Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 6. Ngày hội ngộ

21/06/201317:49(Xem: 8593)
Chương 6. Ngày hội ngộ

Hòa Thượng và giai nhân

Chương 6. Ngày hội ngộ

Hòa Thượng Thích Như Điển

Nguồn: Hòa Thượng Thích Như Điển

Sư cụ Từ Tâm càng ngày càng già yếu và cơ thể từ đó càng sa sút thấy rõ. Tuy Sư Cụ không bị bịnh hoạn gì; nhưng thân nầy cũng giống như một cành cây. Khi còn nhỏ thì tốt tươi; đơm bông kết trái, dâng hiến vẻ đẹp của mình cho đời thưởng ngoạn và khi về già rồi cây cũng như thân người phải đi vào giai đoạn chót của bốn tiến trình của sanh tử; đó là hoại và diệt. Sư Cụ đã biết chắc điều đó; nên trong những ngày tháng còn lại trong đời lúc còn mạnh Sư Cụ trì Kinh Kim Cang, Đại Bi và cuối đời Sư Cụ càng niệm Phật nhiều hơn, nhất là những lúc đi đứng không được bình thường như lúc còn trẻ khỏe. Sư Cụ như thế cũng đã tự hoan hỷ với chính mình; nhưng kể từ khi cho hai Thầy Ngộ Đạo và Ngộ Tánh ra đi học đạo ở các nước xa xôi, tính đến nay cũng đã hơn 10 năm rồi; nhưng vẫn chưa về lại quê cũ. Do vậy Sư Cụ viết hai bức thư để lại cho hai người đệ tử xuất gia của mình như sau:
Ngộ Tánh con!
Nay thì duyên trần thế của ta chắc cũng sắp mãn. Ta sẽ tự tại ra đi, về hầu Phật Tổ; nhưng ta biết chắc một điều rằng dẫu con có tận lực bao nhiêu đi chăng nữa thì cái ái nghiệp vẫn còn đeo đuổi theo con một cách dai dẳng. Điều nầy trước khi nhận con làm đệ tử xuất gia, ta đã lưu ý đến và ngay cả trong những khi Thiền định, ta quán sát về năng lực nội tại của con, ta thấy con còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa mới được. Nếu không thì khó tránh khỏi những việc không lành có thể lụy đến thân về sau nầy. Đó là điều chính con và nhất là ta sẽ không bao giờ muốn như thế cả; nhưng như con biết đó, nghiệp lực của mỗi người, chính mỗi chúng ta mới có thể tự chuyển cho chúng ta mà thôi; chư Phật hay các vị Bồ Tát cũng chỉ có thể chỉ phương pháp cho chúng ta ra khỏi nghiệp khổ ấy, chứ các Ngài sẽ không gánh thế tội lỗi của chúng sanh được. Con hãy nhớ rõ điều nầy mà ráng tự nhắc nhở thân tâm mình, lúc còn ở trong cửa chùa hay hiện thân ở bất cứ hình thức nào đi chăng nữa.
Tuy ở bất cứ một cõi xa xăm nào đó, ta vẫn dõi mắt theo con để hổ trợ con trong những lúc không làm chủ được chính mình.
Thầy.
Bức thứ hai dày hơn và dung chứa nội dung rất chi ly về nhiều vấn đề và Sư Cụ đã viết từ trước trong khi chờ đợi Ngộ Đạo về với nội dung như sau:
Ngộ Đạo con!
Như mới ngày nào con vẫn còn là đứa con rơi trước cửa Phật, với người mẹ đau khổ ấy chắc bà ta vẫn còn đau khổ trong cái nổi mất con; nhưng bà ta sẽ vui khi thấy ngày nay con đã nên người. Vì con nay đã ba mươi tuổi rồi chứ còn nhỏ nhoi gì nữa. Cái tuổi mà ở đời tất cả phải tự lập thân để sống và ta hy vọng rằng có một ngày nào đó cha mẹ con sẽ có cơ hội để gặp lại con.
Phần ta thì duyên trần sắp mãn. Vì ta biết rằng mọi pháp trong thế gian nầy đều do sự giả hợp mà thành tựu; do vậy chắc chắn phải có ngày tan rã. Điều nầy cũng giống như ta và con vậy. Nhân duyên ta gặp con và con đã trưởng thành dưới mái chùa Hưng Phước nầy hai mươi năm và mười năm lưu học tại xứ người, chắc hẳn rằng con đã hiểu được lẽ sắc không và sự vô thường của nhân thế. Chắc chắn không có một vật gì tồn tại mãi mãi mà không bị biến đổi bởi thời gian và năm tháng, ngoại trừ cái chơn thân; nhưng chúng ta vốn sống trong cuộc sống hữu hạn nầy, phàm có ngày đến thì phải có ngày đi thôi. Đó là một định luật. Ví như con chim non khi sanh ra phải tập bay nhảy múa hót và tìm mồi để muôi thân. Chúng hót vào mỗi sớm mai khi mặt trời gần ló dạng như để chào đón một buổi bình minh rạng rỡ và một ngày huy hoàng trong kiếp sống của chúng. Khi nó hót, nó chẳng biết là năm nào tháng nào ngày nào phải nghỉ hót chăng? Nhưng một sự tự nhiên không ai bảo mà chúng phải tự làm nhiệm vụ ấy. Rồi một ngày nào đó nó không hót nữa có những con chim khác hót thay thế; chứ đâu phải vì chim không hót mà vũ trụ nầy không còn đâu?
Cũng có những động vật khác như chó mèo thì hay sủa, kêu vào buổi tối. Không như con gà gáy vào buổi sáng. Vì mỗi con thể hiện một nhiệm vụ và một đặc tính khác nhau. Đó là đặc tính của mỗi loài vậy. Dưới cái nhìn của Đức Phật và chư vị Bồ Tát loài chúng sanh nào cũng có Phật tính cả; nhưng biết bao giờ cái Phật tính ấy mới hiển lộ nơi loài côn trùng và những động vật bé nhỏ ấy; nhưng hy vọng sẽ có một ngày.
Ta cũng chỉ là một chúng sanh như bao nhiêu chúng sanh khác, có đến đi còn mất. Do vậy trước khi ta về với thế giới của chư Phật, ta có thư nầy để căn dặn con là ngôi Tổ nghiệp Sắc Tứ Hưng Phước Tự nầy con sẽ giữ quyền trụ trì. Còn Sư Huynh của con trong thời gian tới chắc chắn còn phải đối đầu với nhiều việc khác nữa về các phương diện thanh danh, tiền bạc, sắc đẹp, quyền thế v.v.. tất cả những thứ ấy ta cũng đã trải qua và ta xem như đôi dép bỏ. Giờ đây và mai sau sẽ còn có nhiều người, trong đó cũng có con nữa. Nếu con quan niệm rằng tất cả là phương tiện để độ sanh thì con sẽ vượt qua dễ dàng. Nếu con vẫn bị nó sai sử và chìm đắm nơi ngũ dục thì suốt đời cũng chỉ làm nô lệ cho chúng mà thôi. Trong thời gian hai con đi lưu học thì hai vị Tịnh Hạnh Nhơn đã lần lượt quy Phật rồi. Sau khi ta đi, con nên chọn người khác để hỗ trợ việc chùa. Vì muốn cho Thiền môn hưng thịnh cả Tăng Ni và Tín đồ phải gánh vác cho cân xứng cả hai vai ngôi chùa mới đứng vững trong lòng người Phật Tử được. Như thế mới xứng danh là: Thế gian trụ trì Tam Bảo. Nếu không phải vậy ta chắc không an lạc ở cõi khác đâu.
Thân tứ đại vốn do giả hợp mà thành. Do vậy không có gì luyến tiếc cả. Sau khi thiêu, xác thân Thầy một phần đem rải xuống dưới giòng suối mà ngày xưa con đã vì thú vui của tuổi trẻ đã hành hạ những con vật ấy; để cho cát bụi trả về lại với cát bụi. Phần khác nếu các con muốn nhập tháp để thờ ta cũng tùy hỷ thôi, không có gì trở ngại cả.
Một điều vô cùng quan trọng nằm trong gói đỏ gói trong lá thư nầy, con chỉ được mở ra khi mọi việc đều bế tắc, con không thể tự giải quyết một mình được. Con hãy nhớ kỹ điều nầy.
Tài sản của cải vốn là vật vô tri và tất cả đều là của tín thí, ta hãy xử dụng cho nó đúng mục đích làm lợi sanh thì người cúng vào họ cũng hoan hỷ. Không vì tình riêng mà xâm phạm đến của thập phương bá tánh. Điều ấy chính giới luật cũng không cho phép, mà ta cũng đã chẳng vui lòng.
Người xưa thường nói: “khi nào nắp quan tài đậy lại“ thì mới biết rằng ta có tu trọn kiếp được hay không? Do vậy con hãy canh cánh bên lòng với câu Phật hiệu để có thể trợ duyên cho con trên mọi nẽo đường đời.
Ta mong rằng hai con, nhất là con sẽ không phụ lời căn dặn sau cùng của ta là: „Phụng sự chúng sanh tức là cúng dường Chư Phật“
Thầy.
Cả ba người cùng bước hối hả vào chùa thì thấy khung cảnh thật náo nhiệt và gần như hổn loạn. Vì kẻ đứng người ngồi, kẻ khóc, người lau nước mắt. Có những thanh niên trai tráng lo làm rạp chẻ tre v.v... Nhìn tận vào trong chánh điện đèn đuốc sáng trưng cũng như bóng dáng Tăng Ni đông hơn thường lệ. Họ vào bên trong bàn Tổ thì thấy nơi đây đã thiết trí một quan tài. Họ quỳ xuống lạy ba lạy, rồi vội chạy về Phương Trượng Đường. Nơi đây mọi người đang chí tâm tụng câu: „Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật“ thật là bi hùng và câu Phật hiệu càng cao dần cao dần với số lượng chư Tăng Ni cũng như Phật Tử càng đông khi đồng hộ niệm. Ngộ Đạo và Ngộ Tánh cũng như Vạn Tâm đã đến sát bên giường của Sư Cụ Từ Tâm đảnh lễ ba lạy và không nói được một lời nào. Vì quá xúc động. Sau khi biết rằng hai đệ tử xuất gia của mình đã về lại rồi, lúc bấy giờ Sư Cụ mới từ từ và gượng sức mình để mở mắt ra và hai tay đưa lên ngực chắp lại hình đóa sen, đoạn Sư Cụ buông xuống thật mạnh rồi thở một hơi thật dài và nhắm mắt lại một cách an lành.
Tất cả mọi người Tăng cũng như tục biết rằng giờ ấy phải đến và mọi người tự lo nhiệm vụ của mình như đã được cắt đặt trước đó trong ban tang lễ. Còn Ngộ Đạo và Ngộ Tánh trở lại phòng xưa cùng với Vạn Tâm đi sau, mang dùm hai túi xách đã nặng gánh phong sương trong suốt mười năm trường mà cả hai bên đây là lần đâu tiên gặp mặt trở lại. Họ vừa vui vừa buồn. Vui vì được gặp lại bạn xưa và buồn vì kể từ giờ phút nầy hình ảnh của một vị quan văn đã giũ áo từ quan, nương náu nơi cửa Phật, bây giờ không còn nữa. Họ như đàn chim tuy đã gặp lại nhau; nhưng chim mẹ đã không còn nữa.
Sau khi xem thơ di chúc của Sư Cụ Từ Tâm để lại, cả hai Thầy mắt đều đỏ hoe, không phải chỉ vì khóc thương kính Sư Cụ mà còn nghĩ đến hoàn cảnh của mình phải đối đầu với mọi công việc khó khăn trong những ngày tháng sắp tới. Họ vội vã bước đi về chốn Tổ Đường.
Nơi đây chư Tôn Đức Tăng Ni kẻ tụng kinh A Di Đà, người niệm Phật. Kẻ lo phận sự của mình trong vấn đề trần thiết cho buổi lễ nhập liệm và các lễ lạc khác trong vòng một tuần lễ mà Kim Quan của Sư Cụ được thiết trí tại đây. Không khí như một ngày hội lớn không hơn không kém. Chương trình mỗi ngày đều có tụng kinh lễ bái, cúng trà tiến giác linh, cúng ngọ và lễ viếng v.v..
Những ngày ấy tuy nhộn nhịp; nhưng Ngộ Đạo và Ngộ Tánh vẫn an tọa hoặc đứng hầu gần bên kim quan của Sư Cụ Hòa Thượng. Ngài vừa là bậc quan văn của triều đình, vừa là một bậc Trưởng Lão của Thiền Môn. Do vậy mà các quan lớn trong triều cho đến các vị từ nhất phẩm cho đến cửu phẩm đều có mặt. Ngoài ra chư Tôn Thiền Đức trong chốn kinh kỳ đã không vắng mặt một vị nào. Chỉ trừ một số vị quan trọng sẽ đến vào giờ chót khi cung tống kim quan để làm lễ trà tì và sau đó lễ nhập bảo tháp mới có sự hiện diện của những vị quan trọng nầy.
Cũng có một số vị Tăng Ni đến trước kim quan lạy xong ba lạy rồi qua một bên ngồi Thiền, chứ không trì tụng các kinh bộ như những vị khác và chính lúc ấy Ngộ Đạo và Ngộ Tánh có thời gian nghĩ ngược chiều về chuyến đi tham bái học đạo trong thời gian mười năm qua, cũng như hai bức thư mà Sư Cụ đã dặn dò cho hai huynh đệ.
Ngộ Đạo thấy bài “Tọa Thiền Hòa Tán“ của Ngài Bạch Ẩn Huệ Hạc (Hakuin) Thiền Sư của Nhựt Bản nghe ra rất thấm thía trong lúc nầy; nên thầm đọc trong miệng rằng:
“Chúng sanh bổn lai đã là Phật
Nước và băng đều giống nhau
Lìa nước thì không có băng
Ngoài chúng sanh không có Phật
Nơi gần nhưng chúng sanh không biết
Chỉ lo tìm cầu ở nơi xa
Giống như ở trong nước
Mà là bị khát
Con của nhà giàu
Mà mê vào chỗ nghèo chẳng khác
Là nguyên nhân của lục thú (đạo) luân hồi
Ta đã ngu si vào con đường tối
Đường tối tiếp theo đường tối
Đến khi nào thì xa được sanh tử
Nếu Thiền Định theo Đại Thừa
Mà còn xưng tán nữa
Bố thí trì giới Ba La Mật
Niệm Phật sám hối tu hành v.v..
Với những việc làm lành kia
Tất cả đều trở về
Công phu ngồi ấy thành một người
Nếu có tích chứa vô lượng tội
Rơi vào đường ác thú
Thì Tịnh Độ cũng chẳng xa
Chịu khó nơi pháp
Khi nghe lọt vào tai
Có người tán thán tùy hỉ
Chẳng có giới hạn nơi công đức
Huống nữa là tự mình hồi hướng
Ngay nơi tự tánh được chứng biết
Tự tánh ấy tức vô tánh
Việc ấy rời hí luận
Nhân quả nhứt như đã mở cửa
Chẳng hai chẳng ba mà thẳng lối
Tướng của vô tướng là tướng
Đến đi đều chẳng có
Niệm cái vô niệm gọi là niệm
Múa và hát là tiếng của pháp
Cái không của tam muội vô ngại rộng mở
Mặt trăng của Tứ Trí viên minh sáng tỏ
Lúc ấy đâu có cần tìm cầu
Đó là tịch diệt cho nên
Chính nơi đó là nước liên hoa
Thân nầy chính là Phật.“
Chừng ấy lời lẽ, chừng ấy tư tưởng, chừng ấy ý chí cũng đủ nói lên được cái thoát tục, cái chứng đạo của Ngài Bạch Ẩn rồi. Vì Ngài quan niệm theo tinh thần của Đại Thừa Khởi Tín Luận và Đại Trí Độ Luận rằng: chúng sanh vốn xưa nay đã giác ngộ rồi (bản giác); nhưng vì quên đi lối về (bất giác) và từ đó bắt đầu trôi giạt trong sanh tử (thỉ giác). Tuy biết đó; nhưng đã lỡ lầm gây tội rồi, bây giờ chỉ cần quay đầu lại thôi; nhưng đâu có đơn giản.
Họ nhìn lên những tấm trướng treo hai bên tường có tấm được dệt bốn chữ đại tự là: „Khứ Lai Tự Tại“ quả là đúng ý của Sư Cụ Từ Tâm. Vì việc đến của Ngài trong thế giới nầy hay việc đi của Ngài khỏi thế gian nầy không có gì bị ràng buộc hết, nên gọi là tự tại, mà tự tại thật, kể từ khi các chú vào chùa từ nhỏ, đặc biệt là Ngộ Đạo, cho đến nay đã 30 năm rồi; nhưng đâu có khi nào Sư Cụ nặng lời với chú đâu. Nếu muốn phạt thì Ngài dùng thân giáo, khẩu giáo và ý giáo để dạy bảo. Giống như bài học đầu đời của Ngộ Đạo khi xuống suối bắt cá vậy. Rồi lớn lên không biết bao nhiêu là chuyện lụy phiền của nhân thế cũng như việc học hỏi tu niệm; nhưng nhứt nhứt Ngài đều đã dạy rõ. Ngồi đây hồi tưởng lại chuyện xưa mà cảm thấy thấm thía làm sao.
Thoang thoảng bên tai của hai người, đâu đó tiếng Kinh Kim Cang trầm hùng bay bổng như từ không trung bay đến làm họ cảm thấy lời và ý Kinh thấm vào trong từng thớ thịt.
„...... Phật cáo Tu Bồ Đề! Chư Bồ Tát Ma Ha Tát ưng như thị hàng phục kỳ tâm. Sở hữu nhứt thiết chúng sanh chi loại. Nhược noãn sanh, nhược thai sanh, nhược thấp sanh, nhược hóa sanh, nhược hữu sắc, nhược vô sắc, nhược hữu tưởng, nhược vô tưởng, nhược phi hữu tưởng, nhược phi vô tưởng, ngã giai linh nhập Vô Dư Niết Bàn, nhi diệt độ chi, như thị diệt độ, vô lượng vô số vô biên chúng sanh, thật vô chúng sanh đắc diệt độ, hà dĩ cố? Tu Bồ Đề! Nhược Bồ Tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng tức phi Bồ Tát...”
Khi nghe qua như vậy cả hai đều sáng ra. Rõ ràng là đã có vô lượng vô số chúng sanh, Đức Phật đã làm cho họ vào cảnh Vô Dư Niết Bàn; nhưng thật sự ra chẳng có một chúng sanh nào diệt độ cả. Vì sao vậy? – Nếu Bồ Tát mà còn tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ Tát. Như thế không thể hàng phục tâm nầy được. Rõ ràng là nếu Bồ Tát còn chấp nơi tướng không còn gọi là Bồ Tát nữa. Vậy một vị Bồ Tát phải đứng trên sanh tử để ra vào tự tại chứ không thể đứng trong sanh tử để cho sanh tử chuyển xoay mình được.
Tiếp đến đoạn: „... Phật cáo Tu Bồ Đề! Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai...“ Đoạn nầy cũng quá hay và quá súc tích. Phật đã dạy cho Ngài Tu Bồ Đề cũng là gián tiếp dạy cho hai Thầy cùng với mọi người đến đưa đám của Sư Cụ rằng: „Cái gì có hình tướng thì cái đó đều hư vọng; nếu thấy các tướng mà không phải tướng mới thấy được Như Lai.“ Tất cả mọi vật có hình tướng như cái bàn, cái ghế, cái nhà, cái lâu đài, cung điện, ngai vàng và ngay cả cái thân nầy đều do các hợp tướng hợp lại, mà đã do hợp tướng tạo thành, tức nó không là thật. Đó chỉ là đồ giả mà thôi; thế mà lâu nay đa phần ta nghĩ là có thật. Chỉ có con mắt của những người giác ngộ mới nhận chân được thật tướng của các pháp không thật lúc ấy mới thấy được chơn như. Ấy là Như Lai Tạng hay Phật tánh đâu có ở ngoài, ở trong mà ta vẫn mãi dong rũi tìm cầu để đến khi quay lại nhận được tự tánh của mình thì lúc ấy mới thật biết rằng chơn như vốn không đến không đi, không còn, không mất.
Dưới cái nhìn của thế gian thì thấy Sư Cụ Từ Tâm có ra đi. Vì vậy cho nên đã có không biết bao nhiêu người buồn. Còn mình thì sao đây? Họ vừa buồn vừa hiểu mọi việc rõ như ban ngày; nhưng trong hiện tại họ khó làm chủ nổi chính mình. Phải cầu vào tha lực của Đức Phật A Di Đà, nên họ mãi niệm Phật để cho những tư tưởng khác khỏi xen tạp vào với lời Kinh từ trên vọng lại.
„... chư Bồ Tát Ma Ha Tát, ưng như thị sanh thanh tình tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm; ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm...“
Đoạn nầy là đoạn rất quan trọng mà Ngài Lục Tổ Huệ Năng đã ngộ được đạo và các vị Tổ khác cũng đã lần lượt ngộ cái cốt tủy của đoạn Kinh nầy. Kinh Kim Cang có 32 đoạn và đây thuộc đoạn thứ 10. Các Bồ Tát nên như thế nầy mà sanh tâm thanh tịnh. Đó là chẳng nên trụ vào sắc để sanh tâm, chẳng nên trụ vào thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, mà nên sanh tâm nầy ở chỗ không trụ...“ chỗ không trụ là chỗ nào thế? Đó là chỗ không chấp vào cái nầy bỏ cái kia. Chấp có chấp không, chấp còn, chấp mất; chấp vào sự hiện hữu của hình tướng, sự mất đi của thế giới v.v... tất cả đều bị cái chấp và lấy cái ngã của mình làm chủ nên mới sinh ra như vậy. Nếu Bồ Tát sanh cái tâm không chỗ sanh thì Bồ Tát chẳng trụ vào đâu để mà đến đi còn mất cả. Đó mới chính là thực tướng của Bồ Tát.
Khi nghe đến đoạn „... Sở dĩ giả hà? Ngã tướng tức thị phi tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức thị phi tướng. Hà dĩ cố? Ly nhứt thiết chư tướng tức danh chư Phật...“ Đúng đây là chỗ khúc mắc mà một hành giả đi vào đời phải rõ biết. Tướng của ta hay tướng thuộc về ta đều chẳng phải là tướng, tướng của người, tướng của chúng sanh, tướng thọ giả cũng chẳng phải là tướng. Vì sao vậy? Vì lìa tất cả tướng ấy mới gọi là Chư Phật. Vậy Chư Phật là những vị đã lìa khỏi sanh tử, lìa khỏi chấp trước. Còn chúng ta thì hoàn toàn ngược lại. Do vậy chúng ta vẫn còn là chúng sanh, chứ chưa được gọi là Phật. Mặc dầu trong ta đã có Phật tánh sẵn rồi; nhưng chúng ta chưa nhận ra cái sự thật ấy mà thôi. Sự thật ấy như Ngài Bạch Ẩn đã nói trong “Tọa Thiền Hòa Tán“ là: “Nước và băng đều giống nhau và lìa nước không có băng“. Vậy thì băng từ nước mà có. Giữa nước và băng giống nhau một tánh. Đó là tánh ướt, mà tánh nầy là tánh Phật, giữa Phật và chúng sanh đều có; nhưng Phật đã thành Phật. Còn chúng sanh vẫn là chúng sanh. Vì chúng ta chưa nhận chân được vị Phật chân chánh của mỗi chúng ta tự có nơi mỗi người.
„... Tu Bồ Đề! Nhược Bồ Tát thông đạt vô ngã pháp giả, Như Lai thuyết danh chơn thị Bồ Tát...“
Nếu là Bồ Tát thì phải thông đạt pháp vô ngã. Cho nên Đức Như Lai nói đó mới chính là Bồ Tát. Bồ Tát nghĩa là vị đã vì sự lợi lạc của chúng sanh mà vào đời để độ sanh; nhưng không vì thế mà bị đời làm lay chuyển. Trong khi độ sanh đó, thấy mình chẳng phải là người đi độ và chẳng thấy kẻ được độ, đó mới chính là sự độ sanh đúng nghĩa. Vì Bồ Tát khi độ như thế không đứng trên quan điểm hữu ngã, mà tất cả chỉ là tinh thần vô ngã. Khi Bồ Tát đã hiểu như thế rồi mới được Chư Phật thừa nhận là một vị Bồ Tát chơn thật.
„... Sở dĩ giả hà? Tu Bồ Đề! Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc...“
Vì Phật nói rằng tất cả tâm chẳng phải là tâm thì đó mới gọi là tâm, mà cái tâm ấy trong quá khứ ta đã chẳng dừng nghỉ, hiện tại tâm ấy cũng chẳng được. Còn vị lai thay đổi trong từng sát na sanh diệt, vậy thì cái gì gọi là tâm? Sở dĩ gọi là tâm, ấy chẳng qua là phương tiện nhắm đến cái trạng thái không thấy và không nắm bắt sờ mó được; nhưng dùng hình ảnh để ví dụ thì khó có cái trừu tượng; do vậy phải dùng phương pháp duyên khởi và vô tướng để ví dụ cho dễ hiểu vậy.
Ở đoạn thứ 26 có bài kệ mà hai Thầy đã nghe là:
“Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.“
Rõ ràng là:
“Ai dùng sắc để thấy ta
Dùng âm thanh để cầu ta
Kẻ ấy hành việc tà
Chẳng thể thấy Như Lai.“
Vậy muốn thấy được chân thật tướng của Như Lai phải vượt lên trên tất cả hình tướng, âm thanh, đối đãi v.v... nếu vin vào một cái gì đó thì chắc rằng hỏng hết đại sự rồi.
„... Hà dĩ cố? Nhược thế giới thật hữu giả tức thị nhứt hợp tướng. Như Lai thuyết nhứt hợp tướng tức phi nhứt hợp tướng, thị danh nhứt hợp tướng.“
Đoạn nầy ý nói:... vì sao vậy? Nếu thế giới là thật có, tức là một hợp tướng. Đây có tên là một hợp tướng“. Như vậy thì ngay cả thế giới nầy nào sơn hà đại địa, con người, loài vật, cây cỏ và không những chỉ ở đây mà còn trong 3.000 thế giới lớn nhỏ khác nữa tuy có đó; nhưng thật tế là không có. Vì sao vậy? Vì nó là một hợp tướng. Nói như trong Luận A Tỳ Đàm, Phật đã chỉ rõ về sự thành tựu của thế giới nầy và dẫu cho vũ trụ có bao la, thời gian có vô cùng đi chăng nữa tất cả cũng chỉ là một hợp tướng mà thôi. Hợp tướng ấy do đất, nước, gió, lửa tụ lại thành. Nếu vì một nhân duyên nào đó, hợp tướng kia sẽ tan rã. Do vậy mà không có gì chắc thật cả. Ngay cả thân tứ đại nầy cũng thế thôi. Hôm nay Ngài còn nằm đây để nghe người ta đến cầu nguyện và chúc tụng; nhưng ngày mai ngày mốt đây khi ngọn lửa hồng đến thì thân nầy cũng chẳng còn gì. Rõ ràng là một hợp tướng. Do vậy mà Đức Phật dạy rằng cái hợp tướng ấy chẳng phải là một hợp tướng. Thế nên có tên là một hợp tướng. Vì hợp tướng ấy không thật. Cũng giống như thân người, thân muôn vật vậy. Vì còn trong vòng đối đãi cho nên ta thấy tốt xấu, trẻ già; nhưng nếu chúng ta quán triệt được lẽ vô thường của kiếp nhân sinh và cái hợp tướng không thật đó, ta sẽ hiểu được tự tánh của chính mình.
Đoạn cuối cùng của Kinh Kim Cang có bốn câu rất là siêu việt mà ai trong chúng ta khi nghe qua cũng phải thức tỉnh một cách nhanh chóng để trở về với thực tại.
Kinh rằng:
“Nhứt thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điển
Ưng tác như thị quán“
Nghĩa là:
“Nên quán như thế nầy
Tất cả pháp hữu vi
Như mộng và như huyễn
Như sương lại như điện“
Hiểu được như thế là rõ biết nội dung của Kinh Kim Cang Phật muốn dạy điều gì cho chúng ta. Vì chúng ta biết rằng phàm cái gì có hình tướng, tức là các pháp hữu vi. Nó giống như mộng huyễn và ảo ảnh. Tuy có đó; nhưng trên thực tế là không. Vì lẽ thực tướng của vạn pháp là không. Cái không ấy cũng giống như sương mai trên đầu ngọn cỏ. Có đó rồi mất đó, đẹp như hạt ngọc đó; nhưng khi ánh Thái dương ló dạng nó lại tan đi. Thân nầy cũng giống như giòng điện vậy. Hợp thì tạo thành ánh sáng, âm thanh. Không hợp thì không tạo thành hình tướng. Chỉ đơn giản thế và thực tướng nó là không. Nhưng nào ai có thể rõ biết được? Nếu quán được như vậy và đem sự hiểu biết nầy để đi truyền dạy cho người khác cùng biết thì công đức nầy lớn hơn công đức đem vàng bạc của báu và ngay cả thân mạng nầy đi bố thí suốt năm tháng ngày giờ cũng không sánh được với kia một trăm, ngàn, vạn ức lần. Do vậy mà việc trì Kinh, hiểu Kinh rồi biên chép, giải nói cho người khác cùng hiểu để được giải thoát và trở về lại với cái ta chân thật của mình. Đó mới chính lá cách tu học đúng đắn nhất của người Phật Tử.
Sau khi nghe nội dung của Kinh Kim Cang xong, có lẽ do chư Thiên hay chư vị Bồ Tát đọc, cả hai người đều cảm nhận được; nhưng rất nhanh; thời gian có thể chỉ trong sát na mà xem ra dài lâu lắm. Ngộ Đạo nhìn lên bàn thờ của Sư Cụ thấy một tuần nhang đã mãn. Có nghĩa là ít nhất cũng đã hơn một tiếng đồng hồ rồi và trong một tiếng đồng hồ đó có biết bao nhiêu là người qua lại cũng như đối mặt với hai Thầy. Vì lâu nay họ cũng muốn biết công phu tu niệm của hai Thầy ra sao và rồi đây một trong hai Thầy sẽ là kế vị trụ trì của ngôi Sắc Tứ Hưng Phước Tự nầy.
Ba cánh cửa Tam quan đều được mở rộng để cung nghinh chư Tôn Đức Tăng Già và đặc biệt hôm nay có đương kim Thánh Thượng sẽ giáng lâm cùng với các quan văn võ của triều đình để tham dự lễ Hỏa Thiêu của Sư Cụ Từ Tâm và sắc phong đạo hiệu. Do vậy mà ai cũng tỏ ra cái gì cũng nghiêm trọng và lo lắng. Nhất là những quan tuần canh quanh chùa. Họ chỉ muốn làm tròn bổn phận của họ; nhưng họ cũng không tha thứ cho ai hết; nếu có việc gì bất trắc xảy ra. Họ biết họ phải làm gì?
Một đoàn ngự giá nào xe nào ngựa, nào quan quân, cờ lọng rợp cả một vùng núi non của Hưng Phước Tự hôm ấy. Từ xa xa đã nghe những tiếng hô vang dội: Thánh Thượng vạn tuế vạn vạn tuế. Thế là chữ tuế nầy kế tiếp chữ tuế kia vang dội mãi cho đến cổng chùa. Nơi nào nhà Vua đi qua thì bàng dân thiên hạ đều quỳ mọp xuống. Chỉ trừ những người xuất gia là không thực hiện nghi lễ ấy mà thôi. Mình và đầu của họ hơi cúi xuống để chào một vị “Dân chi phụ mẫu“ rồi ngẩng lên nhìn.
Đến cổng Tam quan nhà Vua xuống ngựa và đi bộ ngay vào chánh điện lễ Phật và sau đó vào Tổ Đường để thăm viếng Kim Quan của Hòa Thượng Từ Tâm. Nhà Vua đứng lặng yên chẳng nói lời nào và Vua ra hiệu cho bộ lễ mang lễ vật ra để phúng điếu. Sau đó một vị quan văn mở phong hàm ra và quỳ xuống trước bàn thờ Tổ trịnh trọng đọc.
Đại Nam quốc Đương Triều Hoàng Đế sắc phong Đạo hiệu: “Từ Lâm Tế Chánh Tông Tam thập bát thế húy thượng Từ hạ Tâm tự Giác Ngộ hiệu Hưng Quốc Quốc Sư Hòa Thượng tọa hạ liên tòa.“ Đoạn trao giấy sắc phong ấy cho Thầy Ngộ Đạo và hai vị cúi đầu thi lễ Đức Vua cũng như Hoàng Hậu và bá quan văn võ triều đình. Cũng chính hôm nay Công nương Mỹ Lệ con quan Tể Tướng của Triều Đình cũng có mặt. Nàng nhìn chăm chăm về phía trước và hiểu ra rằng Ngộ Đạo sẽ là vị trụ trì kế nhiệm tương lai, thế là trong dạ nàng mừng thầm. Còn Ngộ Tánh như đờ người ra vì đã xa hình bóng cũ hơn mười năm rồi mà trông nàng vẫn còn xinh đẹp như xưa. Quả là trái đất vẫn tròn. Nhưng hội ngộ trong khung cảnh tang tóc như thế nầy thì quả rằng khó nói lắm.
Sau khi đi chùa về cách đây mười năm về trước nàng cảm nặng. Đó là cảm tình chứ không phải là cảm nắng hay sương như cha mẹ nàng nghĩ. Thế rồi mọi việc cũng đã qua; nhưng hôm nay trong sự cố tình nàng Mỹ Lệ muốn đi đưa tiển Kim Quan của Sư Cụ Từ Tâm; nhưng trên thực tế nàng muốn gặp mặt người mình thương, đó là Thầy Ngộ Đạo. Qua sự khuyên giải của mẹ cha rồi nàng cũng nguôi đi; nhưng bây giờ gặp lại người xưa mặt đối mặt thì bao nhiêu nổi tơ vò lại xốn xang trong lòng nàng, chẳng biết diễn tả như thế nào trong bối cảnh nầy nữa. Một nhịp đập khác của con tim bị rối loạn. Đó chính là của Ngộ Tánh. Mặc dầu Ngộ Tánh cũng đã nghe Tứ Thiên Vương trì Kinh Kim Cang xong; nhưng bây giờ những câu Kinh ấy đã bay bổng đi đâu hết rồi. Trong khi đó, Ngộ Đạo nét mặt vẫn điềm nhiên và Thầy quán lại bốn câu kệ rằng:
“Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.“
Và “Như Lai giả vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.“ Chỉ chừng ấy thôi cũng đã làm cho Ngộ Đạo rõ được lý vô thường rồi và cũng làm cho Thầy an tâm để gìn giữ Như Lai chơn thật tướng của mình. Trong khi đó, nếu lúc ấy có ai nhìn trộm được mặt của Tiểu Thơ thì chắc rằng cũng đã thấy được những cử chỉ vụng về của Tiểu Thơ lúc ấy.
Từ xa xa cách chỗ Kim Quan của Sư Cụ có một người đàn bà mang dáng dấp là một mệnh phụ phu nhân, trông rất đài các và đứng đắn, trạc tuổi chừng năm mươi thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn Ngộ Đạo với một cái nhìn đặc biệt; nữa như van xin nài nỉ, nữa như muốn nói một điều gì đó mà chẳng phát biểu được trong lúc này. Rồi lại thôi không nhìn nữa; nhưng thỉnh thoảng người đàn bà ấy vẫn có một cái nhìn thật là thiện cảm. Không phải là cái nhìn bình thường mà trong cái nhìn ấy còn ẩn chứa một cái gì đó nữa.
Thế rồi giờ di quan đã đến và chiếc Kim Quan từ từ được di chuyển ra giàn hỏa thiêu nhân tạo gần đó. Trong khi chư Tăng tụng sám Khể Thủ Ngộ Đạo và Ngộ Tánh cố nhặt những viên Xá Lợi óng ánh của Sư Cụ cho vào lọ sành mang qua bảo tháp Vạn Thọ để nhập tháp. Văng vẳng đâu đây bên tai hai Thầy những câu tụng giọng trầm bổng của chư Tăng như sau:
“... Ngã cập chúng sanh, khoáng kiếp chí kim, mê bổn tịnh tâm, túng tham sân si, nhiễm uế tam nghiệp, vô lượng vô biên, sở kết tội cấu, vô lượng vô biên, sở kết oan nghiệp, nguyện tất tiêu diệt, tùng ư kim nhật, lập thâm thệ nguyện, viễn ly ác pháp, thề bất cánh tạo, cần tu thánh đạo, thệ bất thối đọa, thệ thành chánh giác, thệ độ chúng sanh...“ cốc, cốc,cốc, boong... cứ theo từng nhịp mõ lời Kinh như thế bài sám Khể Thủ như là bài sám cho chính mình, cho hai người đệ tử của Sư Cụ Từ Tâm. Bởi chính vì mình từ trong vô lượng kiếp đến nay cái gốc của mê mờ nằm nơi tâm thanh tịnh nầy là do tham sân si làm cho ba nghiệp nhiễm lây. Rồi không biết bao nhiêu là việc làm tội lỗi, cũng chẳng có không biết bao nhiêu là oan khiên nghiệp chướng trong bao nhiêu đời trói buộc vào nhau... con nguyện được tiêu hết và bắt đầu từ ngày hôm nay con với thân nầy tự nguyện rằng: xa lìa tất cả các pháp ác và thề chẳng tạo nên, siêng tu con đường Thánh và thệ nguyện không bị đọa lạc và mong thành chánh giác để cứu khổ chúng sanh. Đúng là lời thệ nguyện của các vị Bồ Tát. Ta đã làm gì để độ sanh chưa? Và ta bao giờ thì có thể độ sanh được? Và ai là chúng sanh mà ta phải độ trước đây?
Cánh cửa tháp Vạn Thọ đã được mở ra và đặc biệt Ngộ Đạo chỉ một mình mang cao bình tro Xá Lợi ấy thành kính đưa vào bên trong bệ thờ, đoạn quỳ xuống lạy ba lạy. Trong khi bên ngoài câu niệm „Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật“ vẫn còn vang dội khắp núi đồi. Bây giờ các Phật Tử quỳ xuống dâng hương hoa và lễ lạy cúng dường. Đức Vua và Hoàng Hậu là người đứng bên trước phía tháp cũng là người ra sau cùng nhất. Vì Vua muốn chiêm nghiệm lại cuộc đời mình cũng như nghi lễ tống tán hôm nay. Ngài không nói gì nhiều mà khi nhìn nét mặt chỉ thấy Ngài ra dáng đăm chiêu suy nghĩ. Có lẽ về một vấn đề gì đó của Triều Đình chăng? Hay vì lẽ vô thường của diệt sinh sinh diệt?
Phần tro còn lại theo như lời Sư Cụ dặn trong thơ di chúc Ngộ Tánh mang xuống dưới giòng suối và cùng với các Phật Tử khác tụng chú Vãng Sanh để rải tro ấy và cầu nguyện cho giác linh của Ngài được cao đăng Phật quốc.
Sau lễ tống tán hôm đó chư Tăng và triều đình mọi người đã lần lượt ra về; chỉ còn lại một số người làm công quả và chư Tăng trong môn phái ở lại để làm lễ trí giác linh. Ngộ Đạo khệ nệ mang Long Vị của Sư Cụ mình đặt lên trên bàn hương án phía trước bàn thờ Tổ cùng di ảnh. Trong khi đó Ngộ Tánh lo khệ nệ bưng bát nhang của Sư Cụ để vào ngay trước Long Vị, đoạn sụp xuống lạy ba lạy và trở ra ngoài để chuẩn bị làm lễ an Linh.
Cả hai người khi nghe chư Tăng tán bài:
“Nhứt bát thiên gia phạn,
Cô thân vạn lý du,
Kỳ vi sanh tử sự,
Thuyết pháp độ xuân thu.“
Nghĩa là:
“Một bát, cơm ngàn nhà,
Một thân, muôn dặm xa,
Chỉ vì sự sanh tử,
Thuyết pháp độ người qua.“
Quả thật là tuyệt vời và vi diệu. Chưa bao giờ lời văn và ý tứ của những câu kệ nầy đập vào tai vào đầu vào mắt vào tâm của Ngộ Đạo và Ngộ Tánh mạnh như hôm nay và nó khắc khỏi làm sao, khó diễn tả được hết. Họ nghe bài tán nầy khiến họ nhớ đến mười năm lưu lạc tại xứ người. Nào Ấn Độ, Népal, Bhutan, Tây Tạng. Rồi Trung Hoa, Đại Hàn, Nhựt Bản. Chừng ấy bước đi, chừng ấy nẽo đường trần và chỉ một mình cô thân lẽ bóng nơi những khung trời xa lạ ấy, có ai biết đến mình và mình cũng đâu có biết đến ai, để ngày hôm nay về lại đây một chuyện não lòng chẳng chờ đợi; mà đã đến. Nhưng cuối cùng rồi cũng phải nối bước của Sư Phụ để hoằng pháp lợi sanh và cũng phải làm sao để chấn hưng Thiền Phái Lâm Tế càng ngày càng được rạng rỡ hơn. Sư Cụ dầu ở cảnh giới nào đó, khi Ngài nghĩ về hai người đệ tử chắc Ngài sẽ gục đầu như tán dương những việc làm hữu ích ấy.
Mọi người đã rời khỏi Tổ Đường chỉ còn lại một người duy nhất. Đó là một mệnh phụ với cái nhìn Thầy Ngộ Đạo một cách chăm chăm hôm trước. Bà ta quỳ lên sụp xuống không biết bao nhiêu lần và nước mắt lưng tròng. Chẳng biết bà ta khấn gì và cầu gì; nhưng trông có vẻ hối hận lắm. Không lẽ nào việc nhà của bà khó khăn đến thế sao? Đến cầu giác linh Sư Cụ giúp đỡ? Hoặc giả bà có chuyện gì thầm kín chẳng thổ lộ cho ai nghe được mà chỉ có lúc nầy bà ấy mới có thể tỏ bày được.
Khi Ngộ Đạo hỏi trong chùa mấy người làm công quả, bà là ai thì chỉ có cái lắc đầu đáp lễ và có người bàn vào.
- Mô Phật bạch Thầy! Người đàn bà ấy có lẽ không ở vùng nầy, mà ở tận chốn kinh kỳ kia?
- Sao Đạo Hữu biết?
- Mô Phật bạch Thầy! Trông dáng ăn mặc và cách đi đứng thì đủ rõ. Đúng là một mệnh phụ phu nhân.
- Đạo Hữu có thấy bà ta đến chùa mình chăng?
- Chẳng bao giờ. Hôm nay là lần đầu tiên bà ấy xuất hiện.
Sau khi lễ Tổ xong bà mệnh phụ ấy xuống nhà trù và có ý muốn gặp Thầy tân trụ trì và nhờ người trong chùa vào thưa. Thầy đồng ý và đây là sở nguyện của bà.
- Mô Phật bạch Thầy! Tôi... tôi... con là Thanh Tịnh, Phật Tử của chùa nầy; nhưng vì công chuyện làm ăn ở, nên ít có cơ hội về chùa và hôm nay nhân việc đưa tang Sư Cụ tôi... tôi... con xin đường đột muốn gặp Thầy và mong Thầy giúp cho một việc...
- Mô Phật! Đạo Hữu cứ trình bày.
- Thưa Thầy! Con thực sự ra từ nhỏ đến lớn vẫn ở một mình; nhưng bây giờ kể ra tuổi cũng già rồi, muốn vào nương náu cửa Phật để sớm chuông chiều kệ và làm công quả thay thế cho hai vị Tịnh Hạnh Nhơn vừa mới qua đời.
- Sao Đạo Hữu biết rõ vậy?
- Mô Phật! Tuy con ở xa; nhưng việc chùa nầy con vẫn dõi mắt từ lâu. Vì con cũng có tâm nguyện như thế đã lâu lắm rồi.
- Nhưng còn chồng và con của Đạo Hữu?
- Con không có chồng; nhưng cũng có một muộn con.
- Bây giờ đã ra sao rồi?
- Người ấy đã ra đi xa lắm rồi. Nên con tự chọn cho con một con đường.
- Thế cũng tốt; nhưng để tôi bàn lại với Sư Huynh tôi đã.
- Mô Phật! Cảm tạ tấm lòng từ bi của Thầy.
Sau đó bà Thanh Tịnh về nhà trù ngồi chờ kết quả của Thầy Ngộ Đạo đi bàn với Thầy Ngộ Tánh là nên thâu nhận thêm một người nữa để cho họ có bạn khi ở chùa. Vì đó cũng là sự dụng ý của Sư Cụ mà. Sau khi bàn tính với nhau như vậy Thầy Ngộ Đạo xuống nhà trù và bảo bà ta rằng:
- Tôi thấy như Đạo Hữu không phải là người làm những công việc nặng nhọc được?
- Nổi nhọc nhằn nào thì con cũng có thể chịu được hết. Miễn sao quý Thầy cho con được toại nguyện là tuổi già còn lại được ở chùa nầy để sớm hôm Kinh kệ và phụng dưỡng quý Thầy thì con toại nguyện lắm rồi.
- Mô Phật! Cửa Phật vốn từ bi. Xin Đạo Hữu cứ tự nhiên và về nhà thu xếp việc riêng sau đó mai mốt dọn vào chùa ở nơi nhà trù nầy, phía sau hậu liêu cùng với một bà vải khác nữa.
- Mô Phật. Xin đa tạ Thầy. Con xin vâng.
Người đàn bà ấy như mừng rỡ lắm và trên nét mặt bà ta trông càng rạng rỡ hơn khi được Thầy Tân Trụ Trì chấp nhận để bà trở thành một Tịnh Hạnh Nhơn của ngôi chùa Sắc Tứ Hưng Phước Tự nầy.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]