Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Cỏ và hoa

11/06/201319:39(Xem: 8559)
08. Cỏ và hoa

Tu bụi

Trần Kiêm Đoàn

CHƯƠNG TÁM

Cỏ Và Hoa

Nghiệp cũng là duyên. Khi tai họa đến là nghiệp báo. Khi điều tốt đến là duyên lành. Nghiệp và duyên trùng trùng nối đuôi nhau. Nghiệp như cái búa vô hình giáng xuống tạo ra sự đổ vỡ và duyên như chất keo khi dính thì hợp, khi hết dính thì tan. Duyên nghiệp không còn là tiếng vọng ra từ cửa chùa mà đã trở thành ý niệm đời thường của đại chúng.

Đã tạo nghiệp thì phải trả nghiệp; đã trồng duyên thì sẽ được hưởng duyên. Trí Hải tin điều đó như một nguyên tắc công bằng xã hội.

Trong cái không khí thâm cung lạnh ngắt của triều thần lúc đăng triều nghị sự, chỉ còn hình ảnh của các thái giám là vui mắt và linh động nhất. Các quan thì nhất nhất nghiêm cẩn từ cái thở đến cái nhìn. Những lọn tóc dài quấn gọn trong chiếc mũ bình thiên để lộ những cần cổ trắng ngần trên áo gấm. Mắt hướng về quân vương nhưng gáy vẫn rờn rợn với hơi lạnh lưỡi kiếm vô hình của nhà vua có thể giáng xuống vì những sai phạm bất ngờ.

Các thái giám hình như số phận sinh ra không phải để làm người mà để làm cái bóng của con người. Trong cung cấm, giữa đại triều nghi cũng như ngoài tử cấm thành, các thái giám vẫn lượn lờ như những cái bóng. Cái bóng không dựa vào quá khứ mà cũng chẳng vịn vào tương lai. Vệt bóng đêm ngày múa may theo vật chủ, nên khi chưa gặp thời thì chỉ là dư âm, dư ảnh len lỏi và tan loãng giữa những khe hở của đời sống; khi gặp thời lại biến hóa theo tài năng và quyền lực; lúc đắc thì thế rất dễ trở thành hung thần ác sát.

Thái giám chức lớn mặc áo rộng màu lục. Giám trẻ mặc áo màu xanh. Rất khác với hình thêu loan phượng của các quan văn và hình thêu lân ly của các quan võ, trên ngực áo thái giám thêu hoa mầu xanh nền đỏ. Nét đặc biệt nhất trong trang phục của thái giám là cái mũ màu đen thêu chỉ vàng hình một con ve và một cái đuôi con chuột. Một biểu tượng hiểu như là người thái giám được ví với con ve sống tinh khiết với những giọt sương trên cành để phục vụ. Đồng thời, thái giám cũng ví với con chuột chui rúc, len lỏi được vào bất cứ khe hở nào kín đáo nhất trong nhà.

Hơn một năm, từ ngày vua Minh Mạng lên ngôi, lần đầu tiên Trí Hải được triệu vào cung. So với vua Gia Long, người lên làm vua sau cuộc binh đao, trực tiếp cầm quân chiến đấu và chiến thắng với sự kiên trì, thao lược, thì vua Minh Mạng là một ông vua hành chánh. Điển hình là một người con vua được đào tạo cẩn thận để lên làm vua trong khung cảnh “bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”của vua cha truyền lại. Vua Minh Mạng tập trung vào việc củng cố quyền lực đương triều ngay từ khi mới lên ngôi. Hướng đi đã quá rõ ràng: Tiến gần với Trung Hoa và chống Tây Phương. Chống Tây Phương chẳng phải là một sách lược quốc kế dân sinh mà là một phản ứng tình cảm trước mắt. Phải xóa sạch ảnh hưởng còn sót lại của hoàng tử Cảnh, đông cung thái tử đã được vua Gia Long giao cho linh mục Bá Đa Lộc lúc mới lên 5 để đem qua Pháp đào tạo, chuẩn bị nối ngôi. Hoàng tử Cảnh bất ngờ chết sớm, nhưng con cái và kẻ tâm phúc vẫn còn sống là bóng đen còn đe dọa. Nhân vật gần gũi nhất với hoàng tử Cảnh và tiếp cận với người Pháp một cách chính thức, công khai được vua Gia Long chuẩn nhiệm là Trí Hải. Thế nhưng bao nhiêu sự nhòm ngó, rình rập, theo dõi công khai lẫn bí mật vẫn chưa nêu ra được một nghi vấn nào về hành vi xử sự thiên lệch của Trí Hải. Sự thẳng thắn và trong sáng của Trí Hải làm cho mọi người vừa kính nể vừa khó chịu. Kính nể đã đành, nhưng khó chịu vì chân dung con người phải là một bức tượng đóng rêu; bức tượng phải hoen ố, nếu không vì bão tố, cũng vì thời gian. Bức tượng trong sáng hoài làm cho sương tuyết và thiên hướng sinh diệt của con người mất đi chỗ dựa tự nhiên và cũng không còn nơi trú ẩn quen thuộc của nó. Trí Hải là một loại tượng đài không dựng bằng hình hài hiện thực mà lại được dựng lên đâu đó trong những góc khuất của tâm hồn cây cỏ.

Trời đã gần trưa, nắng chiếm gần hết các tấm đá sẫm màu của sân chầu. Các tầng cấp đá thanh chạm hình rồng vắng bóng người. Ngoài sân chỉ còn hai con nghê bằng đồng, tượng trưng cho uy quyền của vua, có vẻ như đang đứng gác. Trong khung cảnh của một đại tiền đình rộng mênh mông, các trướng liễn đỏ chói, vàng óng ánh, các cột lớn chạm trổ cầu kỳ và công phu được sơn son thếp vàng rực rỡ soi bóng xuống nền đại sảnh bóng láng như gương. Xa khuất trong bóng mờ của một thiên các mầu hoa lý, cô lập sau làn khói nhẹ tỏa từ lư trầm, nhà vua vẫn còn đĩnh đạc ngồi đó sau buổi lễ đại triều. Các quan văn võ đại thần lương đống của triều đình được lệnh ở lại chầu vua trong một phiên nghị sự bất thường.

Thình lình có hiệu lệnh, tất cả đều im bặt. Ngay tiếng thở khò khè của các vị quan già cũng phải nén bớt. Một vị quan triều từ cánh tả tiến đến trước ngai vua, lạy năm lạy và quỳ sang một bên đọc lệnh. Thì ra đây là bản văn luận tội Trí Hải về việc tham gia đánh cờ tại kinh đô, làm kinh động triều đình và bá tánh trong thời điểm có quốc tang.

Các quan không ngạc nhiên về bản án mà nín thở chờ đợi cái gì sẽ đến. Không ai nghĩ Trí Hải là một nhân vật thân Tây hay là vây cánh của hoàng tử Cảnh cần phải nhanh tay trừ khử. Nhưng thà dập tắt một con đom đóm nghi ngờ vẫn hơn là mất công chữa đám cháy về sau.

Lời tuyên đọc án lệnh chấm dứt từ lâu mà bá quan vẫn im lặng như tờ. Nhà vua tuy có quyền uy tuyệt đối, nhưng vẫn cần một sự luận tội tập thể của quần thần trên thân phận những nhân vật tiếng tăm lẫy lừng như Trí Hải. Trên những chiếc chiếu gấm màu rực rỡ dệt khéo tay, hướng về phía ngai, Trí Hải đứng cùng với hai vị hoàng thích gần gũi nhất với vua, chờ đợi. Cậu bé ngoan ngoãn ngày xưa, bước đi không dám động gót giày, chí thú hầu hạ bên cạnh vua cha mỗi lần Trí Hải đến viếng vua Gia Long bây giờ là hoàng đế đương triều.

Sự im lặng vẫn kéo dài sau lời truyền của vua gọi các quan tham gia bình nghị. Trong giây phút nghiêm trọng nầy, đối với các lão thần thì sự lo sợ bị quở về thái độ lặng im tiêu cực không thắng nổi ưu tư về tai tiếng vô hình đầy khắc nghiệt của bia miệng đời sau. Thà ngậm miệng như đậy bình, giữ ý như giữ thành dẫu sao vẫn an thân hơn là lên tiếng trong lúc nầy.

Trong không khí trầm trịch khó thở, tiếng con dơi đổi chỗ cũng nghe rõ mồn một. Từ sau chiếc cột chạm rồng leo, ló ra bộ mặt nhẵn nhụi và chiếc áo lục dài của vị trưởng thái giám. Vì có cơ hội tiếp cận với nhau thường xuyên trong chốn thâm cung, Vua và các thái giám hầu cận rất ít khi nói với nhau bằng lời. Vua chỉ cần lừ mắt, liếc mắt, mím miệng hay ra hiệu chỉ bằng ngón tay… là các thái giám đã hiểu một cách rõ ràng và thi hành mệnh lệnh răm rắp, tức thời. Trong không khí im lặng nghẹt thở, viên trưởng thái giám đã bắt gặp một tín hiệu nào đó của nhà vua. Khuôn mặt trắng xanh của ông khi nhợt nhạt, khi lấm tấm đỏ lên, với dáng nhấp nhổm không yên, chứng tỏ người thái giám trưởng đang chiến đấu dữ dội với một tình trạng khó xử nào đó. Cuối cùng, người ta thấy mặt ông vã mồ hôi, mắt như lạc đi, miệng méo xệch khi ông cố thẳng lưng bước ra, đứng khép nép trước mặt bá quan văn võ. Ông liếc cạn Trí Hải mấy lần trước khi thu hết can đảm đứng ra hài tội.

Trước sự ngạc nhiên đến chưng hửng của lớp quan triều đang nén thở chờ đợi, giọng the thé của viên trưởng thái giám cố làm ra vẻ đĩnh đạc cất lên:

- Muôn tâu hoàng thượng, khải bẩm chư bá quan văn võ. Tôn ông Trí Hải là bậc trí giả tài cao học rộng nhưng hành xử còn thua kẻ thất phu. Trong lúc đại tang của tiên vương vừa mới giáp năm, bá tính lòng đau như cắt, nước mắt còn chảy mỗi ngày thì hoàng thân Trí Hải đã mải lo việc cờ bạc vui chơi. Lại nữa, Thái Ấp là ơn vua lộc nước ban cho vậy mà dám đem ra đặt trên chiếu bạc với Hàn Kỳ Vương. Tội lớn tày trời, xin nghiêm trị để làm gương cho bá tánh!

Tiếng nhốn nháo của giới quan triều từ lâu im lặng bắt đầu nổi lên sau lời tâu của viên trưởng thái giám. Vua phải dằn hốt ngà thành tiếng để ra dấu im lặng.

Các quan hầu chánh điện lom khom đi quanh thì thào nói vào tai các quan để thỉnh ý có ai muốn phát biểu, nhưng chẳng có ai đủ can đảm tâu trình lời nào trong giờ phút nghiêm trọng nầy. Hầu như mọi đôi mắt đều mở lớn dồn về phía Trí Hải để xem phản ứng của ông ra sao. Ván cờ lịch sử trên sông Hương vừa qua càng tạo điều kiện cho những giai thoại về Trí Hải được thổi phồng như chuyện huyền thoại. Nét giả tưởng, huyền thoại có vẻ như rất hợp với dáng dấp và vẻ mặt của Trí Hải trong không khí nghị triều im phăng phắc nầy. Trí Hải ngồi im lặng, một nửa người khuất sau bóng của cột điện chạm rồng phụng dát bạc, dát vàng nổi trên nền son rực rỡ. Đôi mắt chẳng nhìn ai. Khuôn mặt thanh tú sáng lên nét thông minh và tĩnh lặng. Người ta có cảm giác thân xác Trí Hải không còn thuộc về cõi trần gian ô trọc nầy. Nó sẵn sàng bay lên nhẹ như bông. Vẻ an lạc của Trí Hải ít nhiều gây nên sự ghen tức biến thành căm giận trong tâm lý của một số quan triều. Đấy là những vị Ba Gấm thường xuyên run rẩy khi bước chân vào chánh điện mà hoàng thượng đăng triều đang ngự trên ngai. Sự bình thản gần như không nghe, không thấy của Trí Hải trước lời buộc tội gay gắt của trưởng thái giám được suy diễn thành thái độ cao ngạo và thách thức.

Quan hành khiển bộ Công bắt được tín hiệu của của hoàng thượng qua viên trưởng thái giám. Ông ta đứng lên tâu trình ý kiến. Ngoài sự lập lại ý chính của thái giám, quan hành khiển còn sụt sùi khóc lóc vì nhớ tiên đế vừa băng hà. Tấm màn trình diễn đã được kéo lên. Hàng đại quan nhất phẩm triều đình đã đạt đến đỉnh cao của danh vọng nên thường cân nhắc lời nói trước mặt hoàng thượng hết sức cẩn trọng. Bởi vậy, các đại thần đều im lặng. Nhưng đây là phiên chợ lý tưởng của các quan nhỏ từ nhị hay tam phẩm trở xuống cạnh tranh nhau. Rất ít quan chịu mất điểm trong cơ hội nghìn năm một thuở nầy. Vị quan sau phải khóc to hơn và lời hài tội Trí Hải cũng phải gay gắt hơn các vị quan trước mới mong chiếm thế ưu việt thượng phong. Vua phải ra lệnh cho phép nói, nhưng cấm khóc mới tránh được tình trạng có thể có quan chuẩn bị lăn đùng ra ngất xỉu vì… tiếc thương tiên đế.

Trí Hải phải nén lắm mới ngăn được giọt nước mắt sắp sửa rơi xuống. Nỗi cảm thương dấy lên trong lòng Trí Hải không phải để thương nhớ ai mà vì thương cho vận nước. Những năm theo hoàng tử Cảnh ở thủ đô Pháp thời trước Cách mạng 1789, Trí Hải đã chứng kiến, tuy không hiểu hết mọi góc cạnh sâu xa của vấn đề, nhưng đã tới tận nơi, theo đám người trẻ vỗ tay hoan hô, la hét, cổ võ những cuộc tranh luận chính trị thẳng thắn, công bằng giữa giai cấp lãnh đạo, quý tộc và các thành phần xã hội. Điệu sống cởi mở nầy đã tạo ra sức mạnh cho đất nước Pháp chuẩn bị phiêu lưu vào những cuộc chinh phục thế giới. Qua những cuộc tiếp xúc với người Pháp đến Việt Nam, Trí Hải thấy được chiến lược từng bước chiếm Viễn Đông làm thị trường thuộc địa của Pháp là điều không tránh khỏi. Thế nhưng cả vua quan đương triều không hề quan tâm chuyện bên ngoài. Lời bình nghị trong các dịp đăng triều để quan có dịp tâu trình lên vua những quốc kế dân sinh thì toàn là những lời tung hô, nịnh hót, tâng bốc. Dối trá trở thành một phương tiện phổ thông để ẩn mình hay tiến thân trên đường bá đạo. Theo dõi các quan nhỏ muốn thành quan to nên phải bắt chước nhau lập lại lời nói ngớ ngẩn và sự kết tội vu vơ do viên trưởng thái giám mở màn để làm vui lòng vua, Trí Hải ngao ngán thở dài. Đã chuẩn bị tinh thần từ ngày ấm Thuyên và phe cánh hoàng tử Cảnh bị triệt hạ, Trí Hải chẳng cảm thấy một chút gì nao núng tinh thần hay sợ hãi. Nhưng nỗi buồn từ đâu lại đến. Nhìn chiếc thuyền chở nặng đang đuối dần phía mũi nhưng phía lái vẫn hát hò. Nói chẳng ai nghe mà còn bị cho là muốn phá hoại cuộc vui.

Các quan như đang say sưa trong cuộc ném đá lên đầu kẻ bị cho là “dị giáo” thời trung cổ.

Vua lại phải dằn hốt ngà lần nữa để bảo các quan im lặng. Những tiếng nói kia dù nhiều ít chừng nào thì cũng chỉ là tiếng lao xao. Vua và các quan đều đang chờ đợi một tiếng nói chung cuộc. Tiếng nói có uy thế từ thời tiên đế nên mọi người đều hiểu sức mạnh đầy ngự trị của nó: Tiếng nói của Quan thượng thư bộ Hình Lê Trung Ẩn.

Không khí thâm cung vãn hồi trở lại khi Lê Trung Ẩn, thủ lãnh sĩ phu Bắc hà và cũng là đương kim thượng thư bộ Hình lên tiếng:

- Tâu hoàng thượng, chiếu theo luật nước đã đặt định từ thời tiên vương, quan thái giám không được lạm bàn vào việc nước hay bất cứ việc gì lớn nhỏ liên quan đến pháp chế của triều đình. Nay quan tổng thái giám đã công khai vi phạm. Vậy theo hình luật đương triều, tội đáng xử chém đầu, không có trường hợp giảm khinh, cải án! Cúi mong hoàng thượng ban chỉ.

Lập tức sau lời tuyên án của quan chấp pháp, người ta thấy bộ phẩm phục màu lục và bộ mặt kinh hoàng của quan quản thái giám rơi xuống nền nhà, tiếp theo là tiếng rên dài như tiếng thét tuyệt vọng:

- Ối! Cha mẹ ơi, chết con rồi!

Sự nghiêm cẩn của Lê Trung Ẩn trong vai trò trọng thần chấp pháp đã nổi tiếng từ thời vua Gia Long nên chẳng ai lên tiếng để cứu một thái giám đến hồi thất thế. Xoay qua vấn đề Trí Hải, Lê Trung Ẩn trình bày một cách vừa đủ:

- Tâu hoàng thượng, đánh giặc bằng gươm giáo hay đánh giặc bằng trí óc, mỗi cách thế đều có sự quan trọng và ý nghĩa riêng của nó. Hàn Kỳ Vương không đem quân lính mà đem quân cờ từ nước lớn Trung Hoa vào khiêu chiến nước ta, làm cho bá tánh bị trêu ngươi, người người nổi giận. Hoàng thân Trí Hải đấu cờ với Hàn Kỳ Vương là một cuộc đấu trí rất gay go không thua gì trận quyết đấu binh hùng tướng mạnh một còn một mất trên chiến trường. Xét về cả hai mặt pháp lý và đạo lý chẳng những không có gì sai phạm mà còn chấm dứt được sự khiêu khích gây hiểu lầm và thù nghịch giữa dân ta và giới Hoa kiều tại kinh đô khắp nơi trong nước. Đây không phải là hành vi cờ bạc vui chơi mà đây là một cuộc chiến đấu bằng trí óc giữa nhân tài hai nước. Hoàng thân Trí Hải đã có công to phò tiên đế từ thời dựng nước. Tâm của Hoàng thân sáng như sao khuê. Hành động của Hoàng thân là một sự dấn thân đầy tài ba và can đảm. Đứng về mặt bảo vệ danh dự và quyền lợi của triều đình và bá tánh, Hoàng thân đã làm một việc tốt đầy quang minh chính đại. Nếu đã không xét về công thì thôi, chứ lẽ nào lại đi luận tội.

Các quan nhất phẩm cảm thấy quả thật “lời nói là bạc, im lặng là vàng”. Các quan nhị phẩm, tam phẩm đã lỡ phóng lao nịnh hót chóng mặt nhìn nhau.

Tiếng nói sang sảng qua lời tâu của Lê Trung Ẩn đầy sức thuyết phục, vừa chan chứa tình người, vừa đượm tình đất nước làm cho các quan văn võ, phần đông là các vị lão thần, bồi hồi nhớ lại buổi đại tiệc gần hai mươi năm xưa ở Ngự Viên giữa nhóm sĩ phu Bắc Hà và vua Gia Long. Những tâm hồn trải dài theo chiều dài của đất nước và vươn lên theo chiều cao của lương tri vẫn thường xuyên bị vật vờ với gió chướng từ mọi phía. Vững vàng thì đứng dậy mà chao đảo thì co cụm rút lui và tàn lụi như đám ma Hời Chiêm quốc.

Sau lời tâu của Lê Trung Ẩn, nhìn một lượt sự bày tỏ hiện ra trên khuôn mặt các đại thần rường cột của triều đình, nhà vua cũng biết được là giới trọng thần đang mạnh mẽ ủng hộ ý kiến của Quan thượng thư bộ Hình. Quyền lực của vua mang danh nghĩa nằm trên thiên hạ nhưng thực tế lại ở trong tay các đại thần. Vua biết là không nên và không thể đi xa hơn nên lạnh lùng “chuẩn tấu” và ra lệnh bãi triều.

Từ trên gò cao đình Thái Ấp, Phạm Xảo có thể nhìn bao quát khu dân cư trải dài trên cánh đồng mênh mông loáng nước đang đợi mùa cấy Đông Xuân. Lác đác trên đường quê, có nhiều nhóm nông dân đang gánh gồng bồng bế nhau di chuyển ra khỏi làng. Phạm Xảo men theo con đường quê, bước lần đến gần hỏi chuyện. Những người ra đi cúi gầm mặt, lầm lũi bước, chẳng ai nói với ai một lời. Hết nhóm nầy qua nhóm khác, cuối cùng mới có một cụ già nhìn trước nhìn sau nói nho nhỏ:

- Vừa qua, có mật chỉ từ quan triều đưa xuống rằng, Hoàng thân chủ Thái Ấp bị Hoàng thượng hạch tội, chúng tôi ở trong vùng chủ quản của hoàng thân sợ bị liên lụy nên đành phải bồng bế nhau ra đi.

Không hỏi thêm lời nào, Phạm Xảo quay về dinh ông Hoàng, gặp Trí Hải để báo tin nông dân rời Thái Ấp như một dấu hiệu chẳng lành rồi lên tiếng:

- Đốn cây to không ngã, giờ bứt lá chặt cành...

Trí Hải nhìn về phía ruộng đồng, thoáng ưu tư nhưng chẳng nói gì. Phạm Xảo lại bình luận:

- Còn đám nông dân kia thật là bạc nghĩa. Hoàng thân đối với họ trước sau như bát nước đầy, như tình thân quyến vậy mà chỉ mới nghe qua một tin đồn chưa rõ đầu đuôi thế nào đã vội bỏ đi. Tại sao chúng ta không giữ họ lại để nghe giải thích cho rõ ràng rồi đi hay ở tùy ý.

Trí Hải vẫn điềm nhiên:

- Tội nghiệp cho đám nông dân nghèo khổ và thật thà, họ đáng thương hơn là đáng trách. Thời nào họ cũng chỉ là công cụ áo cơm. Đất lành thì chim đậu, đất dữ thỉ bỏ đi là tâm lý thường tình. Người xưa có nói “thuận Thiên dã tồn, nghịch Thiên dã vong”nghĩa là thuận với Trời thì còn mà nghịch với Trời thì diệt. Trời là hình ảnh của một sức mạnh khống chế mọi chuyện. Trời giữa trần gian nầy là Vua, là quan quân triều đình. Đã đến lúc chúng ta cần phải buông bỏ tất cả thôi huynh. Còn một chút gì vướng mắc quanh ta là sẽ bị coi như còn cầm khí giới.

Phạm Xảo không tán thành:

- Như vậy là buông tay, chấp nhận thua cuộc mà không có một phản ứng nào để bảo vệ cho mình à?

- Trận chiến của lương tri thường không có biên giới và vũ khí rõ ràng, nên thắng có khi là thua và ngược lại.

- Một kẻ giết người cướp của là thua hay thắng trong trận chiến lương tri?

- Đã không có lương tri thì làm gì có trận chiến, có thắng hay thua. Mất lương tri thì tất cả chỉ còn là bóng đen của một sự trống rỗng vô tận hay là một cuộc hủy hoại tàn độc mà thôi.

Hai người im lặng đuổi theo ý nghĩ riêng. Nguồn suy tưởng của mỗi người khi đầy ắp chuyện đời, khi trống trơn chả có bóng dáng nào lai vãng.

Rồi những ngày xôn xao về tin đồn và phản ứng của người dân Thái Ấp đi qua và nguội dần trong vắng lặng. Khu làng trù phú một thời trong Thái Ấp thưa dần. Hơn năm trăm nóc nhà ngày trước nay chỉ còn trơ lại vài chục gia đình nông dân khó khăn đành phải ở liều tại chỗ.

Hình như tất cả những cái nhìn ái ngại của phía hoàng tộc và triều thần đều dồn về phía Trí Hải. Có rất ít kẻ hả hê đáng kiếp, có người thương cảm ưu tư, nhưng phần đông xót xa thầm lặng. Trí Hải và cuộc đời như một cuốn sách viết chuyện thần tiên, vừa gần vừa xa với mọi người nhưng hoàn toàn vô hại. Một cốt tiên mang dáng người phàm không làm cho ai mất công tìm kiếm hay xua đuổi. Nhưng khi nhân vật có dáng huyền thoại ấy sắp bị đọa vì sự nổi giận của thiên đình, người trần chẳng có ai tưởng tượng sẽ đưa lưng ra đỡ. Từ trong ước mơ thầm kín là thế giới tự do tuyệt đối, con người tha hồ bày tỏ sự khen chê. Người nông dân ra đi mà tấm lòng vẫn còn để lại. Người ta không ở lại để làm ruộng nhưng vẫn thường xuyên ghé về Thái Ấp. Mảnh đất trồng lúa ngày xưa nay được chia mảnh để trồng hoa như một cử chỉ bày tỏ lòng thương quý chủ nhân. Ai cũng biết Trí Hải là người yêu hoa và là một nhà chơi hoa tài tử ở kinh thành.

Cuối mùa Xuân, khi bắt đầu nắng ấm, hoa nở rộ muôn màu muôn vẻ. Được bàn tay của hàng trăm nông dân sớm sớm, chiều chiều tạt qua chăm bón, những cành hoa nhanh chóng vươn mình lên lấp đồng cỏ dại. Cả Thái Ấp là một rừng hoa rực rỡ tuyệt vời. Hoa Thái Ấp phát khởi từ những nâng niu và tấm lòng yêu thương của người nông dân đơn giản thật thà nên cả sắc và hương đều thoát ra dáng vẻ dịu dàng, thanh thoát. Hoa nơi đây không phải là những loài hoa quý tộc, vương giả, đuợc chăm bón thường xuyên và điệu nghệ như ở hoàng cung và kinh thành. Nhờ vậy, sự nẩy mầm vươn lên và trổ hoa tự nhiên, hài hoà bằng vẻ đẹp không kiêu sa mà gợi cảm. Nét đẹp hồn nhiên đi thẳng vào lòng người. Khi con người đã nhận ra tín hiệu của cái đẹp thì cái đẹp tự nó sẽ cung đón tâm hồn về ngự giữa trần gian đầy thánh thiện.

Rừng hoa Thái Ấp làm chấn động kinh thành, nhưng chẳng có ai đi xử tội một rừng hoa. Giữa mùa hoa, người bốn phương kéo đến xem hoa trùng trùng như trẩy hội. Tài tử giai nhân trải lòng hít thở trong thế giới hương sắc của vạn loài hoa. Điều họ mong ước nhất mà chẳng bao giờ thỏa mãn, đó là làm sao gặp được hoàng thân chủ Thái Ấp một lần. Không ai biết rằng sau dãy trường thành trên đồi xa, cả Trí Hải, Phạm Xảo và đôi ba gia nhân còn ở lại đang xới đất, ươm cây, tự lo lấy miếng ăn vì kho lương thực của Thái Ấp đã tháo khoán phát hết cho nông dân. Thuế canh điền là nguồn lợi tức duy nhất cũng không còn.

Phạm Xảo ngạc nhiên với sự làm lụng chăm chỉ của Trí Hải. Dường như Trí Hải để hết tâm tư trên từng luống đất. Mỗi lát cuốc vững vàng và chắc nịch như người nông dân từng trải tay nghề. Trí Hải cười vui hồn nhiên và có vẻ như chẳng để thì giờ hay khoảng trống của đầu óc để mất công suy nghĩ điều gì xa hơn là việc làm trước mắt. Một lần trong bữa cơm chiều, Phạm Xảo hỏi:

- Tôi vẫn thắc mắc là tại sao hoàng thân lại có vẻ thoải mái và vui vẻ trong một hoàn cảnh đáng buồn và vất vả như những ngày nầy?

Trí Hải chưa trả lời mà hỏi lại:

- Thế huynh có thấy thoải mái và vui vẻ trong công việc tay chân mới mẻ nầy không?

Phạm Xảo trả lời không do dự:

- Thật lòng là không. Tôi làm vì phải làm để lo nhu cầu cơm áo mà thôi.

Trí Hải hỏi lại:

- Cơm áo để làm gì?

- Để sống.

- Vậy thì mình tự tạo sự sống cho mình không phải là điều đáng vui sao huynh?

Phạm Xảo không nói gì, Trí Hải nói như gợi lại tâm sự:

- Hơn nửa đời người, tôi sống nhờ người khác. Người khác đổ mồ hôi và sức lao động để tạo ra miếng ăn và sự sống cho tôi chỉ vì tôi được sinh ra trong họ hàng vua chúa. Tôi đã làm được gì để có được dinh cơ và Thái Ấp nầy.

- Tôi hiểu. Nhưng đó là sự phân công xã hội. Người được lãnh đạo phải làm ra của cải vật chất để nuôi sống người lãnh đạo.

- Ai cho con người quyền lãnh đạo người khác?

- Người có sức mạnh và tài năng thì nắm quyền lãnh đạo là lẽ tự nhiên.

- Vẫn có biết bao nhiêu nhân vật xưa nay chẳng có tài năng gì cả nhưng vẫn nắm quyền lãnh đạo. Như trường hợp những vị ấu chúa, lên ngôi hoàng đế để chăn dắt muôn dân mà còn mũi chảy lò thò, chẳng hạn, thì tài năng ở đâu?

- Không có tài năng nhưng có sức mạnh của quan quân và dòng họ vua bao quanh ấu chúa.

- Đấy chỉ là một cách nói khác của luật sinh tồn mạnh được yếu thua mà thôi. Bởi vậy, sự bất lực và yếu đuối nhất của con người là chẳng ai cầm được vận mệnh của chính mình. Người ta vừa là chủ nhân vừa là nạn nhân; vừa là kẻ lãnh đạo vừa là người bị lãnh đạo. Sự thay đổi nhiều khi là một đời, một thời hay một khắc... của sự thuận thời, đắc thế mà thôi.

- Như vậy, xã hội là một mớ hỗn mang, chẳng có quy lật gì cả hay sao?

- Có chứ. Có quy luật nhưng là quy luật của chính nó hay nói khác hơn là của chính khung cảnh và thời điểm nó xuất hiện. Sẽ không có hai ánh sao băng hoàn toàn giống nhau trong dãi thiên hà trên kia; cũng như không bao giờ có một quy luật xã hội có thể đem ứng dụng đúng đắn cho tất cả mọi thời dưới cõi thế nầy.

Phạm Xảo đứng bên cửa sổ nhà ăn nhìn về phía thôn ấp dưới kia, hỏi một cách mệt mỏi:

- Hoàng thân có dự tính gì cho Thái Ấp trong những ngày sắp tới? Không lẽ chúng ta lại cùng nhau biến thành nông dân cuốc đất bất đắc dĩ như thế nầy mãi?

Trí Hải lắc đầu nhè nhẹ:

- Huynh không thấy một rừng hoa dưới kia sao? Ruộng hoang biến thành rừng hoa ngoài sự dự tính của tất cả mọi người chỉ trong một thời gian ngắn. Cái tâm lúa gạo của người nông dân nở hoa được như thế nầy cũng vì những mầm hoa đẹp nhất đã được vun xới và đâm chồi nẩy lộc trong lòng mỗi người Thái Ấp nầy từ bao nhiêu năm qua. Tìm ngày mai trong chính những gì chúng ta đang làm hôm nay. Vì chúng ta buông xả tất cả để tháo khoán hết kho liễm lúa gạo tích trữ mà cấp cho nông dân khi họ đang gặp lúc ngặt nghèo mất mùa lúa, nên hôm nay mới được mùa hoa.

Phạm Xảo xoa hai bàn tay chai đất của mình vào nhau và vịn khung cửa sổ đứng nhìn. Người từ kinh thành về xem hoa như hội. Những khóm hoa, luống hoa, vườn hoa và cả biển hoa huy hoàng nở rộ. Hoa phơi phới như một sự đền bù cho nụ cười không nở được khi người nông dân câm nín bỏ làng ra đi. Phạm Xảo không ngoái lui mà vẫn cảm nhận được có một nụ cười của Trí Hải đằng sau.

- Đẹp quá!

- Cả Thái Ấp nở hoa... và chúng ta đi cuốc đất!

Không biết ai là lời khen, ai là tiếng vọng; nhưng cả hai đều hướng đến một nụ cười đầy hoa và đầy tiếng đùa vui của một ngày mới nở

----o0o---

Nguồn: Phương trời cao rộng 17
Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]