Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 7. Chuyện tình nơi Sơn Tự

21/06/201317:51(Xem: 9352)
Chương 7. Chuyện tình nơi Sơn Tự

Hòa Thượng và giai nhân

Chương 7. Chuyện tình nơi Sơn Tự

Hòa Thượng Thích Như Điển

Nguồn: Hòa Thượng Thích Như Điển

Mới tờ mờ sớm trước cổng Tam quan chùa Hưng Phước đã có bóng dáng của một nữ tỳ, đi qua đi lại nhiều lần, như có ý vào; nhưng cửa Tam quan còn khóa chặt. Vả lại thời Công Phu Sáng chưa dứt; nên không một ai trong những Tịnh Hạnh Nhơn ở chùa làm công việc thường ngày ấy cả. Cũng may là hôm nay Thầy Ngộ Đạo đi Phật sự xa, cả hai ngày nữa mới về; nên Thầy Ngộ Tánh có nhiệm vụ phải đi quanh chùa để xem xét một vài việc thì bổng nhiên có tiếng từ ngoài cổng Tam quan vọng vào.
- Thầy có phải là Thầy Ngộ Đạo không? Cô con bảo con lên đây sớm để trao cái thư nầy cho Thầy.
- A Di Đà Phật. Thầy...
- Thôi! Con về cảm ơn Thầy. Kẻo cô con trông. Ngộ Tánh nhìn ngoài phong thơ tên người nhận không phải là mình; nhưng Ngộ Tánh nghĩ rằng biết đâu nàng đã đề lộn tên. Ban đầu Ngộ Tánh cũng không có ý mở thư ra xem; nhưng thấy nôn nao quá và hy vọng là Tiểu Thư Mỹ Lệ viết lộn tên Ngộ Tánh thành Ngộ Đạo chăng? Thế rồi Ngộ Tánh cẩn thận khép cổng Tam quan lại và bước thẳng vào phòng riêng của mình và mở thư ra đọc:
Phước Lộc Gia Trang ngày... tháng... năm...
Thư gởi thăm Thầy Ngộ Đạo
Nam Mô A Di Đà Phật
Thưa Thầy!
Quả là một sự đường đột; nhưng chẳng còn cách nào hơn là qua bức thư nầy Thầy sẽ hiểu lòng của tiện nữ hơn. Mong Thầy đại xá.
Nguyên là cách đây chừng hơn mười lăm năm về trước tiện nữ đã lên chùa cầu nguyện cho mẫu thân và đã vô tình gặp được Thầy thuở đó. Thế rồi tiện nữ về nhà đau ốm liên miên, chẳng ăn chẳng ngủ. Vì nhớ đến Thầy; nhưng rồi qua những lời khuyên giải của mẫu thân và nhất là của phụ thân, tiện nữ đã bỏ ý định ấy. Vì lẽ nếu không giúp cho một người xuất gia học đạo đi thẳng đến bờ giác thì thôi, đằng nầy còn kéo lôi người xuất trần thượng sĩ ấy về lại với thế gian là điều tội lỗi. Tiện nữ rõ điều đó. Vì trong Kinh và Luật Phật cũng đã dạy điều nầy. Thế mà khi thời gian trôi qua tiện nữ tưởng rằng đã quên hết, không ngờ hôm đi dự lễ cung tống Kim Quan của Sư Cụ Từ Tâm hỏa thiêu và nhập tháp tiện nữ đã gặp lại được Thầy. Lại một lần nữa con tim của tiện nữ đã vỡ ra từng khối và nhiều nhịp đập không đều, như báo hiệu rằng sự có mặt của Thầy trong cuộc đời nầy của tiện nữ là cần thiết; nhưng biết làm sao đây. Khi lý trí thì nói như thế nầy mà con tim thì nó không làm chủ được. Mong Thầy cứu vớt một chúng sanh trong muôn ngàn chúng sanh khác đang chờ bàn tay tế độ của Thầy.
Mong rằng sẽ có tin sớm từ Thầy.
Mỹ Lệ
Đọc xong bức thư Ngộ Tánh đổ mồ hôi. Không ngờ Sư Đệ nầy lại có người đẹp để ý đến. Còn ta vốn đã để ý đến nàng từ lâu; nhưng nàng vẫn chẳng để ý đến ta. Quả là việc chẳng bình thường. Nhưng bây giờ ta phải làm sao đây? Đã lỡ xem thơ của Ngộ Đạo và còn vài bữa nữa Ngộ Đạo mới về, thôi thì một liều ba bảy cũng liều ta thay Ngộ Đạo để viết trả lời Mỹ Lệ và bên dưới ký tên Ngộ Đạo cũng chẳng sao cả. Nói xong là làm ngay. Ngộ Tánh ngồi vào bàn viết suy nghĩ và viết như sau:
Sắc Tứ Hưng Phước Tự, ngày... tháng... năm....
Thư gởi cô Mỹ Lệ
Nam Mô A Di Đà Phật
Thưa cô!
Chắc cô lầm người rồi đó. Thật ra Sư Huynh của tôi là Thầy Ngộ Tánh kia mới có ý được liên hệ với cô, chứ còn tôi là bậc vô danh tiểu tốt; không phải là một Nho Sinh nho nhã như Ngọc Minh thuở trước và bây giờ là Ngộ Tánh đó. Xin cô hãy xem kỹ lại tên và người kẻo mà có tội. Mô Phật
Ngộ Đạo.
Ngộ Tánh dàn xếp chuyện thật là nhanh lẹ và đã cho người đem thơ đến Phước Lộc gia trang và cố ý chờ thơ hồi âm của Tiểu Thơ Mỹ Lệ trong từng ngày từng giờ. Nhiều lúc Ngộ Tánh sợ chuyện nầy bại lộ, lỡ mà Sư Đệ biết thì mình còn danh nghĩa gì là Sư Huynh. Vả lại Sư Đệ đâu có bao giờ để ý đến việc đó đâu. Chắc ta viết thơ trả lời như vậy cũng phải. Ngộ Tánh nghĩ như vậy và cố ý chờ trông.
Một hôm có một con nhạn từ trên không trung bay xuống đậu trước sân chùa và trên mình nhạn có mang theo một lá thơ. Ngộ Tánh từ trong chánh điện bước ra vội vàng đến chỗ nhạn để gở thơ và vội vàng đọc và trả nhạn về với chủ cũ của nó.
Phước Lộc Gia Trang ngày... tháng... năm...
A Di Đà Phật
Thưa Thầy Ngộ Đạo
Thật sự ra việc tình yêu nam nữ trai gái là nhân duyên giữa hai người với nhau. Chứ đâu phải đem duyên nầy ép duyên cho người khác được. Mỹ Lệ nầy chỉ một lòng nhớ đến một người và người đó là Ngộ Đạo chứ không phải là Ngộ Tánh. Xin Thầy đừng làm cho tiện nữ nầy thất vọng.
Mỹ Lệ
Đọc xong tin thư lại một lần nữa Ngộ Tánh toát mồ hôi và nghĩ rằng thôi chuyện nầy nên giữ kín là xong. Cũng ví như là Sư Đệ mình chẳng biết gì cả, có sao đâu mà lo lắng. Tuy nhiên dẫu Ngộ Đạo không biết; nhưng Long Thần Hộ Pháp ở chùa vẫn rõ đấy chứ. Rõ Ngộ Tánh có ý gì và muốn gì nữa kia. Một hôm Ngộ Tánh nằm mơ thấy giấc mơ lạ như sau:
Ngộ Tánh cưới một người con gái để làm vợ và để báo thù thì đúng hơn. Vì tình yêu không được đáp ứng. Thế rồi vợ chồng vẫn sinh hoạt chung với nhau được hai mặt con. Một trai một gái. Nhưng chàng vốn là một thư sinh chẳng bao giờ động đến cuốc cày và công việc đồng áng. Cứ “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm.“ Tất cả đều chỉ trông chờ vào vợ. Thế là hạnh phúc gia đình từ từ tan vỡ. Chàng dạy con, con không nghe, khuyên vợ vợ cải lại. Cả một cảnh sống nheo nhóc khổ sở và hai người chẳng ai hiểu nhau, khiến chàng bực bội muốn tìm cách quyên sinh để khỏi phải gặp người vợ và người mình thương cũ. Chỉ vì sự xấu hổ. Khi chàng nhảy xuống sông tự tử cũng chính là lúc chàng la bổng lên và Ngộ Tánh đã trở về với thực tại là đã chẳng rơi tủm vào nước, mà vẫn còn nằm trên giường la ú ớ sau một giấc mơ dài.
Mấy ngày sau Ngộ Đạo về lại chùa, trên gương mặt hiện lên vẻ vui tươi. Vì Thầy đã đi khắp nơi trong chốn kinh kỳ để tạ lễ chư Tôn Đức, sau khi lễ cung tống Kim Quan của Sư Cụ Từ Tâm hỏa thiêu và nhập bảo tháp trong mấy ngày trước đó. Đi đến đâu Ngộ Đạo cũng được chư sơn Trưởng Lão tán thán vô cùng. Vì Ngộ Đạo so ra chữ nghĩa Thánh Hiền ít hơn Ngộ Tánh; nhưng đạo phong thì sáng chói như núi Thái Sơn. Vì vậy mà Sư Cụ Từ Tâm chọn người trụ trì kế nghiệp cho ngôi Sắc Tứ Hưng Phước Tự như thế quả xứng đáng vô cùng. Nghe bao nhiêu lời khen như thế Ngộ Đạo cũng dạ dạ vâng vâng cho xong chuyện và nhiều khi còn khiêm nhường không dám trình bày lại quan điểm của mình nữa. khiến cho các bậc Trưởng Lão lại càng hài lòng hơn về cung cách của một vị Tân Trụ Trì như thế.
Cứ mỗi tuần như vậy cúng một thất và cúng cho đến 49 ngày như vậy tổng cộng có bảy lần. Mỗi lần như vậy Tân Trụ Trì Thích Ngộ Đạo đã cùng với các Tịnh Hạnh Nhơn và các Phật Tử đã tổ chức chu đáo những mâm cơm cúng Tổ, cúng Giác Linh, các Hương Linh và đặc biệt là lễ Trai Tăng nữa. Thật là đầy đủ ý nghĩa trong cách báo ân báo hiếu ấy. Thầy làm việc nầy không phải vì tiếng bấc tiếng chì của thế gian, mà làm như thế cốt cho Phật Tử tại gia cũng có thể noi theo đó mà tổ chức lễ trai Tăng cũng như cầu nguyện cho cha mẹ ông bà đã quá vãng của mình. Một hôm trước tuần lễ 49 mấy hôm Ngộ Đạo nằm mơ thấy Sư Cụ Từ Tâm từ trên hư không hiện ra và nói văng vẳng bên tai mình rằng:
„Ngộ Đạo con! Ta đã đi từ cõi nầy đến cõi khác trong vòng 49 ngày nầy. Bây giờ ta kể cho con nghe đây nhé! Khi thần thức ta vừa ra khỏi thân trung ấm và nhờ sự trợ niệm của Tăng Ni và quý Phật Tử ta đã siêu sanh về thế giới Tây phương Cực Lạc và diện kiến Đức Phật A Di Đà rồi. Nhưng vì lẽ ta có cái nguyện là muốn biết hết 25 cõi hữu tình trong ba cõi sáu đường; nên theo lời ước nguyện của ta sau khi ta đã được thọ ký; đầu tiên ta trở về lại cõi người, ta thấy trên từ Vua quan, dưới đến các thứ dân và Phật Tử, ai cũng đã vì ta mà cầu nguyện cho ta cũng như giúp cho con cũng như Ngộ Tánh thành tựu được những hiếu sự; nhưng có một điều làm ta không vui là có con gái quan Tể Tướng đương Triều đang có ý ve vản con đó. Con hãy coi chừng và con hãy nhớ lời ta dặn trong thư di chúc là phải mở bao thơ đỏ ra khi nào mà không còn tự giải quyết được. Còn việc nào giải quyết được thì thôi. Ngoài ra con đã chọn vị Tịnh Hạnh Nhơn Thanh Tịnh và Ngộ Tánh chọn Tâm Thức là đúng rồi. Điều ấy cũng đã đúng ý ta nữa. Ta chỉ có ngại một điều là Ngộ Tánh sẽ không đi trọn được đường tu và bao nhiêu chuyện nhiễu nhương nơi cửa Thiền sắp xảy ra trong thời gian tới con hãy nên cẩn thận nhiều hơn nữa. Nếu trường hợp Ngộ Tánh có cởi áo tu thì cứ để tự nhiên cho hắn ta hoàn tục. Vì duyên Phật pháp của hắn ta chắc có lẽ cũng chỉ đến đó mà thôi.
Cõi người thì cũng vô số tội. Có lúc làm chồng, có lúc làm cha, có lúc làm mẹ và mẹ con lại lấy nhau; cha con lại thông dâm với nhau và cả bà cháu nữa. Họ đã chẳng từ nan một cuộc vui nào cả, miễn sao chỉ thỏa mãn được lòng dục của họ mà thôi. Ta từ trên nhìn xuống mà thấy ngao ngán cho cõi trần. Cũng có không biết bao nhiêu cặp nam nữ yêu nhau; nhưng rồi bỏ nhau. Lại còn sinh ra thù hận và giết chết lẫn nhau nữa. Đúng là oan oan tương báo chứ đâu thật nghĩa yêu và thương. Họ chỉ yêu chính cái bản ngã của họ và họ chỉ lo bảo vệ cái bản ngã của họ mà thôi. Dầu cho đó là cha mẹ hay chồng vợ anh em gì đi chăng nữa rồi trước sau cũng đổ vỡ. Vì họ chỉ có yêu nhau mà không kính trọng nhau. Ai cũng muốn được yêu mà chẳng mang tình yêu ấy ban rãi ra cho người khác. Tánh con người ích kỷ lắm! Nó cũng giống như ở nơi A Lại Ya thức vậy. Nơi đây có chứa cả thiện pháp và ác pháp. Nếu cái ác có cơ hội nẩy mầm thì ác sẽ lấn mất phần đất của thiện. Ngược lại nếu niệm thiện ở mọi người nhiều hơn thì sẽ lấn ác cái ác kia và tâm thiện sẽ dẫn đầu. Ví như con hãy đừng nghĩ gì về chuyện ái dục thì ái dục sẽ không đeo đuổi con. Còn Ngộ Tánh lúc nào cũng còn ham mê tài, sắc, danh, thực, thùy; nên những thứ nầy trong thời gian tới sẽ vây chặt Ngộ Tánh đó. Nhưng cuối cùng rồi Ngộ Tánh cũng trở lại chùa mình. Con hãy giang ta ra mà tế độ.
Ta đi xuống các cảnh địa ngục ngạ quỷ súc sanh thì thấy càng khủng khiếp hơn cõi người rất nhiều. Những chúng sanh nào mà ở cõi nhân gian phạm vào tội ngũ nghịch như giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, phá hòa hợp Tăng và làm thân Phật ra máu khi chết xuống bị đọa nơi ngục Vô Gián. Như con biết đó! Vô Gián là không có thời gian; và đây là tám địa ngục lớn. Ví dụ như địa ngục Đẳng Hoạt. Nơi đây các chúng sanh bị gươm đao đâm chém, gậy gộc đánh đập, cối xay nghiền giã. Khí có gió mát thổi tới thì tỉnh lại như cũ, như lúc còn sống nên gọi là Đẳng Hoạt. Mà nếu tội nhân nào muốn chết sớm cho hết kiếp cũng không được nữa. Phải chịu sự hình phạt như thế mãi mãi, cho đến khi nào tội nhơn hết tội mới thôi. Rồi Hắc Thằng địa ngục. Nghĩa là kẻ phạm tội bị dây thừng đen căng tứ chi ra, rồi cưa, chém tứ chi và thân thể bị nát nhừ; nên gọi là Hắc Thằng. Kế đến là Chúng Hợp địa ngục. Nghĩa là nơi đây hợp lại để cấu xé đòi nợ với nhau. Ví dụ như ở đời làm suôi gia với nhau, chia ruộng đất không đều cho con cái v.v... khi chết bị đọa vào địa ngục nầy. Tiếp theo gọi là Hào Khiếu địa ngục. Cũng gọi là Khiếu Hoán địa ngục. Nơi đây kẻ mắc tội chịu nhiều nhục hình cực khổ và kêu la thảm thiết. Địa ngục thứ năm là Đại Khiểu địa ngục. Nghĩa là kẻ mắc tội hình phạt phải tăng lên, kêu khóc càng to hơn; nên gọi là Đại Khiếu địa ngục. Địa ngục thứ sáu gọi là Viêm Nhiệt địa ngục. Ở đây kẻ mắc tội bị lửa thiêu toàn thân bốc cháy; khổ cực không sao chịu được; nên gọi là Viêm Nhiệt địa ngục. Địa ngục thứ bảy gọi là Đại Nhiệt địa ngục. Nơi đây lửa thiêu cực kỳ gay gắt, nổi khổ tăng gấp bội, nên gọi là Đại Nhiệt và cuối cùng là Vô Gián địa ngục. Nơi đây kẻ mắc tội phải chịu khổ hình liên tục không lúc nào được nghỉ; nên gọi là Vô Gián địa ngục.
Nếu ta càng nói nhiều về các địa ngục con sẽ sợ, do vậy bây giờ ta cho con biết thêm các cảnh giới bên trên để thấy việc thiện nên làm và sau khi chết sẽ được sanh về đó. Ví dụ như cõi Tứ Thiên Vương. Đây là ngoại tướng của Vua Đế Thích. Lưng chừng núi Tu Di có một ngọn núi là Do Kiền Đà La. Núi nầy có bốn đầu, bốn vị Thiên Vương. Mỗi vị ở mỗi đầu bảo hộ một cõi thiên hạ. Vì thế gọi là Hộ Thế Tứ Thiên Vương Thiên. Đó là cảnh trời thứ nhất của Lục Dục Thiên, là cảnh đầu tiên của Thiên xứ. Trong lục dục thiên nầy gồm có: cõi Tứ Thiên Vương, cõi Dạ Ma, cõi Đẩu Suất, cõi Đao Lợi, cõi Hóa Lạc và cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên. Họ ở đây phước đức nhiều hơn cõi người; nhưng khi hưởng phước hết rồi cũng có thể trở lại làm người hay làm các loài súc sanh. Một ngày ở cõi Tứ Thiên Vương bằng năm mươi (50) năm ở cõi thế và một ngày ở Tha Hóa Tự Tại Thiên bằng một ngàn sáu trăm (1.600) năm ở cõi nầy. Đó mới là cõi Dục, còn cõi Sắc và Vô Sắc giới nữa. Tổng cộng 25 cõi hữu tình như thế; nhưng nói cho cùng dầu có sanh về cảnh giới phi tưởng phi phi tưởng xứ đi nữa rồi cũng phải bị luân hồi sanh tử như thường. Do vậy con nên hướng dẫn Tín Đồ tu theo pháp môn Tịnh Độ là vi diệu nhất. Vì chư Tổ chư Phật đã căn cứ trên ba bộ Kinh A Di Đà, Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ để dạy cho chúng sanh đời mạt pháp nầy. Nếu ai hành hạnh nầy sẽ đi thẳng về cảnh giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà và các vị Thánh Chúng.
Có nhiều người vẫn không tin có một cảnh giới như thế; nhưng làm sao tin được, khi con người vẫn còn nằm trong vòng đối đãi của tử sinh. Tuy ngày nay con người có nhiều phát minh và nhiều sự tiến bộ hơn ngày xưa nhưng lòng hiếu, sự hy sinh, đức nhẫn nhục chịu đựng, không bằng những người đời xưa đâu. Nếu một người ở cõi Ta Bà phát tâm niệm Phật thì ở cõi Tây Phương Cực Lạc một hoa sen sẽ mọc lên và chờ đợi cho đến khi nào người ấy niệm Phật đến nhất tâm Tam Muội, sau khi vãng sanh sẽ được diện kiến Đức Phật A Di Đà và Nhị Vị Bồ Tát Quan Âm, Thế Chí cùng Chư Thánh Chúng. Nếu lỡ trong đời ấy có làm ác thì vẫn có thể đới nghiệp vãng sanh. Nghĩa là sanh về đây rồi tu tiếp nữa.
Ở trên cảnh giới Tây Phương đã có chư vị Bồ Tát câu hội rất đông và toàn là những bậc Vô Sanh Pháp Nhẫn cả. Nhìn họ là ta phát tâm tu liền; nhất là khi nhìn đến Pháp Thân của Đức Phật A Di Đà ta càng dõng mãnh tinh tấn hơn nữa. Qua bốn mươi tám lời nguyện của Ngài mà ta được vãng sanh về đây. Cho nên nay đã gần bốn mươi chín ngày rồi ta về lại để báo mộng cho con hay là ta đang ở một cõi đang cách xa các con trong vô lượng quốc độ như thế; nhưng lúc nào ta cũng dõi mắt về với các con. Các con hãy cố gắng lên.“
Một giấc mộng thật dài bị đánh thức bởi một hồi chuông buổi sáng; nên Ngộ Đạo toan ngồi dậy và lau mồ hôi ướt đẩm cả người. Đoạn Ngộ Đạo đi tìm Ngộ Tánh để kể lại những giấc mơ mà Ngộ Đạo vừa thấy. Đoạn Ngộ Tánh bảo:
- Sao Sư Đệ hên quá vậy? Được Sư Cụ về báo mộng tòan là những điềm lành. Còn Huynh đây sao thấy toàn chuyện dữ?
- Chuyện gì mà dữ thế Sư Huynh?
- Chuyện đâu chẳng vào đâu cả. Toàn là chuyện đổ bể không hà, mà cũng toàn là chuyện của thế gian thường tình không thôi; chứ không có những câu chuyện của những cõi trên như Đệ vừa kể.
- Có chứ! Cõi địa ngục thì dễ sợ lắm. Sư Cụ cũng đã có kể cho Đệ nghe mà.
- Vậy sao? Nó như thế nào?
- Thì nó ở sau lưng Sư Huynh đó!
Nói xong Ngộ Đạo bỏ đi vào phòng riêng của mình, để một mình Sư Huynh Ngộ Tánh ở lại ngẩn ngơ một mình.
Ngộ Tánh hôm nay lên chánh điện để cùng tụng Lăng Nghiêm với Ngộ Đạo và mọi người. Sau bài tán Lư Hương họ bắt đầu vào Kinh.
Nam Mô Lăng Nghiêm Hội Thượng Phật Bồ Tát.
Diệu Trạm Tổng Trì Bất Động Tôn,
Thủ-Lăng-Nghiêm-Vương Thế hy hữu,
Tiêu Ngã ức kiếp điên-đảo tưởng.
Bất lịch tăng-kỳ hoạch pháp thân,
Nguyện Kim đắc quả thành bảo-vương,
Hoàn độ như thị hằng sa chúng,
Tương thử thâm tâm phụng trần sát,
Thị tắc danh vi báo Phật ân;
Phục thỉnh Thế-Tôn vị chứng-minh,
Ngũ-trược ác-thế thệ tiên nhập,
Như nhứt chúng-sanh vị thành Phật,
Chung bất ư thử thủ nê-hoàn.
Đại-hùng Đại Lực Đại Từ Bi,
Hi cánh thẩm trừ vi-tế hoặc,
Linh ngã tảo đăng vô-thượng giác,
Ư thập phương giới tọa đạo-tràng;
Thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong,
Thước-ca-ra tâm vô động chuyển.
Nam Mô........
Lời Kinh hôm nay sao trầm hùng thế. Làm cho Ngộ Đạo và cả Ngộ Tánh cũng như những vị Tịnh Hạnh Nhơn trong chùa rất hoan hỷ sau khi tụng Kinh xong. Hôm nay mỗi người mỗi việc để chuẩn bị cho ngày mai là tuần chung thất của Sư Cụ. Lần nầy Đức Vua và Hoàng Hậu và các quan văn võ không tới; nhưng chắc chắn có rất nhiều Phật Tử và chư Tăng quanh vùng quy tụ về. Vì biết rằng ngày nầy là ngày mọi người được đảnh lễ Xá Lợi của Sư Cụ Từ Tâm.
Sau khi làm lễ Phật và cúng Tổ, cúng giác linh rồi. Mọi người vân tập ra nơi Tháp Vạn Thọ của Quốc Sư Hưng Quốc. Đây là một đạo hiệu duy nhất mà Đương Kim Thánh Thượng ban cho. Đạo hiệu nầy còn cao cả hơn là những vị khai quốc công thần nữa. Do vậy ai ai cũng quy ngưỡng hướng về bậc Đạo Sư ấy. Dĩ nhiên là họ không phải chờ đợi một phép lạ nào, mà chính cái công hạnh tu hành của đời Ngài đã là một bài học đạo đức quá quý giá rồi. Thầy Ngộ Đạo và Thầy Ngộ Tánh trịnh trọng mở cánh cửa tháp ra và cung kính nhắc bình tro cốt hôm thiêu vừa rồi ra để trước mặt mình và bắt đầu thuyết giảng về ý nghĩa của Xá Lợi.
Xá Lợi tiếng phạn gọi là Sari. Trung Hoa dịch là cốt thân. Còn gọi là linh cốt. Có ba loại màu sắc gồm bạch sắc Xá Lợi, hắc sắc Xá Lợi và xích sắc Xá Lợi. Ngoài ra cũng có hai loại Xá Lợi là toàn thân Xá Lợi và toái thân Xá Lợi. Toàn thân Xá Lợi như Đức Phật Đa Bảo sau khi tịch, Xá Lợi của Ngài là toàn thân thể vẫn ngồi kiết già trong bảo tháp. Hai là toái thân Xá Lợi như Xá Lợi của Đức Phật Thích Ca được phân chia để thờ trong các chùa tháp. Hoặc, một là nhất sinh thân Xá Lợi; Đức Phật dùng nhất sinh thân để tu tập Giới Đinh, Huệ, sau khi tịch diệt để lại thân cốt ở dạng toàn thân hay toái thân, khiến cho người và trời mãi mãi được sự phúc đức của sự cúng dường. Hai là pháp thân Xá Lợi là tất cả những Kinh Điển của Tiểu Thừa và Đại Thừa. Đó là cách định nghĩa theo sách vở. Chứ thật ra Xá Lợi của Đức Phật và các Bồ Tát có nhiều màu cũng như nhiều đặc tính khác nhau nữa. Ngoài ra Xá Lợi của các vị Tổ và các vị A La Hán dĩ nhiên là không giống như các vị Bồ Tát và các vị Phật được. Đây là ba đặc tính của Xá Lợi.
Thứ nhất là đem Xá Lợi bỏ vào nước thì đầu tiên Xá Lợi sẽ chìm; nhưng sau đó vớt lên bỏ lại vào nước Xá Lợi sẽ nổi. Nếu quý vị đem gạo bỏ vào nước thì gạo cũng chìm; nhưng khi bỏ vào nước lần thứ hai gạo vẫn chìm chứ không nổi.
Đặc tính thứ hai là Xá Lợi tự động di chuyển. Nghĩa là bỏ Xá Lợi vào nước và cách xa nhau chừng 5 đến 10 mm Xá Lợi tự động di chuyển và hút lại với nhau, mà với mè, tuy có thể nổi trên mặt nước nhưng mè không tự động dính lại với nhau như Xá Lợi được. Điều nầy chứng tỏ rằng dẫu Đức Phật và chư vị Tổ Sư đã nhập vào Vô Dư Niết Bàn nhưng các Ngài vẫn còn hiện ở bên chúng ta. Quý vị có tin điều ấy chăng?
Đặc tính thứ ba là Xá Lợi có đến năm màu chứ không phải ba màu như sách vở vừa nói. Nếu ai đó có nhân duyên và mắt tỏ thì sẽ thấy Xá Lợi hiện lên năm màu; nhưng tùy theo người xem, chứ không phải là bất cứ ai Xá Lợi cũng hiện lên năm màu hết đâu. Tuy nhiên nếu quý vị có lòng tin thì sẽ thấy nhiệm màu hơn. Vì như trong Kinh Hoa Nghiêm Phật đã dạy: Đức tin là mẹ sinh ra công đức của chư Phật vậy. Dĩ nhiên là chúng ta không tin vào mê tín; nhưng hôm nay nếu quý vị tin thì hãy nhìn vào đây!
Thế là mọi người ùn ùn kéo đến trước cửa tháp để đảnh lễ và xem cho tận mắt được Xá Lợi của Quốc Sư Hưng Quốc. Mọi người đều muốn thấy tận mắt nên khung cảnh trở nên ồn ào một chút, đoạn có người nhìn lên trên bảo tháp đã được sắc phong thì thấy một vầng hào quang ngũ sắc đang dọi thẳng vào bên trong tháp. Mọi người không ai bảo ai, tất cả đều quỳ xuống niệm Nam Mô A Di Đà Phật rồi cúi đầu vái lạy. Đây có thể là một lần hiện để thi triển thần lực của Sư Cụ Từ Tâm tức Quốc Sư Hưng Quốc cho mọi người tin tưởng rằng chết không phải là hết, mà chết chỉ mới là bắt đầu một cuộc sống khác ở đâu đó mà thôi.
Sau khi đảnh lễ xong thì mọi người ra về. Duy chỉ còn một người con gái tuổi độ gần bốn mươi rất xinh xắn muốn gặp mặt Thầy Tân Trụ Trì Thích Ngộ Đạo. Cô ta thoạt trông cũng giống như một mệnh phụ; nhưng có lẽ chưa chồng, tuy tuổi đã giữa mùa hương phấn. Cô gặp Tịnh Hạnh Nhơn Thanh Tịnh và lên tiếng.
- Kính thưa bà! Tôi hôm nay muốn gặp Thầy Ngộ Đạo.
- Có lẽ Thầy ấy bận lắm. Vì bao nhiêu lễ lộc vừa xong.
- Nhưng bà có thể thưa rằng. Có một việc rất quan trọng.
- Tôi có thể rõ việc ấy chăng?
- Bà là ai mà muốn rõ?
- Tôi là... tôi là Tịnh Hạnh Nhơn ở chùa nầy thôi; nhưng tôi phải có trách nhiệm đối với quý Thầy.
- Bà cứ thưa là có cô Mỹ Lệ cần gặp.
- Mỹ Lệ. Có phải cô là con của quan Tể Tướng đương triều?
- Ý chết! Nói nhỏ thôi! Mọi người nghe thấy thì phải khổ. Bà không thấy là tôi đã ăn mặc xoàng xỉnh lắm không? Cốt chỉ để gặp Thầy.
- Thôi thì Thầy nào cũng được chứ gì? Theo tôi nghĩ Thầy Ngộ Tánh rảnh rang hơn nên tôi sẽ lên mời Thầy ấy vậy.
Bà ta nói chưa xong đã đon đả đi lên liêu phía Tây để gặp Thầy Ngộ Tánh thưa rằng:
- Bạch Thầy! Có người muốn gặp Thầy.
- Ai vậy?
- Hình như là cô Mỹ Lệ.
- Mỹ Lệ? Mỹ Lệ? Mỹ Lệ của tôi ơi! Hôm nay nàng đã thuận sao mà đến đây để gặp ta?
Ngộ Tánh mừng quá chưa kịp khoát chiếc áo tràng màu nâu đã vội xuống khách đường và bây giờ mặt nhìn mặt họ đã đối đáp.
- Bạch Thầy, tôi muốn gặp Thầy Ngộ Đạo.
- Ngộ Đạo chính là... chính là Sư Đệ của tôi; nhưng bây giờ Thầy ấy bận lắm.
- Còn tôi chỉ muốn gặp Thầy ấy!
- Cảm phiền cô đợi một lát.
Trong mấy phút sau cả Ngộ Đạo và Ngộ Tánh đều có mặt nơi khách đường và thấp thoáng đâu đó ở phía sau bức màn nơi phòng khách có mặt của Tịnh Hạnh Nhơn Thanh Tịnh.
Tiểu Thơ mở lời:
- Đây là Mỹ Lệ xin tự giới thiệu với hai Thầy; nhưng tôi chỉ muốn nói chuyện riêng một mình Thầy Ngộ Đạo mà thôi.
- Mô Phật! Thưa Tiểu Thơ. Thật ra ở chùa nên minh bạch, chẳng có gì là riêng tư cả. Hai chúng tôi ngồi hầu chuyện cùng cô cũng được.
- Nhưng tôi chỉ muốn một người thôi.
Lời nói của Mỹ Lệ chưa dứt thì phía sau bức màn một người đàn bà xông xáo chạy ra can thiệp. Nhìn kỹ thì đúng là bà Thanh Tịnh.
- Thưa cô! Cửa chùa là cửa thanh tịnh. Cô đến đây để làm gì?
- Việc nầy là việc riêng của tôi và Thầy Ngộ Đạo mắc gì đến bà mà can dự vào và bà là ai?
- Tôi là... tôi là... nhưng tôi là ai cô không cần biết. Tôi chỉ cần biết là cô rời khỏi nơi đây và trả lại sự yên tịnh cho cảnh chùa thì hay hơn.
Trong khi đó Ngộ Đạo thấy không khí hơi căng thẳng giữa hai người đàn bà; nên mới tìm cách đánh lạc hướng và hỏi sang chuyện khác.
- Thế bà Thanh Tịnh đã lo sắp đặt công chuyện của nhà Trù xong chưa?
- Mô Phật! Việc đó là việc của con lâu nay mà.
- Thôi! Bà hãy xuống để lo nhiệm vụ của mình đi.
- Mô Phật! Xin vâng.
Ngộ Đạo thấy có cái gì đó thầm kín mà người đàn bà nầy chẳng nói ra; nhưng những lúc khó xử của ta là những lần bà xuất hiện. Không biết ý bà muốn gì và tại sao lại bảo vệ cho ta cẩn thận như thế với cái tình cảm ấy mà không bảo vệ cho Ngộ Tánh. Sư Huynh dẫu sao đi nữa cũng là vị Thầy ở trong chùa nầy mà.
Sau khi bà Tịnh Hạnh Nhơn Thanh Tịnh đi rồi, Ngộ Đạo đến trước mặt Tiểu Thơ hỏi tiếp và trong khi đó Ngộ Tánh ngồi bên cạnh.
- Thật ra cô muốn nói gì tôi không hiểu?
- Tôi muốn biết rằng Thầy có thật tình như trong lá thơ Thầy đã trả lời cho Mỹ Lệ không?
- Thơ nào?
- À! À!... thơ...., Ngộ Tánh chen vào và nói chưa hết câu thì Ngộ Đạo tiếp.
- Chắc là thơ của quan Tể Tướng?
- Tôi không biết; nhưng bây giờ tôi hỏi Thầy rằng lâu nay tôi đã đem lòng thương Thầy và ở vậy chờ cho đến nay đã gần hai mươi năm rồi. Thầy phải xử sự việc nầy ra sao đây?
- Nhưng tôi đâu có bao giờ biết là cô thương tôi đâu? Vả lại chuyện nam nữ trai gái không nên đem ra nói ở cửa chùa. Riêng tôi từ nhỏ đến giờ chưa hề nói yêu ai và cũng chẳng muốn yêu ai. Vì những cấu uế của cuộc đời ấy tôi đã bỏ lại sau lưng mình từ mấy độ luân hồi rồi.
- Thầy nói gì? Thầy mạ lỵ tôi đó có phải không? Tôi có tấm lòng trinh tiết trong trắng như thế nầy muốn dâng hiến cho Thầy mà Thầy không đoái hoài gì đến để rồi Thầy sẽ biết tay tôi.
Sau cái nghiến răng thật chặt của Mỹ Lệ rồi bỏ đi, bà Thanh Tịnh ở phía sau nhắm mắt lại và cùng nghiến răng cho đở tức. Vì sao lại ra nông nổi nầy.
Tiểu Thơ Mỹ Lệ bỏ đi rồi thì Ngộ Tánh ngồi đờ người ra đó và thú thật với Sư Đệ Ngộ Đạo là mình đã xem trộm thơ và đã trả lời xong, không ngờ lại trúng ý của Sư Đệ như thế; nhưng nếu được tốt hơn thì Mỹ Lệ hãy xoay chiều qua Ngộ Tánh là xong chứ gì! Nhưng đường đời đâu có bằng phẳng như thế. Sau khi giận dữ Ngộ Đạo xong. Tiểu Thơ Mỹ Lệ về lại Phước Lộc gia trang và bàn mưu vấn kế với một đám nữ tỳ để tìm cách hại Ngộ Đạo cho bằng được.
Mỹ Lệ bày mưu cho một nữ tỳ tương đối dễ coi nhất trong đám, rồi cho ăn mặc lả lơi như gái giang hồ rồi tìm cách đi chùa trong ngày lễ lớn và theo sự sắp đặt của Mỹ Lệ cô gái giang hồ nầy tìm cách lẽn vào phòng của Thầy Ngộ Đạo và ăn mặc hở hang ngồi chờ đó, sau khi Thầy đi làm lễ xuống, khi bước vào phòng thì cô gái giang hồ ấy quay ra ve vản Thầy và những tỳ nữ khác ở bên ngoài tri hô lên, thế là mọi người chạy đến và làm bỉ mặt Ngộ Đạo. Như thế mới có thể hả dạ được Tiểu Thơ. Nhưng Mỹ Lệ chỉ là đạo diễn cho vở tuồng nầy thôi, chứ hôm đó Mỹ lệ không chính thức xuất hiện.
Sau khi bày mưu tính kế và thực hiện chuyện tội lỗi tày trời nơi sơn tự đã thành công thì Mỹ Lệ rất tâm đắc và thưởng cho những nô tỳ rất trọng hậu.
Tin đồn từ chùa Hưng Phước bay ra khắp nhân gian thật là tồi tệ và kể từ khi xây dựng cho đến nay chưa bao giờ có những lời khó nghe như thế cả. Đời trú trì trước là Hòa Thượng Quốc Sư Hưng Quốc đã được Vua ban cho đạo hiệu như thế. Còn đời trù trì kế tiếp nầy với pháp danh Ngộ Đạo mà sao chẳng ngộ gì hết cả thế. Đó là những lời bàn tán bên ngoài.
Có người còn thêm mắm dặm muối vào câu chuyện để được ăn khách hơn, nhằm tẩy chay chùa Hưng Phước và không muốn cho Phật Tử đến chùa ấy đi lễ nữa. Thế nhưng cũng có một số người không phải nhẹ dạ cả tim về uy tín của Thầy Ngộ Đạo sao mà mau xuống quá vậy. Vả chăng trong chuyện nầy có cái gì bí ẩn không đây.
Một hôm cô gái giả trang làm cô gái giang hồ kia thấy lương tâm cắn rứt quá, nên thưa với mẹ mình về sự thật của câu chuyện là Tiểu Thơ Mỹ Lệ đã dàn xếp như thế nào và thực hiện làm sao v.v... cho mẹ nghe, mà bà mẹ là một Phật Tử thuần thành của chùa Hưng Phước. Còn chồng là người làm việc cho quan tri huyện sở tại và việc nầy bà ta cũng đã thuật lại cho ông ta để tìm cách theo dõi.
Sau việc động trời vừa xảy ra, tâm Ngộ Đạo vẫn bình tỉnh không mấy suy sụp. Tuy nhiên bên ngoài chùa tiếng bấc tiếng chì càng ngày càng không tốt về đạo hạnh của Thầy. Thầy cảm thấy là lời của Sư Cụ dặn trong thơ di chúc và trong giấc mộng ngày nào đang và sắp diễn ra một cách tuần tự theo thứ lớp như một vở tuồng. Nhưng Ngộ Đạo vẫn chưa mở gói đỏ ra như lời Sư Cụ dặn. Ngộ Đạo quan sát mọi động tĩnh và giờ đây chỉ có cách là nhập thất, tụng Kinh, trì Chú, niệm Phật để biết đâu thời gian qua đi mọi việc sẽ trở về chỗ quên lãng.
Còn Ngộ Tánh giờ đây có xác như không hồn. Thầy ấy luôn luôn tiếc rẽ về Tiểu Thơ Mỹ Lệ. Phải chi nàng quay qua ta để giải bày tâm sự là xong. Còn ở đây thì ngược lại, yêu người mà người ấy không yêu mình thì yêu làm chi cho nhọc công uổng sức! Phải chi! Phải chi ta đổi lốt được Ngộ Đạo thì hay biết mấy.
Người đau khổ nhất trong hiện tại không phải là Ngộ Đạo hay Ngộ Tánh mà là bà Thanh Tịnh, bà ta đứng ngồi không yên và trong dạ xôn xao khó tả. Muốn làm cho sáng tỏ sự kiện nầy; nhưng muốn giải bày cùng ai và ai là người hiểu bà trong lúc nầy đây. Chắc chỉ có chư Phật, chư vị Bồ Tát và Sư Cụ Từ Tâm là người hiểu bà. Còn bao nhiêu người khác bên cạnh không biết rằng lòng bà đang đốt cháy. Vì lo cho Thầy Ngộ Đạo không biết rồi đây sẽ ra sao.
Tiểu Thư Mỹ Lệ rất hả dạ sau khi đã thực hiện xong mưu kế; nhưng vẫn thấy người người còn tấp nập đi chùa và nhất là khi hay tin Thầy Ngộ Đạo nhập thất họ càng tò mò hơn nữa. Một số người tỏ ra cung kính và số người khác thì nghi ngờ. Cứ thế và cứ thế năm nầy qua năm nọ, ngọn lửa tình trong tâm tiểu thư Mỹ Lệ cũng chưa nguôi ngoai và cô ta muốn thực hiện màn chót và cảnh chót để cho hả giận với tình yêu một chiều ấy.
Nàng cho sắp đặt mọi thứ sẵn sàng và chờ cho đêm khuya tối trời nàng và bộ hạ gồm các tỳ nữ sẽ cho phóng hỏa đốt chùa và đốt thất của Ngộ Đạo. Thế nhưng „Thiên bất dung gian“ nên kế hoạch bị bại lộ và cả đoàn người bị bắt do quân lính của quan Huyện lâu nay có ý muốn tìm ra sự thật của tấn tuồng mà ông đã nghe lại qua sự tấu trình của con gái người làm việc cho mình. Trong đám người bị bắt ấy có Tiểu Thơ Mỹ Lệ là con gái cưng của quan Tể Tướng triều đình. Sự thể như thế nầy thì chẳng biết phải làm sao; nhưng phàm là kẻ phạm pháp phải bị tạm giam sau đó mới hạ hồi phân giải. Vì lẽ đây là chùa Sắc Tứ có vua chúa và triều đình ủng hộ; nếu lỡ có cơ nhở nào quan huyện sở tại cũng bị vạ lây; cho nên ông cố gắng giữ gìn nhiều mặt. Một phần muốn qua việc nầy làm cho thanh danh của Thầy Ngộ Đạo phải được trả lại một cách chơn chính. Nghĩa là qua sự thú nhận tội lỗi của Mỹ Lệ và ngoài ra để chứng tỏ rằng ông là một quan huyện có thực tài thực lực giữa bàng dân thiên hạ trong vụ án nầy. Đó là những lý do sơ khởi, còn chuyện gì xảy ra nữa thì chờ kết quả về sau sẽ rõ hơn.
Trong khi Mỹ Lệ bị ngồi tù thì cha nàng là quan Tể Tướng của Triều Đình cũng không thể can dự trực tiếp được. Vì lẽ „Quốc pháp bất vị thân“ vả lại nhân chứng và phần khẩu cung chưa tra hỏi nên chẳng biết là đúng sai như thế nào. Nên cả gia đình cứ chờ xem, chứ chưa xuất đầu lộ diện. Dầu sao đi nữa, đây cũng là danh dự của gia đình Tể Tướng mà.
Buổi lấy cung hôm đó để buộc tội có một số người sau đây:
Bên nhân chứng có bà Thanh Tịnh, cô gái giang hồ và những tang vật bắt được tại hiện trường.
Bị cáo là Tiểu Thư Mỹ Lệ và bọn nữ tỳ. Còn quan sát viên của phiên tòa là những Phật Tử trong vùng. Người xử hôm đó chính là quan huyện địa phương. Trước sảnh đường Quan Huyện dõng dạc hỏi.
- Tại sao cô và đồng bọn dám phóng hỏa đốt chùa?
- Tôi không có.
- Đây là tang vật gồm lửa củi cũng như những giấy tờ có liên hệ.
- Vậy cô có ý giết người để phi tang chăng?
- Tôi không có ý giết người.
- Vì sao cô lại làm như thế?
- Vì tôi yêu nhưng không được yêu lại.
Mọi người bên trong sảnh đường cười nói huyên thuyên. Có đâu mà câu chuyện lại lạ lùng đến thế. Người nầy nói thế nầy người khác thêm vào câu chuyện theo hướng khác và có kẻ bảo: nếu yêu không được người nầy thì yêu người khác, cớ sao lại phóng hỏa đốt chùa. Chùa là do bá tánh dựng lên mà. Cớ sao chỉ có một chút ghen tương giận hờn mà không tự mình làm chủ được. Có người lại bảo: đàn bà thật khủng khiếp! Cái gì mà không vừa ý họ thì trời gầm cũng không tha mà! Tôi biết lắm.
Sau mấy phút ồn ào phiên tòa lại tiếp tục.
- Tại sao cô không có ý giết người mà tìm cách đốt thất Thầy Ngộ Đạo?
- Thật sự ra tôi chỉ muốn làm hả giận thôi; chứ tôi không cố giết.
- Nhưng nếu Thầy ấy lỡ không phát hiện được âm mưu của cô trong đêm thanh vắng và Thầy ấy bị chết thì sao?
- Chắc tôi hối hận lắm.
- Vì sao vậy?
- Tuy tôi hả được cơn giận; nhưng tôi lại tức cho người tôi yêu.
- Ai đã bày mưu tính kế hãm hại trong phòng Thầy Ngộ Đạo?
- Tôi không làm.
Thế là có tiếng nói của nhân chứng là cô gái giang hồ từ bên dưới vọng lên.
- Tôi sẽ làm chứng. Chính Tiểu Thơ đã nhờ tôi làm điều đó.
- Bằng cớ đâu?
- Đây là ngọc ngà châu báu của cô đã thưởng cho tôi, sau kế hoạch được gọi là thành công ấy; nhưng tôi cảm thấy lương tâm cắn rứt quá; nên tôi đã thưa trình lại với mẹ cha tôi.
Quan Huyện ngồi trầm ngâm suy nghĩ một hồi lâu và sau đó đem nghị bàn với những vị có quyền tước khác đã tham dự trong phiên xử và kết quả đưa ra là:
- Hãy cho cô ta ở tù một năm về tội cố sát.
- Hãy tha bổng. Vì cô ta đâu có ý hãm hại Thầy Ngộ Đạo.
- Hãy trừng trị theo luật định, để mọi người thấy rõ uy quyền của Triều Đình.
- Hãy tha bổng cho Mỹ Lệ. Dầu sao đi nữa cô ta cũng đã chưa gây ra án mạng nào. Vả lại cô là con của quan Tể Tướng nữa mà.
- Còn danh dự của Thầy Ngộ Đạo thì sao? Cô ta đền bằng tiền hay bằng tình cảm v.v...
Đó là năm điều để đi đến chung kết và sau phần nghị bàn ông Huyện đã lấy ý kiến chung là Mỹ Lệ phải ở tù một năm vì tội có ý sát hại người cũng như làm mất danh dự của người xuất gia. Thế là cả tòa thở phào nhẹ nhỏm. Nhưng đâu đó có tiếng thở dài, có vẽ như không vừa ý lắm.
Khi bà vợ của Tể Tướng Đương Triều biết tin là Mỹ Lệ con gái mình bị tù tội như thế thì bây giờ chỉ còn Thầy Ngộ Đạo là mới có thể cứu con mình mà thôi. Bà suy nghĩ thế, chẳng cần bàn luận với chồng, bà vội vàng cho xe ngựa lên thẳng chùa Sắc Tứ Hưng Phước. Hôm ấy bà vào chùa với dáng vội vả và mong được gặp Thầy Ngộ Đạo.
- A Di Đà Phật! Tôi có chuyện muốn gặp Thầy Ngộ Đạo.
- Thầy đang trì Kinh ngoài Thất.
- Bao giờ thì xong?
- Cảm phiền bà. Có lẽ chừng một tiếng đồng hồ nữa. Xin mời bà dùng nước.
Trong khi ngồi chờ đợi nơi phòng khách của chùa, bà đưa mắt khắp nơi để quan sát từ cách bài trí cái sập gụ ở giữa phòng, cho đến bộ khay trà, ly tách đều thuộc đời nhà Thanh; nhưng rất lịch sự và có giá trị. Ngoài ra những bức tranh thủy mạc treo trên tường nét bút cũng quá vững vàng sắc bén, chứng tỏ rằng một nội lực rất thâm hậu. Bà nhìn kỹ thì thấy ký hai chữ Ngộ Đạo. Rồi bà đưa mắt nhìn một tủ sách Kinh toàn bằng chữ Hán, trong đó có nhiều quyển ghi trên gáy trang 184 tên của Sư Cụ Từ Tâm, còn đa phần là Ngộ Đạo. Thuở nào mà con gái của ta không say mê sao được. Ở chốn gia trang đã có không biết bao nhiêu Vương Tôn Công Tử đi cầu hôn; nhưng con ta đâu có thuận. Người ta mê vì nết mến vì tình. Còn Thầy Ngộ Đạo đây theo như ta biết, Thầy ấy chưa một lần nào tỏ tình với con ta, mà ngược lại con ta thì có. Đã bao lần như thế ta đã rõ; nhưng vì duyên gì, nghiệp gì mà lại xảy ra những chuyện thương tâm và trớ trêu như thế. Có phải Thầy ấy đã quên hết mùi tục lụy và cố xoay cây kim của mình để cho sợi chỉ khỏi xâu qua được chăng? Điều nầy chỉ được phần Thầy ấy. Còn con ta thì sao? Nàng vốn là cành vàng lá ngọc mà. Nhưng ta sẽ tính sao đây bây giờ? Nhưng dẫu tính gì đi chăng nữa điều đầu tiên là phải cứu Mỹ Lệ ra khỏi chỗ giam cầm là điều cần yếu nhất. Vì cứu người là cứu lửa mà. Bà chờ cũng khá lâu, đã uống xong mấy tách trà; nhưng vẫn chưa thấy Thầy Ngộ Đạo ra, bà đứng lên và đi lên bàn Tổ để đốt nhang cho Sư Cụ Từ Tâm đồng thời lên chùa lễ Phật nữa. Đi đến đâu bà cũng trầm trồ khen ngợi về lối bài trí trong chùa. Đây là đôi câu đối rất có ý nghĩa. Đó là một chậu hoa Mẫu Đơn. Kìa là hai con Hạc đang đứng chầu v.v... tất cả đều mang vẻ trí thức sang trọng nhưng nhu mì ý vị chứ không phải hào phóng như ở dinh Tể Tướng của chúng ta. Bà đốt ba cây nhang rồi quỳ sụp lạy trước bàn Tổ như có ý van lơn Sư Cụ hãy mở lượng hải hà. Từ bên trên nhìn xuống chắc Sư Cụ đã cảm thông. Vì đâu có người mẹ nào mà không thương con. Dẫu cho con mình có gây nên tội lỗi tầy trời đi chăng nữa. Còn người cha tuy cứng rắn; nhưng trong thâm tâm ông Tể Tướng chắc cũng đau xót lắm. Do vậy mà Sư Cụ đã hiện về trong tiềm thức trước ý nghĩ của Thầy Ngộ Đạo và nói rằng:
- Đã đến giờ nên cứu người rồi đó. Con hãy mở gói giấy đỏ ấy ra. Dù sao đi nữa cũng là một việc đáng làm của một Bồ Tát hiện thân trong cõi đời ngũ trược nầy.
- Thế bây giờ con phải làm gì?
- Con hãy làm như ta đã dặn.
Ngộ Đạo vội vả vào phòng lấy tờ di chúc ra và trong tờ di chúc ấy có gói một gói đỏ. Ngộ Đạo cẩn thận mở ra thì thấy hai chữ bên trên là Duyên và Nghiệp và hàng chữ phía dưới là: Nên Thực Hành Bồ Tát Hạnh. Ngộ Đạo nhắm mắt lại không còn thấy hình ảnh của Sư Cụ nữa; nhưng với mấy chữ nầy cũng là những vấn đề nhắc nhở rất cần thiết khi mà tự mình không thể giải quyết vấn đề của cô Mỹ Lệ làm sao cho hợp tình hợp lý đây.
Xong thời Kinh Thầy Ngộ Đạo đã đi xuống nhà khách và bà vợ ông Tể Tướng lễ Phật lễ Tổ cũng vừa xong. Hai người gặp mặt đối diện nhau và sau khi vái chào bà thầm nghĩ. Những ngày lễ đông người quá ta không đến gần quý Thầy được. Vả lại hôm nay là ngày thường không ai đi lễ. Do vậy ta trực tiếp được gặp và nói chuyện với Thầy Ngộ Đạo, quả là phước duyên lắm đó và người đâu mà nhân cách quá thanh cao, nét mặt đẹp rạng rỡ. Thuở nào mà con gái của ta không mê cho được, mà còn đòi chết lên chết xuống nhiều lần nữa và lần nầy là chết thật đấy, nếu không được Thầy Ngộ Đạo cứu. Rồi bà nhớ đến đoạn Kiều và thầm đọc:
“Người ơi gặp gở làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?“
Chắc con gái ta đã có duyên gì với Thầy từ nhiều kiếp trước; nên bây giờ mới khổ lụy chăng?
- A Di Đà Phật! Kính mời Thí chủ an tọa.
- Mô Phật! Không dám xin mời Thầy.
- Hôm nay Thí chủ đến gặp tôi có điều gì chăng?
- Số là như Thầy đã biết. Con gái của tôi là Mỹ Lệ đã vì yêu thương không đúng chỗ nên đã gây nhiều việc tội lỗi và bây giờ đang mang tù tội khổ sở và chỉ có Thầy mới giúp được mà thôi.
- Liệu trong hoàn cảnh nầy tôi giúp được gì cô ấy?
- Thầy chỉ cần xin cho cô ấy trắng án. Dẫu sao đi nữa Thầy vẫn còn đầy đủ hình hài vóc dáng chứ chưa....
- Chứ chưa có sao phải không bà?
- Ý tôi nói, rồi bà đưa tay ra diễn tả, là Thầy vẫn còn sống, chứ không phải đã bị một tai nạn gì.
- Mà tai nạn gì thế?
- Thì việc cố sát?
- Nhưng sát hại tôi cốt được điều gì?
- Tất cả cũng chỉ vì vụng dại và nông nổi thôi. Mong Thầy cứu dùm con tôi. Kẻo không thì tôi cũng chết mất. Tôi biết rằng ngày xưa Phật cũng còn vướng vào mười hai nạn, mặc dầu Ngài đã thành Phật rồi. Kính mong Thầy hoan hỷ.
Ngộ Đạo nghe xong đã nhớ lại lời của Sư Cụ mình dặn và cũng ngẫm nghĩ cho thế thái nhân tình nên ngâm hai câu thơ nho nhỏ trong miệng rằng:
„Nam Mô hai chữ từ bi
Phật còn mắc nạn huống chi người phàm.“
Đoạn Thầy ấy nghĩ – Ngày xưa khi Phật còn tại thế. Lúc ấy Ngài đang ngự tại xứ Kosabi. Tại địa phương có một gia đình người Bà La Môn nọ đã kén chồng cho con gái từ lâu; nhưng đã chưa vừa ý ai. Khi ông Bà La Môn gặp Phật có ý gã con gái của mình cho Ngài. Vì thấy Ngài cao sang quá, đẹp người quá, lại thông minh đỉnh ngộ nữa. sau đó ông Bà La Môn về nhà gọi vợ mình đến nơi Phật để xem mắt chàng rễ tương lai. Bà ta cũng rất ưng ý. Đoạn về nhà mang con gái cưng của mình lên giới thiệu với Ngài. Khi nghe xong Ngài bảo rằng:
- Những thói đời của thế gian đó, ta đã bỏ lại sau lưng từ lâu rồi, không còn vướng bận nữa.
- Nàng giận dữ bảo: Tôi là người đẹp nhất làng mà ông còn mạ lỵ tôi như thế. Để ông xem. Nếu sau nầy tôi lấy được người chồng quyền quý tôi sẽ trả thù ông. Nói xong họ bỏ đi.
Những năm tháng sau đó con gái của hai vợ chồng người Bà La Môn ấy làm vợ lẽ của Vua Bình Sa Vương và nhờ thế bà ta huy động đến 500 cung nữ cùng bà đi đến nơi Đức Phật và Ngài A Nan đang ở để bắt đầu chửi. Có lẽ không còn lời lẽ nào mà quý bà đã không dùng đến để cho hả dạ, vì bị khinh thường bởi các sắc đẹp của bà ta. Ngài A Nan xót xa quá mới bạch Phật rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn! Chúng ta nên đi đến nơi khác; chứ ở đây nghe họ chửi con xót dạ quá. Một người đàn bà chửi đã là nhiều, mà ở đây cả năm trăm người lớn nhỏ cùng chửi thì phải nói là con không thể chịu đựng nổi nữa.
- Đức Phật quay qua Ngài A Nan rồi ôn tồn bảo: Nếu đi đến nơi khác mà vẫn bị họ chửi thì sao? Lúc ấy Ngài A Nan chẳng trả lời và cứ thế mà âm thầm chịu đựng. Trong khi đó những người đàn bà nầy sau khi chửi ba ngày ba đêm quá mỏi mệt và đến trước Ngài và hỏi rằng:
- Ông là người hay ông là sỏi đá?
- Ta là người nhưng trên tất cả mọi người.
- Thế mấy ngày nay ông có nghe chúng tôi chửi không mà không thấy trả lời?
Thay vì trả lời, Đức Phật hỏi lại người đàn bà kia rằng.
- Nếu nhà ngươi có đám giỗ, giỗ xong mang cổ qua hàng xóm để cho. Nếu người hàng xóm không nhận thì mâm cổ ấy sẽ về ai?
- Dĩ nhiên là về người đem cho.
- Cũng như thế đó, mấy ngày nay bà và năm trăm thể nữ đã chửi ta; nhưng ta không nhận, xin trả lại cho bà.
Khi nghe xong người đàn bà ấy mắc cở, đã cùng với năm trăm thể nữ ra về một cách yên lặng. Đó là một bài học mà Đức Thế Tôn đã để lại từ ngàn xưa. Còn bây giờ với ta, một Ngộ Đạo nhỏ bé như thế nầy, chỉ vì trả lời thật cho Mỹ Lệ biết rằng tim ta đã giá lạnh trước ngũ dục rồi, mà nàng đã tạo ra không biết bao nhiêu là mưu kế để hại ta, hại chùa và cả những người không dính dáng gì với chuyện nầy ở chung quanh ta nữa thì ta phải nói với nàng những gì đây.
- Kính thưa lệnh bà! Xin bà yên tâm về lại dinh, ở đây tôi sẽ trực tiếp đến nơi quan Huyện trong ngày nầy.
- A Di Đà Phật. Mong Thầy mở lượng hải hà.
Cánh cửa công đường đã mở rộng. Đây là lần đầu tiên Thầy Ngộ Đạo bước vào. Vì trong luật Phật dạy rằng: Người tu hành không nên lân la chỗ quyền quý và thấy Vua quan thì nên tránh đi; nhưng hôm này vì sự yêu cầu của bà vợ quan Tể Tướng và lời di chúc của Sư Cụ; nên Thầy Ngộ Đạo mới vào đây để thực hành con đường mà các vị Bồ Tát đã làm. Nếu không,Thầy đã chẳng đến đây.
- A Di Đà Phật. Xin mời Thầy vào! Một lính hầu mở cửa và chào.
- A Di Đà Phật! Tôi đã đến và xin trình cho quan Huyện hay.
- Mô Phật! Xin vâng. Xin mời Thầy dùng trà.
Thầy Ngộ Đạo an tọa xong bên trong sảnh đường một vị Huyện Quan, không lấy gì bệ vệ lắm; nhưng trông ra rất quyết đoán, bước vào và sau khi phân chia ngôi thứ tả hữu xong, ông ta vào đề ngay.
- Tôi biết rằng hôm nay Thầy đến.
- Mô Phật! Tôi là Ngộ Đạo Trù Trì chùa Hưng Phước.
- Theo ý Thầy thì sao?
- Dẫu sao đi nữa thì Tiểu Thơ Mỹ Lệ cũng nên được ân xá.
- Thầy thấy rằng cô ta vô tội?
- Dĩ nhiên là cô ta làm chỉ vì tức giận với ý riêng mà thôi.
- Nếu lúc ấy quan quân của chúng tôi không phát hiện kịp và Thầy cũng như chùa bị thiêu rụi thì sao?
- Thì chắc là do tôi vụng tu, không nối nghiệp được việc của Sư Cụ đã trao truyền. Mà việc ấy không đến trước cũng phải đến sau thôi.
- Theo Thầy thì...
- Thì nên miễn án tù và cúi xin quan Huyện nên cho cô ta về lại gia trang, trắng án.
- Nếu người sau họ nhìn vào thấy lối xử nầy thì?
- Thì mỗi thời mỗi khác và luật pháp tùy duyên mà thay đổi, chứ không phải chỉ luôn luôn cứng nhắc như thế!
- Thôi được rồi! Tôi và Thầy cùng vào khám đường.
Sau khi thảo luận xong, cả quan Huyện và đoàn tùy tùng cùng Thầy Ngộ Đạo vào nơi giam giữ Tiểu Thơ Mỹ Lệ. Lúc nầy nàng đang mặc bộ đồ tù và ngước nhìn lên Thầy Ngộ Đạo có ý van lơn cũng như hối hận.
- A Di Đà Phật! Con hôm nay hân hạnh được gặp Thầy.
- A Di Đà Phật! Chắc cô vẫn khỏe?
- Ở trong tù mới thấy nổi khổ của nhân sinh. Nổi khổ của con, con không tự giải quyết, mà còn gây nổi khổ ấy cho Thầy cũng như cho gia đình con và cho bao nhiêu người khác liên lụy nữa cũng chỉ vì...chỉ vì....
- Chỉ vì người khác?
- Chắc không phải vậy. Vì sự ích kỷ cá nhân của con; nên đã để Thầy phải bị hệ lụy đến uy danh của chùa và của Thầy. Hôm nay con xin dốc lòng sám hối và nguyện sẽ không bao giờ dám tái phạm nữa.
- Phật dạy ở trên đời nầy có hai hạng người đáng quý. Hạng người thứ nhất là không bao giờ gây nên tội lỗi và hạng người thứ hai là có tội lỗi mà biết sám hối. Nay Tiểu Thư đây ở trạng thái hai. Như thế cũng đáng trân quý lắm rồi.
Sau khi nói chuyện xong. Quan Huyện cho người tuyên đọc bản án bãi nại; vì không có người khiếu kiện và coi như được trắng án. Tiểu Thư Mỹ Lệ được phục sức lại như xưa và lên kiệu đưa về lại gia trang Phước Lộc của quan Tể Tướng. Người mừng nhất lúc nầy không phải là Mỹ Lệ mà là bà vợ ông Tể Tướng đang đứng chờ trước cửa của quan Huyện. Thế rồi cười cười nói nói và họ được đón trở lại dinh.
Lúc bấy giờ trên từ Vua quan, dưới cho đến nhân dân trăm họ; nhất là những người Phật Tử quanh vùng chưa bao giờ thấy một vụ án nào mà chồng chéo như thế. Vì người được thương yêu thì lại chẳng quan tâm đến chuyện yêu thương. Còn kẻ thích yêu mà lại không được yêu. Còn người muốn yêu cũng không yêu được. Cho nên mọi người vừa mừng vừa vui mà vừa giểu với nhau và họ tự đặt tựa đề của câu chuyện tình nơi sơn tự nầy là: Giai Nhân và Hòa Thượng. Tuy rằng Thầy Ngộ Đạo chưa được tấn phong lên Hòa Thượng.
Trong Môn Phái và Tăng Đoàn lúc bấy giờ ai cũng hoan hỷ và đem kinh nghiệm ấy để dạy lại cho đệ tử của mình cũng như việc trắng đen đã rõ; nên mọi người đã quyết định sẽ làm lễ tấn phong Thầy Ngộ Đạo lên phẩm vị Thượng Tọa. Vì so ra tuổi đời của Thầy cũng đã bốn mươi và tuổi đạo đúng 20 năm thọ giới Tỳ Kheo rồi.
Bầu trời hôm ấy quang đảng hơn. Cảnh núi rừng lâu nay vốn vắng vẻ; nhưng sau khi bản án đã công bố về sự thực hư và những dư luận bàn tán trái phải như xưa nay đã lắng yên về dĩ vãng. Bây giờ chung quanh chùa chỉ còn lại không khí tưng bừng náo nhiệt để đón mừng ngày tấn phong của Đương Kim Trụ Trì lên hàng giáo phẩm Thượng Tọa.
Người mừng vui hôm ấy không phải là Ngộ Đạo. Vì lẽ còn người Sư Huynh Ngộ Tánh của mình vốn cũng thọ giới cùng ngày; nhưng so ra không được Môn Phái và Tăng Đoàn cân nhắc, mà hình như Ngộ Tánh còn có cái gì đó bí ẩn nữa, chưa ai rõ hết được tâm trạng của Ngộ Tánh, vả lại tư tưởng cũng chưa dứt khoát rõ ràng; nên chỉ làm lễ tấn phong có một mình Ngộ Đạo mà thôi.
Người mừng nhất trong việc tấn phong có lẽ là Tịnh Hạnh Nhơn Thanh Tịnh. Còn Tịnh Hạnh Nhơn Tâm Thức cũng mừng; nhưng không tỏ vẻ kiêu hãnh rõ ràng như bà Thanh Tịnh. Có lẽ vì họ đã thấy được Thầy của mình tăng thêm cấp bậc và tuổi đạo. Hay còn lý do nào khác nữa mà chẳng ai đọc được ý nghĩ của bà.
Giữa chánh điện trang nghiêm, giữa hương trầm nghi ngút Thầy Ngộ Đạo quỳ xuống để nghe văn bản tấn phong của Môn Phái và Tăng Đoàn.
Phật lịch........ ngày...... tháng...... năm......
Nay xét về Tăng Lạp cũng như Đạo Hạnh của Thầy Thích Ngộ Đạo và những công hạnh đã đóng góp cho Sơn Môn trong suốt những năm qua và kể từ hôm nay trở đi Đại Đức Thích Ngộ Đạo trở thành Thượng Tọa Thích Ngộ Đạo của chùa Sắc Tứ Hưng Phước nầy và của Sơn Môn pháp phái.
Sau khi nghe tuyên đọc, mọi người vổ tay rền vang chánh điện và Thầy Ngộ Đạo hai tay đón nhận bản tấn phong trong xúc động và sau đó đứng lên để cảm niệm chư Tôn Đức Tăng Ni cũng như quý Phật Tử đã đến tham dự buổi lễ hôm ấy. Thầy ấy cũng cung thỉnh chư Tăng Ni tham dự buổi lễ trai Tăng của chùa và mời quý Phật Tử dùng trai tại trai đường.
Chùa Hưng Phước càng ngày càng hưng thịnh hơn xưa, hơn cả lúc Hòa Thượng Từ Tâm còn tại thế nữa. Có phải điều ấy đúng với câu „qua cơn bỉ cực đến hồi thái lai“ chăng? Hay đúng với ý nghĩa câu chữ Hưng Phước mà bao đời chư vị trụ trì tiền nhiệm đã dày công tô bồi cho cái phước ấy càng ngày càng hưng thịnh; ấy cũng là điều nên nghĩ đến.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]