Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 22 - Duyên Sự Khi Ra Ngoài

21/06/201319:07(Xem: 6878)
Bài 22 - Duyên Sự Khi Ra Ngoài

Học Phật Hành Nghi

Bài 22 - Duyên sự khi ra ngoài

Thích Minh Thông

Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề

Phàm sa-môn, cư sĩ không việc cần thì chẳng nên ra ngoài du ngoạn. Nếu có duyên sự cần đi, chẳng được đi như chạy, chẳng được đi mà lay động cánh tay. Không được đi mà luôn nhìn qua hai bên những người và vật. Chẳng được vừa đi vừa nói cười, chẳng được đi mà cùng nam nữ hay tăng ni trước sau đắp đổi theo nhau. Không được đi mà cùng người say người cuồng trước sau đắp đổi theo nhau. Không được cố nhìn người nữ, không được dùng khoé mắt cố nhìn người nữ. Nữ ni đối với người nam cũng lại như vậy.
Lời phụ: Tăng chú viết: nếu không có việc chi cần thiết thì đừng đi ra ngoài tốt hơn.
Trong Hành Hộ nói: phép đi thường phải nhìn bằng thẳng tới, nhìn đất cách bảy bước, chớ đạp chết loài trùng kiến.
Thanh Quy nói: chẳng đặng nắm tay đồng đi luận nói việc đời phải quấy. Chẳng được vừa đi vừa nói cười: một là tránh riêng mình tán loạn thân tâm, hai là người thấy không sanh lòng kính tín.
Văn nói người say, người cuồng mà đi theo gần ắt có chỗ hại, liền phải quanh lánh, hoặc tẻ qua đường khác mà đi, phàm xe ngựa, chó dại, ác thú, v.v... cũng phải lánh xa.
Phàm gặp bậc tôn trưởng, nên trước đứng ở chỗ thấp hoặc đứng sang bên. Phàm gặp các cuộc biểu diễn trò chơi, ảo thuật, cùng ẩu đã đánh lộn cãi vã, tiệc vui, lễ hội, tế thần, cờ bạc, v.v... đều phương tiện tránh đi, không được dừng ngó.
Lời phụ: nếu gặp bậc tôn túc hay người quen biết, đều phải đứng lại một bên dưới đường, đợi kia đến cúi đầu, chắp tay thưa hỏi. Kia đáp rồi, ta lại chúc: quý ngài đi đường bình an. Chúc nguyện cho kia hiện đời lìa các tật bệnh, và khỏi các nạn, ... gieo trồng nhân lành cho đến khi họ thành Phật.
Tăng chú nói: phàm gặp “quan phủ” không luận lớn nhỏ, đều phải quanh lánh, cho đến các việc đánh lộn, tế lễ thảy đều chẳng nên dừng lại xem coi. Bởi nhiếp niệm thời vững thân, xem coi thời mất oai nghi, hoặc mang họa lỗi. Người xưa nói: mắt không ngó sắc phi lễ, miệng không nói những chuyện chợ giếng, xóm làng, ... người học đạo cần phải xa lìa các việc huyên náo ấy.
Phàm khi thấy các loài sinh vật nên khởi lòng thương xót. Kinh Phạm Võng nói: “Khi thấy tất cả chúng sanh, cần nên xướng lời như vầy: chúng sanh các ngươi, trọn một báo thân nầy nên thọ tam Quy-y và hành trì 10 giới.” Nếu gặp trâu ngựa heo dê, hết thảy các loài súc sanh, nên tâm niệm miệng nói lời rằng: “ngươi là súc sanh, nên phát bồ-đề tâm, v.v...”
Lời phụ: Kinh Độ Cẩu nói: xưa có thầy sa-môn trì bát khất thực, thấy một gã đồ nhi ôm một con chó đem đi giết thịt.
Sa-môn bảo: “tội sát sanh rất là bất thiện, ta nguyện đưa cơm trong bát ta, đổi con chó này, cho mạng nó được sống, thí chủ được phước vô lượng.”
Như vậy vị sa-môn năn nỉ hoài, mà gã đồ nhi cũng chẳng khứng chịu. Túng thế, vị sa-môn trút hết cơm trong bát ra cho con chó ăn, rồi lấy tay xoa đầu nó rơi lụy chú nguyện nói rằng: “Đời trước ngươi tạo tội chi, mà nay mắc báo làm thân chó, vừa đói khát, lại còn bị người ta giết mà ăn thịt, không được tự tại. Vậy ta chú nguyện cho ngươi, đời đời tội diệt phước sanh, thoát kiếp cẩu thân, được sanh làm người và gặp ngôi Tam-bảo”.
Con chó được ăn cơm của vị sa-môn, liền sanh tâm lành, vui mừng khấp khởi, biết mình đã được quy y. Sau khi mạng chung, đầu thai làm thân trai sanh vào nhà ông Đại trưởng giả.
Bấy giờ vị sa-môn đi khất thực, có dịp đi ngang qua trước cửa nhà trưởng giả. Cậu con trai thấy sa-môn vui mừng lễ dưới chân và cúng dường trăm món, rồi xin theo hầu vị sa-môn để xuất gia. Lần lần tu tập thông hiểu nghĩa kinh và chứng được “tam muội” đến bực bất thối chuyển. Rồi khai hóa cho tất cả người đời cũng được phát tâm Bồ-đề tu hành theo đạo Phật. Ôi! loài súc sanh kia còn được đắc đạo, huống là làm được thân người đâu lại chẳng chứng quả ư!
Phàm vào phố chợ, chẳng được tùy tiện ngồi hàng quán rượu, chẳng được ngồi hàng quán giết thịt, chẳng được đi vào các con đường chỗ buôn hương bán phấn, trừ hàng Bồ-tát việc làm của mình đã xong, đặc biệt muốn đến kia để giáo hóa cho họ thì chẳng liệt kê vào đây.
Lời phụ: Khi có việc vào phố thị, nên cùng bậc lão thành đi chung. Nếu không có bậc lão thành đi chung thì phải biết chỗ có thể đi. Không được hay đến nhà thí chủ thân tình hoặc chỗ am viện thân tình mà đòi hỏi các thứ.
Phàm khi mua đồ, không được tranh đắt rẻ, thấy giá cả không vừa ý thì đừng mua là được rồi. Nếu đã lỡ mua rồi tuy giá có mắc hơn chỗ khác cũng không thể từ chối khiến cho kia sanh lòng hờn giận gây chuyện khiến thiệt thòi. Nếu bị người vũ nhục cũng nên phương tiện tránh đi, chẳng được quyết lòng đòi phân rõ trắng đen. Nếu bị trẻ nít chọc mắng, nên bình tâm đi thẳng, chẳng nên mắng chửi trả lại. Nếu nghe chỗ có nguy hiểm thì chẳng nên mạo muội đi vào chỗ hiểm nạn đó. Nếu cưỡi ngựa hay ngồi xe, đi chung hay đi riêng đều nên khuyên kia niệm Phật.
Lời phụ: Tăng chú nói: không được kèo nài, vì sợ kém hao của người, chẳng nên trả giá mắc, vì sợ lãng phí của tín thí và của thường trụ. Nếu bị người khác lấn lướt dành mua thì phương tiện khéo lời lánh đi.
Phàm cư sĩ đến nhà người, trừ những việc cần thiết phải trao đổi, chẳng được nói nhiều cười nhiều, nên nhất tâm niệm Phật. Nếu biết kia là người học Phật, đặc biệt đến mình có ý thưa hỏi, thì phải nên hết lòng đem giáo lý đại thừa mà giới thiệu cho họ, khai đạo mở pháp lành truyền trao cho họ biết niệm Phật, giới sát, v.v... Nếu không vậy thì chẳng nên rộng nói, chỉ nên khéo léo mà dẫn dắt họ. Nếu gặp sa-môn đến nhà người hoặc lục thân quyến thuộc thì cần phải nghiêm cẩn y theo chương 18 “Đến Nhà Người” trong Oai Nghi Môn đã nói rõ, nơi đây chẳng cần trùng thuật lại.
Lời phụ: Oai nghi chương Đến Nhà người nói: Có chỗ ngồi khác mới nên ngồi, không được ngồi tạp. Nếu muốn ngồi, trước hết phải xem kỹ chỗ ngồi: có khí giới không nên ngồi, có đồ quí không nên ngồi, có y phục và đồ trang sức vân vân của phụ nữ không nên ngồi.
Phải xét kỹ cử động, không được để mất uy nghi. Người ta hỏi kinh thì phải biết lúc đáng nói lúc không đáng nói, thận trọng đừng làm cái việc nói không phải lúc.
Đến thăm người thân, phải trước hết vào nhà chính lạy Phật, hoặc đến trước tượng thánh trong nhà nghiêm chỉnh chắp tay, thứ đến cha mẹ bà con, v.v... nhất nhất chào hỏi. Không được nhìn hai bên một cách bất chính. Không được nói tạp.
Nói với phụ nữ thì không được thấp tiếng nói thầm. Không được nói nhiều, Không được trá hiện uy nghi, giả trang thiền tướng, mong họ cung kính. Không được nói dối trá chánh pháp của Phật, đáp rối loạn lời hỏi của người, tự khoe đa văn, cầu họ cung kính. Không được lo liệu việc nhà của người. Không được nói lỗi lầm trong tứ chúng.
Bộ Hành Hộ nói: vào nhà thế tục, khi đứng, khi ngồi phải đủ oai nghi, nói lời từ thiện, đừng có thô kịch, và đừng nói chuyện thế gian tạp nhạp. Phải nói lời đạo đức, thêm lớn thiện tâm cho người, thường nhiếp sáu căn chớ nên phóng túng.
Phàm vào Tự Viện, trước nên đến khách đường, nên đảnh lễ thầy Tri-khách, hoặc thầy Tiếp Hiện đang có mặt. Vừa gặp thời liền lễ bái, nếu tự mình là tỳ-kheo thời nên chắp tay xá chào rồi mới thưa hỏi. Phàm vào cửa Chùa, chẳng được đi cửa chính giữa, nên duyên theo cửa bên trái hay bên phải mà đi. Duyên theo cửa bên trái thì bước chân trái trước, duyên theo cửa bên phải thì bước chân phải trước. Không được vô cớ lên đại điện đi dạo.
Lời phụ: Oai nghi nói: đi vào cửa chính giữa, thời thái độ xông pha không oai nghi tôn kính. Người thế gian khi vào chốn công phủ vương triều, còn không dám đi chính giữa, huống chi ngôi Bửu Điện của vị Pháp vương, mà lại chẳng duyên hai bên trái phải mà đi hay sao? Trong khi ra vào chánh-điện, đều day mặt ngó về hướng Phật.
Khi vào chùa, thấy đất có trùng, chớ lầm sát hại. Phải ca ngâm khen ngợi Tam-bảo, và chẳng được nhổ nước miếng nơi đất chúng Tăng, hoặc thấy cỏ rác đồ bất tịnh, phải mau dọn dẹp đi.
Chánh điện là nơi để thờ Phật, lễ bái trang nghiêm, chiêm ngưỡng Phật tượng như Phật còn tại thế, đâu nên vô sự mà lên chánh điện dạo chơi. Cổ Đức nói: vô sự không nên lên điện Phật, dạo chơi chẳng đi đến trong tháp, nếu chẳng nhơn việc quét đất, và dâng hương cúng nước, dẫu có phước hà sa cũng tiêu.
Vào điện tháp, phải đi vòng quanh bên phải, không được đi vòng quanh bên trái. Không được trong điện tháp mà hỉ nước mũi, nhổ nước miếng. Nhiễu tháp thì hoặc 3 vòng, 7 vòng, cho đến 10 vòng, 100 vòng, và phải biết số vòng ấy. Không được đem nón gậy, v.v... để dựa vào vách điện Phật.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]