Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 9. Phép Phật nhiệm mầu

21/06/201317:53(Xem: 8401)
Chương 9. Phép Phật nhiệm mầu

Hòa Thượng và giai nhân

Chương 9. Phép Phật nhiệm mầu

Hòa Thượng Thích Như Điển

Nguồn: Hòa Thượng Thích Như Điển

Sau khi lạy Hồng Danh tám mươi chín vị Phật xong Ngọc Minh và Vạn Tâm tiếp đọc:
“Các Đức Phật, thường trụ trong đời, nên thương xót chúng con. Hoặc đời nầy của con, con tử vô thì, sống chết đến nay, gây nhiều tội lỗi, hoặc tự con làm, hoặc bảo người làm, hoặc thấy người làm, con vui mừng theo. Đồ vật của chùa, đồ vật của Thầy hay của các Thầy, hoặc tự con lấy, hoặc bảo người lấy, hoặc thấy người lấy, con vui mừng theo. Năm tội vô gián, hoặc tự con làm, hoặc bảo người làm , hoặc thấy người làm, con vui mừng theo. Mười điều bất thiện, hoặc tự con phạm, hoặc bảo người phạm, hoặc thấy người phạm, con vui mừng theo. Bao nhiêu tội chướng của con gây ra, hoặc có che giấu, hoặc không che giấu, đáng đọa địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh cùng các ác thú, chốn biên địa, hạng hạ tiện, kẻ khốn cùng. Những tội chướng đáng đọa vào các nơi khổ báo như thế, nay con đều sám hối.
Nay chư Phật nên chứng biết cho con. Con lại đối trước chư Phật tác bạch rằng: „Hoặc đời nầy của con, hoặc đời khác của con đã từng bố thí, hoặc giữ giới trong sạch, nhẫn đến thí cho chim muông một vắt cơm, hoặc đã tu hạnh thanh tịnh có bao nhiêu căn lành, thành tựu chúng sanh, có bao nhiêu căn lành, tu hạnh Bồ Đề, có bao nhiêu căn lành, cho đến đã từng phát tâm vô thượng Phật trí, có bao nhiêu căn lành, tất cả căn lành đó, con đều hồi hướng về Đạo vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.“
Bao tội đều sám hối, các phước trọn vui theo và công đức thỉnh Phật, cầu nên trí vô thượng. Khứ lai, hiện tại Phật, hơn tất cả chúng sanh, công đức không thể lường, con nay xin đảnh lễ:
Trong bao nhiêu mười phương cõi nước,
Cả ba đời các Đức Như Lai,
Ba Nghiệp thanh tịnh hôm nay,
Chúng con đảnh lễ, xin Ngài chứng minh,
Sức oai thần Phổ Hiền hạnh nguyện,
Trước Như Lai khắp hiện tự thân
Mỗi thân lại hiện trần thân
Thân thân lễ khắp sát trần Thế Tôn
Trong một trần có trần số Phật
Đều thật là các bậc Thượng Nhơn
Khắp cùng pháp giới xa gần
Kính tin chư Phật, muôn phần vinh hoa
Biển âm thanh điều hòa trọn vận
Diệu ngôn từ vô tận khắp vang
Vị lai muôn kiếp trăm ngàn
Ngợi khen Phật Đức, phước càng thâm sâu
Tràng hoa đẹp rất xinh thơm ngát
Cùng hương xoa, kỹ nhạc lọng tàn
Bao nhiêu đồ tốt trang hoàng
Cúng dường chư Phật, con toàn kính dâng
Y tối thắng cùng hương tối thắng
Với đuốc đèn, hương phấn, hương xông
Đều nhiều như Diệu cao phong
Cúng dường chư Phật, con đồng dâng lên
Tâm thắng giải mênh mông con dụng
Phật ba đời thảy cũng tin kiên
Con nương hạnh nguyện Phổ Hiền
Cúng dường chư Phật khắp miền Lạc Bang
Các tội ác xưa con lầm lỡ
Do tham sân muôn thuở gây nên
Từ thân miệng ý phát lên
Nay con sám hối báo đền lỗi xưa
Chúng sanh khắp mười phương các cõi
Hàng Nhị Thừa „có học cùng không“
Như Lai Bồ Tát rất đông
Có bao công đức con đồng vui theo
Trong mười phương có người chứng quả
Quả ban đầu là quả Bồ Đề
Con xin cung kính hướng về
Xiễn dương Chánh pháp Bồ Đề cao siêu
Các đức Phật muốn toan nhập diệt
Con chí thành mãi miết ân cần
Cúi xin ở mãi kiếp trần
Để cho lợi lạc khắp quần sanh linh.
Bao nhiêu phước cúng dường bái lạy
Thỉnh Phật cùng ở tại thế gian
Vui mừng sám hối được an
Con cầu Phật Đạo huy hoàng nơi nơi
Nguyện đem công đức có từ lâu
Pháp giới vô biên, con nguyện cầu
Tánh, tướng Tam Bảo nhiệm mầu
Hải Ấn Tam Muội dung vào Tục, Chơn
Biển công đức không sao kể xiết
Nay con nguyền tha thiết cầu cho
Chúng sanh nghiệp chướng quá to
Thảy đều dứt sạch buồn lo miên trường
Trí tuệ khắp sáng soi muôn cõi
Độ chúng sanh chẳng nệ mỏi mòn
Dù cho thế giới không còn
Nguyện con vẫn giữ sắt son đời đời.
Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát.“
Bài Kinh sám hối hôm nay như vang vọng vào tận đáy sâu tâm thức của hai chú Chánh Trí và Chánh Niệm. Đó là pháp danh mới Thầy Ngộ Đạo đã đặt cho hai chú sau lễ xuất gia tuần trước.
Chánh Trí chính là Ngọc Minh và Chánh Niệm chính là Vạn Tâm. Với hai cái pháp danh nầy chú nào cũng phải lo sách tấn tu học, phát tâm Bồ Đề và hành Bồ Tát Đạo mới kịp chuyến thuyền Lục Độ sẽ đưa người qua khỏi bể khổ trầm luân trong kiếp nhân sinh nầy. Hai chú bây giờ phát tâm như thế nầy:
„Con nay phát tâm chẳng vì tự cầu phước báu nơi chốn Nhơn Thiên hay quả Thanh Văn, Duyên Giác, nhẫn đến các quả vị Bồ Đề tối cao, mà con chỉ phát tâm Bồ Đề rộng lớn nguyện cho chúng sanh trong pháp giới, cùng một lúc, đồng chứng nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.“
Sau khi sám hối và phát tâm Bồ Đề như thế cả hai chú Chánh Trí và Chánh Niệm càng dũng mãnh hơn để đi vào con đường Bồ Tát. Con đường nầy vốn chư Phật đã đi và các vị Bồ Tát đã, đang thực hiện. Có phát nguyện rộng lớn như thế, lời nguyện mới vô cùng và khiến cho chúng ta không được phép dừng nghỉ và cầu nguyện cho tất cả mọi loài và mọi người đều chứng thành Phật trí ta mới thành Phật quả chung với họ. Đó là một đại hạnh mà hai người đã phát nguyện hôm nay.
Chùa Sắc Tứ Hưng Phước bây giờ không chỉ có vẻ đẹp sang trọng bề ngoài như mọi khi, mà bên trong bây giờ đã có những chất liệu bằng Kim Cương và thất bảo trang trí. Đó là niềm tin của hai chú mới vừa được xuất gia, cũng như kết quả của những buổi giảng Kinh của Thầy Ngộ Đạo trong suốt thời gian qua kể từ khi Sư Cụ Từ Tâm viên tịch. Nhất là khi có sự hiện diện của Tịnh Hạnh Nhơn Thanh Tịnh. Riêng Thầy Ngộ Đạo cũng muốn tìm lai lịch của bà; nhưng mỗi khi đề cập đến, hình như bà không muốn nhắc đến và trông nét mặt bà ta có vẻ buồn. Thấy thế Thầy Ngộ Đạo cũng không muốn tìm hiểu thêm. Mấy hôm nay chỉ còn thấy Tịnh Hạnh Nhơn Tâm Thức lo cơm nước cho chư Tăng. Còn bà Thanh Tịnh thì không thấy; Thầy Ngộ Đạo mới hỏi bà Tâm Thức rằng:
- Bà Thanh Tịnh đâu rồi mà mấy hôm nay chẳng thấy gì cả vậy?
- Mô Phật, bạch Thầy Dì ấy ốm nặng lắm. Có lẽ Thầy nên gọi lương y để xem mạch cho bà ta.
Sau khi nghe xong Thầy Ngộ Đạo bước vội vào nhà trù, phía sau đó có căn phòng của bà Tịnh Hạnh Nhơn Thanh Tịnh, thấy bà vẫn nằm im thiêm thiếp và như có ý đợi chờ một điều gì đó. Nhưng khi thấy Thầy Ngộ Đạo vào, bà bổng òa lên khóc nức nở và không cất lên được một tiếng nào; nhưng bà còn lấy tay làm dấu ra hiệu cho Thầy Ngộ Đạo rằng trong hộc tủ kia có một lá thơ, Thầy đọc xong Thầy sẽ hiểu rõ ngọn ngành.
Sau khi lấy lá thơ xong, Thầy Ngộ Đạo mang về lại phòng của mình và thong thả bóc thư ra để đọc. Nội dung như thế nầy:
Lời trăn trối
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát.
Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tam Thập Bát Thế Húy thượng Từ hạ Tâm hiệu Hưng Quốc Quốc Sư Đại Lão Hòa Thượng chứng giám.
Thưa Thầy Trụ Trì
Thật là một niềm vui to lớn cho già nầy đã gần gũi và săn sóc lo lắng cho Thầy từ lúc Sư Cụ viên tịch đến nay. Như thế già nầy cũng mãn nguyện lắm rồi. Vì lẽ lúc Thầy còn nằm trong nôi già nầy muốn chăm sóc lo lắng lắm; nhưng miệng đời độc ác và nhơn tâm thế đạo không cho phép; nên già nầy đã nhờ Sư Cụ Từ Tâm và các Tịnh Hạnh Nhơn ở chùa nầy chăm sóc dùm cho „người mẹ đau khổ“ của thuở nào. Từ ấy đến nay cũng đã gần sáu mươi năm rồi còn gì nữa. Trong sáu mươi năm ấy lúc nào già nầy cũng ở bên cạnh Thầy nhưng Thầy đâu có biết, dầu dưới hình thức nào đó, già nầy cũng muốn làm tròn bổn phận của mình đối với con trẻ; nhưng lễ nghi, phong tục của ta quá khắc khe, cho nên già nầy đã lỗi đạo làm mẹ của mình. Mong Thầy hoan hỷ cho.
Những khi Thầy hỏi Sư Cụ về tông tích của Mẹ Cha Thầy, già nầy muốn hiện ra để nhìn nhận; nhưng chẳng ai tin mình. Nếu có nói gì lúc ấy thì người đời sẽ bảo: Thấy sang bắt quàng làm họ, thì già nầy cũng khổ lụy vào thân. Nếu nói bằng chứng để biết Thầy là con ruột của già nầy thì nơi ngực của Thầy có một đóa sen đỏ hiện rõ trên ấy. Đóa sen ấy chính là dấu hiệu để báo cho già nầy biết Thầy không phải là một con người bình thường mà là con của Đạo. Do vậy già nầy mới đem Thầy gởi nơi cửa chùa cho Sư Cụ lo lắng dùm và biết đâu ngày sau Đạo sẽ nhờ được nơi Thầy.
Còn Cha Thầy là ai thì ngay cả già nầy cũng không biết. Nguyên là một đêm nằm mơ thấy một vị Tiên tu trên núi đã lâu năm về báo mộng cho già biết rằng còn chín tháng nữa già sẽ nở nhụy khai hoa và vị Tiên ấy có nói rằng: Vì bao nhiêu kiếp phải hóa sanh và kiếp nầy xin đầu thai vào nơi ta là kiếp chót. Do vậy Thầy là hóa kiếp của chư Tiên và hướng vào Phật đạo để tu hành. Việc nầy thực sự ra Sư Cụ Từ Tâm là bậc có đạo nhãn đã rõ biết hết; nhưng Ngài không nói đó thôi. Giờ đây chắc Ngài cũng đã mãn nguyện là già nầy đã cận kề Thầy để lo cho Thầy trong từng cử chỉ một khi đau ốm cũng như lúc bình thường. Những lúc mà Tiểu Thư Mỹ Lệ quyến rũ Thầy, thật tâm mà nói già nầy ruột héo gan bầm và vì thế mà có những cử chỉ hơi sổ sàng, can thiệp trực tiếp với Thầy. Chắc lúc ấy Thầy cũng có để ý; nhưng rồi mọi việc cũng đã qua đi, già nầy rất mừng.
Chữ Thanh Tịnh là pháp danh do một Sư Cụ chùa khác đặt cho già nầy. Vì Sư Cụ đó đã rõ đầu đuôi câu chuyện. Chứ Thanh Tịnh gì mà không chồng vẫn chữa. Vả lại ông ngoại bà ngoại của Thầy là những danh gia vọng tộc của triều đình. Các vị nầy đâu có muốn thấy con gái mình hư đốn như vậy, khi không được phép của mẹ cha, không có sự cưới hỏi mà bụng mỗi ngày mỗi lớn thì quả là điều đáng dị nghị thuở đương thời. Do vậy mà già nầy đã tạm lánh xa gia đình, lo sinh Thầy xong là về ở vậy chứ không chịu lập gia đình gì cả. Mặc dầu hai ông bà ngoại của Thầy cứ ép uổng duyên cho con gái của mình. Đó là câu chuyện của chú Tiểu Ngộ Đạo lúc mới ba tuổi đã hỏi Sư Ông Từ Tâm và muốn tìm cho ra tông tích. Thì đây là vài hàng già nầy viết lời trăn trối để gởi lại Thầy và mong Thầy tiến xa trên con đường Phật đạo.
Gần tám mươi năm ở đời, gần sáu mươi năm sinh con, mà không nhìn mặt con mình để được gọi là con, thì đúng là một người mẹ quá xấu số và đau khổ. Tuy nhiên phép Phật nhiệm mầu nên Thầy đã được dưỡng nuôi trong tình thương vô bờ của Sư Cụ nên Thầy mới có được ngày hôm nay. Già nầy biết rằng, người đi xuất gia là phải cắt ái từ thân; nhưng đây là kiếp chót để mẹ con ta hiện hữu trên cõi đời nầy và một mai nếu có gặp lại cũng sẽ là nơi giải thoát ở cõi Tây Phương Cực Lạc Quốc và bây giờ mẹ thèm gọi hai tiếng „con ơi“ để mẹ sẽ vĩnh viễn đi vào cõi vô sanh ấy thì mẹ rất an lòng.
Người mẹ đau khổ năm nào – là mẹ của con.“
Thầy Ngộ Đạo đọc đến mỗi dòng mỗi đoạn trong thư là như nỗi da gà lên trên toàn thân thể. Mắt Thầy mờ lệ, tay Thầy run lên, miệng Thầy há hốc. Thầy như muốn chạy lại bên mẹ mình và thốt lên hai tiếng “mẹ ơi“ như ước muốn của tuổi thơ; nhưng Thầy rán đọc cho hết bức thư và Thầy chạy ngay vào phòng của bà Thanh Tịnh, mắt bà vẫn còn mở và Thầy đã quỳ xuống bên giường mẹ để khóc lớn lên cho nguôi ngoai bao nhiêu nổi khắc khoải chờ trông và sau khi Thầy gọi hai tiếng „mẹ ơi“thì bà cũng đã từ từ nhắm mắt lại và trút hơi thở cuối cùng. Thế là tiếng niệm Phật vang dội khắp đó đây: Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật. Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật. Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật. Thầy ngồi bên giường mẹ thật lâu để niệm Phật cho mẹ và mọi người có mặt trong chùa lúc đó cũng đã đến hộ niệm cùng Thầy.
Sau đó Thầy về lại liêu phòng của mình để chuẩn bị sắp đặt mọi việc tang lễ. Trong khi đó hai chú Chánh Trí và Chánh Niệm vẫn luân phiên tụng niệm hết Di Đà đến Địa Tạng rồi Lương Hoàng Sám v.v... Ngày xưa quý chú tụng, ít để ý đến lời Kinh; nhưng bây giờ họ đã và đang thấm sâu vào trong từng làn da thớ thịt, ví dụ như bài Kinh Bát Nhã họ vẫn tụng hằng ngày; nhưng sao nó không sâu sắc như hôm nay, không linh cảm như hôm nay. Có lẽ đây là nhờ tha lực của chư vị Bồ Tát, chư Phật chăng. Họ tụng lần thứ hai rồi lần thứ ba.
Kinh Bát Nhã Ba La Mật
“Khi Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát thực hành sâu xa pháp Bát Nhã Bà La Mật Đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không, qua hết thảy khổ ách.
Nầy ông Xá Lợi Phất, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như thế.
Này ông Xá Lợi Phất, tướng không của mọi pháp, không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt, nên trong „chân không“, không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức. Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không có nhãn giới, cho đến không có ý thức giới. Không có vô minh, cho đến không có già chết. Cũng không có cái hết già chết. Không có khổ, tập, diệt, đạo. Không có trí tuệ, cũng không có chứng đắc. Vì không có chỗ chứng đắc nên Bồ Tát y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại, nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo, mộng tưởng, đạt tới cứu cánh Niết Bàn. Chư Phật trong ba đời cũng y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, được đạo quả vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nên biết Bát Nhã Ba La Mật Đa là Đại Thần Chú, là Đại Minh Chú, là Vô Thượng Chú, là Vô Đẳng Đẳng Chú, trừ được hết thảy khổ, chân thật không hư.
Vì vậy liền nói chú Bát Nhã Ba La Mật Đa: Yết Đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.“
Bồ Tát thấy cái gì cũng không và đã hiểu được cái chơn không đó; nên không bị vướng mắc vào sự đối đãi. Còn chúng sanh thấy cái gì cũng có; nhưng rốt cuộc là không. Vì năm uẩn như sắc, thọ, tưởng, hành, thức là những vọng tưởng của cuộc đời và của thế gian nhưng chúng ta mãi cho đó là có thực; nên ta mới lụy phiền đến nó.
Tướng không của mọi pháp rõ ràng là không có sanh không có diệt, không có dơ không có sạch. Nhưng vì tâm ta là tâm chúng sanh cho nên ta thấy có đến có đi có còn có mất, có xấu có tốt. Chứ thực sự ra những sự giả hợp và chấp tướng ấy không có thật tướng. Nếu ai lìa được sự chấp có và chấp không, kẻ ấy là kẻ hiểu đạo. Ngày xưa Ngộ Tánh tức Chánh Trí bây giờ, khi thấy bông hoa đẹp, mùi vị ngon, sắc nhiễm, ái tình đều đắm say nơi ảo mộng ấy; nhưng bây giờ Chánh Trí đã thâm nhập được Phật tâm rất nhiều. Bây giờ mỗi lần Chánh Trí tụng Kinh là tụng với cái chân tâm chứ không còn tụng với cái vọng tưởng nữa.
Sau đám tang của bà Tịnh Hạnh Nhơn Thanh Tịnh, chùa trở lại sinh họat bình thường như xưa. Chùa bây giờ vắng đi một người; nhưng bù lại có thêm rất nhiều người trẻ xin xuất gia và có nhiều người lớn tuổi vào chùa làm công quả nữa. Sự sinh hoạt khác xưa rất nhiều. Do vậy những buổi dạy Kinh, dạy Luật và Luận của Thầy Ngộ Đạo cũng tăng lên. Tuy nhiên tuổi Thầy cũng lớn nên Thầy có thỉnh thêm quý Thầy Giáo Thọ quanh vùng đến chùa Sắc Tứ Hưng Phước để dạy đạo cho hàng xuất gia vừa mới được thế phát.
Một hôm Thầy Ngộ Đạo bảo hai chú Chánh Trí và Chánh Niệm vào làng để thăm hỏi những người lớn tuổi cũng như đi thăm cho biết sự sinh họat của dân chúng trong làng như thế nào. Giữa đường thấy bụng hơi đói, vả lại từ tờ mờ sáng đến giờ đâu có cái gì cho vào bụng; nên họ đã dừng lại để điểm tâm thì bà cụ bán quán hỏi:
- Thưa quý Ngài, tâm quá khứ, tâm hiện tại và tâm vị lai quý Ngài điểm tâm nào vậy?
- Dạ dạ... xin chờ một lát.
Chánh Niệm nhìn qua Chánh Trí như có ý cầu cứu, không biết tại sao có cái loại điểm tâm nào mà cái tên nghe qua nó quen quen; nhưng không biết ở đâu đó đã gặp bao giờ; nên ra dấu bảo Chánh Trí hãy trả lời đi.
- Thưa bà, tâm nào mà bà thấy điểm được thì cứ cho điểm.
- Thưa quý Ngài là quý Ngài muốn điểm chơn tâm hay vọng tâm?
- Chơn hay vọng tùy bà.
- Cũng lạ! Già nầy hỏi vậy để biết mà làm thức ăn, chứ trả lời như thế làm sao mà sửa soạn thức ăn cho được.
- Chúng tôi đã ăn rồi đó. Xin gởi tiền và chào bà lão.
- Nếu quý Ngài không ăn thì Lão nầy cũng không lấy tiền làm gì. Vì quý Ngài đã điểm tâm không rồi đấy.
Sau mấy lời đối đáp như vậy, họ ra đi. Đến một nơi trống, Chánh Niệm hỏi Chánh Trí rằng:
- Lâu nay Đệ nghĩ rằng Phật Tử tại gia đâu có học được Phật pháp, mà sao bà già nầy hay quá vậy?
- Chắc bà ta không phải ở vùng nầy.
- Nhưng sao Đệ nghi quá. Chắc bà là hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm để thử mình không chừng.
- À! Mà biết đâu? Chỉ có Bồ Tát mới thấu triệt tinh thần Kinh Kim Cang như thế.
Nếu là một bà lão bán quán bình thường làm sao có thể đối đáp lời lẽ thật cao siêu như vậy được.
Sau khi thăm viếng về lại chùa và gặp Thầy Trụ Trì Ngộ Đạo, họ liền trình lại câu chuyện vừa gặp bà lão bên đường lúc xuống núi vào làng và nhân cơ hội đó, Thầy Ngộ Đạo mới giảng cho họ về sự hóa thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.
„Phật dạy Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát rằng: Nầy Thiện Nam Tử! Nếu có chúng sanh trong quốc độ nào đáng dùng thân Phật để độ thoát, Quan Thế Âm Bồ Tát hiện thân Phật để nói pháp.
Quan Thế Âm Bồ Tát chính là vị Đại Sĩ đã vì không biết bao nhiêu chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới mà hiện thân. Ngài là Bồ Tát; nhưng Ngài cũng có thể hiện thân Phật; nếu nơi nào cần thân Phật ấy để thuyết pháp độ sanh.
Nơi đáng dùng thân Bích Chi Phật để độ thoát, Bồ Tát liền hiện thân Bích Chi Phật để nói pháp.
Bích Chi Phật cũng gọi là Duyên Giác hay Độc Giác Phật. Khi mới phát tâm gặp Phật đã tư duy đến pháp của thế gian. Về sau đắc đạo, ra đời không có Phật, tính thích yên tĩnh, tu hành viên mãn và không có Thầy bạn dạy bảo, một mình tự nhiên giác ngộ nên gọi là Độc Giác. Còn chỉ cho việc quan sát về các duyên bên trong và các duyên bên ngoài mà giác ngộ Thánh quả; nên gọi là Duyên Giác.
Nơi nào đáng dùng thân Thinh Văn để độ thoát, Bồ Tát liền hiện thân Thanh Văn để nói pháp.
Thân Thanh Văn ý nói những vị đệ tử tu theo pháp Tứ Đế và ngộ lý Tứ Đế về Khổ, Tập, Diệt, Đạo, dứt bỏ mê hoặc kiến tư mà nhập Niết Bàn. Chúng ta thường gọi hạng nầy là Tiểu Thừa; nhưng chỉ là bề ngoài. Còn ngộ có nghĩa là rõ biết triệt để của Khổ của Tập v.v... khi đã rõ rồi không còn trở lại đó để chịu khổ nữa. Thời Đức Phật còn tại thế đã có rất nhiều vị chứng quả Thanh Văn như Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên v.v... “
Nơi nào đáng dùng thân Phạm Vương để độ thoát, Bồ Tát liền hiện thân phạm Vương để nói pháp.
Phạm Vương cũng còn gọi là Đại Phạm Thiên Vương. Đây để chỉ cho Đại Phạm Vương là Vua cõi Sơ Thiền của Sắc giới mà có nơi cũng chỉ cho mười tám cõi Trời ở cõi Sắc nữa. Khi chúng sanh sanh về đây không còn bị dục lạc như ở cõi dục nữa, mà mọi hình thức sinh sản bằng cách giao thoa qua thức biến hiện mà thôi.
Nơi đáng dùng thân Đế Thích để độ thoát, Bồ Tát liền hiện thân Đế Thích để nói pháp.
Đế Thích là vị chủ cõi Trời Đao Lợi ở thành Hỉ Kiến trên đỉnh núi Tu Di. Cõi trời nầy còn nằm trong Dục Giới, thống lĩnh 33 cõi trong cõi dục nầy. Cõi nầy cao hơn cõi Tứ Thiên Vương và thấp hơn cõi Dạ Ma. Cũng còn gọi là Thích Đề Hoàn Nhân. Khi Đức Thích Ca giáng sanh, Vua Trời khuyến khích Đức Thích Ca xuất gia và đến thọ trì giáo lý của đức Phật. Khi đức Phật sắp tịch Ngài cùng với bốn vị Đại Thiên Vương ngự đến buồn rầu. Ngài Đế Thích nguyện với Phật rằng sẽ thường xuyên hỗ trợ Tam Bảo. Ngài thường hiện thân để thử hạnh tu của đức Phật Thích Ca và hỗ trợ cho các vị Bồ Tát.
Nơi đáng dùng thân Tự Tại Thiên để độ thoát, Bồ Tát liền hiện thân Tự Tại Thiên để nói pháp.
Nơi đáng dùng thân Đại Tự Tại Thiên để độ thoát, Bồ Tát liền hiện thân Đại Tự Tại Thiên để nói pháp. Tự Tại Thiên và Đại Tự Tại Thiên là chúa tể của Tam Thiên thế giới. Ở trên đỉnh của Sắc giới Đại Tự Tại Thiên có hai loại là Tì Xá Xà Ma Hê Thủ La và Tịnh Cư Ma Hê Thủ La. Những vị nầy ở cõi sắc và thường hay biến hóa ra nhiều hình thức khác nhau như nhiều tay nhiều mắt của Lục Sư Ngoại Đạo.
Nơi đáng dùng thân Thiên Đại Tướng Quân để độ thoát, Bồ Tát liền hiện thân Thiên Đại Tướng Quân để nói pháp.
Tức là hình thức vị Đại Tướng Quân của cõi chư Thiên để làm những việc mà chư Thiên cần đến để sai sử.
Nơi đáng dùng thân Tỳ Sa Môn để độ thoát, liền hiện thân Tỳ Sa Môn để nói pháp.
Đây là vị ở phía Bắc núi Tu Di; coi giữ mạn bắc Diêm Phù Đề, cai quản về của cải tài sản, còn là vị Thiện Thần hộ trì Phật pháp. Có những vị Tỳ Sa Môn luôn luôn ủng hộ giáo pháp của chư Phật và giữ gìn người nghe pháp được lợi lạc trong giáo pháp đó.
Nơi đáng dùng thân Tiểu Vương để độ thoát, Bồ Tát liền hiện thân Tiểu Vương để nói pháp.
Tiểu Vương là những vị Vua nhỏ, cai trị một Tiểu quốc; nhưng xưng Vương. Nhiều lúc Bồ Tát muốn độ những vị Vua như thế thường hay hiện thân ra Tiểu Vương để độ cho những vị nầy. Những vị Tiểu Vương như thế. Thường ở cõi Nam Diêm Phù Đề nầy.
Nơi đáng dùng thân Trưởng Giả để độ thoát, Bồ Tát liền hiện thân Trưởng Giả để nói pháp.
Trưởng Giả là những vị giàu của và giàu đức, ví dụ như Trưởng Giả Cấp Cô Độc hay Trưởng Giả Duy Ma Cật. Tất cả là những vị Đại Cư Sĩ hộ trì Phật pháp để giáo pháp được lưu hành trong cõi đời nầy.
Nơi đáng dùng thân Cư Sĩ để độ thoát, Bồ Tát liền hiện thân Cư Sĩ để nói pháp. Cư Sĩ tức là những người tu tại gia. Họ là những người đã thọ Tam Quy Ngũ Giới và hành trì tại nhà; nên gọi là Cư Sĩ.
Nơi đáng dùng thân Tể Quan để độ thoát, Bồ Tát liền hiện thân Tể Quan để nói pháp.
Tể Quan là kẻ đứng đầu trên các quan. Hiện ra một vị quan như thế mới có uy quyền để độ cho những vị như thế; nên Bồ Tát đã vì sự lợi lạc của chúng sanh mà độ như vậy.
Nơi đáng dùng thân Bà La Môn để độ thoát, Bồ Tát liền hiện thân Bà La Môn để nói pháp.
Bà La Môn là một trong bốn giai cấp ở Ấn Độ. Dịch theo ý chữ Bà La Môn có nghĩa là: Ngoại ý, Tịnh hạnh, Tịnh chí, Tĩnh chí. Họ phụng thờ vị Đại Phạm Thiên và tu Tịnh hạnh. Cách tu của Bà La Môn là 7 tuổi trở lên học hành ở nhà, 15 tuổi học pháp Bà La Môn, đi các nơi học hỏi. Đến năm 40 tuổi sợ giòng dõi gia đình tuyệt diệt mới về nhà lấy vợ sinh con để nối dõi; đến năm 50 tuổi thì vào núi tu đạo.
Nơi đáng dùng thân Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di để độ thoát, Bồ Tát liền hiện thân Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di để nói pháp.
Tỳ Kheo được dịch nghĩa là Khất Sĩ, bố ma và phá ác. Có nghĩa là vị ấy xuất gia trên 20 tuổi, sống đời sống tịnh hạnh không có gia đình, trên cầu giải thoát, dưới cứ đi khất thực để nuôi thân. Bên trong hàng phục những loại ma và bên ngoài phá trừ tất cả các việc ác. Tỳ Kheo Ni là người nữ xuất gia và nương theo chư Tỳ Kheo để tu học. Ưu Bà Tắc được gọi là Cận Sự nam và Ưu Bà Di được gọi là Cận Sự nữ. Tức là người con trai hay con gái đã quy y, gần gũi để phụng sự ngôi Tam Bảo.
Nơi đáng dùng thân phụ nữ của Trưởng Giả, Cư Sĩ, Tể Quan, Bà La Môn để độ thoát, Bồ Tát liền hiện thân phụ nữ để nói pháp.
Nhiều khi cần phải thị hiện ra thân nữ nhơn trong những gia đình giàu có như thế mới độ được cho những người giàu có. Do vậy mà Bồ Tát đã hiện thân.
Nơi đáng dùng thân Đồng Nam, Đồng Nữ để nói pháp. Nơi đáng dùng thân Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Dà, Nhơn cùng Phi Nhơn v.v... để độ thoát, Bồ Tát liền hiện những thân đó để nói pháp.
Đồng Nam và Đồng Nữ ý nói những người con trai con gái còn trinh nguyên chưa dính bụi trần. Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Dà được định nghĩa chung là Thiên Long, Bát Bộ. Còn người và không phải người không nằm trong Bát bộ. Càn Thát Bà tức là một loại hương thần. Còn gọi là nhạc thần; không ăn thịt, không uống rượu chỉ thích mùi thơm. Đứng hầu hai bên Đế Thích ở cung trời là hai loại thần lo về âm nhạc. Khẩn Na La lo về pháp nhạc. Càn Thát Bà lo về sửa nhạc. A Tu La nghĩa là phi thiên, là hạng chúng sanh có thần lực và cung điện; nhưng hình thể không giống như chư Thiên. Là vị thần thường đánh nhau với Đế Thích. Là một trong thập loại chúng sanh. Là một trong lục đạo, là một trong Thiên Long Bát Bộ. Nghĩa là A Tu La gồm Thiện thần và Ác thần. Dưới hình thức nào đó trong cõi người và cõi trời, A Tu La cũng có thể hiện thân ra được. Ma Hầu La Già là một loài đại mãng thần (thần rắn lớn), một bổn tôn ở viện thứ ba thuộc Thai Tạng giới, cũng là quyến thuộc của đức Thích Ca Như Lai. Đó cũng là một pháp môn thân thị hiện của Đức Đại Nhật Như Lai. Nhơn tức là người, phi nhơn tức chẳng phải người, ngoài loài người và mắt người không thấy được, gọi là phi nhơn, như Bát bộ chúng vừa kể. Những chúng sanh nầy gồm nhiều loại và hầu hết đang ở trong cõi Dục.
Nơi đáng dùng thân thần Chấp Kim Cang để độ thoát, Bồ Tát liền hiện thân Thần Chấp Kim Cang để nói pháp.
Là vị thần tay cầm chày Kim Cang. Là tướng Dạ Xoa tay cầm chày Kim Cương bảo vệ cửa thiên cung Đế Thích. Gặp lúc Phật ra đời liền xuống cõi Diêm Phù Đề để hộ vệ Đức Thế Tôn phòng giữ Đạo Tràng. Đó là 32 thân của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát , Ngài luôn luôn hiện ra để cứu khổ cho tất cả chúng sanh trong thế giới nầy cũng như nhiều thế giới khác nữa. Ở cõi nầy Ngài hiện thân nầy; ở cõi khác Ngài hiện thân khác. Nhiều khi Đức Quan Thế Âm Bồ Tát hiện thành người bốn tay, tám tay, mười hai tay ba đầu, mười một đầu và nhiều đến nghìn tay nghìn mắt hay nhiều hơn nữa để cứu khổ độ sanh. Vì lẽ chúng sanh trong đời nầy không chịu tu học và giải thoát cho chính mình; nên phải cầu vào tha lực để được Ngài gia hộ.
Ngoài ra Tây Phương Tam Thánh có Đức Phật A Di Đà và hai bên hầu cận là Đức Quan Thế Âm và Đức Đại Thế Chí Bồ Tát. Trong 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà, trước khi lâm chung, ai nhớ niệm đến danh hiệu Ngài trong 10 niệm nhất tâm, Ngài và hai vị Thánh Đệ Tử sẽ đến cõi nầy tiếp dẫn về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Như thế đủ thấy rằng sức nguyện của Ngài rộng lớn biết là dường bao! Có thể Sư Cụ Từ Tâm của chúng ta cũng là hiện thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Rồi bà Thanh Tịnh ở đây, hay ngay cả Chánh Trí và Chánh Niệm nữa, mà cũng không biết đâu chừng giai nhân Mỹ Lệ cũng là Quan Âm hiện ra để thử lòng chúng ta, thử lòng những kẻ tu hành ra sao. Nghĩa là phía trên, phía dưới, trong, ngoài, phải, trái, Đông, Tây, Nam, Bắc trong mười phương của vô biên thế giới nơi nào cũng có Phật và nơi nào cũng có chúng sanh. Nơi nào có chúng sanh còn đau khổ thì nơi ấy Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ thị hiện.
Thượng Tọa Ngộ Đạo giảng thao thao bất tuyệt như vậy từ giờ nầy qua giờ khác vẫn không mõi mệt. Còn Chánh Trí và Chánh Niệm cũng như những Tăng Ni khác nghe Thượng Tọa giảng cũng há hốc mồn ra để nghe, ra chiều thích lắm; nhưng chẳng biết là họ đã thu thập được những gì; nhưng người ngoài nhìn vào chùa Sắc Tứ Hưng Phước ngày nay biết rằng cả Thầy lẫn trò, cả nam lẫn nữ đều dụng công tu hành một cách nghiêm mật nên chư Thiên và Long Thần Hộ Pháp hộ trì cho chùa nầy về rất nhiều phương diện.
Thầy Ngộ Đạo càng đi sâu vào Thiền Định, trí tuệ càng rộng mở. Do vậy mà những bộ Kinh Thầy giảng như Lăng Già, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Đại Bát Niết Bàn v.v... đại chúng đều quán triệt. Ngoài ra Thầy còn giảng Luật cho giới xuất gia và giảng nhiều bộ Luận lớn cho cả tại gia lẫn xuất gia nữa. Đó là những bộ Đại Thừa Khởi Tín Luận, Thập Nhị Môn Luận, Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận, Nhập Đại Thừa Luận, Đại Trí Độ Luận, Thành Thật Luận v.v... bộ nào bộ nấy Thầy cũng đã lột hết ý Kinh để giảng cho thính chúng. Khiến ai cũng tưởng như mình đang ở trên Pháp Hội Linh Sơn thuở nào để nghe Đức Phật giảng vậy. Bây giờ Thầy đã giảng về Trung Quán Luận, Duy Thức học, Duy Thức Tam Thập Tụng v.v... nghĩa là những vấn đề cao siêu trong Phật pháp đều được Thầy giải bày một cách cặn kẻ.
Tiếng lành đồn xa, tận đến Đức Vua đương triều. Do vậy Vua cũng muốn đi thính pháp; nhưng lần nầy Vua không đi đến chùa bằng tiền hô hậu ủng, mà vua cải trang thành thường dân cùng Hoàng Hậu đi nghe pháp. Một hôm, sau khi giảng Kinh Hộ Quốc Nhơn Vương, Thầy Ngộ Đạo cho thính chúng đặt câu hỏi. Mọi người đều tự nhiên để thưa hỏi những điều mình thắc mắc. Trong đám thính chúng ấy có một người không hỏi mà chỉ mang một cây quạt xếp lên cho Thầy. Ai cũng lấy làm lạ, chẳng biết là chuyện gì. Khi Thầy Ngộ Đạo mở quạt ra xem thì thấy ba chữ Hán Đại Tự viết trên quạt là: Trẩm hiện tiền. Thầy hơi bối rối, đoạn xuống pháp tòa. Tuy nhiên Đức Vua xuất hiện trước Thầy Ngộ Đạo để mang đến một tin vui là mấy lâu nay Đức Vua và Hoàng Hậu đã đến chùa nghe Thầy giảng tất cả những bộ Kinh Luận. Cho nên hôm nay Đức Vua muốn phong Đạo Hiệu cho Thầy là Chấn Hưng Đại Sư và điều thứ hai, từ nay trở đi Phật Giáo được công nhận là quốc giáo và lấy giáo lý từ bi lợi tha của Đạo Phật đem vào ứng dụng trong đời sống hằng ngày cho nhân dân.
Mọi người nghe pháp hôm đó đã quỳ lạy Đức Vua và Hoàng Hậu bốn lạy để tạ ơn và họ rất mừng là từ nay trở đi nước Đại Việt của chúng ta Phật Giáo lại có cơ hội để triển khai trên nhiều phương diện như đạo đức, văn hóa, luân lý, giáo dục, xã hội v.v... để phụng sự nhân sinh.
Sau khi Đức Vua, Hoàng Hậu và mọi người ra về, Thầy Ngộ Đạo càng trầm tỉnh hơn nữa. Thầy bước về Phương Trượng Đường cũng như bảo tháp và Tổ Đường để đảnh lễ Thầy mình. Đó là những nơi mà Sư Cụ Từ Tâm đã hiện hữu suốt mấy mươi năm trường trên cõi thế. Nhưng chính giờ phút nầy mới là giờ phút đáng lo nhiều hơn nữa của Thầy Ngộ Đạo. Thầy biết rằng danh vọng, địa vị, bỗng lộc và nhất là những gì càng được ca tụng bao nhiêu Thầy càng sợ bấy nhiêu. Vì nghĩ rằng cái đức của mình không đủ. Sỡ dĩ có được ngày hôm nay là do sự gia hộ của chư Phật và chư Đại Bồ Tát, chư vị Tổ Sư, đặc biệt là Sư Cụ Từ Tâm. Nếu không thì Ngộ Đạo vẫn là một đứa trẻ không thân nhân, không quyến thuộc của 60 năm về trước ở cửa chùa Sắc Tứ Hưng Phước nầy. Để đáp đền ơn sư huấn dục và những ơn khác của quốc gia, của cha mẹ và của Đàn Na Tín Thí cũng như của những chúng sanh khác ở trên cõi nầy hay ở những cõi xa xôi khác, Thầy quyết định nhập thất vĩnh viễn từ đây.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]