Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2

21/06/201318:00(Xem: 9029)
Chương 2

Hoa trôi trên sóng nước

Chương 2

Nguyên Phong

Nguồn: Nguyên Phong

Sau khi chồng tôi bỏ đi, tôi tiếp tục sống với cha mẹ tại Hokkaido. Hàng ngày tôi vừa nuôi con, vừa làm những công việc đồng áng như cấy lúa, trồng rau, chăn nuôi gia súc. Bên ngoài dường như không có chuyện gì nhưng trong tâm tôi đã có nhiều thay đổi lớn. Khi xưa tôi là một người ích kỷ, lạnh lùng, coi thường những giá trị đương thời thì hiện nay tôi lại hoàn toàn tin rằng người ta không thể sống mà không tuân theo những giá trị này được. Sự tin tưởng rằng con người phải sống một cách thành thật (Makoto) với những giá trị căn bản bắt nguồn từ Thần Đạo (Shinto) là một truyền thống đã ăn sâu vào cách sống của người dân đất Phù Tang. Thần Đạo quan niệm rằng mục đích của đời người là làm sao biết cách sống thành thật với mình, với người, và với ngoại cảnh hay thiên nhiên. Một khi đã sống một cách trong sạch, quang minh chính đại và hợp đạo nghĩa thì tất cả mọi ý nghĩ, hành động của mình đều hòa hợp được với các thần linh trong thiên nhiên (Kami). Sở dĩ con người đau khổ vì họ đã không biết cách sống hòa thuận với những giá trị thiêng liêng bất di dịch này. Từ đó tôi nghiệm rằng chính sự thương yêu chân thành của cha tôi đã cảm hóa được tôi và bổn phận của tôi, sau khi đã nghiệm được những điều này, là phải giúp đỡ những người khác để họ biết cách sống hợp với đạo nghĩa như vậy. Từ đó tôi thấy mình bắt đầu thay đổi và đời sống trở nên có ý nghĩa hơn trước. Từ một con người lạnh lùng, ích kỷ, tôi trở nên một con người có ý tưởng phụng sự, giúp đỡ những người khác.
Hôm đó tôi ra đồng làm việc, như thường lệ, tôi khởi công làm từ lúc trời còn mờ sáng đến khi mặt trời đứng bóng mới chịu ngừng tay nghỉ ngơi. Tôi vừa ngồi xuống bờ ruộng thì bỗng thấy xây xẩm mặt mày và có cảm giác như đang ở trong một trạng thái mê hoặc, xuất thần. Tôi nghe có tiếng ai gọi bên tôi một cách cấp bách “Matsumo! Này Matsumo hãy nhìn kìa!” Tự nhiên tôi thấy thửa ruộng trước mặt bỗng biến thành một vườn dâu xanh ngắt với trăm ngàn bông hoa nhỏ màu vàng đang nở rộ. Tôi ngạc nhiên dụi mắt nhìn kỹ thì thấy bên dưới những tàu lá xanh mơn mởn và những bông hoa vàng rực rỡ có hàng ngàn hàng vạn con sâu màu sắc lạ lùng đang gậm nhấm, âm thanh sột soạt của muôn vạn hàm răng đang ngấu nghiến lá dâu khiến tôi phát rợn cả người. Tôi đang bàng hoàng thì một tiếng nói ở đâu đó vang lên: “Con thấy không, thế giới loài người cũng đang bị gậm nhấm như vậy đó”. Tôi cố gắng định thần để tìm hiểu thêm về ý nghĩa câu nói trên thì tự nhiên vườn dâu trước mặt tôi bỗng biến thành một khu rừng rậm rạp, cây cối mọc chi chit. Có tiếng ai thúc giục:” Này Matsumo, cái gốc rễ tội lỗi trên thế gian đã bị đốn sạch ở thế giới bên này rồi. Con hãy tiếp tục công việc đó trên thế gian”. Tự nhiên tôi đâm ra ngây ngất trước cái ý tưởng lạ lùng đó. Tôi linh cảm rằng đó là tiếng nói của các thần linh (Kami), hình như các ngài vừa truyền trao cho tôi sứ mạng quét sạch mọi bất công, tội lỗi trên thế gian này. Tôi không do dự, khẳng khái trả lời ngay: “Con sẽ làm việc đó. Nếu gốc rễ của mọi tội lỗi đã bị dọn sạch rồi thì chỉ cần dụng công một chút là xong chứ gì”. Ngay lúc đó dường như có cái gì dội mạnh trong lồng ngực khiến tôi tỉnh dậy. Phải chăng tôi đã ngủ mê? Tôi bàng hoàng nhìn thửa ruộng trước mặt, nó vẫn không có gì thay đổi, mấy gốc lúa non vừa trổ mầm, mấy rãnh nước dẫn nước vào ruộng vừa được tôi khai thông. Tôi không thể phân biệt rằng mình đang mê hay đang tỉnh. Mặc dù linh ảnh lạ lùng đó đã qua nhưng nó để lại một ấn tượng hết sức mãnh liệt trong trí tôi khiến tôi cứ ngây ngất mãi.
Từ đó trở đi tôi luôn luôn bị lôi cuốn vào những cơn mê xuất thần như vậy. Có lúc tôi thấy mình như đang sống trong một thế giới huyền bí lạ lùng, nửa như thực nửa như mộng, và tôi có thể thấy trước được những điềm chẳng lành sẽ xảy ra như những trận động đất, thiên tai, hỏa hoạn, một bằng chứng rằng sẽ có những thay đổi để quét sạch, tẩy uế mọi tội lỗi của thế gian này. Trạng thái tinh thần của tôi càng ngày càng trở nên kỳ lạ, tôi sống mà cứ như người bị mộng du, chập chờn ở một nơi chốn nào đó không rõ rệt. Tuy nhiên không hiểu sao tôi lại cảm thấy thích thú như được tham dự vào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm chi đó. Tôi tin rằng nhờ đã chuyển hóa và biết phát tâm nên tôi đã được các đấng thần linh lựa chọn với một sứ mạng quan trọng. Từ đó tôi bị ám ảnh bởi ý nghĩa sẽ hoàn tất sứ mạng giúp đỡ mọi người để họ có thể sống một cách chân thật cho đúng với ý nghĩa của cuộc sống.
Một hôm trong bữa cơm chiều, tôi thu hết can đảm ngỏ lời với cha mẹ:
- Xin cha mẹ cho phép con trở về Tokyo.
Cha tôi ngừng đũa đưa mắt nhìn tôi một hồi lâu như dò xét rồi lên tiếng:
- Mày trở lại Tokyo để làm gì?
- Con muốn tiếp tục việc học.
- Đi học ư? Nhưng học cái gì mới được chứ?
- Con không thể nói được.
Cha tôi nhìn tôi ngờ vực, dĩ nhiên tôi không thể nói cho cha tôi biết những ý nghĩ thầm kín của mình. May thay, mẹ tôi lên tiếng:
- Nó muốn về với chồng nó chứ còn gì nữa. Điều này cũng dễ hiểu thôi…
Cha tôi thở dài một tiếng não nuột rồi nói như than:
- Thôi thế cũng được nhưng tao…
Sợ cha tôi hiểu lầm, tôi vội vã cắt ngang:
- Không phải đâu… không phải vậy đâu, con chỉ muốn cha mẹ trông giùm hai đứa bé trong khi con đi Tokyo tíếp tục việc học mà thôi.
Cha tôi ngạc nhiên nhìn tôi một lúc rồi lắc đầu:
- Không được, mày hãy mang một đứa theo. Mẹ mày không thể trông hai đứa nhỏ một lúc được, hơn nữa đứa bé còn đang bú mẹ kia mà…
Tôi biết một khi đã quyết định, ít khi nào cha tôi đổi ý cho nên tôi thu hết can đảm xin thêm một ân huệ nữa:
- Nếu thế xin cha cho con hai trăm đồng làm vốn.
- Làm gì nhiều thế? Ba chục là đủ lắm rồi.
Hôm sau tôi lên đường trở lại Tokyo với đứa con gái nhỏ trên lưng và ba chục bạc trong túi. Mặc dù chỉ có ba chục nhưng vào lúc đó, nó có giá trị bằng cả ngàn bạc bây giờ vì vé xe lửa từ Hokkaido đi Tokyo chỉ mất có 5 đồng thôi. Tôi thuê một gác trọ ở ngoại ô thành phố và lập tức đi kiếm việc làm. Lúc đó tình hình kinh tế đang phát triển, các hãng xưởng mọc lên như nấm, nhân công đi làm rất nhiều nên tôi tìm ngay được việc bán cháo rong trước cửa các hãng xưởng. Đời sống vật chất tạm ổn định, tôi nghĩ ngay đến việc ghi tên đi học lại. Nhờ có học bạ tốt, tôi được nhận vào phân khoa triết ở Đại học Tokyo. Vì không thể gởi con cho ai nên mỗi sáng sau khi cho con bú, tôi đành để nó nằm trong nôi một mình rồi đi học. Khi trở về, đứa bé khát sữa đã khóc khô cả cổ, thân thể ướt sũng đồ phóng uế vì không có người thay tã lót. Tôi đau lòng lắm nhưng không biết phải làm sao hơn nên ngày nào cũng vừa ôm con vừa khóc: “ Thôi con hãy chịu đựng ít lâu để chờ mẹ học, sau này mẹ sẽ đền bù cho con”. Vì vừa đi làm vừa đi học nên sức khỏe của tôi sút giảm nhanh chóng, sữa của tôi cũng vì thế mà cạn dần nên đứa bé đã đói lại càng đói hơn, đêm nào nó cũng khóc rất lâu khiến tôi không sao ngủ được. Có lẽ thế nên khi vào lớp tôi cũng chẳng học được bao nhiêu mà thường hay ngủ gật trong giảng đường.
Tình trạng này kéo dài khoảng vài tháng thì gia đình bên chồng tôi biết được. Họ điều tra ra hoàn cảnh của tôi và kéo đến làm dữ. Cha tôi được bà chủ nhà trọ thông báo, vội vã đến Tokyo ngay. Hôm cha tôi đến thì gia đình bên chồng tôi cũng kéo đến gác trọ và một trận cãi vã kịch liệt đã xảy ra. Gia đình bên chồng tôi gồm có bà mẹ chồng, cô em chồng và chồng tôi trong khi bên tôi chỉ có cha tôi và bà chủ nhà trọ. Mẹ chồng tôi là một người to lớn đẫy đà, giọng nói oang oang như lệnh vỡ. Bà quen thói lấy thịt đè người nên chỉ sau vài câu quát tháo, bà đã hung hăng xông vào toan túm lấy tóc tôi hành hung. Cha tôi là người trầm tĩnh nhưng quyết liệt. Ông đứng chận ở giữa không để cho bà mẹ chồng tôi làm dữ và nhất định đòi đem việc này ra trước pháp luật. Ông lý luận rằng chính chồng tôi đã bỏ đi, không một lời từ biệt, không hề cấp dưỡng cho hai đứa con, do đó phần lỗi hoàn toàn ở hắn. Cuộc tranh luận kéo dài suốt buổi chiều hôm đó với đủ mọi lý luận nhưng rốt cuộc không ai chịu nhường ai. Sau cùng bà mẹ chống tôi đổi chiến thuật, bà ôm mặt khóc rưng rức rồi chỉ vào đứa bé:
- Này chị kia, chị có thương con chị không? Tại sao chị nỡ để cho nó đói khát, khổ sở như vậy?
Tôi nghẹn ngào không nói được lời nào. Cô em chồng thừa lúc tôi đang chùi mặt, xông đến giằng phắt đứa bé ra khỏi tay tôi trong khi bà mẹ chồng xỉa xói:
- Chị là cái giống gì vậy? Chị là người hay thú mà để cho con ruột của mình phải đói khát, bẩn thỉu như vậy?
Tôi kêu thất thanh:
- Con của tôi, tại sao mấy người cướp con của tôi…
Bà mẹ chồng xông ra chận lối để cô em chồng ôm đứa bé chạy ra đường:
- Này chị kia, tuy nó là con của chị nhưng nó là cháu của tôi. Chị không lo được cho nó thì để tôi lo cho cháu của tôi.
Cả gia đình kéo nhau ra cửa, tôi xông ra theo nhưng bị chồng tôi cản lại khiến tôi ngã lăn ra đất. Cha tôi đứng yên không phản ứng. Ông chờ gia đình bên chồng tôi kéo đi hết, rồi ôn tồn khuyên:
- Thôi đừng khóc nữa, thà để cho cha của nó lo cho nó còn hơn để nó phải khổ sở đói khát như vậy.
Bà chủ nhà trọ cũng đồng ý:
- Ông cụ nói thế mà đúng đấy. Cô không thể vừa trông con vừa đi học được đâu. Thôi thế cũng hay, từ nay cô tha hồ tự do, không phải lo lắng gì nữa. Nói thật, nhiều lúc tôi cũng xót thương hoàn cảnh của cô lắm, còn trẻ mà lại đèo bồng con nhỏ thì làm sao thoải mái cho được!
Tôi cảm thấy khó chịu trước lời khuyên của bà chủ nhà trọ nhưng nhìn khuôn mặt hiền lành chất phác đầy lo âu của cha tôi, tôi thấy ngực đau nhói. Tôi đã chẳng quyết tâm báo hiếu, làm cho cha tôi vui lòng hay sao? Từ trước đến nay tôi đã làm cho ông đau khổ nhiều rồi nên không muốn ông phải quá lo lắng về tôi thêm nữa. Tôi cắn răng, cương quyết:
- Cha đừng quá lo cho con nữa, con quyết sẽ cố gắng học hành để không phụ lòng cha mẹ. Cha cứ yên chí rồi mọi việc sẽ tốt đẹp.
Hôm sau cha tôi trở về Hokkaido sau khi đã dặn bà chủ nhà trọ trông nom săn sóc cho tôi. Tuy nhiên khi cha tôi đi rồi thì tôi không còn thiết tha một thứ gì nữa, chỉ nằm trên giường khóc lóc vật vã. Cho đến lúc đó tôi mới biết mình đã thương yêu đứa con như thế nào. Đứa bé mà tôi vẫn nghĩ là một gánh nặng thật ra chính là động năng thúc đẩy tôi tranh đấu để vượt qua mọi khó khăn. Chính vì nó mà tôi quyết tâm vừa đi làm vừa đi học để vươn lên, nay không có nó, tôi mất hết mọi sinh lực và lý do để sống. Nhiều hôm tôi thấy mình lang thang ngoài phố như người mất hồn, quanh quẩn từ con đường này sang đại lộ khác và rồi cuối cùng dừng chân trước căn nhà của gia đình chồng tôi ở khu Kanda. Tôi đứng rất lâu trước cửa nhà, lấm lét như một tên trộm, và sợ hãi bỏ chạy mỗi khi có người trong nhà đi ra nhưng hình như gia đình chồng tôi đã dọn đi nơi khác vì không bao giờ tôi gặp một khuôn mặt quen thuộc nào ở đó cả. Trong suốt mấy tháng liền tôi sống trong sự đau khổ và tuyệt vọng cùng cực, mỗi khi nghe tiếng trẻ con khóc là tôi lại giật mình nghĩ tới đứa con đang thèm sữa mẹ. Tình trạng tinh thần tôi sa sút thảm hại, càng ngày tôi càng như muốn rút vào thế giới riêng của mình, một thế giới mơ hồ với những ảo ảnh kỳ lạ.
Một ngày mùa đông tuyết phủ trắng xóa. Tôi nằm trên giường cố dỗ giấc, đầu óc chập chờn trôi vào một thế giới lạ lùng đầy hoa thơm cỏ lạ mà tôi chưa từng thấy. Tôi đang hoang mang thì bỗng có tiếng kêu lớn “Matsumo, hãy cẩn thận!” Tôi giật mình nhìn lên trần nhà và thấy hình như có một lưỡi kiếm sắc đang treo lơ lửng, mũi nhọn của thanh kiếm chĩa xuống nhằm ngay cổ họng tôi. Tôi kêu lên: “Đúng rồi, người ta muốn giết tôi đây mà!” Không hiểu sao tôi nghĩ rằng bà chủ nhà trọ đã toa rập với gia đình bên chồng để giết tôi. Tôi lẩm bẩm: “Ta không thể ở đây được nữa, tuy chúng mày muốn giết ta nhưng đâu phải dễ, vì ta đã có các thần linh phù hộ cho ta rồi!” Tôi khoác vội lên mình chiếc áo choàng mỏng rồi mở cửa sổ leo ra ngoài. Căn gác của tôi ở tầng trên, sát với những mái nhà kế cận nên chỉ một thoáng sau tôi đã đứng trên mái nhà. Tôi nhủ thầm: “Ta phải thoát ra khỏi nơi đây, càng xa càng tốt”. Không hiểu sao tôi có thể di chuyển từ mái nhà này sang mái nhà khác một cách dễ dàng, toàn thân tôi lướt đi một cách nhẹ nhõm. Đôi chân trần của tôi dẫm trên tuyết lạnh mà không hề hấn gì cho đến khi tôi thấy mình đứng trước một hồ nước lớn. Tôi thấy hình như có một người đang trầm mình dưới nước thì phải, tôi nghĩ đến thi sĩ Fujimura Misao (1886 – 1903), người đã gieo mình xuống thác Kegon sau khi để lại một bài thơ bất hủ với những câu như “Ôi đời sống, ta thật không thể hiểu mi nổi”. Tôi gọi lớn: “Misao, có phải thi sĩ Misao đó không?” Người đó không trả lời mà cứ lờ mở khi ẩn khi hiện dưới nước. Như có một hấp lực gì lôi cuốn, tôi vội lao mình xuống đó. Hình như có tiếng kêu thất thanh ở đâu đó vọng lên nhưng tôi không còn biết gì nữa, trước mặt tôi chỉ có nước và đó là thứ tôi cần. Tôi vừa bước chân xuống nước thì hình như có ai đó xông đến nắm chặt lấy áo tôi, tôi vùng vẫy khiến chiếc áo choàng tuột ra, bên trong tôi chỉ mặc đồ lót nhưng tôi không còn biết gì nữa mà vẫn tiếp tục xông tới hồ nước. Có tiếng nhiều người kêu gào rồi một người mặc y phục cảnh sát xông ra ôm chặt lấy tôi. Tôi vừa gào thét vừa vùng vẫy nhưng hắn đã nhanh tay thoi cho tôi một cái khiến tôi ngã lăn ra.
Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm trong một dưỡng trí viện. Người ta để tôi trong một căn phòng riêng có những chấn song sắt như để nhốt một con thú, hàng ngày có y sĩ đến khám nghiệm nhưng tôi không thèm nói chuyện với họ. Nếu có thì tôi cũng chẳng biết mình nói gì nữa vì tâm trạng tôi lúc đó thật hoang mang, mơ hồ. Tôi tin rằng mình đã bị bắt do những kẻ hung dữ đồng lõa với gia đình nhà chồng tôi. Tất cả mọi người, từ y sĩ đến nhân viên bệnh viện, đều là những kẻ ác độc và tôi đã chỉ tay vào họ, nguyền rủa: “Chúng mày là những kẻ độc ác, sẽ bị trời tru đất diệt, ta là người được các đấng thần linh phù hộ, ta có nhiệm vụ cứu khổn phò nguy, giúp đỡ kẻ hiền lành lương thiện, chúng mày không làm gì được ta đâu!” Có khi tôi thách thức họ: “Có giỏi giết ta đi, chúng bay không thể giết ta được đâu! Ta đã được các đấng thần linh che chở, ta sẽ không bao giờ chết cả!” Suốt thời gian đó tôi sống trong một thế giới với những hình ảnh lạ lùng, có khi tôi thấy lửa cháy rực trời, tôi đoán chắc các đấng thần linh đang trừng trị những kẻ ác độc trong bệnh viên và tôi la lớn: “Thấy chưa, lửa cháy kìa! Lửa cháy để đốt sạch những tên ác độc như bọn bay! Xin cảm tạ các đấng thần linh. Xin đội ơn các ngài, con nguyện tuân theo ý muốn của các ngài…” Mỗi khi nhân viên đưa thức ăn vào phòng cho tôi thì tôi tru lên: “Thuốc độc! Bọn bây toan giết ta bằng thuốc độc hay sao? Ta không bao giờ thèm đụng tới những thứ đó đâu!”
Sau một thời gian la hét giận dữ, cơn điên loạn lui dần và tôi bước vào trạng thái chỉ ngồi yên không nói năng gì nữa. Người ta chuyển tôi vào một căn phòng với những người điên như tôi. Đó là một nhóm phụ nữ tuổi tác khác nhau, kẻ già người trẻ nhưng ai nấy đều ngồi riêng một góc, không ai nói với ai, đắm mình trong thế giới riêng của họ. Thỉnh thoảng có người cười ha hả rồi khóc tấm tức, có người lâu lâu lại tru lên một hồi như những con thú. Lúc đầu tôi tin rằng những người này đều là những kẻ lương thiện đã bị hãm hại như tôi nhưng dần dần tỉnh táo hơn, tôi thấy những hành động như thế quả hết sức lạ lùng. Tôi hỏi tuổi một bà lão trạc sáu mươi nhưng bà cười the thé và nói rằng bà chưa đầy mười sáu tuổi. Một người khác xưng mình là “Tề Thiên Đại Thánh” và thường gây hấn với một người khác xưng là “Nam Hải Quán Âm”. Theo thời gian, tôi ý thức rằng những người này quả là không bình thường chút nào và tìm cách tránh né họ. Tôi rút vào một góc phòng và cố gắng ôn lại mọi sự nhưng không sao nhớ được một điều gì rõ rệt, ngoài những mảnh vụn rời rạc. Vài tháng sau, nhờ hạnh kiểm tốt, tôi được đưa qua một khu khác với những người tương đối bình thường hơn. Chúng tôi được giao phó công việc khâu những bao tải đựng đồ và được trả công bằng một số tiền nhỏ, nhờ đó tôi có thể mua thêm một ít quần áo, thức ăn và tôi bắt đầu cảm thấy thoải mái với đời sống trong dưỡng trí viện này. Hàng ngày ngoài công việc thường nhật, tôi còn tham dự vào ban văn nghệ của viện để tập diễn kịch. Chúng tôi được hướng dẫn để trình diễn các vở kịch phổ thông cho mọi người trong dưỡng trí viện. Một người bảo:” Trước sau gì bạn cũng được xuất viện vì hầu như ai gia nhập ban kịch cũng đều được xuất viện sớm”. Tuy nhiên tôi không muốn xuất viện, vì hơn lúc nào hết tôi cảm thấy thoải mái, không phải lo lắng hay phiền muộn gì trong thế giới của những người bị bệnh tâm thần này.
Đúng vào lúc tôi cảm thấy thoải mái nhất thì một hôm người ta gọi tôi lên văn phòng bác sĩ trưởng. Cha tôi đã đứng đó tự lúc nào. Nhìn khuôn mặt chất phác hiền lành của cha tôi mà tôi vô cùng xúc động. Quả thật tôi là một đứa con bất hiếu, càng tự nhủ phải làm vui lòng cha mẹ bao nhiêu, tôi càng làm cho cha mẹ tôi khổ sở bấy nhiêu. Không hiểu sao càng muốn làm việc tốt, tôi lại càng lún sâu vào hố thẳm của những việc bất như ý. Phải chăng tôi đã sai lầm khi quyết định sẽ thay đổi tâm tính? Tại sao tôi lại hành động như thế? Lời hứa với cha tôi khi xưa bỗng văng vẳng bên tai, tôi nghẹn ngào khi thấy cha tôi van xin bác sĩ viện trưởng cho phép tôi xuất viện. Ông kể rõ lý do đã đưa tôi đến điên loạn. Bác sĩ gật đầu tỏ vẻ thông cảm, ông xem xét hồ sơ của tôi cẩn thận và sau cùng chấp thuận cho tôi được phép xuất viện. Mặc dù không muốn rời môi trường thoải mái này nhưng tôi cũng riu ríu theo cha tôi về nhà trọ. Dọc đường cha tôi hỏi:
- Mày muốn làm gì bây giờ?
Hiển nhiên tôi không còn tha thiết với việc học nữa, đầu óc tôi trở nên mơ hồ, tôi không biết mình muốn gì hay phải làm gì. Dĩ nhiên tôi không muốn trở về Hokkaido vì biết mẹ tôi sẽ không chịu nổi khi nhìn thấy tôi trong tình trạng thân tàn ma dại này. Tự nhiên tôi buột miệng:
- Con không muốn về Hokkaido, xin cha cho phép con đến ở với cậu Tetsumei.
Tetsumei là em ruột mẹ tôi, đã xuất gia từ nhỏ, hiện đang trụ trì một ngôi chủa ở ngoại ô thành phố Tokyo. Cha tôi gạt đi:
- Không được, mày không thể làm rộn việc thanh tu của Tetsumei được. Tuy nhiên mày cũng không nên trở về Hokkaido, có lẽ tao phải nhờ bà chủ nhà trọ trông nom cho mày ít lâu nữa.
Bà chủ trọ sau một lúc suy nghĩ đã quyết định đưa tôi đến gặp một thầy tướng để xem vận mạng tương lai của tôi ra sao. Ông thầy sau khi quan sát khí sắc đầy u sầu, ủ dột của tôi, tuyên bố:
- Cô là người rất nhạy cảm, có thể đảm nhận nhiều vai trò khác nhau. Theo ý tôi thì nếu cô trở thành một diễn viên sân khấu, thủ các vai đào thương thì chắc chắn sẽ thành công lớn.
Bà chủ trọ đồng ý ngay:
- Nếu không đi học thì cô phải kiếm một nghề nghiệp gì đó để sinh nhai. Thầy tướng nói cô thích hợp với nghiệp sân khấu thì còn đợi gì nữa mà không theo đuổi con đường này.
Cha tôi cũng đồng ý với bà chủ trợ vì theo ông, tôi cần phải làm một thứ gì khác hơn là nằm nhà khóc lóc vật vã. Ông sợ tôi nổi cơn điên trở lại và sẽ bị giam vĩnh viễn trong dưỡng trí viện. Tôi cảm động trước tình thương của ông nên tuy không thích lời đề nghị của bà chủ trọ nhưng tôi cũng chấp nhận việc trở nên một diễn viên của đoàn hát Kageki.
Kageki là những đoàn hát rong chuyên diễn những vở kịch dựa theo các điển tích phổ thông. Điểm đặc biệt của các đoàn hát này là tất cả diễn viên đều thuộc phái nữ. Họ thủ đủ mọi vai, cả nam lẫn nữ. Việc diễn xuất chỉ chú trọng đến các động tác, cử chỉ giới hạn mà người ta có thể được chỉ dạy nhanh chóng. Bà chủ nhà trọ đưa tôi đến gặp bà bầu gánh hát Kageki trong vùng. Điều kiện thâu nhận cũng dễ dàng, vì là một diễn viên tập sự, tôi chỉ được ăn ngày hai bữa cơm chứ không thể đòi lương bổng hay điều kiện gì khác.
Để khuyến khích, bà chủ nhà trọ mua cho tôi một chiếc áo kimono thật lộng lẫy và yêu cầu những diễn viên trong gánh hát giúp tôi trang điểm. Cha tôi sung sướng nhìn tôi súng sính trong bộ kimono mới tinh và được những nhân viên trong đoàn thoa son dồi phấn cho. Bà chủ nhà trọ cười thích thú:
- Thấy chưa! Có lẽ cả đời chưa bao giờ cô được mặc một bộ áo đẹp như vậy. Rồi sẽ có bao nhiêu người say mê cô cho mà xem.
Nghe bà chủ nhà trọ nói, tôi lợm giọng muốn nôn nhưng nhìn nét mặt rạng rỡ đầy hy vọng của cha tôi, tôi cố gắng giữ bình tĩnh để ông vui lòng:
- Xin cha hãy trở về, đừng quá lo cho con, rồi mọi việc sẽ tốt đẹp.
Tôi mong cha tôi giữ mãi hình ảnh thật đẹp ngày hôm đó vì chỉ hôm sau khi đoàn hát khởi sự, tôi trở nên một nhân viên quét dọn sân khấu và nấu ăn cho đoàn hát. Người ta chỉ dạy tôi một vài động tác diễn xuất mỗi khi cần có một vai phụ nào đó thôi. Sự thật thì đoàn hát nào cũng có cả chục diễn viên phụ chờ đợi được thủ vai chính, và những cô đào chính thì không bao giờ muốn ai thay thế mình cả. Cơ hội trở nên một diễn viên nổi tiếng rất khó khăn, chỉ trừ khi diễn viên chính bỏ gánh hát ra đi hoặc già yếu, bệnh hoạn thì người ta mới cần người thay thế. Tôi sống với gánh hát được hơn hai năm và từ từ leo lên hàng diễn viên phụ, sau khi đã có những “lính mới tò te” xung phong nhận lãnh nhiệm vụ quét dọn và nấu ăn thay cho tôi. Tuy nhiên, việc diễn xuất không mang lại cho tôi một hứng thú gì, cuộc sống trôi qua một cách vô cùng tẻ nhạt. Một hôm tôi đem điều này nói với bà bầu gánh hát:
- Chúng ta khổ công tập luyện để trình diễn nhưng có ai thèm để ý đến chúng ta đâu? Đa số khán giả chỉ vào xem để mua vui chốc lát, có lợi ích gì cho cuộc đời đâu?
- Sao mày ngu quá vậy? Đời sống sân khấu chỉ phản ánh xã hội mà thôi, xã hội ra sao thì sân khấu như vậy. Mày lộn xộn quá!
Tuy nhiên nhà soạn kịch, ông chồng của bà bầu, hiểu được thắc mắc của tôi nên đã khuyên:
- Mỗi vở kịch đều có ý nghĩa riêng của nó. Nội dung vở kịch có thể mang lại cho người xem một vài thích thú hay giúp họ có cơ hội nhìn lại chính mình qua các vai trò trên sân khấu. Một vở kịch phải có hậu, nghĩa là đề cao các giá trị căn bản của đời sống, trung thắng nịnh, kẻ hiền lương luôn luôn được che chở, và kẻ gian ác phải gặt hái những hậu quả xấu xa. Tóm lại, kịch nghệ chính là một cách cải tạo xã hội, giúp cho người xem có cơ hội nhận định các giá trị của đời sống. Nếu chúng ta, những diễn viên, có một lý tưởng thanh cao thì việc hành nghề chính là một cơ hội để khán giả cảm nhận được những điều ta muốn trình bày.
- Nhưng với những người không đi xem kịch thì sao? Làm sao ta có thể cảm hóa được họ?
Nhà soạn kịch nổi giận:
- Thì mặc kệ họ, chúng ta đâu có thể cứu vớt tất cả được!
- Nhưng tôi muốn giúp đỡ tất cả mọi người…
- Sao mày ngu quá, lo lấy thân còn chưa xong mà cứ đòi làm những việc lớn! Hãy lo trau dồi khả năng diễn xuất cho thật hay, theo thời gian mày sẽ nổi tiếng, có tiền bạc và danh vọng rồi thì muốn gì chẳng được.
- Nhưng đó là ích kỷ cá nhân.
Bà bầu bĩu môi xen vào:
- Khi nào có danh vọng và tiến bạc rồi mày sẽ thấy, lúc đó phỏng xem mày có còn đòi cải tạo xã hội hay giúp đỡ cho ai nữa không!
Tôi im lặng không trả lời. Bà bầu tiếp tục:
- Đứa nào chẳng thế! Khi chưa nổi tiếng, chưa được khán giả vỗ tay khen ngợi thì toàn đòi những chuyện vá biển lấp trời, nhưng khi đã có danh vọng rồi thì ý nghĩ duy nhất là làm sao giữ vững được cái danh vọng đó, làm sao để hàng đêm vẫn được khán giả tiếp tục vỗ tay khen ngợi, làm sao để nhan sắc không phai tàn, làm sao để giọng hát vẫn quyến rũ… Rồi mày sẽ bắt đầu sợ, bắt đầu lo…
Tôi im lặng, nước mắt ràn rụa. Cho đến lúc đó tôi mới ý thức rõ rệt về cái nghiệp dĩ mà những người thuộc giới diễn viên, tài tử phải gánh chịu. Tôi cố nuốt nước mắt xuống mà không xong, cuối cùng tôi lắp bắp:
- Nếu vậy thì đây không phải là con đường của tôi. Tôi thà cứu một người chết đuối còn hơn là kéo dài cuộc sống đầy lo âu, phiền muộn như vậy.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]