà Tắc có câu:

“Ở ĐỜI AI NGHÈO ĐẾN NỖI KHÔNG CÓ THÂN. THẤY NGƯỜI LÀM VIỆC THIỆN, TỰ MÌNH GIÚP HOẶC SANH TÂM TÙY HỶ TÁN THÀNH, NHƯ VẬY CŨNG GỌI LÀ THÍ CHỦ, CŨNG ĐƯỢC PHƯỚC ĐỨC”.

Lại nữa: “NGƯỜI TA Ở ĐỜI NGHÈO GÌ MÀ ĐẾN NỖI KHÔNG CÓ MỘT CHÚT BÚN ĐỂ BỐ THÍ CHO MỘT CON KIẾN”.

Hạnh bố thí rất nhiều hình thức:

“Dắt một người mù qua đường, cho người đứt tay miếng giẻ rách, lượm cây gai giữa đường, nhẫn nhịn người khác một lời nói v.v… đều gọi là bố thí”.

Vả lại, bố thí căn cứ trên từ tâm chứ không phải y cứ vào giá trị phẩm vật.

Một chén cơm có thể chia hai, một manh chiếu có thể đủ chỗ cho thêm một người nằm.

Người ta thường nói: “CHẬT BỤNG CHỚ CHẬT CHI NHÀ” là thế.

Người giàu giúp kẻ khó vài chục ngàn đồng mà lòng không vui sao bằng người nghèo khổ cho người nghèo khổ hơn mình vài đồng mà lòng thông cảm vui vẻ.

Khi bố thí nên ưu tiên những trường hợp nào?

Nên thứ tự ưu tiên như sau:

1. Bố thí cho người đang đói khát.

2. Những người đang tật bệnh.

3. Người đang nuôi bệnh nhân.

4. Người từ xa đến.

5. Người sắp đi xa.

6. Cúng dường ruộng vườn nhà đất cho chùa chiền để nuôi Tăng chúng.

7. Bố thí cơm ăn áo mặc những trường hợp bất thường: thiên tai, bão lụt, hỏa hoạn, động đất v.v…

Cái quan trọng và có giá trị nhất là bố thí đúng lúc, nhất là cứu mạng sống cho quần sinh đang cần lúc khẩn cấp nguy hiểm.

Ca dao có câu:

“Dẫu xây chín đợt phù đồ,

Không bằng bố thí cứu cho một người”.

Xây tháp cao (phù đồ) đến chín tầng là tạo phước duyên tốt, gieo trồng thiện căn, nhưng nếu không có lòng từ ái cứu giúp người đang hoạn nạn, khó khăn thì việc xây tháp ấy không có giá trị cho lắm. Mạng sống mọi sinh vật đều đáng quý. Nhưng mạng sống con người được quý trọng hơn.

Thời đức Phật còn tại thế, hôm ấy đến phiên một chàng trai đem cơm cúng dường đức Phật.

Giữa đường, chàng gặp một con chó gầy đói, nó đánh hơi chạy theo xách cơm của chàng mãi. Thương nó quá, cầm lòng không đậu, chàng đổ tất cả cơm và đồ ăn cho chó. Con chó ăn không kịp thở. Lòng chàng ngập tràn niềm vui không thể tả.

Nhưng khi con chó ăn xong, chàng sực tỉnh và lo lắng không biết làm sao đây? Vì phần cơm vừa rồi chàng cho chó ăn chính là phần cơm chàng đem cúng dường đức Phật. Chàng quỳ trước đức Phật, thú thật việc làm của mình, và đợi chờ sự quở trách của Ngài.

Nhưng không, một vầng hào quang chiếu sáng, tiếng Ngài vang lên: “Con xứng đáng là đệ tử của ta.

Hôm nay Như Lai đã thọ dụng một bữa cúng dường rất thanh tịnh của một vị đại thí chủ. Như Lai đã từng dạy các con: “Phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật”.

Luận Đại Trượng Phu có câu:

“Cứu một người bị nạn hơn bố thí tất cả. Các sao tuy có sáng, chẳng bằng sức sáng của mặt trăng”

“Từ bi mà cho một người, kết quả bằng cả trái đất; vì mình mà cho tất cả, thì kết quả chỉ bằng hạt cải”.

B. PHÁP THÍ:

Dạy cho nhau cách thức buôn bán, phương pháp xử thế, đem lời hay lẽ phải, những lời Phật dạy để chỉ bày, hướng dẫn người khác từ bỏ lòng tham lam, ích kỷ, hận thù.

Pháp của Phật như liều thuốc hay chữa tâm bệnh chúng sanh dứt khỏi khổ đau, phiền não. Pháp thí có những hình thức như sau

1. Khẩu giáo: Trực tiếp đem lời hay lẽ phải, những phép tu chân chính dạy người khác hiểu rõ chân lý cuộc đời, giúp họ đạt được tâm lý bình an, giải thoát khổ đau.

2. Thân giáo: Chẳng cần dùng ngôn ngữ; đem gương sáng của một đời sống đạo đức, một tấm lòng từ bi, tinh tấn, nhẫn nhục,… để cảm hóa người khác.

Thân giáo như pháp bố thí có công dụng chắc chắn hơn so với những lời nói suông mà chính người giảng không làm theo đúng như lời đã giảng.

3. Những việc làm như ấn tống kinh sách, kiến thiết chùa chiền, xây dựng Phật đài, đúc đại hồng chung v.v… đều thuộc về pháp thí.

Pháp thí có những giá trị lớn hơn tài thí. Tài thí chỉ giúp người khác đỡ túng thiếu về vật chất trong một thời gian, hay nhiều nhất là cứu giúp một đời người.

Pháp thí giúp cho người về phương diện tinh thần.

Người nghèo khó và người giàu sang đều cần bồi dưỡng tinh thần.

Chính tinh thần quyết định nhân cách con người, tinh thần giúp con người khác với các sinh vật khác.

Tinh thần còn ảnh hưởng và quyết định đến nhiều đời nhiều kiếp về sau.

Trong Kinh thường dạy: Trong các pháp cúng dường “Pháp cúng dường” là hơn tất cả. Pháp cúng dường là thực hành đúng lời Phật dạy.

C. VÔ ÚY THÍ:

Vô úy là không sợ hãi, vô úy thí là đem cái không sợ hãi mà thí cho mọi người để cho họ có được một trạng thái tâm lý an định có thể đối phó những tình huống khó khăn nguy hiểm. Sự sợ hãi là một tâm trạng rất thông thường của chúng sinh.

Vậy người có lòng từ bi, phải cố gắng làm sao cho chúng sinh được sự bình tĩnh yên ổn, không hoang mang lo lắng.

Tục ngữ có câu:

“Ơn dễ cảm mà khó quên nhất là ơn mang trong lúc bị khuất phục, bị áp bức”.

Không phải chỉ những người có can đảm, có tài năng, có uy quyền mới có thể Vô úy thí! Một đứa bé đang kinh hãi vì một con chó rượt, một bà lão lo sợ không dám băng qua đường, đó là những cơ hội chúng ta có thể thực hành pháp Vô úy thí.

Gặp người bị tai nạn, bị oan ức, ta đem tài năng hay thế lực ra đùm bọc, che chở cho họ khỏi sợ hãi. Người sắp lâm chung ta đem giáo lý vô thường giảng giải và khuyến khích họ niệm Phật v.v… đó là Vô úy thí.

Mục đích của bố thí là để đối trị lòng tham lam ích kỷ, trang trải tình thương với tha nhân.

Lòng tham lam ích kỷ là nguyên nhân của bần cùng, đau khổ.

“Nếu người có tiền của, tham tiếc không bố thí, nên biết rằng người ấy đang tạo hạt giống bần cùng đời sau vậy”

“Không bố thí tiền của, không bố thí pháp, không bố thí vô úy, thường ôm lòng tham lam bỏn sẻn, do nhân duyên ấy sẽ sanh vào cõi ngạ quỷ”.

Bà Thanh Đề thân mẫu của Tôn giả Mục Kiền Liên bị đọa làm thân quỷ đói là vì sanh tiền bà quá tham lam bỏn sẻn. Đến khi được Tôn giả đem cơm đến dâng, bà lại nổi lòng tham lam bỏn sẻn sợ bọn quỷ đói giành giựt, một tay che bát cơm, một tay bốc cơm ăn nên cơm liền hóa lửa.

Giả thử lúc ấy, bà phát tâm thương xót đem cơm phân phát cho bọn quỷ đói thì chắc chắn bà sẽ thoát thân ngạ quỷ từ giờ phút ấy.

Dưới đây là một câu chuyện mô tả lòng bỏn sẻn hết sức chi tiết của một ông trưởng giả, và đức Phật đã từ bi phương tiện hóa độ ông như sau:

Cách thành Vương Xá không xa có một trưởng giả keo kiệt.

Ông sở hữu tài sản kho đụn chất đống, gia súc vô kể, ruộng vườn mênh mông bát ngát, nhưng ông không bao giờ cho vợ con sử dụng nói gì đến thiên hạ.

Một buổi sáng, sau khi từ cung vua trở về, ông trông thấy một người ăn xin đang gặm một miếng bánh tiêu. Ông thèm quá, định bụng về nhà bảo vợ làm thứ bánh ấy.

Nhưng về đến nhà, ông suy nghĩ: “Nếu ta nói cho bà ấy biết ta thèm bánh tiêu, bà ấy sẽ làm cho cả nhà cùng ăn, thì sẽ tốn kém quá nhiều bột, đường, mè, dầu và các thứ khác. Chi bằng lặng thinh tốt hơn”.

Nghĩ vậy ông lặng lẽ vào phòng, leo lên giường nằm thở dài sườn sượt, chiến đấu với cơn thèm.

Bà vợ thấy chồng buồn bã, bèn hỏi:

- Sao ông buồn như vậy? Có chuyện gì không?

- Không có gì đâu bà ạ.

- Vua có rầy rà ông chăng?

- Không.

- Các con trai, con gái, dâu rể, cháu chắt, người ăn kẻ làm, tôi tớ trong nhà có đứa nào làm ông phật lòng không?

- Tuyệt đối không có chuyện ấy.

- Vậy thì ông đang lo nghĩ điều gì?

Ông trưởng giả nghe vợ hỏi vậy, càng sợ tốn hao của nên nhất quyết không hở môi, chỉ thở dài. Bà vợ năn nỉ:

- Này ông hãy nói đi!

Ông trưởng giả nuốt nước bọt đánh ực một cái thở dài não ruột:

- Phải, tôi đang thèm một món ăn.

- Thèm chi, ông nói ra thử tôi nghe.

- Tôi thèm ăn một cái bánh tiêu.

- Trời đất quỷ thần ơi! Bộ mình nghèo lắm sao? Tại sao ông không bảo tôi ngay? Thứ bánh đó làm dễ ợt. Tôi có thể làm ngay một mớ bánh tiêu, cho dân chúng cả thành phố này ăn.

- Này nhưng tại sao bà nghĩ điên rồ như vậy? Dân chúng ai làm nấy ăn, mắc gì tới bà?

- Vậy thì tôi có thể làm bánh cho hết thảy người ở con đường này ăn.

- Cái đầu của bà làm sao vậy hả? Tại sao lại cứ nghĩ chuyện ngoài đường?

- Vậy tôi có thể làm bánh cho cả nhà ăn.

- Bà điên mất rồi. Bà có biết nhà ta đông đến mấy trăm mấy ngàn miệng ăn không?

- Vậy tôi sẽ làm bánh cho ông, tôi và các con chúng ta ăn.

- Tại sao phải bận tâm tới chúng nó?

- Vậy tôi sẽ làm bánh cho ông và tôi ăn thôi.

- Nhưng còn bà, bà ăn bánh tiêu làm gì đã chứ?

- Vậy tôi chỉ làm bánh cho một mình ông thôi.

- Bà nói vậy nghe mới được. Nhưng ở trong cái nhà này chúng ta làm gì cũng nhiều người trông thấy. Vậy bà hãy đem bột, đường, dầu, mè và các thứ soong chảo, lò đi tuốt trên lầu cao, chúng ta mới làm bánh được, khỏi sợ ai nhòm ngó.

- Được rồi.

Bà vợ soạn tất cả dụng cụ và vật dụng làm bánh, lễ mễ bưng lên từng lầu, ông trưởng giả xách xâu chìa khóa theo, cẩn thận khóa hết các lối đi lên. Ông mới bảo vợ khuấy bột chiên bánh.

Lúc ấy, tại Kỳ Viên tịnh xá đức Đạo Sư bảo Tôn giả Mục Liên:

- Này Mục Liên, trong thành phố kia, có ông trưởng giả keo kiệt đang ngồi trên lầu chót mà chiên bánh vì sợ mọi người thấy. Vậy ông hãy vận thần thông mà đến đó, đem tất cả người và bánh lại đây cho ta. Trưa nay ta và chúng Tỳ kheo sẽ độ ngọ bằng rổ bánh ấy và cải hóa trưởng giả keo kiệt.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Mục Liên vâng lời, vận thần thông đi đến chỗ trưởng giả. Ngài hiện hình đắp y chỉnh tề đứng giữa hư không, ngay trước cửa sổ. Ông trưởng giả nhìn ra giật mình tự nhủ: “Chính vì sợ gặp những người như vậy mà ta mới leo lên tận đây, thế mà Sa môn này cũng lò dò tới được lại đứng ngay trước cửa sổ”. Ông tức giận nói lớn:

- Này Tỳ kheo kia, muốn gì mà đứng như trời trồng ở đó? Dù ngươi có đi tới đi lui cho mỏi cả chân, cho thành một con đường mòn giữa hư không, ngươi cũng không được gì đâu.

Tức thì vị Tôn giả đi tới đi lui, ông trưởng giả tức mình bảo:

- Ngươi đi tới đi lui làm chi cho mất công! Dù ngươi có ngồi kiết già giữa trời, ngươi cũng không được gì đâu.

Vị Tôn giả liền ngồi kiết già giữa hư không. Ông trưởng giả bảo:

- Ngồi kiết già làm chi đó? Vô ích mà thôi! Cho dầu ngươi có phun ra khói đi nữa, ngươi cũng không được gì đâu.

Tôn giả liền phun khói vào cửa sổ, khói lên dầy đặc cả căn phòng. Sợ Tôn giả sẽ làm cho căn phòng phát hỏa nên ông trưởng giả không dám nói thêm “Dù ngươi có phun lửa ngươi cũng không được cái bánh nào!”. Ông tự nhủ: “Sa môn lì lợm này có lẽ nhất quyết ăn cho được cái bánh của mình mới chịu đi”. Rồi ông bảo vợ:

- Này bà, thôi thì hãy chiên một cái bánh nhỏ xíu đưa cho ông ta đi cho xong.

Bà vợ lấy một ít bột bỏ vào chảo dầu. Nhưng cái bánh phồng lên đầy cả chảo. Ông bảo bà:

- Bà lấy nhiều bột quá để tôi lấy cho.

Ông lấy một chút bột dính đầu muỗng bỏ vào chảo.

Do thần lực của Tôn giả, cái bánh này còn lớn hơn cái trước.

Ông trưởng giả cứ tưởng mình lấy nhiều bột nên tiếp tục chiên cái khác nhỏ hơn mới đem cho.

Nhưng càng ngày bánh cứ càng lớn không thấy cái nào nhỏ cả, ông bèn bảo bà:

- Thôi bà lấy đưa cho ông ấy bất cứ cái nào, một cái một mà thôi.

Bà vợ lấy một cái từ nơi rổ bánh đã chiên. Nhưng bà không rứt ra được cái nào, nên bảo:

- Ông ơi, bánh mắc dính với nhau tôi không thể nào gỡ ra được một cái.

- Để tôi gỡ cho.

Rồi ông cầm một cái bánh đã chiên, bà cầm rổ bánh, cả hai cố kéo ra một cái để biếu vị Sa môn.

Nhưng ông không tài nào rứt ra được, mồ hôi đổ ra nhễ nhại, ướt cả mặt mày y phục. Mặt hai vợ chồng đỏ ngầy vì khói do Tôn giả phun ra, cuối cùng ông trưởng giả mệt nhoài, không thiết gì nữa bảo vợ:

- Này bà, tôi không ăn uống gì nữa hết. Bà hãy đem hết rổ bánh cúng dường vị Sa môn đi.

Mục Liên Tôn giả thu hồi thần lực làm cho hết khói, rồi thuyết pháp cho ông trưởng giả nghe. Nghe xong ông phát sinh lòng tin thanh tịnh đối với Tam Bảo, cung kính mời:

- Bạch Tôn giả, xin Ngài hãy tới đây, ngồi trên chỗ này mà dùng bánh của con.

- Này trưởng giả, đức Đạo Sư đang chờ để dùng bánh này. Ta hãy đem tới cúng dường Ngài.

- Bạch Tôn giả, nhưng hiện Ngài ở đâu?

- Ngài đang ở Kỳ Viên Tịnh Xá, cách đây chừng 45 dặm.

- Xa như vậy, làm sao chúng con tới kịp giờ Ngài dùng ngọ?

- Trưởng giả, nếu ngươi muốn, ta sẽ đưa ngươi, vợ ngươi và bánh đến nơi trong chớp mắt. Đỉnh cầu thang ở nguyên chỗ, nhưng cái chân cầu thang này sẽ ở ngay chỗ vào Tịnh xá. Các ngươi sẽ đến đó trong thời gian ngắn hơn đi bộ xuống bảy từng lầu.

- Bạch Tôn giả, như vậy quá tốt.

Tôn giả liền hóa phép cái chân cầu thang ở ngay cổng Tịnh xá trong chớp mắt. Vợ chồng ông trưởng giả xuất hiện trước đấng Đạo Sư, đảnh lễ và thỉnh Phật dùng bánh.

Khi Phật và chúng Tỳ kheo ngồi vào bàn ăn, ông trưởng giả đặt một cái bánh vào bát của Ngài. Tăng chúng thì dùng bánh từ nơi rổ do bà vợ dâng lên.

Vợ chồng trưởng lão cũng được dùng bánh thỏa thích.

Sau khi đức Phật, Tăng chúng và hai cư sĩ dùng xong bữa, rổ bánh vẫn còn nguyên vẹn như cũ.

Đức Phật bảo đem bánh ấy để ngoài cổng Tịnh xá cho chim ăn.

Đến nay nơi ấy vẫn còn được gọi là động bánh.

Đức Phật thuyết Tùy Hỷ Pháp cho hai cư sĩ. Khi nghe xong thời pháp của Phật, ông bà trưởng giả đều đắc quả Dự Lưu (nhập dòng Thánh). Họ đảnh lễ Phật, bước lên cầu thang. Do thần lực của Tôn giả Mục Liên, họ đến ngay tầng lầu của lâu đài mình.

Kể theo chuyện “Ông trưởng giả keo kiệt”

của Thích Nữ Trí Hải


BỐ THÍ NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG PHÁP

Hình thức cao nhất của bố thí trong Đạo Phật là Bố thí Ba La mật. Nghĩa là bố thí mà không thấy mình có bố thí; không phân biệt thân sơ, không chấp ta người, thù bạn; không chấp số lượng những vật thí. Như thế là đã thành tựu pháp “Tam luân không tịch” về bố thí. Khi ấy bố thí không còn là một việc làm phúc ban ân nữa; mà chính là một việc tự nhiên, như khi đóng đinh, tay phải cầm búa lỡ đóng nhằm tay trái, tay phải tức thì nắm lấy tay trái không một chút phân biệt suy nghĩ.

Bố thí đúng pháp phát xuất từ tình thương vị tha, tự nguyện, không bị chi phối bởi lợi danh hoặc một lý do nào khác.

Có người bố thí vì mục đích cầu danh. Động lực bố thí của họ không phát xuất từ tâm từ bi. Do đó ca dao mỉa mai:

“Làm lành muốn chúng biết danh,

Ấy là làm tiếng phải lành ở mô?”

MỌI THỨ ĐỀU CÓ THỂ BỐ THÍ HAY SAO?

Có những thứ không được bố thí:

Không được bố thí lưới, lưỡi câu làm cho chúng sanh đau khổ, chết chóc.

Không nên bố thí thuốc lá làm cho người khác ghiền, bệnh.

Không được bố thí rượu làm cho người khác say sưa.

Không được bố thí các thứ ma túy làm cho người khác táng thân mất mạng.

Không được bố thí khí giới súng đạn sanh ra chiến tranh, con người giết hại lẫn nhau.


LỢI ÍCH CỦA BỐ THÍ

Trong luận Đại Trưởng Phu so sánh:

“Tài thí trừ khổ về thân,

Pháp thí trừ khổ về tâm.

Tài thí cho tiền vô tận,

Pháp thí cho trí vô tận.

Tài thí làm thân sung sướng,

Pháp thí làm tâm sung sướng.

Tài thí người ngu ham muốn,

Pháp thí người trí ham muốn.

Tài thí đem vui hiện tiền,

Pháp thí đem vui Niết Bàn”.

Theo lý nhân quả, ai bố thí thì đời sau được sung túc giàu sang.

Ca dao có câu:

“Sướng gì hơn sướng làm lành,

Cho bao nhiêu của để dành bấy nhiêu”.

Trên một mộ bia người ta thấy khắc câu:

“Cái gì tôi đã tiêu xài, bây giờ không còn nữa.

Cái gì tôi mua sắm, bây giờ tôi phải để lại cho người khác.

Chỉ có cái gì tôi đã cho là còn thuộc về của tôi”.

Bố thí đối trị lòng tham lam, ích kỷ. Lợi ích của hạnh bố thí rất to lớn.

Bố thí đúng pháp khiến lòng ta thêm an vui, đạo tâm kiên cố.

Càng bố thí đạo hạnh càng thêm phong phú. Hạnh bố thí là hạnh Phật.

Nhiều người thắc mắc: “Vì sao có người giàu sang lại chết yểu, kẻ nghèo khổ được sống lâu?”.

Thông thường những người giàu sang ăn uống và tẩm bổ đầy đủ, đời sống thoải mái được sống lâu mới phải nhưng họ thường chết yểu.

Trái lại, có những người nghèo khổ ăn uống khổ cực, sinh sống nhọc nhằn, thế mà tuổi thọ của họ rất cao?

Theo lý nhân quả Đạo Phật người nào đời trước gây nhân bố thí thì đời này hưởng giàu sang.

Ai đời trước thích phóng sanh, không sát sanh hại vật thì đời này được hưởng quả sống lâu, khỏe mạnh.

Cho nên người giàu sang mà chết yểu là do đời trước có bố thí, nhưng tạo nhân sát sanh. Người nghèo khổ là do kiếp trước keo kiệt không bố thí, nhưng lại là người từ bi thương xót sinh linh, không sát sanh hại vật, nên nay tuổi thọ.

Lại có trường hợp làm thân con người lại cực khổ thiếu thốn không đủ ăn; bị đầu thai làm thân con chó nhưng đời sống vật chất lại quá đầy đủ.

Trong lúc dân Phi Châu đang bị nạn đói, có nơi đang sống dở chết dở, thế mà con chó Gunther của ban nhạc Pop the Burgudians tại Mỹ, thừa hưởng gia tài trị giá 200 triệu USD, mua lại căn biệt thự của siêu sao ca nhạc Madonna.

Có nước người dân thâu thập mỗi năm không quá 300 USD, thế mà con mèo Ziggy của bà chủ Rachel Haukwood ở Cambridge Anh, mỗi khi chia lời được hưởng 1,5 triệu đô la, vì từ khi người ta lấy hình ảnh nó làm biểu tượng, thì làm ăn được may mắn, phát đạt.

Làm sao giải thích các hiện tượng này đây?

Theo đạo Phật, nhân quả có chánh báo (thọ thân các loài như người, cầm thú) và y báo (hoàn cảnh sống giàu nghèo, sướng khổ) là do tạo nghiệp sai biệt của mỗi chúng sanh.

Người đời nói: “Bần cùng đa oán”, nghĩa là người nghèo khổ hay oán trời trách đất, giận tức xã hội.

Vì sao cùng là con người mà “kẻ ăn không hết, người làm không ra”. Họ đâu biết luật nhân quả rất hiển nhiên và bình đẳng!

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương đoạn nói về 20 điều khó có câu:

“Nghèo hèn bố thí là khó

Giàu sang học Đạo là khó”.

Người nghèo kiếm được đồng tiền rất khó khăn, nhưng họ phát tâm từ, thương cảm đến người cùng cảnh ngộ. Họ bố thí mới thật là khó.

Trái lại người giàu, của cải sung túc, nhưng chịu khó đi chùa tu bát quan trai, ăn chay nằm đất lại là vấn đề khó khăn.

Nhưng nhiều khi người giàu lại ít phát tâm bố thí. Những vụ tham nhũng bóc lột đa số là những người có thế lực quyền hành, có của cải sung túc.

Người giàu nếu hiểu giáo lý đức Phật, phát tâm từ bi, hành động bố thí của họ rất mạnh mẽ.

Đánh giá sự giàu nghèo không nên dựa vào của cải vật chất nhiều hay ít, mà nên căn cứ vào Tâm con người:

“Người dư giả vẫn còn ham muốn

Tôi ít oi vẫn thấy vừa lòng.

Họ nghèo trong tiền rừng bạc biển

Tôi giàu trong áo vá, túi không”.

Để khuyến khích bố thí, nhận định tiền của là vô thường, trong sách có những câu:

“Ta không bỏ tiền của, tiền của cũng bỏ ta”.

“Ta phải làm chủ tiền của, đừng để tiền của làm chủ ta”

“Tiền bạc khi làm chủ ta thì nó là ông chủ ghê hồn. Tiền bạc khi làm đầy tớ ta, thì nó là tên đầy tớ tốt”.

“Tiền tài là thuốc độc hại kẻ thiếu trí;

Tiền lại là món thuốc đại bổ đối với các bậc trí tuệ”.

Trong quyển “Sống hạnh phúc chết bình an” của ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 có đoạn:

“Chết hay cuộc đời chấm dứt là một điều kinh sợ. Tệ hơn nữa, tất cả những gì chúng ta có trong cuộc đời này – của cải, quyền hành, danh vọng, bạn bè và gia đình không có gì giúp được ta.

Bạn có thể là một vị tướng lãnh quyền uy có lực lượng quân đội vĩ đại sau lưng, nhưng khi chết thì họ cũng không bảo vệ được bạn.

Bạn có thể giàu sang, mua được bảo hiểm y tế loại tốt nhất, nhưng chung cuộc bạn không thể mướn chuyên viên thượng thặng nào đó để ngăn chặn được cái chết.

Khi bạn rời bỏ thế giới này, bạn phải bỏ hết của cải lại. Bạn không thể mang theo xu nào hết.

Người bạn thân nhất cũng không thể đi theo bạn. Bạn sẽ đi sang thế giới khác một mình. Chỉ có những kinh nghiệm tu tập giúp được bạn mà thôi”.

“Bây giờ, ta coi ông triệu phú. Khi chết của cải chỉ làm ông đau đớn khổ sở hơn.

Trong những giờ phút cuối, người giàu có thường lo lắng nhiều hơn. Mọi sự vuột ra khỏi tầm tay kiểm soát của họ. Thêm vào nỗi đau thể chất, tâm hồn họ bối rối hơn bao giờ hết. Nghĩ cách phân chia tài sản, sẽ cho những ai cái gì, lại làm cho họ thêm lo âu.

Đây không phải là chuyện triết lý mà là chuyện thường ngày.

Điều căn bản là ta phải quán tưởng về những chuyện này để hiểu rằng khi chết thì của cải là thứ vô giá trị”…


THÁI ĐỘ LÚC BỐ THÍ

Như trên đã nói, bố thí luôn song hành với từ bi. Người có lòng từ bi sâu rộng, càng có tâm bố thí mạnh mẽ.

Lúc bố thí cần phải có lời nói, cử chỉ, ý niệm biểu hiện tình thương.

Một người lấy việc bố thí để mưu cầu danh lợi về sau, hoặc tránh một sự khó chịu thì kết quả sự bố thí ấy không bao nhiêu.

Lúc cho người khác một món quà mà cử chỉ khinh thị, lời nói trịch thượng, chưa phải là bố thí đúng pháp: “Vật cho không quan trọng bằng cách cho”.

Chỉ cần lời nói nhu hòa cũng đã là bố thí. Ca dao nói:

“Lời nói không mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”


Dưới đây là câu chuyện có nhan đề:

Một cách cho

Tại thành Xá Vệ, nơi có Tịnh xá Kỳ Hoàn nổi tiếng, trú xứ mà đức Thế Tôn và Tỳ kheo Tăng thường trú ngụ.

Ngày ngày ánh thái dương chiếu trên những tấm ca sa vàng rực của các vị Tỳ kheo đi khất thực, tạo nên cảnh tượng hiền hòa tươi đẹp đối với dân chúng trong thành.

Tuy vậy, rải rác cũng có những gia đình thiếu thiện duyên, chưa bao giờ gặp gỡ chư Tỳ kheo Tăng, trong số đó có gia đình một ông phú hộ.

Ông phú hộ này thừa hưởng một gia tài giàu có của tổ tiên để lại, đồng thời cũng thừa hưởng luôn cái tánh keo kiệt hung dữ của cha ông, một nếp sống kém phần đạo lý.

Trong nhà ít khi đầm ấm, chồng không cãi với vợ thì cha cũng gây gổ mắng nhiếc con.

Xóm giềng không ai thèm đặt bước đến nhà ông, ngoại trừ mấy người bạn bè cùng tính nết.

Theo phép bình đẳng thứ lớp khất thực, quý thầy Tỳ kheo không lựa chọn nhà sang hèn giàu nghèo.

Trên đường đi hết nhà này đến nhà khác. Tới nhà nào cũng dừng lại năm ba phút, im lặng chúc phúc cho nhà đó, rồi lui gót sang nhà bên cạnh, dù nhận được sự cúng dường hay không.

Một hôm, đứng trước nhà ông phú hộ, thầy Tỳ kheo cũng dừng lại ít phút, thay vì nhận được phẩm vật cúng dường như các nhà kia, thì thầy lại nghe toàn những lời nguyền rủa và sự xua đuổi của vợ chồng ông.

Ngày nào cũng như ngày nào, hễ thấy bóng mấy thầy Tỳ kheo dừng bước trước nhà, thì vợ chồng ông ra mắng nhiếc xua đuổi.

Sau một thời gian kinh nghiệm, có thầy Tỳ kheo đề nghị chư Tăng không nên đến khất thực nhà ấy nữa.

Nhưng sau khi bàn luận, đa số ý kiến của chư Tăng là phải thực hành theo lời Phật dạy: “Bình Đẳng Thứ Tự Khất Thực”. Thế là các thầy Tỳ kheo lúc đi khất thực vẫn dừng lại trước nhà ông phú hộ như thường lệ, dù không được gì.

Một hôm, thầy Tỳ kheo vừa đến cửa, thì bà phú hộ cũng vừa đi ra, bà liền nói một câu nhẹ nhàng nhưng cương quyết:

- Thưa ông, ông hãy đi nơi khác mà xin, ở đây tôi không sẵn lòng cho ông đâu. Xin đừng đứng lâu mất thì giờ của ông đó.

Dù đã nghe bà nói thầy Tỳ kheo vẫn thản nhiên đứng đủ vài phút, rồi tiếp tục đi. Giữa đường gặp ông phú hộ ngược chiều trở về nhà. Thấy thầy Tỳ kheo quá quen thuộc, ông chận lại hỏi:

- Này ông mới vào xin nhà tôi ra phải không?

Thầy Tỳ kheo trả lời:

- Phải.

- Có cho chi không?

- Có cho!

Vừa nghe hai tiếng “có cho” ông nổi cơn lôi đình, chạy tốc về nhà hỏi vợ:

- Bà kia, ai bảo bà mang đồ ăn cho Sa môn?

Bà vợ nghe chồng hạch sách đột ngột lấy làm chưng hửng:

- Ai nói ông đấy?

- Ông Sa môn hồi nãy chứ ai?

- Ồ, tôi có cho ông ấy thứ chi đâu!

- Không cho sao ông ấy nói có cho?

- Nếu không tin thì ông chạy theo mà tra soát.

Ông phú hộ đuổi theo thầy Tỳ kheo đang khoan thai đếm từng bước.

Đuổi kịp, ông chẳng nói chẳng rằng liền giựt lấy bình bát thầy Tỳ kheo ra xem, nhưng chẳng thấy chi cả, ông liền ném bình bát xuống đất và mắng:

- Tu hành mà nói dối! Ai cho gì đâu mà nói có cho?

Thầy Tỳ kheo ôn tồn đáp:

- Ông hãy bình tĩnh, tôi sẽ nói ông nghe: bao nhiêu lần trước đến khất thực nhà ông, chúng tôi đều được nhận toàn những điều nguyền rủa thô tục, nhưng sáng nay tôi vừa đến trước ngõ thì bà chủ nhà đã cho tôi một câu nói nhẹ nhàng rằng: “Thưa ông, ông hãy đi nơi khác mà xin, ở đây tôi không sẵn lòng cho ông đâu. Xin đừng đứng lâu mất thì giờ của ông đó”. Và tôi đã nhận lời nói đó như một phẩm vật đặc biệt.

Nghe vị Tỳ kheo nhã nhặn trình bày, ông phú hộ liền cúi xuống lượm bình bát đặt lại trên tay thầy Tỳ kheo, rồi lẳng lặng quay về, lòng suy nghĩ miên man.

Đến nhà, ông gọi vợ:

- Này bà, từ trước đến nay, nhà ta có cho những gì các vị Sa môn không?

- Ông chẳng nhớ sao, các thầy Tỳ kheo đến là mình mắng nhiếc, xua đuổi, chớ có cho vật gì!

- Thôi, kể từ đây tôi đề nghị với bà rằng, mình đã không cho vật thực thì thôi, cũng đừng dùng lời lẽ chua cay mà mắng nhiếc các vị Sa môn ấy nữa. Họ có tội tình gì mà phải nghe lấy những lời sỉ nhục mạt sát của mình. Họ cũng đâu bắt buộc mình cho cơm áo họ đâu. Họ chỉ làm công việc của một kẻ tu hành, của một người khất sĩ, làm ruộng phước cho bao nhiêu người gieo trồng căn lành. Ai gieo giống tốt thì được quả lành. Ta đã không cho lại còn mắng nhiếc, nhục mạ họ. Ta thật vô lý.

Nghe chồng nói một thôi dài, bà vợ im lặng suy nghĩ.

Kể từ khi gặp vị Tỳ kheo hôm nọ, gia đình ông phú hộ có nhiều sự thay đổi. Một đời sống thuận hòa hạnh phúc đang dần dần hình thành. Và cũng từ đây, gia đình ông biết đối xử tốt với mọi người chung quanh.

Giới Đức

Trong Kinh Ưu Bà Tắc có câu:

“Người bố thí nên nhớ người đến xin như khi đói suy nghĩ món ăn; khi thấy người đến xin, tâm sanh hoan hỷ, như nhà bị cháy đem được của quý ra”.

Trong 10 điều Tâm Niệm Bảo Vương Tam Muội có câu:

“Thi ân đừng cầu đền đáp. Vì cầu đền đáp thì thi ân mà có ý mưu đồ”.

Và chỉ có Đại Thừa Phật giáo mới có tư tưởng này:

“Người thọ thí (người nhận của bố thí)là ân nhân của người bố thí, vì người kia có đến xin, mới thành tựu hạnh bố thí của mình”.

Trong kinh đức Phật dạy:

Tiền bạc, tài sản của con người là vô thường, nay còn mai mất. Lòng ích kỷ, bỏn sẻn, tham lam cũng không giữ được của cải.

Có năm thứ làm cho tiêu tán tài sản: nước trôi, lửa cháy, con hư phá tán, vua quan chiếm đoạt, trộm cướp cướp giựt.

Muốn thành Phật thì cần phải “PHƯỚC HUỆ SONG TU”.

Nghĩa là cần tu cả hai thứ PHƯỚC và HUỆ. Bố thí thuộc về tu Phước. Tu Thiền, niệm Phật thuộc về tu Huệ.

“Tu Phước không tu Huệ thì chỉ giàu sang phú quý.

Tu Huệ không tu Phước thì thông minh nhưng túng thiếu”.

Thời đức Phật tại thế, có một vị Tỳ kheo tinh thông Phật Pháp, nhưng không có bổn đạo đệ tử, không ai có cảm tình với Thầy.

Về đời sống vật chất Thầy rất thiếu thốn, có ngày đi khất thực phải về bình bát không. Đức Phật dạy Thầy nên đem bình bát cơm của Thầy bố thí cho bầy chim, kết duyên với chúng, để đời sau chúng làm đệ tử Thầy.

Gặp cảnh thương tâm, thấy người đau khổ, ta do dự trù trừ không cứu giúp.

Lấy tiền cho người khổ ta thấy tiếc, giúp người bị nạn lại sợ mất công, vì thói tham lam ích kỷ của ta quá mạnh.

Ngược lại, trong ta lúc nào cũng sẵn sàng giúp người khổ, chia sẻ tiền bạc cho người thiếu thốn cùng cực – Ta đã chiến thắng thói keo kiệt bỏn sẻn chính mình.

Đôi khi người thi ân bố thí không phải lúc nào cũng được người thọ thí khen ngợi tri ân, mà có khi gặp những trở ngại thử thách. Mà người đời thường nói: “Làm ơn, mắc oán”.

Câu chuyện được kể như sau:

Một người đàn ông ngồi hóng mát, có một thiếu phụ ẵm đứa con nhỏ đến xin. Ông tặng chị ta năm ngàn đồng, vì thấy đứa nhỏ quá tội nghiệp.

Bà già ngồi gần đấy thấy vậy, chạy lại xin, ông rút tiền ra chỉ còn tờ hai ngàn, ông tặng bà.

Bất ngờ bà ta chửi đổng: “Mẹ kiếp! Thấy con kia trẻ cho năm ngàn, còn mình già thì chỉ cho hai ngàn. Có ý gì với nó? Đi theo về nhà nó đi!”.

Ngày xưa…, có một Tiểu thư lá ngọc cành vàng, con ông Tể Tướng đến chùa Phổ Đà làm việc công đức, để kết duyên lành với chúng Tăng.

Chùa Phổ Đà tại Phổ Đà Sơn, Nam Hải, tỉnh Triết Giang, là một danh sơn trong bốn danh sơn Trung Quốc. Nơi đây đạo tràng hóa đạo của đức Bồ Tát Quán Thế Âm, nơi có tiếng là linh ứng.

Tiểu thư là người có hiểu đôi điều giáo lý nhà Phật.

Nàng nghĩ bụng: “Mình sở dĩ sanh vào gia đình một Tể Tướng là do kiếp trước đã siêng tu bố thí. Nay nếu không vun trồng thêm căn lành, bố thí cúng dường chư Tăng, thì thật thiếu sót”. Nghĩ vậy, nàng quan sát xem chùa thiếu gì, nàng sẽ cúng dường điều ấy.

Sau khi tìm hiểu, nàng thấy các Sư trong chùa phần lớn áo quần đều rách rưới, nên nàng phát tâm cúng dường mỗi vị Sư một áo tràng nâu.

Để khỏi thiếu sót, nàng đã xin thầy Tri Sự danh sách và tổng số các Sư trong chùa.

Đến ngày phát áo, quý Sư đều tập họp tại chánh điện, thầy Tri Sự đọc tên từng thầy, và chính tay nàng cung kính trao tặng cho mỗi vị.

Nhưng phát đến người cuối cùng thì thiếu một áo, vị này không có tên trong danh sách. Thầy Tri Sự xác nhận thầy này không ở trong trụ xứ.

Tiểu thư cung kính thưa:

- Bạch thầy, rất xin lỗi thầy, việc này trước đã có đăng ký ghi tên, những vị đã ghi tên nay đều nhận đủ. Riêng thầy vì không có tên trong danh sách, vậy xin thầy hoan hỷ đợi cho vài ngày, may xong tôi xin đem đến cúng dường thầy ngay. Như vậy có được không thầy?

- Không được! Không được! Tôi phải có ngay bây giờ, tôi không có thì giờ ngồi đợi Tiểu thư ở đây mà lấy áo. Bố thí cúng dường gì mà không bình đẳng, kẻ có người không! Thôi như vầy, nếu thiếu áo thì Tiểu thư cởi áo đang mặc cho tôi. Trường hợp Tiểu thư không chịu cởi, thì tôi sẽ cởi!

Tiểu thư bị nhà Sư nọ dồn đến mức khóc dở mếu dở, thẹn đỏ cả mặt.

Nàng cảm thấy cửa Phật không phải lúc nào cũng dễ mở, làm việc thiện cũng khó lắm thay! Cuối cùng để việc bố thí của mình được thành tựu như nguyện, không còn cách nào khác hơn, đành phải cởi chiếc xiêm đang mặc, đưa nhà Sư cho yên chuyện.

Sau khi Tiểu thư phải cởi xiêm đưa cho nhà Sư nọ, trong lòng nàng vừa tức vừa giận, tức khắc trở về Tướng phủ.

Về đến nhà, Tiểu thư vừa khóc vừa trình bày việc nhà Sư trên chùa Phổ Đà cho cha nàng nghe.

Ngài Tể Tướng nghe việc con gái mình bị một nhà Sư ngang ngược bắt nạt lấy xiêm. Ông bèn nổi cơn thịnh nộ, lập tức ra lệnh phát binh san bằng núi Phổ Đà, mục đích trước tiên là trị tội nhà Sư ngang ngược.

Một đại đội binh mã do một viên tướng dẫn đầu, uy phong lẫm liệt nhắm hướng Phổ Đà Sơn thẳng tiến.

Lúc trở về khuê phòng, một chuyện bất ngờ đã xảy ra. Tiểu thư thấy trên giường mình bộ xiêm bố thí cho nhà Sư ngang ngược đã nằm ở đó.

Sợ mình hoa mắt, Tiểu thư xem đi xem lại nhiều lần, nàng khẳng định đúng là bộ xiêm mà nàng đã mặc đi chùa, đã tặng cho Sư nọ hôm nay.

Nàng cuống quýt, vội vàng chạy đến sảnh đường bẩm lại với cha.

- Thưa Cha, thật lạ quá, bộ xiêm của con rõ ràng là bị nhà Sư đòi lấy bằng được, thế mà bây giờ lại ở trên giường, không biết là thế nào!

Tể Tướng nghe con gái nói như vậy, Ngài quả là người hiểu biết, bèn nói rằng:

- Chắc là Bồ Tát ở Phổ Đà biến hóa thành một nhà Sư, để thử lòng thành bố thí và sự nhẫn nhục của con đấy! Cha đã cho quân đến Phổ Đà, nếu họ giết hại Sư Tăng ở đó thì thật là gây ra tội lỗi tày trời!

Tiểu thư nghe cha nói như vậy, tự cảm thấy hổ thẹn trong lòng.

Nàng không ngờ đây là Bồ Tát, La Hán thử thách tấm lòng thí xả của nàng. Nay cha nàng vì việc của nàng mà đem quân đến đánh Phổ Đà, giết hại các nhà Sư vô tội ở đó thì thật có tội lớn với Phật Pháp, không thể nào sám hối được.

Tức thì, nàng bất giác quỳ xuống chân cha, khóc lóc khẩn cầu cha nàng cấp tốc tìm cách kéo quân về.

Ngài Tể Tướng cũng sợ mắc tội, nên vội cưỡi ngựa thiên lý, ra roi cố đuổi kịp đội quân, để tránh gây rối loạn ở Phổ Đà, làm Sư Tăng sợ hãi.

Ngài Tể Tướng cùng đoàn tùy tùng phi ngựa suốt đêm không nghỉ, cấp tốc đến Phổ Đà Sơn.

Gần đến nơi thì gặp quân lính đang kéo nhau trở về. Ngài tưởng thế là Sư Tăng ở Phổ Đà đã bị họ giết sạch, trong lòng nóng rực như lửa đốt, vừa gặp đoàn binh mã, ông vội hỏi ngay:

- Đã giết Sư Tăng ở Phổ Đà chưa?

Ngài Đại Tướng lãnh binh lắc đầu nói:

- Dạ chưa! Dạ chưa! Chúng tôi kinh hãi quá, không dám ra tay, và cũng thấy không đủ bản lĩnh tài năng. Xin Tể Tướng muốn giết thì cứ thân chinh đến đó mà giết, chúng tôi không dám giết!

Nghe nói chưa giết được ai, lúc đó ngài Tể Tướng mới thở phào nhẹ nhỏm. Tể Tướng liền hỏi tiếp:

- Các ông đến Phổ Đà thấy chuyện gì? Và tại sao không dám hạ thủ?

Vị tướng quân lãnh binh liền thưa:

- Chúng tôi thừa lệnh Tể Tướng, phát binh đến Phổ Đà, khi quân lính đã đóng trại, chúng tôi đến trước thăm dò. Nào ngờ, vừa đến cửa chùa, thì thấy hai nhà Sư nghèo đang đánh mạc chược. Chúng tôi thấy vậy bực lắm, định giết quách hai tên đó ngay, nhưng họ vẫn thản nhiên, chết đến cổ mà vẫn chưa hay biết.

Thế rồi hai tên gây gỗ nhau, cãi nhau, tiếp đó đánh nhau.

Chúng tôi nghĩ: để họ đánh nhau rồi sẽ hạ thủ cũng không muộn.

Điều không ngờ là họ không phải là loại Sư Tăng bình thường. Họ đánh nhau đã ở dưới đất, lại đuổi nhau, cùng bay lên trời. Cứ thế họ đuổi nhau lên tận mây xanh.

Chúng tôi thấy thế phát hoảng, không dám coi thường đám Sư Tăng ở chùa, chắc họ đều là La Hán biến hóa, xuống trần đùa nghịch cho vui, cho nên chúng tôi phải rút quân về.

Ngài Tể Tướng nghe xong câu chuyện, miệng bỗng bật lên một câu: “A Di Đà Phật!”, rồi nói với họ rằng:

- May mà các ông chưa giết nhằm các bậc Tăng Hiền Thánh, nếu không thì tội của cha con tôi không sao gở nổi.

Ngài cũng kể lại sự việc vừa xảy ra ở nhà cho họ nghe, ai nghe cũng phải kinh ngạc và cảm thán về chuyện Bồ Tát, La Hán ở núi Phổ Đà hiện thần thông xuống đùa vui nơi trần thế.

Thật là chuyện không thể tưởng tượng được. Hành động của các bậc La Hán, quả thực không phải đám phàm phu mắt thịt chúng ta có thể lường được.

Từ đó, ngài Tể Tướng cũng thành tâm tin theo đạo Phật, và nguyện bảo hộ chốn danh sơn Phật địa.

Kể theo “Phổ Đà Sơn dị truyện”

của Ngài Pháp Sư Chữ Vân

Người Phật tử có lòng từ bi thì luôn luôn thực hành pháp bố thí. Thực hành hạnh bố thí tùy theo phương tiện, khả năng, hoàn cảnh của mình bất cứ trong tình huống nào.

Tóm lại, bố thí là do lòng từ bi vô hạn mà làm. Nó có một phạm vi rộng rãi vô cùng. Khi nào còn chúng sanh đau khổ thì ta còn bố thí theo châm ngôn:

“Bể khổ ví còn chưa tát cạn,

Con thuyền tế độ vẫn còn bơi”.

Địa chỉ liên lạc:

Thầy MINH CHIẾU

Chùa PHẬT ÂN, Khu 14, Xã Long Đức,

Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai

ĐT: 0612.643334

Trang Nhà Quảng Đức chân thành cảm ơn Thầy Trung Đạo và Thầy Hiếu Niệm

đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này (Thích Nguyên Tạng, 17-10-2013)





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]