Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển Thượng

25/06/201311:50(Xem: 8325)
Quyển Thượng

Kinh Địa Tạng Mật Nghĩa

Quyển Thượng

Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Nguồn: Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Phẩm I: Đao-Lợi Thiên-Cung Thần-Thông

Tôi đã nghe như vầy: Một lúc nọ, Phật nói Pháp cho mẹ nghe trên cõi trời Đao-lợi.
Lúc ấy, tất cả chư Phật cùng chư Đại Bồ-tát trong vô lượng thế-giới không thể nói hết của mười phương, đều nhóm họp và tỏ lời ca ngợi: "Trong đời ác-độc bị năm dơ-đục làm nhiễm ô, Phật Thích-Ca Mâu-ni lại làm được việc hiện sức mạnh thần thông của Đại Trí-tuệ không thể nghĩ bàn mà điều-phục bọn chúng sanh "cứng đầu", khiến chúng biết thế nào là vui-sướng, thế nào là khổ não".
Ngay lúc ấy, Thế-Tôn mỉm cười, phóng ra trăm, ngàn, muôn, ức đám mây sáng to lớn, gọi là: Đại Viên-Mãn, Đại Từ-Bi, Đại Trí-tuệ, Đại Bát-nhã, Đại Tam-muội, Đại Cát-Tường, Đại Phước-Đức, Đại Công-Dức, Đại Quy-Y, Đại Tán-Thán, v.v..
Xong, Thế-Tôn lại phát ra các thứ tiếng vi-diệu, gọi là: Đàn-na ba-la-mật (Bố-thí), Thi-la-ba-mật (Trì-giới), Sằn-đề ba-la-mật (Nhẫn-nhục), Tỳ-la-da ba-la-mật (Tinh-tấn), Thiền-na ba-la-mật (Thiền-định), Bát-nhã ba-la-mật (Trí-tuệ), Từ-bi, Hỷ-xả , Giải-thoát, Vô-lậu, Trí-tuệ, Đại Trí-tuệ, Sư tử-hống, Đại Sư-tử-hống, Vân-lôi, Đại Vân-lôi, v.v..
Các tiếng ấy được phát ra rồi, vô lượng ức Thiên, Long, Quỉ, Thần của thế-giới Ta-bà và các nước phương khác, cũng họp nhau đến trời Đao-lợi. Đó là Tứ Thiên-Vương, Đao-lợi-Thiên, Tu-diễm-ma-Thiên, v.v..
Các Thần biển, Thần sông lớn, Thần rạch, Thần cây, Thần núi, Thần đất, v.v.. cùng các Đại Quỉ-vương như Ác-mục Quỉ-vương, Đạm-huyết Quỉ-vương, Đạm Tinh-khí Quỉ-vương, Đạm Thai-nõan Quỉ-vương, Hành bệnh Quỉ-vương, Nhiếp-độc Quỉ-vương,Từ-tâm Quỉ-vương, Phước-lợi Quỉ-vương, v.v.. cũng đều tựu hội về.
Lúc bấy giờ, Phật hỏi Đại Bồ-tát Văn-Thù Sư-lợi: "Ông thấy tất cả chư Phật, Bồ-tát, Thiên, Long, Quỉ, Thần hiện tại cõi trời Đao-Lợi đấy. Vậy ông biết tất cả đông là bao nhiêu không?" - Văn-Thù bạch: "Dù có dùng thần lực mà đếm trong ngàn kiếp, tôi cũng không biết rõ con số".
Phật bảo Văn-Thù: "Ta lấy mắt Phật mà xem, cũng không biết đúng con số. Nhưng đó là tất cả những ai trong những kiếp xa xưa, được Bồ-tát Địa-Tạng đã hóa độ rồi, đang hóa độ, hoặc sẽ hóa độ, và Bồ-tát đã thành công, đang thành công hoặc sẽ thành công trong việc hóa độ".
Văn-Thù Sư-Lợi nói: "Bạch Thế-Tôn, là người trong quá khứ đã lâu tu thiện-căn và đã chứng trí vô-ngại, tôi nghe Phật nói, tất phải tin lãnh. Còn hàng kết-quả nhỏ như Thanh-văn, Thiên, Long, Quỉ, Thần và chúng-sanh trong đời vị-lai, tuy nghe lời thành thật của Như-lai, bụng vẫn ngờ vực, cho nên dù có lạy lãnh những lời Như-Lai đi nữa, chưa chắc khỏi dèm chê. Cúi mong Thế-Tôn nói rõ căn nguyên: "Bồ-tát Địa-Tạng làm hạnh gì, lập nguyện gì, mà thành công một cách không thể nghĩ bàn như thế?"
Đức Phật bảo Văn-Thù: "Thí dụ trong ba ngàn đại thiên thế-giới, có bao nhiêu cỏ cây, lùm rừng, lúa mè, tre lau, đá núi, bụi bặm, cứ lấy một trong các vật ấy kể như một sông Hằng, rồi cứ một hột trong số cát của mỗi sông Hằng ấy, kể như một thế-giới, mỗi hột bụi trong mỗi thế-giới ấy kể là một kiếp [1], và bao nhiêu số bụi chứa trong một kiếp đều dồn chứa lại thành kiếp (thì số kiếp này không biết bao nhiêu mà nói). Thế mà từ Bồ-tát Địa-Tạng chứng quả "Thập địa" đến nay, một khoảng thời-gian đã trôi qua, lâu hơn ngàn lần số kiếp thí dụ ấy, đó là chưa nói tới lúc Bồ-tát còn ở bậc Thanh-văn và Bích-chi Phật. - Này Văn-Thù, oai-thần và thệ-nguyện của Bồ-tát Địa-Tạng không thể nghĩ bàn được. Trong đời vị-lai, nếu có trai lành gái tín nào nghe được tên Bồ-tát rồi mà chiêm-ngưỡng lễ bái hoặc xưng tụng danh hiệu, hoặc cúng dường, dẫn đến vẽ, khắc, đấp, sơn hình tượng Bồ-tát, thì những nam nữ ấy sẽ được trăm lần sanh lên trời Đao-Lợi [2], vĩnh viễn không còn rơi vào ba đường ác (địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh).
"Văn-thù, trong thời xưa cách nay không biết bao nhiêu kiếp, tiền thân của Địa-Tạng Bồ-tát là con trai một nhà giàu. Thời ấy có Phật là Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai. Người con nhà giàu thấy Phật tướng tốt, trang nghiêm bằng ngàn phước, bèn bạch hỏi Phật đã có những hạnh nguyện gì mà được tướng ấy. - Phật Sư Tử đáp: Muốn chứng được thân ấy, cần nên cứu độ tất cả chúng-sanh thọ khổ trong một thời-gian lâu xa.
"Người con nhà giàu nghe xong bèn phát nguyện: Từ nay cho đến không biết bao nhiêu kiếp trong vị-lai, tôi nguyện vì chúng-sanh tội lỗi và đau khổ trong sáu nẻo luân hồi, rộng bày phương-tiện, khiến cho tất cả đều được giải thoát hết, chừng ấy tôi mới thành Phật. Vì đã lập nguyện lớn đó trước Phật Sư-Tử cho nên đến nay, không biết bao nhiêu trăm ngàn muôn ức na-do-tha đã qua rồi, người con nhà giàu ấy vẫn còn làm Bồ-tát.
"Lại trong quá khứ xa xưa không biết bao nhiêu a-tăng-kỳ kiếp, có Phật ra đời, hiệu Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, thọ bốn trăm ngàn muôn ức a-tăng-kỳ kiếp. Trong thời "tượng pháp" [3] của đức Phật này, có một người con gái dòng Bà-la-môn, phúc đức sâu dày, thiên hạ đều tôn kính, đi đứng nằm ngồi, đều được chư Thiên che chở. Bà mẹ của cô tin xằng, thường khinh dễ Tam-Bảo[4]. Cô gái đạo-đức ấy đã dùng nhiều phương-tiện khuyến dụ mẫu thân, để bà sanh chánh kiến.[5] Nhưng mẹ cô vẫn chưa có lòng tin chân chánh, kế không bao lâu, bà chết, thần-hồn rơi vào địa-ngục "vô gián".
"Biết mẹ lúc tại thế không tin nhân-quả, ắt theo nghiệp quấy mà sanh vào nẻo ác, cô bèn bán nhà cửa, mua nhiều hương hoa cùng những lễ phẩm khác, đem đến cúng dường các chùa tháp thờ Phật. Tại một chùa nọ, cô thấy tượng Như Lai Giác Hoa Định Tự Tại Vương, dung mạo uy-nghi, đoan trang nghiêm nghị. Cúi lễ tượng Phật, lòng thêm kính mộ, cô nghĩ thầm, "Phật tên Đại Giác, nghĩa là đầy đủ mọi trí. Nếu mẹ mất lúc Phật còn tại thế và mình đến hỏi Phật, ắt mình biết được mẹ ở đâu". Nghĩ xong, cô khóc nức-nở rất lâu, mắt không rời tượng Phật. Bổng trong không-trung có tiếng nói: "Người con gái đang khóc kia, chớ nên bi ai như thế, để ta chỉ cho chỗ mẹ ngươi đến".
"Cô gái Bà-la-môn chấp tay hướng lên trên không nói: "Bạch Ngài, Ngài là Thần nào mà làm vơi sự lo rầu của tôi như thế? Tôi từ mất mẹ đến nay, ngày đêm nhớ mến, nhưng không biết hỏi đâu cho ra chỗ mẹ tôi thác sanh".
"Trong không trung lại có tiếnt: "Ta là đấng mà ngươi đang chiêm ngưỡng lễ-bái: Phật Giác Hoa Định Tự Tại Như Lai của thời quá khứ. Vì thấy ngươi nhớ mẹ hơn thường tình chúng sanh, cho nên ta đến nói cho ngươi biết".
"Cô gái nghe xong té quị, tay chân rũ-rượi. Kẻ tùy tùng đở dậy, dây lâu mới tỉnh, cô bèn bạch trong không: "Xin Phật thương xót nói ngay cho con biết coi mẹ con thác sanh về đâu, kẻo thân tâm con sắp chết mất".
"Phật Giác-Hoa nói: "Cúng dường xong, ngươi nên sớm về nhà, ngồi ngay thẳng suy gẫm về danh hiệu của ta, sẽ biết chỗ thác sanh của thân mẫu ngươi".
"Cô gái làm y lời Phật dạy. Trải qua một ngày một đêm, cô bổng thấy tự thân đi đến một bải biển nước sôi sùng-sục. Trên mặt biển, nhiều thú dữ, thân toàn bằng sắt, đang sua đuổi nhau, chạy qua chạy lại. Dưới biển, trồi hụp trăm ngàn muôn chúng-sanh, đang bị những thú dữ ấy tranh nhau ăn thịt uống huyết. Cô lại thấy nhiều quỉ Dạ-xoa, hình tướng khác nhau, con thì nhiều tay nhiều mắt, con nhiều chân nhiều đầu, nanh lòi khỏi miệng, bén nhọn như gươm, lùa các tội nhân lại gần ác thú cho chúng chụp bắt, thân tội-nhân phải quặp lại, đầu chân đụng nhau. Còn nhiều tình trạng khác, chẳng dám nhìn lâu.
"Nhưng nhờ niệm Phật, cô gái Bà-la-môn không sợ. Một Quỉ-vương tên là Vô-Độc, cúi đầu tiếp cô và thưa: "Lành thay Bồ-tát! Ngài có việc gì đến đây?" Cô gái nói:
"- Đây là xứ nào?
"- Đây là Biển thứ nhất, phía Tây núi Đại Thiết-Vi. Quỉ-vương đáp.
"- Tôi nghe trong núi Thiết-Vi có địa-ngục, việc ấy thật không?
"- Thật có địa-ngục.
"- Làm sao đến địa-ngục được?
"- Nếu không nhờ oai-thần thì phải vì nghiệp-lực, ngoài hai điều ấy không đến địa-ngục được.
"- Tại sao nước sôi sùng-sục và trong nước có nhiều tội-nhân và thú dữ như vậy?
"- Những tội-nhân đó là những chúng-sanh làm ác ở Diêm-phù-đề mới chết và đã trãi qua 49 ngày rồi. Nhưng vì không người hương lữa lo làm công đức cứu nạn cho, lại lúc sống họ không có trồng nhân lành, cho nên nay phải theo nghiệp địa-ngục của họ mà tự nhiên lội qua biển này. Cách biển này mười muôn do-tuần [6], về phía Đông, còn một biển khác, khổ gấp mấy lần ở đây. Phía Đông biển thứ hai này, còn một biển khác nữa, khổ hơn rất nhiều. Ba biển này gọi chung là "Biển Nghiệp", nơi "chiêu cảm" [7] của ba nghiệp ác.
"- Địa-ngục ở đâu?
"- Phía trong ba biển ấy, và số địa-ngục nhiều đến trăm, ngàn, mỗi mỗi khác nhau. Ngục to thì có 18 cái [8], kế có 300, khổ sở khôn lường; kế nữa có ngàn trăm, cũng khổ sở khôn lường.
" Cô gái lại hỏi:
"- Mẹ tôi chết đến nay chưa bao lâu, không biết hồn-thần đi về đâu?
" Quỉ-Vương hỏi lại: "Thân mẫu của Bồ-tát, lúc sanh tiền làm những hạnh nghiệp gì?
"- Mẹ tôi tà kiến, dèm chê Tam-Bảo, hoặc có tạm tin đi nữa, rồi cũng trở lại không kính. Tuy chết chưa mấy ngày nhưng không biết đi về đâu.
"- Thân mẫu Bồ-tát tên họ gì?
"- Cha mẹ tôi đều là người dòng Bà-la-môn; cha tôi tên Thi-La Thiện-Kiến, mẹ tôi tên Duyệt-đế-lợi.
" Quỉ-Vương Vô-Độc chấp tay nói: "Xin Thánh-nữ trở về, khỏi lo nhớ sầu thương. Nữ tội Duyệt-đế-lợi đã sanh lên trời đến nay là ba hôm rồi, ấy vì nhờ con hiếu thuận đã vì mẹ mà cúng dường, tu phước, bố thí chùa tháp của Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Chẳng phải chỉ có thân mẫu của Bồ-tát được thoát địa-ngục, mà ngày ấy, bao nhiêu tội nhân trong ngục Vô-gián cũng nhờ sự bố-thí cúng dường ấy mà được vui sướng và đồng sanh về cõi thiên.
" Quỉ-vương nói xong, chấp tay lui bước.
"Người con gái bà-la-môn trở về tỉnh mộng, nhớ việc đã nghe thấy, liền đến trước tháp tượng của Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai lập nguyện lớn rằng:
"Tôi nguyện cho đến hết các kiếp trong vị-lai, hễ có chúng sanh tội khổ là tôi rộng mở phương-tiện, làm cho họ được giải-thoát".
"Phật bảo Văn-thù: "Quỉ-Vương Vô-Độc lúc ấy là Bồ-tát Tài-Thủ bây giờ đây, còn cô gái Bà-la-môn là Bồ-tát Địa-Tạng vậy.


Mật nghĩa:

Điểm đặc biệt ở đây là Phật không thuyết pháp ở thế-gian, cho người thế-gian nghe, mà trên trời Đao-lợi, cho mẹ đã chết nghe và trước vô số chư Phật, Bồ-tát, Thiên, Long, Quỉ, Thần. Vậy phải "không là phàm" mới nghe được lời Phật dạy trong kinh này.

Vào đoạn đầu đã thấy ý hướng của Kinh, trong lời khen đức Thế-Tôn. Ở thế-gian, chúng sánh cứng đầu (cang cường) rất nhiều, ngoài Phật là bậc đại trí-huệ có nhiều phương-tiện chế phục họ, thì không ai làm được. Đem đạo lý nhân-quả ra nói họ không nghe, thì nay Phật dùng phương "Bồ-tát Địa-Tạng".

Mật nghĩa "Địa-Tạng là Tâm" được chứng minh trong đọan Kinh nói chư Phật, Bồ-tát, Thiên, Long, Quỉ, Thần, đông vô số kể, đều hoặc đã, hoặc đang, hoặc sẽ chịu ơn hóa độ của Địa-Tạng. Chư Phật đã, chư Bồ-tát đang, còn Thiên, Long.., sẽ chịu ơn ấy. Và nhất định Địa-Tạng thành công, vì tất cả là Phật sẽ thành, thì tự nhiên tất cả phải quày về với Tâm và nghe Tâm dạy dỗ.

Nói oai thần thệ nguyện của Địa-Tạng, là nói oai thần thệ nguyện của Tâm. Tâm mà cương quyết thì có đủ quyền năng, thần-thông (pouvoirs surnaturels).
Ai biết quay về với Tâm, chiêm ngưỡng Tâm, kính trọng Tâm, hy-sinh (cúng dường) cho Tâm, thì người ấy sống trong đường thiện (sanh thiên).

Đến đây, Thế-Tôn đưa ra hai sự tích:

1. - Địa-Tạng là con một nhà giàu, như câu truyện anh cùng tử trong Kinh Pháp-Hoa. Tâm Phật và Tâm chúng sanh không khác. Mà Tâm Phật đầy đủ muôn đức, giàu có như thế, thì Tâm chúng-sanh cũng giàu như thế. Nhưng cái giàu của chúng-sanh là cái giàu chưa khai thác, cho nên phải khai thác bằng sự phát lòng từ-bi và nếu "tinh tấn để đầy đủ muôn hạnh lành" thì sẽ được như Phật Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh. Ý Phật dạy: Muốn thành Phật phải phát lòng Từ-bi và mạnh dạn (sư-tử) ra sức (phấn tấn) trên đường lập đầy (cụ túc) muôn hạnh lành (vạn hạnh)

2. - Địa-Tạng là một cô gái Bà-la-môn đạo đức. Trong câu truyện này, Phật dạy:
- Muốn biết hướng dắt dẫn của tội nghiệp thì nên nhập định, tư duy. Cô gái hỏi Phật Giác-Hoa, Phật không chỉ mà bảo về nhập định tư duy, là nghĩa này.
- Tin xằng, không Chánh-kiến, không Chánh-tín, không biết quy-y Tam-bảo, nghĩa là không biết kính quí Ánh-sáng nơi Tâm (Phật), Luật-pháp trong trời đất (Pháp) và niềm Hòa lạc của muôn loài (Tăng), lại không tin Nhân-quả, thì phải vào ngục "Vô-gián" nghĩa là sống mãi trong Vô-minh triền-miên.
- Ba biển thí dụ những nghiệp của thân, khẩu và ý. Chúng-sanh trồi hụp trong ba biển ấy, nóng bức như bị nước sôi nung nấu, đau khổ như bị thú dữ cắn xé.
- Thiết vi là rào sắt. Con người bị giam trong nghiệp chồng chất như núi, khó thoát nên ví như núi có rào sắt bao quanh.
- Ai vào địa-ngục? Hạng oai thần và hạng bị nghiệp ác dắt dẫn. Hạng oai thần là những bậc đã giải thoát nhưng vì lòng từ muốn cứu độ nên vào địa ngục để hóa độ.
- Địa-ngục ở đâu? Ở ngay trong những biển nghiệp ấy nghĩa là ai còn nghiệp ác là ở trong địa-ngục.
Ý của đoạn này là: Muốn đầy đủ muôn hạnh phải biết hễ còn nghiệp là còn trong địa-ngục đau khổ, vậy phải tự giác (Giác-Hoa) bằng cách thiền-định (Định Tự-tại).

Phẩm II: Phân-Thân Tập Hội

Lúc đó, những phân-thân của Bồ-tát Địa-Tạng, từ các địa-ngục của trăm ngàn muôn ức thế-giới, nhiều không thể nghĩ bàn, không thể ước lượng, không thể kể nói, đều đến tập hợp tại cung trời Đao-Lợi.
Nhờ thần lực Như-Lai, các phân-thân ấy, từ phương-hướng của mình, hợp cùng những người đã được giải-thoát ra khỏi đường Nghiệp, đông đến ngàn muôn ức na-do-tha, đồng cầm hương hoa đến cúng-dường Phật. Tất cả những người cùng đến ấy đều đã nhờ Bồ-tát Địa-Tạng giáo-hóa, vĩnh-viễn không lui bước trên đường Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Tất cả đều đã, từ nhiều kiếp xa xưa, trôi giạt trong sanh-tử, chịu khổ trong sáu đường, không một lúc tạm dừng. Nhờ từ-bi rộng lớn, thệ nguyện thâm sâu của Bồ-tát Địa-Tạng, mỗi mỗi chứng được đạo-quả. Khi đã đến cung Đao-Lợi rồi lòng họ vui mừng hớn hở, chiêm ngưỡng Như-Lai, mắt không tạm rời.
Bấy giờ Thế-Tôn duổi cánh tay sắc vàng ra, xoa đầu trăm ngàn muôn ức hóa-thân Bồ-tát Địa-Tạng đông không thể nghĩ bàn, ước lượng, nói kể, của vô số thế-giới, và nói rằng:
"Ở thế-giới ác-độc, nhiễm năm thứ dơ-bẩn, ta dạy dỗ chúng sanh cứng đầu như thế, điều phục tâm chúng và khiến cho bỏ ta về chánh. Nhưng vì trong mười phần, có đôi ba còn quen theo thói ác, ta phải phân thân ra trăm ngàn ức để rộng dùng phương-tiện giáo-hóa. Có hạng nhanh nhẹn (lợi căn), nghe rồi là tin lãnh lời ta; có hạng trồng được quả lành (thiện quả), thì ta khuyến khích cho đến chỗ thành-tựu; có hạng tối tăm, phải giáo-hóa lâu ngày mới quay về; có hạng nghiệp chướng nặng nề, (dầu có dạy gì) vẫn không sanh lòng kính mộ. Vì các hạng chúng-sanh sai khác nhau đó, ta phải chia thân ra mới độ thoát hết được, như hiện ra thân đàn-ông, đàn-bà, hoặc hiện ra thân Thiên, Long, hoặc hiện ra thân thần quỉ, hoặc hiện làm núi, rừng, sông, ngòi, ao, rạch, suối, giếng làm lợi cho người, mới độ thoát được. Hoặc hiện thân Thiên-đế, thân Phạm-vương, thân Chuyển-luân-vương, thân nhà giàu, thân quốc-vương, thân Tể-tướng, thân Phụ-thần, thân quan thuộc, thân Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, cho đến thân Thanh-văn, La-hán, Bích-chi-Phật, Bồ-tát mà hóa độ, chớ chẳng phải chỉ hiện có một thân Phật như ngay đây đâu.
"Chúng ngươi coi, ta đã trãi qua nhiều kiếp nhọc-nhằn độ thoát bao nhiêu chúng-sanh tội khổ, cứng đầu, khó dạy như thế. Còn phần chúng-sanh chưa điều phục được, họ theo nghiệp mà chịu sự báo ứng. Nếu họ bị sa vào nẻo dữ, chịu khổ não to, thì lúc ấy, chúng ngươi nên nhớ tưởng đến lời ân cần nhắn nhủ của ta ở cung Đao-Lợi hôm nay mà làm cho, ở thế-giới Ta-bà, cho tới ngày đức Phật Di-Lặc ra đời, tất cả chúng sanh đều được giải thoát, xa lìa vĩnh viễn mọi khổ não và gặp Phật thọ-ký".
Bấy giờ, những hóa-thân Bồ-tát Địa-Tạng của các thế-giới hợp trở lại thành một hình, rơi lệ thương cảm, bạch Phật: "Tôi từ số kiếp lâu xa đến nay, nhờ Phật dìu dắt, được những thần-lực không thể nghĩ bàn và đầy đủ trí-huệ lớn. Những phân-thân của tôi đầy khắp trăm ngàn muôn ức Hằng-sa thế-giới; ở mỗi thế-giới, hóa ra trăm ngàn muôn ức thân, mỗi thân độ trăm ngàn muôn ức người, khiến họ qui kính Tam-Bảo, vĩnh viễn xa lìa sanh-tử, đến Niết-bàn an lạc. Ở trong Phật Pháp mà chỉ làm một việc lành nhỏ như sợi lông, giọt nước, hạt cát, hạt bụi, hoặc hứa một việc lành mỏng-manh như sợi lông, sợi tóc, tôi cũng độ thoát lần lần, làm cho thu hoạch được nhiều lợi ích lớn. Kính xin Thế-Tôn chớ vì chúng-sanh nghiệp ác đời sau mà lo nghĩ".
Bồ-tát Địa-Tạng ba lần bạch Phật câu: "Cúi xin Thế-Tôn chớ vì chúng- sanh nghiệp ác đời sau mà lo nghĩ".
Bấy giờ, Phật khen Bồ-tát Địa-Tạng: "Tốt lắm! Tốt lắm! Ta sẽ giúp ngươi vui lòng. Ngươi sẽ thành tựu thệ-nguyện lớn đã phát ra từ số kiếp lâu xa, là rộng độ chúng sanh, xong rồi ngươi mới chứng quả Bồ-đề".

Mật nghĩa:
Phân-thân nghĩa là một thân mà chia ra làm trăm, làm ngàn, v.v.. Mỗi phần gọi là một phân-thân. Đã nói Địa-Tạng tiêu biểu cho Tâm, vậy phân-thân Địa-Tạng là một phần của Tâm.
Tâm chỉ có một như mặt trời chỉ có một.
Những giọt sương đọng trên ngọn cỏ buổi sáng đều phản chiếu toàn ánh mặt trời. Mỗi ánh sáng lóng lánh trên mỗi ngọn cỏ là một phân-thân của mặt trời, và mỗi phân-thân ấy có đầy đủ những đặc tánh của mặt trời.
Mỗi chúng sanh là mỗi giọt sương và tâm của mỗi chúng sanh là phản chiếu toàn ánh sáng của mặt trời Tâm duy nhất.
Lúc còn giọt sương thì thấy có một Mặt trời to trên cao và vô số mặt trời nhỏ dưới đất, nhưng khi sương tan rồi, những mặt trời nhỏ đó đi đâu? Không đi đâu hết. Sương hình-tướng không còn nhưng ánh sáng giác của mỗi giọt thì nguyên vẹn đầy đủ ở Mặt trời bất di bất dịch, bất sinh bất diệt.
Vậy ra, vô số mặt trời sương kia thật chỉ có một mà thôi. Do đây Kinh nói các phân-thân Địa-Tạng hợp trở lại thành một hình.
Cứ như trên thì Tâm Phật và vô số tâm chúng sanh là một. Mỗi phân-thân Địa-Tạng là mỗi tâm chúng sanh, hay để cụ-thể-hóa, là mỗi chúng-sanh.
Phân-thân Địa-Tạng từ các địa-ngục ở vô-số thế-giới đến cung trời Đao-lợi, có nghĩa là những chúng-sanh mà tâm-địa, tuy còn kẹt trong địa-ngục tham, sân, si, vẫn có những lúc thoát ly vể chỗ thiện. Đao-lợi ở về cõi Thiên, và cõi này dành cho những người thiện cho nên phải hành nhiều thiện nghiệp mới về được, mới đến hội họp được ở Đao-lợi. Kinh A-Di-Đà có câu "Bất dĩ thiểu thiện căn phúc đức nhân-duyên đắc sanh bỉ quốc": Không phải ít căn lành phúc đức mà sanh về nước Cực-Lạc được đâu. Trả lời theo câu hỏi: Sanh về đó để làm gì? Kinh đáp: "Đắc dữ như thị chư thượng thiện nhân cu hội nhất xứ" - Được về đó, để cùng những người lành bậc cao cùng hội một chỗ.
Trong Kinh Địa-Tạng, chúng ta thấy rõ điểm này.
Trước tiên Kinh nói các phân-thân Địa-Tạng tựu họp về cung trời Đao-lợi. Kế đó Kin bảo còn có những người "đã được giải thoát ra khỏi ba nghiệp" cùng đến. Những người này là "chư thượng thiện nhân" nhắc lại ở trên. Và đó còn là những bậc đã nhờ Địa-Tạng giáo hóa (nhờ tâm khai mở, giác ngộ) mà trở thành hạng "vĩnh viễn không lui bước trên đường Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác". Hạng này là ai? Là những bậc mà Kinh A-Di-Đà gọi là "Bồ-tát bất thối chuyển".
Nhờ đâu các vị này được vào hàng Bồ-tát bất-thối? Kinh Địa-Tạng bảo là nhờ "Từ-bi rộng lớn và thệ nguyện thâm sâu của Bồ-tát Địa-Tạng". Phải hiểu là nhờ các vị ấy đã phát đại-bi tâm và cương quyết tự thệ giải thóat.
* * *
Câu Thế-Tôn nói: "... điều phục tâm chúng và khiến cho bỏ tà về chánh" tóm hết giáo-pháp của Phật. Thật vậy, cốt yếu của các phương pháp tu hành theo Phật-giáo không gì khác hơn là làm chủ tự tâm (linh tâm điều phục) và bỏ tà về chánh (xả tà qui chánh). Do đây mà con đường dẫn đến giải-thoát là con đường Tám Chánh, mà ai điều phục được tâm mình? Chỉ có tâm làm chủ được tâm mà thôi. Do đây nói Địa-Tạng giáo hóa.
Trong tâm ác thực là muôn tội,
Biết lấy gì mà cổi tội đi?
Nghĩ ra cũng chẳng khó gì,
Lại đem tâm ấy, cổi thì dễ không.
Nhưng đó là trên nguyên tắc, còn trong thực-tế, chúng-sanh đâu có đồng đều như nhau, và đâu phải bất cứ ai cũng làm được cái việc đem tâm cổi mở cho tâm. Đại-khái, Kinh Địa-Tạng chia có bốn hạng:
1. Hạng lợi-căn (căn cơ nhanh nhẹn), trí sáng tâm khai, đã có tu hành nhiều đời rồi, nghe được lời Phật hay tiếng quở la của Tâm là tin lãnh ngay.
2. Hạng tâm trí chưa khai mở, nhưng biết làm thiện nghiệp, có thiện quả, thì Phật (hay tâm) khuyến khích tiến tới chổ thành tựu hoàn toàn. Đây là hạng tu phước, khác với hạng tu huệ phía trên.
3. Hạng tối tăm, căn cơ không bén. Đối với hạng này phải dạy dỗ lâu ngày (cửu hóa) mới bỏ tà về chánh. Nghĩa là phải để cho họ chịu nhiều thử thách gian truân, đau khổ ê chề nhiều đời nhiều kiếp rồi sau họ mới ăn năn cải hối , theo tiếng trách móc của tâm.
4. Hạng chót là hạng nghiệp chướng nặng nề tham, giận, si-mê giải không nổi. Đối với hạng này là hạng không tin không kính một ai cả, thì không làm sao giáo hóa họ được. Có bao giờ họ nghe được tiếng của Phật, của tâm, vì họ mãi nghe tiếng của tham, sân, si!
Nhưng đừng tưởng phải có Phật ra đời mới giáo hóa chúng sanh được. Phật hằng ở một bên ta, trong mỗi chúng ta. Đó là tâm ta vậy và mỗi tâm là mỗi phân-thân của Phật, của Địa-Tạng.
Ai cũng có tâm, thì tâm mình chẳng những là Phật giáo hóa mình, mà còn giáo hóa những người xung quanh mình. Tuy nhiên phải người cùng cảnh ngộ, sự giáo hóa hay dạy bảo lẫn nhau mới có hiệu quả. Vì vậy, đối với hạng tầm thường phải nam, nữ nói mới nghe. Bằng hạng thượng lưu, hạng lành sạch, hạng giàu có, hạng tu hành, thì phải là bậc vua chúa (chuyển luân-vương, quốc-vương, Tể-tướng, phụ-thần, quan thuộc), bậc Đại Hiền Thánh (Thiên-đế, phạm vương), bậc phú gia (cư-sĩ), bậc Tỳ-khưu, Ưu bà tắc... là những người cùng giai cấp, cảnh ngộ với họ, nói họ mới nghe. Thậm chí hạng Thiên Long, quỉ thần, tượng trưng cho những người hiền tầm thường hay người không quá ác cũng có thể giúp người khác tỉnh ngộ.
Nhưng con người không chỉ học với con người, mà còn có thể học với vạn vật trong ngoại cảnh. Núi sông, ngòi rạch... thuộc "vạn pháp" mà trong pháp có Phật (tức sự sống) cho nên nói Phật phân-thân hiện ra trong những vật ấy. Và con người, nếu để tâm suy gẩm có thể học rất nhiều với ngọai cảnh. Những câu ca-dao như "Cây có cội, nước có nguồn", "trồng đậu được đậu, trồng dưa được dưa", "thu tàn xuân thạnh".. đều là những bài học về bản-thể, về nhân-quả, về vô thường... rút ra từ vạn vật.
Tu theo Phật-giáo có nhiều phương tiện, có nhiều đường lối. Tuy nhiên, điều kiện cốt yếu là phải mở tâm từ-bi. Do đây Kinh nói: phải ở trong Phật-pháp mà làm việc thiện, dầu nhỏ nhít đến đâu, cũng có lợi ích. Làm thiện mà không ở trong Phật-pháp, là làm với tâm mê-muội, tham lam, mong cầu.

Phẩm III: Quán Chúng-Sanh Nghiệp Duyên

Lúc bấy giờ, thân mẫu của Phật là Ma-Da phu-nhân, chấp tay cung kính hỏi Bồ-tát Địa-Tạng: "Thưa Bồ-tát, chúng-sanh cõi Diêm-phù-đề có những nghiệp sai khác, vậy sự báo ứng họ nhận lãnh như thế nào?"
Bồ-tát Địa-Tạng đáp: "Thế-giới nhiều đến muôn ngàn, "quốc-độ" cũng nhiều đến muôn ngàn, nơi thời có địa-ngục, nơi không địa ngục, nơi có nữ-hân, nơi không có nữ-nân, nơi có Phật-Pháp, nơi không có Phật-Pháp, nơi có Thanh-văn, Bích-chi-phật, nơi không có Thanh-văn, Bích-chi-Phật, tất cả quốc-độ đều sai khác nhau như thế, chẳng phải riêng tội báo ở địa ngục sai khác mà thôi".
Ma-Da phu-nhân lại bạch: "Xin Bồ-Tát cho nghe những cảm-thọ trong nẽo ác của những tội báo tại thế-giới Diêm-phù-đề".
Địa-Tạng đáp: "Thánh-mẫu, xin Ngài nghe lãnh, tôi sẽ lược nói".
Phật-mẫu bạch: "Xin Bồ-tát cứ nói".
Bấy giờ, Bồ-tát Địa-Tạng bạch với Thánh-mẫu rằng: Sự báo ứng của các tội-nghiệp ở Nam-diêm phù-đề có những danh hiệu như vầy:
- Chúng-sanh nào chẳng hiếu thảo với cha mẹ, thậm chí đến giết hại cha mẹ, sẽ rơi vào địa-ngục Vô-gián, ngàn muôn ức kiếp, không có lúc nào ra khỏi.
- Chúng sanh nào làm cho thân Phật chảy máu, nói xấu Tam-Bảo, chẳng kính kinh điển, cũng sẽ rơi vào địa-ngục Vô-gián ngàn muôn ức kiếp, không có lúc ra khỏi được.
- Chúng-sanh nào xâm lấn và làm tổn hại chùa chiền, làm ô uế hàng Tăng Ni, hoặc ở trong vòng nhà Chùa, để tâm phóng túng, làm điều dâm dục, hoặc giết, hoặc hại, những bọn như vậy sẽ rơi vào địa-ngục Vô-gián ngàn muôn ức kiếp, không có lúc ra khỏi.
- Chúng-sanh nào giả làm thầy tu mà chẳng có tâm thầy tu, phá tán và lạm dụng nhà chùa, khinh dễ và dối lừa hàng tại-gia, làm trái giới luật, tạo ác đủ thứ, những bọn như vậy sẽ rơi vào địa-ngục Vô-gián, ngàn muôn ức kiếp, không có lúc ra.
- Chúng-sanh nào trộm cắp tiền của, đồ vật thức ăn thức uống, quần áo của nhà chùa, cho đến một vật không ai cho mà cũng cứ lấy, sẽ rơi vào địa-ngục Vô-gián ngàn muôn cứ kiếp không có lúc ra.
Địa-Tạng thưa tiếp: "Thưa Thánh-mẫu, chúng sanh nào tạo ra những tội như vậy, sẽ rơi vào năm thứ địa-ngục Vô-gián, mong khổ sở tạm ngừng trong phút chút cũng không được".
Ma-Da phu-nhân lại bạch Bồ-tát: "Tại sao gọi là địa-ngục Vô-gián?"
Địa-Tạng đáp: "Thưa Thánh-mẫu, các nơi có địa-ngục đều ở tại núi lớn Thiết-vi. Địa-ngục lớn có 18 sở, kế là thứ địa-ngục có năm trăm sở, danh hiệu khác nhau; kế là thứ địa-ngục có ngàn trăm sở, danh hiệu khác nhau. Về địa-ngục Vô-gián thì vách thành bao vây tám muôn dư dặm, vách thành nầy toàn bằng sắt, cao một muôn dặm, trên đầu thành lửa cháy không để một chổ hở. Những ngục trong vòng thành này liên tiếp với nhau và có những tên khác biệt. Riêng có một ngục tên là Vô-gián, châu-vi một muôn tám ngàn dặm, tường cao một ngàn dặm, toàn bằng sắt cả. Lửa trên cháy xuống, lửa dưới bốc lên; rắn sắt chó sắt, miệng phun lửa, chạy đuổi nhau lại qua trên đầu giường của ngục. Trong ngục, có một cái giường choán cả mười dặm. Một người bị tội, tự thấy thân mình nằm choán cả giường; ngàn muôn người thọ tội, mỗi người cũng tự thấy thân mình nằm choán cả giường. Đó là vì sự cảm xúc của các nghiệp mà chịu sự báo ứng như vậy.
Lại nữa, còn biết bao đau khổ dành cho những tội nhân trong ngục ấy: trăm ngàn quỉ Dạ-xoa cùng các quỉ dữ khác, răng bén như gươm, mắt sáng như điện, móng tay cứng như đồng, móc ruột, xé đứt. Lại có những quỉ Dạ-xoa khác, cầm chỉa sắt to, đâm vào thân tội nhân, hoặc trúng miệng mũi, hoặc trúng bụng lưng, rồi tung lên trên không và lấy chỉa hứng lấy, đặt lại trên giường. Lại có diều sắt, mổ mắt người tội; lại có rắn sắt, cắn đầu người tội; trăm đốt xương tay chân đều bị đóng đinh dài; lưỡi kẻ có tội, bị kéo ra cày bừa, nước đồng đổ miệng, sắt nóng vấn mình, chết đi sống lại muôn lần, nghiệp cảm như vậy, trải qua ức kiếp, muốn ra không biết lúc nào thoát được. Đến lúc thế-giới này hoại rồi, sanh về thế-giới khác; thế-giới khác hoại rồi, lại chuyển sang phương khác; lúc phương này hoại rồi thời xoay vần sanh vào cõi khác. Khi những thế-giới hoại trở lại thành xong, thời tội-nhân lại trở về đó (mà thọ tội nữa). Sự báo ứng của tội lỗi tại địa-ngục Vô-gián là như vậy.
Lại vì năm thứ nghiệp cảm ở địa-ngục ấy nên gọi là Vô-gián. Năm thứ nghiệp-cảm đó là gì?
Một là tội nhân ngày đêm chịu khổ, trải qua nhiều kiếp không lúc nào ngừng dứt, cho nên gọi là Vô-gián.
Hai là, một tội nhân choán đầy cả ngục, mà nhiều người cũng đầy cả ngục, vì vậy mà gọi là Vô-gián.
Ba là, những khí cụ để hành hình, như chỉa ba, gậy, diều hâu, rắn, sói, chó, cối giã, cối xay, cưa, đục, dao, mác, chảo dầu sôi, lưới sắt, dây sắt, lừa sắt, ngựa sắt, da sống niền đầu, nước sắt nóng dội thân, đói thời ăn hòn sắt nóng, khát thời uống nước sắt sôi. Cùng năm trọn kiếp, đến vô số kiếp, khổ sở nối nhau tới cùng không dứt đoạn, vì vậy nên gọi là Vô-gián.
Bốn là, không luận trai gái, Mường, Mán, mọi rợ, già trẻ, sang hèn, hoặc Rồng, hoặc Trời, hoặc Thần, hoặc Quỉ, hễ gây tội ác thời có cảm, tất cả đồng chịu như nhau, nên gọi là Vô-gián.
Năm là hễ rơi vào địa-ngục ấy, thời từ khi mới vào cho đến trăm ngàn kiếp, mỗi ngày mỗi đêm, muôn lần chết muôn lần sanh, cầu tạm ngừng trong khoảng một tư-tưởng cũng không đặng, trừ khi tội nghiệp tiêu hết, chừng ấy mới được đầu thai. Vì cái lẽ liên-miên đó nên gọi là Vô-gián.
Bồ-tát Địa-Tạng bạch Thánh-mẫu: "Sơ lược về địa-ngục Vô-gián là như thế. Nếu nói rộng ra thời dầu suốt một kiếp, cũng không thể nào nói cho hết tên của những khí-cụ để hành tội cũng như những sự thống khổ trong địa-ngục đó".
Ma-Da phu-nhân nghe xong, không xiết lo rầu, bà chắp tay đảnh lễ Bồ-tát mà lui ra.
* * *

Mật nghĩa:

Trước tiên, chúng ta nên xác định nghĩa danh-từ "địa-ngục". Theo Phật-Học Đại-Từ-điển, địa-ngục là dịch nghĩa chữ Phạn Naraka hay Niraya, có nghĩa là: chẳng vui (bất lạc), đáng ghét chán (khả yếm), đủ mọi thứ khổ (khổ cụ), đủ mọi thứ khí-cụ để hành tội (khổ khí), là chổ Có với Không tranh nhau. Nơi những cái vừa kể nương tựa nằm ở dưới đất (địa hạ), vì đó gọi là địa-ngục.
Vậy thì khi nào trong lòng ta, trong tâm ta (địa) có những điều chẳng vui, đáng ghét, có những khổ đau đủ thứ, có những điều làm cho mình khổ đau như bị hình phạt, còn có sự phân vân, tranh chấp giữa Có và Không thì ta đang ở trong địa-ngục.
Bây giờ chúng ta hãy trở lại bài Kinh.
Câu hỏi đầu của Ma-Da phu-nhân có nghĩa: nghiệp tội lỗi chúng-sanh sai khác nhau, vậy sự báo ứng có sai khác không và sai khác thế nào?
Trong câu đáp, Bồ-tát cho biết: sự báo ứng cũng sai biệt như nghiệp, tùy nghiệp nặng nhẹ. Có những báo ứng ở địa-ngục, có những báo ứng khác, ở những thế-giới và quốc-độ không có địa-ngục, ở những thế-giới có nữ nhâ, ở những thế-giới không có nữ nhân, v.v..
- Ở địa-ngục là ở những quốc-độ (tâm-hồn) hoàn toàn đen tối, đen tối cho đến phạm những tội hết sức nặng nề, gọi là ngũ nghịch (năm tội nghịch hẳn với cương thường, đạo-đức, Chân-lý) có kể trong Kinh:
1. Không hiếu thảo với cha mẹ, hay giết hại cha mẹ
2. Phạm tội sát sanh (làm chảy máu thân Phật) hoặc chê bai Chân-lý (hủy báng Tam
Bảo)
3. Tà dâm làm mất sự trong sạch (xâm lấn chùa chiền, làm ô uế Tăng ni, làm điều dâm dục)
4. Giả dối: giả làm thầy tu, phá tán và lạm dụng nhà chùa (tội vọng ngữ); khinh dễ và dối lừa hàng tại gia (tội khi mạn)
5. Trộm cắp (trộm cắp đồ vật nhà chùa, lấy những đồ vật của kẻ khác khi người ta không cho).
Phạm những tội vừa kể, hay tạo những nghiệp như thế ấy là những con người mà lòng dạ hoàn toàn và luôn luôn đen tối cho nên gọi là vô-gián (không lúc nào dừng). Cái "nhân" bất thiện đã liên miên như thế, thì cái "quả" vô-minh cũng triền miên, cho nên gọi là địa-ngục vô gián. Gọi như thế vì trong tâm những kẻ ấy chẳng vui, có điều chán ghét, luôn luôn sầu khổ (xem lại ở trên)
Ngoài 5 tội trọng trên, do thân tạo ra, còn những nghiệp nhẹ hơn, tạo bởi:
a) những tâm hồn không hoàn toàn đen tối (nơi không có địa-ngục)
b) những ý nghĩ mà thôi (nơi không có nữ nhân)
c) những tâm hồn chua hứng ánh sáng hay đã hứng được một ít ánh sáng Chân-lý (có hay không có Phật-Pháp)
d) bởi những tâm-hồn đã được thanh tịnh, tỉnh ngộ phần nào (nơi có Thanh văn, Bích-chi-Phật) hoặc chưa tỉnh ngộ.
Tất cả tội lỗi ấy đều gây trong ba giới (dục, sắc và vô sắc).
Dục giới thuộc đời sống vật chất của thân.
Sắc giới thộc đời sống tình cảm.
Vô sắc giới thuộc đời sống tư tưởng, ý nghĩ.
Đọan sau của Kinh giải hai chữ vô-gián. Tâm con người mà hoàn toàn đen tối, thì mọi nghiệp đều đen tối. Nghiệp đã đen tối thời báo cũng hoàn toàn đen tối (đau khổ vô cùng cực). Trăm người đen tối, thì trăm người như ở chung trong một ngục và tâm ai cũng bị đen tối xâm chiếm hoàn toàn (nằm choán hết giường). Những đoạn nói về cực hình là tượng trưng những đau khổ trong tâm hồn vô-minh hoàn toàn của những người phạm năm trọng tội.

Phẩm IV: Diêm-Phù Chúng-Sanh Nghiệp-Cảm

Lúc bấy giờ Bồ-tát Địa-Tạng bạch Phật: "Thế-Tôn nhờ sức thần của Như-Lai mới phân chia thân hình này khắp trăm ngàn muôn ức thế-giới, nhổ tận gốc rể nghiệp báo chúng-sanh. Nếu không có sức đại-từ của Như-Lai thì không thể biến hóa như vậy được. Nay tôi lại được Phật căn dặn, từ nay cho đến ngày A-Dật-Đa thành Phật, tôi phải làm cho chúng-sanh trong sáu nẽo luân hồi đều được độ thoát, tôi xin vâng, nguyện Thế-Tôn chớ lo".
Bấy giờ Phật nói với Địa-Tạng Bồ-tát: "Tất cả chúng-sanh nào chưa được giải-thoát thì tánh thức không định, cho nên hễ tụ tập nhiều việc ác thì kết thành nghiệp ác, tụ tập nhiều điều thiện thì kết thành quả thiện. Nhưng dù làm lành, làm dữ đều theo cảnh mà tái-sanh, lăn lộn trong năm đường, không lúc nào ngừng nghỉ, bị mê hoặc làm chướng ngại, kiếp nầy sang kiếp khác nhiều như bụi bặm, ví như cá lội trong lưới, theo giòng nước chảy, giá có tạm ra khỏi, rồi cũng trở vào. Vì vậy mà ta phải lo nghĩ đến những chúng sanh ấy. Ông đã trót lập nguyện, nhiều kiếp thề nặng rộng độ chúng sanh tội lỗi, thời ta còn lo gì".
Lúc Phật nói mấy lời này, trong hội có một Bồ-tát tên là Định-Tự-Tại-Vương bạch Phật: "Thế-Tôn! Từ nhiều kiếp đến nay, Bồ-tát Địa-Tạng đã phát nguyện gì mà nay được Thế-Tôn ân cần khen ngợi như vậy? Cúi xin Thế-Tôn sơ nói cho nghe". Phật đáp: "Hãy nghe cho kỹ! Hãy nghe cho kỹ! Hãy khéo suy gẫm! Ta sẽ vì ông mà giải bày rõ ràng.
"Trong quá khứ cách nay vô số kiếp, có một đức Phật ra đời, hiệu là Nhất-Thế-Trí-Thành-Tựu..., sống lâu sáu muôn kiếp. Lúc chưa xuất gia, Ngài làm vua một nước nhỏ và kết bạn với một tiểu vương lân cận. Hai vua đều hành mười hạnh lành, làm lợi ích cho nhân-dân.
"Dân chúng trong nước láng giềng ấy phần nhiều hay làm việc ác. Hai vua cùng nhau nghị kế, tìm phương rộng cứu. Một vua phát nguyện sớm thành Phật để độ những người tội lỗi, không sót một ai. Một vua lại nguyện nếu trước chẳng độ được người tội lỗi, khiến họ được an vui cho đến đắc quả Bồ-đề, thì cho đến cùng [9], chưa nguyện thành Phật.
Đức Phật nói tiếp: "Nhà vua phát nguyện sớm thành Phật là Nhất-Thế-Trí-Thành-Tựu Như-Lai, còn nhà vua nguyện độ mãi chúng sanh tội lội, chưa nguyện thành Phật, là Bồ-tát Địa-Tạng vậy.
"Lại trong vô lượng vô số kiếp về trước, có một đức Phật ra đời, hiệu là Liên-Hoa-Mục Như-Lai, Ngài thọ bốn mươi kiếp. Trong thời "tượng pháp" của Ngài, có một vị La-hán dùng phước cứu độ chúng-sanh. Nhân lúc đi giáo-hóa, La-hán gặp một người nữ tên là Quang-Nục. Nàng sắm thức ăn, cúng dường La-hán. La-hán hỏi: "Nàng ý muốn gì?"
"Quang Mục thưa: "Ngày mẹ tôi mất, tôi đã làm phước để cứu vớt mẹ tôi; chẳng biết mẹ tôi đã thác sanh vào đường nào (trong lục đạo)?"
"Nghe nói cảm thương, La-hán nhập định quán sát thì thấy thân mẫu Quang Mục đọa vào địa ngục, rất là khổ sở. La-hán hỏi Quang Mục: "Thân mẫu nàng, lúc sanh tiền, đã làm những nghiệp gì mà nay phải rơi vào địa-ngục, chịu nhiều khổ não lớn lao tột bậc như thế?"
"Quang Mục thưa: "Mẹ tôi có thói quen thích ăn cá, thịt rùa[10], mà lại hay ăn cá con, rùa con, hoặc chiên, hoặc nấu. Nếu kể ra thì có hàng ngàn, hàng muôn. Tôn-giả có lòng thương xót, xin chỉ coi phải làm thế nào để cứu mẹ tôi".
"La-hán xót thương, nghĩ ra một phương, bèn dạy Quang Mục: "Nàng nên chí thành niệm nhớ Thanh-Tịnh Liên-Hoa-Mục Như-Lai và vẽ đắp hình tượng Ngài mà thờ, được như vậy thì kẻ còn, người mất, đều có phước báo".
"Quang-Mục nghe xong, liền bỏ mọi điều mến chuộng, tìm người họa tượng Phật thờ cúng. Nàng lại cung kính, khóc than, chiêm ngưỡng và đảnh lễ tượng Phật. Bổng lúc đêm gần tàn, nàng chiêm bao thấy Phật, thân sắc vàng sáng chói như núi Tu-di. Phật phóng ánh sáng, bảo Quang-Mục: "Chẳng bao lâu nữa mẹ ngươi sẽ thác sanh vào nhà ngươi, và khi vừa biết đói lạnh là biết nói".
"Sau đó, đứa con tớ gái trong nhà Quang Mục sanh một đứa con. Chưa đầy ba ngày, đứa bé biết nói. Nó cúi đầu than khóc, nói với Quang Mục: "Sanh-tử nghiệp duyên, tự mình gây thì tự mình lãnh quả báo. Ta là mẹ con đây, từ lâu đã ở trong chổ tối tăm, từ ngày xa cách con, mẹ được thọ sanh làm kẻ hạ tiện, lại thêm số mạng ngắn ngủi, sống hết mười ba năm lại sa vào địa ngục nữa. Con có phương nào làm cho mẹ thoát khỏi khổ sở không?"
"Nghe đứa trẻ nói, Quang Mục biết là mẹ nàng, không nghi kỵ gì cả. Nghẹn ngào thương xót, nàng mới nói với đứa trẻ: "Nếu đã là mẹ của tôi thì phải biết tội mình, vậy đã tạo nghiệp gì mà nay phải sa vào nẻo ác?"
"Đứa con của tớ gái đáp: "Vì đã tạo hai nghiệp, sát sanh và chê bai mắng nhiếc, nên nay phải chịu sự báo ứng. Nếu không nhờ phước đức cứu nạn thì vì hai nghiệp đó mà chưa biết lúc nào được giải thoát."
"Quang Mục hỏi: "Trong địa-ngục, sự báo ứng của tội lỗi như thế nào?"
"Đứa trẻ đáp: Những khốn khổ dành cho tội nhân trong địa-ngục, không lòng dạ nào nói ra cho hết, dầu phải trải qua trăm, ngàn năm".
"Quang Mục nghe xong, than khóc rơi lệ, bạch giữa hư-không: "Nguyện cho mẹ tôi thoát hẳn địa-ngục, mãn mười ba tuổi rồi, không còn trọng tội và không còn phải đi trong nẻo dữ nữa. Cúi xin chư Phật mười phương đem lòng từ-bi thương xót tôi, nghe tôi vì mẹ phát lời thệ-nguyện lớn như sau: "Nếu mẹ tôi thoát hẳn địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh, cùng không tái sanh làm người hèn thấp, thậm chí đời đời kiếp kiếp không mang thân đàn bà, thì trước tượng Thanh-Tịnh Liên-Hoa-Mục Như-Lai, tôi xin nguyện kể từ nay cho đến về sau trong trăm ngàn muôn ức kiếp, ở thế-giới nào mà có chúng-sanh chịu khổ trong địa-ngục và trong ba đường ác, tôi sẽ cứu vớt tất cả những chúng sanh ấy. Chừng nào tất cả những tội-nhân ấy đều thành Phật hết, chừng ấy tôi mới tiếp theo sau mà thành Chánh-giác".
"Phát nguyện xong, Quang Mục nghe tiếng Thanh-Tịnh Liên-Hoa-Mục Như-Lai nói: "Này Quang Mục! Nhà ngươi có lòng từ lớn mới vì mẹ mà phát đại-nguyện như thế. Ta quan sát thấy mẹ ngươi mãn mười ba tuổi, sã bỏ báo-thân này, sanh làm Phạm-chí, sống lâu trăm tuổi, sau đó lại sanh về nước Vô-Ưu, sống lâu không biết bao nhiêu kiếp mà nói, và rốt hết sẽ thành Phật, rộng độ trời, người, đông như cát sông Hằng".
* * *
Đức Phật Thích-Ca bảo Bồ-tát Định-Tự-Tại-Vương: "Vị La-hán phước lành độ Quang Mục thuở đó, chính Bồ-tát Vô-Tận-Ý, thân mẫu của Quang Mục chính là Bồ-tát Giải-Thoát, còn Quang Mục là Bồ-tát Địa-Tạng vậy. Trong nhiều kiếp lâu xa về trước, Bồ-tát Địa-Tạng đã từ mẫn mà phát ra Hằng-hà sa số thệ nguyện độ khắp chúng sanh như thế. Trong đời sau, nếu có trai gái nào, không làm lành lại làm dữ, thậm chí những kẻ không tin nhân-quả, phạm tội tà dâm, nói láo, đâm thọc, mắng chưởi, hủy báng giáo-lý Đại-thừa, tội nghiệp như thế thì phải đọa vào ác đạo, nhưng nếu gặp người biết điều lành khuyên bảo, khiến họ quy-y với Bồ-tát Địa-Tạng trong khoảnh khắc nhanh như khảy móng tay, thì những chúng sanh phạm tội ấy liền đặng thoát khỏi sự báo-ứng khổ não trong ba đường ác. Ai hết lòng qui kính, chiêm ngưỡng, đảnh lễ, ngợi khen cúng dường, thì trong trăm ngàn muôn ức kiếp sau thường được ở cõi trời hưởng sự vui sướng. Đến lúc phước hết, sanh xuống nhân-gian, còn thường được làm vua chúa trong trăm ngàn kiếp, lại nhớ cội ngành nhân quả các đời trước.
"Này Định Tự Tại Vương! Bồ-tát Địa-Tạng có thần lực rất lớn không thể nghĩ bàn như thế, rộng làm lợi ích cho chúng sanh. Các ông, bậc Bồ-tát, nên ghi nhớ mà tuyên truyền khắp nơi kinh này".
"Định Tự Tại Vương bạch Phật: "Xin Thế-Tôn chớ lo, ngàn muôn ức đại Bồ-tát chúng con đều có thể nương vào oai-thấn của Phật mà truyền rộng kinh nầy nơi cõi Diêm-phù-đề, làm lợi ích cho chúng-sanh".
Bạch xong, Định Tự Tại Vương cung kính lễ Phật lui ra.
Bấy giờ, bốn vị Thiên-Vương đồng đứng dậy cung kính bạch Phật: "Thế-Tôn! Bồ-tát Địa-Tạng từ kiếp lâu xa, đã phát nguyện rộng lớn như thế, tại sao đến nay vẫn chưa độ hết chúng-sanh, lại phải phát nguyện rộng lớn nữa? Cúi mong Thế-Tôn dạy cho chúng con rõ".
Đức Phật đáp: "Hay thay! Hay thay! Để làm lợi ích cho nhiều người, ta nay vì các ông cùng hàng trời, người trong hiện-tại và vị-lai, mà nói những phương-tiện được Bồ-tát Địa-Tạng dùng, trong đường sanh tử ở thế-giới Ta-bà, để độ thoát tất cả chúng-sanh mắc phải tội khổ".
"Từ kiếp lâu xa đến nay, Bồ-tát Địa-Tạng độ thoát chúng-sanh, vẫn chưa mãn nguyện. Nay thương xót chúng-sanh mắc tội đời này lại xét thấy vô-lượng kiếp trong tương lai, nguyên-nhân tội khổ lây dây mãi không dứt, cho nên Bồ-tát phải lại phát trọng nguyện.
Vì trọng nguyện đó, mà Bồ-tát Địa-Tạng, ở thế-giới Ta-bà, châu Diêm-phù-đề, dùng trăm ngàn muôn ức phương-tiện mà giáo-hóa chúng-sanh. Đây là những phương-tiện:
"Với kẻ sát sanh, Bồ-tát lấy sự báo ứng chết yểu mà dạy.
"Với kẻ trộm cắp, Bồ-tát lấy sự báo ứng nghèo nàn khổ sở mà dạy.
"Với kẻ tà dâm, Bồ-tát lấy sự báo ứng làm chim sẽ, bồ câu, uyên ương mà dạy.
"Với kẻ miệng độc, Bồ-tát lấy sự báo ứng bà con kình chống nhau mà dạy.
"Với kẻ nói xấu dèm pha, Bồ-tát lấy sự báo ứng không lưỡi, miệng lở, mà dạy.
"Với kẻ nóng giận, Bồ-tát lấy sự báo ứng thân hình xấu xí, tàn tật mà dạy.
"Với kẻ bỏn xẻn, Bồ-tát lấy sự báo ứng cầu một đàng, được một ngả mà dạy.
"Với kẻ săn bắn, Bồ-tát lấy sự báo ứng điên cuồng mất mạng mà dạy.
"Với kẻ trái nghịch mẹ cha, Bồ-tát lấy sự báo ứng trời đất gieo tai sát hại mà dạy.
"Với kẻ thiêu núi đốt rừng, Bồ-tát lấy sự báo ứng cuồng mê đến chết mà dạy.
"Với hạng cha mẹ ghẻ độc ác, Bồ-tát lấy sự báo ứng đời sau chịu sự roi vọt mà dạy.
"Với kẻ lưới rập chim non, Bồ-tát lấy sự báo ứng cốt nhục chia lìa mà dạy.
"Với kẻ dèm chê Tam Bảo, Bồ-tát lấy sự báo ứng đui, điếc, câm, ngọng mà dạy.
"Với kẻ khinh khi Chân-lý, Bồ-tát lấy sự báo ứng ở mãi trong ác đạo mà dạy.
"Với kẻ lạm phá tiền của của chùa, Bồ-tát lấy sự báo ứng ức kiếp luân hồi địa ngục mà dạy.
"Với kẻ làm ô-nhục và vu cáo người tu hành, Bồ-tát lấy sự báo ứng ở mãi trong loài súc sanh mà dạy.
"Với kẻ sát sanh bằng nước sôi, lửa, chém, chặc, Bồ-tát lấy sự báo ứng phải luân hồi thường mạng mà dạy.
"Với kẻ phá giới phạm trai, Bồ-tát lấy sự báo ứng làm cầm thú đói khát mà dạy.
"Với kẻ phung phí tiền của, Bồ-tát lấy sự báo ứng thiếu hụt về sau ma dạy.
"Với kẻ tự cao, phách lối, Bồ-tát lấy sự báo ứng làm người hèn hạ, bị người sai khiến mà dạy.
"Với kẻ đâm thọc gây gổ, Bồ-tát lấy sự báo ứng làm người không lưỡi hay có trăm lưỡi mà dạy.
"Với kẻ tà kiến mê tín, Bồ-tát lấy sự báo ứng làm người sanh vào nơi hẻo lánh dã man mà dạy.
"Những nghiệp thân, miệng của chúng sanh cõi Diêm-phù, kết quả là trăm ngàn báo ứng như thế, nay chỉ nói sơ lược như vậy. Vì nghiệp-cảm của chúng-sanh sai biệt, cho nên Bồ-tát Địa-Tạng phải dùng trăm ngàn phương-tiện để giáo-hóa. Những chúng-sanh tạo nghiệp, phải chịu sự báo ứng, sau sa vào địa ngục, không có ngày ra. Vì thế, các ông là người hộ vệ cho tâm chúng-sanh, các ông chớ để cho nghiệp-chướng mê hoặc chúng-sanh".
Bốn vị Thiên-vương nghe xong, rơi lệ than thở, chắp tay lễ Phật lui ra.
Lời nguyện Địa-Tạng,
Nơi cung Trời Đao-lợi,
Là dùng thần-thông hiển hiện mà hóa độ đám tối tăm,
Nhưng khó mà làm sáng cõi đời năm trược:
Chúng-sanh ngang ngạnh
Vì tham vui nên chịu khổ vô cùng.
Nam-mô Thường-trú Thập-phương Phật
Nam-mô Đại-Nguyện Địa-Tạng Bồ-tát.
Mật nghĩa:
Phẩm thứ ba nói về nghiệp-duyên, nghĩa là những duyên cớ khiến chúng-sanh tạo nghiệp.
Phẩm thứ tư này nói về nghiệp-cảm, nghĩa là những cảm ứng hay báo ứng của nghiệp, tức là của những hành-động của miệng, của thân.
Chúng-sanh sống trong vô-minh hắc ám. Phật ra đời như mặt trời mọc, như đèn đốt sáng. Nhưng từ thời của đức Phật Thích-Ca cho đến thời của Phật A-Dật-Đa (Di-Lặc) trong tương lai, lấy ai soi sáng cho chúng sanh tội lỗi?
Kinh bảo: Đức Thích-Ca giao sứ-mệnh này cho Bồ-tát Địa-Tạng. Nên hiểu: nhằm lúc không có Phật ra đời, thì phải nương vào Tâm, quy-y với Bồ-tát Địa-Tạng của mình, mới mong giải thoát. Với hai điều-kiện: Nguyện và Thệ.
Nguyện là mong mỏi trong lòng, là muốn (forme le voeu)
Thệ là thề, là cả quyết (jurer, faire le serment de...)
Muốn giải thoát mà không cả quyết, không tự thề với mình, không thành công được.
Tu theo Phật-giáo, có thể có hai thứ nguyện:
1. Nguyện thành Phật trước, sau mới độ chúng-sanh. Đây là con đường tu của La-hán.
2. Nguyện trước độ chúng-sanh, sau mới thành Phật. Đây là con đường tu của Bồ-tát.
Nhất-thế-trí hay Trí-huệ bát nhã mà thành-tựu rồi nơi chúng-sanh nào đó, thì chúng-sanh ấy được độ thoát. Đèn huệ đã đốt thì hắc ám đâu còn, hắc ám không còn thì đâu còn nghiệp ác, cho nên gọi là được độ thoát.
Không tu La-hán thì phải tu Bồ-tát bằng cách lần hồi diệt nghiệp, đời này sang đời khác (vĩnh độ chúng-sanh), khi diệt hết rồi thì Tâm trở thành thanh tịnh hoàn toàn. Tâm ấy là Tâm Phật, là Phật. Vì vậy, Kinh nói độ hết rồi sau mới thành Phật.
Để chứng minh, Kinh đưa ra một thí dụ: câu truyện Quang-Mục.
Chúng-sanh nào phạm tội sát hại thú vật để làm ngon miệng và như thế là phạm luôn tội "hủy mạ" luật nhân-quả nghiệp-báo mà muốn thoát khổ thì phải "chí thành niệm Thanh-Tịnh Liên-Hoa-Mục Như-lai", nghĩa là giữ mắt trong sạch, thấy mon ngon vật lạ đừng thèm. Giữ được như vậy sẽ có cái kết-quả là đôi mắt sẽ sáng suốt (Quang-Mục), thấy tội thấy lỗi, thấy thiện thấy ác, và tự mình sẽ nói với mình rằng: Sanh tử nghiệp duyên, quả báo tự thọ (trong vòng sanh tử, tự mình để cho cảnh duyên thúc đẩy mà tạo nghiệp, thì tự mình phải thọ lấy quả báo, không một quyền lực nào xen vào để làm tội hay tha thứ mình được).
Biết như vậy rồi, ai là người không thệ nguyện giải thoát các tội lỗi khác? Giải thoát được là trở về con đường Thiện, sanh Thiên (làm Phạm-Chí), rồi tiến tu cho đến chỗ thanh tịnh (Vô ưu) và rốt phải thành Phật.
Câu "Phật nói với Định-Tự-Tại-Vương: Lúc bấy giờ, vị La-hán làm phước độ Quang-Mục là Bồ-tát Vô-Tận-Ý, mẹ của Quang-Mục là Bồ-tát Giải-Thoát, còn Quang-Mục là Bồ-tát Địa-Tạng" có thể có nghĩa như thế này:
Muốn được giải thoát (như mẹ của Quang-Mục), tâm phải sáng mắt (Quang-Mục) và áp dụng những phương pháp tu sửa vô tận của Phật dạy, vì Vô-tận-Ý có nghĩa là Bát thập vô tận pháp-môn (Phật Học Từ-điển).
* * *
Đến đây, một nghi-vấn được đưa ra trong câu hỏi của Tứ-Thiên-Vương: Bồ-tát Địa-Tạng đã thệ nguyện cứu độ chúng-sanh từ những kiếp lâu xa, tại sao nay còn phát nguyện nữa? Hỏi như thế tức hỏi theo nghĩa ẩn: Chỉ có tâm mới cứu độ được, mà chúng-sanh thì không ai không có tâm, tại sao số người tội lỗi còn dẩy đầy?
Phật trả lới: Làm sao độ hết được vì "nhân man bất đọan" - Nhân là nguyên-nhân tội khổ; man là dài, là dây dưa; bất đoạn là chẳng dứt. Nguyên nhân tội lỗi của chúng-sanh là gì? Là tham-lam vì vô minh. Ai là người diệt trừ nguyên nhân ấy? Từ gần 3000 năm nay, chỉ mới có được một người: đó là đức Phật Thích-Ca. Nguyên nhân còn kéo dài trong mỗi chúng-sanh thì công việc thức tỉnh, cứu độ của mỗi Tâm chúng-sanh phải tiếp tục, do đây mà Kinh nói: sự cứu thoát chúng-sanh chưa bao giờ làm trọn nguyện của Địa-Tạng được.
* * *
Đối với người trí, biết nhân-quả, nghiệp-báo là đủ tự cứu tự độ rồi. Nhưng đối với người thường, cần phải tu sửa bằng những phương-tiện, chớ không lấy lý mà nói được. Vì vậy, phải phương-tiện mà nói:
- với người sát sanh: anh hãy coi chừng đời sau bị chết yểu nhé!
- với người trộm cắp: anh lấy của người, đời sau anh sẽ bị bần cùng khổ sở...
Phương-tiện không phải là sự thật, nhưng chủ yếu ở đây là trị bệnh thì thuốc nào cũng được, chẳng nên luận quí tiện, đắt rẽ, cốt yếu trị hết bện thì thôi.
Bài tán cuối quyển đầu của Kinh đã nhắc lại một lới cảnh cáo: Trong đời dơ bẩn này, khó đem ánh sáng mà rọi vì chúng-sanh cứng đầu cứng cổ, dạy bảo không nghe, cứ chạy theo tham muốn vui sướng, cho nên phải khổ sở vô cùng. Bởi vậy, Phật mới nói ra bài Kinh Địa-Tạng bổn nguyện để hóa độ kẻ tối tăm.






CHÚ THÍCH

[1] Kiếp (kalpa) có ba hạng. Tiểu kiếp có: 16,800,000 năm. Trung kiếp: có 20 tiểu kiếp (336,000,000 năm). Đại kiếp có 4 trung kiếp (1,344,000,000 năm)
[2] Chánh văn viết: Tam thập tam thiên, tức là Đao-lợi
[3] Tượng pháp: 500 năm đầu của Phật-Pháp, gọi là Chánh-Pháp; 1500 năm kế đó, gọi là Tượng-Pháp. Trong thời-gian này, Pháp-Phật còn "tương tựa" mà thôi, nghĩa là đã bị phai mờ rồi, còn hình bóng mà thôi. Thời-kỳ chót là Mạt-Pháp.
[4] Tam-Bảo: Phật, Pháp, Tăng
[5] Chánh kiến: Thấy đúng với Chân lý
[6] Do-tuần: 30 dặm
[7] Chiêu cảm - Chiêu là lấy tay vẩy lại, tự gây việc cho mình. - Cảm là nhiểm phải. - ý nói biển nghiệp ấy do ba nghiệp (thân, khẩu, ý hay tham, sân, si) của chúng sanh tự tạo để tự nhiểm sự khổ não.
[8] Mười tám ngục này chỉ Thập-bát-giới (sáu căn, sáu trần và sáu thức)
[9] Bản dịch âm của T.T. Trí Tịnh và của Ô. Đoàn Trung Còn đều ghi: "Nhược bất tiên độ tội khổ linh thị an lạc, đắc chi Bồ-đề, ngã tùng vị nguyện thành Phật". Vì chữ "tùng" ở đây hình như không có nghĩa, tôi tra lại trong Đại-Tạng, thì thấy viết là "chung" chớ không phải "tùng". (dịch giả)
[10] Nguyên văn là "biết", mà "biết" theo Hán-Việt Từ-Điển của Đào Duy Anh, có nghĩa là con ba-ba, giống như lọai rùa.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]