Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 19 - Cùng Người Chung Ở

21/06/201319:03(Xem: 6788)
Bài 19 - Cùng Người Chung Ở

Học Phật Hành Nghi

Bài 19 - Cùng người chung ở

Thích Minh Thông

Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề

Chọn bạn hiền mà kết giao. Bạn hiền là nền tảng của muôn phước, khiến ta hiện đời mát mẻ, mai sau ra khỏi tam-đồ. Sinh lên cõi trời hay tu hành đắc đạo đều nhờ bạn lành. Sanh ta nhờ cha mẹ, thành ta nhờ bạn lành vậy.
Phàm sa-môn, cư sĩ, khi nhập vào trong đại chúng cùng ở cùng làm, chẳng được tranh chỗ ngồi. Trong chúng nếu có ai mất oai nghi lễ tiết nên ngăn che việc xấu mà phô bày điều lành (ẩn ác dương thiện), chẳng được ém nhẹm cái lao nhọc của người để làm hiển lộ công lao của mình.
Lời phụ: Chẳng tranh chỗ ngồi là tỏ cái đức khiêm nhượng. Ẩn ác dương thiện là để tránh việc rao lỗi tứ chúng; như Kinh Phạm Võng nói: Nếu Phật tử, tự miệng rao nói tội lỗi của tứ chúng, hoặc bảo người rao nói những tội lỗi ấy : nhân rao nói tội lỗi, duyên rao nói tội lỗi, cách thức rao nói tội lỗi, nghiệp rao nói tội lỗi.
Là Phật tử, khi nghe những kẻ ác, ngoại đạo cùng người nhị thừa nói những điều phi pháp, trái luật trong Phật pháp, thời phải luôn luôn có lòng từ bi giáo hóa những kẻ ác ấy cho họ sinh tín tâm lành đối với đại thừa; trái lại Phật tử lại tự mình rao nói những tội lỗi trong Phật pháp. Phật tử nầy phạm «Bồ-tát Ba-la-di tội».
Hiển lộ cái công của mình mà ém nhẹm cái lao nhọc của người là trái ngược với hành vi của bậc quân tử vậy.
Phàm ngủ nghỉ, chẳng được trước người, dậy không được sau người. Phàm rửa mặt, chẳng được xử dụng nước nhiều, đánh răng nhổ nước phải cúi đầu đưa nước xuống, chẳng được phun nước làm ướt người. Chẳng được hỷ nước mũi và nhổ nước miếng lớn tiếng, chẳng được ở trong điện tháp và chỗ đất sạch, nước sạch mà hỷ nước mũi, nhổ nước miếng, phải nên tìm chỗ khuất mà hỷ nhổ. Trong tay có cầm nắm vật gì thì chẳng được dùng một tay còn lại xá chào người.
Lời phụ: Văn nói: phàm ở đâu, ngủ không nên ngủ trước người, dậy không nên dậy sau người. Bởi không ngủ trước và dậy sau có hai việc: 1-mình không giãi đãi, 2-khỏi động niệm chúng, khiến chúng sanh lòng phiền.
Oai nghi nói: chẳng được ở trong chùa, ở trên điện và tháp cùng nhà sạch, đất sạch, trong nước sạch hỷ mũi, khạc nhổ, muốn khạc nhổ phải tìm chỗ khuất. Dùng một tay xá chào người là phi lễ, đang uống trà nước xá chào người là phi thời.
Chẳng được cười nhiều, lại chẳng được cười lớn và há miệng ngáp lớn, phải lấy tay che miệng. Chẳng được đi mau, chẳng được lấy đèn Phật tới riêng mình dùng. Nếu đốt đèn phải lấy bóng đèn pha-lê hay màn vải che đậy để tránh các loài phi trùng gieo vào. Chẳng được nghe gọi là không lên tiếng, phàm khi nghe gọi nên dùng tiếng niệm Phật mà trả lời, chẳng được đáp vâng dạ.
Lời phụ: cười nhiều mất chánh niệm, cười lớn trái oai nghi. Che đèn là sợ buổi tối có loài trùng nhỏ, thiêu thân bay vào đèn dầu để tiếp cận ánh đèn, thường bị thiêu chết. Vì thế, đèn phải dùng cái chụp. Đấy cũng là tâm từ bi. Nay đều dùng đèn điện, không dùng đèn dầu nữa.
Thanh Quy nóỉ: ở trong chúng không làm 4 việc như sau:
1. Không được cười giỡn vô độ;
2. Không được nói bàn lớn tiếng
3. Không được thay hình đổi dạng;
4. Không được đứng ngồi nghênh ngang.
Y phục tự thân chẳng được hoa hoè nhiều màu rực rỡ, chỉ nên dùng màu xanh da trời, màu xám tro hay màu vỏ cây mộc lan (sắc màu nhuộm lẫn giữa màu đỏ nhiều và đen ít). Mặc áo tràng thường (thiên sam: giáo phục) thì hai tay nên buông thõng xuống. Mặc áo hậu thường dài (phương bào: lễ phục) thì hai tay nên để ngang ngực.
Lời phụ: Phục sức tề chỉnh là để trang nghiêm thân tướng, không phải trang sức y phục hoa hoè là để điểm tô cho huyễn chất, người học đạo đã biết đãy da hôi thúi của thân tứ đại mà còn sắm đồ tốt đẹp, chỉ làm duyên quên mất chánh niệm mà thôi.
Chẳng được chống nạnh mà đứng hay đi, chẳng được chắp tay sau lưng mà đứng đi. Phàm đi đứng ngồi đều chẳng được nương dựa, chẳng được lấy bát treo trên đầu gậy, vác trên vai mà đi, chẳng được nắm tay nhau trên đường mà đi. Phải nên buộc ống quần, chẳng được phóng ý tự tiện. Chẳng được vừa đi vừa tán chuyện phiếm, chẳng được nói nhiều, chẳng được đi kéo giầy dép ra tiếng.
Lời phụ: Chứng nghĩa ghi rằng: Oai là do đức hiển lộ, không phải cái oai của thế lực; Nghi là do tâm biểu tỏ, không phải dối hiện biểu nghi. Ngoài ra, Oai là do nghiêm trì giới hạnh, chúng đức trang nghiêm; Nghi là do động tĩnh hợp cách, tiến thoái thảy an nhiên. Nên nói rằng: Hạnh trong sạch đều do đạo nghi, thanh bạch hoàn toàn là do giới phẩm.
Chẳng được lấy đồ Thường-trụ Tam-bảo cất riêng mình dùng, chẳng được đàm luận việc ngoài Phật-pháp. Chẳng được nhân việc nhỏ mà tranh chấp, nếu việc lớn nhẫn không được cũng nên tâm bình khí hòa dùng chánh lý mà biện luận, nếu chẳng được thì khước từ mà đi.
Lời phụ: Đồ Thường trụ Tam-bảo là của hiện tiền thường trú Tăng, nếu có cần chi cần phải bạch thầy trước, thầy cho phép mới được lấy dùng.
Oai nghi viết: Không được lấy riêng của chiêu đề như tre cây, hoa trái, rau lá, mọi thứ đồ uống đồ ăn, mọi thứ đồ vật vân vân. Chẳng được đàm luận ngoài Phật pháp là ý nói chẳng được bàn tán sự lợi và sự hại của việc chính trị thuộc triều đình công sở, và những sự hay dở tốt xấu của người bạch y.
Lương Hoàng sám ghi, đối với chúng sanh không có sự sai biệt khi nhập bình đẳng quán, không nghĩ kẻ oán người thân mà thường dùng con mắt thương yêu nhìn khắp chúng sanh. Nếu như chúng sanh ôm tâm oán đối với Bồ Tát khởi tâm ác nghịch, Bồ Tát là chân thiện tri thức, khéo điều phục tâm, vì chúng sanh nói pháp mầu. Ví như biển cả hết thảy những độc hại không làm hư hoại được, Bồ Tát cũng như thế.
Người ngu vô trí không biết báo ân; cũng như chúng sanh khởi vô số việc ác không làm loạn động tâm Bồ Tát. Đó chính là nhẫn nhục nhu hòa vậy.
Động khí phát thô chẳng phải là đệ tử Phật. Phàm thấy người khác lễ Phật, chẳng được hướng đến phía trước đầu người ấy mà đi tắt qua. Có người xem kinh, chẳng được hướng trước bàn kinh mà đi tắt ngang.
Lời phụ: Văn nói: động khí phát thô tức ý nói nóng giận vậy. Đại Luật dạy: Không nhẫn có năm lỗi: 1). hung ác càng thêm, 2). sự rồi hối hận, 3). chẳng ai ưa, 4). tiếng xấu đồn xa, 5). chết đọa đường ác.
Chứng nghĩa ghi nơi chương đề cập tu hành rằng, chớ có sân giận. Bởi vì một niệm sân tâm khởi, trăm nghìn cửa nghiệp chướng đều mở toang. Khinh mạn như núi cao, nước chảy không mòn. Vả lại, phi lý sân thô mà lại dễ trừ; chấp lý phát sân tế mà khó dứt. Thế hay xuất thế cũng vậy, nếu không đạt được chữ nhẫn từ ắt bại ngay nơi niệm sân.
Cho nên người quân tử lấy từ nuôi đức, lấy nhẫn dưỡng tâm; việc nhỏ không nhẫn được, mưu lớn phải loạn. Kiếp đao binh hung hiểm do chứa sân chiêu cảm do ngã chấp mà ra. Cho nên chứa sân làm sao thường có thật ngã được chứ! Biết ngã chấp vốn không, sân kiêu tự dứt; hiện tại, tương lai hẳn chứng đạt thể vô ngã.
Phàm đi nghe giảng phải nên đến sớm, chỉnh lý y phục, hai tay nâng kinh, mắt nhìn thẳng, bước khoan thai, ngồi tất phải đoan nghiêm. Chẳng được ho lớn tiếng, nếu có ho thì phải lấy tay áo che miệng. Phàm nghe pháp, phải nghe mà nghĩ, nghĩ mà tu, chẳng được chuyên ghi nhớ danh ngôn để cung cấp cho việc đàm luận, chẳng được nghe vào tai liền thốt ra ngoài miệng, nếu có nghi vấn nên chờ lúc vừa giảng xong thì đưa kinh đến để bên đài thuyết pháp, hướng lên pháp sư chắp tay xá chào rồi mới thưa hỏi. Nghe đáp xong rồi, lại cũng nên chắp tay xá chào mới lui ra.
Lời phụ: Sa-di yếu lược nói: Phàm thấy treo bảng thượng đường thì nên sớm lên pháp đường, đừng chờ pháp cổ đánh lớn. Bằng cách chỉnh đốn y phục, nhìn ngang tầm mắt, tới thẳng pháp đường. Ngồi, phải thẳng và nghiêm. Không được nói bậy, không được ho và nhổ lớn. Phàm nghe pháp, phải nghe mà nghĩ, nghĩ mà tu. Không được chuyên nhớ danh ngôn để cung cấp cho việc đàm luận. Không được chưa lãnh hội xưng lãnh hội, vào tai ra miệng.
Phàm đi tiểu tiện chẳng được cúi đầu nhìn xuống, chẳng được cầm cỏ vẽ đất, chẳng được rán hơi ra tiếng. Chẳng được cách vách cùng người nói chuyện. Chẳng được nhổ nước miếng lên vách. Khi ra vào gặp người chẳng được làm lễ, nên nghiêng mình tránh đi. Chẳng được ven theo bên đường vừa đi vừa buộc áo giải. Nếu tiểu phải tóm gọn y phục, lại chẳng được mặc áo hậu mà tiểu giải. Tiện lợi hoàn tất, nếu chưa rửa tay thì không được cầm nắm đồ vật.
Lời phụ: Tăng chú viết: muốn đại tiểu tiện là nên đi ngay, đừng đợi trong cơ thể bức bách mà thảng thốt. Ở trên sào tre, treo áo trực chuyết thì phải gấp xếp cho tề chỉnh, lấy khăn tay hoặc dây lưng buộc áo ấy, một là làm dấu nhận biết, hai là sợ rơi xuống đất.
Phải cởi đổi giày dép, không được mang giày dép sạch vào nhà xí. Đến nhà xí, phải ba lần đàn chỉ để cho người ở trong đó biết. Không được thúc bách người ở trong đó cho họ phải ra. Đã lên nhà xí, lại phải ba lần đàn chỉ, niệm thầm bài kệ rằng:
Đại tiểu tiện thời
Đương nguyện chúng sanh
Khử tham sân si
Quyên trừ tội cấu.
Tạm dịch:
Khi đại tiểu tiện,
Nên nguyện chúng sanh
Bỏ tham sân si
Khử trừ tội lỗi.
Cúi đầu nhìn xuống thời khiến sanh tâm bất tịnh, cầm cỏ vẽ đất thời mất chánh niệm. Rán hơi ra tiếng thời tự mình mất oai nghi, lại động niệm người khác.
Kinh Văn Thù nói: Khi đại tiểu tiện, thân khẩu yên lặng như cây đá, chớ nên ra tiếng. Chưa tẩy tịnh thì khi gặp người không được thi lễ.



<
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]