Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mục đích thành lập trường học (nhóm chủ đề 5)

24/06/201314:20(Xem: 7248)
Mục đích thành lập trường học (nhóm chủ đề 5)

Khai thị của Hòa thượng Tuyên Hóa - quyển 6, phần 2

Mục đích thành lập trường học (nhóm chủ đề 5)

Hòa thượng Tuyên Hóa

Nguồn: Hòa thượng Tuyên Hóa

ht_tuyenhoa

Mục đích thành lập trường học

Trường học tại Vạn Phật Thánh Thành có ba cấp là: Tiểu học Dục Lương, Trung học Bồi đức và Đại học Pháp giới.

Trường Tiểu Học Dục Lương: - Là giáo dục học sinh thành những nhân tài rường cột xuất thế của xã hội, thành những người dân lương thiện xuất thế của quốc gia, mà cũng là giáo dục các em trở thành bậc ưu tú xuất thế của nhân loại, cho nên gọi là “Dục Lương.”

Trường Trung Học Bồi Đức: - Bởi vì đức tánh bản lai của con người chúng ta không thể nói là chẳng có, nhưng không nhất định là chúng ta có nó đầy đủ. Cho nên chúng ta cần phải tu phước, tu huệ và bồi dưỡng đức hạnh. Như có câu nói: “Bách hạnh hiếu vi tiên,” trong muôn hạnh, hạnh hiếu thảo là trên hết. Bởi vậy Tiểu học Dục Lương thì đề xướng hiếu thuận với cha mẹ, bậc Trung học thì đề cập đến tận trung với quốc gia. Chúng ta dạy các em trước tiên là phải hết lòng hiếu thảo đối với gia đình, tiến bộ thêm một bước nữa là nên quan tâm ái hộ, bảo vệ quốc gia, ngõ hầu các em biết chuẩn bị để phục vụ cho quốc gia sau nầy. Cho nên bây giờ các em cần phải tạo lập phẩm hạnh để trở thành con người có nhân cách tốt. Vì vậy mà gọi là Trung Học “Bồi Đức.”

Đại Học Phật Giáo Pháp Giới: - Khi đức hạnh đã được vun bồi đầy đủ rồi, sau đó học sinh mới vào đại học, và được giáo dục ở trường Đại Học Pháp Giới. Chỉ e rằng quý vị không có bản lãnh thôi. Như nếu có tài ba, có năng lực thời quý vị có thể hướng về toàn nhân loại trên thế giới mà dang tay cứu giúp và làm lợi ích cho cả nhân dân. Đó là tông chỉ thành lập trường học của chúng ta.

Giảng ngày 15 tháng 1 năm 1987

Cơ Sở Của Bậc Vĩ Nhân

Hỡi các vị thanh niên, hỡi những người bạn trẻ, các vị phải nên bắt chước theo những bậc thánh nhân; những bậc hiền triết đời trước, những bậc đại trượng phu đầu đội trời chân đạp đất; bắt chước những vị đại anh hùng xưa nay trong nước lẫn ngoài nước; những vị lãnh tụ vĩ đại nhất trên thế giới, ngõ hầu mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Cho nên lúc nói chuyện, các vị nên phấn khởi tinh thần lên, chứ đừng ủy mị chẳng có chút gì phấn chấn. Hào khí phải ngất trời, luôn luôn giữ mãi khí khái của bậc anh hùng vĩ đại.

Bây giờ là lúc các vị đặt nền móng, nên khởi sự kiến lập cơ sở nhân cách của các vị cho tốt, để tương lai, các vị phục vụ cho toàn nhân loại trên thế giới và đem lại lợi ích cho tất cả nhân dân.

Muốn lập định mục tiêu như thế, các vị không nên tự cam chịu - mình như đồ bỏ. Lúc đi lên thuyết giảng, các vị nên có thái độ hăng say tràn trề, đừng mắc cở, đừng nghĩ là mình nói hay hoặc không hay. Hay hoặc không hay thì cũng đâu có sao, chỉ là nói ra những lời trong tâm mình muốn nói, “trực tâm là đạo tràng,” đó cũng tức là mình nói lời chân thật. Không nên nói lời giả dối, đừng nên nói những lời để làm người ta ưa thích. Các vị nên nói những lời mà các vị muốn nói, đừng nói những lời mình không muốn nói. Nên phải: “Phú quý bất năng dâm,” giàu sang nhưng không ham mê. Dù trong tương lai, khi được giàu có mình cũng phải giữ quy củ, nề nếp, không dâm loạn. Và “Bần tiện bất năng di,” nghĩa là dù trong hoàn cảnh nghèo hèn như thế nào, mình cũng không biến đổi chí khí, hoặc để tông chỉ cùng mục tiêu của mình bị dao động. “Uy vũ bất năng khuất,” là không khuất phục bởi bất cứ quyền lực áp bức hoặc dụ dỗ nào. Nên giữ thái độ làm người với chí lớn kiên cường mạnh mẽ của mình.

Giờ đây các vị nên kiến lập cơ sở nhân cách của mình lên, để tương lai làm một vị đại nhân vật oanh oanh, liệt liệt trên thế giới. Bây giờ các vị thường nên tồn giữ cái chí nguyện nầy, tương lai nhất định các vị sẽ có một tiền đồ rộng lớn thênh thang, gọi là: “Bằng trình vạn lý,” như chim Bằng bay vút muôn dặm xa!

Giảng ngày 16 tháng 1 năm 1987

Lập Chí Làm Việc Lớn

Thân tâm và việc làm của chúng ta cũng nên có mục tiêu chánh đáng. Mục tiêu chánh đáng là tương lai chúng ta có thể giúp gì cho nhân loại, hầu làm lợi ích cho nhân dân, chứ không phải là bảo người ta đến làm lợi ích cho mình. Nếu bảo người khác đến làm lợi ích cho mình, như vậy mình là đồ phế thải, là vật vô dụng, là kẻ không có chí khí, lưỡng lự trù trì ít quyết đoán, là con người ủy mỵ ủ rũ không phấn chấn. Đừng nên như thế, các em hãy nên lập mục tiêu về cách làm người cho mình.

Lúc trong lớp học, các em nên chuyên tâm nhất trí nghiên cứu học hỏi. Học Anh Văn thì phải hết sức nỗ lực, học tiếng Hoa thì cũng phải cố gắng dụng công, đừng để thời gian quý báu qua đi. Thiếu niên là thời đại hoàng kim, đây là lúc lập nên mục tiêu chánh đáng, tương lai nhất định sẽ thành người vĩ đại trên thế giới. Nếu các em lập mục tiêu hèn mọn hạ lưu, như lập chí muốn tương lai mình làm bác sĩ để kiếm được nhiều tiền hơn, để hưởng thụ, thì đó là quan niệm sai lầm. Hoặc như lập chí tương lai mình sẽ làm nhà khoa học, nghiên cứu ra một mớ quái vật để khống chế thế giới, đó cũng là tà tri tà kiến.

Tóm lại, bất luận các em học cái gì, như học bác sĩ hoặc giả học khoa học cũng có thể giúp ích cho người và cần phải dùng những cái mình đã học để làm lợi cho người. Bác sĩ nên lấy việc cứu trị bệnh tật cho người để làm tông chỉ, chứ đừng nghĩ việc kiếm tiền là trên hết. Những nhà khoa học nên nghiên cứu để phát minh ra những điều mới lạ, có lợi ích cho thế giới nhân dân mà không có hại. Các em chớ nên chỉ vì kiếm tiền, vì hưởng thụ cá nhân, bởi đó là những tư tưởng rất thấp hèn!

Con người nên có tư tưởng vĩ đại, lập chí nguyện vĩ đại, chứ không phải chỉ biết có việc kiếm tiền. Các em nên biết hai chữ “danh và lợi” đã hại chết biết bao nhiêu người trên thế giới rồi. Tại sao thế giới có chiến tranh? Cũng bởi vì cái lợi và cái danh nầy. Tại sao người giết tôi, tôi giết người? Cũng bởi vì cái danh, cái lợi nầy. Thật sự là hai chữ danh lợi đang chi phối con người đến nỗi hồ đồ, điên đảo. Cho nên trong lúc học tập, chúng ta phải chú trọng đến “minh lý” nghĩa là chúng ta phải minh bạch tất cả các đạo lý; như đạo lý xử thế và cách đối đãi với người, chúng ta cũng phải rõ ràng minh bạch. (chữ minh lý và danh lợi trong tiếng Hoa phát âm giống nhau.)

Người xưa đi học không vì danh lợi, mà ngày nay người ta đi học là vì lợi danh. Ta đỗ được bằng “bác sĩ”, đó là một cái “danh”; ta có thể kiếm được nhiều tiền, đó là một cái “lợi”; Cũng đều là từ hai cái danh và lợi đó mà ra cả. Sở dĩ thế giới nầy bại hoại cũng chỉ vì bại hoại trên hai chữ lợi danh. Người ta sống như say, chết như mộng là vì họ cầu danh cầu lợi. Cho nên cổ nhân nói: “Trên thế giới nầy chỉ có hai hạng người: một là cầu danh, hai là cầu lợi.” Chúng ta nhớ đừng chạy theo hai loại người đó mà cầu danh, cầu lợi. Dù thế nào đi nữa, chúng ta cũng nhớ đến sự lợi ích của toàn nhân loại. Các em hiện nay hãy còn trẻ tuổi, nếu bảo tồn được tư tưởng không cầu danh lợi, như thế tương lai nhất định cả thế giới nầy đều sẽ có lợi ích.

Giảng ngày 16 tháng 1 năm 1987

Đao Phước Đức Đoạn Tóc Phiền Não

Phước đức đao thế phiền não phát,

Trí huệ kiếm trảm tình ái ti.

Tùng kim khiêu xuất luân hồi võng,

Trực thú vô thượng đại Bồ Đề.

Nghĩa là:

Dao phước đức cạo tóc phiền não

Gươm trí tuệ cắt tơ ái tình.

Từ nay vượt thoát lưới luân hồi.

Thẳng đến Đại Bồ Đề vô thượng.

Hôm nay là ngày khánh chúc đức Phật Di Đà đản sanh. Chúng ta nên biết - Tại sao mình phải làm lễ khánh chúc?

Bởi đức Phật Di Đà có ân đức lớn với chúng sanh chúng ta. Ngài cứu chúng ta thoát khỏi biển khổ, Ngài tiếp dẫn chúng ta đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, đó là nơi “vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc,” không có các khổ, chỉ hưởng toàn vui. Nếu chúng ta có thể mỗi ngày niệm được một trăm ngàn danh hiệu đức Phật, vậy là ngày nào chúng ta cũng đều mừng lễ khánh chúc đức Phật đản sanh. Đến khi lâm chung, thân không bệnh khổ, tâm không tham luyến, ý bất điên đảo, như nhập thiền định, vãng sanh Cực Lạc.

Hôm nay có người xuất gia, cho nên tôi đọc bài kệ trên để khích lệ các vị. Bây giờ tôi xin giải thích sơ qua về ý nghĩa bài kệ cho quý vị nghe.

Dao phước đức cạo tóc phiền não: Dao nầy có thể cạo đi mái tóc của người sẽ xuất gia, nhất định là phải có phước. Vì người xuất gia cũng cần phải có đầy đủ đức hạnh, mới có thể xuống tóc được. Do đó, người thì có đức hạnh, mà dao cũng có phước. Cho nên từ nay về sau, dao nầy sẽ được về hưu. Chúng ta không còn dùng nó để làm việc khác, mà hãy nên cất kỹ nó đi. Tương lai khi lập bảo tháp, thời có thể đem những dao nầy vào trong tháp mà cúng dường, xem chúng y như là Pháp bảo vậy. Vì sao quý vị có phiền não? Có người nói: “Tôi đâu có phiền não!” Thế trừ phi đầu quý vị không còn tóc, bằng không thì quý vị sẽ chẳng dứt nổi phiền não đâu. Nếu quý vị có thể xuống tóc sớm một chút, phiền não cũng sẽ từ từ bị đoạn trừ. Đương nhiên là không thể dứt đoạn ngay tức khắc. Nếu nói đoạn được nó ngay tức khắc, đó là lừa gạt người. Phiền não là phải từ từ mà dứt đoạn.

Gươm trí tuệ cắt tơ tình ái: Phải dùng gươm trí tuệ để cắt dây tơ tình ái. Tình ái là gì? Tức là nhớ cha mẹ, nhớ anh chị em, nhớ con cái, nhớ đông, nhớ tây, nhớ nam, nhớ bắc, tất cả đều là tình ái đang tác quái đấy. Nếu đoạn được tình ái, chúng ta sẽ vô quái ngại, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng. Ngay cả mộng mơ cũng không có, thành thử thần khí của chúng ta sẽ trong sáng. Nhưng phàm phu thì như rễ ngó sen vậy, tuy đứt rễ mà dây nhợ vẫn còn vương vấn không rời. Tình ái cũng như thế đó! Ví như người con gái khi kết hôn rồi, cô ta sẽ không buông xả được ông chồng. Nhưng sau khi sanh con đẻ cái, cô lại bỏ không nổi con cái, mà ngược lại có khi quên cả chồng, thậm chí cô cũng không cần đến ông chồng nữa. Như thế cũng đều là phiền não thôi. Nếu chúng ta không ái tình, không thân sơ, xa gần, như vậy thế giới sẽ liên kết thành một khối đại đồng.

Từ nay vượt thoát lưới luân hồi: Từ nay chúng ta phải vượt ra khỏi sáu nẻo luân hồi, và không bị trói buộc nữa.

Thẳng đến đại Bồ Đề Vô thượng: Đại Bồ Đề tức là quả vị Phật.

Ý nghĩa bốn câu kệ nầy, không phải chỉ để nói với những vị vừa mới xuất gia hôm nay. Vì nếu quý vị có thể phản tỉnh, xét lại ý nghĩa nầy, quý vị cũng sẽ có chỗ dùng.

Giảng ngày 18 tháng 1 năm 1987

Chớ Đi Vào Tử Lộ

Hôm nay tôi sẽ nói với quý vị vài lời ngắn gọn, nhưng lại bao hàm rất nhiều ý nghĩa. Chúng ta đều biết rằng, con người sanh ra là bị cha mẹ bắt buộc sanh, con người chết đi cũng là bị cha mẹ buộc chết. Tôi tin rằng khi nghe những lời nầy, mọi người ai nấy cũng đều sẽ kinh hoàng. Đúng vậy, con người là do cha mẹ sanh, nhưng chết là do bị già, bị bệnh mà chết. Thế thì tại sao Sư Phụ nói là do cha mẹ bắt buộc chết?

Đúng! Cha mẹ sanh ra quý vị, nhưng ngày ngày họ hối thúc quý vị kết hôn. Họ bảo là: “Trai lớn cưới vợ, gái lớn gả chồng,” vậy tức là họ cưỡng bức quý vị đi vào con đường chết chớ còn gì nữa. Cha mẹ đã tự đi vào con đường chết, nay cũng lại muốn con cái đi vào con đường chết giống như mình. Cha mẹ trước là tự muốn có con, để rồi cũng sẽ nói với con cái rằng: “không con nối dòng là có lỗi lớn.” Họ muốn con mình cũng sanh con đẻ cái, đời nầy nối đời sau, liên tiếp không dứt đoạn. Sanh con ra rồi lại cũng bảo con cái đi chết -- bởi vì hễ có sanh tức phải có tử. Nhưng mục

đích tối hậu của việc học Phật là để thoát khỏi sanh tử.

Tôi có cô đệ tử bị cha mẹ suốt ngày cứ hối thúc cô ta lấy chồng, nhưng cô ấy không chịu để bị mắc lừa. Tôi nói cái đạo lý nầy, chắc quý vị cũng chưa từng nghe, chưa từng thấy qua. Cha mẹ thường bảo con cái: “Chuyện đại sự của cuộc đời con chưa có xong đâu.” Cái gì gọi là chuyện đại sự của cuộc đời? Thì là bảo quý vị đi vào đường chết. Cha mẹ tự mình đi vào đường tử lộ nầy, rồi cũng muốn bức bách con cái đi theo vết bánh xe của mình. Bởi nguyên nhân nầy mà trời nghiêng đất lở, thế giới đại loạn.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu hành ba đại a tăng kỳ kiếp, cuối cùng Ngài đã hiểu được sự việc là như thế nào rồi. Tức “Sanh” không phải là điều tốt, “Tử” cũng không phải là điều hay. Nhân đó mà Phật muốn không sanh, không tử. Nhưng thân phụ Ngài là vua Tịnh Phạn, là lão hồ đồ, kiên quyết muốn Phật kết hôn. Tuy lúc Phật làm Thái tử có vợ, nhưng Ngài không động phòng. Có người hỏi: Vậy sao Ngài lại có con? Lý lẽ nầy tôi không có cách gì để nói cho quý vị nghe được.

Thái tử Tất Đạt Đa chán ngán cảnh sống ở hoàng cung, cho nên vào một đêm, Ngài cưỡi ngựa bỏ trốn. Bốn vị Thiên Vương, mỗi vị bèn nâng móng chân ngựa của Thái Tử để Ngài cưỡi bay cao trên không trung. Đến Tuyết Sơn, đức Phật tu khổ hạnh sáu năm ở đấy. Tại Tuyết Sơn thì rất lạnh, cũng chẳng có lò sưởi hoặc nước nóng. Nơi đó đâu có thoải mái giống như chúng ta bây giờ, ngày ngày đều có thể tắm gội. Ở Tuyết Sơn, đức Phật mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè, một hạt lúa mạch và nhất tâm tu hành. Và như vậy mà Ngài chuyên cần khổ hạnh sáu năm. Sau đó Ngài đến cội Bồ-đề tĩnh tọa bốn mươi chín ngày. Vào một đêm nọ, Ngài thấy sao sáng mà ngộ Đạo.

Chỗ ngộ Đạo của Phật là Ngài không muốn chết một cách hồ đồ. Thế là Ngài để lại con đường đạo nầy và cho phép con người đi xuất gia, để không đến nỗi bị cha mẹ bức bách đi vào con đường chết. Bởi vậy người đi xuất gia là học đi theo con đường thành công mà Phật đã đi.

Hôm nay là ngày mùng 8 tháng 12, thông thường chúng ta có phong tục ăn “Lạp bát chúc,” tức cháo sữa. Bởi chính ngày nầy, Phật cũng bắt đầu uống cháo sữa. Song, theo như phong tục của các chùa tùng lâm ở Trung Hoa, là ngày mà họ ăn “cháo bát bửu” đấy. Tôi không biết họ dùng bao nhiêu vật liệu để nấu món nầy. Bởi không đủ phước đức, cho nên tôi chưa có ăn qua. Quý vị theo tôi cũng không được ăn luôn. Chẳng qua ăn cháo hay không ăn cháo, đâu phải là vấn đề lớn, mà chủ yếu là tông chỉ của Phật. Con người thời tham, Phật không tham, con người thích đồ đẹp, Phật không thích đồ đẹp. Phật là người lầm đường biết quay trở lại, buông xả tất cả, bỏ hết cái cuồng vọng và giữ lại cái chân thật. Cho nên Ngài ngộ đạo, hiểu rõ tất cả sự tướng xuất thế, pháp là như vậy đó. Hôm nay những ai đến mừng ngày Phật thành Đạo, nên lấy chí nguyện của Phật để làm chí nguyện cho mình. Chúng ta hãy tìm đường thoát khỏi sanh tử, chứ đừng đi vào con đường tử vong.

Giảng ngày 7 tháng 2 năm 1987

Giảng Kinh Và Bình Luận - Đừng Nói Về Nhân Tình Thể Diện

Ở đây giảng kinh thuyết pháp đều là do rút thăm bằng thẻ tre đã có ghi tên sẵn. Rút đến tên ai thì người đó nên mau mắn lên đài trước để chuẩn bị sẵn sàng. Đừng chờ người trước giảng xong rồi mình mới đi lên, bởi như vậy sẽ mất hết thời gian. Dù không biết giảng, quý vị cũng cứ lên nói nhanh mấy câu, rồi mau mau đi xuống để đổi phiên người khác lên giảng. Quý vị có thể học tập theo từng chút, từng chút như vậy.

Nếu ai giảng sai, mọi người nên sửa chữa lại cho đúng. Đừng nghĩ rằng: - Tôi ngại nói lỗi của người vì sợ họ không vui.

Ở đây ai giảng sai mà được người khác nêu ra sửa chữa cho mình thì cũng nên vui vẻ chấp nhận. Mọi người nên khuyến khích lẫn nhau, giúp đỡ cho nhau. Ở đây chúng ta không nói đến chuyện nhân tình thể diện, và cũng không nói đến cảm tình hay nể mặt ai, dù ai nói sai, mọi người cũng có thể đi lên để sửa cho đúng, đừng có quá câu chấp về chuyện mặt mũi. Chúng ta nên giúp nhau nói lên những lời chân thật. Đừng giống như ở mấy nơi khác là anh tâng bốc tôi, tôi tâng bốc anh, mà dối trá lẫn nhau.

Đến lúc phê bình, quý vị nên nói thật, không nên vì muốn thuận tai mọi người mà nói tốt. Bất luận ai, hễ chỉ thích nghe những lời nói tốt thì người ấy kể như là xong rồi. Vì y sẽ không có tiến bộ, mà cũng không thể học được gì nữa, và mầm bồ đề cũng khô héo luôn. Bởi vậy chúng ta nên tiếp nhận những lời phê bình của người khác, như thế chúng ta mới mỗi ngày mỗi tiến bộ hơn.

Giảng ngày 30 tháng 3 năm 1987

Thanh Niên Nên Phát Tâm Cứu Thế

Hòa Thượng khai thị tại ban nghiên cứu Trường Đại Học Oregon.

Hỡi các vị Thiện tri thức, các vị giáo sư và các vị sinh viên: Hôm nay mọi người có duyên lành mới cùng tụ hội về chung một giảng đường đây để thảo luận về đề tài “Nhu yếu cần thiết của đời sống con người là gì?” Chúng ta vì sao lại đến thế giới nầy? Có phải chúng ta đến thế giới nầy chỉ đơn giản là vì ăn, vì mặc, vì ngủ hay là vì hưởng thụ mà đến? Mấy vấn đề nầy nếu không chú ý, xem ra thì đơn giản lắm, nhưng nếu chúng ta nghiên cứu một cách cẩn thận, thời nó không có đơn giản như thế đâu. Vậy công tác cứu cánh của chúng ta đến thế giới nầy là gì? Có trách nhiệm gì? Mỗi người cũng nên nghiêm chỉnh thảo luận cho rõ ràng. Nếu không nhận thức rõ, vậy thì đời người nầy không có ý nghĩa và giá trị gì đâu. Cho nên chúng ta cần phải biết rõ như thế nào là làm tròn trách nhiệm, làm thế nào để hoàn thànhnhiệm vụ của mình cho tốt.

Trước tiên, chúng ta phải học tập cách thức làm tròn thiên chức bẩm sinh và nhiệm vụ của con người. Những đứa bé mới sinh ra đời thì chỉ biết khóc, biết ăn. Chúng vốn chẳng biết nhiệm vụ trong tương lai của chúng nó là gì. Rồi theo thời gian, ngày ngày trôi qua mà chúng trưởng thành. Cha mẹ đưa chúng đến trường để học tập về trách nhiệm làm người, ngõ hầu chuẩn bị trong tương lai chúng sẽ làm tròn nhiệm vụ một cách tận lực.

Về học tập, mỗi người lại có biết bao chí nguyện. Có người học vì “minh lý” để hiểu rõ đạo lý; có người học vì “danh lợi”, để tương lai có thể trổ tài được danh tiếng tốt (minh lý và danh lợi phát âm theo tiếng Hoa giống nhau, đều là “ming li”, nhưng chữ viết thì khác nhau); có người học để tương lai có thể phát tài, thâu được nhiều lợi lớn. Họ vốn chẳng màng gì đến chuyện hiểu hay không hiểu đạo lý, hợp hay không hợp pháp. Họ bất chấp thủ đoạn, miễn sao được phát tài, và tranh giữ được quyền lực. Lại có người muốn làm lãnh tụ, muốn làm người lãnh đạo nữa đấy. Nhưng trước tiên là quý vị phải biết cách làm người như thế nào. Hãy tự hỏi rằng, mình có đủ tư cách để làm người hay không? Như quả mình đã biết rõ cách làm người như thế nào rồi, tức là mình có thể làm người mô phạm gương mẫu cho người khác, thế thời làm lãnh tụ sẽ không hổ thẹn với lòng mình. Nếu quý vị còn có tâm tranh, tham, cầu, ích kỷ, tự lợi, vọng ngữ, luôn hướng ngoại truy cầu, muốn làm lãnh tụ là chỉ vì lo mưu cầu phước lợi cho mình, mà không thể vì hạnh phúc cho người khác, như thế là quý vị đi lầm đường rồi. Làm người lãnh tụ, nhất định là phải “khuất kỷ đãi nhân,” hạ mình để tiếp đãi người, hay “bạc kỷ hậu nhân,” nghĩa là coi thường mình, nhưng hậu đãi người, và vì lợi ích của toàn nhân loại.

Trách nhiệm làm người là gì? Là mình nên có sự cống hiến, giúp đỡ cho toàn thế giới và làm lợi ích cho tất cả mọi người trên thế giới. Đó là trách nhiệm làm người chân chánh của mỗi chúng ta. Chứ chúng ta không phải chỉ vì ăn ngon, mặc đẹp, hoặc ở nhà hào hoa tráng lệ.

Trong khắp thiên hạ, nếu có kẻ không có cơm ăn, không có áo mặc, thế là mình có lỗi với người đó, bởi vì mình đã không tận tâm, tận lực giúp đỡ người. Trách nhiệm chân chánh làm người là phải thật sự vì lợi ích của kẻ khác.

Muốn có công với đời, có lợi cho dân, ta nên gánh vác trách nhiệm và không được xô đẩy cho kẻ khác. Nếu mọi người đều có tâm như thế, nhất định thế giới sẽ hòa bình và không có chiến tranh. Trước hết là chúng ta nên làm người mô phạm, gương mẫu tốt và không tranh giành với người. Tại sao thế giới nầy hư hoại? Bởi vì con người tranh quyền, tranh lợi, tranh danh.

Ta nên đem những cái tốt cho người khác, và nên tiếp nhận những thứ người ta không muốn, với ai mình cũng không tranh giành. Nếu ai nấy đều không tranh, nhất định thế giới sẽ hòa bình. Kẻ phàm thường thì tham, nhưng chúng ta không tham. Đừng chạy theo phong trào điên cuồng của thế gian. Hãy làm ngọn đuốc mạnh trong cơn gió lớn. Hãy nên như khối vàng nguyên chất trong lò lửa bỏng. Tùy duyên nhưng không thay đổi; không thay đổi nhưng tùy duyên; giữ vững tông chỉ của mình, ngấm ngầm thay đổi hầu ảnh hưởng mọi người tuân giữ không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ. Nếu quý vị làm được như vậy, thế giới nhất định sẽ hòa bình.

Khởi đầu là mình tự tu thân. Khi trong nội tâm mình cũng không tranh với chính mình, vậy thì tất cả những vọng tưởng điên cuồng cũng không dấy khởi. Bình bình, tĩnh tĩnh thì đó là khoái lạc chân chánh. Tự quý vị mà bình tĩnh và vui vẻ, quý vị có thể ảnh hưởng đến người chung quanh cũng được bình tĩnh và vui vẻ theo. Khi mọi người cùng sống hòa bình với nhau, thế giới sẽ không còn chiến tranh. Vì sao thế giới có chiến tranh? Bởi vì trong tâm con người có sự tranh đấu. Tâm người mà hòa bình thì thế giới hòa bình. Tâm người mà bất bình thời thế giới sẽ không hòa bình. Chúng ta, kẻ trẻ, người già, sau khi biết được đạo lý nầy, chúng ta sẽ không cờ bạc, nghiện ngập, phóng hỏa, cướp đoạt, cưỡng dâm. Muốn thế giới tốt lành thì tự cá nhân mình phải bắt đầu trước. Nếu mình không tốt, thế giới làm sao tốt cho được? Chúng ta không nên chuyên môn chỉ tay đến người khác, nói: Tại sao họ không giữ quy củ, nề nếp? Chúng ta nên tự hỏi mình trước, rằng: “Mình có giữ quy củ không?” Người thanh niên nên gánh lấy trách nhiệm nầy. Nếu thanh niên không làm tốt, thế giới làm sao tốt cho được?

Thanh niên học từ sự dạy dỗ của các vị giáo sư, thầy giáo để đi vào con đường chân chánh. Nhưng nếu họ gặp phải ông thầy không tốt, chỉ dạy bọn trẻ những điều tà tri, tà kiến, như vậy bọn thanh niên cũng sẽ học xấu theo. Như câu nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, cho nên lựa bạn, tìm thầy là vấn đề quan trọng vô cùng. Những thanh niên có khả năng, thành tích nên nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mình, chứ đừng làm một người ích kỷ, chỉ biết lo cho mình. Trách nhiệm làm người là phải có công cho đời, có ích cho dân, có lợi cho toàn nhân loại. Tôi vốn muốn gánh vác trách nhiệm cứu đời, hầu giúp cho toàn nhân loại trên thế giới được thành tựu, nhưng tôi đã già rồi, đâu còn đủ sức lực. Cho nên tôi gởi kỳ vọng nầy vào các vị thanh niên có khả năng, các vị hãy nên phát tâm cứu đời, và mưu cầu hạnh phúc cho toàn nhân loại.

Hởi các bạn trẻ có năng lực! Hãy nên chân thành phát đại nguyện, đại lực để giúp cho toàn nhân loại được hạnh phúc. Cứu giúp những kẻ đang trong cảnh nước ngập, lửa đốt để họ lìa khổ, được vui. Trước là tự mình nên học: không hút thuốc, không uống rượu, không nổi giận, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không ăn thịt, không đánh bạc, không hút ma túy. Quý vị nên học làm những việc chánh đáng. Nếu quý vị có thể làm như vậy, tức là nhân loại toàn thế giới sẽ được cứu vớt.

Tôi đi đến đâu là tôi kêu gọi, hô hào, hy vọng những người thanh niên sẽ giác ngộ, mà phát tâm đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả và bắt chước theo cái hoài bão cứu thế như của đức Chúa Giê-Su, đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tất cả các vị Thánh nhân. Được vậy thì thế giới dù không hòa bình cũng sẽ phải hòa bình thôi.

Các vị có thể nghiên cứu về những lời tôi nói hôm nay. Nói đúng hay không, tôi cũng không biết. Song tôi là một người hết sức khao khát, mong mỏi cho thế giới hòa bình, và hy vọng nhân loại trên thế giới sẽ không đau khổ. Nhưng muốn hoàn thành lý tưởng nầy, nhất định mình phải có trí

huệ mới có thể làm được.

Giảng ngày 4 tháng 4 năm 1987

Nhân Quả Báo Ứng - Tơ Hào Không Sai

Hòa Thượng Tuyên Hóa khai thị tại trường Đại Học Oregon

Nam Mô tận hư không biến pháp giới thập phương tam thế thường trụ vô lượng vô tận nhất thiết chư Phật.

Nam Mô tận hư không biến pháp giới thập phương tam thế thường trụ vô lượng vô tận nhất thiết tôn Pháp.

Nam Mô tận hư không biến pháp giới thập phương tam thế thường trụ vô lượng vô tận nhất thiết Hiền Thánh Tăng.

Nam Mô tận hư không biến pháp giới thập phương tam thế thường trụ vô lượng vô tận nhất thiết Ba La Đề Mộc Xoa.

Nam Mô Như Lai: Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Đạo Phật chú trọng về nhân quả, vì sự báo ứng tuần hoàn không hề sai lệch một tơ hào. Gieo nhân nào thì gặt quả đó. Trồng nhân lành thì kết quả lành, trồng nhân ác thì kết quả dữ. Nếu mình gieo nhân mắng chưởi người, tức mình sẽ bị kẻ khác đánh đập. Nếu mình gieo nhân đánh người, tương lai sẽ gặt quả báo bị người giết. Cổ nhân nói: “Giết cha người, người sẽ giết cha mình; giết anh người, người sẽ giết anh mình” là vậy. Nhân nào, quả nấy. Chúng sanh như chúng ta đều là sợ quả chứ không sợ nhân. Lúc gieo nhân, chúng ta không chịu cẩn thận, đến khi kết thành quả rồi thì mới lo lắng bồn chồn. Ngược lại, Bồ Tát thời sợ nhân chứ không sợ quả. Bồ Tát rất cẩn thận khi gieo nhân, cho nên khi quả báo đến thì Bồ Tát tình nguyện tiếp nhận quả báo đó, chứ không trốn tránh. Tư tưởng của chúng sanh và Bồ Tát khác nhau là ở chỗ nầy.

Lòng người đại lượng thì phước báo quảng đại, còn nếu tâm lượng hẹp hòi thì phước báo nhỏ nhoi. Lòng đại lượng tức là hạt nhân to lớn, tương lai kết quả sẽ lớn. Chúng ta nên biết rằng: “Tất cả đều do tâm tạo.” Người xưa nói chữ “Tâm” đó như sau:

“Tam điểm như tinh bố,

Loan câu tự nguyệt nha,

Phi mao tùng thử khởi,

Tác Phật dã do tha,”

tức là:

Ba điểm chấm như một chùm sao,

Lưỡi câu cong như trăng lưỡi liềm,

Đội khoác da lông là từ đây,

Làm Phật được cũng do nó đấy.

Bởi vậy chúng ta đừng nên làm các điều ác, mà hãy làm tất cả việc lành. Thành Phật cũng là do từ một niệm trong tâm. Song, con người không thể quản chế được tự tâm. Mặc dù tâm là ở trong, nhưng nó thường hay chạy ra ngoài. Vọng tưởng có thể đưa chúng ta đi xa đến thiên đường hay địa ngục, hoặc gần thì đến New York hay San Francisco. Chung quy là chúng ta không thể tự quản chế được tâm mình. Tu đạo là tu một niệm ở tự tâm. Nếu chúng ta có thể đem một niệm tâm kiềm chế vào một chỗ và chuyên nhất, vậy tức là vô sự, và khỏi phải bàn gì nữa.

Giảng ngày 3 tháng 5 năm 1987

Đạo Phát Tài

Con người ở đời đều tìm cái giả, mà không tìm cái thật. Họ đều muốn bị người dối gạt. Nếu quý vị muốn nói chuyện thật, người ta lại không tin. Ví dụ như, có người chuyên nói về đạo phát tài, họ rêu rao rằng ai đến nghe pháp phát tài đó thì sẽ phát tài. Thế là người đến nghe không biết là bao nhiêu. Nhưng nếu quý vị nói pháp chân thật thì chẳng có ai đến nghe, bởi vì nghe mà không thể phát tài được. Còn như nói lời giả dối gạt người thì là phát tài. Vậy phát tài như thế nào?

Đơn giản thôi, dù tôi có nói ra cũng không thể diễn tả được cái diệu kỳ nầy. Như tất cả những ai đến nghe pháp phát tài, trước hết là mỗi người lấy ra một trăm đô, sau đó họ quán tưởng một trăm nầy biến thành một trăm vạn, ngàn vạn, vạn vạn -- càng nhiều càng tốt -- cho đến khi một trăm đô nầy phóng ra hào quang thì họ phát tài. Người học phép nầy, trước hết là phải giao ra một trăm đô.

Quý vị nghĩ xem, kết quả là ai sẽ phát tài hả? Đương nhiên là người giảng pháp sẽ phát tài đó. Có một ngàn người đến nghe pháp, tức là họ sẽ thâu vào một trăm ngàn Mỹ kim. Nhưng rốt cuộc không phải là quý vị phát tài, mà là kẻ gạt người được phát tài. Thế mới khổ chớ! Đó gọi là nhận cái giả, mà không nhận cái thật. Quý vị thử nghĩ, rốt cuộc thì ai phát tài đây?

Quý vị cứ xem ở thế giới nầy, tuy số người đến làm lễ trong các giáo đường không phải là ít, nhưng so ra thì không bằng như ở các rạp chiếu bóng, các vũ trường và các nơi cờ bạc, số người đến đó luôn luôn đông hơn. Quý vị nghĩ xem, vậy là đạo lý gì? Đó là vì người ta nhận giả mà không nhận thật. Họ xem chuyện giả như là việc quan trọng, ngược lại, đối với chuyện chân thật thời họ không thèm chú ý đến. Đó cũng là do lòng tham, lòng tranh, trong tâm có chỗ mong

cầu, ích kỷ, tự lợi, cái tâm thích nói dối nó đang tác quái đấy. Thế là họ cứ mon men đi theo những con đường không chánh đáng đó.

Giảng ngày 5 tháng 5 năm 198



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com